Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Cuộc tình buồn 1

Cuộc tình buồn 1

Giới thiệu tác giả
Nguyên tác: Thérèse Desqueyroux
Nobel Văn Chương 1952
Mauriac không đòi cái tuyệt đối; ông biết rằng cái tuyệt đối không tồn tại với đức hạnh trong trạng thái thuần khiết...
FRANÇOIS MAURIAC (11/10/1885 - 1/9/1970)
Giải Nobel Văn học 1952
Sanh ngày 11 tháng 10 năm 1885 tỉnh Bordeaux (Pháp) và mất ngày 1 tháng 09 năm 1970 thành phố Paris (Pháp)
François Mauriac được trao giải Nobel vì những tác phẩm phản ánh bi-hài kịch đời người với một tinh thần thấu suốt và nghệ thuật thuyết phục. Chủ đề chính trong sáng tác của ông là cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, giữa Xác thịt và Linh hồn của “những con người sa ngã” và “nỗi cơ cực của con người không có Thượng đế”.
François Mauriac sinh trong một gia đình buôn rượu vang giàu có theo Công giáo, mồ côi bố khi chưa đầy hai tuổi, đến sống ở trang trại ông bà ngoại; bảy tuổi đi học, suốt đời mang ấn tượng về phong cảnh miền quê.
Tốt nghiệp trung học, F. Mauriac vào học khoa văn chương tại Đại học Bordeaux, sau chuyển đến Paris, làm báo và sớm trở thành nhà văn độc lập. Năm 1909, theo lời khuyến khích của tòa soạn báo Thời đại chúng ta, F. Mauriac xuất bản tập thơ đầu tiên Những bàn tay gắn kết; nhưng phải đến năm 1922 ông mới nổi tiếng là nhà viết tiểu thuyết có tài với cuốn Nụ hôn cho người hủi.
Trong Thế chiến I, tuy không phải nhập ngũ vì lí do sức khỏe, F. Mauriac vẫn tình nguyện tham gia tổ chức Hồng thập tự, phục vụ trong quân y viện hai năm ở Balkans, năm 1918 mới giải ngũ. Trong những năm 1920 ông viết hàng loạt tiểu thuyết, trong đó có cuốn Sa mạc tình yêu được tặng giải thưởng cao nhất của Viện Hàn lâm Pháp.
Thérèse Desqueyroux (1927) cũng là tác phẩm thành công, được giới phê bình coi là tiểu thuyết Pháp hay nhất đầu thế kỉ XX. Ổ rắn độc (1932) kể về một bi kịch gia đình với nghệ thuật phân tích tâm lí sâu sắc được coi là đỉnh điểm trong sáng tác của F. Mauriac. Năm 1933, nhà văn được bầu vào Viện Hàn lâm Pháp.
Trong Thế chiến II, F. Mauriac tham gia chống phát xít Đức chiếm đóng Pháp, ủng hộ De Gaulle. Tiểu thuyết Cuốn sổ đen được trao tặng huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Sau năm 1945 F. Mauriac làm đại diện Pháp trong tổ chức Liên Hiệp quốc (UNESCO). Lần đầu tiên ông được đề cử tặng giải Nobel vào năm 1946, nhưng phải 6 năm sau mới được trao giải. Từ đó đến cuối đời F. Mauriac xuất bản thêm 2 cuốn tiểu thuyết, hàng loạt hồi kí (chủ yếu về De Gaulle) và làm báo (giữ những chuyên mục rất nổi tiếng thời bấy giờ). Nhà văn mất năm 85 tuổi, một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết cuối cùng.
Có thời kỳ F. Mauriac được đánh giá là nhà văn Pháp lớn thứ hai trong thế kỉ XX (sau M. Proust), nhưng dần dần uy tín của ông bị giảm sút, theo các nhà phê bình thì chủ yếu là do đề tài và văn phong của ông hơi đơn điệu.
* Tác phẩm:
Những bàn tay gắn kết (Les mains jointes, 1909), thơ.
Đứa con dưới gánh nặng xích xiềng (L’enfant chargé de chaines, 1911), tiểu thuyết.
Thịt và máu (La chair et le sang, 1920), tiểu thuyết.
Nụ hôn cho người hủi (Le baiser aux lepreux, 1922), tiểu thuyết.
Sông lửa (Le fleuve de feu, 1923), tiểu thuyết.
Bà cụ tổ (Genitrix, 1923), tiểu thuyết.
Giông tố (Orages, 1925), thơ.
Sa mạc tình yêu (Le désert de l’amour, 1925), tiểu thuyết.
Điều đã mất (Ce qui était perdu, 1926), hồi kí.
Thérèse Desqueyroux (Thérèse Desqueyroux, 1927), tiểu thuyết.
Những đau khổ của một tín đồ Kitô giáo (Souffrances du Chrétien, 1928), tiểu luận.
Chúa và Mammon (Dieu et Mammon, 1929), tiểu luận.
Đau khổ và niềm vui của một tín đồ Kitô giáo (Souffrances et bonheur du chrétien, 1931), [Anguish and Joy of the Christian Life], tiểu luận.
Ổ rắn độc (Le noeud de vipère, 1932), tiểu thuyết.
Bí ẩn nhà Frontenac (Le Mystère Frontenac, 1933), tiểu thuyết [The Frontenac mystery].
Đêm tàn (La fin de la nuit, 1935), tiểu thuyết.
Các thiên thần đen (Anges noirs, 1936), truyện.
Đời Jésus (La vie de Jésus, 1936), tiểu luận.
Lặn dưới nước (Plongées, 1938), tập truyện.
Asmodée (Asmodée, 1938), kịch.
Những con đường của biển (Les chemins de la mer, 1939), truyện.
Máu Atys (Sang d’Atys, 1940), thơ.
Người đàn bà đạo đức giả (La pharisienne, 1941), kịch.
Cuốn sổ đen (Le cahier noir, 1943), tiểu thuyết.
Nhật ký (Journal, 1934-1950), hồi kí.
Con cừu non (L’Agneau, 1954), tiểu thuyết.
Hồi ký nội tâm (Mémoires intérieurs, 1959), luận văn.
Điều tôi tin (Ce que je crois, 1962), hồi kí.
Nghiên cứu về Charles de Gaulle (1964).
Một đứa trẻ ngày nào (Un adolessent d’autrefois, 1969), tiểu thuyết.
Ba câu chuyện (Trois récits), tập truyện ngắn.
* Tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt:
Cuộc tình buồn, Nguyễn Bích Như - Thu Uyên dịch, NXB Tổng hợp Bình Định, 1990.
Người vợ cô đơn (tiểu thuyết), Mặc Đỗ dịch, NXB Hội Nhà Văn, 1997.
Bí ẩn nhà Frontenac, Dương Linh dịch, NXB Thế Giới, 1999.
Giới thiệu Tác Phẩm
Tiểu thuyết lấy bối cảnh ở Landes, một vùng dân cư thưa thớt ở tây nam nước Pháp, được bao phủ rộng bởi những cánh rừng thông. Khi thiên tiểu thuyết bắt đầu, một vụ kiện đang bị bác bỏ. Người tường thuật, Thérèse có địa vị, bị xét xử tội đầu độc chồng mình Bernard bằng cách cho ông uống Fowler’s Solution quá liều, một thứ thuốc chứa thạch tín. Tuy có những bằng chứng vững vàng chống lại mình, bao gồm cả những toa thuốc cô giả mạo, vụ kiện bị ngừng lại; gia đình kết thúc các địa vị xã hội để tránh tai tiếng và bản thân Bernard cũng làm chứng cho lời biện hộ của cô. Trên đường từ tòa án về nhà, Thérèse nhìn lại cuộc sống của mình, cố gắng hiểu được điều gì đã khiến cô tiếp tục đầu độc chồng mình sau khi cô quan sát ông tình cờ uống thuốc quá liều. Cô giả thuyết rằng những hành động của cô là một phần của một “con dốc không thể nhìn thấy”, tạo nên từ những áp lực khi làm mẹ và hôn nhân và cuộc sống ngột ngạt khi làm vợ một địa chủ đạo Thiên Chúa những năm 1920 của nước Pháp thôn dã. Tuy vậy, Thérèse và cả người tường thuật không cung cấp một lời giải thích rõ ràng cho hành vi của cô.
Thérèse cho rằng cô có thể âm thầm rời bỏ chồng bây giờ khi vụ kiện đã kết thúc. Thay vào đó, Bernard thông báo rằng cô sẽ sống tại nhà của gia đình ông, Argeluose, một vị trí biệt lập trong rừng thông. Ông thực sự giam cầm cô ở đó, lấy lý do rằng cô đang mắc phải bệnh thần kinh, và thường xuyên xuất hiện trước công chúng với cô để dập tắt mọi lời xầm xì. Mối quan tâm của ông là cuộc hôn nhân sắp tới của em gái ông Anne với một chàng rể được duyệt bởi gia đình, không bị ngăn cản bởi vụ tai tiếng nào hết. Ông chỉ cho phép Thérèse bầu bạn với những người hầu dễ ghét, tách cô khỏi con gái mình, và đe dọa tống cô vào ngục vì tội đầu độc nếu không hợp tác. Thérèse sống chủ yếu nhờ rượu và thuốc lá, rơi vào trạng thái ngẩn ngơ thụ động và mất ngủ. Khi cô được yêu cầu tham dự một bữa dạ yến tổ chức cho Anne, chồng chưa cưới và gia đình anh, cô đã tham dự, nhưng vẻ ngoài hốc hác khiến cho các vị khách bị sốc. Bernard quyết định, không phải bàn cãi nữa, rằng vụ bê bối sẽ không bao giờ hoàn toàn được quên lãng trừ khi Thérèse được phép biến mất. Ông hứa cô có thể rời đi sau đám cưới của Anne, và chuyển cô về Argelous để theo dõi sự hồi phục của cô. Đám cưới trôi qua, ông đưa Thérèse tới Paris và chào tạm biệt. Không có sự ly thân và li dị chính thức, và ông sẽ chu cấp cho cô để tiếp tục sống. Cô được tự do.
Thùy An dịch
Lời đầu sách
Yêu nhau, cả hai cũng nhìn về một hướng. Trong tình yêu chân chính không thể có sự áp đặt bởi một mãnh lực nào, càng không thể đòi hỏi trong tình yêu phải có sự trả giá bằng sự hẹp hòi, ích kỷ, quyền lợi và danh vọng... Thế nhưng, quan niệm “môn đăng hộ đối” của xã hội phong kiến đã khiến cho tình yêu chân chính bị lệch ngả, sai đường. Thérèse, một cô gái sống trong một tỉnh lẻ, có phẩm hạnh và có học thức, đã chấp nhận thành hôn với chàng trai láng giềng không phải vì tình yêu, mà vì sự gán ghép của họ hàng làng xóm theo quan niệm “môn đăng hộ đối” vô cũng nghiệt ngã, và cũng vì cha cô, một người đàn ông góa vợ muốn khỏi vướng bận vì có con gái. Bản thân cô muốn cơ nghiệp bền vững và gia tăng gấp bội... Và cũng do chính mình biếng lười đấu tranh, chấp nhận số phận như một an bài cho cuộc đời xuôi chèo mát mái, Thérèse đã phải sai lầm.
Ngay sau ngày cưới, Thérèse thất vọng vì cảnh sống khuôn phép, gò bó nơi gia đình chồng, và nàng đã phải chịu đựng những tháng ngày tẻ nhạt và vô vị bên người mình không yêu. Trớ trên thay, Thérèse lại được cha mẹ chồng tin cẩn, giao cho nhiệm vụ lôi kéo cô em chồng “về với lẽ phải”, nghĩa là “phải chấp nhận sự xếp đặt hôn nhân do chính gia đình lựa chọn”! Cô em chồng buộc phải từ bỏ người mà có ấy yêu say mê tha thiết, Jean Azévédo, để lấy con trai nhà Deguzlhem. Cô gái thề bảo vệ tình yêu cho đến chết, và cô tuyên bố nhận chịu sự phán xử của chị dâu mình.
Thérèse bị đặt trước tình huống nan giải: lẽ nào bắt cô em chồng đáng thương kia phải đi theo con đường buồn chán khổ đau như hiện thân của mình trong gia đình chồng hiện tại. Chính hàng đang khao khát có được mối tình say mê nồng nhiệt như cô em chồng mà không sao có được! Cuối cùng, bởi nhiệm vụ nặng nề thúc bách, Thérèse buộc phải tìm đến gặp chàng trai đề mong thuyết phục anh ta buông thả, trả em mình về với gia đình. Ðiều bất ngờ đến thảng thốt, nàng đã khám phá ra rằng, chàng trai nọ không hề có tình yêu chân chính với em mình, và... hạnh phúc là điều không có thật! Thérèse hoàn toàn thất vọng và nàng muốn thoát khỏi kiếp sống vô vị, ảo vọng đã ràng buộc nàng bởi quan niệm gia đình không tạo bằng tình yêu chân chính.
Không biết vô tình hay cố ý, Thérèse đã cho chồng uống thuốc quá liều, nhưng may thay chồng nàng thoát chết. “Vụ đầu độc” rốt cuộc được chính gia đình bên chồng dàn xếp ổn thỏa, và ngay cả cha nàng cũng đã làm như vậy. Tất cả chỉ vì muốn bảo vệ danh dự gia đình bên chồng, cũng như để khỏi ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức của cha nàng đối với xã hội... Nói chung, Thérèse cũng như những người trẻ tuổi của xã hội phong kiến, bởi ràng buộc quan niệm gia đình khắt khe, vụ lợi... đã không thể sống cho chính mình bằng một tình yêu chân chính. Phải chăng, bản thân con người thiếu sự đấu tranh, dễ dàng chấp nhận sự an bài số phận, để phải trả giá đắng cay cho chính mình, và có nên cho đó là “cuộc tình buồn”?
Trong tác phẩm THÉRÈSE DESQUEYROUX, Françoise Mauriac sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi đó.
4-1990
Nguyễn Bích Như - Thu Uyên dịch
Chương I
Viên luật sư mở cánh cửa. Nơi hành lang khuất vắng của pháp đình, Thérèse Desqueyroux cảm thấy sương mù phả vào mặt, nàng lặng hít một hơi dài. Sợ người nhà chờ lâu, nàng ngần ngừ dợm bước ra. Một người đàn ông, cổ áo bẻ ngược, vội vã rời khỏi cây ngô đồng, nàng nhận ra cha mình. Viên luật sư nói to: “Miễn tố” rồi quay sang Thérèse: - Chẳng có ai, bà có thể ra được rồi.
Nàng bước xuống bậc tam cấp ẩm ướt. Thật vậy, quảng trường nhỏ hầu như hoang vắng. Cha nàng không hôn hàng, cũng chẳng buồn nhìn đến nàng, ông hỏi han luật sư Duros, hai người xầm xì cứ như bị ai rình rập. Nàng thoáng nghe câu chuyện của họ:
- Ngày mai, tôi sẽ nhận được giấy báo chính thức miễn tố.
- Không còn đột biến gì chứ?
- Không, củ cà-rốt đã chín, như người ta vẫn nói.
- Sau lời khai của thằng rể tôi, mọi việc đều êm xuôi?
- Êm xuôi, êm xuôi... Biết sao được.
- Từ khi tự nó thú nhận, nó không hề đếm giọt.
- Thưa ông Larroque, trong những vụ loại này, lời chứng của nạn nhân...
Giọng Thérèse chợt cất lên:
- Làm gì có nạn nhân.
- Thưa bà, tôi chỉ muốn nói nạn nhân của tính khinh suất.
Trong một thoáng, hai người đàn ông quay nhìn thiếu phụ, quấn chặt trong chiếc áo choàng, với bộ mặt xanh xao, không biểu lộ một tình cảm nào. Nàng hỏi xe đâu, cha nàng bảo đã dặn họ chờ trên đường đến Budos, ngoài thành phố, để thiên hạ khỏi tò mò.
Họ băng qua quảng trường, lá ngô đồng dán chặt trên những chiếc băng, ướt đẫm nước mưa. May thay, ngày như ngắn hơn. Vả lại, để ra đường Budos, người ta có thể men theo các ngõ phố vắng của thị trấn. Thérèse lặng lẽ đi giữa hai người đàn ông, đầu thấp hơn nàng cái trán, và một lần nữa họ lại bàn cãi như không có nàng ở đó, nhưng vướng víu vì cứ bị ngăn cách bởi tấm thân phụ nữ ấy, thỉnh thoảng họ lại thúc cùi chỏ vào người nàng. Thế là nàng bước chậm lại, tháo găng tay trái ra, để gỡ rêu trên những vách đá cũ kỹ, dọc theo lối đi. Ðôi khi, một anh thợ cưỡi xe đạp hay một chiếc xe bò vượt qua, bùn văng tung tóe, khiến nàng phải nép sát vào tường. Nhưng bóng hoàng hôn đã che khuất Thérèse, khiến người ta không còn nhận ra nàng. Mùi lò bánh và sa mù đối với nàng, không chỉ là thứ hương ngây ngất ban chiều, nơi phố nhỏ, mà nàng còn tìm thấy ở đó hương vị cuộc sống, cuối cùng, đã được trả lại cho nàng. Nàng khép mắt, trước hơi thở mơn man của đất cỏ đìu hiu, ẩm ướt, cố không nghe các câu nói của con người nhỏ thó, với đôi chân cong ngắn ngủn, đã không một lần ngoái lại nhìn con gái mình, tưởng chừng nàng có thể ngã vật xuống vệ đường, mà cả ông ta lẫn Duros, đều chẳng ai hay biết. Họ không còn ngại nói to nữa.
- Lời khai của ông Desqueyroux tuyệt thật. Nhưng còn cái toa thuốc kia, kể ra, đó là giả mạo... Và chính bác sĩ Pédemy đã khiếu nại.
- Ông ta đã rút đơn...
- Khổ nỗi, bà ấy đã khai: một kẻ lạ mặt đã trao cho bà ấy cái toa thuốc.
Muốn khỏi phải nghe những câu nói từng khiến nàng điên đầu từ mấy tuần qua, chớ không phải vì mệt mỏi, Thérèse cố tình bước chậm lại, nhưng giọng rít của người cha vẫn lọt vào tai nàng:
- Tôi đã bảo nó nhiều lần: “Con khốn, hãy tìm điều gì khác, tìm điều gì khác kia...”
Ông đã dặn nàng nhiều lần, đúng vậy, và đã bảo vệ được quyền lợi mình. Sao ông vẫn còn chộn rộn thế? Cái mà ông gọi là thanh danh gia đình, thực ra có hề hấn gì đâu, bây giờ cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử thượng viện, chẳng ai còn nhớ đến chuyện nàng nữa. Thérèse thầm nghĩ và không muốn theo kịp hai người đàn ông, nhưng đang lúc hăng say tranh luận, họ bỗng dừng lại giữa đường, vừa nói vừa hoa chân múa tay.
- Cứ tin tôi, thưa ông, Larroque, hãy mạnh đạn đương đầu, mình mở cuộc tấn công trên tờ “Người gieo hạt” chúa nhật, ông muốn tôi đảm trách việc này không? Cần cái tựa như “Tiếng đồn bỉ ổi”.

- Không, không, thôi đi, ông bạn. Vã lại, còn nói gì nữa? Rõ ràng là họ chỉ thầm cứu qua loa, họ cũng chẳng cần giám định chữ viết, im lặng, dìm đi, tôi chỉ muốn có thế. Lẽ ra tôi phải kiện đòi bồi thường nữa đấy, nhưng vì gia đình, phải giấu kín mọi chuyện phải giấu kín...
Thérèse không nghe câu đáp của Duros vì họ đã bước đi. Như kẻ sắp nghẹt thở, nàng lại hít thật sâu làn không khí ẩm ướt của đêm mưa, và đột nhiên gương mặt xa lạ của bà ngoại Julie Bollande, vụt hiện về trong trí nàng - Xa lạ: vì rằng không thể tìm thấy trong các gia đình Larroque hay Desqueyroux một bức chân dung hay một tấm ảnh nào của người phụ nữ, chẳng ai một biết tí gì về bà, ngoại trừ việc bà đã bỏ đi vào một ngày xa xưa nọ. Thérèse hình dung có thể chính nàng cũng sẽ bị loại trừ, lãng quên như thế và sau này, người ta cũng sẽ không cho phép con gái nàng, cô Marie bé bỏng, được thấy trong quyển an-bom, khuôn mặt kẻ đã sinh ra nó. Giờ này, Marie đang ngủ say trong một căn phòng ấm cúng ở Argelouse, nơi Thérèse sẽ về tới rất muộn, trong đêm này; lúc đó, nàng sẽ nghe thấy trong bóng tối giấc ngủ trẻ thơ ấy và sẽ cúi xuống, đôi môi khát khao sẽ tìm đến với cuộc sống non tơ đang thiêm thiếp giấc nồng kia, như tìm nước uống.
Bên bờ rãnh, ánh đèn lồng của một chiếc xe đã hạ mui, soi rõ hai mông ngựa gầy nhom. Phía xa, khu rừng tăm tối vươn dài hai bên đường. Từ bờ dốc này sang bờ dốc bên kia, lác đác mấy ngọn thông đầu tiên, giao nhau và dưới vòng cung ấy, con đường bí ẩn mất hút. Qua những cành lá chằng chịt, nhìn thấy bầu trời thấp thoáng trên cao.
Lão xà ích nhìn Thérèse với đôi mắt cú vọ. Nàng hỏi, để đáp chuyển xe lửa cuối cũng, liệu họ có đến ga Nizan quá sớm không? Lão khuyên nàng yên tâm và đừng nên chậm trễ.
- Lần cuối, ông phải khó nhọc vì tôi đấy, Gardère ạ!
- Bà không còn việc gì ở đây à?
Nàng lắc đầu và ông lão vẫn ngó nàng chăm bẳm. Có phải, suốt đời, nàng sẽ bị nhìn chòng chọc vào mặt như thể?
- Sao, con vừa lòng rồi chứ?
Hình như cuối cũng người cha mới nhận ra sự hiện diện của nàng. Thérèse vụt liếc nhìn bộ mặt cau có, đôi gò má xù xì những sợi lông bạc cứng, vàng hực dưới ánh đèn xe.
Nàng khẽ nói:
- Con đã đau khổ nhiều… con quá mệt mỏi…
Rồi im bặt. Nói ra ích gì? Ông không hề nghe nàng, ông không còn trông thấy nàng nữa. Sự chịu đựng của Thérèse có dính dáng gì đến ông đâu? Chỉ có một điều đáng kể: đường vào Thượng viện của ông bị trở ngại, vì liên lụy đến con cô gái (tất cả, nếu không ngu xuẩn, cũng mắc bệnh cuồng trí). Cũng may mà nàng không còn mang tên Larroqe, nàng đã thuộc dòng họ Desqueyroux. Thoát được phiên tòa đại hình, ông thở phào nhẹ nhõm. Làm sao ngăn cản đối thủ khơi lại vết thương? Ngay ngày mai, ông sẽ đến gặp viên quận trưởng. Nhờ trời, ta nắm được tay chủ nhiệm tờ “Lande[1] bảo thủ”. Chuyện vớ vẩn của bọn con gái… Ông nắm cánh tay Thérèse:
- Lên nhanh đi, đến giờ rồi.
Lúc đó, viên luật sư, tò mò một cách nham hiểm, hoặc chả lẽ để nàng đi, mà chẳng ngỏ lời nào đã, hỏi nàng có gặp Bernard Desqueyroux ngay đêm nay không.
Nàng đáp:
- Ô! Đương nhiên, anh ấy chờ tôi mà...
Lần đầu tiên kề từ khi rời viên dự thẩm, nàng nghĩ dù thể nào thì trong vài giờ nữa, nàng cũng sẽ bước qua ngưỡng cửa căn phòng, nơi chồng nàng còn chưa khỏi hẳn, đang nằm dưỡng bệnh và một chuỗi dài kế tiếp những ngày, những đêm, dằng dặc trôi qua, nàng phải sống bên cạnh con người ấy.
Về ngụ ở nhà cha mình, ngay cổng vào thị trấn, từ khi bắt đầu cuộc thẫm vấn, cố nhiên nàng vẫn thường đi xe như đêm nay. Nhưng bấy giờ, nàng không có mối bận tâm nào khác hơn, là báo cho chồng biết chính xác tình hình; nàng lắng nghe, trước khi lên xe, lời đầu dò cuối cùng của Duros, quanh những câu mà ông Desqueyroux buộc phải trả lời, nếu bị tái thẩm. Dạo đó Thérèse chẳng thấy âu lo gì, cũng chẳng ngượng nghịu khi phải đối mặt với con người bệnh hoạn ấy, bấy giờ vấn đề giữa họ không phải là việc gì đã thật sự xảy ra, mà là những điều cần nói hay không nên nói ra. Trong cuộc biện hộ đã qua, hai vợ chồng cảm thấy gắn bó nhau hơn bao giờ hết. Gắn bó trong cùng một máu thịt - máu thịt của Marie con gái của họ. Ðể đối phó với viên dự thẩm họ cũng sắp xếp một câu chuyện đơn giản, mạch lạc, để có thể thuyết phục nhà chức trách. Dạo đó, Thérèse cũng bước lên chiếc xe ngựa đón chờ nàng như đêm nay - với sự nôn nóng muốn kết thúc chuyến đi ban đêm, mà lúc này nàng ao ước đừng bao giờ đến đích. Nàng nhớ, lúc vừa lên xe, nàng đã muốn có mặt ngay trong căn buồng ở Argelouse và nhẩm lại những điều Bernard chờ nghe (miễn anh đừng ngại xác nhận), nàng có nói với anh chiều nọ về cái toa thuốc mà một kẻ lạ mặt đã van nài nàng mua hộ, viện lẽ hắn ta còn nợ hiệu thuốc quá nhiều tiền bạc nên không dám chường mặt ở đó... Nhưng Duros không tin là Bernard lại có thể nhận là mình nhớ đã có lần trách cứ vợ về một sự khinh suất như vậy...
Cơn ác mộng qua đi, đêm nay Bernard và Therèse sẽ nói gì với nhau. Nàng nhìn thấy trong tâm tưởng, ngôi nhà hẻo lánh, nơi anh chờ đợi nàng, nàng mường tượng cái giường, đặt giữa căn phòng lát gạch vuông, ngọn đèn thấp, chong trên chiếc bàn ngủ, cạnh những tờ báo và chai lọ, bầy chó giữ nhà, bị chiếc xe về đánh thức, sủa ầm lên một lát rồi im bặt, sự tĩnh mịch thâm nghiêm bao phủ như suốt những đêm nàng ngồi nhìn Bernard lăn lộn nôn mửa. Thérèse cố hình dung ánh mắt đầu tiên, lát nữa đây họ sẽ trao nhau, rồi đêm nay và, ngày mai, ngày kia tiếp nối những tuần, những tháng trong ngôi nhà ở Argelouse, nơi họ không còn phải cùng nhau thêu dệt tấm bi kịch họ vừa trải qua, theo cách có thể thổ lộ được. Giữa họ, giờ đây chỉ còn lại những gì là thật... rất thật...
Thốt nhiên hoảng sợ, Thérèse quay sang viên luật sự, ấp úng, (kỳ thực là qua ông ta nàng muốn ngỏ ý với cha mình):
- Tôi định lưu lại vài hôm bên anh Desqueyroux. Sau đó; nếu tình hình khả quan, tôi sẽ quay về với cha tôi.
- À không, không được đâu!
Và bởi Gardère cứ nhấp nhổm trên ghế ngồi, ông Larroque hạ giọng nhắc lại:
- Con điên mất rồi? Lìa bỏ chồng con trong lúc này ư? Các con phải khắng khít nhau như hai ngón tay... như hai ngón tay, nghe chưa? Cho đến chết...
- Cha nói đúng, thưa cha, chẳng biết đầu óc con để đâu? Vậy thì cha sẽ đến Argelouse chứ?
- Ờ! Thérèse, cha sẽ chờ con ở nhà, những ngày thứ năm lễ hội như thường lệ. Các con sẽ đến, như xưa nay vẫn đến!
Khó thể tưởng tượng là nàng lại không hiểu rằng bất cứ điều cỏn con nào trái với lệ thường cũng mang đến cho họ tan nát, khổ đau. Dĩ nhiên thôi. Ông có thể tin cậy nơi Thérèse? Nàng đã gây cho gia đình bao phiền muộn...
- Con phải làm tất cả những gì chồng con muốn. Cha không thể nói nhiều hơn.
Đoạn ông đẩy nàng lên xe.
Thérèse thấy bàn tay có những móng đen cứng của viên luật sự, chìa về phía nàng: “Việc gì xong xuôi là tốt”, hắn ta nói, và tự đáy lòng hắn biết, nếu vụ này tiến triển bình thường, hắn ta chẳng được lợi lộc gì, bởi gia đình hắn phải cậy nhờ đến luật sư Peyrecave, trên Bordeaux. Vâng, tất cả đã êm xuôi...
Chương II
Thérèse vốn ưa mùi da ẩm mốc của những chiếc xe cổ lỗ. Nàng bỏ quên gói thuốc, nhưng tự an ủi: mình không thích hút trong bóng tối. Ngọn đèn lồng soi rõ bờ dốc, rặng dương xỉ đìu hiu và những góc thông to tướng. Mấy đống sỏi làm bóng cỗ xe trở nên đi động. Thỉnh thoảng, một chiếc xe bò lọc cọc đi qua, mấy con la tự động nép sang phải, trong khi người đánh xe ngủ gà ngủ gật, chẳng buồn nhúc nhích. Thérèse tưởng như mình chẳng bao giờ đến Argelouse, bởi nàng đang ao ước con đường này hãy thành vô tận, không phải còn một giờ ngồi xe về tận ga Nízan và chuyến xe lửa cứ ngừng mãi ở mỗi ga xép. Cả từ Saint Clair nữa, nơi nàng sẽ xuống, cho đến Argelouse, còn phải vượt mươi cây số bằng xe bò có mui (đấy, con đường chẳng một chiếc ô tô nào đám chạy ban đêm).
Ðịnh mệnh, còn có thể hiện ra ở bất cứ chặng đường nào, để giải thoát cho nàng. Trước ngày có phán quyết, Thérèse không sao xua đuổi khỏi tâm trí nỗi ám ảnh huyền hoặc: một trận động đất sẽ xảy ra, nếu họ vẫn buộc tội nàng. Nàng giở nón ra, mái đầu nhỏ nhắn, rũ rượi tựa trên ghế da thoảng mùi mốc, mặc nó bồng bềnh và xác thân dằn xốc. Cho đến đêm này, nàng đã sống như kẻ bị truy nã; giờ tai nạn qua khỏi, nàng cảm thấy mỏi mòn. Má hóp sâu, môi héo hắt, với vầng trán rộng kiêu kỳ, tạo thành bộ mặt kẻ bị kết án – đúng thế, dù rằng người ta đã công nhận nàng vô tội - kết án lưu đày vào cõi trăm năm cô đơn. Vẻ quyến rũ khó lòng cưỡng nổi của nàng trước kia, như ấp ủ một nỗi niềm u ẩn, một vết thương đau thầm kín, nàng chắc tất cả đều biết vậy, nếu họ không cố tình tự lừa dối.
Ngồi sâu trong chiếc xe lắc lư, trên con đường xuyên qua bóng tối dày đặc của rừng thông, người thiếu phụ trẻ, chẳng cần phải đóng kịch nữa, đưa tay dịu dàng mơn trớn gương mặt ủ ê của mình. Bernard, kẻ đã ngụy chứng để cứu nàng, sẽ nói những lời đầu tiên ra sao? Có thể anh ấy sẽ chẳng hỏi gì đêm nay... còn ngày mai? Thérèse nhắm nghiền mắt lại, đoạn mở hé ra, và thấy đầu ngựa đang lê từng bước khó nhọc, nàng cố nhận ra con dốc. A! Đừng nghĩ gì trước cả. Có lẽ mọi sự sẽ đơn giản hơn là mình tưởng. Ðừng nghĩ ngợi gì hết. Ngủ đi.
Sao hàng không còn ngồi trong xe nữa nhỉ? Còn cái người bệ vệ sau tấm thảm xanh kia, ồ! viện dự thẩm... lại vẫn ông ta! Ông ta thừa biết nội vụ đã được dàn xếp rồi mà. Đầu ông ta nghiêng từ trái sang phải: có sự kiện mới, không thể ký lệnh miễn tố. Một sự kiện mới ư? Thérèse quay đi, để địch thủ khỏi nhìn thấy gương mặt thất sắc của mình.
- Hãy cố nhớ lại xem, thưa bà. Chỗ túi trong của chiếc áo choàng cũ kỹ này. Chiếc áo mà bà chỉ dùng tới vào tháng Mười, trong mùa săn chim Cu, bà có để quên cái gì, có giấu giếm cái gì không?
Không thể chối cãi, nàng nghẹn thở.
Dán mắt vào con mồi của mình, viên thẩm phán đặt lên bàn một gói nhỏ có đóng khằng đỏ - Thérèse có thể đọc vanh vách cái công thức ghi trên bao bì và người kia sẵng giọng:
- Chloroforme[2]: 30 gam, Aconitine[3] viên nhỏ số 20, Digitaline[4]: 20 gam.
Viên thẩm phán cười phá lên... Thắng rít kèn kẹt dưới bánh xe. Thérèse choàng thức; ngực căng phồng, đầy ắp sương mù (chắc là xe đang xuống con suối trắng). Thuở mới lớn, nàng cũng mơ như thế, khi một nhầm lẫn buộc nàng phải thi lại bằng Trung học. Ðêm nay, khi sực tỉnh, nàng cũng thấy lâng lâng nhẹ nhõm như hồi ấy: tuy có hơi bồn chồn bởi chưa chính thức có lệnh miễn tố. “Nhưng con thừa biết, còn phải tống đạt trước cho luật sư đã”.
Tự do... còn mơ ước gì hơn. Trở lại cuộc sống bình thường bên cạnh Bernard, đối với nàng chỉ là trò đùa. Bộc bạch hết với anh ấy, đừng để vương vấn thoáng nghi ngờ nào: đó là lối thoát. Tất thảy những gì khuất lấp, phải được phơi bày ra ánh sáng và ngay trong đêm nay. Giải pháp ấy khiến Thérèse rào rạt niềm vui. Trước khi về tới Argelouse, nàng còn chán thì giờ để “dọn mình xưng tội”, theo cách mà Anne de la Trave, cô bạn gái sùng đạo, vẫn lập luận, mỗi thứ bảy, trong những kỳ hè vui vẻ. Anne bé bỏng, hồn nhiên, em giữ vai trò nào trong chuyện này? Những đứa trẻ trong trắng nhất đâu biết hàng ngày, hàng đêm chúng can dự những gì. Và điều gì nảy mầm độc, dưới gót chân thơ dại của chúng.
Tất nhiên, cô bé ấy có lý, khi nó nhắc nhở Thérèse, cô nữ sinh trung học hay lý sự và ưa cợt đùa: “Chị không thể tưởng tượng nổi đâu, mình cảm thấy như được giải thoát, sau mỗi lần thú tội và được tha thứ. Khi thanh thản, không còn vướng mắc, ta lại có thể bắt đầu cuộc sống với những lầm lỡ mới. Chỉ cần quyết định nói hết là Thérèse đã cảm thấy nhẹ lòng: “ Bernard biết cả rồi, mình phải nói...”
Nàng sẽ nói gì với anh ấy? Thú nhận từ đầu? Liệu lời nói có đủ diễn tả một chuỗi dài lẫn lộn những ước muốn, những ý định, những hành vi không thể biết trước? Những kẻ ý thức rõ tội lỗi của mình, họ xử sự ra sao nhỉ?... “Tôi lại không biết rõ tội lỗi của tôi. Tôi đâu muốn làm cái điều mà người ta gán cho tôi. Tôi không biết tôi muốn gì. Tôi chưa bao giờ hiểu thấu sức mạnh điên cuồng, không thể kềm chế trong tôi, sẽ đưa tôi tới đâu: những gì nó hủy hoại dọc đường đi của nó, chính tôi đây cũng khiếp hãi...”
Một ngọn đèn dầu bốc khói mù mịt, soi sáng bức tường vôi xù xì của nhà ga Nizan và chiếc xe bò đậu gần đó. (Bóng tối hãy nhanh chóng vây bủa chung quanh). Từ một con tàu ngừng bến, vẳng lại những tiếng bò rống; dê kêu buồn bã. Gardère cầm lấy túi xách của Thérèse và một lần nữa, lại nhìn nàng chằm chằm. Chắc mụ vợ lão ta đã căn dặn: “Ông cố mà nhìn cho kỹ, xem người ngợm bà ấy thế nào, đầu óc bà ấy ra sao nhé...” Về người xà ích của ông Larroque, tự dưng Thérèse nhớ lại nụ cười như phân trần với mọi người: “Chẳng hiểu bà ấy xấu hay đẹp, chỉ biết bà ấy quyến rũ vô cùng...” Ngại phải băng qua phòng đợi, nơi có hai chị tá điền ngồi đan, đầu luôn ngúc ngắc với cái thúng đặt trên gối, nàng nhờ lão ta đến phòng vé giữ chỗ.
Khi lão mang vé lại, nàng bảo lão giữ luôn tiền lẽ. Lão đưa tay chạm khẽ vành mũ cát-kết ra dấu cảm ơn, đoạn túm lấy dây cương, quay lại, nhìn chòng chọc vào mặt ái nữ của chủ mình lần cuối.

Các toa tàu chưa được nối lại. Mới đây, mỗi lần bãi trường hay nhập học, Thérèse Larroque và Anne de la Trave rất thích dừng lại ga Nizan. Hai cô vào quán ăn trứng chiên với dăm-bông, rồi quàng tay nhau, tung tăng trên con đường mà đêm nay đã trở nên u tối, kỳ quặc dưới mắt nàng, nhưng vào những năm tháng tuyệt vời đó, Thérèse thấy nó luôn tràn ngập ánh trăng. Bấy giờ, họ cười đùa nhìn đôi bóng mình chụm lại. Cố nhiên, họ ríu rít với nhau về mấy cô giáo, và đám bạn bè - đứa bênh vực tu viện, đứa bảo vệ trường trung học: “Anne...”Trong đêm tối, Thérèse gọi to cái tên đó. Trước tiên phải nói với Bernard về cô ấy... Bernard, con người rất mực đứng đắn; anh xếp hạng mọi tình cảm để tách biệt chúng ra, đâu biết rằng giữa chúng; có những nẻo quanh đường tắt, đan quyện nhau như tấm lưới. Làm sao đưa anh vào những vùng mông lung, vô định, mà Thérèse đã trải qua, đã sầu khổ? Tuy nhiên, cần phải thế. Lát nữa đây, khi bước vào phòng, không thể làm gì khác hơn, là đến ngồi bên mép giường, lần lượt kể cho Bernard nghe hết đoạn này qua đoạn khác, cho đến khi anh bảo Thérèse ngừng lại: “Bây giờ anh đã hiểu, em hãy đứng lên. Anh đã tha thứ cho em”
Nàng lần mò băng qua vườn nhà ông sếp ga, hoa cúc ở đâu chẳng thấy, thoảng hương ngào ngạt. Không có ai trên toa hạng nhất, vả lại ngọn đèn hiu hắt không đủ sáng để soi rõ mặt nàng. Không thể đọc sách được, nhưng quyển truyện nào chẳng trở nên nhạt nhẽo đối với Thérèse, so với cuộc đời kinh khiếp của nàng? Có thể nàng sẽ chết vì xấu hổ, vì âu lo, vì ăn năn, hay mệt mỏi - nhưng nàng sẽ không chết vì phiền muộn.
Nàng ngồi nép vào một góc, nhắm mắt lại. Lẽ nào một người đàn bà thông minh như nàng, lại không thể khiến người ta hiểu ra tấn bí kịch này?
Vâng, khi nàng thú tội xong, Bernard sẽ đỡ nàng đứng lên: “Em yên tâm, Thérèse, đừng băn khoăn gì nữa. Trong ngôi nhà ở Argelouse này, chúng ta sẽ sống bên nhau cho đến chết, chẳng bao giờ để việc đã qua ngăn cách chúng ta nữa. Anh khát lắm, em hãy đích thân xuống bếp, vắt cho anh ly cam. Anh sẽ uống liền một hơi, dù nó có vẩn đục. Dù mùi vị nó gợi anh nhớ đến cốc chocolat ngày nọ, cũng mặc! Em còn nhớ không, hỡi em yêu dấu, những lần nôn mửa ấy? Bàn tay thân thiết của em nâng đầu anh dậy, em không rời mắt khỏi cái chất nước màu lục nhạt: những cơn ngất của anh không hề làm em hoảng sợ. Thế mà, em lại tái nhợt mặt mũi, cả đêm anh nhận thấy đôi chân mình bất động, không còn cảm giác. Em run lập cập, em có nhớ không? Và cái lão bác sĩ Pedamay u mê, lại hoảng kinh vì nhiệt độ anh xuống quá thấp và mạch của anh nhảy loạn xạ…”
“A! Thérèse nghĩ, anh ấy không hiểu, phải kể lại hết từ đầu...” Hành động của chúng ta bắt đầu từ đâu? Ðịnh mệnh mình, khi ta muốn tách riêng nó ra cũng giống như những cây kia, không thể nào nhổ bật lên với cả gốc lẫn rễ. Thérèse sẽ quay ngược về thời thơ ấu chăng? Nhưng thời thơ ấu tự nó đã là một kết thúc, một chung cục.
Tuổi ẩu thơ của Thérèse: từ tuyết giá đến nguồn con sông nhơ bẩn nhất. Ở trường trung học, nàng sống hờ hững và như lánh xa những bi kịch vụn vặt, từng làm nát lòng những cô bạn. Các cô giáo thường đem nàng ra làm gương trước bọn họ:
- Thérèse không đòi hỏi phần thưởng nào khác hơn là niềm vui được thể hiện nơi em, một điển hình của tình người cao cả. Lương tri của em thôi cũng đủ soi sáng cho em. Niềm tự hào được đứng vào lớp người ưu tú, gìn giữ và nâng đỡ em nhiều hơn là nỗi lo sợ bị trừng phạt...
Một cô giáo đã phát biểu như thể.
Thérèse tự hỏi: “Mình có hạnh phúc thế không? Mình có trong trắng thế không? Những gì xảy ra trước cuộc hôn nhân đều mang vẻ thanh khiết, trong ký ức mình, cố nhiên là trái ngược, với sự hoen ố không thể tầy xóa của đêm tân hôn. Ngôi trường trung học, cái thuở xa xăm khi chưa làm vợ và làm mẹ, hiện ra như một thiên đàng. Bấy giờ, tôi đâu có biết. Làm sao tôi có thể hiểu được, trong những năm tháng trước khi vào đời, tôi đã thực sự sống cuộc đời mình. Trong sạch ư? Tôi đã rất trong sạch: một thiên thần ư? Vâng! Nhưng là một thiên thần tràn đầy dục vọng. Dù các cô giáo của tôi có nói gì đi nữa, tôi vẫn đau khổ, và làm người khác đau khổ. Tôi thích thú trước nỗi khổ tôi gây ra hay do các bạn đem tới – đó là niềm đau đơn thuần, chẳng hối hận nào xoa dịu nổi: đau thương và hoan lạc đều từ những thú vui ngây dại nhất mà ra.”
Niềm an ủi của Thérèse là, đừng cảm thấy mình không xứng đáng với Anne, khi gặp lại cô ấy, dưới những gốc sồi ở Argelouse vào mùa hạ. Sao cho nàng có thể nói với cô bé, được nuôi dạy trong tu viện Thánh Tâm: “Ðể được trinh khiết như em, chị không cần đến những thứ huy chương, cũng như bao điều lặp đi lặp lại đến nhàm tai kia...” Lại nữa, phải chăng sự trinh khiết của Anne de la Trave là do khờ dại. Các sơ trong tu viện Thánh Tâm giăng trăm nghìn bức màn che giấu sự thật, trước mắt các cô bé ngây thơ. Thérèse khinh thường họ đã lầm lẫn đức hạnh với sự khờ dại. “Em yêu quý ạ, em chưa biết đời là gì, nàng lẩm bẩm nhắc lại nhiều lần, vào Những mùa hè xa xưa ở Argelouse. Ôi! Những mùa hè tươi đẹp ấy... Trên chuyến xe lửa cuối cùng đã lăn bánh, Thérèse tự nhủ phải nghĩ về họ, nếu nàng muốn nhìn cho rõ. Thật khó mà tin là chính trong buổi bình minh rạng rỡ của đời ta, bao cơn giông ác liệt đã chực chờ. Buổi sáng trời xanh: là điềm chẳng lành của xế trưa và chiều tối. Nó dự báo những vườn hoa xơ xác, những cành cây gãy đổ và bùn nhơ lầy lội. Thérèse không nghĩ ngợi, chẳng suy tính vào bất cứ lúc nào trong đời không một chỗ ngoặt bất ngờ: nàng xuống dốc mà không nhận ra, thoạt tiên rất chậm, rồi càng về sau càng nhanh hơn. Người đàn bà vô hạnh đêm nay, chính là cô thiếu nữ vui tươi hớn hở suốt những mùa hè qua ở Argelouse, nơi giờ đây nàng trở về, một cách lén lút và phải nhờ bóng đêm che chở.
Mệt mỏi biết chừng nào. Phơi trần bí ẩn của một việc đã qua, liệu có ích gì? Người thiếu phụ trẻ, qua khung cửa kính chẳng nhìn thấy gì, ngoài ánh phản chiếu gương mặt sầu thảm của mình. Ðoàn tàu chậm lại, đầu máy rít một hơi dài, từ từ tiến vào sân ga. Một cánh tay đung đưa ngọn đèn lồng, nhiều tiếng gọi quê mùa, tiếng kêu eng éc của những chú heo con vừa đỗ bến. Ðã tới Uzeste rồi. Thêm một ga xép nữa là đến Saint Clair, từ đây phải vượt chặng cuối cùng bằng xe bò về Argelouse. Thời gian để Thérèse chuẩn bị đối phó chẳng còn bao lâu nữa!
Chú thích:
[2] Thuốc mê.
[3] Thạch tín
[4] Nhựa rễ cây phu tử, là một chất độc rất mạnh.
Chương III
Argelouse quả là nơi cuối đất cùng trời, tới đó thì chẳng còn đi đâu được nữa, người ở đấy gọi là thôn ổ: không giáo đường, xã sảnh, cũng chẳng nghĩa trang, lơ thơ vài trang trại nằm rải rác quanh cánh đồng lúa mạch, nối liền với thị trấn Saint Clair cách đó mười cây số bằng con đường độc đạo gồ ghề lồi lõm. Con đường đầy vết bánh xe lún và hang lỗ, qua khỏi Argelouse một đỗi, đã biến thành những lối mòn ngập cát; và suốt tám mươi cây số vươn tay với biển, chỉ thấy mênh mông những đầm lầy, những vũng nước mặn, những rừng thông khẳng khiu, những đồng hoang cỏ cháy, nơi mỗi độ đông tàn, bầy chiên cái đều nhuộm màu tro. Những thế gia vọng tộc ở Saint Clair, hầu hết xuất thân từ thôn ổ hẻo lánh này.Vào giữa thế kỷ qua, khi mà nhựa thông và củi rừng bắt đầu bù đắp cho nguồn huê lợi ít ỏi do đàn gia súc mang lại, cha ông những kẻ hiện sống, đều đi lập nghiệp ở Saint Clair, và nhà ở của họ ở Argelouse đã trở thành trang trại. Biểu hiện cho danh giá ngày xưa của họ là những xà nhà chạm trổ trước hiên hoặc đôi khi là cả lò sưởi bằng cẩm thạch. Mỗi năm, chúng lún sâu thêm một ít và một bên chái nhà rệu rã, quằn xuống đến gần chạm đất. Hai trong những ngôi nhà cồ xưa ấy vẫn còn là những gia trang quyền thế. Con cháu dòng họ Larroque và Desqueyroux vẫn giữ nguyên trạng ngôi nhà như khi họ thừa hưởng của tổ tiên. Jérome Larroque, thị trưởng và nghị viên ở B., có nhà riêng ở ngoại vi quận ấy, chẳng muốn thay đổi gì cái tài sản ở Argelouse do vợ để lại (bà đã chết vì hậu sản, khi Thérèse còn nằm nôi) và ông chẳng chút ngạc nhiên thấy con gái thích về đó nghỉ hè. Cứ đến tháng bảy là nàng về, có bà chị cả của cha mình theo chăm sóc, cô Clara, gái lỡ thì lại lảng tai, cũng ưa thích cảnh cô quạnh, bởi ở đó, theo lời cô nói, cô không phải nhìn thấy môi người khác mấp máy và cố biết người ta chỉ có thể nghe tiếng gió rì rào trong rừng thông. Ông Larroque rất mừng, vì Argelouse vừa giúp ông khỏi vướng bận đứa con gái, vừa đẩy nó đền gần gã Bernard Desqueyroux, mà một ngày nào đó, nó phải lấy chồng theo ước nguyện của hai gia đình, dù rằng sự thỏa thuận của họ chưa phải là chính thức.
Bernard Desqueyroux được cha để lại một ngôi nhà ở Argelouse, gần bên nhà Larroque. Chưa bao giờ người ta thấy chàng ở đó, trước mùa săn và chàng chỉ nghỉ lại đó vào tháng mười, khi lưới bẫy chim cu đã giăng xong cách đó không xa. Mùa đông, chàng trai hiền hậu đó theo học ngành luật ở Paris, mùa hè, chàng sống bên gia đình chẳng bao lâu. Chàng căm hận Victor de la Trave, người đã lấy mẹ chàng, một góa phụ, chẳng tốn đồng xu ten và sự hoang phí của ông ta đã khiến cả Saint Clair đàm tiếu. Anne, cô em cùng mẹ khác cha, lúc ấy còn quả trẻ, nên không được chàng để mắt tới. Chàng nghĩ đến Thérèse nhiều hơn chăng? Cả xứ cáp đôi họ với nhau, cơ hồ gia sản của họ được tạo ra là để sáp nhập vào nhau. Về điểm này, gã thiếu niên đôn hậu hoàn toàn đồng tình với thiên hạ. Nhưng chàng không muốn phó mặc bất cứ điều gì cho định mệnh; chàng luôn tự hào về cách sắp xếp cuộc sống: “Người ta thường chỉ khốn khổ vì lỗi lầm của chính mình...” Chàng trai mập mạp ấy vẫn nói thế. Cho đến khi cưới vợ, chàng vẫn chia đều thời gian cho công việc và hưởng thụ, nếu chàng không chê ăn ngon uống say, nhất là thú săn bắn, thì chàng cũng làm việc không ngơi nghỉ, theo cách nói của mẹ chàng. Học thức của chồng phải hơn vợ, mà Thérèse thì quá thông minh, một đầu óc phóng khoáng, hẵn thế... nhưng Bernard biết phải nhượng bộ phụ nữ những gì, Vả lại, mẹ chàng vẫn nhắc nhở: “Bắt cá hai tay” có gì là xấu, ông nhạc Larroque có thể ủng hộ anh. Vào năm hai mươi sáu tuổi, Bernard Desqueyroux, sau vài chuyến du lịch “học hỏi kinh nghiệm” bên Ý, bên Tây Ban Nha và Hà Lan, đã cưới cô gái giàu sang và thông minh nhất miền đầm lầy, có lẽ không phải đẹp nhất, nhưng “người ta chẳng thắc mắc nàng đẹp hay xấu, chỉ biết nàng vô cùng quyến rũ”
Thérèse mỉm cười trước bức biếm họa về Bernard, mà nàng vừa vẽ trong trí “Thật ra, anh ấy sắc sảo hơn phần đông những thanh niên mà mình có thể lấy làm chồng”.
Phụ nữ ở vùng đầm lầy tài giỏi hơn đàn ông nhiều, ngay thời trung học, bọn đàn ông đã bộc lộ nhược điểm của mình, đầm lầy đã níu giữ tình cảm họ, và trong tâm trí họ vẫn sống ở đó, đối với họ, chỉ có những niềm vui do đầm lầy ban phát là đáng kể thôi. Sẽ là phản bội hoặc xa rời đầm lầy nếu không còn giữ chút dáng dấp tá điền, từ bỏ giọng nói quê mùa, những cử chỉ thô lỗ, cục mịch. Dưới lớp vỏ cứng cáp, Bernard có chút lòng nhân hậu nào không? Khi anh cận kề cái chết, bọn tá điền kháo nhau: “Sau ông ấy, sẽ chẳng còn ông chủ nào ở đây nữa” Vâng, với lòng nhân hậu, sự thành tâm và một trí óc sáng suốt, anh ít khi nói về điều mình không biết; anh chấp nhận giới hạn của mình. Hồi trẻ, anh không đến nỗi xấu trai, cái gã Hippolite[5] quê kệch, thích rượt theo đàn thỏ trong đầm lầy, hơn là theo đuôi bọn con gái.
Thế nhưng, tựa đầu vào cửa kính toa tàu, mì mắt khép hờ, Thérèse nhìn thấy chẳng phải anh, vị hôn phu lạnh lùng, hiện ra trên chiếc xe đạp những buổi sáng xa xưa, trên con đường từ Saint Clair đến Argelouse, khoảng chín giờ, trước khi ánh nắng trở nên gay gắt, mà là cô em gái Anne, gương mặt nóng bừng rạng rỡ - đâu đó loài ve đã ra rả đều khắp những cây thông, ngoài trời, lửa hè bắt đầu âm ỉ thiêu đốt đầm lầy và hàng triệu con ruồi từ những bãi hoang túa ra.
- Khoác áo choàng vào, phòng khách lạnh như hầm nước đá ấy...
Cô Clara nói thêm:
- Cô bé ơi, đợi ráo mồ hôi, rồi hãy uống nước...
Anne rối rít hét vào tai người điếc vài câu chào hỏi.
- Khỏi phải gào đến khản cổ như vậy em ạ! Nhìn môi em có ấy hiểu hết...
Mặc cô gái uổng công chu môi múa mỏ nhấn giọng từng tiếng, người cô cứ đáp bâng quơ, chẳng dính đâu vào đâu, khiến hai đứa phải kéo nhau ra chỗ khác ôm bụng mà cười.
Trong một góc khuất tối tăm, Thérèse nhìn lại chuỗi ngày trong trắng của đời mình. Trong trắng nhưng xôn xao một hạnh phúc mỏng manh, mơ hồ và thoáng vui mờ ảo ấy. Nàng không hề biết thuở đó, nàng đã hưởng xong cái phần đẹp đẻ duy nhất tạo hóa dành cho nàng trên thế gian này. Ðâu có gì báo trước cho nàng hay là số phận nàng được an bài trọn vẹn trong căn phòng khách âm u, giữa mùa hè gay gắt - trên chiếc ghế dài bọc len đỏ này, bên cạnh cô bé Anne với tập an-bom đặt trên cặp đùi khép chặt. Hạnh phúc ấy đến từ đâu? Anne có sở thích nào giống Thérèse không? Cô bé ghét đọc sách, chỉ ham thiêu thùa may vá, đấu hót như sáo và cười cợt. Chẳng bận tâm bất cứ điều gì; trong lúc Thérèse lại đọc ngấu nghiến những tiểu thuyết của Paul de Kock, Cuộc trò chuyện ngày thứ hai, Lịch Sử Tổng tài Chế, tất cả những gì vứt bừa bãi trong các ngăn tủ của một ngôi nhà miền quê. Chẳng một sở thích chung nào, ngoài cái việc ngồi kề bên nhau, suốt những trưa hè, bị ngọn lửa ngùn ngụt của đất trời vây bủa khiến con người phải rút vào khoảng mờ tối. Thỉnh thoảng, Anne đứng dậy, xem ngoài kia đã dịu nắng chưa. Nhưng cửa vừa mở hé, ánh sáng, như một luồng kim loại nóng chảy, đột ngột phun vào tưởng chừng ngún cháy cả đêm, thế là phải đóng khi cửa lại mà thu mình ẩn náu.
Kề cả lúc hoàng hôn, khi mặt trời chỉ còn rựng đỏ dưới rặng thông và gần như sát đất, con ve cuối cùng còn kêu rỉ rả; cái nóng như tù đọng dưới những gốc sồi. Đôi bạn nằm lăn vẹn cảnh đồng mà tưởng như ngồi bên hồ. Nhiều đám mây dông, tượng thành những hình ảnh phù du trôi nổi, nhưng trước khi Thérèse kịp nhận ra người đàn bà có cánh Anne vừa nhìn thấy trên nền trời, thì, phút chốc chỉ còn là một con vật kỳ quái nằm sóng soãi.
Tháng chín, họ có thể ra khỏi nhà sau bữa ăn chiều và đến viếng xứ sở của cái khát: chẳng còn một lạch nước nào ở Argelouse; phải đi thật lâu trên cát trước khi gặp được nguồn con suối mang tên Hure. Nó len lỏi nhiều nơi trong vùng đất trũng của vài đồng cỏ lơ thơn giữa những rễ trăn. Ðôi chân trần của cô gái không còn cảm giác trong dòng nước lạnh buốt, nhưng khi vừa khô ráo, lại trở nên nóng bỏng. Một túp lều dùng làm nơi trú chân cho những thợ săn chim cu trong tháng mười, đón họ y như căn phòng khách âm u mới đây. Chẳng có gì để nói với nhau, chẳng một lời thốt ra, thời khắc mải miết trôi trong những lần dừng chân hồn nhiên ấy, các cô gái ngồi im thin thít cho đến khi một con chim vụt bay qua, gã thợ săn giơ tay ra hiệu bảo im lặng.
Như thế, tưởng chừng một cử động nhỏ đủ khiến thứ hạnh phúc mông lung và trong sáng của họ tan biến. Anne vươn vai trước tiên, cô bé nôn nao muốn bắn hạ bầy sơn ca vào buổi chiều; Thérèse tuy ghét trò chơi đó, cũng lẽo đẽo theo sau, không biết chán sự hiện diện của cô bé. Anne với lấy khầu súng nòng 24 không giật ở gian trước, trong khi Thérèse ngồi trên bờ dốc, lặng nhìn bạn đứng giữa đồng lúa mạch, ngắm bắn mặt trời như muốn cho nó rụng xuống để nắng tắt đi. Thésèse bịt hai tai lại, một tiếng kêu nghẹn tắt giữa trời xanh, và có thợ săn chạy đến nhặt con chim trúng thương, thận trọng giữ chặt nó trên tay, rồi đưa môi vừa mơn trớn bộ lông hãy còn nóng hổi, vừa bóp chết nó.
- Mai em đến chứ?
- Ồ! Không! Ðâu phải ngày nào ta cũng cần nhau.

Cả nàng cũng chẳng mong gặp cô ấy hằng ngày. Câu nói hợp lý không bắt bẻ vào đâu được, mọi lời phản đối đều có vẻ khó hiểu, cả đối với Thérèse. Anne không thích trở lại; tất nhiên, - chẳng có gì ngăn cản cô; nhưng tại sao cứ phải gặp mỗi ngày? Cô ấy nói:
- Cuối cùng, rồi mình sẽ ác cảm với nhau mất.
Thérèse đáp:
- Vâng, đúng thế, nhất là chớ xem như bị bó buộc: hãy đến khi nào cảm thấy thích... khi em chẳng có gì khác vui hơn.
Vừa rung chuông leng keng cô gái và chiếc xe đạp thoắt đó đã mất hút trên con đường chập choạng tối.
Thérèse quay về nhà, những người tá điền chào nàng từ xa, lũ trẻ con không dám đến gần nàng. Ðó là giờ đàn chiên tràn ra lũ lượt, dưới những rặng sồi, đột nhiên, chúng hùa nhau chạy rầm rập và gã mục đồng la hét inh tai. Người cô chờ nàng bên thềm và như mọi kẻ điếc, bà nói huyên thuyên để Thérèse chẳng nói được gì. Vì sao có nỗi buồn này? Nàng không thiết đọc sách, cũng chẳng muốn làm gì cả, nàng lại đi thơ thẫn: “Ðừng đi xa; họ sắp dọn ăn rồi đấy”. Nàng ra đứng bên vệ đường. Con đường im vắng và trống trải đến hút tầm mắt. Tiếng chuông từ nhà bếp vẳng gọi. Ðêm nay, có lẽ phải thắp đèn. Nàng nhìn thấy bà cô mình ngồi bất động, hai bàn tay đan nhau đặt trên khăn trải bàn, tự dưng nàng thấy sự cô quạnh của nàng còn thấm thía hơn nỗi buồn của con người bất hạnh đó.
Bernard, Bernard, làm sao dẫn dắt anh vào cái thế giới mơ hồ của nàng, anh thuộc loại người mù quáng, cái hạng người ngay thẳng đến khắt khe. “Nhưng, Thérèse nghỉ, anh ấy sẽ ngắt lời mình, ngay những tiếng đầu tiên: “Vì sao cô lấy tôi?” Tôi có “đeo đuổi cô”... đâu.” Vì sao mình lấy anh ấy?
Quả thực, anh ấy không hề tỏ ra vội vàng. Thérèse nhớ lại rằng bà Victor de la Trave, mẹ Bernard, bạ ai cũng kể lể:
- Lẽ ra cậu ấy còn chờ, nhưng con đó muốn, nó muốn, nó muốn. Khổ nỗi, nó đâu có khuôn phép như nhà mình, chẳng hạn nó hút thuốc lá liên miên, một kiểu cách riêng của nó đấy, nhưng đó là một mẫu người thẳng thắn, thực thà như đếm. Chúng tôi sẽ nhanh chóng kéo nó về với những tư tưởng chính đáng. Tất nhiên, trong cuộc hôn nhân này, chẳng phải mọi cái đều hợp ý chúng tôi. Ðúng thế, bà cụ Bellade... tôi biết lắm chứ... nhưng thiên hạ đã quên bẵng phải không nào? Có thể nói vụ ấy suýt gây tai tiếng nếu nó không bị ỉm kỹ. Ông bà tin có sự di truyền à? Người cha quan niệm sai, đồng ý rồi, nhưng ông toàn nêu gương tốt cho con gái, đó là một bực thánh thế tục. Và ông ta có thế lực. Ta luôn cần đến mọi người. Tóm lại, cũng phải bỏ qua đôi điều chứ. Hơn nữa, ông bà tin tôi hay không thì tùy; chứ nó giàu hơn chúng tôi đấy. Thật khó tưởng nổi, nhưng đúng thế đấy! Lại yêu Bernard tha thiết, vậy là chẳng mất đi đâu cả.
Vâng, nàng đã yêu anh ấy tha thiết: chẳng có biểu hiện tình cảm nào lại đòi hỏi ít cố gắng hơn. Trong phòng khách ở Argelouse hay dưới rặng sồi ven cánh đồng, nàng chỉ cần ngước nhìn chàng với ánh mắt chan chứa một tình yêu thơ ngây và trong trắng. Một con mồi hấp dẫn như thể dưới chân mình, chỉ làm chàng trai thích thú chứ không khiến chàng ngạc nhiên. “Đừng đùa bỡn với con bé, bà mẹ nhắc nhở, nó sẽ héo mòn.”
“Tôi lấy anh ấy bởi vì…”
Thérèse nhíu mày, một tay đưa lên mắt, cố nhớ lại. Có cả niềm vui thơ trẻ được trở thành chị dâu của Anne, sau đám cưới. Nhưng đối với Thérèse, mối liên hệ ấy không đáng kể mấy, chỉ có Anne là cảm thấy thích thú. Thực ra thì, tại sao phải đỏ mặt kia chứ? Hai ngàn hec-ta của Bernard đâu thể khiến nàng dửng dưng? Nàng luôn có ý thức về “sở hữu trong máu”.
Sau những bữa ăn kéo dài, người ta mang rượu, đặt lên chiếc bàn đã dọn hết bát dĩa, Thérèse thường ngồi nán lại bên bọn đàn ông, lắng nghe họ bàn tán về những tá điền, những cọc mỏ, đá quý, nhựa thông. Sự lượng giá tài sản khiến nàng say mê. Chắc chắn sự cai quản cả một vùng rừng mênh mông đã cám dỗ nàng.
“Vả lại, anh ấy cũng mê những rặng thông của mình vậy.”
Nhưng có thể Thérèse đã chiều theo một tình cảm mông lung, mà nàng cố gắng hiểu cho tận tường. Có thể nàng chỉ tìm trong hôn nhân một nơi ẩn náu, hơn là quyền ngự trị hay sở hữu. Cái điều xô đẩy nàng buông xuôi phải chăng là một sự khủng hoảng? Từ một đứa bé thiết thực, đến cô gái đảm đang, nàng đã vội vã chiếm lấy ngôi thứ của mình, giành cho mình một địa vị chắc chắn, nàng muốn được an toàn trước một nguy cơ nào đó, chính nàng cũng chẳng rõ. Chưa bao giờ nàng tỏ ra biết điều, như trong thời kỳ đính hôn; nàng gắn chặt mình vào khối gia đình. Nàng “xếp chỗ” cho mình, tự đặt mình vào một đẳng cấp. Nàng chạy trốn chính mình.
Vào mùa xuân của thời kỳ đính hôn, họ men theo con đường cát từ Argelouse đi Vilméja. Những lá sồi héo úa còn che phủ bầu trời, ảm đạm, dương xỉ khô rải rác trên mặt đất, vừa nhú bao chồi mới, một màu xanh acide.
Bernard khẽ bảo:
- Coi chừng điếu thuốc của em, còn có thể cháy đấy, đầm lầy đã khô kiệt nước.
Nàng đã hỏi lại:
- Có đúng là cây dương xỉ chứa acide prussique không?
Bernard chẳng biết nó có chứa đủ liều lượng có thể đầu độc con người không. Anh đã âu yếm hỏi nàng:
- Em muốn chết sao?
Nàng khúc khích cười. Anh tỏ ý mong nàng phải thành thực hơn. Thérèse nhớ là mình đã nhắm mắt lại, khi hai bàn tay hộ pháp ôm chặt mái đầu nhỏ nhắn của nàng, và một giọng nói rót nhẹ vào tai:
- Trong này, còn vài ý nghĩ nhảm nhí đây.
Nàng đã trả lời:
- Chính anh phải xóa bỏ chúng đấy, Bernard ạ.
Họ đã quan sát công việc của những thợ nề, đang xây thêm một phòng nơi trang trại Vilméja. Các nghiệp chủ ở Bordeaux muốn đưa về đây đứa con cuối cùng của họ “đã phải ra đi vì bệnh phổi”. Cô chị chết cũng vì bệnh ấy. Bernard có vẻ khinh miệt thậm tệ những người Azévédo đó:
- Họ thề trước thánh thần của họ, là họ chẳng phải gốc gác Do Thái… ấy thế mà chỉ cần nhìn cũng đủ biết. Còn gì nữa, ho lao, đủ mọi thứ bệnh…
Thérèse rất trầm tĩnh. Anne sẽ từ tu viện Thánh Sébastien về dự lễ cưới. Cô ấy có phải cầu xin với con trai Deguilhem không nhỉ? Cô đòi Thérèse phải mô tả cho cô biết “qua thư hồi âm” trang phục của những cô phù dâu khác:
- Cô có thể nhận được mẫu không? Vì lợi ích của cả bọn, nên chọn những màu phù hợp với nhau.
Chưa bao giờ Thérèse cảm thấy bình yên đến thế - Nhưng điều nàng tưởng là sự bình yên, thật ra chỉ là giấc ngủ chập chờn, khoảnh khắc đờ đẫn của con rắn ủ trong lòng nàng.
Chương IV
Ngày cưới diễn ra ngột ngạt trong ngôi nhà thờ chật hẹp ở Saint Clair. Giọng cười nói lao xao của các mệnh phụ át hẳn tiếng đàn harmonium. Mùi nước hoa sực nức pha lẫn hương trầm, Chính trong ngày đó, Thérèse cảm thấy tuyệt vọng.
Như người mộng du, nàng đã bước vào phòng và qua tiếng rổn rảng của cánh cửa nặng nề vừa khép lại, cô bé đáng thương ngày xưa bỗng choàng thức. Chẳng có gì thay đổi cả, nhưng nàng có cảm tưởng từ nay, không thể chỉ mỗi mình nàng thua thiệt. Giữa chốn thâm nghiêm của gia đình, lòng nàng âm ỉ như ngọn lửa quái ác tràn lan dưới bãi hoang, ngún cháy một cây thông, rồi một cây khác, dần dần tạo ra cả một rừng đuốc. Giữa đám đông ồn ào, ánh mắt nàng chẳng thể đậu lại trên trên gương mặt nào cả, ngoại trừ bé Anne, nhưng nỗi vui trẻ thơ của cô bé càng khiến nó cách biệt với Thérèse: Vui ư? Tưởng như cô không biết là ngay đêm nay, họ sẽ xa nhau, và không chỉ trong không gian. Lại nữa Thérèse đang lúc đau khổ. Thể xác trong trắng của nàng sắp phải chịu đựng điều không thể hàn gắn. Anne ở lại bên này bờ mong đợi của những kẻ trinh nguyên. Thérèse sắp nhập vào đám người đã trao thân. Nàng nhớ ở kho đồ thánh, lúc nàng cúi xuống hôn lên khuôn mặt nhỏ nhắn, hí hửng ngước nhìn nàng, đột nhiên nàng bắt gặp cái hư không lạnh lẽo, quanh đó nàng đã dựng lên một vũ trụ họa phúc mơ hồ, phút chốc nàng nhận ra, sự mắt cân xứng khôn cùng giữa sức mạnh kỳ bí của lòng nàng với khuôn mặt xinh xắn, nhem nhuốc phấn kia.
Lâu về sau, ở Saint Clair và ở B., khi bàn tán về đám cưới ở Gamache (có hơn một trăm tá điền và gia nhân ăn uống no say dưới những gốc sồi) người ta thường nhắc đến cô dâu “cố nhiên không xinh đẹp gì lắm, nhưng vô cùng quyến rũ”, bỗng xấu xí và đáng sợ nữa trong ngày hôm ấy.
“Chẳng phải nàng, đó là một người nào khác…”
Thấy nàng khác xa với vẻ mặt thường ngày, thiên hạ đổ lỗi cho bộ lễ phục màu trắng, cơn nắng gắt, khiến họ không còn nhận ra bộ mặt thật của nàng.
Buổi chiều của cuộc hôn lễ nửa quê mùa, nửa trưởng giả ấy, vài đám đông, trong đó có mấy cô gái áo màu sặc sỡ, buộc ô-tô của đôi tân hôn phải chạy chậm lại, để họ hò reo chúc mừng. Trên con đường ngập tràn hoa keo, hai vợ chồng vượt qua những cỗ xe bò, do những người hay tếu, mặt đỏ gay vì rượu lái chạy ngoằn ngoèo. Nghĩ tới lúc đêm về, Thérèse thầm thì: “Khủng khiếp quá”.
Rồi lại tự nhủ:
- Không, không khủng khiếp lắm đâu.
Suốt cuộc hành trình trăng mật ghé qua các hồ bên Ý nàng có đau đớn nhiều không? Không, không; nàng còn thầm thích thú với trò chơi: không để lộ tình cảm của mình. Phỉnh phờ vi hôn phu thì còn dễ, chứ lừa dối một ông chồng thì...
Bất cứ ai cũng thốt ra được những lời dối trá nhưng sự giả dối của cơ thể đòi hỏi một tài nghệ riêng biệt. Giả đò sung sướng, thích thú, đê mê rời rã, chẳng phải ai cũng sở trường. Thérèse biết cách uốn mình vờ vĩnh và qua đó nàng nếm trải một lạc thú cay đắng. Cái thế giới xa lạ của cảm giác mà người đàn ông đẩy nàng vào, trí tưởng tượng giúp nàng hiểu rằng ở đó, có thể có hạnh phúc, cho cả với nàng, nhưng hạnh phúc nào nhỉ? Như trước một phong cảnh nhạt nhòa trong mưa, ta lại hình dung những gì hiện ra dưới nắng, Thérèse đã đến với khoái lạc như thế đó.
Bernard, chàng thanh niên có ánh mắt xa vắng, cứ mãi lo ngại các bức tranh không tưởng ứng với thứ tự trong cuốn Baedeker[6] đã xem trong thời gian ngắn nhất những gì cần xem. Người đâu mà nông nổi! Anh ta bị giam hãm trong khoái cảm của mình, như những con heo núng nính sau chấn song, nom thật buồn cười, khi chúng hể hả vọc mỏ vào máng.
- Mình là cái máng ư!
Thérèrse nghĩ.
- Anh có cái vẻ hấp tấp, chộn rộn, quan trọng của chúng: anh biết cách thức.
- Có thật anh nghĩ thế này là đứng đắn?
Ðôi lần quá sững sờ, Thérèse buột miệng hỏi.
Anh cười hề hề bảo nàng yên tâm. Anh học ở đâu cái thói xếp hạng những gì dính dáng tới xác thịt và phân biệt cử chỉ âu yếm của người tao nhã với kẻ loạn dâm? Chẳng hề đắn đo.
Một đêm, trên đường về, họ ghé lại Paris, Bernard đã ngang nhiên rời khỏi rạp chỉ vì một cảnh diễn chướng mắt của nhà hát ca vũ nhạc.
- Nếu người ngoại quốc mà trông thấy! Thật xấu hổ! Khổ nổi chính ở đấy họ xét đoán chúng ta...
Thérèse lấy làm lạ sao con người đạo mạo đó, lại chính là kẻ chưa đầy một giờ trước đây, đã bắt nàng phải chịu đựng bao trò lẩm cẩm trong bóng tối.
Bernard đáng thương, cũng chẳng tệ lậu hơn ai! Nhưng quả là dục vọng đã biến đổi kẻ gần gũi ta thành con vật dị hợm, chẳng thể nào nhận ra nổi. Chẳng có gì ngăn cách ta với người bạn tình cho bằng vẻ si dại của người ấy. Tôi luôn thấy Bernard lặn ngụp miệt mài trong thú yêu đương. Còn tôi, tôi như cái xác không hồn, tưởng chừng một cử động nhỏ cũng đủ khiến tên điên, gã bị động kinh kia, bóp chết tôi ngay. Thường thì, khi sắp đến phút giây tuyệt đỉnh, anh mới đột ngột khám phá ra sự đơn độc của mình, sự vồ vập bỗng ngưng ngang, bẽ bàng. Bernard như bất chợt quay lại nhìn và bắt gặp tôi, mím môi lạnh lùng, nơi bãi biển hoang vắng mà tôi vừa bị ném vào.”
Chỉ có mỗi lá thư của Anne: cô bé không mấy ưa viết thư, may sao, dòng nào cũng khiến Thérèse thích thú cả, một lá thư không hề nói hết như mong muốn, những tình cảm chân thực, đủ cho người đọc cảm thấy hào hứng. Anne than phiền không thể về Vilméja từ khi có gã Azévédo: từ xa cô đã thấy thấp thoáng chiếc ghế dài của gã, giữa khóm dương xỉ: những kẻ mắc bệnh lao vẫn khiến cô ghê sợ.
Thérèse thường đọc lại những trang giấy đó và không hề trông chờ cánh thư nào khác. Cho nên vào giờ phát thư buổi sang (ngay sau cái đêm ở nhà hát bỏ về nửa chừng) nàng vô cùng sửng sốt khi nhận ra nét chữ của Anne de la Trave trên ba phong bì liền. Hòm hư lưu trữ đã chuyển tiếp về Paris cho họ xấp thư này, bởi họ đã bỏ qua nhiều trạm, không ghé: “để hối hả tìm về tổ ấm” như Bernard nói, nhưng kỳ thực, chính vì họ không thể đi chung với nhau được nữa: anh buồn chán vì phải xa mấy khẩu súng, đàn chó, cái quán trọ, với thứ nước lựu Picon đậm đà một hương vị chẳng nơi nào có, hơn nữa người đàn bà kia quá lạnh lùng, quá khinh mạn, chẳng chịu hối lộ khoái cảm của mình, không thích bàn những chuyện lý thú hay ho!...
Đối với Thérèse, nàng ước mong được về Saint Clair, như kẻ bị lưu đày, chán ngán nhà ngục tạm giam, nôn óng muốn đến ngay cái hòn đảo sẽ chôn vùi những gì còn lại của đời mình. Thérèse xem kỹ ngày tháng ghi trên mỗi phong bì. Đang xé phong thư cũ nhất, thì Bernard chợt reo lên, lắp bắp đôi câu, nàng không nghe rõ nghĩa, bởi cửa sổ mở toang, mà những chiếc xe buýt lại hay đổi vận tốc ở ngã tư này. Anh ngừng cạo râu để đọc lá thư của mẹ. Thérèse còn nhìn thấy cái áo gi-lê bằng vải tổ ong, đôi tay trần cuồn cuộn bắp thịt; làn da tái, sượng đỏ ở cổ và mặt. Vào buổi sang tháng bảy đó, cái nóng oi bức đã âm ỉ, ánh sang gay gắt khiến những mặt nhà tiêu điều phía bên kia bao lơn thêm nhớp nhúa.
Anh đến gần Thérèse, nói oang oang:
- Vụ này gay go quá! A! Cô bạn Anne của em, quả là táo tợn. Có ai ngờ đứa em gái nhỏ thân yêu của tôi…
Và bởi Thèrése đưa mắt dò hỏi, anh tiếp:
- Em có tin là cô bé phải lòng con trai nhà Azévédo không? Ấy vậy mà đúng đó: cái gã ho lao đã khiến họ phải nới rộng trang trại ở Vilméja. Chuyện này có vè nghiêm trọng đấy. Cô bé tuyên bố sẽ bảo vệ tình yêu cho đến tuổi trưởng thành… Mẹ bảo con bé khùng rồi. Ồ! Miễn sao nhà Deguilhem đừng hay biết gì! Cu cậu Deguilhem có thể không thèm cầu hôn. Em có thư của cô bé à? Để rồi xem… kìa, em mở thư đi chứ.
- Em muốn đọc theo thứ tự thời gian. Vả lại, em không thể đưa anh xem đâu.

Điểm này thì anh hiểu nàng rất rõ, nàng luôn rắc rối mọi việc. Dù vậy, chủ yếu là nàng lôi được con bé về với lẽ phải:
- Họ hàng rất tin tưởng nơi em. Em thừa khả năng thuyết phục con bé, nếu…! Họ trông vào em như một vị cứu tinh.
Trong lúc nàng thay quần áo, anh sẽ đi đánh điện tín và giữ hai chỗ trên chuyến tốc hành xuôi Nam. Nàng có thể bắt đầu dồn hành lý vào rương:
- Em còn chờ gì mà chưa chịu đọc thư con bé?
- Đợi anh rời khỏi đây đã.
Lâu sau khi anh đã khép cửa lại, Thèrése ngả mình nằm dài trên nệm hút thuốc, mắt lơ đãng nhìn những con chữ tơ lớn màu vàng đã ố đen, gắn trên bao lơn trước mặt; đoạn nàng xé phong bì thứ nhất. Không, không, không phải cô bé ngốc ngếch thân yêu đó, không phải cô nữ sinh tu viện, ngây ngô nông nổi đó đã nghĩ ra lời lẽ táo bạo này. Không thể nào từ trái tim khô khan kia – bởi cô bé có trái tim khô, Thèrése hẳn đã biết điều đó – lại tuôn ra được bài nhã ca này, tiếng rên rỉ đê mê của một phụ nữ được yêu, của một thể xác chết lịm trong hoan lạc, ngay phút đầu gần gũi… Khi gặp chàng, em không thể tin đó chính là chàng, chàng chạy loanh quanh vừa la hét vừa đùa giỡn với con chó. Làm sao em có thể tưởng tượng nổi đó là kẻ bệnh nặng… mà chàng có bệnh đâu: người ta chỉ phòng ngừa thôi, do những nỗi bất hạnh đã xảy ra trong gia đình. Chàng chẳng đến nỗi gầy yếu – đúng ra là hơi mảnh khảnh; lại quen được cưng chiều, nâng niu quá trớn… Chị sẽ không nhận ra em đâu: chính em đi tìm áo khoác cho chàng, khi trời vừa dịu nắng.
Nếu Bernard quay về phòng lúc này, hẳn anh sẽ nhận thấy người đàn bà ngồi trên giường không phải là vợ anh, mà là một người anh chưa hề quen biết, một nhân vật xa lạ, không tên tuổi, tình cảm của Anne như đã biến đổi nàng thành một người khác. Nàng vứt điếu thuốc xe phong bì thứ hai:
Em chờ thời cơ thuận lợi, chẳng có sự phản đối nào khiến em sợ hãi cả, tình yêu của em cũng thế, chẳng gợn chút lo âu. Họ giữ chặt em ở Saint Clair, nhưng Argelouse cách đấy cũng chẳng xa, đến nỗi Jean và em không thể gặp nhau. Chị còn nhớ cái lưới bẫy chim cu chứ? Chị thân yêu, chính chị đã chọn trước những nơi sẽ đem đến cho em nỗi vui chất ngất này! Ồ! Đừng bao giờ nghĩ là chúng em đã làm điều gì xằng bậy nhé! Chàng tế nhị vô cùng! Chị không thể quan niệm có một chàng trai như thế. Chàng học rộng, đọc nhiều, như chị vậy, nhưng đối với đàn ông, điều đó không hề khiến em khó chịu, và em chưa bao giờ nghĩ đến việc trêu chọc chàng cả. Sao em lại không giỏi được như chị nhỉ? Chị thân yêu, thế nó ra sao, cái hạnh phúc hiện nay chị đang có và em chưa biết, - mà chỉ thoáng gần nhau, đã ngay ngất dường ấy? Trong lều chim cu, nơi bao giờ chị cũng muốn chúng mình mang theo bữa quà chiều, khi ngồi bên chàng, em cảm thấy hạnh phúc, tựa hồ thứ gì có thể cầm nó trên tay được. Thế nhưng em biết rằng còn có một niềm vui hơn cả mọi niềm vui, và khi Jean thờ thẫn rời xa, thì bao kỉ niệm mơn trớn vuốt ve, nỗi mong đợi những gì ngày mai hứa hẹn, tất cả khiến em dửng dưng trước những lời oán trách, van lơn, nguyền rủa của những kẻ đáng thương, chưa từng biết… chẳng bao giờ được biết… Chị thân yêu, hãy tha thứ cho em: em nói với chị về hanh phúc, như thể cả chị nữa, chị cũng chưa hề biết đến nó, dù bên chị em chỉ là kẻ tập sự non nớt. Thế nhưng em tin chắc là chị sẽ đứng về phía chúng em, để chống lại những kẻ định làm hại chúng em…
Thérèse xé phong bì thứ ba, chỉ có vài dòng nguệch ngoạc:
Chị thân yêu ơi, về ngay đi: họ đã ngăn cách chúng em: họ luôn canh chừng em. Họ ngỡ đâu chị đứng về phía họ. Em tuyên bố sẵn sàng nhận chịu sự phán xét của chị. Em sẽ giải bày tất cả để chị hiểu: chàng không hề bệnh… Em sung sướng, đồng thời em cũng đau khổ nữa. Em sung sướng được đau khổ vì chàng và em yêu nỗi đau khổ của chàng, như là dấu hiệu tình yêu của chàng đối với em…
Thérèse không đọc thêm nữa. Khi nhét lá thư vào bao nàng thấy rơi ra một tấm ảnh, trước đó nàng không để ý. Bên cửa sổ, nàng ngắm nhìn khuôn mặt ấy, đó là một chàng trai, trông bướng bỉnh qua mớ tóc bồng bềnh. Thérèse nhận ra ngay địa điểm trong ảnh: Jean Azévédo đứng tựa bờ dốc, như David (phía sau có cánh đồng hoang với đàn cừu gặm cỏ). Áp khoác trên tay, sơ mi hở ngực…
Đó là điều mà anh chàng gọi là “giới hạn cho phép cuối cùng của sự âu yếm”.
Thérèse ngước mắt lên và ngạc nhiên trước khuôn mặt mình trong gương. Cố gắng lắm nàng mới hé được môi, miệng khô đắng. Nàng bôi nước hoa lên trán và hai bên thái dương.
“Cô ấy đã biết thế nào là hạnh phúc, còn mình, mình thì sao? Vì sao không phải là mình nhỉ?”
Tấm ảnh vẫn nằm im trên bàn, cạnh đó, lóng lánh một cây kim găm…
“Mình làm thế. Chính mình đã làm thế…” Bây giờ trên chuyến xe lửa lắc lư, đang lao xuống dốc, Thèrése lẩm bẩm: “Cách đây hai năm, trong căn phòng khách sạn ấy, tôi đã nhặt cây kim găm, xuyên thủng tấm ảnh chàng trai kia, ngay chỗ trái tim – không phải một cách giận dữ, mà trầm tĩnh thờ ơ, như là một việc bình thường – tôi đã ném tấm ảnh bị ghim nát đó vào lavabo; và kéo cần dội nước”.
Khi Bernard trở lại, anh kinh ngạc trước vẻ mặt nghiêm trang của nàng, giống như một kẻ vừa suy nghĩ xong mọi lẽ và sắp sửa dấn thân. Nhưng nàng cũng cho thấy là đã hút thuốc quá nhiều: nàng sẽ bị ngộ độc mất. Theo Thérèse, không nên quan trọng hóa tính khí thấy thường của một cô gái. Nàng cho là mình có thể nói cô ấy hiểu… Thérèse khiến anh yên long, Bernard chẳng mong gì hơn, - anh sung sướng đã có hai chiếc vé trong túi, và khoái nhất ở chỗ thân tộc đã phải cậy nhờ đến vợ mình. Anh bảo nàng dù gì đi nữa, họ cũng phải vào một nhà hàng nào đó trong rừng để dùng bữa cơm cuối cùng của chuyến du ngoạn.
Trên xe taxi anh nói lan man về những dự định của mình trong mùa săn sắp tới, anh nóng lòng muốn thử con chó, mà Balion đã luyện tập cho anh. Mẹ anh biên thư cho hay, nhờ châm lửa mà con ngựa cái không còn đi khập khiễng nữa…
Nhà hàng hãy còn vắng khách, đám hầu bàn lăng xăng khiến họ e ngại. Thérèse còn nhớ mùi hương phong lữ và nước muối. Bernard chưa bao giờ được uống rượu vang vùng Rhin:
- Mẹ kiếp, họ không dọn thứ đó.
Đâu phải ngày nào cũng được vui thú. Đôi vai rộng của Bernard án mất căn phòng trước tầm mắt Thérèse. Phía sau mấy tấm kính lớn, những chiếc ô-tô lướt qua, dừng lại, lặng lẽ. Nàng thấy cơ thái dương dưới tai Bernard động đậy. Sau vài ngụm rượu, mặt anh đã đỏ lự, chàng trai làng tốt tướng, từ vài tuần nay, chỉ thiếu mỗi nơi giải tỏa khẩu phần ăn uống hàng ngày. Nàng không căm ghét anh, nhưng xiết bao mong ước được ngồi một mình suy gẫm về nỗi khổ của nàng, tìm hiểu vì đâu nàng khổ? Chỉ cần anh không còn ở đó, để nàng khỏi phải gượng ăn, gượng cười, không cần đăm chiêu ánh mắt làm duyên làm dáng, mặc cho tâm trí đắm chìm trong nỗi tuyệt vọng bí ẩn. Có người vừa thoát khỏi hòn đảo hoang vu, nơi anh tưởng cô ta sẽ sống bên anh đến cuối đời, cô ta vượt qua cái vực thẳm ngăn cách anh với những người khác, gặp lại họ - cuối cùng dời qua hành tinh khác… mà không, có ai thay đổi được hành tinh bao giờ! Anne vẫn mãi mãi thuộc về thế giới của những người bình thường, cô bé xưa kia vẫn ngả đầu lên đùi Thérèse dưới đôi mắt trìu mến của nàng, trong những ngày hè quạnh quẽ, giờ đây chỉ là một bóng ma: cô Anne de la Trave đích thực nàng chưa quen biết bao giờ: cái cô Anne ngày nay hẹn hò gặp gỡ Jean Azévesdo chỗ lưới bẫy chim cu chơ vơ giữa Saint Clair và Argelouse.
- Em sao thế? Em không ăn à? Đừng bỏ mứa đấy, giá đắt là thế, bỏ tiếc lắm. Hay tại trời nóng? Em sẽ không ngất xỉu đấy chứ? Trừ phi em đã… cảm thấy khó chịu.
Nàng mỉm cười, chỉ có miệng nàng là cười thôi. Nàng bảo mình đang nghĩ tới chuyện Anne (phải nói về Anne thôi). Và bởi Bernard cho biết anh rất yên tâm, một khi nàng đã chịu nhúng tay vào, người vợ trẻ bèn hỏi vì sao họ hàng nhà anh lại phản đối cuộc hôn nhân ấy. Anh cho là nàng chế giễu mình, van nàng chớ nêu ra những ý kiến ngược đời như vậy.
- Trước hết, em thừa hiểu họ là người Do Thái, mẹ biết rõ ông nội của Azévédo, lão ta khước từ lễ rửa tội.
Nhưng Thérèse cả quyết là những người Bồ Đào Nha gốc Do Thái ấy, đã có tên tuổi lâu đời ở Bordeaux.

- Dòng họ Azévédo đã giữ địa vị cao sang khi tổ tiên ta, những mục đống khốn khổ, còn bị sốt rét run lập cập, ven đầm lầy của họ.
- Coi kìa, Thérèse, không nên cãi cho sướng miệng: bọn Do Thái đều rặt một phường như nhau cả… hơn nữa, đó là một gia đình thoái hóa – lao đến tận xương tủy, thiên hạ còn lạ gì.
Nàng đốt một điếu thuốc, điệu bộ luôn khiến Bernard gai mắt.
- Anh thử nhớ lại xem ông nội, ông cố anh vì sao mà chết? Khi cưới em, anh lo lắng khi biết căn bệnh đã cướp mất mẹ em. Anh tưởng trong hàng cha ông mình, ta không tìm ra số người mắc bệnh lao và giang mai đủ để truyền nhiễm cho cả nhân loại sao?
- Em đi quá xa rồi, Thérèse ạ, cho anh nhắc em điều này: dù chỉ là bỡn cợt hay muốn chọc tức anh, em cũng không nên đụng đến dòng họ.
Anh ưỡn ngực ra bộ phật ý – vừa muốn tỏ vẻ cao ngạo, lại e lố bịch trước mắt Thérèse. Nhưng nàng nhấn giọng:
- Họ nhà ta khiến em buồn cười với cái thận trọng của loài chuột nhủi. Họ kinh sợ những chứng tật bề ngoài bao nhiêu thì lại thờ ơ bấy nhiêu đối với vô số bệnh tật không được biết. Chính anh, anh vẫn tùng từ ngữ: bệnh kín… kia mà? Những bệnh nguy hại nhất cho dòng giống, phải chăng theo định nghĩa đều kín? Gia đình ta không bao giờ nghĩ tới, thế mà, họ lại đồng tình với nhau trong việc che đậy, vùi lấp những điều nhơ nhuốc, mà nếu không có đám gia nhân, người ta sẽ chẳng bao giờ biết được gì. May thay, lại có những gia nhân…
- Anh không nói chuyện với em nữa: khi em lên cơn, tốt nhất nên chờ cho qua. Với anh, đây chỉ là chuyện nhỏ: anh biết là em đùa thôi. Nhưng về nhà, em biết đấy, như thế không được đâu, về cái khoản gia tộc chúng ta không thể đùa bỡn được.
Gia tộc! Thérèse bỏ mặc điếu thuốc tắt ngấm; nàng nhìn đăm đăm cái lồng kín bưng, với lớp lớp những thanh chắn di động, cái lồng bủa vây bởi vô số tai và mắt, trong đó, nàng ngồi xổm, cằm tì lên gối, tay quấn quanh chân, bất động, mỏi mòn chờ chết.
- Nào, Thérèse, đừng xụ mặt thế kia, nếu em thấy mình…
Nàng mỉm cười, lại vờ đóng kịch:
- Em đùa mà… Ồ! Anh yêu, anh ngốc quá đấy!
Nhưng trên xe taxi, khi Bernard vừa nhích lại gần, nàng đã đưa tay đẩy anh ra.
Đêm cuối cùng trước khi về quê nhà, chín giờ họ đã đi ngủ, Thérèse uống một viên thuốc, nhưng nàng mỏi mắt trông chờ mà giấc ngủ chẳng tới. Rồi nàng thiếp đi một lúc, cho đến khi Bernard vụt trở mình, miệng lẩm bẩm mấy tiếng khó hiểu, thế là nàng cảm thấy cái thân xác hừng hực áp sát vào người nàng, nàng đẩy ra, và để khỏi phải chịu đựng hơi nóng ấy, nàng nhoài ra sát mí giường, nhưng chỉ vài phút sau, anh lại lăn qua phía nàng hồ như dù hồn đã phiêu diêu tận đâu, phần xác vẫn sống mãnh liệt và cả trong giấc ngủ, nó vẫn mò mẫm tìm đến với con mồi quen thuộc. Một cách phũ phàng, vậy mà chưa đánh thức nổi anh, nàng lại đẩy anh ra lần nữa… Chao ôi! Tách xa anh ra, một lần thôi và mãi mãi! Đạp anh ra khỏi giường, xô anh vào cõi tối tăm.
Xuyên qua đêm Paris, tiếng còi ô-tô réo inh ỏi như tiếng chó sủa, gà gáy ở Argelouse mỗi khi trăng sáng. Chẳng một thoáng mát nào từ mặt đường phả lên. Thérèse châm một ngọn đèn, và chống khuỷu tay trên gối, nàng ngắm nhìn gã đàn ông nằm im lìm bên cạnh – gã đàn ông trong tuổi hai mươi bảy, hất tung chăn mền, hơi thở nhẹ đến không nghe thấy, mái tóc bù xù phủ vầng trán còn vô tư lự, thái dương không một nếp nhăn, một Adam trần truồng và tội nghiệp, chìm trong giấc ngủ say sưa tưởng chừng nghìn thu. Người thiếu phụ vứt chăn đậy che tấm thân ấy, đứng dậy tìm lá thư đọc dở dang ban nãy, rồi cúi đầu bên ánh đèn:
Nếu chàng bảo em theo chàng, em sẽ lìa bỏ tất cả, không buồn ngoái đầu nhìn lại. Chúng em đã kịp dừng lại bên bờ, tận cùng mí bờ của sự sa ngã, nhưng nhờ ý chí của chàng, chứ không phải do em kháng cự - đúng ra chính chàng đã chống cự sự cám dỗ, còn em thì luôn ước mong đạt đến tột đỉnh cái lạc thú chưa hề biết, mà chàng cứ thủ thỉ với em là chỉ chạm nhẹ vào nhau, cũng đủ gây một cảm giác vượt mọi khoái cảm trên đời, nhưng theo chàng bao giờ cũng phải dừng lại phía bên này, chàng tự hào đã kiềm chế được, trên con dốc mà chàng bảo là một khi tới đó, bao kẻ đã buông xuôi, khó ai có thể cưỡng nổi.
Thérèse mở cửa kính, xé vụn mấy lá thư, nghiêng mình nhìn xuống cái vực thẳm mênh mông bằng đá, có chiếc xe bò lẻ loi, lộc cộc đi qua trước lúc bình minh. Những mảnh giấy lượn vòng rồi đậu trên các bao lơn tầng dưới. Thiếu phụ nghe thoang thoảng mùi hương thảo mộc chẳng biết từ miền quê nào lạc tới chốn sa mạc nhựa đường này? Nàng hình dung thân thể mình nát nhừ trên đường phố với đám cảnh binh chộn rộn và những kẻ lang thang bu quanh. Chỉ khéo tưởng tượng. Mày mà tự vẫn ư, Thérèse? Thực ra, nàng đâu có mong được chết, một việc khẩn cấp đang réo gọi nàng, chẳng phải trả thù, hay rửa hận: chả là cô bé ngu muội chốn xa kia, ở Saint Clair, cữ ngỡ rằng hạnh phúc có thể có, phải cho cô ấy biết, như Thérèse, là hạnh phúc không hề có thật. Nếu họ chẳng có chung điều gì, ít ra cũng còn: nỗi buồn chán, sự thiếu vắng một nhiệm vụ cao cả, một bổn phận thiêng liêng, không biết làm gì khác, ngoài việc cứ lập lại những thói quen thấp hèn thường nhật – một trạng thái cô đơn không nguồn an ủi.

Bình minh đã soi sáng những mái nhà, nàng quay lại với gã đàn ông vẫn ngủ yên trên giường, và ngay khi nàng vừa đặt mình nằm xuống gã đã nhoài người chồm tới.
Nàng thức dậy, tỉnh táo và dễ chịu. Còn tìm gì xa xôi nữa? Gia đình kêu gọi nàng trợ giúp, nàng sẽ hành động theo yêu cầu của gia đình, như thế chắc nàng sẽ không chệch hướng. Thérèse tán đồng Bernard, khi anh nhấn mạnh nhiều lần là nếu Anne làm hỏng chuyện cầu hôn của Deguilhem, thì quả thật là một tai họa. Dòng họ Deguilhem không cùng trong một giới: người ông xưa kia là mục đồng… Đúng thế, nhưng họ có những rừng thông đẹp nhất xứ. Và Anne, dù sao, đâu giàu có gì… Chẳng thể mong đợi gì nơi người cha, ngoài mấy vườn nho trên đất phù sa, gần Langon – cứ cách năm lại ngập lụt một lần. Bất cứ giá nào, Anne cũng không thể bỏ lỡ việc kết thân với nhà Deguilhem. Mùi chocolat trong phòng khiến Thérèse buồn nôn; cơn khó chịu thoáng qua lại xác nhận các triệu chứng khác; mình có mang ư. “Tốt hơn nên có con ngay, Bernard nói, sau đó, khỏi phải nghĩ đến chuyện ấy nữa”. Và anh nhìn với vẻ trân trọng, người đàn bà đang mang trong bụng, vị chúa tể độc nhất của những rừng thông bạt ngàn.
Chú thích:
[5] Con trai Thésée hờ hững với tình yêu. Chỉ say mê săn bắn. Phèdre. Vợ sau của Thésée cám dỗ chàng, bị cự tuyệt, nên vu không là đã bị chàng xúc phạm. Thésée nồi trận lôi đình. Nhờ Poséidion trừng phạt con mình.
Chương V
Saint Clair, sắp đến Saint Clair rồi. Thérèse đưa mắt ước chừng quãng đường mà trí tưởng tượng của nàng vừa lướt qua. Biết Bernard có chịu theo nàng tới đó? Nàng chẳng dám mong anh đồng ý, lần mò từng bước chậm rãi trên con đường quanh co ấy, mà chưa đá động gì tới điều chủ yếu:
“Khi mình đưa anh tới được chỗ uẩn khúc này, thì chỉ còn mỗi việc thổ lộ hết”.
Nàng cố soi rọi niềm bí ẩn của mình, tra vấn vị phu nhân đài các, được mọi người tán tụng là phúc hậu đoan trang, dạo mới về ngụ ở Saint Clair, hồi tưởng những ngày đầu tiên sống trong ngôi nhà thoáng đãng và thâm nghiêm của cha mẹ chồng. Phía quảng trường lớn, những cửa tò vò bao giờ cũng đóng kín im ỉm, nhưng bên trái, ngoài chấn song là một khu vườn rực rỡ những đóa hướng nhật quỳ, phong lữ và dã yên. Thérèse, vừa là bạn tâm tình, vừa là kẻ đồng lõa, lăng xăng lui tới, lúc bên ông bà La Trave, ngồi nép phía trong cùng một phòng khách nhỏ tăm tối ở tầng dưới, khi cùng Anne thơ thẩn trong vườn, bởi cô ấy bị cấm ra ngoài.
Nàng nói với ông bà La Trave:
- Hãy chủ động nhượng bộ thêm một tí, tạo dịp cho cô ấy đi du lịch đây đó, trước khi có bất cứ quyết định nào, con chỉ có thể bắt cô ấy tùng phục đến mức đó thôi, lúc ba mẹ đi vắng con sẽ hành động.
Cách nào? Ông bà La Trave đoán lờ mờ nàng sẽ liên lạc với gã Azévédo:
- Không thể tấn công trực tiếp được đâu, mẹ ạ.
Theo lời bà La Trave thì nhớ Trời, cũng chưa lộ chuyện gì. Cô thu ngân Monod, là kẻ duy nhất biết rõ mọi điều, cô đã nhận nhiều thư của Anne: “Mà con bé, như cái xác không hồn. Dù sao, ta giữ được nó… nó sẽ chẳng bép xép gì đâu”.
- Đừng để nó phải khổ nhiều.
Hector de la Trave luôn miệng nhắc nhở, vừa qua ông quá nuông chiều Anne, cả những ý thích thất thường phi lý nhất, giờ cũng đành đồng tình với vợ mà nói:
- Muốn ăn trứng phải đập vỏ thôi.
Và thêm:
- Sẽ có ngày, nó biết ơn mình.
Đúng thế, nhưng từ đây đến lúc đó, biết nó có sinh bệnh không? Hai vợ chồng lặng thinh, đăm chiêu, chắc họ vừa thoáng thấy trong đầu, đứa con gái héo hon tàn tạ, vì bỏ ăn biếng ngủ, thất thểu đi dọc rào sắt, giẫm nát những cánh hoa mà chẳng thấy. Như con hươu cái, ngơ ngác tìm một lối ra…
Bà de la Trave lắc đầu ngao ngán:
- Dù sao, tôi đâu thế uống nước thịt ép thay cho nó? Nó cứ ních đầy bụng mớ trái cây trong vườn, để đến bữa ăn, lại bỏ cái đĩa trống không.
Ông Hector de la Trave đẩy đưa:
- Nếu mình ưng thuận, sau này nó lại trách. Có khi chỉ vì mấy đứa bé khốn khổ mà nó sẽ cho ra đời…
Cái giọng điều tìm cách bào chữa của ông khiến bà giận:
- May sao, họ Deguilhem chưa về. Cũng mừng là họ hết sức coi trọng cuộc hôn nhân này…
Đợi khi Thérèse rời khỏi phòng, ông bà mới bảo nhau:
- Chẳng biết trong tu viện, họ nhồi nhét những gì vào đầu con nhỏ? Chứ ở đây thì chỉ có toàn gương tốt; sách nó đọc thì mình vẫn kiểm tra kỹ. Thérèse nói rằng, muốn đầu độc tâm hồn các cô gái, chẳng có gì tệ hại cho bằng mấy quyển tiểu thuyết ái tình thuộc “mảng sách tốt”… thật quá nghịch lý. Vả lại, nhờ Trời, Anne có mê đọc sách đâu, về điểm này tôi chưa bao giờ phải phiền trách nó cả. Vì vậy, nó đúng là con nhà tông. Thực ra, nếu mình có thể thay đổi không khí cho nó… Bà có nhớ sau khi lên sởi, rồi biến chứng thành viêm phế quản đó, Salies có lợi cho nó biết bao? Nó muốn đi đâu mình theo đó, em không thể nói gì hơn. Nó là đứa con thật đáng phàn nàn.
Ông de la Trave thở dài lẩm bẩm:
- Ồ! một chuyến du lịch với mình… chả là gì cả!
Ông đáp lời vợ. Bà hơi lảng tai, nên hỏi lại:
- Ông lải nhải gì thế? Giữa lòng cái cơ nghiệp mà ông đã chiếm cho mình một địa vị, ông đột nhiên nhớ lại cuộc phiêu lưu tình ái nào? Những giờ phút thần tiên nào của một thời trai trẻ đắm say?
Ngoài vườn, Thérèse gặp lại cô thiếu nữ gầy gõ trong bộ áo năm trước giờ đã trở nên quá rộng:
- Thế nào?
Anne kêu lên khi nàng vừa tới gần. Màu tro của lối đi, những cánh đồng cỏ khô xào xạc, hương phong lữ úa tàn, và cô gái héo hắt hơn bất cứ hoa cỏ nào, trong buổi chiều tháng tám lại hiện ra trong tâm tưởng Thérèse. Đôi lần, vài cơn mưa dông, buộc họ phải nấp trong nhà kính: những hạt mưa đá rơi lộp độp lên cửa kính.
- Việc gì em phải ra đi, bởi em có gặp được cậu ấy đâu?
- Em không gặp chàng, nhưng em biết chàng sống cách đây mười cây số. Khi gió thổi từ hướng đông, em biết chàng nghe chuông đổ cùng lúc với em. Chả lẽ Bernard ở Argelouse hay ở Paris lại chẳng can hệ gì đến chị sao? Em không thấy Jean nhưng em biết chàng không xa đây. Chúa nhật, trong giờ lễ, em không buồn ngoái đầu lại, vì từ chỗ gia đình ta ngồi, chỉ thấy có mỗi bàn thờ, một cây cột ngăn cách ta với những người khác. Nhưng khi ra ngoài…
- Chúa nhật, cậu ấy không đến đó sao?
Thérèse biết chuyện này, nàng biết Anne bị mẹ lôi đi, đã tìm kiếm mỏi mòn trong đám đông, một gương mặt thiếu vắng.
- Có lẽ chàng ốm. Họ chặn hết thư từ của chàng, em chẳng còn biết gì.
- Cũng lạ là sao cậu ấy không tìm ra cách nhắn em một tiếng.
- Tùy chị thôi, Thérèse… Vâng, em biết rõ tình thế khó xử của chị…
- Đồng ý du lịch đi, trong lúc vắng em, có thể…
- Em không thể xa chàng.
- Dù thế nào cậu ấy cũng ra đi, em ạ. Vài tuần nữa, cậu ấy sẽ rời khỏi Argelouse.
- Thôi! Chị im đi. Đó là ý nghĩ không sao chịu nổi. Nếu muốn em sống, đừng nói lời nào về chàng nữa. Em đang chết dần, chết mòn đây, nên từng lúc em cứ phải nhớ lại những lời nói đã làm em vui sướng, nhưng càng nhắc lại, em càng không còn tin là chính chàng đã thốt ra những lời ấy nữa. Đây, câu này, trong lần gặp cuối cùng, em ngỡ như còn văng vẳng bên tai: “Trong đời anh chẳng có ai ngoài em…” Chàng đã nói thế, hay ít ra cũng là: “Em là cái gì thân thiết nhất đời anh…” Em không thể nào nhớ cho chính xác.
Cô nhíu mày, chờ nghe phản ứng của câu nói mang đầy ý nghĩa tự an ủi:
- Tóm lại, chàng trai ấy thế nào?
- Chị không thể hình dung đâu.
- Cậu ấy không giống những người khác à?
- Em muốn mô tả về chàng… nhưng chàng vượt xa những gì em có thể nói. Dù sao có lẽ chị cho chàng cũng bình thường thôi… Nhưng em tin chắc là không phải thế.
Cô ấy không còn phân biệt được nét riêng biệt nào ở chàng thanh niên, vì đã lóa mắt bởi tình yêu mà chính cô bao phủ quanh chàng.
“Còn mình”, Thérèse, thầm nghĩ, “tình yêu chỉ khiến mình thêm sáng suốt, chẳng có gì nơi người mình mơ ước, lại thoát khỏi mắt mình”.
- Thérèse, nếu em chấp nhận đi du ngoạn, chị sẽ gặp chàng, chị sẽ chuyển lời chàng nói cho em nghe chứ? Chị trao thư em cho chàng nhé? Nếu em đi, nếu em can đảm ra đi…
Thérèse rời vương quốc của lửa nóng và ánh sáng, để lại, như con ong vàng ủ rũ, chui vào phòng, nơi bà mẹ đang chờ trời dịu nắng và con gái thuyên giảm. Phải bao lần đi đi lại lại thế ấy, cuối cùng Anne mới chịu lên đường. Hẳn Thérèse cũng đành bó tay, nếu không có tin họ Deguilhem sắp về đến nơi. Cô ấy run sợ trước nguy cơ mới. Thérèse lặp lại nhiều lần rằng một công tử giàu có mà “được như con trai nhà Deguilhem thì đâu phải tệ”.
- Nhưng, chị Thérèse ạ, em chỉ thoáng thấy mặt gã thôi: gã đeo kính mũi, sói đầu, đó là một cụ già.
- Anh ta mới hai mươi chín kia mà…
-Đúng như em nói, đó là một cụ già: vả lại, già hay trẻ cũng thế thôi...
Trong bữa cơm tối, gia đình de la Trave nói đến Biarritz, băn khoăn về việc tìm một khách sạn ở đó. Thérèse lặng lẽ quan sát Anne, cái thân xác bất động và vô hồn. “Gắng lên con… phải cố gắng”. Bà La Trave nhắc nhở. Như người máy, Anne đưa muỗng lên miệng. Chẳng một tia sáng trong mắt. Đối với cô, chẳng có cái gì tồn tại, cũng không có ai hiện hữu, ngoại trừ kẻ vắng mặt ấy. Thỉnh thoảng một nụ cười thoáng hiện, lạc lõng trên môi, khi chợt nhớ một lời nói đã nghe, một cử chỉ âu yếm được nhận, thuở hẹn hò nhau trong túp lều giữa bụi rậm, bàn tay thô bạo của Jean Azévédo đã dằn tuột áo cô. Thérèse nhìn bộ ngực vạm vỡ của Bernard cúi nghiêng trên dĩa thức ăn, nàng không nhìn thấy mặt anh vì anh ngồi quay lưng về phí ánh sáng, nhưng nghe rõ tiếng nhai nhóp nhép, chậm rãi và ngon lành. Nàng rời khỏi bàn. Mẹ chồng nàng cất tiếng: “Nó không muốn ai trông thấy. Tôi muốn chiều chuộng nó, nhưng nó không thích ai chăm sóc cả. Nhưng cơn khó chịu, tình trạng của nó, thế là ít đấy. Nhưng có nói cũng bằng thừa: nó hút quá nhiều”. Và bà ta nhắc đến thời bụng mang dạ chửa: “Mẹ nhớ khi chờ sinh ra con, mẹ phải thở bằng quả bóng cao su: có thế mới ổn định được vị thế bao tử”.
- Thérèse, chị đâu rồi?
- Đây, trên băng này.
- A! Kia rồi, em vừa thấy điếu thuốc của chị.
Anne ngồi xuống, tựa đầu vào một bờ vai bất động, nhìn trời khẽ nói: “Chàng cũng nhìn thấy những ngôi sao kia, chàng cũng nghe chuông cầu kinh đổ..” Cô lại nói: “Ôm em đi nào, chị Thérèse”. Nhưng Thérèse không buông cúi xuống với mái đầu tin cẩn ấy. Nàng chỉ hỏi:
- Em khổ lắm à?
- Không, chiều nay, em không khổ nữa, em biết bằng cách này hay cách khác, thế nào em cũng được gặp chàng. Bây giờ, em rất bình thản. Cái chính là chàng phải biết điều đó, và qua chị, rồi chàng sẽ hiểu; em quyết định đi du ngoạn. Nhưng khi trở về, em sẽ vượt xuyên tường, sớm hay muộn, em sẽ ngả vào lòng chàng, em tin chắc điều đó như tin chính bản thân em… Không, Thérèse, không, ít ra thì chị cũng đừng khuyên bảo gì em cả, đừng nói đến gia đình…
- Chị không nghĩ đến gia đình đâu, em ạ, mà nghĩ đến cậu ấy. Người ta không thế tự dưng nhảy bừa vào đời một người đàn ông như thế: cậu ấy có gia đình của cậu ấy chứ, những quyền lợi riêng, công việc làm ăn, một mối liên hệ nào đó, biết đâu…
- Không, chàng nói với em: “Anh chỉ có mình em trong đời”. Và một lần khác: “Lúc này, chỉ có tình yêu của đôi ra là đáng kể…”
- Lúc này ư?
- Chị nghĩ gì thế? Chị cho là chàng chỉ nói đến giây phút hiện tại thôi sao?
Thérèse không cần hỏi cô ấy có đau khổ không nữa, nàng biết cô ấy đang âm thầm đau khổ, nhưng không cảm thấy xót thương. Sao nàng phải xót thương chứ? Được gọi tên, người mình thiết tha gắn bó, chắc là thích thú xiết bao. Chỉ cần nghĩ là người ấy gối đầu lên tay mà ngủ, buổi sáng, người ấy thức dậy, tấm thân trai trẻ khuấy động sương mù.
- Chị khóc à, Thérèse? Vì em mà chị khóc à? Chị thương em lắm sao?
Cô bé đã quỳ xuống, tựa đầu vào hông Thérèse và thốt nhiên đứng bật dậy:
- Em cảm giác có cái gì chẳng biết, động đậy trong người em. Đúng thế, từ vài ngày nay, nó bắt đầu cựa quậy.
- Đứa bé?
- Ừ, nó đang sống.
Họ đã quay vào nhà, quàng tay nhau như cách đây chưa bao lâu, trên đường Nizan, hay lối về Argelouse. Thérèse nhớ là mình đã sợ hãi cái gánh nặng biết run rẩy ấy. Từ tận cùng cơ thế, bao say mê, đắm đuối đã dồn vào khối xương thịt chưa thành hình kia! Nàng thấy lại mình, đêm ấy, ngồi trong phòng trước khung cửa sổ mở. (Bernard hét to với nàng từ ngoài vườn: “Chớ đốt lửa vì muỗi đấy”). Nàng đếm từng tháng, cho đến ngày sinh, nàng muốn biết đến một thần linh để khẩn cầu, sao cho cái sinh vật xa lạ, hãy còn lẫn trong núm ruột của nàng, đừng bao giờ chào đời.
8/8/1988
François Mauriac
Nguyễn Bích Như - Thu Uyên dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...