Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Tìm người nằm lại giữa rừng

Tìm người nằm lại giữa rừng

Gia đình bị phân chia kẻ Nam người Bắc, mãi đến năm 1978, tôi mới được gặp lại hai em Lin và Diệu, hai cô em con dì ruột tôi, từ Huế lần đầu tiên ra Hà Nội. Hai em muốn nhờ tôi đi tìm giúp hài cốt của ba mình, dượng Phan Tây, người đã ở cùng một cơ quan Nghiên cứu Vũ khí với tôi ở chiến khu Việt Bắc.
Dượng đã hy sinh ở Cao Bằng năm 1950, năm dượng ba mươi hai tuổi. Giọng Huế hiền lành của em Lin:
“Sau 1975, bọn em được báo tin ba em đã mất năm 1950 tại Cao Bằng. Nhưng không tìm thấy hài cốt. Đau lòng quá. May mà được tin “cậu Liên” ở Tứ Kỳ, Hải Dương, là một nhà ngoại cảm tìm hài cốt rất nổi tiếng. Hai chị em ra miền Bắc, tìm đến huyện Tứ Kỳ ngay. Không ngờ ai cũng tử tế với bọn em, chị ạ. Nơi cậu Liên cho trú ngụ quá chật hẹp, phải ăn chay nằm đất cả tuần. Tụi em rất lòng thành, luôn niệm Phật, cầu xin.
Cách đây mấy ngày, cậu Liên cho gọi: “Hai chị em người Huế lên đây”. Líu ríu dắt nhau lên, cậu bảo: “Sao, muốn xin điều gì?”. Em trình bày việc ba em tham gia kháng chiến từ năm 1945. Bặt tin tức luôn cho đến năm 1976 thì được tin ba đã bị Pháp bắn, hy sinh tại Cao Bằng năm 1950, nhưng hài cốt không tìm được. Mong nhờ cậu giúp đỡ.
– Ông tên gì? Mất năm bao nhiêu tuổi? Mất ở đâu?
– Dạ tên là Phan Tây, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam. Giấy báo tử cho biết ba chúng tôi mất năm 1950, năm ông tròn ba mươi hai tuổi, bị Tây bắn chết ở Cao Bằng. Không tìm thấy xác.
– Tội nghiệp. Tôi sẽ gắng giúp cho.
Trưa hôm ấy, em đang cầm chén cơm, người nhà ông Liên gọi rối rít: “Mau lên nhà, cậu gọi”.
Giọng cậu Liên rè rè như bị nghẹt mũi:
– Thấy được rồi. Vong là người tốt, chết trẻ nên xương cốt còn nguyên vẹn – Rồi hỏi tiếp – Có đem máy cát xét theo không?
Nhờ khách cùng nhà trọ mách trước nên các em đã chuẩn bị sẵn. Cậu Liên chỉ đường bằng cách nói thẳng vào máy, dặn phải lên Cao Bằng để tìm mộ. Nghe nói Cao Bằng ở rất xa, tận trên miền núi, không biết đường đi, nên hai chị em đi thẳng ra Hà Nội nhờ chị giúp”.
Mấy chị em xúm quanh chiếc máy cát xét bé tẹo. “Gia đình lên huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, tìm đến xã Tà Lùng. Tìm mộ ông Phan Tây trong một nghĩa trang liệt sĩ vô danh thời chống Pháp. Tìm đến ngôi mộ thứ tư bên phải, tính từ dưới lên, hay ngôi mộ thứ tám tính từ phía trên xuống, đó là mộ ông thân sinh ra hai chị em đó. Không phải dễ tìm, phải nhờ gia đình giúp thêm sức mới được. Vì ông Phan Tây chết trẻ, nên hài cốt còn nguyên vẹn đó. Lại được số bọc điều…”
Đến đây, băng cát xét dừng đột ngột.
Không nghe tiếp, chúng tôi bàn cách đi tìm mộ dượng tôi.
***
Xin nói rõ thêm về hoàn cảnh gia đình tôi
Dượng Phan Tây tôi là kỹ sư nhà máy đèn SIPEA ở Huế và là một cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật từ năm 1944.
Dượng cũng chính là người giác ngộ và đưa tôi vào con đường hoạt động cho Việt Minh trong thành Huế. Trong thời kỳ kháng chiến, khi tôi lên Việt Bắc, tình cờ hai dượng cháu lại được làm việc cùng cơ quan Nghiên cứu Vũ khí thuộc Cục Quân giới. Năm 1950, trong phái đoàn quân sự được cử lên Cao Bằng để chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng biên giới, dượng đã hy sinh trong một cuộc tập kích của quân đội Pháp. Sau 1950, cơ quan đã nhiều lần cử cán bộ lên Cao Bằng tìm hài cốt. Nhưng được tin là sau trận càn, quân Pháp đã cho vùi xác lẫn lộn, không tìm ra được manh mối.
Sau khi được cơ quan đồng ý cho nghỉ phép, tôi chuẩn bị cuộc tìm kiếm. Chồng tôi, một sĩ quan pháo binh đã chuyển ngành, là đồng đội thân thiết của dượng tôi, cũng đề nghị sẽ cùng đi. Nghe tin này, một trung tá trong Ban Chính sách của Bộ Quốc phòng, là bạn cùng đơn vị trước kia, cũng muốn tham gia đoàn.
Chưa đi, đã nghe hai vị này bàn lùi: “Không chắc có tìm được đâu. Đồng chí Phan Tây hy sinh năm 1950, đã hai mươi tám năm rồi, không có tin tức gì. Mà ông thày Liên này mới bốn lăm tuổi thì biết gì về cuộc kháng chiến chống Pháp…” .
Tuy đầy hoài nghi, nhưng hai vị cũng lên xe cùng ba chị em tôi lên Cao Bằng.
Vào gặp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, nhờ có ông trung tá và chồng tôi, cuộc gặp gỡ diễn ra nhanh chóng và đầy nhiệt tình. Giấy giới thiệu đầy đủ để nhờ Bộ Chỉ huy Huyện đội Quảng Hòa giúp việc tìm mộ đồng đội.
Cửa trụ sở Huyện đội Quảng Hòa đóng kín mít. Lại phải nhờ đến ông trung tá đi cùng mới biết là Huyện đội đang vào đợt huấn luyện quân sự trong mười lăm ngày. Thăm thú phong cảnh thị xã Cao Bằng để đến tối mịt mới xông vào tận nhà vị Huyện đội trưởng. Thấy có hai sĩ quan quân đội cùng đi tìm hài cốt, anh Huyện đội trưởng rất thân thiện: “Tôi sẽ viết giấy giới thiệu cho Ủy ban xã Tà Lùng. Đồng chí này cũng là bộ đội chuyển ngành, các đồng chí và gia đình cứ yên tâm”.
Sau 60km, đến Tà Lùng, gặp chủ tịch Ủy ban xã, một thanh niên khoảng ba mươi tuổi. Đọc xong giấy giới thiệu, anh hỏi:
– Bây giờ các đồng chí cần gì?
– Xin được tìm đến nghĩa trang liệt sĩ vô danh thời chống Pháp ở Tà Lùng theo lời dặn dò của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên.
Giọng anh chủ tịch xã trẻ tuổi bỗng đanh hẳn lại:
– Tôi là người vùng này. Chưa bao giờ nghe đến một nghĩa trang nào như vậy. Nếu có, thì đã cho tôn tạo lại rồi.
Mấy ông thày ngoại cảm cứ phán lung tung…
Chúng tôi im lặng rút lui.
Không dễ bỏ cuộc như thế, hai ngày trời chúng tôi lùng sục quanh vùng. Hai vị sĩ quan quân đội trong đoàn gợi ý là về nhờ Huyện đội Quảng Hòa đến tiếp sức. Có chút kinh nghiệm tìm hang để giấu tài liệu và vũ khí trong những năm ở rừng Việt Bắc, khi lò dò đến cách trụ sở Ủy ban khoảng 2km, tôi nhờ một người dân Tà Lùng leo lên một cây cao nhìn xuống xem có những đường mòn nào còn dấu vết không. Chàng thanh niên người Tày nhanh nhẹn trèo lên một cây cổ thụ, đưa mắt nhìn quanh. Rừng dày đặc một màu xanh sẫm. Hồi hộp chờ…
Bỗng cậu ta hú lên:
– Có, có rồi. Có một con đường nhỏ đây rồi.
Nhanh nhẹn tụt xuống, tay cầm cây dao quắm đi rừng, cậu ta phạt mấy bụi cây rậm rạp xung quanh. Một con đường mòn nhỏ xuất hiện. Cả đoàn ùa đến, lần theo con dốc nhỏ còn vết mờ mờ giữa rừng sâu. Vừa hết con dốc, ngẩng đầu lên là một cái cổng hình vòm cung bằng xi măng đã tróc lở, còn dòng chữ: Nghĩa trang liệt sĩ vô danh.
Lấp ló trong những bụi cây là hàng chục ngôi mộ, hoang tàn, sụp đổ. Ra công phát những dây leo mọc chằng chịt, cuối cùng hai cửa nhỏ của nghĩa trang lộ ra. Em Diệu tôi, đứa con mới lên năm tuổi khi ba em rời nhà theo kháng chiến, nước mắt ràn rụa, thốt lên: “Ba ơi!” và thắp mấy cây nhang, vừa thì thầm khấn vừa đếm. Đến ngôi mộ thứ tư bên phải, tính từ dưới dốc lên, em tần ngần rồi đặt hai viên gạch lên.
– Chị ơi, không có dấu vết gì cả, làm sao biết là ba em đã nằm ở đây? Năm mươi năm rồi.
– Cầu cứu cậu Liên thôi.
Tà Lùng không có sóng, tôi quyết định trở về Cao Bằng để gọi điện thoại về Tứ Kỳ, Hải Dương. Hai vị quân đội đi theo đoàn can ngăn, “mất thì giờ”. Tôi vẫn bảo lái xe trở lại Cao Bằng vì những kết quả tìm ra nghĩa trang liệt sĩ vôdanh giữa rừng sâu đã làm tôi tin tưởng phần nào lời của “cậu”.
* * *
Tám giờ tối. Chiếc xe ì ạch đến khách sạn Bằng Giang, Cao Bằng. Diệu vội vã gọi cậu Liên.
– Làm sao biết được mộ của ba con giữa một nghĩa trang liệt sĩ vô danh, cậu giúp con với.
Một giọng pha chút hài hước:
– Chị muốn thử cậu à? Thế ai đã đặt một viên gạch lên ngôi mộ thứ tư trưa nay thế?
Cả đoàn giật thót. Cậu Liên đang ở Vĩnh Yên, cách Tà Lùng gần 300km. Kể cả hai đồng chí bộ đội đi trong đoàn, cả hai đều tắt nụ cười mỉm và tất cả xúm quanh chiếc loa điện thoại. Cậu Liên nói tiếp:
– Đến Tà Lùng, tìm ông Hiền bộ đội và nhờ ông ấy.
Sáng hôm sau, xe lại từ Cao Bằng trở lại Tà Lùng. Vào Ủy ban xã, tìm ông Hiền bộ đội. Ai cũng lắc đầu. Cơ quan này không có ai tên Hiền là bộ đội cả. Đang rầu rĩ, bỗng một bác lao công đang quét sân đến gần:
– Đây không có ai là Hiền, chỉ có ông Hiện là bộ đội phục viên, công tác ở Ban Chính sách. Nhưng ông Hiện về hưu rồi, nay đang ở Thái Nguyên với con cháu.
Chồng tôi bỗng quay người, hấp tấp lục tìm trong cái xắc cốt lúc nào cũng đeo bên người. Trên một trang trong quyển sổ tay đã nhàu nát từ những năm trước, có mấy chữ ghi vội: Đồng chí Hiện, Ban Chính sách. Năm 1990, anh Hoàng đã một lần lên Cao Bằng tìm mộ dượng Tây tôi và cũng không gặp được ông Hiện này.
Chính con người không bao giờ tin vào tâm linh ấy đã thúc giục chúng tôi: Vậy thì phải đi Thái Nguyên sáng mai thôi. Dễ dàng tìm thấy địa chỉ của đồng chí về hưu: xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Trên chiếc xe, vẫn hai đồng chí bộ đội bàn tán: Sao trùng hợp thế nhỉ. Riêng tôi khấp khởi mừng thầm cho hai cô em họ. Tôi tin vào những điều lạ lùng này.
Tìm được nhà ông Hiện, một ngôi nhà khang trang, ba gian, mái ngói, mấy hàng tre rợp bóng. Ông Hiện chăm chú nghe, gật gật đầu:
– Tử sĩ làm ở Quân giới à? Tôi có biết. Chính tay tôi đã cho cải táng một đồng chí ở Quân giới. Năm 1950, có hai đồng chí đi công tác Cao Bằng bị Tây phục kích. Một bị thương nặng, chết ở bệnh viện, một chết tại chỗ. Đồng chí này chết trẻ lắm, người cao to. Hai lần cải táng đấy. Một lần ở gần nhà máy đường Phục Hòa, một lần về Tà Lùng. Cải táng lần hai, may mà xương cốt còn nguyên vẹn.
Tôi nằn nì:
– Chúng tôi xin mời bác đi với chúng tôi lên Tà Lùng một chuyến.
Bác Thiện chỉ vào đôi chân sưng phù, lắc đầu:
– Tôi bị thận nặng, phải chạy thận, không thể đi xa được đâu.
Chồng tôi đến gần:
– Tôi là bạn chiến đấu của tử sĩ này. Tuy chưa được gặp đồng chí nhưng năm 1990 tôi đã biết tên đồng chí công tác ở Ban Chính sách của tỉnh. Tôi chỉ đề nghị là đồng chí viết giúp một bức thư gửi cho Tỉnh đội Cao Bằng xác nhận là tôi, sĩ quan quân giới Tôn thất Hoàng, đã cùng cải táng liệt sĩ này lần thứ hai với đồng chí. Như vậy may ra chúng tôi mới được phép tìm lại được người thân.
Sau một hồi chuyện trò, kết quả là một là một thư chứng nhận có chữ ký của ông Hiện đã cùng đoàn trở lên Tà Lùng.
Cầm thư, vị chủ tịch trẻ xã Tà Lùng vẫn lắc đầu:
– Phải để chúng tôi nghiên cứu lại, các đồng chí ạ.
Tôi không bỏ cuộc, quyết định về gặp Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng và ông giám đốc Sở Thương binh Xã hội. Chiếc xe lại thêm một lần bò về Cao Bằng. Lần thứ năm. Không ngờ ông giám đốc có người em ở Quân giới cũ, quen biết gia đình tôi ở Việt Bắc. Thế là gặp lại nhau, chúng tôi trở thành người nhà.
Sáng hôm sau, lần thứ sáu, chúng tôi đi Tà Lùng, lần này có thêm giấy của cấp cao cùng một tiểu đội đem theo đầy đủ xẻng cuốc.
Bí thư xã bỗng hoạt bát hẳn lên sau khi đọc hai bức thư của thượng cấp. “Tốt quá, tốt quá. Tôi sẽ đi cùng các đồng chí”.
Bốn giờ chiều hôm sau, một tiểu đội chiến sĩ của tỉnh, năm chàng trai của xã Tà Lùng, anh chủ tịch, cô phó chủ tịch xã và đoàn chúng tôi rồng rắn kéo nhau vượt con đường mòn dẫn đến nghĩa trang Liệt sĩ Vô danh.
Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống ngôi mộ loang lổ xám xịt. Hai em tôi chắp tay cầm bó nhang, cúi đầu khấn. Tôi thì thầm: “Dượng ơi, chứng giám cho chúng con. Nếu chẳng may không phải là dượng Phan Tây thì mong vong hồn người dưới mộ tha tội cho lòng thành của chúng con”.
Lộ dần một cái chum sành dính chặt đất. Một sọ người, các xương chân tay. Tôi run run đến gần. Đến lúc này, tôi mới biết là đường nét của một sọ người rất giống với khuôn mặt lúc còn sống. Cái trán hơi dô ra, cái xương cằm bạnh… Xương ống tay ống chân hầu như còn trắng nguyên vẹn, dài đúng chiều cao của dượng tôi. Ba chị em bật khóc.
Hài cốt đã xếp đầy đủ trên phiến đá. Trời bỗng lắc rắc mưa. Em Diệu tôi cầm cái túi du lịch màu đen đem theo. Mọi người bật ngửa. Vì chưa lường trước được, cái túi định đựng hài cốt lại quá nhỏ so với xương cốt nguyên vẹn đã tìm thấy. Giữa rừng, không người qua lại. Tấm nylon vội căng lên che nước ngấm vào xương.
Còn đang lúng túng bỗng bóng một người từ trên dốc phăm phăm đến gần. Một chàng trai người dân tộc, có lẽ vừa trên nương về, chiếc dao quắm giắt lưng. Thấy đám đông trong nghĩa trang, anh ta tò mò dừng lại.
Tôi đến gần:
– Chú có biết gần đây có cửa hàng mậu dịch không?
– Không có đâu, phải về huyện mới có.
Tôi buột miệng:
– Thế chú biết trong làng có ai bán vải không?
– Không có đâu.
– Nhà ai có màn gió không?
Anh ta ngần ngừ:
– Nhà tôi có.
Tôi dúi ngay một nắm tiền vào tay anh.
– Để tôi về bảo vợ tôi nó tháo cho. Màn mới mua thôi.
Trời mưa nặng hạt hơn. Em tôi thì thào:
– Chị hỏi mua màn gió làm gì?
– Em nhớ không, cậu Liên bảo, người chết trẻ này số bọc điều. Chị liều vậy.
Những bước chân người vượt dốc. Hai anh chị người dân tộc vào nghĩa trang. Người vợ ôm trong lòng một xấp vải, giũ ra. Những hình con công đỏ chói lẫn với những cánh hoa mẫu đơn phơn phớt hồng. Loại vải con công rất được bà con dân tộc ưa chuộng. Hai em tôi chắp tay niệm A Di Đà Phật rồi trải tấm chăn trên phiến đá. Hài cốt nằm gọn trong xấp vải đỏ rực.
Mỗi người một cây nhang, lần lượt cúi đầu. Sống với nhau mấy chục năm, lần đầu tiên tôi thấy chồng tôi gập người, cúi lạy. Thường vào những ngày giỗ lớn, anh chỉ thắp một cây nhang, cắm vào bàn thờ, và đứng nghiêm.
Sau khi lấp huyệt mộ và thắp hương trên 52 ngôi mộ còn lại, chúng tôi giã từ mọi người. Xe lăn bánh về Hà Nội. Hôm sau, chúng tôi về Huế. Bạn bè, họ hàng của gia đình tôi đã đã chờ trong nghĩa trang liệt sĩ thành phố Huế.
Dượng Phan Tây của tôi, sau hai lần cải táng, sau gần ba mươi năm nằm trong một nghĩa trang liệt sĩ vô danh tận xã Tà Lùng, năm 1978 đã về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Huế, suốt năm ấm áp hương khói gia đình.
***
Đạo diễn phim tài liệu Xuân Phượng sinh năm 1929 tại Huế, lớn lên ở Đà Lạt. Bà tham gia Việt Minh từ năm 1945, ra vùng kháng chiến khu Bốn rồi chiến khu Việt Bắc. Từng là nhân viên chế tạo thuốc nổ trong chiến khu, sau năm 1954 bà là y sĩ nhi khoa, phiên dịch viên tiếng Pháp, phóng viên chiến trường, rồi trở thành đạo diễn phim tài liệu với nhiều bộ phim đoạt giải trong nước và quốc tế. Tập hồi ký “Ao dai” bà viết bằng tiếng Pháp đã xuất bản ở Pháp năm 2000, và được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ba Lan. Năm 2020, ở tuổi 91, bà cho ra mắt tập hồi ký bằng tiếng Việt “Gánh gánh gồng gồng”.
Từ năm 1990, bà là chủ Lotus Gallery, phòng tranh tư nhân đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh. Hơn ba mươi năm qua, Lotus Gallery đã tổ chức triển lãm cho nhiều họa sĩ Việt Nam ở trong nước và nước ngoài.
19/11/2022
Xuân Phượng
Nguồn: Tạp chí Non Nước Cao Bằng, 8.2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...