Thứ Tư, 26 tháng 6, 2024

Cảm ơn cô - Người thắp lửa đam mê

Cảm ơn cô - Người
thắp lửa đam mê

“Từ một cậu bé ít nói tôi đã trở thành người nói năng hoạt bát hơn. Tôi biết quan tâm đến bố mẹ và mọi người xung quanh bằng lời hỏi thăm và cả hành động sẻ chia. Bố mẹ cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi trưởng thành hơn mỗi ngày. Tôi ấp ủ nhiều hoài bão, dự định trong tương lai. Tất cả những điều có được đó là nhờ có cô. Cô đã mang đến cho tôi niềm tin, nghị lực, quyết tâm để trở thành con ngoan trò giỏi, người công dân tốt trong tương lai”. Đó là tâm tình xúc động của em Nguyễn Ngọc Hoạt, học sinh lớp 9A, Trường THCS Lý Nhật Quang ở Đô Lương, Nghệ An.
Tuổi học trò gắn liền với những mùa hoa phượng, gắn liền với mái trường, thầy cô, bạn bè. Đó là những năm tháng không thể nào quên. Đến trường chúng ta được sống trong tình bạn mến thương, trong tình thầy trò ấp áp. Những kỉ niệm về thầy cô, bạn bè sẽ trở thành hành trang theo ta đi suốt chặng đường đời. Trên chặng đường ấy, người đã bên tôi, thay đổi con người tôi là cô giáo dạy văn.
Khi đó tôi thật may mắn khi được đỗ vào trường chuyên của huyện nhà – trường THCS Lý Nhật Quang. Tôi được xếp vào lớp 6A. Mọi thứ thật lạ lẫm, tôi tò mò và ấn tượng về nhiều thứ. Bạn bè nhanh chóng đã được tôi làm quen, họ rất cởi mở và có vẻ khá là thân thiện. Vào các tiết học đầu năm thầy cô cũng bắt đầu giới thiệu về mình và nói rõ bộ môn mà mình phụ trách. Mỗi thầy cô đều cho tôi một ấn tượng riêng. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng nhất đó chính là cô giáo dạy môn Ngữ văn.
Cô bước vào lớp một cách đầy tự tin, chào cả lớp chúng tôi bằng một nụ cười tươi tắn. Tôi bị chinh phục bởi cách cô nói chuyện cũng như cách cô giới thiệu về bộ môn của mình ngay từ buổi lên lớp đầu tiên. Cô nói chuyện rất tự nhiên, gần gũi với học trò. Đầu tiên là cô chào hỏi, giới thiệu về mình. Sau đó cô giới thiệu về bộ môn Ngữ văn ở cấp hai, cô cho thấy sự khác biệt giữa môn Văn ở cấp một và môn Văn ở cấp hai cũng như nói rõ về phương pháp, cách học bộ môn này. Nói chung, màn mở đầu của cô thật là ấn tượng. Cô đã cho chúng tôi sự yêu thích, tò mò muốn khám phá ngay về bộ môn này.
Những ngày sau đó, qua mỗi giờ học thì môn Toán và môn Văn là hai môn mà tôi nổi trội nhất. Nói về môn Toán thì tôi đầy tự tin. Hồi ở cấp một, tôi đã có định hướng đi chuyên sâu vào môn này, việc tôi nổi trội về môn Toán cũng chẳng có gì lạ. Nhưng môn Văn lại khác. Không hiểu sao tôi – một đứa vốn dĩ không giỏi ăn nói, ý tưởng viết các bài văn chẳng được phong phú và từ lâu trong suy nghĩ của tôi và nhiều bạn khác môn Văn chán ngắt, chẳng có gì hứng thú vậy mà giờ tôi có thể tiếp nhận bộ môn này một cách hào hứng, say mê đến lạ kì. Và chẳng hiểu sao, những văn bản đọc hiểu tôi lại hiểu ngay một cách dễ dàng; những bài văn cũng được tôi triển khai ý tứ rất phong phú. Đó là điều tôi cảm thấy lạ. Có lẽ nhờ tôi có hứng thú về môn học từ cái lần gặp mặt ấy, hay cũng có thể tôi đã khá văn từ lâu nhưng bản thân vẫn chưa nhận ra, cũng rất có thể chương trình lớp 6 này lại “hợp” với tôi. Nói cho dễ hiểu thì nó cũng giống như “trúng tủ” khi đi thi vậy. Hoặc cũng có thể tất cả trên đều là nguyên do. Nói chung, đáp án này vẫn là một ẩn số nhưng tôi chắc chắn một điều: Ngữ văn sẽ là môn tiếp theo tôi đi chuyên sâu và tôi sẽ cố gắng học thật giỏi môn học này. Đây cũng là lần đầu tiên tôi quyết tâm vì một điều chưa từng nghĩ đến – yêu Văn, học Văn.
Có vẻ như cái quyết tâm của tôi đã được cô nhận thấy. Vào một giờ kiểm tra 90 phút, cô bất ngờ nói về vấn đề chọn đội tuyển. Lúc đó tôi đã chọn Văn là nguyện vọng số một của mình không một chút đắn đo còn Toán là môn tôi có định hướng từ cấp một nhưng tôi lại xếp vào nguyện vọng hai. Quay trở lại thực tại, tôi nhìn thấy cô với vẻ mặt nghiêm túc, không hay nói đùa như mọi ngày, tôi cảm thấy trong lòng có chút bất an. Tôi sợ mình không được cô chọn vào đội tuyển. Tôi có vẻ như đã lo xa, cô đã chọn tôi. Và thế, tôi đã trở thành thành viên của đội tuyển Văn 6.
Chúng tôi chỉ mới là lớp 6, tất nhiên việc học riêng đội tuyển như các anh chị lớp 8, lớp 9 thì chưa được. Tuy vậy, cô vẫn sắp xếp thời gian, bồi dưỡng chúng tôi sau mỗi giờ học buổi chiều. Buổi học đầu tiên cô cho chúng tôi ôn tập, cô chỉ ra tất cả những dạng mà chúng tôi đã học, lấy ra từng ví dụ cụ thể nhằm giúp chúng tôi nắm thật chắc kiến thức cơ bản để rồi mới tiếp tục học nâng cao. Cô hướng dẫn chúng tôi làm văn. Ôi thôi, viết cho ra một bài làm văn đâu phải dễ. Phải viết có đầu, có đuôi, phải trọn vẹn ý, phải diễn đạt sao cho hấp dẫn, cho có nét riêng của bản thân,… Tôi bắt đầu lo lắng. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra liệu mình có thể trụ vững không, mình có thể viết được hay không, bài tập cô ra có nhiều không,..
Vốn quen với viết văn của tiểu học chỉ trong vẻn vẹn chưa đầy nửa trang giấy ô li là được rồi, tôi rơi vào tình trạng “vấp ngã tâm lý”. Tôi đã không siêng năng được khi không thể lập ra “luật của mình”, nói chính xác hơn là những gì tôi nghĩ ở trong đầu. Chuyện là thế này, mỗi lần tôi buồn ngủ, không muốn học bây giờ, muốn để sang ngày mai thì tôi đã nghĩ “mình không làm thì ai làm cho mình nữa”. Đó chỉ là “suy nghĩ phụ”. Cái chính ở đây là tôi không muốn thấy vẻ mặt buồn rầu của cô, cô đã tin tưởng tôi, cô đã cho tôi cơ hội để vào đội tuyển, vậy mà tôi làm cho cô thất vọng thì chẳng phải niềm tin của cô dành cho tôi là nhầm chỗ sao. Cứ nghĩ đến việc mình không còn được sự tin tưởng từ cô, tôi lại càng cố gắng làm bài thật tốt, thật đầy đủ và tất nhiên, chất lượng phải đặt lên hàng đầu. “Luật của mình” chỉ giúp tôi đến có vậy, trong một số trường hợp nó hoàn toàn bị “mù tịt”. Điều này đã dẫn đến việc tôi chưa làm bài tập Văn buổi chiều và cố gắng hoàn thành nó ngay sau khi vừa đặt chân đến lớp. Cũng nhờ vậy, cái chiều hôm đó tôi được gán cái mác “chưa làm bài tập về nhà”. Lúc đầu tôi chẳng màng nhiều về nó nhưng một hành động của cô, một lời nói của cô đã khiến cho tôi suy nghĩ lại mình.
Trước hết cô hỏi tôi có đi môn Văn nữa không? Tôi đáp có. Sau đó cô cũng nhẹ nhàng đáp lại: “Nếu em còn muốn đi môn Văn thì phải cố gắng hoàn thành bài tập em nhé! Học Văn mà không luyện là không được đâu!”. Chỉ vẻn vẹn vài câu đó thôi đã khiến tôi suy nghĩ suốt cả giờ học. Tôi cảm thấy mình thật đáng trách, chỉ là bài tập về nhà cũng để cô phải bận tâm. Hơn nữa đây không phải là bài khó, tôi chỉ dành ra một chút thời gian là làm được rồi! Càng nghĩ tôi càng thất vọng! Sự thất vọng đó thể hiện rõ qua khuôn mặt. Đây chắc chắn là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng, tôi sẽ không thể để chuyện như thế này tiếp diễn thêm một lần nào nữa. Tôi hứa bằng cả danh dự của bản thân, tôi sẽ luôn làm bài tập đầy đủ và thật chất lượng. Như hiểu rõ tâm trạng và ý nghĩ của tôi, cô luôn động viên, khích lệ trao cho tôi niềm tin bằng những câu chuyện về các nhà nổi tiếng, họ đã từng thất bại nhiều lần trước khi đến thành công. Và chính cô là tấm gương sáng hiện hữu trước mắt tôi. Những việc cô làm, những bài viết của cô đã thôi thúc tôi cũng cố gắng để xứng đáng là học trò của cô.
Những ngày sau đó, tâm trạng tôi cũng dần ổn định trở lại. Tôi không còn “đến lớp mới làm bài nữa”. tôi đã chịu khó làm bài, đọc tài liệu cô đưa. Làm xong gửi cô chấm. Cô chấm chữa cho tôi từng tí một từ cách dùng từ đặt câu, cách vào bài hay chuyển ý đến cách liên hệ, mở rộng. Có những hôm đã khuya lắm rồi cô vẫn kiên nhẫn ngồi chữa bài cho tôi. Tôi biết điều ấy bởi sáng mai máy báo tin nhắn cô gửi lúc 1h sáng. Trong lúc tôi say giấc trong chăn ấm thì cô vẫn lặng thầm, chăm chút bài vở cho tôi. “Cô ơi, em biết phải làm gì để không phụ tấm lòng cô”- tôi thầm hứa với cô như vậy. Và rồi tôi tiến bộ trông thấy. Khi nhìn thấy bài làm như vậy của tôi, cô rất hài lòng. Nhìn cô vui khi tôi tiến bộ như thế tôi tự hứa với mình sẽ quyết tâm, quyết tâm học thật giỏi môn Ngữ văn để trên môi cô mãi nở nụ cười. Cô đã quá vất vả rồi! Tôi phải cố gắng để không phụ lòng cô.
Và rồi năm nay, tôi đã may mắn được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh. Niềm vui vỡ òa, tôi rơm rớm nước mắt vì vui sướng. Kết quả này là món quà tôi dành tặng cô. Cảm ơn công lao cô đã vun trồng bấy lâu nay. Cảm ơn cô đã tin tưởng, khích lệ và động viên.
Từ một cậu bé ít nói tôi đã trở thành người nói năng hoạt bát hơn. Tôi biết quan tâm đến bố mẹ và mọi người xung quanh bằng lời hỏi thăm và cả hành động sẻ chia. Bố mẹ cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi trưởng thành hơn mỗi ngày. Tôi ấp ủ nhiều hoài bão, dự định trong tương lai. Tất cả những điều có được đó là nhờ có cô. Cô đã mang đến cho tôi niềm tin, nghị lực, quyết tâm để trở thành con ngoan trò giỏi, người công dân tốt trong tương lai.
Tôi tin rằng cô sẽ truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ học trò giống như cô đã truyền cho tôi. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được làm học trò của cô và những kỷ niệm sâu sắc với cô tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi muốn nói với cô rằng: “Cảm ơn cô, người mẹ hiền thứ hai của em. Những gì cô dạy sẽ theo em đi suốt cuộc đời. Em sẽ cố gắng để khi nghĩ về em cô sẽ mỉm cười”.
17/11/2022
NGUYỄN NGỌC HOẠT
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXLỡ một kiếp người

Lỡ một kiếp người Lỡ một kiếp người Anh ta trông thấy tôi, gọi ầm lên như người kêu cứu, làm cho những người đi ở phố đứng dừng cả lại, ...