Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Biểu tượng trong thơ một số tác giả thuộc thế hệ Đổi mới

Biểu tượng trong thơ một
số tác giả thuộc thế hệ Đổi mới

Nhận diện vấn đề biểu tượng trong thơ một số tác giả tiêu biểu thuộc thế hệ Đổi mới Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Inrasara,… Giới thuyết và xác định hệ thống biểu tượng trong thơ thời kỳ Đổi mới. Nhấn mạnh biểu tượng thơ tồn tại không chỉ như một loại hình ảnh mà còn như một phương thức tư duy đặc thù để tạo nên tính thơ, tính nghệ thuật trong tác phẩm thơ. Bằng/ thông qua biểu tượng, các tác giả thuộc thế hệ Đổi mới đã tạo ra những sắc thái và phong cách nghệ thuật thơ độc đáo, đa nghĩa.
“Thế hệ Đổi mới” là một thuật ngữ mang tính quy ước, nhằm chỉ thế hệ nhà thơ Việt Nam xuất hiện và thành danh chủ yếu vào thời kỳ Đổi mới (sau 1986). Về độ tuổi, họ chủ yếu thuộc thế hệ 5X, 6X. Các sáng tác của họ thể hiện một quan niệm và thi pháp sáng tạo mới, có nhiều điểm khác biệt so với thế hệ chống Mỹ trước đó. Đó là một thế hệ hội tụ khá nhiều cá tính nghệ thuật riêng, độc đáo. Biểu tượng trong thơ là kết quả sáng tạo độc đáo của mỗi nhà thơ, kết tinh những tìm tòi riêng trong tư duy và bút pháp nghệ thuật của tác giả. Có thể nói, biểu tượng luôn được sáng tạo và đổi mới, bởi vì bản thân nó là một thực thể sống động và luôn có sự luân chuyển, đắp đổi nghĩa, điều này xuất phát từ cấu trúc phức tạp tự thân và sự tiếp nhận đa dạng của độc giả. Biểu tượng là một phương diện nghệ thuật hết sức đáng chú ý trong sáng tác của các tác giả thuộc thế hệ Đổi mới.
Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ tập trung khảo sát và phân tích vấn đề nghiên cứu ở sáng tác của một số tác giả của thời kỳ Đổi mới, cụ thể là năm tác giả sau: Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Lương Ngọc, Dương Kiều Minh, Inrasara.
1. Biểu tượng là một trong những đặc trưng hình thức của thơ. Khái niệm biểu tượng khá quen thuộc nhưng lại rất phức tạp vì chưa có sự thống nhất trong cách hiểu cũng như cách vận dụng. Vậy biểu tượng là gì? Theo Từ điển thuật ngữ văn học, trong nghĩa rộng biểu tượng thể hiện “đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng văn học nghệ thuật”; theo nghĩa hẹp, biểu tượng là “một phương thức chuyển mã của lời nói” đặt bên cạnh ẩn dụ, hoán dụ hoặc là một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt “có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hiện tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” [2, tr.24]. Biểu tượng có khả năng mở ra một thế giới mới đa dạng và phong phú. Nó thường tồn tại dưới dạng hình ảnh cụ thể nhưng chứa đựng ý nghĩa sâu sắc. Nhưng biểu tượng không phải tất cả là hình ảnh. Theo C.G.Jung, “Cái mà chúng ta gọi là biểu tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng là quen thuộc trong đời sống hàng ngày, vẫn chứa đựng những mối quan hệ liên can, cộng thêm vào đó cái ý nghĩa quy ước và hiển nhiên của chúng. Trong biểu tượng có bao hàm một điều gì đó mơ hồ, chưa biết hay bị che giấu đối với chúng ta” [1,tr.17]. Trong thơ, biểu tượng tồn tại không chỉ như một loại hình ảnh đặc biệt mà còn như một phương thức để tạo nên tính thơ, tính nghệ thuật trong tác phẩm. Bùi Công Hùng cho rằng: “Biểu tượng trong thơ là hình ảnh cụ thể giàu cảm xúc, có nhiều khả năng chứa đựng ý nghĩa sâu, có khả năng kết hợp và biến hóa. Nó là các hình ảnh có sức khái quát nhất định, nhưng thường là khởi điểm của các hình ảnh khác phong phú hơn, đa dạng hơn” [3,tr.42]. Như vậy, có thể hiểu biểu tượng thơ như là những hình ảnh đặc biệt, được lựa chọn, xây dựng trong tác phẩm theo những cách thức riêng, mang nghĩa tượng trưng, trùng phức.
2. Biểu tượng là một phương diện nghệ thuật độc đáo trong thơ của nhiều tác giả thuộc thế hệ Đổi mới. Biểu tượng thơ họ thường được khái quát lên từ những cái rất bình thường, nhỏ bé, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Thơ họ, trên thực tế, bằng/ thông qua biểu tượng, đã tạo ra một không gian rộng lớn, một thế giới đa tầng, đa nghĩa. Sau đây, chúng tôi sẽ điểm qua biểu tượng trong thơ một số tác giả tiêu biểu.
Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng trong thơ mình một hệ thống biểu tượng độc đáo. Nổi bật là biểu tượng cánh đồng, sông Đáy, những người đàn bà, cây ánh sáng, giọng nói mơ hồ… Đây  là những biểu tượng gần gũi, quen thuộc, trở đi trở lại trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Hình ảnh cánh đồng trở thành biểu tượng gần gũi thiêng liêng và là nơi gắn bó tuổi thơ của tác giả, là điểm tựa tâm hồn ông: “Tôi bay qua những cánh đồng mùa xuân còn ái ngại” (Bài hát);“Có một ngày không gieo hạt/ Trốn những lo âu về lại cánh đồng” (Cánh đồng); Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh thi vị, trữ tình, cánh đồng trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng gợi nên những sắc thái cảm xúc trái ngược“Cánh đồng bị thương kêu lên một tiếng cười ngái ngủ/Và lịm vào những thửa ruộng bùn nâu”(Hòa âm của những đa bào). Gắn với biểu tượng cánh đồng là dòng sông. Sông Đáy là một biểu tượng nổi bật của thơ Nguyễn Quang Thiều. Thực ra, trước đó, hình ảnh con sông Đáy cũng đã được nhà thơ Quang Dũng nhắc đến: “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc/ Sáo diều vi vút thổi đêm trăng”(Mắt người Sơn Tây). Nhưng trong thơ Nguyễn Quang Thiều, không chỉ dừng lại ở một hình ảnh đẹp, nên thơ, con sông Đáy đã trở thành một biểu tượng đa nghĩa. Trước hết, sông Đáy gợi lên trong tâm trí nhà thơ bao điều về bến bờ bên kia – một không gian khác, rộng mở: “Ta chạy đến phía hai bờ, quỳ xuống trước sông/ Sông ở giữa đôi ta – một chân trời chuyển động”(Dòng sông); “những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được nhìn thấy” (Sông Đáy). Sông Đáy cũng là nơi có bóng dáng mẹ, người phụ nữ tần tảo, vất vả theo ông trong suốt hành trình khát vọng đi tìm nguồn cội:“Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm” (Sông Đáy); “Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại/ Mẹ tôi đã già như cát bên bờ/ Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi/ Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt”(Sông Đáy). Nhưng bên cạnh lớp nghĩa bình yên, đẹp đẽ quen thuộc, sông trong thơ Nguyễn Quang Thiều cũng gợi nên biết bao dự cảm bất an, đó là khi nhà thơ viết: “Dòng sông tự cào tướp họng”“Dòng sông gió”,“Dòng sông nước mắt”…
Gắn liền cánh đồng, dòng sông là biểu tượng những người đàn bà. Những người đàn bà sông Đáy cũng có những nét khác lạ, người đàn bà làng chài luôn mỉm cười nhưng có đôi mắt buồn, trái tim cô độc với chiếc thuyền nan bé nhỏ thường xuất hiện cả trong giấc mơ của ông. Đó là những người vợ góa bụa: “Những người đàn bà góa bụa làng tôi từ sau cỏ trở về. Họ đi trên ánh trăng gồ ghề dọc con đường phơi đầy rơm rạ tháng Mười. Mái tóc đẫm hương lá bưởi của họ chảy lênh láng trong trăng. Bầu vú họ vươn về phía ngọn lửa giới tính vừa nhóm lên sau đó”(Những ví dụ); những người đàn bà lo toan nghèo khó: “Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ/ họ lặng lẽ như đội quân thất trận/ cán dậm chúi xuống mặt đường – những nòng súng hết đạn/ Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc làng giã đám/ Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huân chương” (Trên đại lộ), “Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái/ Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy/ Những người đàn bà xuống gánh nước sông (Những người đàn bà gánh nước sông). Tất cả những hình ảnh đó làm hiển hiện lên một miền quê sông Đáy trong thơ Nguyễn Quang Thiều gần gũi, quen thuộc mà lớn lao, kỳ vĩ.
Cùng với những biểu tượng nói trên, Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một sự thay đổi đáng chú ý trong việc sử dụng vật liệu để tạo nên chất thơ mới của thơ ông, mà nói rộng ra là của thơ thế hệ Đổi mới. Trong thơ ông, thế giới loài vật nhỏ bé “tầm thường” hiện lên thật sống động như rắn, ốc sên, chó, gián, kiến, châu chấu… Biểu tượng chó được mô tả đặc biệt ấn tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều: “Tiếng chó rộ lên từ xóm nhà ta đến đầu làng/ Cuối tiếng chó là bến sông quê và con đò cô độc”(Tiếng cười), “Bầy chó gầy, bẩn thỉu, ốm đau/ Ngày lùng sục kiếm ăn” (Bầy Chó của tôi),“Con chó liếm mãi, liếm mãi/ Liếm mãi, liếm mãi, liếm mãi…” (Cơn mê – Tặng John Baca, cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. “Tiếng chó rộ lên” đã trở thành biểu tượng của một đời sống làng quê đánh mất đi sự yên bình, để lại những cảm giác xa xót, buồn thương. Trong Chuyển động, nhà thơ mô tả  bầy ốc sên giữa một không gian ánh trăng im phắc, những vòm cây im phăng phắc. Bầy ốc sên ra đi trong tiếng gọi của một thế giới bí ẩn kì diệu, sự ra đi của chúng được mô tả lộng lẫy như một đêm vũ hội…  Sự xuất hiện phổ biến hình tượng các con vật nhỏ bé, bình thường, thậm chí tầm thường nói trên trong thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng gây ra phản ứng cảm xúc thẩm mỹ trái ngược gay gắt ở độc giả. Trên thực tế đã có những độc giả không chấp nhận hình ảnh những loại “động vật cấp thấp” như chó, rắn, gián, ốc sên… trong thơ Nguyễn Quang Thiều, cho chúng là bất nhã, thiếu tính thơ. Tuy nhiên, không nên đọc các hình ảnh này theo nghĩa tả thực. Chúng là những hình ảnh tượng trưng hóa. Qua hệ thống biểu tượng ấy, nhà thơ một hướng đến diễn tả một thực tại khác, nhiều biến động, nỗi khát khao cái đẹp, sự yên bình và nỗi bất an của người nghệ sỹ.
Biểu tượng dòng sông, cánh đồng, ánh sáng, bóng tối, nước, lửa, bầu trời đất đai, gió, không khí… cũng thường xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn qua những liên tưởng, so sánh táo bạo. Những hình ảnh được sử dụng một cách tự do, đan cài, đồng hiện tạo nên nét khác biệt trong thơ ông: “Cánh chim vừa liệng dao cau/ Dòng sông đã ngậm bã trầu phù sa” (Du ca);“Dòng sông giờ đã say mềm/ Mới hay bờ cỏ ru êm còn gì”(Thay lời chim làm tổ). Biểu tượng cánh đồng, dòng sông trở nên thân thuộc, gần gũi giống như con người:“Đồng đất quê ta hao hao những mặt người”(Tiếng gọi từ những cánh đồng);“Mắt người buông xuống dòng sông/ Ru con thuyền ấy trong mưa mỏi mòn”(Bâng quơ): “Đây trời cỏ/ Đại dương cỏ/Phơi phới lời sông hồ (Nhịp IX);“Thôi đừng dỗ cỏ lên trời/ Khi tan mộng mị biết ngồi với ai”(Tản mạn về cỏ);“Nhỏ nhoi giữa đất giữa trời/ Lương tâm cỏ mịn cây tươi giữ gìn” (Trái tim giải thoát). Trong cuốn Thơ tuyển cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn của Mai Văn Phấn, biểu tượng ánh sáng được nhắc tới 355 lần. Tại sao biểu tượng ánh sáng lại được nhắc đến nhiều như thế? Chúng tôi nghĩ điều này xuất phát từ một cảm quan nghệ thuật mang tinh thần tôn giáo của Mai Văn Phấn, từ niềm tin ở đâu có ánh sáng thì nơi đó có sự sống, vạn vật mới sinh sôi, nảy nở; ánh sáng còn tượng trưng cho lẽ công bằng; là đức tin, phép màu trong tình yêu và đời sống nhân loại… Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới viết: “Ánh sáng là biểu hiện đầu tiên của thế giới phi hình. Đi theo nó, người ta đi vào một con đường dường như có thể dẫn đến phía bên kia ánh sáng, tức là phía bên kia mọi hình thể, và cả phía bên kia mọi cảm giác và mọi khái niệm… Ánh sáng luôn tượng trưng cho sự sống, sự cứu rỗi, hạnh phúc do Chúa Trời ban cho…” [1; tr.11-15]. Như vậy, chỉ nơi nào có Ánh sáng nơi đó mới tồn tại sự sống, sự phát triển, sinh sôi. Khi Ánh sáng xuất hiện sẽ thực hiện giấc mơ sinh sôi nảy nở: “Như vừa mở được chiếc hũ nút/ Bóng tối tràn tím rạng đông/ Sấp mình tựa lũ bướm đêm/ Ôm những giấc mơ, mơ cùng hạt giống/  Những hạt giống vừa chạm vào ánh sáng/ Chợt hiện bao điều chẳng thấy trong mơ/ Rơm rạ mục dâng lên từ đất ẩm/ Gió xước qua bụi gai trong lúc giao mùa/  Ngày mới đến đưa bàn tay nắng ấm/ Lấy đi những hạt cuối cùng/ Tôi chếnh choáng rỗng không chiếc hũ/ Đợi những mùa vàng rạo rực hiến dâng” (Tự thú trước cánh đồng). Đặc biệt hơn Ánh sáng trong thơ Mai Văn Phấn còn tượng trưng cho sức mạnh công lý: “Mặt trời lên/ Một vị quan tòa/ Từng nỗi oan/ Dẫn ra từ bóng tối/ Từng cái chết/ Dẫn ra từ bóng tối/ Mặt đất uy nghiêm/ Minh bạch/ Nhân từ (Chương IV – Người cùng thời). Ánh sáng tồn tại trong thơ Mai Văn Phấn mang một sức mạnh tinh khiết của vũ trụ và mang một giá trị vĩnh cửu và thiêng liêng.
Với Dương Kiều Minh hình ảnh con đường, cánh đồng, nấm mồ, mẹ… đã trở thành biểu tượng gắn liền với cuộc đời nhà thơ. Đó là con đường mòn quê kiểng, con đường làng ẩm ướt, con đường vào núi, con đường đồng bãi, con đường lát đá, con đường đơn độc ngút ngàn ước vọng, con đường thân thương bóng mẹ, con đường đời, con đường thơ ấu… Tuy nhiên, trong thơ Dương Kiều Minh, con đường còn là biểu tượng của quá trình kiếm tìm, xác lập hạnh phúc và giá trị đích thực của cuộc sống, chứ nó không đơn thuần là con đường vật chất, cụ thể nữa: “Theo suốt con đường đốm nắng/Rồi tôi đi mãi đi hoài”(Ơi làng quê xứ lạ);“Những bước chân trẻ thơ con đường xuân nao nức”(Bên cánh đồng violet);“Con đường ngang qua biên ải ghập ghềnh mờ mờ vệt dải khăn phất mãi trên nền thu sâu thẳm” (Tôi ngắm mãi những ngày thu tận). Biểu tượng cánh đồng trong thơ Dương Kiều Minh không chỉ đẹp, thi vị, điều ta có thể thấy rõ trong thơ của Nguyễn Quang Thiều, Mai văn Phấn, mà còn thấm đẫm nỗi buồn thương, ám ảnh bóng tối và cái chết. Cánh đồng nơi có mộ cha, mộ mẹ luôn ám ảnh nhà thơ:“Nhiều khi buồn nức nở/ngóng cánh đồng bên sông Hồng cuộn đỏ/ có nấm mồ cha/nấm mồ của mẹ” (Cố hương); “Nấm mồ không dòng mộ chí/ nhòa trên cánh đồng/ lẽ nào là mẹ”(Bộc bạch III); “Cánh đồng nơi đây, nơi cha yên nghỉ, tuổi thơ con ngày ngày tha thẩn bên nấm mồ cha nằm”(Khúc tưởng niệm). Hình ảnh người mẹ được ông nhắc đến nhiều trong các tập thơ. Mẹ như một biểu tượng tỏa sáng, ấm áp, gần gũi và thiêng liêng. Mẹ là điểm tựa vững chãi, là nơi nương tựa, chia sẻ, giãi bày lúc cô đơn. Mẹ là biểu tượng của nguồn cội, là sự sống, là nguồn nuôi dưỡng khát vọng. Mẹ hiện lên như một tượng đài thiêng liêng trong tâm tưởng thi nhân, bất chấp không gian và thời gian: “Mẹ ơi, mùa xuân gấp gấp, con nghe thấy ngõ quê tinh khôi rải ướt xốn xang bước chân thôn nữ gánh nước ngày cuối năm, cây đào trụi lá nở những bông hoa đầu tiên, hơi xuân tràn về từ những cánh đồng” (Mẹ ơi, mùa xuân gấp gấp). Hình ảnh mẹ cũng trở thành biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc nhưng có lẽ chưa ai nhắc nhiều và hình ảnh mẹ vẹn tròn thánh thiện như trong thơ Dương Kiều Minh.
Nguyễn Lương Ngọc, một trong những gương mặt cách tân mở đầu của thế hệ nhà thơ Đổi mới đã xây dựng trong thơ mình những biểu tượng đẹp và lạ: hoa sen, Hạc trắng, nước … Tác giả này thường nhắc tới hoa sen, loài hoa mang vẻ đẹp cao sang và thanh khiết. Hoa sen trở thành biểu tượng nổi bật trong thơ ông“Một gương sen trong vòng tay của nhụy vàng…/ Những nhụy sen dặn dò ta, giọng đượm hy vọng” (Liên bút từ sen); “Thi nhân một nòi huyễn ảnh/ Dư âm sen trắng nở người (Dư âm). Đặc biệt phải nhắc đến biểu tượng Hạc trắng nổi bật trong thơ của Nguyễn Lương Ngọc. Hạc trắng là một biểu tượng khát khao vươn tới những gì tốt đẹp của cuộc sống. Nó trở thành sức mạnh vẫy gọi con người tìm kiếm chân lý: Con cắt trắng/ xếp cánh/ khi gặp con khướu vàng/ Con khướu vàng/ khép mỏ/ khi gặp con hạc đỏ/ Con hạc đỏ/ nức nở/ nhìn/ con hạc trắng/ Hạc trắng!/ Hạc trắng!/ những con đã sinh ra thì đã chết/ những con chưa chết thì chưa sinh ra. Hạc được xem là loài chim bất tử, tượng trưng cho sự trường thọ, hạnh phúc nhưng với Nguyễn Lương Ngọc thì: “những con sinh ra thì đã chết còn những con chưa chết chưa chết thì chưa sinh ra”. Nguyễn Lương Ngọc không phủ nhận việc hợp nhất giữa sự sống và cái chết, giữa đời sống trần tục và cõi tâm linh, giữa cái phù du và vĩnh cửu nhưng chẳng có gì là mãi mãi trường tồn. Ai sinh ra rồi cũng phải chết và cả con vật từ khi sinh ra nó cũng phải sẵn sàng để đón nhận cái chết. Vì thế, Hạc trắng là biểu tượng mà con người luôn nỗ lực, khát khao chinh phục.
Inrasara là người mang văn hóa Chăm hòa nhập cùng xã hội hiện đại, và cũng là một gương mặt độc đáo của thế hệ nhà thơ Việt Nam sau 1986. Inrasara sinh ra và lớn lên tại miền đất với nhiều hình ảnh đền đài, tượng tháp. Vì thế thơ Inrasara là cả một hệ thống  biểu tượng gắn bó với xứ sở Champa của ông: cây xương rồng trên cát, tháp Chàm, tiếng trống ba nưng, vũ nữ Apsara, sông Lu…Tháp Chămpa là một biểu tượng tiêu biểu cho văn hóa Chăm, bởi sự linh thiêng và huyền bí, đồng thời chiếm vị trí đặc biệt trong tâm linh của người Chăm: “700 năm tháp thét gào với bão/ 300 năm tháp lãng du thế giới cỏ cây/ Ngàn năm sau tháp chuyện trò cát bụi” (Tháp Chàm muôn mặt); Tháp hoang/ như thình lình mọc lên từ đất/ lông lá – âm u – doạ nạt/ Tháp hoang/nổi cộm giữa chiều trời ma quái… Tháp hoang/ đột ngột xô tôi về đối mặt/ quá khứ/ lao xao bầy dơi đen”(Tháp hoang). Biểu tượng người vũ nữ Chàm Apsara cũng xuất hiện nhiều lần trong thơ Inrasara. Vũ nữ Apsara tượng trưng cho con người Chăm vừa mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng cũng không kém phần dịu dàng, duyên dáng, đằm thắm, uyển chuyển. Hình ảnh của Apsara vừa gần gũi như những người phụ nữ Chăm, vừa mang đến sự thiêng liêng, bất tử, mang tầm vóc vũ trụ. Đặc biệt, biểu tượng cây xương rồng là một biểu tượng rất độc đáo trong thơ Inrasara. Nó mang ý nghĩa biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, con người Chăm; là biểu tượng thể hiện tình yêu mạnh mẽ với quê hương, xứ sở của con người Chăm. Đồng thời còn thể hiện sự gắn bó với từng bước đi, từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, của thời gian: “Ôi, Quê hương! Quê hương/ Quê hương gầy, quê hương xanh xao/ Quê hương không có rặng dừa thơ mộng của ca dao/ Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã/ Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá/ Quê hương cằn khô, nóng bức, nghèo nàn/…Trời làm nắng trưa, trời làm mưa chiều/ Nắng với mưa khi thừa khi thiếu/ Nắng thì nắng tràn cho lúa khô ngô héo/ Mưa thì mưa cho nát bờ thửa, bờ vùng (Quê hương). Qua những biểu tượng này, bạn đọc hiểu sâu hơn về nền văn hóa Chăm, đồng thời hiểu thêm những đóng góp của Inrasara trên cả hai tư cách: nhà thơ và nhà nghiên cứu, hoạt động văn hóa.
3. Biểu tượng trong thơ thế hệ nhà thơ Đổi mới thường được khái quát lên từ những chi tiết, hình ảnh rất bình thường, nhỏ bé, quen thuộc. Tuy nhiên, thông qua một nhãn quan và bút pháp thẩm mỹ mới mẻ của các tác giả, những hình ảnh ấy đã giã từ sự tả thực để trở thành những biểu tượng đa nghĩa. Có thể nói, hệ biểu tượng độc đáo đó là kết quả của một tư duy “lạ hóa” về thế giới, đi cùng một thi pháp diễn tả đậm màu sắc hiện đại chủ nghĩa. Và cùng với điều đó, bức tranh đời sống hiện lên trong thơ của các tác giả thế hệ Đổi mới với một chiều sâu mới, vừa phi thực, lạ lùng, huyễn ảo, vừa rất chân thực. Đó là hiện thực của một nhãn quan nghệ thuật mới, hiện đại.
Để xây dựng, chạm khắc các biểu tượng nghệ thuật nói trên, các nhà thơ thế hệ Đổi mới đã sử dụng những thủ pháp, kỹ thuật viết khá đặc thù. Chúng tôi xin được trình bày tóm lược, đó là: a) sử dụng các yếu tố tưởng tượng, phi thực; yếu tố mơ, mộng, ảo giác, ảo ảnh; b) đặt các hình ảnh, biểu tượng trong những không gian, thời gian đặc biệt; c) lắp ghép, kết hợp từ ngữ khác thường, bất ngờ, nhằm tạo nên những khoảng trống, khoảng trắng rộng lớn giữa các câu chữ, hình ảnh thơ; d) sử dụng yếu tố trực giác, tâm linh. Trong phần này, chúng tôi xin nói thêm về ý thứ tư. Các nhà thơ thế hệ Đổi mới, so với các thế hệ trước đó, đặc biệt chú ý sử dụng tiếng nói tâm linh vì qua con mắt tâm linh, người ta có điều kiện để nhìn sâu hơn vào đời sống nội tâm của cá nhân, để suy ngẫm, nhận diện về những vẻ đẹp tinh thần bí ẩn, sâu xa, trường cửu, để nhận thức sâu hơn về các giá trị sống thiêng liêng, cao cả… Dương Kiều Minh luôn nhắc về quê hương, tuổi thơ của mình với những hình ảnh dòng sông, cánh đồng, khu vườn, mộ cha, mộ mẹ. Cánh đồng có đám tang, có ngôi mộ: Nấm mồ không dòng mộ chí/ nhòa trên cánh đồng/ lẽ nào là mẹ…(Bộc bạch III); Đám tang đưa tiễn mẹ tôi vào một ngày mưa lạnh ngổn ngang cánh đồng gặt dở…(Chạnh niềm thôn dã); Cánh đồng nơi đây, nơi cha yên nghỉ, tuổi thơ con ngày ngày tha thẩn bên nấm mồ cha nằm…(Khúc tưởng niệm). Cũng là hình ảnh dòng sông, cánh đồng nhưng cả một thế giới làng quê cùng hình ảnh, nhà cửa, mồ mả, bến sông, cánh đồng, đám ma, hình ảnh người bà, người đàn bà gánh nước đêm… trong thơ Nguyễn Quang Thiều, tất cả chìm trong một giấc mơ đầy huyễn ảo, dị thường:“Cỗ xe tang trôi mãi vào cơn mê/ Những con rồng gỗ vảy vàng bay lên trong tiếng kèn, tiếng trống… con nhìn thấy bà nội mặc áo tơ tằm ngồi giữa ngàn ngọn nến/ Bà rót một bình nước mưa trong để đợi con về” (Âm nhạc). Không gian làng quê rộng lớn có hình ảnh dòng sông gắn liền với hình ảnh cánh đồng, có con sông Đáy hiền hòa cùng cánh đồng rau khúc, tiếng con chim quốc… đó là ký ức ám ảnh không nguôi của Nguyễn Quang Thiều. Hành trình về miền ký ức của Nguyễn Quang Thiều vừa huyễn hoặc vừa đậm màu cổ tích. Mộng mị, tưởng tượng và linh cảm là biểu hiện cụ thể nhất trong các biểu tượng thơ Mai Văn Phấn. Đọc thơ Inrasara đã giúp người đọc cảm nhận một nền văn hóa Chăm với nhiều hình ảnh đền đài, tượng tháp linh thiêng, một thánh địa đầy kỳ bí.
Xuất phát từ những hình ảnh đời thực, qua nghệ thuật tổ chức, xây dựng của tác giả , các biểu tượng trong thơ thế hệ Đổi mới  thường có khả năng vượt ra khỏi bề mặt hình ảnh cảm tính để đạt tới chiều sâu diễn tả mới về hiện thực và tâm linh. Điều này quả rất khác biệt nếu ta so sánh hệ biểu tượng này với hệ biểu tượng trong nền thơ Cách mạng giai đoạn trước đó. Từ góc độ này, cũng có thể nói, đây là một phương diện nghệ thuật đã góp phần tạo nên giá trị độc đáo của thơ thế hệ Đổi mới.
Biểu tượng là một thế giới đa tầng, đa nghĩa đầy biến ảo, hàm chứa những khát khao, mong ước, suy tư và chiêm nghiệm về con người và cuộc sống hiện thực. Biểu tượng trong thơ của các nhà thơ thế hệ Đổi mới đã góp phần tạo nên đặc điểm và ý nghĩa của thơ Việt Nam đương đại. Thông qua những biểu tượng thơ, các nhà thơ thế hệ Đổi mới thể hiện khát vọng vươn tới một thế giới tốt đẹp hơn. Đồng thời cũng qua đó, họ giãi bày những suy tư, trăn trở về hiện thực cuộc sống đương đại. Biểu tượng trong thơ của các tác giả này được mô tả, khắc họa bằng những lối viết, bút pháp hiện đại, mới mẻ. Chính vì thế, việc đọc thơ của các nhà thơ thế hệ Đổi mới trở nên khó khăn hơn. Nhưng, từ một góc nhìn khác, đó cũng là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn riêng của những cây bút này trong nền thơ ca Việt Nam đương đại.
Tài liệu tham khảo:
1. Jean Chavalier – Alain Gheerbrant (dịch Phạm Vĩnh Cư chủ biên, tái bản 2016), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng.
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, tái bản 2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà nội.
3. Bùi Công Hùng (1998), Quá trình sáng tạo thơ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Mã Giang Lân (2000), Đặc điểm thơ Việt Nam sau 1975, Nxb Giáo dục, Hà Nội
5. Nhiều tác giả (2016), Thế hệ nhà văn sau 1975, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
8/11/2019
Phạm Thị Trịnh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...