Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Có một chuyện như thế

Có một chuyện như thế

Quãng năm 1976 tôi từ Pleiku đi về Quảng Nam, đến đoạn đường tương đối vắng của huyện Phù Mỹ có một khách đón xe. Người lên xe là một cô gái khá trẻ khoảng chừng mười chín hai mươi tuổi. Bên cạnh tôi còn một ghế trống nên cô gái ngồi vào.
Hai người đều trẻ nên làm quen cũng khá nhanh. Em tên Hương, Trần Thị Ngọc Hương, xinh xắn người Bắc vào Nam một chín năm tư, nhà em ở Thị xã Quảng Ngãi. Đoạn đường từ Phù Mỹ về Quảng Ngãi cũng vừa đủ để hai đứa tôi thân và có chút quyến luyến nhau. Trước khi xuống xe để về nhà em đưa địa chỉ và dặn tôi đến hai lần:
- «Anh nhớ vô đây chơi nha ».
Tôi cũng có cảm tình với Hương nên nói rất dứt khoát: 
- "Nhất định anh sẽ vô".
Về đến nhà ngoài công việc, thời gian rảnh rỗi ngồi một mình thì hình ảnh Hương cứ lởn vởn trong tôi. Với mái tóc dài, đôi mắt đẹp hơi buồn và miệng nói có duyên của em không sao tôi quên được. Sợ xa mặt cách lòng, thế là tôi quyết định vô thăm em.
Ngày ấy di chuyển trong Thành phố thường bằng xe ngựa. Tôi hỏi đường tới nhà em, không xa lắm nên đi bộ đến cho thoải mái và cũng tự nhiên hơn. Em bảo nhà chỉ có em và mẹ, ba làm ở Quy Nhơn thỉnh thoảng mới về, nhà có xe nước mía mẹ đứng bán cho có việc, đỡ buồn. Tôi đi loanh quanh ba lần hỏi đường là tới nhà em. Đúng lời em nói, trước nhà có cây bàng to, một xe nước mía dưới tàng bóng mát của cây, không thấy em chỉ có một dì chắc là mẹ em đang ngồi trên võng, quán vắng khách. Tôi làm như khách đi đường ghé quán uống nước:
- "Dì ơi, cho con ly nước mía"
Mẹ Hương lấy mía bỏ vào máy quay, tôi đưa mắt nhìn quanh xem có em trong nhà không, trong nhà vắng vẻ không có bóng dáng một ai. Mẹ Hương đem ly nước mía tới, tôi cám ơn và bắt chuyện với dì:
- "Trời nắng như ri uống ly nước mía khỏe ngay dì há".
Với giọng Bắc năm tư nhẹ rất dễ nghe:
- "Ừ con, hình như con không phải người ở đây?"
Tôi lễ phép:
- "Dạ, con ở Quảng Nam ạ" nói xong tôi lấy điếu thuốc đưa lên môi nhìn quanh tìm hộp bật lửa, lúc này có đứa bé đến mua nước mía, mẹ Hương lại thùng lấy mía bỏ vào máy quay rồi nhìn sang tôi:
- "Con vô nhà có cái bật lửa trên bàn"
Tôi đứng dậy đi vào nhà. Cái đầu tiên đập vào mắt tôi là bàn thờ đặt sát tường giữa nhà mùi trầm hương còn thoang thoảng, càng hoảng hơn nữa tấm hình trên bàn thờ là hình của Hương. Không thể tin vào mắt mình nữa, tôi cố dụi mắt lại gần nhìn cho rõ "Trần Thị Ngọc Hương" Trời ơi, vì sao thế Hương? Mới chia tay cách nay hai tháng, về ngoài nhà nhớ em anh chạy vào thăm thế mà em đã không còn. Sao vội thế em? Tôi đau lòng quá, đôi mắt cay cay cúi xuống lấy cây hương đốt cắm lên bàn thờ em rồi đi ra. Mẹ Hương nhìn tôi:
- "Con chưa tìm được bật lửa à?"
Tôi không trả lời mà hỏi lại:
- "Xin lỗi cho con hỏi bàn thờ trong nhà là ai mới mất vậy ạ?"
Mẹ Hương buồn buồn:
- "Là con gái dì, nó mất hơn một năm rồi!"
Mắt tôi trợn ngược như muốn lòi ra, sống lưng lạnh toát:
-"Một năm rồi, mất ở đâu vậy dì?"
Mẹ Hương lấy tay áo chặm nước mắt:
- "Nó bị tai nạn ở Phù Mỹ khi vô thăm ba nó trong Quy Nhơn".
Tôi chưa bao giờ có tâm trạng khiếp đảm như bây giờ, da gà nổi khắp người hồn vía bay cả lên mây, tôi chào mẹ Hương, đưa mắt dáo dác nhìn quanh rồi đi như chạy ra bến xe.
Tôi trước đây thường không tin có ma, lại càng không thể tin ma lại có thể giao tiếp với người như thế, Bàn thờ em chết là rõ ràng, mẹ em bảo em chết đã hơn một năm là không sai, bị tai nạn ngay nơi em đón xe rồi gặp tôi là chính xác. Đây chắc chắn chẳng phải là giấc mơ, không thể là giấc mơ, tôi tát vào má mình, tôi bóp mạnh vào tay mình tôi còn đạp mạnh chân xuống đất nghe thình thịch, dứt khoát không phải chiêm bao. Trên đời có ma ư! Làm sao tin được, thế mà tôi đã gặp, đã nghe đã thấy đã ngồi sát bên còn cảm nhận được hơi thở còn cảm giác hơi ấm từ em truyền sang kia mà. Kinh khủng quá! Tôi lại rùng mình mấy lần, cứ nghĩ tới là da gà khắp người lại nổi lên.
Trở về nhà tôi chẳng dám kể với ai. Đêm đêm hay thắp hương cầu mong em siêu thoát, muôn ngàn lần lạy em đừng về nhát tôi nữa. Giờ mà gặp thêm lần nữa là tôi chết chắc. Từ đó tôi tin trên đời có ma. Thời gian cứ trôi đi, mọi chuyện rồi cũng nguôi ngoai trong tôi nhưng sợ ma thì dứt khoát cứ bám chặt vào người. Hay một điều là chưa bao giờ nằm ngủ mà thấy em trong chiêm bao, thấy trong chiêm bao là chết ngay tắp lự, thường người ta hay đồn trong mơ ma kinh khủng hơn ngoài đời, không biết có phải thế không nhưng mong Trời Phật phò hộ cho con đừng thấy.
Bẵng đi một thời gian, cũng đủ để câu chuyện kể trên chìm vào tiềm thức nếu đừng cố tình lục lại, tôi có dịp vào Quảng Ngãi dự đám hỏi cho đứa cháu, khi xong việc mọi người ra về, lúc này còn sớm tôi bắt xe đến đầu đường nhà Hương rồi xuống đi bộ. Không như khi xưa vô nhà tìm em, giờ thật sự chỉ dám đi ngang qua vì tính tò mò vốn có của mỗi con người chúng ta xem có biến động gì không thôi. Xe nước mía vẫn còn chỗ cũ, vẫn cây bàng phủ che bóng mát cả một vùng vẫn ngôi nhà cấp bốn xây trước năm một chín bảy lăm. Tâm trạng có gì đó không ổn, nửa muốn bước nhanh cho mau qua, nửa muốn kéo dài thời gian... Chợt một em nhỏ chừng năm tuổi chạy bổ ra ngoài đường, theo phản xạ tôi nhảy tới chụp lại kẻo xe đụng, theo liền sau là một phụ nữ chừng ba mươi tuổi bồng em bé từ trong nhà chạy ra kéo tay cậu bé vào. Tôi sững sờ nhìn người mẹ đang bồng con, dù có nhiều tuổi nhưng vẫn đẹp, vẫn trẻ và giống Hương như đúc. Ngày trước em nói nhà chỉ có mình em vậy đây là... Tôi ngây người nhìn như thế và người mẹ cũng chăm chăm nhìn tôi với đôi mắt mở to mừng rỡ:
- "Anh Nguyên phải không?"
Tôi rùng mình:
- "Em là... " Không ai ngờ rằng là mọi chuyện lại có thể đi sang một hướng khác như vậy để rồi được đẩy lên thành sự việc quá đỗi kinh hoàng. Hương có một người em sinh đôi tên Ngọc Hường, cách ngày tôi gặp em một năm Hường vào Quy Nhơn thăm ba rồi bị tai nạn. Ngày tôi từ Pleiku về là giáp năm cho Ngọc Hường, em vào nơi xảy ra tai nạn thắp hương cho đứa em sinh đôi xấu số của em.
Thời gian cứ trôi đi, đời người chìm nổi theo dòng. Tôi tạm biệt Ngọc Hương, cô gái đã cho tôi những phút giây dịu êm và khiếp đảm. Tôi thả bước trên đường, hát khe khẽ:
«Anh một đời rong ruỗi
Em tay bế tay bồng
Chiều hắt hiu xóm đạo
Hồi chuông giáo đường vang...».
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...