Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Bùi Thanh Truyền và Văn nhân xứ Quảng ở Sài Gòn

Bùi Thanh Truyền và
Văn nhân xứ Quảng ở Sài Gòn

“Bao nhiêu chữ đó bấy nhiêu tâm” (Phan Bội Châu)
Hiện nay, dân gốc Quảng có hơn 1,3 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số Thành phố Hồ Chí Minh. Bản sắc nguyên quán luôn hiện diện trong tiềm thức và trong mọi hành vi sống của từng con người đất Quảng xa quê. Với văn nhân, đây là một may mắn, bởi nó trở thành nhân tố quan trọng trong tâm thức và thực hành sáng tạo.
1. Chất ngọc giữa miền đất mới
Trước hết, xứ Quảng ở đây không phải là “ngũ Quảng” như cách gọi thời xưa(1); xứ Quảng cũng không dùng để chỉ địa giới tỉnh Quảng Nam hiện nay. “Xứ Quảng” đây là Quảng Nam – Đà Nẵng. Vùng đất này đã có lịch sử hình thành, phát triển hơn 500 năm(2); dẫu Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều lần tách, nhập, nhưng đó chỉ là việc phân chia theo vùng địa lí, chứ tâm thức của người dân chưa bao giờ có ý định phân biệt hai vùng Quảng – Đà. “Xứ Quảng Nam”, “người Quảng Nam” là những cách gọi quen thuộc, mến thương khởi tự tình cảm tự nhiên, ruột rà của con người. “Sông Thu Bồn chảy về Cửa Đại/ Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn/ Ai về Đà Nẵng, Hội An/ Cho ta nhắn gởi vài hàng tâm tư” (Ca dao); từ xưa đã vậy, giờ vẫn chưa hề khác như nỗi lòng của một thi sĩ Đà thành: “Vòng tay ôm lấy Quảng Nam/ Yêu thương lắm giọng hò khoan Thu Bồn” (Lê Minh Quốc).
Từ rất sớm, những lưu dân xứ Quảng đã có mặt và đóng góp tích cực vào hành trình mở cõi vô Nam của cha ông. Sài Gòn đất lành chim đậu; Sài Gòn đất thiêng khí tụ (Phan Hoàng)(3), tính dung nhận, bình dị, phóng khoáng của Sài thành là môi sinh, thổ nhưỡng thuận lợi cho khí chất bộc trực của người Quảng Nam. Hiện nay, dân gốc Quảng có hơn 1,3 triệu người, chiếm khoảng 10% dân số Thành phố Hồ Chí Minh. Bản sắc nguyên quán luôn hiện diện trong tiềm thức và trong mọi hành vi sống của từng con người đất Quảng xa quê. Với văn nhân, đây là một may mắn, bởi nó trở thành nhân tố quan trọng trong tâm thức và thực hành sáng tạo.
So với những tỉnh thành khác, đội ngũ nhà văn xứ Quảng ở Sài Gòn cũng áp đảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Về thơ là lực lượng hùng hậu với nhiều thế hệ: Tường Linh, Bích Bửu, Ý Nhi, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Tam Phù Sa, Xuân Trường, Nguyễn Đông Nhật, Vũ Trọng Quang, Võ Văn Pho, Nguyễn Vân Thiên, Nguyễn Lương Hiệu, Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Bùi Nguyễn Trường Kiên, Ngọc Tuyết, Sơn Thu, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phùng Hiệu, La Mai Thi Gia,… Mảng văn xuôi có Vũ Hạnh, Kim Hài, Thùy An, Vũ Đức Sao Biển, Nguyễn Nhật Ánh, Trương Anh Quốc, Phan An,… Nghiên cứu, lí luận – phê bình khẳng định vị thế qua những gương mặt tiêu biểu: Nguyễn Văn Hạnh, Mai Quốc Liên, Vu Gia, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Đào Ngọc Chương… Không chỉ chuyên tâm sáng tác, nghiên cứu, nhiều người trong số họ còn giữ trọng trách trong đời sống văn nghệ nước nhà. Vũ Hạnh, Mai Quốc Liên là Uỷ viên Hội đồng Lí luận – Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương. Mai Quốc Liên hiện cũng đang là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quốc học (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam). Phạm Sỹ Sáu là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VII (2015-2020). Xuân Trường là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VII (2015- 2020). Lê Minh Quốc từng là Trưởng ban Văn hoá văn nghệ, hiện là Thư kí toà soạn báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh,…
Vũ Hạnh gắn bó với Sài thành lâu năm nhất – từ những năm 50 của thế kỉ XX. Tháng 7 năm nay (2018), tròn tuổi 93, ông vẫn như một đại thụ tỏa bóng văn đàn; hội thảo văn học, viết báo, viết truyện đều tâm huyết. Năm 2015, mừng nhà văn tròn cửu thập, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành Tuyển tập Vũ Hạnh gồm hai tập dày gần 1.400 trang. Nhân dịp này, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tặng tác giả bốn câu thơ lấy tên từ những tác phẩm nổi tiếng của ông: “Sông nước mênh mông nhắc nhớ ngày Vượt thác/ Bút máu chưa khô tim vẫn rực Lửa rừng/ Chín mươi mùa xuân, Một chặng đường bút mực/ Chất ngọc dâng đời, giá trị sống của cha ông”.
Lê Minh Quốc là người sung sức trên nhiều thể loại: báo, văn, thơ, biên khảo văn hóa, truyện lịch sử, truyện danh nhân, sưu tầm truyện cười dân gian đương đại,… Sức làm việc của anh thực đáng nể, say mê và cật lực như gã lực điền trên cánh đồng văn nghệ. Trong hơn 30 năm làm nghề, anh đã vẽ hàng chục bức tranh, viết trên 40 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, trong đó nhiều cuốn được bạn đọc đón nhận và liên tục tái bản. Nguyễn Nhật Ánh tận hiến cho nghiệp viết, không một phút nản lòng, càng viết càng sung sức, và số tác phẩm đã gấp nhiều lần số tuổi của tác giả. Nhà văn thân quý của tuổi thơ này là một minh chứng cho quy luật: cái tên bảo chứng cho quyển cách. Các hội sách ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ buồn hơn, kém xôm tụ hơn nếu mất một lượng lớn độc giả là “fan” ruột của anh.
Tính cách, sự cống hiến không mệt mỏi, không chút so bì, phân biệt của người Quảng Nam cũng đã tạo nên chất Quảng cho đội ngũ văn nhân giữa thành phố mang tên Bác. Điều này có thể minh chứng qua nhiều giải thưởng danh giá. Ý Nhi được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1985 cho tập thơ Người đàn bà ngồi đan, Giải thưởng Văn chương Cikada của Thuỵ Điển năm 2015; Vũ Hạnh, Mai Quốc Liên được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, 2010; Phạm Sỹ Sáu với Giải thưởng Văn học Mekong năm 2009; Nguyễn Nhật Ánh nhận Giải thưởng văn học ASEAN năm 2010; Trương Anh Quốc ẵm Giải Nhì Văn học tuổi 20 lần III với tập truyện Sóng biển rì rào, Giải Nhất Văn học tuổi 20 lần IV với tiểu thuyết Biển,… Dù ở công việc, hoàn cảnh nào, đa phần họ đều có trách nhiệm cao đối với ngòi bút. Trong Bút máu, một truyện ngắn đậm chất kì ảo cách đây đúng 60 năm (1958), Vũ Hạnh đã nhắn gửi đến những người cầm bút rằng viết điều gì cũng phải lấy cái tâm trong sáng làm nền, bởi vì bất cứ lí do chủ quan hay khách quan nào mà phải viết sai lệch sự thật thì sẽ gây ra tác hại không cùng, nhà văn sẽ tự biến mình thành một kẻ bồi bút, vô lương: “Xuyên tạc chân lí, che lấp bần hàn, ca ngợi quyền lực, bỏ quên con người, văn chương há chẳng đã làm những điều vô nhân đạo? Tội ác văn chương xưa nay, nếu đem phân tích, biết đâu chẳng dồn chất thành ngàn dãy Thiên Sơn”. Trong Nhìn lại một chặng đường văn học, Trần Hữu Tá cho rằng: “Có thể nói, qua Bút máu lần đầu tiên trên văn đàn Sài Gòn, người đọc được nghe một tuyên ngôn văn nghệ nhấn mạnh đến trách nhiệm nặng nề của người cầm bút, đồng thời thấy đó như là một lời cảnh báo gián tiếp gửi đến những cây bút tưởng có thể nấp trong cõi từ chương để có thể tiếp tay cho kẻ ác”(4). Tiếp nối đàn anh, những nhà văn thế hệ 5, 6X về sau, dù tất bật với đời thường, nhưng bao giờ cũng giữ được phẩm cách của một người viết vùng đất Ngũ phụng tề phi. Theo thời gian, cùng với nỗ lực tự rèn dũa, sự cọ mài liên tục của cuộc sống, tâm bút ấy càng định hình, sắc nước hơn, sát với hiện thực đời sống, sinh quyển văn học đương đại hơn: “Sống và viết về thế hệ mình, viết cho tốt, có thể là một đóng góp nho nhỏ của bản thân vào sự nghiệp to lớn của nhân dân anh hùng. Và có thể cũng trả dần được món nợ thiêng liêng đối với đồng đội, với dân tộc trong cuộc chiến tranh bị lãng quên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975” (Phạm Sỹ Sáu).
2. Khắc khoải tình quê
Với nhiều văn nhân gốc Quảng đang sinh sống tại Sài Gòn, từ khi “đưa chân tám hướng mà ghi vết đời”, có một nẻo đường vẫn réo gọi bước thiên di của “con dế giang hồ” – nẻo về “cố quận”. Hoài vọng cố hương là chủ đề – tư tưởng nổi bật trong trang viết của họ. Tường Linh – một người con sinh hạ tại xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, từ năm 1956, đã vào ở hẳn tại Sài Gòn cho đến nay. Ông thuộc lớp các thi sĩ Quảng Nam xuất hiện vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp và sớm nổi tiếng với những bài thơ về tình yêu quê hương đất nước. Thi nhân cất bước vô Nam mà lòng như ngược về quê nghèo trung du phía thượng nguồn sông Thu. Mối sầu quê cũ thành nỗi ám gợi trong không gian tâm cảm của thơ ông: “Ngoài ấy bây giờ chưa nắng lắm/ Nhiều hoa gạo đỏ nở bên sông/ Tháng giêng có tiếng chim tu hú/ Khung biếc trời mai én lượn vòng”. Tiếng nói tự nhiên của trái tim luôn đau đáu quê nhà có sức ba động, kết nối mạnh mẽ bao tấm lòng những người con xa xứ:
Quê hương tôi bên ni đèo Hải
Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại
Già nua nếp phố Hội An
Ngũ Hành Sơn năm cụm ngóng sông Hàn
Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện
Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển
Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô
Tôi muốn về Trung Phước giữa mùa ngô
Thăm quê ngoại Đại Bình cam đỏ ối
Sớm Duy Xuyên tơ vàng giăng nghẽn lối
Chiều Điện Bàn xe đạp nước thay mưa
Sông Thu chẳng thiếu đò đưa
Bùi khoai Tiên Đoã, mát dừa Kiến An
Quế Sơn núi liếp mấy tầng
Thương bòn bon Đại Lộc, nhớ rượu cần Trà My
(Nhớ hai miền Huế – Quảng)
Thơ Tường Linh như là minh chứng cho nỗi lòng những người con li hương của xứ sở này: ra đi là để trở về, càng xa cố quận càng gần quê xưa. Những phơi trải chân thành xuất phát từ sự thương nhớ, nặng nợ với đất quê sâu nghĩa nặng tình của “con ngựa thồ văn chương, thồ nhân nghĩa và ân tình xứ Quảng” (Huỳnh Như Phương) này dễ đánh động trái tim người đọc, nhất là những người đang cùng cảnh ngộ một lứa bên trời. Với Tần Hoài Dạ Vũ, chỉ riêng bút danh thôi cũng đã phần nào cho thấy tình cảm của thi nhân – đêm mưa nhớ về quê mẹ: “Hồn quê như ngọn gió/ thao thức suốt đời ta” (Quê thiêng). Còn Ý Nhi, khi nghĩ về quê hương giữa khúc ruột miền Trung “khổ nghèo cay cực”, tác giả không khỏi cảm động bởi thức nhận được sự vị tha, dâng hiến đến tận cùng của đất mẹ bao dung: “Đất nhọc nhằn bao nỗi lo toan/ lại chiu chắt cho người biển cả” (Biển miền Trung).
Mười tám tuổi, rời đất Quảng, hành phương Nam theo tiếng gọi lãng mạn từ trái tim mình, trong văn và nhạc của Vũ Đức Sao Biển, những mùa thu rợn sắc vàng từ tạ, những đồi sim nở bao đóa tương tư, những dòng suối, mây trời, bờ tre sơ thu miền Trung, những dòng sông đưa người tình biền biệt,… tất cả đều được phủ một gam màu chủ đạo: màu tím, trong một không – thời gian nhiều chất cổ điển: chiều hoàng hôn. Mọi cảnh vật đều được tâm trạng hóa. Đó là nỗi lòng của một viễn khách trước biển dâu đổi dời vẫn đau đáu tìm “đường về” để “thăm bến xưa” như chính ông tình tự: “từ phương Nam mơ về Quảng Nam” (Nhớ Quảng Nam). Một lần về thăm quê để thực hiện album Hoài niệm Trường Giang, nghệ sĩ đa tài đã xúc động nói: “Đường về quê nhà Quảng Nam của tôi rất đẹp. Tôi không nghĩ đến cuối đời mình lại được đóng góp chút công sức trong những hoạt động văn hóa – nghệ thuật của Quảng Nam. Tôi cứ đi và về với đất Quảng nhiều lần. Cảm thấy như là đứa con đi xa về với gia đình”(5).
Ngoài những trang viết đậm chất biển, và cũng là dấu văn Trương Anh Quốc trong văn đàn Việt Nam đương đại, sáng tác của anh còn một đề tài gợi được cảm tình của độc giả, đó là những truyện ngắn viết về những vùng đất, những con người với bao công việc mưu sinh nơi tỉnh nhỏ, nhất là huyện Quế Sơn “đất mẹ ân tình” :Xóm cũ, Anh Phú, Khi ta ba mươi, Nụ cười bí ẩn, Lũ đầu mùa, Cô gái đến từ phương Bắc, Chuyện ở một bến sông… Đọc truyện, ta cũng được gặp bao người con lìa xứ mưu sinh giữa đô thành hoa lệ, thấu cảm nỗi niềm hoài hương thường trực trong họ. Tất lòng cố quận cũng là một yếu tính làm nên chất văn của chàng trai quê mê biển: trào lộng, châm biếm nhưng cũng không kém phần sâu sắc, bao dung với cõi người, cõi đời; chân chất, mộc mạc, ít làm dáng ngôn từ mà vẫn đầy sắc sảo, chững chạc, đằm sâu và ma mị trong cõi chữ: “Trăng sáng gợi nhớ tuổi thơ. Nhớ tiếng đàn bầu, nhớ quê hương. Trăng càng thắp sáng và thắt chặt một thứ tình. Tình đồng hương” (Đồng hương).
Cái “gien” Quảng có lẽ là gien trội, bởi bao người trẻ tuổi, xa quê tự thuở chân đất tắm truồng, vậy mà qua cha ông, bè bạn, nó ngấm vào người, hóa thành văn. Rời thành phố Đà Nẵng quê hương, Phùng Hiệu theo gia đình đi kinh tế mới ở tận miền núi Định Quán, tỉnh Đồng Nai, lớn lên thì xuống Sài Gòn lập nghiệp.Xa quê đã lâu nhưng chất Quảng trong con người Phùng Hiệu vẫn còn khá đậm nét, từ giọng nói đến tính cách. Không phải “táo bón” quá khứ, ôn khổ kể nghèo, vọng quê đối với anh là tiếp thêm sinh lực để trang trải, yêu thương, để không thẹn hổ với những tháng năm cơ khổ thiếu thời: “Nơi mảnh đất trời “ban” nhiều lụt bão/ Nắng cuối mùa đồng cháy khát cơn mưa” (Thư viết cho anh); “Chiều nay dõi mắt về quê ngoại/ Thương nhớ dâng đầy, thương nhớ rơi…!” (Ngày xuân nhớ ngoại).
Vào Sài Gòn từ nhỏ, thuộc thế hệ nhà văn gốc Quảng trẻ nhất, chạm ngõ văn chương đầu thập kỉ thứ hai của thế kỉ XXI, nhưng dẫu sống nơi phồn hoa nhất nước hay du học xứ người, hình bóng quê xưa vẫn hiển hiện và thôi thúc Phan An cầm bút. Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất là tiếng lòng chàng trai trẻ hăm hở vươn ra biển lớn nhưng cũng khôn nguôi nhớ về tỉnh nhỏ, huyện nghèo. Làng quê xứ Quảng mới đây thôi giờ đã xa vời vợi do tác động của làn sóng đô thị hóa, được phục dựng sống động qua bao gương mặt người lam lũ, chân mộc ở Bến Dầu, Phú Thuận, Đại Lộc, Quế Sơn, Thu Bồn, Phú Đa,… Tập sách đầu tay của cây bút trẻ này có sức truyền cảm, khuấy động sóng lòng những người con xa xứ.
Xuân gây niềm nhớ, Tết thương quê nghèo. Với văn nhân đất Quảng, li hương từ lâu, an yên giữa vùng đất mới rồi mà lòng vẫn rạo rực khôn nguôi “mỗi lần Xuân gợi hương xa xứ”, để ngậm ngùi trong phút giao thừa lỗi hẹn với quê hương. Đây là lúc nỗi nhớ đong đầy, da diết hơn bao giờ hết:
Lại một năm xa chắc chẳng về
Tháng mười lũ quét trắng cơn mê
Ở đây áo ấm, trời lên Tết
Con dế giang hồ đang nhớ quê…
(Tôi là Bêtô – Nguyễn Nhật Ánh)
Đã mấy tết anh chưa về Cẩm Lệ
Bước chân đi còn nhuốm bụi phong trần
Nơi cố xứ ngày xuân như hối hả
Buổi giao mùa nỗi nhớ cũng vàng sân
(Bước tha phương – Phùng Hiệu)
Ám ảnh lớn nhất trong tâm trí văn nhân mỗi khi nhớ về quê nhà là thiên tai lụt bão gây bao cảnh mất mát, tang thương: “Lụt nguồn trôi trái loòng boong/Cha thác mẹ còn chịu chữ mồ côi”. Giữa miền Nam thiên nhiên hào phóng ưu đãi, nỗi nhớ thương, lo lắng càng quay quắt đến nao lòng:“Quê nhà – nhà mới dựng lên/ Bão năm nay đã xô nghiêng mái nhà”(Lê Minh Quốc); “Sài Gòn sáng sớm mưa bay/ Ngồi lo Đà Nẵng mùa này bão giông” (Nguyễn Nhật Ánh); “Con ở phương Nam chiều vẫn ấm/ Mà lòng như có nước sông tuôn” (Tường Linh),… Sẽ không quá võ đoán khi cho rằng, đường văn – cũng phần nào là chân dung tự họa của họ – là những nẻo về chốn cũ, tắm trên những dòng sông tuổi thơ, đi dưới bầu trời thắm màu kỉ niệm: “Mang tấm lòng người nông dân tỉnh lẻ/ Vào thành phố tôi đi cày trên đường nhựa/ Cảm xúc tóe lên, tôi khai thác mình một nửa/ Một nửa cuộc đời tận dụng chính tôi” (Nguyễn Lương Hiệu).
Không bằng lòng chỉ vọng quê, hoài xứ, văn nhân đất Quảng đã biến nhớ thương thành hành động, hiện thực hóa tình cảm, trách nhiệm với nơi cắt rốn chôn nhau bằng nhiều việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa, mà tiêu biểu nhất là việc sống cùng trang viết. Chỉ riêng bộ công trình về văn học dân gian Quảng Nam của Tần Hoài Dạ Vũ đã cho thấy sự trân quý, nỗ lực bảo tồn, phát triển di sản văn hóa, văn học tỉnh nhà của ông: Văn nghệ dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng (1983 – 1984), Văn học dân gian Quảng Nam (2001), Văn học dân gian huyện Tiên Phước (2005), Thủ Thiệm, tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng (2007), Văn học dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng (2017),…Những công trình của thi sĩ Nguyễn Đông Nhật biên soạn cũng là minh chứng cho sự nặng tình với đất mẹ: … chưa mưa đà thấm (1998), Cánh thư và tia chớp (2000), Trăm năm thơ Đất Quảng (2005), Phác họa chân dung một thế hệ (cộng tác với Tần Hoài Dạ Vũ, 2007), Người của một thời (viết chung với Lê Công Cơ, 2016),…  Với Nguyễn Nhật Ánh, trừ cuốn Còn chút gì đế nhớ viết về thời kì tác giả khăn gói vào Sài Gòn thi đại học với không gian thẩm mĩ chủ đạo là Thành phố Hồ Chí Minh, còn tất cả những tác phẩm khác đều lấy bối cảnh Quảng Nam với những địa danh, những kỉ niệm cụ thể, tươi ròng: Bình Quế trong Mắt biếc, Bình Tú trong Đi qua hoa cúc, Bình Trung trong Hạ đỏ, Tam Kỳ trong Hoa hồng xứ khác, Quán Gò, chợ Kế Xuyên trong Ngồi khóc trên cây, sông Ly Ly, Hương An trong Lá nằm trong lá, chợ Đo Đo trong Quán Gò đi lên, Đà Nẵng trong Những cô em gái, Hà Lam trong Lá nằm trong lá, Ngày xưa có một chuyện tình, Cây chuối non đi giày xanh,…
Bên cạnh những tập thơ về Quảng Nam, Đà Nẵng (Yêu em, Đà Nẵng, Sân trường kỉ niệm, Về nơi nào để nhớ), Lê Minh Quốc còn viết không ít cuốn sách về danh thắng, về truyền thống văn hóa và tính cách người Quảng: Hỏi đáp non nước xứ Quảng (2002), Người Quảng Nam (2007),… Những tác phẩm này đã giúp cho bao đứa con xa quê các thế hệ sau hiểu biết rất nhiều về “cố quận” vốn nổi tiếng trong lịch sử và có vai trò quan trọng trong quá trình mở mang bờ cõi. Người Quảng Nam là một trong không nhiều công trình tâm huyết, công phu góp phần làm sống dậy cả một vùng văn hóa xứ Quảng với những địa danh, những danh thắng hút hồn: đèo Hải Vân, Sông Hàn, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Hội An, sông Thu Bồn, Hòn Kẽm Đá Dừng, Vũng Thùng, Bồng Miêu, La Qua, Quế Sơn, Trung Phước; những anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa: Bùi Tá Hán, Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Hoàng Tuỵ; những văn nhân nức tiếng: Huỳnh Thị Bảo Hòa, Phạm Hầu, Bùi Giáng, Thu Bồn, Bà Tùng Long, Vũ Hạnh, Nguyễn Nhật Ánh; những đặc sản nghe là nhớ thử là ghiền: mì Quảng, bánh tráng đập, trái loòng boong, nước chè xanh, nước mắm Nam Ô, thuốc rê Cẩm Lệ; những sinh hoạt văn hoá tinh thần: hát bội, chơi bài chòi, hát sắc bùa, nấu cơm thi, bịt mắt bắt heo, đốt pháo;những đặc trưng của ngôn ngữ, của khí chất những con người “hay cãi”… Không chỉ biết tên gọi, lịch sử hình thành, phát triển, ta còn được mở rộng nhiều kiến văn bổ ích, thú vị: Quảng Nam là nơi đầu tiên mở ra giai đoạn lịch sử cận đại Việt Nam bằng cuộc chiến tranh Pháp – Việt, nơi hình thành chữ Quốc ngữ sớm nhất, nơi có Phan Khôi, tác giả Tình già, người khởi xướng phong trào Thơ mới; tính cách người Quảng xét ra phù hợp với nghề báo; cái cương trực của dân Quảng khiến họ trở thành người tiên phong trong suy nghĩ, hành động,… Tác giả cũng khéo léo dẫn dụ người đọc đến với từng vùng đất quê mình qua những câu ca dao dân ca – kết tinh của văn hóa, trí tuệ dân gian. Đó đâu chỉ là thanh âm, con chữ, chúng là tiếng gọi tha thiết của quê nhà, hóa thành máu thịt trong bao kẻ li quê: “Học trò  trong Quảng ra thi/ Thấy o gái Huế chân đi không đành”; “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”; “Quảng Nam mình có Đèo Le/Bà con ta nói cứ đè mà leo”,… Cái giàu có, phong nhiêu của xứ sở một thời xưa cũ cũng sống dậy qua những vần thơ chân chất, ân tình:
Đá than thì ở Nông Sơn
Bồng Miêu vàng bạc, Quế Sơn có chè
Thanh Châu buôn bán nghề ghe
Thanh Hà vôi ngói, mía che Đa Hòa
Phú Bông dệt lụa, dệt sa
Kim Bồng thợ mộc, Ô Gia thợ rừng
Đến với cuốn sách, độc giả sẽ hiểu thêm, yêu thêm những vùng đất, con người, những đặc trưng văn hóa được người dân nơi đây chắt chiu vun đắp và lưu giữ, phát huy suốt hơn nửa thiên niên kỉ. Tác phẩm đã chứng minh được một cách thuyết phục những đóng góp của người Quảng Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt.Trong Lời tựa, “ông già Nam Bộ” Sơn Nam đã rất tinh tế khi nhận xét: “Đọc tập Người Quảng Nam của nhà thơ Lê Minh Quốc, tôi thấy hình bóng người Quảng Nam hiện lên khá rõ nét”(6).
Đâu chỉ nổi bật ở cái đức “không chê cha mẹ khó”, những người con hiếu thảo này lại gây bất ngờ bởi tâm lí tự hào hơi bị… lố về quê hương, nguồn cội. Giữa đô thị phồn hoa nhất nước, những gã nhà quê luôn thủy chung với cố nhân, và tự phong nàng là hoa hậu, thậm chí còn thuyết phục thiên hạ nghĩ và tin như mình. Người gái quê ấy không ai xa lạ, chính là em… Mì Quảng; và cái anh chàng “hai lúa” gàn dở ấy cũng đã lừng tiếng vang danh trong “nghề”… “bán vé đi về tuổi thơ”(7): Nguyễn Nhật Ánh. Với anh, người tình trăm năm thực “đáng đưa vào Ghi-nét”: đặc trưng và phổ biến nhất Quảng Nam; bình dân bậc nhất; dễ nấu bậc nhất; dễ thích nghi với hoàn cảnh nhất; và không một người Quảng Nam nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia. Qua trang văn đằm thắm yêu thương của tác giả, ta thấy được sức sống mạnh mẽ, khả năng thích ứng tuyệt vời với mọi môi trường, hoàn cảnh của món ăn đậm mùi hương thổ này. Mì Quảng, do đó, cũng là một biểu tượng cho khí chất, bản lĩnh của người dân vùng đất chưa mưa đà thấm. Bởi thế, không giống những “thượng đế” khác, người Quảng đi ăn mì Quảng luôn trong tâm thế gặp tình cũ giữa đất khách quê người. “Họ không chỉ ăn bằng miệng, bằng vị giác hay khướu giác, không phải đơn thuần chỉ để thưởng thức cái ngon. Người Quảng đi ăn mì Quảng là đi ăn bằng tâm trạng. Họ bước vào quán mì Quảng với bước chân hồi hộp, thắc thỏm, với tất cả nỗi háo hức phập phồng như đến điểm hẹn với người quen cũ. Gặp tô mì Quảng giữa Sài Gòn, với người Quảng đó là nỗi mừng rỡ “tha hương ngộ cố tri”. Bẻ một miếng bánh tráng hay cắn một trái ớt là biết bao nhiêu kỉ niệm ấu thơ ùa về trong tâm trí. Người Quảng ăn mì Quảng bằng cả tấm lòng, bằng kỉ niệm”(8). Khi rời khỏi vùng đất sản sinh ra mình, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa mà trở thành một trong những biểu tượng hòa kết trong đó cả tinh thần lẫn vật chất của một vùng đất lắm kẻ tha hương. Những giá trị văn hóa quê nhà được đem vào văn chương để nhân rộng, nối dài sức sống của chúng. Và qua chúng, văn nhân đã tạc một đường về. Tác giả Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã mạo muội mượn hai câu thơ của Chế Lan Viên để nói hộ nỗi lòng của bao người con xứ Quảng đối với món ăn ân nghĩa quê mình: “Khi ta ở chỉ là nơi “mì” ở/ Khi ta đi  “mì” đã hóa tâm hồn!”.
Người Quảng xa quê thưởng thức đặc sản cố hương là một dịp thực hiện kiểu văn hóa ẩm thực có một không hai: ăn thương ăn nhớ! Có dịp đãi khách, nhìn cách bạn thưởng thức mì Quảng, chủ nhà có thể đoán được phần nào tình cảm của bạn dành cho mình, cho món ăn dân dã mà đượm tình xứ mình. Nếu khách vừa ăn vừa xuýt xoa, xin lỗi là húp bay cả… cặn, thì đúng là thật bụng, là bị “bỏ bùa”, và chắc là sẽ nghiện, nên gia chủ chuẩn bị tinh thần để tiếp tục bày cuộc vui. Còn cứ im lìm ăn, rời rạc, mệt mỏi, bỏ thừa bỏ mứa thì khách chẳng mặn mà gì với thân hữu, cũng chẳng thiết tha được động đũa lần hai. Hiển nhiên, chủ nhà chẳng còn hứng để tiếp tục mời.
Không chỉ trong văn chương, mà ngay trong đời thực, Nguyễn Nhật Ánh còn mở quán lấy tên cái chợ ở quê mình – quán Đo Đo – để quảng bá đặc sản quê nhà. Nhờ vậy, giữa đất phương Nam,cháu con xứ Quảng có thêm nơi hội ngộ mà vọng cố hương trong mịt mờ sương khói; bè bạn bốn phương cũng biết, hiểu và yêu hơn mảnh đất này: “Đây đó đến Đo Đo đông đủ, đi đôi được đon đả đãi đằng, động đũa đã đời, đừng đỏng đảnh, đợi đừ, đành để đói” (Tường Linh).
Ai đến Quảng Nam, được một lần ngược xuôi Thu Bồn đều không thể quên dòng sông bên lở bên bồi. Với người xa quê, màu xanh của nước, của bờ bãi ngô non, dâu mượt, màu trắng tinh khôi của đôi bờ cát, màu lam của sương khói hoàng hôn… hiện về cả trong những giấc mơ khi tỉnh, để từ đó sông quê – Sông Mẹ – càng lung linh, ảo diệu. Nếu Nguyễn Nhật Ánh nhiệt thành vinh danh mì Quảng thì Vũ Đức Sao Biển dồn trăm thương ngàn nhớ để vẽ con sông quê hương bằng những sắc màu, thanh âm, liên tưởng độc sáng: “Trên nguồn cao thượng du, sông đi qua bao nhiêu thác ghềnh; nước duềnh ra, mạnh mẽ như đàn thiên mã từ trời cao xuống. Qua đất trung du, hợp lưu với những dòng sông khác, sông Thu chảy chậm lại một chút nhưng mênh mang và bí ẩn như một bè cello trong dàn đại hòa tấu. Tới vùng hạ du, sông chậm hẳn lại, e ấp như một thiếu nữ xuân thì rướn tay ôm lấy những làng quê, bãi mía, nương dâu. Sông trôi về Hội An như một dải lụa xanh vắt qua thành phố cổ. Dòng chảy của sông Thu là cả một bản đại hòa tấu đa dạng và biến ảo: mở đầu là một tấu khúc xôn xao, rực rỡ; chương hai bỗng mênh mông sâu lắng và chương cuối thì êm đềm, lãng mạn”. Đâu chỉ mến trìu hát ru bờ bãi, trang trải tình thương, sông quê còn ngày đêm vỗ sóng trong sâu thẳm tâm hồn những đứa con tha phương để thầm nhắc gọi ngày về.
“Giọng Quảng” cũng là một đặc trưng trong sáng tác thuộc mọi thể loại của văn nhân Quảng Nam ở miền đất mới.Không chỉ lộ rõ qua âm điệu hoài hương đã nói ở trên, chủ âm này còn hiện diện thường trực trong từng sắc thái thẩm mĩ của ngữ liệu. Tiếng quê là phương tiện để họ kiến dựng chân ảnh con người, dáng hình xứ sở, nó cũng là đôi cánh đưa văn nhân trở về mái nhà xưa. Những “mi”, “ni”, “mô”, “hỉ”, “mần răng”,… như lớp vỏ để cái hồn đất Quảng lặng thầm tỏa hương:
Mi ở Điện Bàn hay Duy Xuyên
Tết ni không nói chuyện tình duyên
Tết mô mới nói cùng mi hỉ
Không nói mần răng ván đóng thuyền
(Hồi xưa tôi đã tỏ tình – Nguyễn Nhật Ánh)
Hiệp khách hành (Vũ Đức Sao Biển) tiếp biến hai câu nói “cà rỡn” của người dân Quảng Nam: “Thủy điện là… người tình của lâm tặc” và “Thủy điện là… người bạn thân của thần Thủy Tinh”.Trong Quán Gò đi lên, Nguyễn Nhật Ánh đã không ngại “tự trào” về ngôn ngữ xứ mình. Cái giọng Quảng đặc sệt của con Cúc làm độc giả được một pha cười chảy nước mắt khi nó bảo con Lệ lấy “cái bao” mà lại nói thành: “Chị kiếm cho em cái bô!”. Đến khi con Lệ đem cái bô ra thật thì con Cúc mới ré lên: “Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”.Dường như khi viết đến chi tiết này, bên tai tác giả mồn một tiếng loa “kinh điển” của quê mình: “A lô, a lô! Đồng bồ, đồng bồ! Đem cái bô, ra lấy gộ, về nấu chố!”(9). Người xa xứ, được thấy, được nghe, được cảm cái giọng quê hương như thế, sướng và cảm động chi lạ! Đâu chỉ là tâm thế của kẻ thưởng thức văn chương thuần túy, đó là nỗi lòng của người được hạnh ngộ bao ân ưu ngày cũ: “Hồn quê ở tận đâu đâu/ Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà/ Ở gần đây chứ đâu xa/ Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi” (Lê Minh Quốc).
Với tính cách bộc trực, “cứng đầu”, người xứ Quảng cả trong đời sống lẫn văn chương đã được xem là mắc “bệnh”… hay cãi. Độ nhậu nào thiếu dân Quảng thì kém phần rôm rả; hội thảo nào có nhiều người Quảng thì khó mà xuôi êm, nhàn nhạt theo kiểu thảo ít hội nhiều.Vui cãi, buồn cãi; chí cốt cãi mà sơ giao cũng cãi; hữu lí cãi nhưng đuối lí, xuôi xị cũng cãi, cãi cọ có mà cãi… gióng cũng chẳng từ. Quý nhất là, dẫu tranh luận vui vẻ, tếu táo hay căng thẳng, nảy lửa, họ đều hướng đến sự đồng thuận, thông hiểu, kết nối chứ không với ác ý gây bất hòa, hạ bệ, chia rẽ. Đoạn văn sau đây lột hiện phần nào tính cách đặc trưng đó của những con người núi Chúa sông Thu:
Mới ra cửa đồng, thấy bà Út đang bưng cái mủng hót phân urê vãi trên bờ cỏ, Quèo thấy lạ hỏi:
– Bà bị khùng hay sao mà không vãi phân dưới ruộng mà vãi trên bờ?
– Mi bị khùng thì có! Bón phân để lấy cỏ cho bò ăn đó! Hôm nay mới mua bò hả?
(…)
– Tui giữ giùm thôi chứ tiền không có mua gạo lấy đâu mua bò, tại bà Tính đang bị đau…
– Đau gì, có nặng lắm không?
- Sao tui biết, hỏi bả ấy!
(Lũ đầu mùa – Trương Anh Quốc)
Lối nói chuyện rất “ba gai”, Quảng Nam một cục, người xứ khác mới “đụng” lần đầu, hẳn không khỏi sốc. Nhưng bằng cách ấy, truyện đã làm nổi bật phẩm tính của người dân quê: cần cù, chịu khó, trọng tình nghĩa, sống vị tha, nhân hậu, thành thật, chất phác, dù cực khổ, đói rách nhưng vẫn vững tin ở ngày mai, ở sự hoàn thiện hóa của cuộc đời nhờ thiên lương con người.
Tình cố xứ là một phẩm tính quan yếu làm nên sắc điệu riêng, sức hút, ma lực riêng cho trang viết của những văn nhân xứ Quảng cùng chung cảnh ngộ: “Lớn từ dạo đó ta đi/ chân mây góc biển mấy khi quay về” (Ca dao và mẹ – Bùi Nguyễn Trường Kiên). Yêu nên tốt; mà yêu xa thì tốt càng thăng hoa. Nhà văn đã thổi hồn cho những vùng quê nhiều cát trắng với phi lao, xương rồng cằn cỗi hay trung du còi cọc, gió lào khô da,…Từ lòng yêu mến, vương vấn đất quê, họ đã phục dựng sinh động chân ảnh quê nhà, gợi sự đồng cảm, thích thú, trân trọng của bạn đọc. Đến với các sáng tác này, những người con xa xứ sẽ có được cái may mắn, niềm hạnh phúc lớn lao của kẻ đang cầm trên tay tấm vé để lên tàu về thăm quê mẹ.
“Viết về vùng đất mình sinh ra là chọn con đường đi đúng hướng, để qua đó sống lại với đời sống tâm linh nguồn cội. Đời sống tâm linh là cần, nhưng cái tâm linh dạt dào sức sống ấy phải thúc đẩy con người nhìn ra thế giới, với các nước láng giềng. Tự tôn với cái “tâm linh thuần túy” của mình là tự sát” (10). Nhận định của Sơn Nam – cây đại thụ văn chương phương Nam – trong trường hợp này, khá sát hợp với văn nhân xứ Quảng đang bén rễ xanh cây giữa miền đất mới. Đọc kĩ tác phẩm của họ, ta thấy không gian thẩm mỹ ở đây không chỉ là Quảng Nam mà nó đã được khái quát thành một miền quê chung, góp sức vinh danh văn học hiện đại của dân tộc.Có được những thành công trong cuộc sống, có những trang viết nặng tình về quê mẹ, nhà văn vẫn không quên dành những lời chân thật, tốt đẹp ngợi ca, tri ân xứ sở đã cưu mang mình: Sài Gòn. Trường hợp Nguyễn Nhật Ánh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Minh Quốc với hàng loạt sáng tác: Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Buổi chiều Window, Hỏi đáp Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, Thu Sài Gòn,…là những minh chứng.
Còn nhiều lắm “chất” Quảng của văn nhân xứ Quảng khó mà gói trọn trong bài viết nhỏ này. Nhưng chỉ chừng ấy thôi, ta cũng đã thấy những người Quảng cầm bút trước nay, dù sống ở đâu, quê hương vẫn là nguồn cảm hứng vô tận, là chất liệu làm nên sự độc đáo cho tác phẩm. Với họ, đi thật xa là để trở về, để yêu hơn,quý hơn và có trách nhiệm hơn với“cố quận”.
3. Xây một nẻo về
Lẽ thường, thực lòng nhớ quê người ta sẽ tìm đường thăm quê, không bằng cách này thì cách khác. Với văn nhân Quảng Nam ở Sài Gòn, nỗi hoài hương thể hiện qua nhiều “kênh”, bên cạnh kênh chủ đạo là sáng tác. Mỗi tác phẩm là một nén tâm nhang hướng vọng quê nhà, để đất mẹ ân tình không bao giờ là quá khứ: “Té ra xa cách bao lâu/ Em còn như vẫn mộng đầu đầu tiên” (Bùi Giáng). Hiện nay, ngoài các trang Web: nguoiquangphianam.com; danang.gov.vn được một lượng lớn độc giả Quảng Nam – Đà Nẵng trong và ngoài nước truy cập, hoạt động của các hội đồng hương cũng có tác dụng rất lớn trong việc gắn kết con em xứ Quảng. Quảng Nam Đà Nẵng – Đất và Người là chủ đề ngày hội đồng hương xứ Quảng tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong hai ngày 16 và 17-3 – 2013 tại Khu du lịch văn hóa Đầm Sen (Quận 11). Đó là một sự kiện quan trọng, vì lần đầu tiên hai hội đồng hương cùng phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa để mọi người có điều kiện hiểu thêm, yêu thêm con người và mảnh đất Quảng – Đà. Câu lạc bộ thơ Đất Quảng ở Sài Gòn cũng hoạt động bài bản, hiệu quả, ngoài việc hỗ trợ sáng tác, đây còn là nơi kết nối những tấm lòng thi sĩ cùng chung một điệu hồn với đất mẹ thân thương: “Trong tôi còn chút quê nhà/ Cũng xin giữ lại dẫu là nhà quê” (Lê Minh Quốc).
Trong niềm tự hào về quê hương, văn nhân cũng không thôi áy náy bởi mặc cảm mình còn còn nợ đất mẹ ân tình nhiều lắm. Món nợ này khiến những đứa con li quê xích lại gần nhau hơn, cùng trong một tâm trạng, một khát khao sống tử tế, nỗ lực vượt lên chính mình để làm đẹp, làm vui lòng Mẹ-Xứ-Sở. Nợ ân tình một lần vay trả cả đời không hết. Thôi thì, còn nợ nần để thấy mình vẫn là người, và tự hào hơn, người xứ Quảng. Bắt chước cái tính gàn của tiên tổ, ta tạm mượn một dòng thơ của thi sĩ Xuân Diệu: Còn nợ nần nhau hạnh phúc biết bao nhiêu!
Khi tôi viết bài này thì giữa Sài thành, những hội đồng hương tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, của các huyện, xã thuộc hai tỉnh thành đang có nhiều hoạt động thiết thực để thể hiện ân tình với quê nhà. Lúc nào, ở đâu, con dân xứ Quảng vẫn một lòng hướng về đất mẹ: “Dù cho cạn nước Thu Bồn/ Hải Vân hóa cát, biển Đông thành đèo/Dù cho cay đắng trăm điều/ Cũng không lay được tình keo nghĩa dày” (Ca dao). Thực tế này đòi hỏi chúng ta có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa để kết nối văn nghệ sĩ xứ Quảng đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn nói riêng, khắp mọi miền đất nước nói chung. Được vậy, những câu hỏi cấp thiết, cận nhân tình mà hơn 5 năm trước Lê Minh Quốc nêu lên trong cuốn sách đầy tâm huyết của anh: “Vì sao hiện nay, tại xứ Quảng chưa có con đường mang tên Bùi Tá Hán, chưa tổ chức một hội thảo khoa học để đánh giá đúng mức vai trò của ông?”; “Biết đến bao giờ mới có người Quảng Nam đứng ra làm quyển Từ điển tiếng Quảng Nam?” (11) hy vọng sẽ sớm có được lời đáp thấu đạt.
Chú thích:
(1) Ngũ Quảng xưa gồm 5 vùng đất: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (tức Thừa Thiên Huế ngày nay), Quảng Nam, Quảng Ngãi.
(2) Xem: Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, Nxb Thời đại, Hà Nội, 2011.
(3) Tên hai cuốn sách của Phan Hoàng: Sài Gòn đất lành chim đậu (Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016); Sài Gòn đất thiêng khí tụ (Nxb Văn hóa – Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017).
(4) Trần Hữu Tá, Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2000; trang 99.
(5) Tiểu Vũ, Có một người thầy mang tên Vũ Đức Sao Biển; Nguồn: http://motthegioi.vn/.
(6) Lê Minh Quốc, Người Quảng Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2012; trang 5.
(7) Nguyễn Quang Lập, Ông bán vé về tuổi thơ, Nguồn: https://www.facebook.com/.
(8) Nguyễn Nhật Ánh, Người Quảng đi ăn mì Quảng, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2005; trang 73 – 74.
(9)“Dịch”thông báo này từ tiếng Việt sang tiếng… ta: A lô, a lô! Đồng bào, đồng bào! Đem cái bao, ra lấy gạo, về nấu cháo!
(10) Lời tựa Người Quảng Nam, Sđd, trang 8.
(11) Lê Minh Quốc, Sđd, trang 44, 135.
29/10/2019
Bùi Thanh Truyền
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...