Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Người khuyết tật

Người khuyết tật

Anh ta năm nay chưa đến tuổi bốn mươi mà tóc đã bạc gần hết. Xưa kia, có người nước Sở bên Tàu vì lo việc báo thù, trằn trọc cả đêm không ngủ nên sáng ra đầu đã bạc trắng. Bắc thì không phải thế. Anh ta chả phải thù hằn ai, nếu có thù thì Bắc thù mình, thù thân phận nghèo khó của mình. Anh ta đã ao ước, đã cố suy nghĩ mọi cách để có, để được sống trong cảnh giàu sang. Nhưng chỉ suy nghĩ suông, loanh quanh hết ngày này qua tháng nọ mà không cố gắng làm việc, không có phương cách cụ thể nào thì chỉ là ảo vọng. Có lẽ Bắc mong rằng ngủ một đêm sáng ra sẽ lên đời. Suy nghĩ quá nhiều nên anh ta bạc đầu chăng?
Ngày trước anh ta làm ruộng. Cuộc sống nông thôn vốn nhọc nhằn, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó, tằn tiện cùng hạt lúa củ khoai, nhưng Bắc lại không có đức tính đó. Chê công việc bán mặt cho đất đưa lưng cho trời, nó nghèo hèn quá. anh ta muốn sống một cuộc đời của người lắm tiền nhiều của. Với suy nghĩ ấy Bắc đặt mơ ước vào những tấm vé số. Có được đồng nào anh ta đều mua vé số. Dẫu ăn uống kham khổ, thiếu trước hụt sau Bắc gồng mình chịu đựng. Lúc làm đồng hay khi ở nhà, anh ta đều trông ngóng đến giờ xổ số. Hồ hởi chờ đợi bao nhiêu thì nỗi thất vọng lại nhiều hơn thế. Cứ thất vọng rồi lại cay cú, như con bạc khát nước. Anh ta lao đầu vào bất kể chết, cuối cùng bị văng ngược ra, không phải do ai giúp Bắc có suy nghĩ tích cực hơn mà do anh ta kiệt sức, do trong nhà chẳng còn gì để bán. Kết quả là Bắc chỉ còn cái xác biết đi và thành quả đạt được là bốn bức tường nhà anh ta được dán kín bằng những tờ vé số không trúng. Giả sử những tờ vé số đó biến thành tiền thì đó là một khoảng tài sản không hề nhỏ.
Bắc cho rằng: Ở quê nhà với công việc xưa nay chẳng thể nào giàu lên được, thế là anh ta khăn gói tìm đến thành phố. Với một người không nghề nghiệp, ít hiểu biết, ngại khổ mà muốn có những điều mình mơ ước là không thể. Lúc đầu còn có ít tiền, Bắc tiêu pha như một người trung lưu, chiều chiều làm vài chai bia với những người bạn mới quen, nói chuyện trên trời dưới đất như một trưởng giả, nhưng không được bao ngày. Đến lúc túi lép xẹp anh ta lang thang nơi bãi xe, góc chợ. Kiểu này dễ đưa Bắc đi đến con đường trộm cướp, nhưng không! Chẳng phải anh ta vì sự tự trọng hay vì danh dự gì gì, mà vì anh ta chưa đủ mạnh để làm việc ác nên anh ta không hoặc chưa dám có cái gan ấy, mặc dù đôi khi anh ta cũng có nghĩ tới. Đói quá đầu gối cũng phải bò, thế là anh ta mò đến khu cửu vạn và sự may mắn đầu tiên đã đến với Bắc.
Anh được một người đàn ông đưa về nhà. Công việc thật đơn giản và phù hợp với anh ta - làm vườn trồng cây, cắt cỏ trong ngôi biệt thự của ông Phong. Với một người lao động bình thường, tử tế và lương thiện thì về lâu dài anh ta có thể có một công việc ổn định, Chăm sóc sân vườn cho ngôi biệt thự mà nhiều người ở trong hoàn cảnh như Bắc mơ ước.
Lúc mới đến bụng đói chân run, mà trong người chỉ còn dăm đồng lẻ, vì cần phải ăn và những sinh hoạt linh tinh nên anh ta đã làm việc như một lao động cần mẫn. Thực ra, Bắc chẳng phải là một người có lắm thủ đoạn hay gian xảo, nếu không muốn nói là anh ta khá hiền và hơi ngô nghê một tí. Thời gian làm công việc trồng cây và chăm sóc vườn, Bắc được ăn ở tại khu nhà kho của biệt thự. Thấy thái độ làm việc cùng sự chất phác của Bắc, ông chủ cũng muốn giũ anh ta lại làm lâu dài.
Thời gian đầu, công việc làm tạm ổn, tâm trạng Bắc cũng khá hơn. Hơn nữa, vợ chồng ông Phong là những người tử tế và tốt bụng nên thỉnh thoảng có những công việc nặng nhọc anh ta được chủ bồi dưỡng thêm. So với ngoài quê thì làm ở đây quả là ngoài sự mong đợi của Bắc. Thật sự nếu anh ta chí thú làm ăn thì may mắn cho anh ta vô cùng.
Một hôm ông Phong gọi Bắc vào, ông nói:
- Cậu vào làm ở nhà ta cũng đã gần bốn tháng rồi, lúc đầu ta chỉ định mướn cậu chừng nửa tháng thôi, nhưng thấy cậu thật thà, chăm chỉ nên ta quyết định giữ lại làm cho ta lâu dài luôn. Cậu thấy sao?
- Dạ được, ông chủ.
- Từ nay cậu không phải ở nhà kho nữa, chuyển sang ngôi nhà nhỏ phía sau vườn. Đó là nơi ở của cậu.
Vậy là bắt đầu từ nay Bắc đã có cuộc sống ổn định. Công việc nhàn nhã, sáng cắt cành, tỉa cây tưới nước, chiều đẩy máy cắt cỏ, chủ nhật được nghỉ. Ông chủ còn cho anh ta chiếc xe wave cũ để đi lại. Cuộc đời cũng đã ưu ái lắm cho một anh nông dân xa xứ đi tìm việc như Bắc.
Những tưởng anh ta sẽ yên phận, chấp nhận những gì mình đang có. Nhưng thật sự Bắc không cam tâm, vẫn oán trách cuộc đời không công bằng, vẫn oán trách ông trời thiên vị người này bỏ rơi người khác. Thay vì có được cuộc sống ổn định với khoảng tiền lương kha khá anh ta sẽ mang ơn chủ nhà, sẽ thay đổi dần cách mơ ước viễn vông nhưng không, Bắc vẫn cay cú giữa sự giàu sang của gia đình ông Phong và thân phận anh ta.
Được chủ tin tưởng và được đi lại tự do, anh ta nảy nòi trộm cắp. Bắt đầu lấy những món đồ lặt vặt trong kho đem bán, Bắc chẳng thấy có gì nghiêm trọng và cũng chẳng ai để ý. Sau lấy những thứ có giá trị nhưng ông Phong không dùng đến. Trộm cắp dần dần quen tay, anh ta cho rằng chẳng có gì nguy hiểm, chẳng có gì tội lỗi vì họ không dùng thì mình lấy thôi và, thế là Bắc cứ đi vào con đường cắp vặt như sa trong vũng lầy. Một hôm, ông Phong gọi Bắc vào chuyển bức tranh lớn vô nhà kho. Bình thường, khi nào chủ nhà gọi thì Bắc mới được vào nhà, còn nếu cần thì buộc phải bấm chuông cửa. Hôm ấy vô lấy bức tranh, Bắc thấy trên kệ cửa sổ có máy ảnh Canon, anh ta thấy không ai để ý bèn chộp nhanh kẹp vào nách bên trong áo gió. Bức tranh khá nặng nên khi ra tới cửa, lớ ngớ thế nào máy ảnh rơi xuống và thật xui cho anh ta, lúc ấy hai vợ chồng ông Phong đều đứng đó và chuyện gì đến đã đến.
Bắc có sáu giờ để rời khỏi khu biệt thự. Anh ta đứng tần ngần trước cổng, chẳng phải vì luyến tiếc điều gì, mà anh ta cố nhớ xem mình còn quên gì không: «À, còn đôi giày ông chủ cho hôm trước». Lúc này vợ chồng ông Phong lái xe ra, Bắc chạy lại xin vào lấy đôi giày, do bất ngờ khi lùi xe, Bắc va phải nên xảy ra tai nạn. Hai vợ chồng ông Phong đưa anh ta vào bệnh viện. Chân phải bị dập nát, cắt đến trên đầu gối.
Do không có người thân nên vợ chồng ông Phong đưa Bắc về biệt thự thuê người chăm sóc. Thời gian đầu, anh ta hoảng loạn mất tinh thần, thế là từ nay thành tàn phế, không còn cơ hội gì nữa, không còn ước vọng gì nữa.
Ngày qua ngày, được chăm sóc chu đáo nên Bắc nhanh chóng phục hồi. Một hôm, anh ta vô tình nghe được cuộc trò chuyện của vợ chồng ông Phong rằng: Sẽ chu cấp anh hằng năm hoặc bồi thường một số tiền. Bắt đầu từ đó anh ta cứ suy nghĩ quẩn quanh là mình sẽ có một số tiền, tất nhiên một số tiền lớn. Lớn như thế nào thì chưa nghĩ ra và, bắt đầu từ đó, sự hào hứng lộ rõ trên gương mặt Bắc: «Một số tiền lớn, ta sẽ giàu, sẽ thoát kiếp nghèo hèn, có mất một cái chân cũng không hề gì».
Lần thứ hai Bắc ra khỏi biệt thự trong một tâm thế mới. Anh ta thấy mình khác hẳn trước đây, tự tin hơn, cảm giác như được tôn trọng, nể nang hơn vì túi anh ta, xách anh ta đầy những tiền. Bên cạnh đó, một cái nạng kẹp nách và chân trái biến mất, chỉ phất phơ cái ống quần.
Cuộc đời Bắc đã bắt đầu bước sang trang mới, với kiểu sống của người lắm tiền, nhiều của. Bạn bè đông hơn, ngợi ca, chúc tụng anh nhiều hơn. Tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Anh ta thật sự mãn nguyện với cuộc sống hiện tại của mình. Chỉ có điều, đôi khi anh ta nghĩ: Giá như đừng bị cụt chân thì hay biết mấy. Những suy nghĩ ấy lúc đầu chỉ thoáng qua, sau dần xuất hiện nhiều hơn và cũng tỉ lệ nghịch với túi tiền của Bắc dần cạn đi. Chỉ sau gần hai năm, số tiền bồi thường mà ông Phong đưa cho Bắc đã cạn, bạn bè không còn ai lui tới. Căn nhà Bắc thuê bị chủ đòi lại. Với thân thể tật nguyền, anh ta không thể ở lại thành phố, đành phải trở về quê nhà.
Căn nhà ở quê bao năm rêu phủ, thân thể tàn tạ từng bước nhọc nhằn đi vào. Bầu trời mây đen quầng vũ như báo hiệu một cơn mưa lớn đang kéo tới.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...