Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Ông Nhiệm

Ông Nhiệm

Mỗi khi có dịp đi qua cung đường này, tôi luôn ghé lại thắp nén nhang cho ba. Mặc dù hài cốt của ba được gia đình đem về quê an táng từ lâu. Thắp nén hương để tưởng nhớ nơi ba nằm xuống. Nơi mà gần năm mươi năm trước biết bao người đã bỏ mạng nơi đây. Con đường 7B máu lửa.
Thường thì anh chị tôi thỉnh thoảng hay đi, còn tôi thật lâu mới có dịp đi qua. Cách đây khoảng hai mươi năm tôi ghé thắp hương, thấy từ xa, lấp ló trong rừng một căn nhà nhỏ, tôi cũng không quan tâm lắm. Rồi sau đó một thời gian dài có ghé lại, cũng vẫn căn nhà đó tuy có cũ kỹ. Tôi cho rằng người Dân tộc cất nhà để giữ nương rẫy nên cũng không để ý. Hôm nay có dịp trở lại tỉnh lộ hai lăm, đi loanh quanh để tưởng nhớ một thời đạn bom ly loạn. Ngày đó tôi còn bé nhưng những đau thương, mất mát cũng đã hằn sâu trong ký ức non trẻ. Định ra về thì thấy ngôi nhà lấp ló trong rừng cây ấy có khói lam bốc lên từ mái lá, cũng hơi tò mò. Hơn nữa, ghé lần này rồi chẳng biết còn có dịp trở lại nơi này nữa không. Tôi quyết định đến thăm căn nhà tranh đó.
Ngôi nhà tuy cũ kỹ, chẳng có đồ đạc gì nhiều nhưng tươm tất, sạnh sẽ. Chủ nhà là một ông lão chừng hơn bảy mươi tuổi, đang lui cui trong bếp. Có người lạ đến, ông ra tiếp:
- Chào ông, ông cần gì?
Tôi nói lý do có mặt ở đây và ghé thăm xin ông ly nước. Ông mời tôi ngồi rồi xuống bếp rót nước. Tôi chú ý thấy ông bị hư một mắt, dáng đi của ông hơi lạ, nhìn xuống đôi chân trần, chân ông cũng không có ngón. tôi không dám hỏi. Ông cho tôi biết ông tên Nhiệm, lên đây ở cũng hơn hai mươi lăm năm rồi. Khi nói vì sao ba tôi mất ở đây, ông Nhiệm nói chuyện có vẻ cởi mở hơn. Ông kể:
- Tôi ở vùng quê Quảng Ngãi, chiến tranh xảy ra, gia đình tứ tán. Anh tôi lên núi theo Cách mạng, mẹ tôi chết khi hai bên đánh nhau, tôi lưu lạc lên Kon Tum với người bà con. Sau đó đến tuổi đi quân dịch, tôi đăng lính Biệt động quân của chế độ cũ, được mấy năm thì xảy ra cuộc di tản tháng ba, một chín bảy lăm trên đường bảy này, giờ là đường tỉnh lộ hai lăm.
Ông Nhiệm ngừng kể, đưa tay bưng bát nước chè hớp một ngụm, rồi nhìn ra hướng đường Quốc lộ 25, đôi mắt mờ nhòa, xa xăm:
- Ngày đó, đây là con lộ máu...
- Dạ, tôi khi ấy mới mười tuổi.
- Ừ, tôi lạc trong rừng nhiều ngày. Một hôm chính tại nơi này, tôi đang thất thiểu lê từng bước thì phía trước một loạt đạn nổ, chân nhói đau, máu thấm ướt cả quần...
Ông Nhiệm lại im lặng. Tôi thấy ông dường như xúc động lắm, tay run run bưng bát nước, đôi mắt chớp lia lịa. Tôi cũng im lặng đồng cảm, nhưng chưa hiểu ông xúc động điều gì. Một lúc lâu sau ông nói, giọng đứt quãng:
- Tôi biết mình bị thương vì loạt đạn đó, tôi lia một băng... Ừ, tôi lia một băng đạn về phía tiếng nổ đã làm tôi bị thương... Sau loạt đạn, khu rừng lại trở nên yên lặng. Tôi nằm im một phần vì đôi chân tê buốt, một phần xem có còn nguy hiểm gì không.
- Thưa, sau đó thì...
- Tôi nằm một lúc lâu, nghĩ rằng nó chết rồi mới cố bò lại bụi cây, nơi phát ra tiếng súng. Đúng như thế, nó bị thương nặng, máu ra rất nhiều, đầy cả mặt. Tôi trườn tới sát bên xem bình đông của nó còn nước không. Do máu ra nhiều nên tôi khát nước vô cùng, bình đông còn nước tôi mở nắp định uống, chợt một bàn tay quờ quạng nắm lấy tay tôi, nói thều thào: «Mày là thằng Nhiệm phải không em?»
Quá bất ngờ, sao nó lại biết tên mình. Quả thật, tôi không thể nhận ra nó là ai, vì khuôn mặt dính đầy máu. Tôi hỏi: « Sao anh lại biết tên tôi?»
Hỏi xong, chợt nhiên cảm thấy có gì đó rất không bình thường, tôi lấy tay áo lau những vệt máu trên mặt nó. Nó gọi một cách yếu ớt: «Nhiệm!» Tôi bàng hoàng: «Anh Nhân!» Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là anh tôi. Người đã lên núi theo Cách mạng khi tôi còn đi học. Hai anh em ôm lấy nhau. Tôi đau đớn đến tột cùng, anh thều thào: «Nhiệm ơi, anh xin lỗi... ». Nói đến đây người anh trở nên mềm nhũn - anh vừa trút hơi thở cuối cùng. Tôi ôm anh khóc không ra hơi. Sau đó tôi lấy cuốc nhà binh cố moi một cái lỗ, dù sức đã cạn kiệt, dù tay chân như tê dại nhưng không thể để anh tôi nằm như thế này: «Em xin anh tha thứ, em không đủ sức để an táng anh tử tế được». Lấp đất, làm dấu để sau này tìm lại xong tôi ngất đi bên nấm mộ của anh tôi còn tươi mùi đất. Tôi ngất đi không biết bao lâu, khi tỉnh lại bởi cơn mưa rừng trút xuống. Thấy bàn chân đau nhói như ai lấy kẹp rứt từng miếng thịt, tôi gượng ngồi dậy. Một con heo rừng tưởng tôi đã chết nên đứng vô tư nhai những ngón chân của tôi.
Nói xong, ông Nhiệm đưa bàn chân không còn ngón mà lúc đầu thoạt nhìn tôi hơi thắc mắc. Ông nói:
- Sau đó tôi cố lếch ra đường, rồi được bà con Dân tộc đưa về buôn cứu chữa những vết thương trên người.
Tôi nhìn ông Nhiệm thán phục:
- Với những thương tích như thế, ở trong hoàn cảnh không thuốc nen mà ông sống được quả là kỳ tích.
Ông Nhiệm đưa tôi ra cuối vườn, ở đó có một ngôi mộ được chất bằng đá núi thật đẹp. Ông nói:
- Đây là ngôi mộ của anh trai tôi. Tôi sẽ ở bên anh đến cuối đời, và khi lìa đời cũng mong ước được nằm bên cạnh anh tôi.
Nghe ông Nhiệm nói, tôi thấy nghẹn lòng, cay cay nơi khóe mắt. Chúc ông sức khỏe và đạt được điều ông mong muốn.
Trời bắt đầu ngã về chiều, nắng tháng ba ở Tây nguyên cứ phả vào người hừng hực. Tôi tạm biệt ông Nhiệm, đến lại nơi ngày xưa ba ra đi, tôi đứng lặng cúi đầu chào ba, đôi mắt lại cay cay. Tôi khóc thương ba tôi, khóc cho hai anh em ông Nhiệm, khóc cho những người đã ngã xuống nơi đây.

Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài

phạm tú uyên

Chương 13

Tôi kể vắn tắt từ lúc Linh vào Đà Nẵng thăm bà dì nằm Nhà thương, rồi kẹt lại không ra được và mất tin tức từ đó. Dũng nói:

- Tao gặp Linh với ông bà già nó ở dưới Bạch Đằng cùng đoàn người xuống tàu vào Sài Gòn. Tao nói với ông già nó vào đó chi mệt, vài bữa nữa giải phóng tuốt luốt hết.

- Linh có nói chi với mi không?

- Nó không nói chi. À có! Nó nói: Muốn chờ ra lại Huế mà ba sợ Cách mạng nên phải vào Sài Gòn. thấy mắt nó sưng húp chắc là khóc dữ. Chừ mà chưa về thì một là theo đoàn người xuống tàu di tản rồi, còn hai là...

- Hai là chi?

- Mi ngu rứa, hai là... Là ngỏm rồi!

Tôi rất giận khi nghe Dũng nói, nhưng điều đó không phải không xảy ra. Vậy là từ nay, nếu còn nhớ nhau chỉ là trong mộng tưởng, không biết đến bao giờ tôi mới thôi nghĩ và nhớ em.

Cuộc sống cứ trôi đi từng ngày, chẳng ai có thể níu kéo được gì của hôm qua. Những gì đến rồi sẽ đi, đi dần về quá khứ để chìm sâu trong ký ức. Đôi khi niềm thương nhớ, nỗi xót xa trỗi dậy làm nhói đau đến tê buốt người. Nhưng rồi thời gian đã xoa dịu đi vết thương, năm tháng đã lọc bỏ những muộn phiền trong lòng. Giờ ngồi hồi tưởng lại ngày xưa, những hình ảnh ngày ấy nó không còn đớn đau ray rứt, mà trở nên thật đẹp, lung linh trong nỗi nhớ mênh mông. Tôi nâng niu, trân quý. Một câu thơ của ai đó:

«... Không nhau suốt cuộc đời, suốt cuộc đời ta vẫn riêng một nửa. Suốt cuộc đời ta, một nửa cho riêng mình... »

Mới ngày nào mà đã qua năm năm, thời gian như thoi đưa. Nhỏ Duyên ra trường, giờ làm cô nhân viên bên phòng VHTT Huế. Tôi thì vẫn anh xe thồ miệt mài sớm tối với chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng đăng vài truyện ngắn, dăm bài thơ lên tạp chí địa phương, lấy tiền nhuận bút mời em bữa ăn trong quán, ly cafe vào những ngày Chúa nhật. Hai anh em giờ đã trưởng thành. Cuộc sống, công việc tuy mỗi người mỗi khác nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn gần gũi, khắng khít như xưa. Đôi khi ngày nghỉ, hai anh em gặp nhau nói chuyện linh tinh về tương lai, về những kỷ niệm, về cuộc sống hôm nay. Có lần em nói:

- Thời gian sau này trông anh vui hơn, hoạt bát, gần gũi hơn nên em thấy mừng. Trước kia nhìn anh buồn em đau lòng lắm!

- Cám ơn em, lâu rồi mọi chuyện cũng đã qua. Không ai cứ mãi chìm đau với quá khứ.

- Anh!

- Chi em?

- Bên cơ quan em cần tuyển người, em thấy anh rất phù hợp. Nộp đơn anh hi.

- Ừ, để anh xem, chắc cũng phải vậy thôi.

Nghe nói rứa em mừng như chuyện vui của chính mình, em chụp lấy tay tôi lay mạnh, nói như reo:

- Cố gắng anh hi. Hôm ni Chúa nhật tụi mình cafe đi, em mời.

Nói xong Duyên định về lấy xe, tôi cản lại:

- Tụi mình đi một chiếc thôi, anh chở em.

- Dạ!

- Sao em không mặc thêm áo, trời gió nhiều lạnh lắm đấy!

- Anh ngồi trước che cho em rồi, sợ chi.

Tôi chở em qua bên Mai Thúc Loan, trời lạnh hai bàn tay tê cóng, lo em lạnh không chịu nổi tôi quay lui hỏi:

- Sắp đông thành đá chưa cô bé?

- Anh yên tâm. Hơi ấm từ anh tỏa ra như lò sưởi ý.

Dọc theo bờ thành Đại nội phía bên đường Đoàn Thị Điểm, người ta chia ra từng ô nhỏ cấp cho các hộ gần đó. Nhà tôi, nhà bác Mạnh mỗi gia đình được một ô để trồng rau. Khoảng đầu tháng chạp, mới tờ mờ sáng trời lạnh thở ra khói, thấy nhỏ Duyên vác cuốc đi ngang qua ngõ, tôi hỏi:

- Em đi mô sớm rứa Duyên?

- Em tranh thủ dọn đất để mẹ ra cấy cải.

- Chờ anh đi với.

Tôi và Duyên vác cuốc như nông dân ra đồng. Cuộc sống ngày mỗi khó khăn, hai bà mẹ bương chải, lặn lội cả ngày ngoài chợ mà cũng thiếu trên hụt dưới. Nghề xe thồ ngồi chờ khách đỏ mắt, công việc em làm tháng ba mươi ngày ăn không đủ no, mặc không đủ ấm.

Miếng đất chừng vài chục mét vuông cứ cuốc lên trồng xuống dù gì cũng được món rau xanh, dùng còn thừa đem ra chợ. Trời lạnh như cắt da mà mồ hôi em tươm ướt trán. Tôi bảo em:

- Em về chuẩn bị đi làm, chỗ đất nớ để anh cuốc vài lát là xong.

- Dạ cám ơn anh, giúp em với hi, trưa về em qua cấy cải nha.

Nói xong em tháo khăn cổ bước sang bên quấn vào cổ tôi, em cười:

- Anh choàng thêm cho ấm, em về.

Tôi chưa kịp cám ơn em đã đi nhanh ra đường. Hơi ấm trong khăn của em quyện thêm mùi hương da thịt cứ thoang thoảng làm hồn tôi thêm xao xuyến. Chạnh lòng thoáng nhớ về Linh. Bóng hình em một thời choáng ngợp trong tôi giờ trở thành kỷ niệm. Tôi không quên được em, cả đời này em luôn ở trong tôi. Chúng ta đã không đến được với nhau, âu đó là duyên số: “Suốt cuộc đời ta một nửa cho riêng mình”. Vâng! Em đã đi xa, nhưng là những gì đẹp nhất trong đời tôi, Linh ạ!

Tôi sang xới miếng đất bên Duyên, còn ít nên cuốc cũng nhanh. Nhìn sát tường rào có bụi cây nhỏ lùm bùm, tôi đào quăng bỏ để em trồng rau không bị rập. Nhát cuốc phập sâu vào gốc để nhổ lên, chợt bụi đất bay tứ tán, một tiếng nổ chát chúa và rồi tôi ngất đi.

Cái lạnh của những ngày đầu tháng Chạp nó buốt đến tận xương, may mà trời không mưa nhưng gió Bấc từng cơn khiến ai muốn ra đường cũng e ngại. Tiếng nổ chát chúa bên bờ thành Đại nội bị gió kéo loãng nên ít người nghe thấy. Đến khi có người phát hiện thì người bị nạn đã bất tỉnh. Lúc này những nhà gần đó chạy ra, nhà tôi, nhà bác Mạnh biết tin đến thì tôi chỉ còn thoi thóp thở. Mọi người cùng đưa vào bệnh viện.

Vết mảnh của trái M79 cắt qua đầu gối, đất cát phủ lên vết thương gây nhiễm trùng và mất quá nhiều máu. Bệnh viện lại không còn nhóm máu phù hợp để truyền, tính mạng đã cực kỳ nguy kịch. Những người thân đều được thử máu và người có nhóm máu tôi cần lại là Duyên.

Lúc tỉnh lại, cái cảm giác thật mênh mông, nó chơi vơi không rõ mình là ai, từ đâu mình tới. Cứ rơi dần rơi dần với tâm trạng gần như vô thức. Khi mơ hồ chạm cái gì đó, có nghĩa ngừng rơi tôi chập chờn mở mắt, người nhẹ tênh, một màu trắng bao quanh. Có lẽ lâu lắm tôi mới dần dần nhớ lại, bắt đầu nhớ từ lúc vác cuốc cùng Duyên, rồi em quấn khăn cổ cho tôi trước khi về, rồi tiếng nổ... Tôi tỉnh lại.

Một cái đầu ai đó gục trên ngực tôi. Mái tóc xòa ôm ngang người. Tôi hơi bàng hoàng cố trấn tỉnh lại, chiếc khăn em quấn quanh cổ tôi mang hơi ấm và hương tóc đang gục đầu vào tôi đây ư? Lòng dâng trào cảm xúc tôi choàng nhẹ tay qua mái tóc em.

Linh xa tôi từ dạo đó, nhớ thương đã đi vào dĩ vãng. Tôi biết một thời yêu em đến mê say, đắm đuối nhưng rồi tôi cũng hiểu chẳng ai yêu và sống với quá khứ. Em là một nửa hồn tôi đi vào ký ức. Phần còn lại tôi trao cho Duyên, tôi xin trao cho Duyên. Lòng muốn thế nhưng nào đủ tự tin nói với em. Thật lòng tôi không thể ngỏ lời cùng em. Còn em thì sao Duyên? Tôi biết em yêu tôi, lâu rồi. Nhưng cả hai đều im lặng! Giờ em đang ngồi bên giường bệnh, gục đầu vào tôi, tôi choàng nhẹ tay qua mái tóc em để thầm nói rằng: Duyên ơi! Tôi yêu em, đừng xa nhau nữa nha Duyên.  Đang mơ màng nghĩ ngợi thì em cựa mình tỉnh giấc, có lẽ em ngồi bên tôi lâu lắm nên gục xuống ngủ thiếp mà không hay. Em thức dậy thấy tôi vẫn nằm yên, tưởng tôi chưa tỉnh em nói mà như nói với chính mình:

“Anh nằm mê mang mấy ngày ni rồi, đừng làm em sợ nghe Chương! Đừng bỏ em đi, em không thể mất anh.”

Dường như Duyên khóc khi một mình tâm sự:

“Anh biết em đã đau lòng thế nào khi đi cùng chị (Lê Xinh) đến gặp anh tại Tỳ Bà Trang. Hóa ra là Linh, người yêu của anh. Em biết vị trí của em và Linh trong tim anh nên đã đày đọa mình suốt một năm để xóa bóng hình anh ra khỏi em. Em đã làm việc bên nhà bà o như một người điên, như một người tù khổ sai để quên anh nhưng vô vọng. Từng việc làm dù nhỏ dù to, dù gì thì anh vẫn xuất hiện. Với ngần ấy thời gian đã không thắng được mình nên em đành chấp nhận yêu anh, một mình yêu anh. Người ta gọi đó là mối tình đơn phương, không sao cả. Đời này chọn được người để yêu, xứng đáng để mình yêu đã là hạnh phúc. Bởi lẽ đó nên em bình tâm trở lại, em không còn khó chịu với Linh. Rồi chiến tranh, hai người xa nhau em đã thắt ruột nát lòng khi thấy anh đau khổ, nhớ nhung. Năm năm đằng đẳng, năm năm lầm lũi bên cạnh để động viên, an ủi anh. Nhiều lúc muốn thố lộ lòng mình nhưng sao khó quá!”

Tâm trạng của em cứ nhẹ nhàng đi vào lòng tôi như một giấc mơ. Giọt nước mắt ngập ngừng lăn xuống, tôi khẽ cựa mình nhưng vẫn mhắm mắt. Em ngẩng đầu nhìn ngỡ tôi tỉnh lại, giọt nước mắt còn long lanh nơi khóe, em lấy khăn chặm, buồn rầu nói:

“Anh buồn đau gì mà khóc trong mơ?”

 Tôi từ từ mở mắt nhìn em, thay vì vui thì em lại khóc. Hai mắt sưng thế kia chắc là khóc nhiều lắm. Tôi an ủi em:

- Anh khỏe lại rồi nè, em phải vui lên chứ.

- Dạ! Em mừng quá nên khóc.

- Duyên!

- Dạ!

Tôi cố ngồi dậy nhưng không được, em đưa tay giữ không để tôi cử động mạnh.

- Anh định nói chi với em?

- Anh nằm mê man vậy bao lâu rồi em?

- Dạ hai ngày anh ạ.

- Mắt em sưng thế kia, em khóc vì anh ư em?

- Dạ...!

Tôi muốn nói điều đã ấp ủ bấy lâu nay nhưng sao khó quá. Lần đưa tay tìm tay em, em nhẹ nhàng đặt vào tay tôi bàn tay mềm mại, ấm áp như muốn truyền cho tôi tất cả những gì em có. Tôi bóp nhẹ:

Duyên ơi!

- Dạ!

- Anh muốn nói...

- Anh để em nói, em muốn nói với anh điều này!

- Em nói đi.

- Em... Yêu anh!

Tôi cứ lần lữa mãi để nói với em điều này. Tôi cứ chờ cơ hội để nói với em rằng: “Tôi yêu em”. Giờ cơ hội đến rồi, em đã bộc lộ lòng mình thay tôi. Em đã chịu nhiều đắng cay vì tôi, máu của em đã chảy vào tim tôi, đã hòa vào tôi. Còn sức mạnh nào giờ đây có thể cắt chia được tình yêu chúng ta dành cho nhau?

Cuộc đời này dài không dài, ngắn không ngắn, tìm được người yêu mình đã khó, nhưng tìm được người vì mình mà hy sinh là rất khó. Tôi không khi nào để em vuột khỏi tôi nữa. Hạnh phúc dâng trào trong lòng, tôi muốn ôm em thật chặt, hét thật to cho thỏa niềm vui trong tôi.

Cố co chân lại định ngồi dậy nhưng không được, em đưa tay giữ không để tôi cử động mạnh. Thấy đau nhói ở chân phải, tôi đưa mắt nhìn xuống dưới chân, tấm mền mỏng phủ trên người phía bên chân phải bị xẹp xuống sát nệm giường. Sao lại thế này? Chân tôi đâu? Tôi bàng hoàng, chết điếng không tin vào mắt mình, cố nhích chân lại lần nữa, cơn đau đến xé thịt. Tôi rơi vào tuyệt vọng tột cùng. Cụt chân rồi! Tàn phế rồi sao Chương ơi! Niềm vui mới đến chưa kịp mừng, tôi chưa bù đắp được gì cho em, tôi đã không mang hạnh phúc đến với em, mà chỉ đem tới sự chới với, hụt hẫng, tan nát trái tim em. Trái tim đã hòa nhịp mang từng giọt máu truyền vào tôi, kéo lại sự sống cho tôi và kéo tôi về cùng em. Gắn kết ấy như một định số, như một an bài có hậu mà giờ tạo chi khắt nghiệt, trái ngang tôi biết phải làm sao đây, phải nói gì đây khi em vừa mở lòng, khi em...

Tôi đau đớn nhắm mắt lại, em cúi xuống hôn lên đôi môi khô ráp như muốn chia sẻ cơn đau cùng tôi. Nhưng em có biết đâu, nỗi đau của vết thương có là gì so với nỗi đau trong lòng anh lúc này. Nụ hôn đầu tiên em trao cho anh, mái tóc lòa xòa phủ kín mặt anh, mùi hương tóc ngất ngây, tất cả như mũi dao cứa vào tim, đâm vào da thịt thật sự anh không chịu đựng được. Nhưng thà chấp nhận một lần đau, đau từ hai phía, em và tôi. Em đau? Vết thương theo thời gian rồi sẽ lành, cuộc sống sẽ mang đến cho em niềm vui mới, tương lai của em rồi sẽ tốt đẹp hơn. Còn tôi? Tôi không có quyền làm em khổ. Em khổ chính là nỗi đau cả đời này của tôi. Định tâm lại, tôi gọi:

- Duyên ơi!

- Dạ!

- Anh yêu em, anh yêu hơn cả bản thân anh. Em biết đó là tình gì không? Đó là tình anh em, tình ruột thịt.

- Em biết trong lòng anh không phải rứa, anh nói dối, anh dối lòng mình phải không?

- Không! Anh không dối em, anh yêu thương em như em gái anh. Hãy tin điều đó!

Em thẩn thờ ngồi xuống ghế cạnh giường, tôi nhìn em mà chết lặng mà quặn thắt ruột gan. Tha lỗi cho anh nghe Duyên!

Ngày tôi ra viện với đôi nạng trên tay, ba mẹ, hai bác Mạnh và em đến đón. Người nào đôi mắt cũng đượm buồn tuy miệng vẫn hỏi han cười nói. Em choàng tay qua lưng dìu tôi ra cổng, trời cuối năm gió lạnh nhiều, chiếc ống quần trống trơn đưa qua đưa lại theo bước đi, tôi cúi nhìn buồn đến rơi nước mắt. Em đi bên tôi, gần trong vòng tay mà cách ngăn đầy cay nghiệt. Hai tâm hồn hòa quyện, quấn quýt nhau mà thân thể này lại rẽ chia đôi ngã. Tôi biết em không tin những điều tôi nói, nhưng biết làm sao được khi cuộc sống này, một người hoàn chỉnh đã chật vật mưu sinh, thân thể khiếm khuyết làm sao bương chải. Tạo gánh nặng cho em tôi không thể, không được quyền làm.

Ngày nào cũng vậy, dù mùa đông rét mướt hay sang hè nắng đốt rát da tôi đều dậy thật sớm tập đi. Lắp được chiếc chân giả tôi bỏ luôn nạng gỗ, chỉ dùng gậy chống hờ. Những ngày nghỉ, Duyên qua nhà trò chuyện để tôi bớt buồn. Không ai bảo ai, cả hai cố giữ một khoảng cách nhất định tuy trong lòng mỗi người đều thương cảm cho nhau.

Mấy hôm ni trời chuyển sang thu, cái nóng dịu lại nhường cho những cơn gió giao mùa se lạnh. Em sang cầm theo tờ tạp chí đưa cho tôi xem, em nói:

- Số ni mới ra có truyện ngắn anh và một bài thơ của em nì.

- Anh cũng vừa nhận cuốn tạp chí biếu mà chưa đọc. Chúc mừng em hi.

- Truyện anh viết hay lắm, chúc mừng anh!

Tôi đứng lên đến kệ sách lấy cuốn tạp chí đưa em, tôi cười nói:

- Em giữ cuốn ni, đưa cho anh cuốn của em.

- Dạ!

- Em là cô gái lạc quan và mạnh mẽ, anh muốn lấy hên ấy mà. À, anh đang dần bỏ gậy để quen rồi sẽ tập đi xe. Sáng mai anh đi hết đường Phượng bay mà không dùng gậy đấy em gái ạ.

- Dạ, em tin mà... anh trai!

Sáng dậy sớm, tôi quyết tâm tập đi cho bằng được. Mùa hạ đã qua, những bông hoa phượng thi nhau rụng đỏ rực cả mặt đường, nhường cho thu sang nhuộm vàng sắc lá. Tôi đã quen rồi những buồn thương, mất mát nên lạc quan dần với nỗi đau. Bước chân dẫu còn ngập ngừng, khập khiễng nhưng cũng từng bước vững vàng. Khi trở về ngang qua Mai Thúc Loan, từ nhà ai đó tiếng hát vang ra:

… Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc

Thuở ấy anh vừa thôi học xong

Yêu anh yêu anh em làm thơ... 

 

 Ngày nào mẹ dạy câu ca

Đôi ta ru nhau trong gió

Ngày này đọc lại câu thơ

Mưa rơi mưa rơi trên má

Tóc mai sợi vắn sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”

 

Tôi đứng lại, Bài nhạc của Phạm Duy cứ nhói vào trong tim, cứ khơi gợi nỗi đau dồn nén mà tôi đã muốn chôn sâu vào tiềm thức. Sự xúc động khiến bước chân không vững, tôi lảo đảo tựa vào gốc cây phượng bên đường. Hoa cuối mùa rụng đỏ ối dưới chân. Bài hát văng vẳng đọng lại bên tai:

“... Ngày này đọc lại câu thơ

Mưa rơi mưa rơi trên má

Tóc mai sợi vắn sợi dài

Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”

 

Phạm Tú Uyên

                        HẾT

Hết: Chương 13


Nguồn: Tác giả Vietnamthuquan.eu - Thư viện Online
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 3 tháng 12 năm 2023

 

Bình luận về Tác Phẩm "Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài"

truyện dài

Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài

Số lần đọc: 9608

Mục Lục

Cùng một Tác giả

28 Tác phẩm

Xem Tiếp »

Tìm Thể Loại

Tìm theo mẫu tự

Tìm Tên Tác Giả

Nhóm quản trị: Ct.Ly, Cumusic, Easyman, Huyền Băng, KeDangGhet, Mercury, Mars, Mọt Sách.
Nhóm điều hành: Băng Nguyệt, Canary, Ct.Ly, Cumusic, Diên Vỹ, Donation, Easyman, Hoàng Dung, HongYen, Huyền Băng, James Jee, KeDangGhet, Khánh Quỳnh, Kim_Bang_2, Lang Thang, Mars, Mickey, n.trang, NCD, nguyen.bamboo, Nguyên Đỗ, NKT, Phongvans, QV, Saomai1268, Sunflower, Thanh Vân, Tommyboy, Viet Duong Nhan.

Bài viết và sách tại vnthuquan.net, thuộc quyền sở hữu của người viết và của vnthuquan.net.

• Copyright © 2002 - 2024 Viet Nam Thu Quan • Designed by Phạm Huy Hùng •
Trang Sách Truyện hiện có 859 người đang online, Đã Có: 22380 Lượt Truy Cập Trong Ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...