Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Triệu Từ Truyền - Hành trình thơ - Hành trình khát vọng nhân văn

Triệu Từ Truyền - Hành trình thơ
Hành trình khát vọng nhân văn

50 năm cho cuộc hành trình lịch sử và thơ – hành trình ứa lệ máu khát vọng nhân văn. 50 năm và giờ anh đang “trước đèn” ở Thụ triết trang hay đang lang bạt dọc đường gió bụi phù sinh? Nhưng chắc hẳn một điều rằng những “hồng cầu thơ” vẫn lặng thầm sinh nở từng giây, từng khắc trong tâm thức anh…
1. Cầm tập văn trên tay, “Dòng thơ giữa đôi bờ tri thức và tâm thức” dậy lên trong tôi nhiều xúc cảm khó tả. Một thoáng đời mà đã hơn bốn mươi năm. Một buổi chiều bức bối, ngột ngạt ở một xóm nghèo Phú Nhuận – Sài Gòn năm 69 của thế kỉ trước trên chiếc đi-văng sờn gỗ trong căn nhà của gia đình thuê lại, anh đọc tôi nghe mấy bài thơ trong tập “Đêm lên cơn dài” với bút danh Triệu Cung Tinh. Tôi trở thành bạn thơ của anh từ buổi chiều đó. Do thời cuộc và sinh kế cũng như khoảng cách địa lý, chúng tôi ít gặp lại nhau. Nhưng qua thông tin bè bạn, cho dù ở cương vị lãnh đạo cấp quận thuộc thành phố nhất là từ khi về lại với cõi đi về (Trịnh Công Sơn) anh vẫn làm thơ, cho in nhiều tập thơ với bút danh mới Triệu Từ Truyền. Thật là tuyệt, hóa ra anh vẫn nồng nàn hết mực với người tình thơ, tiếp tục sáng tạo và làm mới thơ ca của mình.
Anh đã chọn Thơ hay Thơ đã chọn anh? Một đời làm thơ và tập Bình Luận về thơ anh, Triệu Cung Tinh – Triệu Từ Truyền đã có lời đáp. Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cũng đã nói về anh như thế “… hai lần nhập cuộc chơi đã chọn…” kiên định bằng bản lĩnh của một tài năng đẫm “khí chất lãng mạng.” (Nhập cuộc với chính mình, báo Tuổi trẻ 3/5/1994). Còn nhà thơ Đoàn Vị Thượng khi viết Lời tựa cho Tuyển thơ song ngữ (Nxb Trẻ – 2010) của anh khi trích một đoạn cuối ở bài “Cát Tiên ca”, đã viết: “Ứng vào anh, con đường thơ của Triệu Từ Truyền cũng: Bắt đầu sinh sôi và kết thúc cũng sinh sôi? Người thơ này không có tuổi”.
Tất nhiên ta cũng hiểu được đây không phải là tính đếm tháng năm đời người sinh hạ trong cõi nhân gian mà muốn nói đến con đường thơ – hành trình thơ của Triệu Từ Truyền, hành trình tâm thức suốt dọc một đời thơ của anh. Tính đến nay đang băng đến ngưỡng “thất thập” (sinh tháng 4.1947), Triệu Từ Truyền đã gởi đến bạn đọc 11 tác phẩm, gồm thơ, tản văn – tiểu luận,  truyện dài và nhiều bài viết mang đậm thể cách, tư tưởng khó nhầm lẫn với những cây bút khác trên các báo viết, báo mạng có uy tín trong và ngoài nước. Đó là chưa kể hoạt động sôi nổi làm báo, chủ biên nhiều tạp chí văn học, thơ ca…của anh.
2. Đánh giá sự  nghiệp văn học của một tác gia, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học thường nói đến số lượng cùng tư tưởng, thông điệp tác phẩm mà người sáng tác cống hiến cho đời, cho nhân loại. Văn xuôi có đến hàng chục, vài mươi, vài trăm tác phẩm. Thơ có đến hàng trăm đến hàng nghìn bài, tập thơ đếm từ 2, 3 con số trở lên…Làm sao mà không thán phục. Bởi đó tim chảy, óc vắt đến kiệt cùng của tài năng sáng tạo, những người tự nguyện làm nô lệ-tự do (chữ dùng của nhà văn Ma Văn Kháng) cho văn học. Nhưng luật “kiểm định” nghiệt ngã của Thời Gian và Bạn Đọc-Công Chúng Văn Học nhất là Bạn Đọc, người đồng sáng tạo với tác giả lại đòi hỏi tinh thể văn chương lắng sâu lâu dài trong con tim, tâm tưởng của họ. Và khi ấy mới thực sự tỏa sáng những Mặt Trời, những Tùng Bách vĩnh cửu xanh tươi.Điều đó cho thấy thước đo “ chất lượng” sản phẩm văn học nghiêm ngặt nhất vẫn là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Trong chiều hướng ấy ta hãy đến với Tập bình luận về 6 tập thơ, số lượng khiêm tốn nếu không nói là it ỏi của Triệu Cung Tinh – Triệu Từ Truyền.
3. Tìm hiểu về cuộc đời của nhà thơ Triệu Cung Tinh – Triệu Từ Truyền  những người yêu thơ anh và các cây bút phê bình văn học đều có chung một nhìn nhận: “li kì”và dám bứt phá trong đời và cả trong thơ. Triệu Từ Truyền tên khai sinh là Triệu Công Tinh Trung, sinh ngày 9.4.1947, Sa Đéc
Đồng Tháp. Anh làm thơ và tham gia hoạt động cách mạng ở độ tuổi còn rất trẻ, 15, 16 tuổi. Hai lần (năm 1966 và 1971) trãi qua chốn địa ngục trần gian, nhà tù Côn Đảo. Năm 1975, hòa bình lập lại đang làm việc ở cương vị lãnh đạo cấp quận chưa tròn mười năm (1975 – 1983) thì anh đột ngột “dứt áo quan trường”  để phiêu bồng với thơ, sống chết với thơ!
Nói cuộc đời anh “li kì” có vẻ như mang màu sắc trinh thám mà phải nói sát hợp hơn là “dữ dội’ như nhà văn Phùng Quán viết về “tuổi thơ dữ dội” của mình. Từ lúc chào đời, tuổi thơ anh đã nếm trãi gian nan. Ấn tượng khó phôi phai trong tâm trí, tình cảm là chiếc xuồng tam bản dập dềnh trên sông nước. Bởi ba mẹ anh đều là nhà giáo, tham gia kháng chiến chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ chở theo. Bao bọc tâm hồn trẻ thơ anh là những vần thơ yêu nước, yêu người của Phan Văn Trị, Tản Đà, Xuân Diệu… và nhất là “không khí anh hùng ca, sống trong khói bom, đạn pháo và chết chóc ở bưng biền cho đến khi Hiệp định Genève được ký kết”. (Trả lời phỏng vấn báo Vietnamnet ngày 21.3.2009) Sự tàn khốc của chiến tranh phi nghĩa, ám ảnh anh ghê gớm, hằn sâu thành nhận thức, thành ý thức tự nguyện đến với Cách mạng, với phong trào đấu tranh của HSSV Sài Gòn, Gia Định ngay khi còn học lớp đệ Tam, đệ Nhị (lớp 10, lớp 11 bây giờ). Tất nhiên trong anh có dòng chảy dạt dào của truyền thống một dân tộc anh hùng, của mẹ cha yêu nước, kháng chiến nên đã đặt tên anh theo một câu thơ cổ “tinh trung báo quốc”. Anh mang tuổi thanh xuân hiến nguyện cho Cách mạng hòa vào cuộc đấu tranh sục sôi của tuổi trẻ đô thị giữa những dòng kẻm gai, ma trắc, lựu đạn cay… Anh trãi qua những tháng năm đen tối đọa đày trong nhà ngục Chí Hòa, Tân Hiệp… 6 năm “bầu bạn” với “Hạt trắng hộp sọ bãi Hàng dương Côn đảo” (Sài Gòn – tôi, Triệu Từ Truyền). Song hành trên bước đường làm Cách mạng anh vẫn sáng tác thơ ca, vẫn in thơ, vẫn làm báo. Vì nhiệm vụ được giao cũng có, nhưng thẳm sâu ở anh là tình yêu Thơ ca, niềm đam mê sáng tạo văn học, khát khao đổi mới văn học. Có đến hai con người trong anh chăng? Khi hồi tưởng về cái thời anh và bạn “trúng bùa của thi ca” anh cũng từng nói: “… Không hiểu sao trong tôi chưa bao giờ xung khắc giữa đam mê văn học và hoạt động cách mạng…” (Tiếc nhớ Nguyễn Tôn Nhan – Triệu Từ Truyền). Nhưng Nguyễn Tôn Nhan, tức Trần Hồng Nhan được đề cập trên, bạn tri âm của anh và cũng là người đồng sáng lập nhóm Bộ Lạc Mới năm 1966  lại viết: ” …Triệu Cung Tinh sớm có những hoạt động cách mạng từ những ngày còn học Trung học. Anh luôn băn khoăn về số phận của đất nước lúc ấy đầy tràn những bóng lính Mỹ. Có lẽ từ lòng yêu thơ, yêu cái đẹp mà càng ngày Triệu Cung Tinh càng tiến đến gần cách mạng giải phóng dân tộc chăng? (Chút kỷ niệm thơ với Triệu Cung Tinh – Sài gòn 7.1991).  Yêu Cái Đẹp, yêu Thơ, tôi cho rằng  từ mẫu tâm tình của Nguyễn Tôn Nhan giúp chúng ta có một nhìn nhận đầy đủ về anh, Tư Truyền – bí danh thời hoạt động máu lửa “…làm cách mạng luôn là nhiệt huyết tuổi thanh xuân…” trong lòng địch cùng đồng đội  “…chống quân phiệt đòi dân chủ, thiết lập chính quyền dân sự và đòi quân đội Hoa Kỳ rút quân…” (Bài phỏng vấn đã dẫn) khỏi miền Nam giành lại Hòa bình, Độc Lập, Tự do cho Dân Tộc. Anh yêu và chiến đấu vì Tự Do cho con người trong đó có hàng triệu, hàng triệu đồng bào nghèo khổ của mình, Hòa Bình cho dãi đất chữ S mến yêu là khí trời, tinh túy của Cái Đẹp mà nhân loại trên hành tinh này đều muốn thụ hưởng. Tôi cho rằng đó là cảm thức nhân văn đã được đắp nền ở anh, một chủ thể sáng tạo ngày càng vững chắc trên bước đường kiên định thực hiện hành vi sáng tạo xã hội, hành vi dữ dội (Những chữ qua cầu tâm linh – Triệu Từ Truyền) trong đời mình: làm cách mạng, chiến đấu vì Cái Đẹp – Tự Do, Hòa Bình.
4. Năm 1966, anh và những người bạn đã đưa ra tuyên ngôn trong bài “Ý thức Thơ  Bộ Lạc Mới” khá sớm lúc 19 tuổi: “Thơ là những ngôn-ngữ-cử-động, chứ không phải như ngôn từ xuất phát từ triệu cửa miệng hàng ngày. Ngôn-ngữ-cử-động có thể chất chứa ý nghĩa hoặc tự nó xuất hiện ý nghĩa trong tâm trí con người…”. Trên hành trình cầm bút của mình, anh nhọc nhằn kiên trì sáng tạo thơ ca, làm mới thơ ca chứ không chỉ phát sáng nhất thời. Nhà thơ Cung Tích Biền, một trong những cây bút tiếng tăm của Văn học niền Nam trước 1975 từng đọc thơ anh viết từ năm 18 tuổi đã vui mừng, sau ba mươi năm chờ đợi đã tìm thấy nơi anh “một dòng thơ khác”: “…Triệu Từ Truyền đã ý thức vươn tới, luôn khắc khoải làm mới để  triệt để từ bỏ mình, tự hủy để hóa thân cùng chữ nghĩa…” (Tình trí, thực mộng một cách hồn nhiên thổn thức).Và tất nhiên ở anh còn có cả một chủ kiến trong công việc sáng tác văn học, đặc biệt là sáng tác thơ ca. Bằng vốn tri thức phong phú, một chặng đời dài sống hết mình và cũng viết hết mình (Từ Kế Tường) anh nghiền ngẫm, vận dụng có chủ đích kiến thức triết học Đông Phương, Tây Phương, kiến thức Vật lý học đương đại trình bày chủ kiến về mối tương tác giữa năng lượng tâm linh và sáng tạo thơ ca qua 21 bài viết  trong tập Tản văn và tiểu luận Những chữ qua cầu tâm linh trong mười bảy năm ròng  (1991 – 2008). Tiếp nhận, đồng thuận kể cả phản biện những kinh nghiệm có tính hệ thống này (có thể xem là quan niệm sáng tác được chăng?) ở giới cầm bút, các nhà nghiên cứu văn học, hoạt động lý luận văn học nước nhà…xem ra anh và chúng ta phải còn kiên lòng chờ đợi. Nhưng dù sao đây là nổ lực tâm huyết đáng trân trọng.
Tác phẩm “Dòng thơ giữa đôi bờ tri thức và tâm thức” 
5. Tập văn này với nhiều góc nhìn khác nhau. Những con mắt xanh của những người yêu thơ anh, những nhà phê bình văn học, những thi hữuđã thành danh hoặc có vị thế trên văn đàn Việt. Trong đó không ít người cầm bút đã từng đồng hành qua những thác ghềnh cuộc đời, cùng hít thở “bầu khí quyển văn nghệ Sài Gòn trong trẻo và hấp dẫn” (Tiếc nhớ Nguyễn Tôn Nhan – Triệu Từ Truyền) đắm say sáng tạo và yêu thích những bài thơ đầu tiên mấy mươi năm trước của anh cho đến những dòng năng lượng tâm linh (Sách đã dẫn – Triệu Từ Truyền) chảy thành những câu, chữ – những linh tựtrong những bài thơ, tập thơ mới nhất hôm nay. Mỗi con mắt xanh là một góc nhìn đồng điệu tri âm. Còn tôi chỉ là một bạn thơ gắn bó với anh bằng mối duyên tình văn chương bất chợt, chỉ nói thêm đôi điều:
–  Ơ buổi đầu làm thơ, xúc cảm thơ ở anh đã manh nha một khát vọng nhân văn như trong bài “Quê hương” anh viết năm 15 tuổi. “… Chiều chiến chinh ngủ trong lòng/ màu than nhuộm đỏ mấy dòng nước xưa/ mộ con đất lấp chưa vừa/ nhà hiu quạnh dọn cơm thừa ẩm thiu/ người em mắt rã trong chiều/ người du mục dựng vẹo xiêu mái lều…”
Cảm thức ấy càng lắng sâu, không thôi day dứt  trong tập thơ “ Đêm lên cơn dài”. Đương thời, Như Trị người giữ vườn thơ của tuần báo “Văn Nghệ Tiền Phong”  Sài Gòn, số 217 tháng 9 năm 1963 đã nhận ra nỗi ám đó: “... Những vần thơ chua xót, gợi sầu, thể hiện được tất cả những băn khoăn của tuổi trẻ giữa thế giới u ám ngày nay”. Ở một người viết khác, nhà thơ Từ Kế Tường (bộ ba chủ lực của nhóm Bộ Lạc Mới) năm 1966 với cái tên Cung Nhự Thức đã viết một bài giới thiệu “nồng nhiệt, trang trọng” trên tờ Nghệ Thuật Sài Gòn, đáng chú ý là đoạn viết về tờ bìa tập thơ thôi cũng gợi ra nhiều điều. “Tập thơ ra đời trong thiếu hụt chạy bén gót nằm tràn lan để rồi tỉnh bơ khi ra mắt với cái bìa vội vàng của Trần Hồng Nhan, một gương mặt bầu dục hai cánh tay xương xẩu với những giọt nước mắt. Bao nhiêu đó có đủ để nói một cái gì đó không?Hiển nhiên là không…”. (Về một tập thơ bị bỏ quên – Đêm lên cơn dài của Triệu Cung Tinh). Cũng phải nói đến Nguyễn Lệ Tuân trên tuần báo Hồn Trẻ – Sài Gòn năm 1967 đã nhiệt tình đồng cảm với tiếng thơ anh khi đọc các bài thơ “hai tôi”, tâm trạng”, nước mắt”: “…Tôi nằm xuống và lắng nghe hơi thở trong lòng đất: – nước mắt vẫn chảy đều thành suối, thành sông, thành biển cả. Tôi hình dung Triệu Cung Tinh đi ngược dòng nước lũ qua thi phẩm Đêm lên cơn dài – một sự thật bi thảm được thể hiện trong thơ tiếng nói ước vọng của tuổi trẻ một phần đất tang thương”. Và ở cuối bài viết: “…Tập thơ Đêm lên cơn dài mang hành trang vì đã thắp sáng dồn nén trong bóng tối…”.
Những dòng cảm xúc của những tác giả của thời xa xưa, những người cùng độ tuổi 18, 20 đang sống ở giai đoạn phần đất tang thương – miền Nam đang ngập tràn bóng tối  là những cảm nhận chân thực về thơ anh. Tiếng thơ anh là tiếng thơ tranh đấu trãi dài trong tập Đêm lên cơn dài, nhất là thi phẩm Bài thơ bắt đầu  được viết nên bởi một thanh niên đang nhiệt huyệt dấn mình trong lửa đỏ đấu tranh cách mạng với cách thể hiện rất riêng, rất mới.
– Nhưng  phải chăng nên tìm đến căn cơ tâm thức của chủ thể sáng tạo, đó là cảm thức nhân văn bên cạnh tinh thần tranh đấu trong thơ Triệu Từ Truyền thời ấy. Bởi ở bài thơ Bé thơ Sơn Mỹ, bài thơ viết về cuộc thảm sát hàng trăm đồng bào ta do một trung đội lính Mỹ gây ra ngày 16/3/1968 tại làng Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, ký tên Lê Dân đăng trên tuyển tập thơ  “Ta đã lớn lên bên này Châu Á” (Triệu Từ Truyền, người viết bài thơ Sơn Mỹ – Nhà báo Lê Văn Nuôi). Uất nghẹn hờn căm và thúc giục kêu gọi hành động, mà phải hành động ngay là lẽ đương nhiên: “ Sơn Mỹ, vết thương đau nhức từng giây/ Ta không đợi một giờ hay chiều tiếp/ Phải hành động ngay mới còn cứu kịp/ Những mẹ già, em nhỏ phút giây này”. Tuy vậy vẫn khác rõ với kiểu giọng thơ khẩu hiệu mà ở đây ẩn chứa nỗi đau đớn trước những mầm sinh linh bị hủy diệt bên cạnh những xác mẹ, xác bà. Tội ác và bản chất phi nghĩa bị phơi bày đến tận cùng qua một loạt hình ảnh chạm đáy tình người cả những người Mỹ tiến bộ lúc đó trên đất nước có tượng đài Nữ thần Tự do sừng sửng cũng phải lên tiếng nói! (một năm sau, bài “Bé thơ Sơn Mỹ” đã được dịch ra tiếng Anh với tựa “Child of My Lai” đăng trong tuyển tập thơ “We Promise one another” (Chúng tôi cùng ước nguyện), được xuất bản tại Mỹ bởi The Indochina Mobile Education Project-Wasshington, D.C.-1971) ( Bđd – nhà báo Lê Văn Nuôi)
“…Bé sinh ra như mới được trổ mầm/ Nhờ nhựa sống của thân cây dân tộc/ Bé nào biết ông cha là rễ gốc/ Nào có hay bà mẹ là nhựa đường/…Bé có ngờ đâu mấy chục triệu người thương/ Chúng giết bé như diệt mầm cổ thụ…”.
“…Lời vĩnh biệt, nhưng không là lời sau hết/ Vì các bé sẽ sinh nhiều nữa, nhiều hơn/ Sẽ lớn lên như Phù Đổng để trả ơn/ Cho cả dân tộc không sờn lòng nuôi bé/ Như cổ thụ muôn đời sừng sững thế/ Những mầm xanh sẽ trổ rậm trên cành…”
Trở lại với tập thơ Đêm lên cơn dài, nhiều tác giả trong tập bình luận gặp nhau ở điểm chung chọn, trích dẫn những bài thơ mà anh bày tỏ những ưu tư đầy dằn vặt về thân phận tuổi trẻ “bị lưu đày trên chính quê hương mình” (Thơ và sự lương thiện – Nguyễn Miên Thảo), đang tồn tại một kiếp người tang thương, không mùa xuân, không  mặt trời, hiện tại, tương lai bị đánh cắp… (bài thơ cho hôm nay, người và thành phố, xứ nóng, chưa tới, tâm trạng, nghĩ tới em, hai tôi, khóc, nước mắt, tù 1, 2, 3…). Cảm thức nhân văn, khát vọng nhân văn là dòng cảm xúc chủ đạo của tập thơ, ngay cả khi anh thể hiện chủ đề tình ái, tình yêu. (chia xa, em sang năm, tỏ tình, dòng tóc, khu vườn, mưa, hoang mang…)
…tôi không muốn gieo điêu tàn sỏi đá
nên nỗi buồn tuyệt vọng đã sinh sôi
thành mặc cảm giữa lòng đời man trá
chỉ tình yêu còn biết thở trong tôi… (khu vườn)
…khuất em trong mắt đuối mềm
hay tình yêu rụng đầy thềm hoang vu
cánh hoa máu giữa mịt mù
anh xuôi thân thế hoài u tủi hờn (hoang mang)
…anh đấu tranh giữa giọt sáng trong mây
thì xương máu thì em thành con nước
đất mềm dẽo mọc tóc rừng xanh mướt
phải không em mưa nắng của miền nam (tỏ tình)
và còn nhiều nữa…
– Năm 2011, trong hồi ức về bài “Bài thơ bắt đầu” mà anh tặng năm 1969, một kỷ niệm nhỏ, đẹp và khó quên, tôi có nhận xét về thơ của anh, “…Thơ phải đến với đời bằng một diện mạo mới, lắng sâu giá trị nhân văn trong tứ thơ, trong từng con chữ sản sinh từ hồn thơ ray rứt, đau đau với đời không thôi”. (Triệu Từ Truyền và Bài thơ bắt đầu, Nguyễn Nguyên Phượng). Cảm nhận này chắc hẳn chưa bao quát con người thơ, một tư duy sáng tạo thơ chưa bao giờ thôi tiến về phía mời gọi của nghệ thuật thi ca. Hay nói về anh một cách chí tình như “cô gái Huế”, bạn thơ đồng niên thời được gởi tặng tạp chí Bộ Lạc Mới năm 1965, “… thơ là hơi thở của anh, không có thơ Truyền chết. Thơ đã bức tử anh để cho anh một cuộc sống khác đầy hân hoan, thống khổ trong hạnh phúc. Nếu không có thơ, không mê đắm thơ, anh phải đi con đường khác không lối quay về…” (Bđd- Nguyễn Miên Thảo). Và tôi cũng rất thích cách dùng chữ của nhà thơ Đoàn Vị Thượng khi lấy điều sở nguyện bi tráng của Boris Pasternak để nói về hành trình thơ của anh, Triệu Từ Truyền, “Làm thơ đến tận cùng đâu phải chuyện chơi”(Bđd). Định vị từ tập Đêm lên cơn dài  (1965) anh gởi đến người yêu thơ các thi phẩm Bên dòng Măng thít (1986), Dật dờ trong sương (1990), Mảnh vỡ hồn Nhiên (1994), Va chạm hư không (1999), hai tập tuyển thơ song ngữ (2001 và 2010) và mới đây là Lục bát Triệu Từ Truyền. Nếu tính từ năm 1962, sáng tác bài thơ “Quê hương”, anh đã trãi đời, đắm hồn vào cõi huyền hoặc thi ca 50 năm!
50 năm cho cuộc hành trình lịch sử và thơ – hành trình ứa lệ máu khát vọng nhân văn. 50 năm và giờ anh đang “trước đèn” ở Thụ triết trang hay đang lang bạt dọc đường gió bụi phù sinh? Nhưng chắc hẳn một điều rằng những “hồng cầu thơ” vẫn lặng thầm sinh nở từng giây, từng khắc trong tâm thức anh.“Bằng tài năng và liên tục sáng tạo ngôn ngữ bằng tâm thức, bằng chính nghiệp thơ của mỗi người được dòng năng lượng tâm linh chuyển tải…” (Sđd – Triệu Từ Truyền), anh vẫn “chiến đấu” vì Chủ nghĩa Nhân văn mang hồn cốt triết minh triết phương Đông cho nền Văn học Việt Nam.
6. Tập bình luận Triệu Từ Truyền giữa đôi bờ tri thức và tâm thức đầy đặn với 30 bài viết của những cây bút có tầm và có tâm gần xa các vùng miền đất nước, yêu mến soi rọi từ  nhiều phía tri thức, nhiều chiều thấu cảm về 50 năm – hành trình thơ Triệu Cung Tinh – Triệu Từ Truyền.
Còn tôi chỉ là một người bạn thơ, yêu thích thơ anh từ 40 năm về trước và giờ đây, muốn là “con mắt xanh” khi đến với thơ anh, một đời thơ luôn bỏng cháy khát vọng đổi mới thơ mình và truyền lửa đổi mới Thi ca. “…Thơ là luôn lập kỷ lục mới, là tinh thể kim cương, thơ còn tỏa sương sớm bao quanh độc giả. Hơi sương ấy có thấm vào da thịt nhiều ít là tùy lớp áo dày mỏng của khách thăm vườn thơ” (Sđd – Triệu Từ Truyền).
Chỉ mong tôi và nhiều, có thêm nhiều khách thăm vườn thơ thấm vào tâm hồn hơi sương đồng điệu theo cách nói khá lý thú của anh về mối quan hệ tri âm giữa bạn đọc và thơ ca. Mong là được như vậy…
31/10/2019
Nguyễn Nguyên Phượng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...