Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Miền ký ức

Miền ký ức

Cứ mỗi lần về thăm nhà, nhìn mẹ cặm cụi bên luống rau, giàn mướp, nhặt nhạnh dăm nhánh củi tre bỏ vào chồ. Tuy mẹ còn ra vào được nhưng tuổi đã cao, sức đã yếu nên con cháu cũng chạnh lòng. Mẹ thường nói: “Làm được gì thì làm, ngồi không buồn lắm, với lại dễ sinh đau bịnh”. Hôm nay, nhìn mẹ tỉ mẩn ngồi lột từng củ khoai lang mật để vào mâm, tôi đến bên đùa với mẹ. Tôi nói:
- Mẹ ơi! Mẹ làm khoai dai à, mẹ có ăn được đâu.
Mẹ cười móm mém, tay vẫn lọ mọ lột từng củ khoai. Mẹ nói:
- Quen rồi con ạ. Với lại làm để nhớ ngày nào tụi bây còn bé, quây quần bên mẹ.
Tôi xúc động, thấy nghèn nghẹn nơi cổ: “Mẹ” Rồi lặng lẽ bước ra sân, nhìn sang bên kia hàng dậu - nhà nhỏ Vân ngày xưa, đã hoang vắng nhiều năm. Giờ không còn người ở, chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông nhưng ngập tràn kỷ niệm trong tôi.
Ngày xưa, khi ngoài vườn lá bắt đầu xao xác rụng và bầu trời như thấp xuống, mây xám không biết từ đâu kéo về giăng giăng, là việc đồng áng ở quê tôi đã bắt đầu ngơi dần và mọi người trở nên rảnh rang. Trong nhà, mẹ tôi kiểm tra lần cuối những ghè lúa ăn cho đến vụ  tháng ba, ghè khoai lang khô, để độn dặm khi giáp hạt và một bịch bự khoai lang dai, đậu phộng...
Cây rơm góc sân phía mé ao đã chất xong hôm cuối tháng. Ngạo nghễ nhìn mấy anh chàng ổi, mãng cầu, khế... Lơ phơ trút lá bên dưới. Cây rơm được khoát chiếc áo vàng tươi, ở trên đầu, ba tôi đội cho nó chiếc nồi sứt miệng để nước không chảy theo vào cột cây rơm, trông nó duyên dáng tợn. Ở cuối vườn, bên cây vú sữa là một cái chồ chứa củi. Mẹ tôi đã chuẩn bị cho nó từ hồi đầu vụ gặt. Rảnh rỗi lúc nào là người đi loanh quanh, tha về cây to cây nhỏ, chặt khúc ra đặt gọn vào chồ. Khi cây lá trong vườn chuyển vàng, chao nghiêng, bay bay những chiếc lá, là chồ cũng không còn chỗ trống để bỏ thêm củi vào. Củi thì tôi không quan tâm lắm. Riêng cây rơm là một thế giới đầy ắp những kỷ niệm và hấp dẫn đối với bọn tôi. cứ đến chạng vạng bò về chuồng, là tôi xung phong giành việc của ba, chạy ra rút rơm bỏ vào máng để nó ăn đêm. Siêng như vậy là bởi vì tôi muốn rút cho cây rơm có một lỗ hổng bên trong, to cỡ bằng hai chiếc bàn chắp lại. Khi đông về, những cơn gió bấc lạnh buốt, ngoài trời mưa lâm thâm, nước ngoài ao sủi tăm, mà rủ thêm nhỏ Vân bên cạnh nhà, cùng chui vào đống rơm để cảm nhận sự ấm êm thì không chê vào đâu được. Ở đó, nó như một căn phòng cực kỳ lý thú, được lót nệm rơm, rồi trong túi quần nhét căng đầy những lát khoai dai, lận lưng thêm cuốn truyện nữa. Hai đứa nằm nhai khoai nhóp nhép, nằm nghe đứa kia đọc truyện. Ngoài trời đang rét căm căm, mưa rả rích thì quả là tuyệt cú mèo.
Năm nay có vẻ lạnh hơn những năm trước. Nhìn cánh đồng trước nhà, xa xa dường như có những sợi khói bốc lên từ gốc rạ, chúng lởm chởm, rét run đứng tụm đầu vào nhau. Mặt nước thì thỉnh thoảng trồi lên những bong bóng li ti giống như bọn tôi lấy ống đu đủ thổi vào nước. Tôi vô buồng kho bốc một nắm khoai dai nhét đầy túi quần, khoát thêm chiếc áo mẹ để sẵn trên thành giường rồi đi ra ngõ. Mới chỉ tới sân mà người như co rúm lại, tôi ngữa cổ hít một hơi thật dài, máu nóng trong người chạy rần rần, chắc cũng đủ chịu được để chạy đến đầu ngõ. Ra cổng, nhìn quanh chẳng thấy một bóng người. Từ đầu đường đến cuối xóm, những bụi tre gầy xác xơ đứng run run, va vào nhau rần rật. Không thấy đứa bạn nào, tôi quẹo qua hàng rào bông bụt phía bên nhà nhỏ Vân, khum khum bàn tay làm loa: “Vân ơi!” Tiếng kêu vang lên nhưng bị gió cuốn đi mất tiêu. Chẳng biết nhỏ Vân có nghe được không, tôi định gọi tiếp thì một cái đầu nhô ra dưới lỗ trống của hàng rào. Nhỏ Vân bò nhanh qua, phủi tay dính đất, đứng lên run lập cập, hai hàm răng va vào nhau lách cách nghe thật vui tai, khiến tôi cảm thấy trời dường như lạnh hơn. Vân nói:
- Tớ vừa mới ăn sáng xong. Lạnh quá!
- Sao đằng ấy mặc ít áo thế?
- Nghe đằng ấy gọi tớ ra ngay, có kịp mặc thêm áo đâu.
- Hi hi, tớ tặng đằng ấy cuốn truyện này.
Nói xong, tôi lấy từ sau lưng ra cuốn truyện đặt vào tay Vân. Nhỏ cầm cuốn sách chạy lại lỗ trống của hàng dậu mà khi nãy chui qua, lấy từ đó ra một cuốn sách, đến trước mặt tôi:
- Tớ cũng có cái này, tặng đằng ấy. Ba mới mua cho tớ hôm trước, cực kỳ hay.
Hai đứa chạy tung tăng ra ngoài đường. Không biết có phải trời bớt lạnh hay có nhỏ Vân đi bên cạnh, mà chúng tôi cảm thấy như ấm lên. Gió vẫn thổi ù ù, những hàng tre ven đường vẫn xạc xào, rung lên bần bật. Bọn tôi như đôi bướm lượn quanh đường làng.
Cứ thế, tháng ngày trôi qua. Tuổi thơ hồn nhiên ngày nào rồi cũng lớn lên theo năm tháng. Khoảng cách dần xa thì nỗi nhớ nhung cứ dày lên thành mong đợi. Hai khu vườn kề nhau, hai ngôi nhà cứ thế đứng nhìn nhau. Hàng dậu bông bụt lá vẫn xanh, hoa vẫn đỏ, vẫn đong đưa trong gió. Nhưng không còn hái cho em cài tóc, khoảng trống hàng dậu em không còn chui qua với tôi trong những đêm trăng, trong những ngày dài giá buốt. Em và tôi cứ thẹn thùng nhìn nhau, cứ ngập ngừng chờ đợi. Rồi tôi lên tỉnh học, rồi em chuyển nhà đi xa. Khoảng cách không làm vơi đi nỗi nhớ nhưng khoảng cách đã làm tôi và em xa nhau. 
Nhiều năm sau này, khi mỗi lần về thăm quê, tôi cứ bồi hồi với từng góc sân ao cá, với từng bờ tre hàng dậu. Ba mẹ giờ đã già, không còn những tháng ngày cùng nắng sớm mưa chiều với đồng ruộng. Tuy thế, mẹ vẫn lụi cụi với cái chồ củi của mẹ khi đông về, mẹ vẫn ngồi cần mẫn lột vỏ mấy củ khoai lang mật để xắt phơi làm khoai dai. Tất nhiên người làm là nhớ về con cái, nhớ về ngày xưa, con cái nhìn để nhớ về tuổi thơ, nhớ về kỷ niệm. Cây rơm bây giờ nhỏ hơn xưa nhiều, nó không đủ để tôi có thể giành ba rút rơm, tạo cho mình một thế giới tuổi thơ. Hàng dậu bông bụt vẫn còn đó, bông nở đỏ, đong đưa trong gió như những chiếc lồng đèn mộng mơ, nhưng sao tôi vẫn thấy nó tiêu điều, xác xơ. Cái lỗ trống của hàng dậu mà ngày đó em thường bò qua lại với tôi, giờ cây phủ kín, như đem dấu cô nhóc hàng xóm của tôi ngày xưa, rồi mang em rời xa tôi. Xa lắc lơ trong hồn tôi. Giờ chỉ còn thấy khu vườn bên ấy đìu hiu, hoang vắng, xào xạc lá khô dưới bước chân của người tìm về miền ký ức.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...