Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Một thời để nhớ

Một thời để nhớ

MỘT
Ký ức vụn
Tôi về Quảng Nam vào những ngày cuối năm 1976.
Cuộc sống vốn đã khó khăn sau ngày ba mươi tháng tư giờ càng thêm khó. Hai mẹ con chẳng có của nã gì, ngôi nhà ông nội hoang vắng bao nhiêu năm, trống huơ trống hoác. Vườn tược khô cằn, rau rác quặc quẹo, biết làm thế nào để sỏi đá biến thành cơm đây quê hương ơi! Giờ ngồi viết những dòng này, quả thật không hiểu sao lúc ấy hai mẹ con tôi lại có thể sống được, lại có thể vượt qua được một quãng đường dài dằn dặc, dài trong gian khó, đói nghèo.
Những chuyện kể nho nhỏ, vụn vặt của riêng tôi trong suốt chiều dài của một thời đáng nhớ. Ăn cơm ghé khoai rồi tiến tới ăn khoai ghé cơm rồi tiến tới ăn độc vị món khoai lang húp với canh rau khoai... Trong khi đó quanh tôi, có nhà hàng xóm đông con còn phải đào củ cây chuối xắt thành hạt nhỏ như hạt gạo nấu ghé thêm khoai lang. Ăn nó chẳng ra làm sao, cứ sường sượng, sừn sựt. Ăn riết đi ngoài toàn giống như phân dê.Thèm đạm, thèm mặn thì có chén mắm cái. Chuyện đó thì vô vàn, tuy thế tinh thần thằng tôi vẫn rất tốt, vẫn lạc quan Cách mạng.
Trên bàn tôi để câu thơ:
“Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch
Người Quân tử ăn chẳng cầu no
Đêm năm canh an giấc ngáy o o
Đời thái bình cửa thường bỏ ngõ...”
Nguyễn Công Trứ
Hồi về Quảng Nam đến chừ tôi viết nhăn cuội dăm ba bài thơ tình nhét trong túi lâu lâu móc ra đọc để tìm chút bay bổng cuộc đời. Cách mạng ta thì không ưa gì loại thơ ủy mị tiểu tư sản nên nó trở thành hàng cấm.
Từ khi xây dựng HTX. thời tiết nắng mưa cứ như một gã tâm thần, điên điên khùng khùng. Cần nắng lại mưa, cầu mưa thì nắng chang chang rát mặt. cứ thế lúa khoai bạc phết còn dân ăn bo bo ỉa toàn bo bo. Nhưng ruộng đồng mà bơ phờ, sắn khoai cháy nám thì còn gì là HTX. tôi mong nó tươi tắn lên, muốn nó rực rỡ lên muốn nó tràn trề sinh lực nên phải tô vẽ thêm cho nó có sự sống. Thế là cặm cụi nặn được bài thơ:
Mới gặp em lần đầu
Mà như từ lâu lắm
Em về đâu, về đâu?
Em mỉm cười nghiêng nón.
Nắng chiều thắm vồng rau
Má em hồng mơ ước
Da em tươi màu nâu
Xinh cánh đồng Hợp tác.
Em vẽ thêm màu xanh
Cho quê mình giàu đẹp
Ruộng lúa có tay em
Nở hoa từ lòng đất.
Em, cô gái quê hương
Như bao nàng thôn nữ
Mới gặp đã thân thương
Từ nơi nào chẳng rõ.
Rứa mà khi đưa cho mấy thằng bạn đọc, nó trề môi: Bài thơ dở như... dỡ nhà, mi đem ra cho mấy thằng cha ở ngoài HTX đọc. Đúng là cái bọn không biết thơ ca là gì, toàn bọn tào lao xịt bộp.
Công việc thường ngày của tôi nói riêng và mọi người nói chung rất đơn giản, sáng nghe đánh kẻng: Vác cuốc ra đồng, trưa đánh kẻng: Vác cuốc về, đơn giản thế thôi chẳng phải nghĩ suy, chẳng phải lo toan trằn trọc. Bộ não được nghỉ ngơi toàn diện. Tối ra Quốc lộ hóng mát, nhìn xe cộ qua lại, nói chuyện trời trăng mây gió và tán gái. Cứ thế ngày qua tháng lại quả thật chán phèo.
Tính tôi thích đi chơi đây đó. Từ ngày về quê đến chừ không đi đâu, chẳng biết Hội An, Đà Nẵng nó méo nó tròn thế nào, Tam Kỳ dài ngắn ra sao nhưng chao ôi cái túi lép xẹp đành chịu chết. Buôn bán, chạy chợ thì không được phép, làm thuê thì chẳng ai mướn cái tướng mỏng manh, tay chân suông đuộc như thế này, chả bỏ nuôi cơm. Có thằng bạn thường viết bài cho đài phát thanh gợi ý tôi một lối thoát: Mi muốn có xu rủng rẻng thì làm thơ, viết bài đăng báo kiếm nhuận bút. Tôi cười mếu: Gửi thơ tình nó đọc nó chửi cho sấp mặt, không được. Sau bữa đó vài hôm phía ngoài nhà tôi có một chiếc xe Bộ đội bị lật xuống hồ rau muống đầy nước. Trời mưa đường trơn mà phóng nhanh thì thế thôi. May mà dân trong xóm ra cứu kịp thời nên chỉ có hai người chết, số còn lại bị kẹt trong thùng xe uống nước no nê. Tối về tôi làm rẹc đùng bài thơ về xe lật để đọc cho vui, để bộ não có cơ hội hoạt động chớ êm ả thế này nó trở thành não đậu hũ thì tiêu tán đường. Cũng nhờ từ bài thơ này đã giúp tôi thực hiện được giấc mơ nhỏ bé, cỏn con để có những chuyện cười ra nước mắt sau này.
XE LẬT
Mỗi lần mưa bụi bay bay
Anh tài nổi hứng lao ngay xuống triền
Không nằm ngữa cũng lật nghiêng
Xảy ra liên tục ưu phiền lắm thay.
Đường trơn trợt giảm ngay độ phóng
Lái vèo vèo lật gọng như chơi
Lỗi tại mình bất cẩn thôi
Lại đem đổ tội do trời do ma.
Xe tớ đang chạy như là
Chợt đâu bóng trắng băng qua giữa đường
Tớ đạp thắng vô lăng ôm cứng
Nghe cái rầm xe dựng đít lên.
Lỗi tại ma, tại oan hồn
Tay nghề tớ khá Trường sơn đã nhiều
Thôi ông ơi đừng nói điêu
Tại ông lái ẩu chớ yêu ma gì.
Mấy đứa bạn đọc xong nó cười bò lăn - hay! Hay đấy! Nếu bọn nó khen cái kiểu hôm nọ về bài thơ HTX. thì chắc bài này tôi nhét vô túi quần rồi. Đọc đi đọc lại vài lần tôi quyết định xách chiếc xe đạp cà tàng đạp một mạch tám cây số ra Hà Lam gửi Bưu điện cho tòa báo. Hồi đó làng tôi chẳng ai mua báo về đọc, mà muốn có báo phải ra Hà Lam xa tít tắp thôi thì đừng để ý nữa.
Bẵng đi một thời gian có ông bạn ghé nhà chơi ông nói: Hôm trước đọc báo đầu tuần ở cơ quan tôi, họ đọc bài thơ có tên ông ở mục Đầu Làng Cuối Phố. Rôi một đứa làm ngoài xã cũng nói như vậy. Thế là từ đó tôi có động lực để làm loại thơ... trời ơi đất hỡi, hehe. Mỗi bài trung bình được ba hoặc bốn đồng. Tôi cứ dồn cỡ ba hoặc bốn bài ra Đà Nẵng nhận nhuận bút rồi ở chơi một hai ngày. Có bạn sẽ hỏi chừng nhúm tiền rứa thì đi chơi cái nỗi gì. Đơn giản mà, tiền xe ra vô bốn đồng (vật giá lúc đó) di chuyển trong Thành phố không tốn tiền vì cuốc bộ mà lị. Mục đích chính là: Đi một ngày đàng học một sàn khôn. Chẳng biết mỗi chuyến đi có đem về được sàn khôn nào không chứ về tới nhà là đôi chân dường như không còn là của mình nữa, nhưng bù lại người trở nên sảng khoái, vui tươi và lao động tốt hơn dẫu rằng trong bữa ăn vẫn đìu hiu gió cuốn.
HAI
Một dạo nọ tôi dồn được bốn bài thơ vị chi là mười sáu đồng. Khoảng tiền không hề nhỏ, tôi dự định ra Đà Nẵng chơi hai ngày tối ngủ nhà trọ bến xe hết đồng rưỡi. Ok lên đường!
Sáng sớm ních bụng đầy sắn với khoai để lấy sức rong chơi. Trời hôm nay thật đẹp, trong veo, báo hiệu không mưa chỉ có nắng thôi. Đón xe dọc đường thì chắc chắn chẳng có ghế để ngồi. Ngồi sát thùng than sau đít xe nóng phừng phừng nhưng chã hề chi, đã đi chơi thì sợ gì mưa rơi bạn hì. Ra tới Đà Nẵng tôi vừa đi vừa ngắm phố xá, tới ngã tư chợ trời Ông Ích Khiêm dạo quanh tìm mấy cuốn sách cũ ở khu giấy báo vụn. Hàng hóa ở đây đủ thứ: tivi, tủ lạnh, áo quần, giày dép, máy móc, chén đũa... Đến cây kim sợi chỉ, ôi thôi đủ thứ hầm bà lằng. Đang lui cui bên đống sách thì có bàn tay ai đó đặt lên vai, tôi quay lại một anh chàng cũng trạc bằng tuổi tôi cười làm quen: Mình có mấy cuốn sách cũ hay lắm! Nó vừa nói vừa choàng tay qua vai tỏ vẻ thân thiện, tôi cũng không tiện đẩy tay ra nên để yên, sau đó từ chối khéo rồi rời khỏi khu chợ trời. Đi một đoạn định ghé mua vài điếu thuốc lá, thọc tay vào túi áo lấy tiền thì ôi thôi rồi - hai tờ một đồng không cánh mà bay.Toàn bộ số tiền mà tôi có thể có vào lúc này đã không còn, đúng là chó cắn áo rách. Cái thằng lưu manh khi nãy cặp kè tôi để lấy tiền, khốn nạn cho nó mà cũng khốn nạn cho tôi quá chừng chừng. Tôi đi luôn một mạch xuống đường Yên Bái. Dù có mệt một tẹo nhưng nhận được tiền là sẽ khỏe ngay thôi mà. Ta sẽ ra ngoài góc phố sà xuống quán cafe cóc nào đó làm một li đen đá, phì phà điếu thuốc lá thơm Sài Gòn Giải Phóng thì còn gì tuyệt vời hơn, hạnh phúc hơn chứ. Tôi cúi chào, miệng cười thật tươi với cô nhân viên ngồi bàn trong: Chào cô, tôi đến nhận nhuận bút mấy bài thơ. Tôi nói tên, cô lật cuốn sổ to đùng rà cây bút một hồi rồi ngẩn lên nhìn tôi: Anh ơi, bốn bài của anh đã nhận rồi ạ. Tôi đơ người nhìn cô, trông cô thật mượt mà, thật đẹp nhưng lúc ấy tôi không cảm nhận được cái sự đẹp đẽ ấy. Tôi chới với, nói như một thằng cà lăm: «Tôi chưa nhận mà». «Anh H ký nhận dùm rồi anh».
Tôi thất thiểu như đứa mất hồn. Tiền ơi, H ơi mi nhận dùm mà không nói với tao, Cafe ơi, thuốc lá thơm ơi, hai ngày đi chơi thế là tiêu tan. Điều này cũng chưa quan trọng lắm, cái đáng sợ nhất là tiền đâu về xe đây trời. Trở lại bến xe sao dài xa tít tắp, lúc đi phố xá thênh thang người xe rực rỡ, đường về sao lại gian nan ri hè.
Về tới bến xe khoảng hơn chín giờ, trời tháng tám đúng là nắng rám trái bưởi. Mồ hôi mồ kê nhể nhại, bơ phờ như một thằng ma cà bông. Tôi thả người rơi phịch xuống ghế đá ngoài hiên của bến xe, thẩn thờ nhìn dòng người xếp hàng rồng rắn trước các quầy vé. Cứ mỗi quầy vé có hai hàng người, bên phải bán ưu tiên cho Cán bộ bên trái bán cho dân. Ba vé cho Cán bộ thì dân được một vé cứ thế dòng người cứ tiến dần lên. Hàng người mua vé Tam Kỳ dài nhất chạy ra tít ngoài những chiếc xe Renaul ngoài bãi. Khi ở trong tận cùng của sự thê lương, người ta mơ ước những điều tưởng như đơn giản nhất. Đúng vậy, ngồi nhìn những người đứng xếp hàng thấy họ thật sung sướng, dù rằng họ đang đứng rã rời đôi chân nhích từng bước một.
Tôi ngồi như thế đến ê ẩm cả mông, đầu óc rỗng tuếch chẳng nghĩ được gì, mà nghĩ gì cơ chứ. Nhìn đồng hồ trong bến đã gần mười giờ ba mươi. Không thể ngồi đây thở ngắn than dài, than thân trách phận nữa, mi phải lao ra ngoài rồi mọi sự chắc chắn đến, dù có phải gặp rủi ro hay điều may mắn. Không thể ngồi mãi đây, ngồi lì môt chỗ sẽ hóa ngu, sẽ rệu rã thân xác mất. Nghĩ là làm, tôi ra khỏi bến xe đi về ngã ba Huế. Tới ngã ba Huế đang đứng lơ ngơ cùng mấy người tay xách nách mang thì một ai đó kéo tôi về phía trước: Quảng Ngãi Qui Nhơn, Quảng Ngãi Qui Nhơn lên xe đê. Tôi ú ớ chưa kịp nói gì thì anh lơ đã kéo tọt vào xe. Thôi kệ đi đâu thì đi, tới đâu thì tới, bị gì thì rán đỡ miễn sao về được tới nhà. Trời đất ơi, Chúa Phật ơi phù hộ con đầu xuôi đuôi lọt...
Xe chạy, mọi mệt nhọc đều tiêu tan, gió thổi hây hây nhưng lòng tôi bắt đầu lo ngay ngáy. Cứ đưa mắt vào thằng cha lơ xe mà không dám nhìn trực diện thằng chả. Xe chạy qua Vĩnh Điện mà cha lơ vẫn chưa thấy đến thu tiền. Mô Phật, mô Phật chắc là quên rồi. Nó mà quên thì nhất định đó là đứa lơ xe dễ thương nhất trong đời tôi. Xe chạy qua khỏi cầu Bà Rén rồi Nam Phước, rồi Quế Sơn Hương An, nó vẫn chưa hỏi tiền. Cái bắp vế tôi bắt đầu run, người tôi bắt đầu thấy lạnh, cái lạnh rét của tâm trạngvừa run vì mừng vừa lo vì sợ. Đầu óc đang căng thì một thanh âm phát ra như tiếng sét rỉ trong ống sắt:Tiền xe chú em! Mặc dù trong đầu chỉ quẩn quanh vấn đề đó thôi mà khi nghe tiếng gã lơ xe tôi lại giật bắn lên. Tôi lúng túng, lắp bắp vờ cúi xuống sờ sờ mấy cái bao xách dưới chân, một bà thiếm ngồi gần đó kéo cái bao lại gần chân, đẩy đứa bé đi cùng ngồi lên như sợ tôi lấy đồ. Thấy vậy, trong đầu tôi loét lên một tia chớp: Cái xách của tôi mô rồi? Kêu một lần thấy có vẻ chưa ăn thua, tôi ra vẻ nhìn dáo dác rồi kêu to: Cái xách màu đen của tôi mô rồi? Mọi người đưa mắt nhìn quanh coi có cái nào màu đen không. Bà thiếm khi nãy phán một câu làm tôi mừng rơn: Xem chừng chú em để quên ở ngã ba Huế rồi, chớ ở đây có cái nào màu đen mô. Tôi run quá, vừa xấu hổ vì mình nói dối, vừa sợ bị phát giác mặt tôi tái méc, mồ hôi lấm tấm trên trán. Mọi người nhìn ái ngại cho tôi. Lại bà thiếm lúc nãy nhiều chuyện: Chắc là quên thật rồi, tội nghiệp chú em. Rồi quay sang người bên cạnh: Bọn trẻ chừ rứa đó, đầu óc cứ để mô mô. Tôi giờ chừ như ngồi trên lưng cọp, một liều ba bảy cũng liều. Tôi hét to về phía trên bác tài, ra vẻ hốt hoảng: Xuống, cho xuống bác tài, quên đồ ở ngã ba Huế rồi bác tài ơi! Lại cũng bà thiếm nữa: Quên đồ ở ngã ba Huế, cho xuống, cho xuống! Bà này ở nhà chắc là nhiều chuyện lắm đây, nhưng trong hoàn cảnh này lời nói của bà thiếm là tiền là tiền, con ngàn lần mang ơn thiếm. Gã lơ xe nãy giờ đứng xem kịch chừ thả một câu làm tôi mừng phát run: Đố mi ra lại ngoài nớ mà còn. Tôi tỏ ra bi thương: Nhưng tiền bạc, giấy tờ ở hết trong nớ anh ơi! Gã lơ đế một câu làm tôi càng nhẹ tênh, bay bổng: Mi ra lại mà tìm không được thì có nước đi xin thôi con ơi! Bác tài ở trên nói vọng xuống: Tới Hà Lam khách xuống cho nó xuống luôn. Hehe con xin cám ơn Trời Phật, từ Hà Lam về nhà chỉ tám cây số thôi, không hề không hề chi, không hề chi. Đường xa vạn dặm có gì gian nan.
Ghi lại lần bị móc túi nhớ đời, một chuyến đi đầy bão tố:
Vỉa hè hội chợ tự do
Anh hùng tứ xứ cũng mò về đây
Ti vi tủ lạnh chưng bày
Áo quần vải vóc dép giày ngổn ngang.
Ai dám chắc của đàng hoàng
Chẳng quen anh đạo cũng thân anh đào (*)
Nơi quy tụ ba du lưu.(*)
Ai đi qua xin đi mau
Coi chừng túi trước túi sau đồng hồ
Người Dọn phố chú ý cho (*)
Làm mưa một đợt sạch khô vỉa hè.
Chú thích:
(*) Đạo chích, Đào tường
(*) Ba gai, Du côn, Lưu manh
(*) Người phụ trách mục: Đầu Làng Cuối Phố.
BA
Xã hội luôn vận động để phát triển. con người văn minh hơn, đời sống đủ đầy hơn sau gần năm mươi năm dài đằng đẵng. Quãng thời gian ấy đã lấy đi một phần hai đời người. Giờ đây có người đã mãn nguyện với cuộc sống đủ đầy, vương giả nhà cao cửa rộng. Có người đã không còn sau bao nhiêu năm đói nghèo ốm đau bệnh tật, cũng còn biết bao người phải bươn chải mưu sinh, lắc lay sống, lo toan từng bữa ăn. Điều ấy tất nhiên không có gì lạ trong xã hội. Sự giàu sang hay nghèo khó không phải là thước đo để nhìn về một con người. Chối bỏ hay rẽ khinh quá khứ sẽ chẳng thể trưởng thành trong tương lai. Nhìn lại ngày xưa để cảm thông và sẻ chia, tình người luôn là sự gắn kết bền vững nhất.
Ngày ấy người dân ở nông thôn quê tôi nghề chính là làm ruộng, phải nói chính xác là làm ruộng HTX, tất nhiên rồi. Ngoài ra người ta còn chăn nuôi gia súc gia cầm để đôi khi giỗ, chạp hoặc cần một khoảng tiền nào đó như ốm đau, tiền học cho con, người ta mới bán con heo hoặc bầy gà. Đem cân heo cho HTX mua bán thì đổi lưu được vài mét vải, lít dầu hôi... Còn ra nhận thêm ít tiền mặt, tằn tiện rồi cũng qua lúc khó khăn. Mẹ tôi nuôi một con heo với bầy gà. Tiếng là nuôi thế nhưng ngày qua tháng lại heo cứ còn heo gà còn gà, nó không chịu lớn. Gà trống thì gáy giống thổi kèn è o o è chẳng ra hơi, như đứa nhỏ viêm họng, lông thưa thớt cứ rụng dần. Còn anh heo cũng không kém cạnh, mõm dài ra, chân thì đi lỏng khỏng, xương vai gù lên như chàng lạc đà mang bướu. Sắn khoai ít ỏi, gạo thóc cân đong tính bằng nhúm bằng bụm thì lấy đâu mà cho tụi nó ăn. Nuôi năm rưỡi mà đo được chừng  hơn sáu chục cân, cần mấy mét vải nên phải đem ra cân cho HTX. Xúc chàng ta vào rọ bỏ lên xe đạp đẩy đi lặc lè. Trên đường đi nó chẳng thèm kêu chỉ rên ư ử, chắc là biết thân phận mình sống đến chừng này đủ rồi, chừ tiếp tục hoàn thành nghĩa vụ để đáp đền công ơn nuôi dưỡng chăng. Cân bàn HTX hình như bị hư nên phải khiêng chàng heo bằng cân xách. Có một anh đứng trong cửa hàng, tôi nhờ ra khiêng dùm. Tôi một đầu anh ta một đầu, cán cân cứ dập dềnh lên xuống, tội nghiệp cho chàng heo nằm im thở phì phò. Cân chỉ vào số sáu tám, vừa chỉ xong nó lại nhảy cà tưng cà tưng như đứa bị động kinh rồi về số năm tám, bốn tám. Tôi thấy lạ liếc mắt nhìn xuống phía dưới, bàn chân của anh thanh niên khiêng đầu kia kê vô bên dưới của rọ heo. Anh ta kê bàn chân vào để làm giảm trọng lượng con heo, rồi hô to: Bốn tám ký cả rọ. Tôi đề nghị chưa để xuống, hắn xừng cồ: Ông mù sao mà không thấy chỉ vào số bốn tám. Nghe hắn nói thế tôi điên tiết, làm ra vẻ khiêng nặng quá, tôi thả đòn khiêng, đẩy về phía anh ta, anh thanh niên rú lên thảm thiết. Bàn chân kê vô đỡ rọ bị trọng lượng rọ heo đè mạnh làm chân anh ta bị trật khớp, he he. Kiểu ni mi về lấy nẹp tre mà bó lại đáng đời thằng khốn nạn. Mọi người đang khổ sở vì thiếu ăn thiếu mặc thì mi lại ăn cướp trắng trợn trên những bộ xương người thế này sao. Sau nhờ mọi người cân lại được sáu tám cân, mất y hai chục cân. Thằng này có vẻ làm chuyên nghiệp, đưa chân ra một cái kiếm ngay hai chục ký. Tôi không nhớ con heo yêu quí được bao nhiêu tiền nhưng được mua hai mét vải hoa, một mét vải tám đen, mấy lít dầu hôi. Cầm xấp vải còn thơm nồng mùi sợi và thuốc nhuộm trên tay mà lòng cứ phân vân, nên may như thế nào đây. Vải hoa cho mẹ ư? Chắc chẳng có bà mẹ quê nào miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay quẹt lia lịa nước trầu trên miệng lại dám mặc nguyên bộ vải hoa xanh đỏ đi ra đường cả. Còn tôi thì xin bái hai tay lạy ông đi qua bà đi lại, thôi để tính sau vậy. Về tới nhà thấy trên bàn tờ giấy mời của Phòng VHTT. Thăng Bình được thằng bạn đem đến, nó còn nhắn chiều ni lên nhà chơi hehe.
Vậy là sắp tới tôi lại được thay đổi không khí, có điều kiện được đi nhiều hơn. Huyện Thăng Bình thành lập đoàn ca nhạc để đi phục vụ bà con trong huyện, xã Bình Tú có hai người tôi và thằng bạn thân (Mạnh Cương) tánh vốn lông bông lang bang nên đi như ri là vui rồi!.
BỐN
Đoàn ca nhạc được thành lập gồm mười lăm người, nhạc sĩ HB làm trưởng đoàn tôi làm quản lý. Tập dợt đâu chừng hơn tháng rưỡi là đi diễn luôn. Tiêu chuẩn một tháng mỗi người mười ba kg lương thực gồm sáu ký gạo bảy ký mì sợi, tiền nhận khoảng hai chục đồng. Mấy cái linh tinh ni không kể, vui là chính.
Bảy xã Đông Thăng Bình chọn đi lưu diễn trước, được chia làm hai đợt, mỗi đợt mười ngày. Các xã miền Đông hầu như toàn cát là cát, người dân chủ yếu trồng rau, khoai lang... Đất trồng lúa rất ít. Sự cơ cực hằn sâu trên khuôn mặt và dáng đi của họ, nhìn từng vồng khoai lang to tổ chảng dài xa tít tắp được vun lên từ cát, những cọng rau lang khát nước nằm ỉu xìu rúm ró. Nhìn những bà, những chị gánh nước tưới rau mà xót xa mà nể phục, gánh nước đổ xuống vồng cát to đùng nó biến ngay tắp lự, hầu như chẳng để lại chút dáng dấp gì, có chăng cát sẩm màu lại một tẹo. Làng tôi toàn đất thịt, dẫu không màu mỡ nhưng khi đất được uống nước thấy nó còn có sức sống, đằng này... Thương quá!
Đoàn thường hay tổ chức diễn ở các trường học hay sân vận động xã, buổi biễu diễn nào cũng đông chật người, có lẽ những sinh hoạt giải trí nơi đây quá hiếm nên có dịp là đi thôi, chứ nghiệp dư như bọn tôi thì chắc chẳng hay ho gì đâu. Đặc sản ở vùng cát mà bọn chúng tôi ngán nhất là gai xương rồng nhiều vô kể, ban đêm đi lớ ngớ là nó đớp vào chân ngay. Khi về Bình Sa diễn ở trường cấp II, tôi quen cô giáo Q người Hội An, mới ra trường và về dạy ở đây. Q rất xinh, không hiểu sao tôi lại quen được em, Q nhỉ. Đêm ấy diễn xong tôi rủ em đi dạo, trời đêm đầy sao, ánh trăng non vừa đủ để trải vàng lên con đường cát trắng, vàng lên những rặng dương liễu nhấp nhô nhạt nhòa. Không gian vắng lặng hai đứa tôi cứ đi như thế. Con đường nhỏ hai bên đầy những xương rồng, em nhắc tôi đừng đi chệch ra ngoài kẻo gai đâm. Cám ơn những hàng xương rồng trên lối đi đã đưa tôi kề lại với em. Hai đứa đi bên nhau và thời gian như không còn tồn tại trong chúng tôi, thuyền trăng trên sông mênh mông trôi xa dần, phía đằng đông ửng hồng ngày mới:
Ta tìm một sợi dây
Cột mặt trời xuống núi
Để còn mãi đêm này
Thời gian ơi, ngừng lại!
Tạm biệt Bình Sa, chia tay em - cô giáo đã thoáng qua trong đời tôi, dù bên nhau không dài, vừa đủ cho nhớ thương ray rứt. Viết cho em bài thơ để giữ lại sự dịu êm khi chúng ta còn có nhau.
Quỳnh, Quỳnh, Quỳnh ơi! Quỳnh ơi!
Gọi tên em vang dội đất trời
Cũng rất đỗi Quỳnh ơi yên lặng
Như tóc em và như đôi môi.
Tóc em buồn đôi môi đắm say
Mắt em hiền đời anh mây bay
Mây còn trôi tình ta vời vợi
Cám ơn đời thoáng đó chút tình say.
Sau đó chúng tôi về lại Phòng và nghỉ ngơi một thời gian. Để thay đổi không khí đoàn chuyển lên phục vụ các xã cánh Tây Thăng Bình. Trời đã bắt đầu vào mùa mưa. Ngày ấy đường lên các xã vùng cao rất tệ, đa số là đường đất, khi mưa xuống nhão nhẹt xe đi lại rất khó khăn, từ Hà Lam lên Việt An đường còn tàm tạm. Điểm diễn đầu tiên ở Việt An, mọi việc suôn sẻ mặc dù buổi chiều trời mưa to tưởng là không làm ăn gì được, nhưng sau đó tạnh hẳn, bầu trời chỉ còn rải rác vài cụm mây. Cờ đèn kèn trống nổi lên, dân chúng kéo đến sân vận động đông nghịt. Đêm diễn chạy được một phần ba chương trình trời bỗng đổ mưa, mưa rất to. Lúc này trên sân khấu Cương đang hát, bộ phận âm thanh ánh sáng nháo nhào kéo bạt tủ máy móc, trên sân khấu Cương vẫn hát còn anh em đàn chạy theo đàn trống theo trống. Nhìn xuống sân bãi thấy người dân bình thản trùm áo mưa đứng xem, có lẽ khi thấy trời mưa mà dân vẫn đứng xem nên cậu ta... Không thể chạy. Thằng bạn thân tôi thật tuyệt, còn khán giả càng tuyệt vời hơn. Vì sự nhiệt tình của người dân, chúng tôi quyết định diễn luôn dù trời vẫn đang mưa tầm tả, may mà khán đài SVĐ. được lợp tôn dù rằng nhiều chỗ đã mục vì bị rỉ sét, cũng tạm đủ che chắn cho mấy bóng điện cùng nhạc công.
Khuya về đứa nào cũng ướt nhẹp, bà con ở nhà đợi sẵn mời mỗi anh em một tô mì Quảng nóng hổi. Công nhận mì Quảng ở Việt An rất ngon không chê vào đâu được, ngoài trời mưa gió tái tê thế mà ngồi trong nhà với tô mì Quảng to tổ chảng, hơi nóng bốc lên phả vào mặt thơm ngạt ngào. vừa ăn vừa húp sì sụp, hít hà vì ớt xanh cay xé lưỡi. Ăn xong tô thứ nhất còn cố đưa mắt nhìn xuống bếp xem các mẹ, các chị có động tác gì thêm không.
NĂM
Đoàn chúng tôi rời Việt An lên Thăng Phước, với tinh thần biểu diễn gọn nhẹ nên phông màn, những vật dụng cồng kềnh không cần thiết đều để lại Việt An. Quốc lộ 14E từ Hà Lam đi lên Việt An, con đường thâm nhập nhựa chừng hơn ba mét bề rộng, lổm nhổm đá sỏi, đầy ổ gà ổ trâu, nhiều đoạn trơ đất. Mùa nắng bụi mù mịt, mùa mưa bùn đất nhão nhoẹt, ngoằn ngoèo, cứ như muốn thách thức ý chí người đi đường, ngồi xe mà như cỡi ngựa. Đoạn từ bia Hột Xoài vô xã xe không chạy được đoàn phải lội bộ. Đường đất trơn trợt đi không đã khó giờ còn phải mang theo lỉnh khỉnh đủ thứ hầm bà lằng. Tội nhất là mấy cô em, mặc dù đã được cảnh báo trước nên trang bị gọn nhẹ, thế mà vẫn diện quần là áo lượt tay xách nách mang, giờ đứng trước cảnh này mặt mày nhăn nhó trông thật thảm hại. Mấy chàng thanh niên có vẻ khá hơn nhưng cũng đi lượn lờ như trợt Patin. Các anh các chú trong xã ra giúp sức, vác dùm những bọc đồ nặng và khiêng máy phát điện. Đoạn đường từ bia Hột Xoài vào xã không xa lắm nhưng chúng tôi phải đi đến trưa mới tới trung tâm xã. Mọi người mệt nhoài đói lả, bùn đất lếch phếch đầy người, anh em được nghỉ tối nay.
Thăng Phước là xã vùng cao của Thăng Bình. Người ở đồng bằng có dịp lên miền núi quả thật hấp dẫn và luôn bí ẩn đối với họ. Nhìn đâu cũng một màu xanh bạt ngàn. Bà con nơi đây hiền lành và tốt bụng, họ rất hiếu khách. Kinh tế dẫu còn khó khăn nhưng lòng nhiệt thành thì người dân có thừa. Nhìn xa xa những thửa ruộng be bé, cái cao cái thấp gối lên nhau, nước kiên trì chảy rỉ rả từ các chân ruộng trên cao đổ xuống tạo nên những chùm âm thanh đặc trưng của vùng này. Từng con đường ngoằn ngoèo chạy từ đường cái vào các ngôi nhà nho nhỏ, nép sau mấy rặng cây trong xóm, vừa xa xôi vừa gần gũi và cũng trơn trợt không kém.
Ở Thăng Phước có hai điểm diễn. Sau hai đêm ở đây chúng tôi kéo nhau vào thôn Tư (gần năm mươi năm nên nhớ về địa danh đôi khi không chính xác). Đường vào thôn Tư phải đi qua một ngọn núi. Đường đất nhỏ quanh co leo núi đi bộ hoặc xe đạp cũng đã vất vả, giờ mưa nắng thế này thì quả thật tôi không thể hình dung mức độ khó của nó. Chỉ có lên đây thế này mới hiểu được sự gian khổ của người dân nơi này ra sao. Kinh tế chắc cũng chẳng hơn gì quê tôi nếu không muốn nói là khó bội phần. Không buôn bán không quán xá, chỉ có một cửa hàng mua bán hàng hóa lèo tèo thiếu trên hụt dưới, cả ngày chẳng thấy một bóng người tới mua, có lẽ tôi là khách hàng thường ghé lại nhất để mua thuốc lá. Cô vừa là cửa hàng trưởng vừa là Mậu dịch viên, thủ kho, kế toán...
Người dân được điều tới để mang hộ hành lý, dụng cụ biểu diễn. Chúng tôi chỉ đi không mang vác gì mà di chuyển cũng đã vô cùng khó khăn. Đường trơn như bôi mỡ, bám trèo được vài bước lại trượt dài, rồi lại bám lại trượt... Chẳng phải bọn chúng tôi có ý chí quyết tâm không ngại gian lao, cũng không phải được sự động viên vì chúng ta đang làm nhiệm vụ gì gì đâu, mà chúng tôi thấy được sự thiếu thốn, gian khổ của người dân nơi đây, mà chúng tôi thấy được sự yêu thương, hiếu khách, nhiệt thành của họ. Ngay trước mặt tôi đây hai người dân đang khiêng máy phát điện, còn hai người đi sau cùng đẩy vào lưng người khiêng để trợ lực, cũng có lúc họ trượt ngã lăn quay, miệng vẫn cười dù khắp người bị xây xước, lấm lem bùn đất. Bọn chúng tôi cũng te tua nhưng hầu như không đứa nào than vãn. Có lẽ sự đồng cảm ấy chính là động lực để bọn chúng tôi quyết tâm hơn, càng trân trọng người dân nơi đây hơn. Lên dốc đã khó, khi xuống dốc quả thật khó khăn không tưởng, chẳng đứa nào không bị trượt ngã lăn tròn xuống dốc. bọn con trai hầu như đều cỡi trần dù gió núi lạnh tê tê, lấy áo để cho các bạn nữ quấn che mông vì thương tích. Cuối cùng rồi anh em cũng về đến đích. Đoàn quân ra trận chưa chiến đấu mà nhìn thật thê lương, tuy thế mọi người vẫn vui tươi, cười nói huyên thuyên, có chàng còn ôm đàn ngồi dưới gốc cây hát cho mấy em trong thôn ngồi quanh nghe. Tiếng hát lan tỏa trong nắng chiều nhẹ, xa xa sương mù bảng lảng dưới thung sâu khung cảnh lãng mạn thật đáng yêu, thật đẹp!
Hành trình vào thôn Tư quá gian nan, anh em rất mệt nên được nghỉ một ngày. Qua hôm sau trời mưa to không diễn được lại nghỉ. Thôn làm thịt một con bò đãi đoàn. Ngoài trời mưa lâm thâm hơi lạnh bắt đầu ren rét, anh em không thích ngồi một chỗ, đi loanh quanh thăm các nhà trong thôn. Cuộc sống nơi đây cũng cơ cực như quê tôi nói riêng và chung cho mọi làng xã khác. Dân gốc ở đây không bao nhiêu chủ yếu từ nơi khác lên. Trên này Cương có gặp một người bạn hình như từ Tam Kỳ về, một cô gái tên Thắng hay gì gì quên rồi, một cô bé xinh đẹp. Hôm trước thấy cô bé đi lên nương nhìn tựa nàng tiên lạc bước trần gian. Đất rừng nhiều nên chăn nuôi có khá hơn, tuy nhiên những mặt hàng khác luôn thiếu, không đủ để bán cho dân. Tối hôm đó bọn chúng tôi chén bữa tiệc thịt bò chấm muối. Thịt bò là chính, cộng thêm rau rác. Có điều, ăn nửa chừng... Hết muối! Mọi người ngại ngùng nhìn nhau. Bọn tôi do ở đồng bằng nên giao thông thuận tiện, cái gì cũng thiêu thiếu nhưng muối thì không. Còn ở đây khi thoạt nghe nói hết muối tất cả đều chưng hửng, nhưng sau đó hiểu ra nên im lặng ăn cho hết phần trong chén. Quả thật món ăn không có muối rất khó ăn. Bữa tiệc đang giữa chừng bỗng dưng chùn lại, nhưng chúng tôi ý tứ vẫn cười nói huyên thuyên, vẫn thỉnh thoảng gắp thịt nhai trệu trạo cùng mọi người. Sau đó chừng năm sáu người chạy lại đưa cho chúng tôi những gói lá chuối khô, bên trong các gói ấy đâu chừng vài nhúm muối hạt. bọn tôi cầm những gói muối còn dính trên tay màu đen đen muội khói bếp, chắc là bà con treo trên gác bếp để dành. Chúng tôi rất xúc động, cám ơn người dân nhưng anh em không mở ra dùng và tới lúc này, không ai bảo ai, mọi người tiếp tục ngồi ăn mà không còn nghĩ tới chuyện muối, cả đoàn tiếp tục cuộc vui.
Thời gian ở Thăng Phước chúng tôi diễn được hai đêm. Tạm biệt người dân nơi đây để lên đường trở về Phòng nhận nhiệm vụ mới. Chia tay bà con với nhiều lưu luyến.
SÁU
Định ra Hội An chơi Noel tối về. Tôi rũ S, thằng bạn trong đoàn cùng đi.
Hai đứa đi loanh quanh trong phố cổ. Hội An vào những năm 1978 có vẻ đìu hiu vắng vẻ, kinh tế cũng đang khó khăn, èo uột. Đi chơi chủ yếu tham quan những ngôi nhà cổ, chùa Cầu, đi dọc sông hóng mát, nói chung chả có gì đặc biệt. Chiều đón xe lên Vĩnh Điện để về. Hồi đó hình như chưa có xe Hội An - Tam Kỳ. Lên Vĩnh Điện chờ xe về Hà Lam. Hai đứa lên lúc bốn giờ chiều mà đến gần năm giờ rưỡi vẫn chưa đi được, vì khách trên xe đông quá. Mùa Đông trời nhanh tối. Đến lúc này hai đứa bắt đầu thấy lo, sau năm giờ rưỡi sẽ không còn xe về. Cả hai quyết định quay lại Hội An, vì S nói có nhà quen. Thế là cả hai lại ngồi chờ xe quay lui. Trời bắt đầu nhá nhem, vừa khi đó xe Đà Nẵng - Hội An trờ tới hai đứa định nhảy lên, xe trống khách chỉ vài người ngồi băng trước. Xe dừng chờ kiếm thêm khách về Hội An. Lúc này trên xe bước xuống hai cô gái có vẻ là Sinh viên, bọn tôi bước tới gợi chuyện làm quen. Hai cô cho biết đang học Cao đẳng Sư phạm ngoài Đà Nẵng. Xe ngừng đợi khách cũng hơi lâu nên sự làm quen của bọn tôi có nhiều thuận lợi. Hồi đó mọi người cư xử với nhau chân thật và lịch sự, dễ tạo niềm tin hơn bây giờ và cùng tuổi trẻ nên quen cũng rất nhanh. Không hẹn trước nhưng mỗi ông tự tách ra cho mình một cô bạn để trò chuyện.
Xe tới bến tôi đưa nàng về Cẩm Nam, còn S về đâu tôi không hỏi. Hẹn mười giờ đêm gặp lại nhau đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai. Thật tình có người nói chuyện trong thời gian còn lại ở Hội An, lại là hai cô gái xinh xắn thì còn gì vui hơn. Nếu cả buổi tối Noel tuyệt vời mà hai ông đực rựa đi bên nhau thì buồn lắm. Phải công nhận rằng tôi và cô nàng nói chuyện rất hợp ý nhau. Không rào đón, không giữ kẽ nên cả hai nói chuyện trên trời dưới đất, linh tinh lang tang với nhau suốt đoạn đường dài mà quên khuấy mất hỏi tên nàng là chi. Sự sai lầm này sút chút nữa làm cho tôi chết đứng như Từ Hải khi ngồi nói chuyện với cha nàng.
Qua khỏi cầu Cẩm Nam nàng nói: Sắp tới nhà em rồi, mời anh vô chơi luôn nha. Tôi rất vui cùng nàng vào nhà. Thấy con gái về, ông cha ra đón. Có lẽ mặt mày tôi hiền lành, hơn nữa nghe tôi ăn nói nhã nhặn, lịch sự nên nàng yên tâm giới thiệu tôi là bạn học ở Đà Nẵng về Hội An chơi Noel. Tất nhiên nàng không thể nói gặp trên xe rồi rủ về nhà được. Ông mời tôi vào nhà ngồi nói chuyện, tôi không biết nói chuyện chi đành phải bịa. Tự kể linh tinh chuyện ở trường, chuyện bạn bè của nàng rồi ông hỏi tôi thân như thế nào với con bé. Tôi ngớ người ra - lúc này tôi hối hận thật sự và thề là từ nay trở đi đến cuối đời sẽ chẳng bao giờ để cái chuyện ngu ngơ này xảy ra một lần nào nữa. Vừa lúc ấy ông quay ra sau gọi: An ơi pha cho ba bình nước. Tôi sướng rêm người, như mở cờ trong bụng: À, cô nàng tên An. Biết tên rồi tôi cần phải trả lời ngay câu hỏi của ông, rằng cháu với An mới chỉ là bạn học rất thân thôi chứ chưa dám đi xa hơn. Tôi hắng giọng, ngồi thẳng người rồi nói: Thưa bác, con với An... Ông ngắt lời tôi: An nào? Sợ phát âm của tôi ông nghe không rõ, tôi nói chậm rãi: Dạ An bạn con... Ông càng lạ lùng hơn: Cậu bạn của đứa chị giờ lại nói bạn đứa em, nghĩa là sao? Ông đưa mắt nhìn đầy cảnh giác, rồi nói tiếp: An là tên của em nó. Có lẽ khi này trời sập xuống tôi cũng sẽ mừng biết bao. Tôi muốn đất nứt ra để rúc vào cho khỏi xấu hổ, ngay lúc nguy nan ấy nàng xuất hiện. Công nhận sự thông minh cứu bồ của nàng giỏi đến thế là cùng: Dạ, tại ảnh quen miệng, vì lớp con có hai đứa tên Dung... Tôi bắt ngay tín hiệu. Chỉ có hai tâm hồn đồng điệu, hợp nhất thì mới hiểu nhau nhanh đến vây: Dạ, vì thế để phân biệt tụi con gọi Dung ở Hội An là An - Dung An đấy ạ. Con xin lỗi vì quen miệng đấy ạ. Thấy tình hình tạm ổn tôi xin phép đưa Dung đi chơi một lúc, ông đồng ý và thế là hai đứa tôi dọt ngay. Ra đến cầu Cẩm Nam không nín được nữa cả hai cùng cười rũ rượi, cười đến chảy nước mắt. Dung đi sau thụi vào lưng tôi thùm thụp như hai người bạn tri kỷ thân thiết, tôi quay lại chụp lấy tay em: May mà em ra kịp nếu không là tiêu anh, anh sẽ chết đứng như Từ Hải. Khuôn mặt nàng phúc hậu, đôi mắt to đen tinh nghịch còn nhòe nước mắt, nhìn tôi: Anh phối hợp ăn ý chứ không em cũng tiêu theo anh rồi, hihi. Nói xong nàng ngượng ngùng rụt tay lại. Lúc này hai đứa tự nhiên thấy thân thiết nhau đến lạ. Nàng hỏi khi nào anh ra, tôi hứa sẽ ghé trường thăm em và rồi vật đổi sao dời, cuộc đời bao trôi nổi tôi không còn gặp lại em nữa. Mặc dù hai lần tôi có đến thăm nhưng không có em ở trường vì đi thực tập.
 Ngày đó so với bây giờ chán lắm, ở xa muốn liên lạc thì phải gửi thư, đánh điện tín chữ nào ra tiền chữ nấy, mà thư đi tin lại cũng mất hai mươi ngày. Rồi thư về xã bị lưu lạc tứ tung, cũng đôi khi ai đó tò mò lấy đọc rồi xong luôn. Vì lẽ đó mà tôi mất Q, vì lẽ đó mà tôi xa Dung, người bạn thân yêu, tôi rất mến em. Thôi cũng đành, chúng ta có duyên mà không nợ.
Tôi đi về chỗ hẹn gặp S, lúc này cũng đã gần mười một giờ đêm. Đường phố vắng hoe, giờ này cũng không thể đến nhà người quen, nên cả hai nhất trí tìm nơi nào đó kín gió ngủ cho qua đêm. Càng về khuya cái lạnh càng tê tái, rảo bước một đoạn đến chùa Cầu. Bọn tôi chọn chùa Cầu là tốt nhất, vì vừa kín đáo lại khuất gió. Tôi đưa mắt đảo quanh, lác đác vài người nằm ở phía xa, thấy có mấy người nhỡ đường nằm ngủ nên bọn tôi cũng yên tâm, cả ngày mệt nên nằm xuống là ngủ ngay.
Không biết ngủ được bao lâu, trời rét quá tôi nhổm dậy chợt giật mình, ngay bên tôi, rồi ở dưới chân rồi phía trên đầu rồi chỗ S nằm, nhìn kỹ hơn, hai bên bệ thành cầu cơ man nào là người nên cũng đâm sợ, tôi gọi S dậy đi quanh - trời đất, toàn là những người ăn xin, bị gậy để lởm nhởm, cả hai ớn lạnh tỉnh cả ngủ. Tôi kéo S đi ngược lên phía trên tìm hiên nhà ai đó ngủ tiếp. Nằm chưa ấm chỗ chợt ánh đèn pin pha thẳng vào hai người, bị chói tôi đưa tay che mặt, S bực bội: Đứa nào chơi rứa, tắt đi! Tiếng quát chát ngắt: Đứng lên, cả hai đứng lên! Tôi thầm nghĩ: “Bọn giang hồ thì không sợ vì hai ông này có cái mạng rách như ri thì trấn lột cái chi?” Cả hai lồm cồm đứng dậy. Xong đời, gặp Công an rồi. Cả hai trong người chẳng có giấy tờ gì vì hồi đó chưa có CMND. Bọn tôi tỉnh hẳn cả ngủ, theo lệnh: Trực chỉ đồn Công an, bước. Hai đứa bị nhốt trong phòng thấy cũng lo lo, chẳng biết ngày mai họ làm chi mình đây? Ngồi một lúc tôi đứng dậy lại cửa thấy cửa không khóa chỉ khép hờ, tôi bàn với S: Trốn! Cả hai lẻn ra khỏi phòng thấy một ông Công an ngồi ngủ gục trên bàn gần cửa sổ, tôi và S rón rén đi ra ngoài, vượt qua khoảng sân rộng, trèo tường thoát ra đường. Hai đứa nép vào lề đi thật nhanh, vừa đi vừa nhìn lui sợ bọn họ rượt theo, trông bọn tôi như hai thằng ăn trộm.
Từ Hội An lên Vĩnh Điện chừng mười cây số, do lo sợ bị đuổi theo nên đi không thấy mệt. Ra đoạn đường trống gần cánh đồng mới thấy yên tâm. Hai ông mệt phờ râu ông cụ. Tới Vĩnh Điện mỗi ông gặm một ổ bánh mì, tót lên xe về Hà Lam. Ôi! mùa Noel năm ấy sao mà đáng nhớ!
BẢY
Tôi rủ con bé TT trong đoàn ca nhạc đi dự tuyển diễn viên cho khoa Kịch nghệ. Nhỏ đi cùng tôi dễ thương và rất có duyên. Cụm tuyển tại Tam Kỳ gồm nhiều huyện gộp lại.
Bọn tôi đến trong tâm trạng rạo rực nhưng đầy lo lắng. Thí sinh khắp nơi đổ về toàn nam thanh nữ tú, quần là áo lượt, còn hai đứa tôi trông thảm sầu làm sao. Quần áo cũ kỹ, cái nghèo cứ lộ hết ra. Sự tự tin cứ teo tóp, mỏng dần, mỏng dần đến nỗi hành vi trở nên khép nép. Hội trường ngồi chờ cũng là nơi tất cả chúng tôi thi thố. Tôi động viên TT mà cũng tự động viên mình: Chả sợ gì bọn này, chưa chắc nó đã giỏi hơn mình. TT nói thêm: “Mà anh này, giả dụ một trong hai đứa mình... không trúng truyển thì tụi mình rớt cùng rớt anh hi”. Ôi, một câu nói lạ thường nhỏ ạ!
Mỗi thí sinh thực hiện hai tiểu phẩm Giám khảo đưa ra, trong đó có một tiểu phẩm diễn chung với bạn diễn và phần kiểm tra kiến thức. Trời nóng hầm hập, hai chiếc quạt trần quay uể oải như thiếu ăn, thí sinh ngồi căng thẳng, im phăng phắc. Nóng như rang thế mà tôi thấy người cứ ren rét. TT đặt tay lên tay tôi nắm chặt, hai đứa nhìn nhau động viên: “Cố lên!”
Điều may mắn là bọn tôi đã tham gia một khóa kịch do Đạo diễn ngoài Hải Phòng vào dạy, cũng có tí kinh nghiệm. Nên khi nhìn các bạn thực hiện tiểu phẩm, TT lại bấm vào tay tôi mỉm cười. Đến lượt tôi và TT, cả hai trình bày tiểu phẩm riêng xong Giám khảo đọc nội dung chúng tôi diễn chung: “Hai vợ chồng căng thẳng với nhau, chồng bỏ đi,  vợ bực tức viết giấy ly dị để trên bàn. Chồng trở về thấy trên bàn tờ giấy ly dị, do dự hồi lâu rồi quyết định kí thì vợ lao vào chụp xé tờ giấy và không muốn ly dị nữa. Tất cả diễn xuất bằng nội tâm hạn chế tối đa lời thoại”. Diễn đến đoạn tôi đang ký, nó lao đến giằng tờ ly dị trên tay vo lại và ôm chặt lấy tôi: Không, không, em không thể xa anh, em không thể mất anh! Nó diễn hay đến nỗi tôi cũng nổi da gà, nó diễn tự nhiên đến nỗi khi vừa nói xong tôi xúc động ôm chặt lấy nó, tưởng như nó là vợ tôi thật và muôn đời sẽ ở bên nhau vậy. Diễn đến đó là ok là hết kịch bản, tự nhiên nhỏ phán thêm câu nữa, dù đã hạ giọng nhưng mọi người trong phòng đều nghe, làm tôi chưng hững: Chúng ta đậu cùng đậu rớt cùng rớt nghe anh. Cả phòng cười phá lên, vỗ tay rào rào, Giám khảo cũng cười y chang đang xem diễn hài, mặt nhỏ đỏ rựng như sắp khóc. Trở về chỗ ngồi tôi cầm tay nó: Sao em nói rứa? Nó cúi mặt xuống dí dí bàn chân: Không biết, em không biết!
Kết quả tuyển chọn diễn viên đậu bảy người tôi và TT nằm hàng đầu, nó còn được chú Giám khảo xoa đầu: Con bé diễn tốt, lần sau đừng viết đơn ly dị nữa nha cháu! Nhỏ TT thẹn thùng mặt càng thêm đỏ, hihi. Bọn tôi về làm hồ sơ gửi đến trường chờ nhận giấy báo nhập học.
Những ngày tháng này quê tôi nhộn nhịp lắm, người người nhà nhà rộn rịp làm Thủy lợi Phú Ninh. Tôi đi lấy tin, viết bài cho Đài Phát thanh. Người dân khắp nơi lũ lượt kéo đến, kẻ đào người gánh kẻ xúc người khiêng tấp nập, một nhóm Sinh viên Thủy lợi về thực tập tại đây, tôi tiếp cận để lấy tin viết bài. Thầy trưởng nhóm chỉ tay ra khu đất trống, ở đó có một nhóm Sinh viên đang cột sắt để đổ bê tông cho cống dẫn nước qua QL1. giới thiệu tôi đến tìm cô HN - một cô gái Huế. Tôi mời em đến quán nước gần đó nói chuyện. Những câu hỏi cần hỏi cũng qua nhanh, bọn tôi bắt đầu tám chuyện. Công nhận giọng Huế thích nghe thật, nó nhẹ êm, nó dịu ngọt nó không đi vào tai, nó dường như đi thẳng vào trong trái tim hay sao ấy. Tôi hỏi sao em lại chọn ngành Thủy lợi, con gái vào ngành này cực lắm. Em cười: Thi Đại học, mấy nhỏ bạn thân thi vô đây em cũng chọn luôn cho vui! Chúng tôi gặp nhau đôi ba lần nữa thì cống dẫn nước qua QL cũng đã xong, nhóm thực tập của em chuẩn bị chuyển vào Tam Xuân. Vậy là em lại đi, có một cái gì đó bâng khuâng vương vấn trong lòng. Chiều hôm ấy tôi ra xã nhận giấy báo nhập học, chắc nhỏ TT cũng nhận được rồi, nó vui lắm đây. Tương lai rộng mở phía trước. Công việc yêu thích lại được đi đây đi đó nhiều, lòng tôi rộn ràng những cảm xúc.
Tâm hồn lâng lâng bay bổng, trên đường về thì tiếng ai đó gọi giật ngược phía sau: Anh Uyên, anh Uyên!” Tôi quay lại, nhỏ TT dừng xe ngay trước mặt cười toét cả miệng: Giấy báo, em có giấy báo nhập học rồi nè. Trông em vui như chú chim non bay giữa bầu trời xanh làm tôi thêm hưng phấn.
TÁM
Hành trang đem theo để nhập học chẳng có gì ngoài mấy bộ đồ, mà đồ cũng chẳng ra làm sao. Đồ cũ trước một chín bảy lăm, áo thì tàm tạm, còn quần nếu sửa nhỏ ống lại thì trông nó kỳ kỳ, còn để vậy cũng ngại do rất ít người còn mặc. Thôi có chi dùng đó nên chắc chả có gì phải chuẩn bị.
Khi quyết định làm một chuyện gì quan trọng cho tương lai thật không hề dễ dàng, vừa háo hức lại vừa lo lắng. Vừa chợt nhận ra điều này lại bỗng xuất hiện chuyện kia, mệt thật. Hai ngày nữa lên đường. Sáng nay tôi đạp xe vô Tam Xuân thăm HN và cũng để chia tay em. Hơn hai chục cây số, tôi đạp một lèo không hề biết mệt. Mới tròn mười ngày em đi mà tưởng như lâu lắm. Thời gian quen nhau chưa dài, gần nhau chưa lâu mà cứ nhớ nhớ mong mong sao ấy.
Chừng tám giờ rưỡi tới Tam Xuân, nhóm của em đã xuống công trình thi công cầu máng dẫn nước cách nơi ở khoảng hơn ba cây số, cậu bé con chủ nhà dẫn tôi đi. Ngoài quê, kênh mương còn đang làm, ruộng đồng khô khốc, hạt lúa gieo xuống cho ra những thân mạ quắc queo, vàng hoe như tăm hương đang ngửa mặt chờ mưa. Trong này (Tam Xuân) kênh xong đoạn nào nước về đoạn nấy. Nhìn những thửa ruộng xanh rì lúa non, mượt mà gợn sóng tỏa hương đồng cỏ nội làm quyến luyến bước chân. Rồi mai đây quê tôi cũng sẽ đổi thay, cũng sẽ tràn đầy sức sống, mang lại cơm no áo ấm cho mọi người. Trong đó có những giọt mồ hôi dù nhỏ bé thôi, của em - cô gái Huế ạ. Nghĩ tới đó tôi bật cười, chân bước nhanh hơn.
Tôi báo tin rằng vài hôm nữa tôi phải đi, chắc lâu lắm mới có thể về thăm em. Em chúc mừng tôi nhưng trong đôi mắt em thoáng buồn. Lúc ấy tôi thật vô tâm, cứ hào hứng nói về công việc của mình trong tương lai. Em ngồi nghe im lặng, thấy em có vẻ không vui lại tưởng do tôi sắp phải đi xa nên em buồn, tôi lại càng cố hài hước để thời gian bên nhau vui hơn. Em cười mà như mếu: Tụi em ở đây hai mươi ngày nữa rồi về lại trường để làm Luận văn tốt nghiệp, nếu có dịp về thăm nhà thì ghé trường anh hí. Hai đứa dạo trên bờ sông, nơi nhóm em thi công cầu máng dẫn nước qua sông. Gió chiều lồng lộng, mang hơi nước từ sông lên lành lạnh làm chúng tôi nép sát vào nhau. Chúng tôi đi lang thang như thế giữa mênh mông đất trời, giữa mênh mông biển lúa thì con gái.
Tôi về đến nhà gần bảy giờ tối. Đêm về không ngủ được, tôi đi dạo dọc theo bờ kênh. Trăng mười sáu lên xế đỉnh đầu, soi rõ những đoạn kênh chưa hoàn thành. Mùi đất phở ra đắp kênh, mùi un trấu, mùi phân bò mới ủ của nhà ai chưa hoai, thoang thoảng trong gió quyện lại thơm nồng của sự cơ cực đói nghèo. Trăng đêm hè sáng quá, ước gì có em bên cạnh nhỉ, chúng ta tay trong tay anh sẽ đưa em đi hết đoạn kênh này, đi khắp cánh đồng này, đi vào xóm làng để cảm nhận sự cơ cực của người dân quê anh. Từ sự gian khó hôm nay, chúng ta sẽ gắng bó với nhau hơn, mong ngày mai tươi sáng hơn, với sức trẻ anh và em sẽ làm được điều đó. Chúng ta chưa từng hẹn nhưng cùng tìm kiếm nhau, phải thế không em?
Chiều nay định đạp xe ra nhà nhỏ TT mà xe bị bung triên nên đành thôi. Chưa biết phải làm cách nào để báo tin với nhỏ đây. Tôi đã quyết định không đi ngành kịch nghệ nữa và sẽ chọn công việc khác phù hợp hơn. Làm một nghề mà dong ruỗi khắp nơi sẽ rất thú vị, nhưng giờ đây đối với tôi thật không ổn. Mỗi người có một con đường để đi, sự chọn lựa nào biết được rủi may. Cứ làm hết sức mình những gì có thể để lên đường tìm khát vọng cho tương lai. Bởi nghĩ thế và tìm chọn người đồng hành - tôi đã chọn được người đồng hành - đó là em!
Khi quyết định không đi học đối với tôi chẳng khó lắm, vì đã thấy được con đường mình đi. Nhưng cái khó, cái khổ sở ray rứt của tôi lúc này là cô bé TT, tôi thương em quá! Em có thất vọng vì tôi không hả bé? Đến trường em có ngóng chờ tôi, tôi luôn nhớ em: “ “Không, không, em không thể xa anh, em không thể mất anh!” Tôi biết, từ kịch bản em đã chuyển những lời này vào trong trái tim em. Anh xin lỗi, anh là người tệ hại, người bỏ cuộc chơi, hãy tha lỗi cho anh.
Sáng nay em đón xe đò ra nhà rất sớm để tiển tôi. Khi biết tôi không đi em đã ôm chầm lấy tôi và khóc. Tôi để yên em khóc, tôi để yên cho hai tâm hồn hòa quyện lại. Ngoài trời nắng mới lên, rực rỡ trên những ngọn tre, bầu trời trong xanh cao vời vợi. Đôi chim sẻ líu lo trước hiên nhà như đón chào ngày mới.
CHÍN
Mùa Noel năm ấy chúng tôi cưới nhau.
Cuộc sống luôn diệu kỳ, nó cho ta buồn đau ray rứt, nó cho ta cay đắng xót xa, cho ta đớn đau tuyệt vọng và cũng cho ta hạnh phúc, nụ cười. Tất cả là chất liệu tạo nên con người hôm nay. Cũng cám ơn người Áo Xanh Áo Tím, Áo Đỏ Áo Vàng đã mang đến cho chúng ta những mong chờ, những hờn trách vu vơ, những giận dỗi chia tay, những cách ngăn oán trách, đó là nghịch cảnh, ngang trái cuộc đời, cũng cho ta biết yêu thương, giữ gìn trân quý những gì mình có.
Sao tình mênh mông quá
Đi qua trong đời tôi
Ôi từng người xa lạ
Lại ray rứt một đời.
Ta làm nhau đau khổ
Ta làm nhau chia xa
Như loài hoa hé nở
Sao tránh gió, mưa sa.
Tình yêu chỉ có một
Còn gần giống - vô cùng!
Giữa tháng mười hai trời gần như hết mưa, thỉnh thoảng lất phất phủ bụi như sương mù, còn lạnh thì đã đến đỉnh điểm. Vài ngày nữa đến Noel, ngày tháng tốt lành mà Thượng Đế dành cho nhân gian - chúng tôi quyết định chung sống với nhau!
Ra Huế, tôi đến trường Âm nhạc nhờ ba anh bạn Nhạc sĩ: HB, MĐ, VB cùng mấy bạn Sinh viên tham gia đoàn nhà trai cho đủ số lượng. Mẹ tôi cùng ông anh trong họ và cô bé C hàng xóm ra Huế. Đoàn chúng tôi tập trung tại cửa Hiển Nhơn gần trường Âm nhạc. Mọi người nhận phần của mình: Người cầm lồng đèn người cầm lọng, người bưng quả... Buổi sáng tinh mơ một đoàn rồng rắn đi về hướng đường Nhật Lệ. Trời rét căm căm, mấy anh em bên trường Âm nhạc sống ở Huế nên quen, mẹ tôi, ông anh và nhỏ C do chuẩn bị đồ chống lạnh mà cầm cự cũng khó khăn. Khi có cơn gió lướt qua mọi người run bắn lên, cái lạnh ở Huế vào mùa này dễ gì ai quên được.
Ngày quan trọng của chúng tôi - ngày hạnh phúc của hai đứa trong mùa Giáng Sinh an lành đã xong, tôi cám ơn anh em bạn bè giúp đỡ. Mẹ, ông anh bé C cùng tôi và em lên tàu trở về.
Cưới xong, những bộn bề lo toan, những gian khó bắt đầu hiện ra phía trước. Vào những năm 79 - 80 cả nước trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, đặc biêt là ở nông thôn. Mọi người đều thế, thiếu ăn thiếu mặc. Những nhu yếu phẩm quá khan hiếm nhưng mọi người gồng mình chịu đựng. Có hai vợ chồng mọi sự dễ tính hơn, hai người dễ chia sẻ hơn. Vì lẽ đó đối với chúng tôi mọi vấn đề cũng trở nên đơn giản. Qua tháng một năm sau em vô Tây Ninh nhận công việc ở Công trình Thủy lợi Dầu Tiếng. Đây là sự khó khăn nhưng cũng là hướng gơi mở, chúng tôi đón nhận vui vẻ.
Tôi là người luôn lạc quan dù bất cứ tình huống, hoàn cảnh nào. Dù có ra sao đi nữa thì mọi chuyện rồi cũng qua, cứ chuẩn bị tốt mọi thứ có thể, thế thôi. Một cái tết Dương lịch (giai đoạn đó quê tôi không ai quan tâm đến cái tết này). Tết thật vui trong gia đình đầy đủ vợ chồng và mẹ. Sau đó ngày mười sáu tháng một em đi. Chưa tròn một tháng sống bên nhau em lại đi. Nỗi buồn của tôi có thể là một, nhưng sự nhung nhớ trong em, cô đơn trong em vô cùng. Tôi còn có người thân bên cạnh, còn có làng xóm quê hương, còn có những con đường, góc phố, những quán cafe tôi và em cùng ngồi nhìn mưa rơi triền miên ở Huế. còn em trơ trọi nơi quê người, xa gia đình ba mẹ, anh chị em, không người thân bạn bè. Tôi biết thế nên yêu thương, trân quí em càng nhiều hơn. Tôi và em ra Huế thăm nhà, chơi hai ngày sau đó đưa em lên tàu vào Sài Gòn.
Phố khuya đường vắng thưa người
Ta đi tìm mãi bóng thời gian qua
Cây buồn điểm giọt sương sa
Bước chân in bước chân ta ngày nào
Những con đường của trăng sao
Những con đường của chiêm bao tìm về.
Phố khuya môi lạnh tái tê
Những con đường ấy bây giờ vắng em.
Từng vuông cỏ ghế công viên
Vì sao nhỏ ngủ triền miên vai gầy
Em ta giờ đã chim bay
Ôi con đường cũ ngày ngày đợi em
Bước chân ta vẫn từng đêm
Qua từng góc phố qua thềm nhà ai
Bờ vai, lành lạnh bờ vai.
MƯỜI
Thời gian chỉ làm dịu đi niềm đau chứ với anh thời gian không làm nguôi đi nỗi nhớ em. Mong nhớ cứ cồn cào, cứ gặm nhấm trong anh. Em bảo Ban chỉ huy Tổng công trình đồng ý nhận anh vào phòng Truyền thông của Cơ quan. Đây cũng là điều hay, hai đứa cùng làm thế này thì tốt quá. Ở đâu cũng được, làm gì cũng được miễn hai đứa luôn bên nhau, rồi chúng ta sẽ có những đứa con, chúng ta sẽ nuôi chúng nên người. Mọi chuyện rồi sẽ qua mọi cái rồi sẽ đến. Chúng ta trân quí ngày hôm qua, cố gắng hôm nay và mơ ước cho mai sau, em nhỉ.
Khi nhớ em tôi chỉ biết nhảy tàu ra Huế. Nhìn ngôi nhà, nhìn những người thân yêu, đi trên những con đường mà ta thường đi, ngồi những quán cafe mà ta thường đến. Không gian này cảnh vật kia dù chẳng đổi thay nhưng sao lòng ta buồn hiu hắt. Nhiều lúc nghĩ vô thăm em nhưng cứ ngại ngần, cứ chần chừ dù lòng đang thôi thúc. Cuộc sống này đầy rẫy nỗi lo toan, người dân càng ngày càng khó khăn, đói kém cứ lởn vởn đâu đó trong mỗi người. Những thực tại này vẫn không làm tôi thôi nhớ em và tôi quyết định vào Tây Ninh. Nói là làm, tôi chuẩn bị khăn gói quả mướp vắt vai lên đường. Tiền nhận nhuận bút dành dụm bấy lâu cũng chẳng được bao nhiêu. Thời Bao cấp nghĩ đến thật đau đớn rùng mình, nhưng chúng ta lại không quên được. Nó có gì đó vừa xa vừa gần vừa như cổ tích vừa như hôm qua. Nó đưa đến sự khốn khó thì bên cạnh cũng xuất hiện sự cảm thông, sẻ chia và yêu thương của những người cùng khổ.
Tất cả những điều kiện tôi có thể có được thì chỉ còn phương án duy nhất để thực hiện: Nhảy tàu trốn vé để vào Sài Gòn! Trước hết phải điều tra, xem xét kỹ lưỡng ở khu vực ga đi và ga đến, có lối nào có thể vào ga mà không phải qua cửa soát vé. Tiếp theo khi lên được tàu còn phải tìm chỗ nào ngồi kín đáo mà không làm ngứa mắt những nhân viên tàu. Chỉ cần nhìn không ưa mắt, nó hỏi: “Vé đâu?” Là tiêu tán đường với nó. Tàu chợ thì ga nào cũng dừng lại, người lên kẻ xuống tấp nập, gồng gánh tay xách nách mang, í ới gọi nhau như ong vỡ tổ. Lúc đầu tôi ngồi thu lu một góc vừa trốn soát vé vừa quan sát được chung quanh, nhận thấy đi tàu có một bộ phận người buôn bán, chở nhiều hàng nhưng không muốn xuống ga vì phải trả tiền vận chuyển hàng và thuế vụ. Họ thường xuống dọc đường khi tàu chạy chậm. Tôi tham gia khiêng hộ hàng để quăn xuống cửa sổ tàu, nhận lại công với mấy hào lẻ, cũng có khi được vài đồng, góp nhặt vậy cũng ấm lòng.
Tàu gần tới ga Bồng Sơn tôi đã chuyển được mấy kiện hàng thả xuống đất. Tiền công hai đồng chưa kịp lấy thì chị ấy đã nhảy xuống đất khi tàu chạy chậm để chuẩn bị vào ga, tôi xót của nhảy theo lấy tiền, rồi lại phải đi bộ dọc theo đường ray vào ga. Lúc gần đến nơi thì tàu chạy, nhảy theo không kịp đành ở lại đợi tàu sau.
Ngày ấy, những sân ga tỉnh lẻ nó nhỏ xíu nhưng tấp nập người đi kẻ đến. Ga xép ở huyện còn thảm hơn, nó tối om om chỉ sáng mỗi cái nhà ga bé tẹo. Tôi tìm một góc khuất ngồi chờ chuyến tiếp theo. Móc cái bánh ú mua khi sáng, lá gói khô khốc như được phơi nắng giòn tang. Bánh gói nửa nếp nửa gạo nhân thì dăm ba hột đậu đen, vậy cũng đã quá tốt cho cái bao tử lép xẹp. Đang ngồi ăn lép nhép chợt nghe mé trái ga có tiếng ồn ào, tiếng em bé khóc rồi tiếng cười rồi tiếng phụ nữ, thì cũng bình thường ở nơi đông người. Tôi ăn tiếp miếng bánh cuối cùng thì bỗng nghe tiếng phụ nữ: Các anh không được đùa thế! rồi lại nghe tiếng khóc trẻ con, tôi đứng lên đi lại, thấy hai thanh niên choai choai chọc ghẹo một cô gái đang bồng con đứng đợi tàu. Bọn nó sổ sàng: Chồng bỏ hả, về với anh đi! Nói xong, một thằng tiến tới bẹo má người mẹ trẻ. Cô gái một tay bồng con, tay kia đẩy nó ra, tôi nóng mặt tiến đến: Không được đùa thế, vợ con tôi đấy! Rồi quay qua cô gái: Em có sao không? Bọn kia thấy có người nhà đến nên gầm gừ bỏ đi. Cô gái tròn xoe mắt nhìn tôi, tôi cười: Không nói thế dễ gì bọn nó để em yên. Cô gái cười cám ơn tôi. Nhà em ở Hoài Xuân, em đi thăm chồng làm Công an ở Tây Ninh, tôi thấy cũng tốt, có người đồng hành trên đường thiên lý sẽ bớt đi cô độc, sẽ không là “Độc lai độc vãng” nữa. Phải thừa nhận một điều rằng ngày ấy con người sống với nhau đầy tình nhân ái. Tôi phụ em xách đồ lên xuống khi đổi tàu, hoặc bồng giúp con khi em cần đi đâu đó. Dù làm gì thì tôi vẫn luôn dõi mắt tới nhân viên soát vé, thấy nó xuất hiện là tôi phải lẩn tránh ngay, tránh tuyệt đối không thể để nó bắt. Sẽ rất ê mặt nếu bị tóm ngay trước mặt cô em mới quen. Phải giữ thể diện chứ lị. Cảnh giác cao độ nhưng rồi cũng không qua khỏi nắng, tôi bị tóm khi tàu rời ga Nha Trang. Xế chiều trời khá oi bức, tôi ra chỗ giáp hai toa hóng mát, ở đó cũng có mấy thanh niên trạc cỡ tôi đứng. Bỗng tụi nó bu vào thanh lan can nhoài người ra ngoài. Tôi quay lui thì thấy bóng áo xanh của soát vé, không còn cách nào khác, tôi đi gần như chạy qua toa sau để núp. Sắp ngang qua chỗ hai mẹ con cô em ngồi thì bên kia đi lại cũng có tên áo xanh soát vé. Thôi chết, lần này hết thoát rồi, bị bắt vì tội trốn vé trước mặt cô em, trời ạ. Tên áo xanh tiến tới hỏi một cách cộc lốc: Vé đâu? Hầu như trời sinh ra chúng là để phát ra những âm thanh khô khốc ấy. Tai tôi lùng bùng, nó phát lại: Vé đâu? Mặt tôi xanh như đít nhái chuyển sang đỏ lừ khi sự việc lại diễn ra ngay trước chỗ hai mẹ con cô gái mới quen. Tiếng the thé “Vé đâu” vừa dứt thì một âm thanh trong trẻo ngọt ngào từ chỗ em ngồi phát ra: Dạ, vé đây ạ! Tôi quay nhìn em như nhìn một vị Thiên sứ từ trời cao xuống cứu vớt linh hồn thằng tôi. Em chìa hai vé Nha Trang - Sài Gòn ra. Hóa ra khi tới ga Nha Trang em nhờ tôi bồng con em đi vệ sinh là đây sao? Em thật tinh tế, một cô gái nông thôn mà ý nhị đến lạ thường. Cám ơn em, cám ơn những con người luôn tử tế, đồng cảm với nhau.
MƯỜI MỘT
Vậy là từ Nha Trang đến Sài Gòn tôi đàng hoàng như một hành khách đi tàu, không cần phải né tránh bọn áo xanh soát vé nữa. Tôi còn biết thêm một thông tin thật tuyệt vời là Hương, cô gái đồng hành không chỉ đến Tây Ninh, mà em còn đi tiếp đến Bàu Năng, Phước Minh. Nơi Cơ quan Công trình Thủy lợi Dầu Tiếng đóng. Chồng em công tác ở địa phương Phước Minh. Vì từ Sài Gòn lên Phước Minh, tôi còn phải qua mấy lần đổi xe nữa và đây là điều quá tốt cho tôi.
Tôi và Hương cùng cháu bé xuống ga Bình Triệu chừng hơn bốn giờ chiều. Hương bồng con còn tôi đi bên xách giỏ đồ qua cầu Bình Triệu để đến bến xe Miền Đông. Đi qua hơn nửa cầu tự nhiên nhìn qua lề bên kia cầu thấy có một người vừa đi qua trông rất quen, tự nhiên tôi buột miệng: Cương! Cương! người được gọi quay lại. Trời ơi, không có niềm vui nào hơn thế! Thằng bạn chí cốt ngoài quê. Nó trước bảy lăm học ở trường TSQ Vũng Tàu, sau về quê cũng lang bang như tôi. Cương hát hay đàn giỏi cùng vào đoàn ca nhạc với tôi, sau tôi nghỉ nó cũng nghỉ. Tôi thì làm việc linh tinh còn nó bương chải vào tận Cà Mau làm kinh tế. Hai đứa gặp nhau mừng quá đứng trên cầu nói hết chuyện nọ xọ chuyện kia, đến khi nhớ sực còn hai mẹ con Hương đứng đợi. Ngày tôi cưới vợ, Cương không dự được nên khi tôi nhìn qua Hương đang bồng con nó tưởng vợ tôi nên đến chào đon đả: Chào em, anh là bạn nó. Rồi nói với tôi: Mi làm ăn sao nhanh rứa, có con rồi à? Hương mặt mày đỏ lựng: Dạ em... dạ em... Lúc này nó chưng hửng: Ủa, sao vợ mi không nói giọng Huế? Tôi cười chảy cả nước mắt. Sau đó nói cho nó nghe sự việc. Tôi và mẹ con Hương gặp nhau như thế nào và Hương đi về đâu. Cương nổi máu: Có tao, tao dần tụi nó môt trận cho bỏ thói... dê. Trước khi chia tay, nó trở về quê còn tôi đợi ngày mai bắt xe đi tiếp, nó cầm tay tôi nói: Tao về nhà nên không có gì phải lo lắng, còn mi tiếp tục đi nên cầm lấy cái ni, nó sẽ giúp mi giải quyết phần nào đó dọc đường. Tôi cầm tờ mười đồng trong tay đôi mắt cay cay chỉ biết nói: Tao cám ơn mày!
Chia tay sau cuộc hội ngộ với Cương, tôi và hai mẹ con Hương tới gần bến xe Miền Đông thuê phòng ngủ. Do bến xe bến tàu quá nhiều phức tạp mà Hương là môt cô gái quê ít đi ra, hơn nữa lại có con nhỏ, nên em đề nghị hết sức tha thiết làm tôi thật khó xử: Mình thuê phòng đôi nha anh, anh ngủ với mẹ con em, giúp em với, em rất sợ. Em “rất sợ” còn tôi thì “sợ vô cùng”! Nhưng nhìn khuôn mặt và đôi mắt như cầu khẩn van xin của em, tôi chưa biết phải nói thế nào cho ổn vì sơ ý sẽ làm tổn thương em. Tôi biết thời gian qua em quí tôi như người anh trai và tôi cũng thương em như đứa em gái. Tuy thế, nào ai biết được chữ ngờ, nào ai biết được... Nghĩ đến đây tôi chạnh lòng nhớ về HN. Chỉ còn ngày mai nữa thôi mình sẽ gặp nhau, em yêu ạ! Để Hương yên lòng, bọn tôi đến mướn phòng đôi, khuya đợi hai mẹ con ngủ say, tôi ra ngoài thuê cái ghế xếp nằm ngoài cửa. Chủ trọ ngạc nhiên, tôi nói do tôi ngáy to quá em bé không ngủ được. Sáng dậy thấy trên mình tấm áo khoác Hương hay mặc đắp lên người. Tôi đang lui cui dọn ghế thì em về, đứa con được cột bọc trước ngực. Em bé vẫn còn đang ngủ say, em bảo: Em mua hai vé đi Tây Ninh cho anh với em rồi, bảy rưỡi xe chạy. Tôi cảm động cúi xuống hôn vào trán em bé: Cám ơn em, cám ơn hai mẹ con em.
Vé ghi bảy giờ ba mươi nhưng đến tám giờ rưỡi xe mới chạy. Một trăm cây số với tốc độ bình thường thì hơn hai tiếng đồng hồ là tới Tây Ninh. Xe đã chạy như rùa mà lại còn ngừng đón khách dọc đường, thành ra gần mười hai giờ mới tới Tây Ninh. Chúng tôi bắt tiếp xe đi Bàu Năng. Từ Tây Ninh đi Bàu Năng không xa nhưng xe nhỏ đường xấu nên đến gần hai giờ chiều mới tới Bàu Năng. Từ đây đi Phước Minh đường xa lại khó. mỗi ngày chỉ có ba chuyến xe, sáng hai chuyến chiều một chuyến. Bàu Năng là thị trấn nhỏ còn Phước Minh là xã vùng cao ít dân, nên chuyến xe chiều chạy sớm để bắt khách dọc đường. Điều đáng buồn là chúng tôi vừa đến là nó đã chạy rồi. Chẳng có cái bực mình nào giống bực mình nào, nhưng bực mình lần này là tệ hại nhất. Không lẽ ngồi chờ đến tối rồi qua sáng mai hay sao, chán quá!
Em bé con Hương lại sốt. Nó sốt từ chiều qua nhưng nhẹ, sáng nay không thấy sốt nữa giờ lại sốt, nóng hơn hôm qua. Tôi bảo Hương bồng bé đi trạm xá khám. Nói xong tôi đi vô mấy nhà gần bến xe hỏi đường đến trạm xá, rồi trở lại chỉ Hương bồng con đến đó. Mặt Hương bơ phờ lo lắng trông thật tội. Tôi không nỡ để Hương tự lo, hơn nữa hiện giờ tôi cũng không biết đi đâu về đâu nên dẫn Hương đi. Hương nhìn tôi ái ngại: Anh để em bồng con đi khám cũng được, anh đã giúp em nhiều quá. Tôi an ủi: Em đừng suy nghĩ gì nhiều, ai ở trường hợp của anh cũng làm thế thôi. Trạm xá không xa lắm, chúng tôi đến trong trạm vắng vẻ, có một người vừa ra tôi đến hỏi thăm và nói Hương bồng con vào khám. Chị Ysĩ còn trẻ trạc ba mươi tuổi người Huế đến khám cho em bé. Tôi đi ra sân ngồi xuống ghế đá cạnh gốc cây móc thuốc hút, lát sau Hương bồng con ra, chị Y sĩ cũng theo ra: Chưa có biểu hiện gì khác chỉ sốt thôi, lúc nào vợ chồng em thấy cháu sốt cao thì đắp khăn mát hạ sốt cho cháu. Tôi định nói về mối quan hệ giữa tôi và Hương, nhưng chắc cũng không cần thiết nên thôi. Tôi rời khỏi ghế đá, nắng trên Tây Ninh như phà lửa vào mặt, tôi buồn bực xách giỏ đồ cùng Hương ra cổng trở về bến xe Bàu Năng.
MƯỜI HAI
Hương bồng con quay sang hỏi chị Y sĩ: Chị cho em hỏi gần đây có phòng trọ không ạ? Chị nhìn Hương rồi nhìn sang em bé: Ở thị trấn nhỏ vắng thế này ai mở nhà trọ làm chi. Bọn em chờ xe đi Phước Minh à, em chị cũng làm ở trên đó, tụi nó sáng mai cũng đi. Chị Y sĩ định trở vô Trạn xá nghĩ sao lại quay lui: Ở đây không có phòng trọ nhưng nhà chị có một phòng trống, trước đây xây cho mấy Công nhân máy xúc ở, nếu muốn vợ chồng em có thể ở tạm cũng được. Tôi đứng đợi trước cổng, Hương ra nói lại những lời của chị ấy, tôi thấy chẳng còn cách nào khác nếu không muốn ra ngủ ngoài trời, đành vậy thôi.
Chị Nga là Trưởng trạm Y tế. Vợ chồng chị chuyển vào đây năm một chín bảy bảy, chị cho người dẫn bọn tôi về nhà. Căn phòng chị cho ở tương đối rộng, chẳng có gì ngoài mấy cái giường gỗ. Hương vào phòng cho em bé ngủ, nó còn sốt thỉnh thoảng Hương phải đắp khăn mát cho nó. Đi xa mệt nên hai mẹ con nằm xuống là ngủ luôn. Tôi ra ngoài đi loanh quanh trong vườn. Trời còn nắng, cũng đã hơn ba giờ chiều, cây cối ở đây tương đối nhiều nhưng cái nóng cứ hừng hực trong người rất khó chịu. Định ra cổng đi dạo cho khuây khỏa thì có cô gái từ ngoài đường đi vào, dường như đã gặp ở đâu đó. Khi qua mặt, tôi quay lại nhìn và lục tìm trong trí nhớ xem, bất ngờ cô ấy cũng quay lại. Tự nhiên cô ấy lên tiếng: Hình như em có gặp anh ở Tam Xuân Quảng Nam? Tôi quá bất ngờ với giọng Huế của cô gái: Em là Quyên phải không? Cô gái reo lên: Anh Uyên! Không còn nghi ngờ gì nữa, mừng quá tôi đâm ra quên cả ý tứ chụp lấy tay Quyên lay mạnh, nói không kịp thở: Sao em ở đây, em có làm chung cơ quan với vợ anh không? Quyên chưa trả lời vội, nhìn tôi rồi nhìn vào phòng hai mẹ con Hương đang ngủ, hỏi: Anh đi với ai vậy, nghe chị Nga nói có cặp vợ chồng nhỡ đường xin trọ, là sao? Tôi kể sơ qua cho Quyên nghe, Quyên cho biết vợ tôi có về đây chơi hôm thứ bảy, sáng mai hai đứa về lại cơ quan và hiện giờ vợ tôi đang đi chợ. Tôi hỏi chợ ở đâu rồi phóng đi ngay.
 Chợ Bàu Năng nhỏ tí xíu, đứng đầu này nhìn rõ người đầu kia nên tìm em không khó. Tôi nghĩ sẽ chạy bay đến gặp em để bỏ đi những ngày nhung nhớ, nhưng khi thấy rồi tôi lại đứng lặng nhìn em. Thương em quá! Dù công việc bận rộn có thể làm em nguôi ngoai, dù bạn bè có bên em chia sẻ, quan tâm nhưng sao vẫn thấy sự cô đơn, thui thủi một mình trong em. Từ hôm nay anh sẽ mãi mãi bên em, không một lý do gì làm hai đứa mình chia xa nữa. Tôi nhẹ nhàng đi đến bên, đang mua đồ chợt nhiên em ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi, em tròn mắt quá đỗi ngạc nhiên, tôi ôm chầm lấy em bất kể lúc ấy mọi người nhìn hai đứa tôi. Trong tôi lúc này chỉ có em còn tất cả chung quanh mọi thứ đều tan biến.
Em và Hương ngồi dưới tàn cây vú sữa. Cháu bé đã ổn, mọi người chuẩn bị tổ chức liên hoan tối nay, nhân cuộc hội ngộ không hẹn trước và cũng để sáng mai chia tay. Tôi định bụng em ngồi chơi với Hương một tí rồi sẽ rủ em đi dạo thì Quyên đến, nó kéo tôi ra ngoài cổng, Quyên là bạn thân và học cùng lớp với vợ tôi, đợt đi thực tập mùa hè năm trước Quyên ở Tam Xuân nên khi vào thăm có gặp vài lần, nó nói: Lúc nhìn thấy anh ngoài cổng em nhận ra, nhưng vì chị Nga nói có hai vợ chồng xin trọ thành thử em nghĩ rằng sao lại có người giống thế hì, đến khi biết là anh, em định túm cổ trị anh một trận rồi nói nó về xử tội. Tôi cười: Sau đó em vô truy vấn nhỏ Hương phải không? Quyên nhìn tôi: Tất nhiên. Rồi cả hai cùng cười. Hôm sau chúng tôi tạm biệt chị Nga lên đường về Phước Minh. Hương mời vợ chồng tôi và Quyên về nhà chơi, chúng tôi xin hẹn dịp khác. Quyên cùng vợ tôi làm ở phòng kỹ thuật công trình, biết tôi vô chơi cơ quan cho em được nghỉ một tuần.
Quê tôi có hồ thủy lợi Phú Ninh, môt công trình lớn nhất của miền Trung, nhìn sự vĩ đại của nó đã thấy choáng ngợp. Hồ Dầu Tiếng còn dữ dội hơn, Phú Ninh lớn thế mà đứng hàng thứ hai sau Dầu Tiếng. Em đưa tôi đi thăm công trường chính, nơi đây thấy thi công toàn cơ giới. Máy xúc, máy ủi, máy đào, máy đầm đứng từ xa nhìn giống như đồ chơi trẻ con. Nắng chói chang, đất tươi roi rói vừa được xới lên bụi bay mờ mịt, máy xúc máy đào gầm rú suốt ngày như vậy mà thân gái như em làm việc và sống ra sao, chạnh lòng tôi nhìn em mong manh yếu đuối, sao nghị lực, sự chịu đựng làm em lạc quan đến thế, thật sự tôi xót xa đau lòng. Em bảo rằng chỉ có công việc mới làm em nguôi nhớ anh, đêm về em lại khóc. Tôi cầm tay em áp vào ngực mình: “Dù bất cứ hoàn cảnh nào anh cũng không bao giờ xa em nữa”. Em cho biết, nếu anh vào đây cơ quan sẽ cấp đất cho vợ chồng mình định cư, còn anh trước mắt sẽ làm bên tờ Tin tức của công trường. Nhưng theo em, nơi đây cũng chưa phải là “đất lành” để mình chọn làm nơi an cư, vì tương lai chúng ta và các con... Những ngày ở đây tôi được tiếp xúc với nhiều người trong cơ quan em, những người dân trong vùng và cũng có những nhận xét giống em, nên dù đã mang hồ sơ vào nhưng tôi chưa vội nộp, để thêm một thời gian nữa xem sao.
Sau một tuần được nghỉ, em đi làm lại còn tôi rảnh nên đi khắp nơi tham quan, cuối cùng cho rằng ở đây dù nhiều năm sau có thể trở nên trù phú, trở thành nơi du lịch phát triển thì tôi vẫn muốn chọn quê hương xứ Quảng, điều này cũng đồng nhất với ý nghĩ của vợ tôi. Thế là không cần phải đắn đo suy nghĩ, và một quyết định tối quan trọng giữa vợ chồng tôi cho tương lai của chính mình: “Bỏ việc, về quê!” Mặc dù nếu vào đây chúng tôi sẽ có công việc ổn định, được cấp đất  làm nhà, một tương lai đảm bảo mà không quá lo lắng về kinh tế, không phải nghĩ ngợi về từng bữa ăn, không phải thiếu trước hụt sau...
Hôm nay là Chúa nhật, tròn hai tuần tôi vào đây và cũng là ngày chúng tôi rời khỏi nơi này. Em vào nhận công tác mang theo một xách tay và một thân một mình giờ từ giã chốn này cùng với hành trang ấy còn có tôi bên cạnh. Em bảo giờ đây em có thể đi bất cứ nơi nào, sống với bất cứ hoàn cảnh nào em cũng vẫn thấy hạnh phúc, vì đã có anh. Tôi cầm tay em siết mạnh: “Chúng ta lên đường!”
MƯỜI BA
“Thượng Đế sẽ không cho bạn tất cả những gì bạn muốn, Ngài chỉ cho bạn một phần mà thôi, bạn phải tự mình nỗ lực để lấy phần còn lại”.
Hai mươi năm sau.
Cuộc đời vật đổi sao dời, dâu bể tang thương, mọi cái đều dịch chuyển đổi thay, mọi vật trong đời không gì ngoại lệ.
“Thôi hãy bình yên ngủ đi em
Trăng thanh gió mát sương buông rèm
Đêm đêm nghe suối reo ngoài bãi
Ru giấc ngàn thu, ngủ đi em.
Rồi có khi nào chợt nhớ quê
Anh xin làm gió đưa em về
Muôn năm chốn cũ đường xưa nhớ
Em ngủ bình yên, sao tái tê.”
Khu du lịch Nhất Tự Sơn đi vào hoạt động, tôi được Cty phân công phụ trách khu du lịch. Vừa quản lý khu du lịch vừa công trình cảng cá Dân Phước, công việc rất mất thời gian, tôi đề nghị Cty điều chuyển đến một thư ký.
Sáng nay về Tuy Hòa có việc chiều ra lại Sông Cầu. Đoạn đường năm mươi cây số do đi lại thường xuyên nên thấy cũng không xa bao nhiêu. Chiều nay không gấp gáp gì nên rong xe ngắm cảnh. Thú thật đi nhiều lần nhưng chưa khi nào có thời gian để ngắm cảnh. Qua khỏi gành Đỏ, tôi cho xe chạy chầm chậm vì vừa rồi đi qua một nhà ai đó trồng rất nhiều hoa hồng. Tôi không phải là người quá yêu thích hoa hồng nhưng một khoảng thời gian dài từ ngày Em đi, rồi vào làm công trình kè đường Qui Nhơn - Sông Cầu, kè chắn sóng Tam Giang - Mỹ Hải, KDL Nhất Tự Sơn, cảng cá Dân Phước đã làm con người tôi trở nên khô khốc, tóc tai râu ria lởm chởm nên đôi khi cũng cần làm một cái gì đó cho tâm hồn dịu nhẹ, thăng bằng trở lại. Chợt nghĩ thế nên vườn hồng nhà ai đó đã gợi cho tôi thoáng chút bâng khuâng. Đi chậm hơn chút nữa để khỏi phải vượt qua như vừa rồi. Cho xe dừng lại dưới chân dốc Quýt một đoạn tôi tấp qua lề trái, vườn này hoa không nhiều nhưng cũng đẹp rực rỡ. Vào chào chủ nhà, mời anh ấy điếu thuốc, khen anh ấy có vườn hoa quá đẹp rồi xin được... Đi quanh ngắm hoa, cuối cùng đề nghị nếu được anh cho tôi một bông hồng. Vâng chỉ một bông hồng! Tôi nhận bông hoa, cám ơn rồi chào anh ra về. Tôi đặt đóa hoa hồng vào giỏ xe, hồn tươi phơi phới lên xe chạy về Nhất Tự Sơn. Suốt mấy năm nay tôi chưa tặng hoa cho ai bao giờ, chừ nghĩ vui rằng: Người gặp đầu tiên sẽ được tôi tặng đóa hồng này. Niềm vui và ý nghĩ vu vơ ấy theo tôi suốt đoạn đường. Cũng có khi người được tặng ấy lại chính là thằng tôi, vì gần tới nơi rồi mà không gặp được ai, chỉ toàn là đực rựa vẫy tay chào hỏi. Tất nhiên chẳng đàn ông nào lại tặng hoa hồng cho đực rựa cả. Về tới phòng tôi để xe ngoài sân, cầm bông hồng định đem cắm vào ly ngắm cho đời thêm tươi cũng được. Vừa bước chân lên hiên: Em chào anh ạ! Tôi ngạc nhiên: Chào T, em tìm anh à, chờ có lâu không? T bước ra hiên: Ái chà chà, cô nào tặng anh hoa hồng thế? Tôi cầm lên: Hoa anh xin dọc đường, định sẽ tặng nó cho người con gái nào anh gặp đầu tiên. Người gặp đầu tiên là em đấy. Nói xong tôi tặng cho T, em cám ơn và cho biết em được điều về đây làm thư ký cho tôi. Một niềm vui nho nhỏ lan tỏa trong tôi và T từ đóa hồng ấy. Chẳng biết em có yêu hoa không nhưng nhìn em chăm sóc, đóa hồng tươi rất lâu trên bàn làm việc của tôi. Từ khi có T căn phòng như rạn rỡ hẳn lên. Thường mỗi bữa ăn tôi hay ra quán, giờ thì cả hai cùng dùng bữa tại phòng.
Một hôm, chiều thứ bảy rảnh rang hai anh em ngồi trong phòng nói chuyện phiếm, T chợt hỏi: Lâu nay anh Uyên đã chọn được cô nào trong Cty chưa? Tôi buột miệng: Khó nói lắm! T cười: Có cả mấy chục nàng xinh như mộng, anh chần chừ gì nữa, nhanh còn cho tụi em ăn bánh chứ. Tôi chưa biết phải trả lời với T như thế nào bởi công việc nhiều và liên tục, các công trình cần hoàn thành nên tôi cứ lao đầu vào. Nay công việc tương đối ổn, để T không đặt ra những câu hỏi khó, tôi nói: Anh có rồi, đã chọn cô nàng cho mình rồi em. Tưởng trả lời thế là yên chuyện, nào ngờ T hỏi dồn: Ai, ở đâu? Cho em biết với. Hỏi dồn thế tôi đâm ra luống cuống. Bởi môt thời gian dài Em đi xa, tôi đã rất buồn, ngoài thời gian lao vào công việc đêm về lại nhớ đến các con. Cứ thế nắng mưa công trình, cứ thế cát trắng biển xanh đã làm tôi khô cứng, như những cây dương liễu chắn gió xác xơ. Cũng vì lẽ đó tôi chẳng để ý gì chung quanh, tôi không quan tâm đến chính mình. Các em trong Cty rất thương và quí tôi nhưng chúng thấy tôi xa xôi quá, thấy gần trong gang tấc mà lại mịt mù xa. Chiều nay, T hỏi thế nên tôi lúng túng, đang tìm cách hoãn binh chợt một ý tưởng thoáng qua: Cho nhỏ T choáng nó sẽ hết bắt bí. Đợi nó dí thêm lần nữa tôi thú nhận: Ừ, trong Cty mình, em có muốn xem hình không? Mắt nhỏ sáng rực: Em không nói cho ai biết đâu, cho em xem đi. Tôi ngồi nghiêm chỉnh để T tin và đề phòng nếu có... phản ứng bạo lực thì tôi còn đường chạy. Tôi nói: Anh treo ảnh trong phòng mà em không thấy đấy thôi T dáo dác nhìn quanh: Đâu nào? Tôi chỉ vào góc phòng: Đấy, em lại đó sẽ thấy. T háo hức chạy lại, ngay trước mặt em, bức tường đối diện có tấm gương soi khá lớn, tôi hỏi: Em thấy chưa? T tròn mắt: Em vẫn chưa thấy. Tôi cười: Đang nhìn em đấy! T hiểu ra tự nhiên mặt đỏ bừng nhìn tôi: Anh hay đùa.
Bắt đầu từ đó, nhỏ T ít nói hơn và trong lòng tôi có cái gì đó cứ bâng khuâng, dịu nhẹ len vào, mỗi lần qua công trình cảng cá cũng muốn quay về sớm hơn, mong từng bữa cơm có không khí gia đình mà tôi và nhỏ T ngồi ăn. Những đêm trăng cùng nhau đi dạo trên bãi biển, nhìn từng con sóng ánh vàng đua nhau xô vào bờ. Tôi nhìn ra khơi xa thăm thẳm, nắm lấy tay em: Trước đây anh thường ra biển một mình, đêm bầu trời đầy sao thật yên lành. Xa xa là ánh đèn chài, đèn trên những lồng tôm hùm thắp sáng thêm cho những vì sao. Anh thường đi một mình như thế. Thật ra không phải chỉ một mình, anh đi với biển, giờ thì bên anh có em và cả biển nữa, hãy cùng anh đi tiếp cuộc hành trình nha em yêu. Gió biển khơi về khuya lồng lộng, em nép sát vào tôi: Mình ngồi ngắm sao đi anh. Chúng tôi tựa lưng nhau nhìn lên bầu trời sao, tôi hỏi: Nếu có điều ước, em ước gì? Em quay lại ghé sát vào tai tôi: “Chúng ta sẽ mãi mãi bên nhau, con chúng ta sẽ lớn lên trong tình yêu thương ấy.
Trên mặt biển mênh mông, đường chân trời vừa pha sắc tím, hai đứa nhảy ùm xuống biển bơi về phía những con sóng đang ửng hồng đằng Đông.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...