Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Hai mẹ con

Hai mẹ con

Ba Ngân bị tai nạn lao động mất khi em đang học lớp năm. Từ đó, cuộc sống của hai mẹ con Ngân có nhiều thay đổi. Không còn tiếng cười vui trong mỗi bữa ăn, mất dần những vòi vĩnh, nhõng nhẽo ở trong cô bé lên mười. Mẹ phải thay thế ba làm hết thảy mọi công việc ở nhà. Thời gian bên em cũng ít hơn, vì mẹ phải làm tăng ca ở nhà máy để có thêm thu nhập. Ngân cảm nhận được những đổi thay đó, nhưng em hụt hẫng tình cảm và trở nên ít nói.
Năm tháng cứ thế trôi đi. Cô Bích (mẹ Ngân) ngày ngày đi làm, lo toan cuộc sống gia đình. Lúc đầu thấy Ngân ít cười nói, cô nghĩ rằng do nhớ ba, thiếu vắng, hụt hẫng tình thương nên em buồn. Cô Bích thương con, nhưng quá ít thời gian ở nhà và cũng chỉ biết lo cho con cái ăn cái mặc, đến trường không phải thiếu thốn thứ gì để Ngân khỏi thua kém với bạn bè, nên cô cho rằng Ngân hiểu và thông cảm cho cô. Từ suy nghĩ đó cô càng nỗ lực ra sức làm. Mà thật, Ngân càng lớn nhu cầu càng nhiều. Nào là quần áo, sách vở, học thêm rồi bạn bè, Ngân bận rộn với chúng thì ngược lại cô Bích lại phải thêm giờ làm ở xí nghiệp nên trong bữa ăn, hiếm khi nào hai mẹ con có dịp cùng ngồi ăn với nhau. Cuộc sống của một gia đình nhỏ cứ thế lặng lẽ trôi đi. Thực ra Ngân là một đứa trẻ ngoan, học khá giỏi nhưng là một đứa trẻ trong giai đoạn hình thành nhân cách thì em lại bị đứt gãy,hụt hẫng tình cảm gia đình. Đôi khi Ngân biết mẹ đi làm đến tối mịt mới về, mệt mỏi rã rời trên thân thể gầy hao của mẹ,  Em biết điều đó, em thương mẹ. Nhưng biết và thương mẹ để cùng sẻ chia, đồng cảm với mẹ thì Ngân chưa hoặc không làm. Em xem đó là sự hiển nhiên như mẹ phải đi làm và em đi học. Chính vì những suy nghĩ «tất nhiên» ấy mà sự vô cảm dần xuất hiện để rồi lớn dần trong em, để rồi Ngân vô thức xem đó như là trách nhiệm, là bổn phận của mẹ. Biến em từ một đứa trẻ ngoan hiền trở thành cô bé Ngân lạnh lùng, dững dưng và khô cứng với mẹ.
Cuối tuần, có mấy nhỏ bạn đến chơi, Ngân chạy ra đầu ngõ mua trái cây về đãi bạn. Cả nhóm ở chơi đến sáu giờ tối, định về Ngân cản lại: - «bà cứ ở lại chơi thêm chút nữa, mai chủ nhật mà».
Cô Bích hôm nay đăng ký làm thêm nên đến hơn bảy giờ tối mới về tới nhà. Cô rất mệt nhưng do quen rồi nên cô chịu được. Duy có điều tâm trạng cô thật bất an, bởi qua tháng sau nơi cô làm việc bị cắt giảm giờ làm, một số công nhân khác phải tạm nghỉ việc không lương, còn cô do làm lâu năm, có kinh nghiệm nên xí nghiệp giữ lại cứ tuần làm tuần nghỉ. Tuy còn đi làm nhưng với tình trạng thế này thì nguy mất. Cô thẩn thờ ra khỏi xí nghiệp với tâm trạng mệt mỏi chán chường. Vài năm trở lại đây, đặc biệt là từ dạo dịch bệnh bùng phát đến nay làm ăn ngày càng trở nên khó khăn, kinh tế sa sút nhưng cô rất cố gắng để gia đình của mình vẫn đủ đầy và, cũng chính vì thế thời gian dành cho con cũng trở nên ít đi, dẫn đến sự ngộ nhận của cô bé đang tuổi mới lớn rằng mình không được quan tâm, mình không hề quan trọng trong mắt mẹ.
Đường phố đã lên đèn từ lâu, cô Bích lòng dạ rối bời, chẳng biết tình hình công ăn việc làm ngày mai sẽ ra sao. Những suy nghĩ không chắp nối được, cứ vụn vỡ trong lòng khiến cô càng thêm rã rời. Về đến nhà, thấy bé Ngân đang lui cui dọn dẹp, cô Bích thả túi xách đựng ca-men cơm ăn trưa xuống ghế, quay sang con:
- Để mẹ dẹp cho, con xuống dọn cơm, mẹ đói quá!
- Chiều giờ bạn tới chơi nên con chưa nấu cơm...
- Con biết ngày nay mẹ tăng ca mà.
- Nhưng chiều nay tụi bạn đến, không lẽ nói tụi nó về.
- Ý mẹ không phải thế.
Ngân cầm bao rác bỏ vào thùng, nhìn sang mẹ:
- Nhà còn mì tôm, con no rồi mẹ ăn mì tôm khỏi nấu cơm cũng được.
Tự nhiên những âu lo, buồn phiền trong công việc lại ùa về. Cô Bích ngã lưng ra ghế:
- Khỏi, mẹ nghỉ một chút. Mẹ không thấy đói nữa.
Ngân vô tâm không để ý đến tâm trạng, đến sự mệt mỏi  của mẹ, em dọn xong lấy điện thoại chat với bạn. Cô Bích nhìn con thở dài mệt mỏi. Ngân vẫn dán mắt vào điện thoại, nói:
- Mai sinh nhật nhỏ Hà, mẹ cho con năm trăm nha.
Cô Bích im lặng hồi lâu rồi hắng giọng:
- Sao nhiều thế? Mấy bận trước con xin một trăm...
- Nhà nó giàu, đi quà một trăm xấu hổ chết.
Cô Bích thở dài, giọng không vui:
- Mẹ chỉ có một trăm thôi.
Ngân xịu mặt, tắt điện thoại:
- Khỏi, con không đi nữa.
Em giận dỗi vùng vằng bỏ vô phòng. Cô Bích nhìn theo con, cô lại thở dài uể oải bước ra sân. Con hẻm hun hút sâu, thỉnh thoảng vài vệt sáng của đèn xe quét qua từng góc sân, ngôi nhà trong hẻm. Cô Bích đứng hồi lâu, sự bực bội cả giận dỗi khi thấy đứa con yêu của mình đã dần tách xa mình, đã trở nên dững dưng, xa cách với tình cảm của hai mẹ con. Cô lại lo lắng cho ngày mai, tương lai rồi sẽ ra sao khi công việc trở nên bấp bênh, sa sút. Khi nghĩ đến điều này cô Bích lại chạnh lòng, rơm rớm nước mắt. Giờ cô không còn giận con nữa, chỉ thấy uể oải rã rời, định vào bếp chế gói mỳ ăn tạm, cô ghé vào phòng xem bé Ngân ngủ chưa. Thấy con ngủ, nước mắt ướt đẫm mặt gối, cô cúi xuống nhẹ hôn trán con rồi kéo chăn đắp cho em. Ra khỏi phòng đến bếp làm tô mỳ, cô Bích không biết rằng Ngân chưa ngủ, em chỉ dỗi với mẹ khi không đáp ứng được những nhu cầu mà em cần, vì em quen được mẹ cưng chiều. Đến khi mẹ vào phòng, hôn và đắp chăn thì em đã muốn vùng dậy ôm mẹ, xin lỗi nhưng em không làm được, những lời ấy, hành động ấy vừa xuất hiện lại ngập ngừng biến mất. Em đã đánh mất điều tốt đẹp ấy từ lâu. Đứng nhìn mẹ ăn, em thương mẹ vô chừng. Thấy mẹ thật cô đơn trong ngôi nhà mà ngày xưa rộn vang tiếng cười.
Vì giảm một nửa thời gian nên cô Bích phải tìm việc làm thêm. Cô làm thêm công việc dọn dẹp nhà cho chủ theo giờ. Công việc thật sự nặng nhọc đối với cô nhưng bù lại tiền công cũng khá. Mẹ không cho em biết điều đó nhưng Ngân thấy mẹ dạo này mỗi lần về đến nhà mẹ bơ phờ, mệt mỏi và có vẻ gầy hơn. Sáng nay Ngân đi dự sinh nhật nhỏ Liên. Em dùng tiền ăn sáng của mình mua quà cho bạn, em rất hạn chế xin tiền mẹ. Giờ Ngân hiểu rằng đó là cách bớt đi gánh nặng, giảm đi sự nhọc nhằn cho mẹ.
   Sáng cô Bích đi làm. Ngân đến nhà Liên sớm để giúp bạn làm sinh nhật. Nhỏ Liên đang gọt trái cây trong bếp, Ngân định vào, Liên nói:
- “Bạn ngồi chơi đi, mình nhờ cô giúp việc cũng được”.
Ngân thấy cô giúp việc đang cọ sàn nhà nên em vào với bạn, Ngân nói:
- “Không sao, để cô ấy làm, mình vào phụ với bạn”.
Em đi vào bếp, nhìn thấy cô giúp việc Ngân sững sờ:
- “Mẹ!” Cô Bích bối rối:
- “Con... “
Hai mẹ con đứng lặng, mắt Ngân nhòa lệ, em ôm chầm lấy mẹ:
- “Mẹ ơi!” Cô Bích choàng tay qua vai Ngân:
- “Mẹ xin lỗi con”. “Không, không! Ngàn lần con xin lỗi mẹ”.
Trên gương mặt người mẹ, hai giọt nước mắt ngập ngừng rồi lăn dài trên đôi gò má. Những giọt nước mắt của đắng cay và hạnh phúc.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...