Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Nguyễn Vũ Quỳnh nguyên vẹn một hồn quê

Nguyễn Vũ Quỳnh
nguyên vẹn một hồn quê

Tập thơ Đối thoại với thời gian của Nguyễn Vũ Quỳnh có cảm giác như đang chạm vào nguyên vẹn một hồn quê, lấm láp đồng áng và trong trẻo mộng mơ. Từ khe nguồn ấy, những con chữ thơ bắt đầu tuôn chảy. Khi dào dạt ngập tràn, khi gấp khúc ghềnh thác. Song dẫu thế nào thì vẫn chân chất mộc mạc, vẫn thành thật nhưng không thô tháp. Nó không phải đĩa rau muống hôm nay được bày kiểu cách như một đặc sản dành cho những kẻ thèm khát sau miên man tiệc tùng. Nó vẫn là bát canh rau muống của nhà nông đi vào nỗi nhớ khi xa. Nguyễn Vũ Quỳnh đã đi xa đến thế và nhớ đến thế: Nhớ làng mình cách xa phố huyện/ Đất quê nghèo phiên chợ cũng long đong.
Tình quê qua nỗi nhớ đến thắt lòng của Nguyễn Vũ Quỳnh đã dựng lên ở một góc riêng, cứ nhoi nhói thường trực: Vẫn nhớ tiếng trống đình làng thuở trước – Thong thả rơi trong miền ký ức. Cứ phờ phạc, đói khát: Tháng bảy lũ ngập bão về/ Chân cò không chỗ chênh vênh/ Đói dồn bước đi khập khễnh/ Ngậm ngùi mưa thủng trời quê. Cứ ngơ ngác ngày xưa: Cái thời giọt nắng trong veo./ Ta quen từng bữa cơm nghèo quê hương. Cứ hằn sâu kí ức: Vết chân làng đi từ mờ sớm/ Để tít tắp luống cày. Cứ đắm đuối thân phận: Bông cải vàng ngát bờ đê/ Gió mùa lạnh ngắt chiều xê xịch chiều/ Thân cò chới với bờ kênh / Tìm con tép vặt buồn tênh đồng chiều .
Quê trong Nguyễn Vũ Quỳnh cứ thế liên tục lở bồi vào ký ức cảm thương qua thời gian, không gian. Nguyễn Vũ Quỳnh cứ thế: Ôm bóng quê cuộn tròn vào giấc ngủ/ Dáng xưa về lục lọi cả tuổi thơ. Và Nguyễn Vũ Quỳnh định nghĩa thật dị biệt: Nhà quê thúng mủng rạ rơm/ Quanh năm ngày tháng bát cơm chưa làn/ Mưa ngàn bão gió vây quanh/ Sống vô tư mãi mới thành nhà quê. (Nhà quê)
Vô tư vậy nên mới viết lên được những năm tháng nghèo khổ xa xưa, những kỷ niệm không bao giờ quên, còn in đậm trong anh theo suốt cuộc hành trình: Bếp chiều con tép bờ sông/ Chạy quanh hành mỡ ngoài đồng cũng thơm/ Quê thời bếp núc rạ rơm/ Mặn trên lưng mẹ nồi cơm độn đầy/ Cái thời bánh chưng bánh dầy/ Tứa trong nước miếng luống cày đồng xa. (Qua miền ký ức)
Qua đó tạo nên hồn quê nguyên vẹn ở Nguyễn Vũ Quỳnh. Và cũng bởi vậy nên có cảm giác Nguyễn Vũ Quỳnh làm thơ về quê không cần dụng công cầu kì khi đã ngấm nỗi nhớ tận cùng. Nhớ thế nên bây giờ mới tiếc, tiếc đến đứt ruột cái thời ngày xưa. Tiếc quá nhưng không dằn hắt: Làng tôi bây giờ không tròn/ Như thúng mủng dần sàng một thuở/  Mà dài ra như đòn gánh/ Cong theo một vết chân đồi. (Mất dấu chân quê)
Cánh diều thơ Nguyễn Vũ Quỳnh bay lên thảng thốt một âu lo tới một ngày mất nơi cắm dây diều thân thuộc sẽ thành chấp chới. Càng âu lo,càng nhuyễn câu lục bát. Đó là một nội lực mà quê dành tặng cho Nguyễn Vũ Quỳnh để thốt lên nỗi niềm của người đi xa. Anh xử lý những vần thơ lục bát như phù thủy làm phép cho ngôn ngữ nhảy múa những vũ điệu dân gian duyên dáng lóng lánh: Nhọc nhằn tím mặt chiều hôm/ Con trâu đứng khóc cây rơm hết mùa (Cho Đôi Bờ); Chợ quê thúng mủng dần sàng/ Chật câu chào hỏi chật hàng lối đi/  Chợ quê chẳng thiếu thứ chi/ Mới tang tảng sáng mua gì đi em/ Trong chợ toàn những người quen/ Vừa mua vừa bán vừa chen lời chào… (Chợ quê)
Hồn quê đằm đìa, đã tạo nên phong cách thơ Nguyễn Vũ Quỳnh. Nó vượt qua kiểu cách, vượt qua đỏm dáng, cứ thế thật thà thấm sâu vào cảm xúc của người đọc như một chùm rễ tỏa ra bám vào đất sâu. Cũng nhờ thế mà tự nhiên tạo ra những câu thơ độc chiêu như: Con cáy đỏ chờn vờn trong giấc ngủ/ Trắng ngọn khoai sau trận mưa rào.” Hay “Tiếng chim gáy vắt qua những hàng me/ Kéo ngày xưa về lại bến quê”.
Nguyễn Vũ Quỳnh làm thơ cũng đã tới mấy chục năm, chắc từ khi mặc áo lính tới giờ. Nhưng cách đi lặng lẽ âm thầm của một người thơ đã khiến cho anh không lộ hàng sớm như nhiều nhà thơ ham muốn đánh bóng tên tuổi khác. Cái sự dần dà, từ từ, ngấm dần trong thơ anh đến giờ mới thực sự tỏa hương. Để cho làn hương quê này chiếm lĩnh trọn vẹn tình cảm người đọc. Chắc còn cần thêm thời gian nữa, sự lan tỏa của thơ anh sẽ bay xa hơn. Thơ Nguyễn Vũ Quỳnh nghiêng về rung cảm, lãng mạn. mạch thơ trôi chảy vào tận sâu lắng trong tâm tưởng người đọc, nhất là thể thơ lục bát. Cái được nhất là Nguyễn Vũ Quỳnh vẫn đang tự tin bước tiếp, vẫn chưa thôi nồng cháy với nghiệp thơ. Và cứ thế tới đích…
28/10/2019
Nguyễn Thụy Kha
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...