Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Đoàn Giỏi và những áng văn của đất của rừng phương Nam

Đoàn Giỏi và những áng văn
của đất của rừng phương Nam

Đất rừng Phương Nam (1957) của Đoàn Giỏi không chỉ là tác phẩm phổ biến trong giới học sinh – sinh viên. Đối với độc giả khắp nơi trên mọi miền đất nước, họ xem tác phẩm ấy như một áng văn về con người, về vùng đất Nam bộ khá điển hình. Cho nên, Đất rừng phương Nam càng phổ biến khi được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha…
Được biết, tác giả của tác phẩm ấy xuất thân từ một gia đình địa chủ lớn, có hàng trăm héc ta ruộng vườn cò bay thẳng cánh, ngôi nhà thênh thang cổ kính và uy nguy như đình làng. Tất cả những tài sản ấy, gia đình ông đã hiến cho kháng chiến trong thời kỳ chống Pháp. Để rồi khi đất nước hòa bình độc lập, Đoàn Giỏi cứ lang thang ngày đây mai đó… Cho đến khi qua đời, bệnh viện Thống Nhất – Thành phố Hồ Chí Minh là nơi ông dừng chân cuối cùng.
I. CUỘC ĐỜI CHÌM NỔI
Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 15 tháng 7 năm 1925 tại thị trấn Tân Hiệp – Châu Thành – Tiền Giang. Cùng một huyện Châu Thành, thị trấn Tân Hiệp không mang dáng dấp oai hùng như thị trấn Vĩnh Kim bao lần đánh tan quân xâm lược, nó cũng không phải là vùng địa linh với những nhân tài tên tuổi lừng danh như đất Vĩnh Kim. Thế nhưng ở tại thị trấn Tân Hiệp, người dân Tiền Giang không khỏi tự hào với một Đoàn Giỏi khí phách hiên ngang,với một Đất rừng phương Nam bạt ngàn hào phóng, với một người chiến sĩ cách mạng dũng cảm gan dạ.
Nhà văn Đoàn Giỏi chính là người con thứ tư (Nam bộ gọi là thứ năm) của ông Đoàn Văn Vàng và bà Nguyễn Thị Kiểu. Ông bà này có tất cả mười người con: Đoàn Văn Mỹ, Đoàn Thị Ba, Đoàn Thị Tư, Đoàn Giỏi, Đoàn Phú, Đoàn Thị Đức, Đoàn Ngọc Hưng, Đoàn Nhân và Đoàn Thị Tuyết.Trong những người con ấy, Đoàn Giỏi, Đoàn Phú, Đoàn Nhân là những người từng tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Họ đều là những chiến sĩ bất khuất trung kiên, dũng cảm trên khắp các chiến trường.
Cha Đoàn Giỏi, ông Đoàn Văn Vàng là một địa chủ trí thức tiến bộ và yêu nước. Ông từng làm chủ hàng trăm héc ta ruộng vườn. Những năm đó, vùng đất cò bay thẳng cánh ở huyện Châu Thành chính là tài sản riêng của gia đình ông. Rồi sau Cách mạng tháng Tám, ông Đoàn Văn Vàng đã hiến tất cả tài sản ấy cho chính quyền ta. Từ nghĩa cử cao đẹp ấy, ông Đoàn Văn Vàng như tạo điều kiện cho chính mình, một điền chủ lớn đã xích lại gần với cách mạng.
Thuở nhỏ, Đoàn Giỏi học ở trường trung học Mỹ Tho. Sau đó, ông theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Cứ tưởng, cuộc đời và số phận của Đoàn Giỏi đã gắn liền với cây cọ, với nét vẽ. Nào ngờ năm 1943, khi Đoàn Giỏi sáng tác được một truyện ngắn đầu tiên thì xem như cuộc đời ông chuyển sang bước ngoặt mới. Truyện ngắn ấy được nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn đăng trên tờ Nam kỳ tuần báo. Cũng từ truyện ngắn đó, Đoàn Giỏi xem Hồ Biểu Chánh như một người thầy của mình đối với trong văn chương. Sau đó, những truyện ngắn khác của Đoàn Giỏi viết bao giờ cũng được sự góp ý chân tình từ Hồ Biểu Chánh. Về sau, tác phẩm của Đoàn Giỏi gần gũi với người dân lao động như cách tư duy của Hồ Biểu Chánh. Nhưng phong cách và văn chương của Đoàn Giỏi lại mạnh mẽ, gai góc, cuồng nhiệt như chính cá tính của ông.
Mặc dù trong thời kỳ đầu, con đường nghệ thuật đã mở lối chào đón Đoàn Giỏi, nhưng ông lại rẽ lối khác. Công việc mà ông quyết định chọn và tìm đến hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật. Hội họa và văn chương, Đoàn Giỏi đã gác sang một bên. Đó là năm 1947, Đoàn Giỏi về làm trưởng công an huyện Châu Thành. Thời gian này, ông phải phụ trách mười xã đang rơi vào thời kỳ khó khăn về mặt kinh tế cũng như tinh thần của người dân do chiến tranh gây ra. Năm 1948, Đoàn Giỏi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và giữ chức phó ty tuyên truyền tỉnh Định Tường (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Cùng thời gian này, Đoàn Giỏi kiêm luôn vị trí chủ bút tờ báo Tiền Phong của Mặt trận Việt Minh Mỹ Tho. Được hai năm, Đoàn Giỏi chuyển công tác đến nơi khác, đó là năm 1950, ông chuyển sang làm phó ty công an tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Kiên Giang).
Năm 1951, Đoàn Giỏi về công tác tại thường vụ Hội Văn nghệ Nam bộ và là thành viên của Hội đồng biên tập tạp chí Lá Lúa. Công việc này đã nung nấu và khơi dậy vốn văn chương tiềm ẩn nơi Đoàn Giỏi. Ông đã cầm bút trở lại. Đề tài về con người và đất Tiền Giang luôn được Đoàn Giỏi chú ý và quan tâm. Những công việc thuộc về ngành hành chính, Đoàn Giỏi gần như không mấy mặn mà nữa. Công việc viết lách luôn thúc giục ông gần gũi với người dân lao động, với hoàn cảnh xã hội thời ấy.
Năm 1954, Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Tác phẩm Đất rừng phương Namđã thai nghén và ra đời tại miền Bắc. Dân gian thường bảo văn là người. Phải chăng vì lẽ đó, những áng văn chương của Đoàn Giỏi như chính cá tính của ông. Một Đoàn Giỏi phóng khoáng, hào hiệp và luôn luôn sâu nặng với miền đất phương Nam. Tác phẩm của Đoàn Giỏi thường đậm chất nghĩa khí và hào hùng. Dù có sinh sống, công tác, hoạt động ở đâu, ông cũng luôn luôn hướng về vùng đất Nam bộ. Bản chất Đoàn Giỏi lại là người rất chịu khó tìm tòi và hay nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành. Cho nên, văn của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng chân tình và hồn nhiên như chính miền đất hoang sơ và hào phóng của miền Tây Nam bộ. Nhà thơ Chế Lan Viên đã nhận xét: Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình… [1]
Không riêng gì giọng văn, cuộc đời thường của Đoàn Giỏi cũng vậy, rất Nam bộ và đặc sệt miền Tây Nam bộ. Mọi thói quen hàng ngày, Đoàn Giỏi vẫn giữ đúng phong cách Nam bộ, dù sống trên mảnh đất miền Bắc hay ở đất trời châu Âu. Năm Kỷ Tỵ 1989, Đoàn Giỏi qua đời với bao giấc mộng chưa hoàn tất tại bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay ở Châu Thành – Tiền Giang, tên tuổi của nhà văn Đoàn Giỏi đã gắn liền với trường Trung học cơ sở Tân Lý Tây – huyện Châu Thành – tỉnh Tiền Giang. Còn về cuộc đời riêng, Đoàn Giỏi đã trải qua hai cuộc hôn nhân. Thế nhưng ông chỉ có một người con duy nhất với người vợ đầu tiên, đó là Đoàn Quang Viễn. Đoàn Quang Viễn sinh năm 1958, sinh sống tại Tân Hiệp – Châu Thành – Tiền Giang, bên cạnh nền nhà mà ông nội Đoàn Văn Vàng đã hiến cho cách mạng. Ông Đoàn Văn Viễn cũng có một người con trai duy nhất đó chính là Đoàn Quang Minh, sinh năm 1980. Rất tiếc là số phận của Đoàn Quang Viễn cũng rất ngắn ngủi như cha mình, ông đã ra đi vào một ngày cuối năm của năm 2005 tại bệnh viện đa khoa thành phố Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang, do tai biến mạch máu não.
II. SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG
Năm 1954, Đoàn Giỏi tập kết ra Bắc. Ông đặt chân lên mảnh đất mới này chưa đầy một năm (1955), độc giả Hà Nội đã biết đến tên tuổi Đoàn Giỏi qua bài ký Đèn tôi bay về Lục Hồ Chí Minh với một phong cách mới lạ, riêng biệt. Rồi chẳng bao lâu sau, bạn bè đồng nghiệp, độc giả xa gần lại chú ý đến Đoàn Giỏi sự chững chạc và phong cách vững vàng trong sáng tác qua nhiều truyện ngắn. Và ông đã tạo một sự ngạc nhiên cho người đọc qua hàng loạt tác phẩm thú vị, ly kỳ về miền đất phương Nam. Bởi những tác phẩm ấy đầy chất Nam bộ, hài hòa dưới ngòi bút tài hoa và sắc sảo. Từ những tác phẩm đầu tay như Cây đước Cà Mau, Ngọn tầm vông…, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đánh giá khá cao về tài năng của Đoàn Giỏi: Thấy có vảy, có cựa, có mã rồi đấy. Đứng được trường chọi, cậu còn phải nỗ lực cố gắng, mất nhiều công sức nữa đấy  [2]. Phải chăng từ những lời động viên đó của Nguyễn Huy Tưởng, Đoàn Giỏi như đã tìm được nguồn đồng cảm, sự chia sẻ từ các bậc đàn anh trong nghề nghiệp của mình. Rồi nhờ những lời động viên của thế hệ đàn anh, Đoàn Giỏi như được chấp cánh, niềm đam mê thúc đẩy ông một cách mạnh mẽ để lao vào con đường văn chương, chọn văn chương để làm điểm tựa. Ông còn tìm đến văn chương như sự chia sẻ, động viên trong những ngày sống xa quê. Và hơn thế nữa, Đoàn Giỏi đã chọn con đường văn chương để làm sự nghiệp trọn đời mình. Khi Nguyễn Huy Tưởng qua đời, trong bài viết Nguyễn Huy Tưởng – một người thầy – một người bạn – một người anh, Đoàn Giỏi đã bộc bạch cảm xúc: Điều anh luôn nhắc nhở tôi là chú trọng sắc thái địa phương nhưng đừng có abusé (lạm dụng) ngôn ngữ, luôn dặn dò tôi phải chịu khó ghi chép hàng ngày và nghiêm túc học tập. Nói chuyện công việc nghề nghiệp, anh phân tích thế nào là cá tính và tính cách nhân vật, thế nào là đột phá…
Chỉ là những lời động viên của người anh đồng nghiệp, Đoàn Giỏi đã chọn làm hành trang và mang theo suốt quá trình sáng tác. Điều này chính là cái hay của Đoàn Giỏi. Dù là một người mạnh mẽ, bộc trực, quyết đoán nhưng ở Đoàn Giỏi, ông luôn lắng nghe và tự học, tự trau dồi kiến thức cho mình. Đặc biệt, Đoàn Giỏi luôn ghi nhận những lời góp ý của đồng nghiệp và những lời khen chê của độc giả. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết về Đoàn Giỏi: Khá may cho Đoàn Giỏi là sau ba mươi năm, nhiều bài của anh đọc lại, vẫn chịu được kỹ thuật chăng? Tài năng chăng? Chớ về thông tin, về chất liệu thì quả là vừa vậy vừa không phải vậy. Năm Căn tôi đã đến rồi, cây đước tôi đã thấy rồi, bà má Năm Căn và hàng ngàn bà má khác tôi đã gặp rồi, thế sao đọc các bài văn kia tôi vẫn xúc động. Có gì ở đằng sau chất liệu kia, trên hay dưới, hay bạt ngàn chung quanh chất liệu kia, vừa là nó vừa không phải nó. Cái gì vậy? Tôi muốn nói đó là tâm hồn, đó là tấm lòng, đó là sự xúc động chân thành của tác giả. Cái đó giúp cho chất liệu đi qua mà không chìm, không tan rã trong thời gian. Ba mươi năm! Cố nhiên là người đọc ngây thơ, cả tin ngày ấy là tôi nay đã tinh khôn, láu lĩnh, láu cá nữa, không ai dễ lừa mình như trước. Nhưng khi tác giả đã chân thành lúc viết thì tất cả sự láu khôn của người đọc hóa thành không có chỗ đứng. Họ viết bằng trái tim trần và mình phải đọc bằng trái tim trần. Những đọc giả trí tuệ ở các đô thị hiện đại ngày nay xúc động trước các câu dân ca trên núi cao thời xưa là theo quy luật đó… [3]
Không riêng giới chuyên môn, bất cứ một ai khi đọc văn của Đoàn Giỏi, họ đều như rơi vào tâm trạng đọc những trang lịch sử mang đậm chất văn hóa đặc trưng của một vùng đất. Bởi văn của Đoàn Giỏi thường ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống có được từ tác giả. Cũng điều đó, nhà thơ Xuân Diệu đã dâng trào cảm xúc khi đọc truyện ngắn Cây đước Cà Mau của Đoàn Giỏi. Dù chưa đến Năm Căn bao giờ, nhưng Xuân Diệu làm bài thơ Bà má Năm Căn rất hay, rất cảm động là do những hình ảnh ấy có sẵn trong bức tranh của truyện ngắn Cây đước Cà Mau  của Đoàn Giỏi. Cái hay ở đây là nguồn cảm xúc rất thật, rất sống động từ Đoàn Giỏi đã tạo nên một nguồn cảm xúc mới cho Xuân Diệu, để có thêm tác phẩm mới một cách độc đáo, dù ở một thể loại văn học khác.
Những năm tháng đất nước ta vừa chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa đuổi xong giặc Pháp, lập lại hòa bình với một nửa Tổ quốc là miền Bắc sống trong độc lập tự do. Những người con ưu tú của miền Nam đã tập kết ra Bắc, trong đó có Đoàn Giỏi. Ông ra Bắc không chỉ mang theo lý tưởng của người thanh niên miền Nam mà còn mang theo cả sông núi, con người, cây cỏ, chim muông, khí hậu, ngôn ngữ miền Nam để góp phần vào kho tàng văn chương của cả nước. Ở truyện ngắn Cây đước Cà Mau của Đoàn Giỏi, những chi tiết về bà má Năm Căn định gửi mắm tép ra cho cụ Hồ, gửi cây đước miền Nam ra trồng giữa hồ Hoàn Kiếm rất sắc sảo. Phải chăng từ những câu chuyện trên, Đoàn Giỏi như gửi gắm tình cảm của mình đến con người và mảnh đất phương Bắc. Bởi tất cả hình ảnh trong Cây đước Cà Mau đều rất sống động,  chân tình như người dân Nam bộ. Điển hình như đoạn văn mà Đoàn Giỏi đã viết về bà má Năm Căn chuyện trò với một đồng chí giao liên:
– Tôm cá thì đủ thứ, thiếu gì! Tôm càng xanh bằng cườm tay, tép xà búi bằng ngón chân cái, tép bạc lưới về, đổ đống như đống lúa cả trăm giạ. Cá dứa thì có mùa, thuộc loại ngon nhất ở đây. Thịt mềm ngọn xớt. Nấu canh chua ngon lắm. Mỗi tháng có hai ngày ba khía hội. Nước rong, ba khía leo bám đầy lên rễ, lên thân cây đước, cây vẹt. Ba khía làm mắm, chở lên tới Mỹ Tho, Sài Gòn. Cua biển cũng nhiều lắm. Các trại đáy kéo lên, chỉ lấy cá tép. Cua cho ai bắt thì bắt. Thường thường thì đổ xuống sông lúc không có người mua. Cua lột tháng tám mới ngon, và thịt chắc nhất. Bụng đầy gạch son. Lớp luộc, lớp chiên bột, lớp làm mắm nhận trong muối hột. Chừng nào ăn, lấy ra rửa sạch tán nhuyễn, trộn với đường, mỡ, tỏi ớt, chấm với tôm nướng, thịt luộc, ăn rau sống bánh tráng không gì bằng. Tao nhắc còn nhểu nước miếng đó thì bây biết. Còn nói gì sò huyết, vọp, nghêu, cứ nước kém chèo thuyền ra lấy bồ cào, cào đổ lên chớ hơi nào mà bắt… [4]
Những truyện ngắn khác, Đoàn Giỏi vẫn thể hiện theo cách riêng của mình như vậy. Cốt truyện của ông thường sâu lắng, sinh động. Những truyện Người tù chính trị năm tuổi, Vượt tuyến… Dù là những câu chuyện sâu nặng về hình ảnh người lính, nhưng thấp thoáng đâu đó, người đọc vẫn nhận ra phong cách riêng của một nhà văn, của rừng, của đất phương Nam. Ở ông, phong cách ấy luôn mang đậm chất tư liệu, vốn sống, sự từng trải của người cầm bút. Cũng giống như những nhà văn khác, Đoàn Giỏi luôn đi tìm cái mới trong sáng tác. Vì vậy, những tác phẩm Đoàn Giỏi bao giờ cũng mới lạ, hấp dẫn và độc đáo đối với người đọc. Cho dù những tác phẩm ấy thường là những nỗi khát vọng, hoài bão, ý chí của những con người đang sống trong chiến tranh. Nhưng ở tận chiều sâu tư tưởng của mỗi tác phẩm, sự giải thoát của nhân vật do chiến tranh tạo ra đều được ông chú trọng và đặt lên hàng đầu.
Riêng tác phẩm Cuộc truy tìm kho vũ khí (1962) của Đoàn Giỏi đã được dịch sang tiếng Hungary. Tác phẩm đã được Đoàn thanh niên Hugary tổ chức “Cuộc thi tìm hiểu và phân tích những nhân vật trong tác phẩm”. Từ cuộc thi ấy, tên tuổi Đoàn Giỏi được nhắc đến như một tác giả của những câu chuyện dành riêng cho lứa tuổi mới lớn ở nước ngoài.
Những tác phẩm trước đây của Đoàn Giỏi gần như có cùng một chủ đề. Bởi chiến tranh là nỗi đau tột cùng của người dân cũng như của tác giả. Cho dù ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng những tác phẩm ấy đã để lại khá nhiều ấn tượng về cuộc sống, về con người, về quê hương đất nước cho bạn đọc qua nhiều thế hệ: Cá bống mú (1956), Hoa hướng dương (1960)… Ở Ngọn tầm vông lại là một ngôn ngữ và như chính giọng điệu của Đoàn Giỏi. Ông viết văn như kể chuyện bằng ngôn từ văn viết. Chính vì vậy, tiến sĩ Phạm Văn Tình – tác giả bài viết Mái đình – nét đẹp trong hồn quê Việt Nam đã cảm nhận rằng: Nhà văn Đoàn Giỏi, trong bài tùy bút Ngọn tầm vông đã có những dòng thật cảm động, mô tả người miền Nam tập kết ra Bắc, ngồi trên thuyền nhìn lại xóm làng của mình, đứng mãi trên boong chờ đợi phút qua ngang nhà. Làng tôi xanh ngắt những vườn chuối. Mái đình cháy hơn một nửa, nhô ra khỏi ngọn cây. Bờ tầm vông thấp thoáng, hoa tầm vông hoe vàng trong ánh nắng một chiều thu...
Tiểu thuyết Người thủy thủ trên hòn đảo lưu đày, Đoàn Giỏi đã viết về vị cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong những tháng ngày bị giam giữ ở Côn Lôn. Cũng với một nguồn tư liệu dồi dào, một nguồn cảm xúc tột đỉnh, Đoàn Giỏi đã viết rất tài tình và chân thật. Được biết khi đặt bút viết tác phẩm này, Đoàn Giỏi đã nhiều lần gặp Bác Tôn. Những lần gặp gỡ ấy là những lần thu thập tư liệu một cách thuyết phục, kính nể, thận trọng trước một vị Chủ tịch nước kiên trung, anh dũng nhưng cũng rất chan hòa và nhân ái. Ngoài ra, Đoàn Giỏi còn viết thêm quyển hồi ký Từ đất Tiền Giang. Tác phẩm này lại nói về một khía cạnh khác. Đoàn Giỏi gần như ghi chép lại một cách chính xác về hình ảnh người phụ nữ bất khuất kiên trung ở đất Tiền Giang. Bà đã giành nhiều thắng lợi trong những lần chỉ huy chiến đấu với giặc. Người phụ nữ ấy chính là bà Nguyễn Thị Thập, một người đã có công lớn đối với những chiến công trong cuộc Nam kỳ khởi nghĩa. Nhưng tiếc thay, hai tác phẩm Người thủy thủ trên hỏa đảo lưu đày và Từ đất Tiền Giang rất hay và giá trị như vậy đã thất lạc. Ngày nay, độc giả gần như không biết đến hai tác phẩm này. Một phần do trước đây việc in ấn ở các tỉnh lẻ không phổ biến, một phần do chiến tranh nên đã thất lạc bản thảo.
Tiểu thuyết Đất rừng phương Nam chính là tác phẩm nổi bật nhất trong quá trình sáng tác của Đoàn Giỏi. Bởi, bối cảnh câu chuyện rất đặc trưng của vùng Tây Nam bộ. Với rừng tràm bạt ngàn, dòng sông mênh mông, con đò bập bềnh, tôm cá đầy đàn, Đoàn Giỏi như gửi trọn vào tác phẩm của mình. Đất rừng phương Nam đã mang đến người đọc nhiều thú vị về bối cảnh, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ. Nội dung câu chuyện cũng vậy, Đoàn Giỏi chỉ xoay quanh ở vùng đất Nam bộ. Ông mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu Đất rừng Phương Nam. Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến. Tác phẩm gần như tập hợp tất cả đất rừng và người phương Nam. Có thể nói, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau. Bối cảnh trong Đất rừng phương Nam là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài… Sự tài tình của Đoàn Giỏi là như tái tạo lại bối cảnh sông nước, con người của thuở ông cha ta còn mang gươm mở cõi.
Từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam, hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã sản xuất thành bộ phim Đất phương Nam dài 11 tập. Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và đạo diễn. Hội Điện ảnh Việt Nam đã trao giải A cho đạo diễn vào năm 1997. Rồi không dừng lại ở sự đón nhận của khán giả Việt Nam, bộ phim Đất phương Nam  đã xuất khẩu sang Mỹ và được đông đảo khán giả Mỹ đón nhận.
Bộ phim Đất phương Nam  được xem là một sự kiện hiếm hoi đối với các nhà làm phim ở nước ta. Vì bộ phim này là phim truyện Việt Nam lần đầu tiên được xuất khẩu ra nước ngoài. Trong tập tiểu luận – phê bình Tiếng vọng những mùa qua, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Thanh Xuân đã nhận định về Đoàn Giỏi qua Đất rừng phương Nam: Có mảnh đất sinh ra những nhà văn, và có những nhà văn từ trang viết đã biến miền quê riêng của mình thành miền quê chung trong tâm tưởng bao người… Với Đoàn Giỏi, tôi nghĩ rằng ông đã đón nhận được cái hay từ nơi đó… Ông đã đem đến cho bạn đọc cả nước những hiểu biết và tình cảm về một vùng đất trước đó xa ngái, hoang sơ trong hình dung của mọi người… Ông đã xây dựng lên những nhân vật lòng đầy nghĩa khí mà tinh tế và giàu chất văn hóa…
Những truyện ngắn Chuyến xe thổ mộ, Tiếng gọi ngàn… là một trong những tác phẩm Đoàn Giỏi viết sau giải phóng. Người đọc càng dễ dàng nhận ra sự thay đổi trong sáng tác của ông. So với những ngày đầu trên trang viết của Đoàn Giỏi, những tác phẩm ra đời sau giải phóng lại có phần mạnh mẽ hơn, điêu luyện hơn, ngập tràn cảm xúc hơn. Những truyện ngắn:Những chuyện lạ về cá (1981), Tê giác trong ngàn xanh (1982)… cũng thế. Nó luôn tạo cho người đọc một sự day dứt, suy nghĩ, chiêm nghiệm về những gì mà tác giả đã viết, đã bộc bạch qua từng câu chữ.
Ở Đoàn Giỏi còn có đặc điểm độc đáo khác nữa là hay hoài niệm về quê hương Tiền Giang – nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cho dù sinh sống ở đâu, Đoàn Giỏi cũng luôn hướng về quê hương. Rồi từ những nỗi nhớ quê hương da diết ấy, Đoàn Giỏi như gửi tâm trạng mình vào văn chương, biến thành những tác phẩm mộc mạc, gần gũi nhưng cũng rất trau chuốt và ly kỳ. Sự tài tình ở Đoàn Giỏi là đã biến những cái hay, cái đẹp về con người trên mảnh đất Tiền Giang của mình thành tác phẩm đặc sắc chuyên biệt, cụ thể đến sắc bén. Trong bài Ký Nhớ Tiền Giang, Đoàn Giỏi đã viết:
… Những năm xa nhà, nhớ quê hương, nhiều khi tôi giở sách cố xem ngày xưa các cụ đánh giá thế nào về những con người trên vùng đất mình sinh trưởng? Nói chung là dân Nam bộ, dân đồng bằng sông Cửu Long vốn phóng khoáng, hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài… Tất cả những đức tính ấy đều do thiên nhiên vô cùng phong phú ưu đãi, hun đúc nên.
Tuy nhiên, dân Định Tường còn có những đặc điểm khác những nơi khác. Là đàn ông sính văn thơ, đàn bà con gái chăm chỉ khéo léo mà thích chưng diện, thích đi coi hát, còn thanh niên thì ưa đàn ca, thích luận đàm nơi quán tiệm. Lắm lúc tôi nghĩ lớp trẻ bây giờ mà thích thú, bật cười một mình. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh! Là nói cho vui vậy, chứ không vậy, không có cái tính nghệ sĩ gốc của ông bà đó, không phải là đất phát tích của cải lương thì làm gì bật lên ở Nam kỳ và cả nước các dĩa hát với các giọng ca Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Du, Tư Xe, Bảy Nam… Thì làm gì có một soạn giả Trần Hữu Trang ở Phú Kiết – Con người nho nhã như thư sinh, ra Hà Nội cũng mặt bộ quần áo bà ba trắng, trước khi viết Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt  đã sáng tác những bài ca quốc sự, truyền cho dân tài tử “chơi” ở các đám giỗ, các tiệm hớt tóc trong những năm thập niên ba mươi khắp Mỹ Tho và các tỉnh lân cận…Đâu phải ngẫu nhiên mà có Trần Văn Khê – con ông Bái Ba ở chợ Giữa – Vĩnh Kim một gia đình từ cha con, anh em đều giỏi nhạc… Và cũng tại đó, đầu tiên trên toàn quốc, thành lập gánh hát toàn con gái – gánh Đồng Nữ của cô ba Diện, chuyên trình diễn những tấm gương ái quốc, nhữngtuồng lịch sử chống xâm lang… Mỹ Tho còn có nhạc sĩ Hoàng Việt ở An Hữu, với nhiều ca khúc đầy tính lạc quan yêu đời… Nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên sáng tác nhạc giao hưởng ở Bun-ga-ri về, anh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại Cái Bè… Qua Tân Mỹ Chánh không thể nào không nhớ “Vành mâm xôi, đề thằng Lạc!” cùng với những bài thơ nhạo báng hội tề nổi tiếng của Học Lạc… Xưa thợ khắc, thợ chạm Mỹ Tho lên cốt Phật trứ danh, ngày nay ta có Nguyễn Hải – nghệ sĩ điêu khắc trẻ tài năng, đầy triển vọng của cả nước, gốc Cái Bè… Ta lại có họa sĩ Nguyễn Sáng – người Chợ Gạo, một nghệ sĩ tài hoa, sáng tạo nhiều tác phẩm hiện đại đầy tính dân tộc, đã vượt tầm cỡ quốc gia, lấp lánh giữa trời sao tài năng hội họa thế giới…[5]
Đoàn Giỏi cũng yêu cả mảnh đất nơi mình chân đến, nơi mình đang sống như chính mảnh đất nơi mình chào đời. Ông từng bộc bạch với bạn bè về tâm trạng của mình: Những ngày ở Hà Nội, tôi rất nhớ Tiền Giang, Sài Gòn.  Khi về Sài Gòn, tôi lại nhớ Hà Nội. Một nửa đời tôi gần như đã gắn bó với Hà Nội…
Trong truyện ký Chim bay trên trời Hà Nội  của Đoàn Giỏi, ông đã viết:
… Chiều nay, giữa thủ đô Hà Nội, ngẩng trông những bầy chim vần vũ như những đám mây nối nhau bay về phương Nam, tôi lại nghĩ và nhớ đến bạn. Phải nói rằng năm nào cũng vậy, lúc Hà Nội sắp vào đông, hồ như thấy những bầy chim sáo từ Xi-bê-ri bay tránh rét về qua trên bầu trời thủ đô, nghe tiếng chim rộn rã và tiếng quạt cánh vù vù của chúng là tôi cứ nghĩ ngay rằng những con chím này nay mai, trên đường còn tiến mãi vào Nam rồi chúng sẽ bay qua Sài Gòn, qua nơi mái nhà bạn ở… [6]
Yêu quý và tự hào về quê hương của mình đã đành, Đoàn Giỏi còn yêu thiết tha cả những nơi mình đã đặt chân đến. Phải chăng với Đoàn Giỏi, nơi nào cưu mang ông, nơi nào thú vị trong lòng ông thì nơi đó là quê hương, nỗi nhớ và những kỷ niệm khó quên của ông. Cho nên, những ngày đặt chân sang đất Nga, Đoàn Giỏi lại sống trong ngập tràn ngàn cảm xúc của một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Từ nguồn cảm xúc ấy, ông đã viết thành truyện ký Mùa thu Nga – thăm một vài nơi kỷ niệm của Đoàn Giỏi:
Năm 1957, tôi đã sang thăm Liên Xô. Mười lăm năm, giờ đây trở lại, tôi có cảm giác như mình đã gặp lại ở đây một người yêu cũ…
… Cổ thành Bơ-rêtx một chiều xám mây mù. Trời lạnh. Vượt quảng trường, chúng tôi lần lượt qua con sân rộng có hai lối dẫn vào khu lưu niệm. Mặt sân và cả hai lối đi đều trải bằng một thứ vôi vữa cát màu hồng đỏ! 823 chiến sĩ bảo vệ thành Bơ-rêtx chỉ còn biết tên được có 201 người đã tử thủ, bảo vệ đồn biên phòng này trong ngày tháng khi bọn phát xít Hít-le bất ngờ từ Ban Lan tấn công vào Liên Xô. Máu các chiến sĩ đã đổ xuống nhuộm đỏ đất này. Chúng tôi kính cẩn đặt vòng hoa dưới tượng đài lưu niệm và cúi đầu mặc niệm trước ngọn lửa bất diệt vẫn cháy mãi ngày đêm nơi này. Hai nam nữ thiếu niên quàng khăn đỏ, những thanh thiếu niên Côm-xô-môn, những học sinh giỏi được danh dự thay nhau hứa đảm đương lấy trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc ngày mai như cha anh đã kiên cường bất khuất chống giữ nơi đây. Chúng tôi hi sinh nhưng không bán lương tâm. Đó là dòng chữ khắc trên viên gạch tìm thấy trong lâu đài đổ nát. Ngày 20 tháng 4 năm 1941 một chiến sĩ vô danh đã viết Tôi hy sinh mà không đầu hàng! Kính chào Tổ quốc! … [7]
Qua ba truyện ký mà Đoàn Giỏi đã viết về Tiền Giang quê hương,  về Hà Nội – vùng đất mà ông đã từng sinh sống sau những ngày tập kết, về đất nước Nga vừa thoát khỏi chiến tranh đều khắc một dấu ấn chung. Cái chung ấy chính là nét nhân bản ở con người. Hình ảnh con người luôn là niềm tự hào và nỗi nhớ trong từng tác phẩm của Đoàn Giỏi. Ở mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh, con người đều hình thành và tạo nên sự vẻ vang cho từng vùng đất.
Một điều đáng buồn, Đoàn Giỏi đã để tác phẩm của mình thất lạc quá nhiều. Và chính khi còn sống, Đoàn Giỏi cũng nhìn nhận ra khiếm khuyết này, nhiều lúc tác phẩm của ông, bạn bè và độc giả nhớ nhiều hơn là chính ông.
III. TÁC PHẨM DANG DỞ
Cuộc sống đôi lúc bế tắc do hoàn cảnh khó khăn, do bệnh tật, nhưng Đoàn Giỏi vẫn viết và vẫn buông nguồn cảm xúc tràn đầy trên từng trang giấy, trong từng tác phẩm của mình.
Những ngày cuối đời, sức khỏe của Đoàn Giỏi rất kém. Nhưng nhà văn thường luôn mang theo bên mình đề cương tiểu thuyết Núi cả cây ngàn mà ông đã ấp ủ từ lâu. Ở Đoàn Giỏi bao giờ cũng vậy, ý tưởng, nguồn cảm xúc luôn vây quanh và ở mãi bên cạnh. Chắc chắn ngoài quyển đề cương tiểu thuyết ấy ra, Đoàn Giỏi còn có nhiều vấn đề khác cần phải đưa vào tác phẩm, khi đó nỗi lòng ông cứ luôn trăn trở với cuộc sống, với bao con người luôn trắc trở với số phận.
Nội dung tiểu thuyết Núi cả cây ngàn bắt đầu từ cuộc đời của một cô gái bị bỏ rơi trong rừng sâu. Cuộc sống nơi rừng rú hoang sơ hiểm trở đã tạo cho cô gái một tính cách đặc biệt. Cô gái ấy chính là hình tượng tiêu biểu của những con người ở vùng đất hoang sơ này. Bên cạnh nội dung câu chuyện ly kỳ độc đáo ấy, bối cảnh diễn ra trong tác phẩm Núi cả cây ngàn của Đoàn Giỏi còn là một cái nhìn khác. Đan xen những tình tiết ly kỳ hấp dẫn của rừng núi, của động vật hoang dã, Đoàn Giỏi còn phản ảnh lại thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Nơi rừng sâu núi thẳm ấy chính là khu căn cứ cho cách mạng, hình ảnh cô gái ấy lại tượng trưng cho nhân dân miền Tây Nam bộ đứng lên chống giặc ngoại xâm.
Ở Núi cả cây ngàn không chỉ phảng phất hình ảnh người dân của miền Tây Nam bộ trong thời kỳ khai hoang mở cõi. Không chỉ là sự độc đáo về nghĩa khí, lòng hào hiệp và khí phách của người dân miền Tây Nam bộ trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp. Mà Đoàn Giỏi còn đưa độc giả vào những cuộc phiêu lưu đến nhiều nơi, nhiều vùng của vùng đất Nam bộ trong thời kỳ hoang sơ. Chuyến phiêu lưu ấy như một cuộc hành trình xuôi về Đồng bằng sông Cửu Long với vùng đất trời hoang vu trù phú, với cánh đồng hoang sơ bạt ngàn, với những khu rừng âm u tĩnh mịch, với những dòng sông mênh mông phẳng lặng.
Thế nhưng do bệnh tật, do chứng bệnh gan hành hạ nên Đoàn Giỏi chưa kịp hoàn thành tác phẩm ấy. Chính vì vậy, mãi đến giờ phút tận cùng của cuộc đời, Núi cả cây ngàn vẫn còn ở dạng đề cương phác thảo. Cho đến lúc ra đi, Núi cả cây ngàn cũng chỉ là những ý tưởng, những tình tiết, những câu chuyện đã được xâu chuỗi nhưng không thể thành hình.
Cả cuộc đời của Đoàn Giỏi, ông cứ đi và cứ viết. Những trang viết của Đoàn Giỏi bao giờ cũng mang đậm chất hoang sơ và tính sáng tạo dựa trên vốn sống và cảm nhận tinh tế. Năm 1989, Đoàn Giỏi – một trong những nhà văn xuất sắc, tiêu biểu của Nam bộ đã vĩnh biệt độc giả. Ông ra đi trong sự tiếc thương vô hạn của đồng đội, đồng nghiệp và của độc giả khắp nơi.
Chú thích:
1. Trích từ “Lời bạt của Chế Lan Viên” qua tác phẩm “Rừng đêm xào xạc” của Đoàn Giỏi – Nhà xuất bản Trẻ – Năm 1987.
2. Trích tài liệu từ truyện ký “Nguyễn Huy Tưởng, một người thầy, một người bạn, một người anh…” của Đoàn Giỏi.
3. Trích từ bài giới thiệu của Chế Lan Viên qua tác phẩm “Rừng đêm xào xạc” của Đoàn Giỏi – Nhà xuất bản Tiền Giang – năm 1987.
4. Trích nguyên văn truyện ngắn “Cây đước Cà Mau” của Đoàn Giỏi.
5. Tài liệu trích nguyên văn từ truyện ký “Nhớ Tiền Giang” của Đoàn Giỏi.
6. Tài liệu trích nguyên văn từ truyện ký “Chim bay trên trời Hà Nội” của Đoàn Giỏi.
7. Tài liệu trích nguyên văn từ truyện ký “Mùa thu Nga – thăm một vài nơi kỷ niệm”.
27/10/2019
Huỳnh Mẫn Chi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...