Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Thời thơ ấu gian khổ

Thời thơ ấu gian khổ

I- Khi ngồi viết những dòng này cái lạnh muộn màng còn sót lại cuối đông cứ chờn vờn, luyến tiếc sang xuân, dù tết Nguyên đán đã qua hơn tháng nay. Ngồi nhìn xuống công viên trước nhà qua màn mưa trắng đục lòng bỗng thấy nao buồn. Đã đóng lại Truyện dài KÝ ỨC TUỔI THƠ. Với cái kết của một sớm mai hồng cùng tiếng chim non chíp chiu bay theo mẹ, đứa bé mong gặp những người thân yêu. Tất nhiên là như vậy trong đoạn đời bé thơ đầy gian truân, đau thương tan tóc... để nó không phải xót xa hơn. Nhưng những gì đến với tôi - một đứa trẻ con trong thời chiến tranh ly loạn sao lại có thể khắt nghiệt như thế nhỉ? Bất giác tôi đưa tay xuống chân, vết của viên đạn xuyên vào năm xưa vẫn còn dấu sẹo, không phải là giấc mơ. Và tôi đã viết thêm phần này sau năm mươi tám năm đăng đẵng, kể từ ngày ấy.
Sáng hôm ấy lòng tôi vui như mở hội. Được gặp ba và anh sau bao tháng ngày gian khổ đầy hiểm nguy. Những cơ cực, đau buồn không còn đọng gì trong tôi khi giờ đây ngồi dưới gốc cây bên sân trạm xá, nhìn núi rừng còn bảng lảng sương mai, nhìn những chú chim chấp chới bay trong nắng mai hồng lòng rộn lên niềm hạnh phúc khi được gặp cha, gần anh, gặp lại những người thân yêu mà cuộc sống của họ phải luôn đối mặt với sống chết từng ngày. Tôi ngồi đợi đến trưa, lúc đầu còn đùa với thằng Riêng nhưng càng về chiều, khi bóng nắng chói chang cứ nghiêng dần về phía núi, rồi bóng tối lan nhanh tôi ngồi bất động, Riêng ở bên cạnh thấy vậy cũng lặng im không dám nói cười. Ba tôi sao rồi? Anh tôi ở đâu? Anh Thiệu nói chậm lắm là đến trưa mọi người đến mà sao giờ này... Có điều gì đã xảy ra với ba và anh, với mọi người? Đầu tôi quay cuồng chân tay lạnh ngắt, tôi dựa vào gốc cây, Riêng vẫn ngồi im bên cạnh. Chợt phía trạm xá tiếng kẻng báo động vang lên, rồi nhiều tiếng kẻng trong núi vang vang. Mọi người ở trạm xá xôn xao, thu gom đồ đi sơ tán. Người khỏe dìu kẻ ốm lên đường tiến sâu vào trong núi, Ngọng và Đức lì cũng được khiêng đi. Riêng nhìn tôi: “Mày không đi à?” Tôi lắc đầu: “Mình chờ ba”. Vậy là tôi ngồi chờ đợi ba, chờ đợi anh và đã không bao giờ còn gặp lại những người mà tôi vô cùng yêu thương, cho đến tận bây giờ.
Tối hôm đó cùng những ngày sau, nơi này trở thành chiến trường, bom lại nổ đạn lại rơi khắp nơi. Tôi lạc Riêng. Nó trở về với núi rừng của nó, trở về với rẫy nương của nó và mong rằng người bạn ấy sẽ tìm gặp lại gia đình  mình. Còn tôi và hai mẹ con người dân tộc bị thương được lính Cộng hòa đưa lên trực thăng chở về Tuy Hòa. Do còn bé quá, hơn nữa không có người giám hộ nên họ sắp xếp tôi vào cùng nhóm hai mẹ con người Dân tộc.
Những ngày đầu, người ta phát cho gia đình tôi (họ gọi thế) một bao gạo to với bốn tờ tiền năm mươi đồng mới cứng. Chị người Dân tộc mừng rỡ khi được phát gạo. Chị kéo bao gạo vào góc phòng, còn những tờ tiền chị đưa cho tôi, chị nói:
- Người anh em lấy cái tiền này, tôi không dùng nó đâu mà.
Tôi rút ra một tờ năm mươi đồng, còn lại đưa chị:
- Chị cất đi, cần gì thì mua.
Thị xã Tuy Hòa ngày đó chỉ mấy đường phố chính là sầm uất, còn ra cũng nông thôn giống như trên Phú Thứ. Hồi chưa có chiến tranh, đôi khi tôi được anh Sơn cho theo xuống bằng xe đạp, anh mua phụ tùng xe còn tôi đi ngắm phố xá. Khi ấy, thành phố không bí hiểm, không lạ lẫm như bây giờ. Lúc đó nó đẹp, nó rực rỡ, nó nhộn nhịp. Mua gì cũng có, toàn những thứ mà trên quê chưa bao giờ được thấy. Người thì sang trọng, chạy xe vù vù. Tôi thầm ao ước được làm người thành phố. Còn giờ sao nhìn nó xa lạ với mình. Những tòa nhà cao ngút mắt, những con người đi đường vội vã, xa lạ như thế này thì biết anh Hà và má ở đâu? Làm sao tìm? Tôi đi lang thang cả ngày ngoài đường, tối về tới khu tạm cư, người mệt mỏi rã rời. Chị người Dân tộc nấu gì tôi ăn nấy. Khổ nỗi, ngày nào chị cũng cho tôi ăn cơm với muối hột giã cùng lá é, thịt bò ba lát nấu canh với trái cà pháo bé như hòn bi, mùi hăng hăng đắng nghét, lại có cả ớt hiểm nữa. Chị không biết nấu gì ngoài những món đó.
Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng tôi ra ngoài khu tạm cư dạo quanh mấy vòng xem có gặp ai người quen không, có gặp được anh Hà hay má không. Tôi ghé lề đường mua ổ mỳ vừa đi vừa ăn. Từ ngày xuống Tuy Hòa, tôi đã đi loanh quanh khắp nơi mà chẳng gặp được ai quen. Tôi lần hỏi đường qua Phú Lâm, biết đâu má với anh Hà ở đó để chờ gặp tôi. Nghĩ như vậy nên dù rã rời, tê cứng đôi chân tôi vẫn thấy rất háo hức đi qua Phú Lâm.
Qua khỏi cầu Đà Rằng dài hun hút, đến bụi tre bên vệ đường ngồi nghỉ. Nhìn dòng sông rộng, chỉ thấy lờ mờ bờ bên, chợt nhiên nhớ đến sông Đồng Bò. Mùa này sông không nhiều nước nên những bãi bồi giữa sông xanh rì cỏ và bụi cây dại. Nhớ quá! Nhớ nhỏ Vân, nhớ bác Hiền, nhớ con Ve, thằng Riêng... Những tháng ngày qua cơ cực và hiểm nguy nhưng không làm sao tôi quên được. Rồi nhớ Ba, nhớ anh Sơn, không biết giờ này ra sao. Tôi tiếc là trước đây ở trên núi, gần trong gan tấc mà giờ lại xa muôn trùng. Rồi nhớ anh Hà, nhớ Má, tôi không khóc nhưng nước mắt cứ lăn dài trên đôi má gầy gò, lem luốc. Tới Phú Lâm trời đã ngã bóng, vậy là không trở về lại Tuy Hòa được rồi. Ai đời vừa đến đã vội quay lui. Mà không quay lui thì tối nay phải ở lại Phú Lâm. Tôi nhủ thầm: “Mặc kệ, lo gì ngủ ở đâu. Ngày trước ở trong rừng còn ngủ được, huống gì bây giờ không sợ đói, không sợ ma, không sợ thú dữ. Mà ở đây tôi thấy bọn nhỏ cỡ tuổi tôi, quần áo rách rưới, nhem nhuốc, mặt mày dáo dác. Chắc cũng chạy loạn tránh bom đạn chiến tranh như tôi, nên cũng bớt lo chuyện sớm tối. Hơn nữa, biết đâu lại gặp người quen hay những đứa bạn trên quê. Nghĩ đến đây, đôi chân không còn thấy mỏi mệt nữa. Ghé tới xe bán bánh mì mua một ổ, vừa đi vừa ăn, mắt nhìn ngang nhìn dọc, không khác gì bọn trẻ con lạc mẹ đang thất tha thất thểu trên đường. Mặc dù bộ dạng là như thế nhưng quần áo thì giống một cậu học trò nhỏ, quần sooc xanh áo sơ mi trắng (Sau ngày xuống trại tạm cư, tôi được phát hai bộ như thế).
Cứ lang thang như vậy, từ đường lớn đến ngõ hẹp, từ xóm chợ đến bến xe ngựa, nơi nào tôi cũng qua, xó nào tôi cũng tới. Trời tối mịt, bụng đói cồn cào tôi lại ghé mua ổ bánh mỳ. Ăn bánh mỳ thì nhanh đói nhưng chẳng biết phải mua gì. Hàng cơm, bún, phở chắc chắn không dám tới vì sợ hết tiền. Trên rừng gặp gì ăn nấy, gặp khoai lang móc khoai lang, gặp củ mỳ moi củ mỳ, đôi khi nhá cả lá, cả rễ cây cho qua cơn đói. Còn ở đây, nơi phố xá cái gì cũng bán, cũng mua, không xin được, không trộm cắp được, làm thế có mà xấu hổ đến chết mất. Ăn xong ổ bánh mỳ, thấy bụng cũng tạm ổn. Tôi vào căn nhà bên đường định xin miếng nước, trong nhà đóng cửa tối om om, có tiếng trẻ con khóc như tiếng mèo kêu. Nhìn thấy ngoài chái hiên có ảng nước, không muốn làm phiền chủ nhà nên đến bên hiên lấy gáo múc uống đến cành hông, bánh mỳ trong bụng nở ra, căng lên, có cảm giác như đang rất no, thế cũng ổn. Dưới ánh trăng nhờ nhờ, nhìn bên phải nhà góc trước vườn thấy có một đống gì lù lù, tôi lại xem, té ra đống cây dỡ từ ngôi nhà nào đó. Vậy đêm nay ngủ tạm ở đây thôi. Tôi nghĩ thế nên đến kéo hai miếng ván nhỏ nối lại, đủ để tôi có thể nằm co lại mà không chạm người vào đất.
Hôm sau, gà gáy lần thứ hai tôi lồm cồm bò dậy. Trời còn tối nhưng phía chân trời đã ửng hồng ngày mới. Ngoài đường những chiếc xe ngựa chạy lọc cọc. Trên xe, quang gánh thúng mủng, bao bì, thùng thiếc, thứ móc thứ cột lổm nhổm bao quanh xe. Ngày trước khi còn ở Phú Thứ, bọn trẻ con chúng tôi hay đu sau bửng xe ngựa để lên cầu trên hoặc xuống ga Gò Mầm, chơi trò đánh giặc giã với bọn xóm khác. Giờ nhìn những chiếc xe ngựa lòng không khỏi bồi hồi. Một đứa trẻ con ăn chưa no lo chưa tới, mới ngày nào còn mè nheo với anh với chị, còn làm nũng với mẹ với ba, chơi đùa vô tư lự với đám bạn cùng trang lứa, giờ một thân thui thủi, một mình trơ trọi. Tự lo cho mình, tự bảo vệ lấy mình trước bao gian nan nguy khốn đang chờ phía trước. Ngồi nghĩ lan man như vậy trời sáng lúc nào không hay. Tôi vội xếp hai miếng ván lại bỏ lên đống cây như cũ, nhanh chóng ra ngoài đường, chủ nhà vẫn chưa dậy.
Phú lâm vào những năm thập niên sáu mươi là một vùng quê, nhà cửa mái tranh, mái tôn lộn xộn, xập xệ tuy nhiên hàng hóa được bày bán nhiều hơn. Một con đường chính chạy từ Tuy Hòa vô Nha Trang. Qua Phú Lâm một đoạn, quẹo lên Phú Đa là sắp tới Phú Thứ. Nó lớn hơn Phú Thứ một tẹo bởi gần Tuy Hòa và cũng nhiều đường ngang, ngõ dọc hơn. Tôi đứng tần ngần chưa biết đi hướng nào. Thấy một chiếc xe ngựa chạy qua theo hướng đi vô. Hỏi thăm mới biết xe chạy vô là đi Hảo Sơn hoặc lên cánh trên Phú Thứ. Mà đi Phú Thứ thì chỉ tới đoạn ga Gò Mầm, không lên được nữa vì từ Xã Hòa Bình trở lên vẫn còn là vùng chiến sự. Tôi muốn lên đó quá, dù rằng chẳng làm được gì, nhưng lòng tôi cứ thôi thúc mãi. Tôi tự dặn lòng: “Ngày mai hẵng đi, hôm nay phải tìm má với anh Hà đã”. Nghĩ thế nên tôi chuẩn bị tinh thần cho ngày hôm nay.
Thật tình, tìm như thế nào? Chẳng biết. Chỉ biết rằng cứ đi, gặp ai cũng nhìn. Thấy nơi nào đông người là tới, lảng vảng quanh đó rồi lại đi. Đi lang thang như đứa bụi đời. Tóc tai rối bời, vàng như râu bắp, cứ nắng mưa dội xuống thân hình bé nhỏ, quắt queo. Thời buổi chiến tranh nên những đứa trẻ như tôi không ít. Tôi còn có người thân để tìm, có nơi để nghĩ tới. Thằng Nhái mới gặp chiều hôm qua, nhà nó ở trên Thạch Thành trạc bằng tuổi tôi. Ba má dẫn Nhái đi chợ Phú Thứ, gặp lúc đánh nhau, cả ba chạy xuống hướng Phú Lâm, nó không bị gì nhưng ba má Nhái trúng đạn chết dọc đường. Vậy là giờ nó bơ vơ. Nó đi, chẳng biết đi đâu, nó về, chẳng biết về đâu. Thấy thật tội cho thằng Nhái.
Tôi tìm chỗ ăn sáng, lần này không ăn bánh mỳ nữa, thấy gần xe bánh mỳ có cô ngồi bán bánh hỏi. Tôi nghĩ bánh hỏi chắc cũng rẻ, không nhiều tiền vì làm bằng bột gạo nên mua một dĩa. Ăn bánh hỏi no lâu hơn mà lại rẻ. Đang ngồi ăn bỗng nghe tiếng kẻng vang lên liên hồi, tôi nhổm dậy định chạy nhưng thấy mọi người vẫn ngồi ăn, vẫn đi lại bình thường, tôi hỏi cô bán hàng:
- Kẻng báo động sao không thấy ai lo lắng hết thế cô?
Cô bán hàng phì cười:
- Không phải kẻng báo động đâu chú em. Mấy ông bán thuốc dạo đánh phèng la đấy.
Tôi hoàn hồn, cứ ngỡ tiếng kẻng báo động như hồi ở trạm xá trên núi. Nhìn nơi phát ra tiếng kẻng, một số người dần dần tụ lại, quây tròn người đang đánh phèng la. Ăn xong, tôi chạy sang bên ấy đi quanh mấy vòng xem có gặp người quen không, rồi nhập vào vòng tròn xem họ làm gì. Đang ngồi chồm hỗm dán mắt vào ông đánh phèng la, tuổi trạc bằng ba tôi thì một con nhỏ giống y hệt nhỏ Vân rẽ đám đông đi vào, giống quá nên tôi buột miệng gọi:
- Vân! Vân!
Nhỏ nghe gọi quay lại nhìn:
- Bạn gọi mình?
Tôi mừng húm, đứng phắt lên chạy đến cầm tay nó, nói không kịp thở:
- Sao bạn ở đây, gặp ba má rồi à?
Nó tròn xoe mắt nhìn, ngạc nhiên hơn là mừng rỡ. Tôi hụt hẫng hơi có chút giận dỗi, nói:
- Mới có mấy tháng mà Vân quên mình rồi à?
- Bạn là...
- Mình là Hà em nè.
Mắt nó vẫn tròn xoe:
- Hà em?
- Ừ, Vân đi với ông bán thuốc này à?
- Đó là ba mình.
Tôi lại tròn mắt nhìn nó:
- Ba?
Nói xong tôi ngớ người ra:
- Bạn là Vân?
- Mình tên Vân.
- Vậy đúng rồi, mình là bạn của nhau mà.
Lúc này người đàn ông gọi vào đưa phèng la cho nó, ông ta mở rương lấy chai lọ, bao bì, những thứ linh tinh bày ra bàn, có cả một cây đàn. Tôi lùi ra ngồi xuống nhưng lòng thực sự không thỏa mái. Nó đánh phèng la quanh vòng tròn, ngang chỗ tôi ngồi, hình như dừng lại một tẹo, nhìn và mỉm cười với tôi. Nụ cười sao mà giống nhỏ Vân như tạc, hiền lành, thân thiện. Tôi cười lại và quên phéng chuyện bực mình với nó vừa rồi.
II- Ở Phú Lâm thêm hai ngày nữa tôi đu xe ngựa lên Phú Thứ. Tới ga Gò Mầm, mọi xe cộ hoặc người đi bộ đều phải quay lui. Mặc dù Cách mạng đã rút lên núi nhưng lính Cộng hòa vẫn không cho ai lên, vì bom mìn còn dày đặc trên mặt đất. Thỉnh thoảng từng tiếng súng “cắt bùm” của du kích bí mật bám lại. Tôi đứng tại ga nhìn về Phú Thứ. Qua cánh đồng rộng ngút tầm mắt là xóm đầu tiên và cũng là chợ, nơi đó có nhà tôi. Ruộng đồng xanh ngát cỏ non, lác đác đây đó những cụm lúa màu vàng xám, còn sót lại sau làn xích xe tăng vằm nát, nham nhở. Chợ Phú Thú giờ gần như không còn gì, có chăng là còn đôi cây cụt ngọn cháy nám, nhà cửa thì tan hoang. Bất giác hai gò má nóng ran. Những giọt nước mắt mặn chát ngập ngừng trên cánh mũi. Con mương dẫn thủy vẫn rì rào ngày đêm, bầu trời trong xanh còn xóm làng thì tiêu điều, xơ xác, nám đen mùi thuốc súng. Chẳng thấy một cánh chim, chẳng nghe tiếng chó sủa, tiếng gà gáy trưa, lâu lâu vài tiếng “cắt bùm”, vài loạt đạn nổ còn thì im ắng đến rợn người. Phía bên trái tôi, bên kia mương dẫn thủy là cánh đồng rộng mênh mông, mờ xa những ngọn núi là Phú Nhiêu. Sau vụ gặt bọn trẻ con chúng tôi thường chơi đánh giặc giả ở cánh đồng này. Nào thằng Phú, thằng Ngọng, nào Đức lì, Khôi đen... Có cả Vân nữa. Vân làm hậu cần, chuyên tiếp tế nước uống và lương thực (lương thực ở đây là châu chấu, cào cào). Bọn con trai chơi “đánh giặc” với xóm khác thì nhỏ Vân đi rảo quanh mấy đám ruộng còn trơ gốc rạ, bắt những anh chàng châu chấu, cào cào mập cui bỏ vào bao. Cứ sau mỗi trận đánh, cả nhóm tụ lại quơ đâu đó nạm rơm đốt lên, mấy anh châu chấu cào cào quẫy rào rào trong lửa, mùi thơm bốc lên nức cả mũi, một bữa tiệc được bày ra trên mấy lá bông súng bứt ở bàu súng gần đó. Sau những trận đánh giặc giả toàn thắng, cũng có khi thua xiểng niểng, bị địch rượt chạy có cờ. Ăn tiệc xong, cả bọn lại rủ nhau nhảy ùm xuống mương, cười nói, la hét ỏm tỏi một vùng quê yên bình ngày đó.
Trời xế chiều, cứ người chạy tới kẻ quay lui. Gồng gánh, dắc díu nhau định trở về nhà. Dù nhà không còn, làng xóm không còn nhưng ai cũng muốn trở về, nhặt nhạnh những tài sản một đời chắt chiu dành dụm. Dựng lại ngôi nhà đã tan hoang bằng những thanh gỗ vương vãi, cháy đen. Lính Cộng hòa dứt khoát không cho đi, mọi người năn nỉ cũng chẳng được đành tiu nghỉu, buồn bã quay lui. Tôi đứng xớ rớ quanh quẩn ga vừa để gặp người thân, vừa để nhìn lại, nuối tiếc những ngày tháng qua của tuổi thơ, của gia đình, bạn bè làng xóm.
Ba ngày trước tôi ngỡ đã gặp lại nhỏ Vân, mừng không để đâu cho hết. Ít ra cũng như sợi dây nối lại của hôm qua và hôm nay, ít ra có một liên kết nào đó để tôi biết được mình còn những người thân hiện hữu bên cạnh, mình còn biết mình là ai, không trơ trọi trên đời này. Nhỏ Vân ấy chẳng phải là Vân của tôi ngày trước. Tôi hụt hẫng. Chiến tranh như một nhát chém sát rạt sau lưng, nó cắt đứt hết thảy mọi thứ quanh tôi. Má, anh Hà, chị Hai chưa tìm thấy, Ba, anh Sơn chẳng biết sống chết ra sao, nhà cửa, ruộng vườn đứng trơ nhìn mà không thể bước tới. Có mất mát nào hơn nỗi đau này? Tôi buồn rầu nhìn Phú Thứ mờ mờ trong sương chiều muộn, nhìn cánh đồng, nhìn dòng mương không biết đến bao giờ mới gặp lại quê hương thân yêu. Chiếc xe ngựa cuối cùng gõ lọc cọc trên đường nhựa chạy về hướng Phú Lâm. Bỏ lại sau lưng làng xóm tiêu điều không còn sự sống. Màn đêm phủ trùm cảnh vật, lâu lâu lại “ùng, oàng” những tiếng nổ, ánh chớp xé toạc đêm đen.
Về tới Phú Lâm trời đã tối không còn nhìn rõ mặt người. Đường phố, nhà cửa tối om om. Ánh sáng từ những ngọn đèn dầu trong nhà hai bên đường hắt ra cũng chỉ đủ sáng một ô nhỏ ngoài thềm hiên. Tôi định tìm lại ngôi nhà mà ngày đầu đến Phú Lâm chọn làm nơi ngủ qua đêm. Tôi mò mẫm đi mà vẫn không tìm ra. Đã bắt đầu thấy mệt, thấy đói. Ăn ổ bánh mỳ khi trưa giờ chẳng còn gì trong bụng. Hàng quán đóng cửa, tôi chặc lưỡi: “Thôi kệ, mai sớm dậy ăn cũng được”. Lại đi tiếp. Vết thương cũ nơi chân mấy hôm nay thấy đau đau, có vẻ hơi sưng không đi nhanh được. Tôi đành ngồi nghỉ bên gốc cây gì đó rất to. Ngồi một lúc tôi đưa mắt nhìn quanh, tối quá, chẳng thấy được gì, quay lui thấy sau lưng có cái miếu, hơi sờ sợ. Ngồi lâu trong bóng tối, mắt nhìn được nhiều thứ hơn. Cách chỗ tôi ngồi không xa, một chiếc xe bốn bánh đang đậu, hình như có người ngủ trên xe. Thỉnh thoảng vài tiếng ho phát ra từ đó. Tôi yên tâm tự nhủ: “Ngủ ở đây cũng được, bên mình còn có người”. Rồi đưa mắt nhìn vào trong miếu, ước lượng khoảng cách xem có đủ an toàn không. Ngộ nhỡ đêm khuya có ai đó hiện về thì chết chắc. Tôi ngã lưng xuống bên gốc cây, lá rụng dưới gốc nhiều nên nằm cũng dễ chịu. Tôi nhổm dậy cào thêm ít lá lót nằm cho êm. Đã đói khát, đã không có nhà cửa mà còn màn trời chiếu đất nữa thì buồn quá, lót nệm lá để êm lưng. Đang lui cui cào lá chợt ống chân nhói đau, rất đau. Tôi đưa tay xoa xoa ống chân, chân nóng ran, rồi cả người rất khó chịu, hầm hập sốt. Ngày còn ở trong rừng, những món nóng, lạnh thế này diễn ra như cơm bữa nên tôi cho là bình thường, không lo lắm: “Ngủ một giấc mai hết đau thôi, nằm thế này cũng được, khỏi lót lá thêm”.
Tôi lơ mơ tỉnh dậy, thấy quanh mình cái gì cũng lạ, cũng khác. Nhìn lên một màu trắng, đưa mắt nhìn qua phải, qua trái cũng một màu trắng. Tôi thất kinh, toát mồ hôi hột, thầm nghĩ: “Mình chết rồi sao?” Chỉ có chết mới thấy sự lạ lùng này. Ngày trước má hay kể chuyện, người chết khi xuống âm phủ toàn cảnh âm u ma quái, ma quỉ đứng quanh, còn lên thiên đàng cái gì cũng trắng trong, xinh đẹp mà ở trần gian không có. Như vậy tôi chết thật rồi. Thôi xong, tôi nhắm mắt lại, hai giọt nước từ từ lăn qua đuôi mắt. Thế là hết, chẳng còn gì để nghĩ ngợi nữa Hà em ơi! Mà sao lại chết nhanh thế nhỉ, mới hôm còn nằm ngủ dưới gốc cây gần cái miếu kia mà. Nghĩ tới cái miếu tôi lại rùng mình: “Đúng, ai đó đêm khuya hiện về trong miếu bắt mình rồi”. Đang lan man nghĩ ngợi thì một bàn tay đặt lên trán, tôi giật bắn người, mở mắt nhìn và không tin vào mắt mình: “Tôi lại mơ đây sao?” Người đặt tay lên trán tôi là nhỏ Vân, nhỏ Vân đánh phèng la bán thuốc dạo mà tôi mới quen hôm trước. Sao nó lại ở đây? Không thể có chuyện lạ đời như vậy được. Tôi chống tay định ngồi dậy hỏi cho ra lẽ thì lại ngã bật ra vì cái chân đau buốt không thể co lên. Chợt một tiếng nói khác, giọng ồm ồm, dù rất khẻ nhưng rõ:
- Cứ nằm cho khỏe, cháu còn yếu lắm không cần ngồi dậy đâu.
Tôi cố ngước lên nhìn người vừa nói, thấy quen quen, hình như ba của Vân. Tôi đã tỉnh lại phần nào nhưng vẫn chẳng hiểu điều gì đang xảy ra. Chú Lộc (ba Vân) lại nói:
- Cháu nằm bất tỉnh gần nơi chú đậu xe...
Nhỏ Vân liến thoắng:
- Nên ba mình chở bạn vô nhà thương, may mà bạn không sao. Mình lo...
Tôi bình tỉnh trở lại và dần hiểu ra mọi chuyện. Vết thương nơi chân ngày trước tái phát, tôi bị nhiễm trùng, sốt cao đến mê man. Đêm ấy nằm ngủ dưới gốc cây, và may mắn làm sao xe của nhà Vân lại đậu gần đó. Mấy ngày đầu mê sảng, Thầy thuốc gắp viên đạn trong chân ra và hôm nay tôi mới thật sự tỉnh táo. Vân lấy cam trên tủ ở đầu giường lột vỏ, bóc ra từng múi đưa vào miệng tôi, chú Lộc nhìn Vân, nói:
- Con ở lại chơi với nó, ba về.
- Dạ, trưa ba khỏi qua. Hà em tỉnh rồi, trưa con mua cháo cho bạn ấy.
- Ừ.
Tôi có mơ không, nhỏ Vân ở lại chăm sóc cho tôi? Tôi đem niềm vui này hỏi Vân:
- Bạn ở đây với mình sao?
- Không phải mới hôm nay đâu. Mình ở đây từ lúc ba đưa bạn vào nhà thương kìa.
Tôi ngạc nhiên vô cùng. Hai đứa mới quen mà Vân tốt quá. Tôi nói:
- Mình mang ơn bạn nhiều lắm. Rồi bạn ở đây ai đánh phèng la và diễn?
- Mẹ mình. Mẹ giỏi lắm, cái gì cũng biết, hát hay nữa.
- Hôm bữa nghe cô hát rồi. Hay đến nỗi mình sắp khóc luôn, còn hôm ấy chỉ thấy bạn uốn dẻo, chưa nghe bạn hát.
- Mình hát Hà em nghe nha, mà hát nho nhỏ thôi đấy.
Vân hát tích Phạm Công Cúc Hoa, đoạn Nghi Xuân nhớ mẹ. Vân hát hay quá, hay không thua gì cô Lộc mẹ Vân. Giọng nhỏ trong veo, mang tâm trạng nhớ cha ngoài chiến trường, nhớ mẹ không còn trên đời, hai con bơ vơ nơi đầu ghềnh cuối bãi. Vân hát càng lúc càng tha thiết, như muốn thay tôi nói lên nỗi lòng u uẩn của mình. Tôi không khóc nhưng nước mắt cứ ướt nhòe đôi má. Trong phòng nhà thương chỉ chừng năm người, ai cũng nhổm dậy lắng nghe Vân hát. Bài hát đã kết thúc mà mọi người cứ ngẩn ngơ, thừ người ra như còn thấy lắng đọng dư âm đâu đó, tôi cũng vậy. Một lúc sau, tiếng vỗ tay rào rào, bác gái nằm gần đó giọng còn đầy xúc động, nói:
- Cô nhỏ này hát hay quá. Nhìn hai đứa giống Nghi Xuân Tấn Lực ghê.
Một chú ở góc phòng lên tiếng:
- Cô nhỏ, cháu ở đoàn cải lương à, hát hay quá!
Tôi thật sự xúc động và tự hào vì có nhỏ bạn mới quen giỏi thế. Vân đang ngồi ở mé giường, tôi đưa tay cầm tay nó, thấy tay tôi chỉ âm ấm, không còn sốt nữa, Vân nói:
- Hà em hết sốt rồi nè.
- Mình sẽ không quên ngày hôm nay. Mình luôn nhớ tình bạn của chúng ta.
Tôi thật sự xúc động, bóp mạnh tay nhỏ:
- Ái, đau tay Vân đấy!
Dù ở hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình thật hạnh phúc.
Sáng hôm ấy tôi đã kể cho nhỏ Vân nghe về gia đình, về chiến tranh, về những ngày lưu lạc, về những người bạn, về nhỏ Vân ở trên quê và sự nhầm lẫn hôm gặp đầu tiên. Vân ngồi nghe mà lòng đầy thương cảm. Lần này Vân bóp mạnh tay tôi như động viên, như an ủi, như thầm bảo với tôi rằng: “Cố gắng lên, mạnh mẽ lên, rồi sẽ gặp ba má, các anh chị, Vân sẽ luôn bên cạnh Hà em”. Vân cho biết, trước kia nhà ở Diên Khánh Nha Trang, Vân có người anh hơn hai tuổi chết trong chiến tranh năm sáu lăm. Ngày đó cả nhà Vân đều ở trong đoàn hát, khi anh chết ba buồn nên ra khỏi đoàn luôn. Giờ thì đi hát rong, bán thuốc dạo. Mất mát nào cũng đau lòng cho những người ở lại. Chiến tranh đã đẩy những người cùng khổ xích lại gần với nhau hơn. Tôi chia sẻ với Vân:
- Mình không căm ghét ai cả, mình chỉ căm ghét chiến tranh, ghét những người tạo ra nó, nó đã làm tan nát gia đình mình, xóm làng mình và mất đi người anh của Vân nữa.
Vân không nói gì, cúi xuống gạch gạch từng đường hằn sâu trên tấm nệm giường, khác với nhỏ Vân ở quê ngày ấy. Ngày ấy tôi cũng nói ghét chiến tranh, nhỏ Vân nhìn tôi: Hà em sao hung thế?” nhưng lúc đó chiến tranh chỉ mom mem đến làm bọn tôi không được chạy chơi nhiều, không được sống vô tư, suốt ngày cứ nơm nớp, phập phồng lo sợ và lúc đó, chiến tranh chưa cướp đi của chúng tôi người thân, làng xóm. Còn giờ đây... Tôi căm ghét! 
III- Nằm ở nhà thương đến nay đã nửa tháng, suốt mười lăm ngày nhỏ Vân đều đến với tôi, đôi khi rảnh rỗi cô hoặc chú Lộc ghé thăm. Mọi người nhìn tôi lại nhớ đến đứa con đã mất của mình, nên yêu thương tôi như con trong nhà. Hôm qua, vết mổ đã lành sức khỏe có khá hơn, tôi được thông báo ra nhà thương, chân không còn đau nhưng thầy thuốc dặn ít đi lại, tránh va đập vào chân. Vợ chồng chú Lộc sáng nay nghỉ bán thuốc đến nhà thương đón tôi và nhỏ Vân. Bọn tôi dọn dẹp đồ xong ra cổng đứng đợi. Tôi tần ngần, quay lui nhìn nơi mình vừa ở chữa bịnh, nơi đã cho tôi có những ngày được chăm sóc, yêu thương, nơi có những người xem tôi là con, là anh là bạn của họ. Lần đầu tiên, từ khi xa gia đình, xa nhỏ Vân trên quê, xa vợ chồng bác Hiền, tôi có được sự êm ấm, hạnh phúc mà chiến tranh đã cướp đi của tôi.
Do thầy thuốc dặn nên chú Lộc khuyên tôi chờ cho chân lành hẳn rồi hãy đi tìm mẹ. Tạm thời cứ ở cùng gia đình chú. Chẳng còn cách nào khác hơn là nghe theo lời chú. Vậy là bắt đầu từ đây, tôi trở thành thành viên của đoàn hát rong bán thuốc dạo. Vân mừng lắm, nó cười nói luôn miệng. Ngày hôm đó chú Lộc chở cả nhà đi chơi, dạo quanh Thị xã Tuy Hòa. Chú dừng lại ở đường Lê Thánh Tôn mua thêm thuốc để bán, cô Lộc dẫn tôi và Vân vào tiệm quần áo mua mỗi đứa hai bộ đồ, Nhỏ Vân mua tặng cái mũ lưỡi trai mà sau này khi lên Phú Bổn tôi vẫn còn giữ. Tôi mua tặng nhỏ chiếc vòng đeo tay ở hàng gần đó, nó bẽn lẽn nhìn tôi nói lí nhí gì đó rồi cười chúm chím, lộ hai đồng tiền xinh xinh lạ.
Xe chạy qua Trần Hưng Đạo, quẹo xuống ngã năm rồi ra biển. Đường ra biển hai bên đồng lúa xanh rì, gió từ biển khơi thổi mát rời rợi. Nhìn lúa nhớ quê. Quê tôi không có biển, chỉ có sông. Ra ngoài soi ở Mỹ Lệ là gặp sông Ba chảy xuống cầu Đà Rằng. Ngày trước đôi lần theo ba đi ăn giỗ ở Mỹ Lệ mới thấy được sông. Tôi không nghĩ là nó lớn đến thế. Mùa nắng ít nước lộ những bãi bồi giữa sông, cây cỏ phủ xanh rì nên chẳng thấy gì là ghê gớm. Nhưng khi nó chứa đầy nước thì khủng khiếp làm sao, rộng không thấy đâu là bờ. Còn giờ đây, lần đầu tiên thấy biển, quả thật tôi chẳng thể hình dung lại có thứ gì mà mênh mông đến thế. Chú Lộc đậu xe ở rừng dương, nhỏ Vân cầm tay tôi kéo chạy ra mép sóng. Lúc đầu thấy biển rộng lớn quá tôi cũng hơi sờ sợ, nhưng chỉ một tẹo thôi, khi chạy cùng Vân, tôi dạn hẳn lên. Giờ thì không đợi nó cầm tay kéo đi, mà tôi lôi nó chạy mải mê trên bờ cát. Nhỏ Vân thỉnh thoảng lại nhắc: “Hà em chạy chậm thôi, coi chừng chân lại đau”. Gió khơi lồng lộng, từng đợt sóng đua nhau xô vào bờ, hóa thân thành bọt trắng tan biến dưới bàn chân hai đứa. Nhỏ Vân đứng lại bên mép sóng, nói:
- Mình chơi xây lâu đài Hà em ơi!
Lâu đài thì tôi biết, trong chuyện cổ tích có đầy những lâu đài, nhưng ở đây thì làm sao xây. Tất nhiên tôi không hỏi nó, mà nói:
- Ừ, mình xây lâu đài cho nàng công chúa ngủ trong rừng đi.
Nhỏ Vân ngồi xuống vốc từng bụm cát ướt cho chảy dài dưới kẽ tay, tôi làm theo nó. Hai tòa lâu đài xinh xắn to ra và cao dần lên. Lần đầu tiên chơi trò này nhưng lâu đài của tôi cũng không tệ, của Vân đẹp hơn. Nó là con gái mà lị. Tôi quay sang nhỏ, hỏi:
- Vân thích ở lâu đài nào, của mình hơi xấu.
Nó trả lời chẳng đắn đo làm tôi bất ngờ:
- Mình ở lâu đài Hà em!
- Nhưng của mình không được đẹp.
- Mình sẽ làm cho nó đẹp hơn.
- Sao lại thích ở với mình?
- Ba mẹ mong thế.
- Cô chú nói sao?
- Ba mẹ nói ước gì Hà em là con mình.
Tôi xúc động thật sự. Một thằng bé cù bơ cù bất, lang thang khắp nơi khắp chốn, cơm không đủ ăn áo không đủ mặc, ngủ bờ ngủ bụi mà được một người không thân thích xem mình như con, yêu thương đến thế thì sao mà không xúc động. Bàn tay hơi run, tôi nhìn thẳng vào mắt Vân, nhìn thật lâu, nhỏ Vân cảm nhận được sự bồi hồi trong tôi, nó đưa bàn tay mủm mĩm cầm lấy tay tôi, tôi siết mạnh, nói trong hơi thở:
- Hà em cũng rất yêu quí ba mẹ Vân, yêu quí Vân, rất muốn là con của gia đình. Nhưng mình còn phải đi tìm Má, anh Hà với chị Hai rồi chúng ta sẽ ở bên nhau, phải không Vân.
Nhỏ Vân trìu mến nhìn tôi, hai đứa đứng lên bất ngờ một con sóng lớn trườn tới, xóa sập hết mọi thứ. Tôi và Vân rượt đuổi theo mép nước đang lùi xa, đợt sóng khác ập tới trùm lên, hai đứa té nhào, ho sặc sụa. Tôi lồm cồm đỡ Vân đứng lên, cả hai ướt đẫm, tôi nói:
- Nước biển mặn Vân ha.
- Ừ, ba sẽ thường xuyên chở bọn mình đi biển, Hà em thích không?
- Thích lắm!
Vợ chồng chú Lộc đến lúc nào mà tôi và Vân không hay biết, cô nói:
- Hai con xuống tắm, nhớ đừng ra xa. Hà em, con bơi được chứ?
- Dạ, được ạ. Nhưng tụi con tắm trong bờ thôi ạ.
- Ba mẹ chỉ đi dạo quanh đây thôi. Chiều chúng ta cùng về.
Cả hai đứa tôi dạ thật to rồi cầm tay nhau chạy, nước bắn lên tung tóe. Tiếng cười vui của hai đứa trẻ hòa cùng tiếng rì rào sóng vỗ, tiếng gió đùa của biển khơi tạo ra những thanh âm yên bình, hạnh phúc. Xa xa, những cánh chim hải âu chấp chới, chao nghiêng giữa nắng chiều vàng rực rỡ.
Vậy là tôi theo nhóm hát rong bán thuốc dạo của chú Lộc đã hơn một tháng. Đi quanh Thị xã Tuy Hòa. Đôi khi xa hơn, đi tới mấy huyện gần Thị xã. Chú Lộc nói với tôi: «Tạm thời con phải ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, để hồi phục sức khỏe và vết thương lành hẳn rồi hãy đi tìm Má với anh. Hơn nữa, đi với chú như thế này cũng là cách tìm con ạ. Chú đã cho đăng báo tìm người thân rồi. Hy vọng không lâu nữa mọi người sẽ gặp nhau thôi». Tôi thấy chú nói vậy nên đồng ý ở lại.
Tối nào cũng vậy, cô hoặc chú Lộc đều dạy Vân học. Do phải di chuyển thường xuyên nên nhỏ không đến trường được, thành ra chuyện học ban đêm là bắt buộc. Từ lúc chạy loạn, tôi cũng ngừng không được đến trường, nên thấy nó, tôi thường lảng vãng bên lều để nghe. Cô Lộc gọi vào và thế là lớp học có thêm một đứa nữa. Nhỏ đang học lớp ba, tôi do trễ một năm nên cũng phải ngồi lại lớp ba. Vậy ra tôi lớn hơn Vân một tuổi. Biết được điều này, nó rất vui và  nói:
- Từ nay Vân gọi Hà em là anh đấy nha.
Tôi lúng túng chưa nói được gì, cô Lộc cười xoa đầu tôi:
- Cô chú xem con như Vân, nên Hà em làm anh là đúng rồi.
Tôi nhìn nhanh Vân, cúi xuống nói khẽ:
- Dạ!
Nhỏ vỗ tay mừng rỡ, reo lên:
- Hay quá, anh Hai!
Tôi từ xưa đến giờ chưa bao giờ được ai gọi mình bằng anh, anh Hai nữa mới ghê. Đứa thì gọi mày tao, đứa gọi là thằng là bạn, nên khi nghe nhỏ gọi: «Anh Hai!» Tôi bối rối thật sự. Vừa bối rối vừa xúc động. Tôi có đứa em gái này thật ư? Nó xinh xắn thế mà, nó ngoan hiền, hát hay như thế mà giờ tự nhiên nó lại là em mình. Mặt tôi vẫn còn đang đỏ vì ngượng. Tôi nhìn cô Lộc rồi quay sang nó
- Em! Ờ mình... À, anh vui lắm!
Nói xong, mặt tôi càng đỏ hơn. Cô Lộc đến xoa đầu hai đứa, nói:
- Hai con là anh em, phải biết luôn yêu thương nhau, chúng ta là người một nhà. Thôi, giờ bắt đầu học hai con.
Đây là quãng thời gian ấm êm, hạnh phúc nhất kể từ dạo cả nhà tôi ly tán.
Công việc thường ngày của tôi ở đây chỉ có mỗi hai việc. Buổi sáng, chú Lộc đánh phèng la để tập trung mọi người. Khi khách đã tàm tạm thì tôi thay chú xách phèng la đi quanh, việc này trước đây là của nhỏ Vân. Trong khi chú Lộc soạn đồ thì cô đánh đàn Vân hát còn tôi... ngồi nghe! Ít việc quá tôi cũng buồn nên xin chú cho làm thêm. được đồng ý, thế là cùng nhỏ Vân đem thuốc đưa cho khách và thu tiền. Công việc này lợi cho tôi rất nhiều. Má, anh Hà hoặc người quen trên quê dễ nhận ra tôi, hơn là cứ đi lang thang để tìm. Nhìn mọi người biểu diễn tôi cũng ngứa chân tay nhưng tiếc là chẳng biết gì.
Một hôm, đang đưa thuốc cho khách chợt có tiếng gọi làm tôi giật mình sút đánh rơi gói thuốc xuống đất: «Hà em, Hà em đó phải không?» Sau phút ngỡ ngàng, tôi đưa thuốc cho Vân rồi chui ra vòng tròn, nơi có tiếng gọi vừa rồi. Tôi nhận ra ngay bác Ký nhà ở sau chợ Phú Thứ. Mừng quá, tôi ôm chầm lấy bác hỏi không kịp thở:
- Má con ở đâu? Anh Hà ở đâu bác chỉ dùm con với.
- Từ hồi xuống đây đến giờ bác chỉ gặp má con một lần khi đang đi ngoài đường, cũng lâu rồi chưa gặp lại. Con làm ở đây à? Nghe nói con chạy lên trên kia rồi mà.
Tôi không biết bắt đầu kể từ đâu nên chỉ gút gọn mục đích cuối cùng, tôi nói:
- Từ hồi chạy loạn đến giờ con chưa gặp lại má...
Cô Lộc hát xong cũng ra ngoài gặp tôi và bác Ký, còn chú Lộc biểu diễn võ thuật. Lúc đầu cô tưởng tôi gặp được người nhà nên ra cùng chia vui, mời vào phía sau nói chuyện, nhưng khi tôi giới thiệu bác là hàng xóm, cô cầm tay bác Ký nói:
- Nhờ chị nếu gặp mẹ hoặc anh của Hà em, nói cháu đang ở với vợ chồng tôi. Chúng tôi còn ở đây lâu, nếu không thì đến nhà thuốc Hạnh Sanh Đường.
Dù chưa phải Má, nhưng tâm trạng tôi rất vui vì gặp được người quen, đi thế này dễ có điều kiện để Má hoặc anh Hà thấy tôi hơn. Cô Lộc và tôi chào bác Ký rồi đi vào. Lúc này Vân đang hát trích đoạn «Người đẹp Bạch Hoa Thôn». Nhỏ hát mà mắt cứ dán ra ngoài chỗ tôi và cô Lộc đứng nói chuyện. Lúc thấy hai người đi vào, nó ngoẻn miệng cười, tôi nheo mắt cười lại với nhỏ, rồi đến quầy lấy thuốc giao cho khách. Tôi đi quanh vòng tròn mà hồn thì để vào miệng nhỏ Vân. Nó nhỏ mà hát cải lương hay quá, đến nỗi người đứng ở vòng tròn rất đông mà đều im phăng phắc nghe hát. Tôi thì như nuốt từng lời của nó.
Thật tình, tôi rất thích cuộc sống rày đây mai đó. Đi nhiều nơi biết được nhiều thứ, học được nhiều điều. Tôi nghĩ: «Trên đường lang thang vô định, gặp được gia đình chú Lộc là may mắn, là một diễm phúc cho tôi. Được những người yêu thương mình thật lòng là hạnh phúc mà không dễ gì tôi có được. Nhưng bên cạnh không khí ấm êm của gia đình ấy, tôi vẫn ray rứt trong lòng bao nỗi niềm, lo lắng, nhớ nhung. Thắt ruôt, thót tim khi cảnh người chết nằm la liệt, phơi thân xác trên cánh đồng, trắng xương nơi rừng núi mỗi khi nghĩ đến. Những ray rứt, sự bình yên cứ đan xen vào nhau, tôi cố gạt ra, cố quên đi nhưng nó cứ luẩn quẩn trong đầu, buồn đến phát khóc. Khi đó, hình ảnh của vợ chồng chú Lộc, của Vân lại hiện lên. Những đêm hai đứa ngồi học bài bên nhau, những chiều cùng vui đùa trên bãi cỏ, kể cho nhau nghe chuyện quê hương, làng xóm, bạn bè người thân của mình. Làm tôi lại quên đi những tháng ngày đen tối đầy nước mắt.
Gần một tháng sau ngày gặp bác Ký ở gần khu nhà ga xe lửa, tôi đã gặp lại người bạn thân trên quê, cùng đi với nhau hồi ở trên núi. Đứa bạn mà không bao giờ tôi có thể nghĩ rằng sẽ gặp nó ở Tuy Hòa. Hôm ấy đầu buổi chiều, tôi ra hiệu sách ở gần chợ mua hai tập vở và cuốn sách toán pháp lớp ba. Trên đường về gặp thằng Đức lì. Đích thị nó rồi, không thể là ai khác. Tuy nhiên, trông bảnh bao như con nhà khá giả nên cũng hơi e dè. Cách một quãng ngắn tôi đứng lại gọi tên nó, nếu không phải Đức lì cũng chẳng sao:
- Đức!
Thằng đó quay lại nheo nheo mắt nhìn rồi reo lên:
- Hà em!
Tôi vui đến không tưởng, chụp vai nó lắc mạnh:
- Bạn xuống đây khi nào, vì sao lại xuống?
- Tàu bay chở tao.
- Cũng giống mình.
- Lẽ ra tao thoát rồi, do bị rớt lại.
- Là sao?
- Tao với thằng Ngọng được cõng khỏi trạm xá, thằng cha cõng tao yếu quá nên đi chậm bị rớt lại, lúc sau lính tràn tới, thấy tao là con nít nên túm tao đưa lên tàu bay, cha kia cắm đầu chạy bị bắn chết...   
IV- Tôi vẫn biết Đức lì mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống dễ tự do, buông thả hơn. Nhưng hồi cả gia đình chết trong chiến tranh, ba má đem nó về nuôi rồi lúc gặp nhau trên núi, nó luôn gần gũi, quan tâm người khác. Dẫu có lì nhưng là đứa trẻ ngoan, sao giờ gặp lại thấy Đức lì lạ lẫm quá. Nó nói:
- Lẽ ra tao có thể trốn trong hốc cây, hay hầm hố nào đấy...
- Sao bạn không trốn?
- Tao nghĩ trốn không được, sợ tụi nó bắn nên để tụi nó bắt tốt hơn, về Tuy Hòa này có cơ hội hơn.
Không hiểu về đây thì cơ hội gì? Nó thì có cơ hội gì ở Thành phố. Chẳng có người thân thích, cũng chẳng tìm kiếm ai, vậy... Nghĩ mãi vẫn không ra những điều Đức lì nói. Lúc gặp nó tôi đã thấy khan khác, dựa vào gì thì chẳng rõ, nhưng cảm giác khó hiểu ở Đức lì là khi nó nói:
- Tao về đây thuận lợi hơn.
- Bạn gặp được bà con à?
- Cũng gần như vậy. Tao gặp người quen...
Đức lì định nói gì đó lại thôi. Nó hỏi tôi tìm được người nhà chưa, nếu muốn đi theo để được sống đầy đủ hơn, nó sẽ giới thiệu. Tất nhiên theo nó là không, vì tôi còn phải tìm má, với lại chưa biết Đức lì đang làm gì? Tôi hỏi:
- Nếu đi theo bạn thì mình phải làm gì?
Nó nói một cách hãnh diện:
- Mày nhìn tao là biết rồi, chẳng làm gì cả. ngày nào đó có dịp tao sẽ dẫn mày đi.
Nghe nói thế tôi thấy việc làm gì gì đó có vẻ không ổn, không hợp với tôi, tôi nói:
- Mình không tham gia với bạn vì còn phải đi học.
Đức lì «Xì» một tiếng thật to:
- Học cái củ từ, nhác gan thì có.
- Ừ, mình không có gan to bằng bạn. mình không...
Đức lì bực bội bỏ đi thật nhanh, tôi chưng hửng nhìn theo. Nó vừa đi vừa nói, tôi nghe tiếng được tiếng mất, gì mà: “Hèn... Hèn... Trả thù... “ Chẳng hiểu nó nói mình hay nói ai. Chả lẽ mình không đi theo nó, Đức lì sẽ trả thù? Kỳ lạ thật.
Tôi không kể chuyện gặp Đức lì cho cô chú nghe, kể cả Vân. Trong lòng cứ lăn tăn nghĩ ngợi: “Thế có phải là dấu diếm, là chưa tin tưởng mọi người chăng?” Không! Không! tôi hoàn toàn tin cô chú Lộc, tin nhỏ Vân. Chỉ có điều họ là những người hiền lành, trong sáng. Đức lì bản chất tốt bụng. Một người tốt, tôi vẫn tin như thế, nhưng hai cách sống, hai cách suy nghĩ có lẽ khác nhau nên tôi đắn đo chưa dám nói. Đêm đêm nằm một mình, tôi cứ thắc mắc không hiểu sao nó lại lạ lùng, thay đổi nhanh và nhiều như vậy. Nghĩ mãi rồi chìm dần vào giấc ngủ.
Ngày qua ngày, cuộc sống cứ rày đây mai đó. Thời gian đầu tôi rất muốn làm một việc chi đó phụ cùng cô chú, nhưng chẳng biết làm gì. Vân gợi ý:
- Ba dạy võ cho anh Hà em đi, anh sẽ diễn nếu ba bận.
- Ừ, Hà em còn yếu, để ba xem sao.
Tuy nói thế nhưng tối hôm ấy sau buổi học cùng Vân, dưới ánh đèn măng xông trước trại, chú Lộc đã khai tâm võ học đầu tiên cho tôi. Nhỏ Vân lò dò đến ngồi bên. Chú Lộc nhìn nó nói:
- Con học chung luôn. Học võ chính là rèn luyện sức khỏe, sau tự bảo vệ lấy mình.
- Có ba đó. Còn sau này anh Hà em sẽ bảo vệ con, lo gì.
Bắt đầu từ tối hôm đó, sau giờ học trong trại và sáng sớm, hai bọn tôi cùng tập luyện với nhau. Nhờ luyện tập chăm chỉ nên sức khỏe của tôi tốt hẳn lên. Chú Lộc khen: “Tụi con khá lắm! Tiến bộ thấy rõ. Cố lên!”
Loanh quanh Thị xã Tuy Hòa rồi đến các xã lân cận. Vòng một lượt trở về lại tiếp tục đi. Đôi khi được nghỉ năm, bảy ngày. Mọi người dạo phố, mua sắm hoặc thăm viếng đây đó. Cuộc sống quả thật đã mãn nguyện đối với tôi, nếu không canh cánh trong lòng nỗi mong nhớ, tìm gặp người thân. Lẽ ra chú Lộc có thể chuyển đi bán hàng xa hơn, về Nha Trang hay ra Quy Nhơn nhưng cô chú cùng đồng ý là chỉ quanh Tuy Hòa và các vùng phụ cận để Má, anh Hà dễ găp tôi hơn. Biết được tấm lòng cô chú, biết được sự để tâm giúp tôi nhanh chóng gặp người thân, điều này khi Vân nói, đã không kìm nén được xúc động, tôi ôm chầm lấy nó, nói:
- Ba mẹ tốt với anh quá, em tốt với anh quá! Anh luôn xem đây là gia đình mình, ba mẹ mình...
Cô Lộc từ phía sau đi tới, lên tiếng:
- Hà em là đứa trẻ ngoan, cô chú và bé Vân rất yêu quý con, sau ba mẹ, ta sẽ là mẹ của con.
Trong lòng đang dâng trào cảm xúc, Tôi nhớ mẹ, yêu quí cô chú nên thốt ra chẳng chút đắn đo:
- Mẹ!
Cô đến kéo tôi và Vân vào lòng:
- Con ngoan, mẹ yêu hai con!
Ngày qua tháng lại thời gian trôi đi vùn vụt, mới đó mà tôi về với gia đình ba mẹ nuôi đã tròn năm tháng, bắt đầu từ ngày rời khỏi nhà thương. Suốt những ngày tháng đó tôi không nguôi mong chờ gặp lại Má và anh Hà. Cũng ngần ấy thời gian tin tức về người thân bặt vô âm tín. Lúc đầu, tôi tin là Má, anh Hà cũng sẽ đi tìm, nhưng càng về sau này tôi cho rằng mọi người vẫn nghĩ là tôi đang lưu lạc nơi rừng thiêng nước độc, không rõ sống chết ra sao, chẳng ai biết tôi xuống dưới Tuy Hòa cả. Thôi thì chỉ còn biết chờ đợi sự may mắn đến, chứ một thân một mình lang thang bữa no bữa đói khắp hang cùng ngõ hẻm, đến bản thân còn khó giữ thì lấy gì để đi tìm người thân. Với suy nghĩ đó, tôi chỉ còn mong Trời Phật cho gia đình sớm được đoàn tụ.   
Hôm nay gia đình Ba Mẹ nuôi về Nha Trang vì có việc nhà. Mọi người chất đồ lên xe, nhỏ Vân hỏi tôi:
- Anh biết Nha Trang chưa? Lớn và đẹp lắm!
 Trông nó hào hứng, nói chuyện huyên thiên, nhảy chân sáo quanh xe. Tôi hỏi nó:
- Xe chạy luôn về nhà mình à?
- Dạ, xe chạy về Thành, nhà mình đó anh.
- Nhà mình giờ ai đang ở?
- Dạ, Ba Mẹ cho thuê bên dưới, trên lầu để trống. Ba nói người ta sắp dọn đi vì hết hạn thuê rồi. Đợt này về làm giấy tờ cho khách thuê mới, anh ạ.
Tôi và Vân đi quanh một lượt xem có còn sót lại gì không. Đang bắt đầu vào Thu, buổi sáng trời se se lạnh rất dễ chịu. Mây xám sà xuống giăng giăng, lòng tôi cứ bồi hồi, cứ bâng khuâng một cái gì đó không rõ, đến nỗi nhỏ Vân đứng lại nhìn tôi, hỏi:
- Anh đang nghĩ gì thế?
- À, anh chỉ nghĩ lan man.
- Xa Tuy Hòa chắc là anh buồn?
- Ừ, nhưng không hẳn vậy đâu em. Anh chỉ có một điều duy nhất là người thân anh được bình an và mong sớm gặp thôi. Còn giờ bên anh có em, có Ba Mẹ, có một cuộc sống mới, không còn phải lo lắng cho những ngày tháng bấp bênh, đầy bất an ở phía trước nên anh vui chứ, nhất là có đứa em gái đáng yêu như thế này.
Nói xong tôi lấy ngón tay dí vào trán nhỏ, nó cười rất tươi đi sát bên tôi. Hai đứa đi loanh quanh gần chỗ đậu xe. Mới đầu Thu nên chỉ đôi chiếc lá vàng lảo đảo rơi trong gió nhẹ. Tôi cúi xuống nhặt đưa cho Vân, cười nói:
- Hồi ở trên quê, anh cứ nghĩ cây chắc sẽ buồn khi lá cứ vàng, cứ rụng để cây đứng trơ trọi giữa trời, còn giờ thì không phải thế. Nó trút lá để đâm ra những chồi non, cây sẽ lớn lên để trưởng thành.
Vân mân mê chiếc lá trên tay, nói:
- Em ép nó vào vở.
- Một thời gian sau lá khô rất đẹp.
- Anh nhỉ, lá rụng để chồi non nhú ra, để cây lớn lên.
- Ừ, rồi tụi mình cũng thế, rồi lớn lên, rồi trưởng thành...
- Nên em cất chiếc lá để sau này lớn lên, em sẽ đưa anh xem, chúng ta ngồi nhớ lại ngày xưa. Ôi, thích quá!
Xe chạy qua khỏi cầu Đà Rằng dài hun hút. Mới quay qua quay lại đã tới ngã ba lên Phú Thứ. Quê hương lùi dần về phía sau. Dù đã quyết định đi nhưng lòng vẫn thấy bùi ngùi nhớ về những năm tháng êm đềm, những đoạn đường cơ cực. Chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng đã theo dòng đời là phải đi tới, Hà em ạ. Nhỏ Vân ngồi bên cạnh đang ngủ, tôi đỡ đầu em tựa vào vai. Lần đầu đi xe mà đi xa nên ngồi một lúc tôi cũng chìm dần vào giấc ngủ.
Đến trưa chúng tôi tới Nha Trang. Mẹ Lộc quay xuống gọi:
- Hai đứa dậy đi, gần tới nhà rồi mấy con.
Nhỏ Vân dụi mắt nhìn ra cửa xe, reo lên:
- Nhanh ghê, gần tới ngã ba Thành rồi Ba Mẹ nè.
Nó quay sang tôi:
- Anh ngủ bằng em không?
 Mẹ Lộc nhìn xuống bọn tôi cười:
- Hai đứa ngủ nhìn mắc cười lắm!
Nhỏ Vân không hiểu, hỏi lại:
- Là sao Mẹ?
Mẹ Lộc lại cười:
- Là đứa này thức giữ đầu đứa kia tựa vào vai mình. Rồi đứa kia thức nâng đầu đứa này tựa vai mình... Cứ đổi qua đổi lại cũng gần chục lần là đến Nha Trang hi hi.
Cả bốn người trong xe cười vang. Ba Lộc nói vọng xuống :
 - Thấy hai con biết yêu thương, chăm lo cho nhau như thế Ba Mẹ vui lắm. Giờ chúng ta ghé ngã ba Thành ăn trưa rồi về nhà.
Thành Nha Trang không nhiều nhà cao tần nhưng ngăn nắp sạch sẽ. Nhịp sống nhẹ nhàng, trầm lắng. Xe chạy vào đường Trần Quý Cáp và dừng lại trước ngôi nhà có sân tương đối rộng. Cổng ngõ khóa trước, Ba Lộc cho biết khách thuê dọn đi từ chiều qua. Vân cầm chìa khóa chạy vào mở cổng, tôi đi theo nhỏ kéo rộng cửa cho Ba Lộc đưa xe vào. Ngôi nhà hai tầng, bên dưới là phòng khách, bếp và phòng ngủ Ba Mẹ. Trên lầu hai phòng. Nhỏ Vân dẫn tôi đi khắp nơi giới thiệu. Mẹ Lộc kéo tôi và Vân lại gần, nói:
- Đây là nhà của các con, của chúng ta. Ba Mẹ mong Hà em có những ngày sống ở đây như con đã từng sống với Ba Má, Anh Chị của con trước kia. Các con được quyền sống hạnh phúc bên gia đình.
Tôi xúc động cầm tay Mẹ Lộc rưng rưng nước mắt:
- Con cám ơn Mẹ, cám ơn Ba.
Mẹ quay sang Vân nói:
Con dẫn anh đi tắm rồi chiều Ba Mẹ cho hai đứa xem xi nê.
Cuộc sống của tôi bắt đầu thay đổi. Để bằng lòng với những gì đang có thì quả thật không còn mong muốn gì hơn. Sự yêu thương của Ba Mẹ - tôi đã có. Hơn nữa, tôi còn có một đứa em đáng yêu. Nhưng sao lòng đầy rẫy những âu lo, quá nhiều những bất trắc đang chờ đợi. Niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh cứ đan xen nhau, rồi nhập vào tôi như một thứ mà tôi phải nhận. Mang tâm trạng này buộc Ba Mẹ nuôi và em gái tôi cùng hưởng ư? Không được! Ngàn lần không được. Chính tôi phải nhận lấy nó, ghìm thật sâu vào tận đáy lòng để sống cho hôm nay. Có lẽ đó là điều đầu tiên mà tôi phải làm đối với Ba Mẹ nuôi và đứa em gái tôi yêu.
Sáng nay tôi với Vân đi chơi. Hai đứa vào chào Ba Mẹ, tôi dắt xe ra đường. Dù không tự tin lắm nhưng vẫn ngồi lên xe chở nó. Hồi ở nhà tôi đi xe cũng tàm tạm nhưng chưa chở ai bao giờ. Đường ở Thành không nhiều xe nên bớt sợ. Đến khi nhỏ Vân tỉnh bơ leo lên yên sau thì tôi lại đâm lo. Ngộ nhỡ ngã thì tội nó biết mấy. Nghĩ thế nên đành thú nhận rằng tôi đi được nhưng... Hơi yếu! Nó nói:
- Không sao đâu anh, em nhẹ hều à. Với lại anh cứ chạy xem. Chạy một vòng rồi quay lại chở em.
- Vậy anh chạy thử nha.
- Dạ.
Tôi lên xe đạp chạy, nó theo đẩy. Tôi ngon trớn đạp nhanh vẫn nghe tiếng nó nói chuyện phía sau lưng, tôi la to:
- Em đừng chạy nữa, để anh quay lại.
Nó cười khúc khích sau lưng, lại còn đưa hai tay ôm lấy bụng tôi:
- Em lên xe rồi anh Hai ơi!
Tôi hết sức ngạc nhiên, quay lại hỏi nó:
- Sao em lên đươc, anh đạp nhanh mà.
- Anh quên em diễn xiếc rồi à.
V- Hồi ở quê tôi đi xe đạp cũng được nhưng phải nói là yếu. Nhất là không có xe để tâp. Lâu lâu có ông khách đến nhà, dựng xe ngoài ngõ là a lê cưỡi chạy ngay. Còn đi được nhiều hơn là xe của anh Sơn. Nhưng cũng năm khi mười họa, rồi tập ngoài đường cái thì dễ lao xuống mương dẫn thủy, nên tay lái thường không chắc. Giờ thì đạp xe chạy bon bon, lại chở thêm nhỏ Vân phía sau nữa mới kinh. Chạy một đoạn là gần tới cầu sông Cái, Vân nói:
- Bên kia cầu nhiều vườn cây ăn trái lắm anh. Hồi ở nhà em thường qua đây chơi, mua trái cây nữa.
Tôi lấy trớn để lên cầu, Vân đập nhẹ vào lưng tôi, nói:
- Chân anh lành hẳn chưa? Hay mình xuống đi bộ cũng được anh.
Tôi nghĩ đạp xe qua chắc cũng không sao, tuy hơi sợ một chút vì nền cầu là những tấm ván được lát ngang, gập ghềnh, có vẻ lỏng lẻo. Chạy một đoạn mà tay lái cứ rung rung. Nghe Vân nói, tôi rà thắng ngừng lại. Vết thương ở chân dường như tôi không còn nhớ, nhưng em lại quan tâm, lo đến thế nên lòng thêm xao xuyến, tôi nói:
- Chân anh ổn rồi, mình dắt bộ qua cầu để ngắm sông cũng thích.
- Bên kia bờ có nhiều chỗ đẹp lắm, tí nữa mình đến chơi anh nha.
Hai đứa dắt xe lên cầu. Cầu sông Cái rất dài tuy không bằng Đà Rằng. Trời dìu dịu, gió heo may se se, dù tuổi nào thì cảnh bên ngoài cũng ảnh hưởng đến lòng người nao nao. Vân đi bên tôi. Tóc nhỏ dài, gió thổi bay ngược sang, thỉnh thoảng lại vướng vào mặt. Tôi nghe thoang thoảng một mùi hương gì đó thật dễ chịu, tôi đùa:
- Dòng sông Cái chảy xuôi ra biển, còn tóc em trôi ngược về bên anh...
Vừa nói xong lại một cơn gió mang dòng sông của nhỏ phả vào mặt, Vân dừng lại nói:
- Mình đổi bên đi anh. Em sợ tóc vướng mắt khó chịu.
- Không sao, anh thích...
- Thích gì cơ?
- Tóc em bay bay đẹp lắm!
Vân cười khúc khích:
- Em cũng thích tóc bay bay trong gió.
- Lại có mùi thơm nhè nhẹ.
- Mùi thơm?
- Ừ, mùi thơm trong tóc của em.
- Sao em không nghe. Chắc của ai đó.
- Trong tóc của em mà.
- Lạ nhỉ, anh ngửi lại xem, em không tin. 
Nhỏ đứng lại, nghiêng đầu sang bên. Tôi chồm tới đưa mặt áp vào tóc hít mạnh:
- Thơm lắm, nhưng mùi lạ, anh chưa ngửi ở đâu bao giờ.
Nhỏ Vân không biết mùi thơm vì sao lại có, chợt nhớ ra điều gì, nó bẻn lẽn nói:
- Em nhớ rồi, em nhớ rồi...
- Nhớ gì?
- Nhớ có lần nghe Ba nói với Mẹ: “Mùi da thịt của em tỏa ra trong tóc... “. Nhưng em không biết có phải không.
- Anh cũng không biết.
Hai đứa im lặng tiếp tục đi, tóc của nó thỉnh thoảng lại phả vào mặt. Tôi nhìn sang thấy nhỏ quay lại tủm tỉm cười.
Qua khỏi cầu sông Cái như lạc vào một thế giới khác. Bên kia nhà cửa san sát, đường sá tấp nập xe xộ, bên này yên tĩnh, vắng lặng. Trừ vài con đường chính, đa số những ngôi nhà nép mình bên dưới tán cây. Ở đây cơ man nào là cây ăn trái. Xoài, ổi, sapôchê... Đường vắng đầy bóng mát, hai đứa đạp xe thong dong đi khắp đường làng. Nhỏ Vân ngồi sau hát khe khẻ, tôi khuyến khích:
- Em hát anh nghe, anh sẽ chở em đi cùng trời cuối đất.
- Anh thích nghe bài gì?
- Em hát bài gì anh cũng thích.
Nhỏ im lặng một lúc, Chợt như từ đâu vẳng lại: “... Có những chiều hôm, trời nghiêng nắng xế đầu non. Nắng xuống làng thôn, làm cho đôi má em thêm giòn... “ Tôi lặng người. Âm thanh trong trẻo, du dương rót vào tai làm tôi quên cả đạp xe.
Ba Mẹ nuôi cho phép bọn tôi được đi chơi cả ngày. Hai đứa bàn với nhau: Tôi muốn yên tĩnh, nhẹ nhàng nhỏ Vân cũng thích thế nên chọn sang đây. Đạp xe quanh quẩn khắp đường làng ngõ phố chán chê, Vân ghé mua ít đồ ăn trưa, thêm trái cây rồi cùng nhau ra bờ sông ngồi. Dọc bờ sông có nhiều bãi cỏ xanh mượt, tôi và Vân chọn chỗ đẹp nhất, dựng xe bên gốc cây, hai đứa lăn dài trên nệm cỏ êm mượt như nhung. Vân quay qua gọi:
- Anh!
- Gì em?
- Mẹ khen anh học giỏi, đuổi kịp em rồi.
- Hi hi, anh được Mẹ ưu tiên mà.
- Chừng tháng sau mình lên lớp Nhì. Em dọn phòng  rồi, tối anh qua học nha.
Nắng thật đẹp. Vàng tươi, trãi rộng khắp mặt sông. Sóng lăn tăn óng ánh vàng, gió bên sông mang theo hơi nước mát lạnh. Tôi và Vân nằm dài trên thảm cỏ nhìn trời mây, nhỏ hồn nhiên ca hát, hỏi chuyện líu lo như chú chim non. Một lúc sau thấy yên lặng tưởng nó nằm mơ mộng hay nghĩ ngợi điều gì, tôi để yên em nằm. Bụng lúc này bắt đầu thấy đói, định gọi nó lấy đồ ăn trưa. Quay qua thấy nhỏ nằm ngủ bên cạnh tự lúc nào, tôi nhủ thầm: “Em ngủ cho ngon giấc”. Tôi đứng dậy lấy tờ nhật trình trải ra đặt đồ ăn lên, nhìn qua nhỏ vẫn đang ngủ. Tôi ngồi xuống bên nó, lấy tay nhẹ vén mấy sợi tóc trên mặt để nó ngủ được sâu hơn. Nhìn em ngủ thương quá! Suốt ngày quấn quít bên anh, quan tâm đến những cái nhỏ nhất, lo cho anh từng chuyện một. Em ngây thơ, trong sáng như một thiên thần. Chợt nơi khóe mắt hiện dần hai giọt nước long lanh, loang dần xuống cánh mũi. Em mơ gì sao lại khóc? Em phải luôn được quyền có những giấc mơ đẹp. Tôi cúi xuống hôn vào trán để mong những đều tốt lành đến với đứa em gái mà tôi yêu quí như ruột thịt. Môi vừa chạm vào trán, nhỏ bỗng đưa tay ôm chặt lấy cổ tôi:
- Không, không! Anh Hai đừng bỏ em đi!
Nó la hoảng lên rồi bừng tỉnh giấc. Tôi nhẹ nhàng hỏi:
- Em mơ gì thế, sao lại khóc?
Nó dần tĩnh lại, buông cổ tôi ra rồi còn nấc thêm mấy tiếng. Chắc trong mơ em khóc nhiều lắm. Nó ngồi dậy nhìn quanh ngơ ngác rồi hỏi:
- Hic! Hic! Em vừa nằm mơ. Giấc mơ có thật không anh?
Tôi an ủi:
- Không có thật đâu, do nghĩ nhiều nên em mơ thấy đấy thôi.[font=""times new roman", times; font-size: x-large"]
Hôm đi chơi với nhỏ Vân về tôi đã thao thức suốt nhiều đêm. Nếu một đứa trẻ mồ côi gặp được gia đình Ba Mẹ nuôi yêu thương nó hết mực, đứa em gái yêu thương nó như chính bản thân mình, thì thử hỏi tôi có diễm phúc nào hơn thế? Tôi tự nhủ lòng: Với tình cảm ấy, những con người ấy tôi đặt vào tim, nơi tôi yêu kính - ở nơi thiêng liêng đó có Ba Má và anh chị tôi. Ngày trước, khi chia tay Vân tôi cũng buồn đỏ mắt, nhưng đó là tình bạn, sự thân thiết, gắn kết dẫn đến quí mến nhau. Còn đây là tình yêu gia đình - không phải người đã sinh ta ra, nhưng lại yêu thương như ruột thịt. Nếu một mai phải chia tay ba mẹ nuôi, chia tay Vân, mà nhất là Vân, em có chịu nổi không, tôi có chịu nổi không. Chính vì lẽ đó tôi đã nhiều đêm trằn trọc.
Cách đây ba hôm, một đoàn hát về diễn ở rạp Tân Tiến, Rạp mà đêm đầu tiên về Nha Trang tôi với Vân tới xem xi nê. Họ đến nhà đặt vấn đề với Ba Mẹ nuôi: Mời nhỏ Vân đóng giúp một vai trong vở tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Từ dạo đứa con trai mất, cả nhà không còn hoạt động nữa. Nhưng đôi khi có đoàn bị kẹt đào, kép Ba Mẹ vẫn nhận lời. Tuy nhiên Ba dứt khoát từ chối để nhỏ Vân đi với đoàn theo gợi ý của ông Bầu. Nghe Ba nói tôi thở phào nhẹ nhỏm. Hai đứa ngồi ngóng chuyện, Vân nhìn tôi như ngầm hỏi: Anh có muốn em hát tối nay không? Tôi đã từng nghe nó hát lần đầu tiên ở Nhà thương, ở nhiều nơi khi đi bán thuốc. Lần nào cũng vậy, thích mê luôn. Giờ nó lên sân khấu hát cả tuồng sao không thích, không háo hức được. Tôi nhìn nó, cười khẽ gật đầu. Nhỏ thì thầm bên tai:
- Hồi giờ em hát ở rạp Tân Tiến ba lần rồi. Còn rạp Đại Nam ở Tuy Hòa em chỉ hát mới một lần hà.
Nhìn nó tôi thán phục thật sự. Bé tí thế mà lên sân khấu hát cả tuồng, nể thật. Tôi lần đầu tiên được xem xi nê, còn tuồng cải lương cũng chỉ được một lần ở sân đình.
Chiều hôm qua nó đến rạp hát để ráp thoại. Tối nay, bác bầu đoàn hát cho người đem xe đến chở nó, còn có tôi theo là yêu cầu của Vân. Ngày xưa ở quê, ít có dịp coi cải lương, đến lúc nghe nhỏ hát tôi đâm mê luôn.
Người ta đưa bọn tôi ra phía sau sân khấu, nơi dành cho đào, kép hóa trang. Bên ngoài phòng hóa trang có một phòng nhỏ để mấy bộ bàn ghế. Là đào nhí được mời nên có một bàn riêng cho nhỏ Vân ngồi nghỉ hoặc người đi theo. Bọn tôi vừa ngồi xuống là có người đem hai chai nước cả ống hút đặt trên bàn. Nhỏ Vân quen rồi nên tỉnh bơ, còn tôi ngơ ngác ngó quanh. Tôi ngạc nhiên vì hai đứa trẻ con mà lại được người lớn tôn trọng đến thế. Một lúc sau chuông ở cửa phòng hóa trang reo vang, nhỏ Vân nói:
- Em vào hóa trang, anh ngồi đây chơi. Tí nữa hát anh lên sân khấu, đứng ở góc tường cánh gà phía trước coi. Em dặn mấy chú hậu đài rồi. Vào đó em sẽ không ra được nữa cho đến khi hát xong, đừng buồn nha anh Hai.
Nhỏ đứng dậy đi vào phòng, tôi bồi hồi nhìn theo đến khi khuất bóng.
Tình cảm anh em chúng tôi ngày càng sâu đậm. Hai đứa cứ quấn quít bên nhau suốt ngày. Từ học bài, tập võ, đi chơi, hai đứa như một cặp bài trùng. Tôi rất vui vì điều này. Trong ngôi nhà nhỏ xinh và bình yên, những tháng năm qua vắng lặng nay đầy ắp tiếng cười. Ba Mẹ nuôi đang có những công việc cần làm trong thời gian còn ở đây, nên  chưa có kế hoạch đi lại. Riêng tôi, tin tức về người thân lưu lạc thì mù mịt. Ba lộc thỉnh thoảng vẫn liên lạc với bạn bè để biết thông tin liên quan đến tôi.
Ngày tháng lang bạt theo đoàn ở Tuy Hòa hay về nhà, Ba Mẹ Lộc vẫn đêm đêm dạy hai đứa tôi học, những sáng tinh mơ tôi và Vân dẫu lười thế nào cũng bị dựng dậy ra ngoài sân luyện tập. Sức khỏe hai đứa tốt lên thấy rõ. Nhỏ Vân nhảy nhót lộn tròn được nhiều vòng hơn, uốn dẻo được lâu hơn. Riêng tôi, đặc biệt Ba Lộc dạy thêm mấy bài quyền phù hợp để biểu diễn khi đi bán thuốc. Ba nói:
- Biết nhiều vẫn tốt. Sau này dù con có ở cùng gia đình hay trở về với Ba Má thì cũng nên chuyên cần luyện tập.
Nhỏ Vân nghe Ba nói thế nó buồn cả ngày. Tôi chẳng biết, chỉ thấy nhỏ ít nói cười như mọi ngày nên cho rằng nó không được khỏe. Sự vô tâm của tôi dẫn đến đêm ấy, khi học xong Mẹ xuống dưới nhà, tôi với nhỏ ngồi đọc truyện một lúc rồi đi ngủ. Phòng học nằm giữa hai phòng ngủ. Tôi về nằm một lúc mà vẫn chưa ngủ được. Dường như khi đọc truyện xong tôi tắt điện quên máy quạt, nên âm thanh “ri ri” phát ra từ đó. Tôi qua tắt nhưng lại nghe từ phòng nhỏ Vân. Hình như nó khóc. Nhẹ đẩy cửa nhìn vào, đúng là khóc thật. Tôi lại bên giường em, hỏi:
- Em đau sao không nói với Ba Mẹ, sao không nói anh?
Nhỏ nằm im chẳng nói gì, sờ vào trán vẫn mát, tôi hỏi nó:
- Sao em khóc, nói anh nghe đi.
Nó im lặng. Tôi bật đèn sáng lên nhỏ ngồi dậy, nhìn em ràn rụa nước mắt. Chưa biết chuyện gì nhưng thấy em khóc tôi không chịu được. Tôi ngồi xuống gần bên nó, dỗ dành:
- Kể anh nghe chuyện gì làm em buồn?
Nó lại im lặng. Tôi nói:
- Em không kể anh cũng đoán được, nhưng đừng khóc nữa, em khóc anh buồn lắm đấy. Hứa với anh nha.
Nó ngẫn đầu lên mắt đẫm lệ:
- Anh biết lý do em khóc à?
- Biết, vì em là em gái anh mà.
Tôi đỡ nhỏ nằm xuống, em cầm lấy tay tôi như muốn nói thêm gì đó lại thôi. Tôi với tay tắt điện, để nhỏ yên tâm hơn, tôi nói:
- Em yên tâm, anh sẽ không đi đâu ngoại trừ tìm Má và anh. Em đừng khóc nữa, ngủ đi nha.
VI- Mới đó, thoắt qua thoắt lại đã gần ba tháng từ khi rời Tuy Hòa. Hôm vừa rồi có cậu Kỳ, anh của Mẹ ghé thăm. Nhìn ông cậu thấy tướng tá kỳ lạ. Tóc tai, râu ria rậm rạp, dường như cả năm không hớt, không cạo. Thoạt nhìn hơi sợ nhưng ông cậu lại ăn nói nhỏ nhẹ, hiền và dễ gần. Hai đứa chào cậu rồi kéo nhau chạy ra sân. Nhỏ nói:
- Ba gọi cậu Kỳ là Kỳ Văn Cục, họa sĩ giang hồ đấy! Cậu đi lang thang khắp nơi để vẽ, cả vẽ minh họa cho mấy tờ Nhật trình ở trong Sài Gòn nữa.
- Hi hi Kỳ Văn Cục, tên cậu nghe vui em nha.
Mấy ngày sau cậu Kỳ lại đến, nói chuyện gì đó với Ba Mẹ một chút rồi đi. Hai hôm nay nhỏ Vân bị cảm nên nằm nghỉ trong phòng. Tôi ngồi chơi với nhỏ. Nhìn em nằm bơ phờ trên giường, tôi ước gì mình đau để em được khỏe, ngồi bên cạnh nói chuyện và hát cho tôi nghe. Tôi qua bàn lấy cam vắt nước đem đến, nhỏ gượng ngồi dậy rất khó khăn, tôi nói:
- Em đừng gắng sức, cứ nằm im đó.
Tôi ngồi xuống giường đỡ Vân dậy, mới đau có hai ngày mà trông nó ốm và nhẹ tênh. Để nhỏ tựa vào người, em cười đưa tay run run cầm ly nước, tôi nói khẽ:
- Để anh bưng cho.
Trông nhỏ uống thật khổ sở, tôi động viên:
- Em gắng uống để mau khỏi bệnh.
- Dạ.
- Em ngồi thêm một lúc nữa, nằm hoài mệt lắm.
Tôi dọn dẹp đồ linh tinh trên bàn, Vân gọi:
- Anh ơi!
- Gì thế em?
- Anh lấy sợi thun cột dùm tóc em lại với.
Tôi đến bên giường, vén tóc cho nhỏ. Từ xưa đến giờ có biết cột tóc ai đâu, nên tôi lóng ngóng cứ túm bên này lại xòa bên kia. Nhỏ đưa tay lên phụ vén tóc, tôi nói:
- Em cứ để anh, chưa được thì cột cho biết.
Loay hoay một lúc cũng cột xong mái tóc dài của nhỏ Vân. Không phải cột mà bó lại một cục mới đúng. Chưa kịp rời tay, cục tóc đã bung xòa ra. nó cười nói:
- Con trai cột tóc không quen đâu anh.
Nói xong nhỏ đưa tay lên tém lại mái tóc, tôi phụ em giữ lọn tóc trong tay, nhỏ ngập ngừng hỏi:
- Có nghe mùi gì trên tóc như hôm trước ở cầu sông Cái không anh?
Tôi nhớ rất nhanh nhưng cố đùa với nó:
- Anh không nhớ, mà có nghe mùi gì đâu.
Nhỏ im lặng nhìn tôi, mắt đỏ hoe:
- Anh nói dối em.
- Đâu có.
- Ở trên cầu anh dối em.
Tôi ân hận vì đùa như vậy. Nhìn mặt nó thật buồn thấy thương quá, tôi lại gần thì thầm vào tai nhỏ. Nghe xong nó xoay qua đánh vào lưng tôi thùm thụp, nói:
- Anh đáng ghét!
Nhỏ làm bộ dỗi, nằm xuống giường úp mặt vào gối, cũng vừa lúc ấy Mẹ Lộc từ dưới nhà gọi vọng lên:
- Hà em ơi! Xuống Mẹ nhờ tí.
- Dạ, con xuống ngay đây ạ.
Mẹ Lộc đang ngồi một mình nơi phòng khách, nhìn Mẹ có vẻ gì đó quan trọng tôi không đoán được. Thấy tôi xuống, Mẹ hỏi:
- Em ngủ chưa con?
- Khi con xuống thì em sắp ngủ ạ.
Mẹ bảo tôi qua ngồi bên rồi nói:
-Vừa rồi cậu Kỳ có trả lời với Mẹ là khoảng mười lăm hoặc hai mươi ngày nữa cậu đi ra Tuy Hòa.
Nghe nhắc đến ngoài đó tôi hồi hộp vô cùng, cố gắngkiềm chế cảm xúc. Bởi quá nhiều lần nhận được tin vui, liền sau đó sự hụt hẫng đến quá nhanh, tôi sợ không chịu nổi nên cố thật bình tĩnh đáp:
- Dạ!
Do cố nén cảm xúc nên người tôi run run, khuôn mặt rựng đỏ. Mẹ Lộc thấy vậy kéo tôi lại gần bên, Mẹ nói:
- Con biết đó, Ba Mẹ và em luôn muốn con ở đây với gia đình, mãi mãi. Nhưng đó sẽ là bất công đối với con, vì con còn mang trên mình một nỗi đau lớn - thất lạc Má và anh. Phải tìm cho được, trong đó có cả trách nhiệm của Ba Mẹ vì Ba Mẹ yêu con, con trai ạ. Sắp tới cậu Kỳ đi ra Tuy Hòa vẽ cho khách hàng, luôn tiện để con theo, biết đâu sự may mắn sẽ đến với con. Nếu vẫn không hoặc chưa có tin tức gì thì khi cậu về, con lại trở về đây với Ba Mẹ và em, con nhé.
Tôi rưng rưng nước mắt, chỉ biết nói:
- Con cám ơn Ba Mẹ!
- Chuyện này con đừng nói với em vội. Ba Mẹ sẽ tìm cách nói với nó sau.
Không biết nhỏ Vân xuống khi nào, nó đứng ở chân cầu thang khóc òa lên:
- Không! không! Anh Hai không bỏ con đi được.
Nhỏ khóc xong khụy xuống, tôi và Mẹ hoảng hồn chạy đến đỡ em dậy, Mẹ nói:
- Anh Hai thương con, không bao giờ xa con đâu.
Nó vùng vằn khóc không chịu đứng lên. Mẹ và tôi năn nỉ mãi nhỏ mới đồng ý để Mẹ và tôi dìu em lên phòng, Vân tấm tức:
- Con nghe Mẹ nói với anh Hai hết rồi, đừng dấu con. Anh đi với cậu con cũng đi.
Nói câu này nhỏ nói rất dứt khoát, trông mặt nó lạnh ngắt làm Mẹ cũng phải dịu giọng:
- Rồi, rồi. Đợi con hết đau...
Nó chộp ngay lời Mẹ:
- Có anh Hai làm chứng, Mẹ nói rồi đấy nhé.
Đỡ em nằm xuống giường, Vân không còn khóc, nhưng vẫn ấm ức, mước mắt ràn rụa tôi lấy khăn lau đưa nó, nhỏ cố mỉm cười mà miệng méo xệch. Không ai ngờ rằng sự việc lại xảy ra theo chiều hướng khó xử như vậy.
Lúc anh trai mất, Vân khóc đến ngất nhiều lần nên gia đình ai cũng lo lắng, không dám để em quá xúc động. Riêng tôi sợ tình hình này có được đi với cậu về Tuy Hòa  không. Dẫu rằng tôi rất thương và nhớ khi xa nó, nhưng tìm Má, Anh là điều phải làm, mong rằng nhỏ hiểu cho tôi.
Hai hôm nay nhỏ Vân như một chú mèo ngoan. Nói gì cũng làm, biểu gì cũng nghe. Đến bữa ăn không ai phải nhắc nhở, khi uống thuốc chẳng hề phản đối. Thật ra, ý đồ  ngoan ngoãn ấy của nó là sự quyết tâm mà tôi lo vô cùng: Nhỏ Vân sẽ đi theo cậu Kỳ và tôi cho bằng được. Mà điều này là vấn đề nan giải đối với Ba Mẹ. Tôi đã từng lang thang khắp nơi. Vất vưởng, Đói no, nên hoàn cảnh nào cũng chịu được, còn nó... Vì thế nên Ba Mẹ không yên tâm khi Vân rời khỏi vòng tay của gia đình.
Con nhỏ hay thật, hết đau rất nhanh. Hôm khóc như mưa đòi đi theo cậu Kỳ, lúc ấy nó còn yếu như sên, nằm bẹp dí trên giường, thế mà qua ngày sau đã nhảy xuống giường líu lo như chim hót. Với kiểu này của nhỏ Vân, Ba Mẹ thật khó lòng nói nó thay đổi ý định. Tôi cho rằng: Mình chính là nguyên nhân để Ba Mẹ lo lắng khó xử. Vì nghĩ thế nên tôi đem những lời này nói với Ba Mẹ và xin lỗi người. Ba Lộc nói:
- Đây không phải lỗi của con. Đây là tình yêu thương mà em con dành cho anh mình. Chỉ lo khi đi với cậu, các con sẽ cực và, điều quan trọng là dù có cậu nhưng con phải  hết sức để mắt đến nó Ba Mẹ mới yên tâm. Nếu được thì Ba Mẹ sẽ đặt vấn đề với cậu cụ thể hơn.
Tôi mừng vì không bị trục trặc gì chuyến về Tuy Hòa. Biết đâu may mắn lại đến với tôi lần này, tôi nói:
- Dạ con hiểu, con cám ơn Ba Mẹ rất nhiều.
Nói xong tôi định chạy lên lầu, Ba Lộc gọi lại dặn:
- Con đừng nói gì với em. Có thể vài bữa nó thay đổi ý định thì tốt.
- Dạ, con nhớ ạ.
Vậy tình hình tốt rồi, không còn lăn tăn chuyện bị trục trặc chuyến về Tuy Hòa với cậu Kỳ. Nếu nhỏ Vân không đi nữa thì hay, còn nó muốn đi theo tuy có rối chân vì phải chăm sóc và luôn để mắt tới nhỏ, nhưng có nó cũng vui, nhất là khi trở về mà hình bóng người thân mịt mù không tăm hơi, bóng dáng. Niền vui dù nhỏ đến đâu cũng giúp ta bám lấy để không rơi vào tuyệt vọng. Nhưng rồi tìm như thế nào đây? Chẳng lẽ lại cứ đi lang thang khắp nơi, lại cứ nhìn hết người này đến người khác, trong cái Thành phố mà một đứa trẻ như tôi chỉ như chiếc lá tre trên sông rộng? Càng nghĩ càng thấy khó khăn trùng trùng. Thôi thì cứ đi tới, May măn sẽ không tránh ai đâu. Nghĩ thế nên tôi có chút lạc quan hơn.
Gần tới ngày cậu Kỳ đi, mọi người còn hy vọng nhỏ Vân thấy khó khăn chắc sẽ đổi ý. Nhưng không! Nó làm như mọi chuyện đã xong, cứ đến ngày là lên đường. Vì thế nhỏ ca hát, cười nói suốt ngày. Nhìn tinh thần của nó như vậy cậu, Ba Mẹ cũng bó tay. Có vẻ không ăn thua nên mọi người chuyển sang dọa nó bằng những khó khăn cho chuyến đi. Ba nói:
- Nếu anh Hai đi bộ ngoài đường cả ngày, con theo được không?
- Dạ được ạ.
- Nếu nhiều ngày?
- Mệt thì con ở nhà... Xách sơn, cọ cho cậu.
Tôi đứng gần đó thấy nó nói mà mặt cứ tỉnh bơ, nể thật. Tất nhiên bây giờ khác xa cách mà tôi đã từng đi, từng va chạm, từng hoang mang khiếp sợ. Sẽ chẳng còn nữa vì giờ đây, quanh tôi có những người luôn đùm bọc, chở che khi tôi quỵ ngã. Và Vân cũng vậy, mọi người luôn bảo vệ em, tôi sẽ bảo vệ em như bảo vệ chính bản thân tôi. Tuy nhiên nếu đi em sẽ học được sự chịu đựng gian khó, rèn giũa qua nắng mưa cũng tốt cho em sau này. Cố lên em gái, chúng ta chuẩn bị lên đường.
Chuyến này ra Tuy Hòa cậu nhận vẽ phong cảnh, bảng hiệu cho mấy tiệm chụp hình và các nhà buôn, cậu cảnh báo trước:
- Hai con chuẩn bị tinh thần sống xa nhà trên dưới một tháng đấy!
Nhỏ Vân liến thoắng:
- Con sẽ quen nhanh cậu ơi!
-Không nhớ Ba Mẹ à?
- Dạ nhớ, nhưng giúp anh Hai tìm Má để anh không buồn nữa. Còn khi nhớ Ba Mẹ, con nhìn cậu cũng đỡ nhớ tí chút rồi ạ, hi hi.
Cậu quay sang tôi dặn dò:
- Con nhớ để ý đến em nhiều hơn khi cậu làm việc, đừng để nó chạy lung tung.
- Dạ, con sẽ quan tâm em nhiều hơn ạ.
Nhỏ nghe nói thế nó lườm cậu ra vẻ dỗi:
- Làm như con còn nhỏ lắm í.
Trở về Tuy Hòa lần này, có cảm giác sự may mắn, những điều tốt lành sẽ đến với tôi. Không hiểu từ đâu nhưng tôi lại có niềm tin như vậy. Ngày trước, trong thân thể xác xơ, phờ phạc, đạn lạc bom rơi, chết sống được tính bằng cái chớp mắt nên niềm tin quá mong manh, tôi đi tìm người thân như kẻ dò đường. Còn giờ đây, được sống trong sự yêu thương của những người chung quanh, được chở che, đùm bọc, không còn thấy cảnh bắn giết, người chết ngày ngày, tôi trở nên lạc quan hơn, niềm tin được củng cố để nghĩ rằng điều tốt đẹp sẽ đến, chỉ vậy thôi.
Ba cậu cháu thuê phòng ngủ ở trung tâm Thành phố để dễ đi lại. Tranh thủ thời gian, sáng mai cậu bắt tay vào công việc. Nhỏ Vân được chọn lựa là đi với cậu hoặc tôi. Nó nhanh chóng trả lời không cần nghĩ ngợi:
- Con đi với anh Hai.
Nó nói như bọn tôi có kế hoạch trước vậy. Còn tôi ngày mai chưa biết làm gì và đi những đâu. Tối hôm đó hai đứa xin phép cậu đi dạo. Trên đường đi, tôi hỏi nó:
- Em có ý gì cho ngày mai không?
- Thì cùng đi tìm Má với Anh.
Trước kia là vậy nhưng giờ tôi thấy đi như thế rất mệt nhưng lại ít hiệu quả. Tôi đem điều này nói với nhỏ Vân, nó nói làm tôi bất ngờ:
- Em cũng nghĩ như anh nhưng giờ em mới nãy ra ý này: mình gọi những người đi đường lại...
-???
- Ba Mẹ thường làm thế mà.
Tôi ngớ người ra, hiểu dần ý của nhỏ, tôi nói:
- Nhưng đó là Ba Mẹ...
- Thì bây giờ mình làm Ba Mẹ.
Tôi lại chưng hửng :
- Làm Ba Mẹ?
- Dạ, em làm Mẹ anh làm Ba.
- Mình không làm được đâu,
- Dạ được mà anh.
- Mình còn nhỏ, lại thiếu đủ thứ.
- Em hát mọi người sẽ tới nghe, như Mẹ ấy.
Tôi sáng mắt lên, nói :
- Anh biểu diễn võ như Ba ấy.
- Vậy là người đi đường ghé lại xem, ai quen sẽ nhận ra anh.
- Nhưng anh múa võ chưa đẹp lắm.
- Em thấy được mà.
Sáng kiến này của nó làm tôi mừng quá, quay qua ôm chặt lấy nhỏ, reo lên:
- Ngày mai bắt đầu... Ngày mai bắt đầu...
Nó la bai bải:
- Ái, anh Hai làm đau em.
Đôi khi vào chuyện mới thấy được khả năng của mỗi người. Nhỏ Vân kéo tôi vào hiệu sách mua một cái trống lắc tay. Cái này Ba Lộc có dạy nhưng tôi là đứa học trò kém cỏi nên chơi chỉ ở mức trung bình thấp. Nhỏ Vân hay hơn tôi nhiều, nên cho rằng nhỏ mua để sử dụng khi hát. Khi cả hai về, nó kéo tôi vào phòng đóng cửa lại, hóa ra mua cho tôi. Nó nói:
- Anh Hai tập cho nhuần nhuyễn để mai đệm em hát. Em hát tân nhạc thôi vì không có đàn cổ nhạc.
Tôi ôn lại những giai điệu đơn giản Ba dạy, lúc đầu hơi vụng và cứng nhưng càng về sau ổn hơn. Nhỏ nhập vào hát, thế là nó với tôi đứa hát đứa lắc trống. Bài sau nối tiếp bài trước, cứ thế miệt mài dợt đi dợt lại bốn bài để mai hát. Tôi không vui lắm khi nói với nó:
- Anh lắc đệm cho em bị lỗi mấy chỗ.
Nó an ủi:
- Không sao đâu anh Hai, lúc đầu mà, anh chơi quen sẽ khá thôi. Với lại giờ mình hát để người đi đường chú ý nhìn vào.
Hai đứa dợt thêm vài lần nữa rồi tôi chuyển qua múa mấy bài quyền mà Ba Lộc dạy. Lần này nhỏ vỗ tay khen:
- Được anh, gần giống ba rồi đó, tuy có hơi yếu tí xíu.
Cậu đi phố về, ngang qua phòng nghe hai đứa ca hát, nhảy múa, cậu gõ cửa rồi nói vọng vào:
- Hai con ngủ sớm đi, khuya rồi.
- Dạ, chúc cậu ngủ ngon, tụi con nghỉ đây ạ.
Bọn tôi cười khúc khích rồi về phòng, chuẩn bị tinh thần cho ngày mai thực hành bài học đầu tiên. Háo hức thì ít mà lo lắng lại quá nhiều.
Sáng hôm sau hai đứa dậy thật sớm, nhỏ Vân qua phòng tôi dợt lại chương trình. Tổng cộng múa ba bài quyền, hát bốn bài. Nó hát khe khẽ còn chủ yếu là tôi lắc trống đệm cho nhuần nhuyễn. Mọi thứ đều xong, bọn tôi qua gõ cửa chào cậu để lên đường. Thấy hai đứa áo quần, mũ nón gọn gàng, cậu dặn:
- Đi đứng cho cẩn thận, ăn uống đầy đủ. Sáng nay cậu vẽ bên Phước Tiến Lê Lợi, có gì thì đến gặp bên đó nghe các con.
- Dạ, tụi con đi ạ.
Chúng tôi rời nhà trọ lên đường.
Điểm đầu tiên bọn tôi chọn là khu vực gần núi Nhạn. Mục đích của hai đứa là chọn những nơi nhiều người lao động nghèo, người tản cư đến ở. Đoạn đường đi khá xa nên đến đầu đường Lê Lợi, ghé quán ăn mỗi đứa một dĩa bánh hỏi rồi đi tiếp. Trời mát nên không mệt lắm, chỉ hơi mỏi chân. Nhìn sang Vân, thấy trán nó lấm tấm mồ hôi, tôi nói:
- Em mệt không?
- Dạ không ạ. Tới nơi mình ngồi nghỉ cũng được anh.
Tôi cố đi chậm lại để nhỏ bớt mệt. Nhìn những giọt mồ hôi trên trán em tôi thấy lòng xốn xang, em vì tôi đã bất chấp gian lao khổ sở thế này. Thương em vô cùng.
Qua đường Trần Hưng Đạo một quãng, có khoảng đất trống nho nhỏ, nằm giữa Quốc lộ và khu nhà dân. Ở đó có mấy xe nước và hàng cơm, khách ngồi lác đác, người qua lại tương đối nhiều. Chưa biết làm cách nào để cho mọi người biết việc mình muốn làm. Hai đứa tiến đến mua hai ly nước chanh, cô bán nước đon đả:
- Hai anh em ngồi nghỉ cho mát cô làm nước cho.
- Dạ.
- Chớ mấy em ở đâu qua đây?
Tôi bắt nhịp ngay:
- Dạ, tụi con ở trên Phú Thứ...
- Trời đất! Trên đó còn chiến sự mà.
Nhỏ Vân chen vô:
- Dạ, anh em con lạc Ba Má từ hồi mới đánh nhau lận cô.
- Cả năm rưỡi rồi hả, ba má chạy lên hay chạy xuống đây?
Nó nói như khóc, tay còn quẹt quẹt trên mắt. Tôi nghĩ chắc mồ hôi làm cay mắt nên mới thế, nó nói tiếp:
- Dạ xuống Tuy Hòa, hai anh em con đi lang thang ngày này qua tháng nọ vẫn chưa gặp được.
Có lẽ câu chuyện của bọn tôi quá bi thảm nên những người quanh đó xúm lại hỏi chuyện. Một chú đứng gần đó lên tiếng:
- Vậy hai anh em làm gì để sinh sống đặng tìm ba má?
Tôi gắng kéo khuôn mặt mình xuống thật thảm thiết, nói:
- Dạ, em con hát còn con múa võ kiếm sống để đi tìm ba má.
Bước khởi đầu có nhiều thuận lợi. Ông chú khi nãy trố mắt nhìn tôi, hỏi:
Chú em biết võ hả? Giỏi hè, múa xem chơi chú em.
Tôi hồi hộp bước ra, trống ngực đánh thình thịch. Tự nhiên mọi người không ai bảo ai đều tụ lại thành vòng tròn. Nhỏ Vân ra thì thầm vào tai: «Bình tĩnh, bình tĩnh Anh Hai. Đừng lo lắng gì, em luôn ở bên anh». Tôi bình tỉnh trở lại, cung quyền chào mọi người như Ba thường dặn, rồi nói:
- Con học còn kém lắm, vì mưu sinh nên phải múa may thế này, mong cô bác, chú thím đừng cười.
Tôi đi bài Mai hoa quyền Ba Lộc dạy để sau này lúc đi bán thuốc diễn. Bài Ba khen nhất. Ban đầu, những chuyển động chầm chậm dần trở nên nhanh nhẹn. Hình ảnh Ba Mẹ Lộc, Má, anh chị rồi nhỏ Vân hiện lên động viên, khuyến khích. Tôi không còn thấy gì chung quanh, tưởng như mình đang đứng giữa mênh mông không biết gì ngoài những người thân yêu quanh tôi. Kết thúc bài quyền mọi người vỗ tay rào rào. Nhỏ Vân chạy đến cầm lấy tay tôi, nói:
- Anh đi quyền em thấy còn hay hơn ở nhà nữa, hi hi.
- Nhờ em động viên anh đấy!
Sau phần tôi là Vân. Em hát bài «Lối về xóm nhỏ», bài hát lúc hai đứa đạp xe đi chơi, giờ tôi dùng trống lắc đệm cho em. Cứ thế, đám đông người ra kẻ vào. Tin đồn có hai đứa trẻ trên Phú Thứ lạc ba má gần hai năm nay cứ lan dần ra. Buổi thực hành đầu tiên diễn ra thành công ngoài mong đợi. 
VII-
Buổi chiều đến bến xe gần chợ Tuy Hòa. Hai đứa dắt nhau đi lon ton. Chưa tìm được cách nào cho mọi người biết bọn tôi hát dạo. Chắc lại dùng chiêu hồi sáng uống nước rồi kể lể... Vừa đi vừa bàn với nhau, nhỏ Vân vung tay lỡ va trúng vào rổ một bà dì đi chợ về. Tôi với nó sợ hãi vội ngồi xuống lượm đồ rơi dưới đất, bà dì chống nạnh mắng té tát. Đang lui cui nhặt bó rau, thấy bà ta có hành động định cúi xuống tát nó, tôi đứng bật lên giữ tay bà lại, chắn ngang bà và Vân, tôi nói:
- Dì không được quyền đánh em con, nếu cần bao nhiêu tiền con đền.
Bà ta hung hãn xấn tới, tôi chặn lại, nhìn thẳng vào mặt bà, nói dứt khoát:
- Con sẽ không nhịn nữa, nếu bà đánh em con.
Nghe nói: «không nhịn nữa», bà ta tru tréo lên:
- Bớ bà con làng nước, thằng nhỏ này đòi đánh tui nè...
Sự việc lúc đầu đơn giản giờ trở nên ồn ào. Đám đông xúm lại xem. Cô đứng bên xe bánh mì lên tiếng:
- Bà quá đáng chớ hai đứa nhỏ có làm gì đâu. lỡ đụng rớt đồ thì tụi nhỏ nhặt lên rồi. Thiệt là...
Những người chứng kiến sự việc lên tiếng phản đối sự hung hăng vô lối của bà. Bà ta nói vớt vát mấy câu: «Bọn bụi đời... Đồ du thủ du thực... »  rồi ngúng nguẩy bỏ đi. Nhỏ Vân sợ quá đứng khóc. Tôi ôm chặt lấy em dỗ dành, tôi nói:
- Nín đi em. Có anh đây không ai dám làm gì em đâu, đừng sợ.
Một người nào đó nói:
- Hai em nhỏ hồi sáng dưới chân núi Nhạn đây mà. Tội cho tụi nó quá!
Nói xong quay mấy người bên cạnh kể lại chuyện hồi sáng, mọi người lại hóng chuyện, bàn tán về hai đứa nhỏ xa cha lạc mẹ. Nhỏ Vân thôi khóc nhưng chưa hết bàng hoàng. Em chẳng hiểu sao chuyện không có gì mà người ta hung hăng thế. Từ bé đến giờ luôn được Ba Mẹ che chở, bao bọc nên gặp những tình huống này em không khỏi ngỡ ngàn. Tôi cười để nhỏ vui rồi hỏi:
- Em hết sợ chưa?
- Dạ hết rồi.
- Anh sẽ luôn ở bên để bảo vệ cho em.
- Dạ, anh nhớ đấy!
- Chắc chắn thế.
- Khi bà ấy định đánh em, anh đứng ngăn lại còn bảo không nhịn bà nữa, lúc đó anh ngầu lắm!
- Có anh, không ai được phép hại em cả.
Nhỏ trìu mến nhìn tôi. Một lúc sau Vân nói:
- Mình bắt đầu diễn được chưa anh?
Chuyện vừa rồi xảy ra chắc nhỏ chưa thể hát thỏa mái, nên tôi nói:
- Ngồi nghỉ cho khỏe chỗ này còn nắng, tí nữa bóng cây ngã qua rồi làm.
Một ngày khởi đầu công việc cũng tạm ổn, tôi bắt đầu dạn lên, bắt đầu tự tin hơn, hai đứa trên đường về nhỏ Vân hỏi tôi:
- Hôm nay anh Hai mệt không?
- Anh mệt gì đâu. Em chắc mệt nhiều, đi bộ cả ngày lại gặp bà thím hồi ở nhà thương nghe em hát cải lương, chiều nay gặp lại yêu cầu hát đến mấy bài, tắt thở luôn.
- Dạ hơi mệt tí xíu, mệt nhưng vui, giờ hết rồi anh.
Hai đứa ghé hàng cơm ăn uống xong về đến nhà cũng đã gần bảy giờ tối. Cậu gọi cả hai sang phòng, nhìn ngắm đứa cháu gái, cậu nói:
- Suốt cả ngày đi ngoài đường Hà em quen rồi, còn con chịu nổi không Vân?
- Dạ chịu nổi, cậu có thấy con mệt gì đâu. Vui là đằng khác.
- Vậy hồi chiều ở gần chợ thì thế nào?
Tôi ngạc nhiên, chẳng hiểu tại sao cậu lại biết bọn tôi diễn ở chợ. Chắc cậu vẽ gần đó... Tôi không dám hỏi nhưng nhỏ Vân lại truy đến cùng. Nó nói:
- Sao cậu biết? Cậu theo dõi tụi con hả? Con không chịu, không chịu...
Nhỏ vừa nói vừa đánh vào lưng cậu. Cậu Kỳ xoay qua xoa đầu nó, nói:
- Cậu xin lỗi hai đứa, Ba Mẹ nhờ cậu để ý đến bọn con trong mấy ngày đầu, lo cho đứa cháu bé bỏng này không chịu được gian khổ.
Vân đưa tay bụm miệng cậu lại, nói:
- Ngày mai không đi theo tụi con nữa.
- Mai không đi, không đi...
Nói xong cậu đến đầu tủ lấy một thùng giấy cùng phong thư đưa cho tôi, cậu nói:
- Sáng nay Ba Mẹ có ra...
- Đâu! Đâu! Sao con không thấy?
- Về luôn rồi!
Nhỏ Vân ngắt lời cậu:
- Đừng nói Ba Mẹ cũng ra đi theo bọn con nhé.
- Có, nhưng về chiều hôm qua rồi.
Tôi ngượng chín mặt, ngồi im như phỗng. Không ngờ mọi người chứng kiến những việc hai đứa làm, nhất là tôi. Nhỏ Vân từng hát thì chẳng sao, riêng tôi múa quyền và đệm trống lắc lần đầu tiên trước mặt thiên hạ, non nớt vụng về để Ba Mẹ nhìn thấy, xấu hổ chết được.
Các con của Ba Mẹ!
Mẹ bị Ba la vì đã mềm yếu với con gái, không ngăn lại khi nó đòi đi theo Hà em ra Tuy Hòa. Hà em tuy còn nhỏ nhưng sức chịu đựng của con đã được cọ xát với gian khổ nên Ba Mẹ có thể yên tâm, tin tưởng con. Riêng Vân từ nhỏ đến giờ chưa khi nào rời khỏi sự chăm sóc của Ba Mẹ, dù rằng có cậu cùng đi. Cậu bận công việc nên rất khó quan tâm con chu đáo. Ba trách Mẹ tuy nhiên vẫn để con đi, thật sự rất lo. Sáng nay Ba chở Mẹ ra Tuy Hòa, nếu thấy con không chịu nổi hoặc có gì đó bất an sẽ đưa hai con về lại nhà. Nhưng quá bất ngờ, chẳng thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy một đám đông đứng bao quanh hai đứa nhỏ ở khu đất trống dưới chân núi Nhạn, tụi nó chính là hai đứa con yêu của Ba Mẹ. Các con đã tự tin trong cách nghĩ, cách chọn những vị trí này hợp lý, gần khu người lao động nghèo, đặc biệt những người tản cư trên quê ở đây khá đông.
Hai con còn nhỏ nhưng đã hiểu biết như thế, nắm bắt được công việc như thế, tự lập, biết tổ chức như thế Ba Mẹ thật sự yên tâm. Vì tôn trọng tui con nên Ba Mẹ không đến gặp mà để thư lại cho cậu. À, Ba mua bộ loa phóng thanh loại nhỏ dùng pin để Vân khi hát bớt mệt và hiệu quả hơn. Chúc hai con may mắn, bình an, sớm gặp lại các con yêu.
Ba Mẹ
Hai đứa đọc xong nhỏ Vân áp lá thư vào ngực, đưa mắt nhìn cậu, nói:
- Trước khi diễn, bọn con chắc chắn sẽ kiểm tra chung quanh thật kỹ xem có cậu ở đó không.
- Mai cậu bắt đầu vẽ rồi, yên tâm đi.
Cái khổ nhất của hai đứa tôi khi diễn không phải mệt vì đi bộ, hát hoặc múa quyền, mà mệt vì thiếu loa phóng thanh. Tôi không cần âm thanh nhưng nhỏ Vân rất mệt khi hát. Mọi người đứng quanh vòng tròn đã khó nghe, tiếng hát bị loãng nên nhỏ thường mất sức. Sợ tôi lo nên em hay cười và luôn miệng: «Không sao đâu anh... Không sao mà». Có lẽ nhìn thấy điều này nên Ba Lộc mua cho bọn tôi bộ loa phóng thanh. Bọn tôi mừng không kể xiết. Vậy Ba Mẹ đã ủng hộ cách làm của hai đứa. Sáng nay tôi lấy xách đựng quần áo bỏ bộ phóng thanh vào mang lên đường. Tôi và Vân chọn điểm tập trung cách trường Nguyễn Huệ một quãng ngắn. Trường xây được mấy năm nên còn ngổn ngang, tường rào chưa có. Gần trường là khu nhà của xóm lao động có nhiều người tản cư ở và nhìn ra chợ, bến xe không xa. Hai đứa tôi tới hơi sớm, mua bánh mỳ rồi đến bên gốc cây ngồi ăn. Mấy anh chị học sinh cỡ nhỉnh hơn tôi cũng có, đa số lớn hơn trên đường đến trường. Một chị bằng tuổi anh Hà từ khu phía sau đi tới, thấy tôi với nhỏ Vân đang soạn bộ phóng thanh, chị tò mò đứng lại xem, chị hỏi:
- Hai đứa làm gì ở đây?
Vân đứng lên trả lời:
- Dạ, tụi em hát ạ.
- Hát?
Tôi ngước lên định trả lời thay nhỏ, thấy chị quen quen hình như gặp ở đâu rồi, chị cũng nhìn tôi hồi lâu, chợt hỏi:
- Em là... Em anh Hà phải không?
Tôi vụt đứng lên, mừng không tả đâu cho xiết:
- Dạ em là Hà em đây!
- Chị là Như, bạn anh Hà trên Phú Thứ nè. Nghe bác gái nói em ở trên núi với bác Ba, anh Sơn mà.
Tôi quýnh quá, hỏi dồn dập không kịp thở:
- Má em nói với chị ha?
- Kể với má chị.
Vừa trả lời, chị nhìn sang trường rồi nói nhanh:
- Sắp trễ học rồi, khi nào gặp lại chị nói rõ hơn nha.
Nói xong chị Như hấp tấp đi còn tôi ngẩn ngơ đứng nhìn theo chưa kịp phản ứng gì thì Vân phóng như bay theo chị. Tích tắc sau nhỏ về, thở hổn hển nói:
- Mình đợi ở đây, học xong chị dẫn về nhà.
- Anh mừng quá người cứ đơ ra, may có em chạy theo.
Hai anh em không vội soạn đồ, ngồi xuống gốc cây bàn luận xôn xao những thông tin vừa rồi, nhỏ hớn hở nói:
- Từ nay anh Hai không còn buồn nữa, sớm muộn gì rồi mình cũng sẽ gặp Má với anh.
- Má vẫn tin rằng anh đang sống cùng Ba trên núi, tự nhiên xuất hiện ở đây, vui nha.
Tôi với nhỏ cứ râm ran nói chuyện, hết còn nghĩ đến múa hát.
Bác Thu mẹ chị Như ở cầu trên Phú Thứ, sau chuyển gia đình xuống Tuy Hòa trước chiến tranh. Hôm chị đưa hai đứa tôi về nhà, bác Thu nghe tôi kể chuyện từ lúc hai bên đánh nhau, mỗi người mỗi ngã, đến lúc xuống Tuy Hòa đi lang thang tìm người thân thế nào, rồi Ba Mẹ Lộc nhận làm con nuôi ra sao, cho đến khi gặp chị Như... Bác Thu không cầm được nước mắt. Bác nói:
- Tội con quá! Bác gặp má con hai lần, vì không biết tụi con đang tìm nên bác cũng chỉ nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe qua loa.
- Thế Má con có nói gì về anh Hà...
- À, lâu rồi có nói thằng Hà làm cho tiệm xe đạp, hình như sau đó nó chuyển qua làm gì bác cũng quên rồi.
Nói xong bác kéo tôi và Vân lại, khen tôi may mắn qua được kiếp nạn giữa làn tên mũi đạn, khen Vân xinh xắn lại rất mực yêu thương anh. Mong hai anh em sớm gặp được má. Bọn tôi cám ơn bác, chị Như rồi đi. Bác cố giữ hai đứa ở lại không được đành nói:
- Vậy tụi con thỉnh thoảng ghé lại để có tin gì bác hoặc chị Như báo cho.
Những điều biết được từ bác Thu vô cùng quí giá. Tôi, Vân yên tâm rằng Má và anh vẫn khỏe. Tôi mừng đã đành, Vân vui cũng không kém. Thường mỗi lần nghe ai nhắc đến chuyện tôi lại đi tìm người thân, Vân buồn đến đỏ mắt, điều ấy cũng đúng vì nhỏ luôn luôn lo sợ tôi xa nhỏ, bỏ quên nó. Rồi khi cùng trở về đây tìm Má, nó lại hào hứng, hết lòng cùng tôi không ngại gian khó, nắng mưa. Tôi đem những điều này bày tỏ cùng Vân. Nó nói:
- Thấy anh Hai vui là em vui. Nhớ hồi tụi mình mới gặp lần đầu, anh từ ngoài nhảy vào gọi tên «Vân» còn nắm chặt tay em. Biết anh nhầm nhưng thấy thương thương, vẫn để yên. Lúc đánh phèng la ngang qua, nhìn anh ngồi buồn thiu vì thất vọng, không hiểu sao em cũng buồn, nên cười để cho anh vui đấy.
Ngồi nghe nhỏ nói mà lòng tôi thêm xốn xang, em nói tiếp:
- Sáng hôm phát hiện anh nằm bất tỉnh gần xe, em đã khóc...
Từ ngày gặp bác Thư, bọn tôi lạc quan hơn. Ngoài những lúc diễn ở khu vực người lao động tản cư hay lui tới, rảnh rỗi hai đứa nghỉ ngơi bằng cách đi dạo. Từ đường phố lớn đến con hẻm nhỏ, nhìn ngang ngó dọc trong các cửa hàng, tiệm buôn, những nơi bọn tôi cho rằng anh Hà làm ở đó. Tội nhỏ Vân, nó không biết mặt anh nhưng vẫn muốn đi với tôi để tìm anh. khi nào mỏi chân ngồi nghỉ bên công viên hay bãi cỏ xanh, đống gạch của ai đó ở lề đường, nhìn nhỏ ướt tươm mồ hôi, bết những sợi tóc con trên trán, tôi nói:
- Em không nghe lời anh ở nhà cho khỏe.
- Những lúc mệt ngồi buồn thế này, có em nói chuyện để anh vui. Em không muốn anh buồn.
Ngày nào cũng thấy hai đứa cháu cứ sáng sớm qua chào, rồi dắt nhau ra phố đến tối mới về. Trước khi đi làm, cậu gợi ý:
- Tụi con nghỉ ngơi một vài ngày cho khỏe. Đi chơi, hoặc đi xem chiếu bóng chẳng hạn.
- Dạ, cám ơn cậu, bọn con chiều nay đi xem xi nê bên Đại Nam ạ.
- Vậy thì tốt.
Nói xong cậu đưa tôi năm chục đồng, dặn tiếp:
- Muốn ăn, muốn mua gì thì mua, cậu cho thêm... Cậu đang vẽ cho tiệm hình Đông Phương bên đường Trần Hưng Đạo, hai đứa thích thì qua chơi, nhà bạn thân cậu.
Cậu Kỳ đi làm, hai đứa tôi nối gót theo ra phố. Ăn sáng xong kéo nhau đi lang thang. Tôi ghé mua tặng nhỏ cái kẹp tóc có gắn bông hoa, Vân mua tặng lại tôi cây kèn Harmonica. Nó nói:
- Chơi kèn này thích lắm anh, về nhà em bày cho.
Tôi mở hộp cầm cây kèn trên tay. Kèn này tôi biết.  Hồi còn ở trên quê chị Hai có quen một anh lính Cộng Hòa, anh ấy cũng thổi loại kèn này. Nhỏ Vân lấy miếng khăn be bé trong hộp lau qua rồi đưa lên môi. Một âm thanh trong trẻo, thật nhẹ, dường như không phải phát ra từ cây kèn, nó từ trong cửa hàng sách, từ trong người nhỏ phát ra. Nó tha thiết, nó dìu dặt thiết tha, tôi đứng nghe mà ngơ ngẩn cả người.
Tôi và Vân đi coi xi nê suất ba giờ rưỡi chiều. Trời mưa từ trưa đến giờ mới xửng. Bọn tôi không vội vào nên cả hai lững thững dạo quanh ngoài đường. Cách rạp một quãng xa, thấy thằng đánh giày cỡ tuổi tôi đi từ sau tới thật nhanh, nhìn giống tướng Đức lì y hệt nhưng chẳng dám kêu, chắc gì là nó. Đức lì hồi trước gặp ăn mặt như con nhà khá giả, chứ đâu thê thảm, khổ cực như thằng này. Hai đứa mua vé xong nhưng chưa muốn vào, vì giờ chiếu phim còn lâu, hơn nữa trước khi vô phim chính còn chiếu phim quảng cáo. Nhỏ Vân bảo thế nên kéo tôi ra hàng nước bên mé trái của sân rạp đợi. Bọn tôi đang ngồi uống nước thì thằng đánh giày khi nãy xách thùng đồ nghề tới, hướng vào rạp. Giờ nhìn rõ mặt vì tôi ngồi xây mặt ra ngoài, không khác Đức lì một tí nào cả, giống như đúc, chỉ là thằng này lem luốc, dơ dáy hơn. Tôi cũng ngại không dám kêu, với lại lần gặp trước tôi dấu không nói cho Ba Mẹ và Vân biết, nên im lặng. Khi đến gần bàn hai đứa ngồi, đúng lúc tôi đang nhìn thằng đó cũng nhìn lại, nó dợm chân trong tích tắc rồi đi luôn. Đúng nó, không thể là ai khác.
Khi tôi, Vân ngồi uống xong ly nước, trước cửa rạp đã ngớt người vào. Bóng dáng Đức lì không thấy đâu, tôi đứng dậy trả tiền nước rồi nói:
- Mình vào coi đi em.
Bọn tôi trả tiền nước rồi tiến về phía rạp. Hai đứa vừa bước hết bật cấp bỗng nghe một tiếng «ùm» trầm đục, không biết phát ra từ đâu nhưng cảm giác rùng cả người. Những khung hình quảng cáo phim treo quanh có cái rơi xuống, có cái chệch qua bên. Tôi với nhỏ Vân chưa biết chuyện gì thì từ cửa soát vé mọi người trào ra, lớp ngã, lớp đè nhau la hét thất thanh. Tôi kéo tay Vân nhảy xuống bật thềm phóng qua mé trái. Đám người phía sau lao tới xô hai đứa ngã nhào. Ai đó va trúng chân nhỏ, nó ré to tôi trườn tới chồm, đè lên người em cản không để bị mọi người đạp, dẫm lên nó
Nhỏ Vân bị đau chân, vừa cố đứng lên đã khụy xuống. không đi được. Hai đứa lại đang lồm cồm dưới bậc thềm không xa, rất nguy hiểm khi người trong rạp tiếp tục thoát ra ngoài. Tôi vội bồng nhỏ chạy đến mé trái, chỗ ngồi uống nước vừa rồi. Lúc này người trong rạp túa ra, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn xô nhau chạy như ong vỡ tổ làm mấy xe bán nước, dù che nắng, bàn ghế, thúng mủng đổ, ngã ngổn ngang. Tiếng kêu la í ới, tiếng còi xe Cảnh sát, cứu thương hụ inh ỏi làm náo loạn cả góc phố. Hai đứa tôi đứng nép vào tường rào, chưa dám rời khỏi rạp vì chân Vân đau không đi được, sợ bị ngã, bị dẫm, đạp. Sân rạp không lớn nên lượng người tràn ra như kiến. Tôi đẩy nó vào tường rào, ôm chặt lấy nhỏ để khỏi bị mọi người chạy xô trúng. Có lẽ đứng như vậy khá lâu, người di chuyển trên sân vẫn còn nhốn nháo chen lấn nhưng ở bên mép tường khá trống. Vân sợ hãi bám chặt lấy tôi, tôi bảo nó:
- Mình men theo tường thoát khỏi nơi này thôi.
Nói xong tôi buông nhỏ ra, đưa mắt nhìn chung quanh xem nên chạy đường nào. Vân vừa bước tới mấy bước đã đứng lại nhăn mặt:
- anh Hai, chân em đau không đi được.
Tôi tới trước mặt nhỏ, khom người xuống, nói:
- Em lên lưng anh cõng.
Vân làm theo bám chặt vào cổ, tôi men theo khoảng trống trước mặt, tránh những đồ vật ngã đổ vương vãi, chạy ra đường quẹo trái về hướng Trần Hưng Đạo. Người đi đường nhìn bọn tôi, một chú đứng trước nhà kêu hai đứa lại, chú hỏi:
- Bên đó có ai chết, bị thương không? Em con có cần đi nhà thương không?
Tôi cám ơn ông chú rồi tiếp tục đi. Nhỏ Vân bu trên lưng hỏi tôi:
- Anh Hai có mệt thì nghỉ chút, ở đây cũng ổn rồi.
- Không sao, em nhẹ hều à.
Tuy nói vậy nhưng tôi cũng định để em đứng xuống xem chân đau thế nào. Vừa lúc đó cậu Kỳ hớt hải chạy đến, thấy tôi đang cõng nhỏ Vân, cậu lo lắng hỏi:
- Em bị thương có nặng không con?
- Dạ không, em chỉ đau chân thôi ạ. Bọn con không sao.
Tôi để nhỏ đứng xuống, nó nói:
- Hai anh em con chuẩn bị vào xem thì nghe nổ cái rầm, con chạy nhanh nên bị đau chân thôi cậu.
Cậu Kỳ thở phào nhẹ nhõm, dang tay ôm hai đứa siết mạnh khiến bọn tôi muốn ngạt thở. Cậu cười nói:
- Nghe tin cậu quăng sơn cọ chạy một mạch tới đây, may mà hai đứa không sao. Nếu có gì chắc cậu chết với Ba Mẹ tụi con quá.
Nhỏ Vân chen vào:
- Con thấy người ta chạy dẫm, đạp lên nhau té ngã lia chia.
- May đấy, tụi con may không bị dẫm đạp...
- Bảo vệ con, anh Hai ôm không cho ai tông vào nên lưng chắc bị trầy, bầm nhiều lắm.
Nghe nhỏ nói cậu kéo áo tôi lên, đúng là trên lưng có mấy vết bầm chắc do cây dù che nắng ngã trúng. Cậu xoa xoa cho tan máu bầm rồi nói:
- Con giỏi lắm, Hà em!
Nói xong bảo nhỏ Vân đi cho cậu xem, nó vừa bước được hai bước té nhào vào tôi, cậu nói:
- Con đỡ em ngồi xuống đất cậu xem.
 Cậu cầm bàn chân đau của nó đặt lên đầu gối xoa xoa nơi mắt cá, kéo nhẹ, lắc một cái rồi đỡ nó đứng lên:
- Con đi xem nào, đi nhẹ thôi.
 Vân bước nhẹ tới không còn thấy đau, nó đi luôn một đoạn rồi quay lại, nhỏ cười tươi roi rói:
- Hay quá, hết đau rồi cậu ơi!
- Ba Lộc bày đấy! Hai đứa về chỗ cậu làm. À, chuyện này đừng kể cho Ba Mẹ biết, kẻo cậu không được yên thân với vợ chồng nó đâu.
Cả ba cùng cười. Tôi và Vân theo cậu về tiệm chụp hình Đông Phương.
VIII- Tiệm chụp hình Đông Phương nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Ngày đó ở Tuy Hòa có hai tiệm chụp hình lớn là Mỹ Dung ở ngã năm và Đông Phương. Chủ tiệm Đông Phương là người Tàu Chợ Lớn, bạn thân của cậu Kỳ. Cậu dẫn bọn tôi vào trong giới thiệu với chú Thái chủ tiệm. Nghe chuyện, chú Thái nói với cậu:
- Ông để hai đứa nhỏ ở lại đây, thuê chỗ khác làm gì cho mệt. Nhà rộng thênh thang chỉ hai vợ chồng với đứa con bé tí.
Chú quay qua bọn tôi tươi cười nói:
- Nhất trí thế nhé. Cho cô bé với cậu bé mỗi đứa một phòng trên lầu ba. Còn ông bạn, nếu ông ở luôn đây thì tuyệt.
Cậu Kỳ lắc đầu quầy quậy nói:
- Hai đứa cháu thôi, ông đừng rủ rê tôi.
Cậu Kỳ với chú chủ nhà ngồi nói chuyện, tôi tới cuối phòng coi tấm phông vải thật to vẽ cảnh dòng sông và cầu Đà Rằng. Tuy chưa xong nhưng đẹp và lớn bằng cả một bức tường. Nhìn những lon sơn đủ màu để dưới nền, đem phết những thứ này lên, chúng lại trở thành cầu thành sông, khâm phục cậu thật. Định bày tỏ sự ngưỡng mộ với nhỏ Vân nhưng chẳng thấy nó đâu. Tôi đi ra phía trước. Mặt tiền trưng bày cơ man nào là ảnh. Có nhiều tấm hình lớn bằng nửa mặt bàn, được treo trên cao, còn hình trung trung thì nhiều vô kể. Nhỏ Vân đang đứng hỏi chuyện với một người ngồi trên ghế, khuôn mặt bị che khuất bởi chiếc hộp gỗ, anh ta đang sửa cái gì đó trong chiếc hộp. Thấy nhỏ Vân hỏi anh ấy:
- Sửa tấm phim này xong mình rọi ra để in hình ha anh?
Anh ấy nói chuyện với nhỏ nhưng vẫn chăm chú sửa:
- Đúng rồi em. Ba em là bạn chú Thái à?
- Dạ cậu em đấy! Khi nãy vô có anh Hai em nữa.
- Ừ, hai em từ bên Đại Nam qua đây à?
- Dạ!
- Có ai bị gì không em? Bên đó lâu lâu lại có một vụ...
- Tụi em chạy về đây nên chưa biết ạ.
Tôi lại gần xem anh ấy đang làm gì trong cái hộp đó. Nhỏ Vân thấy tôi đến, nó nói:
- Anh Hai coi nè, anh ấy đang sửa phim đấy.
 Người ngồi trước chiếc hộp gỗ dừng tay nhìn qua bên hướng tôi đang tới. Thật bất ngờ, tôi không thể tin vào mắt mình, tôi không thể nào nghĩ rằng lại có sự may mắn đến diệu kỳ như vậy. Cả hai cùng sững sờ nhìn nhau. Anh đứng lên đi nhanh về phía tôi, tôi lao đến, cả hai cùng kêu lên:
- Em! Hà em!
- Anh Hà!
Không nhầm lẫn đâu được, anh Hà của tôi đây rồi. Đi tìm suốt bao nhiêu tháng ngày, giờ gặp nhau ở nơi mà chẳng bao giờ ngờ tới. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, tôi khóc, anh khóc nhỏ Vân bất chợt đứng sững rồi cũng khóc theo. khóc trong niềm hạnh phúc. Nước mắt chảy dài nhưng nụ cười lại hiện trên khuôn mặt của từng người. Tôi kéo em lại nói với anh Hà:
- Đây là Vân, đứa em gái của em.
Cậu Kỳ, vợ chồng chú Thái không biết ra từ khi nào, đến bên ba đứa trẻ, chú Thái nói:
- Chúc mừng cuộc hạnh ngộ của các cháu. Chúc mừng cái duyên lành mà ông bạn Kỳ của tôi mang đến. Tối nay chúng ta làm một bữa tiệc nhỏ mừng các cháu, mừng cho chú thợ nhỏ đáng yêu của gia đình tôi.
Vợ chú đến xoa đầu tôi và nhỏ Vân, nói:
- Nghe anh Kỳ nói mấy hôm nay hai anh em về Tuy Hòa, đi lang thang khắp nơi tìm anh, tụi con ngoan lắm. Cô bé dễ thương quá!
Nhỏ Vân mắc cỡ, lí nhí cám ơn. Cô Thái quay sang anh Hà nói tiếp:
- Mai cô cho Hà nghỉ hai ngày, đưa các em qua gặp Má, đi thăm Tuy Hòa.
Tối hôm đó, khi anh Hà và thợ sang rửa ảnh xong, ba anh em bọn tôi lên sân thượng ngồi chơi. Anh bảo tôi kể lại chuyện bắt đầu từ buổi sáng hôm ấy. Tôi đẩy qua anh, muốn nghe chuyện gì đến với anh và Má...
- Mua phụ tùng xe đạp xong anh quay về. Qua cầu Đà Rằng cũng đã giữa chiều. Gần tới Phú Lâm thấy lính Cộng Hòa dày đặc, dây thép gai giăng chằng chịt. Mới sáng khi đi chỉ thấy năm, bảy chiếc xe nhà binh chở lính, trạm chốt nhiều hơn, đôi lần vẫn thế có gì đâu, đến chiều mọi thứ trở nên quá nghiêm trọng. Anh rất lo vì mọi người nói từ Hòa Bình trở lên đang đánh nhau dữ dội. Người dân lớp chạy lên núi tránh súng đạn, lớp kéo nhau xuống Tuy Hòa, chết vô số kể.
- Lúc đó xóm mình tan hoang, nhà cửa cháy rụi. Em với Vân con cô Hòa chạy lên, chị Hai cũng chạy lên...
- Anh không biết cả nhà mình chạy xuống hay lên nên ở lại Phú Lâm đợi Má, chị Hai với em. Chờ ngày này qua ngày khác mà bóng dáng người thân cứ mịt mù. người tị nạn gồng gánh, bế bồng nhau lũ lượt đi qua. Chờ đợi, tìm kiếm đến mỏi mòn. Khi không còn ai xuống nữa, chỉ thấy trên dòng mương dẫn thủy những xác người trương phình trôi xuống, thì mong chờ trong anh cũng tắt đi. Anh đem những đồ đã mua xuống trả lại cho tiệm xe, bác chủ tiệm thương tình giữ anh lại làm thợ trong tiệm bác. Từ đó anh sống trong mong chờ vô vọng. Cho đến một ngày rất ngẫu nhiên gặp được Má từ bác Thịnh gái nhà cạnh tiệm xe đạp của mình ở Phú thứ. Cả gia đình bác chết trong đợt chiến sự đầu tiên, chỉ còn bác. Hai bà mẹ cùng thuê một căn nhà nhỏ sống nương tựa nhau ở gần chùa đường số bảy. Hằng ngày Má chạy chợ, ngồi bán rau củ linh tinh ở một chợ nhỏ gần nhà.
- Thế khi nào anh chuyển qua làm nghề chup hình?
- À, tiệm hình Đông Phương cách tiệm xe đạp hai căn nhà thôi. Lúc đó anh đứng chơi ngoài lề đường, thấy em bé con chú Thái chủ tiệm chạy xuống lòng đường bị ngã, lúc đó có chiếc xe hơi chạy tới, anh nhảy ra kéo em bé...
- Rồi có ai bị gì không anh?
- Em bé may mắn không sao, anh bị xe tông văng ra, gãy chân nhưng cũng nhẹ.
Tôi và nhỏ Vân ngồi nghe. Có lẽ đã khuya lắm, đường phố vắng lặng, Vân nằm ngủ bên cạnh. Hai anh em mắt ríu lại, tôi ngáp dài xoay qua lay nhỏ vào ngủ.
Câu chuyện vụ nổ ở rạp Đại Nam sáng nay các tờ Nhật trình đăng nhiều. Mọi người bàn tán, kẻ nói đông người nói tây, đủ kiểu. Hai người lính Cộng hòa một chết một bị thương. Về dân có một thiếu niên chết và hai bị thương cùng nhiều người thương tích khi dẫm đạp lên nhau. May tôi với Vân chưa vào, chứ cảnh chen lấn đạp bừa lên nhau chạy như thế, chưa chắc hai đứa nhỏ bọn tôi được lành lặn, không muốn nói tính mạng cũng khó giữ. Sau đó người ta còn tìm thấy những miếng gỗ, mội số đồ vật được cho là để đánh giày. Chẳng lẽ Đức lì đã... Chợt nhiên tôi nhớ lại những câu nói khó hiểu của nó. Nào là “trả thù, trả thù”. Tuy lo nghĩ vậy nhưng vẫn mong sao người thiếu niên chết kia không phải là nó.
Trời đã sắp bước sang Đông, mây xám giăng giăng, lá vàng rụng nhiều hơn. Nhỏ Vân tung tăng chân sáo, thỉnh thoảng chạy lui chen vào giữa cầm tay tôi và anh Hà. Em thật hồn nhiên, đáng yêu biết bao. Ba anh em bọn tôi sáng nay đến với Má. Căn nhà nhỏ ở gần chùa trên đường số bảy Má thuê hơn năm nay để ở. Một bên là ruộng, bên đối diện nhà cửa vườn tược, không khí thật yên bình của quê nhà. Nhớ thương, lo lắng cho chồng con đằng đẵng tháng năm khiến Má ốm và già hơn. Anh em chúng tôi tới thăm, Má bất ngờ đến ngỡ ngàng. Má không ngờ thằng Hà em bé út trôi nổi ngần ấy thời gian nơi rừng thiên nước độc, bôn ba chốn đạn lạc bom rơi, người cười mà nước mắt cứ lăn dài trên đôi má. Tôi kéo nhỏ Vân lại với Má. Kể về những ngày lang thang nơi phố thị, gặp gia đình Vân rồi trở thành đứa con nuôi của Ba Mẹ Lộc. Cuộc đoàn tụ hôm nay dẫu chưa vẹn toàn nhưng cũng đã may mắn và hạnh phúc cho gia đình tôi. Ba anh em chúng tôi ở lại với Má, chiều mai về lại tiệm để anh Hà đi làm.
Anh Hà đề nghị với chú Thái chủ tiệm cho tôi được tới học nghề, Cậu Kỳ tác động thêm nên chú đồng ý yêu cầu của người bạn thân: Niên khóa mới, tôi được học tại trường Bồ Đề bên kia đường đối diện tiệm Đông Phương. Ngoài giờ học tôi học thêm nghề hình. Đây là tin tôi vô cùng bất ngờ, mừng không kể đâu cho xiết. Tôi báo cho nhỏ biết, nó mừng nhưng hóa ra tôi đi học là ý của Vân. Nhỏ nói:
- Sang năm em sẽ đến trường học lại. Hôm trước Ba có nói với cậu, nhà mình không đi bán thuốc nữa. Ba mua xe chở khách chạy Nha Trang - Thành. Định rằng nếu anh chưa tìm được Má, anh Hà thì trở về nhà đi học cùng em, Mẹ ở nhà dạy đàn.
Vân nói mà khuôn mặt em thật buồn. Tôi biết trong lòng em chẳng muốn xa tôi, em sợ mất tôi. Nhưng em lại hăm hở cùng tôi đi tìm Má, anh Hà - nếu gặp được người thân thì có nghĩa rằng tôi phải xa em. Giờ thì em không còn cảm nhận nữa rồi, em biết cái điều mà em vô cùng sợ ấy nó đã chạm vào tim em. Vậy ra em làm tất cả vì tôi ư Vân? Nghĩ đến đây tôi bật khóc. Khóc vì những ngày tháng bơ vơ, cô đơn lang thang khắp chốn rồi gặp gia đình, sống bên Ba Mẹ, bên em, bên những người yêu thương mình hết mực. Em đã không ngại gian khó, nắng mưa bương chải cùng tôi tìm người thân. Giờ gặp rồi, niềm vui đang lớn dần lên thì nỗi buồn chia tay lại trùm xuống. Em đứng đó, tôi đây nhưng rồi mai này trở về bên Ba Mẹ. Nơi ấy luôn có bóng dáng tôi, những hồn nhiên cười vui, quấn quít bên nhau trong ngôi nhà xinh không còn nữa, đêm đêm ngồi học bài, những sáng tinh mơ cùng nhau luyện tập không còn, không còn có tôi nữa. Nơi này đây rồi cũng vậy. Sống bên Má bên anh, trong lòng tôi dường như đã trọn vẹn ước mơ. Nhưng tôi sắp mất một cái gì đó quá lớn, lớn đến độ ngực tôi như thắt lại. Tôi không biết nó là cái gì, nhưng rõ ràng như vậy và tôi khóc. Em đứng lặng yên. Lòng tôi xáo động bao nhiêu thì trong em cũng buồn đau tương tự. Bởi thế, những trào dâng cảm xúc đã không ghìm được, không còn kìm nén được nữa, em lao đến ôm chầm lấy tôi khóc òa. Hai đứa ôm nhau khóc. Em nói trong nước mắt:
- Anh Hai ơi, em buồn lắm!
- Anh cũng rất buồn, anh luôn nhớ em.
- Phải thường xuyên vô thăm em.
- Nhất định thế, em gái của anh.
- Anh Hà nói vài hôm nữa xin nghỉ để đi với tụi mình  vào Nha Trang.
- Vài hôm nữa ư anh?
- Ừ, vài hôm nữa.
- Vào Nha Trang rồi anh Hà và anh về...
- Anh về lại Tuy Hòa.
- Biết bao giờ mới trở lại?
Tôi và anh Hà đưa Vân về nhà. Má không được khỏe nên anh thay Má vào chào Ba Mẹ nuôi tôi. Một kết cuộc có hậu, mọi nỗ lực đã đi đến sự mỹ mãn. Trong ánh mắt từng người hiện lên niềm vui, hạnh phúc. Từ Ba Mẹ, từ anh Hà, tôi và Vân. Mọi người mừng cho tôi trở về lại thế giới hồn nhiên, vô tư vốn có của tuổi thơ, không còn canh cánh bên lòng những âu lo, phiền muộn. Còn Vân? Tất nhiên cũng vậy, em mừng vui, luôn quấn quít bên tôi. Mọi người trước đây rất lo cho em, nếu tôi trở về sống bên người thân, em có chịu nổi khi phải xa anh của nó? Thật bất ngờ, em chẳng có biểu hiện gì khiến ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Tôi không thấy vậy. Nhìn em cười, thấy em vui nhưng trong nụ cười, niềm ấy vui dường như nó không thật là của em. Phải thế không Vân?
Ba chở cả nhà xuống Nha Trang để tôi và anh Hà về lại Tuy Hòa. Suốt chặng đường em lặng yên không nói chuyện. Mẹ đùa:
- Hai con sao buồn thế? Hà em sẽ thường xuyên vô chơi với con mà.
Em miễn cưỡng trả lời Mẹ:
- Dạ...
Tôi xoay qua cầm tay Vân, nhỏ mím môi nhìn, mắt em ngấn lệ. Lúc này vừa tới bến, em đưa tay quẹt vội giọt nước mắt vừa lăn trên má bước xuống xe. Hai anh em đến chào Ba Mẹ Lộc. Cầm tay em, tôi nói:
- Anh Hai sẽ vô thăm Ba Mẹ và em.
- Dạ!
Tôi vừa đi được mấy bước bỗng nhiên nhỏ Vân chạy vụt theo, mọi người tưởng em sẽ khóc òa, nhưng không! Em chạy đến, Vội vàng cầm lấy tay tôi như sợ biến mất. Em nói không kịp thở:
- Anh Hai, em nhớ anh!.
IX- Tôi ở cùng anh Hà tại tiệm ảnh Đông Phương, bắt đầu học nghề từ đó. Ban đêm, sau công việc in, tráng hình, hai anh em cùng lấy sách vở ra ngồi học. Những gì không hiểu, anh Hà hỏi các anh thợ lớn tuổi rồi giảng lại cho tôi. Cứ đến chiều thứ bảy cuối tháng, tôi theo xe vào Thành thăm Ba Mẹ, thăm Vân. Hai đứa lại trở về ngày tháng cũ, lóc cóc đạp xe đi chơi. Vân thích tôi cũng thích qua bên kia sông Cái, mua đồ ăn, trái cây rồi đến bãi cỏ ven sông chơi. Mùa Đông ở đây ít mưa. Trời se lạnh vừa đủ để hai anh em ngồi tựa lưng vào nhau kể chuyện. Từng đợt gió lùa qua, lá lác đác rời cành nhuộm vàng thêm thảm cỏ xanh. Gốc cây hai đứa thường ngồi mỗi lần qua chơi ngày nào sum suê lá giờ khẳng khiu, trơ cành. Nhỏ bâng khuâng:
- Mọi cái rồi phải thay đổi, anh nhỉ? Sang Xuân nó lại khoát cho mình áo mới.
- Ừ, thay đổi để lớn lên em ạ. Tụi mình cũng đang thay đổi...
- Cây rụng lá để nẩy lộc đâm chồi, nhìn lá rụng dần cây cũng buồn.
- Cây biết lá rồi sẽ rụng. Nhưng do một thời gian dài ở bên nhau, cây cũng bâng khuâng...
- Bộ rụng lá một thời gian rồi nó hết buồn, hết nhớ sao anh?
- Ừ, nó không buồn chỉ nhớ thôi. Lá rơi vào đất một thời gian lại trở về với cây. Cây lá cần có nhau, luôn bên nhau mà em.
- Nhưng xa anh Hai em cũng buồn!
- Đêm nào ngồi học bài anh Hai cũng nhớ em gái của mình.
Tôi đưa tay nhặt lên một chiếc lá trao cho Vân, tôi nói:
- Nếu có một điều ước, em ước gì?
- Ước cho...
Nhỏ cầm chiếc lá áp vào ngực định nói điều ước thì trời đổ mưa. Mưa nhỏ thôi nhưng hai đứa không kịp nói chuyện tiếp, vội dắt xe chạy ra đường trở về nhà.
Một thời gian sau, hai vợ chồng chị Hai bắt được liên lạc với Má nên về Tuy Hòa thăm và đưa Má lên cùng anh chị. Giờ còn tôi và anh Hà ở lại đây. Anh Hà là thợ chính, tôi cũng đã học thành thạo một số việc. Hơn nữa, chú Thái chủ tiệm đang mở cơ sở hai ở đường Lê Thánh Tôn nên giữ hai anh em ở lại. Tôi làm việc đã bắt đầu được nhận lương khuyến khích bằng một phần hai anh Hà. Với tháng lương đầu tiên tôi mua tặng em sách vở và một đôi giày, em tặng lại tôi bộ áo quần cùng cái cặp. Niên học tới sẽ vào học trường Bồ Đề trước nhà. Hai đứa ngoéo tay hứa một tháng đứa này vô Thành tháng sau đứa kia ra Tuy Hòa thăm nhau.
Đợt vào gần đây nhất, thấy em hình như không được khỏe, hơi xanh và ốm, tôi thật xót xa. Ba đã mua xe chạy chở khách từ Thành xuống Nha Trang, Mẹ dạy đàn. Nhà ra vào nhiều người nhưng sao thật trống vắng. Em ở trên lầu, khi học tập lúc đọc truyện, ít khi ra ngoài chơi cùng bạn. Tôi chở em đi loanh quanh, tới những nơi hai đứa thường đến. Giây phút vui đùa bên nhau không còn nhiều, nên niềm vui đến lại nhanh chóng ra đi.
Trưa nay Tuy Hòa đổ mưa. Cả buổi sáng trời mù mù như sương giăng, đến trưa có mưa, mưa nhỏ thôi, nhìn trời có vẻ buồn nhưng lòng tôi lại đang vui. Hôm nay ngày cuối tháng, Vân ra. Nhìn mưa giăng trên phố, mang theo cái rét ít ỏi của những ngày cuối Đông làm nỗi nhớ mong cứ dày lên. Tôi ngồi tô màu cho những tấm hình của khách, chốc chốc lại nhìn ra đường. Vài chiếc xe vụt qua, người trên đường bước đi vội vã. Một ai đó dừng lại trước cửa tiệm là tôi lại nhổm đứng lên. Cứ thế đến quá trưa, sang chiều. Càng lúc sự lo lắng bồn chồn khiến tôi không thể yên tâm ngồi làm việc. Từ bến xe về đây không xa. Mấy lần trước chừng hơn mười giờ đã thấy em xuất hiện trước cửa tiệm, miệng cười tay vẫy rối rít. Còn giờ, hay... Tôi không dám nghĩ tiếp.
Tôi ngồi chờ nhỏ Vân đến chiều, đến tối. Vậy là có vấn đề gì với em rồi. Đem sự lo lắng nói với anh Hà, anh xin phép cho tôi sáng mai được nghỉ để vô Nha Trang. Chú Thái chủ tiệm nói:
- Cũng có thể con nhỏ đau, hai anh em vào cho phải đạo. Hà dẫn em vào thăm rồi ra, công việc hơi nhiều. Nếu không có gì thì thôi, còn nếu cần Hà em ở lại vài ngày với nó cũng được.
- Tụi con cám ơn chú!
Anh Hà nói xong kéo tôi lên lầu sang hình để còn nghỉ, mai đi sớm.
Tôi và anh về đến nhà, gặp Ba Lộc đang đi qua đi lại trên sân. Ba cho biết: Mẹ ở trong nhà thương dưới Nha Trang với Vân. Ba nói:
- Em nó vào nhà thương ba ngày rồi. Hai đứa đợi lát ba chở đi.
Tôi thẫn thờ bước lên lầu như người mất hồn. Đi ngang qua phòng học, bàn ghế, sách vở nằm im lặng, lạnh lẽo. Đẩy cửa phòng em bước vào. Căn phòng ngày nào rộn vang tiếng cười, líu lo ca hát giờ sao yên ắng, trống vắng  đến nhói lòng. Biết rằng, hôm gặp lần trước có vẻ em không được khỏe. Đi xi nê, dạo phố em vẫn vui tươi, nhưng đã cảm giác có gì đó yếu ớt, mong manh trong em. Chỉ lo lắng mơ hồ thôi rồi qua nhanh. Bởi hình ảnh tháng ngày bôn ba cùng em với đoàn hát rong. Em mạnh mẽ đầy nghị lực dù lúc đó hai đứa rã rời đôi chân, khàn khô giọng hát. Khi tụi mình lê la khắp phố phường chịu những buồn vui, đắng cay để tìm người thân... Thì không thể mong manh, yếu ớt được. Những nghĩ suy cứ chập chờn, vỡ vụn trong đầu. Tôi lững thững bước chân xuống cầu thang,  đôi mắt nóng ran, những đồ vật, khung cảnh thân quen cứ mờ nhòa.
Tôi, anh Hà đến nhà thương thăm em. Mẹ ngồi nhìn em đang ngủ, trông mẹ buồn làm tôi thêm đau lòng. Mọi người im lặng. Đến chiều, anh Hà xin phép trở về Tuy Hòa cho kịp chuyến xe. Tôi nói với Ba Mẹ được ở lại với em.
Lâu rồi, giờ mới lại ngồi nhìn em ngủ. Tôi kéo nhẹ mép chăn phủ thêm lên người, em khẽ cựa mình rồi mở mắt nhìn tôi. Em gọi rất khẽ, nhẹ như hơi thở:
- Anh Hai!
Mừng vì thấy em đã tỉnh, tôi chồm tới:
- Anh đây! Em thấy trong người thế nào?
 Em nhìn mà như không thấy tôi. Em nhìn như nhìn vào chốn mênh mông. Em nhìn như đang nhìn một nơi xa xăm nào đó, rồi khép mi lại. Tôi đưa bàn tay cầm lấy đôi tay nhỏ xinh, mềm mại, hơi xanh của em. Tôi đưa tay vuốt nhẹ má em, vuốt nhẹ mái tóc đen mượt mà tôi đã từng lúng túng khi cột cho em. Tôi muốn thu tất cả những gì trên người em lại, tất cả. Tôi sợ em bay đi. Em cứ im lặng thế này, thật sự tôi sợ em rời xa, bay đi. Khi sống giữa hòn tên mũi đạn, giữa cái chết cận kề tôi lại lạc quan, hy vọng. Còn khi quanh mình sự bình yên, hạnh phúc, những yêu thương quây quanh, tôi lại hoảng hốt, lo sợ.
Chiều tối Ba Mẹ đem một số vật dụng đến cho tôi, Mẹ dặn:
- Ba Mẹ ra ngoài nghỉ, con ở đây với em nếu cần gì con gọi Ba hoặc đến phòng trực gọi Thầy thuốc.
- Dạ!
Em từ chiều giờ luôn ở trong trạng thái lơ mơ rồi ngủ.
Ba nói bệnh em liên quan đến tim. Tôi không hiểu nó nguy hiểm cỡ nào, nhưng trái tim nhỏ bé cứ nhẹ nhàng đập trong lồng ngực, mà mỗi lần buồn chuyện gì, chờ đợi, lo lắng, sợ hãi chuyện gì, thậm chí chỉ nhớ thôi cũng đã thấy nó đập loạn xạ... Sao em lại đau tim, đau những thứ mà bình thường tôi, em đều không muốn có cảm giấc ấy. thấy em nằm thiêm thiếp như vậy tôi rất đau lòng. Tôi cúi xuống cầm bàn tay em áp vào má, nhắm mắt và để yên như vậy. Những hình ảnh ngày nào của hai đứa lại hiện về. Tôi gục xuống cạnh giường bên em nằm. Một giọng nói yếu ớt gọi:
- Anh Hai!
Đang áp tay em lên má, chợt bàn tay cử động và bóp vào má tôi:
- Anh Hai!
Tôi mừng rỡ:
- Em, em thức rồi à? Anh về thăm nè.
Nhỏ cố gượng dậy, tôi giữ em nằm xuống, nói:
- Em cứ nằm cho khỏe, đừng ngồi dậy.
-Em ngủ bao lâu rồi anh, Ba Mẹ đâu?
- Ba Mẹ đi nghỉ rồi. Anh Hà tới thăm về khi chiều. Giờ cũng gần chín giờ tối.
- Ôi! Em ngủ lâu thế ư anh?
- Em cứ chập chờn, lơ mơ làm anh lo...
Những cơn gió mang hơi lạnh còn lại như muốn trút hết để đón Xuân sang. Mặt trời rọi những tia sáng ngày mới ngập tràn. Ngoài sân nhà thương, cây cơm nguội khẳng khiu đứng rung rung trong gió, Vân đưa mắt nhìn ra khung cửa sổ, reo lên:
- Anh Hai ơi! Cây bắt đầu có những chồi non bé tí, hồng hồng kìa.
- Ừ, vài hôm nữa trời ấm nó sẽ bung ra thành những chiếc lá non tơ.
Nhỏ nghiêng người cố lấy vật gì dưới gối, tôi cản lại:
- Em nằm yên để anh Hai lấy cho.
Tôi chồm qua người Vân, lần tay dưới gối lấy ra một chiếc lá cơm nguội vàng đưa cho em, nhỏ nói:
- Chiếc lá bay vào khung cửa, em cất để tặng anh.
- Tặng Anh?
- Dạ, hồi đầu Thu ở Tuy Hòa, em ép chiếc lá của anh vào tập sách, giờ em tặng Anh lá này.
Tôi cầm chiếc lá em đưa, lặp lại lời em:
- Sau này khi lớn lên, mỗi đứa nhìn chiếc lá để nhớ lại ngày xưa, phải thế không em?
Hai ngày sau Thầy thuốc cho em xuất viện. Cả nhà trở về Thành. Tôi lại được sống bên em, bên gia đình mấy ngày nữa. Ba Mẹ thấy em ổn trở lại vui không kể xiết. Dù sức khỏe có tốt dần nhưng tôi không dám dẫn đi chơi nhiều. Hôm tôi gần đi, em cứ nằng nặc đòi qua sông Cái chơi. Ba nói:
- Trời cuối đông còn lạnh, hai anh em đi quanh đây cũng được.
- Con mặc thêm áo lạnh mà Ba.
- Em chưa được khỏe hẳn, coi chừng ốm lại giờ.
- Đi chơi về em sẽ khỏe cho anh xem.
Từ nhà qua cầu sông Cái chỉ một đoạn ngắn nên Ba đồng ý, nhưng dặn:
- Nếu lạnh và có gió hai con đừng xuống bờ sông.
Nhỏ “dạ” một tiếng thật to rồi chạy ra cổng. Mẹ lấy thêm chiếc áo lạnh đưa tôi, dặn:
- Mặc thêm áo cho em. Nhớ về sớm nha hai con.
Tôi choàng thêm áo cho em, hai đứa lại tung tăng trên đường. Đến cầu, gió thổi lồng lộng, tôi e ngại nói:
- Gió nhiều quá, mình đi quanh vài phố rồi về thôi em, anh sợ...
- Yên tâm, có Anh Hai ở bên em không bao giờ đau.
Nói xong nhỏ cứ bình thản lên cầu, tôi miễn cưỡng đi theo. Tới giữa cầu nhỏ đi thụt lùi, vừa đi vừa nói:
- Anh Hai thấy gì không?
- Anh thấy em.
- Còn gì nữa?
- Thấy tóc em bay, đẹp lắm!
- Em thích!
- Anh cũng thích!
- Còn gì nữa?
- Hết rồi!
Nhỏ phụng phịu:
- Bộ Anh Hai không nghe gì à?
- Gió mạnh quá nên Anh có nghe gì đâu.
Nhỏ đi lại sát bên, tóc nó phủ xòa khắp mặt tôi, tôi cười:
- Nghe rồi nhỏ ơi!
Nhỏ Vân cười khúc khích. Tôi cầm tay nhỏ cùng đi qua cầu, bàn tay lạnh ngắt, tôi nói:
- Em có lạnh lắm không?
- Dạ có, nhưng không nhiều lắm anh.
- Đi sát bên anh cho bớt lạnh, mình quay về nhà thôi. Đợt sau Anh vô hai anh em mình đi chơi lâu hơn.
Tôi kéo nhỏ lại, choàng tay qua vai em hai đứa cùng trở về.
Tôi không thể ngờ rằng lần này là lần cuối cùng được đi bên em. Lần cuối cùng được nghe em nói, lần cuối cùng cầm tay em, lần cuối... Để rồi từ ngày mai không bao giờ còn được gặp lại. Đứa em gái không cùng Mẹ sinh nhưng tôi yêu thương như chính bản thân mình.
Qua tết chị Hai về đón tôi lên nhà chị. Tôi chưa thể đi đợt này, nên cùng anh Hà lên thăm chơi rồi cả hai về lại Tuy Hòa, luôn tiện vô Thành thăm Ba Mẹ, thăm nhỏ Vân. Niềm vui trên một đoạn đường dài theo tôi về Thành. Đến nhà chợt nhiên tắt lịm. Cổng nhà đều khóa. Người gần đó cho biết: Ông bà Lộc đưa cô con gái vào Sài Gòn chữa bệnh. Sao lại thế Vân ơi! Sao em không chờ anh vào? Tôi buồn bã lững thững ra bến xe trở về cùng anh Hà.
Thời gian cứ trôi, công việc hằng ngày thật đơn điệu đối với tôi. Ngồi sửa phim, tô hình màu tôi hay giật mình nhìn ra đường, như chờ đợi, trông ngóng một bóng dáng nào đó thật mơ hồ. Tâm trạng kéo dài khi đêm về. Ngồi rọi hình hay ngâm hình trong nước thuốc tôi làm hư liên tục. Hình lúc thì bạc phếch lúc đen sì. Anh Hà hiểu tâm trạng  nên không nói gì nhưng tôi tự nhủ lòng: Không có gì phải quá lo lắng, nghĩ ngợi, em sẽ bình phục, em sẽ trở về...
Hai tháng sau vào lại, cửa vẫn khóa. Thêm lớp bụi thời gian che mờ hy vọng. Lần gần đây nhất khi một mình vô Thành, về đến nhà thấy cửa mở, tôi sung sướng chạy ùa vào. nỗi vui mừng sau bao tháng ngày lo lắng, mong đợi hiện rõ trên nét mặt, bước chân bỗng nhiên khựng lại. Trước mặt là một người đàn ông lạ, thấy tôi chạy vào, ông hỏi:
- Cháu tìm ai?
- Dạ tìm Ba Lộc ạ.
- Vợ chồng ông Lộc bán nhà rồi.
Nghe ông nói tôi chết điếng, đứng sững như trời trồng.
Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân rồi nói:
- Cháu là Hà em phải không?
Tôi trả lời như kẻ mất hồn:
- Dạ, cháu là Hà em.
Ông đi vào lấy ra một phong thư đưa cho tôi rồi nói:
- Ông Lộc nhờ đưa cho cháu.
- Ba Lộc đi khi nào ạ?
- Khoảng hơn một tháng rồi.
Tôi bần thần cầm phong thư đi ra cổng, ngoái đầu nhìn lại ngôi nhà đã một thời gian cưu mang tôi, cho tôi những tháng ngày ấm êm, hạnh phúc. Dẫu không dài nhưng là quãng thời gian mà cả đời này tôi không bao giờ quên được. Nơi đó có Ba Mẹ hết lòng yêu thương tôi, nơi đó có đứa em gái khi lần đầu mới gặp mà tưởng như đã thân thiết, gắn bó từ lâu lắm rồi.
Hà em, con của Ba Mẹ!
Ba Mẹ đưa em con vào Sài Gòn chữa bệnh, nghĩ rằng một thời gian sẽ khỏi. Nhưng bệnh tim của em con khá nặng. Thầy thuốc khuyên nên ra nước ngoài, điều kiện tốt hơn. Ba Mẹ đồng ý và đã quyết định như vậy. Con yên tâm, Ba Mẹ tin em con sẽ khỏi bệnh, chúng ta có duyên rồi lại gặp nhau. Em rất nhớ con, nó nhắc con mỗi ngày. Con cũng phải cố gắng trong cuộc sống và học tập. Yêu con.
Ba Mẹ
Vậy là em đã đi, đã rời khỏi tôi rồi. Đôi lúc đi trên phố, qua những nơi đoàn hát rong bán thuốc ngày trước diễn, tôi nghe tiếng phèng la, tiếng em hát. Rồi tôi nghe tiếng bước chân, khuôn mặt lấm tấm mồ hôi chạy lúp xúp theo khi tôi cùng em đi tìm người thân. Từng con đường, góc phố, từng bãi cỏ, hàng cây đều có bóng dáng em. Tôi cố gạt những hình ảnh thân thương ngày nào ra khỏi tâm trí, cố đừng nghĩ ngợi gì nữa. Nhưng càng gạt ra, càng cố không nghĩ thì nó lại hiện về rõ nét. Làm tôi thêm đau buồn hơn.
 Công việc học nghề ở tiệm chụp hình vẫn thế nhưng hồn vía tôi thì bay tận đâu đâu. Anh Hà biết, cô chú chủ tiệm biết, mọi người đều cảm thông. Một hôm, anh Hà gọi tôi ra nói:
- Anh biết em buồn, anh cũng đau lòng khi hay tin nhỏ Vân đau nặng phải ra nước ngoài chữa bệnh. Nhưng ở thành phố này có quá nhiều kỷ niệm của em với nhỏ Vân,  để em bớt buồn thì nên lên với Má và chị Hai. Công việc ở đây chỉ là tạm thời. Em còn đi học, còn tương lai nữa. Nếu có tin tức gì về gia đình Ba Lộc, về nhỏ Vân anh sẽ báo cho em.
Tôi phân vân nhiều lắm về những điều anh nói, nhưng cũng phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Hy vọng thời gian sẽ làm tôi nguôi ngoai.
Nhiều lúc tôi cứ ngỡ những tháng ngày qua như là một giấc mơ. Giấc mơ đã cho tôi tuổi thơ hồn nhiên bên em, khát khao được yêu thương, khát khao trong vòng tay gia đình. Bỡi lẽ chiến tranh đã cướp đi của tôi những điều thiêng liêng ấy, rồi quăng ra ngoài đạn bom để sống cùng khổ đau, mất mát, hiểm nguy. Sự cô đơn đầy bất an khiến tôi như loài cỏ cháy trên cánh đồng khô nứt nẻ. Nỗi bất hạnh đeo theo tôi dai dẳng. Thật bất ngờ được gặp em, gặp Ba Mẹ. Mọi người trao cho tôi tình yêu thương, hạnh phúc và hy vọng rồi lại biến mất. Sự hụt hẫng đó sao làm tôi không khỏi bàng hoàng. Chính nỗi bàng hoàng ấy khiến tôi nghi ngờ những dịu êm, những huyền nhiệm tôi nhận được từ đâu tới và giờ họ đi về đâu. Phải chăng chỉ là giấc mơ?
Chiếc xe đò đưa tôi ra Qui Nhơn để lên với Má, đang chạy vùn vụt về phía trước, để lại sau lưng đám bụi mù. Những gian khổ, đau thương trong chiến tranh, Những kỷ niệm êm đềm, những hình ảnh yêu thương cứ lùi dần, lùi dần trong mờ mịt khói sương. Hành trang mang theo là nỗi buồn ly biệt, in đậm trong hồn thương nhớ không nguôi. Chốc chốc tôi ngoáy đầu nhìn ra sau để cố níu kéo, cố giữ lại một cái gì đó mơ hồ nhưng nó cứ vuột khỏi tầm tay làm tim tôi đau thắt.
Tôi mân mê chiếc lá vàng em đưa ngày nào mà rưng rưng nước mắt. “Lá sẽ về cội bón phân cho cây, để rồi hóa chồi non cùng trưởng thành bên nhau”. Còn em của tôi thì bay đi rồi. Bay đi tít mù xa, rụng lại đây chiếc lá vàng và vùng trời kỷ niệm. Tôi cẩn trọng kẹp chiếc lá trong cuốn sách để vào cặp. Chiếc cặp em tặng đang nằm trong lòng tôi Tôi ôm nó mà như ôm những yêu thương, tiếc nhớ trong hồn.
  Trời đã vào thu, cái lạnh se se thường làm lòng người nhiều suy tư, thương nhớ, miên man về dĩ vãng. Năm tháng rồi qua đi, con người rồi cũng đổi thay. Duy chỉ còn kỷ niệm vẫn vẹn nguyên. Ký ức theo thời gian cứ dày lên nỗi nhớ. Không biết giờ này em ở đâu? Dù có ở đâu hay em bay về phương nào đó xa xăm thì em vẫn ở trong tôi, trong tim tôi. Chúng ta vẫn mãi mãi bên nhau. Cậu bé của một thời ấu thơ đầy gian khổ được bao bọc, được tắm mát bằng tình yêu thương, nó sẽ trưởng thành, sẽ quên dần những khổ đau nếm trải, nhưng cậu bé sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm. Kỷ niệm vẫn vẹn nguyên trong hồn nó.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...