Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Du Tử Lê: Người dâng hiến trọn đời cho thi ca

Du Tử Lê: Người dâng hiến
trọn đời cho thi ca

Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên mấy tháng trước, ngày 9-10-2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.
Nhà thơ Du Tử Lê  (1942) vừa qua đời. Ông học Đại học Văn khoa Sài Gòn, tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972). Ông có tới 70 tập thơ và văn xuôi. Du Tử Lê cũng là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Vĩnh biệt ông, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết về ông của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và ba bài thơ của ông.
Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên mấy tháng trước, ngày 9-10-2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.
Ngay sau ngày thống nhất, tôi đã đọc thơ Du Tử Lê in trên các tạp chí văn nghệ ở miền Nam trước 1975. Được biết ông đã đoạt giải văn chương năm 1972 do nhà thơ Vũ Hoàng Chương và nhà thơ Bàng Bá Lân làm chủ khảo. Tôi đồ rằng có lẽ Du Tử Lê rất thích bài hát “Lời du tử” của Nguyễn Đình Phúc nên mới lấy chữ “Du Tử” gắn với họ Lê của mình thành ra bút danh Du Tử Lê. Tôi gặp ông ở TP.HCM trong một cuộc bàn tròn trao đổi về thơ hồi cuối tháng 3-2007. Năm đó, tôi cũng sang Mỹ dự hội thảo về chủ nghĩa cổ điển tự nhiên tại đại học Dallas, người ta bảo Du Tử Lê cũng đã từng đến đây đọc thơ. Trong số các nhà thơ Việt Nam ở hải ngoại, có lẽ thơ Du Tử Lê được quảng bá ở Mỹ và châu Âu khá nhiều.
Có lẽ vì hơi thơ lãng mạn hòa trộn với hiện đại ở thơ ông đã khiến cho bạn đọc nước ngoài chú ý. Tới năm 2014, khi Du
Tử Lê ra mắt tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” ở Hà Nội, tôi mới có dịp đọc thơ ông nhiều hơn bởi được ông tín nhiệm để tôi giới thiệu thơ ông với mọi người. Ở tập thơ, tôi chú ý những bài viết về mảnh đất Gia Lai mà tôi đã từng gắn bó thời chiến tranh. Du Tử Lê cũng thế. Chỉ có khác là hai người ở hai chiến tuyến đối đầu nhau. Khác với Nguyễn Bắc Sơn trăn trở về cuộc chiến tranh thật rõ nét qua tập thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi”,  Du Tử Lê luôn lãng mạn hóa vùng chiến địa này qua những bài thơ tình, như thể ở đó chưa hề xảy ra bom rơi, đạn nổ. Ngay cả đến dấu vết “mai xa lắc trên đồn biên giới” như Vũ Hữu Định, cũng không có trong thơ Du Tử Lê. Đọc bài “Khi ngang qua Pleime” – một địa danh nổi tiếng với chiến công thắng Mỹ cuối 1966, không thấy
một tí ti ùng oàng nào trong thơ Du Tử Lê: “Khi ta đến cây im rừng nín thở – một mặt trời rực rỡ đỉnh truông xa – một hồn xanh gọi rét mướt hiên nhà – một tóc chảy theo trăm dòng suối lạ…” Ở bài “Pleiku và hoa quỳ” cũng thế. Đọc thơ Du Tử Lê, thấy rười rượi một màu vàng hoa quỳ trên đất đỏ bazan phố núi: “Khi ta trở lại rừng – chỉ còn nghe gió hú – núi trong buổi chiều nay – nhìn ta bằng mắt lạ – hoa nở vàng chân mây – tái tê từng cánh nhỏ”. Có lẽ bởi thế,  Du Tử Lê được phổ nhạc khá nhiều. Trong những tình ca ấy, ám ảnh nhất là “Khúc Thụy Du” qua giai điệu Anh Bằng. Bài thơ nói về việc tìm kiếm người yêu ở miền Phú Lâm (bây giờ thuộc quận 6) Sài Gòn sau đổ nát của cuộc Tổng Tấn Công Tết Mậu Thân 1968, từ đấy tác giả thấm thía về những mất còn mà chiến tranh mang lại.
Năm 2017, tôi sang Mỹ và ghé chơi quận Cam, lại gặp Du Tử Lê nhỏ thó nơi góc bàn cà phê quen thuộc. Cũng năm ấy, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã ấn hành trường ca “Mẹ về biển Đông” của ông. Trường ca lấy cảm hứng từ sự ra đi của chính mẹ ông. Nó gồm 5 khúc. Khúc thứ nhất “Ngôi nhà trắng, chiếc quan tài và những cây phong ở đường Beach”. Khúc thứ hai “”Những cánh cửa sổ, hồi chuông và buổi sáng”. Khúc thứ ba “Những bông hoa birdflower, nắm đất và sự trở lại”. Khúc thứ tư “Chuyến bay muộn ký ức và mẹ ở xa”. Khúc thứ năm “Cõi mẹ về”. Thật rưng rưng khi ông viết: “Những ngôi mộ ở bên ngoài đất nước – ngàn năm sau hai tiếng Việt Nam – không ai gọi, không còn ai nhắc nữa! dúm xương xưa tanh lợm, thiếu nguồn”.  Nỗi bi kịch sinh tử của người xa xứ hình như đã được ông cảm nhận trước khi bước đến khoảnh khắc làm bạn với cái chết. Vĩnh biệt ông. Cầu mong linh hồn ông sớm bay về đất mẹ Việt Nam.
Chùm thơ Du Tử Lê:
Chân dung
tôi ngồi trong
nỗi tôi riêng
bên trong ghế
lạnh, ngoài hiên bóng rời
phòng tôi trần
thiết gương người
tường sơn kỷ
niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy
suốt cơn mưa
ngực thơm hoa
bưởi, môi đưa bão về
tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào
tưởng người ngọn
sóng lao xao
biển muôn năm
gọi tôi nào có vui
người về có
nén hương, thôi
cắm lên phần mộ
hồn tôi úa vàng
Chẳng lớn lao nào hơn nỗi cô đơn
cảm ơn kỷ niệm
nuôi em lớn.
như bóng nuôi
hình lúc thiếu nhau.
cảm ơn ngực ấm
nuôi thương bạn.
giọt lệ nuôi tình
sâu kiếp sau.
cảm ơn xa, vắng
nuôi em lớn.
như lá nuôi rừng
thuở thiếu niên.
cảm ơn chăn, gối
cho mưa, nắng.
quá khứ như
người có tuổi, tên.
cảm ơn định mệnh
nuôi em lớn.
hạt giống u tình
kia, tự tâm.
cảm ơn lênh
láng/ đêm/ da, thịt.
những ngón tay
thơm chọn lựa, mình.
cảm ơn thần
thánh nuôi em lớn.
như gió nuôi
trời lúc bão lên.
cảm ơn núi nhắc
sông xa, nhớ.
chẳng lớn lao
nào hơn cô đơn.
cảm ơn sách vở
nuôi em lớn.
con chữ nuôi
người trong giấc mơ.
hồn nuôi rưng
rưng từng khối đá.
tôi trầm mình
trong em, đời sau.
cảm ơn hiện tại không sau, trước.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa
muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã
buồn hơn bóng tối
khi tôi chết nỗi
buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận
huyệt với linh hồn
11/10/2019
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: VNN
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...