Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Những âm mưu từ đảo Jekyll - 1

Những âm mưu từ đảo Jekyll - 1

Lời dẫn
Trong bộ phim Kẻ hủy diệt (The Terminator) của đạo diễn James Cameron, hệ thống siêu máy tính Skynet do con người tạo ra đã được sử dụng để thống trị thế giới. Câu chuyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng được xây dựng như một lời cảnh báo nhân loại ở thì tương lai. Thế nhưng, trên thực tế, một tổ chức có sức mạnh tương tự đã được hình thành cách đây gần 100 năm, bắt đầu tại đảo Jekyll vào tháng 11/1910 với tên gọi Cục Dự trữ Liên bang - FED. Ở đây, thay cho thế giới ảo của phần mềm là nguồn lực ảo của đồng tiền, thay cho hệ thống mạng Internet là hệ thống tài chính toàn cầu. Thế nhưng, sức tàn phá cũng khủng khiếp như nhau mà tác hại mới nhất là sự suy thoái toàn cầu khiến hàng triệu người lâm vào cảnh mất tài sản và thất nghiệp.
Với học thuyết âm mưu nhằm hình thành một trật tự thế giới mới, cùng với thế lực tài chính ngầm đứng sau, FED đã không tạo ra được nhiều vụ mùa bội thu hơn như mong muốn và đã đẩy nền kinh tế thế giới chìm sâu vào cơn bão táp tài chính diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhưng chúng ta vẫn hy vọng rằng, sự việc sẽ diễn ra tích cực hơn nếu FED chung tay với chính phủ các nước để cùng phục hồi lại nền kinh tế thế giới.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện của cuốn sách này thật có ý nghĩa cho nhiều người trong chúng ta. Nó như một bản cáo trạng về bộ mặt thật của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như thực tiễn của nền tài chính toàn cầu, cung cấp những kiến thức bổ ích cho người đọc dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó cũng chính là mục đích của tác giả G. E. Griffin, người đã mất bảy năm làm việc nghiêm túc nhằm tìm tòi và nghiên cứu mọi tư liệu cũng như thực hiện những cuộc trao đổi trực tiếp với các nhân chứng sống của bản cáo trạng đó để xác minh tính chân thực của sự việc. Chính vì vậy, cuốn sách này không đơn thuần là một ấn phẩm mà đã trở thành một công trình nghiên cứu nghiêm túc với nhiều tư liệu khoa học, trong khi nội dung của nó đã vượt quá ý tưởng ban đầu, trở thành một câu chuyện được kể lại với những tình tiết gay cấn như một tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn, lôi cuốn độc giả ngay từ trang sách đầu tiên cho tới những dòng cuối cùng.
Trong cuốn sách này, tác giả công bố nhiều tài liệu mới với các nhận định, quan điểm cá nhân đan xen. Vì vậy, nhiều quan điểm của tác giả còn là những vấn đề cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm, để nhìn nhận lại thực chất vấn đề. Đơn vị thực hiện cuốn sách này - Công ty Cổ phần Tinh Văn và NXB Tổng Hợp TP. HCM - đều mong muốn rằng, khi ra mắt bạn đọc, cuốn sách sẽ được độc giả đánh giá một cách khách quan và dù sao thì “Những âm mưu từ đảo Jekyll” vẫn được coi là tác phẩm hấp dẫn và hữu ích đối với mọi người, từ các chuyên gia tài chính cho tới những người dân bình thường. Thế nên, khi gấp lại những trang cuối cùng của cuốn sách, bạn sẽ tự cảm nhận và trải nghiệm được nhiều vấn đề gai góc nhưng thú vị trong một thế giới phát triển nhanh đến chóng mặt và đầy biến động - kỷ nguyên toàn cầu hóa.
Tiến sĩ ĐINH THẾ HIỂN
Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế Ứng dụng TP. Hồ Chí Minh
Lời Nói Đầu
Liệu thế giới có thực sự cần một cuốn sách nữa nói về Cục Dự trữ Liên bang hay không?
Đây chính là câu hỏi mà tôi từng trăn trở trong nhiều năm. Tủ sách của riêng tôi chính là bằng chứng thầm lặng về thực tế rằng không thiếu những cây bút sẵn sàng vạch trần tội ác của thế lực đen tối này. Nhưng, theo xu thế chung, đại đa số tác phẩm của họ đều bị phớt lờ, còn thế lực ghê gớm đó vẫn nằm yên trong hang ổ của mình. Điều này dường như trở thành một lý do nho nhỏ để tôi cho rằng mình có thể bắt đầu từ nơi mà quá nhiều người đã từng thất bại.
Song, ý tưởng đã trở nên rõ ràng vì trong suy nghĩ của mình, tôi khẳng định rằng Cục Dự trữ Liên bang chính là một trong những âm mưu nguy hiểm nhất nghiễm nhiên tồn tại trên mặt đất này. Hơn nữa, khi việc tìm kiếm sự thật tạo cho tôi cơ hội tiếp xúc với ngày càng nhiều dữ liệu không thể chối cãi, tôi càng nhận ra rằng mình đang nghiên cứu tỉ mỉ một trong những “câu chuyện trinh thám” hấp dẫn nhất lịch sử. Và tôi đã khám phá ra ai là kẻ đã làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Phải có ai đó kể rõ câu chuyện này cho công chúng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là công chúng không muốn nghe. Vì xét cho cùng, đây chỉ là một tin xấu mà chúng ta thì đã có đủ những điều như thế rồi.
Ngoài ra, chính sự lạ thường của câu chuyện cũng là một trở ngại nữa trong việc chuyển tải nội dung tới công chúng, bởi nó không thể tin được. Tính hiện thực của câu chuyện hoàn toàn vượt quá mức độ đáng tin cậy của một câu chuyện hoang đường nhất mà hầu hết mọi người có thể chấp nhận được. Thế nên, bất kỳ ai truyền tải thông điệp này ngay lập tức sẽ bị nghi ngờ mắc bệnh hoang tưởng. Ai mà chịu nghe một người điên kể chuyện?
Trở ngại cuối cùng chính là đề tài của câu chuyện. Nó có thể trở nên khá phức tạp. Hay ít nhất đó cũng là ấn tượng ban đầu đối với độc giả. Những luận thuyết về chủ đề này thường được viết như những cuốn giáo trình giảng dạy về tài chính và ngân hàng. Vì thế, người ta dễ dàng bị gài bẫy trong một mớ bòng bong khó hiểu của các thuật ngữ và các khái niệm trừu tượng. Chỉ có những chuyên gia tiền tệ là có động lực để trau dồi thứ ngôn ngữ mới mẻ này và thậm chí nhận thấy bản thân có những bất đồng nghiêm trọng. Ví dụ, trong một bức thư mới đây được một nhóm chuyên gia tiền tệ truyền cho nhau xem, thứ từng dẫn đến một cuộc đấu khẩu liên tục suốt nhiều năm về các ý tưởng liên quan đến việc cải cách tiền tệ, tác giả đã viết: “Thật thất vọng khi chính bản thân chúng ta không thể tìm thấy được tiếng nói chung về vấn đề sống còn này. Chúng ta dường như quá khác biệt về mặt định nghĩa cũng như về sự hiểu biết chính xác, trung thực, rõ ràng, không thành kiến đối với cách thức hoạt động của hệ thống tiền tệ hiện tại của mình.”
Vậy thì tại sao giờ đây tôi lại gánh lấy trách nhiệm đi tìm hiểu sự thật này? Đó là vì tôi tin rằng có một sự thay đổi rõ ràng về quan điểm của công chúng. Ngay khi cơn bão kinh tế chuẩn bị đổ xuống, ngày càng có nhiều người quan tâm đến bản tin thời tiết hơn - cho dù đó là tin xấu. Hơn nữa, chứng cứ về sự thật của câu chuyện này giờ đây quá thuyết phục đến mức tôi tin rằng bạn đọc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó, mọi câu hỏi về sự sáng suốt đều được xếp sang một bên. Nó cũng giống như việc nếu một thằng khờ trong làng hô hoán rằng quả chuông vừa rơi khỏi gác chuông và đang kéo lê đằng sau, vậy thì…
Cuối cùng, tôi đã phát hiện ra rằng, chủ đề này không phức tạp như diện mạo ban đầu của nó, và tôi kiên quyết tránh sa vào con đường phức tạp thông thường. Do đó, những gì xuất hiện sau đây sẽ là câu chuyện về một tội ác chứ không phải là một khóa đào tạo về tội phạm học.
Ban đầu, tôi dự định hoàn thành cuốn sách này trong vòng một năm với số trang chỉ bằng một nửa so với bây giờ, nhưng ngay khi bắt tay vào việc, cuốn sách đã thực sự tạo nên sức sống của riêng nó khiến tôi chỉ biết làm hết mình vì điều đó. Vì vậy, không còn đơn thuần bị giới hạn trong phạm vi chật hẹp mà giống như vị thần đã thoát khỏi chiếc lọ bị phù phép, khối lượng công việc bỗng chốc trở nên khổng lồ. Và khi đã hoàn thành công việc và có thể đánh giá toàn bộ bản thảo, tôi thực sự sửng sốt nhận ra rằng có đến bốn cuốn sách vừa được viết chứ không phải một.
Cuốn đầu tiên chính là một khóa học cấp tốc về tiền tệ, những kiến thức cơ bản về ngân hàng và tiền tệ mà nếu thiếu nó, người ta sẽ không thể nào hiểu được về sự lừa gạt, thứ giờ đây được chấp nhận như một thực tế trong hệ thống ngân hàng.
Cuốn thứ hai là về cách thức mà các ngân hàng trung ương thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang, trở thành tác nhân gây ra chiến tranh. Đó chính là mồi lửa thực sự cho chủ đề này, bởi nó chứng tỏ rằng chúng ta đang phải đối mặt với không chỉ vấn đề tiền bạc mà còn có cả máu, nỗi đau và sự tự do của nhân loại.
Cuốn thứ ba kể về lịch sử của ngân hàng trung ương Mỹ. Đây là điểm mấu chốt để nhận ra rằng khái niệm đằng sau Cục Dự trữ Liên bang đã được thử nghiệm tới ba lần trước đó tại Mỹ. Chúng ta cần biết điều đó và đặc biệt cần phải biết tại sao những thể chế này cuối cùng đã bị rũ bỏ.
Cuối cùng là nội dung phân tích về chính Cục Dự trữ Liên bang cũng như bản thành tích tăm tối của nó kể từ năm 1913. Đây có lẽ là phần kém quan trọng nhất trong tất cả nhưng lại là lý do khiến chúng ta cầm trên tay cuốn sách này. Được cho là kém quan trọng nhất không phải vì chủ đề này thiếu ý nghĩa, mà vì nó đã từng được viết bởi những tác giả có hiểu biết và kỹ năng hơn tôi rất nhiều. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, những cuốn sách này nhìn chung vẫn không có ai động đến ngoại trừ các nhà sử học chuyên môn và Âm mưu thì vẫn tiếp tục tồn tại trên những nạn nhân bất hạnh của nó.
Có thể thấy rõ bảy vấn đề lớn được đan xen với nhau trong suốt cấu trúc của cuốn sách này cũng như những nguyên nhân mà chúng đưa ra về việc bãi bỏ Cục Dự trữ Liên bang. Khi được giải thích theo lối mạch lạc nhất mà không cần bất kỳ sự thêm thắt hoặc lý giải nào, những vấn đề này có vẻ nực cười đối với những người quan sát ngẫu nhiên. Tuy nhiên, mục đích của cuốn sách là muốn chỉ ra rằng những tuyên bố như vậy dễ hiểu đến mức không cần phải chứng minh.
Với những lý do sau, Cục Dự trữ Liên bang nên được bãi bỏ vì nó:
- không đủ khả năng hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra (Chương 1)
- là một tổ chức lũng đoạn hoạt động chống lại lợi ích của dân chúng (Chương 3)
- là một công cụ cho vay nặng lãi nhất (Chương 10)
- tạo ra khoản thuế gian lận bậc nhất của chúng ta (Chương 10)
- cổ vũ chiến tranh (Chương 14)
- làm mất ổn định nền kinh tế (Chương 23)
- là công cụ của chế độ chuyên quyền (Chương 5 và 26)
Đây là câu chuyện về nguồn tiền không giới hạn và thế lực ngầm toàn cầu. Vì thế, tin vui là cuốn sách này cũng hấp dẫn như bất kỳ tác phẩm tiểu thuyết hư cấu nào khác và tôi tin rằng điều đó sẽ mang lại cả niềm vui lẫn sự thích thú đối với quá trình tiếp thu kiến thức. Song, tin xấu là mọi chi tiết được nêu trong cuốn sách này đều là sự thật.
G. Edward Griffin
Lời Giới Thiệu
Cuộc trao đổi dưới đây được đăng trên Punch, tạp chí hài hước của Anh, số ra ngày 3 tháng Tư năm 1957. Nó được in lại ở đây như một lời giới thiệu thích hợp và một bài tập tư duy nhằm chuẩn bị tinh thần cho những nội dung được nêu trong cuốn sách này.
Hỏi: Ngân hàng để làm gì?
Đáp: Để tạo ra tiền.
Hỏi: Cho khách hàng à?
Đáp: Cho các ngân hàng.
Hỏi: Vậy tại sao quảng cáo của ngân hàng không đề cập đến điều này?
Đáp: Như thế sẽ không hay chút nào. Nhưng điều đó vẫn được đề cập nhờ ngụ ý liên quan đến khoản dự trữ trị giá gần 249.000.000 đô-la. Đó chính là số tiền mà các ngân hàng vừa tạo ra.
Hỏi: Từ các khách hàng à?
Đáp: Tớ cho là vậy.
Hỏi: Các ngân hàng còn đề cập đến Tài sản trị giá gần 500.000.000 đô-la. Có phải họ cũng vừa tạo ra số tiền đó không?
Đáp: Không chắc lắm. Có khi là khoản tiền được các ngân hàng dùng để tạo ra tiền.
Hỏi: Tớ biết rồi. Và họ cất giữ nó ở nơi nào đó an toàn phải không?
Đáp: Hoàn toàn không phải vậy. Họ đem cho khách hàng mượn số tiền đó.
Hỏi: Vậy là họ không có tiền à?
Đáp: Không.
Hỏi: Sau đó tiền trở thành Tài sản như thế nào?
Đáp: Các ngân hàng đảm bảo rằng khoản tiền ấy sẽ trở thành tài sản nếu họ thu nó về.
Hỏi: Nhưng họ phải có một ít tiền ở nơi nào đó an toàn chứ?
Đáp: Đúng vậy, thường khoảng chừng 500.000.000 đô-la. Khoản này được gọi là Nợ phải trả.
Hỏi: Nhưng nếu có tiền thì sao họ lại phải mắc nợ?
Đáp: Vì đó đâu phải tiền của họ.
Hỏi: Vậy thì tại sao họ lại có tiền?
Đáp: Các khách hàng cho họ mượn tiền.
Hỏi: Ý cậu là các khách hàng cho các ngân hàng mượn tiền?
Đáp: Đúng vậy mà. Các khách hàng gửi tiền vào tài khoản của mình, vì vậy thực ra là cho các ngân hàng mượn tiền.
Hỏi: Còn các ngân hàng làm gì với khoản tiền đó?
Đáp: Mang cho những khách hàng khác mượn.
Hỏi: Nhưng cậu vừa nói rằng khoản tiền các ngân hàng cho những người khác mượn là Tài sản phải không?
Đáp: Đúng.
Hỏi: Thế thì Tài sản và Nợ là cùng một khoản tiền à?
Đáp: Thực ra cậu không thể nói như thế được.
Hỏi: Nhưng cậu vừa mới nói thế còn gì. Nếu tớ chuyển 100 đô-la vào tài khoản của tớ thì ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại nó cho tớ, vì vậy nó là Nợ phải trả. Nhưng nếu họ lờ đi và đem cho người khác mượn - người sẽ phải có trách nhiệm trả nợ - thì nó trở thành Tài sản. Như vậy vẫn là 100 đô-la đó phải không?
Đáp: Đúng đấy. Nhưng…
Hỏi: Rồi thì thanh toán hết nợ nần. Ý tớ là chẳng phải điều đó có nghĩa là các ngân hàng thực sự không có bất kỳ khoản tiền nào sao?
Đáp: Hoàn toàn đúng về mặt lý thuyết…
Hỏi: Đừng bận tâm tới lý thuyết. Và nếu các ngân hàng chẳng có tí tiền nào thì họ đào đâu ra Khoản dự trữ gần 249.000.000 đô-la.
Đáp: Tớ đã nói với cậu rồi. Đó chính là số tiền mà họ vừa tạo ra.
Hỏi: Bằng cách nào?
Đáp: Quá dễ, khi đem 100 đô-la của cậu cho người khác mượn, các ngân hàng tính lãi với người đó.
Hỏỉ: Bao nhiêu thế?
Đáp: Còn tùy thuộc vào Lãi suất Ngân hàng. Cỡ khoảng 5,5%. Đó là lợi nhuận của các ngân hàng.
Hỏi: Tại sao không phải là lợi nhuận của tớ? Chẳng phải đó là tiền của tớ sao?
Đáp: Theo lý thuyết thực tế hoạt động ngân hàng thì…
Hỏi: Thế khi cho ngân hàng mượn 100 đô-la, tại sao tớ lại không tính lãi họ nhỉ?
Đáp: Cậu có tính đấy chứ.
Hỏi: Có thấy cậu nói đâu. Thế bao nhiêu vậy?
Đáp: Tùy thuộc vào Lãi suất Ngân hàng. Cỡ khoảng 0,5%.
Hỏi: Đúng là tham hết phần của tớ nhỉ?
Đáp: Nhưng mức lãi đó chỉ có được nếu cậu không định rút tiền ra đấy.
Hỏi: Nhưng dĩ nhiên là tớ sẽ rút tiền ra. Nếu không định rút tiền hẳn tớ đã chôn nó sau vườn, phải không nào?
Đáp: Họ sẽ không thích cậu rút tiền ra đâu.
Hỏi: Sao lại không? Nếu tớ để tiền lại đó, như cậu nói thì nó trở thành Nợ phải trả. Chẳng phải họ sẽ vui mừng nếu tớ giảm bớt Nợ cho họ bằng cách xóa hẳn nó đi sao?
Đáp: Không hề. Bởi nếu cậu xóa hẳn nợ thì họ không thể lấy tiền đem cho người khác vay được.
Hỏi: Nhưng nếu tớ vẫn muốn xóa hẳn nợ thì họ vẫn phải để cho tớ làm chứ?
Đáp: Tất nhiên rồi.
Hỏi: Nhưng giả sử họ vừa đem nó cho người khác vay rồi thì sao nhỉ?
Đáp: Thì họ sẽ để cho cậu cầm tiền của người khác.
Hỏi: Nhưng giả sử người đó cũng muốn rút tiền… họ vẫn phải để cho tớ rút tiền ra chứ?
Đáp: Cậu đang cố ý “cùn” rồi đấy.
Hỏi: Tớ nghĩ tớ đang trở nên sắc sảo thì có. Điều gì xảy ra nếu mọi người đều muốn rút tiền của mình ra khỏi ngân hàng cùng một lúc?
Đáp: Theo lý thuyết hoạt động ngân hàng thì điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Hỏi: Vì vậy, điều mà các ngân hàng trông mong là không phải thực hiện các cam kết của họ chứ gì?
Đáp: Tớ không nói thế đâu nhé.
Hỏi: Đương nhiên rồi. Tốt, vậy còn điều gì khác mà cậu nghĩ là có thể kể cho tớ nghe nữa không…?
Đáp: Đúng vậy. Giờ thì cậu có thể biến đi và mở ngay một tài khoản ngân hàng được rồi.
Hỏi: Còn một câu hỏi cuối cùng?
Đáp: Dĩ nhiên rồi.
Hỏi: Vậy sao tớ không biến đi và mở hẳn một ngân hàng?
Phần 1- ĐÂY LÀ ÂM MƯU GÌ? Chương 1
Hành trình tới đảo jekyll
Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System) là gì? Câu trả lời có thể khiến bạn ngạc nhiên bởi nó không phải của liên bang mà cũng chẳng dự trữ gì cả. Hơn nữa, các Ngân hàng Dự trữ Liên bang thậm chí cũng chẳng phải là ngân hàng. Lời giải đáp cho câu hỏi này sẽ được tìm ra, nhưng không phải từ đầu mà là từ giữa câu chuyện, và vì đây không phải là một cuốn giáo trình nên chúng ta không bị hạn chế về cấu trúc theo trình tự thời gian. Vấn đề chính không phải là một môn học cần được nắm vững mà là một bí mật cần được làm sáng tỏ. Thế nên, chúng ta hãy cùng bắt đầu từ nơi câu chuyện xảy ra.
Chương 1
HÀNH TRÌNH TỚI ĐẢO JEKYLL
Cuộc họp bí mật diễn ra trên đảo Jekyll tại Georgia chính là nơi “thai nghén” ra ý tưởng Dự trữ Liên bang; sự ra đời của liên minh ngân hàng nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh giữa các thành viên; chiến lược về cách thuyết phục Quốc hội và dân chúng rằng liên minh này là một cơ quan đại diện của chính phủ Mỹ.
Nhà ga xe lửa New Jersey chìm trong cái lạnh buốt giá của đêm hôm đó. Những cơn mưa tuyết bất chợt đầu mùa rơi xuống quanh những ngọn đèn đường. Cơn gió tháng Mười Một thổi ù ù xuyên qua các tấm lợp nhà xưởng trên sân ga và tạo nên một âm thanh não nùng, kéo dài giữa những thanh xà.
Lúc này đã gần mười giờ tối, nhà ga hầu như vắng tanh, ngoại trừ một vài hành khách đang hối hả để bắt kịp chuyến xe lửa cuối ngày lăn bánh về phương Nam. Vào năm 1910 này, xe lửa là phương tiện đi lại chủ yếu với hầu hết các toa đều được trang bị giường tầng. Tuy nhiên, những hành khách ít tiền thường bị xếp vào các toa xe được nối với phần đầu máy phía trước, nơi họ sẽ phải chịu đựng tiếng ồn lẫn khói động cơ mà không biết bằng cách nào luôn len lỏi qua những vết nứt không nhìn thấy. Một toa xe chuyên phục vụ ăn uống được bố trí ở giữa như một rào chắn tế nhị phân biệt hai tầng lớp hành khách. So với tiêu chuẩn hiện nay, bối cảnh lúc đó thật buồn tẻ. Ghế ngồi và nệm đều cứng với bề mặt bằng kim loại hoặc gỗ ghép. Màu sắc chủ yếu là xanh đậm và xám.
Trong bước đi vội vã để bắt kịp đoàn tàu và để trốn khỏi cái giá lạnh của khí trời, ít ai nhận ra hoạt động ở phía cuối sân ga, nơi xuất hiện một cảnh tượng đáng chú ý tại một cổng ra vào hiếm khi được sử dụng vào giờ này. Ở khúc quanh cuối của đường ray là một toa xe dài khiến cho số ít hành khách nào trông thấy đều phải dừng bước và nhìn chăm chú. Đó là một toa xe có nước sơn đen bóng nổi bật với tay vịn bằng đồng được đánh bóng, loại đầu tròn uốn khung có chạm trổ. Các mành cửa sổ của toa xe đều được kéo xuống, nhưng nhìn qua cánh cửa mở, người ta có thể trông thấy ván sàn màu gụ, rèm cửa bằng nhung, những chiếc ghế bành sang trọng cùng một quầy rượu thượng hạng. Nhân viên phục vụ mặc những chiếc áo choàng trắng đang bận rộn với công việc thường nhật của mình và dễ dàng ngửi thấy mùi thơm của những điếu xì-gà đắt tiền. Trên sân ga, các toa xe đều được đánh số ở cuối toa để dễ nhận biết, song, với toa xe đẹp thế này, những con số là điều không cần thiết, vì ngay chính giữa một bên thành toa, người ta có thể dễ dàng nhận thấy một tấm bảng nhỏ gắn đúng một từ: ALDRICH.
Đó là tên của Nelson Aldrich, một thượng nghị sĩ đến từ đảo Rhode, nhưng đã hết sức nổi tiếng ở New Jersey này. Năm 1910, ông là một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Washington, D.C. và toa xe lửa cá nhân của ông thường xuất hiện tại các ga xe lửa ở New York và New Jersey trong suốt những chuyến công cán thường xuyên đến Phố Wall. Lúc này, tên tuổi của Aldrich đã vang xa hơn cả vị trí của một thượng nghị sĩ bởi ông được cân nhắc trở thành người phát ngôn của chính phủ về các hoạt động kinh doanh quan trọng. Với vai trò là đồng minh đầu tư của J.P. Morgan, ông nắm giữ một lượng lớn cổ phần về ngân hàng, sản xuất và cả những ngành phục vụ công cộng. Con rể của ông chính là John D. Rockefeller-con và sáu mươi năm sau, cháu trai của ông - Nelson Aldrich Rockefeller - đã trở thành Phó Tổng thống Mỹ.
Khi đến nhà ga, hiển nhiên Aldrich phải là người chỉ huy của toa xe cá nhân này. Trong chiếc áo choàng lông thú dài cổ cao, đầu đội chiếc mũ phớt bằng lụa và cầm trên tay một cây ba-toong đầu bịt bạc, Aldrich sải những bước đi dài nhanh nhẹn trên sân ga cùng với thư ký riêng của mình, Shelton, và một đám người phục vụ phía sau đang chuyển những chiếc rương hành lý.
Ngay khi vị thượng nghị sĩ này lên tàu thì một số hành khách khác cũng xuất hiện mang theo những túi hành lý có kiểu dáng giống hệt nhau. Người đàn ông cuối cùng mang theo hộp đựng súng săn, xuất hiện chỉ ít phút trước khi nhân viên nhà ga yêu cầu tất cả lên tàu.
Trong khi hầu hết hành khách đều dễ dàng nhận ra Aldrich khi nhìn thấy ông ta sải bước trên sân ga thì những khuôn mặt còn lại đều rất xa lạ. Những kẻ lạ mặt đó được hướng dẫn đi tách rời nhau nhằm tránh các phóng viên, vì thế họ được hẹn gặp bên trong sân ga để làm ra vẻ như không biết nhau. Sau khi lên tàu, những người này cũng chỉ sử dụng tên họ của mình để nói chuyện nhằm tránh phát hiện ra danh tính của nhau. Kết quả của việc phòng xa này đã khiến cho ngay cả những nhân viên phục vụ trên toa xe cá nhân cũng như những người hầu khác đều không biết được tên của các vị khách này.
Trên sân ga vang lên hai hồi còi báo hiệu từ phía toa đầu máy. Đột nhiên, một cảm giác di chuyển nhẹ nhàng xuất hiện, sự thú vị của một cuộc hành trình đã bắt đầu. Nhưng ngay khi vừa rời khỏi sân ga, đoàn tàu bỗng nhiên dừng lại rồi sau đó chuyển hướng và bắt đầu quay trở lại nhà ga trước sự ngạc nhiên của mọi người. Họ đã quên điều gì chăng? Hay có vấn đề gì với động cơ xe lửa?
Sự tròng trành và tiếng ồn ở chỗ nối các toa xe chính là câu trả lời. Họ đã chọn một toa khác ở phía cuối đoàn tàu. Có thể là toa chở thư? Ngay sau đó, đoàn tàu lăn bánh trở lại, và tất cả mọi suy nghĩ đều tập trung vào cuộc hành trình phía trước cùng với những căn phòng chỉ có tiện nghi tối thiểu.
Và khi các hành khách đã chìm sâu vào giấc ngủ hòa cùng tiếng chuyển động nhịp nhàng của những chiếc bánh xe bằng thép trên đường ray thì ít người dám mơ rằng, trên cùng chuyến xe lửa với họ, ở toa cuối là bảy người đàn ông đại diện cho một phần tư số tài sản ước tính trên toàn thế giới. Còn đây là danh sách của những người ngồi trên toa xe Aldrich đêm đó:
1. Nelson W. Aldrich, “người phụ trách” của Đảng Cộng hòa trong Thượng nghị viện, Chủ tịch ủy ban Tiền tệ Quốc gia (National Monetary Commission), đồng minh kinh doanh của J.P. Morgan, bố vợ của John D. Rockefeller-con.
2. Abraham Piatt Andrew, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
3. Frank A. Vanderlip, Chủ tịch National City Bank tại New York, một trong những ngân hàng quyền lực nhất lúc đó, đại diện cho William Rockefeller và ngân hàng đầu tư quốc tế Kuhn, Loeb & Company.
4. Henry P. Davision, cổ đông cấp cao của công ty J.P. Morgan.
5. Charles D. Norton, chủ tịch First National Bank của J.P. Morgan tại New York.[1]
6. Benjamin Strong, Giám đốc Bankers Trust Company của J.P. Morgan.[2]
7. Paul M. Warburg, cổ đông của Kuhn, Loeb & Company, đại điện cho triều đại ngân hàng Rothschild tại Anh và Pháp, và là em trai của Max Warburg, Giám đốc Hiệp hội ngân hàng của dòng họ Warburg tại Đức và Hà Lan.
SỰ TẬP TRUNG CỦA CẢI
Năm 1910, việc tập trung kiểm soát toàn bộ các nguồn lực tài chính đã được tăng lên rất nhiều. Tại Mỹ, có hai nhóm kiểm soát chính: nhóm Morgan và nhóm Rockefeller. Trong phạm vi hoạt động của từng nhóm là cả một mê cung gồm các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhận trả và các hãng đầu tư. Ở châu Âu, quá trình tương tự đã được thực hiện, thậm chí còn sớm hơn và bị thâu tóm bởi nhóm Rothschild và nhóm Warburg. Ngày mồng 3 tháng 5 năm 1931, một bài báo xuất hiện trên tờ New York Times đã bình luận về cái chết của George Baker, một trong những đồng minh thân thiết nhất của Morgan như sau: “Các thành viên của Câu lạc bộ Đảo Jekyll đại diện cho một phần sáu tổng số của cải trên thế giới.” Sự ám chỉ này được dành riêng cho những người thuộc nhóm Morgan (những thành viên của Câu lạc bộ Đảo Jekyll) và không bao hàm nhóm Rockefeller hoặc các nhà tài chính châu Âu. Thế nhưng, việc ước tính rằng tổng số tài sản mà cả nhóm này nắm giữ chiếm tới một phần tư của cải thế giới thực sự vẫn còn rất khiêm tốn.
Vào năm 1913, khi Đạo luật Dự trữ Liên bang (General Reserve Act) được thông qua thành luật, một tiểu bang của Quốc hội về Tiền tệ và Ngân hàng dưới sự chủ trì của Arsene Pujo bang Louisiana đã hoàn thành cuộc điều tra về sự tập trung quyền lực tài chính ở Mỹ. Pujo đã được cân nhắc trở thành người phát ngôn cho những quyền lợi về dầu lửa, phần không thể thiếu trong cuộc điều tra và làm tất cả những gì có thể để phá tan mọi sự nghe ngóng. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của ông, báo cáo cuối cùng của ủy ban này lại vô cùng tồi tệ:
Ủy ban thấy hài lòng với những bằng chứng nhận được … rằng có một sự thống nhất và chia sẻ quyền lợi rõ ràng giữa một vài nhà lãnh đạo tài chính… điều tất yếu làm gia tăng nhanh chóng sự tập trung kiểm soát tiền bạc và tín dụng vào tay một số ít người này …
Theo hệ thống phát hành và phân bổ cổ phiếu công ty của chúng ta, giới đầu tư không được mua cổ phiếu trực tiếp từ công ty. Và như vậy, cổ phiếu phải đi vòng từ công ty phát hành qua trung gian rồi mới đến tay nhà đầu tư. Điều này có nghĩa là: chỉ có những ngân hàng lớn hoặc chủ ngân hàng nắm quyền tiếp cận các nguồn lực tập trung được tạo ra từ tiền của người khác, trong các ngân hàng, các công ty ủy quyền và công ty bảo hiểm nhân thọ cũng như nắm quyền kiểm soát về cơ cấu tạo ra các thị trường và phân bổ cổ phiếu, mới có đủ quyền lực để đánh giá hoặc bảo đảm hoạt động của các đợt phát hành cổ phiếu quy mô lớn. Thông qua việc kiểm soát đối với các quỹ của những công ty công nghiệp và đường sắt, những người nào có đủ khả năng xác định được nơi nắm giữ an toàn cho các quỹ này, và từ đó tạo ra những nguồn tích trữ tiền lớn cho dân chúng chính là người có đủ tư cách để điều tiết những nguồn cung cấp đó cho những dự án mà họ quan tâm đồng thời ngăn chặn việc sử dụng chúng vào những mục đích mà họ không tán thành …
Cũng về vấn đề này, khi cho rằng phần lớn các khoản dự trữ của các ngân hàng trong nước đã chảy vào những nguồn tích trữ tiền bạc và tín dụng này, rằng các nguồn dự trữ đó cũng là các đơn vị đại diện của các ngân hàng nước ngoài trong việc cho vay những nguồn quỹ thặng dư của ngân hàng tại thị trường vốn công duy nhất trong nước, rằng một nhóm nhỏ gồm các nhân vật cùng các đối tác và đồng minh của mình lúc này đã củng cố hơn nữa quyền lực đối với các nguồn lực của những tổ chức nói trên bằng cách nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu thông qua sự bảo trợ hoặc tham gia vào hội đồng quản trị, chúng tôi bắt đầu nhận thấy điều gì đó về mức độ phát triển của việc thống trị và kiểm soát thực tiễn cũng như hiệu quả này đối với các tập đoàn tài chính, đường sắt và công nghiệp, chủ yếu trong vòng năm năm qua, và đó chính là mối nguy hại đối với sự thịnh vượng của đất nước.[3]
Đó chính là bản chất của sự giàu sang và quyền lực mà đại diện là bảy nhân vật bí mật gặp gỡ trong đêm hôm đó trên toa xe cá nhân đầy xa xỉ của thượng nghị sĩ Aldrich.
ĐIỂM ĐẾN - ĐẢO JEKYLL
Chiều hôm sau, khi gần đến đích ở Raleigh, Bắc Carolina, đoàn tàu giảm tốc và sau đó dừng lại tại một đường tránh ngay bên ngoài ga cuối. Một cách nhanh chóng, nhân viên trên tàu đã tháo móc để chuyển toa cuối cùng sang đường ray bên cạnh và tiếp tục chuyển bánh, vài phút sau, khi hành khách đặt chân xuống sân ga cuối của cuộc hành trình, đoàn tàu của họ xuất hiện đúng như những gì đã được nhìn thấy ở ga đi. Họ không hề biết rằng những người bạn đường của mình trong đêm trước, ngay lúc này đang được nối vào một chuyến xe lửa khác và chỉ trong vòng một giờ, sẽ lại khởi hành về phương Nam.
Nhóm chuyên gia tài chính tinh anh này đã trải qua một cuộc hành trình dài hơn nghìn cây số đến Atlanta, sau đó đến Savannah và cuối cùng là một thị trấn nhỏ ở Brunswick, Georgia. Song, có vẻ Brunswick không phải là điểm đến thật sự. Nằm bên bờ biển Đại Tây Dương, đây là một làng chài với dân cư chỉ vài nghìn người cùng với một cảng nhỏ nhưng tấp nập các hoạt động kinh doanh bông và gỗ xẻ. Tuy nhiên, vào thời đó, quần đảo Sea Island nằm chắn bão bên bờ biển từ Nam Carolina đến Florida thực sự đã trở nên nổi tiếng bởi những quần thể khách sạn nghỉ đông cho giới thượng lưu giàu có. Cách bờ biển Brunswick là một trong những hòn đảo mà mới đây J.P. Morgan cùng một vài đối tác kinh doanh của mình đã bỏ tiền mua lại nhằm biến nó thành nơi tránh những đợt rét rùng mình của phương Bắc, nơi họ có thể săn bắn vịt trời hoặc hươu, nai vào mùa thu và mùa đông. Hòn đảo đó có tên là Đảo Jekyll.
Khi dừng lại tại một ga nhỏ Brunswick, toa xe cá nhân của Aldrich đã gây ra sự chú ý. Những lời bàn tán đã nhanh chóng bay đến văn phòng tòa soạn tờ tuần báo của thị trấn này khiến cho một số phóng viên của tòa báo đã tiếp cận và bắt đầu đặt ra các câu hỏi trong khi cả nhóm đang chờ để chuẩn bị xuống tàu thủy. Những khách mời của Ngài Aldrich này là ai? Tại sao họ lại ở đây? Có điều gì thực sự đặc biệt đang diễn ra chăng? Davison, một trong những nhân vật sở hữu đảo Jekyll và quá quen thuộc với tòa báo địa phương, đã giải thích với cánh phóng viên rằng những người này thực sự chỉ là những người bạn thân và họ tới đây đơn giản để giải trí bằng cách săn bắn vịt trời. Nhận thấy chẳng có tin tức gì thực sự nổi bật trong sự kiện này, đám phóng viên đã trở về văn phòng tòa soạn với tâm trạng thỏa mãn bởi lời giải thích hợp lý.
Thậm chí, ngay cả sau khi đã đến được hòn đảo tụ họp ngoài xa như vậy, bí mật vẫn được giữ kín. Trong chín ngày liền, các nhân vật này chỉ gọi nhau bằng tên họ chứ không phải tên riêng. Tất cả các viên phục vụ và quản gia làm việc toàn thời gian cũng được cho nghỉ phép và một đội ngũ nhân viên hoàn toàn mới đã qua thẩm tra cẩn thận được điều đến. Điều này nhằm đảm bảo tuyệt đối rằng không một gia nô nào có thể nhận ra danh tính của các vị khách mời. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng, thật khó tưởng tượng được bất kỳ sự kiện nào trong lịch sử - kể cả việc chuẩn bị cho chiến tranh - lại được che đậy khỏi sự nhòm ngó của công chúng một cách hết sức bí ẩn đến như thế.
Mục đích của cuộc họp trên đảo Jekyll không phải để săn bắn vịt trời. Nói một cách đơn giản, họ đến đây là để cùng tiến tới một sự nhất trí về cấu trúc và hoạt động của liên minh ngân hàng. Đúng với mong muốn của tất cả những người tham dự, mục đích của liên minh này là nhằm tối đa hóa các khoản lợi nhuận bằng cách giảm thiểu sự cạnh tranh giữa các thành viên, gây khó khăn cho những đối thủ cạnh tranh mới muốn tham gia vào lĩnh vực này đồng thời sử dụng quyền lực cảnh sát quốc gia để bắt họ tuân theo thỏa thuận của tổ chức lũng đoạn này. Và quả thực, theo những điều khoản đặc biệt hơn, mục đích và kết quả thật sự của cuộc họp lần này là nhằm đưa ra được bản kế hoạch chi tiết về Cục Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System).
CÂU CHUYỆN ĐƯỢC XÁC NHẬN
Nhiều năm sau sự kiện đó, các nhà giáo dục, phê bình và sử học đều phủ nhận sự tồn tại của cuộc họp trên đảo Jekyll. Thậm chí ngày nay, quan điểm chung đều cho rằng cuộc họp đó không có gì quan trọng và chỉ có những kẻ mắc chứng hoang tưởng mới cố nghĩ ra bất kỳ điều gì ngoài sự thật ấy. Bởi chính Ron Chernow đã viết: “Cuộc họp trên đảo Jekyll đã trở thành cội nguồn của hàng nghìn học thuyết mang tính âm mưu.”[4] Và dần dần theo thời gian, câu chuyện đã được chắp nối lại với nhau một cách vô cùng chi tiết cũng như được chính những người tham gia cuộc họp đó chỉ ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Hơn nữa, nếu điều họ nói về chính mục đích và hành động của mình không tạo thành một âm mưu tuyệt hảo thì cũng vẫn mang chút ý nghĩa nào đó.
Sự tiết lộ đầu tiên liên quan đến cuộc họp này được tìm thấy trong một bài báo đăng trên tờ Leslie’s Weekly năm 1916 của một phóng viên tài chính trẻ tuổi với bút danh B.C. Forbes, người sau này sáng lập ra Forbes Magazine. Bài báo chủ yếu tán dương Paul Warburg và có vẻ như chính điều đó đã khiến cho Warburg để lộ ra câu chuyện trong suốt những buổi nói chuyện với tác giả. Dù sao đi nữa thì ngay đoạn mở đầu đã chứa đựng một nội dung tóm tắt đầy ấn tượng với độ chính xác cao về cả bản chất lẫn mục đích của cuộc họp đó:
Hãy hình dung về một nhóm ông chủ ngân hàng giàu có nhất nước đang lén lút rời khỏi New York trên một toa xe lửa tư nhân trong sự bao trùm của bóng tối, vội vã đi cả nghìn cây số xuống phía Nam, cùng xuống một chiếc tàu thủy bí ẩn và tiếp tục tới một hòn đảo ngoài khơi cùng một vài kẻ hầu hạ để sống cả một tuần với việc giữ bí mật khắt khe đến mức không một ai được phép sử dụng tên riêng nhằm tránh sự nhận biết của đám người hầu - những người có thể vạch trần với thế giới về cuộc hành trình bí ẩn nhất, kỳ lạ nhất trong lịch sử tài chính Mỹ.
Tôi không hề bịa đặt mà đang để cho cả thế giới thấy lần đầu tiên, một câu chuyện có thật về bản báo cáo tiền tệ của ngài Aldrich nổi tiếng, thứ vốn được xem như nền tảng sáng lập ra hệ thống tiền tệ mới của chúng ta, đã được viết ra như thế nào.[5]
Năm 1930, Paul Warburg đã viết một cuốn sách đồ sộ dày 1750 trang với tựa đề The Federal Reserve System, Its Origin and Growth (Tạm dịch: Cục Dự trữ Liên bang, nguồn gốc và sự phát triển). Trong cuốn sách này, ông ta đã mô tả cuộc họp và mục đích của nó nhưng lại không đề cập đến địa điểm hoặc danh tính của những người tham dự. Tuy nhiên, ông ta đã viết: “Toàn bộ nội dung của cuộc thảo luận ấy được giữ kín. Thậm chí, trên thực tế, nó còn trở thành một cuộc họp không được công khai thừa nhận.” Và trong một chú thích, ông bổ sung: “Dù mười tám năm trôi qua kể từ thời điểm đó nhưng tôi vẫn không được tự do mô tả lại cuộc thảo luận thú vị nhất này bởi nó liên quan đến bí mật mà thượng nghị sĩ Aldrich đã yêu cầu tất cả các thành viên tham dự phải giữ kín.”[6]
Ba mươi tư năm sau, một cách nhìn nhận sâu sắc thú vị đối với sự tham gia của Paul Warburg tại cuộc họp trên đảo Jekyll đã được tiết lộ trong cuốn sách của James - con trai ông. James từng được Franklin D. Roosevelt bổ nhiệm làm Giám đốc Ngân sách trong suốt thời kỳ xảy ra chiến tranh thế giới II và là Giám đốc Văn phòng Thông tin chiến tranh. Trong cuốn sách của mình, James mô tả cha mình - một người không hề biết gì về súng ống - đã mượn khẩu súng săn của một người bạn và mang theo lên xe lửa nhằm ngụy trang như một tay săn bắn vịt trời.[7]
Và chi tiết thú vị này của câu chuyện đã được chứng minh thêm trong phần tiểu sử chính thức về thượng nghị sĩ Aldrich do Nathaniel Wright Stephenson viết:
Mùa thu năm 1910, sáu người đàn ông [kể cả Aldrich] đã cùng xách súng đi săn vịt trời. Họ làm như thế là để nói với cả thế giới rằng mục đích chuyến đi của họ chỉ đơn giản có vậy thôi. Warburg, một trong số những người đồng hành hôm đó, đã giải thích hết sức khôi hài về cảm giác của mình khi bước chân lên toa xe lửa cá nhân của Aldrich tại thành phố Jersey dưới cái vỏ của một tay săn vịt trời. Điều khôi hài ở đây là, trong suốt đời mình, ông ta chưa bao giờ bắn được một con vịt trời nào và cũng chẳng thích thú gì với trò săn bắn… Săn bắn vịt trời chỉ là cái cớ.[8]
Sau đó, Stephenson tiếp tục mô tả về cuộc chạm trán tại nhà ga Brunswick. Ông kể rằng: chỉ một lát sau khi cả nhóm tới đó, tay trưởng ga đã bước vào bên trong toa xe và khiến mọi người kinh ngạc bởi sự hiểu biết tường tận của ông ta về danh tính từng người trên xe. Thậm chí, ông ta còn khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn khi thông báo rằng một nhóm phóng viên đang chờ sẵn ngoài cửa ga, một tình huống buộc Davision phải đứng ra giải quyết. Ông ta gọi tay trưởng ga lại và nói: “Này ông bạn già, hãy ra cửa và tôi sẽ kể cho ông nghe một câu chuyện.” Không ai quả quyết biết rõ câu chuyện được kể trên sân ga buổi sáng hôm đó là gì, nhưng một lát sau, khi quay lại với nụ cười rạng rỡ, Davision đã nói một cách chắc chắn rằng: “Mọi chuyện đã xong. Họ sẽ chẳng còn quấy rầy chúng ta nữa.”
Stephenson viết tiếp: “Quả đúng là như vậy. Mọi thứ diễn ra hết sức bình thường. Đám phóng viên đã giải tán và bí mật về cuộc hành trình bí ẩn này vẫn không hề bị tiết lộ. Không ai hỏi xem ông ta đã giải quyết bằng cách nào, mà chính ông ta cũng chẳng muốn kể về điều đó.”[9]
Trong một bài viết đăng trên tờ Saturday Evening Post, số ra ngày mồng 9 tháng 2 năm 1935, Frank Vanderlip đã viết:
Mặc dù ủng hộ quan điểm về giá trị đối với xã hội và tính công khai trong các hoạt động của các doanh nghiệp nhưng vẫn có một dịp gần cuối năm 1910 mà tôi buộc phải giữ bí mật - quả thật là phải giấu giếm - như bất kỳ một kẻ âm mưu nào… Tôi cảm thấy sẽ không cường điệu chút nào khi nói rằng cuộc hành trình bí mật của chúng tôi tới đảo Jekyll là duyên cớ về sự “thai nghén” thực sự của những gì mà rốt cuộc đã trở thành Cục Dự trữ Liên bang…
Chúng tôi đã được yêu cầu không sử dụng tên riêng để nói chuyện cũng như tránh ăn tối cùng nhau trong đêm khởi hành. Ngoài ra, chúng tôi còn được chỉ thị về giờ đến của từng người một cách kín đáo và kịp với giờ tàu của ga xe lửa ở vùng duyên hải New Jersey thuộc Hudson, nơi toa xe cá nhân của thượng nghị sĩ Aldrich đã được nối vào cuối đoàn tàu hướng về phương Nam…
Và khi đã ở trên toa xe cá nhân đó, chúng tôi bắt đầu tuân thủ điều cấm kỵ về việc sử dụng tên riêng, chúng tôi gọi nhau bằng những cái tên như “Ben”, “Paul”, “Nelson” hay “Abe” - chính là Abraham Piatt Andrew. Davision và tôi thậm chí còn phải giấu cả tên riêng của mình, chúng tôi sử dụng một cách gọi khác: Davision thành Wilbur còn tôi là Orville, giống như tên của anh em nhà Wright - những người tiên phong trong ngành hàng không…
Những người phục vụ và toàn bộ nhân viên trên chuyến xe lửa đó có thể nhận ra danh tính của một vài người trong số chúng tôi nhưng không biết hết được tất cả. Chính tất cả những cái tên đó nếu xuất hiện cùng nhau hẳn sẽ khiến cho cuộc hành trình bí ẩn của chúng tôi trở nên có ý nghĩa ở Washington, Phố Wall, thậm chí ở London, bởi chúng tôi đều biết rằng, cuộc gặp gỡ đó không thể bị tiết lộ, nếu không toàn bộ thời gian và công sức sẽ trở thành công cốc. Và nếu như sự việc có bị vạch trần công khai rằng nhóm cá biệt chúng tôi từng cùng thống nhất tạo ra một loại tiền giấy thì nó cũng không có cơ hội được Quốc hội thông qua.[10]
CƠ CẤU LÀ MỘT HIỆP HỘI THUẦN TÚY
Thành phần tham gia cuộc họp trên đảo Jekyll là một ví dụ kinh điển về cơ cấu hiệp hội. Khái niệm này chỉ một nhóm gồm các doanh nghiệp độc lập cùng tham gia phối hợp với nhau về sản xuất, định giá hoặc tiếp thị giữa các thành viên. Mục đích của một tổ chức như vậy là để giảm bớt sự cạnh tranh và theo đó gia tăng lợi nhuận. Điều này được thực hiện thông qua việc chia sẻ độc quyền đối với lĩnh vực mà họ hoạt động nhằm ép dân chúng phải trả giá cao hơn cho hàng hóa hoặc dịch vụ của họ so với mức giá nếu được áp dưới hình thức cạnh tranh tự do mậu dịch.
Và đây là những đại diện của tổ hợp ngân hàng đứng đầu thế giới: Morgan, Rockefeller, Rothschild, Warburg và Kuhn Loeb. Dù luôn cạnh tranh nhau và có chút nghi ngờ về lòng tin của nhau cũng như khả năng điều khiển hết sức khéo léo để giành được vị thế thuận lợi trong bất kỳ thỏa thuận nào nhưng những đại diện sừng sỏ này vẫn luôn được thúc đẩy bởi một khát khao mạnh mẽ là đánh bại kẻ thù chung của họ - sự cạnh tranh.
Năm 1910, số ngân hàng trên toàn nước Mỹ gia tăng với tốc độ phi thường. Trên thực tế, con số này cao gấp đôi so với mức hơn 20.000 ngân hàng chỉ trong vòng mười năm trước. Hơn nữa, hầu hết những ngân hàng này được thành lập ở miền Nam và miền Tây nên khiến cho các ngân hàng ở New York phải chấp nhận mất dần thị phần của mình. Vào những năm 1880, phần lớn các ngân hàng đều là ngân hàng quốc gia, có nghĩa là hiến chương của các ngân hàng này đều được chính phủ liên bang phê duyệt, được tọa lạc tại những thành phố lớn và được luật pháp cho phép phát hành tiền giấy riêng của mình. Dẫu vậy thì đến đầu năm 1896, số ngân hàng phi quốc gia cũng đã tăng lên đến 61% và nắm giữ trong tay 54% tổng lượng tiền gửi tại các ngân hàng trong cả nước, cho tới năm 1913, khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được thông qua, con số này đã là 71% các ngân hàng phi quốc gia nắm giữ 57% tổng lượng tiền gửi tại các ngân hàng trong cả nước.[11] Và như vậy, trong mắt của những tay săn vịt trời đến từ New York thì đây chính là một chiều hướng phải được đảo ngược lại hoàn toàn.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh cũng xuất hiện từ một xu thế mới trong ngành là tạo nguồn vốn cho tăng trưởng tương lai từ lợi nhuận chứ không phải từ vốn vay. Đây là kết quả tất yếu của lãi suất thị trường tự do nhằm ổn định mức cân đối thực giữa nợ và tiết kiệm. Các mức lãi suất đủ thấp để thu hút những người vay nghiêm túc tin tưởng vào thành công của các dự án kinh doanh và khả năng thanh toán với ngân hàng nhưng cũng đủ cao đối với các dự án đầu tư phù phiếm hoặc những dự án có sự lựa chọn khác về nguồn tài chính chẳng hạn như vốn cá nhân. Thế nên, mức cân đối giữa nợ và tiết kiệm đó là kết quả của nguồn cung tiền hạn chế. Hơn nữa, chúng ta sẽ thấy rằng: nếu không vì một giới hạn với quy trình này thì các ngân hàng đều đã có thể tạo ra những khoản vay lớn hơn các khoản tiền gửi mà họ thực sự nắm giữ. Và cuối cùng thì giới hạn đó được quyết định bởi chính kho dự trữ vàng mà ngân hàng nắm giữ. Vậy nên, khoảng từ năm 1900 đến năm 1910, 70% nguồn tài chính dành cho tăng trưởng doanh nghiệp ở Mỹ được tạo ra trong nội bộ, khiến cho ngành công nghiệp ngày càng ít phụ thuộc hơn vào các ngân hàng.[12] Thậm chí, chính phủ liên bang cũng trở nên thịnh vượng do có một lượng dự trữ vàng khá lớn nhờ hệ thống đồng tiền xanh (Greenbacks) - loại tiền giấy được phát hành trong suốt cuộc Nội chiến - và đã nhanh chóng giảm bớt được các khoản nợ của quốc gia.
Đây là một xu hướng khác cần phải được ngăn chặn. Những gì các chủ ngân hàng - cũng như nhiều nhà kinh doanh - mong muốn chính là can thiệp vào thị trường tự do và làm giảm sự cân bằng lãi suất nhằm đẩy khoản nợ lên cao hơn so với tiền tiết kiệm. Mà để đạt được điều này, các ngân hàng phải cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa nguồn cung ứng tiền với vàng cũng như tạo ra nhiều tiền hơn, hoặc như cách họ đã mô tả nó là mềm dẻo hơn.
BÓNG MA CỦA VỠ NỢ NGÂN HÀNG
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất xuất hiện không phải từ các đối thủ hoặc sự hình thành vốn tư nhân mà là từ đại đa số dân chúng theo động thái thường được các chủ ngân hàng gọi là đổ xô tới ngân hàng đòi rút tiền ra. Sở dĩ có hiện tượng này là do khi chấp nhận một khoản tiền gửi của khách hàng, các ngân hàng đã “cân đối” tài khoản của anh ta bằng cách chuyển vào đó một số dư, tương đương với lời hứa sẽ trả lại khoản tiền gửi bất cứ khi nào được yêu cầu. Tương tự, khi mượn tiền của ngân hàng, khách hàng cũng nhận được một số dư tài khoản, thứ thường được rút ra ngay lập tức để thỏa mãn mục đích đi vay. Và chính điều này tạo ra một quả bom nổ chậm, bởi vì vào thời điểm đó, ngân hàng đưa ra nhiều lời hứa “thanh toán-theo-nhu cầu” hơn so với lượng tiền hiện có trong ngân khố. Mặc dù khách hàng gửi tiền nghĩ rằng họ có thể rút tiền bất kỳ lúc nào nhưng trên thực tế số tiền đó đã được cho khách hàng khác vay và bởi vậy mà không có sẵn trong ngân hàng.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn bởi thực tế rằng các ngân hàng được phép cho vay thậm chí nhiều hơn cả số tiền gửi mà họ nhận được. Cơ chế để thực hiện nhiệm vụ dường như bất khả thi này sẽ được mô tả trong chương sau, song thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện đại là những lời hứa-thanh toán thường vượt xa những khoản tiền gửi tiết kiệm theo tỷ lệ mười-trên-một. Và vì thực chất chỉ có 3% lượng tiền gửi này được giữ lại trong kho dự trữ dưới dạng tiền mặt - số còn lại đã được chuyển thành các khoản cho vay và đầu tư lớn hơn - nên khả năng giữ đúng lời hứa của ngân hàng đã vượt quá tỷ lệ ba trăm-trên-một.[13] Như vậy, chừng nào số tiền gửi được rút ra cùng một lúc với mức tỷ lệ phần trăm nhỏ thì sẽ không ai nhận ra được điều đó. Nhưng nếu niềm tin của dân chúng bị lung lay và chỉ cần thêm vài phần trăm người gửi tìm cách rút tiền của mình ra thì mưu đồ này cuối cùng sẽ bị bại lộ. Một khi không thể giữ đúng tất cả những lời hứa của mình thì chắc chắn ngân hàng sẽ buộc phải đóng cửa và điều tất yếu diễn ra sau đó là sự phá sản.
THẤT THOÁT TIỀN TỆ
Kết quả tương tự cũng có thể xảy ra - và thường xảy ra trước khi có Cục Dự trữ Liên bang - mà không cần nhiều người gửi tiền phải đổ xô tới ngân hàng đòi rút tiền. Thay vì rút tiền trực tiếp tại ngân hàng, người gửi sẽ viết séc thanh toán để chi trả cho hàng hóa và dịch vụ của mình, còn người nhận sẽ mang tấm séc đó đến gửi ở một ngân hàng khác. Nếu ngân hàng đó chính là ngân hàng phát hành séc thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp và chẳng cần phải chuyển bất kỳ khoản tiền thực nào ra khỏi kho dự trữ. Nhưng nếu người sở hữu tấm séc mang sang một ngân hàng khác thì tấm séc đó cũng nhanh chóng quay trở lại ngân hàng phát hành và việc thanh toán sẽ được yêu cầu giữa các ngân hàng.
Tuy nhiên, đây không phải là mối quan hệ một chiều bởi khi ngân hàng phát hành nhận được yêu cầu thanh toán từ ngân hàng nhận séc thì ngân hàng nhận séc cũng đang chuyển séc và yêu cầu thanh toán từ ngân hàng phát hành. Như vậy, miễn là lượng tiền của cả hai chiều cân bằng nhau thì mọi thứ có thể được kiểm soát bằng nghiệp vụ kế toán đơn giản. Nhưng nếu lượng tiền đó không cân đối thì một trong hai ngân hàng trên sẽ phải gửi một khoản tiền thực sự cho ngân hàng còn lại để bù vào khoản chênh lệch. Nếu khoản tiền được yêu cầu vượt quá tỷ lệ phần trăm so với tổng số tiền gửi của ngân hàng đó thì kết quả cũng giống như việc nhiều người gửi tiền đổ xô đến ngân hàng đòi rút tiền cùng một lúc. Chỉ có điều người gửi tiền lúc này là các ngân hàng khác chứ không phải dân chúng nên yêu cầu như vậy được gọi là thất thoát tiền tệ.
Năm 1910, nguyên nhân phổ biến nhất khiến một ngân hàng phải tuyên bố phá sản do thất thoát tiền tệ là vì ngân hàng đó đã theo đuổi một chính sách cho vay liều lĩnh hơn so với các đối thủ cạnh tranh của mình. Với chính sách này, ngân hàng càng cần nhiều tiền hơn để cho vay. Việc cho vay tới 90% lượng tiền gửi của khách hàng (tức là cứ mười đô-la chỉ giữ lại một đô-la) vốn là việc làm đầy nguy hiểm nhưng hầu như luôn được chứng minh là phù hợp. Song, một số ngân hàng còn liều lĩnh hơn khi cố tiến gần sát mức giới hạn đó bằng cách cho vay đến 92%, 95% hoặc thậm chí 99%. Xét cho cùng, phương thức kiếm tiền của một ngân hàng là đi thu lãi và cách duy nhất để làm được điều đó là tạo ra các khoản cho vay. Càng nhiều khoản vay càng tốt. Vì thế, có một thực tiễn là một số ngân hàng liều lĩnh hơn áp dụng phương pháp “tăng lượng tiền cho vay”, hay nói cách khác là đẩy tỷ lệ dự trữ của chính họ xuống mức thấp nhất.
ĐIỀU KHÔNG TƯỞNG CỦA NHỮNG ÔNG CHỦ NGÂN HÀNG
Nếu tất cả các ngân hàng bị buộc phải đưa ra các khoản vay bằng với tỷ lệ dự trữ của họ như các ngân hàng khác thì dẫu tỷ lệ đó có nhỏ đến đâu, số lượng tấm séc cần được thanh toán giữa các ngân hàng sẽ cân đối về lâu dài, và như vậy, khả năng thất thoát tiền tệ lớn sẽ không bao giờ xảy ra. Dưới một hệ thống như thế, toàn bộ ngành ngân hàng có thể bị sụp đổ, nhưng không phải các ngân hàng riêng lẻ - hay ít nhất không phải những ngân hàng thành viên của hiệp hội. Theo sự thống nhất đó, không một ngân hàng đơn lẻ nào có thể bị lên án vì không hoàn thành nghĩa vụ của mình. Thay vào đó, sự lên án có thể được chuyển sang cho “nền kinh tế”, “chính sách nhà nước”, “tỷ lệ lãi suất”, “thâm hụt thương mại”, “giá trị trao đổi của đồng đô-la” hoặc thậm chí do chính “hệ thống tư bản chủ nghĩa”.
Song tới năm 1910, một điều không tưởng như vậy của các ông chủ ngân hàng vẫn chưa được tạo ra. Nếu ngân hàng phát hành bắt đầu sử dụng các khoản dự trữ của mình để cho vay với tỷ lệ lớn hơn so với các đối thủ cạnh tranh thì số lượng tấm séc mà nó phải thanh toán về sau cũng sẽ lớn hơn. Do đó, nếu vẫn theo đuổi chính sách cho vay liều lĩnh hơn, ngân hàng sẽ phải viết séc dựa trên chính nguồn dự trữ của mình để thanh toán cho những ngân hàng thận trọng hơn và khi những nguồn tiền này bị vét cạn thì lẽ dĩ nhiên là nó buộc phải tuyên bố phá sản.
Nhà sử học John Klein đã nói rằng: “Những cơn khủng hoảng tài chính của năm 1873, 1884, 1893 và 1907 nói chung là kết quả tất yếu của việc các ngân hàng quốc gia tạo ra một lượng tiền gửi quá mức và dự trữ theo kiểu hình tháp. Những cuộc khủng hoảng này được châm ngòi bởi sự thất thoát tiền tệ xảy ra trong các giai đoạn phát triển khá thịnh vượng, thời điểm khi các ngân hàng tăng lượng tiền cho vay.”[14] Hay nói cách khác, “những cuộc khủng hoảng” này và tình trạng vỡ nợ của các ngân hàng diễn ra sau đó không phải do các yếu tố tiêu cực của nền kinh tế mà do chính sự thất thoát tiền tệ ở những ngân hàng, nơi cho vay nhiều đến mức không còn một khoản tiền dự trữ nào cả. Các ngân hàng vỡ nợ không phải do hệ thống ngân hàng hoạt động yếu kém mà ngược lại, hệ thống ngân hàng sụp đổ là do các ngân hàng còn non trẻ.
Đây chính là một vấn đề nổi cộm khác đã khiến bảy nhân vật kia vượt cả ngàn cây số để đến một hòn đảo nhỏ bé ngoài khơi vùng Georgia. Dù mỗi người trong số họ đều là một đối thủ cạnh tranh gay gắt tiềm ẩn nhưng điều quan trọng nhất trong suy nghĩ của mỗi người vẫn là những cuộc khủng hoảng và thực trạng vỡ nợ của 1.748 ngân hàng trong hai thập kỷ trước. Thế nên, dù thế nào họ cũng phải tham gia họp bàn để cùng vạch ra cách thức cho phép các ngân hàng tạo ra nhiều lời hứa thanh toán-theo-nhu cầu hơn so với khả năng thực tế. Để làm được điều này, họ phải tìm cách buộc tất cả các ngân hàng cùng duy trì một khoảng cách giống nhau và khi những thảm họa không thể tránh khỏi xảy ra, chắc chắn họ sẽ thoát khỏi sự lên án của dân chúng. Dĩ nhiên, lúc đó nó sẽ trở thành vấn đề của nền kinh tế quốc gia hơn là thực tế hoạt động ngân hàng tư nhân và chính phủ buộc phải sử dụng đến tiền thuế thay vì các nguồn tài chính dự trữ để thanh toán các khoản thua lỗ.
Tới đây, chúng ta đều nhận thấy được những thách thức chính mà nhóm tinh anh đã phải đối mặt khi tụ họp trên đảo Jekyll:
1. Làm cách nào để ngăn chặn được sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các ngân hàng đối thủ nhỏ lẻ và đảm bảo được rằng sự kiểm soát đối với các nguồn tài chính của quốc gia vẫn nằm trong tay những đại diện hiện có mặt.
2. Làm cách nào để tạo ra nguồn cung ứng tiền mềm dẻo hơn nhằm đảo ngược chiều hướng hình thành vốn tư nhân và đoạt lại thị trường cho vay lãi đối với nền công nghiệp.
3. Làm cách nào để chuyển các nguồn dự trữ riêng của các ngân hàng quốc gia thành một nguồn dự trữ lớn để tất cả các ngân hàng sẽ được thúc đẩy thực hiện các tỷ lệ cho vay/tiền gửi giống nhau. Điều này sẽ bảo vệ được ít nhất một số ngân hàng khỏi tình trạng thất thoát tiền tệ và rút tiền ồ ạt.
4. Cuối cùng, nếu điều này dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống ngân hàng thì nên làm cách nào để chuyển những khoản lỗ từ tay các chủ ngân hàng sang những người nộp thuế.
HIỆP HỘI CẦN CÓ MỘT CÁI TÊN
Mọi người đều biết rằng giải pháp cho tất cả các vấn đề này là một cơ chế hiệp hội, một dạng tổ chức đã được thành lập và đưa vào hoạt động ở châu Âu. Như đối với tất cả các dạng liên đoàn khác, hiệp hội này phải được thành lập bằng pháp chế và được duy trì bằng quyền lực của chính phủ dưới cái mác bảo vệ người tiêu dùng. Vì thế, nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này đối với bảy nhân vật đó có thể được giải thích bằng mục tiêu thứ năm:
5. Làm cách nào để thuyết phục Quốc hội rằng kế hoạch đó thực sự là phương sách để bảo vệ dân chúng.
Đây quả là một nhiệm vụ tinh vi bởi người Mỹ không thích khái niệm về một hiệp hội. Ý tưởng về các doanh nghiệp kinh doanh cùng tham gia ấn định các mức giá và ngăn chặn sự cạnh tranh là điều hoàn toàn xa lạ đối với hệ thống tự do mậu dịch. Và như thế, ý tưởng đó có thể không bao giờ lừa được dân chúng. Nhưng nếu không sử dụng từ hiệp hội/liên đoàn và nếu âm mưu này được mô tả bằng những từ ngữ hoàn toàn trung lập - thậm chí có sức thuyết phục - thì họ đã giành được nửa phần chiến thắng.
Do đó, quyết định đầu tiên là phải làm theo cách đã được thông qua ở châu Âu. Tức là từ nay trở đi, hiệp hội đó sẽ hoạt động như một ngân hàng trung ương. Và ngay cả cụm từ đó cũng phải được thể hiện theo cách chung chung. Vì mục đích quan hệ công chúng và pháp chế, họ buộc phải đưa ra một cái tên tránh dùng từ ngân hàng song lại phải kết nối được với hình ảnh của chính phủ liên bang. Vả lại, để tạo ấn tượng rằng không có bất kỳ sự tập trung quyền lực nào, họ phải thiết lập các chi nhánh khu vực của tổ chức lũng đoạn này và biến mỗi nơi này thành một điểm giao dịch chính. Trong cuốn tiểu sử của Aldrich, Stephenson đã viết: “Aldrich đã tham gia cuộc thảo luận trên đảo Jekyll một cách hết sức tích cực với ý tưởng về một ngân hàng trung ương. Khao khát của ông ta chính là “cấy ghép” hệ thống của một trong những ngân hàng lớn nhất châu Âu, cụ thể là ngân hàng Anh, vào cơ thể nước Mỹ.”[15] Song, động cơ chính trị đòi hỏi những kế hoạch như vậy phải được che giấu khỏi sự quan tâm của dân chúng. Như John Kenneth Galbraith đã giải thích: “Việc thành lập không chỉ một mà nhiều ngân hàng trung ương chính là chủ trương khôn ngoan của ông ta [Aldrich] đối với dân chúng, đồng thời còn tránh được cụm từ ngân hàng.”[16]
Thế nên, ngoại trừ Aldrich, tất cả những người có mặt đều là các ông chủ ngân hàng, song chỉ có một chuyên gia về mô hình ngân hàng trung ương ở châu Âu - đó chính là Paul Warburg, và nhờ sự hiểu biết đó mà Paul Warburg đã trở thành người chủ trì và đưa ra ý tưởng xuyên suốt các buổi thảo luận. Thậm chí, chỉ cần xem qua một số tài liệu về sự hình thành của Cục Dự trữ Liên bang cũng đủ để nhận thấy rằng ông ta quả thực là bộ óc thông thái của tổ chức lũng đoạn này. Galbraith nói: “Xét một cách công bằng thì Warburg phải được xem là cha đẻ của hệ thống này.”[17] Giáo sư Edwin Seligman tại trường Đại học Columbia, thành viên của gia tộc ngân hàng quốc tế J. & W. Seligman đồng thời là Trưởng khoa Kinh tế thuộc Đại học Columbia viết rằng: “Căn cứ vào những tính năng cơ bản thì Đạo luật Dự trữ Liên bang chính là tác phẩm của ngài Warburg chứ không phải của bất kỳ ai khác trên đất nước này.”[18]
NHÂN VẬT DADDY WARBUCKS THỰC SỰ
Paul Moritz Warburg là thành viên quan trọng của tập đoàn ngân hàng đầu tư M.M. Warburg & Company tại Hamburg, Đức và Ams-téc-đam, Hà Lan. Paul tới Mỹ chỉ chín năm trước khi tham dự cuộc họp trên Đảo Jekyll. Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân tới đây, với nguồn tài chính chủ yếu do nhóm Rothschild cung cấp, Paul và em trai mình - Felix - đã có đủ khả năng mua cổ phần của ngân hàng đầu tư New York Kuhn, Loeb & Company trong khi vẫn là cổ đông cấp cao của Warburg ở Hamburg.[19] Chỉ trong vòng hai mươi năm, Paul đã trở thành một trong những người giàu có nhất nước Mỹ với sự chi phối không thể chối cãi bao trùm toàn bộ hệ thống đường sắt của đất nước này.
Tại thời điểm đó trong lịch sử, thật khó đánh giá đúng được tầm quan trọng của người đàn ông này. Song một số khả năng cho thấy nhân vật huyền thoại Daddy Warbucks trong loạt truyện tranh hài hước Little Orphan Annie có thể được dựng nên từ bản tính hào hiệp của Paul Warburg cũng như khả năng kỳ diệu của ông trong việc hoàn thành tốt mọi chuyện nhờ vào quyền lực mà sự giàu có vô hạn của mình mang lại.
Max Warburg - người anh thứ ba của ông - là cố vấn tài chính của Kaiser kiêm giám đốc ngân hàng Reichsbank tại Đức. Hiển nhiên, đây cũng là ngân hàng trung ương và là một trong những mô hình được sử dụng trong quá trình thiết lập Cục Dự trữ Liên bang. Đột nhiên, vài năm sau, Reichsbank tạo ra tình trạng siêu lạm phát quy mô lớn ở Đức khiến cho tầng lớp trung lưu và toàn bộ nền kinh tế nước này bị xóa sổ hoàn toàn.
Trên đất Mỹ, Paul Warburg sớm được biết đến như một người ủng hộ đầy thuyết phục về một ngân hàng trung ương ở Phố Wall. Ba năm trước khi diễn ra cuộc họp trên đảo Jekyll, ông ta đã xuất bản một số cuốn sách mỏng về chủ đề này. Một trong những cuốn sách đó có tựa đề là Defects and Needs of Our Banking System (Tạm dịch: Khuyết điểm và nhu cầu của hệ thống ngân hàng chúng ta) và một cuốn khác là A Plan for A Modified Central Bank (Tạm dịch: Kế hoạch về một ngân hàng trung ương sửa đổi). Những cuốn sách này đã thu hút được sự chú ý rộng khắp trong cả giới học giả lẫn tài chính và tạo ra xu hướng trí thức trong tất cả các cuộc thảo luận sau này về vấn đề pháp chế hoạt động ngân hàng. Và chính trong những buổi luận bàn này, Warburg đã phàn nàn rằng hệ thống tiền tệ của Mỹ đã bị tê liệt bởi sự phụ thuộc vào vàng và trái phiếu chính phủ, những thứ có nguồn cung hạn chế. Vì thế, ông ta biện luận rằng, những gì mà nước Mỹ cần chính là một nguồn cung ứng tiền mềm dẻo, thứ có thể được tăng hay giảm để phù hợp với những nhu cầu thay đổi về thương mại. Ông ta tuyên bố rằng, giải pháp đưa ra là hãy làm theo tấm gương của Đức, nơi các ngân hàng có thể tạo ra tiền chỉ nhờ vào “thương phiếu”, cụm từ mà theo cách gọi của các doanh nghiệp là chứng chỉ nợ (Investor Owned Utility - IOU).
Warburg luôn nỗ lực không ngừng, ông ta là một phát ngôn viên được đề cao trước rất nhiều cử tọa có thế lực và thường xuyên viết bài đăng báo về chủ đề này. Chẳng hạn như vào tháng Ba năm đó, tờ New York Times đã cho đăng cả một loạt bài viết gồm mười một phần của Warburg giải thích và trình bày chi tiết về cái mà ông ta gọi là Ngân hàng Dự trữ của nước Mỹ.[20]
ĐÂY LÀ THÔNG ĐIỆP RÕ RÀNG ĐỐI VỚI NHỮNG AI HIỂU ĐƯỢC VẤN ĐỀ
Hầu hết các bài viết và thuyết trình của Warburg về chủ đề này là lời ba hoa phét lác đối với dân chúng. Để che lấp đi thực tế rằng ngân hàng trung ương đơn thuần là một liên minh cần được hợp thức hóa, những người đề xuất ra mô hình đó đã tung hỏa mù với những thuật ngữ chuyên môn luôn tập trung vào cách thức mà nó có thể mang lại lợi ích về thương mại, lợi ích cho dân chúng và quốc gia; cách hạ thấp các mức lãi suất, cung cấp tài chính cho các dự án công nghiệp thiết yếu và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng kinh tế. Không hề có một chút nghi ngờ dù là nhỏ nhất rằng, ẩn bên dưới nó là một kế hoạch hoàn hảo được dự tính hết sức chi tiết nhằm phục vụ cho lợi ích cá nhân bằng tiền của dân chúng.
Tuy nhiên, đây chính là thực tế lạnh lùng và đám chủ ngân hàng có nhận thức hơn đều hiểu rõ điều đó. Trong một bài phát biểu trước Hiệp hội các ngân hàng Mỹ vào năm tiếp theo, chính Aldrich đã thể hiện điều đó với bất kỳ ai thực sự lắng nghe ý nghĩa trong từng lời nói của ông. Ông ta phát biểu: “Tổ chức được đề xuất ở đây không phải là một ngân hàng mà là một liên hiệp gồm tất cả các ngân hàng khắp cả nước nhằm phục vụ cho các mục đích rõ ràng.”[21] Chính xác là vậy. Một liên hiệp các ngân hàng.
Hai năm sau, trong một bài phát biểu cũng trước Hiệp hội các ngân hàng Mỹ, A. Barton Hepburn của Chase National Bank thậm chí còn trình bày thẳng thắn hơn. Ông ta nói: “Phương sách này thừa nhận và chấp thuận các nguyên tắc về một ngân hàng trung ương. Quả thực, nếu hoạt động đúng như mong đợi của các cơ quan bảo trợ luật pháp thì tổ chức này sẽ khiến cho tất cả các ngân hàng được kết hợp chặt chẽ lại với nhau cùng trở thành những người sở hữu quyền lực thống trị trung ương.”[22] Và đây chính là một định nghĩa hoàn hảo về một liên minh kinh tế mà ta có thể tìm thấy.
Năm 1914, một năm sau khi Đạo luật Dự trữ Liên bang được thông qua, thượng nghị sĩ Aldrich có thể đã trở nên thiếu thận trọng hơn trong những lời bình luận của mình. Trong một bài báo được đăng vào tháng Bảy năm đó của một tờ tạp chí có tên The Independent, ông ta đã khoe khoang rằng: “Trước khi Đạo luật này được thông qua, các nhà tài phiệt ngân hàng ở New York chỉ có thể chi phối các nguồn dự trữ của New York. Nhưng giờ đây, chúng tôi có đủ khả năng để thống lĩnh các nguồn dự trữ ngân hàng của cả đất nước này.”
CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG ĐƯỢC CHẤP NHẬN NHƯ LỊCH SỬ
Một phiên bản lịch sử được chấp nhận đó là Hệ thống Dự trữ Liên bang được tạo ra nhằm ổn định nền kinh tế của chúng ta. Một trong những cuốn giáo trình phổ biến nhất về chủ đề này viết rằng: “Xuất phát từ cuộc khủng hoảng năm 1907 như hồi chuông cảnh báo về dịch bệnh vỡ nợ ngân hàng lan tràn, đất nước này hoàn toàn bị nhấn chìm trong tình trạng hỗn loạn của hoạt động ngân hàng tư nhân bất ổn.”[23] Thế nhưng, ngay cả một sinh viên ngây thơ nhất cũng thấy được sự mâu thuẫn rõ ràng giữa quan điểm tràn đầy “tình thương yêu” này với hành động thực tế của Cục Dự trữ Liên Bang. Ngay từ đầu, Cục Dự trữ Liên bang đã phải chịu trách nhiệm về những vụ sụp đổ tài chính năm 1921 và 1929; Cuộc đại suy thoái năm 1929 và 1939; tình trạng suy thoái kinh tế trong các năm 1953, 1957, 1969, 1975 và 1981; “Ngày Thứ Hai đen tối” của thị trường chứng khoán năm 1987 và nạn lạm phát tới mức 1.000% từng phá hủy 90% sức mua của đồng đô-la.[24]
Chúng ta hãy cùng đi sâu hơn vào vấn đề cuối cùng này. Năm 1990, người tiêu dùng cần phải đạt mức thu nhập 10.000 đô-la/năm chỉ để mua được món đồ trị giá 1.000 đô-la vào năm 1914.[25] Sự mất giá không thể tin nổi này được chuyển một cách lặng lẽ sang cho chính phủ liên bang dưới hình thức hệ thống thuế ngầm, và Cục Dự trữ Liên bang chính là cơ chế thực hiện điều đó.
Mọi hành động đều có hậu quả của nó. Và hậu quả về sự sung công tài sản theo cơ chế Dự trữ Liên bang hiện đang đổ lên đầu chúng ta. Trong mười năm trở lại đây, nợ doanh nghiệp đang gia tăng nhanh chóng; nợ cá nhân lớn hơn bao giờ hết; tỷ lệ phá sản của cá nhân lẫn doanh nghiệp đều ở mức cao chưa từng có; số lượng ngân hàng và tổ chức tiết kiệm, cho vay bị vỡ nợ lớn hơn trước rất nhiều; lãi suất đối với các khoản nợ quốc gia chiếm tới một nửa số tiền nộp thuế của chúng ta; ngành công nghiệp nặng hầu như bị thay thế bởi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài; chúng ta đang phải đối mặt với một sự thâm hụt mậu dịch quốc tế lần đầu tiên trong lịch sử của mình; 75% khu buôn bán kinh doanh ở Los Angeles và các khu trung tâm khác giờ đây đều thuộc quyền sở hữu của người nước ngoài và hơn nửa đất nước đang trong tình trạng suy thoái kinh tế.
LÝ DO ĐẦU TIÊN ĐỂ BÃI BỎ HỆ THỐNG NÀY
Đó chính là bảng thành tích tám mươi năm sau khi Cục Dự trữ Liên bang được thiết lập nhằm ổn định nền kinh tế của chúng ta! Có thể không có sự biện hộ rằng Cục Dự trữ Liên bang đã thất bại trong chính những mục tiêu do mình đề ra. Hơn nữa, sau chừng đó thời gian, với những thay đổi liên tục về nhân sự, thời gian hoạt động dưới trướng của cả hai đảng phái chính trị, vô số thử nghiệm về triết lý tiền tệ, trên dưới một trăm lần chỉnh sửa bản hiến chương đồng thời phát triển vô vàn kỹ thuật và công thức mới, Cục Dự trữ Liên bang vẫn có thừa cơ hội để sửa chữa những thiếu sót thủ tục đơn thuần. Bởi thế mà không hề vô lý khi kết luận rằng, Cục Dự trữ Liên bang đã thất bại không phải bởi nó cần một loạt nguyên tắc mới hoặc các nhà định hướng thông minh hơn mà bởi nó không có khả năng đạt được những mục tiêu do chính mình đề ra.
Nếu một tổ chức có tên tuổi không thể đạt được những mục tiêu do chính mình đề ra thì chẳng có lý do gì để duy trì nó trừ phi khả năng của tổ chức đó thực sự có thể được thay đổi theo cách nào đó. Điều này dẫn đến câu hỏi: vì sao Cục Dự trữ Liên bang lại không thể đạt được những mục tiêu do chính mình đề ra? Câu trả lời hết sức phũ phàng là: những mục tiêu đó chưa bao giờ là thực cả. Bởi khi hiểu rõ được bối cảnh hình thành Cục Dự trữ Liên bang, suy ngẫm về danh tính của những con người đã vận hành nó và nghiên cứu kỹ hiệu quả hoạt động thực tế của nó trong những năm qua, ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang đơn thuần là một liên minh ngân hàng được ngụy trang dưới vỏ bọc chính phủ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, mong muốn của những người vận hành nó là nhằm duy trì tình trạng đủ việc làm, năng suất sản xuất cao, lạm phát thấp và nói chung là một nền kinh tế vững mạnh. Họ chẳng hề quan tâm đến việc làm thịt “con gà đẻ trứng vàng”. Nhưng khi có sự mâu thuẫn giữa quyền lợi của người dân với nhu cầu cá nhân của liên minh này - sự mâu thuẫn luôn phát sinh hàng ngày - thì quyền lợi của người dân sẽ phải chịu hy sinh bởi đó mới đúng là bản chất của loài thú săn mồi. Vì vậy, thật ngớ ngẩn khi trông chờ một liên minh kinh tế hành động theo bất kỳ cách nào khác.
Tuy nhiên, các nhà xuất bản và tổ chức chính phủ đều không cổ vũ cho quan điểm này, vì thế, sứ mệnh hiển nhiên của Cục Dự trữ Liên bang là phải thuyết phục người dân Mỹ rằng, về bản chất, Cục Dự trữ Liên bang không có vấn đề gì mà đơn thuần chỉ là do sự quản lý vụng về. Ví dụ vào năm 1987, Simon & Schuster đã cho xuất bản cuốn Secrets of The Temple (Tạm dịch: Bí mật của thánh đường) của William Greider, nguyên Trợ lý Tổng biên tập tờ The Washington Post. Cuốn sách chủ yếu chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang vì những thất bại của nó, nhưng theo Greider thì những thất bại đó không phải là kết quả của bất kỳ sai sót nào trong Hệ thống này mà đơn thuần là kết quả của những yếu tố kinh tế “quá phức tạp” tới mức những nhân vật hảo tâm từng phải vật lộn để tạo ra tác phẩm Cục Dự trữ Liên bang kia cũng không đủ khả năng hiểu hết được. Dẫu thế, cũng xin đừng lo lắng vì họ vẫn đang dựa vào đó để làm việc! Đây vẫn là kiểu chỉ trích chung chung thường thấy trong xu thế truyền thông đại chúng hiện nay của chúng ta. Tuy nhiên, chính bản nghiên cứu riêng của Greider lại đưa ra một lời giải thích hoàn toàn khác. Trong phần nói về nguồn gốc của Cục Dự trữ Liên bang, ông viết:
Khi các công ty mới thành lập ăn nên làm ra mà không cần đến Phố Wall thì những ngân hàng khu vực non trẻ quản lý nguồn vốn của những công ty này cũng trở nên phát đạt. Dù thị phần tiền gửi ngân hàng tập trung ở New York vẫn còn rất lớn, chiếm tới một nửa tổng lượng tiền gửi của cả nước, nhưng con số này đang suy giảm đều đều. Mặc dù vẫn là “đứa trẻ to xác nhất đám” nhưng Phố Wall ngày càng không thể bắt nạt được người khác.
Xu hướng này là một thực tế quan trọng của lịch sử, một sự thật bị hiểu sai đã làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa chính trị của hệ thống cải cách pháp chế - thứ tạo ra Cục Dự trữ Liên bang, và lúc này, theo lý lẽ thông thường của Quốc hội, thứ được chia sẻ rộng khắp và nhiệt liệt tán thành bởi các nhà cải cách cấp tiến, một tổ chức chính phủ cuối cùng sẽ luôn gắn liền với “tổ hợp độc quyền tiền tệ”, giảm bớt quyền hạn của nó đồng thời thiết lập quyền kiểm soát dân chủ mở rộng toàn diện về tiền và tín dụng… Thế nhưng, kết quả lại gần như hoàn toàn ngược lại. Trên thực tế, những cải cách tiền tệ được ban hành năm 1913 đã giúp duy trì hiện trạng và bình ổn trật tự cũ. Các ông chủ ngân hàng không chỉ thống lĩnh toàn bộ ngân hàng trung ương mới mà còn được hưởng chế độ độc quyền mới chống lại sự bất ổn và sự sụt giảm tiền tệ của riêng mình. Và một khi Cục Dự trữ Liên bang đi vào hoạt động, sự bành trướng vững chắc của thế lực tài chính sẽ bị chặn lại. Lúc đó, Phố Wall vẫn giữ được vị trí thống soái của mình - và thậm chí còn củng cố vững chắc hơn nữa.[26]
Antony Sutton, cựu thành viên nghiên cứu cấp cao tại Học viện Hoover về chiến tranh, Cách mạng và Hòa bình, đồng thời là cựu Giáo sư giảng dạy môn Kinh tế học tại trường Đại học Quốc gia California, Los Angeles, lại cung cấp một bản phân tích có phần sâu sắc hơn. Ông viết:
Kế hoạch mang tính cách mạng của Warburg để biến cả Xã hội Mỹ phải làm việc cho Phố Wall thực sự đơn giản đến mức kinh ngạc. Thậm chí ngày nay, … các học giả vẫn cứ phủ lên tấm bảng đen của họ những phương trình vô nghĩa, còn đại đa số dân chúng lại phải hoang mang vật lộn trong mớ hỗn loạn với nạn lạm phát và sự sụp đổ tín dụng đang cận kề, trong khi lời giải thích thật rõ ràng về vấn đề này lại không được bàn tới và hầu như chẳng ai có thể hiểu được một cách trọn vẹn. Thực tế, Cục Dự trữ Liên bang là một tổ chức độc quyền về nguồn cung ứng tiền tệ và hoạt động vì lợi ích của một số ít người dưới chiêu bài bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của dân chúng.[27]
Như vậy, tầm quan trọng thực sự của cuộc hành trình tới đảo Jekyll và âm mưu được vạch ra đã được chính Harold Kellock, nhà viết tiểu sử đáng ngưỡng mộ của Paul Warburg, tóm gọn một cách tình cờ như sau:
Paul M. Warburg có lẽ là người đàn ông ôn hòa nhất từng tự mình tạo ra cả một cuộc cách mạng - cuộc cách mạng không hề đổ máu bởi ông ta không cố gắng khuấy động quần chúng trang bị vũ khí. Ông ta chỉ đơn giản xúc tiến một ý tưởng và đã giành chiến thắng. Điều đó thật tuyệt vời. Một người đàn ông rụt rè, nhạy cảm nhưng đã áp đặt được ý tưởng của mình lên một quốc gia với một trăm triệu dân.[28]
TỔNG KẾT
Kế hoạch cơ bản cho Cục Dự trữ Liên bang đã được phác thảo tại một cuộc họp bí mật diễn ra vào tháng Mười Một năm 1910, tại một khu nghỉ dưỡng tư nhân của J.P. Morgan trên đảo Jekyll ngoài khơi vùng Georgia. Những người tham dự cuộc họp đó đều đại diện cho những tổ chức tài chính sừng sỏ của Phố Wall cũng như gián tiếp đại diện cho châu Âu. Nguyên nhân để giữ bí mật hết sức đơn giản. Nếu biết rằng các bè phái cạnh tranh trong cộng đồng ngân hàng cấu kết với nhau, dân chúng hẳn đã được báo động về khả năng rằng các chủ ngân hàng đang bày ra một thỏa thuận về kiềm chế thương mại - mà dĩ nhiên, đây chính là những gì họ đang làm. Những gì nổi lên chính là một thỏa thuận liên kết với năm mục tiêu: ngăn chặn sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các ngân hàng quốc gia non trẻ; nắm giữ nhượng quyền kinh doanh để tạo ra tiền từ không khí vì mục đích cho vay lãi; giành quyền kiểm soát nguồn dự trữ của tất cả các ngân hàng để những ngân hàng liều lĩnh hơn sẽ không bị đẩy vào tình trạng thất thoát tiền tệ hoặc rút tiền ào ạt; bắt những người nộp thuế phải gánh chịu các khoản lỗ không thể tránh khỏi của tổ chức lũng đoạn này; và thuyết phục Quốc hội rằng mục đích đó là để bảo vệ dân chúng. Điều này cho thấy rằng các chủ ngân hàng phải trở thành đối tác của các chính trị gia và liên minh này phải được cơ cấu thành một ngân hàng trung ương. Các báo cáo tài chính cho thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang đã không đạt được các mục tiêu do chính mình đề ra. Sở dĩ như vậy là vì những mục tiêu này chưa bao giờ có thật. Với tư cách là một liên minh ngân hàng và xét trong phạm vi năm mục tiêu đã được nêu trên, đây được xem là một sự thành công không đạt chuẩn.
Chú thích:
[1] Norton không được đề cập đến trong hồi ký của những người tham dự còn lại nhưng theo Tyler E. Bagwell, nhà sử học của Viện Bảo tàng Đảo Jekyll, ông ta đã có mặt. Hãy tham khảo cuốn Images of America; The Jekyll Island Club của Bagwell (Charlston, SC, Arcadia, 1998), trang 18, 19.
[2] Trong mối quan hệ thư từ riêng giữa tác giả và Andrew L. Gray, cháu trai của Abraham P. Andrew, Gray quả quyết rằng Strong không tham gia. Nhưng theo nguồn tin khác, Frank Vanderlip - người có mặt ở đó - đã khẳng định trong cuốn hồi ký của mình rằng Strong có tham gia. Làm sao Vanderlip có thể sai được? Gray phản hồi: “Ông ta đã gần 70 tuổi khi viết cuốn sách và vấn đề đó… Có lẽ ước vọng sinh ra lòng tin.” Nếu Vanderlip thực sự nhớ nhầm thì có lẽ chẳng có ý nghĩa gì sau tất cả mọi chuyện bởi như Gray thừa nhận: “Strong cũng từng có mặt trong đoàn người ít ỏi để cùng tham gia vào cuộc họp bí mật này.” Và khi chưa có sự thẩm định nhiều hơn về điểm đối lập này, chúng ta đành chấp nhận lời giải thích của Vanderlip.
[3] Phim tài liệu về lịch sử tiền tệ và ngân hàng tại Hoa Kỳ (Documentary History of Currency and Banking in the United States) của Herman E. Krooss (New York: Chelsea House, 1983), Tập III, “Báo cáo tài chính từ Ủy ban Pujo, ngày 28 tháng 2 năm 1913” trang 222 - 224.
[4] Gia tộc Morgan - Triều đại ngân hàng Mỹ và sự trỗi dậy cửa tài chính hiện đại (The House of Morgan: An American Banking Dynasty and the Rise of Modern Finance) của Ron Chernow (New York: Atlantic Monthly Press, 1990), trang 129.
[5] “Những người đang tạo ra nước Mỹ” (Men Who Are Making America) của B. C. Forbes. Leslie’s Weekly, ngày 19 tháng 10 năm 1916, trang 423.
[6] Hệ thống Dự trữ Liên bang: Nguồn gốc và sự phát triển (The Federal Reserve System: Its Origin and Growth) của Paul Warburg (New York: Macmillan, 1930), tập I, trang 58. Rõ ràng là Warburg đã viết dòng này hai năm trước khi cuốn sách được xuất bản.
[7] Đường về còn xa (The Long Road Home) của James Warburg (New York: Doubleday, 1964), trang 29.
[8] Nelson W. Aldrich trong hoạt động chính trị Hoa Kỳ (Nelson W. Aldrich in American Politics) của Nathaniel Wright Stephenson (New York: Scribners, 1930; in lại, New York: Kennikat Press, 1971), trang 373.
[9] Stephenson, trang 376.
[10] “Từ cậu bé thôn quê đến nhà tài phiệt” (From Farm Boy to Financier) của Frank A. Vanderlip, The Saturday Evening Post, ngày 9 tháng 2 năm 1933, trang 25, 70. Hai năm sau, một câu chuyện giống hệt đã được kể lại trong cuốn sách của Vanderlip có cùng tựa đề với bài báo (New York: D. Appleton-Century Company, 1935), trang 210 - 219.
[11] Tham khảo cuốn Sự chiến thắng của Đảng bảo thủ (The Triumph of Conservatism) của Gabriel Kolko (New York: The Free Press of Glencoe, chi nhánh của Macmillan Co., 1963), trang 140.
[12] Bí mật của thánh đường (Secrets of the Temple) của William Greider (New York: Simon and Schuter, 1987), trang 274, 275. Đồng thời tham khảo Kolko, trang 145.
[13] Một cách khác để định nghĩ nó là nguồn dự trữ của các ngân hàng luôn dưới mức 33,333% (tỷ lệ 10/1 được chia cho 0,03 = tỷ lệ 333,333/1. Kết quả đó chia cho 0,01 = 33,333%)
[14] Tham khảo Cơ sở hợp lý của Hệ thống ngân hàng trung ương (The Rationale of Central Banking) của Vera. C. Smith (Longdon: P.S. King & Son, 1936), trang 36.
[15] Stephenson, trang 378.
[16] Tiền: Do đâu mà có, và đi về đâu (Money: Whence It Came, Where It Went) của John Kenneth Galbraith (Boston: Houghton Mifflin, 1975), trang 122.
[17] Galbraith, trang 123.
[18] Học viện Khoa học chính trị, Proceedings, 1914, tập 4, số 4, trang 387.
[19] Phố Wall và Franklin D. Roosevelt (Wall Street and FDR) của Antony Sutton (New Rochell, New York: Arlington House, 1975), trang 92.
[20] Tham khảo Đạo luật Cục Dự trữ Liên bang: Nguồn gốc và các vấn đề (The Federal Reserve Act: Its Origin and Problems) của J. Lawrence Laughlin (New York: Macmillan, 1933), trang 9.
[21] Tham khảo Khủng hoảng tiền tệ: Đạo luật Cục Dự trữ Liên bang, kinh tế và cải cách tiền tệ (Money in Crisis: The Federal Reserve Act, The Economy, and Monetary Reform) của Barry Siegel (Massachusetts, Cambridge, Ballinger, 1984), trang 102.
[22] Theo trích dẫn của Kolko, Chiến thắng (Triumph), trang 235.
[23] Kinh tế học (Economics) của Paul A. Samuelson, tái bản lần thứ 8 (New York: McGraw-Hill, 1970), trang 272.
[24] Tham khảo “Tiền, Ngân hàng và Đạo đức Kinh thánh” (Money, Banking and Biblical Etbics) của Ronald H. Nash, Durell Journal of Money and Banking, tháng Hai năm 1990.
[25] Khi mọi người cho rằng thuế thu nhập chỉ mới vừa được ban hành vào năm 1913 và những con số thấp như thế hoàn toàn được miễn trừ, một mức thu nhập 1.000 đô-la lúc đó bằng với mức thu nhập 15.400 đô-la bây giờ trước khi trả 35% tiền thuế. Khi số tiền lúc này do chính quyền địa phương và chính quyền bang nắm giữ được cộng vào tổng thu nhập thì con số đó gần bằng 20.000 đô-la.
[26] Greider, trang 275.
[27] Phố Wal và Franklin D. Roosevelt (Wall Street and FDR) của Sutton, trang 94.
[28] “Warburg, Nhà cách mạng” (Warburg, the Revolutionist) của Harold Kellock, The Century Magazine, tháng 5 năm 1915, trang 79.
Chương 2
Tên của trò chơi là sự cứu trợ kinh tế
Giống như một sự kiện thể thao đông người xem, luật chơi ở đây là những người nộp thuế được yêu cầu gánh vác chi phí bảo lãnh cho các ngân hàng khi các khoản cho vay của họ trở nên khó đòi.
Như đã được giải thích trong chương trước rằng nhóm người tới đảo Jekyll để “thai nghén” Cục Dự trữ Liên bang thực sự đã tạo ra một liên minh cấp quốc gia do các ngân hàng lớn thống trị. Và phần trước cũng đã giải thích rằng, mục tiêu cốt lõi của tổ chức này là nhằm lôi kéo chính phủ liên bang trở thành người đại diện để chuyển những khoản lỗ không thể tránh khỏi từ đám chủ ngân hàng sang cho người đóng thuế. Dĩ nhiên, đó là một trong những khẳng định gây nhiều tranh cãi hơn trong cuốn sách này. Song, sẽ không còn nhiều chỗ cho bất kỳ sự giải thích nào khác khi mọi người phải đối mặt với một lượng bằng chứng lịch sử khổng lồ kể từ thời điểm Cục Dự trữ Liên bang được tạo ra. Do đó, hãy cùng tạo một bước nhảy vọt khác theo thời gian. Vì đã quay trở lại năm 1910 để bắt đầu câu chuyện, còn bây giờ, chúng ta hãy trở về thời hiện tại.
Để hiểu được cách thức mà các khoản lỗ ngân hàng được “bắn” sang cho người nộp thuế, trước tiên, chúng ta cần phải biết một chút về cách thức phát thảo kế hoạch đó để áp dụng vào thực tế. Có những công thức và quy trình nhất định cần phải được hiểu rõ hoặc nắm vững, nếu không, toàn bộ quá trình sẽ trông như một mớ hỗn loạn. Hãy giả định rằng, chúng ta sống cô lập trên đảo Jekyll và không hề biết gì về thế giới bên ngoài. Rồi sau đó, hãy tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra khi lần đầu tiên ta đặt chân tới đất liền và đi xem một trận đấu bóng nhà nghề. Chúng ta sẽ nhìn chằm chằm một cách không thể tin được vào những người đàn ông mặc những bộ quần áo trông như người ngoài hành tinh, lao vào nhau cốt chỉ để đẩy qua đẩy lại một vật thể có hình thù là lạ, tranh giành nó như một vật có giá trị rất lớn rồi thỉnh thoảng lại ném nó đi như thể nó chẳng có chút giá trị nào. Trong khi đó, cùng với tất cả những điều này là hàng vạn khán giả trên khán đài đang cùng nhau la ó điên cuồng mà chẳng vì lý do nào cả. Lúc này, nếu không hiểu được rằng đây là một trận đấu bóng và không biết về luật chơi của nó thì chắc chắn chúng ta sẽ cho rằng một sự kiện hoàn toàn hỗn loạn và điên rồ đang diễn ra.
Hoạt động của hệ thống tiền tệ thông qua Cục Dự trữ Liên bang cũng có nhiều điểm tương đồng với trận đấu bóng nhà nghề. Thứ nhất, có những lối chơi cụ thể được lặp đi lặp lại theo thời gian chỉ với những thay đổi nhỏ để thích ứng với những tình huống cụ thể. Thứ hai, có những luật chơi rõ ràng buộc những người tham gia phải tuân thủ với độ chính xác cao. Thứ ba, có một mục tiêu rõ ràng cho trận đấu - yếu tố quan trọng nhất trong suy nghĩ của những người chơi. Và thứ tư, nếu không biết rõ mục tiêu đó cũng như không nắm được luật chơi thì khán giả sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều gì đang diễn ra. Như thế, chừng nào còn liên quan đến vấn đề tiền bạc thì đó vẫn là mối quan tâm chung của đại đa số người Mỹ hiện nay.
Vì vậy, chúng ta hãy cùng giải thích rõ ràng bằng ngôn ngữ dễ hiểu xem mục tiêu đó là gì và mức độ trông chờ của những người chơi vào kết quả đạt được. Để làm sáng tỏ quá trình này, trước tiên, chúng ta phải có một cái nhìn khái quát. Sau đó, khi các khái niệm đã được cắt nghĩa cụ thể, chúng ta sẽ củng cố bằng các ví dụ thực tế trong những năm gần đây.
Trò chơi này có tên là sự cứu trợ kinh tế. Như đã được giải thích ở chương trước, mục tiêu của trò chơi này là để chuyển những khoản lỗ không thể tránh khỏi từ các chủ ngân hàng lớn sang cho người nộp thuế. Thủ tục đó được thực hiện như sau:
LUẬT CHƠI
Trò chơi này bắt đầu khi Cục Dự trữ Liên bang cho phép các ngân hàng thương mại được tạo ra những tấm séc từ không khí. (Chi tiết về cách thức thực hiện tuyệt chiêu không thể tin nổi này sẽ được đề cập trong chương Mười với tựa đề Cơ chế Mandrake). Các ngân hàng sẽ có được lợi nhuận từ những khoản tiền dễ kiếm này, không phải bằng cách sử dụng nó mà bằng cách cho người khác vay và thu lãi.
Khi được đưa vào sổ sách kế toán của ngân hàng thì một khoản vay như vậy được xem như một tài sản bởi nó đang tạo ra lãi và có thể biết trước ngày nào sẽ được thanh toán, đồng thời toàn bộ khoản tiền được ghi vào sổ đó sẽ tạo thành khoản phải trả trong sổ cái. Sở dĩ như vậy là do lúc này, khoản tiền séc mới được tạo ra hiện đang được lưu hành và hầu hết số séc này sẽ kết thúc ở các ngân hàng khác - những đơn vị sẽ gửi chúng trở lại cho ngân hàng phát hành để được thanh toán. Vì thế, các cá nhân có thể phải mang vài cuốn séc quay lại ngân hàng cũ và yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt. Do đó, ngân hàng phát hành séc có một khoản nợ phải trả tiềm năng tương đương với lượng tài sản cho vay.
Và khi người vay không có khả năng hoàn trả hoặc không có tài sản nào để cấn trừ thì ngân hàng đành phải chuyển khoản vay đó thành khoản lỗ. Tuy nhiên, vì hầu hết số tiền này ngay từ đầu đã được tạo ra từ không khí và ngân hàng không mất khoản chi phí nào ngoại trừ phí quản lý sổ sách nên chỉ có một chút giá trị hữu hình thực sự bị mất đi. Về cơ bản, ngân hàng chỉ là đơn vị quản lý sổ sách.
Song, một khoản lỗ hạch toán có thể vẫn là điều không mong muốn đối với một ngân hàng bởi nó là nguyên nhân khiến khoản vay đó bị loại ra khỏi sổ cái như một tài sản mà không được giảm trừ các khoản nợ phải trả. Sự khác biệt này xuất phát từ chính số vốn góp cổ phần của những người sở hữu ngân hàng. Hay nói cách khác, khoản nợ phải trả đó vẫn tồn tại cho dù tài sản cho vay đã bị loại bỏ. Tiền séc ban đầu vẫn lưu thông thậm chí ngay cả khi người vay không thể trả lại tiền cũng như ngân hàng phát hành séc vẫn có nghĩa vụ trang trải cho những tờ séc đó. Cách duy nhất để thực hiện được điều này và cân đối sổ sách kế toán một lần nữa là sử dụng tiền từ nguồn vốn được đầu tư bởi các cổ đông của ngân hàng hoặc khấu trừ khoản lỗ đó từ lợi nhuận hiện hành của ngân hàng. Trong cả hai trường hợp, các chủ ngân hàng đều phải mất một khoản ngang bằng giá trị của khoản vay bị vỡ nợ. Do đó, đối với họ, khoản lỗ này là có thật. Nếu ngân hàng bị buộc phải xóa sổ một lượng lớn khoản nợ xấu thì giá trị của những khoản nợ đó có thể vượt quá tổng giá trị vốn góp của các chủ sở hữu ngân hàng. Khi điều đó xảy ra, trò chơi sẽ kết thúc, còn ngân hàng thì lâm vào cảnh vỡ nợ.
Mối quan tâm này có thể đủ để khiến hầu hết các chủ ngân hàng trở nên rất thận trọng trong chính sách cho vay của mình, và trên thực tế, đa số họ đều vô cùng thận trọng khi giao dịch với các cá nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Nhưng lúc này, Cục Dự trữ Liên bang, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation) và Cơ quan cho vay Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Loan Corporation) đều cam đoan rằng các chủ sở hữu ngân hàng sẽ không phải gánh vác toàn bộ khoản tiền mà các tập đoàn lớn hay chính phủ các nước khác đã vay nếu những khoản vay này không được hoàn trả. Điều này được thực hiện theo một thỏa thuận rằng, nếu những tập đoàn hoặc ngân hàng đó được phép tuyên bố phá sản thì đất nước sẽ phải hứng chịu tình trạng đình trệ kinh tế và nạn thất nghiệp triền miền. Thông tin cụ thể hơn về vấn đề này sẽ được trình bày ngay sau đây.
TRÒ CHƠI NỢ ĐỊNH KỲ
Kết quả cuối cùng của chính sách này là các ngân hàng sẽ chẳng cần phải thận trọng và luôn được bảo vệ khỏi tác động của những hành động dại dột do chính mình gây ra. Như vậy, khoản vay càng lớn thì ngân hàng càng được lợi bởi nó sẽ tạo ra khoản lợi nhuận lớn nhất mà chẳng tốn mấy công sức. Chỉ một khoản vay cho một nước thứ ba cũng có thể thu về lãi suất hàng trăm triệu đô-la mỗi năm, đúng là một quy trình dễ dàng - nếu không muốn nói là đơn giản hơn - so với việc cho một thương gia địa phương vay để buôn bán với mức lãi 50.000 đô-la. Và nếu lãi được thanh toán thì đó chính là lúc thu lợi. Nếu khoản vay đó vỡ nợ, chính phủ liên bang sẽ “bảo vệ dân chúng”, và thông qua những cơ chế đã được mô tả trước đó, đảm bảo rằng các ngân hàng luôn nhận được khoản lãi của mình.
Các cá nhân và các nhà kinh doanh nhỏ lẻ nhận thấy ngày càng khó vay tiền với mức lãi suất hợp lý bởi vì các ngân hàng có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ việc rót tiền cho các tập đoàn lớn và chính phủ nước ngoài. Các khoản vay càng lớn thì các ngân hàng càng an toàn bởi họ sẽ được chính phủ trả lãi nếu các khoản vay này không được hoàn trả. Trong khi đó, chẳng có sự đảm bảo nào cho những khoản vay nhỏ. Dân chúng sẽ không chấp nhận “phương châm” cứu trợ kinh tế cho những “gã ít tiền” để cứu vãn cả hệ thống bởi số tiền đó quá nhỏ. Chỉ khi các con số lớn một cách khác thường thì mánh khóe này mới trở nên đáng tin cậy.
Điều quan trọng cần ghi nhớ là các ngân hàng không thực sự muốn những khoản vay của mình được hoàn trả, ngoại trừ đó là bằng chứng về sự phụ thuộc của người vay. Họ chỉ thu được lợi nhuận từ lãi suất tính trên khoản vay chứ không phải từ việc hoàn trả khoản vay đó. Nếu khoản vay được thanh toán hết thì rõ ràng ngân hàng phải tìm người khác để cho vay, và đó có thể là mối phiền toái đắt giá. Thế nên, tốt hơn hết là người đang vay chỉ thanh toán lãi suất mà không bao giờ thanh toán hết khoản vay đó. Quá trình này được gọi là quay vòng nợ. Một trong những lý do khiến các ngân hàng thích cho chính phủ vay là vì họ không trông đợi những khoản vay đó được hoàn trả. Năm 1982, khi còn giữ chức chủ tịch của Citicorp Bank, Walter Wriston đã tán dương hành động này như sau:
Nếu chúng ta có đạo luật tin-tưởng-vào-Chính-phủ so sánh với luật tin-tưởng-vào-quảng-cáo thì mọi tín phiếu mà Bộ Tài chính ban hành sẽ buộc phải chèn thêm một câu giải thích rằng: “Tín phiếu này sẽ được đền bù bằng số tiền thu được từ một tín phiếu giống hệt - thứ sẽ được bán ra cho dân chúng khi tín phiếu trên đến hạn thanh toán.”
Khi được thực hiện ở Mỹ, vì nó diễn ra hàng tuần, hành động này được xem như một cuộc đấu giá tín phiếu kho bạc. Nhưng khi quá trình tương tự xảy ra ở một quốc gia khác thì các phương tiện truyền thông đại chúng của chúng ta thường đề cập đến vấn đề này như việc “quay vòng các khoản nợ”. Định nghĩa đó được xem như một dạng thảm họa không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy.
Để lý giải được điều này, ta chỉ cần nắm rõ các yếu tố cơ bản từ việc vay tiền của chính phủ. Thứ nhất, có ít trường hợp được ghi lại trong sử sách quốc gia - bất kể quốc gia nào - cho thấy rằng chính phủ đã thực sự trả hết nợ. Dĩ nhiên, trong trường hợp thâm hụt tới 100 tỷ đô-la thì chẳng ai cho Chính phủ mượn tiền bằng cách mua tín phiếu lại mong đợi rằng khoản tiền đó sẽ được thanh toán đúng kỳ hạn theo bất kỳ cách nào, ngoại trừ việc chính phủ bán ra một loại tín phiếu mới có giá trị tương đương.[1]
LỐI CHƠI QUAY VÒNG NỢ
Vì Cục Dự trữ Liên bang tạo điều kiện để các ngân hàng kiếm lợi khi thực hiện các khoản cho vay lớn không có cơ sở đảm bảo nên đây chính là kiểu cho vay mà các ngân hàng sẽ áp dụng. Hơn nữa, ai cũng có thể đoán trước được rằng hầu hết các khoản nợ không có cơ sở đảm bảo cuối cùng sẽ không có khả năng hoàn trả. Khi người vay cuối cùng tuyên bố rằng anh ta mất khả năng thanh toán, ngân hàng sẽ phản ứng bằng cách quay vòng khoản vay đó. Đây thường là giai đoạn được thể hiện như một sự nhượng bộ của ngân hàng, nhưng trên thực tế, đó là bước tiến đầy ý nghĩa để hướng đến mục tiêu thu lãi suốt đời.
Cuối cùng, người vay sẽ đến thời điểm không thể trả thêm được nữa, thậm chí là trả lãi. Lúc này, trò chơi trở nên phức tạp hơn. Hiển nhiên là ngân hàng không muốn mất đi khoản lãi đó bởi nó là nguồn thu nhập chính của họ. Nhưng ngân hàng lại không đủ khả năng cho phép người vay rơi vào tình trạng vỡ nợ bởi điều đó có nghĩa là khoản vay sẽ bị xóa sổ, và kéo theo là quét sạch phần vốn góp của các chủ sở hữu đồng thời đẩy ngân hàng đến chỗ phá sản. Vì vậy, bước tiếp theo của ngân hàng là tạo ra khoản tiền bổ sung từ không khí và trao số tiền đó cho người vay để anh ta có đủ điều kiện tiếp tục trả lãi - mức lãi suất lúc này được tính trên tổng khoản vay gốc cộng với khoản vay bổ sung đó. Những gì được xem như thảm họa bỗng nhiên được chuyển thành một khoản nợ lớn nhờ lối chơi Cực kỳ thông minh. Cách này không chỉ giúp giữ nguyên được khoản nợ cũ trong sổ sách kế toán như một tài sản mà thực sự còn làm tăng rõ rệt lượng tài sản đó cũng như tạo ra những khoản thanh toán lãi cao hơn, vì thế lợi nhuận của ngân hàng càng lớn hơn.
LỐI CHƠI LIÊN TỤC ĐẶT CƯỢC
Sớm muộn gì thì người vay cũng trở nên liều lĩnh. Anh ta không còn quan tâm đến việc trả lãi mà chẳng mang lại điều gì cho bản thân. Người vay bắt đầu nhận ra rằng mình chỉ là đang làm thuê cho ngân hàng, và một lần nữa, các khoản thanh toán lãi bị dừng lại. Thế nhưng, các đối thủ của anh ta đâu chịu thua và bí mật lên kế hoạch chờ hành động kế tiếp, sau đó tiếp tục lao vào trận chiến để tung ra những lời bóng gió đe dọa lẫn nhau. Rõ ràng, người vay không có khả năng trả tiền và sẽ không trả được. Ngân hàng sẽ đe dọa người vay để chỉ cho anh ta thấy rằng anh ta sẽ không bao giờ có thể vay được một khoản nào nữa. Cuối cùng, một “cuộc dàn xếp” được thực hiện. Giống như trước đó, ngân hàng đồng ý tạo ra thêm nhiều tiền nữa từ không khí và trao số tiền đó cho người vay để chi trả cho khoản lãi của hai lần vay trước đó, song lần này, các ngân hàng sẽ đặt cược để vẫn cấp thêm tiền cho người vay để chi trả vào việc khác ngoài lãi suất. Đó quả là một lý do hoàn hảo. Người vay bỗng nhiên lại có một nguồn cung tiền mới mẻ cho các mục đích khác của anh ta, đồng thời vẫn đủ để duy trì việc chi trả lãi dai dẳng cho những khoản vay trước đó. Còn ngân hàng lúc này vẫn có được những tài sản lớn hơn, thu nhập từ lãi suất cao hơn và lợi nhuận nhiều hơn. Quả là một trò chơi thú vị!
LỐI CHƠI THAY ĐỔI THỜI HẠN
Những lối chơi trước có thể được lặp lại vài lần cho đến khi người vay thực sự nhận ra rằng anh ta đang ngày càng lún sâu vào cái hố nợ nần mà không có cách nào thoát ra được. Và sự nhận thức này thường chỉ xuất hiện khi các khoản thanh toán lãi trở nên quá lớn, chiếm gần hết toàn bộ lợi nhuận của công ty hoặc tổng số thuế của quốc gia. Đến lúc này thì sự quay vòng các khoản vay lớn đều trở nên vô tác dụng và vỡ nợ là điều dường như không thể tránh khỏi.
Nhưng xin đừng vội. Có điều gì diễn ra ở đây? Những người chơi lại bắt đầu lao vào cuộc chiến. Có một sự đối đầu lớn và thế là các trọng tài cũng được gọi vào. Hai hồi còi đinh tai nhức óc nhắc chúng ta rằng tỷ số vừa được chia đều cho cả hai bên. Một giọng nói vang lên qua hệ thống loa công cộng: “Khoản vay này vừa được thay đổi lại thời hạn.”
Việc thay đổi lại thời hạn luôn có nghĩa như sự kết hợp giữa một mức lãi suất thấp hơn với thời hạn hoàn trả dài hơn. Điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng thật ra là một sự xảo trá. Nó giảm khoản thanh toán hàng tháng nhưng lại kéo dài thời hạn thanh toán trong tương lai. Điều này giúp giảm nhẹ gánh nặng hiện tại đối với người vay, nhưng đồng thời khiến cho việc hoàn trả tiền vốn vay đó càng trở nên khó khăn hơn. Nó hoãn lại ngày chốt sổ, nhưng bạn hẳn đã đoán được: Khoản vay đó vẫn là tài sản và các khoản thanh toán lãi vẫn tiếp tục diễn ra.
LỐI CHƠI BẢO VỆ DÂN CHÚNG
Cuối cùng, ngày chốt sổ cũng tới. Người vay nhận thấy mình chẳng bao giờ có thể hoàn lại được khoản vốn vay đó nên thẳng thừng từ chối trả lãi cho nó. Lúc này ngân hàng buộc phải dùng đến Thủ đoạn Cuối cùng.
Theo cuốn Banking Safety Digest (Tạm dịch: Luật vựng An toàn Ngành ngân hàng) - cuốn sách chuyên xếp hạng mức an toàn của các ngân hàng và các tổ chức Tiết kiệm và cho vay (Savings and Loans - S&L) của Mỹ, hầu hết những ngân hàng liên quan đến “các khoản vay có vấn đề” đều là những doanh nghiệp rất có lãi:
Hãy lưu ý rằng, ngoại trừ những khoản vay cho các nước thuộc thế giới thứ ba, hầu hết các ngân hàng lớn trong nước đều đang hoạt động rất có lãi. Trái ngược với tình trạng khủng hoảng Tiết kiệm và cho vay (S&L) đang ngày càng trở nên tồi tệ, lợi nhuận của ngân hàng trở thành động lực giúp các ngân hàng thanh toán được hết các khoản nợ nước ngoài (mặc dù hơi chậm)… Theo lý thuyết, với mức lợi nhuận của năm ngoái, ngành ngân hàng có thể “trả hết” toàn bộ các khoản vay khu vực Mỹ La-tinh của chính mình trong vòng hai năm.[2]
Các ngân hàng có thể chịu lỗ từ những khoản cho vay khó đòi với các công ty đa quốc gia và chính phủ nước ngoài, song điều đó lại không đúng luật. Nó sẽ trở thành một khoản lỗ lớn đối với các cổ đông, những người sẽ nhận được ít hoặc không nhận được cổ tức trong suốt thời gian điều chỉnh, và vị giám đốc điều hành nào áp dụng quy trình như thế sẽ sớm phải tìm kiếm một công việc khác. Việc cho rằng đây không phải là một phần của trò chơi được dựa trên bằng chứng rằng, trong khi một phần nhỏ các khoản nợ trong khu vực Mỹ La-tinh đã được tiếp nhận, các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện nhiều khoản cho vay lớn đối với chính phủ các nước ở những khu vực khác như châu Phi, Trung Quốc, Nga và các nước Đông Âu. Với những lý do sẽ được phân tích trong chương bốn, có ít hy vọng rằng việc thực hiện những khoản vay này sẽ khác so với các khoản vay ở khu vực Mỹ La-tinh. Song, lý do quan trọng nhất của việc không chấp nhận những khoản lỗ đó là vì vẫn còn một lối chơi chuẩn có thể giúp hồi sinh các khoản vay chết và kích hoạt lại nguồn thu nhập dồi dào từ những khoản vay này.
Đây là cách thức hoạt động của nó. Đội trưởng của cả hai đội cùng tìm đến trọng tài và ủy viên hội đồng Trò chơi để yêu cầu kéo dài cuộc chơi. Lý do được đưa ra rằng đây là quyền lợi của dân chúng, những khán giả đang có thời gian tuyệt vời như vậy và sẽ buồn khi thấy trò chơi kết thúc. Họ còn yêu cầu rằng, trong khi các khán giả trên khán đài đang thưởng thức trận đấu thì những nhân viên phục vụ tại bãi đậu xe được lệnh lặng lẽ tháo những chiếc chụp trục bánh xe ra khỏi từng chiếc xe để bán đi nhằm bổ sung vào tiền lương của tất cả những người chơi, dĩ nhiên bao gồm cả trọng tài lẫn ủy viên hội đồng Trò chơi. Điều đó là công bằng nhất bởi lúc này họ đang làm thêm giờ vì lợi ích của khán giả. Đến khi bản thỏa thuận cuối cùng được đưa ra, ba hồi còi sẽ vang lên và tiếng reo hò vui sướng mãn nguyện sẽ vang dậy cả khán đài.
Dưới một hình thức có phần khó nhận biết hơn, lối chơi này có thể diễn ra như sau: chủ tịch của ngân hàng cho vay và chuyên viên tài chính của công ty hoặc chính phủ đang nợ tiền sẽ cùng tham gia hội ý với Quốc hội. Họ sẽ giải thích rằng người vay đang mất dần khả năng chi trả cho khoản vay và nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ liên bang thì sẽ dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng cho người dân Mỹ. Điều đó không chỉ dẫn đến tình trạng thất nghiệp và sự khủng hoảng cho đất nước này mà còn gây ra sự sụp đổ lớn trên các thị trường thế giới. Bên cạnh đó, vì hiện quá phụ thuộc vào những thị trường này nên xuất khẩu của chúng ta sẽ giảm sút, nguồn vốn nước ngoài sẽ cạn kiệt và chúng ta sẽ phải chịu tổn thất rất lớn. Vì thế, họ sẽ nói rằng, điều cần thiết đối với Quốc hội lúc này là cung cấp tiền cho người vay, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm giúp anh ta tiếp tục trả lãi cho số tiền đã vay cũng như khởi xướng các chương trình mới với nhiều khả năng lợi nhuận hơn để sớm có thể hoàn trả lại tiền cho mọi người.
Như một phần không thể thiếu của bản đề xuất, người vay sẽ đồng ý tuân theo định hướng của bên thứ ba - trọng tài - trong việc thông qua một chương trình tiết kiệm nhằm đảm bảo rằng không có bất kỳ khoản tiền mới nào bị lãng phí. Ngân hàng cũng sẽ đồng ý xóa bỏ một phần nhỏ của khoản vay như một hành động bày tỏ sự thiện chí sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với người vay. Dĩ nhiên, “nước cờ” này đã được nhìn thấy từ khi mới bắt đầu trò chơi và là động thái “lùi một bước để tiến ba bước”. Rốt cuộc, khoản tiền bị mất thông qua việc xóa nợ chính là khoản tiền được tạo ra từ không khí và, không cần tới Thủ đoạn Cuối cùng này, toàn bộ số tiền đó sẽ bị quét sạch. Hơn nữa, khoản tiền giảm nợ khiêm tốn này sẽ chẳng thấm tháp gì so với số tiền nhận được thông qua việc phục hồi nguồn thu nhập.
LỐI CHƠI THANH TOÁN ĐẢM BẢO
Một trong những phiên bản chuẩn của Thủ đoạn Cuối cùng là dành cho chính phủ, không phải trực tiếp cung cấp các quỹ tiền tệ mà cung cấp tín dụng cho các quỹ đó. Điều này là nhằm đảm bảo cho những khoản thanh toán tương lai nếu người vay lại vỡ nợ một lần nữa. Và một khi Quốc hội chấp nhận điều này thì chính phủ sẽ trở thành tổ chức cùng ký tên vào khoản vay đó, và những khoản lỗ không thể tránh khỏi cuối cùng sẽ được chuyển từ sổ cái của ngân hàng sang cho những người nộp thuế tại Mỹ.
Lúc này, tiền bắt đầu được chuyển vào các ngân hàng thông qua một hệ thống phức tạp của các tổ chức liên bang, các cơ quan quốc tế, viện trợ nước ngoài và các đơn vị cứu trợ trực tiếp. Tất cả những cơ chế hoạt động này đều lấy tiền từ người dân Mỹ và chuyển chúng tới người vay - những người sẽ lại gửi chúng vào ngân hàng để chi trả cho các khoản vay của mình, chỉ một phần rất nhỏ của số tiền này được rút từ các khoản thuế, phần còn lại chủ yếu được tạo ra bởi Cục Dự trữ Liên bang. Khi được chuyển trở về ngân hàng, số tiền mới được tạo ra này sẽ nhanh chóng tuồn ra thị trường, nơi chúng hòa lẫn và làm giảm giá trị của tiền tệ sẵn có ở đó. Kết quả là giá cả tăng cao nhưng thực tế lại hạ thấp giá trị của đồng đô-la.
Người dân Mỹ lại chẳng hề nhận ra rằng chính họ đang phải còng lưng trả khoản tiền đó. Họ biết rằng ai đó đang đánh cắp những chiếc chụp trục bánh xe của mình, nhưng lại nghĩ đó là gã thương gia tham lam đang tìm cách nâng giá, hoặc tay công nhân ích kỷ muốn đòi hỏi mức lương cao hơn, hay một bác nông dân xấu tính yêu cầu quá nhiều cho vụ mùa của mình hoặc một người nước ngoài giàu có đấu thầu làm tăng giá. Họ không nhận ra rằng, những nhóm người đó cũng là nạn nhân của một hệ thống tiền tệ với giá trị đang bị ăn mòn triền miên bởi Cục Dự trữ Liên bang.
Sự thiếu hiểu biết của dân chúng về cách thức hoạt động thật sự của trò chơi này đã được thể hiện một cách đầy kịch tính trong suốt chương trình truyền hình mới đây của Phil Donahue, chủ đề chính là khủng hoảng tiết kiệm và vay lãi cùng hàng tỷ đô-la mà người nộp thuế phải chi trả. Một người đàn ông từ hàng ghế khán giả đã đứng lên và giận dữ hỏi rằng: “Tại sao chính phủ không thể thanh toán được những khoản nợ này thay cho người nộp thuế?” Và vị khán giả đó thực sự đã được hàng trăm khán giả khác nhiệt liệt tán thành!
SỰ THỊNH VƯỢNG THÔNG QUA TÌNH TRẠNG PHÁ SẢN
Vì các khoản vay lớn của doanh nghiệp thường được chính phủ liên bang đảm bảo nên mọi người nghĩ rằng những ngân hàng tạo ra những khoản vay đó sẽ không bao giờ gặp rắc rối. Song, nhiều ngân hàng trong số đó vẫn tìm cách đẩy chính mình vào tình trạng phá sản. Như chúng ta sẽ thấy trong phần về nghiên cứu này, tình trạng mất khả năng chi trả thực chất là một đặc tính cố hữu của chính hệ thống này, và nó được gọi là hệ thống ngân hàng dự trữ một phần (fractional-reserve banking).
Tuy nhiên, một ngân hàng có thể hoạt động một cách tương đối tinh vi ở trạng thái phá sản lâu tới mức các khách hàng của nó không thể biết được. Tiền được chuyển vào và bắt đầu được biến đổi từ dạng thức này sang dạng thức khác chỉ bằng các bút toán ghi trong sổ cái, và nghiệp vụ kế toán sáng tạo có thể khiến cho kết quả cuối cùng trông như ở trạng thái cân bằng, vấn đề phát sinh khi các chủ nợ quyết định đến ngân hàng rút tiền với bất kỳ lý do nào. Nhưng “cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”, bởi lúc này ngân hàng không đủ tiền để trả cho họ. Vì vậy, ngân hàng phải đóng cửa, còn các chủ nợ thì vẫn chầu chực bên ngoài và thực sự họ cũng chỉ biết chờ đợi mà thôi.
Giải pháp phù hợp cho tình thế lúc này là yêu cầu các ngân hàng phải thực hiện đúng các hợp đồng của họ giống như tất cả các doanh nghiệp khác. Nếu nói với khách hàng rằng những khoản tiền gửi của họ sẽ “được thanh toán theo nhu cầu” thì các ngân hàng nên duy trì đủ lượng tiền mặt để hoàn thành lời hứa đó bất kể thời gian và số lượng tiền mà khách hàng muốn rút. Hay nói cách khác, các ngân hàng phải duy trì một lượng tiền mặt dự trữ tương ứng với 100% tài khoản của người gửi. Khi đưa mũ cho cô gái giữ mũ và nhận lại biên lai, chúng ta không nghĩ rằng cô ta sẽ đem chiếc mũ đó cho thuê trong khi chúng ta đang ngồi ăn tối với hy vọng rằng sẽ lấy lại mũ - hoặc một chiếc tương tự như thế - vào thời điểm chúng ta rời khỏi nhà hàng. Vì cho rằng tất cả những chiếc mũ này luôn ở nguyên trên giá nên sẽ không có vấn đề gì khi chúng ta muốn lấy lại mũ của mình vào đúng thời điểm cần lấy.
Mặt khác, nếu đem khoản tiền gửi của chúng ta cho người khác vay để chúng ta có thể kiếm được một khoản lãi nhỏ thì ngân hàng cũng nên nói thẳng rằng chúng ta không thể rút tiền theo yêu cầu được. Tại sao không? Bởi vì số tiền đó đã được đem cho vay và hiện không có trong ngân hàng. Những khách hàng thu được lãi từ tài khoản tiền gửi của mình cũng nên được thông báo rằng họ sở hữu các khoản tiền gửi có kỳ hạn chứ không phải các khoản tiền gửi theo yêu cầu vì ngân hàng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định trước khi có thể thu hồi lại số tiền đã cho vay.
Không có gì khó hiểu ở đây, song khách hàng của ngân hàng rất hiếm khi được thông báo về điều này. Họ chỉ biết rằng mình có thể rút lại tiền bất cứ lúc nào có nhu cầu và được trả lãi tương ứng. Thậm chí, nếu họ không nhận được lãi suất thì ngân hàng vẫn nhận được và đây là cách mà quá nhiều dịch vụ khách hàng có thể được cung cấp với rất ít hoặc không mất một khoản chi phí trực tiếp nào. Đôi khi, sự chậm trễ từ ba mươi đến sáu mươi ngày sẽ được đề cập đến như một khả năng có thể xảy ra, nhưng điều đó vô cùng bất hợp lý đối với những khoản tiền gửi đã được chuyển thành những khoản vay có thời hạn mười, hai mươi hoặc ba mươi năm. Và trong hầu hết các trường hợp, các ngân hàng chỉ đơn thuần đang áp dụng chiến thuật rằng mọi thứ sẽ diễn ra tốt đẹp.
Chúng ta sẽ kiểm tra vấn đề này một cách chi tiết hơn trong phần sau, còn lúc này, đủ để biết rằng việc hoàn toàn công khai mọi thứ không phải là cách chơi của các ngân hàng. Cục Dự trữ Liên bang đã hợp pháp hóa cũng như thể chế hóa sự ma mãnh trong việc phát hành nhiều phiếu nhận mũ hơn so với số mũ thực có, và đồng thời vạch ra những phương thức phức tạp để biến nó thành một tính năng chính thức và hoàn toàn hợp lý của ngành ngân hàng. Các sinh viên tài chính được dạy rằng không còn cách nào khác để hệ thống này có thể hoạt động được. Một khi giả thuyết này được chấp nhận thì mọi sự chú ý có thể được tập trung vào không chỉ sự gian lận vốn có mà cả những cách thức lẫn phương tiện để tồn tại cùng với nó cũng như khiến nó trở nên càng ít nghiêm trọng càng tốt.
Dựa trên giả định rằng, chỉ một tỷ lệ nhỏ người gửi tiền muốn rút tiền cùng lúc, Cục Dự trữ Liên bang cho phép các ngân hàng thương mại quốc gia hoạt động với lượng tiền mặt thấp đến mức không thể tin được để bảo đảm cho những lời hứa thanh toán “theo yêu cầu”. Khi ngân hàng bị rút hết tiền mặt và không còn đủ khả năng thực hiện được lời hứa đó, hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ hoạt động với tư cách của người cho vay cứu cánh cuối cùng. Theo ngôn ngữ của ngành ngân hàng, điều này có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng tạo ra tiền từ không khí và ngay lập tức trao nó cho bất kỳ ngân hàng nào đang gặp rắc rối. (Chi tiết về cách thức thực hiện điều đó sẽ được đề cập trong Chương tám.) Nhưng có những giới hạn cụ thể về mức độ hiệu quả và tuổi thọ của quá trình này. Thậm chí Cục Dự trữ Liên bang sẽ không hỗ trợ nếu ngân hàng bị ngập quá sâu vào cảnh nợ nần tới mức không có cơ hội thực sự để thoát ra. Khi các tài sản theo nghiệp vụ kế toán của một ngân hàng trở nên ít hơn các khoản nợ phải trả thì nguyên tắc của trò chơi là chuyển các khoản lỗ sang cho chính những người gửi tiền. Điều này có nghĩa là họ thanh toán hai lần: một lần như những người nộp thuế và lần khác như những người gửi tiền. Cơ chế được dùng để thực hiện điều này có tên gọi là Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC).
LỐI CHƠI CỦA CƠ QUAN BẢO HIỂM TIỀN GỬI LIÊN BANG (FDIC)
FDIC đảm bảo rằng mọi khoản tiền gửi có bảo hiểm đều được hoàn trả bất chấp điều kiện tài chính của ngân hàng đó. Khoản tiền để thực hiện điều này được rút ra từ một quỹ đặc biệt bắt nguồn từ các khoản tiền ấn định đối với các ngân hàng tham gia. Dĩ nhiên là ngân hàng không phải trả những khoản tiền ấn định này. Giống như tất cả các chi phí khác, khoản chi phí lớn này cuối cùng sẽ được chuyển sang cho khách hàng dưới hình thức phí dịch vụ cao hơn và mức lãi suất tiền gửi thấp hơn.
FDIC luôn được mô tả như một quỹ bảo hiểm, nhưng đó là một kiểu quảng cáo dối trá trong hoàn cảnh xấu nhất. Một trong những điều kiện cơ bản của bảo hiểm là phải tránh được những trường hợp mà các công ty bảo hiểm gọi là “nguy hại đạo đức”. Đó là tình huống nơi người có hợp đồng bảo hiểm ít được khuyến khích phòng tránh hoặc ngăn chặn điều đang được bảo hiểm. Khi nguy hại đạo đức này xuất hiện, mọi người thường trở nên bất cẩn và sẽ làm tăng khả năng xảy ra của những điều đang được bảo hiểm. Ví dụ điển hình là một chương trình của chính phủ buộc mọi người phải trả một khoản tiền để thành lập quỹ bảo vệ chính họ khỏi sự tốn kém của các khoản tiền phạt đỗ xe. Thậm chí mọi người không muốn nhắc đến đề xuất ngớ ngẩn này vì lo sợ rằng một số chính trị gia liều lĩnh sẽ quyết định đưa vấn đề ra biểu quyết bằng phiếu kín. Do đó, chúng tôi nhanh chóng kết luận rằng, nếu một kế hoạch ngu ngốc như vậy được thông qua thì có hai trường hợp xảy ra: (1) ngay lập tức mọi người đều có vé phạt đỗ xe và (2), vì lúc này có quá nhiều vé phạt nên các khoản thuế phải trả cho những tấm vé trên sẽ lớn hơn rất nhiều so với chi phí phải trả trước đó mà không cần đến cái gọi là quỹ bảo vệ kia.
FDIC hoạt động đúng theo khuôn mẫu này. Những người gửi tiền được thông báo rằng tài khoản bảo hiểm của họ sẽ được bảo vệ trong trường hợp ngân hàng vỡ nợ. Để thanh toán cho dịch vụ bảo vệ này, mỗi ngân hàng sẽ được ấn định một tỷ lệ phần trăm cụ thể trong tổng lượng tiền gửi vào ngân hàng đó. Tỷ lệ phần trăm này được áp dụng chung cho tất cả các ngân hàng bất kể thành tích trước đây hoặc mức độ rủi ro của các khoản tiền cho vay. Trong những điều kiện như vậy, sự thận trọng cũng chẳng ích gì. Những ngân hàng nào cung cấp các khoản vay liều lĩnh sẽ thu được mức lãi cao hơn so với các ngân hàng thận trọng. Những ngân hàng liều lĩnh này còn có nhiều cơ hội kiếm lợi từ quỹ bảo vệ trên mà không phải bỏ ra một cắc nào. Trong khi đó, các ngân hàng thận trọng lại bị phạt và dần dần được thúc đẩy tạo ra những khoản vay liều lĩnh hơn nhằm bắt kịp các đối thủ cạnh tranh của mình cũng như để có được “thị phần công bằng” trong quỹ bảo vệ đó. Vì thế, nguy hại đạo đức được hình thành trong chính hệ thống này. Giống như việc bảo vệ được áp cho những tấm vé phạt đỗ xe, FDIC sẽ làm tăng khả năng xảy ra của những điều đang được bảo hiểm. Nó không phải là giải pháp mà là một phần của vấn đề.
BẢO HIỂM THỰC SỰ SẼ LÀ ĐIỀU HẠNH PHÚC
Một chương trình bảo hiểm - tiền gửi thực sự với đặc điểm hoàn toàn tự nguyện và hướng các tỷ lệ theo rủi ro thực tế sẽ là một điều hạnh phúc. Những ngân hàng nào có các khoản cho vay cố định trên sổ sách kế toán sẽ có đủ khả năng giành được sự bảo vệ cho những người gửi tiền với tỷ lệ hợp lý bởi vì cơ hội nhận được thanh toán của các công ty bảo hiểm thường rất thấp. Tuy nhiên, những ngân hàng có các khoản cho vay không chính đáng sẽ phải trả theo mức tỷ lệ cao hơn nhiều hoặc có thể sẽ không đủ khả năng bảo vệ được người gửi tiền trong bất kỳ tình huống nào. Do đó, không cần tìm hiểu thêm, người gửi tiền sẽ biết ngay rằng một ngân hàng không có bảo hiểm sẽ là nơi không đáng tin cậy. Để thu hút được các khoản tiền gửi, các ngân hàng cần phải có bảo hiểm. Để được bảo hiểm ở mức tỷ lệ có thể chi trả được, các ngân hàng phải chứng minh với công ty bảo hiểm rằng những vấn đề tài chính của mình đều đạt yêu cầu. Thế nên, những ngân hàng nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu về quy tắc kinh doanh minh bạch sẽ sớm mất hết khách hàng và bị buộc phải đóng cửa. Một chương trình bảo hiểm tư nhân tự nguyện sẽ hoạt động như một bộ máy điều chỉnh đầy quyền năng đối với toàn ngành ngân hàng theo cách hiệu quả và trung thực hơn nhiều so với bất kỳ âm mưu chính trị nào. Tiếc thay, đó không phải là thế giới ngân hàng ngày nay.
“Sự bảo vệ” của FDIC không phải là bảo hiểm theo bất kỳ nghĩa nào của từ này. Nó chỉ là một phần không thể thiếu của một âm mưu chính trị nhằm cứu trợ kinh tế cho những thành viên có thế lực nhất của tổ chức lũng đoạn khi họ gặp khó khăn về tài chính. Như chúng ta vừa thấy, tuyến phòng thủ đầu tiên trong âm mưu này là phải có những khoản vay lớn bị vỡ nợ được hồi sinh nhờ cam kết của Quốc hội về những đồng đô-la tiền thuế. Nếu điều đó thất bại và ngân hàng không thể giấu giếm hơn nữa khả năng phá sản của mình dù đã áp dụng nghiệp vụ kế toán sáng tạo thì gần như chắc chắn rằng những người đi gửi tiền lo lắng sẽ nhanh chóng xếp hàng để rút tiền của mình về - thứ mà chính ngân hàng cũng không có. Vì thế, tuyến phòng thủ thứ hai là phải có bước đệm FDIC và tạo ra những khoản thanh toán đó cho dân chúng.
Dĩ nhiên, các chủ ngân hàng đều không muốn điều này xảy ra. Nó là phương sách cuối cùng. Nếu ngân hàng được giải cứu theo cách này thì ban quản lý của ngân hàng đó sẽ bị sa thải, còn hoạt động kinh doanh của nó sẽ được ngân hàng khác tiếp quản. Hơn nữa, giá trị cổ phiếu sẽ giảm, song điều này sẽ chỉ ảnh hưởng đến những cổ đông nhỏ. Những cổ đông có quyền kiểm soát hay ban quản lý đều biết trước thảm họa sắp xảy ra nên đã nhanh chóng bán ngay cổ phiếu của họ khi giá vẫn còn ở mức cao. Những người gây ra vấn đề này hiếm khi phải gánh chịu những hậu quả kinh tế từ hành động của mình.
FDIC SẼ KHÔNG BAO GIỜ ĐƯỢC CẤP ĐỦ VỐN
FDIC sẽ không bao giờ có đủ tiền để thanh toán khoản nợ tiềm năng của toàn hệ thống ngành ngân hàng. Nếu có sẵn thì khoản tiền đó có thể được chính các ngân hàng nắm giữ và thậm chí một quỹ bảo hiểm là không cần thiết. Thay vào đó, FDIC hoạt động theo giả định giống như các ngân hàng: chỉ có một tỷ lệ phần trăm nhỏ người gửi sẽ cần tiền cùng một lúc. Vì vậy, khoản tiền dự trữ không bao giờ lớn hơn vài phần trăm tổng số nợ phải trả. Thông thường, FDIC giữ lại khoảng 1,2 đô-la trên mỗi 100 đô-la tiền gửi có bảo hiểm. Tuy nhiên, vào thời điểm viết cuốn sách này, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 70 cent và vẫn đang tiếp tục giảm. Điều đó có nghĩa là mức rủi ro tài chính sẽ lớn hơn 99 lần so với mức bảo vệ của mạng lưới an toàn. Vậy nên, chỉ cần một hoặc hai ngân hàng lớn trong hệ thống này bị phá sản thì sẽ quét sạch toàn bộ quỹ đó.
Và thậm chí nó còn trở nên tồi tệ hơn. Mặc dù sổ cái có thể chỉ ra rằng quỹ này đang nắm giữ rất nhiều triệu hoặc tỷ đô-la nhưng đó cũng chỉ là số liệu được tạo ra bằng nghiệp vụ kế toán sáng tạo. Theo luật định, số tiền thu được từ các khoản tiền ấn định của ngân hàng phải được đầu tư vào trái phiếu Kho bạc với ý nghĩa rằng số tiền đó được chính phủ vay và được Quốc hội sử dụng ngay lập tức. Do đó, trong giai đoạn cuối của quá trình này, chính FDIC sẽ bị rút hết tiền để rồi phải quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ của Kho bạc và sau đó là Quốc hội. Dĩ nhiên, đây là hành động của bước đường cùng, nhưng luôn được các phương tiện truyền thông đại chúng quảng bá như dấu hiệu về sức mạnh phi thường của Cục Dự trữ Liên bang. Tờ U.S. New & World Report đã mô tả nó một cách nhẹ nhàng thế này: “Nếu các cơ quan vẫn cần nhiều tiền thì Quốc hội đã thế chấp toàn bộ lòng trung thành và uy tín của chính phủ liên bang.”[3] Đó chẳng phải là điều tuyệt vời hay sao? Bởi nó phần nào khiến cho mọi người cảm thấy rất lạc quan khi biết rằng quỹ được bảo vệ rất tốt.
Hãy cùng xem “toàn bộ lòng trung thành và uy tín của chính phủ liên bang” này thực sự có nghĩa là gì. Vốn đã ngập sâu vào nợ nần nên Quốc hội cũng không còn tiền để trả. Vì không dám công khai tăng các khoản thuế để bù cho sự thâm hụt này nên Quốc hội tạo ra một khoản vay khác bằng cách phát hành thêm nhiều trái phiếu Kho bạc. Dân chúng mua một phần chứng chỉ nợ (IOU) này và Cục Dự trữ Liên bang mua hết số còn lại. Nếu xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ hay lượng tiền vay quá lớn, Cục Dự trữ Liên bang sẽ thu hồi lại toàn bộ lượng phát hành.
Nhưng Cục Dự trữ Liên bang cũng không có tiền. Vì vậy, nó đối phó bằng cách tạo ra một lượng tiền mới từ không khí đúng bằng số lượng chứng chỉ nợ trên, và nhờ phép thuật của ngân hàng trung ương, FDIC cuối cùng đã được cấp vốn. Số tiền mới này được chuyển vào các ngân hàng nhằm thanh toán cho những người gửi tiền. Từ đây, số tiền này sẽ tràn ngập nền kinh tế, làm giảm giá trị của tất cả tiền bạc và khiến cho giá cả tăng cao. Mức thu nhập cũ sẽ không còn có thể mua được nhiều thứ như trước, vì vậy, chúng ta học cách chi tiêu tiết kiệm hơn. Nhưng xem nào? Các ngân hàng lại mở cửa lần nữa và tất cả những người gửi tiền đều vui mừng - cho đến khi họ trở lại với chiếc xe của mình và phát hiện ra rằng chúng đã mất những cái chụp trục bánh xe!
Đó chính là ý nghĩa thật sự của cụm từ “toàn bộ lòng trung thành và uy tín của chính phủ liên bang”.
TỔNG KẾT
Mặc dù có thể mang vẻ bí ẩn và hỗn loạn nhưng các sự kiện tiền tệ quốc gia đều bị chi phối bởi những luật định lâu đời được các chủ ngân hàng và chính trị gia tuân thủ một cách cứng nhắc. Yếu tố chính để hiểu được những sự kiện này là tất cả tiền bạc trong hệ thống ngân hàng đều được tạo ra từ không khí thông qua quy trình hình thành các khoản vay. Vì thế, một khoản vay bị vỡ nợ sẽ khiến ngân hàng tiêu tốn chút ít giá trị hữu hình, nhưng lại được thể hiện trong sổ cái như sự giảm bớt tài sản mà không hề có sự sụt giảm tương ứng nào về các khoản nợ phải trả. Về mặt lý thuyết, nếu những khoản vay xấu vượt quá lượng tài sản thì ngân hàng sẽ mất khả năng thanh toán và bị buộc phải đóng cửa. Do đó, nguyên tắc tồn tại đầu tiên là phải tránh xóa bỏ các khoản vay lớn, khó đòi, và nếu có thể thì ít nhất phải tiếp tục thu được lãi từ chúng. Để làm được điều đó, các khoản vay rủi ro lớn phải được quay vòng và tăng lượng tiền lên. Điều này có nghĩa là đưa tiền cho người vay để họ tiếp tục trả lãi cộng thêm các quỹ mới dành cho việc chi tiêu mới. Vấn đề cơ bản không được giải quyết mà được trì hoãn thêm một thời gian nữa và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Giải pháp cuối cùng thay mặt cho hiệp hội ngân hàng này là nhờ chính phủ liên bang đảm bảo thanh toán khoản vay đó nếu người vay không thể trả được nợ trong tương lai. Điều này được thực hiện bằng việc thuyết phục Quốc hội rằng, nếu không làm thế thì hậu quả sẽ rất lớn đối với nền kinh tế cũng như gây ra nhiều khó khăn cho dân chúng. Từ quan điểm đó, gánh nặng của khoản vay được nhấc ra khỏi sổ cái ngân hàng và chuyển sang cho người nộp thuế. Và nếu cố gắng này thất bại cũng như ngân hàng buộc phải tuyên bố phá sản thì phương sách cuối cùng là dùng tới FDIC để thanh toán cho các chủ nợ. FDIC không phải là công ty bảo hiểm bởi vì sự xuất hiện của “nguy hại đạo đức” sẽ khiến cho điều mà nó có trách nhiệm bảo vệ sẽ nhanh chóng xảy ra. Một phần vốn cấp cho FDIC được rút ra từ chính các khoản tiền được chỉ định cho các ngân hàng. Tuy nhiên, cuối cùng thì các khoản nợ đó vẫn được chính những người gửi tiền thanh toán. Khi những nguồn vốn này hết sạch, Cục Dự trữ Liên bang sẽ tạo ra số dư mới dưới hình thức số tiền được tạo mới hoàn toàn, số tiền này tràn ngập ra thị trường, khiến giá cả tăng cao trong khi thực tế lại hạ thấp giá trị của đồng đô-la. Vì thế, chi phí cuối cùng của sự cứu trợ kinh tế này được chuyển sang cho người dân dưới dạng một khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát.
Vậy là quá nhiều thông tin về luật chơi đã được cung cấp. Ở chương tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét bảng tỷ số của chính trò chơi thực sự này.
Chú thích:
[1] “Hoạt động ngân hàng dựa trên thảm họa” (Banking Against Disaster) của Walter B. Wriston, The New York Times, ngày 14 tháng 9 năm 1982.
[2] “Cho vay nước ngoài … Châm ngòi cho sự đình trệ nghiêm trọng?” (Overseas Lending … Trigger for A Severe Depression?) The Banking Safety Digest (U.S. Business Publishing/Veribanc, Wakefield, Massachusetts), tháng Tám năm 1989, trang 3.
[3] “Mức độ an toàn của các khoản tiền gửi trong các ngân hàng và tổ chức S&L yếu kém?” (How Safe Are Deposits in Ailing Banks, S&L’s) - U.S. News & World Report, ngày 25 tháng 3 năm 1985, trang 73.
Chương 3
Những người bảo vệ dân chúng
Trò chơi có tên gọi Sự cứu trợ kinh tế thực sự được áp dụng cho những trường hợp cụ thể gồm Penn Central, Lockheed, thành phố New York, Chrysler, Ngân hàng Khối thịnh vượng chung thuộc Detroit, Ngân hàng First Pennsylvania, Continental Illinois và nhiều tổ chức khác.
Trong chương trước, chúng tôi đã sử dụng hình ảnh so sánh khác thường của một trận đá bóng nhằm làm rõ thủ đoạn của các nhà khoa học tiền tệ và chính trị trong kế hoạch cứu trợ kinh tế cho những ngân hàng thương mại có liên quan đến một hiệp hội có tên gọi là Cục Dự trữ Liên bang. Mối đe dọa trong cách tiếp cận này là nó có thể tạo ấn tượng rằng đây là chủ đề phù phiếm. Vì vậy, chúng ta hãy bỏ qua hình ảnh so sánh trên và quay về thực tế. Ở phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về luật chơi giả định, giờ là lúc kiểm tra bảng tỷ số của chính trò chơi thực sự này, và sẽ thấy rõ rằng đây không phải là vấn đề tầm thường. Hãy bắt đầu bằng cuộc giải cứu một tổ hợp ngân hàng đang nắm giữ những khoản vay đầy nguy hiểm của Công ty đường sắt Penn Central.
PENN CENTRAL
Penn Central là công ty đường sắt lớn nhất nước Mỹ với 96.000 nhân viên và tổng số tiền lương phải trả mỗi tuần là 20 triệu đô-la. Năm 1970, công ty này cũng đã đối mặt với vụ phá sản lớn nhất quốc gia. Penn Central ngập sâu trong nợ nần với gần như bất kỳ ngân hàng nào sẵn sàng cho vay, và danh sách này bao gồm Chase Manhattan, Morgan Guaranty, Manufacturers Hanover, First National City, Chemical Bank và Continental Illinois. Các quan chức của hầu hết những ngân hàng này đã được bổ nhiệm vào ban giám đốc của Penn Central và dần dần giành quyền kiểm soát công ty đường sắt này. Những ngân hàng này cũng nắm giữ phần lớn cổ phiếu của Penn Central trong các phòng tín thác của mình.
Sự sắp xếp này diễn ra thuận lợi theo nhiều cách, nhất là việc các chủ ngân hàng đang nắm giữ các vị trí trong ban giám đốc được tiếp cận thông tin bí mật rất lâu trước khi công chúng biết đến, và điều đó sẽ tác động đến giá cổ phiếu của công ty này trên thị trường. Trong cuốn The Last Days of the Club (Tạm dịch: Những ngày cuối cùng của Câu lạc bộ),Chris Welles mô tả điều đã xảy ra như sau:
Ngày 21 tháng Năm, một tháng trước khi Penn Central phá sản, David Bevan, giám đốc tài chính của công ty này đã thông báo riêng với đại diện các ngân hàng chủ nợ của mình rằng, vì điều kiện tài chính quá yếu nên công ty phải tạm hoãn nỗ lực huy động 100 triệu đô-la nguồn vốn cần thiết thông qua một đợt phát hành trái phiếu. Thay vào đó, Bevan cho rằng, công ty sẽ phải tìm kiếm một hình thức đảm lãnh từ phía chính phủ. Hay nói cách khác, công ty đường sát này sẽ phải đóng cửa nếu không nhờ vào sự cứu trợ kinh tế liên bang. Ngay ngày hôm sau, phòng tín thác của Chase Manhattan đã bán ra 134.300 cổ phiếu của Penn Central mà ngân hàng này đang nắm giữ. Trước ngày 28 tháng Năm, khi dân chúng được thông báo về việc tạm hoãn phát hành trái phiếu, Chase đã bán tiếp 128.000 cổ phiếu nữa. Song chính David Rockefeller, chủ tịch Chase Manhattan đã hùng hồn bác bỏ việc ngân hàng này hành động dựa trên thông tin nội bộ.[1]
Một điều nữa cần bổ sung cho quan điểm này là hầu như tất cả các quyết định quản lý quan trọng dẫn đến sự phá sản của Penn Central đều được đưa ra hoặc có sự can thiệp của ban giám đốc công ty, hay nói đúng hơn là các ngân hàng cho công ty vay tiền. Nói cách khác, các chủ ngân hàng này không gặp rắc rối do sự quản lý yếu kém của Penn Central mà chính họ là ban quản lý yếu kém đó. Năm 1972, một cuộc điều tra được tiến hành bởi Nghị sĩ Quốc hội Wright Patman, chủ tịch ủy ban Tiền tệ và Ngân hàng đã khám phá ra điều này: Các ngân hàng cung cấp những khoản vay lớn cho các dự án mở rộng và đa dạng hóa ẩn chứa nhiều tai ương. Sau đó, các ngân hàng còn cho vay thêm hàng triệu đô-la để công ty đường sắt này có thể thanh toán cổ tức cho các cổ đông. Điều này tạo ra một vẻ ngoài giả tạo về sự thịnh vượng cũng như thổi phồng giá trị thị trường của cổ phiếu Penn Central trong một thời gian đủ dài để trút nó lên vai người dân vô tội. Do đó, các nhà quản lý -và cũng là các chủ ngân hàng - có thể tạo ra một công thức vận may cho chính mình theo ba hướng: (1) vẫn nhận cổ tức trên những cổ phiếu vô giá trị; (2) thu lãi từ các khoản vay được dùng vào việc thanh toán những cổ tức trên; và (3) có thể nâng 1,8 triệu cổ phiếu - dĩ nhiên là sau khi đã chia cổ tức - lên mức giá cao khác thường.[2] Báo cáo của ủy ban chứng khoán Mỹ đã chỉ ra rằng các nhà điều hành cấp cao của công ty này đã tống khứ cổ phiếu của họ theo cách này dưới dạng tiền tiết kiệm cá nhân trị giá hơn một triệu đô-la.[3]
Nếu công ty đường sắt này được phép tuyên bố phá sản tại thời điểm đó và bị buộc phải bán tháo tài sản của mình thì các chủ ngân hàng vẫn được bảo vệ. Trong bất kỳ trường hợp thanh lý nào, các chủ nợ sẽ được thanh toán trước, cuối cùng mới đến các cổ đông; vì vậy, những kẻ nắm quyền thao túng này đã nhanh chóng bán gần hết số cổ phiếu của mình khi giá còn ở mức khá cao. Đây là phương thức hoạt động phổ biến của những kẻ chuyên sử dụng các nguồn vốn vay để giành quyền kiểm soát một công ty, làm thất thoát tài sản của công ty sang những doanh nghiệp mà họ cũng đang nắm quyền kiểm soát và rồi đẩy món nợ chung thân đó lên vai các cổ đông còn lại hoặc trong trường hợp này chính là những người nộp thuế.
DÂN CHÚNG BỊ ĐỌA ĐÀY
Trong bức thư chuyển công văn kèm theo báo cáo của ban cố vấn, Nghị sĩ Quốc hội Patman đã đưa ra bản tóm tắt sau:
Cứ như thể mọi người đều là thành viên của một câu lạc bộ khép kín, nơi Penn Central và các giới chức của mình có thể nhận được các khoản vay cho hầu hết những gì họ mong muốn nhằm phục vụ cho cả công ty lẫn mục đích cá nhân với chỉ vài ba câu hỏi, nơi các ông chủ ngân hàng đang nắm giữ các vị trí trong Ban Giám đốc thực sự chẳng hề bận tâm hỏi xem điều gì đang diễn ra, chỉ đơn giản cho phép ban quản lý phá hủy cả công ty, đầu tư vào các hoạt động mờ ám và trong một số trường hợp còn tham gia vào các vụ làm ăn phi pháp. Những ngân hàng này lần lượt nắm giữ gần hết hoạt động kinh doanh béo bở của công ty. Trong khi cuộc chơi vẫn đang diễn ra, mọi người dường như đều có thái độ cho rằng tất cả những thỏa thuận này đều có lợi cho mọi thành viên của câu lạc bộ, còn công ty đường sắt và dân chúng thì bị đọa đày.[4]
Liên minh ngân hàng, thường được gọi là Cục Dự trữ Liên bang, được tạo ra cho chính hoạt động cứu trợ kinh tế này. Arthur Burns - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang - hẳn đã muốn trực tiếp cung cấp số tiền vừa được tạo ra nhưng điều đó đi ngược lại với các quy tắc lúc bây giờ. Chính ông ta đã nói rằng: “Mọi thứ đều thất bại. Theo luật định, chúng tôi không thể cho chính họ vay số tiền đó … tôi đã phải thực hiện điều này theo những cách khác.”[5]
Cơn khủng hoảng tiền mặt của công ty này đã lên đến đỉnh điểm vào ngày cuối tuần, và cốt để tránh việc công ty buộc phải đệ đơn xin phá sản vào sáng thứ Hai, Burns đã gọi điện đến nhà của các giám đốc ngân hàng Dự trữ Liên bang khắp nước Mỹ để yêu cầu họ phải công bố ngay rằng Cục Dự trữ Liên bang tha thiết muốn giúp đỡ công ty. Vào ngày chủ nhật, William Treiber, Phó chủ tịch thứ nhất chi nhánh New York của Cục Dự trữ Liên bang, đã liên hệ với các giám đốc điều hành của mười ngân hàng lớn nhất ở New York và nói với họ rằng chính sách cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang sẽ mở cửa vào sáng hôm sau. Điều này có nghĩa là Cục Dự trữ Liên bang đã sẵn sàng để tạo ra tiền từ không khí và sau đó lập tức trao số tiền này cho các ngân hàng thương mại để họ làm cho nó sinh sôi nảy nở hoặc trao cho Penn Central và các công ty khác vay, chẳng hạn như Chrysler, những đơn vị có hoàn cảnh tuyệt vọng như nhau.[6] Hơn nữa, mức lãi suất mà Cục Dự trữ Liên bang đưa ra cho những khoản vay này có giá trị đủ thấp để bù đắp cho rủi ro. Phát biểu về những gì đã xảy ra vào ngày thứ Hai định mệnh đó, Burns khoác lác: “Tôi đã họp với ban giám đốc suốt cả ngày để thay đổi điều lệ sao cho tiền có thể được chuyển vào các Chứng chỉ Tiền gửi tại các ngân hàng.” Khi nhìn lại sự kiện này, Chris Welles đã mô tả nó một cách hài lòng như “điều được tạo ra bởi sự chấp thuận của Cục Dự trữ Liên bang vào thời điểm thích hợp nhất.”[7]
Dù có thích hợp hay không thì các ngân hàng cũng không bận tâm đến đề xuất đó trừ phi có thể chắc chắn rằng người nộp thuế sẽ cùng ký tên bảo đảm thanh toán các khoản vay. Vì vậy, hành động này chắc chắn được chuyển sang cho Quốc hội: Các nhà điều hành của Penn Central, giám đốc ngân hàng và đại diện công đoàn cùng tham gia giải thích về lợi ích của việc duy trì sự tồn tại của công ty đường sắt này đối với dân chúng, tầng lớp lao động và chính nền kinh tế. Bộ Hải quân đã lên tiếng bảo vệ “tài nguyên quốc phòng” của quốc gia. Dĩ nhiên, Quốc hội không thể nhẫn tâm lờ đi những yêu cầu thúc bách của đất nước, vì vậy đã chỉ thị tăng mức tiền lương cho người lao động lên 13,5%. Sau khi làm tăng thêm gánh nặng về tình trạng thất thoát tiền mặt của công ty đường sắt và thậm chí đẩy nó vào hố sâu nợ nần, Quốc hội liền thông qua Đạo luật Dịch vụ Đường sắt Khẩn cấp năm 1970 cho phép đảm bảo khoản vay liên bang trị giá 125 triệu đô-la.[8]
Dĩ nhiên, chẳng có phần nào trong đạo luật này giải quyết được vấn đề cơ bản trên hay thực sự muốn làm điều đó. Hầu hết mọi người đều biết rằng, cuối cùng, công ty đường sắt sẽ được “quốc hữu hóa”, đây chính là uyển ngữ cho việc trở thành cái hố đen hút những đồng đô-la tiền thuế. Điều này đã dẫn đến sự ra đời của AMTRAK năm 1971 và CONRAIL năm 1973. AMTRAK đã tiếp quản các dịch vụ hành khách của Penn Central, còn CONRAIL đảm nhiệm các dịch vụ vận chuyển hàng hóa. CONRAIL là một công ty tư nhân, nhưng khi được thành lập, 85% cổ phiếu của nó do chính phủ nắm giữ, phần còn lại là của người lao động. May mắn thay, cổ phiếu của chính phủ đã được chào bán ra công chúng vào năm 1987.
AMTRAK tiếp tục hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ và thua lỗ. Nó được duy trì nhờ vào những khoản trợ cấp của chính phủ, mà đúng hơn là tiền của những người nộp thuế. Năm 1998, Quốc hội đã rót vào công ty này 21 tỷ đô-la và đến năm 2002, nó đã tiêu tốn hơn 200 triệu đô-la tiền thuế mỗi năm. Vào năm 2005, Amtrak yêu cầu tăng mức trợ cấp lên 1,8 tỷ đô-la mỗi năm. Trong khi đó, từ lúc chuyển sang ngạch tư nhân, CONRAIL đã trải nghiệm được sự thay đổi đầy ấn tượng và làm ăn có lãi - thanh toán các khoản thuế thay cho việc tiêu tốn chúng.
LOCKHEED
Cũng trong năm 1970, Tập đoàn Lockheed - nhà thầu vũ khí lớn nhất quốc gia - đang lao đao trên bờ vực phá sản. Ngay lập tức, Ngân hàng Mỹ và một số ngân hàng nhỏ khác liền cho Gã khổng lồ này vay tới 400 triệu đô-la mà chẳng hề bận tâm đến việc mất dòng thu nhập lãi từ khoản tiền dồi dào đó hay lo lắng rằng một khoản tài sản lớn như vậy sẽ biến mất khỏi sổ cái của mình. Khi đến thời điểm thích hợp, các ngân hàng này cùng với ban quản lý, các cổ đông và cả công đoàn lao động của Lockheed đã kiến nghị lên Washington. Các chính trị gia đáng mến được thông báo rằng, nếu Lockheed được phép tuyên bố phá sản thì sẽ có 31.000 người rơi vào cảnh thất nghiệp, hàng trăm nhà thầu nhỏ bị thua lỗ, hàng ngàn nhà cung cấp buộc phải tuyên bố phá sản và nền an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa hết sức nghiêm trọng. Điều mà công ty cần lúc này chính là vay được càng nhiều tiền càng tốt. Song, do tình hình khó khăn về tài chính của công ty hiện nay nên không một ai sẵn lòng cho vay. Câu trả lời thế nào? Hết sức đơn giản, vì lợi ích của việc bảo vệ nền kinh tế và an ninh quốc gia nên rõ ràng chính phủ phải cung cấp tiền mặt hoặc tín dụng.
Trước tình hình đó, một kế hoạch cứu trợ kinh tế nhanh chóng được Bộ trưởng Tài chính John B. Connally đưa ra nhằm cung cấp tín dụng cho công ty này. Chính phủ chấp nhận đảm bảo thanh toán cho những khoản vay bổ sung lên đến 250 triệu đô-la - khoản tiền đã đẩy Lockheed lún sâu hơn nữa vào cái hố nợ nần tới 60%. Song lúc này, điều đó cũng chẳng tạo nên sự khác biệt nào. Một khi người nộp thuế đã cùng ký vào tài khoản thì các ngân hàng không còn mối lo ngại nào về việc cho vay các khoản tiền đó nữa.
Phần không thực sự minh bạch của câu chuyện này là chính phủ giờ đây đã có được một động lực mạnh mẽ để chắc chắn rằng Lockheed sẽ được trao càng nhiều hợp đồng quốc phòng càng tốt và những hợp đồng này sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận. Đây là cách gián tiếp trả hết nợ cho các ngân hàng bằng những đồng đô-la tiền thuế, nhưng được thực hiện theo cách không làm khuấy động sự căm phẫn của dân chúng. Các nhà thầu vũ khí khác từng hoạt động hiệu quả hơn sẽ bị phá sản, nhưng điều đó có thể không được chứng minh. Hơn nữa, một khoản gia tăng nhỏ trong chi phí quốc phòng cũng ít bị chú ý.
Đến năm 1977, quả thực Lockheed đã hoàn trả khoản vay này và sự việc đó đã được quảng cáo rộng rãi như bằng chứng về trí tuệ và kỹ năng của tất cả những người chơi, kể cả trọng tài và ủy viên hội đồng trò chơi. Tuy nhiên, bản phân tích sâu hơn cho thấy điều này chứa đựng tới hai sự thật. Thứ nhất, không hề có bằng chứng nào cho thấy hoạt động của Lockheed trở nên có lãi trong suốt những năm đó. Thứ hai, số tiền được dùng để trả cho các khoản vay đều được lấy từ các hợp đồng vũ khí mà chính phủ đã trao cho lúc trước nhằm đảm bảo cho những khoản vay này. Theo thỏa thuận như vậy thì việc những khoản vay này được hoàn trả hay không cũng chẳng có gì khác biệt. Dù thế nào thì người nộp thuế vẫn phải còng lưng ra trả khoản tiền đó.
THÀNH PHỐ NEW YORK
Mặc dù không phải là một tập đoàn theo nghĩa thông thường nhưng trong nhiều phương diện, chính quyền thành phố New York đã hoạt động với chức năng đó, đặc biệt về khía cạnh nợ nần.

Năm 1975, New York đã lâm vào cảnh bí bách về tín dụng và thậm chí không đủ khả năng trả lương cho nhân viên. Nguyên nhân không có gì bí ẩn. Chính quyền New York từ lâu đã là bang phúc lợi xã hội, và sự thành công về chính trị từ trước đến nay là nhờ vào những lời hứa về phúc lợi và trợ cấp cho “người nghèo”. Chẳng có gì ngạc nhiên khi thành phố này còn nổi tiếng là nơi thối nát về chính trị và quan liêu gian lận. Trong khi mức tuyển dụng lao động trung bình của một thành phố lớn là 31 người trên mỗi 1.000 dân cư thì ở New York, con số này là 49 người, vượt quá 58%. Mức lương của những nhân viên này còn cao hơn rất nhiều so với những người làm trong lĩnh vực tư nhân. Trong khi một chuyên viên kỹ thuật X quang tại một bệnh viên tư nhân kiếm được 187 đô-la mỗi tuần thì một người gác cổng cho thành phố nhận được 203 đô-la. Một nhân viên thu ngân ở ngân hàng trung bình kiếm được 154 đô-la mỗi tuần thì với thời gian đó, một người quét dọn tàu điện ngầm thành phố nhận được 212 đô-la. Và nhiều khoản phúc lợi khác của thành phố thực sự còn cao gấp đôi so với lĩnh vực tư nhân trong cùng bang. Ngoài những khoản tiền chất cao như núi này là các khoản chi phí bổ sung cho giáo dục đại học miễn phí, trợ cấp nhà ở, chăm sóc sức khỏe miễn phí và rất nhiều chương trình phúc lợi khác.
Các khoản thuế của thành phố thực sự không tài nào đủ để trang trải chi phí cho những điều không tưởng này thêm được nữa. Thậm chí sau khi chuyển những khoản thanh toán từ Albany và Washington cộng với các khoản thuế bang và liên bang, dòng chi vẫn lớn hơn dòng thu rất nhiều. Lúc này chỉ còn ba lựa chọn: tăng các khoản thuế thành phố, giảm chi phí hoặc đi vay nợ. Sự lựa chọn chẳng bao giờ bị nghi ngờ quá mức. Năm 1975, New York đã phát hành quá nhiều trái phiếu tới mức thị trường bị bão hòa và không còn có thể tìm được người cho vay nào nữa. Hai tỷ đô-la nợ được nắm giữ bởi một nhóm nhỏ ngân hàng với sự kiểm soát của Chase Manhattan và Citicorp.
Khi việc thanh toán lãi của những khoản vay này dừng lại thì cũng là lúc hành động nghiêm túc xảy ra. Các chủ ngân hàng cùng với các ủy viên hội đồng thành phố lặn lội đến Washington và trình bày hoàn cảnh của mình trước Quốc hội. Họ cùng nói rằng thành phố rộng nhất thế giới này không được phép phá sản, nếu không, các dịch vụ cốt yếu sẽ bị ngưng trệ cũng như hàng triệu người sẽ bị đẩy ra đường mà không biết đi về đâu, thậm chí cũng chẳng có được sự bảo vệ của cảnh sát. Tình trạng nghèo đói, bệnh tật và cả tội phạm sẽ nhanh chóng bao trùm toàn thành phố, trở thành nỗi ô nhục đối với nước Mỹ. David Rockefeller, chủ tịch của Chase Manhattan, đã thuyết phục bạn mình là Helmut Schmidt, Thủ tướng Tây Đức, đưa ra lời tuyên bố với các phương tiện truyền thông đại chúng rằng tình trạng bất hạnh này ở New York có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng tài chính ở cấp quốc tế.
Một cách đầy hiểu biết, Quốc hội không muốn để New York trở thành nơi hỗn loạn, một nỗi ô nhục đối với nước Mỹ cũng như châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính khắp toàn cầu. Vì vậy, tháng Chạp năm 1975, Quốc hội đã thông qua một dự thảo ủy quyền cho Bộ Tài chính cấp cho thành phố New York những khoản vay trực tiếp lên đến 2,3 tỷ đô-la, một khoản tiền nhiều gấp đôi tổng số nợ hiện tại của nó trong các ngân hàng. Các khoản trả lãi cho những món nợ cũ ngay lập tức được phục hồi. Dĩ nhiên, tất cả số tiền này lúc đầu phải được Quốc hội vay, mà bản thân Quốc hội cũng đang ngập sâu trong nợ nần. Và hầu hết số tiền đó đều được Cục Dự trữ Liên bang tạo ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, bằng cách lấy từ người nộp thuế thông qua sự suy giảm về sức mua được gọi là lạm phát, nhưng ít ra các ngân hàng có thể được hoàn trả tiền, và đây chính là mục đích của trò chơi.
Có một số hạn chế đi kèm với khoản vay này, bao gồm một chương trình thắt lưng buộc bụng và chương trình hoàn trả có hệ thống nhưng không có điều kiện nào trong số này được thực hiện như đã định. Vì thế, thành phố New York vẫn tiếp tục trở thành một nơi không tưởng về phúc lợi xã hội cũng như không chắc bao giờ sẽ thoát khỏi nợ nần.
CHRYSLER
Đến năm 1978, Tập đoàn Chrysler cũng ngấp nghé bờ vực phá sản. Nó đã phải nhiều lần quay vòng khoản nợ của mình với các ngân hàng và trò chơi đang gần đến hồi kết. Bất chấp lệnh cấm vận về dầu lửa của OPEC từng đẩy giá xăng dầu lên cao và nhu cầu nhập khẩu các dòng xe hơi loại nhỏ ngày càng tăng, công ty vẫn tiếp tục sản xuất những chiếc xe “uống xăng” truyền thống. Lúc này, Chrysler phải đối mặt với lượng xe tồn kho rất lớn và khoản nợ khổng lồ đã vay để sản xuất ra số xe đó.
Sự trùng hợp về thời gian càng khiến cho mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với các mức lãi suất cao ngất, và cùng với nỗi lo sợ về sự dính dáng của quân đội Mỹ tại Cam-pu-chia, điều này đã dẫn đến sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, các ngân hàng ngày càng thắt chặt tín dụng và một trong những trường hợp hiếm thấy của lịch sử hiện đại là chính những người tạo ra tiền cũng phải đi lùng sục tiền.
Chrysler cần thêm tiền mặt để duy trì hoạt động kinh doanh chứ không quan tâm đến việc vay đủ tiền để trả lãi cho những khoản vay hiện tại. Để việc tham gia trò chơi thêm phần giá trị, công ty muốn vay thêm hơn một tỷ đô-la. Nhưng trong bối cảnh kinh tế lúc bây giờ, các ngân hàng khó có thể tạo ra được bất kỳ khoản tiền nào tương đương với mức đó.
Các nhà quản lý, chủ ngân hàng cùng lãnh đạo công đoàn đều nhận thấy mục tiêu chung ở Washington. Nếu một trong những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ phải tuyên bố phá sản thì hãy nghĩ đến nỗi khó nhọc mà hàng ngàn công nhân và gia đình họ phải gánh chịu, hãy cân nhắc về sự thiệt hại đối với nền kinh tế khi nạn thất nghiệp lan tràn khắp đất nước; nỗi lo sợ khi nghĩ đến sự thất bại trên thị trường ô tô của hai thay vì ba thương hiệu lớn như hiện nay.
Đúng vậy, không lẽ Quốc hội sẽ bị khiển trách vì không muốn đẩy những gia đình vô tội vào cảnh nghèo đói, đảo lộn nền kinh tế quốc gia cũng như từ chối quyền tự do lựa chọn theo Hiến pháp của mọi người? Vì vậy, một dự luật được thông qua chỉ định Bộ Tài chính đảm bảo cấp cho Chrysler các khoản vay mới lên đến 1,5 tỷ đô-la. Các ngân hàng đồng ý xóa những khoản vay cũ 600 triệu đô-la của mình và chuyển một khoản bổ sung 700 triệu đô-la sang cổ phiếu ưu đãi. Cả hai biện pháp này đều được quảng cáo như bằng chứng cho thấy rằng các ngân hàng đang lâm vào tình trạng thua lỗ khủng khiếp nhưng vẫn sẵn sàng chấp nhận cốt để cùng bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giá trị của cổ phiếu được chuyển đổi cho khoản nợ không thể thu hồi trước đó đã tăng một cách đột biến sau khi bản thỏa thuận được công bố. Hơn nữa, không chỉ các khoản thanh toán lãi cho các khoản vay cũ được phục hồi mà chính các ngân hàng lúc này cũng đã thay thế phần được xóa nợ bằng những khoản vay mới và đây là những khoản vay có chất lượng vượt trội bởi chúng hoàn toàn được bảo đảm bởi những người nộp thuế. Vì vậy, bất kể những khoản nợ tồi trước đó, sự đảm bảo này quý giá đến mức Chrysler vẫn có thể nhận được các khoản vay với mức lãi suất 10,35%, trong khi Ford, đối thủ cạnh tranh có tiềm lực hơn nhiều, đã phải trả với mức lãi suất 13,5%. Việc áp dụng mức lãi suất chênh nhau tới 3,15% cho 1,5 tỷ đô-la với số dư giảm dần chỉ trong sáu năm sẽ tạo ra một khoản tiết kiệm hơn 165 triệu đô-la. Đó là con số dự đoán khiêm tốn về quy mô trợ cấp của liên bang. Thế nhưng, giá trị thực của nó lớn hơn nhiều bởi nếu không có khoản tiền đó thì công ty sẽ phải ngưng hoạt động, còn các ngân hàng sẽ phải chịu lỗ cho hầu hết toàn bộ khoản vay này.
CƠ QUAN BẢO HIỂM TIỀN GỬI LIÊN BANG
Như đã đề cập ở chương trước, FDIC không phải là một chương trình bảo hiểm thực sự bởi nó đã được chính trị hóa và hiện thân cho nguyên tắc về nguy hại đạo đức đồng thời làm tăng khả năng vỡ nợ của ngân hàng.
FDIC có ba lựa chọn khi thực hiện cứu trợ kinh tế cho một ngân hàng phá sản. Thứ nhất được gọi là trả hết, tức là phải thanh toán hết cho những người gửi tiền có bảo hiểm và sau đó để cho các đơn vị thanh lý quyết định số phận của ngân hàng. Đây là sự lựa chọn thường được các ngân hàng nhỏ sử dụng khi không bị ảnh hưởng chính trị. Khả năng thứ hai được gọi là bán hết, nghĩa là phải đạt được các thỏa thuận với ngân hàng lớn hơn để họ chịu gánh lấy tất cả các tài sản thực cũng như các khoản nợ hiện tại của ngân hàng bị phá sản. Như vậy, các dịch vụ ngân hàng sẽ không bị gián đoạn và ngoài việc thay đổi tên ngân hàng thì hầu hết khách hàng đều không hề nhận biết về giao dịch này. Sự lựa chọn này thường được sử dụng cho các ngân hàng nhỏ và vừa. Và trong cả hai lựa chọn trên, FDIC đều tiếp quản các khoản vay xấu của ngân hàng bị phá sản đồng thời cung ứng tiền để thanh toán cho những người gửi tiền có bảo hiểm.
Lựa chọn thứ ba được gọi là cứu trợ kinh tế và đây là một trong những điều mà chúng ta nên đặc biệt quan tâm. Irvine Sprague, nguyên giám đốc của FDIC đã giải thích: “Trong cứu trợ kinh tế, ngân hàng không bị đóng cửa và mọi người - dù có bảo hiểm hay không - đều được bảo vệ đầy đủ… Đặc quyền này chỉ được FDIC áp dụng với một số ít đơn vị được lựa chọn.”[9]
Theo Sprague thì điều này hoàn toàn hợp lý bởi mọi người -dù có bảo hiểm hay không - đều được bảo vệ đầy đủ. Những ngân hàng bao gồm số ít ngân hàng được lựa chọn đó thường là những tổ chức lớn. Chỉ khi số tiền gặp rủi ro lớn tới mức làm tê liệt cả suy nghĩ thì sự cứu trợ kinh tế mới có thể được ngụy trang thành hành động bảo vệ dân chúng. Sprague phát biểu:
Đạo luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment Act - FDI Act) cho phép ban giám đốc của FDIC toàn quyền ngăn chặn sự phá sản của một ngân hàng bằng bất cứ giá nào. FDIC chỉ cần khiến cho việc phát hiện ra ngân hàng được bảo hiểm đang có nguy cơ phá sản là “cần thiết để cung cấp dịch vụ ngân hàng thích đáng trong cộng đồng của mình”… Các thành viên ban giám đốc của FDIC không muốn tạo ra sự nhận biết về tính thiết yếu trừ phi họ cảm nhận được một mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng đối với hệ thống tài chính quốc gia.[10]
Sự thiên vị đối với các ngân hàng lớn được thể hiện rõ ở nhiều cấp độ. Một trong số đó là, trong một cuộc cứu trợ kinh tế, FDIC đứng ra bảo đảm tất cả các khoản tiền gửi cho dù chúng có được bảo hiểm hay không. Điều này thực sự quan trọng bởi vì các ngân hàng chỉ thanh toán một khoản ấn định dựa trên những khoản tiền được bảo hiểm. Vì vậy, nếu những khoản tiền gửi không được bảo hiểm cũng được thanh toán thì mức bảo hiểm đó hoàn toàn miễn phí - hay nói chính xác hơn là được một người nào đó thanh toán. Vậy những khoản tiền gửi nào không được bảo hiểm? Đó là những khoản tiền vượt quá 100.000 đô-la hay những khoản tiền gửi của nước ngoài. Thế những ngân hàng nào nắm giữ hầu hết các khoản tiền này? Dĩ nhiên là các ngân hàng lớn, cụ thể là những ngân hàng mở rộng hoạt động ở nước ngoài.[11] Kết quả là các ngân hàng lớn luôn có mức bảo hiểm miễn phí mỗi khi được cứu trợ kinh tế bởi các tài khoản không được bảo hiểm của họ sẽ được FDIC sẽ thanh toán, còn chi phí của việc đó sẽ được đẩy sang cho các ngân hàng nhỏ hơn và người nộp thuế. Đây không phải là trường hợp bỏ sót. Một phần của kế hoạch tại đảo Jekyll là tạo ra một tình huống cạnh tranh khó khăn cho các ngân hàng lớn.
NGÂN HÀNG UNITY
Trên thực tế, lần áp dụng đầu tiên của nguyên tắc then chốt FDIC là một trường hợp ngoại lệ. Năm 1971, khi Unity Bank & Trust Company tại thành phố Roxburry thuộc Boston nhận thấy mình hoàn toàn không còn khả năng trả nợ thì cơ quan liên bang đã vào cuộc. Đây là điều được tìm thấy: Vốn của Unity đã bị rút cạn, phần lớn các khoản cho vay của nó đều là nợ khó đòi, các biện pháp đòi nợ rất yếu kém, còn đội ngũ nhân viên thì đại diện cho những gì tồi tệ nhất: quá thừa thãi và thiếu kinh nghiệm. Theo báo cáo thì cứ một công việc có đến hai người làm nhưng không người nào có kiến thức nghiệp vụ về nó cả.
Chỉ với 11,4 triệu đô-la trên sổ sách kế toán của mình thì đây được coi là ngân hàng nhỏ theo các tiêu chuẩn hiện hành. Thông thường, những người gửi tiền sẽ được nhận lại tiền của mình, còn các cổ đông - giống như chủ sở hữu của bất kỳ dự án kinh doanh thất bại nào - sẽ bị mất khoản đầu tư của mình. Chính bản thân Sprague cũng đã thừa nhận: “Nếu nguyên tắc thị trường có bất kỳ ý nghĩa nào thì các cổ đông sẽ trở nên trắng tay khi ngân hàng phá sản. Sự trợ giúp của chúng tôi sẽ có tác dụng… cứu sống các cổ đông này bằng chi phí của chính phủ.”[12] Nhưng với Unity lại khác. Ngân hàng này nằm trong khu vực sinh sống của người da đen và thuộc sở hữu của tộc người thiểu số. Giống như những trường hợp khi các cơ quan chính phủ được trao quyền thực thi tùy ý, các quyết định được đưa ra dựa trên áp lực chính trị hơn là lập luận hoặc công trạng, và Unity là một ví dụ hoàn hảo về điều này. Năm 1971, văn phòng Quốc hội vẫn bị ám ảnh bởi bóng ma bạo loạn trong cộng đồng những người da đen ở đây. Liệu có phải FDIC cho phép ngân hàng này tuyên bố phá sản và đổ trách nhiệm cho những cuộc bạo loạn và thanh toán đẫm máu không? Sprague trả lời:
Cả tôi lẫn Wille [một giám đốc khác] đều không gặp bất kỳ rắc rối nào khi xem xét vấn đề của ngân hàng này trong bối cảnh xã hội bao quát hơn bởi chúng tôi luôn sẵn sàng tìm kiếm giải pháp đầy tính sáng tạo… Biểu quyết của tôi trong vấn đề tạo ra việc nhận thấy “sự thiết yếu” để cứu lấy ngân hàng nhỏ này có thể đã được định trước, một di sản không thể tránh khỏi của dòng họ Watts… Chính những cuộc bạo loạn của dòng họ Watts đã làm bùng lên học thuyết “thiết yếu” này.[13]
Ngày 22 tháng 7 năm 1971, FDIC tuyên bố rằng Ngân hàng Unity cần phải tiếp tục hoạt động và được bơm trực tiếp khoản tiền 1,5 triệu đô-la. Mặc dù khoản tiền đó xuất hiện trong sổ cái của cơ quan này như một khoản vay, song chẳng ai thực sự mong chờ được hoàn trả. Năm 1976, bất chấp bản báo cáo của chính đội ngũ nhân viên FDIC rằng các hoạt động của ngân hàng này vẫn “bệ rạc và bừa bãi như trước đây” nhưng nó vẫn cứ quay vòng “khoản vay” đó trong năm năm tiếp. Nhưng các hoạt động vẫn không được cải thiện nên vào ngày 30 tháng 6 năm 1982, ủy ban Ngân hàng Massachusetts cuối cùng buộc phải thu hồi giấy phép của Unity. Lúc này, không còn cuộc bạo loạn nào trên các đường phố và FDIC lặng lẽ xóa bỏ khoản nợ 4.403.000 đô-la như chi phí cuối cùng của sự cứu trợ kinh tế.
NGÂN HÀNG KHỐI THỊNH VƯỢNG CHUNG THUỘC DETROIT
Sự cứu trợ kinh tế của Ngân hàng Unity thuộc Boston là một trường hợp ngoại lệ đối với nguyên tắc cho rằng các ngân hàng nhỏ có thể không cần thiết nhưng những gã khổng lồ phải được cứu sống bằng mọi giá. Tuy nhiên, theo quan điểm này, kế hoạch trò chơi FDIC hoàn toàn tuân thủ luật chơi Hoyle. Sự cứu trợ kinh tế tiếp theo diễn ra năm 1972 liên quan đến Ngân hàng Khối thịnh vượng chung thuộc Detroit trị giá 1,5 tỷ đô-la. Ngân hàng này đã vốn cấp cho hầu hết các quá trình tăng trưởng phi thường của mình thông qua những khoản vay từ một ngân hàng khác là Chase Manhattan ở New York. Khi Ngân hàng khối thịnh vượng chung bị vỡ nợ chủ yếu do đầu cơ chứng khoán và quá trình tự giao dịch của ban quản lý, Chase đã nắm giữ tới 39% cổ phiếu phổ thông của Ngân hàng Khối thịnh vượng chung và thực sự nắm quyền kiểm soát ngân hàng này với nỗ lực nhằm tìm cách lấy lại tiền của mình. Sprague - Giám đốc của FDIC - mô tả hậu quả không thể tránh khỏi này như sau:
Các giới chức của Chase… đã đề xuất rằng, Khối thịnh vượng chung là vấn đề quyền lợi của dân chúng mà các cơ quan chính phủ cần phải giải quyết. Sự gợi ý vụng về đó chính là cách mà Chase muốn yêu cầu về một sự cứu trợ kinh tế từ chính phủ… Đề xuất của họ sẽ dẫn đến quyết định cứu trợ kinh tế cho các cổ đông mà cổ đông lớn nhất chính là Chase.[14]
Các chủ ngân hàng đều cho rằng Ngân hàng Khối thịnh vượng chung không được phép tuyên bố phá sản bởi vì nó đã cung cấp các dịch vụ hoạt động ngân hàng “thiết yếu” cho cộng đồng. Có hai yếu tố để chứng minh cho điều đó: (1) ngân hàng này phục vụ nhiều khu vực dân tộc thiểu số, và (2) không có ngân hàng nào khác trong thành phố này đủ khả năng tiếp quản được các hoạt động của ngân hàng này mà không gây ra một sự tập trung quyền lực không lành mạnh vào tay một số ít ngân hàng. Không rõ là vấn đề dân tộc thiểu số này có liên quan gì đến nó bởi vì khu vực dân cư nơi Ngân hàng Khối thịnh vượng chung này có chi nhánh hoạt động cũng sử dụng dịch vụ của các ngân hàng khác. Hơn nữa, nếu Ngân hàng Khối thịnh vượng chung bị thanh lý, chắc chắn các đối thủ cạnh tranh sẽ mua lại nhiều chi nhánh của nó và dịch vụ dành cho các cộng đồng vẫn được tiếp tục duy trì. Dựa trên sự xao lãng đối với vấn đề này trong suốt các cuộc thảo luận, rõ ràng rằng nó chỉ được đưa vào như phần bổ sung chứ chẳng ai thực sự quan tâm đến cả.
Dù thế nào, FDIC cũng không muốn bị buộc tội là dửng dưng trước nhu cầu của các dân tộc thiểu số ở Detroit cũng như chắc chắn không muốn trở thành kẻ phá hủy sự cạnh trạnh tự do mậu dịch. Vì vậy, ngày 17 tháng Giêng năm 1972, Khối thịnh vượng chung đã được cứu trợ bằng một khoản vay trị giá 60 triệu đô-la kèm theo vô số đảm bảo của liên bang. Chase đã chịu nhiều thua lỗ, chủ yếu do hậu quả của danh mục đầu tư trái phiếu yếu kém của Khối thịnh vượng chung, nhưng sự thua lỗ này chẳng thấm vào đâu so với những gì sẽ mất đi nếu không có sự can thiệp của FDIC.
Vì việc tiếp tục duy trì hoạt động của ngân hàng này là cần thiết để ngăn chặn sự tập trung quyền lực tài chính nên FDIC đã sắp đặt giao dịch mua bán với First Arabian Corporation, một công ty ở Luxembourg do các hoàng tử Ả-rập Xê-Út cấp vốn. Việc có được quyền lực tài chính tập trung ở Ả-rập Xê-Út vẫn tốt hơn ở Detroit. Ngân hàng này tiếp tục hoạt động yếu kém, và vào năm 1983 được bán lại cho Comerica, tiền thân là Detroit Bank & Trust Company. Như vậy, sự tập trung quyền lực địa phương mà nhiều người lo sợ trước đó cuối cũng đã diễn ra, nhưng chỉ sau khi Chase Manhattan có đủ khả năng thoát khỏi giao dịch đó với hầu hết các khoản lỗ của nó đã được bảo hiểm.
NGÂN HÀNG FIRST PENNSYLVANIA
Tiếp theo là cuộc cứu trợ kinh tế năm 1980 dành cho Ngân hàng First Pennsylvania của Philadelphia. First Penn là ngân hàng lớn thứ hai mươi ba của nước Mỹ với tài sản hơn 9 tỷ đô-la, lớn gấp sáu lần giá trị của Ngân hàng Khối thịnh vượng chung và lớn hơn tài sản của Unity tới chín trăm lần. Nó cũng là ngân hàng lâu đời nhất nước Mỹ, có từ thời Ngân hàng Bắc Mỹ do chính Quốc hội Lục địa thành lập vào năm 1781.
Ngân hàng này đã trải qua thời kỳ tăng trưởng nhanh chóng với những khoản lợi nhuận khổng lồ chủ yếu nhờ sự lãnh đạo tháo vát của giám đốc điều hành John Bunting, người đã từng là chuyên gia kinh tế học thuộc Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở Philadelphia. Bunting chính là hình mẫu hoàn hảo của những ông chủ ngân hàng nhạy bén với thời cuộc. Ông ta đã làm căng túi tiền của mình lên nhanh chóng bằng cách giảm mức lãi suất an toàn, tiếp nhận các khoản vay đầy rủi ro và đầu cơ vào thị trường trái phiếu. Ngay khi nền kinh tế được mở rộng, những canh bạc này bắt đầu mang về nhiều lợi nhuận khiến cho các cổ đông vô cùng yêu mến ông ta. Tuy nhiên, khi canh bạc trên thị trường trái phiếu của ông ta trở nên xấu đi, dòng tiền mặt của ngân hàng đã thể hiện ở con số âm. Vào năm 1979, First Penn buộc phải bán một số công ty con sinh lời của mình cốt để duy trì vốn hoạt động và đã phải gánh những khoản vay đáng ngờ trị giá 328 triệu đô-la, nghĩa là lớn hơn toàn bộ khoản đầu tư của các cổ đông đến 16 triệu đô-la. Và khi ngân hàng này không còn khả năng trả nợ thì đó cũng chính là lúc họ tìm đến những người nộp thuế để bù đắp cho các khoản thua lỗ này.
Các ông chủ ngân hàng đã lặn lội tới Washington để trình bày hoàn cảnh của mình cùng với đại diện của ba đại gia là Bank of America, CitiBank và dĩ nhiên không thể thiếu Chase Manhattan. Họ cùng cho rằng, sự cứu trợ kinh tế cho First Penn không chỉ “thiết yếu” đối với việc duy trì các dịch vụ hoạt động ngân hàng ở Philadelphia mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Họ còn nói rằng ngân hàng này quá lớn và nếu buộc phải tuyên bố phá sản thì nó sẽ gây ra hiệu ứng đô-mi-nô đầu tiên dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính cấp quốc tế. Lúc đầu, ban giám đốc của FDIC phản đối lại học thuyết này và đã đón nhận sự giận dữ của Cục Dự trữ Liên bang. Sprague nhớ lại:
Chúng tôi không hề quyết định về cách thức để tiếp tục. Đã có áp lực mạnh mẽ ngay từ đầu là không cho phép ngân hàng này phá sản. Vì thế, bên cạnh việc nghe ngóng tình hình từ chính ngân hàng này, các ngân hàng lớn khác cũng như giới quản lý, chúng tôi thường xuyên lắng nghe ý kiến từ phía Cục Dự trữ Liên bang. Tôi còn nhớ trong một cuộc họp, Fred Schultz, Phó Chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang, đã lớn tiếng cho rằng, không có bất kỳ giải pháp thay thế nào khác -chúng ta phải cứu lấy ngân hàng này. Ông ta nói: “Đừng lãng phí thời gian bàn về bất kỳ điều gì khác!”…
Đầu tiên, vai trò của Cục Dự trữ Liên bang như người cho vay cứu cánh cuối cùng đã tạo ra sự bất đồng giữa Cục Dự trữ Liên bang và FDIC trong suốt thời gian này. Cục Dự trữ Liên bang đang cho First Pennsylvania vay rất nhiều tiền dưới hình thức đảm bảo tuyệt đối, và Paul Volcker - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang - cho biết rằng ông ta đã lên kế hoạch tiếp tục cấp vốn không giới hạn cho ngân hàng này cho đến khi chúng tôi có thể tạo ra được một cuộc sáp nhập hoặc một sự cứu trợ kinh tế để cứu ngân hàng này.[15]
Ban giám đốc của FDIC không muốn gây chiến với Cục Dự trữ Liên bang và chắc chắn không muốn bị đổ lỗi về việc làm sụp đổ cả hệ thống kinh tế thế giới vì đã để cho hiệu ứng đô-mi-nô xảy ra. Sprague nói rằng, “Học thuyết này chưa bao giờ được kiểm tra và tôi không chắc là mình có muốn điều đó xảy ra hay không.”[16] Vì vậy, vào thời điểm thích hợp, một gói cứu trợ kinh tế được đưa ra gồm một khoản vay trị giá 325 triệu đô-la từ FDIC kèm theo các điều kiện khác như miễn tiền lãi trong năm đầu tiên và được hưởng mức lãi suất về sau bằng nửa lãi suất trên thị trường. Một số ngân hàng có liên quan chặt chẽ về tài chính với First Penn và những ngân hàng từng phải chịu các khoản lỗ lớn khi First Penn ngấp nghé bờ vực phá sản cũng được vay bổ sung 175 triệu đô-la và nhận được mức tín dụng một tỷ đô-la. FDIC đã khăng khăng đòi thực hiện phương án này cốt để chứng tỏ rằng chính ngành ngân hàng đang ra sức giúp đỡ và luôn tin tưởng vào hoạt động kinh doanh này. Để củng cổ niềm tin đó, Cục Dự trữ Liên bang đã mở rộng Chính sách cho vay khẩn cấp của mình bằng cách cung cấp những nguồn vốn với mức lãi suất thấp.
Kết quả của sự cứu trợ kinh tế đặc biệt này có phần sáng sủa hơn so với các đợt cứu trợ khác, ít nhất trong phạm vi có liên quan đến ngân hàng này. Vào cuối giai đoạn trợ cấp 5 năm của người nộp thuế, khoản vay của FDIC đã được hoàn trả đầy đủ. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn còn hoạt động dù không vững chắc và hồi kết của câu chuyện vẫn chưa được viết.
CONTINENTAL ILLINOIS
Cho đến thời điểm này, mọi thứ vẫn chỉ là sự tập dượt cho một sự kiện lớn vẫn chưa thực sự xảy ra. Vào đầu thập niên 80, Continental Illinois thuộc Chicago đã trở thành ngân hàng lớn thứ bảy tại Mỹ. Với tổng tài sản trị giá 42 tỷ đô-la và 12.000 nhân viên làm việc trong các văn phòng tại hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới, danh mục vốn đầu tư cho vay của ngân hàng này đã từng đạt mức tăng trưởng hết sức ngoạn mục. Lãi ròng từ các khoản cho vay của ngân hàng đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng năm năm và đã đạt mức doanh thu hàng năm lên đến 254 triệu đô-la vào năm 1981. Ngân hàng đã trở thành con cưng của giới phân tích thị trường và thậm chí đã được Dim’s Review đánh giá như một trong năm công ty được quản lý tốt nhất quốc gia. Những nhà định hướng dư luận này không nhận thấy rằng mức tăng trưởng phi thường đó không phải nhờ vào khả năng chuyên môn trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư mà là từ việc cấp vốn cho các doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ hoặc chính phủ nước ngoài - những quốc gia không thể tìm kiếm được nguồn tiền từ bất kỳ nơi nào khác. Nhưng dân chúng không biết được điều đó và vẫn muốn lao vào ngân hàng này. Trong một khoảng thời gian, cổ phiếu phổ thông của ngân hàng thực sự đã được bán với giá cao hơn so với các ngân hàng khác - những đơn vị được quản lý thận trọng hơn.
Mảnh vải rẻ tiền này bắt đầu bị xổ mép trong ngày Quốc khánh của Hoa Kỳ (mùng 4 tháng Bảy năm 1982) với sự sụp đổ của ngân hàng Penn Square ở Oklahoma. Penn Square nổi tiếng trong lĩnh vực mua bán với phi vụ đặt hàng cả tỷ đô-la vào các khoản vay dầu lửa và khí đốt và sau đó bán lại chúng cho Continental chỉ trước khi xảy ra sự sụp đổ của thị trường năng lượng. Cùng lúc đó, các khoản vay khác cũng bắt đầu trở nên xấu đi. Cuộc khủng hoảng nợ nần ở Mexico và Argentina lần lượt lên đến đỉnh điểm, kéo theo sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp khác. Continental đã áp dụng chính sách tiền tệ dễ dàng với hầu hết các đơn vị này. Khi những sự kiện trên khiến cho mức xếp hạng tín dụng của ngân hàng sụt giảm, những người gửi tiền thận trọng đổ xô rút tiền ra và hoạt động cấp vốn mới bắt đầu thu hẹp lại. Ngân hàng trở nên khan hiếm tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu hàng ngày của mình. Trong nỗ lực nhằm thu hút nguồn vốn mới, ngân hàng liền đưa ra các chứng chỉ tiền gửi với tỷ lệ lãi suất cao phi thực tế. Nhân viên của ngân hàng được cử đi lùng sục khắp các thị trường châu Âu và Nhật Bản cũng như tiến hành chiến dịch quan hệ công chúng nhằm thuyết phục các nhà quản lý thị trường rằng ngân hàng này hoàn toàn bình thường và ổn định. David Taylor, chủ tịch ngân hàng lúc bấy giờ đã nói rằng: “Chúng ta có Lữ đoàn Bảo hiểm Continental Illinois và chúng ta cần phải triển khai ra toàn thế giới.”[17]
Trên mảnh đất mơ màng của tài chính hiện đại, vẻ tráng lệ thường quan trọng hơn bản chất, hình ảnh bề ngoài có giá trị hơn thực tế. Ngân hàng đã thanh toán cổ tức quý vào tháng Tám bất chấp thực tế rằng điều này hút cạn lượng tiền mặt của nó. Giống như công ty Đường sắt Penn Central mười hai năm trước, biện pháp này đã được tính toán nhằm vẽ nên một hình ảnh về sự thịnh vượng của hoạt động kinh doanh. Và thủ đoạn này đã phát huy tác dụng, ít nhất là trong một khoảng thời gian ngắn. Vào tháng Mười Một, niềm tin của dân chúng bắt đầu được khôi phục, cổ phiếu của ngân hàng đã giành lại mức giá như thời kỳ trước khi xảy ra vụ Penn Square. Đến tháng Ba năm 1983, giá cổ phiếu thậm chí còn cao hơn nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Vào cuối năm 1983, gánh nặng về những khoản vay không hiệu quả của ngân hàng thực sự đã lớn đến mức không thể kham nổi và đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. Năm 1984, con số này đã lên đến 2,7 tỷ đô-la. Cũng trong năm đó, ngân hàng đã phải bán toàn bộ hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng có lãi của mình để bù lỗ thu nhập cũng như trả cổ tức hàng quý cho các cổ đông. Lúc này, cơ cấu nội bộ gần như sụp đổ nhưng dáng vẻ bề ngoài vẫn luôn thể hiện như hoạt động kinh doanh bình thường.
Tuy nhiên, vết rạn nứt bên ngoài đầu tiên đã xảy ra vào lúc 11 giờ 39 phút sáng thứ Ba, ngày 8 tháng Năm khi Renters -hãng tin tức của Anh - đã phát sóng một câu chuyện với lời giải thích rằng, các ngân hàng ở Hà Lan, Tây Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản đã tăng tỷ lệ lãi suất đối với các khoản vay dành cho Continental cũng như một vài trong số những ngân hàng này đang bắt đầu rút tiền ra. Câu chuyện cũng trích dẫn báo cáo chính thức của ngân hàng Continental rằng, những tin đồn về tình trạng phá sản sắp xảy ra là “hoàn toàn lố bịch”. Và chỉ trong vài giờ, một hãng tin khác là Commodity News Service đã phát đi bản tin thứ hai thông báo rằng, một ngân hàng Nhật Bản đã quan tâm tới việc mua lại ngân hàng Continental.
ĐỢT RÚT TIỀN ĐIỆN TỬ Ồ ẠT ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI
Rạng sáng hôm sau, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu rút tiền gửi của mình. Cả tỷ đô-la bằng tiền châu Á đã được rút ra trong ngày đầu tiên đó. Ngày hôm sau - tức là hơn một ngày sau khi Continental khẳng định rằng sự phá sản là hoàn toàn lố bịch, The Board of Trade Clearing Corporation - một khách hàng lâu năm có trụ sở ngay ở cuối phố với ngân hàng này - đã rút về 50 triệu đô-la. Tin đồn về sự tháo chạy này ngay lập tức được các hãng tin phát đi nhanh chóng khiến cho tình trạng hoảng sợ tăng cao. Nó đã trở thành một đợt rút tiền điện tử ồ ạt đầu tiên trên thế giới.
Đến thứ Sáu, ngân hàng này buộc phải gõ cửa Cục Dự trữ Liên bang mượn 3,6 tỷ đô-la nhằm bù đắp cho những khoản tiền gửi bị rút. Một liên minh gồm mười sáu ngân hàng do Morgan Guaranty dẫn đầu đã đưa ra mức tín dụng hào phóng với thời hạn ba mươi ngày nhưng tất cả những điều này không đủ đáp ứng yêu cầu. Chỉ trong hơn bảy ngày, lượng chi phí đã tăng vọt lên hơn 6 tỷ đô-la.
Khi mới bắt đầu, hầu như tất cả các hành động này đều ở cấp tổ chức: các ngân hàng khác và các quỹ đầu tư được quản lý chuyên nghiệp có khả năng quan sát chi tiết từng động thái nhỏ nhất của các thị trường tài chính. Trong khi đó, đại đa số dân chúng đều không hề nghi ngờ về thảm họa này, thậm chí cả khi nó đã xảy ra. Chernow đã nói: “Đợt rút tiền ồ ạt ra khỏi Continental thật giống như một câu chuyện tưởng tượng thời hiện đại bởi nó không có đám đông các chủ nợ quá khích mà chỉ có những dòng chữ nhấp nháy đầy ác mộng và lạnh lùng trên màn hình máy tính.”[18] Sprague đã viết: “Bên trong ngân hàng, tất cả đều tĩnh lặng, tiền được rút ra liên tục, còn theo ghi nhận của các viên chức ngân hàng thì không có dấu hiệu rắc rối nào cả - ngoại trừ phòng truyền tin. Tại đây, các nhân viên đều nhận thấy điều gì đang xảy ra khi các hóa đơn rút tiền lần lượt xuất hiện trong hệ thống, vắt kiệt sự sống của Continental. Một số người đã bật khóc.”[19]
Đây chính là khoảnh khắc vàng để tạo ra Cục Dự trữ Liên bang và FDIC. Nếu không có sự can thiệp của chính phủ, Continental hẳn đã sụp đổ, các cổ đông của ngân hàng đã trắng tay, những người gửi tiền đã bị thiệt hại nghiêm trọng và giới tài chính hẳn đã rút ra được bài học rằng, các ngân hàng không phải chỉ nói về sự quản lý thận trọng mà còn phải thực sự áp dụng nó. Các phương pháp thực tiễn trong hoạt động ngân hàng tương lai hẳn đã được thay đổi một cách nghiêm túc và lợi ích kinh tế lâu dài cho đất nước hẳn đã hết sức to lớn. Nhưng với sự can thiệp của chính phủ, quy tắc của thị trường tự do đã bị đình trệ, còn chi phí của sự phá sản hoặc gian lận lại được chuyển qua cho người nộp thuế một cách hết sức khôn ngoan. Những người gửi tiền vẫn tiếp tục sống trong thế giới mộng tưởng về sự an toàn giả tạo còn các ngân hàng có thể hoạt động một cách liều lĩnh và gian lận với suy nghĩ rằng các cổ đông chính trị của họ trong chính phủ sẽ lập tức ra tay ứng cứu khi họ gặp rắc rối.
SỰ HÀO PHÓNG CỦA FDIC VỚI NHỮNG ĐỒNG ĐÔ-LA TIỀN THUẾ
Một trong những thách thức tại Continental là trong khi chỉ có bốn phần trăm khoản nợ phải thu của ngân hàng được trang trải bởi nguồn “bảo hiểm” của FDIC thì các nhà điều chỉnh lại cảm thấy cần phải chi trả cho toàn bộ số tiền còn lại. Điều này có nghĩa là ngân hàng chỉ trả phí bảo hiểm dựa trên bốn phần trăm tổng số tiền được bảo hiểm và những người nộp thuế lúc này sẽ phải gánh lấy chín mươi sáu phần trăm còn lại. Sprague, Giám đốc của FDIC, đã giải thích:
Mặc dù Continental Illinois có hơn 30 tỷ đô-la tiền gửi, nhưng 90% trong số đó là các khoản tiền gửi nước ngoài không được bảo hiểm hoặc các chứng chỉ tiền gửi vượt quá giới hạn bảo hiểm 100.000 đô-la. Ngoài ra, những khoản nợ phải trả ngoài sổ đã đẩy giá trị thực của Continental lên đến 69 tỷ đô-la. Trong cơ cấu nợ khổng lồ như vậy, chỉ có khoảng 3 tỷ đô-la trong giới hạn bảo hiểm được phân tán rải rác trong khoảng 850.000 tài khoản tiền gửi. Vì vậy, việc thanh toán cho những người gửi tiền được bảo hiểm là nằm trong phạm vi quyền hạn của chúng tôi và là điều hoàn toàn hợp pháp, chúng tôi buộc phải để cho những thứ khác sụp đổ và đứng đó nhìn họ tàn sát lẫn nhau.[20]
Quá trình đó chưa bao giờ được xem xét nghiêm túc bởi bất kỳ người chơi nào. Ngay từ đầu, chỉ có hai câu hỏi: cách thức giải cứu Continental bằng việc thanh toán tổng số nợ phải trả của nó và điều thứ hai cũng quan trọng không kém là cách thức bào chữa cho việc lừa đảo người nộp thuế. Như đã trình bày trong chương trước, luật chơi yêu cầu rằng âm mưu phải luôn được mô tả như một hành động anh hùng để bảo vệ dân chúng. Trong trường hợp của Continental, quy mô của những con số khiến cho thủ đoạn này được thực hiện tương đối dễ dàng. Quá nhiều người gửi tiền, quá nhiều tỷ đô-la gặp rủi ro, quá nhiều ngân hàng khác có liên quan, ngân hàng có thể tuyên ngôn rằng, cơ cấu kinh tế của quốc gia - hay của cả thế giới - đang bị đe dọa. Và ai dám phủ nhận điều đó, Sprague biện luận về trường hợp này bằng những từ ngữ quen thuộc như sau:
Một buổi họp đầu giờ sáng thứ Ba, ngày 15 tháng Năm đã được bố trí tại Cục Dự trữ Liên bang… Chúng tôi đã bàn về những phương pháp thay thế. Có rất ít, thực tế là không có phương pháp thay thế nào… Regan [Bộ trưởng Tài chính] và Volcker [Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang] cũng đã bày tỏ lo ngại về sự sụp đổ của ngân hàng quốc gia, nghĩa là sẽ có một phản ứng dây chuyền nếu cho phép Continental tuyên bố phá sản. Volcker thực sự lo lắng về một cuộc khủng hoảng quốc tế. Tất cả chúng tôi đều nhận thức sâu sắc rằng trước đây, thậm chí là trong lịch sử, chưa bao giờ có ngân hàng nào với số vốn xấp xỉ số vốn của Continental tuyên bố phá sản. Không một ai biết được điều gì có thể xảy ra với đất nước này cũng như trên toàn thế giới. Đây không phải là lúc tìm hiểu chỉ để thỏa mãn tính hiếu kỳ.[21]
GÓI CỨU TRỢ KINH TẾ CUỐI CÙNG
Ngay từ đầu, gói cứu trợ kinh tế này đã được dự báo trước. Bước đầu tiên là đưa ra một số lời hứa suông về việc cho phép các ngân hàng tự tháo gỡ khó khăn của mình, tiếp theo sẽ là một kế hoạch khiến các ngân hàng và chính phủ cùng chia sẻ gánh nặng này, để rồi sau đó trở thành ảo tưởng về các mối quan hệ công chúng. Và cuối cùng, hầu như toàn bộ chi phí của sự cứu trợ này sẽ được chính phủ gánh vác và đẩy sang vai người nộp thuế.
Tại cuộc họp ngày 15 tháng Năm, Regan, Bộ trưởng Tài chính, đã phát biểu hùng hồn về giá trị của thị trường tự do và sự cần thiết của việc các ngân hàng phải có kế hoạch cứu nguy cho chính mình, ít nhất là về vấn đề tiền bạc. Để thực hiện được kế hoạch đó, một cuộc họp thượng đỉnh đã được sắp xếp ngay sáng hôm sau giữa chủ tịch của bảy ngân hàng lớn nhất gồm Morgan Guaranty, Chase Manhattan, Citibank, Bank of America, Chemical Bank, Bankers Trust và Manufacturers Hanover. Thực chất đây là cuộc họp chiếu lệ bởi các ông chủ ngân hàng sừng sỏ này đều biết rõ mười mươi rằng chính quyền Reagan sẽ không làm mất mặt thể chế chính trị bởi sự phá sản của một ngân hàng - điều sẽ khiến cho Tổng thống và Quốc hội bị mất điểm trong đợt tái bầu cử. Nhưng, một kiểu chủ nghĩa tượng trưng đã được sử dụng để duy trì hình ảnh thận trọng của Chính phủ. Vì vậy, với sự thúc giục từ phía Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính, liên minh các ngân hàng sừng sỏ này đã đồng ý kiến nghị mức 500 triệu đô-la - trung bình mỗi ngân hàng là 71 triệu đô-la, nhưng vẫn không đủ đáp ứng được yêu cầu thực sự. Chernow mô tả kế hoạch này như kiểu “khiến cho người khác tin tưởng” và nói rằng “họ đã vờ như thực hiện một cuộc giải cứu”.[22] Sprague đã cung cấp những chi tiết sau:
Các chủ ngân hàng nói rằng họ muốn tham gia vào bất cứ vụ làm ăn nào nhưng lại không chịu để mất dù chỉ một cắc. Họ luôn yêu cầu phải có những khoản đảm bảo. Họ muốn nó trông như chính họ đang bỏ tiền ra song thực chất lại muốn đảm bảo tuyệt đối rằng mình không phải hứng chịu bất cứ rủi ro nào… Đến 7 giờ 30 phút sáng, tình hình không mấy tiến triển. Chúng tôi biết chắc rằng trong vòng một vài giờ đồng hồ mọi thứ sẽ hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát. Continental sẽ sớm lộ rõ thực trạng của mình trong một ngày kinh doanh mới, còn thị trường cổ phiếu sẽ mở cửa vào lúc mười giờ. Issac [một giám đốc khác của FDIC] và tôi đã có một cuộc trao đổi bên ngoài hành lang và đồng ý giải quyết vấn đề mà không cần đến các ngân hàng. Chúng tôi nói với Conover [giám đốc thứ ba của FDIC] về kế hoạch đó và ông ấy cũng đồng tình…
[Sau đó], chúng tôi được Bernie McKeon - giám đốc khu vực ở New York - báo tin rằng các chủ ngân hàng đã đồng ý chấp nhận rủi ro. Trên thực tế, rủi ro đó còn xa lắm vì thông báo của chúng tôi đã được cam kết bảo hiểm 100%.[23]
Gói cứu trợ kinh tế cuối cùng này lớn một cách khác thường, về cơ bản, chính phủ tiếp quản Continental Illinois cũng như gánh chịu mọi khoản lỗ của nó. Đặc biệt, FDCI đã nhận được 4,5 tỷ đô-la các khoản vay xấu và thanh toán cho Continental 3,5 tỷ đô-la về những khoản vay đó. Khoản chênh lệch còn lại đó đã được tạo ra từ 1 tỷ đô-la vốn mới dưới hình thức mua cổ phiếu. Do đó, ngân hàng giờ đây đã thuộc sự kiểm soát của chính phủ liên bang như một cổ đông chính nắm giữ tới 80% cổ phiếu, còn những khoản vay xấu của ngân hàng thì được đẩy sang vai người nộp thuế. Trên thực tế, cho dù vẫn giữ vẻ ngoài là một tổ chức tư nhân nhưng về bản chất, Continental đã được quốc hữu hóa.
NGƯỜI CHO VAY CỨU CÁNH CUỐI CÙNG
Có lẽ, phần quan trọng nhất của sự cứu trợ kinh tế này là khoản tiền để thực hiện điều đó được tạo ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp bởi Cục Dự trữ Liên bang. Nếu ngân hàng được phép tuyên bố phá sản và FDIC được yêu cầu thanh toán cho những khoản lỗ này thì sự thất thoát sẽ rút cạn toàn bộ nguồn tiền của nó mà không còn lại một xu nào để trả cho các khoản nợ của hàng ngàn ngân hàng khác. Nói cách khác, nếu một ngân hàng có quy mô như Continental được phép tuyên bố phá sản thì điều đó cũng đủ nhấn chìm toàn bộ FDIC! Đây chính là một trong những lý do khiến ngân hàng phải duy trì hoạt động, dù lãi hay lỗ, cũng như tại sao Cục Dự trữ Liên bang phải tham gia vào các đợt cứu trợ kinh tế. Trên thực tế, đó chính là lý do Hệ thống Dự trữ Liên bang được “thai nghén” tại đảo Jekyll nhằm mục đích tạo ra bất kỳ khoản tiền nào cần thiết để trả cho những khoản lỗ của liên minh ngân hàng này. Mưu đồ đó có thể không bao giờ trở thành hiện thực trừ phi Cục Dự trữ Liên bang đủ khả năng tạo ra tiền từ không khí và bơm được số tiền đó vào các ngân hàng thông qua những khoản bảo đảm “tín dụng” và “thanh khoản”. Điều này có nghĩa rằng, nếu những khoản cho vay trở nên khó đòi thì cuối cùng, tiền sẽ được rút từ những người dân Mỹ thông qua khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát. Đó chính là ý nghĩa của cụm từ “người cho vay cứu cánh cuối cùng”.
Khi trao đổi với báo giới về cái được gọi là gói cứu trợ kinh tế cho Continental, Irvine Sprague - Giám đốc của FDIC - đã mô tả vai trò của Cục Dự trữ Liên bang như thế này:
Đoạn thứ ba… đảm bảo 100% bảo hiểm cho tất cả những người gửi tiền, kể cả những khoản không được bảo hiểm và tất cả các chủ nợ nói chung… Đoạn tiếp theo… đưa ra các điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang có thể tạo ra các khoản vay như người cho vay cứu cánh cuối cùng… Cục Dự trữ Liên bang sẽ cho Continental vay nhằm đáp ứng “mọi yêu cầu thanh khoản bất thường”. Điều đó sẽ bao gồm một đợt rút tiền khác. Tất cả đều đồng ý rằng Continental có thể không được cứu nếu không có sự bảo hiểm toàn phần từ FDIC và sự hỗ trợ thanh khoản không giới hạn của Cục Dự trữ Liên bang. Sẽ không có kế hoạch nào được thực hiện nếu thiếu hai yếu tố này.[24]
Đến năm 1984, “sự hỗ trợ thanh khoản không giới hạn” đã trở thành khoản tiền đáng kinh ngạc lên đến 8 tỷ đô-la. Vào đầu năm 1986, con số này đã là 9,24 tỷ đô-la và vẫn không ngừng gia tăng. Trong khi giải thích về hành động lừa dối người nộp thuế với ủy ban Ngân hàng Thượng viện, Paul Volcker - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang - đã nói: “Hoạt động này chính là chức năng cơ bản nhất của Dự trữ Liên bang. Đó là lý do vì sao Cục Dự trữ Liên bang được thành lập.”[25] Với những lời lẽ đó, ông ta đã xác nhận cho một trong những điều khẳng định còn gây tranh cãi của cuốn sách này.
CÁC NGÂN HÀNG NHỎ BỊ ĐỌA ĐÀY
Như đã được đề cập ở phần trước, các ngân hàng lớn nhận được khoản bảo hiểm miễn phí của FDIC bằng chi phí của các ngân hàng nhỏ. Và không có ví dụ nào hoàn hảo hơn sự cứu trợ kinh tế dành cho Continental Illinois. Năm 1983, ngân hàng này thanh toán một khoản phí vào quỹ chỉ có 6,5 triệu đô-la để bảo vệ những khoản tiền gửi có bảo hiểm trị giá 3 tỷ đô-la. Tuy nhiên, khoản nợ phải trả thực sự - bao gồm các khoản tiền gửi của các tổ chức và nước ngoài - cao gấp mười lần con số đó, và FDIC đã đảm bảo thanh toán cho cả khoản nợ đó. Chính Sprague đã thừa nhận: “Các ngân hàng nhỏ ngày càng phải trả nhiều hơn cho khoản bảo hiểm của họ và ít có cơ hội được hưởng sự cứu trợ kinh tế kiểu như Continental.”[26]
Quả không sai! Ngay trong tuần lẽ mà FDIC và Cục Dự trữ Liên bang cung cấp cho Continental Illinois hàng tỷ đô-la để thanh toán, mua cổ phiếu, vay lãi và cả những khoản đảm bảo thì các ngân hàng nhỏ như Ngân hàng Hạt Bledsoe của Pikeville, Tennessee hay Ngân hàng Tiết kiệm và ủy thác Planters của Opelousas, Louisiana đã phải đóng cửa. Trong vòng sáu tháng đầu năm, bốn mươi ba ngân hàng nhỏ đã tuyên bố phá sản mà không hề được hưởng sự cứu trợ kinh tế của FDIC. Trong hầu hết các trường hợp, các ngân hàng sẽ được sáp nhập vào một ngân hàng lớn hơn và chỉ những khoản tiền gửi không có bảo hiểm mới phải chịu rủi ro. Sự không công bằng này có tác động vô cùng to lớn đối với hệ thống ngân hàng. Nó nhắn gửi tới các chủ ngân hàng cũng như những người gửi tiền một thông điệp chung rằng, nếu có vấn đề gì thì các ngân hàng nhỏ sẽ được phép tuyên bố phá sản, trong khi các ngân hàng lớn lại được an toàn bất kể mức độ quản lý yếu kém hoặc gian lận của chúng. Một nhà phân tích đầu tư ở New York đã giải thích với các phóng viên tin tức rằng, dù vừa bị thua lỗ nhưng Continental Illinois “rõ ràng vẫn là ngân hàng an toàn nhất để bạn gửi tiền ở quốc gia này”.[27] Không có gì được tính toán tốt hơn so với việc đẩy các ngân hàng độc lập nhỏ vào chỗ phá sản hoặc buộc phải bán lại cho các gã khổng lồ. Và trên thực tế, đó chính là những gì đang diễn ra. Tính từ năm 1984, trong khi hàng trăm ngân hàng nhỏ lần lượt bị buộc phá sản thì số lượng trung bình của những ngân hàng vẫn còn tồn tại - nhờ sự bảo trợ của chính phủ - đã tăng hơn gấp đôi. Điều đó khiến ta nhớ lại rằng lợi thế mà những ngân hàng lớn đang nhận được so với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn chính là một trong những mục đích của kế hoạch diễn ra trên đảo Jekyll.
Có lẽ khía cạnh thú vị nhất nhưng cũng đáng buồn nhất của việc cứu trợ kinh tế cho Continental Illinois là thiếu sự phẫn nộ của dân chúng đối với nguyên tắc sử dụng các khoản thuế và lạm phát để bảo vệ ngành kinh doanh ngân hàng. Các ngân hàng nhỏ từng phàn nàn về những lợi thế dành cho các ngân hàng lớn mà không dựa trên lý lẽ rằng chính phủ nên để cho những gã khổng lồ này phá sản. Họ chỉ than vãn rằng chính phủ giờ đây nên bảo vệ họ theo cách đúng như đã làm với các ngân hàng lớn. Các cử tri và chính trị gia vẫn giữ thái độ im lặng về vấn đề này, có vẻ như khiếp sợ bởi kích cỡ đồ sộ của những con số cùng với bóng ma của tình trạng kinh tế hỗn loạn. Nền giáo dục quốc dân trong nhiều thập kỷ cũng đã để lại dấu ấn riêng của nó. Rốt cuộc, chẳng phải đây chính là điều mà các trường công lập từng dạy về chức năng hợp thức của chính phủ? Chẳng phải đây là cách của người Mỹ? Thậm chí Ronald Reagan - người được xem như một nhân vật bảo thủ kinh tế hạng nhất Hoa Kỳ - đã tán dương hành động này. Trên chiếc chuyên cơ Air Force One tới California, vị tổng thống này đã nói: “Đó là điều mà chúng ta nên làm và chúng ta đã làm. Nó là vì lợi ích của tất cả các bên có liên quan.”[28]
Sự xác nhận của Reagan đã hướng sự chú ý đến một trong những hiện tượng đáng kinh ngạc của thế kỷ 20: nước Mỹ từng xúi giục phe cánh Tả chuyển thành chế độ trung ương tập quyền trong khi vẫn núp sau ngọn cờ chính trị của những kẻ phản đối chế độ đó. William Greider - người từng viết bài cho Washington Post và The Rolling Stone - đã phàn nàn:
Trên thực tế, việc quốc hữu hóa Continental là một hành động hoàn hảo của chế độ tự do hiện đại - sự can thiệp của nhà nước thay mặt cho các quyền lợi cá nhân cũng như mục đích công cộng. Trong thời đại được cho là bảo thủ này, các thế lực liên bang đã lên án gay gắt sự cạnh tranh trên thị trường (và ngang nhiên mở rộng phạm vi tham gia của mình vào nền kinh tế tư nhân)…
Trong quá khứ, những học giả và nhà phê bình bảo thủ đều phản đối mạnh mẽ bất cứ sự can thiệp nào của liên bang vào nền kinh tế tư nhân, cụ thể là sự cứu trợ khẩn cấp đối với các công ty sắp phá sản. Còn bây giờ, họ hiếm khi chú ý đến điều đó. Có lẽ, họ hẳn đã chỉ trích mạnh hơn nếu hành động đó được thực hiện bởi một ai khác chứ không phải nhân vật bảo thủ Ronald Reagan.[29]
Bốn năm sau đợt cứu trợ kinh tế dành cho Continental Illinois, lối chơi tương tự lại được sử dụng trong cuộc giải cứu BankOklahoma - công ty kiểm soát hoạt động của một ngân hàng. FDIC đã bơm 130 triệu đô-la cho các hoạt động chính của ngân hàng đó và nhận lại 55% cổ phiếu theo đúng như kế hoạch đã đề ra. Bằng cách cứu trợ kinh tế cho một ngân hàng sắp phá sản để nhận cổ phiếu của nó, chính phủ đã thực sự quốc hữu hóa các ngân hàng một cách hết sức tài tình mà không hề bị lộ. Việc phát hành cổ phiếu giống như một hoạt động giao dịch kinh doanh trong lĩnh vực tư nhân. Còn dân chúng dường như không hề nhận thấy được thực tế rằng chú Sam đang chen chân vào lĩnh vực ngân hàng.
LÝ DO THỨ HAI ĐỂ BÃI BỎ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG
Sự đánh giá đúng đắn về bản thành tích dài và còn tiếp diễn này dẫn đến lý do thứ hai về vệc bãi bỏ Cục Dự trữ Liên bang: chẳng những không thể bảo vệ người dân mà nó còn là một tổ chức lũng đoạn hoạt động chống lại lợi ích của dân chúng.
TỔNG KẾT
Trò chơi có tên gọi cứu trợ kinh tế không phải là điều viển vông của trí tưởng tượng mà hoàn toàn có thật, và dưới đây là một số trận đấu lớn của mùa giải này cùng với tỷ số chung cuộc của chúng.
Năm 1970, công ty đường sắt Penn Central bị phá sản. Những ngân hàng đã từng cho công ty này mượn tiền đã tiếp quản vị trí ban giám đốc và hướng nó ngập sâu vào nợ nần hơn nữa trong khi tạo ra những khoản vay ngày càng lớn để bù đắp cho các khoản thua lỗ. Ban giám đốc đã che giấu thực tế này với các cổ đông bằng cách tạo ra các khoản vay bổ sung để có thể trả cổ tức nhằm duy trì sự ổn định giả tạo bề ngoài. Trong suốt thời gian này, các giám đốc và ngân hàng của họ đã bán tháo cổ phiếu với mức giá cao phi thực tế. Khi sự thật được phơi bày, các cổ đông chỉ biết ôm túi rỗng vì mất trắng tiền đầu tư. Lúc này, Cục Dự trữ Liên bang liền ra tay bằng cách thực hiện một cuộc cứu trợ kinh tế với các khoản trợ cấp của chính phủ để đảm bảo cho những khoản vay từ các ngân hàng khác. Sau đó, Quốc hội được thuyết phục rằng sự sụp đổ của Penn Central sẽ hủy loại lợi ích của dân chúng. Vậy là Quốc hội hưởng ứng bằng cách cấp 125 triệu đô-la để đảm bảo cho các khoản vay nhằm tránh rủi ro cho các ngân hàng. Rốt cuộc, công ty đường sắt đó vẫn bị phá sản nhưng các khoản vay của ngân hàng đã được thanh toán, về sau, Penn Central được quốc hữu hóa thành AMTRAK và tiếp tục kinh doanh thua lỗ.
Năm 1970, khi Lockheed đối mặt với tình trạng phá sản, Quốc hội lại được nghe cùng một câu chuyện như hàng ngàn người sẽ bị thất nghiệp, các công ty con sẽ phá sản và dân chúng sẽ hết sức lầm than. Vì vậy, Quốc hội đã đồng ý cấp 250 triệu đô-la để đảm bảo cho những khoản vay mới, điều này càng khiến cho Lockheed lún sâu vào cái hố nợ nần đến 60% so với lúc trước. Vì lúc này chính phủ đang đảm bảo cho các khoản vay nên đã phải chắc chắn rằng Lockheed làm ăn có lãi. Điều này được thực hiện bằng cách đưa ra những hợp đồng quốc phòng béo bở tại các cuộc đấu thầu không cạnh tranh. Các ngân hàng đã được hoàn trả.
Năm 1975, New York đã tiến đến giới hạn cuối cùng trong hạn mức tín dụng của mình. Thành phố này đã phải vay một khoản tiền rất lớn để duy trì bộ máy hành chính quan liêu cồng kềnh và hệ thống phúc lợi xã hội thu nhỏ. Quốc hội được thuyết phục rằng dân chúng sẽ gặp nguy hiểm nếu các dịch vụ của thành phố bị tước mất và nước Mỹ sẽ bị thế giới coi thường. Vì vậy, Quốc hội liền bổ sung thêm các khoản vay trực tiếp lên đến 2,3 tỷ đô-la, nhiều hơn gấp đôi khoản nợ hiện tại. Các ngân hàng tiếp tục nhận được phần lãi của mình.
Năm 1978, Chrysler ngấp nghé bờ vực phá sản. Quốc hội được thông báo rằng dân chúng sẽ phải khổ sở vô cùng nếu công ty này phá sản và điều đó sẽ trở thành cú sốc đối với cách sống của người Mỹ nếu quyền tự do chọn lựa bị giảm từ ba xuống còn hai nhà sản xuất ô tô. Vì vậy, Quốc hội đã đảm bảo các khoản vay mới lên đến 1,5 tỷ đô-la. Các ngân hàng đã giảm bớt một phần khoản vay của mình và chuyển phần còn lại thành cổ phiếu ưu đãi. Tin tức của bản thỏa thuận đã đẩy giá trị thị trường của cổ phiếu này lên cao và bù lại cho hầu hết những khoản vay đã bị xóa sổ. Những khoản nợ không thể thu hồi lúc trước của các ngân hàng đã được chuyển sang thành tài sản có lãi được chính phủ bảo chứng.
Năm 1972, với tổng tài sản 1,5 tỷ đô-la, Ngân hàng Khối thịnh vượng chung thuộc Detroit cũng rơi vào tình trạng phá sản. Ngân hàng này đã vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng Chase Manhattan ở New York để đầu tư vào những dự án rủi ro cao và có tiềm năng lợi nhuận cao. Lúc này, khi Ngân hàng Khối thịnh vượng chung gặp rắc rối thì Chase Manhattan cũng không có gì sáng sủa.
Các ông chủ ngân hàng liền cất công đến Washington và thông báo với FDIC rằng dân chúng phải được bảo vệ khỏi cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra nếu Ngân hàng Khối thịnh vượng chung được phép tuyên bố phá sản. Vì vậy, FDIC liền tức tốc bơm thêm các khoản vay mới trị giá 60 triệu đô-la cùng với các cam kết của liên bang cho việc hoàn trả. Ngân hàng Khối thịnh vượng chung được bán cho một liên minh Ả-rập. Chase đã xóa một khoản nợ nhỏ nhưng đã chuyển hầu hết các khoản lỗ tiềm năng của nó thành tài sản được chính phủ bảo đảm.
Năm 1979, Ngân hàng First Pennsylvania của Philadelphia tuyên bố phá sản. Ngân hàng này có tổng giá trị tài sản hơn 9 tỷ đô-la, nhiều gấp sáu lần tài sản của Ngân hàng Khối thịnh vượng chung. Hơn nữa, đây còn là thành viên xông xáo trong thập niên 70. Lúc này, các ngân hàng và Cục Dự trữ Liên bang nói với FDIC rằng dân chúng phải được bảo vệ khỏi thảm họa sụp đổ của một ngân hàng có quy mô lớn như vậy, rằng nền kinh tế quốc gia, và thậm chí cả thế giới sẽ bị đảo lộn. Vì vậy, FDIC xuất ngay một khoản vay trị giá 325 triệu đô-la với mức lãi suất được miễn trong năm đầu tiên và chỉ trả bằng nửa mức lãi suất thị trường trong những năm tiếp theo. Cục Dự trữ Liên bang cung cấp tiền cho các ngân hàng khác theo mức lãi suất trợ cấp với mục đích cụ thể là để cho First Penn vay lại. Bằng sự lôi kéo đó, họ đã tạo ra được các khoản vay tức thì trị giá 175 triệu đô-la cùng với mức tín dụng trị giá 1 tỷ đô-la.
Năm 1982, Continental Illinois của Chicago tuyên bố phá sản. Đây là ngân hàng lớn thứ bảy của Mỹ với tổng tài sản lên đến 42 tỷ đô-la. Trong năm trước đó, lợi nhuận của ngân hàng này đã tăng vọt nhờ cung cấp các khoản vay cho các dự án kinh doanh rủi ro cao và các chính phủ nước ngoài. Mặc dù từng là con cưng của giới phân tích thị trường nhưng Continental Illinois vẫn nhanh chóng bị sa lầy khi dòng tiền của nó chuyển thành số âm và các ngân hàng nước ngoài bắt đầu rút tiền gửi ra. Đó chính là đợt rút tiền điện tử ồ ạt đầu tiên trên thế giới. Volcker - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang nói với FDIC rằng thật là điều không thể tưởng tượng được khi để cho toàn bộ nền kinh tế thế giới bị tàn phá bởi sự sụp đổ của một ngân hàng có tầm cỡ như vậy. Vì thế, FDIC đã gánh lấy 4,5 tỷ đô-la các khoản vay xấu và nắm giữ 80% cổ phiếu của ngân hàng này để đổi lại cho việc ra tay cứu trợ kinh tế. Trên thực tế, ngân hàng này đã bị quốc hữu hóa nhưng không ai nói ra điều đó, còn chính phủ Mỹ lúc này đã chen chân vào hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Tất cả những khoản tiền dùng để thực hiện những cuộc cứu trợ kinh tế này đều do Cục Dự trữ Liên bang tạo ra với vai trò là “người cho vay cứu cánh cuối cùng”. Đó là một trong những mục tiêu đã đề ra khi tổ chức này được thành lập. Chúng ta không được quên rằng cụm từ “người cho vay cứu cánh cuối cùng” có nghĩa là khoản tiền được tạo ra từ không khí, dẫn đến sự sung công nguồn tài sản quốc gia thông qua khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát.
Chú thích:
[1] Ngày cuối cùng của Câu lạc bộ (The Last Days of the Club) - Chris Welles (New York: E. P. Dutton, 1975) trang 398 - 399.
[2] “Penn Central”, 1971 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: Congressional Quarterly, 1971), trang 838.
[3] “Penn Central: Sự phá sản xảy ra sau khi dự thảo cho vay bị thất bại”, 1970 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: Congressional Quarterly, 1970), trang 811.
[4] Được Welles trích dẫn, trang 404 - 405.
[5] Được Welles trích dẫn, trang 407.
[6] Để hiểu rõ về hiệu ứng cấp số nhân, xem chương Mười, Cơ chế Mandrake.
[7] Welles, trang 407 - 408.
[8] “Quốc hội làm rõ dự thảo ngân sách hỗ trợ ngành đường sắt, ảnh hưởng đến phong trào đình công”, 1970 Congressional Quarterly Almanac (Washington, D.C.: 1970), trang 810 - 816.
[9] Cứu trợ kinh tế: Thông tin nội bộ về các trường hợp vỡ nợ của ngân bàng và các cuộc giải cứu (Bailout: An Insider’s Account of Bank Failures and Rescues) - Irvine H. Sprague (New York: Basic Books, 1986), trang 23.
[10] Sprague, trang 27 - 29.
[11] Ngân hàng Mỹ là ngoại lệ. Bất chấp quy mô của mình, ngân hàng này không tiếp nhận các khoản tiền gửi nước ngoài cùng mức như các đối thủ cạnh tranh.
[12] Sprague, trang 41 - 42.
[13] Sách đã dẫn, trang 48.
[14] Sprague, trang 68.
[15] Sprague, trang 88 - 89.
[16] Sách dã dẫn, trang 89.
[17] Được Chernow trích dẫn, trang 657.
[18] Chernow, trang 658.
[19] Sprague, trang 153.
[20] Sprague, trang 184.
[21] Sách đã dẫn, trang 154 - 155, 183.
[22] Chernow, trang 659.
[23] Sprague, trang 159 - 160.
[24] Sprague, trang 162 - 163.
[25] Được Greider trích dẫn, trang 628.
[26] Sprague, trang 250.
[27] “New Continental Illinois đang đối mặt với một tương lai bất định” của Keith E. Leighty, Associated Press, Thousand Oaks, Calif., News Chronicle, ngày 13 tháng 5 năm 1985, trang 18.
[28] “Reagan kêu gọi giải cứu ngân hàng không cần cứu trợ kinh tế”, New York Times, ngày 19 tháng 7 năm 1984.
[29] Greider, trang 631.
Chương 4
Nhà ở, khoản vay ngọt ngào
Lịch sử của việc chính phủ ngày càng can thiệp vào ngành kinh doanh địa ốc; sự kiềm hãm đối với các nguồn lực thị trường tự do trong lĩnh vực bất động sản nhà ở; cuộc khủng hoảng tất yếu trong lĩnh vực tiết kiệm và cho vay (S&L); cứu cứu trợ kinh tế dành cho ngành này bằng nguồn tiền thu từ người nộp thuế.
Như chúng ta đã thấy trong các chương trước, sự thiệt hại mà liên minh ngân hàng này gây ra gắn liền với thực tế rằng, tiền bạc có thể được tạo ra từ không khí. Nó cũng phá hủy sức mua của chúng ta thông qua khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát với cơ chế hoạt động lén lút và hết sức tinh vi.
Giờ đây, chúng ta hãy chuyển từ thế giới đầy bí ẩn của ngân hàng trung ương sang thế giới phù phiếm của các tổ chức tiết kiệm-và-cho vay. So với lĩnh vực ngân hàng thì vấn đề trong lĩnh vực tiết kiệm-và-cho vay (S&L) dễ hiểu hơn nhiều. Đơn giản là những khoản tiền khổng lồ đang biến mất vào cái hố đen của sự quản lý yếu kém của chính phủ và những khoản lỗ đó cuối cùng đều do chúng ta thanh toán. Trong cả hai trường hợp, kết quả cuối cùng đều như nhau.
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ NƯỚC MỸ
Tất cả mọi thứ đều bắt đầu bằng một khái niệm. Khái niệm này bắt nguồn từ Mỹ, chủ yếu do kết quả của Cuộc đại suy thoái trong thập niên 30. Những người theo chủ nghĩa Mácxít cấp tiến đã để lại ấn tượng mạnh mẽ cho các chính trị gia Hoa Kỳ về cách thức thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Các chính trị gia người Mỹ đã rất khâm phục và kính sợ những người có quan điểm cấp tiến này; ngưỡng mộ khả năng hiểu biết về tâm lý đám đông của họ; lo sợ vì những người này quá nổi tiếng và có thể chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Điều này diễn ra không lâu trước khi nhiều nhân vật chính trị bắt đầu làm theo các diễn giả trên phố, còn các cử tri thì hăng hái bỏ phiếu để giúp họ giành chiến thắng.
Phần lý thuyết trau chuốt hơn về chủ nghĩa xã hội đã trở nên nổi tiếng trong giới trí thức - những người đương nhiên sẽ trở thành nhà lãnh đạo trong hệ thống chủ nghĩa xã hội kiểu Mỹ. Phải có ai đó quan tâm đến dân chúng và nói cho họ biết điều gì cần làm vì lợi ích của bản thân họ, và nhiều người có bằng cấp cũng như những người giàu có đều muốn được nắm giữ vai trò đó. Và như vậy, khái niệm này được chấp nhận rộng rãi trong mọi tầng lớp dân chúng Mỹ - từ “dân đen” cho đến những người ưu tú có học thức - rằng chính phủ cần phải quan tâm đến công dân của mình và bảo vệ họ trong các vấn đề kinh tế.
Và vì thế, khi hơn 1.900 tổ chức S&L bị phá sản trong Cuộc Đại suy thoái, Herbert Hoover - và cả Quốc hội - đã thành lập Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc để bảo vệ những người gửi tiền trong tương lai. Cơ quan này bắt đầu ban hành các hiến chương đối với những tổ chức sẽ đệ trình các điều lệ của mình và dân chúng lại được thuyết phục rằng các nhà điều hành của chính phủ sẽ khôn ngoan, thận trọng và trung thực hơn so với các nhà quản lý tư nhân. Bản hiến chương liên bang đã trở thành một loại dấu phê duyệt của chính phủ. Cuối cùng, dân chúng đã được bảo vệ.
Franklin Delano Roosevelt, người trở thành hình mẫu của nền học thức mới, đã kế nhiệm Hoover trong Nhà Trắng. Ngay lúc mới bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình, Franklin Delano Roosevelt đã được biết đến như một hình mẫu về tự do mậu dịch và chủ nghĩa cá nhân. Từng lớn tiếng phản đối chính phủ và ủng hộ thị trường tự do, nhưng vào giai đoạn giữa cuộc đời, ông đã thay đổi chính kiến của mình để bắt kịp với sự chuyển biến của làn sóng chính trị. Ông đã đi vào lịch sử như một người tiên phong về chủ nghĩa xã hội ở Mỹ.
Chính Franklin Delano Roosevelt là người đã thực hiện bước kế tiếp hướng đến chính sách gia trưởng của chính phủ trong lĩnh vực S&L - cũng như ngành ngân hàng - bằng việc thành lập Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (Federal Deposit Insurance Corporation - FDIC) và Cơ quan Bảo hiểm Tiết kiệm và cho vay Liên bang (Federal Saving and Loan Insurance Corporation - FSLIC). Trên quan điểm đó, cả dân chúng lẫn các nhà quản lý tiết kiệm không cần phải lo lắng về các khoản lỗ. Mọi thứ đã được chính phủ bồi hoàn.
AI CŨNG CÓ NHÀ Ở
Vào cùng thời gian này, các khoản vay mua nhà tư nhân được trợ cấp thông qua sở Nhà đất Liên bang (Federal Housing Authority - FHA), điều này cho phép các tổ chức S&L tạo ra những khoản cho vay với mức lãi suất thấp hơn mức có thể mà không cần trợ cấp. Đây là cách để giúp mọi người dễ dàng thực hiện được ước mơ sở hữu một ngôi nhà của riêng mình. Trong khi những người theo chủ nghĩa Mác hứa hẹn về sự no đủ thì những người theo nhóm chính sách kinh tế xã hội mới (New Dealer) đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử bằng việc tung ra chiêu bài rằng ai cũng có nhà ở.
Lúc đầu, nhiều người có thể mua ngay cho mình một ngôi nhà, nếu ở trong hoàn cảnh khác thì hẳn họ không đủ khả năng làm vậy hoặc sẽ phải chờ đợi lâu hơn mới tích cóp được một khoản tiền đặt cọc. Mặt khác, mức tín dụng dễ dãi của Sở Nhà đất Liên bang (FHA) bắt đầu đẩy giá nhà lên cho phù hợp với tầng lớp trung lưu và điều đó nhanh chóng bù lại cho bất kỳ lợi thế thực nào của chính sách trợ cấp. Tuy nhiên, các cử tri lại không đủ sáng suốt để hiểu được ảnh hưởng của việc thanh toán này nên vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho những chính trị gia nào hứa hẹn sẽ mở rộng hệ thống.
Bước tiếp theo là Hội đồng Dự trữ Liên bang sẽ yêu cầu các ngân hàng đưa ra mức lãi suất thấp hơn so với mức của các tổ chức S&L. Kết quả là các nguồn vốn được chuyển từ ngân hàng sang các tổ chức S&L và được cung cấp sẵn cho những khoản vay về nhà ở. Đây là chính sách quốc gia được cân nhắc kỹ nhằm ưu tiên các lĩnh vực kinh doanh nhà ở bằng chi phí của các ngành khác - những ngành đang cạnh tranh để có được những đồng đô-la đầu tư đó. Điều này có thể không tốt cho nền kinh tế nói chung nhưng lại giúp ích cho hoạt động chính trị.
THỊ TRƯỜNG TỰ DO BỊ RUỒNG BỎ
Những biện pháp này đã chuyển các khoản vay bất động sản ra khỏi thị trường tự do một cách hiệu quả và đặt chúng vào vũ đài chính trị - nơi chúng đã tồn tại suốt từ bấy đến giờ. Hậu quả mà dân chúng phải gánh chịu từ sự can thiệp này sẽ được trì hoãn trong một thời gian dài, nhưng khi xảy ra thì nó sẽ là một trận “đại hồng thủy”.
Thực tế về sự can thiệp của chính phủ đối với thị trường tự do không được cường điệu hóa quá mức, vì nó ở trọng tâm của cuộc khủng hoảng hiện tại và tương lai của chúng ta. Chúng ta có các tổ chức tiết kiệm do chính phủ kiểm soát hết sức chặt chẽ. Các cơ quan liên bang đưa ra các biện pháp bảo vệ nhằm hạn chế các khoản thua lỗ và thiết lập các hướng dẫn cứng nhắc cho từng mức vốn, số lượng chi nhánh, phạm vi được bảo hiểm, các chính sách quản lý, các dịch vụ hoàn trả và cả các mức lãi suất được áp dụng. Chi phí bổ sung cho các tổ chức S&L tuân thủ theo điều luật này được Hiệp hội Ngân hàng Mỹ ước tính khoảng 11 tỷ đô-la một năm, tức là khoảng 60% trong tổng lợi nhuận của những tổ chức này.
Quan trọng hơn, thành phần hoạt động hiệu quả của ngành này phải tiêu tốn hơn một tỷ đô-la mỗi năm cho những khoản phí phụ trội dành cho cái gọi là quỹ bảo hiểm nhằm đền bù cho những thất bại của thành phần hoạt động yếu kém - một dạng tiền phạt cho sự thành công. Thế nên, các nhà điều chỉnh luật đã không chấp thuận khi một số tổ chức hoạt động hiệu quả cố chuyển thành ngân hàng nhằm tránh khoản tiền phạt này. Dòng tiền của họ cần được sử dụng để hỗ trợ cho quỹ cứu trợ kinh tế.
BẢO HIỂM CHO DÂN THƯỜNG?
Mức tiền gửi tiết kiệm cá nhân trung bình là khoảng 6.000 đô-la. Song, dưới thời Tổng thống Carter, mức bảo hiểm của FDIC được tăng từ 40.000 đến 100.000 đô-la cho mỗi tài khoản. Những ai có nhiều hơn mức này chỉ việc mở nhiều tài khoản, nên thực tế là chẳng có giới hạn bảo hiểm nào cả. Rõ ràng, điều này chẳng liên quan gì đến việc bảo vệ người dân. Mục đích là để dọn đường cho những tay môi giới địa ốc tái đầu tư các khoản tiền lớn với mức lãi suất cao gần như không có bất kỳ rủi ro nào. Cuối cùng, nó được chính phủ liên bang bảo hiểm.
Năm 1979, chính sách Dự trữ Liên bang đã đẩy mức lãi suất lên cao và các tổ chức S&L đã phải bắt kịp đà tăng này để thu hút tiền gửi. Đến tháng chạp năm 1980, các tổ chức này bắt đầu thanh toán lãi suất 15,8% cho các chứng chỉ tiền gửi của mình. Song, mức lãi suất trung bình mà những tổ chức này áp dụng cho các khoản thế chấp mới chỉ có 12,9%. Nhiều khoản cho vay trước đây của họ vẫn chỉ xoay quanh mức 7% - 8% và để làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn, một số khoản cho vay này đã vỡ nợ, nghĩa là chúng thực sự hưởng mức lãi suất 0%. Các quỹ tiết kiệm đang hoạt động sát mức báo động đỏ và phải bù đắp cho các khoản chênh lệch ở nơi khác.
Các tổ chức S&L yếu kém nhất đã đưa ra các mức lãi suất cao nhất để hấp dẫn người gửi tiền và là nơi giành được các khoản tiền lớn từ nguồn tiền của bên môi giới - những người chỉ quan tâm đến mức lãi suất chứ không muốn tìm hiểu về mức độ yếu kém của hoạt động đó bởi họ biết chắc rằng các nguồn tiền đều được bảo hiểm đầy đủ.
Mặt khác, các nhà quản lý S&L đã lập luận rằng họ phải khiến cho các nguồn quỹ này tạo ra điều kỳ diệu trong khoảng thời gian ngắn mà họ có được chúng. Đó là cơ hội duy nhất để họ “thu hoạch”, và họ sẵn sàng chấp nhận các rủi ro lớn. Chính vì thế nên chương trình bảo hiểm của chính phủ đã loại bỏ mọi khả năng thua lỗ xảy ra đối với những người gửi tiền của những tổ chức này, và kết quả là nhiều người trong số họ đã lao vào những khoản phát triển bất động sản đầy rủi ro với mức lợi nhuận cao.
Các giao dịch bắt đầu xấu đi, và năm 1979 trở thành năm đầu tiên kể từ Cuộc Đại suy thoái trong thập niên 30, tổng giá trị ròng của các tổ chức S&L được liên bang bảo hiểm đã biến thành dòng tiền âm. Và đó là thực tế bất kể sự mở rộng hầu như khắp nơi trong nền kinh tế. Dân chúng bắt đầu thấy lo lắng.
TOÀN BỘ LÒNG TIN VÀ SỰ TÍN NHỆM
Năm 1982, các nhà bảo vệ ở Washington đã đối phó với tình hình này bằng một giải pháp chung của Quốc hội là tuyên bố rằng chính phủ Mỹ hoàn toàn tin tưởng và tín nhiệm FSLIC. Đấy là cách nói làm yên lòng, nhưng nhiều người vẫn có cảm giác lo lắng rằng chính họ sẽ phải tự bỏ tiền túi của mình ra để trả cho điều đó. Và họ đã đúng. Tờ Consumer Reports giải thích:
Đằng sau những ngân hàng và cơ quan bảo hiểm có vấn đề là “toàn bộ lòng tin và sự tín nhiệm” của chính phủ - trên thực tế, đó là lời hứa được Quốc hội ca tụng rằng, thông qua các khoản thuế hoặc lạm phát, tất cả các công dân đều góp phần đảm bảo sự an toàn cho tất cả những người gửi tiền.[1]
Năm 1985, tình trạng tuyệt vọng của các tổ chức S&L đột nhiên bị lôi ra ánh sáng ở Ohio khi Ngân hàng Tiết kiệm Home State thuộc Cincinnati sụp đổ do hậu quả của khoản lỗ tiềm ẩn 150 triệu đô-la tại một hãng chứng khoán ở Florida. Điều này đã làm bùng phát một đợt rút tiền ồ ạt, không chỉ ở ba mươi ba chi nhánh của Home State mà còn ở nhiều tổ chức S&L khác. Tin tức này đã ảnh hưởng đến các thị trường quốc tế khiến những kẻ đầu cơ ngoại quốc đã nhanh chóng chuyển đổi những đồng đô-la giấy sang các loại tiền tệ khác, còn số khác thì đổ xô đi mua vàng.
Chỉ trong vòng vài ngày, người gửi tiền tìm cách đòi lại tiền của mình, khiến cho 60/130 triệu đô-la “bốc hơi” khỏi quỹ “bảo hiểm” quốc gia - điều được xem là vô cùng bất hợp lý so với những gì được kỳ vọng trong các kế hoạch bảo vệ của chính phủ. Nếu tình trạng rút tiền ồ ạt vẫn được phép tiếp tục thì chẳng mấy chốc quỹ này sẽ bị rút cạn hoàn toàn. Đã đến lúc cần phải có sự sửa đổi về mặt chính trị.
Ngày 15 tháng Ba, Richard Celeste - Thống đốc bang Ohio - tuyên bố một trong những “ngày lễ ngân hàng” hiếm hoi kể từ Cuộc Đại suy thoái và đóng cửa tất cả bảy mươi mốt quỹ tiết kiệm được nhà nước bảo hiểm. Ông ta đã trấn an dân chúng rằng không có gì phải lo lắng bởi đó chỉ là “thời điểm xoa dịu… cho tới khi chúng tôi có thể chứng minh một cách thuyết phục được sự vững chãi trong hệ thống của mình.” Sau đó, ông ta bay tới Washington gặp Paul Volcker - Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang và Edwin Gray - chủ tịch Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc - để yêu cầu sự hỗ trợ của liên bang và yêu cầu đó đã được chấp thuận.
Vài ngày sau, người gửi tiền được phép rút tối đa 750 đô-la từ tài khoản của mình. Ngày 21 tháng Ba, Tổng thống Reagan đã xoa dịu thị trường tiền tệ thế giới bằng những lời đảm bảo rằng cuộc khủng hoảng đã chấm dứt. Hơn nữa, ông ta nói vấn đề chỉ bị “giới hạn ở Ohio.”[2]
Đây không phải là lần đầu tiên các quỹ bảo hiểm do nhà nước bảo trợ bị vỡ nợ. Năm 1983, một vụ tương tự đã xảy ra ở Nebraska khi Công ty Tiết kiệm Khối thịnh vượng chung của Lincoin bị vỡ nợ. Vào thời điểm đó, quỹ này có hơn 60 triệu đô-la tiền gửi, nhưng quỹ bảo hiểm chỉ có chưa đầy 2 triệu đô-la để chi trả, không chỉ cho riêng Khối thịnh vượng chung mà cho cả hệ thống. Những người gửi tiền may mắn mới được hưởng 65 cent cho mỗi đô-la gửi vào, và thậm chí phải mất 10 năm mới có được số tiền đó.[3]
LỜI MỜI DÀNH CHO KẺ GIAN LẬN
Vào những ngày đầu của chính quyền Reagan, các quy định của chính phủ đã được thay đổi đến mức các tổ chức S&L không còn bị hạn chế về việc cung cấp các khoản vay thế chấp nhà ở - lý do duy nhất cho sự ra đời của chúng ngay từ đầu. Trên thực tế, các tổ chức này thậm chí còn không cần phải nhận tiền đặt cọc cho các khoản vay. Lúc này, họ có thể cấp vốn đủ 100% hoặc thậm chí nhiều hơn cho mỗi hợp đồng vay. Các cao ốc văn phòng và trung tâm mua sắm mọc lên khắp nơi mà chẳng cần quan tâm tới nhu cầu. Các chuyên gia phát triển, xây dựng, quản lý và cả chuyên viên định giá đều kiếm được tiền triệu. Các công trình xây dựng mọc lên quá nhiều và gian lận bắt đầu xuất hiện. Hàng tỷ đô-la dần biến thành các dự án chết. Ít nhất hai mươi hai tổ chức S&L bị vỡ nợ, có bằng chứng cho thấy cả Mafia lẫn CIA đều nhúng tay vào.
Gian lận không nhất thiết phải là hành động chống lại luật pháp. Trên thực tế, hầu hết các hành động gian lận trong lĩnh vực S&L không chỉ hợp pháp mà còn nhận được sự cổ vũ từ phía chính phủ. Đạo luật Garn-St. Germain cho phép các quỹ tiết kiệm cho vay một khoản tiền bằng với giá trị đã được giám định của bất động sản thay vì bằng với giá trị thị trường. Trước đó không lâu, các chuyên gia thẩm định đã được trả những khoản phí đáng kể cho dịch vụ giám định của mình - mức phí có thể nói là phi thực tế. Nhưng đó không phải là sự gian lận bởi nó chính là mục đích của các nhà điều chỉnh luật, số tiền trả cho việc giám định vượt quá giá trị thị trường được định nghĩa như “vốn sở hữu được giám định” và vẫn được tính như nguồn vốn. Vì các tổ chức S&L được yêu cầu phải giữ lại 1 đô-la tiền vốn cho mỗi 33 đô-la tiền gửi nên mức giám định vượt quá giá trị thị trường 1 triệu đô-la có thể được sử dụng để làm tăng 33 triệu đô-la tiền gửi từ các hãng môi giới địa ốc ở Phố Wall. Còn các khoản lợi nhuận dự kiến đạt được từ những quỹ đó là một trong những cách thức được sử dụng bởi các tổ chức S&L để bù đắp cho những khoản lỗ của mình mà không cần chính phủ phải “nôn” tiền ra - hay thực sự không có. Trên thực tế, chính phủ từng nói rằng: “Chúng tôi không thể thực hiện thành công các kế hoạch bảo vệ của mình nên bạn hãy tự mình đi kiếm tiền bằng cách đẩy rủi ro sang vai các nhà đầu tư. Như thế, chúng tôi không chỉ hỗ trợ bạn nếu bạn phá sản mà còn chỉ cho bạn cách thức để làm điều đó.”
BẮT ĐẦU VỠ NỢ
Đến năm 1984, tình trạng vỡ nợ bắt đầu xuất hiện bất chấp những mánh lới kế toán được áp dụng nhằm tạo ra vẻ bề ngoài bình thường cho những tổ chức S&L đang dần bị khai tử. Cũng trong năm đó, FSLIC đã đóng cửa một tổ chức và tiến hành sáp nhập hai mươi sáu tổ chức khác cũng đang bị vỡ nợ lại với nhau. Để thuyết phục các công ty đang hoạt động tốt tiếp nhận những tổ chức bị vỡ nợ đó, chính phủ đã đưa ra các khoản trợ cấp tiền mặt để bù cho phần nợ phải trả. Vào năm 1984, những vụ sáp nhập được trợ cấp này đã tiêu tốn của FDIC hơn 1 tỷ đô-la. Song, đó chỉ là bước khởi đầu khiêm tốn.
Từ năm 1980 đến 1986, tổng số 664 tổ chức S&L được bảo hiểm đã bị vỡ nợ. Các nhà điều chỉnh luật pháp của chính phủ đã hứa hẹn sẽ bảo vệ dân chúng trong trường hợp xảy ra thua lỗ nhưng những khoản lỗ này đã vượt quá khả năng kiểm soát của họ. Họ không thể đóng cửa tất cả các quỹ tiết kiệm bị vỡ nợ vì đơn giản là không có đủ tiền để chi trả cho các khoản thanh toán. Tháng Ba năm 1986, FSLIC chỉ có ba xu cho mỗi đô-la tiền gửi. Đến cuối năm đó, con số này đã giảm xuống còn hai phần mười xu cho mỗi đô-la “được bảo hiểm”. Rõ ràng, họ đã phải duy trì kinh doanh cho các quỹ tiết kiệm này, có nghĩa là phải sáng tạo thêm nhiều mánh lới kế toán nữa để che đậy sự thật đó.
Sự trì hoãn của những điều không thể tránh khỏi này đã làm cho vấn đề thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Việc duy trì hoạt động kinh doanh của các tổ chức S&L đã tiêu tốn của FSLIC sáu triệu đô-la mỗi ngày.[4] Thế nên, chỉ hai năm sau - năm 1988 - toàn ngành kinh doanh tiết kiệm đã thua lỗ tới 9,8 triệu đô-la mỗi ngày, còn những khoản lỗ không mang lại lợi nhuận - những “xác chết” được FSLIC yểm trợ - cũng đang tiêu tốn 35,6 triệu đô-la mỗi ngày. Và trò chơi vẫn tiếp tục.
Đến năm 1989, FSLIC thậm chí không còn đủ khả năng chi trả cho hai phần mười xu của mỗi đô-la được bảo hiểm do các nguồn dự trữ của nó đều bị rút sạch. Giống như các quỹ tiết kiệm mà nó bảo vệ, bản thân tổ chức này cũng rơi vào tình trạng vỡ nợ và đang phải tìm kiếm các khoản vay bằng nỗ lực phát hành trái phiếu, nhưng điều này cũng không thể đáp ứng nổi các nhu cầu. Quốc hội đã thảo luận về vấn đề này nhưng vẫn không thể cung cấp nguồn vốn mới. Sự sụp đổ của Lincoln Savings đã báo trước một cuộc khủng hoảng. Nói một cách chính xác là không có tiền, chấm hết.
CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG TIẾM QUYỀN QUỐC HỘI
Vào tháng Hai, Alan Greenspan - chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang - và M. Danny Wall - chủ tịch Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc - đã đạt được một thỏa thuận để có được 70 triệu đô-la trực tiếp từ Cục Dự trữ Liên bang nhằm cấp vốn cứu trợ kinh tế cho Lincoln Savings.
Đây chính một bước đột phá lớn chưa có trong tiền tệ. Về phương diện lịch sử, Cục Dự trữ Liên bang có vai trò tạo ra tiền chỉ dành cho chính phủ hoặc các ngân hàng. Nếu đó là nguyện vọng của người dân trong việc cứu trợ kinh tế cho một tổ chức tiết kiệm thì việc phê duyệt khoản tiền đó sẽ do Quốc hội quyết định. Trong trường hợp Quốc hội không có tiền hoặc không thể vay mượn được từ dân chúng thì Cục Dự trữ Liên bang có thể tạo ra tiền (dĩ nhiên là từ không khí) và trao nó cho chính phủ. Nhưng trong trường hợp này, Cục Dự trữ Liên bang đang tiếm quyền của Quốc hội và hoàn toàn tự ý đưa ra các quyết định về chính trị. Không có cơ sở nào trong Đạo luật Dự trữ Liên bang cho phép hành động này xảy ra. Thế nhưng, Quốc hội vẫn cứ im lặng, rõ ràng là để cùng tránh tội do sự tê liệt của chính mình.
Cuối cùng, tháng Tám năm đó, Quốc hội đã bị bóng ma của FDR ghé thăm và điều khiển mọi hành động. Quốc hội đã thông qua Đạo luật cải cách và Khôi phục Các tổ chức Tài chính (Financial Institutions Reform and Recovery Act - FIRREA) đồng thời phân bổ một khoản tiền tối thiểu trị giá 66 tỷ đô-la cho mười năm tiếp theo, 300 tỷ đô-la cho ba mươi năm sau đó. 225 tỷ đô-la trong số tiền này được lấy từ thuế hoặc lạm phát, còn 75 tỷ đô-la được thu về từ các tổ chức S&L hoạt động hiệu quả. Và đây là đợt cứu trợ kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, thậm chí còn lớn hơn cả tổng chi phí dành cho Lockheed, Chrysler, Penn Central và thành phố New York.
Trong quá trình này, FSLIC đã bị loại do thực sự bị vỡ nợ và được thay thế bằng Quỹ Bảo hiểm Hiệp hội Tiết kiệm (Savings Association Insurance Fund). Đồng thời, Quỹ Bảo hiểm Ngân hàng (Banking Insurance Fund) được tạo ra nhằm mục đích bảo vệ các ngân hàng thương mại, và cả hai quỹ này đều do FDIC quản lý.
Theo lẽ thường, khi sự kiểm soát lúc trước của chính phủ không thể tạo ra kết quả như mong đợi thì phản ứng của Quốc hội là tăng cường sự kiểm soát đó. Chính vì thế, bốn tầng lớp quan liêu mới đã được bổ sung vào mớ hỗn độn sẵn có: Resolution Trust Oversight Board nhằm thiết lập các chiến lược cho Resolution Trust Corporation - RTC; Resolution Funding Corporation nhằm cấp vốn cho RTC hoạt động; Văn phòng Giám sát Tiết kiệm nhằm giám sát các tổ chức tiết kiệm thậm chí còn nhiều hơn trước đây; và Hội đồng Giám sát dành cho các Ngân hàng cho vay Địa ốc với mục đích dù không rõ ràng nhưng có thể là nhằm đảm bảo rằng các tổ chức S&L tiếp tục hoạt động theo định hướng chính trị về việc trợ cấp cho ngành kinh doanh nhà ở. Khi ký vào dự luật này, Tổng thống Bush đã nói:
Quá trình lập pháp này sẽ đảm bảo an toàn và duy trì sự ổn định cho hệ thống tài chính của nước Mỹ cũng như đưa ra những cải cách thường trực để các vấn đề này sẽ không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, đối với hàng chục triệu người gửi tiết kiệm và cho vay, điều này cho thấy: “Bạn sẽ không trở thành nạn nhân của những sai lầm nào khác nữa. Chúng ta sẽ thấy đảm bảo rằng các khoản tiền gửi có bảo hiểm của bạn sẽ được an toàn.”[5]
CÁC BẢN ĐÁNH GIÁ CHỈ HƠI SAI SÓT MỘT CHÚT
Đến giữa năm sau, rõ ràng là khoản tiền 66 tỷ đô-la thực sự không đủ. Lúc này, người phát ngôn của Bộ Tài chính kêu gọi thêm một khoản 130 tỷ đô-la, gần gấp đôi mức dự tính ban đầu. Vậy 130 tỷ đô-la trị giá bao nhiêu? Trong năm 1990, con số này chiếm hơn 30% mức lương của tất cả các giáo viên đang dạy học ở Mỹ, nhiều hơn tổng lợi nhuận của tất cả các công ty thuộc danh sách Fortune-500, đủ khả năng chi trả học phí cho 1,6 triệu sinh viên tại những trường đại học tốt nhất trong bốn năm bao gồm cả chi phí ăn ở. Thậm chí, con số này còn chưa bao gồm chi phí thanh lý vô số tổ chức tiết kiệm thực sự đã bị phá sản hoặc tiền lãi vẫn chỉ được thanh toán bằng những nguồn vốn vay. Chỉ trong vài ngày sau khi thông báo về mức tăng này, Bộ Tài chính đã duyệt lại lần nữa để tăng từ 130 lên 150 tỷ đô-la. Nicholas Brady, Bộ trưởng Tài chính, đã nói với báo giới rằng: “Mọi người đừng nên cho rằng những đánh giá này sẽ không thay đổi. Bản chất của chúng luôn là như thế.”
Quả thực, những đánh giá đó tiếp tục thay đổi mỗi tuần. Chính phủ đã phải bán hoặc sáp nhập 223 tổ chức tiết kiệm vỡ nợ trong suốt năm 1988 và đưa ra những đánh giá không đầy đủ về chi phí. Các chuyên gia tài chính như Ronald Perelman và công ty đầu tư Texas có tên là Temple-Inland, Inc. đã chọn được nhiều trong số những tổ chức đó với mức thỏa thuận béo bở, đặc biệt xét trong điều kiện chúng được hưởng các khoản ưu đãi thuế và trợ cấp tiền mặt. Trong khi đó, Danny Wall, người lúc này là chủ tịch Cơ quan Giám sát Liên bang về Tài trợ Địa ốc, đã thông báo rằng những bản thỏa thuận này cốt để “chăm sóc” cho những vấn đề tiết kiệm tồi tệ nhất. Ông cho biết chi phí của đợt cứu trợ kinh tế này là 39 tỷ đô-la. Tờ Wall Street Journal đã đáp lời như sau:
Lại sai lầm nữa. Bản nghiên cứu mới - bao gồm các số liệu kiểm toán được FDIC chuẩn bị sẵn, cho thấy rằng, tổng chi phí của cái gọi là “Class of ’88” sẽ dao động từ 90 đến 95 tỷ đô-la, bao gồm các lợi ích về thuế dành cho người mua và số tiền lãi lớn từ khoản nợ của chính phủ để cấp vốn cho sự hỗ trợ này…
Tuy nhiên, sai lầm đắt giá nhất của những cuộc cứu trợ tiết kiệm năm 1988 có vẻ như không làm cho các ông trùm trở nên giàu có hơn. Thay vào đó, không có bản thỏa thuận nào đạt được hoặc thậm chí hạn chế chính phủ khỏi sự quản lý sai lầm của những người chủ sở hữu mới, các khoản lỗ ngầm về bất động sản trước đây hoặc những thăng trầm của thị trường bất động sản trong tương lai… Còn một số thỏa thuận có vẻ như là các giao dịch không thật, trong đó, các tổ chức vỡ nợ được bán sang cho các tổ chức vỡ nợ khác, cứ quay vòng như vậy…
Mặc dù các tổ chức tiết kiệm được chứng minh là tồi tệ hơn nhiều so với đánh giá của Hội đồng Ngân hàng nhưng Ngài Wall vẫn bảo vệ chiến lược của mình trong việc giải cứu những tổ chức này bằng sự trợ giúp không giới hạn. Ông ta nói: “Chúng ta không có đủ tiền để thanh lý.”[6]
Năm trước đó, khi Quốc hội thông qua FIRREA để “bảo vệ và bình ổn hệ thống tài chính của nước Mỹ”, số tiền đáng kinh ngạc lên đến 300 tỷ đô-la đã được phép rút ra từ các khoản thuế và lạm phát trong suốt ba mươi năm “kéo cày” của dân chúng. Lúc này, Alan Greenspan - chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang - nói rằng chi phí thực sự về lâu dài sẽ đạt đến 500 tỷ đô-la, một số tiền thậm chí còn lớn hơn so với các khoản cho vay dành cho tất cả các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Nhưng con số này vẫn còn quá thấp. Theo nghiên cứu riêng của Veribank, Inc., khi tính gộp tất cả các chi phí ngầm, tờ hóa đơn được trình diện trước người dân Mỹ sẽ vào khoảng 532 tỷ đô-la.[7] Vấn đề mà Tổng thống Bush đã hứa sẽ “không bao giờ xảy ra” lúc này đang xảy ra.
TRÒ ẢO THUẬT KẾ TOÁN
Trước thời điểm này rất lâu, thị trường bất động sản bắt đầu co lại, nhiều khoản thế chấp đã vượt quá giá trị thực của tài sản được cầm cố. Hơn nữa, mức lãi suất thị trường tăng cao hơn so với mức lãi suất được ấn định trong hầu hết các khoản vay S&L khiến cho giá trị của những khoản thế chấp đó bị giảm. Giá trị thực của khoản thế chấp trị giá 50.000 đô-la đang trả lãi 7% chỉ bằng nửa khoản thế chấp 50.000 đô-la đang được hưởng lãi 14%. Vì vậy, những người bảo vệ dân chúng đã bày ra một mưu đồ để cho phép các tổ chức S&L định giá tài sản của mình theo giá trị khoản vay gốc thay vì theo giá trị thị trường thực sự. Điều này đã hỗ trợ được phần nào nhưng nhu cầu tiền bạc vẫn còn nhiều.
Bước tiếp theo là tạo ra tài sản từ không khí bằng nghiệp vụ kế toán. Điều này được thực hiện bằng cách cho phép các tổ chức S&L đưa ra giá trị tiền tệ dựa trên “lợi thế thương mại” của cộng đồng! Và chỉ bằng một nét bút, các trọng tài kinh tế đã tạo ra 2,5 tỷ đô-la tài sản như vậy, còn những người chơi vẫn tiếp tục cuộc chơi.
Sau đó, FSLIC bắt đầu phát hành “các chứng chỉ giá trị tài sản ròng” - những thứ về cơ bản được dựa trên lời hứa cứu trợ kinh tế cho các tổ chức S&L đang làm ăn thua lỗ nếu có yêu cầu. Chính phủ đã hứa sẽ thực hiện điều đó, nhưng bằng cách in ra các mẩu giấy và gọi chúng là “chứng chỉ giá trị tài sản ròng”, đồng thời cho phép các tổ chức S&L xem chúng như tài sản trong sổ sách kế toán. Những lời hứa như vậy cũng là tài sản, nhưng vì các quỹ tiết kiệm này sẽ bị buộc phải trả lại bất kỳ khoản tiền nào nhận được từ sự cứu trợ kinh tế nên những khoản tiền hoàn trả này cũng được đưa vào sổ sách kế toán như những khoản nợ phải trả. Vị thế ròng sẽ không hề thay đổi. Cách duy nhất để có thể xem những chứng chỉ này như tài sản mà không cần bổ sung thêm các khoản nợ phải trả là để các lời hứa cứu trợ kinh tế trở thành những món quà công khai không bao giờ có nghĩa vụ phải hoàn trả. Đó có thể là kết quả cuối cùng nhưng lại không theo cách như kế hoạch đã đề ra. Trong bất kỳ trường hợp nào, các quỹ tiết kiệm đều biết rằng, những mẩu giấy này có thể tính thành vốn, cũng giống như việc các chủ sở hữu bỏ tiền mặt của mình ra. Và trò chơi vẫn tiếp tục.
Khoảnh khắc của sự thật xuất hiện khi các tổ chức S&L phải thanh lý một số cổ phần của mình như bán các khoản thế chấp hoặc những ngôi nhà bị tịch thu thế nợ cho các tổ chức S&L khác, ngân hàng thương mại hoặc đối tác tư nhân. Đó là khi giá trị sổ sách kế toán bị thổi phồng sẽ được chuyển thành giá trị thị trường thực tế và khoản chênh lệch phải được nhập vào sổ cái như khoản lỗ. Dennis Turner đã giải thích như sau:
FSLIC cho phép tổ chức S&L nào bán khoản thế chấp đó được nhận khoản lỗ trong thời hạn 40 năm. Hầu hết các công ty bán tài sản theo mức lỗ phải chịu lỗ ngay lập tức: chỉ có các tổ chức S&L mới có thể tham gia vào sự gian lận độc quyền này. Hai tổ chức S&L sắp vỡ nợ có thể bán các khoản thế chấp lợi tức thấp nhất cho nhau và cả hai sẽ gia tăng giá trị tài sản ròng của mình! Phương pháp tính toán sổ sách không trung thực này trong hệ thống ngân hàng được phê duyệt bởi các cơ quan điều hành cao nhất.[8]
Và tờ U.S. News & World Report tiếp tục bình luận:
Ngày nay, kết quả hoạt động của các hiệp hội tiết kiệm-và-cho vay - những con số tồn tại chủ yếu nhờ những mánh lới kế toán - liên tục xuất hiện những khoản lỗ lớn… chỉ một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản ròng của ngành là tài sản hữu hình, chẳng hạn như các văn tự thế chấp. Những tài sản hữu hình, kể cả các bút toán như lợi thế thương mại, sẽ bù lại cho gần như toàn bộ giá trị tài sản ròng ước tính 37,6 tỷ đô-la của ngành.[9]
CÁC MÁNH LỚI KẾ TOÁN KHÔNG PHẢI LÀ SỰ GIAN LẬN
Chúng ta phải luôn nhớ rằng một tổ chức được quản lý tốt sẽ không bao giờ thừa nhận những kiểu rủi ro hoặc phương kế này là sự gian lận trong sổ sách kế toán nếu còn muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh lâu dài. Nhưng với đường lối chỉ dẫn và sự bảo trợ của Washington trong việc bù đắp cho các khoản lỗ, nhà quản lý sẽ bị sa thải nếu anh ta không biết nắm bắt cơ hội. Cuối cùng, Quốc hội dõng dạc tuyên bố ỔN RỒI khi điều đó đã được thông qua thành luật. Đây là những kẽ hở được tạo ra để áp dụng. Giáo sư Edward Kane giải thích:
Bản thân sự dối trá không cấu thành hành động gian lận bất hợp pháp khi nó được phép thực hiện bởi một hệ thống kế toán, chẳng hạn như Các nguyên tắc kế toán chung (Generally Accepted Accounting Principles - GAAP) - hệ thống cho phép các tổ chức bỏ qua việc ghi chép các tài sản theo giá trị thực mà thay vào đó là giá trị bị thổi phồng của chúng. Hệ thống các nguyên tắc kế toán điều chỉnh năm 1980 thậm chí còn bổ sung thêm nhiều lựa chọn mới đối với nguồn vốn nước ngoài… Như chúng ta đã thấy ở những hãng này, sự đầu cơ lớn không nhất thiết là do sự quản lý tồi. Trong hầu hết những trường hợp này, đó là cách quản lý hết sức thông minh. Có những canh bạc hết sức thông minh được khai thác, không phải của những người gửi tiền hoặc những người gửi tiết kiệm mà là những người nộp thuế.[10]
Báo chí từng đồn thổi nhiều về vai trò của sự gian lận bất hợp pháp trong những vấn đề này bằng cách dành nhiều thời gian chỉ trích những trường hợp như vụ Donald Dixon ở Vernon S&L và Charles Keating của Lincoln Savings. Và thực tế là những thất bại này đã tiêu tốn của người nộp thuế hơn 3 tỷ đô-la, song cho tới giờ, tất cả sự gian lận này đã chuyển những khoản tiền đó thành 0,5% trên tổng các khoản lỗ.[11] Việc tập trung vào tỷ lệ phần trăm nhỏ nhoi đó nhằm gây xao lãng và khiến mọi người nghĩ rằng vấn đề thực sự nằm ở quy định của chính phủ.
TRÁI PHIẾU TẠP NHƯNG KHÔNG TẠP
Phần khác nữa của việc gây xao lãng là khiến cho mọi người nghĩ rằng những quỹ tiết kiệm này gặp vấn đề là bởi chúng đã đầu tư rất nhiều vào “trái phiếu tạp”.
Nhưng gượm đã! Vậy trái phiếu tạp là gì? Câu trả lời có thể khiến chúng ta ngạc nhiên nhưng những thứ mà các tổ chức S&L đang nắm giữ chỉ là những tờ giấy vô giá trị. Trên thực tế, xét về tỷ suất rủi ro/lợi nhuận thì hầu hết chúng đều là những khoản đầu tư lớn quan trọng của các công ty thuộc danh sách Fortune-500. Trái phiếu tạp chỉ là những loại giấy được phát hành bởi các công ty nhỏ hơn - những đơn vị thực sự không đủ lớn để được xếp cùng với những gã khổng lồ của quốc gia. Trong khi đó, các nhà tái đầu tư lớn như các nhà quản lý của các quỹ tương hỗ hoặc quỹ hưu trí, lại rất thích đầu tư vào những tên tuổi nổi tiếng như General Motors hay IBM. Họ cần phải đầu tư những khoản tiền vô cùng lớn mỗi ngày trong khi các công ty nhỏ hơn thì không có đủ khả năng để thỏa mãn những yêu cầu đó. Kết quả là, nhiều cổ phiếu và trái phiếu của những công ty nhỏ hơn không được giao dịch trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York, mà chỉ ở những sàn giao dịch nhỏ hơn hoặc trực tiếp giữa các nhà môi giới theo kiểu gọi là “chứng khoán phi tập trung” (Over The Counter - OTC). Do không có lợi thế được giao dịch trên các sàn lớn hơn nên loại chứng khoán này phải trả mức lãi suất cao hơn nhằm thu hút các nhà đầu tư và vì thế nên thường được gọi là trái phiếu lợi tức cao.
Trái phiếu do những công ty này phát hành bị một số nhà môi giới cho là “không đáng tin cậy để đầu tư” cho dù nhiều công ty trong số đó thực sự làm ăn rất tốt. Trên thực tế, những công ty này trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ bởi chúng là xương sống của ngành kinh doanh mới. Những công ty thành công nhất trong tương lai sẽ được tìm thấy trong số này. Trong suốt mười năm qua, trong khi các công ty thuộc danh sách Fortune-500 đang ngày càng ít đi và làm mất khoảng 3,6 triệu việc làm thì phân khúc này của ngành kinh doanh mới lại tăng trưởng và tạo ra 18 triệu việc làm mới.
Tất nhiên, không phải tất cả các công ty mới đều là nơi đầu tư tốt - cũng như các công ty cũ - song lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ thường tạo ra nhiều việc làm hơn, thu được lợi nhuận biên lớn hơn và trả được nhiều cổ tức hơn so với những công ty được gọi là “đáng tin cậy để đầu tư”. Từ năm 1981 đến năm 1991, lợi nhuận trung bình trên các tín phiếu có thời hạn mười năm là 10,4%, mức trung bình theo chỉ số công nghiệp Dow Jones là 12,9% và lợi nhuận trung bình của cái gọi là trái phiếu tạp là 14,1%. Nhờ mức lợi tức cao hơn nên các công ty này đã thu hút được hơn 180 tỷ đô-la từ những nhà đầu tư có hiểu biết, một vài trong số đó là các tổ chức S&L. Về cơ bản, đây là một thị trường mới mẻ được hình thành bởi Michael Milken - một kẻ mới phất thuộc hãng môi giới Drexel Burnham Lambert có trụ sở tại California.
NGUỒN VỐN TĂNG MẠNH MÀ KHÔNG CẦN TỚI CÁC KHOẢN VAY NGÂN HÀNG HOẶC LẠM PHÁT
Một trong những mối bận tâm chính tại đảo Jekyll vào năm 1910 chính là xu hướng tìm kiếm nguồn vốn phát triển kinh doanh từ các nguồn khác ngoài các khoản vay lãi ngân hàng. Bảy mươi năm sau, xu hướng này đang phát triển trở lại dưới một hình thức hơi khác. Lúc này, nguồn vốn, đặc biệt dành cho các công ty nhỏ, được trích từ các trái phiếu mà Drexel tìm cách đưa ra thị trường đại chúng. Trên thực tế, ngay cả Drexel cũng đủ khả năng sử dụng những trái phiếu đó để tiến hành những cuộc tiếp quản công ty - hành động chỉ dành cho những hãng đầu tư địa ốc lớn. Vào năm 1986, Drexel đã trở thành ngân hàng đầu tư có lãi nhất nước Mỹ.
Lúc này, khoản tiền 180 tỷ đô-la không còn phải thông qua kênh cung cấp là Phố Wall mà được lấy ra từ những khoản tiết kiệm của người dân thay vì những khoản tiền được các ngân hàng tạo ra từ không khí. Hay nói cách khác, đây là mức tăng trưởng dựa trên khoản tiền đầu tư thực sự chứ không phải do lạm phát và điều đó khiến một số người không thấy vui vẻ cho lắm.
Glenn Yago, Giám đốc Cục Nghiên cứu Kinh tế và Giảng viên về Quản lý của trường Đại học Quốc gia New York tại Stony Brook, giải thích vấn đề như sau:
Điều này đã không xảy ra cho tới khi các chứng khoán lợi tức cao được áp dụng đối với việc tái cơ cấu thông qua các hoạt động giải thể và tiếp quản làm bùng nổ những hành động chống lại thị trường trái phiếu rác… Thị trường lợi tức cao vẫn tăng trưởng nhờ các khoản nợ ngân hàng và các công ty lợi tức cao vẫn phát triển nhờ sự lãnh đạo của nhiều hãng có uy tín lâu năm. Như Peter Passell đã giải thích trên tờ The New York Times, ảnh hưởng này đã được cảm nhận lần đầu ở Phố Wall, “nơi khả năng xoay chuyển tình thế nhanh nhạy và kiến thức về các bảng biểu máy tính đột nhiên trở nên quan trọng hơn so với một khứu giác nhạy bén trong lĩnh vực sản xuất rượu hoặc một tấm thẻ thành viên thuộc hội Skull và Bones (*).”[12]
Đợt tấn công đầu tiên vào thị trường mới của những trái phiếu lợi tức cao này diễn ra bằng cách gọi chúng là trái phiếu “rác”. Chính bản thân từ này đã gây ra tác động mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông tài chính đã sử dụng nó còn các nhà đầu tư thì sợ hãi tránh xa nó.
Bước tiếp theo là yêu cầu các chính trị gia dễ dãi thông qua một điều luật buộc các tổ chức S&L phải tống khứ ngay thứ “rác” này để bảo vệ dân chúng. Việc cho rằng đây là một trò lừa bịp được chứng minh bởi thực tế rằng chỉ có 5% trong tổng số các tổ chức S&L từng nắm giữ những trái phiếu này và con số đó chỉ chiếm 1,2% tổng số tài sản của toàn bộ các tổ chức S&L. Hơn nữa, những trái phiếu này đang hoạt động khá hiệu quả và trở thành một nguồn thu nhập quan trọng. Tuy nhiên, theo Đạo luật cải cách và Khôi phục Các tổ chức Tài chính được thông qua năm 1989 - nội dung từng được thảo luận trước đó, các tổ chức S&L bị buộc phải thanh lý ngay lập tức những tờ trái phiếu “rác” mà họ đang nắm giữ. Điều này khiến cho giá của các trái phiếu này giảm mạnh còn các quỹ tiết kiệm thậm chí trở nên yếu kém hơn khi phải chấp nhận một khoản lỗ từ vụ mua bán đó. Jane Ingraham bình luận:
Chỉ qua một đêm, các tổ chức S&L làm ăn có lãi bỗng trở thành những chiếc thùng chứa rác nằm trong tay Công ty Tín thác (Resolution Trust Corporation - RTC). Để làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn, chính bản thân RTC, nơi sở hữu số lượng trái phiếu rác lớn nhất quốc gia… đã làm tràn ngập thị trường lần nữa với 1,6 tỷ đô-la trái phiếu của mình theo mức giá thấp nhất thị trường vào năm 1990…
Như thế, bản thân chính phủ đã phá vỡ thị trường trái phiếu rác chứ không phải Michael Milken, cho dù Milken - người đã bị bỏ tù - cùng với các cựu viên chức khác của Drexel Burnham Lambert chỉ đồng ý thanh toán 1,3 tỷ đô-la cho hàng trăm vụ kiện cáo chống lại họ từ các nhà điều hành chính phủ, các nhà đầu tư bị thiệt hại và những người đang đòi lại “sự công bằng”.[13]
Thật tình cờ là những trái phiếu đã phục hồi kể từ thời điểm đó, và nếu vẫn được phép lưu giữ chúng thì hẳn các tổ chức S&L hiện đã ở vào điều kiện tài chính tốt hơn và chính RTC cũng được như vậy.
Với những kẻ mới phất theo cách khác thường ở California thì việc đơn giản là mua sạch các trái phiếu bị từ bỏ này với mức giá hời và sau đó khôi phục sự kiểm soát của Phố Wall đối với thị trường mới. Ví dụ như hãng Salomon Brothers ở New York, một trong những đơn vị chỉ trích Drexel nhiều nhất trong thập niên 1980, hiện đang là hãng giao dịch hàng đầu trên chính thị trường mà Drexel đã tạo ra.
VẤN ĐỀ THỰC SỰ NẰM Ở QUY ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ
Vì vậy, vấn đề thực sự trong ngành kinh doanh tiết kiệm-và-cho vay chính là quy định của chính phủ - điều đã cách ly nó ra khỏi thị trường tự do và khuyến khích tham gia vào các hoạt động kinh doanh không thích đáng. Như tờ The Wall Street Journal số ra ngày 10 tháng Ba năm 1992 đã khẳng định:
Nếu định hủy hoại một doanh nghiệp có quy mô như ngành Tiết kiệm của Mỹ thì bạn phải có nhiều quyền lực hơn những gì Michael Milken từng có. Bạn cần phải có quyền lực chính trị quốc gia, kiểu quyền lực mà chỉ có các nhà điều hành chính phủ và Quốc hội nắm giữ. Những gì “kiềm hãm” Milken hoặc các trái phiếu tạp đều có thể xảy ra đối với các tổ chức S&L, điều đó chẳng là gì so với những sự can thiệp của Quốc hội.[14]
Tại thời điểm cuốn sách này chuẩn bị phát hành, số lượng các tổ chức S&L hoạt động trong suốt những năm 80 đã giảm xuống còn non nửa. Khi số lượng các vụ phá sản, sáp nhập và chuyển đổi thành ngân hàng vẫn còn tiếp diễn thì con số đó sẽ càng giảm hơn nữa. Những đơn vị còn sót lại được chia thành hai nhóm: nhóm độc lập và nhóm được RTC tiếp quản. Tuy nhiên, hầu hết những tổ chức thuộc sự kiểm soát tư nhân đó - và đây là điều khoản liên quan trong phạm vi những quy định mà họ phải tuân thủ - đang dần chuyển sang trạng thái hoạt động mạnh mẽ nhờ sự cải thiện về lợi nhuận, chất lượng tài sản và nguồn vốn. Ngược lại, các tổ chức hoạt động được RTC tiếp quản vẫn tiếp tục “chảy máu” vì Quốc hội không thể cấp vốn để đóng cửa và giúp họ trả nợ. Các khoản lỗ của nhóm này vẫn đang bổ sung thêm 6 tỷ đô-la mỗi năm vào chi phí cứu trợ kinh tế. Tổng thống Clinton đã yêu cầu Quốc hội hỗ trợ thêm một khoản tiền trị giá 45 tỷ đô-la và hàm ý rằng đây là đợt cứu trợ cuối cùng - nhưng chẳng hề hứa chắc. Trò chơi vẫn tiếp diễn.
QUỐC HỘI BỊ TÊ LIỆT VỚI LÝ DO HỢP LÝ
Quốc hội dường như không vụ lợi và bị tê liệt do thiếu hoạt động. Theo lẽ thường, mọi người sẽ trông đợi các chính trị gia lên tiếng yêu cầu một cuộc điều tra trên quy mô lớn về thảm họa đang xảy ra, vậy mà chẳng có chút động tĩnh nào. Nguyên nhân trở nên rõ ràng khi mọi người nhận ra rằng các hiệp hội tiết kiệm-và-cho vay, ngân hàng và các tổ chức hoạt động theo quy định của liên bang là những đơn vị đóng góp tích cực vào các chiến dịch tranh cử cho những người “sáng tác” ra các đạo luật, và như vậy, một cuộc điều tra tỉ mỉ chắc chắn sẽ làm sáng tỏ một số mối quan hệ tốt đẹp mà các nhà lập pháp chỉ muốn giữ kín.
Lý do thứ hai là bất kỳ cuộc điều tra trung thực nào cũng ngay lập tức bóc trần sự thật gây sốc rằng chính Quốc hội là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Bởi đi theo con đường chủ nghĩa xã hội và nhất mực cho rằng phải bảo vệ hoặc làm lợi cho khu vực bầu cử của mình, Quốc hội đã trì hoãn và vi phạm các quy luật tự nhiên định hướng nền kinh tế thị trường tự do. Trong quá trình thực hiện điều đó, Quốc hội đã tạo ra một con quái vật Frankenstein mà chính mình cũng không thể kiểm soát nổi. Họ càng tìm cách thuần phục nó thì nó lại càng trở nên hung hãn hơn. Như nhà kinh tế học Hans Sennholz đã quan sát:
Nguyên nhân thực sự của tai họa này là do cơ cấu tài chính được hình thành theo khuôn mẫu của các nhà lập pháp và được thực hiện theo sự chỉ dẫn của các nhà điều chỉnh; họ cùng tạo ra một liên minh, thứ giống như tất cả các tổ chức độc quyền khác, đang gieo rắc tai họa lên những nạn nhân của nó.[15]
MỘT LIÊN MINH BÊN TRONG MỘT LIÊN MINH
Sennholz đã rất chính xác khi chọn cụm từ: liên minh ngân hàng. Ngành kinh doanh tiết kiệm-và-cho vay thực sự là một liên minh bên trong một liên minh lớn hơn. Liên minh này không thể hoạt động nếu không có sự bảo trợ của Quốc hội với những nguồn tiền vô tận. Và Quốc hội cũng không thể làm được điều đó nếu không có liên minh ngân hàng với tên gọi Hệ thống Cục Dự trữ Liên bang như “người cho vay cứu cánh cuối cùng” nhằm tạo ra tiền từ không khí cho Quốc hội vay mượn. Sự thỏa thuận tiện lợi này giữa các nhà nghiên cứu chính trị và các nhà nghiên cứu tiền tệ cho phép Quốc hội ủng hộ cho bất kỳ phương sách nào theo ý muốn mà không phải bận tâm đến chi phí. Bởi các chính trị gia sẽ bị mất việc nếu tìm cách tăng khoản tiền đó thông qua các khoản thuế. Nhưng nếu họ có đủ khả năng “mượn” tiền từ Cục Dự trữ Liên bang dựa trên nhu cầu thì lại hoàn toàn hợp lệ nhờ thông qua cơ chế ngầm của lạm phát mà không một cử tri nào có thể than phiền về điều đó.
Những quỹ tiết kiệm trên dần trở thành những đứa con lai bất hợp pháp của Âm mưu này và đó chính là lý do vì sao câu chuyện tiết kiệm-và-cho vay lại được bàn đến trong nghiên cứu này.
Nếu nước Mỹ vẫn tiếp tục tồn tại như một quốc gia tự do thì các công dân của nó phải được học về chính trị nhiều hơn so với hiện nay. Với tư cách một công dân, chúng ta phải học cách tránh được củ cà-rốt chính trị đung đưa trước mắt mình. Giống như khao khát của mọi người về việc có được một ngôi nhà của riêng mình, chúng ta phải hiểu rằng các chương trình của chính phủ đang làm ra vẻ thực hiện điều đó nhưng thực chất là đang tàn phá hệ thống của chúng ta và chỉ mang lại điều trái ngược với những gì đã hứa. Sau 60 năm trợ cấp và điều chỉnh ngành kinh doanh nhà ở, hiện có bao nhiêu người trẻ tuổi thực sự có thể sở hữu được một ngôi nhà? Việc thích ứng theo các quy luật cung cầu, cộng thêm khoản thuế ngầm được gọi là lạm phát để trả cho quá trình thích ứng đó đã đẩy giá cả lên cao vượt khỏi tầm với của nhiều người và quét sạch các khoản tiền đặt cọc của những người khác. Nếu không có những chi phí như thế, người dân hẳn đã có nhiều tiền hơn đồng thời có nhiều sức mua hơn so với hiện nay, và chắc chắn nhà ở sẽ nằm trong tầm tay của họ.
TỔNG KẾT
Những vấn đề hiện nay của chúng ta trong ngành kinh doanh tiết kiệm-và-cho vay có thể xuất phát từ Cuộc Đại suy thoái trong thập niên 30. Người dân Mỹ cho rằng hoàn toàn hợp lý khi chính phủ mang lại lợi ích và bảo vệ cho các công dân của mình trước những khó khăn về kinh tế.
Dưới thời của Hoover và Roosevelt, các cơ quan mới của chính phủ được thành lập để bảo vệ các khoản tiền gửi trong các tổ chức S&L và trợ cấp các khoản thế chấp nhà ở dành cho tầng lớp thượng lưu. Chính những biện pháp này đã bóp méo luật cung cầu và khiến cho ngành kinh doanh địa ốc chuyển từ thị trường tự do sang vũ đài chính trị.
Một khi mô hình can thiệp của chính phủ đã được thiết lập thì hàng loạt quy định và điều lệ bất di bất dịch của liên bang sẽ bắt đầu, đây là nguồn lợi nhuận “từ trên trời rơi xuống” dành cho các nhà quản lý, các nhà định giá, môi giới, phát triển và xây dựng. Chúng cũng làm suy yếu ngành kinh doanh này bằng việc cổ vũ cho những biện pháp kinh doanh không chính đáng cùng với những khoản đầu tư rủi ro cao.
Khi những dự án đó thất bại và giá trị của bất động sản bắt đầu tụt giảm, nhiều tổ chức S&L bị phá sản. Quỹ bảo hiểm liên bang cũng ngay lập tức bị rút cạn và chính phủ buộc phải đối mặt với lời hứa cứu trợ kinh tế cho những công ty này nhưng lại không có nổi một cắc để làm điều đó.
Câu trả lời của các nhà điều chỉnh luật là tạo ra những mánh lới kế toán để các quỹ tiết kiệm bị vỡ nợ có thể tiếp tục hoạt động như bình thường. Điều này đã trì hoãn tình trạng không thể tránh khỏi và làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Các tổ chức S&L vỡ nợ tiếp tục lỗ hàng tỷ đô-la mỗi tháng và làm tăng rõ rệt chi phí cứu trợ kinh tế, những thứ cuối cùng sẽ do người dân chi trả thông qua các khoản thuế và lạm phát. Khoản chi phí cuối cùng đó được ước lượng hơn một nghìn tỷ đô-la.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội dường như không có khả năng hành động và giữ thái độ im lặng một cách kỳ lạ. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Nhiều đại biểu và thượng nghị sĩ là những người hưởng lợi từ các khoản ủng hộ đầy hào phóng của các tổ chức S&L. Nhưng có lẽ lý do quan trọng hơn cả là vì bản thân Quốc hội là thủ phạm chính trong tội ác này. Trong cả hai trường hợp, các chính trị gia chỉ thích nói về những điều khác mà thôi.
Xét theo quan điểm rộng lớn hơn thì ngành kinh doanh S&L chính là một liên minh bên trong một liên minh. Sự thất bại này hẳn đã không xảy ra nếu không có sự hậu thuẫn của một tổ chức lũng đoạn mang tên Hệ thống Cục Dự trữ Liên bang để tạo ra những khoản tiền cứu trợ kinh tế vô cùng lớn từ sự cam kết của Quốc hội.
(*) “Skull and Bones” là một tổ chức bí mật được thành lập tại trường Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, Hoa Kỳ vào năm 1832 với sự tham gia của các nhân vật có thế lực vô cùng mạnh mẽ.
Chú thích:
[1] “Các khoản tiền gửi của bạn an toàn đến mức nào?” (How Safe Are Your Deposits?), Consumer Reports, tháng Tám năm 1988, trang 503.
[2] “Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Ohio làm rung chuyển thế giới” (Ohio Bank Crisis That Ruggled World), U.S. News & World Report, ngày 1 tháng 4 năm 1985, trang 11.
[3] Các khoản tiền gửi được bảo đảm đến mức nào trong các ngân hàng và tổ chức S&L yếu kém?” (How Safe Are Your Deposits in Ailing Banks, S&Ls?), U.S. Neivs & World Report, ngày 25 tháng 3 năm 1985, trang 74.
[4] “FSLIC thất bại” - Shirley Hobbs Scheibla, Baron’s, ngày 9 tháng 2 năm 1987, trang 16.
[5] “Điểm tin”, The New American, ngày 11 tháng 9 năm 1989, trang 15.
[6] “Báo cáo kiểm toán của FDIC chỉ ra rằng chi phí ước tính của The Wall Street Journal cho các đợt cứu trợ kinh tế đối với các tổ chức tiết kiệm năm 1988 là cực kỳ thấp” - Charles McCoy và Todd Mason, Wall Street Journal, ngày 14 tháng 9 năm 1990, trang A-12.
[7] “Ngành S&L tái thiết khi cứu trợ kinh tế tiến đến giai đoạn cuối” (R, Veribanc Neivs Release, Veribanc, Inc. (Wakefield, Massachusetts), ngày 12 tháng 1 năm 1994, trang 2.
[8] When Your Bank Fails của Dennis Turner (Princeton, New Jersey: Amwell Publishing, Inc., 1983), trang 141.
[9] “Thật khó khăn, hãy hỗ trợ những tổ chức S&L có vấn đề” của Patricia M. Scherschel, U.S. News & World Report, ngày 4 tháng 3 năm 1985, trang 92.
[10] “FIRREA: Hành động phi pháp về tài chính” của Edward J. Kane, Durell Journal of Money and Banking, tháng 5 năm 1990, trang 5.
[11] “Banking on government” của Jane H. Ingraham, The New American, ngày 24 tháng 8 năm 1992, trang 24.
[12] Junk Bonds: How High Yield Securities Restructured Corporate America của Glenn Yago (New York: Oxford University Press, 1991), trang 5.
[13] “Banking on government”, trang 24, 25.
[14] Được trích dẫn trong “Banking on government”, trang 26.
[15] “The Great Banking Scandal” của Hans F. Sennholz, The Freeman, tháng Mười một năm 1990, trang 405.
G. Edward Griffin
Nhật An - Minh Hà - Ngọc Thúy dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...