Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Nhà văn Trần Nhã Thụy: Trầm lắng đến bất ngờ

Nhà văn Trần Nhã Thụy:
Trầm lắng đến bất ngờ

“Những đứa trẻ mắc zịch” được gợi hứng từ niềm đam mê ảo thuật của hai cậu con trai nhà văn, đưa các độc giả nhí đến với không gian tuổi thơ với lắm màu nhiều sắc. Cuốn sách mang đến cho người đọc niềm tin vào sự tự tế trong cuộc đời này…
1. Vài năm trở lại đây, các nhà văn sung sức đang thừa thắng xông lên với sáng tác dành cho người lớn bỗng nhiên trẻ ra, trong veo, dọn mình cúi xuống chơi với thiếu nhi. Phần đa xuất phát từ việc muốn ghi lại các câu chuyện dễ thương, mã hóa kí ức thành tác phẩm để lưu giữ giúp con mình. Cao hơn, là thỏa mãn đơn “đặt hàng” của độc giả nhí trong nhà. Hoặc chút trẻ con trong người còn sót lại làm thức tỉnh nhà văn bố, nhà văn mẹ.
Có thể kể đến Nguyễn Vĩnh Nguyên với “Đi tìm hoang da”, Đỗ Bích Thúy với “Em Béo” và “Hội Cầu Vồng”, Phong Điệp với “Nhật ký Sẻ Đồng”, Nguyễn Đình Tú với “Ba nàng lính ngự lâm”, “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, Võ Diệu Thanh với “Siêu nhân Cua”,  Nguyễn Thế Hoàng Linh với tập thơ “Ra vườn nhặt nắng”. Và mới nhất là Trần Nhã Thuỵ với “Những đứa trẻ mắc zịch”.
Vậy là sau truyện ngắn (Lặng lẽ rừng mai, Những bước chậm của thời gian, Chàng trẻ măng ở phố treo đầu, Mùi), truyện dài (Thị trấn có tháp đồng hồ), tiểu thuyết (Sự trở lại của vết xước, Hát), tạp văn (Gối đầu lên mây, Cuộc đời vui quá không buồn được, Triều cường, chân ngắn và rau sạch), chân dung văn nghệ (Chuyện lạ văn nghệ sĩ), rồi tiểu phẩm (Váy ơi là váy), tất cả đều dành cho phụ huynh, đầu sách thứ 13 này Trần Nhã Thụy quyết định hướng đến các em nhỏ.
“Những đứa trẻ mắc zịch” được gợi hứng từ niềm đam mê ảo thuật của hai cậu con trai nhà văn, đưa các độc giả nhí đến với không gian tuổi thơ với lắm màu nhiều sắc. Cuốn sách mang đến cho người đọc niềm tin vào sự tự tế trong cuộc đời này. Nói như nhà phê bình Bùi Việt Thắng, là “Thấy lạc quan hơn, tin tưởng hơn, kỳ vọng hơn vào cái thật, cái tốt, cái đẹp”. Hóa ra, Trần Nhã Thụy, ngoài “đọc” tâm lý người lớn vô cùng thành thục, cũng rất cao tay trong việc hiểu “tâm tư nguyện vọng” của con trẻ.
2. Với văn chương, ngay từ đầu, Trần Nhã Thụy đã xác định lối đi không chiều lòng số đông, khi anh hướng đến những truyện không có chuyện, hay là chuyện đấy, nhưng không theo lối thông thường với rõ ràng mở đầu – kết thúc. Sẽ là khó cho ai đó muốn đọc để kể lại cho người khác nghe. Phải tiếp nhận trực tiếp. Tự trải nghiệm với văn bản. Bởi đấy là thứ văn được dụng công trong việc xây dựng không khí truyện và hướng đến cảm – giác – sống. Mà cảm giác, thì phải tự cảm nhận mới chân xác nhất.
Đến giờ, ở góc nhìn hạn hẹp cá nhân, tôi vẫn kiên định rằng “Sự trở lại của vết xước” là cuốn sách “ghi điểm” cao nhất trong hành trình định hình đường văn Trần Nhã Thụy. Cuốn tiểu thuyết không đao to búa lớn, không khía vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội thời dễ dậy sóng mỗi ngày với trăm thứ nảy sinh, vỡ ra một cách khó lường. Mà chạm vào miền cảm giác của người đọc.
Hoang mang. Bất an. Lạ lùng. Mê hoặc. Nhân vật chính bất ngờ bị đẩy vào cuộc sống khác, chênh vênh và âu sầu phiền muộn khi người vợ bỗng nhiên mất tích. Dường như, Trần Nhã Thụy đã thành công trong cuộc lội ngược dòng về với hiện sinh của J.P.Sartre và A. Camus.
Sự trở lại của vết xước được Trần Nhã Thụy ấp ủ trong vòng 3 năm, khi đến độ, anh xin nghỉ việc, dành 3 tháng ròng rã để chạm đến dấu chấm câu cuối cùng. Tất nhiên từ dấu chấm ấy đến bản thảo ưng ý còn là khoảng dài nữa. Nói vậy để hiểu, văn chương thật sự luôn là điều không đơn giản, không thể là cuộc chơi như ai đó nói văn hoa bóng bẩy. “Viết, là tự lưu đày mình”, như Linda Lê, nhà văn Pháp gốc Việt, từng nói. Còn Trần Nhã Thụy bảo, đấy là hành trình tự sát thương mình.
3. Là lứa học sinh chuyên Văn cuối cùng của trường chuyên thời còn tỉnh Nghĩa Bình (gồm Quảng Ngãi và Bình Định), rời miền Trung, chàng trai Trần Trung Việt (tên khai sinh của Trần Nhã Thụy) trở thành sinh viên Văn khoa Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp đại học, anh vừa viết văn vừa làm báo.
Cuộc vật lộn để trụ lại Sài Gòn luôn khắc nghiệt, nếu không muốn nói là khắc nghiệt nhất. Nơi đây là miền đất hứa, là cơ hội bao la. Nhưng cũng là mênh mông thách thức. Nhiều người trẻ hăm hở dấn bước, sau vài năm phải ngậm ngùi dạt về quê hoặc yên vị ở vùng vành đai nào đó. Trần Nhã Thụy lẳng lặng đi dọc tháng ngày với Sài Gòn. Bám trụ Sài Gòn bằng con chữ. Điềm tĩnh hơn bất cứ người điềm tĩnh nào mà tôi từng thấy.
Nhà văn Di Li từng nhận xét, đại ý: “Trần Nhã Thụy là người ít nói nhất mặt đất. Trong mỗi cuộc gặp, thường anh chỉ nói hai câu. Lúc vào: “Xin chào! Rất vui được gặp bạn”. Khi về nói thêm câu nữa: “Tạm biệt! Hẹn gặp lại”. Đọc phát phì cười. Kể ra Di Li nói hơi quá, hơi cường điệu. Nhưng tinh thần là đúng. Trần Nhã Thụy vô cùng kiệm lời. Anh thuộc tuýp người làm chứ không nói. Và nhiều khi cách anh làm khiến bạn bè đồng nghiệp không khỏi giật mình.
Bìa sách “Những đứa trẻ mắc dịch” của Trần Nhã Thụy
Ví như, lúc mới ra trường, đang yên ổn ở Văn phòng Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, là “đệ tử” thân cận của nhà văn Lê Văn Thảo – Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố thời ấy – anh chia tay với “hang ổ” văn chương để đi viết báo dạo. Đang ở tờ báo Tuổi Trẻ lớn nhất nước, đùng cái nghe tin anh nghỉ và ra làm báo tự do. Đang viết văn làm báo, đùng cái thấy tên anh ở vị trí biên kịch phim truyền hình.
Đang làm thơ ca hò vè trên facebook cho bạn bè tiêu sầu, đùng cái thấy anh rao bán hạt điều giúp bạn. Đang tĩnh lặng tránh xa hội hè, đùng cái anh vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Thành phố, giữ cương vị trưởng Ban Nhà văn trẻ. Cứ nghĩ anh chẳng bao giờ thi thố văn chương nữa, thì đùng cái, tên Trần Nhã Thụy được xướng lên ở cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.
4. Viết đến đây, tôi lại nhớ tháng Tư vừa rồi dự trại viết của tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trại viết ở Đà Nẵng nhưng có vào giao lưu với các chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi. Trên xe, các nhà văn, nhà thơ tranh thủ thâm nhập thực tế mảnh đất núi Ấn sông Trà bằng trí nhớ. Bắt đầu từ con người.
Lần lượt những cái tên được kể ra, như Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, Tả quân Lê Văn Duyệt, đến chí sĩ yêu nước Lê Văn Sỹ, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Quảng Ngãi phát về võ, chỉ tính riêng huyện Sơn Tịnh, qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, đã có đến 13 vị tướng nổi danh, có thể kể như: Tướng Nguyễn Chánh, Tướng Trần Văn Trà, Tướng Trần Quý Hai… Về văn chương, ít hơn, nhưng người nào ra người ấy, từ Bích Khê vắt qua Tế Hanh, bà Tùng Long, xuống Thanh Thảo, sau nữa là Nguyễn Đông Thức.
Thế hệ văn chương 7X đi ra từ Quảng Ngãi, có lẽ Trần Nhã Thụy và Tiến Đạt là hai cái tên tạo dấu ấn tốt nhất trong lòng người đọc.
So với bạn văn đồng hương, Trần Nhã Thụy gần gũi và nặng nợ với con chữ hơn. Bởi, trong khi Tiến Đạt làm du lịch viết văn thì Trần Nhã Thụy sống bằng nghề viết dạo, như cách anh giới thiệu về mình trên facebook. Dường như bất cứ việc gì, thứ gì liên quan đến chữ, Trần Nhã Thụy cũng đã nhúng bút/ nhúng bàn phím vào rồi. Từ báo đến văn, sang kịch bản phim, kể cả là tiểu phẩm v.v…
Nhưng dù có làm gì, viết gì, thì khi ngồi trước trang văn Trần Nhã Thụy cũng luôn ý thức với chính mình rằng: “Đọc chậm viết ít nhưng phải có sức nặng trên trang viết. Văn chương dù ở trường phái nào, cuối cùng cũng là để sẻ chia, xoa dịu con người. Văn chương không phải để ban phát hay dạy khôn ai cả. Và trong văn chương, anh phải tự tạo ra con đường của mình, phải có lối đi riêng. Có thể lần đầu anh dở ẹc, lần hai lần ba cũng vậy, nhưng đến lần thứ n nào đó anh có thể khá hơn, đó là sự hấp dẫn lẫn thử thách khắc nghiệt của văn chương.”
5.Sinh năm 1973. Trần Nhã Thụy đang ở tuổi 43. Cái tuổi dễ làm những người yêu thơ văn nhớ đến bài thơ nổi tiếng Người đàn ông 43 tuổi nói về mình của nhà thơ Trần Vàng Sao. Tôi tự hỏi, liệu giờ nói về mình, Trần Nhã Thụy sẽ nói gì?
Không chắc tất cả, nhưng rất có thể, người đàn ông 43 tuổi Trần Nhã Thụy quê Mộ Đức này sẽ ít nhiều nhắc nhớ về quê mình với quãng tuổi thơ đẹp đẽ đằm mình giữa thiên nhiên. Sẽ nói về những người lao động chân chất bình dị mà anh thích chơi mỗi ngày để từ đấy nhặt ra những chi tiết mà trí tưởng tượng nhà văn có phong phú cỡ nào cũng không nghĩ ra hết được. Sẽ nói về những buổi sớm mai ngồi lặng lẽ bên ly cà phê ở quán quen, một mình hoặc với vài người bạn thân thiết, trước khi lao vào ngày mới với bộn bề công việc dính đến chữ nghĩa.
Trần Nhã Thụy là vậy. Trầm lắng đến bất ngờ. Và bất ngờ nảy mầm từ trong trầm lắng.
23/10/2019
Văn Thành Lê
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...