Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Nguyễn Vũ Quỳnh chất chứa những cảm xúc sâu sắc nhân văn trong làng quê Việt Nam

Nguyễn Vũ Quỳnh chất chứa những cảm xúc
sâu sắc nhân văn trong làng quê Việt Nam

Nguyễn Vũ Quỳnh đã đưa ta đi từ những mối huyền cảm của làng quê, đi qua chiến tranh đến thời khoa học hiện đại, chính đó là điểm nhấn cho nội dung tập thơ của anh. Đối thoại với thời gian là thông điệp của trách nhiệm, lòng nhân hậu và trăn trở chân thành cho ngày mai…
Nguyễn Vũ Quỳnh luôn luôn nhớ về một miền quê nơi anh đã sinh ra và lớn lên với tuổi thơ đầy ắp những kỷ niệm. Hình ảnh quê hương luôn là những bức tranh với những gam màu đẹp mà anh tạo ra trong tâm tưởng người đọc..Đó cũng là hành trang gọn nhẹ theo anh suốt hành trình cơm áo đất phương Nam.
Đi qua tuổi thơ
đến quá nữa cuộc đời
nhớ làng mình cách xa phố huyện
đất  quê nghèo phiên chợ cũng long đong
(Mất dấu chân quê)…
Hoặc:
Quê tôi ngày trước
Ở giữa canh đồng thơm hương lúa dậy thì con gái
ngày giáp hạt tháng ba hình như dài hơn
tiếng chim chuyền tổ chiều xa
cứ ríu rit vô tư chia sẻ
cùng tiếc đau vìn vịt kêu chiều.
(Đi xa mất chỗ trở về)
Nguyễn Vũ Quỳnh rất thực trong mơ và mơ trong thực, anh ngược về xa xôi ký ức với ngôn ngữ đa tình, đa cảm mà lại bộc bạch thẳm sâu lòng mình. Nếu như ở hai tập thơ trước: Khúc hát xa quê và Ru lời yêu em. Anh đã ru tình, ru quê bằng thơ lục bát thì trong Đối thoại với thời gian, anh lại ru bằng thể thơ tự do. Điều đó cho ta thấy rằng thơ Nguyễn Vũ Quỳnh đã có sư chuyển hướng mạnh mẽ trong cấu trúc thi ca thế sự nhưng vẫn đượm một chữ tình. Trong thơ tự do anh đã khéo léo sử dụng luật đổi thanh ở cuối khổ, cuối câu tạo ra một tiết tấu êm dịu, do vậy khi đọc lên nghe du dương trầm bổng. Với tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng. Sự chu chuyển lao động, các dự án xây dựng, rồi mua bán đất làm thay đổi vóc dáng của nhiêu vùng quê. Nguyễn Vũ Quỳnh chạnh lòng, sợ mất cái đẹp đẽ tinh túy của ngày xưa ấy:
Phiên chợ trong họp vào ngày chẵn
 Ngày lẻ chợ ngoài hai chợ tan trưa
 Ai mua bán cái ngày xưa đó
 Đi xa về làng mất dấu chân quê…
Thật vậy, ngày nay ta còn thấy nững chiếc cổng làng đang tồn tại trong phố, phải chăng đó cũng là tâm nguyện bảo tồn văn hóa của đất nước cũng như Nguyễn Vũ Quỳnh hôm nay.
Nguyễn Vũ Quỳnh đã lồng ghép cái tình quê vào cảnh quê, tạo thành một bức tranh đẹp nhưng thơm lừng hương vị quê nhà, làm cho người đọc miên man lắng sâu nỗi nhớ bồn chồn da diết. Mỗi người trong chúng ta có cách diễn đạt biểu cảm yêu quê hương khác nhau nhưng chúng ta đồng cảm với phong cách viết của Nguyễn Vũ Quỳnh trong nỗi nhớ da diết này:
Ôm bóng quê cuộn tròn vào giấc ngủ
Dáng xưa về lục lọi cả tuổi thơ
(Dáng xưa)
Thế hệ Nguyễn Vũ Quỳnh đã xếp bút nghiên giã từ giảng đường lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ thanh bình cho hôm nay. Giờ đây ngược hành trình chinh chiến, anh như được thổi nóng tâm tư. Những thăng trầm, gian khó, những mất còn, đồng đội anh có bao nhiêu người đã nằm lại chiến trường, đi vào lòng đất mẹ. Thương quá chừng trong cách xưng hô chúng mày nghiêm quá với đồng đội, đã đưa ta đến một giấc mơ có thật, mà ở đó người sống và người chết đang trò chuyện, tâm tình với nhau:
Đồng đội ơi!
Sao chúng mày nghiêm thế
Cứ mãi xếp hàng không chịu tản ra
Khi còn sống đã xếp hàng đều đặn
Hy sinh rồi hàng vẫn xếp thẳng ngay
Và:
Chiều Trường sơn khói hương bay bảng lãng
Như đồng đội tôi đang hiện trở về
(Đồng đội ơi)…
Nguyễn Vũ Quỳnh cũng như bao nhiêu nhà thơ người lính khác đã làm sống động hành trình bảo vệ Tổ quốc của dân tộc. Hôm nay trở về với cuộc sống thời bình. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vũ Quỳnh lại bôn ba với cơm áo đời thường với những trăn trở, suy ngẫm trước những tồn tại xã hội qua cập nhật thông tin và trải nghiệm, anh bổng thấy thời gian đích thực là nhân chứng. Và trong trạng thái suy tư nào đó anh đã thấy mình nói chuyện được với thời gian, chiêm nghiệm nhận biết những tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. Đó là nguồn cơn để Đối thoại với thời gian ra đời. Anh đã viết:
Kẻ thù rình rập khơi xa
Lạm phát tăng vài con số
Kinh tế sụt sùi suy thoái bão giông
Phát triển hướng chiều đi xuống
Câu hỏi ở trong nghị trường
Khi bộ trưởng bước lên thềm cơ chế
Đất nước nghèo sao lắm những viễn vông
(Đối thoại với thời gian)…
Những câu hỏi mà khi đối thoại với thời gian nhà thơ đã nêu ra cũng chính là những suy tư mà cộng đồng đang hương tới trong quá trình đồng hành với công nghệ, khoa học hiện đại. Kinh tế thị trường đang lộ dần những khuyết tật của nó. Tôi cho rằng nếu thời gian là biểu tượng thay cho những người điều hành vĩ mô thì cách suy luận sẽ trở thành lý thú. Và ta càng tâm đắc  với Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, anh đã bật tung những thói quen cũ kỹ, giáo điều, đẫn đến cái mới cái hay đến cái đích cho mọi người đi tới. Cũng chính vì vậy, Nguyễn Vũ Quỳnh đã đưa ta đi từ những mối huyền cảm của nông quê, qua chiến tranh đến thời khoa học hiện đại. Chính đó là điểm nhấn cho ý tứ cả tập thơ. Đối thoại với thời gian là thông điệp của trách nhiệm, lòng nhân hậu và trăn trở chân thành cho ngày mai. Đó là nhân văn, là  thành công về thơ thế sự của Nguyễn Vũ Quỳnh.
TP Hồ Chí Minh, 23/7/2014
Xuân Trường
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...