Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Linh

Linh

Hai năm nay Linh không về nhà thăm ba má được. Từ dạo dịch Covid bùng phát ở Sài Gòn, công ty đóng cửa, nhóm bạn công nhân đứa thoát được về quê, đứa chết vì dịch, số may mắn thì sống vất vưởng nơi gầm cầu, chái chợ. Linh cũng tơi tả cùng đám bạn ở lại vì không còn tiền ăn, tiền trả nhà trọ. Tháng mười một năm đó cô thoát về được tới nhà với tấm thân tàn tạ, xác xơ. Ba má ở quê cũng không khác gì hơn, thiếu thốn trăm bề. Hai má con ôm nhau khóc. Nhà Linh có bốn người, ba má tuy chưa quá năm mươi tuổi nhưng mấy năm nay má đau liên miên. Gia đình có mấy công đất nhưng cũng chẳng ăn thua gì, cứ thiếu trước hụt sau. Đứa em gái học chưa tới lớp chín cũng nghỉ học, cùng cha phụ việc đồng áng.
Linh ở nhà được vài tháng, thấy tình hình dịch bệnh có vẻ dịu xuống. Hơn nữa, gần năm qua cứ phong tỏa cách li nên nhà chỉ còn cái xác, sống bữa đói bữa no. Ba Linh ở nhà suốt, chẳng làm được gì, kiếm ra đồng nào thì lo tiền thuốc thang cho má, nhìn cảnh nhà quá đau lòng nên Linh đành lên lại thành phố tìm việc làm. Có mấy đứa bạn rủ ra Đà Nẵng, nghe ngoài đó có vẻ dễ tìm việc hơn. Lúc đầu Linh ngần ngại vì ra đó xa quá sẽ khó về thăm nhà, nhất là má đang đau nhưng thấy cảnh túng bấn của gia đình, vả lại má cần có tiền chữa bệnh nên cô quyết định lên đường cùng mấy đứa bạn.
Đà Nẵng tuy dịch bệnh ít hơn Sài Gòn nhưng tìm được việc có thu nhập ổn cũng không dễ. Lúc đầu Linh xin làm ở mấy quán ăn, buổi tối thêm giờ phục vụ quán cafe mà tiền công nhận được cũng phải tằn tiện, dè xẻn từng đồng. Bốn đứa thuê một phòng trọ bé bằng lỗ mũi, vừa đủ chỗ để ngã lưng sau một ngày quần quật từ quán ăn chạy sang cafe, vậy mà cuối tháng cũng chẳng có đồng dư để gửi về cho ba má. Mấy đứa bạn dần đổi nghề, nhỏ Ly và Thắm qua làm bên karaoke, thu nhập khá cao nên cuộc sống của nó dần tốt hơn và hai tháng sau Ly, Thắm chuyển ra thuê nhà trọ riêng. Cứ thế, chỉ một thời gian ngắn phòng trọ chỉ còn mình Linh, nó buồn nhưng biết làm sao được. Nằm trằn trọc suốt đêm Linh vẫn không tài nào tìm được cho mình một phương cách khả dĩ có thể chia sẻ nỗi cơ cực cùng ba và em, phụ thuốc thang với má. Mấy đứa bạn thỉnh thoảng ghé thăm, thấy tụi nó ăn mặc, tiêu pha hào phóng hơn hẳn lúc còn ở chung nhà trọ, hơn hẳn khi làm công nhân trong thành phố. Tụi bạn rủ Linh sang cùng làm bên karaoke, thu nhập khá cao. Chưa bao giờ Linh có suy nghĩ đến việc phải làm tiếp viên trong quán karaoke, mặc dù không khi nào cô xem nhẹ hoặc dám coi thường công việc của các bạn. Bởi mỗi người đều có một cuộc đời, một số phận. Dẫu rằng ngày tháng của Linh hiện tại chẳng sáng sủa gì nếu không muốn nói là quá đỗi khó khăn, dù Linh mong muốn và mơ ước có được cuộc sống khá hơn. Má sẽ có đủ tiền mua thuốc để chữa bệnh, ba bớt gian khổ hơn khi người chưa qua tuổi năm mươi mà thân thể gầy gò, tóc đã bạc gần hết, rồi em Hà được đi học lại để có một tương lai tốt đẹp hơn, không phải giống chị nó tha phương, lây lất như thế này. Nghĩ đến đây, Linh tủi thân khóc rấm rứt và chìm dần vào giấc ngủ.
Linh phục vụ quán ăn từ sáng đến chiều tối, tiền công cũng chẳng được bao nhiêu. Ăn vội ổ bánh mỳ, cô lại chạy sang quán cafe làm cho đến mười giờ đêm. Thân thể rã rời, Linh thất thểu trở về nhà trọ. Ánh đèn đường vàng vọt hắt những mảng sáng vào thân hình tiều tụy của cô. Linh lê từng bước rã rời, chuông điện thoại reo, ba gọi nhắn giữ gìn sức khỏe và báo tin má trở bịnh nặng. Linh trả lời mà mắt nhòa lệ: “Con khỏe, con sẽ gắng gửi sớm tiền về mua thuốc cho má”. Với tâm trạng rối bời của cô gái vừa bước sang tuổi hai mươi trong hoàn cảnh bi thương, Linh bước đi loạng choạng và chiếc xe máy trên đường không tránh kịp đã đâm vào Linh. Ông trời vốn dĩ không cho không và cũng chẳng lấy không ai cái gì, nhưng sao thân phận Linh lại quá bi thảm. Người gây tai nạn đã bỏ chạy, Linh bị gãy chân nằm bất tỉnh được người đi đường đưa vào bệnh viện. Do không có người nhà làm thủ tục và đóng tiền nên cô phải nằm chờ ở phòng cấp cứu đến trưa hôm sau. Mấy đứa bạn hay tin chạy đến cùng chung góp lo cho Linh.
Ly, Thắm và Hiền thay nhau đến bệnh viện chăm sóc, sức khỏe của Linh cũng dần bình phục. Chiều nay Linh chống nạng ra sân dạo cho khuây khỏa. Nhỏ Hiền đến thăm mang cho Linh bọc trái cây rồi về ngay. Cô đi lang thang quanh sân, không biết cuộc đời mình rồi sẽ đi về đâu, đầu óc rối bời. Thương ba, nhớ mẹ nhớ em, chạnh lòng Linh lại rưng rưng nước mắt. Cô lê từng bước khập khiễng đến ghế đá dưới tán cây ở góc sân, đặt bọc quà nhỏ Hiền lên ghế đá rồi ngồi xuống. Linh ngồi nghĩ ngợi mông lung chẳng đâu vào đâu. Cô định đứng lên trở về phòng, nhưng ngạc nhiên nhìn cái túi xách ai đó để trên ghế đá mà khi mới tới Linh đã thấy, đến giờ vẫn chưa ai đến lấy. Linh ngồi nán lại, bối rối nhìn túi xách. Cái túi du lịch cỡ nhỏ chỉ lớn hơn cuốn sách một tí, chắc đựng giấy tờ của ai đến thăm hoặc nằm viện. Cô do dự không dám bỏ về phòng, vì sợ người khác lấy mất rồi mình bị liên lụy. Cô đành ngồi lại giữ đồ vật không phải của mình, chán thế! Bàn chân băng bột trở nên nặng nề, tê tê do ngồi lâu. Có vẻ Linh đã hết kiên nhẩn khi ngồi giữ túi xách cho ai đó quá vô duyên. Bực mình, cô kéo nó lại sát bên rồi mở ra xem giấy tờ quí giá đến đâu mà phải bị ngồi giữ từ chạng vạng đến giờ. Khóa túi xách vừa được kéo ra Linh hốt hoảng đóng lại, ngồi thở dốc mặt mày tái méc, cả người run lên như bị rét. Cái túi du lịch ấy đựng rất nhiều tiền!
Giờ thì Linh như bị đóng đinh ở trên ghế. Cô nửa muốn giữ chặt nửa muốn đẩy cái túi xách ra xa, vừa sợ bị liên lụy vừa lo bị kẻ gian lấy, vì tài sản quá lớn. Chưa bao giờ Linh thấy tiền nhiều như vậy. Im lặng lấy số tiền này ư? Chắc không ai biết vì khi Linh đến ghế đá ngồi, có nhiều người qua lại, giờ thì rất vắng. Với túi tiền này má sẽ có tiền chữa bệnh, em Linh được đi học lại, cuộc sống gia đình bớt cơ cực hơn. Cô cảm thấy người khỏe hẳn ra, nhìn quanh xem có ai chú ý đến mình không, chẳng có ai. Linh kẹp túi tiền vào bọc trái cây dợm chân chống nạng đứng lên. Cô đi được mấy bước chợt thấy mặt nóng bừng như vừa bị ai bắt quả tang đang làm việc gì đó xấu xa. Linh thấy ba đang nghiêm khắc nhìn mình, thấy mẹ khuôn mặt xanh xao, ánh mắt buồn rầu thất vọng nhìn trách móc. Linh xấu hổ quay lại ghế ngồi xuống: “Không được! Mình dù nghèo nhưng không thể là kẻ cắp”! Linh ngồi lại chưa được bao lâu thì một ông bác hớt hải vừa đi vừa chạy tới chỗ Linh:
- Cháu ơi! Cháu ngồi đây lâu chưa? Có thấy một cái túi xách nhỏ màu xanh...
Linh đưa mắt nhìn ông bác mới đến:
- Dạ có, bác cho cháu biết trong đó có đồ gì ạ.
Người đàn ông mừng sắp phát khóc:
- Chở bác gái vào nhập viện, ngồi đây nghỉ bác để quên trên ghế. Trong đó chỉ có tiền thôi cháu ạ.
Linh trao lại túi du lịch đựng tiền cho ông bác,.ông cầm tay Linh run run:
- Cám ơn cháu, cháu tốt quá! Nếu mất số tiền này vợ bác sẽ không cứu được.
Ông vừa nói vừa khóc. Linh cầm nạng chống đứng lên đi về phòng.
Trời đêm se se lạnh, bên kia tường rào phố xá về đêm đẹp lung linh, Linh cảm thấy lòng mình thanh thản. Cô ngước lên nhìn trời đêm thăm thẳm tìm xem ngôi sao của mình đang ở phương nào.
Linh ngồi bó gối trên giường nhìn đăm đăm ra ngoài cửa sổ phòng bệnh viện. Cô nhìn gì? Ngắm cây cối chăng, không! Chẳng nhìn gì cả, Linh nhìn vào chốn mênh mông. Cô nghĩ cuộc đời mình, nhìn thân phận mình sao quá đỗi xót xa.
Sáng nay bác sĩ khám xong thấy sức khỏe đã ổn định nên thông báo với cô lên phòng tài vụ làm thủ tục xuất viện. Chiều hôm qua Ly với Hiền tới thăm và gửi Linh bốn triệu giúp hỗ trợ tiền bệnh viện, Linh xúc động rơm rớm nước mắt, nhìn những người bạn đã một thời gian dài cùng chia ngọt sẻ bùi, cùng nương tựa nhau lúc đói, no trong mùa đại dịch, đùm bọc nhau lúc sa cơ lỡ bước như thế này. Vừa rồi Linh lên đóng viện phí, số tiền tám triệu rưỡi, thiếu một triệu rưỡi nên đành về lại phòng và ngồi bó gối với nỗi xót xa cho thân phận mình. Ở một nơi xa lạ thế này cô chẳng biết phải bấu víu vào ai, những đứa bạn đã giúp mình quá nhiều. Tụi nó cũng có những khó khăn, lo toan như mình nên Linh không thể dựa vào mãi thành một sự lợi dụng.
Mười một giờ hơn, Linh định ra căng tin ăn tạm cái gì đó cho qua bữa. Cô với tay lấy cây nạng định chống đi thì ngoài cửa bước vào một anh thanh niên, tay xách một túi trái cây và ngay bên cạnh anh là ông bác mà cách đây gần một tuần Linh đã gặp ngoài ghế đá. Cô hơi bất ngờ, chắc là đến thăm ai trong phòng này nên Linh khẽ cúi đầu chào. Bác Ninh (tên ông bác) tiến đến gần Linh:
- Chào cháu, mấy hôm nay bận lo cho bác gái, chừ mới đến thăm cháu. Cháu đỡ nhiều chưa?
- Dạ, cháu khỏe nhiều rồi, cám ơn bác.
Bác Ninh chỉ tay vào anh thanh niên:
- Đây là Long, con trai bác.
 Long cỡ chừng hai bảy tuổi, giống bác Ninh như đúc. Anh về Đà Nẵng khi được tin mẹ nằm bệnh viện. Anh đặt túi quà lên bàn, nói những lời cám ơn và biết cô đang định đi ăn trưa nên xin phép được mời Linh dùng bữa trưa cùng anh và ba. Cô không thể từ chối khi bác Ninh và anh Long mời chân tình đến như thế. Trong túi trái cây biếu Linh còn có một phong bì, không phải tiền, một tờ giấy xuất viện của Linh, cô rất khó xử, Long nói:
- Em đừng ngại, anh và ba vẫn nghĩ rằng em đã cứu sống mẹ anh. Ân tình này gia đình anh luôn ghi nhớ và xem em như người thân trong gia đình.
Linh chẳng biết nói gì hơn là nghe theo lời của anh Long và bác Ninh. Ăn trưa xong cô trở về nhà trọ, ra cổng bệnh viện định gọi Grab thì thấy bác Ninh và anh Long đến. Bác Ninh nói:
- Cháu để Long chở về, người nhà cả mà con đừng ngại.
Linh chào bác Ninh, tự nhiên lòng dâng nhiều cảm xúc. Xa ba má, bôn ba xứ người, thèm một mái ấm gia đình, thèm tình yêu thương, thèm sự chăm sóc. Nhưng với cô, nó xa quá. Giờ nhận được sự quan tâm chân thành khiến lòng Linh xao xuyến.
Linh chưa thể đi làm lại được. Không ai lại nhận một cô gái chống nạng, chân bó bột phục vụ trong quán ăn, quán cafe cả. Đến giờ này ba má vẫn chưa biết cô bị tai nạn, Linh không báo tin về nhà vì biết gia đình sẽ càng lo lắng thêm. Hai hôm nữa Long vào Sài Gòn, chiều nay anh đến mời Linh đi dạo. Trước kia anh vào Sài Gòn học, ra trường ở lại làm luôn. Gần đây công việc không được tốt lắm nên anh thuê nhà, mở một quán cafe nhỏ để có thu nhập thêm. Khi biết hoàn cảnh của cô, anh có nói qua với ba mẹ của anh là anh muốn đề nghị Linh vào làm và phụ anh coi ngó quán. Ở Sài Gòn cô sẽ tiện về thăm nhà và chăm sóc mẹ. Nghe anh đề nghị như vậy Linh rất mừng. Cô tin anh, tin gia đình anh đã thật lòng nghĩ đến cô. Tuy thời gian biết nhau không dài nhưng qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc Linh đã có nhiều thiện cảm với gia đình bác Ninh. Cô nhìn Long đầy vẻ biết ơn:
- Em cám ơn anh và gia đình đã tạo cho em những điều tốt lành như thế. Em biết mình còn kém lắm nhưng em sẽ cố gắng, cố gắng để đáp lại sự quan tâm, yêu thương đối với em.
Nói đến đây tự nhiên Linh bối rối, cô dí dí bàn chân xuống bờ cát. Gió biển lồng lộng từ khơi xa đẩy từng con sóng nối tiếp nhau xô vào bờ. Trời lành lạnh Linh kéo cao cổ áo, Long cởi áo khoác choàng vào người Linh:
- Trời lạnh em ạ.
- Dạ.
Phạm Tú Uyên  
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...