Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Văn học hiện sinh tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Văn học hiện sinh tại miền
Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975

Chủ nghĩa hiện sinh là một thuật ngữ vừa quen vừa lạ với giới nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam. Quen vì đã từng có một dòng chảy hiện sinh len lỏi trong nguồn mạch văn học đô thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954. Lạ bởi vì trong từng thời kỳ, từng thời điểm khác nhau, dòng chảy này hoặc không được nhắc đến, hoặc bị lên án gay gắt, nguồn tư liệu tiếp cận được cũng bị hạn chế và rất khó khăn. Nhưng không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng một thời của nó đối với lý luận và sáng tác văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1945 – 1975, thậm chí có thể xem đây là ảnh hưởng lớn nhất trong số các lý thuyết triết học đối với bầu không khí sáng tác và học thuật văn chương ở đô thị miền Nam một thuở.
Hiện nay đã có một số bài viết, công trình đề cập đến chủ đề này. Có thể đề cập đến công trình “Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975” của Trần Hoài Anh (NXB Hội nhà văn, 2009), trong đó tác giả đã dành cho phê bình hiện sinh một số trang viết đáng kể (từ trang 195 đến trang 217). Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga “Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954- 1975” đăng trên website của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM đã phác họa được những nét diện mạo cơ bản của sự truyền bá chủ nghĩa hiện sinh và tác động của nó đến văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975. Trong khi đó, bài viết của Huỳnh Như Phương “Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 (trên bình diện lý thuyết)” đăng trên website http://www.phebinhvanhoc lại nhìn nhận chủ nghĩa hiện sinh có sự phân hóa rất lớn trong cách nhìn nhận của giới trí thức miền Nam thời bấy giờ.
Ngày nay việc nhìn nhận và đánh giá lại những giá trị mà chủ nghĩa hiện sinh đã mang lại cho sáng tác văn học ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà không khí lý luận và sáng tác văn chương đang đứng trước làn sóng ảnh hưởng của nhiều chủ thuyết từ nước ngoài. Hơn thế nữa, việc tìm hiểu về văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 sẽ cho thấy một khía cạnh của việc giao lưu và tiếp biến giữa văn hóa của mảnh đất miền Nam với văn hóa phương Tây, một chiều kích rất quan trọng của không gian văn hóa Nam Bộ.
1. Bối cảnh văn hóa của đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975
Ngày 8.8.1954, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới sự chủ trì của tổng thống Mỹ Eisenhower chính thức quyết định thay chân Pháp ở Việt Nam. Lịch sử Việt Nam bước sang một giai đoạn mới. Cùng với những biến động liên tục của tình hình chính trị xã hội, tình hình chiến tranh cũng có sự khốc liệt ở từng giai đoạn và ngày một leo thang. Bầu không khí chiến tranh đã thực sự có ảnh hưởng đến tâm trạng của từng người dân miền Nam. Lo âu, phấp phỏng, hồi hộp và chán ngán cảnh chiến tranh có thể nói là một tâm trạng thường trực của mỗi con người và trong bối cảnh đó, chủ nghĩa hiện sinh đã có một căn rễ tư tưởng để từng bước xác lập vị trí vững chắc trong văn học miền Nam giai đoạn 1954 – 1975.
Trong bối cảnh văn hóa của đô thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, không thể không kể đến vai trò của Sài Gòn. Từ sau năm 1954, Sài Gòn chính thức trở thành thủ đô của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Điều này đồng nghĩa với việc Sài Gòn trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của toàn miền Nam. Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn là nơi tập trung cư dân đông đúc, năm 1964 có khoảng 1,5 triệu người, năm 1973 khoảng hơn hai triệu người, nếu tính cả những vùng ngoại thành lân cận thì lên đến gần bốn triệu người, tức chiếm khoảng một phần năm dân số miền Nam thời bấy giờ. Sài Gòn là nơi tập trung những cơ quan đầu não của chính quyền Việt Nam cộng hòa, là nơi đặt bộ máy điều hành cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Sài Gòn còn là nơi tập trung những ngân hàng, nhà máy, xí nghiệp, công ty…, là nơi diễn ra những hoạt động giao dịch thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ nhộn nhịp nhất miền Nam. Và Sài Gòn còn là nơi tập trung những trường đại học, những nhà xuất bản, phương tiện truyền thông đại chúng (báo chí, phát thanh, truyền hình…), các tổ chức văn học nghệ thuật… Tầng lớp trí thức, sinh viên học sinh chiếm một số lượng khá đông đảo. Và chính ở những người này, cuộc đấu tranh giữa các khuynh hướng tư tưởng đã diễn ra gay gắt nhất. Hơn thế nữa, Sài Gòn còn là một diễn đàn lớn, là nơi phát ngôn tư tưởng của nhiều loại giáo phái, từ các tôn giáo đã tồn tại từ lâu đến những giáo phái mới tạo dựng; là nơi gặp gỡ của nhiều loại chính kiến, từ cực đoan đến trung lập, ôn hòa, tiến bộ, chống Mỹ quyết liệt.
Từ tháng 11.1963 đến giữa năm 1965, đã có 10 cuộc đảo chính của giới cầm quyền cả dân sự và quân sự ở Sài Gòn. Các chính phủ lần lượt được dựng lên rồi thay đổi với tốc độ chóng mặt. Quay cuồng trong cơn lốc chính trị, hàng loạt những chính kiến, luận điểm được nêu lên không nhằm ngoài mục đích tác động đến tư tưởng người dân đang sống trong thời kỳ này. Lời phát biểu của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong buổi lễ trao tặng “giải thưởng văn học nghệ thuật toàn quốc” ở Sài Gòn năm 1970 cho thấy rõ quan điểm của giới cầm quyền: “Thông thường, muốn đối phó với một tình thế đặc biệt của lịch sử thì quân sự và chính trị mới chính là những địa hạt then chốt. Tuy nhiên, bằng quân sự và chính trị chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề một cách cấp thời mà thôi, trái lại muốn cho sự chiến thắng được toàn vẹn và lâu bền chúng ta phải nghĩ đến một nền tảng kiên cố hơn, đó là lãnh vực văn hóa…, lãnh vực văn hóa sẽ đóng vai trò quyết định trong công cuộc chiến thắng cộng sản…”.
Sau Đại hội Văn hóa toàn quốc tại Sài Gòn (tháng 2 năm 1957), nhiều tổ chức văn hóa ra đời như Hội Nghiên cứu Văn hóa Á Châu (1957), Hội Tự do văn hóa Việt Nam (1957), Bút Việt (1957), Hội Văn hóa Việt Nam (ra đời năm 1960, do đích thân Ngô Đình Nhu làm chủ tịch), Hội Văn hóa Duy Linh (1960), Mặt trận bảo vệ tự do văn hóa…, tên gọi có thể khác nhau nhưng đều nhằm một mục đích chung là phục vụ cho những chính sách của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Thậm chí chính quyền Việt Nam Cộng hòa còn có hẳn một cơ quan làm tham mưu, chỉ đạo cho học thuyết “Cần lao nhân vị” là “Sở Nghiên cứu chính trị văn hóa xã hội” do Trần Kim Tuyến đứng đầu. Bộ Thông tin được đổi tên thành Bộ Thông tin và chiến tranh tâm lý.
Các nhóm văn chương cũng xuất hiện với tinh thần “trăm hoa đua nở”. Đó là các nhóm Người Việt (sau đổi là Sáng Tạo), Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, Nhân Loại, Khởi Hành, Thời Tập, Văn, Tuổi Ngọc… Các nhóm này thường đứng ra chủ trương một tờ báo, tạp chí làm nơi bộc lộ quan điểm của mình.
Nhiều tờ báo ra đời: báo Dân, Tuần báo Văn nghệ, Quan điểm Nhân loại, Công lý, Hừng sáng, Điện báo, Duy tân, Gọi đàn, Tin mới, Dân nguyện, nguyệt san Viên âm, Văn nghệ tập san, Tin Văn, Chỉ đạo, tạp chí Văn hữu, Bách Khoa…
Đội ngũ những người cầm bút trên lĩnh vực tư tưởng càng đông đảo và lẽ dĩ nhiên là phân chia theo những khuynh hướng chính trị khác nhau. Theo cuốn Niên giám Văn nghệ sĩ và Hiệp hội văn hóa Việt Nam do Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn xuất bản trong năm 1969, 1970 thì có 83 văn sĩ, 55 thi sĩ, 6 kịch tác giả, 75 nhà sưu tầm biên khảo… Đây mới chỉ là con số thống kê chưa thật đầy đủ.
Theo thống kê của Võ Phiến trong cuốn Văn học miền Nam thì riêng ở Sài Gòn thời kỳ này đã có cả ngàn nhà in, 150 nhà xuất bản. Đời sống văn học phát triển phong phú, đa dạng, đáp ứng đủ mọi cung bậc cảm thụ, thưởng thức văn chương của mọi tầng lớp độc giả. Đặc biệt, văn học Mỹ, Pháp, Anh, Nga… đều được chú trọng giới thiệu. “Thị phần sách dịch theo Võ Phiến đã có một thời vào năm 1970 chiếm đến 60% và đến năm 1972 đã lên đến 80% toàn bộ đầu sách xuất bản ở miền Nam. Theo kết quả điều tra tiến hành vào tháng 7/1976, số sách dịch của miền Nam trong 20 năm bao gồm: Đức 57 đầu sách, Ý 58, Nhật 71, Anh 97, Mỹ 273, Pháp 499, Đài Loan và Hương Cảng 358, Nga 120, còn lại những nước khác 381” (Theo Nguyễn Văn Lục, Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955 – 1975 http://lyluanvanhoc.com/?p=2504.) Đội ngũ dịch thuật cũng rất đông đảo. “Những tác giả được dịch nhiều nhất là J.P. Sartre, A. Camus, F. Sagan, P. Buck, St Exupery, E. Hemingway, Hermann Hesse, Kim Dung, Quỳnh Giao… Các dịch giả quen thuộc với bạn đọc trên các báo và tạp chí là Cô Liêu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Châu, Vũ Anh Tuấn, Vi Huyền Đắc, Quốc Dũng, Vũ Ký, Đặng Trần Huân, Phong Nhã, Hà Hữu Nguiên, Nguyễn Minh Hoàng, Trần Phong, Lương Ngọc, Nguyễn Văn Trung, Trần Hương Tử (bút danh của Trần Thái Đỉnh)… Với sách dịch, những dịch giả quen thuộc là: Bùi Giáng, Phùng Thăng, Trần Phong Giao, Hoàng Thiện Nguyễn, Mai Vi Phúc, Phạm Bích Thủy, Trần Thiện Đạo, Võ Văn Dung, Lê Thanh Hoàng, Thụ Nhân, Nguyễn Hữu Hiệu, Bửu Nghi, Từ An Tùng, Từ Huệ, Trần Công Tiến, Phạm Công Thiện, Trần Thái Đỉnh v.v…” (Nguyễn Thị Việt Nga. Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/)
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Jean Paul Sartre và Albert Camus, những nhà hiện sinh chủ nghĩa được xem là những người thầy tư tưởng của cả một thế hệ. Ở miền Nam, nhiều tác phẩm của hai người đã được dịch ra tiếng Việt và có những ảnh hưởng đáng kể đến những người cầm bút ở Sài Gòn thời bấy giờ. Sau đó là Francois Sagan với những sáng tác được dịch và đón nhận nồng nhiệt ở miền Nam. Tầm ảnh hưởng của những tác giả này không chỉ đơn thuần trên phương diện văn chương, mà còn trên phương diện cuộc sống. Trên sách báo xuất bản chúng ta vẫn thường xuyên đọc được những dòng chữ tương tự như thế này: “Sống lưỡng lự có nghĩa là biết nghe, nghe sự im lặng kinh hồn của hố thẳm, nghe nỗi chết trườn mình qua cơ thể, nghe tiếng ồn ào của cơ khí đang tàn phá bầu trời và trái đất, nghe sự sợ hãi ngự trị trong con người và biến con người thành một cái gì bần tiện nhất, xấu xa nhất đời” (Theo Nguyễn Văn Lục, Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955 – 1975 http://lyluanvanhoc.com/?p=2504).
2. Văn học hiện sinh ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975
Cho dù còn có những nhận định khắt khe, kiểu như: “Không phải ngẫu nhiên mà triết lý hiện sinh đã tìm thấy một miếng đất tốt ở xã hội Mỹ ngụy. Không phải đa số những người cầm bút có được nhận thức đúng đắn và sâu sắc về triết thuyết hiện sinh cũng như về văn học hiện sinh của phương Tây. Mặc kệ, người ta cứ viết bừa về chủ nghĩa hiện sinh vì đánh hơi thấy trong đó có những cái phù hợp với thời thượng, với tâm lý hoài nghi, phá phách, buông trôi, hưởng lạc trong xã hội Mỹ ngụy” (Lê Đình Kỵ (1987). Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, trang 69.) nhưng nhìn chung, văn học hiện sinh ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 là một tiếng nói khác biệt mà ngày nay, sau một quãng thời gian dài, chúng ta soi chiếu vào đó và có thể liên tưởng đến những giao lưu, tiếp biến trong tình hình văn học hiện tại.
Sự phát triển của văn học hiện sinh có thể thấy là có chỗ dựa vững chắc từ việc triết thuyết hiện sinh được phổ biến từ rất sớm ở miền Nam Việt Nam. Từ trước năm 1960, chủ nghĩa hiện sinh đã rất nhanh nhạy được giảng dạy và đề cập đến trong giảng đường các trường đại học như Văn khoa Sài Gòn, Huế, Vạn Hạnh, Đà Lạt… Nhiều cuộc tọa đàm, nói chuyện về chủ nghĩa hiện sinh được tổ chức và lôi cuốn sự chú ý của đông đảo trí thức. Một số trí thức như Nguyễn Văn Trung, Nguyên Sa, Quang Minh, Thạch Chương, Trần Văn Toàn, Cô Liêu, Nguyễn Anh Linh… đã đăng nhiều bài viết rải rác trên sách, báo, tạp chí giới thiệu về chủ nghĩa hiện sinh. Những bài viết này không ngoài mục đích giới thiệu về chủ nghĩa hiện sinh và hầu hết đều nhìn chủ nghĩa hiện sinh với cái nhìn thiện cảm. Họ xem đây là một chủ thuyết phù hợp với tâm thức, hoàn cảnh sống của con người thời hiện đại. Tuy vậy, trong thời gian này, chủ nghĩa hiện sinh còn chưa được phổ biến rộng rãi bởi lẽ phải nhường đất cho học thuyết “cần lao nhân vị”, một chủ trương về mặt tư tưởng của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trên mảnh đất miền Nam chỉ thực sự mạnh mẽ và sâu rộng từ sau năm 1960. Khi ấy chế độ của Tổng thống Ngô Đình Diệm sụp đổ, kèm theo đó là sự sụp đổ của thuyết duy linh nhân vị. Khoảng trống tư tưởng ấy nhanh chóng được chủ nghĩa hiện sinh lấp đầy. Nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu chủ nghĩa hiện sinh được xuất bản trên sách, báo và tạp chí. Có những công trình dày dặn, gây tiếng vang như: Lê Tôn Nghiêm với các cuốn Heidegger trước sự phá sản của tư tưởng Tây phương (Lá Bối xuất bản, 1970), Đâu là căn nguyên tư tưởng hay con đường triết lý từ Kant đến Heidegger (Trình Bày xuất bản, 1970), Những vấn đề triết học hiện đại (Ra Khơi xuất bản, 1971), Lê Thành Trị với chuyên khảo Hiện tượng luận về hiện sinh (Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1969), Nghiêm Xuân Hồng với Nguyên tử, hiện sinh và hư vô (Hoàng Đông Phương xuất bản, 1969), Bùi Giáng với Tư tưởng hiện đại (Tân An xuất bản, 1974) v.v…
Bài trên tạp chí, báo cũng có rất nhiều như: Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh (Sáng Tạo, số 28/1959) của Quang Ninh, Vị trí của trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý (Đại Học số 18/1960), Bộ mặt thật của triết học hiện sinh (Bách Khoa số 114/1961), Những đề tài chính của triết học hiện sinh (Bách Khoa số 115/1961) của Trần Hương Tử, Chủ nghĩa hiện sinh (Báo Mai số 30/1961) của Bùi Giáng và Hoàng Minh Tuynh, Tìm hiểu đạo đức của J.P.Sartre (Văn số 17/1964) của Trần Thiện Đạo, Bản thuyết trình về tình yêu trong triết học Kierkegaard (Tư tưởng số 8,9/1971) v.v…
Khi chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào miền Nam, cũng tương tự như ở trên thế giới, nó đã chọn văn học làm nơi thể hiện mình. Chủ nghĩa hiện sinh ảnh hưởng đến văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975 ở nhiều thể loại: kịch, thơ ca, tiểu thuyết.
2.1. Kịch mang dáng dấp hiện sinh phi lý
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà viết kịch phi lý Samuel Beckett, Eugene Ionesco được giới thiệu nhiều ở miền Nam thời kỳ này. Sự phá vỡ kịch truyền thống, đơn giản hóa và làm méo mó sân khấu, giới thiệu những nhân vật phi lý phải hao tâm tổn sức vì những điều vô nghĩa, cố gắng chuộc lại cái tội đã sinh ra đời và tất cả đều mang dấu hiệu của tính hư vô và cái chết, thực sự đã có sự tác động mạnh mẽ đến những người làm kịch ở miền Nam.
Trong vở kịch Biển tối của Lữ Hồ, sân khấu tối đen, không nhìn thấy nhân vật, chỉ nghe thấy tiếng bốn người tranh cãi. Nhân vật A là nhân vật chính của vở kịch. Trong vở kịch chúng ta nghe thấy tiếng A tranh luận với ba nhân vật khác là một nhà cách mạng, một nhà giáo, một nhà truyền giáo. A cho rằng mọi khái niệm như dân chủ, giai cấp, xâm lược chỉ là công thức. Vở kịch kết thúc khi ánh sáng bật lên. Có lẽ mục đích khi dàn dựng vở kịch này là Lữ Hồ muốn khẳng định sự quay lưng lại với ánh sáng, phủ nhận tất cả, phủ nhận mọi mâu thuẫn xã hội, khước từ tất cả. Cách dàn dựng của vở kịch làm cho chúng ta nhớ tới vở kịch Ôi! Những ngày tươi đẹp của Samuel Beckett với sự độc thoại của một người phụ nữ và vở Hài kịch cũng của ông với ba nhân vật nhô đầu ra khỏi 3 cái chum và nói năng lầm bầm. Họ không có tên mà dược đánh số bằng ký hiệu F2, H và F1.
Một tên tuổi khác trong làng kịch Sài Gòn là Vũ Khắc Khoan. Ông nổi tiếng từ khi còn hoạt động ở Hà Nội trước năm 1954 với việc thành lập nhóm quan điểm cùng với Nghiêm Xuân Hồng. Ông được xem là người đã hòa trộn hai lối viết kịch rất khác biệt qua hai thời kỳ lịch sử: phong cách kịch của Shakespeare và phong cách kịch của Samuel Beckett. Những tác phẩm kịch của ông là Thằng Cuội ngồi gốc cây đa, Giao thừa, Hậu trường, Những người không chịu chết, Thành Cát Tư Hãn, Ngộ nhận. Ông xây dựng nhân vật kịch mang dáng dấp của những nhân vật hiện sinh. Nhận xét về vở kịch Thành Cát Tư Hãn, Thụy Khuê có viết: “Con người khốc liệt và kiêu hùng nhất là Thành Cát Tư Hãn cũng chỉ đợi chờ cái chết. Sống để chờ chết và không ai biết trước diện mạo định mệnh của mình, là những chủ đề chính trong tác phẩm. Thuyết định mệnh và thuyết đợi chờ giao thoa với nỗi cô đơn tuyệt đối của vị đại hãn trong sa mạc thần quyền, tạo nên hình tượng bi đát nhất của con người trong tác phẩm Thành Cát Tư Hãn.” (Thụy Khuê. Vũ Khắc Khoan, con người và tác phẩm. http://hoangminhtuan.blogtiengviet.net) Bản thân nhân vật Sơn Ca trong vở kịch chỉ thấy đời là một cuộc sống tùy tiện, bất ổn, còn lịch sử chỉ là cách nhìn của những người già, được sắp đặt sẵn.
Trong vở Ngộ nhận của Vũ Khắc Khoan, đối thoại của nhân vật cũng mang dáng dấp lời lẽ của Albert Camus. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Khắc Khoan đã chọn một tựa đề tác phẩm trùng với tên một vở kịch nổi tiếng của Albert Camus.
“Cuội: Thế ra là…
Khán giả: Ngộ nhận. Mà chính các ông ngộ nhận chứ không phải chúng tôi. Các ông ngộ nhận là chúng tôi ngộ nhận.
Cuội: Như vậy nghĩa là… không có ngộ nhận”.
Tuy vậy, sự phát triển của kịch mang dáng dấp hiện sinh ở miền Nam vẫn ít nhiều bị che khuất bởi sự phát triển của những ban kịch truyền thống, mà ban kịch của “Kỳ nữ Kim Cương” là một ví dụ. Hơn nữa, cùng với sự phát triển rầm rộ của nghệ thuật cải lương, nhìn chung kịch mang dáng dấp hiện sinh ở miền Nam thời kỳ này chưa được công chúng chú ý lắm. Vở kịch Thành Cát Tư Hãn của Vũ Khắc Khoan có thể được xem như là một ngoại lệ khi được công chúng chú ý bởi sự thể hiện rõ nét hai chủ đề: định mệnh và đợi chờ.
2.2. Thơ ca mang nỗi buồn hiện sinh
Có thể nói ngay, ảnh hưởng rõ nét nhất của chủ nghĩa hiện sinh vào văn học miền Nam giai đoạn 1954 – 1975 gặt hái được nhiều thành công nhất ở thể loại thơ ca và tiểu thuyết. Thơ ca đô thị miền Nam viết với chủ đề tập trung vào nỗi buồn trĩu nặng, vào thân phận kiếp người, vào sự xa lạ của tha nhân,.. Những tác giả tiêu biểu cho thơ ca mang khuynh hướng hiện sinh là Bùi Giáng, Nguyên Sa, Đinh Hùng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Du Tử Lê, Nhã Ca, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đức Sơn…
Du Tử Lê là một ngòi bút thơ tài hoa. Thơ của ông thấm đẫm mùi vị hiện sinh với cái ý nghĩa “ta lâm chung ngay tự thuở chào lòng”, con người ra ngày từ khi sinh ra đã đối diện với cái chết:
Người chớ khóc than chi, đời đã thế
Ta lâm chung ngay tự thủa chào lòng
Môi đã chết ngay khi hồn đã nhận
Thân đã buồn khi ngực đẫm hơi quen
(Bài cuối năm – Du Tử Lê)
Cũng viết về cái chết là sự khẳng định hiện sinh của Trần Dạ Từ:
Thần chết, em ơi, ngồi ngay trên đầu giường
Thần chết, em ơi, đứng ngay trên trần mùng

Chính thần chết đã cho ta vay ngày thôi nôi
Với bao nhiêu năm sống
Bao nhiêu ngọn nến đủ màu tươi cười trên chiếc bánh sinh nhật
Như anh đã từng vay thần chết
Bao nhiêu ngày đêm phấn đấu và yêu em
(Làm thơ không biết mệt – Trần Dạ Từ)
Và ý nghĩa của cuộc đời cũng được các nhà thơ đặt ra. Họ tự vấn mình về sự vô nghĩa của cuộc đời:
Như con chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
 
Như con chim bói cá
Tôi thường ngừng cánh bay
Ngước nhìn lên huyệt lộ
Bầy quạ rỉa xác người
(Của tươi đời nhượng lại)
Bữa ăn nào ngon hơn
Làm sao tôi nói được
 
Như con chim bói cá
Tôi lặn sâu trong bùn
Hoài công tìm ý nghĩa
Cho cảnh tình hôm nay
(Khúc thụy du – Du Tử Lê)
Thơ Bùi Giáng lại có niềm đau đáu về thân phận con người, về nỗi hoài nghi sự tồn tại có ý nghĩa của con người trong những biến đổi trầm luân của con người:
Hỡi Thượng đế! Cúi đầu con thưa lại
Ở trần gian ai cũng khổ liên miên
Người đã dựng cảnh tù đầy đọa mãi
Để làm gì! Cho sáng nghĩa vô biên…
(Dâng – Bùi Giáng)
Thanh Tâm Tuyền lại đề cập rất nhiều đến nỗi cô đơn. Với ông, nỗi cô đơn chính là bản thể của con người.
tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
….
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
(Lệ đá xanh – Thanh Tâm Tuyền)
Nhận định của Nguyễn Thị Việt Nga về thơ ca hiện sinh thời kỳ này có thể xem là khá xác đáng: “Những dằn vặt, suy tư, đau khổ ấy chịu ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng triết học hiện sinh: dằn vặt suy tư về cái chết, về thân phận bé nhỏ của con người, về sự hư vô của cuộc sống, về nỗi tàn phai, sự cô đơn… Nỗi buồn đau “sống trong nỗi chết” được nhắc lại nhiều lần. Kiếp người chỉ là “chân bé nhỏ đi trong sầu bão lớn”. Thơ ca đô thị miền Nam 1954 – 1975 nhiều chết chóc, thương đau, chia lìa, tăm tối, nước mắt và địa ngục” (Nguyễn Thị Việt Nga. Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/)
2.3. Tiểu thuyết với những triết lý hiện sinh
Tiểu thuyết có thể nói là một thể loại văn học phát triển rất mạnh thời kỳ này. Nhiều tác giả, nhiều tác phẩm ra đời với những giọng nói và khuynh hướng khác nhau. Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, nhiều tác phẩm tiểu thuyết trong thời kỳ này đã tập trung chủ đề vào nỗi bi đát của thân phận con người, nỗi thất vọng trước cuộc đời. Các phạm trù của chủ nghĩa hiện sinh như hư vô, phi lý, tự do, cô đơn, lo âu, cái chết… được thể hiện trong nhiều tác phẩm mà ngay như tựa đề đã thấy tính chất hiện sinh của nó như: Tình yêu địa ngục, Ngày qua bóng tối, Thung lũng hư vô, Vực nước mắt, Vòng tay học trò, Buồn như đời người, Một ngày rồi thôi, Năm tháng đìu hiu, Ngày qua bóng tối (Nguyễn Thị Hoàng), Dòng sông định mệnh (Doãn Quốc Sỹ), Đêm tối bao la, Chiều mênh mông, Thú hoang, Lao vào lửa, Nhang tàn thắp khuya (Nguyễn Thị Thụy Vũ), Sống một ngày, Bóng tối thời con gái, Cô hippy lạc loài (Nhã Ca), Thở dài, Hơi thở rướn cong, Tôi nhìn tôi trên vách, Những sợi sắc không (Túy Hồng), Mưa không ướt đất, Loài chim trên cát (Trùng Dương), Sầu đời, Bóng tối (Nguyễn Thụy Long), Bóng tối, tiếng cười, môi hôn và nghĩa trang; Chết không nhắm mắt, Lửa mù; Sau cơn mộng dữ; Xâu chuỗi bọt nước; Thềm địa ngục; Thương tích,; Tiếng khóc vào đời; Uyên buồn (Nguyên Vũ) Điệu ru nước mắt; Nước mắt lưng tròng; Sa mạc tuổi trẻ; Ảo vọng tuổi trẻ (Duyên Anh) v.v… Các tác phẩm này được đón nhận nồng nhiệt bởi công chúng đô thị vì chúng không miêu tả những gì quá xa lạ, trừu tượng, mà nó miêu tả trực tiếp những tâm trạng con người miền Nam đang phải trải qua: nỗi lo âu trước chiến tranh, trước một tương lai bất định, sợ phải lựa chọn, và nếu lựa chọn rồi thì sợ sai lầm.
Nổi loạn cũng là một cách lựa chọn trước cuộc đời. Trong tác phẩm Vòng tay học trò, Nguyễn Thị Hoàng đã cho nhân vật Trâm phát biểu: “Tôi sẽ không về phe với đời. Tôi thuộc về phe phản kháng với tất cả”. Nổi loạn ở đây được bộc phát từ ý thức và nhân vật Trâm nổi loạn với đời vì với nhân vật này, đời chỉ là bóng tối.
Nổi loạn nhưng vẫn có tình yêu, dù tình yêu đó là phi luân. Với ảnh hưởng Francois Sagan mạnh mẽ, Nguyễn Thị Hoàng đã xây dựng nên những nhân vật phi luân với quan niệm: tình yêu là tự do bởi nó thoát khỏi sự kìm kẹp của ý thức. Chấp nhận sống phi luân, là chấp nhận sống thật với bản thân mình, sống vượt lên trên những đạo đức, luân lý tầm thường. Vậy nên Nguyễn Thị Hoàng đã viết Vòng tay học trò với những nhân vật phi luân. Và ở những tác phẩm khác của nhà văn nữ này, bà luôn khiến người đọc phải đối mặt với những nỗi niềm u uất từ trong sâu thẳm cõi lòng của con người: “Chúng mình là những cái bóng thoắt hiện phút giây, diễm ảo và mong manh. Nắng sẽ tắt, ngày rồi tàn vơi. Mỗi con người, tôi và em chỉ được một giây phút hiện tại, sau đó là hoài niệm, là lời van xin tuyệt vọng. Một thái độ bi quan bất lực” (Nguyễn Thị Hoàng (1968). Vòng tay học trò. Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn, trang 80).
Trùng Dương cũng có cách nhìn tương tự về nỗi cô đơn không gì chia sẻ của con người. Ở trong những tác phẩm như Cơn hồng thủy và bông hoa quỳ, Mưa không ướt đất, Vừa đi vừa ngước nhìn… Trùng Dương đã xây dựng những nhân vật trẻ nhưng tâm trạng đã sớm già, lúc nào cũng thấy cô đơn, bơ vơ, lạc lõng, không nơi bám víu giữa cuộc đời. Nhân vật Thư trong giấc mơ Mưa không ướt đất đã kể lại giấc mơ thấy mình dạt vào một hòn đảo nhỏ, giữa đảo có một cái cây trụi lá, đầy rễ. Thư không thấy mình ở đâu nữa và cô mơ hồ lo sợ đến một lúc nào đó, cái cây ở đảo sẽ bị sóng đánh, bật rễ và Thư sẽ không còn chỗ bấu víu nữa.
Lời thét gào trong nội tâm nhân vật trong tác phẩm Nắng qua sông của Trịnh Thị Diệu Tân phải chăng cũng là lời thét gào của một thế hệ: “Anh làm được gì! Bây giờ mới bắt đầu ư? Tuấn muốn gào lên. Môi anh khô khan. Mắt anh tối lại. Anh làm gì được nữa. Tình yêu ngu ngốc. Chiến tranh phi lý. Ngu ngốc. Phi lý” (Trịnh Thị Diệu Tân (1967). Nắng qua sông. Nhân Chứng xuất bản, Sài Gòn, trang 78).
Không thể phủ nhận tên tuổi của những nhà văn như Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Doãn Quốc Sỹ… đã có sức ám gợi đối với cả một thế hệ một thời. Có được sức ám gợi đó, bởi vì tiểu thuyết với ưu điểm của đặc trưng thể loại đã chuyển tải được sinh động những vấn đề của thân phận con người thông qua những hình tượng văn học cụ thể. Có thể nói, chính tiểu thuyết đã đưa những vấn đề của triết học hiện sinh trở nên gần gũi hơn bao giờ hết khi đến với đông đảo công chúng miền Nam thời đó.
Ngày nay nhìn lại, không thể không phủ nhận những ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh đến những sáng tác văn học ở đô thị miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975. Với độ lùi xa gần nửa thế kỷ, chúng ta thừa nhận sự ảnh hưởng này đã khiến cho văn học miền Nam thời ấy có một diện mạo riêng, đặc sắc. Đó là một thời đại đã qua, không lặp lại, mà sau này lịch sử văn học cũng cần phải ghi nhận. Có thể còn có nhiều mâu thuẫn về cách nhìn, nhiều điều chưa thống nhất về cách đánh giá nhưng văn học hiện sinh vẫn tồn tại như một thực thế không thể chối bỏ trong một đoạn đường của văn học dân tộc và đó là một minh chứng cho sự giao lưu, tiếp biến trên bình diện văn hóa giữa những con người miền Nam với một trào lưu tư tưởng phương Tây giữa thế kỷ XX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trần Hoài Anh (2009). Lý luận – phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975. NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Cung Tích Biền (2001). Hiện sinh: một thời kỷ niệm. Trong Về một dòng văn chương. NXB Văn nghệ TPHCM.
3. Nguyễn Tiến Dũng (1999). Chủ nghĩa hiện sinh: lịch sử và sự hiện diện ở Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Trần Trọng Đăng Đàn (1983). Nọc độc văn học thực dân mới Mỹ. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh
5. Trần Thái Đỉnh (1968), Triết học hiện sinh. Thời Mới xuất bản, Sài Gòn.
6. Trần Thái Đỉnh (1973), Biện chứng pháp là gì. Văn Mới xuất bản, Sài Gòn.
7. Thụy Khuê. Vũ Khắc Khoan, con người và tác phẩm. http://hoangminhtuan.blogtiengviet.net
8. Lê Đình Kỵ (1987). Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ ngụy. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh
9. Nguyễn Thị Hoàng (1968). Vòng tay học trò. Hoàng Đông Phương xuất bản, Sài Gòn
10. Nguyễn Văn Lục, Hai mươi năm văn học dịch thuật miền Nam 1955 – 1975 http://lyluanvanhoc.com/?p=2504
11. Nguyễn Thị Việt Nga. Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954 – 1975. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/
12. Lê Tôn Nghiêm (1971), Những vấn đề triết học hiện đại. Ra Khơi xuất bản, Sài Gòn.
13. Thế Nguyên (1968), Nghĩ về văn chương “hiện sinh” hay là tính chất “sì-nốp-bít” của xã hội miền Nam. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6.
14. Võ Phiến (1987). Hai mươi năm Văn học miền Nam (1954 -1975), Nxb Văn Nghệ, CA –USA.
15. Huỳnh Như Phương, Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam 1954 – 1975 (trên bình diện lý thuyết). http://phebinhvanhoc.com.vn
16. A.Schopenhauer (1971), Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết, Hoàng Thiện Nguyễn dịch, Kinh Thi xuất bản, Sài Gòn.
17. Trịnh Thị Diệu Tân (1967). Nắng qua sông. Nhân Chứng xuất bản, Sài Gòn
18. Phạm Công Thiện (1966), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. An Tiêm xuất bản, Sài Gòn.
19. Phạm Công Thiện (1967). Hố thẳm của tư tưởng, An Tiêm xuất bản, Sài Gòn
20. Lê Thành Trị (1969), Hiện tượng luận về hiện sinh, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản.
21. Nguyễn Văn Trung (1968), Sartre trong đời tôi. Tạp chí Bách Khoa số 267, 268, ngày 15.02 và 01.03.
16/11/2019
Hà Thanh Vân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...