Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

"Thơ rơi" - Thể loại văn chương độc đáo ở Nam bộ

"Thơ rơi" - Thể loại văn chương
độc đáo ở Nam bộ

Trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đa sắc màu của các dân tộc Việt Nam, văn chương bình dân Nam bộ có những nét đặc sắc, độc đáo, đã ghi dấu ấn thời đại qua từng giai đoạn lịch sử của phương Nam. Cách nay hơn 100 năm, giữa thời kỳ đầy biến động,  trong đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần của cư dân Nam bộ dưới sự đô hộ của người Pháp, có một thể loại thơ độc đáo ra đời, đó là “Thơ rơi”.
Văn học dân gian Nam bộ có rất nhiều thể loại: văn truyền khẩu, tục ngữ, câu đố, truyện cổ, ca dao, hò, vè… Trong đó, có một loại hình văn chương bình dân ít được nhắc đến, nhưng khá thông dụng trong đời sống của tầng lớp lao động bình dân ở Nam bộ cách đây khoảng 100 năm. Đó là “Thơ rơi” với những đặc trưng, độc đáo, thú vị .
Theo nhiều nghiên cứu, “Thơi rơi” xuất hiện nhiều nhất vào khoảng những năm đầu thế kỷ XX và lưu hành trong dân gian chỉ một thời gian rồi dần không còn phổ biến nữa. Thể loại văn học này ban đầu được thể hiện bằng văn viết nhưng do phương thức phổ biến truyền miệng nên những tác phẩm “Thơ rơi” còn được xem là “Thơ và bài hát”. Qua một số bài còn lưu truyền phổ biến, có thể thấy đây là một loại thư viết bằng văn vần. “Thơ rơi” được những người lao động bình dân trong xã hội lúc bấy giờ dùng tỏ bày tâm sự, tình cảm riêng tư trong những câu chuyện phổ biến: thăm viếng, khuyên can, kể tình cảnh khổ sở khi bị tù đày hay bị bắt sung quân nơi biên ải, nỗi nhớ quê nhà của những người phải tha phương cầu thực, hoặc trách cứ sự bội phản của người yêu, khẳng định lời ước hẹn trăm năm giữa vợ chồng, phản ánh những sự kiện xót xa, tệ hại đang diễn ra trong xã hội. Do đó thơ rơi cũng mang tính thời sự.
Từ đó có thể thấy “Thơ rơi” là một thể văn vần truyền khẩu rất thông dụng mô tả những tâm tình, những u ẩn khó nói ra trước đối phương hoặc những tình cảm muốn trao gởi tận tay người mình muốn trao đổi. Về bản chất “Thơ rơi” khá giống với thư ngỏ ngày nay. Về hình thức thì thể loại này không cần ghi địa chỉ đến, tên người nhận… nhưng người đọc “Thơ rơi” sẽ cảm nhận sự gần gũi. Người viết “Thơ rơi” không nhất thiết là tác giả, bởi đa phần ngày xưa “Thơ rơi” được những người bình dân nhờ những người có biết chút văn chương, chữ nghĩa viết hộ cho họ.
“Thơ rơi” ngày nay hầu như đã mai một, bởi nó không còn phù hợp hoàn cảnh, không gian lịch sử, đời sống xã hội. Tim hiểu về “Thơ rơi” để thấy rằng người xưa đã từng sử dựng môt loại hình văn chương độc đáo không phải là không có mục đích. Sau đây xin kể những nội dung phổ biến của “Thơ rơi”.
– Nói lên sự uất ức: Oán than cách đối xử bạc bẽo, lừa gạt như trong bài “Lường công chàng rể” (dân gian truyền khẩu):
Trước khấu đầu lạy mẹ
Sau lời hỏi cô nương?
Ba năm dư cột chữ cang thường
Ngày bửa củi, đêm trăng thời giã gạo
Chí quyết làm rể cố công cho phải đạo
Cho nên mình trần trải dám so đo
Vì cớ sao không rõ căn do
Mà nay bậu nỡ mặt thay lòng phụ rãy
Người ở đời ai cũng trọng điều hơn lẽ phải
Vậy mà bậu tham vàng bỏ ngãi đi cho đành!
– Thơ rơi kêu ca: Diễn tả nỗi u ẩn trong lòng, nhằm mục đích cầu xin, ta thán. Thông thường nhất là khi nhân vật bị phụ tình, bị đối xử bạc bẽo, họ làm thơ rơi diễn tả tâm sự u uất, buồn bã với mong muốn đối tác, người nghe có sự hồi âm:
Em ơi dù em có ở nơi nào
Anh cũng xin một dạ y chang
Trai như anh chẳng thiếu chi cái duyên
Gái như bậu nhiều nơi trăng thắm
Niềm vợ chồng anh còn thương em lắm
Nỡ bụng nào em dứt nghĩa cho đành
 …Giận hiền thê anh hết giận lại thương
 Anh có nói ra thì té lẽ ghen tương
Bằng không nói nín đi bị chê ngu chê dại
Dẫu em có nơi nào cũng suy đi tính lại
Đừng quên bến cũ đò xưa…        
– Mang tính thông tin thuật sự: Đây là một loại thông tin được diễn đạt bằng hình thức hò, vè truyền khẩu nhằm thông tin một vấn đề bức xúc gì đó mà tác giả không muốn người nhận, nghe bị liên lụy bởi những kẻ đối đầu với người viết. Ví dụ như năm 1873, trong trận quyết chiến với quân Pháp ở căn cứ Bảy Thưa (An Giang), lãnh tụ kháng Pháp Trần Văn Thành (Quản Cơ Thành) mất tích (hi sinh). Con trai ông là Trần Văn Chái bị thương rồi bị Pháp bắt giam. Sau đó mấy ngày thì tuẫn tiết trong ngục. Bà phu nhân ông Quản Cơ mới thông báo cho con dâu bằng hình thức “Thơ rơi”, học thuộc lòng truyền khẩu để tránh sự theo dõi của giặc…
Trước gởi lời thăm cưu nghĩa
Sau mới tính hai chữ tường tri
Kể từ ngày nam bắc phân li
Cơ trời khiến đông tây lưỡng lộ
Chí dốc ẩn cư đền tùy thổ
Ngõ đợi thời báo bổ quận nương
Nguyện nhật tiền kết nghĩa tào khương
Bỗng phút đâu xiêu lạc
Cha âm các, mẹ dương quang
Thêm đôi trẻ lỡ làng
Lòng ôm chữ từ bi, thố tử
– “Thơ rơi” mang tính chất gửi chung cho một nhóm người: Ngoài ý nghĩa kêu gọi, phản kháng, phơi bày nỗi u uất trong lòng, người ta còn thấy có một loại thơ rơi manh tính chất dạy răn hay khuyến dụ chung cho một dạng người. Những bài thơ này được phổ biến khá sâu rộng, vượt qua không gian, địa giới hanh chính, có sức sống khá bền vững trong lòng công chúng. Ví như bài “Răn phận gái”, có đoạn:
Khuyên mấy em mấy cháu phải chừa
Đừng làm chuyện thừa ưa
Học thói tệ mà đi ngang bước ngửa
Đến chừng ấy bụng mang dạ chửa
Mà cha già chụm lửa cháy râu
Có tiền trăm nào chuộc đặng đâu!
– “Thơ rơi” viết theo thể loại văn vần như thư tín ngày nay: Thời ấy, những người biết chữ nghĩa, văn chương, khi muốn giao lưu liên lạc với ai đó, họ thường sử dụng thể loại văn vần để thông tin, bày tỏ tình cảm, đối đáp qua lại, khuyên răn, nhắn nhủ:
Chiều chiều mây giăng  cây thọ
Đêm đêm trăng giọi lầu vàng
Sầu tương tư chẳng dứt lụy hàng
 Nhớ phu tướng châu rơi lợt đợt
Tưởng lang quan lòng bạc dửng dưng…
Theo các nhà nghiên cứu, dù “Thơ rơi” có sử dụng những thể loại thơ chính thống như lục bát, song thất lục bát, thất ngôn; nhưng cách đặt chữ vẫn không mang chất hàn lâm, bác học. “Thơ rơi” luôn mang theo nó ngôn ngữ dân gian phù hợp với quần chúng bình dân. Do đó tính phổ biến, sự lan truyền rộng rãi và nghiễm nhiên trỏ thành một món ăn tinh thần khá thú vị!
Tuy nhiên, do yếu tố dễ thuộc, dễ nhớ nên người ta còn vận dụng “Thơ rơi” như một loại thơ nặc danh nhằm mục đích nói xấu, tố cáo, vu vạ… theo chủ ý của tác giả. Điều này đã được chính quyền khuyến cáo trong sách “Quốc triều chánh biên toát yếu”(quyển I): “Dân gian làm thơ nặc danh gây tội cho người ta, vậy hãy đặt một thùng thơ tại cửa khuyết, để cho ai đến kêu oan thì bỏ vào”. Tác giả Nguyễn Liên Phong trong tập “Nam kỳ phong tục diễn ca” (1909), cũng có đánh giá:
Tục hay tin chuyện bá xàm
Mấy thầy tướng số nói thầm nói vơ
Tục hay thù vặt thừa cơ
Phao thuốc, phao súng, thơ rơi, rơi tờ.
Đã hơn 100 năm từ lúc ra đời, “Thơ rơi” đã hoàn thành công việc phục vụ đời sống tinh thần của giới bình dân ngày ấy. Dấu vết của “Thơ rơi” là hình thức “Thư ngõ” hay “Bố cáo”, nhưng cũng đã thay đổi khá nhiều so với xuất xứ. Tìm hiểu, nghiên cứu về một loại hình văn chương đã từng tồn tại trong một thời kỳ đầy biến động, có sự giao thoa văn hóa truyền thống và đương đại, cũng là một cách hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, xã hội thời bấy giờ.
Nguồn tham khảo:
– “Văn học Miền Nam Lục Tỉnh”, Nguyễn Văn Hầu (tập 1, NXB Trẻ 2012.
– Từ điển Văn hóa Đông Nam Á, NXB Văn hóa thông tin, 1999.
13/11/2019
Đặng Hoàng Thám
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXNhà thơ lãng tử

Nhà thơ lãng tử Chương 1 Một chuyến du lịch. Tâm Sứt huýt gió một hơi dài, trao trả bé Thơ tấm hình: - Trời ơi! Công viên đẹp vô cùn...