Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Tóc mai sợi vắn sợi dài

Tóc mai sợi vắn sợi dài

Chương 1
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.
(Ca dao)
Ba mẹ tôi mua một ngôi nhà nhỏ ở gần góc đường Đoàn Thị Điểm, Lê Văn Duyệt (Nhật Lệ bây giờ) trước trường nữ tiểu học Đoàn Thị Điểm. Trước khi cả nhà chuyển đến Huế, tôi và mẹ tới trước lo dọn dẹp, sửa sang lại nhà, còn phải nộp đơn vào học trường mới. tôi chọn trường Gia Hội vì đường đi cũng tiện và trường này khá tốt.
Còn gần một tháng nữa mới nhập học, thời gian đủ dài để đi lang thang khắp phố phường Kinh đô xưa. Mùa hè ở Huế cái gì có thể thiếu chứ nắng nóng và tiếng ve thì ở đâu cũng thấy, đi đâu cũng nghe. Hai bên lề đường Đoàn Thị Điểm là những hàng cây xanh tỏa bóng mát, bàng lá đỏ, mù u xanh, phượng đỏ, nhãn cơm được trồng xen nhau che nắng, tạo gió cho các em bé lang thang trên những thảm cỏ xanh bên vệ đường lấp lánh nắng sáng, nắng chiều vẽ nên nét duyên riêng cho con đường. Các em đang tìm lượm trái mù u khô, quả bàng chín vàng, trái nhãn cơm rụng ven đường. Ăn không được nhưng các em vẫn thích.
Con đường thật đẹp, ít ra với tôi. Phủ đầy hoa phượng khi hè đến. Ai đó gọi là đường Phượng Bay, cái tên thật lãng mạn, tôi thích gọi thế. Những lối mòn rợp bóng cây hun hút dài chạy theo bờ thành quách phủ màu thời gian. Và có lẽ con đường Phượng bay chính là nguyên nhân khiến không ít người tò mò khi đến với Huế. Thật tình, đi trên con đường Phượng Bay lòng bỗng dưng trở nên mơ mộng, man mác nỗi nhớ nhung vu vơ, lãng đãng về cô bạn học nào đó, dù đã yêu hay chỉ lẽo đẽo theo sau mỗi khi tan trường. Nhìn từng cánh phượng đỏ hồng lác đác rơi trong gió, cũng làm tâm hồn thêm rạo rực, nhất là khi tiết trời cuối hè chớm thu, có những cơn gió se se bất chợt về sớm. Lòng mang đầy cảm xúc, dâng trào mơ mộng. Nhưng tôi chưa có cụ thể một người con gái nào của riêng mình để nhớ, để yêu. Bởi không hiểu sao tôi rất vụng về, mất bình tỉnh khi đứng trước con gái. Dù rằng người lạ hay bạn học, cứ đứng trước phái nữ là tay chân trở nên lúng túng, thừa thải, miệng cứ lắp ba lắp bắp. Vì thế suốt những năm Đệ Nhất Cấp (Cấp II bây giờ) chỉ quanh đi quẩn lại chơi toàn bọn con trai. Qua Đệ Nhị Cấp (Cấp III bây giờ) đã có những đứa bắt đầu hẹn hò với bạn gái. Giữa năm Đệ Tam (Lớp 10), tôi bắt đầu thinh thích, mom mem theo sau nhỏ Linh, con bạn ngồi bàn trước tôi. Tôi chú ý đến Linh từ đầu năm học, khi lớp sắp xếp lại chỗ ngồi. Do mắt tôi nhìn lên bảng không tốt lắm nên được chuyển lên hai bàn, sau lưng nhỏ Linh. Thỉnh thoảng nó hay quay xuống nói vu vơ gì đó tôi không nhớ nhưng mùi hương con gái cứ lẩn quất bên tôi. Rồi mái tóc dài cứ chập chờn trước mắt, rồi khuông mặt xinh xinh cứ làm tôi mất ngủ nhiều đêm. Hơn nữa, mấy đứa bạn thân cũng có đôi có cặp, tôi chưa có gan làm thế nhưng mộng tưởng trong tôi thì Linh đã xuất hiện. Có lẽ vì thế đưa tôi lẻo đẻo theo chân nhỏ từng ngày. Tôi chỉ dám đi sau, giữ một khoảng cách đủ lớn để mấy đứa bạn không nghi ngờ, để cô nàng không phát hiện mình bị mọc đuôi. Thời gian lẽo đẽo theo sau cô nàng dài ra thì khoảng cách giữa tôi và Linh cũng dần rút ngắn lại. Đôi lúc, tôi cố hết sức bình sinh đến bên bắt chuyện gì đó để cùng đi song đôi. Muốn là thế nhưng đôi chân cứ đá vào nhau, tim gõ thình thịch, người như đang thiếu dưỡng khí. Thôi đành đợi cơ hội vậy. Bọn bạn bắt đầu nghi ngờ rằng tôi thích nhỏ Linh. 
Trước khi thi Nhất Lục Cá Nguyệt (Học Kỳ I), thầy hướng dẫn lớp giao cho tôi phụ trách tờ báo tường. Hôm nộp bài, nhỏ Linh đem đến bài thơ viết nắn nót trên trang vở được cắt cẩn thận. Nó nói:
- Thơ tui mới làm, có chỗ nào không hay ông sửa dùm tui nghen.
- Bà... À, Linh học giỏi Văn mà còn nói rứa...
Chỉ thế thôi mà tim tôi đập loạn xạ, đập thình thịch như trống ngũ liên.
Tôi ra sân, đến ghế đá bên gốc phượng ngồi, lấy bài thơ nhỏ Linh vừa đưa ra đọc. Một mùi hương gì đó nhẹ thoảng qua giống như hương hoa từ bài thơ nhỏ Linh đưa. Đúng rồi! Mùi... Của nó. Vì từ khi chuyển lên bàn thứ ba, ngồi sau lưng nhỏ Linh, tôi nghe phảng phất mùi thơm này. Tò mò, tôi đưa lên mũi ngữi, chợt một bàn tay ai đó giật phăng tờ giấy. Tôi quay lại thấy Dũng còi cầm bài thơ nhỏ Linh đưa chạy đến gốc phượng gần đó, có thằng Long đang ngồi ôn bài. Dũng còi nói oang oang:
- Chương có bồ rồi tụi bay ơi!
Tôi lao đến giật lấy tờ giấy nhưng Dũng còi chạy ra sau ghế đá, vẫy vẫy bài thơ Linh đưa. Hành động của tôi khiến Dũng còi cho rằng: sự nghi ngờ của nó là đúng. Dũng còi nói:
- Thú nhận đi, nàng nào gửi thư cho mi?
- Thư chi mô. Là bài thơ nhỏ Linh...
Vừa giận vừa mắc cỡ, tôi định nói Linh nộp bài đăng báo tường nhưng Dũng còi cắt ngang:
- A, con Linh! Gớm chưa, mi còn «hun» lá thư nữa chứ.
Long hùa theo:
- Thằng ni kinh hè, «hun» thư của người yêu, lãng mạn quá Chương ơi!
Chương 2
Không ngờ câu chuyện bị bọn bạn đẩy đến mức này. Tôi sợ nhỏ Linh biết được nó hiểu lầm rằng tôi «hun» thì  dị chết. May sao, lúc này thầy hướng dẫn xách cặp vào văn phòng, đi ngang qua bọn tôi, thầy dừng lại nói:
- Bài vở cho báo tường các bạn nộp đến đâu rồi Chương?
Tôi như chụp được phao cứu sinh khi đang chới với trên dòng nước:
- Dạ, cũng được khá rồi thầy ạ. Em vừa nhận bài của Linh đưa nhưng mấy bạn dành nhau xem...
Tôi vừa nói vừa chỉ tay vào Dũng còi, nó nhanh nhẹn trả lại tôi tờ giấy, có vẻ còn tiếc vì chưa đọc gì bên trong. Đợi thầy đi khỏi, Long lên tiếng:
- Cho dù là bài đăng báo tường nhưng mi «hun» bài thơ của nhỏ Linh thì đích thị mi thích nó rồi.
- Tốt thôi. Mà tụi bay yêu nhau chưa, hay chỉ mình mi thích nó? Nói đi, để tụi tao giúp cho.
Mặt tôi chuyển từ đỏ sang tái xanh như đít nhái. Ngượng thì ít, sợ nhỏ Linh nghe tưởng tôi «hun» bài thơ của nó thật thì xấu hổ chết.
Bắt đầu hôm ấy tôi không dám đi theo sau nhỏ Linh. Mà dường như Linh cũng đã nghe đâu đó những thông tin từ miệng hai thằng bạn ác mồm, nên đứa nào cũng ngại ngùng khi gặp nhau. Chẳng biết nhỏ Linh có tin những câu nói bịa đặt của lũ bạn không? Dù Linh không có thái độ gì rõ rệt, nhưng kể từ đó con nhỏ không còn quay xuống nói chuyện. Khi cần trao đổi điều gì, Linh tỏ ra «nghiêm nghị» đến tức cười. Tôi thấy cũng không cần giải thích, phân bua điều gì, nên im lặng để mọi người quên nhanh câu chuyện đáng tiếc này.
Tôi yêu, ngày ấy tôi yêu!
Rồi vu vơ nghĩ những điều… vu vơ!
Em cười, tôi hóa ngẫn ngơ
Nhặt những rơi rụng làm thơ cho mình.
Mộng đầy lên
Tràn tình,
Mà tình mong manh!
Thơ cứ thế dày lên
Thành nỗi nhớ
Tình cứ thế một mình
Trên trang vở.
Cô học trò bé nhỏ
Nhảy chân chim trên đồi,
Trời chiều buồn lặng gió
Để hồn buồn lên ngôi.
Đêm về tôi hỏi lại tôi
Yêu ư? Đúng thật yêu rồi, tôi yêu!
Vần thơ cứ thế mỗi chiều
Theo chân lụa trắng nắng hiu hắt buồn.
Ôi! Những cảm xúc đầu tiên thật buồn của chàng trai mới lớn.
Không khí quanh tôi và Linh nó ngột ngạt làm sao ấy. Tôi ít nói, nhỏ Linh cũng ít nói. Khi vì lý do gì đó cần gặp nhau, mặt đối mặt nhỏ Linh và tôi đều ngại ngùng, bối rối, mặt mày đứa nào cũng đỏ lựng. Trong lớp học, một người im lặng thì ít ai chú ý, đằng này cả Linh cũng im lặng, nó dễ trở thành sự kiện làm mọi người tò mò, thắc mắc. May sao, những cái miệng nhiều chuyện lo cắm đầu vào thi Nhất lục cá nguyệt nên bọn nó «gác lại».
Qua tết, Ba tôi thông báo với gia đình rằng qua tháng sáu đơn vị có bốn người được lệnh thuyên chuyển ra Huế, trong đó có ba. Vậy là còn hơn bốn tháng nữa cả nhà rời Quảng Nam, chuyển đến định cư nơi mới, gần cơ quan ba làm việc. Nói là nơi mới nhưng đây là quê ngoại. Thỉnh thoảng tôi cùng mẹ về Huế thăm ngoại hằng năm. Tin tôi sắp chuyển trường bọn bạn không biết. Mà tôi cũng chưa muốn nói cùng ai, vì đây là tin không vui gì. Xa ngôi trường mà suốt một thời gian dài gắn bó, thân thiết, rồi thầy cô, bạn bè làm sao không nhớ, không buồn cho được.
Chuyện của tôi và nhỏ Linh, hay chính xác là chuyện của tôi, vì nhỏ là... «nạn nhân» bị kéo vào có vẻ không còn ai quan tâm, không khí ngột ngạt cũng mất dần giữa hai đứa. Nhưng ngược lại, trong lòng tôi lại vấn vương hình bóng của nhỏ. Khi trước đây đi theo sau Linh, tôi chỉ có cảm giác thinh thích, cảm giác tò mò của xúc cảm tuổi mới lớn, giờ thì khác, nó quẩn quanh trong tôi hình ảnh cô bạn học xinh xinh, có mái tóc dài đen mượt cứ đong đưa, nhảy múa trước mặt, mùi hương từ đâu đó cứ thoang thoảng trong hồn. Chẳng biết Linh có cảm tình hay ghét tôi, nhưng cứ mỗi lần thấy nhỏ từ xa, lòng tôi lại lâng lâng cảm xúc. Hình bóng ấy thấy thật gần mà lại xa lắc lơ, mờ ảo như sương khói.
Chương 3
Khi mong đợi điều gì, thời gian trôi đi chậm rãi, lười biếng như kẻ rỗi hơi. Lúc biết mình sắp phải xa ngôi trường thân yêu, xa những tháng năm cùng thầy cô, bạn bè vui buồn gắn bó thì ngày qua tháng lại như thoi đưa. Từ chỗ ngồi lớp học, từ hàng hiên sân trường, từ gốc phượng già ghế đá, tất cả những thứ mà lâu nay tôi vô tâm không để ý, tôi dững dưng như chúng là điều hiển nhiên phải có, phải tồn tại như thế để tôi ngồi học, để tôi đi dạo, chạy nhảy. Giờ sắp phải chia xa thì chúng không còn vô tri, tất cả như đang cựa mình bao quanh, ẩn hiện trước mặt như sợ mất tôi hay tôi sợ sắp phải lìa xa nó. Mang theo tâm trạng ấy, tôi đi lững thững quanh sân.
Tháng ngày trôi nhanh quá. Mới tết không lâu mà chừ đã sắp bước qua tháng tư. Những cây phượng trong sân trường khoát lên mình màu áo đỏ rực rỡ, ve kêu rền vang một khoảng trời. Thi Nhị lục cá nguyệt (thi học kỳ 2) vừa xong, đứa nào đứa nấy thở phào nhẹ nhỏm sau chín tháng miệt mài. Những anh chị lớp Đệ Nhất đã sắp trở thành người lớn nên không giống bọn trẻ bọn tôi. Hơn nữa, niên khóa này của các anh chị là năm cuối của cuộc đời học sinh. Rồi ra các anh chị vào Đại học hoặc thi rớt phải vào lính. Bọn tôi thì không còn nhỏ nữa, nhưng chưa thành người lớn, nên vô tư vui đùa, cười nói huyên thiên.
 Nhóm con gái tụm năm tụm ba bên gốc phượng, những quyển lưu bút được trang trí thật đẹp trao cho nhau. Định nhân lúc này cho bạn bè biết tôi sẽ phải chuyển trường. Chưa kịp nói thì tin Linh niên khóa tới đi trường khác học làm mọi người ngạc nhiên. Linh không nói qua trường nào. Nhỏ bảo rằng: Chưa biết trường nào, khi biết chính xác sẽ thông báo sau. Tin nhỏ Linh chuyển trường làm đứa nào cũng chưng hững, không hiểu vì sao. Hỏi thì nó im như thóc, không nói nhưng có vẻ buồn lắm. Tất nhiên xa trường, thầy cô, bạn bè ai không buồn. Nhưng vì sao nhỏ lại phải chuyển trường khác? Tôi đi vì gia đình. Còn Linh? Những thông tin như thế này làm xôn xao cả lớp. Tôi cũng có chút hụt hẫng. Vậy ra, trong mắt nhỏ Linh chưa bao giờ có tôi, dù là cái bóng mờ.
Nỗi buồn đến mù mịt đất trời chưa giảm thì cái chết điếng tiếp theo làm tôi về dẹp bỏ ngay những bài thơ mà từng đêm miệt mài ngồi làm cho nhỏ. Số là có đứa xấu miệng nào đó lại quay sang chuyện năm ngoái, đoán già đoán non: «Linh học trường khác chắc vì không muốn học chung với Chương ấy mà». Tôi đau vì câu nói này nên chẳng còn muốn nói chuyện chuyển nhà ra Huế với ai.
Khi hoa phượng trên cành nở kín một màu đỏ lửa, từng quyển lưu bút được chuyền qua tay nhau, tôi không còn chút hứng thú nào để viết, để vẽ lên đó. Tôi cố tránh mặt nhỏ Linh, cố tránh... Nhưng vào lớp, khuôn mặt xinh xinh vẫn hiển hiện trước mắt, tóc nhỏ vẫn nhảy múa trước mắt như trêu ngươi, mùi hương từ tóc, từ đâu đó cứ phảng phất làm tôi quay cuồng trong bâng khuâng, hờn dỗi.
Hôm liên hoan cuối niên học, nhẹ thôi, chỉ bánh kẹo và nước ngọt. Mọi người xúm quanh nhỏ Linh, kẻ chúc qua trường mới học tốt hơn, nhiều bạn hơn, sớm có người yêu... Tôi lẻn ra ngoài cho thoáng. Hít vào lồng ngực thật sâu nhưng vẫn cảm thấy thiếu dưỡng khí.
Tiệc tan, mọi người túa ra sân, một số đi về, bọn còn lại tụm năm tụm ba chuyện gẫu. Tôi trong lòng không vui nên lặng lẽ đạp xe về. Thật buồn cho những ngày chia tay, thật buồn cho những năm tháng vui buồn dưới mái trường. Quả thật tôi không hiểu, sao lại đẩy đưa đến tâm trạng này. Suốt những năm học, bạn bè gây gổ, đánh lộn, nghỉ chơi với nhau xảy ra như cơm bữa rồi đâu lại vào đấy, lại cặp kè đi chơi, lại cặp kè nói chuyện. Dù rằng mới tuần trước hai đứa đánh nhau đến nỗi thầy Giám thị bắt hai ông ngồi nhìn nhau cả giờ để nói câu: «Mình là bạn thân»! Giờ việc chỉ nhỏ, chỉ bé tẹo bằng cây kim mà sao đâm đau đến tim gan thế này? Càng nghĩ tôi càng căm ghét nhỏ Linh. Không muốn học trường này, không muốn ngồi chung lớp với tui thì cứ đi, không ai cản. Nghĩ tới đó máu lại dồn lên mặt, muốn hét thật to cho thoát những dồn nén trong lòng. Tâm trạng thế nên tay lái loạng choạng, tôi ghìm xe chạy chậm lại. Cũng vừa lúc đó một người đi xe đạp trờ tới, chạy chầm chậm bên cạnh, tôi nhìn sang: nhỏ Linh! Chưa kịp có phản ứng gì, chưa kịp nói câu gì, nhỏ đưa sang tôi tờ giấy được xếp gọn, nó nói nhanh: Tui gửi ông cái này! Đưa xong nhỏ chạy nhanh về phía trước. Tôi cầm tờ giấy trong tay người trở nên ren rét, bần thần khó tả. Linh chạy phía trước, tà áo dài được kẹp sau ba ga phồng lên, mái tóc nhảy múa, bay bay trong gió, đung đưa theo nhịp đạp. Tôi không dám đi nhanh nên nhỏ Linh càng lúc càng xa dần. Giờ là lúc tôi vô cùng tò mò tờ giấy trong tay. Nội dung trong đó là gì? Không có cảm tình, không ưa nhau thì gửi thư làm chi. Chọc giận tôi nữa ư? Tôi rất muốn chạy nhanh về để đọc lá thư nhưng nhỏ còn đang đỏng đa đỏng đảnh ở phía trước. Cứ nghĩ, cứ thấy bóng dáng là máu lại chảy ngược lên đầu nóng ran.
Về tới nhà tôi vội mở thư ra đọc. Mùi hương lại thoang thoảng trong phòng, gạt chuyện mùi hương qua một bên, tôi hấp tấp đọc lá thư của nhỏ Linh:
Chương!
Gia đình chuyển đi nên tui phải xa trường xa lớp, chứ không phải như bọn nó nói đâu. Tui biết ông không vui vì những chuyện vừa qua. Ra đi tui luôn nhớ thầy cô, bạn bè cả nhớ ông nữa. Nói điều này thật mắc cỡ, đã định không nói nhưng chẳng hiểu sao tui lại viết ra được câu này: «Tôi rất mến ông, nhớ ông». Sau này nếu về lại trường, gặp lại ông chắc sẽ không mắc cỡ nữa đâu, chắc thế!
Linh
Chương 4
Đọc xong lá thư Linh gửi, tôi quyết định tối nay sẽ đến nhà nhỏ. Lòng vui không kể xiết, mọi phiền muộn bấy lâu nay chợt tan biến đâu hết. Hăng hái muốn đi ngay luôn nhưng đành chờ tối đến. Xách xe ra đường đạp phăng phăng đến nhà nhỏ. Đến ngã ba quẹo phải thêm đoạn nữa tự nhiên khí thế ban đầu xẹp dần như quả bóng xì hơi. Người bắt đầu ren rét, tim đập loạn xạ. Lẽ ra nên đạp chầm chậm để xem nhỏ có đứng ở cửa hay ngoài sân không. Chẳng hiểu sao tôi lại lao xe vun vút, chỉ nghiêng đầu liếc nhìn xem có ai trong nhà hay nhỏ Linh không. Chạy qua một quãng dài cho xe chậm lại, thở dốc như một cua-rơ tồi. Tự nhiên tôi đâm ra giận, ghét mình quá đỗi. Ghét cay ghét đắng cái tính nhút nhát chẳng ra làm sao ấy. Dừng xe bên bóng tối của cây, trấn tĩnh trở lại, lẩm bẩm một mình: «Thưa cô, có Linh ở nhà không ạ?», «Chào bà... À, chào Linh, tui đến... ».   
Chiều nay tôi đạp xe chầm chậm trên đường Đoàn Thị Điểm. tiết trời sang Thu, gió heo may se lạnh. Những cánh phượng hồng cuối mùa rơi lả tả, bay bay trong gió thật đẹp, bám lên tóc, lên áo những cô gái đi trên đường làm tâm hồn  thêm rạo rực. Đạp xe thật chậm đến mức gần như đi bộ để cảm nhận vẻ đẹp của đất trời, của thiên nhiên, con người. Phía trước, cô gái đi xe mini trắng, đạp chậm rải chắc là muốn thả hồn theo những cánh phượng rơi. Mái tóc dài đưa qua đưa lại, nhảy múa làm tôi liên tưởng mới ngày nào ngồi trong lớp nhìn nhỏ Linh hớp hồn tôi với mái tóc dài suối mơ ấy.
Chạy hết Đoàn Thị Điểm quẹo trái để về Đinh Bộ Lĩnh (Đinh Tiên Hoàng bây giờ), tới ngã tư đường xuống chợ Xép cũng là đường về nhà. Có con bé đi xe đạp chở thùng cacrton lớn phía sau, bị lệch một bên rất dễ đổ xuống đường, do cùng hướng, tôi đạp theo bên nó:
- Bé ơi, cột hàng lại, thùng sắp đổ kìa!
Cô bé cho xe dừng lại. Tôi thấy con nhỏ quen quen nhưng chưa biết gặp ở đâu, nên cũng đưa xe vào lề giúp nó. Cột lại thùng hàng xong, cô bé nhìn sang tôi, nói:
- Em cám ơn anh! Em nhận ra anh rồi, em ở cách nhà anh hai căn.
- Hay nhỉ! Anh gặp được cô bé hàng xóm rồi. Anh tên Chương.
- Dạ, em tên Duyên.
Do gần tới nhà nên tôi và Duyên dắt xe vừa đi vừa nói chuyện, tôi hỏi nó:
- Em học trường nào?
Nhỏ Duyên đưa mắt sang bên trái, nói:
- Em học ở đây nì, trường Nữ Thành Nội ạ.
- Anh mới chuyển đến, học bên Gia Hộị.
Nói xong tôi đưa mắt nhìn sang bên, một bức tường chạy dài của hông trường Nữ Trung học đến trường Nữ Tiểu học trước nhà tôi. Hay nhỉ, hai trường Nữ đấu lưng nhau. Tới nhà nhỏ Duyên, tôi phụ nó đỡ thùng hàng xuống. Tôi tạm biệt con bé, dắt xe về nhà. Vậy là tôi có một người bạn mới cạnh nhà.
Có một điều vui, nhỏ Duyên là con chú Mạnh, cùng đơn vị ba tôi nên hai nhà làm quen nhau khá nhanh. Cô bé thỉnh thoảng qua nhà chơi, nhỏ vui tính và năng động. Nhà gần trường nhưng sáng nào cô bé cũng đi học sớm. Trường tôi khá xa nên phải đi xe đạp. Mỗi lần dắt xe ra đường là thấy nhỏ mặc áo dài trắng, tóc cột đuôi ngựa, ôm cặp đến trường. Cái đuôi ngựa của nhỏ Duyên cứ đánh qua đánh lại theo nhịp đi của nó.
Tôi đạp xe qua Mai Thúc Loan để ra cửa Đông Ba đến trường. Giờ thì quen rồi, Thời gian đầu chưa có bạn bè nên cứ lủi thủi đi. Buồn vì nhớ bạn bè, nhớ thầy cô, trường xưa và nhớ Linh. Vậy là tình yêu của chàng trai mới lớn đã vụn vỡ, đã xa như cánh chim trời. Để lại trong hồn tôi đầy những xót xa, hoài niệm. Ngày đó tìm đến nhà em, mấy lần vẫn rụt rè không dám vào. Đến khi đủ can đảm để vào thì đã không còn em ở đó. Nhà cho thuê, gia đình chuyển đi nơi khác. Vậy là đáng đời mày rồi Chương ạ. Âu đó cũng là sự trả giá, là sự kém cỏi của mày. Đừng than trách, đừng dày vò, đừng nuối tiếc. Cuộc đời này rộng lớn lắm, lớn đến nỗi chẳng ai bận tâm chuyện của mày. Cứ ngồi đó mà gặm nhắm, mà ray rứt, mà dày vò mày đi. Những quẩn quanh ấy cứ đeo bám lấy tôi. Giá mà...
Bóng hình của nhỏ Linh cứ chập chờn rồi đậm nét trong hồn tôi. Tôi càng cố gạt ra thì nó lại ùa vào, không thể nào quên được em, Linh ạ! Thà rằng đừng nhận lá thư của em, thà rằng cứ để tôi hiểu “Em chẳng thích, chẳng mến chẳng nhớ” gì tôi, thì có lẽ tốt hơn. Buồn đau rồi sẽ hết, giận ghét rồi sẽ qua. Đằng này...
Chiều nghiêng, lụa trắng
Vạt nắng vàng phai
Ta đi lẳng lặng
Theo sau dấu hài.
Cô học trò nhỏ
Chân sáo trên đồi
Trời buồn lặng gió
Hồn buồn lên ngôi.
Đường dài mê mải
Năm tháng theo nhau
Tình ôi, ngần ngại
Yêu chi để sầu.
Rồi mai chia xa
Buồn trông, mắt đỏ
Con đường học trò
Cuộc tình bỏ lỡ.
Rồi mai sang sông
Bên chồng, xứ lạ
Giây phút mặn nồng
Làm sao em nhớ.
Câu thơ rơi rụng
Dấu hài em qua
Chiều nghiêng, lụa trắng
Chiều buồn xót xa.
Ta đi lẳng lặng
Ta buồn với ta.
Chương 5
Chiều ni Chúa nhật, tôi qua trường để cùng mấy đứa bạn trong nhóm lên chương trình, nội dung thuyết trình đề tài cuốn sách: “Cuộc Duy tân của Minh Trị Thiên Hoàng”. Dắt xe ra cổng, thấy bên kia đường nhỏ Duyên đang lúi húi sửa xe. Nó cầm cục đá đập cạch cạch vào ổ líp, tôi hỏi:
- Xe em bị chi mà lấy đá đập rứa?
- Nó bị trật cóc anh ạ.
Mặc dù trời mùa Đông lạnh ngắt mà mồ hôi mồ kê trên khuôn mặt nhễ nhại, tôi bật cười:
- Em đem ra thợ sửa, chứ đập như thế rồi cũng bị lại à.
- Em ra nhà bạn mà xe bị ri, bực mình.
- Nhà bạn ở đâu, xa không?
- Dạ, bên ni cầu Đông Ba à anh. Anh đi mô rứa ?
Tôi buột miệng:
- Anh đi ngang qua đó để đến trường, nhưng không chở em về được. nếu cần, anh chở chuyến đi thôi.
- Dạ, rứa cũng được. Em nhờ nhỏ bạn chở về.
Nói xong nhỏ Duyên dắt xe vào nhà, chạy ra nhảy tót lên yên sau, nó cười thật tươi:
- Lớp em sang năm cũng bắt đầu thuyết trình, có gì em nhờ hỗ trợ, anh hi.
- Ừ, anh sẽ giúp.
Mấy hôm ni trời không mưa, chỉ thỉnh thoảng từng đợt gió mùa Đông Bắc mang hơi lạnh tràn về, chưa đủ rét nhưng cũng tái tê người. Gần tới cầu Đông Ba, nhỏ Duyên bấu vào hông tôi rồi nói:
- Tới nhà bạn em rồi anh.
Xe vừa dừng lại, nhỏ leo xuống cám ơn tôi rồi chạy vào nhà. Tôi đạp xe đi tiếp thì tiếng nhỏ Duyên từ phía sau gọi to:
- Anh Chương! Anh Chương!
Tôi vòng lại, thấy mặt nó nhăn như khỉ ăn ớt. Tôi hỏi:
- Sao vậy em?
- Bạn em đi mô rồi, cửa khóa không có ai ở nhà.
- Thì ngồi trước hiên đợi bạn về.
- Không được! Hay anh cho em đến trường cũng được. Em hứa sẽ ngồi yên và im lặng như cục đất...
Quả thật, tôi ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Không cho nhỏ đi thì tội nó, còn chở nó theo thì nói sao với mấy đứa bạn trong nhóm đây. Giải thích rằng thế này, rằng thế kia thì lòng vòng, dễ gì tụi nó tin. Còn tự nhiên đến trường mà đèo theo một con nhỏ, chắc chắn bọn bạn sẽ đoán già đoán non lại chết nữa. Mà nhỏ Duyên có phải còn nhỏ đâu, lớp Đệ tứ (lớp chín bây giờ) rồi. Dáng dấp như một cô gái mới lớn, lại xinh xắn nếu không muốn nói là đẹp. Thật ra nhỏ cũng rất đáng yêu. Nhưng lòng tôi, Linh đã nằm trọn vẹn trong đó rồi. Dẫu chưa biết mai này ra sao, có gặp lại em không hay như chim trời cá biển và rồi xa mặt cách lòng, biết em còn nhớ đến tôi. Hai đứa chưa một lời hứa hẹn, không một phút bên nhau thì lấy gì gắn kết, hy vọng gì đến với nhau. Biết là thế, nhưng lòng vẫn nhung nhớ không nguôi. Đang nghĩ ngợi lan man, nhỏ Duyên thụi vào lưng đau điếng. Nó hỏi:
- Sao, anh có cho em đi hay bắt em đứng một mình, đi qua đi lại như con khùng ở ngoài phố?
- Ừ, đi thì đi.
- Rứa chứ, ông anh yêu quí của em!
Tôi và nhỏ Duyên vừa qua khỏi cầu Đông Ba một đoạn ngắn, trời bắt đầu mưa lất phất, ráng thêm chút nữa, hy vọng kịp tới trường thì mưa nặng hạt, càng lúc càng lớn. Mấy hôm ni trời tạnh ráo chừ lại mưa, mưa to mới chết chứ. Hai đứa dắt xe chạy vào núp ở thềm hiên một nhà gần đó. Ở Huế mà mưa thì không dễ gì tạnh ngay được. Khổ nỗi mưa mỗi lúc một to, gió mạnh, lại gần sông nên cái lạnh cứ buốt vào người. Nhỏ co rúm người lại, quay qua nhìn tôi:
- Mưa ri làm sao đến trường đây anh hì?
- Không đi được rồi, mưa thế này...
- May có em đi cùng anh đó.
- Sao lại may, rủi thì có.
- May chứ, nếu không anh đứng một mình buồn chết được, lại lạnh nữa.
- Đúng, một mình thì buồn thật, nhưng dù có em anh vẫn lạnh mà.
- Thật không đấy! Che cho anh hướng gió này nè, lưng em ướt hết trơn.
Tôi nhìn sang bên nhỏ Duyên, đưa tay sờ nhẹ vào lưng, quả thật lưng nó nước mưa bắn vào ướt đẫm cả áo khoát
- Em xích vào đi, bên anh mưa cũng tạt dữ lắm!
Nhỏ xích vào trong, hai đứa đứng nép sát vào nhau. Lúc đầu tôi chẳng để ý, nhỏ cũng vô tư, nhưng cả hai đứng một lúc nhận thấy người mình ấm lên, có cảm giác gì đó là lạ len nhẹ vào người. Nó lâng lâng, nó rạo rực đến khó tả. Tôi nhìn sang bên nhỏ Duyên, gặp ngay ánh mắt của nhỏ  nhìn lại. Dường như cả hai đều bối rối, mặt đứa nào cũng ửng đỏ ngượng ngùng dù cái lạnh tê tê cùng nước mưa thấm vào người. Cái cảm giác chưa hề gặp ấy nó vừa làm tôi ngại ngùng, thích thú, bay bổng như vừa nhấp một ngụm rượu. Tôi tin nhỏ cũng có những cảm xúc như tôi nên cả hai im lặng quay nhìn nơi khác. Rồi không ai bảo ai, hai đứa cùng nhích dần ra.
Chương 6
Mưa chỉ còn lất phất, đường phố đã lên đèn. Tôi và nhỏ Duyên lên xe về nhà. Suốt đoạn đường dài, hai đứa im lặng không nói gì. Đôi khi, im lặng quá cũng chẳng phải là điều hay. Nhất là những giây phút ngượng ngùng của hai đứa trong lúc trú mưa vừa rồi.Tôi phá vỡ cái không khí yên ắng đó, quay lui hỏi:
- Em có bị ướt nhiều không?
-...
Thấy nhỏ không trả lời, tôi ngại vô cùng. Nhỏ đang nghĩ gì? Tất nhiên những rung cảm bất ngờ ấy làm cho tôi và Duyên sững sờ, nhất là nhỏ. Dù gì nó cũng là con gái vừa bước qua ngưỡng tuổi thơ, sự đụng chạm dù vô tình cũng tạo cho nhỏ ngỡ ngàng. Tôi hỏi lại:
- Nhiễm lạnh dễ cảm lắm đấy. Em có bị ướt nhiều không?
- Dạ, dạ có, ướt lưng thôi.
- Anh ngồi trước run luôn nè.
- Anh...
- Chi em?
- Hay để em chở cho. Em quen cái lạnh ngoài ni mà.
- Không sao, anh chịu dần cho quen.
Tôi mừng vì đã kéo nhỏ về lại trạng thái tự nhiên ban đầu. Hai đứa đang nói chuyện, một chiếc xe đạp từ sau trờ tới:
- Bắt quả tang chở người yêu đi chơi nha!
Nghe giọng ồ ồ vịt đực là biết thằng Ngọc, chiều ni nó cũng tới trường, ngồi sau là Thiên, cùng trong nhóm. Tôi cho xe chạy chậm, quay sang hai đứa, tôi nói:
- Tui núp mưa từ chiều đến giờ nè. Có nhiều đứa tới không?
- Đủ hết, chỉ thiếu mình ông thôi.
Thằng Thiên ngồi sau lên tiếng:
- Ngọc đùa đấy, bọn tui cũng núp mưa.
Ngọc đưa mắt nhìn nhỏ Duyên, nó nheo mắt hỏi:
- Bồ à? Xinh rứa Chương!
- Không, không phải, là...
- Không phải bồ, là người yêu chứ gì.
Nhỏ Duyên ngồi sau bấu mạnh vào lưng, nói:
- Chạy trước đi anh, em “dị” lắm! “dị” đến đơ người ra nè.
Tôi chào Ngọc và Thiên, chạy nhanh về phía trước, bỏ lại tiếng cười vang của hai thằng bạn đằng sau.
Mùa đông ở Huế thật buồn. Mưa rả rích cả ngày. Đêm đêm ngồi học bài, nghe tiếng mưa rơi trên mái tole đến nẫu cả ruột. Từng sợi mưa xiên xiên dưới ánh đèn đường vàng vọt như tơ trời giăng lối. Không một bóng người, lâu lâu tiếng rao hột vịt lộn nghe thanh âm sao thảng thốt. Thỉnh thoảng chú nhóc bán bánh mì đi ngang qua, tôi hay mua ăn khuya. Dưới hộc bàn, lá thư của Linh luôn đồng hành cùng tôi trong những đêm ngồi học. Tờ thư do cầm nhiều lần nên nếp gấp bắt đầu sờn cạnh. Khi cầm trong tay, mùi hương của ngày ấy như còn thoang thoảng quanh đây. Tôi mơ màng về lại ngày xưa, em hiện ra xinh xắn với mái tóc dài đen mượt, đang ngồi bàn trên trong lớp học. Mái tóc đung đưa, nhảy múa trước mặt và cả mùi hương từ tóc em đã cột chặt hồn tôi lại, đã đưa tôi trôi bềnh bồng trong nỗi nhớ mênh mang. Dáng hình đó giờ đang ở đâu? Lá thư em tôi đã đọc không biết bao nhiêu bận, tôi hôn lên nó không biết bao nhiêu lần, Linh ạ!
Gần đến Noel trời ít mưa nhưng lạnh khủng khiếp. Giữa cuối tháng mười hai, nhỏ Duyên nhờ tôi làm giùm bài thơ. Do trường nó ra Đặc san tết Nguyên đán. Tôi đùa:
- Thơ tình hả cô bé?
- Thơ... gì gì cũng được, miễn đừng người lớn!
- Không người lớn vậy tình trẻ con à?
Nhỏ «xí» một tiếng, ra cửa đứng nhìn vào, chu miệng lên nói:
- Không giúp, em sẽ mách mẹ anh.
- Mách mẹ chuyện gì?
- Chuyện anh... Chuyện anh... Không bày em học!
Tôi bật cười:
- Trẻ con vừa vừa thôi nhỏ ơi! Em về làm rồi có gì anh góp ý và chỉnh lại cho.
Nó lấy trong túi áo ra tờ giấy gấp tư đưa tôi, nói:
- Dạ, đây nì, anh xem rồi góp ý dùm em hi.
Mấy ngày sau, đêm Noel tôi chuẩn bị đi qua Phủ Cam chơi Noel, Duyên xuất hiện tưởng nó đến lấy bài thơ, nhưng sau đó là bác Mạnh gái, bác vừa vào nhà đã hỏi ngay:
- Tối ni con có đi lễ nhà thờ Phủ Cam không Chương?
- Dạ, có ạ!
- Con chở em Duyên qua đó giùm bác.
Tôi bối rối chưa biết từ chối cách nào, bác Mạnh nói thêm:
- Do bác trai chở bác, mà xe con Duyên hư chưa sửa được.
- Dạ... ơ... ơ... À, con còn phải đưa mẹ đi ạ!
Lý do từ chối khá thuyết phục khiến mẹ Duyên định ra về. Tôi ngại những lúc phải đi cặp đôi riêng rẽ với Duyên. Tôi không muốn tạo sự quá gần gũi, quá thân thiết với nhỏ dễ bị hiểu lầm. Nếu không có Linh, chắc chắn người tôi thích là Duyên. Bởi cô bé rất đáng mến, trong sáng, hiểu biết, sống chừng mực và thật xinh trong mắt tôi, em lại rất quí tôi. Nhưng trong tôi đã có Linh, tôi rất sợ. Sợ những đụng chạm vô tình, sợ rằng một lúc nào đó không kiềm chế được trong cảm xúc dễ đưa đến những điều đáng tiếc. Thật lòng tôi không muốn.
Bác Mạnh vừa ra cửa, mẹ tôi từ nhà dưới đi lên, nói:
- Ba mẹ tối mai mới đi lễ, bữa ni bận công chuyện rồi con.
Tôi cứng họng, chẳng còn lý do gì để từ chối, đành chở nhỏ qua bên Phủ Cam.

Chương 7
Có lẽ tất cả đợt lạnh của mùa Đông đều dồn hết cho những ngày này, đặc biệt là đêm nay, đêm Noel. Trời không mưa, phố xá người xe tấp nập. Nhạc Giáng sinh từ các quán cafe, từ nhà ai đó vang ra hòa quyện với cái rét căm căm nó trở nên trầm trầm, đậm đặc. Dường như những âm thanh du dương ấy được phát ra từ hàng cây, từ người đi đường, từ cái lạnh sắc se như thấm đẫm vào da thịt.
Tôi đạp xe chậm rãi để cảm nhận không khí đêm Giáng sinh. Giá có nhỏ Linh bên cạnh nhỉ, chắc là bọn tôi đạp xe khắp phố phường suốt đêm nay. Không hiểu sao, dù hai đứa chưa hề đi bên nhau, chưa một lần hò hẹn... Chưa gì cả nhưng tôi lại luôn có cảm giác chúng tôi là của nhau. Tôi tin rằng nơi nào đó em cũng nhớ đến tôi như tôi đang rất nhớ em.
Qua nhà thờ đường đi khá xa. Bởi không vội nên tôi cho xe chạy thong thả. Đến gần trường nữ Đồng Khánh bên bờ sông, nhỏ Duyên lên tiếng làm tôi giật mình. Do nghĩ ngợi lan man nên quên có nhỏ ngồi sau. Nó nói:
- Anh nghĩ gì mà im lặng rứa?
- À, nghĩ gì đâu. Anh đang thưởng thức... Cái lạnh của Huế mà.
- Em ngồi sau mà cũng lạnh rung cả người.
Đi suốt một chặn đường dài tôi không nói chuyện, nên nó im lặng ngồi sau, tôi thấy tội em. Duyên không đáng phải bị đối xử như thế. Lỗi ở tôi, vì lo sợ cho những gì chưa tới mà đã làm em buồn. Tôi gợi chuyện:
- Em có thường đi chơi Noel như ri không?
- Dạ có, đôi khi đi với nhỏ bạn, thường thì em một mình đạp xe loanh quanh.
- Anh thích đi một mình để cảm nhận những chuyển động quanh mình, để hòa mình với thiên nhiên.
- Em cũng thích thế, nên mấy nhỏ bạn gọi em là cụ non.
Hai anh em mải mê nói chuyện, đến nhà thờ hồi nào không hay. Tôi tìm chỗ gửi xe, hai đứa cùng qua cổng đi vào khuôn viên nhà thờ.. Nhỏ Duyên vừa đi vừa nói:
- Người đi lễ đông ghê anh hi. Năm ngoái mưa đầm dề suốt mấy ngày.
- Anh trước đây ra Huế thăm ngoại, cũng vài lần đến đây. Công nhận người đông thật. Em có vào nhà thờ không?
-Da, em đi loanh quanh thôi ngoài ni thôi. Mình lại xem hang đá đi anh.
Nói xong nhỏ kéo tôi đi vào trong. Hai đứa đứng xem hang đá một lúc lâu. Trời càng về khuya cái lạnh càng tê tái. Nhỏ Duyên kéo cao cổ áo, miệng tôi chuẩn bị đánh “bò cạp”, Duyên nói:
- Mình ra bồn đá gốc cây ngoài kia ngồi đi anh.
- Ừ, ra đó ngồi nghỉ, với lại chỗ đó khuất gió. Em lạnh run kìa.
Tôi và Duyên lần ra ngoài. Đang đi, chợt một bóng người lướt qua mặt trông rất quen: Linh! Giống em quá! Giống đến nỗi không thể là ai khác. Dù ánh điện không đủ sáng vẫn nhận ra mặt người. Cũng mái tóc ấy, cũng khuôn mặt, dáng hình ấy. Tôi định chạy theo nhưng e ngại. Ngộ nhỡ nhầm thì xấu hổ, đành đi chậm lại đưa mắt nhìn theo. Bóng người khuất vào đám đông. Nhỏ Duyên đi một đoạn không thấy tôi bên cạnh, em quay lui đứng nhìn quanh. Tôi thì mãi vừa đi vừa dõi theo cô gái ấy. Do ngoái ra sau không nhìn phía trước, thế nào lại va vào nhỏ Duyên khá mạnh. Em chới với ngã ra sau, tôi vội chụp lại, mất đà chúi nhào về trước. Tôi ôm em trong tay, gượng về sau để hai đứa khỏi ngã. Cả hai hoảng hồn một lúc lâu. Bởi bất ngờ, hơn nữa phản xạ tự nhiên tôi giữ lấy em. Vì thế khi cả hai đã đứng vững, không hiểu do còn chưa định tâm hay sao mà tôi vẫn còn ôm nhỏ Duyên trong đôi tay của mình. Trống ngực vẫn còn đánh thình thịch. Tự nhiên tôi thấy nhỏ run bắn lên không phải do lạnh, khi đó người nó lại rất ấm. Liền theo nhỏ đẩy tôi ra rồi xoay người qua nơi khác. Tôi cũng run do lạnh một phần, phần lớn lo lắng vì chẳng biết vừa rồi lỡ va trúng làm nhỏ Duyên đau hay giật mình rồi giận tôi chăng? Mà sao giận nhỉ khi tôi vô tình thôi mà. Thấy nó im lặng không nói gì làm tôi càng lo hơn. Tôi nói:
- Cho anh xin lỗi vì vừa rồi vô ý đụng trúng em, có  đau lắm không?
-...!
Nhỏ im lặng, mặt quay đi hướng khác làm tôi trở nên luống cuống. Tôi đưa tay lên vai xoay người lại, nó vẫn cúi gầm mặt xuống. Không hiểu vì sao nó lại giận lâu như rứa. Tôi chưa bao giờ gặp cảnh con gái giận không nói chuyện thế này nên càng bối rối. Cả hai đứng như vậy một lúc khá lâu, tôi nói:
- Sao em im lặng rứa, giận anh chuyện gì à?
Nó vẫn im lặng, khẽ lắc đầu. Tôi hỏi tiếp:
- Vậy là anh va vào làm em đau phải không?
- Không!
- Anh biết rồi, em lạnh chứ gì.
- Đã nói không mà. Anh đáng ghét quá đi.
Nói xong nhỏ Duyên đi thẳng ra cổng nhà thờ. Tôi lầm bầm trong miệng rồi theo ra cổng: “Khó hiểu quá, đúng là con gái”!
Chương 8
Trên đường về hai đứa không nói gì. Tôi cho rằng mình có lỗi, nhưng chẳng rõ lỗi chi nên tạm im lặng cho nó lành. Còn nhỏ Duyên cớ gì lại giận dỗi lâu rứa. Không lẽ vì môt việc cỏn con mà làm thinh mãi ri. Vừa trẻ con vừa hẹp hòi. Vậy ra cô bé cũng có cái không dễ thương như tôi luôn nghĩ.

Có lẽ gần nửa đêm, trời lạnh tê cóng cả đôi tay. không biết nhỏ Duyên ngồi sau chịu nổi không? Tôi hơi lo nên đành lên tiếng hỏi nó:
- Anh chạy nhanh như ri rất lạnh, em chịu được không?
Vẫn không thấy nó trả lời, tôi đã bắt đầu hơi bực mình. Không thèm hỏi nữa, nhất định không thèm hỏi. Khi bực chuyện gì đó, máu trong người chạy rần rần, chẳng còn thấy lạnh. Tôi đạp xe phăng phăng. Đang đi tự nhiên nghe tiếng gì như tiếng hít vào của người đang khóc cố ghìm nén. Hình như nhỏ Duyên khóc. Nó khóc vì chuyện gì nhỉ? Sao lại khóc? Không ổn! Phải có gì đó, chắc là bị tổn thương hay sao nên nó mới khóc. Mà tôi rất dị ứng, rất khổ sở khi nghe tiếng khóc, nhất là con gái khóc. Nhìn họ khóc tôi trở nên mất hết sự mạnh mẽ của con trai, trở nên mềm nhũn như cọng bún. Cho xe chạy chậm lại, tôi hỏi nó:
- Em khóc hả Duyên?
Im lặng! Nhưng tiếng “hít” to và nhiều hơn, giống tiếng nấc. Quả thật tôi không chịu nổi, đưa tay ra phía sau lưng nó như động viên, như an ủi một người bạn, một đứa em gái:
- Nín đi, chuyện gì làm em khóc? Nói anh nghe.
Tôi nói thật nhẹ nhàng để dỗ dành nó, tạo sự thân thiết để xoa dịu nhỏ. Nó “nấc” liên tục có vẻ ấm ức lắm. Tôi đạp xe chậm lại đưa tay cầm tay Duyên, vỗ về, đồng cảm sự đau lòng của nó (mà thật sự đến giờ tôi vẫn chưa hiểu lý do vì đâu nên cớ sự này). Tôi cố tạo ra giọng nói truyền cảm hơn nữa dành cho nó:
- Đừng khóc nữa em. Anh không muốn em buồn. Nói nghe chuyện gì làm em buồn?
Tôi vừa nói xong tưởng nó trở lại bình thường, thôi khóc và chuyện trò lại với tôi. Ai dè mới nói xong, nó còn khóc to, vừa khóc vừa nói, như tuôn trào những dồn nén, oan ức trong lòng:
- Em im lặng vì em “dị”, em mắc cỡ anh biết không?
Tôi ngạc nhiên rồi đâm ra choáng váng bỡi câu nói của nhỏ Duyên tiếp theo:
- Lần đầu tiên “bị” anh ôm trong lòng, anh biết không?
Nó tuôn một hơi thấy còn chưa đã, lấy tay đập vào lưng tôi thùm thụp, nói:
- Anh đáng ghét! Anh đáng ghét!
Thật sự không ngờ diễn biến trong lòng nhỏ Duyên lại rối rắm như rứa. Tôi ra vẻ ái ngại, nói với nó:
- Anh xin lỗi! Sau này nếu thấy em sắp ngã anh để luôn cho em... Ngã, đỡ bị ghép tội này nọ tội hì.
- Anh chẳng hiểu gì cả. Đáng ghét!
Nhỏ giải tỏa hết những uất ức trong lòng. Mọi chuyện rồi cũng qua nhanh, hai anh em trò chuyện trở lại. Nhưng trong tôi và có lẽ cả Duyên nữa, cái cảm giác lần đầu tiên ôm một người con gái vào lòng, dù là trong hoàn cảnh nào nó cũng có những xúc cảm mới lạ, rạo rực, nao nao mỗi khi nghĩ đến.
Còn nửa tháng là hết năm âm lịch. Nhà cửa, phố xá được sửa sang, dọn dẹp tươm tất hơn. Người ta rộn rịp kéo những chiếc xe chất đầy hoa đến khu vực chưng bày để bán. Mấy ngày ni nhỏ Duyên ngoài giờ học ở trường nó còn phải ra Thương Bạc phụ giúp O nó bán hoa. Từ dạo đi chơi Noel, nhỏ đôi khi qua nhà nhờ giảng dùm bài toán, bài văn. Dù vẫn còn tinh nghịch, mau mắn nhưng có vẻ đằm thắm hơn, nói năng chững chạc hơn. Có lúc thấy nhỏ «nghiêm túc» quá, tôi phì cười:
- Em thay đổi, khác trước nhiều đấy, cô bé!
- Là sao anh, tốt hay không tốt?
- Tốt chứ, có điều...
- Điều gì?
- Không còn là cô bé trong mắt anh.
- Anh... có thích rứa không?
- Không... !
Rứa là nó giận bỏ về. Cứ giận hờn vu vơ thế, nhưng rồi làm lành lại cũng nhanh.
Một hôm, tôi về sớm vì nghỉ hai giờ sau. Đang phụ mẹ nấu ăn, nhỏ Duyên đi học về còn mặc nguyên áo dài, ôm cặp đi vào nhà, vừa đi vừa gọi:
- Anh Chương! Anh Chương!
Tôi vội rửa tay chạy ra, nhỏ mở cặp lấy một cuốn sách chìa ra, khuôn mặt còn trắng hồng vì vừa đi ngoài nắng. Nó cười tươi roi rói, nói:
- Đặc san trường em nì. Bài thơ của em được đăng trong ni nè.
- Chúc mừng em có thơ đăng trong Đặc san.
- Nhờ có công anh nữa.
- Anh chỉ sửa vài từ. Em làm thơ hay đấy!
- Em có ghi “Tặng anh Lê Hoàng Chương” ở đầu bài đó, hi hi.
Chương 9
Đặc san trình bày đẹp thật. Tôi lật trang hai mươi chín xem bài của nhỏ Duyên. Hèn chi nó vui mừng, sung sướng rứa là phải, bài thơ được lồng trong dây hoa trang trí. Đúng như lời nhỏ nói, lời đề tặng bên trên là tên tôi. Hơi ngại một chút nhưng thôi, tôi tặc lưỡi bỏ qua.
Từ hôm chợ hoa bày bán, nhỏ Duyên ngày nào sau buổi học cũng ra Thương Bạc giúp bà O nên ít khi gặp nó. Hăm bảy tết, ba bảo ra phố mua cành mai về chưng tết. Tôi đạp xe ra khu chợ hoa của O nhỏ Duyên. Mấy ngày ni phố xá tấp nập người qua kẻ lại. Từ con hẻm nhỏ đến đường lớn, mọi hoạt động nhộn nhịp hẳn lên. Ai ai cũng có vẻ tất bật. Đây đó lác đác từng tràng pháo nổ cúng tất niên làm những người như tôi cũng thêm rạo rực, háo hức chờ đón xuân sang.
Nhỏ Duyên gặp tôi nó mừng lộ rõ trên gương mặt. Hai đứa đi quanh chọn cành mai đẹp, nhiều nụ. Trông nó nhanh nhẹn, miệng tươi cười đón mời khách, lại xinh xắn nên hàng hoa tết của bà O khá đông người đến mua. Cột nhánh mai lên yên sau xong, tạm biệt nhỏ, dắt xe ra cổng. Như nhớ điều gì, nó chạy theo gọi:
Anh Chương! Khoan đi đã, chờ em.
Tôi đứng lại đợi, nhỏ nói gì đó với bà O rồi ra cổng, chỗ tôi đứng chờ. Nó nói:
- Trưa hôm tê đi học về vội ra đây nên em quên.
- Chuyện chi rứa em?
- Có một chị lớp Đệ nhị hỏi em chuyện bài thơ trên Đặc san.
- Thì có thể chị ấy thích bài thơ.
- Không phải đâu, chị hỏi: “Lê Hoàng Chương” là ai.
Tôi nheo mắt trêu nhỏ:
- Chắc chị ấy tưởng em tặng... Người yêu. Hỏi để chọc đó cô bé.
Vừa nghe trêu, mặt nhỏ đỏ lên lườm lườm nhìn tôi, nó nói:
- Không đâu, chị đó hỏi nhiều lắm, nhưng do em vội ra đây nên không đứng lâu. À, chị cũng có bài đăng trong Đặc san, tên gì em quên rồi. Bài thơ hình như ở giữa sách ấy.
- Anh cám ơn, em vào đi anh về đây.
Nói xong tôi lên xe đạp về nhà. Ba mẹ đang dọn dẹp nhà cửa. Tôi vào thay đồ rồi cùng ba khiêng mấy chậu hoa ra để trước hiên, nên quên khuấy chuyện nhỏ Duyên kể. Tối đến cơm nước xong, nhìn trên bàn còn cuốn Đặc san. Chợt nhớ chuyện nhỏ Duyên nói, tôi cầm lên xem lướt qua. Đến giữa sách, đập vào mắt tôi là một bài thơ. Không thể tin vào mắt mình, tôi hít thật sâu để bình tỉnh nhìn cho rõ. Bài thơ tôi đã từng đọc, đã từng biên tập nó, đã từng khổ sở vì bị bạn bè cho là tôi “hun” nó. Bài thơ của Linh đăng trên báo tường ở lớp, sao lại được đăng ở Đặc san trường Nữ Thành Nội? Tác giả Lê Xinh là ai? Cô gái học lớp Đệ nhị là ai? Bạn của Linh ư? Đúng là bạn của Linh rồi. Tôi nghĩ thế. Phải tìm gặp ngay để hỏi cô bạn Lê Xinh nào đó xem em hiện giờ đang ở đâu. Có cơ hội liên lạc với người mà tôi hằng mong nhớ, quả thật không còn gì vui hơn. Tôi huýt sáo miệng bài hát vui, thong thả đi ra đường nhìn ngắm người qua lại, nhìn ngắm bầu trời những ngày cuối năm dù có mờ mờ sương giăng, dù có lạnh tái tê nhưng lòng tôi đang bập bùng ngọn lửa hy vọng. Hàng cây hai bên đường đứng rét run, nhũng chiếc lá cuối mùa chao nghiêng trong gió như muốn chào những chồi non vừa mới hé nụ đón nắng xuân sang.
Những ngày đầu năm trời thật đẹp. Nắng vàng nhạt se se chút lạnh cuối đông còn sót lại. Ba mẹ về quê thắp hương ông bà, tôi ở lại để tiếp khách đến thăm ngày xuân. Nhỏ Duyên qua nhà đạp đất đầu tiên. Nó là đứa nhanh nhẹn, lanh lợi nên vào xông đất tất nhiên là điều tốt. Hai anh em ngồi cắn hạt dưa. Từ hôm mua cành mai đến đêm ba mươi, thấy nhỏ bận nên không hỏi được gì về cô gái lớp Đệ nhị có tên Lê Xinh. Sáng ni nó qua, tôi mừng lắm nhưng không dám lộ ra mặt, cũng không dám hỏi thẳng, đành đi từng bước một. Loanh quanh một hồi rào đón, tôi đi vào vấn đề nóng nhất:
- Thế chị ấy còn hỏi em gì nữa không?
- Hôm ấy em vội nên có nói được nhiều đâu. Hai ngày sau không gặp rồi nghỉ tết đến chừ luôn.
Thấy không lấy thêm thông tin gì từ nhỏ nên tôi chuyển sang đề tài khác. Ngồi chơi một lúc nó xin phép về để đi với gia đình. Tôi tiển nhỏ ra tới sân, chợt nhớ điều gì nó quay lại nói:
- À, chị Lê Xinh nói giọng y như anh rứa. Hai người họ Lê, dám bà con lắm nha.
Không còn nghi ngờ gì nữa, cô gái ấy là bạn của Linh. Nhất định phải gặp Lê Xinh. Tôi nói:
- Qua Tết đi học lại, em nhắn với chị ấy cho anh gặp mặt nghe.
- Đừng nói với em là đọc bài thơ của chị ấy rồi anh...
Nhỏ bỏ lững câu nói, nhìn tôi với ánh mắt là lạ. Tôi vội trả lời nó:
- Gặp đồng hương, có khi người quen hay bà con của anh đấy. 
Qua tết mười ngày rồi mà cái rét của mùa đông vẫn còn luyến tiếc bám theo. Ánh nắng ngập tràn trên từng cành cây, ngọn cỏ. Các cô gái đôi má ửng hồng nắng xuân đi đường vẫn phải kéo cao cổ áo. Tôi thả bộ dọc theo Đoàn Thị Điểm - con đường Phượng bay để ra Tỳ Bà Trang. Nơi có bãi cỏ xanh mướt, đây đó còn lóng lánh sương mai dưới ánh nắng mặt trời, như những hạt ngọc ai đó đánh rơi. Đoạn đường hơi dài nhưng không sao, tôi đang vui, tôi đang chờ đợi tin vui.
Nhỏ Duyên chiều hôm qua sang nhà cho biết đã gặp chị Lê Xinh. Chị ấy đồng ý sáng Chúa nhật đến Tỳ Bà Trang, nó nói:
- Em chờ chị ấy ở cổng trường rồi cùng đến chỗ hẹn.
- Làm phiền em nhiều quá, cô bé.
- Có chi mô, nhưng em được mười lăm tuổi rồi. Mẹ nói tuổi ta mười sáu rồi đấy. không còn cô bé đâu nha anh.
- Ừ, người lớn. Đã rứa thì không khóc nhè nữa đâu đấy.
Chẳng biết nhỏ nhớ ra điều gì, mặt ửng hồng vội quay đi nơi khác.
Tôi đến Tỳ Bà Trang vừa đúng chín giờ. Ngồi ở ghế đá nơi bãi cỏ trước Trang. Ngồi chưa được bao lâu, phía  Đinh Bộ Lĩnh có hai cô gái đi xe đạp, từ xa, tôi nhận ra nhỏ Duyên. Người thứ hai chắc Lê Xinh. Cả hai dắt xe theo hướng vào Trang, dựng xe bên gốc cây gần lối đi.
Tôi thật sự bàng hoàng, nửa tỉnh nửa mơ. Trời không lạnh lắm nhưng tôi rét run cả người. Đôi chân như hóa đá, toàn thân bất động. Tôi đứng lặng, sững sờ nhìn người đi tới cùng nhỏ Duyên. Cô gái có lẽ tâm trạng cũng không khác gì, đứng sững lại trên lối đi lát sỏi nhìn tôi. Rồi cả hai cùng thốt lên:
- Linh!
- Chương!
Nhỏ Duyên chưng hửng nhìn hết người này đến người kia. Nó không hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mắt. Qua phút bàng hoàng, tôi không kiềm nén được nỗi nhớ nhung, mong chờ, quên nhỏ Duyên ở đó, quên luôn cả rằng chúng tôi chưa là gì của nhau. Tôi lao tới chụp lấy tay Linh sợ em tan biến đi. Thật sự làm thế nào mà tôi lại có thể cầm trọn vẹn đôi bàn tay mềm mại, mát rượi trong tay mình như rứa. Ngược lại, Linh cũng xúc động nghẹn lời, để yên tay em trong tay tôi. Tưởng như cả hai đã thích nhau, đã yêu nhau từ lâu nên mới có những hành động âu yếm, mật thiết đến thế. Dù rằng suốt thời gian dài thích em, cứ lẽo đẽo theo sau. Linh cũng chưa từng đi riêng, chưa từng hò hẹn cùng tôi, chứ nói chi đến chuyện hai đứa cầm tay nhau thế này. Điều gì xảy ra trong tôi khi xa Linh, và điều gì diễn biến trong em suốt ngần ấy thời gian? Phải chăng sự đồng cảm, sự nhớ thương của cả hai đều chung nhau một điểm: Luôn nghĩ về nhau!
Giây phút bất ngờ tưởng như mơ ấy đã qua, tôi và Linh giật mình buông tay ra, ngượng ngùng nhìn nhau. Nhỏ Duyên tròn xoe mắt đứng nhìn hai người. Sau sự ngỡ ngàng, chắc nhỏ hiểu tôi và Linh không phải đồng hương, chẳng phải bạn bè hay bà con cùng họ gì gì, mà họ yêu nhau. Cô bé im lặng chào tôi và Linh, lại gốc cây dắt xe ra về. Nhỏ đi nhanh quá tôi chưa kịp giữ lại hoặc cám ơn nên chạy theo, nói:
- Em ở lại vào Trang uống nước với bọn anh cho vui.
Nhỏ không nói, chỉ lắc đầu. Tôi tưởng nó chưa nghe nên đến trước mặt nói:
- Vô với tụi anh cho vui.
Nó vẫn cúi xuống, lắc đầu nhè nhẹ. Tôi nghĩ chắc có gì rơi vào mắt nên đưa tay nâng đầu nhỏ lên. Môi nhỏ Duyên bặm lại, trên gương mặt xinh xinh ấy có hai giọt nước từ đôi mắt ngập ngừng lăn xuống má. Nhỏ lấy tay quẹt nhanh:
- Không có chi mô, em về.
- Sao rứa?
- Anh gặp người yêu, em ở đó làm chi.
- Tụi anh là...
- Là yêu nhau, em biết rồi. Chị Linh ghép tên anh...
Nó nói chưa hết câu vội vã đẩy xe ra ngoài đường. Tôi đứng nhìn theo không biết phải làm sao. Chạy theo Duyên ư? Không được! Còn đứng lại? Tội cô bé quá. Đang bối rối, Linh đến bên tôi tự lúc nào, em lên tiếng:
- Con bé hình như thích Chương.
- Tui không biết, chỉ xem nó như đứa em gái.
- Cô bé đoán cả việc tên tui ghép với Chương nữa.
- Là sao?
- Lê Xinh ấy, là «Linh C». Cô bé thông minh, dễ thương rứa sao Chương không thích nhỉ?
- Tại... Tại tui thích Linh lâu rồi.
- Sao hồi đó không nói?
- Tại sợ...
- Không hiểu sao lúc ấy tui cũng sợ.
- Linh sợ gì?
- Sợ Chương... Nói thích tui!
- Hồi đó học về tui luôn đi phía sau, Linh biết không?
- Biết!
- Biết sao không đi chậm lại?
- Sợ mà.
- Nếu sợ sao không đi nhanh?
-...
- Linh có thích tui không?
Linh cúi đầu, mái tóc dài đổ xuống che nghiêng khuôn mặt. Mùi hương từ tóc thoảng nhẹ, em khẽ gật đầu.  Tôi ngây ngất trong niềm hạnh phúc vô biên. Mặt trời lên khá cao, nắng xuân ngập tràn, cái lạnh vẫn còn se se, tôi và Linh đi sát vào nhau cùng vào Tỳ Bà Trang.
Chương 10
Có những sự ngẫu nhiên mà như được sắp đặt sẵn. Ngày chia tay năm nào tưởng chừng tôi và Linh đã mất nhau.
Sợi dây kết nối thật mong manh giữa hai người. Nhớ thương, hy vọng quá mơ hồ. Mối tình chớm yêu đầu đời nó bảng lảng như sương khói, mong manh như tơ trời nhưng không thể xóa nhòa, không dứt bỏ được. Tình yêu ngây thơ, trong sáng ấy luôn đeo bám, nó như men nồng làm ta lâng lâng mỗi khi nghĩ đến, làm ta ray rứt vì lỡ để mất nhau.
Ngày ấy, đơn vị ba tôi thuyên chuyển ra Huế bốn người, trong đó có ba Linh. Nếu không có chuyện «cái hun» làm bạn bè đẩy lên thành sự kiện khiến tôi và Linh bực bội, khó chịu nên ngày chia tay đi trong im lặng. Sẽ chẳng có lần gặp này nếu không có lá thư em trao tay để cho tôi tin rằng em cũng thích tôi. Thì chắc đời này của chúng ta đã sang ngã rẽ. Đó là duyên số, Linh nhỉ!
Sau kỳ nghỉ hè Linh ra lại Huế, bọn tôi cùng nhau lên Thiên An. Trời chớm thu, màu nắng vàng nhạt mỏng manh choàng lên ngọn đồi, lá thông xanh rung rinh lấp lánh trong nắng mai. Những con đường còn dư vị ươn ướt của  sương đêm trộn lẫn với xác lá thông già tạo cảm giác mát lạnh trên cỏ non. Xa xa, trên đồi cao, Đan viện Thiên An nằm giữa một khung cảnh trầm lắng, yên tĩnh là nơi để các đan sĩ đi vào chiều sâu của đời tu trì cũng như tạo điều kiện cho những ai đến đây để tĩnh tâm, cầu nguyện và tìm kiếm sự bình an.
Tôi và em dựng xe dưới gốc thông già bên vệ đường. Hai đứa dắt tay nhau đi vào rừng thông. Nắng vàng thu tươi màu tơ lụa xuyên qua khoảng trống tán thông, đậu tràn lên hai đứa. Tôi kéo em lại gần, hát khe khẽ: «Màu nắng hay là màu mắt em/ Mùa thu mưa bay cho tay mềm/ Chiều nghiêng nghiêng nắng rơi qua thềm/ Rồi có hôm nào mây bay lên...  » Gió thu thoang thoảng mùi hương từ tóc em làm ngất ngây hồn tôi. Tôi gọi:
- Linh!
- Dạ!
- Em có nghe thấy gì không?
Linh nghịch ngợm nhìn tôi:
- Dạ thấy. Thấy một anh chàng ngày xưa mỗi lần gặp em mặt mày xanh lét, cứ theo sau khi đi học về.
Tôi lườm lườm nhìn em:
- Em nghe thấy gì trong gió thu?
- Nghe chàng ấy còn «bạo gan» dám «hun» thơ của em giữa sân trường...
Tôi bước tới định bụm miệng, em xoay lưng bỏ chạy. Hai đứa rượt đuổi nhau quanh co trên đồi thông. Tiếng cười vang của tôi và Linh khiến những chú chim đang âu yếm rỉa lông cho nhau ngơ ngác nhìn quanh. Em đứng lại đưa tay chỉ lên cành thông phía trước, nói:
- Anh xem kìa, đôi chim đang vui đùa với nhau dễ thương quá!
- Chúng đang tỏ tình với nhau em ạ!
Em đẹp như mùa xuân
Đôi mắt nai biết buồn
Môi em hồng trái chín
Tóc mây dài yêu thương.
Tôi đến bên cầm đôi bàn tay em, nhìn vào đôi mắt đang mở to đẹp và buồn ấy, tôi gọi khẽ:
- Linh!
- Dạ!
- Anh... Anh...
Linh nhìn tôi rồi nhìn lên cành thông có đôi chim đang hót, em cúi xuống nói nhẹ tựa hơi thở:
- Anh sợ cây lá quanh đây nghe, sợ đôi chim nghe thì nói thật nhỏ vào tai em, chỉ mình em nghe thôi.
Nói xong em vén tóc, nghiêng tai về phía tôi. Những lọn tóc mai con con, mềm rủ trên làn da trắng hồng. Gió thu phớt nhẹ, từng sợi tóc như tơ trời, be bé yêu thương phất phơ khiến tôi ngất ngây, khiến tôi la đà như men say. Tôi đến sát bên em mà không hề biết mình đang đến đâu. Khi em nhập vào tôi, hòa quyện hai tâm hồn, mái tóc huyền êm mượt bồng bềnh trong gió trùm phủ lên mặt, lên người, mùi hương của em cột chặt hồn tôi lại:
- Linh ơi!
- Dạ!
- Anh yêu em!
- Em yêu anh!
Ngàn thông gió lộng vi vu, xa xa trên đồi cao, tiếng chuông nguyện bên Đan viện đổ dài, vang xa, tưởng như từ trời cao vọng xuống trong không gian tĩnh lặng trên đồi Thiên An.
Suốt cả mùa hè không thấy bóng dáng nhỏ Duyên đâu. Thỉnh thoảng thấy em khoát áo lao động đi đâu đó, tối mịt mới về. Cũng đôi lần tôi đi phố về, gặp em từ ngõ ra, em chào tôi. Tính cách vẫn vậy, vui vẻ tinh nghịch. Tôi hỏi:
- Lâu ni anh ít thấy em.
-Dạ, em đi làm.
- Đi làm?
- Mùa hè em sang giúp o chú chăm sóc hoa, cây cây cảnh.
- Nhập học rồi mà cũng còn đi sao em?
- Dạ, không chi mô anh. Học buổi sáng, chiều em qua.
- Còn thời gian đâu để em học. có cần phải rứa không em?
- Dạ, học buổi tối anh ạ. Thôi chừ em qua o đây, em đi nha!
Nói xong nhỏ đi nhanh ra ngõ. Tôi thấy trong em sự lặng lẽ dù vẫn vui cười. Chuyện gì đã xảy đến với nhỏ Duyên? Hay như lời Linh nói ngày nào: “Con bé hình như thích Chương”. Phải thế không Duyên? Nếu rứa tội em quá! Lỗi này do tôi ư? Một thời gian khá dài tôi ray rứt mãi điều này.
Đến đầu năm bảy hai, đơn vị ba tôi điều hai mươi người ra Hải Lăng, Quảng Trị. Ba tôi và có cả bác Mạnh. Cuộc sống hai gia đình gần nhau đã có chút khó khăn, nhất là bên nhà nhỏ Duyên. Đôi khi bác Mạnh gái cần giúp công việc gì hơi nặng tôi phải chạy qua. Từ khi bác trai đi, Duyên không còn qua nhà bà o nữa. Em ở nhà ngoài giờ học, phụ với mẹ công viêc gia đình. Thấy nhỏ vui vẻ, cởi mở tôi cũng mừng. Đôi khi em hỏi: “Nghỉ lễ đợt ni anh chị có đi chơi đâu không?” hoặc: “Tết vừa rồi anh chị... ”. Thế đấy! Mừng cho em và cả mừng cho tôi.
Bọn tôi định nghỉ lễ Lao động sẽ đi chơi một ngày. Linh chọn đến lăng Tự Đức. Đi đợt ni rồi chuẩn bị dồn sức cho kỳ thi quan trọng của thời học sinh. Linh nói:
- Em sẽ vào Sư phạm.
- Anh vô Văn khoa, tất nhiên phải đậu đã. Còn rủi thì... Ra Trung sĩ, hi hi.
- Nên hai đứa phải gắng hết sức.
- Đi chơi lần ni về là hai tháng nữa bước lên võ đài rồi em ơi!
- Suốt hai tháng đóng cửa luyện công, anh cũng rứa nha!
- Hai tháng không gặp nhau buồn em hi.
- À, anh có hay gặp bé Duyên không?
- Gần cả năm nay, ngoài giờ học nhỏ qua bà o giúp chăm sóc cây cảnh, hầu như không gặp nó.
- Sao nhỉ, cô bé cần tiền à?
- Không phải đâu!
- Vậy là cô bé sợ gặp anh, nó yêu anh đấy! Con bé mạnh mẽ, kiên cường hì. Suốt cả năm...
- Anh xem nhỏ như em gái...
Khoảng giữa cuối tháng tư, ba tôi, bác Mạnh gọi điện về cho biết tình hình ở Quảng Trị rất căng thẳng. Đơn vị chuẩn bị đi vào chiến dịch tại Thành cổ. Nhà tôi và bên hai mẹ con nhỏ Duyên rất lo mà chưa biết phải làm gì. Tôi đi học với tâm trạng rối bời những lo lắng cho ba. Nhỏ Duyên cũng không khác gì hơn. Em chiều chiều ra đứng ngoài ngõ một mình, tôi qua chia sẻ nỗi lo cùng em. Đôi mắt đỏ hoe, em nói:
- Em sợ quá anh ạ. Bên trường có mấy bạn, ba ở lính ngoài nớ được tin tử nạn hôm tê.
Tôi cố động viên để em yên tâm, cũng là cho cả tôi:
- Chắc không sao đâu em. Nhờ ơn trên, mọi nguy hiểm rồi sẽ qua.
Nhỏ chào tôi rồi lững thững ra cổng. Nhìn em lầm lũi đi trong tâm trạng lo lắng, tôi không cam lòng vì hoàn cảnh hai đứa đều giống nhau. Nỗi buồn được sẻ chia cũng dễ nguôi ngoai hơn nên tôi rảo bước theo em.
Gần cuối tháng tư, hàng phượng vĩ hai bên đường đỏ rực những hoa. Những bông nở sớm chỉ chờ cơn gió thoảng qua là bay la đà xuống mặt đường. Hai đứa im lặng đi bên nhau. Tôi muốn gợi chuyện để em quên đi sự lo lắng:
- Lâu ni em học vẫn tốt chứ?
- Dạ!
- Khi mô có chi không hiểu qua anh giảng cho.
- Dạ!
- Em biết chừ anh ước gì không ?
- Dạ chi ạ?
- Ngoài điều ước hai gia đình mình được bình an, còn một điều nữa là được nhìn em cười, cười như hồi mới quen ấy.
- Dạ có chi mô.
Nói xong em ngước nhìn tôi ngoẻn miệng cười. Em cười mà như mếu, nụ cười méo xệch. Thật tình tôi cố làm em vui nhưng trong lòng ngổn ngang những âu lo. Sự cảm thông, chia sẻ của hai con người mang cùng tâm trạng sợ hãi, lo lắng cho những người thân yêu của mình đang đối mặt với chết chóc trong mưa bom bão đạn. Nhìn miệng em cười mà như khóc, đôi mắt đỏ hoe, mắt tôi cũng cay xè. Tôi nói:
- Anh cũng buồn và lo lắng như em.
- Dạ, đọc báo em thấy lính chết nhiều lắm, em sợ...
- Anh sẽ luôn bên cạnh em, em gái của anh.
Nhỏ Duyên không kiềm chế được cảm xúc, em tựa vào tôi như một sự chở che. Những lo lắng cho ba, sợ hãi điều bi thảm đến với gia đình, những dồn nén trong lòng bao lâu nay được dịp tuôn trào. Em khóc như chưa bao giờ được khóc. Tôi bối rối không biết làm sao, chỉ biết ôm em vỗ về, an ủi, động viên như động viên, an ủi, vỗ về chính tôi.
Chương 11
Chiều ni học xong, tôi ghé mua mấy thứ để sáng mai lên lăng Tự Đức. Với tâm trạng ngổn ngang, rối bời thế này đi chơi cũng không vui vẻ, háo hức lắm. Về đến nhà  đã chiều muộn. Mẹ cho biết ba mới điện về báo đơn vị qua lễ sẽ tham gia chiến dịch. Chẳng biết tình hình thế nào nhưng căng lắm, nhiều anh em có đi mà không về. Mẹ nói: «Bên khu chợ Xép mấy gia đình có chồng, con tử trận rồi. Mẹ lo lắm!» Đã bàn bên nhà bác Mạnh, sáng sớm mai hai gia đình ra Hải Lăng, Quảng Trị thăm ba con với bác Mạnh trai, nếu trễ sợ không kịp gặp được ba con. Mẹ đánh điện báo tin rồi.
Mẹ mua một ít đồ để trên bàn mai đem ra cho ba. Tôi lấy bỏ vào xách và chuẩn bị thêm những vật dụng cho hai mẹ con. Định mọi thứ xong xuôi sẽ qua báo tin cho Linh tạm dừng chuyến đi chơi ngày mai. Loay hoay cũng đến gần mười giờ đêm mới hết việc. Xách xe đạp lên hướng Tây Lộc. Nhà em đóng cửa, dường như đã ngủ tôi không dám gọi đành viết vài chữ để trước hiên, lấy hòn đá đè lên: «Mai anh có việc riêng, hẹn em dịp khác.»
Măc dù những sinh hoạt ở Huế vẫn diễn ra bình thường, nhưng không khí khá ngột ngạt. Đã có lệnh Tổng động viên. Mùa hè ở Huế nóng cháy da, giờ thêm không khi chến tranh, nó nặng nề đến khó thở. Gia đình tôi và hai mẹ con nhỏ Duyên ra Hải Lăng xong trở về trong ngày. Khoảnh khắc chia tay với ba, bác Mạnh trai là những lời động viên hẹn ngày gặp lại. Nhưng sao trong lòng mọi người, nó bi thương, nó thảm sầu đến tái tê lòng, nó như lần chia tay cuối cùng... Về đến bến xe Nguyễn Hoàng, mẹ với bác Mạnh gái ghé chợ mua ít đồ, tôi và Duyên đi bộ qua cửa Ngăn về Đoàn Thị Điểm. Mặt trời xuống dần bên Đại nội. Những đền đài cổ kính chưa được tu sửa sau năm sáu tám, trông nó như một phế tích được nắng chiều muộn phủ lên màu tang thương. Tôi và Duyên đi trong tâm trạng rối bời, không biết mai này sẽ ra sao. nên cả hai lầm lũi đi trong ánh hoàng hôn đỏ hồng. Tôi quay sang hỏi nhỏ Duyên:
- Em mệt không? Đưa xách anh cầm cho.
- Dạ, nhẹ anh ạ.
Nói thế nhưng em đứng lại đưa cho tôi một bên quai xách, em cười:
- Anh giúp em cùng xách cho nhẹ, dễ đi hì.
Tôi đưa tay cầm một bên quai, hai anh em thong thả trên đường về nhà. Đang đi bỗng nhỏ Duyên dừng lại nhìn tôi, nói:
- Anh có thấy chiếc xe “sáu bảy” vừa chạy qua không?
- Anh không để ý. Sao thế em?
- Một bác mặc đồ lính chở chị Linh phía sau.
- Chắc ba Linh chở đi đâu đó. Sao em biết chị Linh?
- Do chị nghiêng người qua nhìn anh nên em mới nhận ra. Thấy đi thế này sợ chị ấy hiểu lầm.
- Hiểu lầm gì, mình đi thăm ba. Linh không nghĩ rứa đâu em đừng ngại.
- Dạ!
Trong tâm trạng bất an, buồn và lo lắng cho ba nên qua lễ Lao động tôi chỉ đến trường rồi về, không đi đâu. Thỉnh thoảng qua nhà nhỏ Duyên nói chuyện, động viên bác gái (bác Mạnh trai dặn dò, nhờ tôi) hoặc dạo loanh quanh gần nhà. Chiều ni đạp xe lên nhà Linh, mẹ nói em vừa ra ngoài, tôi quay trở về. Tuần sau lên lại, từ xa thấy dáng em thấp thoáng phía trước  nhà. Cho xe vô sân, cửa khép hờ tôi dựng xe vào gõ cửa, mẹ em ra bảo: Linh đi phố rồi con. Tôi chào bác ra về. Lòng hết sức phiền não, đạp xe đi lang thang như người vô định. Đường phố vẫn tấp nập người qua lại, quán xá nhạc vẫn trỗi xập xình. Lòng tôi đau đáu một nỗi lo cho sự bình an của ba. Qua đợt thi sắp tới có lẽ tôi cũng phải vào lính, chưa biết tương lai rồi sẽ ra sao. Tất cả những hình ảnh cũ, mới cứ chập chờn hiện lên trong đầu, lộn xộn, rối rắm chẳng đâu ra đâu. Những ký ức xuất hiện rồi mờ nhòa nhanh chóng, còn lại hình ảnh bom đạn, hình ảnh ba tôi lầm lũi bước đi trên đống đổ nát, rồi... Khói lửa mịt mùng. Tôi không muốn nghĩ đến nhưng nó cứ đeo bám, cứ rõ nét trong đầu.
Tôi chạy loanh quanh ra Thượng Tứ rồi vòng sang cửa Ngăn để về nhà. Đang chạy, nhìn sang bên trái trước cửa Hiển Nhơn chỗ mấy bệ đá, thấy nhỏ Duyên ngồi một mình, tôi quay xe lại:
- Sao em ngồi một mình ở đây?
- Dạ, mẹ vào nhà người quen ở bên Đinh Công Tráng, em ngồi đây đợi mẹ. Trời nóng quá anh ạ.
- Ừ, anh đạp xe lòng vòng từ hồi bốn giờ đến chừ.
- Anh!
- Chi em?
- Em có ông anh họ đang học năm nhất bên Văn khoa cũng chuẩn bị nhập ngũ. Anh thi xong em cũng lo...
Tôi nhìn em động viên:
- Không sao đâu, chiến tranh rồi cũng nhanh hết thôi, em đừng quá lo lại sinh bệnh.
- Biết rứa nhưng vẫn lo. Ba em, ông anh họ giờ lại sắp đến anh, em sợ... À, anh!
- Chi em?
- Hồi sáng đến trường em găp chị Linh.
Nghe nhỏ Duyên nhắc đến Linh, tim tôi tự nhiên đập loạn xạ. Cố kiềm nén xúc động, tôi nói:
- Hồi chiều anh có lên nhà nhưng không gặp. Chị nói gì với em?
- Dạ có nói chi mô. Em chào mà chị cũng làm ngơ, răng lạ rứa anh? Anh chị giận nhau à?
Những thông tin xấu từ Quảng trị cứ dồn dập xuất hiện trên khắp các mặt báo. Mẹ tôi sang nhà bác Mạnh gái trở về, người cứ ngồi thở dài không nói năng chi, tôi đến bên an ủi:
- Chắc bác ấy kể chuyện buồn nên mẹ không vui chứ gì.
- Hôm trước bác ấy đi thăm bà bạn bên Đinh Công Tráng, chồng bà ta bị thương rất nặng ở ngoài nớ, không biết có qua khỏi không, mẹ lo lắm con ạ.
Tôi không biết nói gì để mẹ bớt buồn, lại bàn học lấy sách đọc. Chữ nghĩa chẳng vào nổi trong đầu. Định bỏ sách đứng lên, thấy cuốn Đặc san Xuân Duyên đưa năm trước nằm gần đó, cầm lên lật lướt qua. Bài thơ nhỏ Duyên có tên tôi ở trên, tôi bật cười nhớ lại khuôn mặt rạng rỡ của nó khi khoe với tôi. Tôi lật qua bài Linh với bút danh Lê Xinh, «Linh C» thật ngộ nghĩnh. Bài thơ mang dấu ấn đậm nét trong tôi. Ngày ấy chàng thiếu niên nhút nhát cầm tờ giấy chép bài thơ gửi đăng báo tường mở ra đọc, mùi hương con gái thoang thoảng từ bài thơ, từ tờ giấy trong tập vở, chàng ta nhớ hương tóc của nhỏ ngồi bàn trước nên đã đưa lên ngửi thử... Cứ thế, mọi chìm nổi lần lượt đi qua. Duyên nợ của kiếp nào đã sắp xếp để em đến với tôi. Lúc buồn đau người ta nuôi hy vọng, khi hạnh phúc lại lo sợ phân ly, một chút giận dỗi hờn ghen cũng vu vơ lo nghĩ. Tôi đứng dậy đi ra sân, cố gạt hết buồn phiền trong lòng, nỗi nhớ thương, lo lắng cho ba lại hiện ra. Hôm gặp mặt để rồi chia tay với ba, giọt nước mắt ngập ngừng trên khoé mắt khiến tôi vội vàng quẹt đi sợ ba nhìn thấy. Tôi và mẹ muốn ba phải vui vẻ nhưng sao trong đôi mắt của từng người cứ xót xa u uẩn. Tôi buồn rầu định vào nhà thì Linh đến. Em dừng xe ngoài đường, tôi ra đón, nói:
- Em vào nhà chơi, sao lại ngồi trên xe rứa?
- Dạ thôi, em đang bận việc, nói xong em đi ngay.
Nhìn em lòng cảm thấy vui vui, nhưng sao giọng nói khàn đục như vừa khóc xong, tôi đến cầm tay, em đẩy ra nghiêm măt nói:
- Đừng đụng vào em, đừng...
- Sao lại thế, ghét anh rồi à?
- Em không nghe, em ghét anh!  
- Hôm trước anh lên...
- Em biết rồi!
- Biết gì?
- Biết anh từ chối em để đi với với cô bé hàng xóm.
Vậy là đã rõ vì sao em tránh mặt tôi. Sự hiểu lầm này khó có thể bày tỏ vài lời để em hiểu, tôi nói:
- Em vào nhà đi, anh sẽ nói...
- Em không vào, không nghe! Em ghét anh!
Nói xong Linh đạp chạy thẳng, tôi lấy xe đuổi theo. Em chạy trước, tôi lẳng lặng đạp theo sau lưng. Hai đứa cứ kẻ trước người sau đi như thế đến cuối đường Đoàn Thị Điểm, em không hề biết có tôi phía sau, tôi lên tiếng:
- Anh lẽo đẽo theo em đến cuối đường rồi đấy!
Em giật mình quay lui:
- Theo...  «Tui» làm chi?
- Ngày xưa «tui» miệt mài sáng sáng chiều chiều theo «bà» chừ thì tiếp tục theo... đến hết đường.
- «Ông» đáng ghét!
- Chừ chúng ta vào Tỳ Bà Trang để nhớ hôm nào gặp «bà» Lê Xinh ở đây ạ.
 Tôi và em xuống xe dắt đi bộ, nghe tôi nói thế em xoay người thụi vào hông tôi đau điếng, em nói:
- Muốn vô trong nớ anh phải nó rõ vì sao hôm đó anh đi cả ngày với nhỏ Duyên. Vô lý chỗ nào là chết với em.
Hai đứa dựng xe bên gốc cây long não, ngồi xuống bãi cỏ dưới tán lá. Trời còn nóng nhưng thỉnh thoảng những cơn gió nhẹ thoáng qua, mái tóc em xòa tràn qua vai, vướng vào mặt như những sợi tơ trời nhẹ êm trói buột. Bên trong Tỳ Bà Trang, tiếng đàn dìu dặt thiết tha trôi theo làn gió, thời gian như ngưng đọng lại, tôi nằm dài trên bãi cỏ nhìn bầu trời xanh thẳm, mênh mông. Vài cụm mây trắng nõn trôi bềnh bồng về phía chân trời, khung cảnh buổi chiều vàng thật đẹp. Tôi kéo em đứng lên, hai đứa dắt xe ra đường khi nắng đã bắt đầu trườn lên mái ngói Tỳ Bà Trang, đậu tràn lên hàng cây long não bên đường.
Sau kỳ thi Tú tài, tôi và Linh đều thỏa nguyện mơ ước của mình, em vào Sư phạm còn tôi vô Văn khoa. Mùa hè đỏ lửa đã qua, Phượng đỏ đã không còn lãng mạn rơi trên tóc các cô gái đi  đường, không còn nhuộm đỏ lối đi. Thay vào đó là từng cơn gió heo may se se lạnh. Cây bên đường bắt đầu khoát cho mình bộ áo mới, đây đó và chiếc lá như cố tình đỏm dáng, hóa vàng lượn lờ, chao nghiêng trong lòng nắng vàng nhạt của thu sang.
Chương 12
Thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Hàng cây trên đường phượng bay đã mấy lần thay lá. Linh vào Sư phạm hai năm và đã đi dạy còn tôi vẫn lộc cộc xe đạp  đến giảng đường.
Cô bé con hàng xóm, hồi mới chuyển nhà ra Huế chừ đã là cô nữ sinh lớp Đệ nhất. Năm ni em thi nên thời gian không còn rảnh rang như xưa. Ba em, bác Mạnh trong mùa hè đỏ lửa năm nào bị thương để lại một phần thân thể ngoài chiến trường. Ba tôi tuy nhẹ hơn nhưng cũng mất khả năng chiến đấu nên được về nhà. Nỗi đau nào rồi cũng qua, mất mát nào rồi thời gian cũng sẽ liền sẹo những vết thương. Chiều chiều hai ông Thương phế binh khi thì sang nhà tôi ngồi uống trà đàm đạo chuyện thế sự, lúc qua bên sân nhỏ Duyên đánh cờ. Ba luôn ân cần giúp đỡ vì bác Mạnh đi lại khó khăn. Ba luôn một điều anh, hai điều anh như thể bác là người ơn của ba không bằng. Tôi nghĩ chắc do ba thấy bác thân thể không còn lành lặn nên quan tâm, hơn nữa hai người là bạn bè kề nhà lại cùng tiểu đội, cùng bị thương trong một khoảnh khắc giữa trận chiến nên quý nhau. Nhỏ Duyên sáng ni nghỉ hai giờ đầu nên em đem qua nhà dĩa bánh ngọt mời bác Mạnh và ba tôi dùng uống trà. Để người lớn nói chuyện, tôi đưa em vào nhà. Hai anh em ngồi trên bộ ngựa nói chuyện, em có vẻ lo:
- Năm ni thi trắc nghiệm IBM, mới quá nên em cũng hơi lo.
- Đừng lo lắng em sẽ làm bài tốt hơn. Với lại trường cũng đã cho tụi em làm quen kiểu ra đề và cách thi rồi, sợ chi.
- Dạ, hi hi. Nhưng lỡ máy nó nhầm...
- Em yên tâm, sẽ có một bộ phận giám khảo chấm lại tất cả những bài bị loại hoặc thấp điểm.
- Nếu được rứa thì em yên tâm rồi. À, anh!
- Chi rứa em?
- Chị Linh chừ đi dạy ở dưới Phú Vang, đường xa tội chị anh hì.
- Ừ, nhưng rồi cũng quen.
- Mới đó mà làm cô giáo rồi, thích ghê!
- Em cũng sắp là cô Sinh viên, đâu còn bé nữa, nhanh thật. Quen anh chàng mô nhớ báo cho anh biết với hi.
- Chi rứa? 
Chẳng rõ vì sao tôi lại nói rứa, có lẽ tôi thương em như em gái nên quan tâm. nhỏ Duyên nghe hỏi mặt đỏ lựng, nó cúi xuống im lặng, bàn chân xoay xoay trên nền nhà rồi ngước nhìn tôi, định nói gì đó lại thôi, tôi hỏi:
- Sắp tới thi xong em học trường nào?
- Dạ Văn khoa!
Nhỏ buột miệng nói nhanh rồi vội vã chào tôi ra về.
Còn hơn tháng nữa là sang năm mới. Ba tôi, bác Mạnh ngày nào cũng vậy, khi thì hai ông ngồi đánh cờ cả buổi, lúc lại trầm ngâm bên nhau tách trà. Trời lạnh buốt xương, ba đặt tay lên bên chân cụt đến quá gối của bác Mạnh, nói:
- Lạnh như ri ông ngủ được không?
- Cũng tàm tạm, có điều chuyển trời hoặc lạnh như ri thì lại đau.
Nhìn khuôn mặt ba đầy tâm trạng xót xa, đau buồn, ba nói:
- Tôi còn đến hôm nay là nhờ nó...
- Thôi, chuyện đã qua lâu rồi, với lại nếu không phải tôi thì người khác cũng sẽ hành động rứa thôi, ông đừng nghĩ ngợi gì nhiều.
Vậy ra lâu ni ba luôn có thái độ ân cần, quan tâm đặc biệt với bác Mạnh làm tôi hiểu ra vấn đề phần nào.
Cuối năm Giáp Dần, đêm ba mươi tôi và Linh đi chơi đón Giao thừa. Hai đứa đạp xe đi loanh quanh trong thành phố. Đêm Trừ tịch, đêm chuyển giao của đất trời mang đến sự sống sinh sôi, mang ánh sáng chan hòa cho muôn loài. Tiết trời đêm nay thật lạ: lạnh đến tê buốt, trong cái giá buốt ấy có một luồng hơi từ đâu đó len lỏi vào người, nó làm cho ta hăm hở hơn, sôi động và máu nóng như hừng hực trong huyết quản. Tôi quay sang hỏi Linh:
- Em lạnh không?
- Dạ lạnh, nhưng rất dễ chịu.
- Anh cũng rứa, rất dễ chịu.
- Anh có muốn cùng em đi suốt đêm nay?
- Không những suốt đêm nay, anh sẽ đi cùng em suốt cuộc đời này.
- Không nói chơi đâu nhé. Đêm Trừ tịch linh lắm, đất trời chứng kiến lời chúng ta nói đấy!
Phố xá rất vắng, nguyên đoạn từ cửa Đông Ba nhìn suốt Mai Thúc Loan dài sâu hun hút chẳng thấy bóng dáng người đi đường. Tuy đường vắng người, tuy lạnh của cái lạnh cuối Đông nhưng nhà nào bọn tôi đi qua cũng sáng trưng bàn thờ gia tiên giữa nhà, tiếng cười nói râm ran, mùi trầm hương thoang thoảng. Đến cuối đường giáp tường thành Đại nội hai đứa dựng xe cạnh gốc phượng, tôi quay sang em:
- Trong thời khắc thiêng liêng này, em ao ước điều chi?
- Em muốn anh luôn bên em và...
- Chỉ một điều thôi nhỏ ạ.
- Vậy em nói nì: Chúng ta là của nhau trong đời này!
- Vâng, chúng ta là của nhau. Mãi mãi.
Trong khoảnh khắc đất trời giao hòa, tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ giòn giã khắp nơi. Ánh đèn đường vàng ấm dường như sáng hơn, vài chiếc lá đây đó rời cành chao nghiêng trong giá rét cuối đông. Trên bầu trời đêm chợt lóe lên ánh sao rơi trong thinh không thăm thẳm, em nhìn tôi lo lắng:
- Anh nhìn kìa, một ngôi sao vừa rơi, sao em sợ...
Để em bớt lo lắng, bớt suy nghĩ vẩn vơ tôi cúi xuống nhặt chiếc lá vừa rơi bên cạnh lên đưa cho em, hát khe khẽ: «... Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em... »
Qua tết Ất Mão hơn tháng Linh ghé nhà. Do Chúa nhật nên tôi rủ em ra hồ Tịnh Tâm chơi. Ngồi quán cafe trên đường Đinh Bộ Lĩnh cạnh hồ. Trông em dạo ni có vẻ gầy, hơi xanh. Thương em thân gái phải đi dạy trường xa nhà, tôi nói:
- Em đi, về hằng ngày trên mười lăm cây số rứa thật khổ cho em.
- Dạ cũng quen rồi anh. Tháng sau em mua xe Hon Da nữ để đi dạy. À, ba ngày nữa cả nhà em vô thăm dì Hai đau nằm Nhà thương Đà Nẵng. Em xin nghỉ phép một tuần, nếu được anh sắp xếp đi cùng em nha.
- Ba mấy hôm ni vết thương cũ tái phát nên không được khỏe, anh định mai đưa ba qua Nhà thương. Công việc xong chừng bốn ngày sau anh vào với em thăm dì rồi ra luôn.
- Dạ, rứa tốt rồi. Ba đau nhiều không anh? lúc nữa em qua thăm ba.
- Cám ơn em. Linh này!
- Dạ!
- Cho anh mượn bàn tay của em.
Em chìa bàn tay trắng nõn thuôn dài nhìn tôi, tò mò ra vẻ nghịch ngợm:
- Đừng nói là bỏ sâu vào tay nha, em chết ngất đấy!
Cầm lấy bàn tay mềm mại của em mà sao hồi hộp đến lạ thường. Bàn tay ấy đã thật quen trong tôi nhưng giờ hành động này lại trở nên quá nghiêm trọng. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt đang mở to của em, tôi nói:
- Em nhắm mắt lại.
Tôi thận trọng lấy từ trong túi áo món quà đặt vào, giọng hơi run:
- Đây là vật mà anh thật sự suy nghĩ nhiều lần và muốn trao cho em.
Em mở mắt nhìn, em nhìn mà như muốn thu cả hình hài tôi vào trong đôi mắt đẹp và hơi buồn ấy. Và từ trong đôi mắt lung linh hai giọt nước to dần, lăn nhẹ xuống má như hai hạt ngọc soi bóng hình tôi trong đó:
- Anh trao em chiếc nhẫn hứa hôn có nghĩa rằng bắt đầu từ hôm nay, và suốt cuộc đời này chúng ta là của nhau, em có đồng ý cùng anh nghĩ vậy không?
Miệng nhoẻn cười mà mắt em nhòa lệ. Giọt nước mắt hạnh phúc của em đã dành trọn vẹn cho tôi. Em xúc động nói:
- Dạ, em đồng ý.
Cám ơn em, cám ơn những tháng năm lẽo đẽo theo nhau, cám ơn những ngập ngừng, khờ khạo những thương nhớ, giận hờn. Tất cả để có được ngày hôm nay, để có được hạnh phúc này. Cảm xúc lâng lâng, tôi sẽ đưa em về thăm ba để ba mẹ thấy đứa con dâu tương lai của mình.
Mặc dù đã qua tháng hai Âm lịch bốn ngày nhưng thời tiết luôn bất thường. Do cái lạnh mùa đông còn rớt lại hay rét nàng Bân báo hiệu đến sớm mà bầu trời mây xám giăng giăng. Trên mặt hồ Tịnh Tâm li ti bong bóng mưa phủ khắp, em nép sát vào tôi như muốn cùng truyền hơi ấm cho nhau. Ngoài kia, đôi chim sẻ con con chuyền từ cành long não vào đầu hồi nhà bên cạnh đứng rỉa lông, em chỉ tôi xem, nói:
- Anh nhìn kìa, đôi chim thật dễ thương.
- Chúng đang yêu em ạ.
- Sao anh biết?
- Anh biết, vì đôi chim đang âu yếm nép vào nhau đấy.
- Thật không?
- Thật mà, anh vừa nghe chú chim trống nói với chim mái: “Em nhìn xuống mà xem, dưới kia cũng có hai người đang yêu nhau đấy!”
Tôi đưa ba qua nhà thương Lớn điều trị. Bác sĩ bảo vết thương cũ nhiễm trùng bởi mảnh đạn còn trong đó, sức khỏe ba khá yếu nên vài ngày sau mới mổ. Sáng ni em đi Đà Nẵng nên tôi qua thăm ba sớm rồi chạy về lại bến xe Nguyễn Hoàng để tiễn em vào thăm dì Hai. Do giúp ba một số việc buổi sáng khi mẹ chưa đến, nên lúc quay lại bến thì xe bắt đầu khởi hành. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy em nhoài người ra cửa sổ đưa tay vẫy vẫy. Tôi chạy theo tạm biệt, hét to: “Chúa nhật anh vào”.
Không thể ngờ được rằng lần chia tay này, cái vẫy tay tạm biệt này lại là cái vẫy tay cuối cùng, để rồi tôi mất em vĩnh viễn. Khuôn mặt em nhoài ra cửa xe nhìn tôi là hình ảnh duy nhất, để rồi suốt cuộc đời này chẳng bao giờ còn thấy em nữa.
Trước tết Âm lịch, trên Tây nguyên đã râm ran đánh nhau, đặc biệt là ở Ban Mê Thuộc nhưng tôi nghĩ chắc cũng như Quảng Trị mấy năm trước nên chủ quan không để ý
Sáng ni Bác sĩ mổ lấy mảnh đạn trong đùi ba, định Chúa nhật nhờ nhỏ Duyên phụ với mẹ chăm sóc ba. Tôi vào Đà Nẵng cùng em, sáng hôm sau hai đứa ra lại Huế. Nhưng Sài Gòn đã bỏ Tây Nguyên rồi. Giờ lại nghe bỏ luôn Huế, mọi người lần lượt vào Đà Nẵng. Lúc đầu người dân di chuyển bằng đường bộ, sau lũ lượt kéo nhau xuống Thuận An đi tàu thủy, có cả lính. Ba vừa mới mổ nên cả nhà không thể đi đâu được.
Những người quyết định ở lại Huế tuy vẫn bình thản nhưng cũng không dấu nổi sự lo lắng. Số đi thì di chuyển bằng tất cả phương tiện sẵn có. Dự định chúa nhật vào Đà Nẵng nhưng không thành, lòng tôi nóng như lửa đốt khi nghe tình hình ở Đà Nẵng cũng chẳng khác gì Huế. Người dân, lính tráng ùn ùn xuống bến cảng hoặc qua sân bay để vào Sài Gòn. Gia đình em thế nào? Ở lại Đà Nẵng chờ đợi mọi sự bình yên rồi trở ra Huế hay đi tiếp?
Bác Mạnh sai nhỏ Duyên cùng qua giúp mẹ và tôi thay phiên nhau chăm sóc cho ba. Mấy ngày sau vết thương đã lành, ba xuất viện về nhà. Tình hình chiến sự  chuyển biến từng ngày. Huế Giải phóng xong mấy ngày sau Giải phóng Đà Nẵng. Nếu nhà em không đi thì lâu lắm chừng vài ngày ra lại đây thôi. Tôi hy vọng rứa nên thỉnh thoảng đạp xe chạy lên Tây Lộc xem em về chưa. Một tuần trôi qua. Rồi hai, ba tuần em vẫn bặt vô âm tín. Hy vọng gia đình em còn ở Đà Nẵng rồi ra lại Huế cứ mong manh  dần trong tôi. Khi để mất niềm tin là điều khủng khiếp nhất, nó dẫn đến sự tuyệt vọng. Tôi đã cố tìm trong đó, tìm trong niềm tuyệt vọng một chút gì dù chỉ le lói, dù chỉ chập chờn như bọt biển ngoài khơi xa, để cố bám lấy nó, bám lấy mà tin rằng chúng ta sẽ còn cơ hội gặp lại nhau.
Cuộc sống của người dân đã dần trở lại ổn định. Những thông tin trên đài đến hai mươi tháng tư, quân Cách mạng đang đánh mạnh ở Xuân Lộc, khép chặt ngoại vi Sài Gòn. Người dân nháo nhào như ong vỡ tổ. Người ở lại kẻ xuống tàu ra biển, em đang ở đâu trong số người đó hả Linh? Em còn hay đã... Tôi nhắm mắt lại, cố gạt những hình ảnh u buồn, những suy nghĩ tang thương trong đầu, đi bộ ra đường.
Nắng tháng tư dù mới hơn tám giờ rưỡi mà cái nắng bắt đầu hừng hực làm bừng nở những chùm phượng vĩ trên đường. Chưa vào hè mà trường lớp vắng hoe. Con đường Phượng bay ngày nào đầy quyến rũ, lãng mạn. Những cô gái e ấp, ngại ngùng bên chàng trai dưới vành nón mỏng không còn rung động trong tôi. Lá phượng rơi, cánh phượng bay la đà trong gió giờ nhìn mà cứ thấy dững dưng, không cảm xúc. Tôi thấy thiếu vắng em, mọi cái đều trở nên vô nghĩa. Đi tới gần cửa Hiển Nhơn gặp nhỏ Duyên dắt xe từ bên Hàn Thuyên quẹo qua, phía sau ba-ga đèo một bao gì khá to. Tôi qua đường gọi Duyên:
- Sao em không cưỡi lại dắt rứa?
Nhỏ dừng lại quay nhìn tôi, mặt mày đỏ ửng, mồ hôi lấm tấm trên trán, em cười nói:
- Dạ em đi mua gạo, tại không có dây cột nên sợ rơi.
- Em đi mua gạo sao lại không đem dây theo cột?
- Có chứ, nhưng em cho dì nớ mượn...
-...?
- Tại dì lớn tuổi, ở tận trong hẻm Lê Văn Duyệt mà lại mua nhiều gạo. Trời nắng như ri để dì dắt bộ tội nên em cho mượn, hi hi.
- À, ra thế!
Tấm lòng nhỏ thật tốt. Tôi đến bên giữ lấy ghi-đông  xe:
 - Đưa anh dắt về cho, mồ hôi ướt đẫm kìa.
- Lại làm phiền anh rồi.
- Có chi mô em. Lần sau bên nhà có việc nặng qua nói anh làm cho.
- Dạ, em đọc báo thấy tình hình ni chắc vài ngày nữa Giải phóng Sài Gòn luôn rồi anh. Lúc nớ em tin chị Linh sẽ về.
- Em tin chị Linh về sao?
-Dạ tin chứ, chị về anh sẽ vui. Mà em luôn muốn anh vui!
Thật sự cảm động về những gì em nghĩ tốt về tôi, em mong muốn những điều tốt đẹp đến với tôi. Cám ơn em gái mà tôi vô cùng yêu quý.
Vậy là Sài Gòn đã được giải phóng. Mọi người không còn lo lắng về chiến tranh, về bom rơi đạn lạc, về tang thương, ly tán nữa. Riêng tôi bắt đầu những ngày trông ngóng, chờ mong. Nghe nói Quốc lộ một đường hư cầu sập rất nhiều nên đi lại chưa được thông suốt. Biết vậy nhưng ngày này qua tháng nọ tin tức về Linh cứ biền biệt, mịt mù.
Nhỏ Duyên trở lại giảng đường, tôi tạm nghỉ học chưa biết phải làm gì, đành đem xe đạp ra chạy thồ. Quay qua ngoảnh lại đến cuối năm, hết hè, sang thu. Khoảng thời gian không ngắn cũng chưa đủ dài để nói lên điều gì đó cho đời người, nhưng từ buổi chia tay với em đến hôm nay quả thật đã là quá dài, quá lâu để mong đợi ngày trở lại. Em đi rồi, đã xa tôi rồi! Ngôi nhà em người khác đến ở. Hết những buổi hẹn hò, hết những lần hai đứa ngồi trước hàng hiên ôn kỷ niệm xưa. Nhìn ngôi nhà thấy gần gủi mà lại quá xa xôi. Mới đó, trong tầm tay giờ đã trôi nhanh vào ký ức sao Linh?
Quanh năm suốt tháng đạp xe khắp phố phường chở khách làm kế sinh nhai, tôi gặp lại thằng Dũng còi (đứa bạn ngày còn học trong Quảng nó đồn tôi “hun” tờ giấy chép thơ của Linh). Dũng đưa em gái ra Huế học bên Sư phạm. Gặp lại bạn xưa, chở hai anh em đến chỗ trọ rồi kéo nhau vào cafe cóc bên đường trò chuyện. Qua năm “bảy lăm” Dũng nhờ gia đình có công Cách mạng nên thi xong Tú tài nó đi làm bên Nông nghiệp tỉnh. Dũng nhìn tôi hỏi:
- Răng mi không học nữa lại chạy xe đạp thồ rứa?
- Do gia đình tao khó khăn, ba lại mất khả năng lao động...
- Khổ hè, khi nào ổn nên đi học lại hoặc học nghề gì đó chứ chạy như ri không có tương lai mô.
- Ừ, tao cũng nghĩ rứa.
- À, Linh về lại chưa, chừ nó làm chi?
- Răng mi biết Linh đi?
- Tao gặp Linh trong Đà Nẵng hồi chưa Giải phóng kìa.
Nghe Dũng nói Gặp Linh, tôi chồm tới chụp lấy tay nó như vừa tìm được manh mối quan trọng liên quan đến em, tôi hỏi không kịp thở:
- Mi gặp Linh rồi thế nào? Linh có nói gì với mi không?
- Hỏi từ từ thôi. Ông yêu con nhỏ dữ rứa, hai người sắp cưới chưa? Hay lại chia tay rồi.
Chương 13
Tôi kể vắn tắt từ lúc Linh vào Đà Nẵng thăm bà dì nằm Nhà thương, rồi kẹt lại không ra được và mất tin tức từ đó. Dũng nói:
- Tao gặp Linh với ông bà già nó ở dưới Bạch Đằng cùng đoàn người xuống tàu vào Sài Gòn. Tao nói với ông già nó vào đó chi mệt, vài bữa nữa giải phóng tuốt luốt hết.
- Linh có nói chi với mi không?
- Nó không nói chi. À có! Nó nói: Muốn chờ ra lại Huế mà ba sợ Cách mạng nên phải vào Sài Gòn. thấy mắt nó sưng húp chắc là khóc dữ. Chừ mà chưa về thì một là theo đoàn người xuống tàu di tản rồi, còn hai là...
- Hai là chi?
- Mi ngu rứa, hai là... Là ngỏm rồi!
Tôi rất giận khi nghe Dũng nói, nhưng điều đó không phải không xảy ra. Vậy là từ nay, nếu còn nhớ nhau chỉ là trong mộng tưởng, không biết đến bao giờ tôi mới thôi nghĩ và nhớ em.
Cuộc sống cứ trôi đi từng ngày, chẳng ai có thể níu kéo được gì của hôm qua. Những gì đến rồi sẽ đi, đi dần về quá khứ để chìm sâu trong ký ức. Đôi khi niềm thương nhớ, nỗi xót xa trỗi dậy làm nhói đau đến tê buốt người. Nhưng rồi thời gian đã xoa dịu đi vết thương, năm tháng đã lọc bỏ những muộn phiền trong lòng. Giờ ngồi hồi tưởng lại ngày xưa, những hình ảnh ngày ấy nó không còn đớn đau ray rứt, mà trở nên thật đẹp, lung linh trong nỗi nhớ mênh mông. Tôi nâng niu, trân quý. Một câu thơ của ai đó:
«... Không nhau suốt cuộc đời, suốt cuộc đời ta vẫn riêng một nửa. Suốt cuộc đời ta, một nửa cho riêng mình... »
Mới ngày nào mà đã qua năm năm, thời gian như thoi đưa. Nhỏ Duyên ra trường, giờ làm cô nhân viên bên phòng VHTT Huế. Tôi thì vẫn anh xe thồ miệt mài sớm tối với chiếc xe đạp. Thỉnh thoảng đăng vài truyện ngắn, dăm bài thơ lên tạp chí địa phương, lấy tiền nhuận bút mời em bữa ăn trong quán, ly cafe vào những ngày Chúa nhật. Hai anh em giờ đã trưởng thành. Cuộc sống, công việc tuy mỗi người mỗi khác nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn gần gũi, khắng khít như xưa. Đôi khi ngày nghỉ, hai anh em gặp nhau nói chuyện linh tinh về tương lai, về những kỷ niệm, về cuộc sống hôm nay. Có lần em nói:
- Thời gian sau này trông anh vui hơn, hoạt bát, gần gũi hơn nên em thấy mừng. Trước kia nhìn anh buồn em đau lòng lắm!
- Cám ơn em, lâu rồi mọi chuyện cũng đã qua. Không ai cứ mãi chìm đau với quá khứ.
- Anh!
- Chi em?
- Bên cơ quan em cần tuyển người, em thấy anh rất phù hợp. Nộp đơn anh hi.
- Ừ, để anh xem, chắc cũng phải vậy thôi.
Nghe nói rứa em mừng như chuyện vui của chính mình, em chụp lấy tay tôi lay mạnh, nói như reo:
- Cố gắng anh hi. Hôm ni Chúa nhật tụi mình cafe đi, em mời.
Nói xong Duyên định về lấy xe, tôi cản lại:
- Tụi mình đi một chiếc thôi, anh chở em.
- Dạ!
- Sao em không mặc thêm áo, trời gió nhiều lạnh lắm đấy!
- Anh ngồi trước che cho em rồi, sợ chi.
Tôi chở em qua bên Mai Thúc Loan, trời lạnh hai bàn tay tê cóng, lo em lạnh không chịu nổi tôi quay lui hỏi:
- Sắp đông thành đá chưa cô bé?
- Anh yên tâm. Hơi ấm từ anh tỏa ra như lò sưởi ý.
Dọc theo bờ thành Đại nội phía bên đường Đoàn Thị Điểm, người ta chia ra từng ô nhỏ cấp cho các hộ gần đó. Nhà tôi, nhà bác Mạnh mỗi gia đình được một ô để trồng rau. Khoảng đầu tháng chạp, mới tờ mờ sáng trời lạnh thở ra khói, thấy nhỏ Duyên vác cuốc đi ngang qua ngõ, tôi hỏi:
- Em đi mô sớm rứa Duyên?
- Em tranh thủ dọn đất để mẹ ra cấy cải.
- Chờ anh đi với.
Tôi và Duyên vác cuốc như nông dân ra đồng. Cuộc sống ngày mỗi khó khăn, hai bà mẹ bương chải, lặn lội cả ngày ngoài chợ mà cũng thiếu trên hụt dưới. Nghề xe thồ ngồi chờ khách đỏ mắt, công việc em làm tháng ba mươi ngày ăn không đủ no, mặc không đủ ấm.
Miếng đất chừng vài chục mét vuông cứ cuốc lên trồng xuống dù gì cũng được món rau xanh, dùng còn thừa đem ra chợ. Trời lạnh như cắt da mà mồ hôi em tươm ướt trán. Tôi bảo em:
- Em về chuẩn bị đi làm, chỗ đất nớ để anh cuốc vài lát là xong.
- Dạ cám ơn anh, giúp em với hi, trưa về em qua cấy cải nha.
Nói xong em tháo khăn cổ bước sang bên quấn vào cổ tôi, em cười:
- Anh choàng thêm cho ấm, em về.
Tôi chưa kịp cám ơn em đã đi nhanh ra đường. Hơi ấm trong khăn của em quyện thêm mùi hương da thịt cứ thoang thoảng làm hồn tôi thêm xao xuyến. Chạnh lòng thoáng nhớ về Linh. Bóng hình em một thời choáng ngợp trong tôi giờ trở thành kỷ niệm. Tôi không quên được em, cả đời này em luôn ở trong tôi. Chúng ta đã không đến được với nhau, âu đó là duyên số: “Suốt cuộc đời ta một nửa cho riêng mình”. Vâng! Em đã đi xa, nhưng là những gì đẹp nhất trong đời tôi, Linh ạ!
Tôi sang xới miếng đất bên Duyên, còn ít nên cuốc cũng nhanh. Nhìn sát tường rào có bụi cây nhỏ lùm bùm, tôi đào quăng bỏ để em trồng rau không bị rập. Nhát cuốc phập sâu vào gốc để nhổ lên, chợt bụi đất bay tứ tán, một tiếng nổ chát chúa và rồi tôi ngất đi.
Cái lạnh của những ngày đầu tháng Chạp nó buốt đến tận xương, may mà trời không mưa nhưng gió Bấc từng cơn khiến ai muốn ra đường cũng e ngại. Tiếng nổ chát chúa bên bờ thành Đại nội bị gió kéo loãng nên ít người nghe thấy. Đến khi có người phát hiện thì người bị nạn đã bất tỉnh. Lúc này những nhà gần đó chạy ra, nhà tôi, nhà bác Mạnh biết tin đến thì tôi chỉ còn thoi thóp thở. Mọi người cùng đưa vào bệnh viện.
Vết mảnh của trái M79 cắt qua đầu gối, đất cát phủ lên vết thương gây nhiễm trùng và mất quá nhiều máu. Bệnh viện lại không còn nhóm máu phù hợp để truyền, tính mạng đã cực kỳ nguy kịch. Những người thân đều được thử máu và người có nhóm máu tôi cần lại là Duyên.
Lúc tỉnh lại, cái cảm giác thật mênh mông, nó chơi vơi không rõ mình là ai, từ đâu mình tới. Cứ rơi dần rơi dần với tâm trạng gần như vô thức. Khi mơ hồ chạm cái gì đó, có nghĩa ngừng rơi tôi chập chờn mở mắt, người nhẹ tênh, một màu trắng bao quanh. Có lẽ lâu lắm tôi mới dần dần nhớ lại, bắt đầu nhớ từ lúc vác cuốc cùng Duyên, rồi em quấn khăn cổ cho tôi trước khi về, rồi tiếng nổ... Tôi tỉnh lại.
Một cái đầu ai đó gục trên ngực tôi. Mái tóc xòa ôm ngang người. Tôi hơi bàng hoàng cố trấn tỉnh lại, chiếc khăn em quấn quanh cổ tôi mang hơi ấm và hương tóc đang gục đầu vào tôi đây ư? Lòng dâng trào cảm xúc tôi choàng nhẹ tay qua mái tóc em.
Linh xa tôi từ dạo đó, nhớ thương đã đi vào dĩ vãng. Tôi biết một thời yêu em đến mê say, đắm đuối nhưng rồi tôi cũng hiểu chẳng ai yêu và sống với quá khứ. Em là một nửa hồn tôi đi vào ký ức. Phần còn lại tôi trao cho Duyên, tôi xin trao cho Duyên. Lòng muốn thế nhưng nào đủ tự tin nói với em. Thật lòng tôi không thể ngỏ lời cùng em. Còn em thì sao Duyên? Tôi biết em yêu tôi, lâu rồi. Nhưng cả hai đều im lặng! Giờ em đang ngồi bên giường bệnh, gục đầu vào tôi, tôi choàng nhẹ tay qua mái tóc em để thầm nói rằng: Duyên ơi! Tôi yêu em, đừng xa nhau nữa nha Duyên.  Đang mơ màng nghĩ ngợi thì em cựa mình tỉnh giấc, có lẽ em ngồi bên tôi lâu lắm nên gục xuống ngủ thiếp mà không hay. Em thức dậy thấy tôi vẫn nằm yên, tưởng tôi chưa tỉnh em nói mà như nói với chính mình:
“Anh nằm mê mang mấy ngày ni rồi, đừng làm em sợ nghe Chương! Đừng bỏ em đi, em không thể mất anh.”
Dường như Duyên khóc khi một mình tâm sự:
“Anh biết em đã đau lòng thế nào khi đi cùng chị (Lê Xinh) đến gặp anh tại Tỳ Bà Trang. Hóa ra là Linh, người yêu của anh. Em biết vị trí của em và Linh trong tim anh nên đã đày đọa mình suốt một năm để xóa bóng hình anh ra khỏi em. Em đã làm việc bên nhà bà o như một người điên, như một người tù khổ sai để quên anh nhưng vô vọng. Từng việc làm dù nhỏ dù to, dù gì thì anh vẫn xuất hiện. Với ngần ấy thời gian đã không thắng được mình nên em đành chấp nhận yêu anh, một mình yêu anh. Người ta gọi đó là mối tình đơn phương, không sao cả. Đời này chọn được người để yêu, xứng đáng để mình yêu đã là hạnh phúc. Bởi lẽ đó nên em bình tâm trở lại, em không còn khó chịu với Linh. Rồi chiến tranh, hai người xa nhau em đã thắt ruột nát lòng khi thấy anh đau khổ, nhớ nhung. Năm năm đằng đẳng, năm năm lầm lũi bên cạnh để động viên, an ủi anh. Nhiều lúc muốn thố lộ lòng mình nhưng sao khó quá!”
Tâm trạng của em cứ nhẹ nhàng đi vào lòng tôi như một giấc mơ. Giọt nước mắt ngập ngừng lăn xuống, tôi khẽ cựa mình nhưng vẫn mhắm mắt. Em ngẩng đầu nhìn ngỡ tôi tỉnh lại, giọt nước mắt còn long lanh nơi khóe, em lấy khăn chặm, buồn rầu nói:
“Anh buồn đau gì mà khóc trong mơ?”
 Tôi từ từ mở mắt nhìn em, thay vì vui thì em lại khóc. Hai mắt sưng thế kia chắc là khóc nhiều lắm. Tôi an ủi em:
- Anh khỏe lại rồi nè, em phải vui lên chứ.
- Dạ! Em mừng quá nên khóc.
- Duyên!
- Dạ!
Tôi cố ngồi dậy nhưng không được, em đưa tay giữ không để tôi cử động mạnh.
- Anh định nói chi với em?
- Anh nằm mê man vậy bao lâu rồi em?
- Dạ hai ngày anh ạ.
- Mắt em sưng thế kia, em khóc vì anh ư em?
- Dạ...!
Tôi muốn nói điều đã ấp ủ bấy lâu nay nhưng sao khó quá. Lần đưa tay tìm tay em, em nhẹ nhàng đặt vào tay tôi bàn tay mềm mại, ấm áp như muốn truyền cho tôi tất cả những gì em có. Tôi bóp nhẹ:
Duyên ơi!
- Dạ!
- Anh muốn nói...
- Anh để em nói, em muốn nói với anh điều này!
- Em nói đi.
- Em... Yêu anh!
Tôi cứ lần lữa mãi để nói với em điều này. Tôi cứ chờ cơ hội để nói với em rằng: “Tôi yêu em”. Giờ cơ hội đến rồi, em đã bộc lộ lòng mình thay tôi. Em đã chịu nhiều đắng cay vì tôi, máu của em đã chảy vào tim tôi, đã hòa vào tôi. Còn sức mạnh nào giờ đây có thể cắt chia được tình yêu chúng ta dành cho nhau?
Cuộc đời này dài không dài, ngắn không ngắn, tìm được người yêu mình đã khó, nhưng tìm được người vì mình mà hy sinh là rất khó. Tôi không khi nào để em vuột khỏi tôi nữa. Hạnh phúc dâng trào trong lòng, tôi muốn ôm em thật chặt, hét thật to cho thỏa niềm vui trong tôi.
Cố co chân lại định ngồi dậy nhưng không được, em đưa tay giữ không để tôi cử động mạnh. Thấy đau nhói ở chân phải, tôi đưa mắt nhìn xuống dưới chân, tấm mền mỏng phủ trên người phía bên chân phải bị xẹp xuống sát nệm giường. Sao lại thế này? Chân tôi đâu? Tôi bàng hoàng, chết điếng không tin vào mắt mình, cố nhích chân lại lần nữa, cơn đau đến xé thịt. Tôi rơi vào tuyệt vọng tột cùng. Cụt chân rồi! Tàn phế rồi sao Chương ơi! Niềm vui mới đến chưa kịp mừng, tôi chưa bù đắp được gì cho em, tôi đã không mang hạnh phúc đến với em, mà chỉ đem tới sự chới với, hụt hẫng, tan nát trái tim em. Trái tim đã hòa nhịp mang từng giọt máu truyền vào tôi, kéo lại sự sống cho tôi và kéo tôi về cùng em. Gắn kết ấy như một định số, như một an bài có hậu mà giờ tạo chi khắt nghiệt, trái ngang tôi biết phải làm sao đây, phải nói gì đây khi em vừa mở lòng, khi em...
Tôi đau đớn nhắm mắt lại, em cúi xuống hôn lên đôi môi khô ráp như muốn chia sẻ cơn đau cùng tôi. Nhưng em có biết đâu, nỗi đau của vết thương có là gì so với nỗi đau trong lòng anh lúc này. Nụ hôn đầu tiên em trao cho anh, mái tóc lòa xòa phủ kín mặt anh, mùi hương tóc ngất ngây, tất cả như mũi dao cứa vào tim, đâm vào da thịt thật sự anh không chịu đựng được. Nhưng thà chấp nhận một lần đau, đau từ hai phía, em và tôi. Em đau? Vết thương theo thời gian rồi sẽ lành, cuộc sống sẽ mang đến cho em niềm vui mới, tương lai của em rồi sẽ tốt đẹp hơn. Còn tôi? Tôi không có quyền làm em khổ. Em khổ chính là nỗi đau cả đời này của tôi. Định tâm lại, tôi gọi:
- Duyên ơi!
- Dạ!
- Anh yêu em, anh yêu hơn cả bản thân anh. Em biết đó là tình gì không? Đó là tình anh em, tình ruột thịt.
- Em biết trong lòng anh không phải rứa, anh nói dối, anh dối lòng mình phải không?
- Không! Anh không dối em, anh yêu thương em như em gái anh. Hãy tin điều đó!
Em thẩn thờ ngồi xuống ghế cạnh giường, tôi nhìn em mà chết lặng mà quặn thắt ruột gan. Tha lỗi cho anh nghe Duyên!
Ngày tôi ra viện với đôi nạng trên tay, ba mẹ, hai bác Mạnh và em đến đón. Người nào đôi mắt cũng đượm buồn tuy miệng vẫn hỏi han cười nói. Em choàng tay qua lưng dìu tôi ra cổng, trời cuối năm gió lạnh nhiều, chiếc ống quần trống trơn đưa qua đưa lại theo bước đi, tôi cúi nhìn buồn đến rơi nước mắt. Em đi bên tôi, gần trong vòng tay mà cách ngăn đầy cay nghiệt. Hai tâm hồn hòa quyện, quấn quýt nhau mà thân thể này lại rẽ chia đôi ngã. Tôi biết em không tin những điều tôi nói, nhưng biết làm sao được khi cuộc sống này, một người hoàn chỉnh đã chật vật mưu sinh, thân thể khiếm khuyết làm sao bương chải. Tạo gánh nặng cho em tôi không thể, không được quyền làm.
Ngày nào cũng vậy, dù mùa đông rét mướt hay sang hè nắng đốt rát da tôi đều dậy thật sớm tập đi. Lắp được chiếc chân giả tôi bỏ luôn nạng gỗ, chỉ dùng gậy chống hờ. Những ngày nghỉ, Duyên qua nhà trò chuyện để tôi bớt buồn. Không ai bảo ai, cả hai cố giữ một khoảng cách nhất định tuy trong lòng mỗi người đều thương cảm cho nhau.
Mấy hôm ni trời chuyển sang thu, cái nóng dịu lại nhường cho những cơn gió giao mùa se lạnh. Em sang cầm theo tờ tạp chí đưa cho tôi xem, em nói:
- Số ni mới ra có truyện ngắn anh và một bài thơ của em nì.
- Anh cũng vừa nhận cuốn tạp chí biếu mà chưa đọc. Chúc mừng em hi.
- Truyện anh viết hay lắm, chúc mừng anh!
Tôi đứng lên đến kệ sách lấy cuốn tạp chí đưa em, tôi cười nói:
- Em giữ cuốn ni, đưa cho anh cuốn của em.
- Dạ!
- Em là cô gái lạc quan và mạnh mẽ, anh muốn lấy hên ấy mà. À, anh đang dần bỏ gậy để quen rồi sẽ tập đi xe. Sáng mai anh đi hết đường Phượng bay mà không dùng gậy đấy em gái ạ.
- Dạ, em tin mà... anh trai!
Sáng dậy sớm, tôi quyết tâm tập đi cho bằng được. Mùa hạ đã qua, những bông hoa phượng thi nhau rụng đỏ rực cả mặt đường, nhường cho thu sang nhuộm vàng sắc lá. Tôi đã quen rồi những buồn thương, mất mát nên lạc quan dần với nỗi đau. Bước chân dẫu còn ngập ngừng, khập khiễng nhưng cũng từng bước vững vàng. Khi trở về ngang qua Mai Thúc Loan, từ nhà ai đó tiếng hát vang ra:
“… Thuở ấy em vừa thôi kẹp tóc
Thuở ấy anh vừa thôi học xong
Yêu anh yêu anh em làm thơ... 
Ngày nào mẹ dạy câu ca
Đôi ta ru nhau trong gió
Ngày này đọc lại câu thơ
Mưa rơi mưa rơi trên má
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”
Tôi đứng lại, Bài nhạc của Phạm Duy cứ nhói vào trong tim, cứ khơi gợi nỗi đau dồn nén mà tôi đã muốn chôn sâu vào tiềm thức. Sự xúc động khiến bước chân không vững, tôi lảo đảo tựa vào gốc cây phượng bên đường. Hoa cuối mùa rụng đỏ ối dưới chân. Bài hát văng vẳng đọng lại bên tai:
“...  Ngày này đọc lại câu thơ
Mưa rơi mưa rơi trên má
Tóc mai sợi vắn sợi dài
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...