Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2024

Mối tình bên dòng sông

Mối tình bên dòng sông

Tôi bối rối chưa biết để ba-lô và túi xách vào đâu. Đón xe khách dọc đường như thế này luôn phải chịu cảnh chen lấn và đôi khi còn bị…đứng một chân suốt tuyến. Hôm nay không quá gian nan đến thế nhưng để có được ghế ngồi là điều không tưởng. Tôi đặt túi xách xuống chân, vén mái tóc định cột lại cho gọn thì bỗng cả người như lao về phía trước. Tôi ngã ập vào lưng một anh chàng – xe dừng lại cho khách lên, trời ạ!
- Cháu cứ ngồi tạm vào ghế này đi!
Gương mặt ngượng đỏ vì…bị ngã, tôi lí nhí cám ơn. Người khách sắp xuống nhường ghế là một bác trung niên. Thật không có gì hạnh phúc bằng đi xe mà được…ngồi ghế! Đúng thế! Nhìn cái cảnh ngã qua nghiêng lại, chồm tới giật lui suốt đoạn đường dài, sao trước đây tôi lại chịu nổi nhỉ? Nghĩ tới đó, tôi thầm cám ơn người khách xuống dọc đường. Hỏi một câu để tỏ lòng tri ân bác ấy:
- Bác ơi! Bácl xuống đoạn nào ạ?
- Bác đi Phú Bổn!
- Ơ!... Thế sao bác lại nhường ghế cho cháu?
- Cháu là phụ nữ và có thể cháu đi ngắn hơn bác…
- Cháu cũng về Phú Bổn!
Tôi và bác Nhân (tên của bác ấy) quen nhau thật tự nhiên. Tự nhiên như vùng đất tôi được sinh ra và lớn lên, tự nhiên, thân tình như người dân quê tôi.
Những hàng cao su thẳng tắp chạy giật lùi bên ngoài cửa xe, bác Nhân chợt nhìn tôi:
- Hồng này! Con gái bác cũng tên Hồng!
- Vui ghê! Chị ấy chắc xinh lắm bác nhỉ?
Đôi mắt bác Nhân như nhìn về một cõi nào xa xăm:
- Đẹp như thung lũng Hồng quê mình!
- Ôi! Mẹ đặt tên cháu cũng vì…kỉ niệm về thung Hồng đấy!
Trời chiều dần, nắng vàng nhẹ trải rộng các triền xa, xanh mướt những đồi cà phê. Cái nắng cao nguyên vàng và trong veo không thể lẫn vào đâu được. Xe tới Pleiku rẽ sang đường mười bốn đi Buôn Ma Thuộc, Bác Nhân nhoài người ra cửa xe. “Gần bốn mươi năm rồi Phú Bổn ơi!” Tôi chưa bao giờ xa quê quá lâu. Cùng lắm là vài tháng, được dịp nghỉ học lại chạy về thăm nhà, vậy mà vẫn nhớ mẹ, nhớ quê. Bác Nhân đã bốn mươi năm đăng đẵng xứ người, nên tâm trạng bác luôn dâng trào cảm xúc. Bác đưa tay chỉ về phía xa xa, xúc động:
- Hồng này, cháu có thấy gì không?
Tôi đưa mắt theo hướng tay bác chỉ nhưng chẳng thấy gì đặc biệt ngoài những đồi cà phê ngút ngàn ửng lên nắng chiều vàng rực rỡ, tôi đâm bối rối:
- Dạ…thấy gì ạ?
- Ngọn núi!
- À! Núi Chư-Prông!
- Thật tuyệt vời!
- Cháu thấy…kì kì thì có. Tự nhiên ai cũng có cái mũ trên đầu, còn nó lại…trụi lủi!
- Đó là một câu chuyện bi hùng, cháu ạ!
- Núi mà lại có chuyện bi hùng ư bác?
- Vì tình yêu mà núi Chư-Prông bị chém cụt đầu!
-????
Hai bác cháu say sưa kể chuyện mà xe xuống đèo Chư-Sê lúc nào không hay. Tới Phú Thiện khách lên đông nên câu chuyện tạm gián đoạn. Bác Nhân hứa: “Bác tin rằng thời gian ở Phú Bổn bác cháu ta rồi sẽ gặp lại”.
Quê tôi mọi người hay đùa: “Ở một nơi ai cũng biết nhau!” Có lẽ vì nó nhỏ, mà đúng là nó nhỏ thật. Ngay chiều hôm sau, tôi vừa xách xe chạy nhong nhong ngoài đường là gặp ngay bác Nhân. Bác định xuống bếnh Mộng, thế là tôi và bác cùng đi. Bác bảo: Bác như Từ Thức về trần. Thời gian bốn mươi năm tưởng chừng như mới hôm qua. Kí ức quay về nhanh như mơ. Phố xá có đổi thay, cảnh vật có đổi thay nhưng hồn bác vẫn nhớ như in mới ngày nào còn cắp sách đến trường, mới ngày nào hẹn hò bên quán nước, mới ngày nào… Bác chưa có ý định tìm người quen. Bác thích đi lang thang trên những con đường mà mình đã từng đi để cảm nhận về một thời thơ trẻ.
- Bến Mộng kìa bác
- Cây xoài đâu rồi nhỉ?
- Dạ, bị chặt rồi!
- …!
Hai bác cháu men ra ngoài tảng đá to, bằng phẳng ngồi nghỉ chân. Tôi đưa tay nghịch nước văng tung tóe. Nghịch nước chán tôi lại khép hai bàn tay làm loa đưa lên miệng hú vang rừng đồi.
- Nhìn cháu chơi bác lại nhớ đến bạn của bác ngày xưa, tưởng như vừa hôm qua… Giống quá!
- Người yêu của bác ấy à? Thích nhỉ! Chắc chị… À, bác ấy đẹp lắm!
Khuôn mặt bác Nhân như linh hoạt hẳn. Bác dí dỏm:
- Ừ, đẹp như nàng Ia-Pa.
- Bác lãng mạn ghê! Bác kể về nàng Ia-Pa của bác đi.
- Ia-Pa là một người con gái đẹp – rất đẹp của núi rừng Tây nguyên và là người yêu của thần Chư-Mô. Nhưng thần Chư-Prông dũng mãnh cũng đem lòng yêu mến nàng. Để bảo vệ tình yêu, thần Chư-Mô đã phải quyết đấu một trận sinh tử, long trời lở đất suốt mấy ngày đêm, và kết cuộc thật bi thảm cho thần Chư-Prông.
- Bác ơi! Thế là một nhát gươm cắt ngang đầu ngọn núi – ngang đầu thần Chư-Prông!
- Vâng! Còn thần Chư-Mô tuy thắng trận nhưng trọng thương, thân thể đầm đìa máu tươi, thần trở về bên cạnh nàng Ia-Pa và hóa thành ngọn đồi Mơ sừng sững, thủy chung, ngàn năm soi mình bên dòng nước hiền hòa Ia-Pa - sông Ba giờ đây cháu ạ!
Tôi đưa mắt nhìn về thượng nguồn. Dòng sông lặng lờ như ngừng chảy, hơi nước chiều buông bảng lảng tựa mù sương. Tôi vẫn thấy đồi Mơ chập chờn, in bóng mình hư ảo xuống dòng sông mỗi chiều khi đến ngồi nơi đây cùng mẹ. Nhưng tâm trạng tôi những lúc ấy thật dững dưng. Còn giờ này chợt nghe lòng xao xuyến, bâng khuâng. Tôi mơ màng:
- Ở khúc sông này thỉnh thoảng có hai dòng nước. Bên này đỏ ngầu còn nửa kia trong veo, có liên quan gì câu chuyện nàng Ia-Pa…
- Có đấy cháu ạ! Khoảng cuối tháng mười âm lịch xãy ra hiện tượng này. Máu của chàng Chư-Mô bị trọng thương thỉnh thỏang lại rỉ ra hòa vào lòng nàng Ia-Pa biến thành phù sa bồi đắp những ruộng đồng hai bên bờ sông Ba màu mỡ, trù phú. Xanh ngát những bãi ngô, nương rẫy. Nuôi sống cả đồng bằng phía hạ lưu.
- Bác ơi…!
Bác Nhân quay sang tôi, đôi mắt đượm buồn trên gương mặt phúc hậu khiến tôi đâm ra lúng túng, nhưng tính khí vẫn còn trẻ con nên buột miệng:
- Bác! Thế còn…
Bác nhìn tôi cười:
- Nàng Ia-Pa…của bác chứ gì? Ngày ấy xa rồi, xa lắm rồi. Cỡ tuổi cháu bây giờ. Bác đã không giữ được người yêu như thần Chư-Mô thủy chung cùng nàng Ia-Pa.
Tôi nói một câu mà như từ đâu vọng lại:
- Nên giờ bác về tìm lại ảnh hình ngày xưa bên dòng sông mộng mơ, nuối tiếc một mối tình đã tuột khỏi tầm tay. Nàng Ia-Pa kể cho mẹ cháu nghe như thế.
Trên sông hoàng hôn đã thẩm màu. Ráng chiều rực đỏ phía trời tây nhộm hồng những con sóng lăn tăn giữa dòng. Xa xa đồi Mơ nhập nhòa cùng dòng nước, trên đỉnh đồi Chư-Mô dường như tất cả ánh sáng còn lại của thế gian đậu tràn lên đó, thắp nến cho màn đêm.
Phạm Tú Uyên
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...