Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Những âm mưu từ đảo Jekyll - 2

Những âm mưu từ đảo Jekyll - 2

Chương 5
Gần hơn với mong ước
Cuộc họp năm 1944 tại Bretton Woods, New Hampshire, nơi những con người theo chủ nghĩa xã hội lỗi lạc nhất của thế giới đã lập ra Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund - IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) như những cơ chế nhằm loại bỏ vàng ra khỏi lĩnh vực tài chính thế giới; chương trình nghị sự ngầm ẩn sau IMF/Ngân hàng Thế giới chính là việc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới; vai trò của Cục Dự trữ Liên bang trong việc thực hiện điều này.
Như chúng ta đã thấy, trò chơi có tên gọi Sự cứu trợ kinh tế từng được diễn đi diễn lại trong hành động giải cứu các tập đoàn lớn, ngân hàng nội địa và các tổ chức tiết kiệm-và-cho vay dưới cái mác là những biện pháp cần thiết để bảo vệ dân chúng. Tuy nhiên, kết quả hoàn toàn ngược lại. Dân chúng đã bị bóc lột hàng tỷ đô-la để sung công thông qua các khoản thuế và lạm phát. Khoản tiền này được dùng để bù đắp cho các khoản thua lỗ - những thứ đáng ra phải được thanh toán bởi các công ty và ngân hàng vỡ nợ như một khoản tiền phạt cho cách thức quản lý yếu kém và gian lận.
Trong khi điều này diễn xảy ra trên “sân nhà” của chúng ta thì một trò chơi tương tự cũng đang được chơi trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, có hai sự khác biệt cơ bản. Một là khoản tiền đặt cược trong trò chơi quốc tế phải lớn hơn nhiều. Thông qua một mớ hỗn tạp gồm các khoản cho vay, trợ cấp và tài trợ, Cục Dự trữ Liên bang đang trở thành “người cho vay cứu cánh cuối cùng” cho hầu như cả hành tinh này. Sự khác biệt thứ hai là, thay vì tuyên bố là những nhà bảo vệ dân chúng, những người chơi đã tô điểm thêm cho bộ cánh của mình thành Những vị cứu tinh của Thế giới.
BRETTON WOODS: CUỘC TẤN CÔNG VÀO VÀNG
Cuộc chơi bắt đầu tại một cuộc họp quốc tế của các chuyên gia tài chính, chính trị gia và các nhà lý luận diễn ra vào tháng Bảy năm 1944 tại Khách sạn Mount Washington ở Bretton Woods, New Hampshire. Cuộc họp này chính thức được gọi là Hội nghị Tài chính và Tiền tệ Liên Hợp quốc nhưng ngày nay thường được nhắc đến một cách đơn giản là Hội nghị Bretton Woods. Hai tổ chức quốc tế đã được tạo ra tại cuộc họp này: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund - IMF) và tổ chức anh em với nó - Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (International Bank for Reconstruction and Development), thường được gọi là Ngân hàng Thế giới (World Bank).
Mục đích của những tổ chức này thực sự đáng khâm phục. Ngân hàng Thế giới có nhiệm vụ tạo ra các khoản vay cho các quốc gia kém phát triển và bị chiến tranh tàn phá nhằm giúp họ xây dựng nền kinh tế vững mạnh hơn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) là tổ chức thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ giữa các quốc gia bằng việc duy trì mức tỷ giá hối đoái cố định giữa các loại tiền tệ. Song cách thức đạt được những mục tiêu này lại chẳng đáng khâm phục chút nào vì đã chấm dứt việc sử dụng vàng làm cơ sở để trao đổi tiền tệ quốc tế và thay vào đó là chế độ bản vị tiền giấy do chính trị thao túng. Hay nói cách khác, nó cho phép chính phủ các nước thoát khỏi sự cương tỏa của vàng để có thể tạo ra tiền từ không khí mà không phải trả những khoản tiền phạt về việc để cho đồng tiền của mình mất giá trên thị trường thế giới.
Trước hội nghị này, tiền tệ được trao đổi theo giá trị vàng và hình thức trao đổi đó được gọi là “chế độ bản vị hối đoái vàng”. Tuy nhiên, không giống như “chế độ bản vị vàng”, nơi tiền tệ được bảo đảm bằng vàng, ở “chế độ bản vị hối đoái vàng”, tỷ lệ hối đoái giữa các loại tiền tệ khác nhau - hầu hết trong số đó đều không được bảo đảm bằng vàng - thường được xác định bằng số lượng vàng mà chúng có thể mua được trên thị trường tự do. Do đó, các giá trị của chúng được thiết lập theo nguyên tắc cung-cầu. Các chính trị gia và các ông chủ ngân hàng rất ghét chế độ bản vị hối đoái vàng vì nó nằm ngoài khả năng tính toán của họ. Trong quá khứ, “chế độ bản vị vàng” từng có vai trò như một cơ chế đặc biệt hiệu quả nhưng đòi hỏi một sự chấp hành kỷ luật nghiêm khắc. Theo quan sát của John Kenneth Galbraith:
Những thỏa thuận tại Bretton Woods đã tìm cách giữ lại lợi thế của bản vị vàng - những loại tiền tệ nào được trao đổi thành vàng theo tỷ lệ ổn định và có thể dự đoán được cũng có thể trao đổi được với nhau theo tỷ lệ ổn định và có thể - dự đoán được. Và cũng chính vì điều này nên hội nghị đã tìm cách giảm thiểu hình phạt do bản vị vàng gây ra cho những quốc gia nhập khẩu quá nhiều, xuất khẩu quá ít và do đó đang đánh mất vàng.[1]
Phương thức được áp dụng để thực hiện điều này cũng chính là phương thức được vạch ra tại đảo Jekyll nhằm cho phép các ngân hàng Mỹ tạo ra tiền từ không khí mà không phải trả khoản tiền phạt về việc để cho các ngân hàng khác làm mất giá đồng tiền của mình. Đó là sự thành lập của một ngân hàng trung ương thế giới nhằm tạo ra tiền pháp định chung cho tất cả các quốc gia và sau đó yêu cầu họ cùng gây lạm phát với tỷ lệ ngang nhau. Như thế, sẽ phải có một quỹ bảo hiểm quốc tế đẩy lượng tiền pháp định đó tới bất kỳ quốc gia nào đang tạm thời cần đến nó để dùng vào việc đối phó với “sự rút tiền ồ ạt” của mình. Tuy nhiên, quỹ này không được sinh ra với tất cả các tính năng được phát triển đầy đủ, cũng giống như Cục Dự trữ Liên bang đã không được phát triển hoàn chỉnh khi xuất hiện lần đầu. Tuy nhiên, đó là kế hoạch và đã được giới thiệu với tất cả các cơ cấu thích hợp.
Những nhà lý luận đã phác thảo ra kế hoạch này chính là John Maynard Keynes[2], nhà kinh tế học nổi tiếng theo chủ nghĩa Pha-Biên đến từ Anh quốc và Harry Dexter White, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ.
HỘI PHA-BIÊN
Những người theo chủ nghĩa Pha-Biên lúc đầu là một nhóm trí thức tinh anh - những người cùng sáng lập ra một tổ chức bán công khai nhằm giới thiệu chủ nghĩa xã hội với thế giới thông qua hình thức tuyên truyền và hợp pháp hóa từ từ. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa tiệm tiến, những người theo chủ nghĩa Pha-Biên đã thống nhất chọn con rùa làm biểu tượng cho hoạt động của mình. Ba nhà lãnh đạo lỗi lạc nhất trong những ngày đầu của hội này là Sidney, Beatrice Webb và George Bernard Shaw. Ngày nay, trên cánh cửa sổ bằng kính tại tòa nhà của Beatrice Webb ở Surrey, Anh là những dòng chữ đặc biệt mang tính khai sáng, phía trên là câu thơ cuối cùng trong khổ thơ của Omar Khayyam:
Dear love, couldst thou and I with fate conspire
To grasp this sorry scheme of things entire,
Would ive not shatter it to bits, and then
Remould it nearer to the heart’s desire!
Tạm dịch:
Ái tình ơi, dẫu hai ta có tạo ra số phận
Thì vẫn phải nhịn cho thấu sự buồn đi
Cho dù sẽ không vỡ tan ra trăm mảnh
Để gần hơn với giấc mơ!
Ngay dưới câu thơ Để gần hơn với giấc mơ! là bức họa vẽ Shaw cùng Webb đang cầm búa gõ vào Trái đất. Phía dưới cùng là đám đông đang quỳ gối thờ phụng một chồng sách. Quay hướng về đám dân chúng dễ bảo này là H.G. Wells - người về sau đã rời khỏi hội Pha-Biên và lên án họ như “những kẻ xảo quyệt mới”. Tuy nhiên, thành phần dễ nhận thấy nhất chính là chiếc mũ sắt Pha-Biên xuất hiện giữa Shaw và Webb - biểu hiện của con sói đội lốt cừu! [3]
HAPPY DEXTER WHITE
Harry Dexter White là giám đốc kỹ thuật của Mỹ và là người có ảnh hưởng lớn tại hội nghị này. Cuối cùng, ông đã trở thành Giám đốc Điều hành đầu tiên của Mỹ tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Một chi tiết thú vị về câu chuyện này là, trong khi đang làm việc với cương vị Trợ lý Bộ trưởng Tài chính thì White cũng là thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations - CFR). Và điều thú vị hơn nữa là Nhà trắng được thông báo về sự thật này khi Tổng thống Truman đã bổ nhiệm chức vụ kia cho ông ta. Ít nhất hai lần FBI đã chính thức chuyển cho Nhà trắng những bằng chứng cụ thể về các hoạt động của White.[4] Song bất chấp tất cả, ông ta vẫn được giữ cương vị đó cũng như Virginius Frank Coe, người từng nắm giữ chức vụ thư ký kỹ thuật tại Bretton Woods, sau này đã trở thành Thư ký đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Như vậy, có một vở kịch phức tạp đang diễn ra mà dân chúng không hề nhìn thấy, trong đó, những người theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Pha-Biên chính là giới trí thức đang dẫn dắt tại hội nghị Bretton Woods, cho dù bất đồng về cách thức tiến hành song họ lại hoàn toàn thống nhất về mục đích: chủ nghĩa xã hội quốc tế.
Mục đích của các tổ chức tham gia thành lập Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới là để tạo ra một thứ tiền tệ thế giới, một ngân hàng trung ương thế giới và một cơ chế kiểm soát được nền kinh tế của tất cả các quốc gia.
CƠ CẤU VÀ NGUỒN VỐN CỦA IMF
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF có vẻ như là một bộ phận quan trọng của Liên Hợp quốc, cũng giống như Cục Dự trữ Liên bang đối với chính phủ Mỹ, cho dù hoàn toàn độc lập. Nó được cấp vốn chủ yếu dựa trên cơ sở hạn ngạch của gần hai trăm quốc gia thành viên. Tuy nhiên, phần vốn góp lớn nhất là từ các quốc gia công nghiệp hóa như Anh, Nhật Bản, Pháp và Đức. Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất, tới hai mươi phần trăm trong tổng số. Trên thực tế, con số hai mươi phần trăm đó phải cao gấp đôi so với những gì nó thể hiện vì hầu hết các quốc gia khác toàn đóng góp những loại tiền tệ vô giá trị mà không ai mong muốn. Thế giới ưa chuộng những đồng đô-la hơn.
Một trong những hoạt động thường nhật tại IMF chính là đổi những loại tiền tệ vô giá trị thành những đồng đô-la, vì vậy, các nước yếu kém hơn mới có thể thanh toán được các hóa đơn quốc tế của mình. Điều này được cho là giải quyết được các vấn đề “dòng tiền” tạm thời. Đây là một kiểu FDIC quốc tế cốt để bơm tiền vào một quốc gia vừa mới phá sản để quốc gia đó có thể tránh được việc giảm giá đồng tiền của mình. Các giao dịch này hiếm khi được hoàn trả.
Mặc dù việc thoát khỏi chế độ bản vị hối đoái vàng là mục tiêu có quy mô lâu dài của IMF, song cách duy nhất để thuyết phục các quốc gia tham gia ngay từ đầu là vẫn cho phép họ sử dụng vàng như một hình thức bảo đảm cho nguồn cung ứng tiền của riêng mình - ít nhất như một kế sách tạm thời. Như Keynes đã giải thích:
Tôi cảm thấy rằng những ngân hàng trung ương đầu não sẽ không bao giờ tự nguyện từ bỏ những dạng thức tồn tại trước đó của chế độ bản vị vàng, và tôi không muốn nhìn thấy chúng bị rũ bỏ bởi một tai họa khốc liệt vô tình nào đó. Vì thế, hy vọng thực tiễn nhất là mong chờ vào sự tiến triển dần dần dưới dạng một thứ tiền tệ thế giới được quản lý, bắt đầu với chế độ bản vị vàng đang có.[5]
Vào thời điểm đó, việc sở hữu vàng đối với các công dân Mỹ là phạm pháp, nhưng người dân ở những nơi khác trên thế giới vẫn có thể đổi đô-la giấy của họ ra vàng với tỷ giá cố định là 35 đô-la một ounce. Điều này đã khiến vàng trở thành thứ tiền tệ quốc tế thực sự dù không chính thức bởi, không giống như các đơn vị tiền tệ khác lúc đó, giá trị của nó đã được đảm bảo. Vì vậy, ngay từ đầu, IMF đã chấp nhận đồng đô-la như đơn vị tiền tệ quốc tế của riêng mình.
VÀNG GIẤY
Nhưng chú rùa Pha-Biên vẫn đang bình thản lê bước hướng đến đích của mình. Năm 1970, IMF đã tạo ra một đơn vị tiền tệ mới có tên gọi Quyền Rút tiền Đặc biệt (Special Drawing Right - SDR) được các phương tiện truyền thông đại chúng lạc quan mô tả như “vàng giấy”. Nhưng thực tế, đó hoàn toàn là phép thuật kế toán mà không hề liên quan đến vàng hay bất cứ thứ gì có giá trị hữu hình. Các SDR được dựa trên “những khoản tín dụng” do các quốc gia thành viên cung cấp. Những tín dụng này không phải tiền mà chỉ là những lời hứa rằng chính phủ các nước sẽ có được tiền nhờ việc đánh thuế công dân nước mình khi cần. IMF xem những lời hứa đó như “tài sản” - thứ sau đó trở thành “các khoản dự trữ” để tạo ra các khoản vay dành cho chính phủ các nước khác. Như chúng ta sẽ thấy ở Chương Mười, điều này hầu như giống hệt trò ảo thuật kế toán được dùng để tạo ra tiền từ không khí của Cục Dự trữ Liên bang.
Dennis Turner đã cắt nghĩa mớ bòng bong này như sau:
SDR được chuyển thành các khoản vay cho các quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba nhờ tạo ra các tài khoản dùng séc trong các ngân hàng thương mại hoặc trung ương thuộc các quốc gia thành viên đại diện cho chính phủ các nước mắc nợ. Những tài khoản ngân hàng này đều được tạo ra từ không khí. Quỹ IMF tạo ra đô-la, đồng phờ-răng, đồng bảng hoặc các loại tiền tệ mạnh khác và trao chúng cho một quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba, gây ra lạm phát ở quốc gia xuất xứ của đơn vị tiền tệ đó… Lạm phát được gây ra bởi những quốc gia công nghiệp hóa trong khi của cải lại được chuyển từ đại bộ phận dân chúng sang cho nước mắc nợ và con nợ này không hoàn trả.[6]
Khi IMF ra đời, quan điểm của John Maynard Keynes - một nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Pha-Biên thể hiện rằng có một ngân hàng trung ương thế giới đang phát hành một thứ tiền tệ dự trữ được gọi là “tiền tệ quốc tế” (bancor) nhằm giải phóng tất cả chính phủ thoát khỏi sự cương tỏa của vàng. Với sự xuất hiện của các SDR mà cuối cùng, IMF đã bắt đầu hoàn thành được ước mơ đó.
VÀNG CUỐI CÙNG CŨNG BỊ RUỒNG BỎ
Nhưng vẫn còn một trở ngại, chừng nào đồng đô-la vẫn còn là đơn vị tiền tệ cơ bản được IMF sử dụng và vẫn được quy đổi ra vàng với mức giá 35 đô-la một ounce thì số lượng tiền quốc tế có thể được tạo ra vẫn bị hạn chế. Nếu IMF hoạt động như một ngân hàng trung ương thế giới thực sự với quyền phát hành vô hạn thì đồng đô-la phải được tách khỏi sự bảo đảm bằng vàng như một bước đi đầu tiên hướng đến việc thay thế hoàn toàn bằng một đơn vị tiền tệ quốc tế, SDR hoặc một hình thức nào khác tương tự mà không phải chịu sự kiềm chế.
Ngày 15 tháng 8 năm 1971, Tổng thống Nixon đã ký một sắc lệnh công bố rằng nước Mỹ sẽ không còn đổi tiền giấy của mình để lấy vàng nữa - và đây cũng là thời điểm kết thúc giai đoạn thứ nhất về sự biến đổi hình thái của IMF. Tuy nhiên, nó vẫn chưa trở thành một ngân hàng trung ương thực sự bởi không thể tạo ra đồng tiền thế giới của riêng mình, vì thế vẫn phải phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương của các quốc gia thành viên để cung cấp tiền hay còn gọi là tín dụng. Nhưng chính bản thân những ngân hàng này lại có thể tạo ra tiền nhiều như mong muốn nên từ giờ trở đi sẽ chẳng còn giới hạn nào hết.
Mục đích ban đầu là duy trì mức tỷ giá hối đoái cố định giữa các loại tiền tệ, nhưng IMF đã điều khiển sự phá giá tiền tệ của hơn hai trăm quốc gia. Trong lĩnh vực tư nhân, sự thất bại nghiêm trọng như vậy có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá sản trong kinh doanh, nhưng trong lĩnh vực chính trị thì không. Sự thất bại càng lớn thì áp lực để mở rộng chương trình càng cao. Vì vậy, khi đồng đô-la thoát khỏi sợi dây thòng lọng của vàng và không còn chế độ bản vị thực sự nào để đánh giá các giá trị tiền tệ thì IMF chỉ việc thay đổi mục đích và tiếp tục mở rộng hoạt động của mình. Mục đích mới đó là “khắc phục tình trạng thâm hụt mậu dịch”.
THÂM HỤT MẬU DỊCH
Thâm hụt mậu dịch là chủ đề được ưa thích giữa các chính trị gia, các nhà kinh tế học và người dẫn chương trình truyền hình. Mọi người đều đồng ý rằng thâm hụt mậu dịch là xấu nhưng vẫn chưa thống nhất về nguyên nhân gây ra nó. Chúng ta hãy thử tìm hiểu vấn đề này.
Trên thực tế, thâm hụt mậu dịch là điều kiện tồn tại khi giá trị hàng hóa nhập khẩu của một quốc gia lớn hơn giá trị xuất khẩu. Hay nói cách khác, quốc gia đó chi nhiều hơn thu trong thương mại quốc tế. Điều này tương tự như hoàn cảnh của một cá nhân chi tiêu nhiều hơn mức anh ta kiếm được. Trong cả hai trường hợp, quá trình này không thể được duy trì liên tục trừ phi (1) thu nhập tăng lên; (2) tiền rút ra từ các khoản tiết kiệm; (3) tài sản được bán; (4) làm tiền giả và (5) vay mượn tiền. Trừ phi một trong những điều kiện trên xuất hiện, nếu không, cá nhân hoặc quốc gia đó không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm chi tiêu.
Việc tăng thu nhập của một cá nhân là giải pháp tốt nhất. Trên thực tế, nó chính là giải pháp duy nhất về lâu dài. Tất cả những giải pháp khác chỉ mang tính tạm thời. Một cá nhân có thể tăng thu nhập của mình bằng cách làm việc chăm chỉ hơn, khôn ngoan hơn hoặc bền bỉ hơn. Một quốc gia cũng có thể làm theo cách này. Nhưng điều đó không thể xảy ra trừ phi lĩnh vực tư nhân được phép phát triển một hệ thống mậu dịch tự do. Vấn đề với sự chọn lựa này là ít chính trị gia nào đánh giá cao tính năng động của hệ thống mậu dịch tự do. Thế giới của họ được xây dựng trên các chương trình chính trị, nơi các quy luật về thị trường tự do được thao túng nhằm đạt được các mục tiêu chung mang tính chính trị. Vì thế, họ có thể muốn lựa chọn giải pháp tăng thu nhập cho quốc gia bằng cách tăng sản lượng, nhưng các vấn đề chính trị lại ngăn cản điều đó xảy ra.[7]
Lựa chọn thứ hai là kiếm thêm tiền từ các khoản tiết kiệm. Nhưng trong thế giới ngày nay, hầu như không có chính phủ nào nắm giữ được bất kỳ khoản tiết kiệm nào. Nợ nần và các khoản phải trả của họ vượt quá giá trị tài sản. Tương tự, hầu hết các ngành kinh doanh và công dân của họ cũng ở trong tình trạng như vậy. Các khoản tiết kiệm của họ đã bị chính phủ tiêu xài hết cả.
Lựa chọn thứ ba là bán tài sản, nhưng tài sản cũng không có sẵn đối với hầu hết các quốc gia. Khi nói đến tài sản là chúng tôi muốn nói đến các khoản hữu hình khác chứ không phải những thứ hàng hóa vẫn được bày bán thông thường. Mặc dù là tài sản theo nghĩa rộng, nhưng trong thuật ngữ kế toán, chúng được phân loại như hàng tồn kho. Tài sản duy nhất mà chính phủ có thể tiêu thụ được chính là vàng, thứ ngày nay ít quốc gia nào còn dự trữ để dùng. Thậm chí trong những trường hợp đó, số vàng ít ỏi mà họ có được cũng thuộc sở hữu của một chính phủ hoặc ngân hàng khác. Ngay cả đối với tài sản riêng, các quốc gia có thể phải bán cho các đối tác nước ngoài và bù đắp cho sự thâm hụt cán cân thương mại của mình. Đó chính là những gì đã và đang diễn ra ở nước Mỹ trong nhiều năm khi các cao ốc văn phòng, chứng khoán, nhà máy và toàn bộ các công ty đều được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế cho thấy là quốc gia này vẫn đang chi nhiều hơn thu và quá trình đó không thể tiếp tục một cách vô định. Quyền sở hữu và kiểm soát của nước ngoài đối với nền công nghiệp và thương mại cũng tạo ra nhiều vấn đề về chính trị và xã hội. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển chẳng phải lo lắng về điều này bởi họ có ít tài sản riêng để bán.
GIẢI PHÁP LÀM TIỀN GIẢ
Giải pháp làm tiền giả chỉ có giá trị nếu một quốc gia có được vị trí độc tôn để đồng tiền của mình được chấp nhận như một phương tiện trao đổi trong thương mại quốc tế giống như trường hợp của nước Mỹ. Trong trường hợp này, đồng đô-la có thể được tạo ra từ không khí và những quốc gia còn lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó. Do đó, trong nhiều năm, nước Mỹ có khả năng chi nhiều hơn thu trong thương mại nhờ Cục Dự trữ Liên bang luôn tạo ra được bất kỳ khoản tiền nào theo yêu cầu.
Năm 1971, khi hoàn toàn bị tách khỏi vàng, đồng đô-la Mỹ không còn là đơn vị tiền tệ quốc tế chính thức của IMF và cuối cùng phải cạnh tranh với các loại tiền tệ khác - chủ yếu là đồng mác và đồng yên - dựa trên giá trị tương ứng của nó. Từ quan điểm đó, giá trị của đồng đô-la đột ngột giảm mạnh cho dù vẫn là phương tiện trao đổi được ưa thích. Hơn nữa, nước Mỹ là một trong những nơi an toàn nhất trên thế giới để mọi người đầu tư tiền bạc. Tuy nhiên, để làm được điều đó, trước hết mọi người phải đổi tiền tệ địa phương của mình sang đồng đô-la. Chính những điều này đã khiến cho đồng đô-la Mỹ có giá trị lớn hơn trên các thị trường quốc tế so với những gì nó xứng đáng. Vì vậy, bất chấp thực tế rằng Cục Dự trữ Liên bang đang tạo ra những khoản tiền khổng lồ trong suốt thời gian này nhưng nhu cầu của người nước ngoài đối với nó dường như vô hạn. Kết quả là nước Mỹ tiếp tục cấp vốn cho khoản thâm thủng mậu dịch của mình bằng tiền pháp định - tiền giả, nếu bạn muốn - một “ngón nghề” mà không một quốc gia nào khác trên thế giới có thể hy vọng thực hiện được.
Chúng ta được biết rằng tình trạng thâm hụt mậu dịch của quốc gia mình là một điều kinh khủng, rằng nó có thể sẽ “làm suy yếu đồng đô-la” và dẫn đến chỗ khai tử. Cụm từ “làm suy yếu đồng đô-la” chẳng qua chỉ là uyển ngữ cho việc gia tăng lạm phát. Thật ra nước Mỹ không hề bị thiệt hại gì bởi thâm hụt mậu dịch. Trên thực tế, chúng ta chính là các nhà hảo tâm trong khi các đối tác thương mại của mình là những nạn nhân, chúng ta có xe hơi và ti-vi trong khi họ lại nhận được những đồng tiền thật khôi hài. Chúng ta có tài sản trong khi họ chỉ sở hữu những tờ giấy lộn.
Tuy nhiên, vẫn có mặt trái đối với sự trao đổi tiền tệ này. Chừng nào đồng đô-la còn duy trì được vị thế yêu thích của nó như một đơn vị tiền tệ thương mại thì nước Mỹ vẫn có thể tiếp tục chi nhiều hơn thu. Nhưng khi ngày đó xảy ra - dĩ nhiên là nó phải xảy ra - ngày mà đồng đô-la bị sụt giảm giá trị và người nước ngoài không còn muốn sở hữu nó nữa thì chắc chắn “cuộc dạo chơi” tự do này sẽ chấm dứt. Khi điều đó xảy ra, hàng trăm tỷ đô-la lúc này vẫn còn đang trú ngụ ở các quốc gia khác trên thế giới sẽ nhanh chóng quay trở về với bến đỗ của chúng ta khi mọi người tìm cách chuyển chúng thành bất động sản, nhà máy hay các tài sản hữu hình hơn và nhanh chóng làm điều đó trước khi đồng đô-la trở nên vô giá trị. Khi lượng đô-la này khiến giá cả tăng lên, chúng ta sẽ phải nếm trải tình trạng lạm phát - thứ đáng lẽ đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng bị trì hoãn do những người nước ngoài đủ tử tế để tiếp nhận những đồng đô-la của chúng ta trong việc trao đổi sản phẩm của họ.
Những gì đến sẽ đến. Tuy nhiên, khi hậu quả xảy ra, nó không phải bởi tình trạng thâm hụt mậu dịch mà là bởi chúng ta có đủ khả năng cấp vốn cho tình trạng thâm hụt mậu dịch bằng tiền pháp định do Cục Dự trữ Liên bang tạo ra. Nếu không vì điều đó, tình trạng thâm hụt mậu dịch có thể đã không xảy ra.
Hãy quay trở lại chủ đề chính - năm phương thức có thể được áp dụng để chi trả cho thâm hụt mậu dịch. Và thông qua quá trình loại bỏ, lựa chọn thứ tư về việc vay mượn là hành động phổ biến đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới và đó chính là nơi IMF đã định vị chính mình vào năm 1970. Sứ mệnh mới của nó là cung cấp các khoản vay để các quốc gia có thể tiếp tục chi nhiều hơn thu nhưng dưới cái mác “khắc phục tình trạng thâm hụt mậu dịch”.
NHỮNG KHOẢN VAY CỦA IMF:
SỐ PHẬN BI ĐÁT NHƯNG NGỌT NGÀO
Những khoản vay này không được đưa vào các doanh nghiệp tư nhân - nơi chúng có cơ hội tạo ra lợi nhuận - mà được chuyển sang các ngành nghề được điều hành và quản lý bởi nhà nước, nơi bị tê liệt và mục rữa bởi thói quan liêu, nhũng nhiễu. Do đã bị đổ lỗi cho sự thất bại về kinh tế ngay từ đầu nên những ngành nghề này chi tiêu hết các khoản vay mà không có khả năng hoàn trả, thậm chí cả khi lãi suất tăng cao đến mức không thể xử lý được. Điều này có nghĩa là IMF sẽ phải quay trở lại “các nguồn dự trữ”, “các tài sản”, “các khoản tín dụng” và cuối cùng là những người nộp thuế để tìm kiếm sự cứu trợ kinh tế.
Trong khi Quỹ IMF đang phát triển thành một ngân hàng trung ương thế giới - nơi sẽ phát hành tiền tệ thế giới từ không khí - thì Ngân hàng Thế giới, tổ chức song hành với nó, sẽ trở thành đơn vị cho vay của quỹ này. Hành động như Vị cứu tinh của Thế giới, IMF tìm cách hỗ trợ các quốc gia kém phát triển, cung cấp lương thực và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho toàn thể nhân loại. Trong quá trình theo đuổi những mục đích nhân đạo này, IMF đã cung cấp cho chính phủ các nước những khoản vay với các điều khoản ưu đãi như luôn ở mức lãi suất thấp hơn mức thị trường, thời hạn kéo dài đến năm mươi năm và thường không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho đến sau mười năm.
Vốn cấp cho những khoản vay này được lấy từ các quốc gia thành viên dưới dạng một khoản tiền mặt nhỏ kèm theo lời hứa sẽ hoàn lại gấp mười lần trong trường hợp Ngân hàng gặp rắc rối. Được mô tả như “nguồn vốn có thể trả ngay được”, những lời hứa tạo thành một chương trình bảo hiểm FDIC mà không cần phải duy trì một nguồn quỹ dự trữ. (Điều này có vẻ trung thực hơn so với việc FDIC giả vờ duy trì một nguồn quỹ như thế nhưng trên thực tế lại chẳng có gì ngoài một lời hứa).
Dựa vào khoản tiền vốn nhỏ nhoi kèm theo các khoản “tín dụng” và “những lời hứa” lớn hơn nhiều từ chính phủ các quốc gia công nghiệp hóa, Ngân hàng Thế giới có đủ khả năng thâm nhập vào các thị trường cho vay thương mại và vay được những khoản tiền lớn hơn với mức lãi suất cực thấp. Rốt cuộc, những khoản vay đó được bảo đảm bởi chính phủ của những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới - những nước đã hứa sẽ buộc người nộp thuế của họ chi trả nếu Ngân hàng gặp rắc rối. Còn Quỹ này cầm những khoản tiền đó đem cho các quốc gia kém phát triển vay lại với mức lãi suất cao hơn một chút nhằm tạo ra lợi nhuận từ việc buôn chứng khoán.
Khía cạnh vô hình của hoạt động này là khoản tiền mà Quỹ này xử lý chính là khoản tiền sẵn có dành cho đầu tư vào lĩnh vực tư nhân hoặc các khoản vay dành cho người tiêu dùng. Nó đã rút hết nguồn vốn phát triển cần thiết dành cho lĩnh vực kinh doanh tư nhân, cản trở việc tạo ra việc làm mới, khiến cho mức lãi suất tăng cao và trì hoãn tiến độ phát triển của nền kinh tế nói chung.
VẤN ĐỀ BỊ CHE GIẤU: CHỦ NGHĨA XÃ HỘI THẾ GIỚI
Mặc dù hầu hết các báo cáo chính sách của Ngân hàng Thế giới đều đề cập đến các vấn đề kinh tế, song một cuộc kiểm tra tỉ mỉ các hoạt động của nó đã bộc lộ được sự lo lắng về các vấn đề chính trị và xã hội. Điều này không có gì ngạc nhiên nếu xét theo thực tế rằng Ngân hàng được các nhà sáng lập xem như một công cụ cho những thay đổi về chính trị và xã hội. Sự thay đổi mà nó muốn tạo ra là xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới và đó chính là những gì đang diễn ra hiện nay.
Vấn đề bị che giấu bỗng trở nên hết sức rõ ràng trong bản chất của những gì mà Ngân hàng này gọi là Khoản vay Hạn ngạch và Khoản vay Điều chỉnh Cơ cấu. Ở nhóm thứ nhất, chỉ có một phần tiền được sử dụng cho các dự án cụ thể, trong khi phần còn lại dành cho mục đích hỗ trợ các thay đổi chính sách trong lĩnh vực kinh tế. Ở nhóm thứ hai, toàn bộ số tiền đều dành cho những thay đổi về chính sách và không có khoản nào dành cho các dự án. Trong những năm gần đây, gần một nửa các khoản vay dành cho các quốc gia kém phát triển đều thuộc nhóm thứ hai này. Vậy đâu là những thay đổi về chính sách thuộc mục tiêu của những khoản vay trên? Tất cả chỉ dành cho một mục đích: xây dựng chủ nghĩa xã hội thế giới.
Khi những người theo chủ nghĩa Pha-Biên lên kế hoạch cho điều này, cụm từ chủ nghĩa xã hội chưa được sử dụng. Thay vào đó, các khoản vay được dành cho các công trình của chính phủ như các dự án thủy điện, nhà máy lọc dầu, nhà máy gỗ, công ty khai thác mỏ và nhà máy thép.
Đây là một ví dụ. Một trong những thay đổi chính sách thường được Ngân hàng Thế giới yêu cầu như một điều kiện cho vay là quốc gia nhận tiền phải kiểm soát được mức lương của nó. Điều này có nghĩa là chính phủ đó có quyền - và có quyền lực hợp pháp -để quy định các mức tiền công/tiền lương! Nói cách khác, một trong những điều kiện của khoản nợ đó là chính phủ phải có quyền hạn tuyệt đối.
Paul Roberts - người giữ chức chủ tịch Kinh tế chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế William E. Simon ở Washington - đã phát biểu trên tờ Business Weeks như sau:
Toàn bộ “quá trình phát triển” đã được dẫn dắt bằng niềm tin rằng việc tin tưởng vào doanh nghiệp tư nhân và đầu tư cổ phần là không phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế và xã hội.
Nhờ việc cung cấp tiền thường xuyên cho chính phủ các nước kém phát triển để mở rộng quyền kiểm soát đối với nền kinh tế của họ, Hoa Kỳ đã đưa ra những điều kiện hoàn toàn trái ngược với những gì cần có để tăng trưởng kinh tế.[8]
Còn Ken Ewert lại giải thích kỹ hơn rằng những điều kiện được Quỹ này áp đặt hiếm khi được định hướng theo thị trường tự do. Ông nói:
Quỹ này tập trung vào “các chính sách vĩ mô”, chẳng hạn như các chính sách về tài chính và tiền tệ hoặc tỷ giá hối đoái và ít quan tâm đến các vấn đề cơ bản như các quyền sở hữu cá nhân và tự do doanh nghiệp. Rõ ràng… niềm tin rằng với “cách quản lý vĩ mô” phù hợp thì bất kỳ hệ thống kinh tế nào cũng có thể đứng vững được.
Quan trọng hơn là nó cho phép chính phủ các nước trên thế giới sung công tài sản của công dân nước mình một cách hiệu quả hơn (thông qua khoản thuế ngầm của lạm phát) trong khi đồng thời tăng cường quyền lực của riêng mình.[9]
Một đặc tính quan trọng của Khoản vay Điều chỉnh Cơ cấu là nhu cầu về tiền này không được áp dụng đối với bất kỳ dự án phát triển cụ thể nào. Nó có thể được chi tiêu vào bất kỳ việc gì theo mong muốn của nước nhận viện trợ, bao gồm việc thanh toán lãi cho những khoản vay ngân hàng quá hạn. Do đó, Ngân hàng Thế giới trở thành một ống hút tiền từ túi của người đóng thuế cho vào tài sản của các ngân hàng thương mại - nơi tạo ra những khoản vay rủi ro cao để chuyển sang cho các quốc gia thuộc Thế giới Thứ Ba.
NHỮNG KẺ BUNG XUNG VÀ CÁC BIỆN PHÁP THẮT LƯNG BUỘC BỤNG
Không phải mọi biện pháp mà IMF và Ngân hàng Thế giới chủ trương đều nhằm mục đích ủng hộ những điều tốt đẹp. Thậm chí một số biện pháp dường như được tạo ra nhằm hỗ trợ cho lĩnh vực tư nhân, chẳng hạn như giảm bớt các khoản trợ cấp chính phủ và phúc lợi xã hội. Chúng có thể bao gồm việc tăng thuế để giảm các khoản thâm hụt ngân sách. Những thay đổi chính sách này thường được mô tả trên báo chí như “các biện pháp thắt lưng buộc bụng” và được xem như các quyết định kinh doanh dứt khoát nhằm cứu lấy những nền kinh tế đang suy sụp của các nước kém phát triển. Tuy nhiên, cũng giống như con sói (đội lốt cừu) đã nói với Cô bé quàng khăn đỏ, “Tất cả đều to hơn để ăn thịt cháu ngon hơn, cháu yêu.” Những biện pháp thắt lưng buộc bụng này hầu hết là cách nói khoa trương. Những quốc gia đang mượn tiền thường lờ đi các điều kiện mà không bị trừng phạt và dù thế nào đi nữa thì Ngân hàng Thế giới vẫn duy trì được nguồn tiền vào. Đó đều là một phần của trò chơi.
Tuy nhiên, các điều kiện “điều chỉnh cơ cấu” đã tạo ra một người đứng mũi chịu sào cho các chính trị gia địa phương - người có thể đổ lỗi về cảnh khổ cực của quốc gia cho “các nhà tư bản” xấu xa, lớn mạnh đến từ Mỹ và IMF. Người dân được dạy rằng vai trò của chính phủ là phải chu cấp phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, lương thực và nhà ở, công việc và hưu trí cho nhân dân - những người sẽ không vui khi nghe thấy rằng “những quyền lợi đó” đang bị đe dọa, Vì vậy, họ liền biểu tình trên các đường phố để phản đối, gây bạo loạn tại các khu thương mại của thành phố để lấy cắp hàng hóa ra khỏi các cửa hiệu cũng như tập trung quanh biểu ngữ của những chính trị gia nào đã từng hứa khôi phục hoặc gia tăng các ích lợi cho họ. Điều này được mô tả trong tạp chí Insight như sau:
Những cuộc bãi công, bạo loạn, chính biến và bất ổn xã hội xảy ra vào các thời điểm khác nhau tại Ác-hen-ti-na, Bô-li-vi-a, Bra-xin, Ê-cu-a-đo, Ai Cập, Ha-i-ti, Li-bê-ri-a, Pê-ru, Su-đăng và nhiều nơi khác đều là do các chương trình thắt lưng buộc bụng của IMF…[10]
TÀI TRỢ CHO NẠN THAM NHŨNG VÀ CHẾ ĐỘ CHUYÊN QUYỀN
Tham nhũng là vấn nạn ở châu Phi. Julius Nyerere - nhà độc tài ở Tan-zan-ni-a - là nhân vật khét tiếng với chương trình “ấp chiến lược” của mình. Với chương trình này, quân đội đuổi người dân ra khỏi đất đai của họ, đốt lều và lùa họ lên tàu chở hàng như gia súc để chuyển đến những khu làng do chính phủ cai quản. Mục đích là để loại bỏ sự chống đối của người dân bằng cách đưa họ đến những khu vực cách ly bởi hàng rào vây quanh cốt để theo dõi và kiểm soát. Trong khi đó, nền kinh tế trở nên rối loạn, các trang trại bị bỏ hoang và nạn đói hoành hành mặc dù Tan-zan-ni-a từng được nhận nhiều khoản viện trợ từ Ngân hàng Thế giới hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Còn ở U-gan-đa, lực lượng an ninh chính phủ đã tiến hành giam giữ, tra tấn dân chúng và giết hại tù nhân. Đó cũng là sự thật xảy ra dưới chính quyền khủng bố ở Zimbabwe. Song, cả hai chế độ này vẫn tiếp tục nhận hàng triệu đô-la từ Ngân hàng Thế giới.
Riêng Zimbabwe (Rhodesia trước đây) là trường hợp điển hình. Sau khi giành được độc lập, chính phủ phe cánh Tả đã quốc hữu hóa (sung công) nhiều trang trại thuộc sở hữu của những người tái định cư da trắng trước đó. Những phần đất màu mỡ nhất trong số ruộng đất bị tịch thu này đều rơi vào tay các quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, phần đất còn lại bị biến thành các cơ sở do nhà nước quản lý. Thất bại đau đớn nhất là những công nhân đang làm việc tại các điền trang đó bỗng lâm vào cảnh túng thiếu tới mức phải đi cầu xin lương thực. Nhưng không hề nao núng trước những sai lầm đó, vào năm 1991, các chính trị gia đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục quốc hữu hóa một nửa số trang trại còn lại và đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của tòa án vào việc điều tra mức đền bù cho các chủ sở hữu của những ruộng đất đó.
Lúc này, đại diện của IMF tại Zimbabwe là Michel Camdessus - Thống đốc Ngân hàng Pháp và nguyên Bộ trưởng Tài chính dưới chính quyền chủ nghĩa xã hội của Francois Mitterrand. Sau khi được thông báo đầy đủ về kế hoạch của Zimbabwe trong việc sung công thêm đất đai cũng như tái định cư cho những người làm việc trên những mảnh đất đó, Camdessus đã đồng ý cấp một khoản vay trị giá 42 tỷ rand nhằm mục đích sử dụng cho dự án tái định cư.
Nhưng có lẽ hành vi vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất là những gì đã xảy ra ở Ê-thi-ô-pi-a. Nạn đói năm 1984 - 1985 đe dọa cuộc sống của hàng triệu người chính là kết quả của việc quốc hữu hóa chính phủ và phá vỡ nền nông nghiệp. Các chương trình tái định cư đã đẩy hàng trăm nghìn người ra khỏi mảnh đất quê hương của họ ở miền bắc và đày ải họ đến các “ấp chiến lược” tập trung ở phía nam - nơi luôn có các tháp canh phòng cẩn mật. Một báo cáo do một nhóm cứu trợ y tế tình nguyện của Pháp - Các Bác sĩ không Biên giới - tiết lộ rằng chương trình tái định cư cưỡng ép này có thể đã giết chết nhiều người như chính nạn đói đã từng gây ra.[11] Bác sĩ Rony Brauman, giám đốc của tổ chức này, đã mô tả trải nghiệm của mình:
Các binh sĩ xông thẳng vào khu vực lều trại của chúng tôi, tịch thu hết thiết bị và đe dọa các tình nguyện viên. Một số nhân viên của chúng tôi đã bị đánh trong khi hàng hóa, thuốc men và lương thực dự trữ thì bị tịch thu. Chúng tôi đã phải rời khỏi Ê-thi-ô-pi-a.[12]
TÀI TRỢ CHO NẠN ĐÓI VÀ TỘI DIỆT CHỦNG
Suốt những năm 80, thế giới bị ám ảnh bởi những bức ảnh về trẻ em đang chết đói ở Ê-thi-ô-pi-a, nhưng các nước phương Tây không nhận ra rằng đây chính là nạn đói đã được lên kế hoạch. Mục đích của việc tạo ra tình trạng chết đói là cốt để bắt dân chúng phải hoàn toàn phục tùng chính phủ, nơi nắm trong tay toàn bộ quyền sinh quyền sát. Song, khi chế độ Mengistu bị lật đổ, Ngân hàng Thế giới tiếp tục dâng cho ông ta hàng trăm tỷ đô-la cùng với một lượng tiền không nhỏ được chuyển cho Bộ Nông nghiệp - cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình tái định cư.[13]
Syria từng tàn sát 20.000 thành viên của đảng đối lập; In-đô-nê-xi-a từng đẩy hàng triệu người ra khỏi quê cha đất tổ của họ ở Java; đảng Sandinistas ở Ni-ca-ra-goa đã tàn sát phe đối lập của mình và đe dọa quốc gia này phải phục tùng. Song, chính những chế độ này lại trở thành nơi nhận khoản viện trợ chính thức hàng tỷ đô-la từ Ngân hàng Thế giới.
Vậy làm thế nào các nhà quản lý của Ngân hàng này lại có thể tiếp tục hết lòng cung phụng tiền bạc cho những chế độ như vậy? Một phần của câu trả lời này là họ không được phép có lương tâm. David Dunn, chủ tịch đặc trách Ê-thi-ô-pi-a về vấn đề ngân hàng đã giải thích: “Những nét độc đáo về chính trị không phải là những điều mà hiến pháp của chúng ta cho phép được cân nhắc.”[14] Lê-nin từng nói rằng bạn phải xẻ ván mới đóng được thuyền. Geogre Bernard Shaw, một trong những nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của chủ nghĩa Pha-Biên đã nhấn mạnh điều này:
Bạn sẽ không phải chịu cảnh nghèo khó dưới chế độ chủ nghĩa xã hội. Lúc đó, bạn sẽ có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, giáo dục và việc làm theo cách ép buộc cho dù có thích điều đó hay không. Nếu bị phát hiện không có cá tính và không đủ chăm chỉ để nhận được tất cả những rắc rối này, bạn có thể sẽ bị “hành quyết” theo cách tử tế; nhưng nếu được phép sống thì bạn phải sống cho tốt.[15]
LÝ DO ĐỂ BÃI BỎ CỤC DỰ TRỮ LIÊN BANG
Ban lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Thế giới là một tổ chức tham gia tiến hành hoạt động kinh doanh hàng ngày cùng với các nhà lãnh đạo của chủ nghĩa xã hội. Trong những hoàn cảnh thích hợp, họ có thể dễ dàng chuyển đổi vai trò cho nhau. Vì vậy, điều chúng ta vừa nhìn thấy mới chỉ là hình ảnh duyệt trước của những gì được mong đợi cho cả thế giới nếu Trật tự Thế giới Mới theo hình dung này đi vào hoạt động.
IMF/Ngân hàng Thế giới chính là tổ chức được Cục Dự trữ Liên bang bảo trợ. Nó sẽ không tồn tại nếu không có dòng tiền đô-la Mỹ cũng như sự ưu ái của giới cầm quyền Hoa Kỳ. Như đã được khẳng định ngay từ đầu nghiên cứu này, đó chính là một trong những nguyên nhân khiến Cục Dự trữ Liên bang nên bị bãi bỏ.
TRỞ NÊN GIÀU CÓ BẰNG VIỆC ĐẤU TRANH CHỐNG NẠN NGHÈO ĐÓI
Trong khi các nhà lãnh đạo cấp cao và các nhà lý luận tại IMF và Ngân hàng Thế giới đều mơ về chủ nghĩa xã hội thế giới thì các nhà quản lý cấp trung và kẻ nắm quyền chính trị lại suy nghĩ về những mục đích trước mắt. Chế độ quan liêu đang chi phối quá trình này cũng như của cải và quyền lực, thế nên ý thức hệ tư tưởng không phải là mối bận tâm của họ.
Graham Hancock từng là giám sát viên sắc sảo của “ngành” cứu trợ quốc tế và thường tham dự các buổi hội nghị nên biết rất nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu. Trong cuốn sách Lords of Poverty (Tạm dịch: Những chúa tể của Nghèo đói), ông ta đã nói về các khoản nợ Điều chỉnh Cơ cấu của IMF như sau:
Các Bộ trưởng Tài chính tham nhũng và các tổng thống độc tài châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh đang sải bước trên những đôi giày đắt tiền của mình với sự hấp tấp không phù hợp để “được điều chỉnh”. Đối với những con người như vậy, hầu như chưa bao giờ họ có được tiền bạc dễ dàng như lúc này; không có dự án phức tạp nào cần quản lý cũng như không có tài khoản mờ ám nào cần duy trì, những kẻ vụ lợi, độc ác và xấu xa đang cười hỉ hả trên con đường hướng tới ngân hàng. Đối với họ, việc điều chỉnh cơ cấu giống như chuyện biến ước mơ thành sự thật vì họ không thực hiện bất kỳ sự hy sinh cá nhân nào. Tất cả những gì họ cần làm - nực cười nhưng là sự thật - là lừa đảo người nghèo và họ đã có rất nhiều kinh nghiệm về việc đó.[16]
Tại Ấn Độ, Ngân hàng Thế giới cấp vốn để xây dựng một con đập và việc này đã khiến hai triệu người phải chuyển chỗ ở, làm ngập 922 km² và nhấn chìm 32.400 héc-ta rừng bao phủ. Tại Bra-xin, Ngân hàng này cũng đã tiêu hàng tỷ đô-la để “phát triển” một phần của lưu vực sông Amazon và cấp vốn cho một loạt dự án thủy điện. Kết quả là nó đã tàn phá một khu vực rừng tương đương nửa diện tích của nước Anh và khiến cho rất nhiều người phải chịu đựng tình trạng khổ sở do chính sách tái định cư. Tại Kenya, mưu đồ thủy lợi Bura đã gây ra sự tàn phá khiến một phần năm dân bản địa phải rời bỏ mảnh đất quê hương mình với chi phí đền bù là 50.000 đô-la mỗi gia đình. Còn tại In-đô-nê-xi-a, chương trình di cư như đã nói trên đã phá hủy những cánh rừng nhiệt đới, trong khi đó, Ngân hàng Thế giới lại đang rót tiền cho các dự án tái trồng rừng. Và chi phí cho việc tái định cư mỗi gia đình lúc này là 7.000 đô-la - gấp mười lần thu nhập bình quân đầu người ở In-đô-nê-xi-a.
Các dự án chăn nuôi gia súc ở Bostwana đã dẫn đến sự tàn phá những cánh đồng cỏ và gây ra chết chóc cho hàng ngàn động vật di trú. Điều này khiến người dân bản địa không thể săn bắn, buộc họ phải phụ thuộc vào chính phủ để tồn tại. Trong khi Ni-gê-ri-a và Ác-hen-ti-na lại đang ngập trong nợ nần, hàng tỷ đô-la từ Ngân hàng Thế giới được rót vào việc xây dựng các thành phố mới tráng lệ để phục vụ cho các cơ quan chính phủ và nhóm người ăn trên ngồi trốc. Tại Zaire, Mê-hi-cô và Phi-líp-pin, các nhà lãnh đạo chính trị trở thành tỷ phú khi thay mặt nhân dân tiếp nhận các khoản vay của Ngân hàng Thế giới. Còn ở Cộng hòa Trung Phi, các khoản vay của IMF và Ngân hàng Thế giới được sử dụng vào việc tổ chức lễ tấn phong của hoàng đế nước này.
Bản báo cáo về tình trạng tham nhũng và lãng phí vẫn còn tiếp diễn. Nhưng điều thực sự khiến người ta bừng tỉnh là sự thất bại của các dự án vĩ đại đó - những thứ đã mang lại sự thịnh vượng cho những quốc gia kém phát triển, và trên đây mới chỉ là một vài ví dụ mà thôi.
BIẾN TIỀN THÀNH THẤT BẠI
Trước khi nhận các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, Tan-zan-ni-a không hề giàu có nhưng vẫn đủ chu cấp lương thực cho dân chúng và đạt được tăng trưởng về kinh tế. Sau khi tiếp nhận hơn ba tỷ đô-la tiền vay, Tan-zan-ni-a đã quốc hữu hóa các ngành nghề và trang trại của đất nước cũng như chuyển mọi doanh nghiệp thành cơ quan chính phủ. Tan-zan-ni-a đã xây dựng một nhà máy lắp ráp xe tải, một nhà máy sản xuất lốp, các nhà máy điện tử, đường cao tốc, cầu cảng, đường sắt và đập nước, sản xuất công nghiệp và sản lượng nông nghiệp của Tan-zan-ni-a giảm xuống gần một phần ba trong khi lương thực là mặt hàng xuất khẩu chính vào năm 1966. Đã có thời, lương thực phải được nhập khẩu, được thanh toán bằng viện trợ nước ngoài và các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới. Đất nước này đã rơi vào cảnh nợ nần tuyệt vọng mà không có cách nào để hoàn trả.
Ác-hen-ti-na từng là một trong những quốc gia có mức sống cao nhất ở khu vực Mỹ La-tinh. Nhưng về sau, nước này đã trở thành một quốc gia nhận viện trợ với những khoản vay khổng lồ từ Ngân hàng Thế giới cũng như các ngân hàng thương mại Mỹ. Năm 1982, Tổng sản phẩm Quốc dân (Gross National Product - GNP) đột nhiên giảm xuống, năng suất sản xuất giảm gần một nửa, hàng nghìn công ty tư nhân bị ép đến chỗ phá sản, nạn thất nghiệp tăng cao. Đến năm 1989, lạm phát tăng trung bình 5.000% và mùa hè năm đó đã đạt đỉnh 1.000.000%! Các ngân hàng đưa ra mức lãi suất tới 600% một tháng với hy vọng giữ cho những khoản tiền gửi không bị chuyển ra nước ngoài. Người dân bạo loạn trên các đường phố chỉ vì thiếu lương thực trong khi chính phủ lại đổ lỗi cho sự tham lam của các chủ cửa hàng trong việc tăng giá. Quốc gia này đã rơi vào cảnh nợ nần không lối thoát.
Bra-xin hoạt động dưới sự điều khiển của quân đội, còn nhà nước kiểm soát nền kinh tế. Các công ty thuộc sở hữu của chính phủ tiêu tốn 65% tổng vốn đầu tư công nghiệp, tức là lĩnh vực tư nhân chỉ giới hạn trong 35% và đang bị thu hẹp lại. Chính phủ đã sử dụng các khoản vay từ các ngân hàng Mỹ để xây dựng Petroleo Brasileiro S.A. - một công ty dầu lửa đã trở thành tập đoàn lớn nhất khu vực Mỹ La-tinh. Bất chấp các khoản tiền gửi khổng lồ cũng như giá dầu lửa tăng cao, công ty này vẫn kinh doanh thua lỗ và thậm chí không đủ khả năng sản xuất xăng dầu cho chính công dân nước mình. Đến năm 1990, lạm phát đạt mức 5.000%. Kể từ năm 1960, giá cả đã tăng cao tới 164.000 lần so với mức ban đầu. Một tội ác mới có tên gọi “hàng rào chống lạm phát” đã được phát minh và nhiều người đã bị bắt vì mua bán hàng hóa của họ theo giá cả thị trường tự do cũng như sử dụng vàng hoặc đồng đô-la thay tiền. Dân chúng lang thang trên các đường phố đã hét lên rằng: “Chúng tôi đói. Hãy lấy cắp những gì bạn có thể!” Quốc gia này cũng rơi vào cảnh nợ nần không lối thoát.
Những gì xảy ra ở Mê-hi-cô chính là bản sao của Bra-xin, ngoại trừ số tiền ở đây lớn hơn. Khi nguồn trữ lượng dầu lửa lớn thứ tư thế giới này được phát hiện thì cũng là lúc các chính trị gia Mê-hi-cô có được cơ hội kiếm chác. Với hàng tỷ đô-la vay mượn từ các ngân hàng Mỹ, họ đã tạo ra được Petroleos Mexicanos (PEMEX) và sớm trở thành nhà sản xuất dầu lửa lớn thứ năm thế giới. Họ cũng xây dựng các nhà máy hóa chất, đường sắt và nhiều dự án công nghiệp khác. Tuy nhiên, những tổ chức này lại được vận hành bởi các cơ quan phúc lợi xã hội chứ không phải các doanh nghiệp: quá nhiều nhân viên, nhà quản lý với mức lương quá cao, quá nhiều ngày nghỉ cùng với các khoản phúc lợi phi thực tế. Các dự án trở nên bấp bênh vì thiếu ngân sách. Hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân lâm vào cảnh phá sản và nạn thất nghiệp tăng cao. Chính phủ ra sức tăng lương tối thiểu khiến cho nhiều doanh nghiệp nữa phải phá sản và nạn thất nghiệp lại càng gia tăng. Điều này dẫn tới việc chính phủ phải chi trả nhiều khoản phúc lợi xã hội và trợ cấp thất nghiệp hơn. Để thực hiện điều đó, chính phủ đã phải vay mượn nhiều hơn và bắt đầu tạo ra tiền pháp định của riêng mình. Kết quả là lạm phát đã phá hủy những gì còn sót lại của nền kinh tế nước này.
Bước tiếp theo là kiểm soát giá cả cùng với các khoản trợ cấp tiền thuê đất đai, lương thực và việc tăng gấp đôi mức lương tối thiểu. Năm 1982, người dân Mê-hi-cô đã đổi đồng pê-sô của mình sang đồng đô-la và gửi tiết kiệm ở nước ngoài do đồng pê-sô thực sự không còn giá trị trong thương mại.[17] Năm 1981, mức lương bình quân của các công nhân Mê-hi-cô bằng 31% so với mức lương trung bình của người Mỹ. Nhưng tới năm 1989, con số đó đã giảm xuống còn 10%. Từng là một trong những nước xuất khẩu lương thực quan trọng trên thế giới, Mê-hi-cô lại đang phải yêu cầu được nhập khẩu hàng tấn lương thực trị giá hàng tỷ đô-la. Điều này đòi hỏi phải vay mượn thêm nhiều hơn nữa. Tất cả những điều này diễn ra trong khi giá dầu lửa vẫn cao và sản lượng tăng vọt. Một vài năm sau, khi giá dầu lửa xuống thấp, những thất bại và thâm hụt thậm chí còn kịch tính hơn.
Năm 1995, các khoản vay ngân hàng của Mê-hi-cô lại một lần nữa bên bờ vực vỡ nợ và những người nộp thuế Mỹ lại bị Quốc hội kéo vào để chi trả cho hơn 30 tỷ đô-la tiền đang gặp rủi ro. Cuối cùng, mặc dù khoản vay này đã được hoàn trả nhưng số tiền để thực hiện điều đó đã được rút từ người dân Mê-hi-cô thông qua một vòng lạm phát quy mô lớn khác, thứ đã đẩy mức sống của họ xuống thấp hơn nữa. Giờ đây, quốc gia này đã bị sa lầy trong tuyệt vọng. Sau khi rót hàng tỷ đô-la vào các quốc gia kém phát triển khắp toàn cầu, không có sự phát triển nào diễn ra nữa. Trên thực tế, chúng ta chỉ toàn nhìn thấy những điều trái ngược vì hầu hết các nước đều trở nên tồi tệ hơn cả trước khi Những vị cứu tinh của Thế giới tìm đến họ.
TỔNG KẾT
IMF và Ngân hàng Thế giới được thành lập tại cuộc họp của các nhà tài phiệt và chính trị gia trên toàn thế giới được tổ chức tại Bretton Woods, New Hampshire vào năm 1944. Mục đích được thông báo của những tổ chức này là tạo điều kiện thuận tiện cho thương mại quốc tế cũng như ổn định tỷ giá hối đoái của các loại tiền tệ quốc gia. Còn những mục đích không được thông báo lại hoàn toàn khác. Đó là loại bỏ chế độ bản vị hối đoái vàng và thiết lập chủ nghĩa xã hội thế giới.
Phương pháp được sử dụng để loại bỏ vàng trong thương mại quốc tế là thay thế nó bằng một đơn vị tiền tệ thế giới do IMF - một tổ chức hoạt động như ngân hàng trung ương thế giới - tạo ra từ không khí. Còn phương pháp thiết lập chủ nghĩa xã hội thế giới là sử dụng Ngân hàng Thế giới để chuyển tiền - được ngụy trang thành những khoản vay - cho chính phủ của những quốc gia kém phát triển nhằm đảm bảo việc loại bỏ tự do mậu dịch.
Các nhà lý luận điều khiển Hội nghị tại Bretton Woods chính là John Maynard Keynes, nhà kinh tế học nổi tiếng theo chủ nghĩa Pha-Biên ở Anh và Harry Dexter White, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người sau này trở thành Giám đốc Điều hành đầu tiên của Mỹ tại IMF.
Những người theo chủ nghĩa Pha-Biên là một nhóm trí thức tinh anh thống nhất với những người theo chủ nghĩa xã hội về mục đích của chủ nghĩa xã hội nhưng lại bất đồng về các sách lược hành động. Thế nên, trong khi những người theo chủ nghĩa xã hội chủ trương xây dựng chế độ bằng cách mạng thì những người theo chủ nghĩa Pha-Biên lại ủng hộ phương thức cải cách từ từ và dịch chuyển xã hội thông qua pháp chế.
Nhiều năm sau, người ta phát hiện ra rằng Harry Dexter White chính là thành viên của nhóm hoạt động tình báo theo chủ nghĩa xã hội. Do đó, ẩn đằng sau những gì nhìn thấy là một vở kịch phức tạp với hai nhà sáng lập trí thức của Bretton Woods gồm một người theo học thuyết Pha-Biên và người kia theo chủ nghĩa xã hội, cùng phối hợp với nhau để tạo ra mục đích chung: chủ nghĩa xã hội thế giới.
Nguồn vốn dành cho IMF và Ngân hàng Thế giới đều được lấy từ các quốc gia công nghiệp hóa, trong đó Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất. Các loại tiền tệ như đô-la, yên, mác hay phờ-răng đều được gia tăng khối lượng lên nhiều lần dưới dạng “các khoản tín dụng”. Nhưng đây chỉ là lời hứa của chính phủ các quốc gia thành viên để lấy được tiền từ người nộp thuế nước mình nếu Ngân hàng gặp rắc rối với các khoản vay.
IMF dần biến thành ngân hàng trung ương của thế giới với Ngân hàng Thế giới là cánh tay phải của nó. IMF đã trở thành cỗ máy chuyển của cải đến những quốc gia kém phát triển. Điều này đã làm giảm mức phát triển kinh tế của những nước viện trợ nhưng lại không làm gia tăng mức phát triển kinh tế của những nước nhận viện trợ.
Chú thích:
[1] Tiền đến từ đâu, và đã đi đâu (Money: Whence It Came, Where It Went) - John Kenneth Galbraith (Boston: Houghton Mifflin, 1975), trang 258, 259.
[2] Keynes được mô tả như người theo chủ nghĩa tự do. Để biết thêm thông tin chi tiết về mối quan hệ của ông với những người ủng hộ chủ nghĩa Pha-Biên và công việc của họ, hãy tham khảo Xa lộ Pha-Biên: Con đường lớn dẫn đến chủ nghĩa xã hội tại Mỹ (Fabian Freeway: High Road to Socialism in the U.S.A) - Rose Martin (Boston: Western Islands, 1966).
[3] Tham khảo Sự lừa dối vĩ đại: Khoa học xã hội giả tạo (The Great Deceit: Social Pseudo-Sciences) của Zygmund Dobbs (West Sayville, New York: Veritals Foundation, 1964), trước trang 1. Đồng thời tham khảo Xa lộ Pha-Biên: Con đường lớn dẫn đến chủ nghĩa xã hội tại Mỹ (Fabian Freeway: High Road to Socialism in the U.S.A) của Rose L. Martin (Boston: Western Islands, 1966), trang 30, 31.
[4] Tham khảo Harry Dexter White: Một nghiên cứu về nghịch lý (Harry Dexter White: A Study in Paradox) của David Rees (New York: Coward, McCann & Geoghegan, 1973); Nhân chứng (Witness) của Whittaker Chambers (New York: Random House, 1952); Lời khai man: Vụ Hiss-Chambers (Perjury: The Hiss-Chambers Case) của Allen Weinstein (New York: Vintage Books, 1978); Mạng lưới phá hoại: Hệ thống ngầm trong chính phủ Mỹ (The Web of Subversion: Underground Networks in the U.S. Government) của James Burnham (New York: The John Day Co., 1954); Thoát khỏi tù tội (Out of Bondage) của Elizabeth Bentley (New York: Devin-Adair, 1951).
[5] Thư từ tài liệu thu thập được của John Maynard Keynes (The Collected Writtings of John Maynard Keynes) - tái bản năm 1930, New York: Macmillan, 1971, trang XX.
[6] Khi ngân hàng của bạn phá sản (When Your Bank Fails) của Dennis Turner (Princeton, New Jersey: Amwell Publishing, Inc., 1983), trang 32.
[7] Quan điểm của tác giả là đã đến lúc các chính trị gia nên cởi bỏ bộ quần áo Chú Sam. Điều này nói dễ hơn làm bởi vì người Mỹ vẫn thích các khoản trợ cấp theo chủ nghĩa bảo hộ của mình: các biểu thuế bảo vệ các nhà kinh doanh, mức lương tối thiểu và chủ nghĩa công đoàn bắt buộc để bảo vệ người lao động, các chỉ tiêu vô thần để ngầm bảo vệ những kẻ thua thiệt, các chương trình bảo hiểm nhân thọ, trợ cấp thất nghiệp, đãi ngộ thương tật, các biện pháp về an toàn và môi trường tuyệt đối mà không quan tâm đến chi phí. Tự do mậu dịch có thể và sẽ tạo ra tất cả những lợi ích này để cạnh tranh vì quyền lợi của cả người mua lẫn người lao động. Nhưng, chừng nào những biện pháp này vẫn mang tính bắt buộc và được chọn làm nền tảng để phổ biến chính trị mà không quan tâm tới hậu quả kinh tế thì nền công nghiệp Mỹ sẽ không bao giờ đủ khả năng hồi phục. Và khi đó, không một lợi ích viển vông nào còn được duy trì.
[8] “Làm cách nào ‘các chuyên gia’ lại gây ra Cuộc khủng hoảng Nợ Thế giới thứ ba” của Paul Craig Roberts, Business Week, ngày 2 tháng 11 năm 1987.
[9] “Quỹ tiền tệ quốc tế IMF” của Ken S. Ewert, The Freeman, tháng Tư năm 1989, trang 157, 158.
[10] “IMF kê đơn cho nền kinh tế yếu kém”, Insight, ngày 9 tháng 2 năm 1987, trang 14.
[11] “Ê-thi-ô-pi-a ngăn cản đoàn viện trợ” của Blaine Harden, Washington Post, ngày 3 tháng 12 năm 1985, trang A-21.
[12] “Cứu trợ nạn đói: Có phải chúng ta đã bị lừa?” của Bác sĩ Rony Brauman, Reader’s Digest, tháng Mười năm 1986, trang 71.
[13] Ngân hàng Thế giới và Người nghèo trên thế giới (The World Bank vs. The World’s Poor) - James Bovard, Phân tích chính sách Cato (Washington, D.C.: Cato Institute, 1987), trang 4-6.
[14] “Trang bị Ngân hàng Thế giới cho các nước phương Tây”, Insight, ngày 9 tháng 2 năm 1987, trang 8.
[15] Cẩm nang tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản dành cho phụ nữ thông minh (The Intelligent Woman’s Guide to Socialism and Capitalism) của George Bernard Shaw, (1928; New Brunswick in lại, New Jersey: Transaction Books, 1984), trang 470.
[16] Chúa tể của sự nghèo đói: Thế lực, đặc quyền và sự mục rữa của ngành kinh doanh cứu trợ quốc tế (Lords of Poverty: The Power, Prestige, and Corruption of the International Aid Business) - Graham Hancock (New York: Atlantic Monthly Press, 1989), trang 59, 60.
[17] Những ngân hàng Mỹ đang tạo ra các khoản cho vay cũng chính là những ngân hàng đang cầu xin nguồn vốn nóng này và cuối cùng là nhận được chính những khoản tiền gửi mà họ vừa cho vay. Đó là vụ làm ăn tốt đẹp theo cả hai chiều.
Chương 6
Xây dựng trật tự thế giới mới
Trò chơi có tên gọi Sự cứu trợ kinh tế đã được kiểm tra và chứng minh là vượt ra khỏi giới hạn của phương tiện được dùng vào việc lấy tiền từ những người nộp thuế để bù vào chi phí của những khoản vay xấu; lối chơi cuối cùng được bộc lộ như một hành động sáp nhập tất cả các quốc gia thành chính phủ thế giới; chiến lược được triển khai theo cách như đã được áp dụng đối với Pa-na-ma, Mê-hi-cô, Bra-xin, Ác-hen-ti-na, Trung Quốc, Đông Âu và Nga.
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại với trò chơi có tên gọi sự cứu trợ kinh tế. Mọi thứ ở chương trước chỉ là thông tin cơ bản để hiểu được trò chơi khi nó diễn ra trên đấu trường quốc tế. Cuối cùng, đây là luật chơi:
1. Được đảm bảo bởi các ngân hàng trung ương tương ứng của mình, các ngân hàng thương mại tại những quốc gia công nghiệp hóa đã tạo ra tiền từ không khí và cho chính phủ các nước kém phát triển vay. Các ngân hàng này đều biết rằng đó là những khoản vay rủi ro vì vậy đã đưa ra mức lãi suất đủ cao để bù lại, thậm chí còn nhiều hơn cả những gì họ mong đợi nhận được về lâu dài.
2. Khi các quốc gia kém phát triển không thể trả được lãi suất cho các khoản vay của mình, IMF và Ngân hàng Thế giới liền tham gia trò chơi như những người chơi và trọng tài. Bằng việc sử dụng khoản tiền bổ sung do các ngân hàng trung ương của những quốc gia thành viên tạo ra từ không khí, hai tổ chức này chuyển những khoản vay “phát triển” đến những quốc gia có đủ tiền để thanh toán lãi cho những khoản vay gốc cũng như đủ để dành cho những mục đích chính trị của chính quốc gia đó.
3. Nước nhận viện trợ nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn cung ứng tiền mới và cuộc chơi chuyển sang giai đoạn thứ hai. Tuy nhiên, lần này, các khoản vay mới sẽ được bảo đảm bởi Ngân hàng Thế giới và ngân hàng trung ương của các nước công nghiệp hóa. Giờ đây, rủi ro vỡ nợ đã được loại bỏ, các ngân hàng thương mại đồng ý giảm lãi suất xuống mức đã được dự kiến ban đầu. Chính phủ của những nước mắc nợ lại tiếp tục các khoản thanh toán.
4. Lối chơi cuối cùng là - đúng vậy, trong phiên bản này của trò chơi, dường như không hề có lối chơi cuối cùng bởi kế hoạch đặt ra là phải duy trì trò chơi mãi mãi. Quả thực, để làm được điều đó, mọi thứ nhất định phải diễn ra như là lối chơi cuối cùng, bao gồm việc chuyển IMF thành ngân hàng trung ương thế giới như Keynes từng lên kế hoạch, nơi sau đó sẽ phát hành ra tiền pháp định quốc tế. Một khi “Ngân hàng Phát hành” xuất hiện thì IMF có thể thu được những nguồn tiền bất tận từ các công dân thế giới thông qua loại thuế ngầm gọi là lạm phát. Sau đó, luồng tiền có thể được duy trì vô hạn định - dù có được các quốc gia này phê chuẩn hay không - bởi họ sẽ nhanh chóng không còn nguồn tiền tệ riêng của quốc gia mình.
Vì cuộc chơi này gây ra sự chảy máu của cải từ các quốc gia công nghiệp nên nền kinh tế của những quốc gia này ngày càng trở nên sa sút và ảm đạm hơn - một quy trình đã liên tục diễn ra từ sau Hội nghị Bretton Woods. Kết quả là mức sống của người dân bị hạ thấp trầm trọng. Sự thật ẩn sau những khoản vay được gọi là phát triển này là nước Mỹ và các quốc gia công nghiệp hóa khác đang bị quá trình đó làm cho biến chất. Điều này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà chính là bản chất của kế hoạch đó. Một cường quốc chắc chắn không bao giờ muốn nhượng bộ chủ quyền của mình. Người dân Mỹ sẽ chẳng bao giờ đồng ý chuyển giao hệ thống tiền tệ, quân đội, tòa án của mình cho một hội đồng thế giới được tạo nên từ những chính phủ đã tàn bạo với chính người dân nước mình, đặc biệt khi hầu hết những chế độ đó đã bộc lộ thái độ thù địch chống lại nước Mỹ. Nhưng nếu người dân Mỹ bị đẩy tới chỗ buộc phải đối mặt với sự sụp đổ của nền kinh tế cũng như sự thất bại trong trật tự dân chúng, mọi thứ sẽ trở nên khác biệt. Khi đứng xếp hàng chờ mua bánh mì và đối mặt với tình trạng hỗn loạn trên đường phố, họ mới sẵn sàng từ bỏ chủ quyền của mình nhằm đổi lấy “sự hỗ trợ” của Ngân hàng Thế giới và lực lượng “gìn giữ hòa bình” của Liên Hợp quốc.
LỐI CHƠI CUỐI CÙNG
Mặt khác, những quốc gia chưa phát triển đều không phát triển được. Những gì đang diễn ra với họ là các nhà lãnh đạo chính trị của những quốc gia này đang trở thành con nghiện đối với dòng tiền của IMF và sẽ không thể dứt bỏ được thói quen đó. Những quốc gia này giờ đây đang bị tiền chế ngự thay cho vũ khí. Điều đó khiến họ không còn là các quốc gia độc lập thực sự mà dần trở thành một phần của hệ thống chủ nghĩa xã hội thế giới do Harry Dexter White và John Maynard Keynes vạch ra. Các nhà lãnh đạo của họ đang được định hướng trở thành những ông vua chuyên quyền trong một chế độ phong kiến công nghệ cao, mới mẻ thể hiện lòng tôn kính những Vị chúa tể của mình ở New York. Và họ vô cùng háo hức làm được điều đó để đổi lấy đặc ân và quyền lực trong “Trật tự Thế giới Mới”. Đó chính là lối chơi cuối cùng.
Một trong những người Mỹ đầu tiên ủng hộ chủ nghĩa xã hội trên phạm vị toàn cầu - kể cả việc thất thoát của cải từ nước Mỹ “giàu có” - chính là John F. Kennedy. Rõ ràng, ông ta đã biết về khái niệm này trong thời gian học tập tại Trường Kinh tế Pha-Biên Luân đôn từ năm 1935 đến 1936 trước khi thân phụ mình được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Anh.[1] Khi đã trở Tổng thống, John F. Kennedy vẫn tiếp tục thể hiện sự ảnh hưởng sâu sắc của chương trình đào tạo đó đối với quan điểm chính trị của bản thân. Tháng chín năm 1963, ông đã phát biểu trước các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương đến từ 102 quốc gia tại cuộc họp thường niên của IMF/Ngân hàng Thế giới và giải thích về khái niệm chủ nghĩa xã hội thế giới bằng những từ ngữ hết sức sôi nổi:
Hai mươi năm trước, khi các kiến trúc sư của những tổ chức này gặp nhau để thiết kế ra cấu trúc ngân hàng quốc tế, đời sống kinh tế của thế giới đã bị phân cực quá mạnh và thậm chí còn đáng báo động, cụ thể ở Mỹ… Sáu mươi phần trăm nguồn dự trữ vàng của thế giới đều nằm ở Mỹ… cần có sự phân phát lại các nguồn tài chính của thế giới… Có nhu cầu như nhau để tổ chức được dòng vốn cho những quốc gia bần cùng hóa của thế giới. Tất cả điều này giờ đã sẵn sàng. Đó hoàn toàn không phải do cơ hội mà do nhận thức, suy nghĩ thận trọng và trách nhiệm được dự định từ trước mang lại.[2]
HỘI ĐỒNG QUAN HỆ QUỐC TẾ (CFR) THIẾT LẬP CHIẾN LƯỢC
Bộ tham mưu trong việc triển khai kế hoạch Pha-Biên ở Mỹ được gọi là Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations - CFR). Chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong các chương sau, nhưng điều quan trọng lúc này là cần phải biết rằng hầu như tất cả các thành viên của ban lãnh đạo nước Mỹ đều xuất thân từ nhóm nhỏ này. Nó chính là nơi hội tụ của các vị tổng thống và các cố vấn của họ, thành viên nội các, các vị đại sứ, thành viên hội đồng của Cục Dự trữ Liên bang, giám đốc các ngân hàng và tổ chức đầu tư địa ốc lớn nhất, hiệu trưởng các trường đại học cùng các ông chủ của những tờ báo, dịch vụ truyền thông và mạng lưới truyền hình quốc gia.[3] Quả thật, chẳng ngoa chút nào khi mô tả nhóm nhỏ này như một chính phủ ngầm của nước Mỹ.
Các thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế này chẳng bao giờ thấy hổ thẹn khi nói tới việc làm suy yếu nước Mỹ như một bước đi cần thiết để đạt được lợi ích lớn hơn trong việc xây dựng chính phủ thế giới. Một trong những nhà sáng lập Hội đồng này là John Foster Dulles, người về sau được Dwight Eisenhower, thành viên của Hội đồng, bổ nhiệm làm Ngoại trưởng. Năm 1939, chính Dulles đã nói rằng:
Như thường xảy ra trong thế giới ngày nay, hệ thống chủ quyền cần phải được điều chỉnh giảm hoặc cân bằng… nhằm gây bất lợi tức thì cho những nước đang nắm giữa quyền lực vượt trội. Sự thiết lập đồng tiền chung… sẽ tước đi quyền kiểm soát tuyệt đối của chính phủ chúng ta đối với đồng tiền của quốc gia… Nước Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh sau này để thiết lập một trật tự kinh tế - chính trị thế giới nhằm cân bằng những bất bình đẳng về cơ hội kinh tế đối với các quốc gia.[4]
Zbigniew Brzezinski - một thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế - lúc này là cố vấn an ninh quốc gia cho Jimmy Carter - cũng là thành viên của tổ chức này. Năm 1973, Brzezinski viết:
Sự hợp tác quốc tế nhất định đã đạt được, song sự phát triển sau này của tiến trình sẽ đòi hỏi nước Mỹ phải hy sinh nhiều hơn nữa, nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc định hình một cơ cấu tiền tệ thế giới mới, với hậu quả là vị trí tương đối thuận lợi hiện nay của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với những rủi ro nhất định.[5]
Mùa xuân năm 1983, tại Hội nghị thượng đỉnh về kinh tế ở Williamsburg, Virginia, Tổng thống Ronald Reagan đã tuyên bố:
Các nền kinh tế quốc gia cần có những cơ chế bố trí tiền tệ và đó là lý do vì sao nền kinh tế thế giới hợp nhất cần có một hệ thống tiền tệ chung… Song, không một hệ thống tiền tệ quốc gia nào có thể thực hiện được điều đó, ngoại trừ một hệ thống duy nhất là hệ thống tiền tệ thế giới.
Chiến lược của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR) về sự hội tụ của các hệ thống tiền tệ trên thế giới đã được Richard N. Cooper - Giáo sư trường Havard, một thành viên CFR, người đã từng là Thứ trưởng Ngoại giao về Vụ Kinh tế dưới thời Carter - trình bày như sau:
Tôi đề xuất một kế hoạch thay đổi triệt để cho thế kỷ tới: tạo ra một đơn vị tiền tệ chung cho tất cả các nền dân chủ công nghiệp với một chính sách tiền tệ chung và một Ngân hàng phát hành chung để quyết định chính sách đó… Làm cách nào các quốc gia độc lập có thể thực hiện được điều này? Họ cần phải trao quyết định về chính sách tiền tệ cho một tổ chức siêu quốc gia.
Vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về việc liệu dân chúng Mỹ có thể chấp nhận rằng những quốc gia có chế độ chuyên quyền đàn áp nên bầu chọn cho chính sách tiền tệ nào ảnh hưởng đến các điều kiện tiền tệ của nước Mỹ… Để bước đi táo bạo đó phát huy tác dụng, cần phải giả định về một sự hội tụ nhất định của các giá trị chính trị…[6]
Những cụm từ như: các cơ chế bố trí tiền tệ, trật tự kinh tế thế giới hiện đại, sự hội tụ của các giá trị chính trị hoặc trật tự thế giới mới hoàn toàn không mang tính cụ thể. Đối với một người bình thường, những cụm từ này nghe vui tai và vô hại. Tuy nhiên, đối với những người trong cuộc, chúng là những từ ngữ được mã hóa với ý nghĩa rõ ràng: sự kết thúc chủ quyền quốc gia và sự hình thành chính phủ thế giới. Richard Gardner, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế - một cố vấn khác của Tổng thống Carter - đã giải thích ý nghĩa của những cụm từ này và đồng thời kêu gọi cho chiến lược về gian lận và cải cách từ từ theo học thuyết Pha-Biên:
Nói tóm lại, “ngôi nhà của trật tự thế giới” sẽ phải được xây dựng từ dưới lên… Một kiểu lừa bịp quanh vấn đề chủ quyền quốc gia, tức là bằng cách ăn mòn nó từng chút một, sẽ hiệu quả nhiều hơn so với kiểu tấn công trực diện theo mô hình cũ.[7]
Đối với sự suy yếu được lập trình sẵn của nền kinh tế Mỹ, Samuel Huntington, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế biện luận rằng, nếu giáo dục đại học được xem là điều đáng mơ ước đối với đa số dân chúng thì “cần có một chương trình để hạ thấp mức kỳ vọng về việc làm đối với những người được đào tạo ở bậc cao đẳng”.[8] Paul Volcker, thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế và là cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, đã nói: “Mức sống trung bình của người Mỹ cần phải giảm xuống… Tôi không nghĩ các bạn có thể trốn tránh được điều đó.”[9]
Năm 1993, Volcker đã trở thành chủ tịch của ủy ban Ba bên (Trilateral Commission - TLC), một ủy ban do David Rockefeller tạo ra để hỗ trợ việc xây dựng Trật tự Thế giới Mới phù hợp với chiến lược của Gardner: “Một kiểu lừa bịp quanh vấn đề chủ quyền quốc gia bằng cách ăn mòn nó từng chút một.” Mục đích là để lôi kéo Mỹ, Mê-hi-cô, Ca-na-đa, Nhật Bản và Tây Âu thành một liên minh kinh tế - chính trị. Dưới những khẩu hiệu như tự do thương mại và bảo vệ môi trường, từng quốc gia sẽ phải chấp nhận từ bỏ chủ quyền của mình “từng chút một” cho đến khi xuất hiện một chính phủ theo khu vực mạnh mẽ được hình thành từ quá trình này. Chính phủ mới sẽ kiểm soát các điều kiện làm việc, mức lương và thuế của từng quốc gia. Một khi điều đó xảy ra, bước đơn giản, tiếp theo là sáp nhập các chính phủ khu vực thành chính phủ toàn cầu. Đó chính là sự thật đằng sau những cái gọi là hiệp ước thương mại trong Khối Liên minh châu Âu (European Union - EU), Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement - NAFTA), Hiệp định Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC) và Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (Genaral Agreement on Tariffs and Trade - GATT), những tổ chức chẳng mấy liên quan đến thương mại. Trong báo cáo thường niên năm 1993 của ủy ban Ba bên, Volcker đã giải thích:
Sự tương thuộc đang thúc đẩy các quốc gia của chúng ta hướng đến quá trình hội tụ tại những khu vực đã từng được xem là hoàn toàn trong tầm quan sát nội địa. Một số khu vực này có liên quan đến chính sách điều chỉnh của chính phủ, chẳng hạn như các tiêu chuẩn về môi trường, đối xử công bằng với người lao động và hệ thống thuế.[10]
Năm 1992, ủy ban Ba bên đã công bố một báo cáo được thực hiện cùng với Toyoo Gyohten - chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Tokyo và là cựu Bộ trưởng Tài chính về Các vấn đề Quốc tế của Nhật Bản. Gyohten từng giành được học bổng Fulbright khi còn theo học ở Princeton và đã giảng dạy tại Trường Kinh doanh Harvard. Ông cũng từng phụ trách tổ đặc trách vấn đề Nhật Bản của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Nói tóm lại, ông đại diện cho lợi ích tiền tệ của Nhật Bản trong Trật tự Thế giới mới. Trong bản báo cáo này, Gyohten đã giải thích rằng tầm quan trọng thực sự của các hiệp định thương mại không phải là thương mại mà là xây dựng chính phủ toàn cầu:
Các hiệp định thương mại khu vực không nên được nhìn nhận như mục đích mà chỉ là những phần bổ sung vào quá trình tự do hóa toàn cầu… Các hiệp định khu vực đưa ra các mô hình hoặc các miếng ghép để gia tăng hoặc củng cố chủ nghĩa toàn cầu hóa… Tây Âu [các nước thuộc EU] là nơi thể hiện chủ nghĩa khu vực một cách chân thật nhất… Các bước hướng đến việc củng cố [gia tăng số lượng hiệp định] thực sự gây ấn tượng và không thể thay đổi được… Một đơn vị tiền tệ chung… ngân hàng trung ương… tòa án và quốc hội - sẽ có nhiều quyền hạn hơn… Sau hội nghị thượng đỉnh Maastricht [tên một thành phố ở Hà Lan nơi tổ chức sự kiện này], một bài xã luận trên tờ Economist đã nhận định: “Hãy gọi nó bằng bất kỳ tên nào bạn muốn, dù sao thì nó vẫn là chính phủ liên bang.”… Tóm lại, quá trình hợp nhất khu vực ở châu Âu có thể được xem như bài tập thực hành về việc dựng nước.[11]
Áp dụng cùng viễn cảnh này đối với hiệp ước NAFTA, Henry Kissinger - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao đồng thời là thành viên của CFR - đã nói đó “không phải là hiệp ước thương mại thông thường mà là kiến trúc của một hệ thống quốc tế mới… bước quan trọng đầu tiên cho một kiểu cộng đồng mới của các quốc gia.” Bài báo chứa đựng tuyên bố này được giật tít hết sức chính xác: “Với NAFTA, nước Mỹ cuối cùng cũng đã tạo ra được trật tự Thế Giới Mới”.[12] Bản thân David Rockefeller (thành viên của CFR) thậm chí còn tỏ ra mạnh mẽ hơn. Ông nói rằng đó là “tội ác” nếu không thông qua hiệp định bởi vì: “Sau 500 năm, mọi thứ đều đã sẵn sàng để xây dựng một ‘thế giới mới’ ở Tây Bán cầu.”[13]
Đầu năm 1994, sự thay đổi hướng đến Trật tự Thế giới Mới đã trở nên gấp rút. Ngày 15 tháng Tư, chính phủ Morocco đã đăng một trang quảng cáo trên New York Times để kỷ niệm sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organzation - WTO) - tổ chức được thành lập thông qua lễ ký kết Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) diễn ra ở thành phố Morocco, Marrakech. Trong khi người Mỹ vẫn được thông báo rằng GATT đơn thuần chỉ là hiệp định “thương mại” thì những người theo chủ nghĩa quốc tế lại đang kỷ niệm một khái niệm lớn hơn nhiều. Chính trang quảng cáo đã thể hiện rõ điều đó bằng những từ ngữ không lẫn vào đâu được:
1944, Bretton Woods: IMF và Ngân hàng Thế giới
1945, San Francisco: Liên Hợp Quốc
1994, Marrakech: Tổ chức Thương mại Thế giới
Lịch sử biết được nơi mình đang hướng tới… Tổ chức Thương mại Thế giới, trụ cột thứ ba của Trật tự Thế giới Mới, cùng với Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.[14]
NHÌN LƯỚT QUA HOẠT ĐỘNG BÊN TRONG
Như vậy là có quá nhiều thứ dành cho lối chơi cuối cùng. Bây giờ, chúng ta hãy quay trở lại với trò chơi có tên gọi sự cứu trợ kinh tế vì nó thực sự đang diễn ra trên đấu trường quốc tế. Chúng ta hãy cùng bắt đầu bằng cách nhìn lướt qua hoạt động bên trong Nội các phủ Tổng thống. Trong cuốn hồi ký của mình, James Watt - Bộ trưởng Bộ Nội vụ thuộc chính quyền Regan - đã mô tả một tình tiết tại một cuộc họp Nội các diễn ra vào mùa xuân năm 1982. Những mục đầu tiên của chương trình nghị sự là các bản báo cáo của Donald Regan, Bộ trưởng Tài chính và David Stockman, Giám đốc Ngân sách tập trung vào những vấn đề mà các quốc gia kém phát triển đang phải đối mặt với các khoản vay ngân hàng của mình, Watt nói:
Bộ trưởng Regan tiếp tục giải thích về sự bất lực của những quốc gia nghèo túng đó trong việc chi trả lãi suất cho các khoản vay từ các ngân hàng riêng lẻ như Bank of America, Chase Manhattan và Citibank. Còn Tổng thống thì được thông báo về những hành động mà nước Mỹ “phải” thực hiện để cứu lấy tình trạng này.
Sau những trình bày ngắn gọn của Regan và Stockman, có vài phút thảo luận trước khi tôi đưa ra câu hỏi, “Có ai tin tưởng rằng những nước kém phát triển này sẽ có đủ khả năng hoàn trả lại tiền vốn của những khoản vay đó?” Khi không một ai lên tiếng, tôi lại hỏi tiếp: “Nếu những khoản vay đó không bao giờ được hoàn trả thì tại sao chúng ta lại cứu trợ kinh tế cho những nước này cũng như dàn xếp khoản thanh toán tiền lãi của họ?”
Ngay lập tức, có một số vị đưa ra câu trả lời: “Nếu chúng ta không dàn xếp những khoản thanh toán lãi suất của họ thì những khoản vay đó sẽ trở thành nợ phải trả và điều đó có thể khiến các ngân hàng Mỹ bị lâm nguy.” Các khách hàng sẽ bị mất tiền của mình chăng? Câu trả lời là Không, nhưng các cổ đông có thể phải chịu mất những khoản cổ tức.
Vô cùng sửng sốt, tôi ngả lưng vào chiếc ghế bành bằng da, rộng rãi của mình, cách chỗ ngồi của Tổng thống Mỹ hai ghế. Tôi nhận ra rằng không có gì trên thế giới này có thể ngăn cản được những quan chức chính phủ cấp cao kia khỏi việc tranh giành để bảo vệ và cứu trợ kinh tế cho một vài ngân hàng lớn đang gặp rắc rối nghiêm trọng của Mỹ.[15]
PANAMA
Điểm số quan trọng đầu tiên của trò chơi này được tạo ra dưới thời Carter khi Panama chậm thanh toán các khoản vay của mình. Một tổ hợp ngân hàng bao gồm Chase Manhattan, First National ở Chicago và Citibank liền gây sức ép buộc Washington trao trả lại Kênh đào cho chính phủ Panama để nước này có thể sử dụng lợi nhuận từ đó nhằm trả lãi cho các khoản vay của mình. Mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía người dân Mỹ nhưng Thượng viện đã nhượng bộ trước sức ép nội bộ và thông qua hiệp ước trao trả. Ngay lập tức, chính phủ Panama được thừa hưởng 120 tỷ đô-la lợi tức hàng năm từ kênh đào này cũng như khôi phục được các khoản thanh toán lãi cho các ngân hàng. Như Nghị sĩ Quốc hội Philip Crane đã quan sát:
Tại thời điểm diễn ra cuộc đảo chính của tướng Torrijor nhằm lật đổ chính quyền Arnulfo Arias Madrid, tổng khoản nợ nước ngoài chính thức của Panama vẫn ở mức có thể quản lý được với 167 triệu đô-la theo quy chuẩn thế giới. Dưới thời Torrijos, khoản nợ này tăng vụt lên gần một nghìn phần trăm thành một khoản tiền lớn tới 1,5 tỷ đô-la. Lúc này, tỷ suất dịch vụ-nợ tiêu tốn ước tính 39% tổng ngân sách của Panama… Song thực tế, có vẻ như những gì chúng ta thấy ở đây không chỉ là hỗ trợ cho một tên độc tài nhãi nhép dưới hình thức các khoản viện trợ mới và các khoản lợi tức hàng năm mà các hiệp ước sẽ tạo ra cho chế độ Torrijos, mà còn là sự cứu trợ kinh tế cho một số ngân hàng - những đơn vị đúng ra nên đầu tư vào Panama và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên chối bỏ trách nhiệm về việc đã làm như vậy.[16]
Cuộc cứu trợ kinh tế Panama quả là lối chơi độc đáo. Không một quốc gia nào lại đem cho một tài sản đang tạo ra tạo lợi nhuận, vì thế, từ đó về sau, sự cứu trợ kinh tế sẽ chỉ có liên quan đến tiền. Để chuẩn bị cho đợt cứu trợ này, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Kiểm soát Tiền tệ (Monetary Control Act) năm 1980 nhằm cho phép Dự trữ Liên bang “đúc tiền từ khoản nợ nước ngoài”. Còn nói theo ngôn ngữ của các ông chủ ngân hàng thì lúc này, Cục Dự trữ Liên bang được toàn quyền tạo ra tiền từ không khí để phục vụ cho chính phủ các nước khác. Do đó, Cục Dự trữ Liên bang xem các khoản nợ này như “tài sản” và sau đó dùng chúng như các khoản ký quỹ nhằm tạo ra càng nhiều tiền hơn ở Mỹ. Đó thực sự là một sự mở rộng mang tính cách mạng về quyền lực của Cục Dự trữ Liên bang nhằm tạo ra lạm phát, cho đến thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang chỉ được phép tạo ra tiền cho chính phủ Mỹ. Giờ đây, nó có đủ khả năng thực hiện điều đó cho bất kỳ chính phủ nào và kể từ đó đã hoạt động như ngân hàng trung ương cho cả thế giới.
MÊ-HI-CÔ
Năm 1982, hầu hết mọi chính phủ thuộc Thế giới Thứ ba đều không thể bắt kịp thời hạn của các khoản phải trả, trong đó Mê-hi-cô là nước dẫn đầu khi thông báo rằng trong năm nay, chính phủ nước này không thể trả thêm bất kỳ khoản tiền nào trong tổng số nợ lên đến 85 tỷ đô-la. Ngay lập tức, Henry Wallich - Thống đốc Dự trữ Liên bang - đã bay tới Thụy Sĩ để đàm phán về một khoản vay từ IMF trị giá 4,5 tỷ đô-la thông qua Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (Bank of International Settlements). Các ngân hàng trung ương ở châu Âu và Nhật Bản cung cấp 1,85 tỷ đô-la (khoảng 40%), phần còn lại do Cục Dự trữ Liên bang chu cấp. Các ngân hàng thương mại liền hoãn các khoản thanh toán gốc trong hai năm, nhưng với việc bổ sung các khoản vay mới, quy trình thanh toán lãi đã được phục hồi. Tuy nhiên, điều đó cũng không giải quyết được vấn đề bởi chỉ vài năm sau, Mê-hi-cô lại khất nợ lần nữa và năm 1985, các ngân hàng đồng ý hoãn khoản thanh toán 29 tỷ đô-la và quay vòng một khoản nợ 20 tỷ đô-la khác, điều này có nghĩa rằng họ cung cấp những khoản vay mới để trả cho những khoản vay cũ.
Cũng trong năm đó, James Baker, Bộ trưởng Tài chính, đã công bố bản kế hoạch của chính phủ nhằm giải quyết cơn khủng hoảng nợ của thế giới. Nó đã trở thành bản báo cáo chính thức cổ vũ các ngân hàng tiếp tục cho chính phủ các nước thuộc Thế giới Thứ ba vay tiền miễn là những nước này đồng ý ban hành các cải cách kinh tế ủng hộ thị trường tự do. Điều này khiến cho bản kế hoạch còn hơn cả triết lý sống bởi vì không có hy vọng rằng nó sẽ được thực thi bởi bất kỳ chính phủ của những nước xã hội chủ nghĩa nào đang nhận các khoản vay. Thế nên, ẩn sau lời tuyên bố đó chính là hàm ý rằng có thể trông cậy vào sự trợ giúp của chính phủ liên bang thông qua hoạt động của Cục Dự trữ Liên bang trong trường hợp các khoản vay trở nên khó đòi. Baker đã kêu gọi rót thêm 29 tỷ đô-la với thời hạn ba năm chủ yếu vào các nước Mỹ La-tinh, trong đó Mê-hi-cô là quốc gia quan trọng hàng đầu.
HOÁN ĐỔI NGOẠI TỆ
Không lâu sau khi cho Fidel Castro vay 55 tỷ đô-la, chính phủ Mê-hi-cô đã thông báo với các ngân hàng rằng: “Chúng tôi sẽ chỉ thanh toán theo số tiền mình có mà thôi”. Điều này khiến cho Paul Volcker, giám đốc Cục Dự trữ Liên bang phải vội vã tới gặp Jesus Silva Herzog, Bộ trưởng Tài chính của Mê-hi-cô và đề xuất đặt trách nhiệm lên vai người nộp thuế Mỹ. Ngay lập tức, một khoản vay ngắn hạn 600 triệu đô-la được gia hạn để giúp Mê-hi-cô vượt qua cuộc bầu cử vào ngày 4 tháng 7 của đất nước này. Hành động này được gọi là “hoán đổi ngoại tệ” bởi vì Mê-hi-cô đã chuyển đổi một số lượng đồng pê-sô tương tự như đã hứa nhằm bù lại cho những đồng đô-la Mỹ. Dĩ nhiên, đồng pê-sô hoàn toàn vô giá trị trên thị trường quốc tế và đó là lý do vì sao Mê-hi-cô muốn có những đồng đô-la.
Tầm quan trọng của khoản vay này không phải là lượng tiền cho vay hay thậm chí vấn đề hoàn trả mà chính là cách thực hiện khoản vay này. Trước hết, nó được thực hiện trực tiếp bởi hệ thống Dự trữ Liên bang, hành động như một ngân hàng trung ương cho Mê-hi-cô chứ không phải cho Mỹ; và thứ hai, nó được thực hiện gần như bí mật hoàn toàn, chính William Greider đã cung cấp những chi tiết sau:
Các trường hợp hoán đổi ngoại tệ có một lợi ích khác là chúng có thể được thực hiện một cách bí mật. Chính Volcker đã thận trọng thông báo cho cả Chính phủ lẫn các vị chủ tịch then chốt trong quốc hội mà không hề gặp phải sự phản đối nào. Tuy nhiên, việc báo cáo công khai về những lần hoán đổi ngoại tệ thường được thực hiện theo quý. Vì thế, khoản vay khẩn cấp từ Cục Dự trữ Liên bang sẽ không được tiết lộ trong vòng từ ba đến bốn tháng… Trong thời gian đó, Volcker hy vọng rằng Mê-hi-cô sẽ dàn xếp được nguồn vốn mới đáng kể hơn từ IMF… Các khoản viện trợ nước ngoài được tiến hành một cách thận trọng để tránh gây ra sự hoảng sợ, đồng thời cũng hạn chế những bất đồng chính trị trong nước… Có vẻ như việc cứu trợ kinh tế cho Mê-hi-cô nghiêm trọng đến mức không thể bàn cãi được.[17]
HOÁN ĐỔI NỢ
Việc hoán đổi ngoại tệ đã không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, tháng Ba năm 1988, người chơi và các trọng tài cùng thống nhất giới thiệu một thủ đoạn mới trong trò chơi: một mánh lới kế toán được gọi là “hoán đổi nợ”. Hoán đổi nợ tương tự như hoán đổi ngoại tệ, tức là Mỹ sẽ lần lượt đổi những thứ có giá trị thực để lấy những thứ vô giá trị, nhưng bằng cách sử dụng trái phiếu chính phủ thay cho tiền. Giao dịch này trở nên phức tạp do giá trị thời gian của những trái phiếu đó. Tiền tệ được đánh giá bởi giá trị tức thời của chúng, tức là những gì chúng sẽ mua trong hiện tại, còn trái phiếu được đánh giá theo giá trị tương lai, tức là những gì chúng sẽ mua được trong tương lai. Ngoài yếu tố khác biệt đó thì quá trình này về cơ bản là giống nhau và đây chính là cách thức hoạt động của nó hệ thống này.
Mê-hi-cô dùng đồng đô-la Mỹ để mua Trái phiếu Kho bạc Mỹ trị giá 492 triệu đô-la không lãi suất nhưng sẽ trả lại 3,67 tỷ đô-la khi đến kỳ đáo hạn sau hai mươi năm. (Nói một cách chính xác thì đây là những trái phiếu không trả lãi.) Sau đó, Mê-hi-cô phát hành trái phiếu của riêng mình bằng cách sử dụng chứng khoán Mỹ như một khoản ký quỹ. Điều này có nghĩa là trị giá tương lai của trái phiếu Mê-hi-cô - thứ lúc trước được coi như vô giá trị - lúc này lại được chính phủ Mỹ đảm bảo. Các ngân hàng liền hăm hở chuyển những khoản vay cũ của mình sang trái phiếu Mê-hi-cô với tỷ suất 1,4/1. Nói cách khác, họ chấp nhận đổi 140 triệu đô-la khoản nợ cũ để lấy 100 triệu đô-la bằng trái phiếu. Điều đó khiến cho lợi nhuận từ lãi của họ bị giảm sút nhưng họ lại rất vui vẻ bởi vừa mới hoán đổi được những khoản vay vô giá trị thành những trái phiếu được đảm bảo đầy đủ.
Thủ đoạn này được giới báo chí tung hô như phép màu tiền tệ thật sự. Nó đã tiết kiệm cho chính phủ Mê-hi-cô hơn 200 triệu đô-la tiền lãi hàng năm cũng như khôi phục được dòng tiền cho các ngân hàng, và điều kỳ diệu hơn cả là nó không hề tiêu tốn một khoản chi phí nào từ những người nộp thuế Mỹ.[18] Lý do giải thích cho việc này là trái phiếu Kho bạc đã được bán với mức lãi suất thông thường trên thị trường, chính phủ Mê-hi-cô phải thanh toán cho các trái phiếu này nhiều như bất kỳ một chính phủ nào khác. Đây là sự thật, nhưng điều mà các nhà bình luận không nhận thấy chính là nơi mà Mê-hi-cô đã có được những đồng đô-la Mỹ để dùng vào việc mua trái phiếu, chúng đến thông qua IMF dưới hình thức các khoản “dự trữ giao dịch ngoại tệ”. Nói cách khác, chúng chính là những khoản viện trợ từ các quốc gia công nghiệp hóa, chủ yếu từ Mỹ. Vì vậy, Bộ Tài chính Mỹ đã cấp phần lớn tiền để mua lại chính trái phiếu của mình. Nó càng lún sâu vào nợ nần thêm nửa tỷ đô-la và đồng ý trả thêm 3,7 tỷ đô-la cho những khoản thanh toán tương lai để chính phủ Mê-hi-cô có thể tiếp tục trả lãi cho các ngân hàng. Đó được gọi là cứu trợ kinh tế và đã đổ lên đầu những người nộp thuế Mỹ.
IMF TRỞ THÀNH NGƯỜI BẢO LÃNH CUỐI CÙNG
Một năm sau, James Baker (thành viên CFR) - Bộ trưởng Ngoại giao và Nicholas Brady (thành viên CFR) - Bộ trưởng Tài chính đã bay tới Mê-hi-cô để bàn về một thỏa thuận nợ mới với IMF trong vai trò người bảo lãnh cuối cùng. IMF trao cho Mê-hi-cô một khoản vay mới trị giá 3,5 tỷ đô-la (sau này tăng lên 7,5 tỷ đô-la), Ngân hàng Thế giới cấp một khoản khác trị giá 1,5 tỷ đô-la còn các ngân hàng giảm bớt một phần ba giá trị các khoản vay trước đây của mình. Các ngân hàng tư nhân hoàn toàn sẵn sàng mở rộng các khoản vay mới và giảm bớt các khoản vay cũ. Sao lại không nhỉ? Giờ đây, những khoản thanh toán lãi sẽ được những người nộp thuế ở Mỹ và Nhật Bản đảm bảo.
Về lâu dài, điều đó không giải quyết được vấn đề bởi vì nền kinh tế Mê-hi-cô đang phải gánh chịu mức lạm phát quá lớn do các khoản nợ nội bộ cộng thêm khoản vay từ các ngân hàng bên ngoài. Các cụm từ “khoản nợ nội bộ” hay “khoản vay trong nước” chẳng qua là mã hóa của thực tế rằng chính phủ vừa mới tăng thêm nguồn cung tiền của mình bằng việc bán trái phiếu. Khoản tiền lãi mà chính phủ nước này phải trả để lôi kéo mọi người mua trái phiếu có thể gây kinh ngạc và trên thực tế thì tiền lãi cho các khoản vay trong nước của Mê-hi-cô đang tiêu tốn của nền kinh tế đến gấp ba lần khi các khoản vay nước ngoài bị rút hết.[19]
Song bất kể thực tế này, John S. Reed, (thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế), chủ tịch Citicorp - một trong những tổ chức cho vay lớn nhất Mê-hi-cô - phát biểu rằng họ đã sẵn sàng cho vay thậm chí còn nhiều hơn hiện nay. Tại sao vậy? Liệu điều đó có liên quan gì đến thực tế rằng Cục Dự trữ Liên bang và IMF sẽ đảm bảo các khoản thanh toán chăng? Hoàn toàn không phải vậy. Chính ông ta cho biết: “Bởi vì chúng tôi tin tưởng nền kinh tế Mê-hi-cô đang hoạt động rất tốt.”[20]
Vào cuối năm 1994, trò chơi vẫn tiếp tục với cùng lối chơi đó. Ngày 21 tháng chạp, chính phủ Mê-hi-cô thông báo rằng nước này không thể thanh toán tỷ giá hối đoái cố định giữa đồng pê-sô với đồng đô-la được nữa và đồng pê-sô sẽ được thả nổi trên thị trường tự do để tự tìm kiếm giá trị thực của nó. Ngay ngày hôm sau, đồng pê-sô giảm hẳn 39% và thị trường chứng khoán Mê-hi-cô trở nên rối loạn. Một lần nữa, Mê-hi-cô không thể thanh toán lãi cho các khoản nợ của mình. Ngày 11 tháng Giêng, Tổng thống Clinton (thành viên CFR) đã thuyết phục Quốc hội phê duyệt đảm bảo cho các khoản vay mới trị giá 40 tỷ đô-la. Robert Robin (thành viên CFR), Bộ trưởng Tài chính, đã giải thích: “Đó là sự phán đoán của tất cả mọi người, gồm cả Chủ tịch Alan Greenspan (thành viên CFR), rằng khả năng để các khoản nợ được thanh toán [bởi Mê-hi-cô] là vô cùng lớn.” Tuy nhiên, trong khi Quốc hội còn đang cân nhắc về vấn đề này thì đồng hồ cho vay cũng đang điểm từng giờ. Khoản thanh toán 17 tỷ đô-la bằng trái phiếu Mê-hi-cô đến kỳ hạn thanh toán trong vòng 60 ngày và 4 tỷ đô-la trong số đó sẽ phải thanh toán vào đầu tháng Hai! Vậy ai sẽ là người đứng ra thanh toán cho các ngân hàng?
Vấn đề này không thể chờ đợi được nữa. Ngày 31 tháng Giêng, không cần tới Quốc hội, Tổng thống Clinton đã thông báo một gói cứu trợ kinh tế hơn 50 tỷ đô-la dưới hình thức bảo lãnh các khoản vay cho Mê-hi-cô, trong đó 20 tỷ đô-la từ Quỹ Ổn định Hối đoái (Exchange Stabilization Fund) của Mỹ, 17,8 tỷ đô-la từ IMF, 10 tỷ đô-la từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế và 3 tỷ đô-la từ các ngân hàng thương mại.
BRA-XIN
Năm 1982, Bra-xin trở thành người chơi chính khi nước này đưa ra thông báo rằng không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ của mình. Đáp lời thông báo này, Bộ Tài chính Mỹ ngay lập tức đưa ra khoản vay trực tiếp trị giá 1,23 tỷ đô-la để các tấm séc đó được chuyển đến các ngân hàng trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành để tìm kiếm một giải pháp lâu dài hơn thông qua IMF. Hai mươi ngày sau, IMF đã đưa ra một khoản vay nữa trị giá 1,5 tỷ đô-la và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế cho vay 1,2 tỷ đô-la. Đến tháng sau, IMF lại đưa thêm 5,5 tỷ đô-la nữa và các ngân hàng phương Tây đã bổ sung thêm 10 tỷ đô-la bằng những khoản tín dụng thương mại; các khoản vay cũ được thay đổi lại thời hạn, và tổ chức Ngân hàng Morgan cung cấp các khoản vay mới trị giá 4,4 tỷ đô-la. Những khoản vay “tạm thời” từ Bộ Tài chính Mỹ đã được gia hạn mà không kèm theo ngày hoàn trả. Ron Chernow đã nhận xét:
Kế hoạch này đã tạo ra một tiền lệ định mệnh trong việc “khắc phục” cuộc khủng hoảng nợ nần bằng cách khiến cho nợ nần càng thêm chồng chất. Trong trò chơi này, một mặt các chủ ngân hàng sẽ cho Bra-xin vay nhiều hơn nữa, mặt khác sẽ lấy lại những gì họ đã đưa ra. Điều này giúp bảo toàn giá trị sổ sách ảo của các khoản vay trong các bảng cân đối của ngân hàng. Vì vậy, khi tiếp cận sự giải cứu như một tổ chức mới quan trọng, các chủ ngân hàng đã làm tăng thêm các mức lãi suất cao và chi phí của việc thay đổi thời hạn.[21]
Đến năm 1983, chính phủ các nước thuộc Thế giới Thứ ba đã nợ các ngân hàng 300 tỷ đô-la và nợ chính phủ các nước công nghiệp hóa 400 tỷ đô-la. Hai mươi lăm quốc gia thực sự không trả được nợ. Lần thứ hai, Bra-xin rơi vào tình trạng vỡ nợ và đã yêu cầu thay đổi lại thời hạn giống như Rumania, Cuba và Zambia. IMF đã nhảy vào và cung cấp thêm hàng tỷ đô-la cho những nước không trả đúng hạn này. Trong khi đó, thông qua Cơ quan Tín dụng Hàng hóa (Commodity Credit Corporation), Bộ Nông nghiệp đã trả cho các ngân hàng Mỹ 431 triệu đô-la nhằm thanh toán cho các khoản vay của Bra-xin, Morocco, Pê-ru và Rumania. Theo buổi ký kết các bản thỏa thuận này, ngày 20 tháng Tư năm 1983, tờ Wall Street Journal đã đăng tải rằng, “vì tất cả các mục đích thực tiễn, cuộc khủng hoảng nợ nần quốc tế đã kết thúc.”
Không hẳn thế. Đến năm 1987, một lần nữa, Bra-xin lại đến hạn phải thanh toán khoản nợ khổng lồ 121 tỷ đô-la, thời hạn lần này là một năm rưỡi. Bất chấp dòng tiền đó đã từng vào tay mình song giờ đây, quốc gia này bị “cháy túi” đến mức thậm chí không thể mua nổi nhiên liệu cho xe cảnh sát. Năm 1989, một đợt cứu trợ kinh tế mới lại được tổ chức và đích thân Tổng thông Bush-cha (thành viên Hội đồng Quan hệ Quốc tế) tuyên bố rằng, giải pháp duy nhất dành cho vấn đề nợ của Thế giới Thứ ba chính là bỏ qua khoản nợ đó. Và mười ba năm sau, Tổng thống Bush-con lại tiếp nối truyền thống đó bằng cách kêu gọi một khoản vay khác trị giá 30 tỷ đô-la từ IMF để dành cho Bra-xin và được bảo lãnh bởi người nộp thuế của Mỹ.
ÁC-HEN-TI-NA
Năm 1982, Ác-hen-ti-na không đủ khả năng thanh toán 2,3 tỷ đô-la đến hạn trong tháng Bảy và tháng Tám. Các ngân hàng đã gia hạn cho những khoản vay này trong khi IMF chuẩn bị bơm một khoản tiền mới trị giá 2,15 tỷ đô-la. Cách này đã giúp khôi phục được những khoản trả lãi và cho phép các chính trị gia Ác-hen-ti-na tiêu xài rủng rỉnh hơn một chút. Bảy tháng sau, Ác-hen-ti-na lại thông báo không thể trả thêm bất cứ khoản tiền nào cho đến tận mùa thu năm sau (1983). Ngay lập tức, các ngân hàng bắt đầu đàm phán về những khoản quay vòng nợ, khoản đảm bảo và khoản vay mới của IMF.
Sau đó, Ác-hen-ti-na đã ký một bản thỏa thuận với 350 ngân hàng tín dụng để đủ thanh toán cho gần một phần tư khoản nợ trị giá 13,4 tỷ đô-la của mình, và các ngân hàng đã đồng ý cho vay thêm 4,2 tỷ đô-la để trả những khoản thanh toán lãi cùng với các khoản tiền thưởng chính trị. IMF đã đưa ra 1,7 tỷ đô-la và chính phủ Mỹ đưa ra một khoản bổ sung trực tiếp trị giá 500 triệu đô-la. Sau đó, Ác-hen-ti-na đã thanh toán dược 850 triệu đô-la lãi quá hạn cho các ngân hàng.
Năm 1988, một lần nữa, Ác-hen-ti-na lại ngừng thanh toán các khoản vay của mình và rơi vào tuyệt vọng khi các chủ ngân hàng và các chính trị gia cùng nhau hội ý kêu gọi lối chơi cứu trợ kinh tế tiếp theo. Sau khi hội ý, họ đã đưa ra các khoản vay mới, quay vòng các khoản nợ và các khoản đảm bảo. Như Larry A. Sjaastad tại trường đại học Chicago đã tổng kết:
Chẳng có ngân hàng Mỹ nào không bán toàn bộ danh mục vốn đầu tư khu vực Mỹ La-tinh của mình để đổi lấy 40 xu trên một đô-la nếu không trông chờ vào khả năng rằng chiến dịch vận động hành lang chính trị đầy tài tình sẽ kiếm được một gã khờ sẵn sàng trả tới 50 hoặc 60 hoặc thậm chí 90 xu cho một đô-la. Và gã khờ đó chính là người đóng thuế của Mỹ.[22]
Một lần nữa, IMF đã đưa ra một khoản cứu trợ kinh tế trị giá 40 tỷ đô-la cho Ác-hen-ti-na vào năm 2001 và thêm 8 tỷ đô-la nữa vào năm 2002.
Lịch sử này có thể được lặp đi lặp lại một cách đầy tẻ nhạt. Nó sẽ phản tác dụng nếu cứ diễn đi diễn lại cùng một câu chuyện bẩn thỉu như vậy tại mỗi quốc gia. Đủ để nói rằng, trò chơi giống nhau này đã được chơi với nhiều đội khác nhau từ Bô-li-vi-a, Pê-ru, Vê-nê-zuê-la, Costa Rica, Morocco, Phi-líp-pin và Cộng hòa Đô-mi-nic-ca cùng với hầu hết các nước kém phát triển khác trên thế giới.
YÊU CẦU VỀ SỰ HỘI TỤ
Đây là giai đoạn chuẩn bị để có thể hiểu rõ được giai đoạn tiếp theo của trò chơi - điều đang diễn ra khi tôi viết những dòng chữ này. Đó là đưa Trung Quốc và khối Xô viết cũ vào bản Phác họa Vĩ đại về một chính phủ toàn cầu. Cũng như đối với tất cả quốc gia khác trên thế giới, cơ chế chủ yếu để thực hiện được mục tiêu này - ít nhất trong lĩnh vực kinh tế - vẫn là IMF/Ngân hàng Thế giới.[23] Quy trình là (1) chuyển tiền từ những quốc gia công nghiệp hóa - tức là kéo nền kinh tế của những quốc gia này xuống thành mẫu số chung phù hợp và (2) giành quyền kiểm soát đối với các nhà lãnh đạo chính trị của những nước nhận viện trợ khi họ trở nên phụ thuộc vào dòng tiền đó. Nó cũng tạo ra sự xuất hiện của quá trình “hội tụ” chính trị toàn cầu, một điều kiện mà Richard Cooper - nhà lý luận của CFR - đã nói là cần thiết trước khi người Mỹ chấp nhận để chính phủ các nước khác định đoạt số phận của mình.
TRUNG QUỐC
Trung Quốc đã gia nhập IMF/Ngân hàng Thế giới từ năm 1980 và ngay lập tức bắt đầu nhận được các khoản vay hàng tỷ đô-la cho dù được biết là đang tập trung một phần lớn của cải vào phát triển quân đội. Đến năm 1987, Trung Quốc đã trở thành con nợ lớn thứ hai của IMF, sau Ấn Độ, và kể từ đây, những đợt chuyển tiền như vậy ngày càng tăng với nhịp độ ổn định.
Ngân hàng đã khẳng định rằng các khoản vay sẽ được dùng để khuyến khích cải cách kinh tế với ưu tiên cho lĩnh vực tư nhân. Song, lĩnh vực này không nhận được bất kỳ khoản tiền nào. Năm 1989, sau khi các doanh nghiệp nhỏ và trang trại thuộc lĩnh vực tư nhân bắt đầu phát triển và vượt trội hơn so với các doanh nghiệp nhà nước trong cùng ngành nghề, các nhà lãnh đạo Trung Quốc liền nhanh chóng siết chặt họ bằng các biện pháp kiểm soát gắt gao và các mức thuế cao hơn. Phó Thủ tướng Diệu Nghĩa Lâm đã tuyên bố rằng, có quá nhiều công trình xây dựng vô ích, quá nhiều khoản vay tư nhân và quá nhiều chi tiêu cho “những thứ xa xỉ” chẳng hạn như xe hơi hay các buổi đại tiệc. Theo ông, để chấm dứt tình trạng này, điều cần thiết là phải tăng cường các biện pháp kiểm soát của chính phủ đối với mức lương, giá cả và các hoạt động kinh doanh.
Khi đó, câu hỏi đặt ra là tại sao ngay từ đầu Trung Quốc lại cần tiền. Có phải nước này dùng tiền để phát triển các tài nguyên thiên nhiên hoặc công nghiệp của mình? Có phải để chống lại sự nghèo đói và nâng cao mức sống của dân chúng nước mình không? Jame Bovard đã đưa ra câu trả lời:
Việc Ngân hàng bảo vệ chính sách Trung Quốc của mình là đặc biệt khó hiểu bởi vì bản thân Trung Quốc đang tham gia vào cuộc chè chén đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Thế giới trao cho Trung Quốc những khoản vay không lãi suất, và sau đó, Trung Quốc mua tài sản ở Hồng Kông, Mỹ, Úc và nhiều nơi khác. Một nhà kinh tế học tại Citibank đã ước tính rằng “khoản đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào tài sản, sản xuất và dịch vụ [chỉ riêng ở Hồng Kông] đã đạt đến 6 tỷ đô-la”. Năm 1984, dòng vốn ra của Trung Quốc là 1 tỷ đô-la. Bên cạnh đó, chương trình viện trợ nước ngoài của riêng Trung Quốc đã mang lại cho nước này hơn 6 tỷ đô-la trong những thập kỷ gần đây, chủ yếu dành cho các chính phủ phe cánh tả.[24]
ĐÔNG ÂU
Khoản viện trợ của Mỹ dành cho chính phủ các nước Đông Âu cũng được biện minh theo đúng học thuyết dành cho Trung Quốc trước đó: nó sẽ cải thiện nền kinh tế, tạo ra cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, sự thật là số tiền đó không cải thiện được nền kinh tế cũng không mang lại cho người dân cuộc sống tốt đẹp hơn. Trên thực tế, nó hoàn toàn không giúp ích gì cho mọi người, số tiền đó đã đi thẳng vào tay chính phủ các nước và được dùng cho những vấn đề ưu tiên của chính phủ. Nó giúp củng cố quyền lực và cho phép các đảng phái tăng cường sự kiểm soát của mình.
Năm 1982, Ba Lan lần đầu tiên mất khả năng thanh toán các khoản vay ngân hàng - những khoản vay được chính phủ Mỹ đảm bảo thông qua Cơ quan Tín dụng Hàng hóa. Theo các điều khoản đảm bảo, người nộp thuế sẽ thanh toán cho bất kỳ khoản vay ngân hàng nào khi người vay mất khả năng chi trả. Đó chính là điều mà các ngân hàng hy vọng khi đưa ra những khoản vay này, nhưng việc xếp chúng vào nhóm “vỡ nợ” đòi hỏi ngân hàng phải xóa bỏ chúng ra khỏi sổ sách kế toán như tài sản. Nhưng đó là điều không thể chấp nhận được bởi nó sẽ khiến các bảng cân đối trở nên tồi tệ đúng như bản chất của chúng. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đồng ý kết hợp các luật chơi và tiến hành thanh toán mà không đòi hỏi các khoản vay phải rơi vào tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, cuối cùng nó đã phải dừng lại do Quốc hội tức giận, cho đến khi chính quyền Reagan trì hoãn đủ lâu để thay mặt Ba Lan thanh toán trực tiếp khoản tiền 400 triệu đô-la cho các ngân hàng.
Tháng Mười một năm 1988, Ngân hàng Thế giới đã cung cấp khoản vay đầu tiên trị giá 17,9 triệu đô-la cho Ba Lan. Ba năm sau, như một minh chứng hùng hồn cho điều mà Tổng thống muốn nói khi ủng hộ việc “bỏ qua khoản nợ”, Chính quyền Bush-cha đã hủy toàn bộ 70% trong tổng số 3,8 tỷ đô-la khoản nợ nước Mỹ và hóa đơn thanh toán được dồn lên vai người nộp thuế.
Năm 1980, chỉ trước khi Hung-ga-ry được nhận khoản vay của IMF/Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân đầu người GNP hàng năm là 4.180 đô-la. Đây quả là vấn đề bởi chính sách của Ngân hàng Thế giới là chỉ cung cấp những khoản vay phát triển cho những nước có thu nhập bình quân đầu người GNP dưới 2.650 đô-la. Nhưng đừng lo lắng. Năm 1981, chính phủ Hung-ga-ry đã chỉnh lại con số thống kê của mình từ 4.180 đô-la xuống còn 2.100 đô-la.[25] Con số sụt giảm đến 50% trong vòng một năm đó chắc chắn là một trong những trường hợp trì trệ kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới. Đây là một sự dối trá nhưng chẳng ai buồn nhướn lông mày bởi đó là phần tất yếu của trò chơi. Đến năm 1989, chính quyền Bush-cha đã trao cho chính phủ Hung-ga-ry địa vị thương mại của “quốc gia được ưu ái nhất” và đã thay mặt nước này thành lập một quỹ phát triển đặc biệt trị giá 25 triệu đô-la.
NGA
Các ngân hàng Mỹ luôn sẵn sàng tạo ra những khoản vay cho Liên bang Xô Viết, ngoại trừ những giai đoạn ngắn ngủi trước đây về động cơ cá nhân trong suốt thời kỳ xảy ra Khủng hoảng Tên lửa Cuba (Cuban Missile Crisis), và những gián đoạn kinh tế không đáng kể khác. Năm 1985, sau khi công chúng không còn quan tâm đến Áp-ga-nit-stan, các ngân hàng của “thế giới tự do” lại mở cửa với các chính sách cho vay dành cho Xô Viết. Một gói cho vay trị giá 400 triệu đô-la đã được tạo ra bởi một tổ hợp gồm First National ở Chicago, Morgan Guaranty, Bankers Trust và Irving Trust - cùng với một chi nhánh của Royal Bank of Canada ở Luân Đôn - với mức lãi suất thấp một cách khác thường “để mua ngũ cốc của Mỹ và Canada”.
Sự phẫn nộ của dân chúng nhanh chóng tiêu tan khi mục đích của khoản vay dành cho chính phủ đó được thông báo là để mua sắm hàng hóa từ chính quốc gia cho vay - đặc biệt nếu hàng hóa đó là ngũ cốc với mục đích dùng để làm bánh mỳ hoặc chăn nuôi gia súc. Ai có thể phản đối việc khiến cho số tiền đó quay trở lại với người nông dân và thương nhân của chúng ta dưới hình thức các khoản lợi nhuận? Và ai có thể chê trách một dự án được thực hiện nhằm mục đích cung cấp lương thực cho người nghèo đói?
Mánh khóe lừa bịp này quả là vô cùng hấp dẫn. Đúng là tiền sẽ được sử dụng - ít nhất là một phần - để mua ngũ cốc hoặc hàng hóa được sản xuất trong nước. Nhưng cũng giống như chủ nhà, các quốc gia đi vay chấp nhận tăng khoản thế chấp lên ngôi nhà của mình vì muốn “mở rộng phòng khách”. Có thể anh ta sẽ vay thêm, nhưng với khoản tiền gấp đôi so với mức cần thiết để còn có thể mua được một chiếc xe mới. Vì chính phủ chấp nhận khấu trừ thuế đối với lãi suất thế chấp nên lúc này anh ta được khấu trừ thuế cho phần lãi suất phải trả cho chiếc xe của mình. Nói cách khác, những quốc gia đi vay thường vay nhiều hơn mức cần thiết để sử dụng vào mục đích mua sắm nhưng lại được hưởng mức lãi suất ưu đãi cho tất cả các khoản vay.
CÁC DỰ ÁN KINH DOANH Ở NGA ĐƯỢC MỸ ĐẢM BẢO
Năm 1990, Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu Mỹ đã thông báo sẽ bắt đầu cung cấp các khoản vay trực tiếp cho Nga. Trong khi đó, Tập đoàn Đầu tư Tư nhân Nước ngoài của Mỹ cung cấp “bảo hiểm” miễn phí cho những công ty tư nhân nào sẵn sàng đầu tư vào quốc gia Xô Viết cũ. Nói cách khác, Tập đoàn này đang thực hiện điều mà nó vẫn làm đối với tất cả các ngân hàng nhằm đảm bảo rằng nếu những khoản vay của các tập đoàn công nghiệp này rơi vào tình trạng tồi tệ thì chính phủ sẽ bù lỗ cho họ. Mức giới hạn cho khoản bảo hiểm đó là 100 triệu đô-la, quả là một con số hào phóng. Nhưng để khuyến khích được một lượng vốn tư nhân lớn hơn đổ vào Nga, Chính quyền Bush đã chỉ định sự bảo vệ vô hạn cho “những khoản đầu tư kinh doanh khổng lồ của Mỹ”.
Nếu thực sự là những khoản đầu tư hiệu quả thì chúng sẽ không cần các khoản viện trợ nước ngoài hoặc sự đảm bảo của chính phủ. Điều thực sự đang diễn ra trong lối chơi này chính là ba căn cứ sau:
1. Các tổ chức cho vay quốc tế cung cấp tiền cho những người thuộc Đảng Dân chủ Xã hội để mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ các công ty của Mỹ. Không ai thực sự mong chờ họ hoàn trả số tiền này. Đây chỉ là một phương thức thông minh để tái phân bổ của cải từ người giàu sang cho người nghèo theo cách mà những người đang nắm giữ nó không hề hay biết.
2. Các công ty của Mỹ không cần tiền để tham gia. Vì khi những dự án của họ được đảm bảo thì các ngân hàng sẽ nóng lòng cho vay bất cứ khoản tiền nào được yêu cầu. Tính hiệu quả hoặc sự cạnh tranh không phải là những yếu tố quan trọng. Các hợp đồng được ký kết dựa trên sức ảnh hưởng về chính trị. Lợi nhuận lớn và không có rủi ro.
3. Khi những người ủng hộ Đảng Dân chủ Xã hội mất khả năng thanh toán cho các hợp đồng của mình với các công ty của Mỹ hoặc khi dự án làm thua lỗ do sự quản lý yếu kém, chính phủ liên bang sẽ cung cấp tiền để bù cho các khoản lợi nhuận kinh doanh và thanh toán các khoản vay ngân hàng.
Vậy là bạn đã rõ: Những người ủng hộ Đảng Dân chủ Xã hội được nhận quà, các tập đoàn nhận lợi nhuận, còn các ngân hàng thì thu lãi từ những khoản tiền được tạo ra từ không khí. Và bạn biết những người nộp thuế nhận được gì!
Năm 1992, mô hình chán ngắt này đã hiện hữu một cách rõ ràng. Trên tờ New York Times, phóng viên Leslie H. Gelb đã đưa ra những con số:
Các quốc gia Xô Viết cũ lúc này chỉ đáp ứng được 30% tiền lãi (và hầu hết đều không bao gồm tiền gốc) cho khoản nợ 70 tỷ đô-la phải trả cho các nước phương Tây… Thông qua nhiều hình thức khác nhau, phương Tây đã viện trợ cho các nước Xô Viết cũ tổng số tiền là 50 tỷ đô-la kéo dài 20 tháng và số tiền đó hầu như biến mất không để lại dấu vết hoặc một nét vẽ nào trên bức tranh kinh tế.[26]
Điều thú vị về bài báo này là Leslie Gelb trở thành thành viên của Hội đồng Quan hệ Quốc tế từ năm 1973. Tại sao một phát ngôn viên của tổ chức này lại phát tán đi một trong những thủ đoạn quan trọng nhất về Trật tự Thế giới mới? Câu trả lời là vì ông ta đang làm điều ngược lại. Trên thực tế, ông ta đang khẩn cầu thêm nhiều khoản vay và khoản viện trợ rõ ràng trên cơ sở nhu cầu quá lớn! Ông ta ủng hộ việc ưu tiên cấp vốn với sự quan tâm hàng đầu đối với các nhà máy điện hạt nhân, nông nghiệp và công nghiệp của Nga ở cuối bài báo, ông đã viết: “Số tiền đặt cược không thể cao hơn được nữa. Tất cả là vì khoản viện trợ đáng kể, thực tế và tức thì - chứ không vì những ảo tưởng lớn lao.”
Nguyên nhân là nếu chúng ta không duy trì dòng tiền chảy vào thì Nga có thể lại rơi vào tay của những kẻ đang chầu chực để gây ra chiến tranh hạt nhân chống lại Hoa Kỳ. Quốc hội lắng nghe và làm theo. Bất chấp thực tế rằng số tiền hàng tỷ đô-la trước đó đã “biến mất không để lại dấu vết”, việc bơm tiền vẫn được tiếp tục. Năm 1993, Ngân hàng Thế giới đã cắt thêm một khoản vay nửa tỷ đô-la khác cho Nga. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Bush đã thu xếp một khoản vay 2 tỷ đô-la khác thông qua Ngân hàng Xuất - Nhập khẩu; còn Quốc hội đã tạo ấn tượng với các cử tri bằng một khoản viện trợ trị giá 2,5 tỷ đô-la dành riêng cho Nga. Tháng Bảy năm đó, tại cuộc họp các quốc gia công nghiệp thuộc nhóm G7, 24 tỷ đô-la khác đã được hứa hẹn và một nửa trong số đó là do IMF cung cấp. Năm 1998, Nga đến hạn phải trả vài tỷ đô-la cho khoản nợ của mình, vì vậy, IMF đã tái cơ cấu những khoản vay cũ và đưa ra những khoản vay mới. Năm 1999, người ta đã phát hiện ra rằng các quan chức Nga từng “bỏ túi” 20 tỷ đô-la từ khoản tiền này. IMF đã công khai biểu lộ sự kinh ngạc của mình, nhưng vẫn nhanh chóng tiến hành các cuộc đàm phán để đưa ra những khoản vay mới. Khi cuốn sách này được xuất bản, câu chuyện trên vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
THUYẾT ÂM MƯU
Phản ứng tức thời đối với những sự kiện này đã đưa chúng ta tới ngã rẽ của lương tâm. Chúng ta phải lựa chọn giữa hai con đường: hoặc kết luận rằng người Mỹ đã mất quyền kiểm soát đối với chính phủ của họ hoặc bỏ qua thông tin này và xem chúng như một sự xuyên tạc lịch sử đơn thuần. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta trở thành những người ủng hộ cho quan điểm bí ẩn về lịch sử. Ở trường hợp thứ hai, chúng ta lại tán thành quan điểm ngẫu nhiên. Đây là một lựa chọn khó khăn bởi chúng ta đã quen với việc nhạo báng các thuyết âm mưu và ít ai dám công khai ủng hộ chúng. Mặt khác, chúng ta sẽ bị cho là ngớ ngẩn khi tán thành quan điểm ngẫu nhiên. Vì vậy, lịch sử là một chuỗi diễn biến liên tục của hết âm mưu đến âm mưu khác. Do đó, các âm mưu chính là tiêu chuẩn chứ không phải ngoại lệ.
Các quốc gia công nghiệp hóa trên thế giới đang “chảy máu đến chết” trong một cuộc chuyển đổi của cải của mình sang cho những quốc gia kém phát triển trên quy mô toàn cầu. Vả lại, không phải kẻ thù mà các nhà lãnh đạo của những quốc gia này đang làm điều đó với chính đất nước của mình. Quá trình này được phối hợp hết sức tài tình giữa các quốc gia và hoàn toàn phù hợp với hành động của các nhà lãnh đạo khác - những người cũng đang thực hiện điều đó ở những nước khác - và họ thường gặp nhau để cải thiện hoạt động của mình. Điều này không thể xảy ra nếu không được lên kế hoạch.
Người phát ngôn từ IMF trả lời vâng, đây đúng là một kế hoạch và mục đích của nó là để viện trợ cho những quốc gia kém phát triển. Nhưng sau bốn mươi năm cùng hàng trăm tỷ đô-la, họ đã hoàn toàn thất bại trong việc hoàn thành mục tiêu của mình. Liệu những người trí thức có tin rằng việc tiếp tục theo đuổi cùng một kế hoạch có tạo ra nhiều kết quả khác nhau trong tương lai không? Vậy thì tại sao họ lại tiến hành một kế hoạch - thứ không thể mang lại hiệu quả? Câu trả lời là họ không hề tiến hành theo kế hoạch đó. Họ đang thực hiện một kế hoạch khác: một kế hoạch rất thành công theo quan điểm của mình. Nếu không, chúng ta chỉ còn cách kết luận rằng các nhà lãnh đạo của những nước công nghiệp hóa chỉ toàn là những kẻ đần độn. Chúng ta không tin điều đó.
Những người này đang thể hiện lòng trung thành cao hơn mức dành cho đất nước của họ. Trong tim mình, họ có thể thực sự tin tưởng rằng, về lâu dài, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn cho chính họ, cho cả những đồng bào của họ. Tuy nhiên, họ không có cùng mục tiêu với những người đã đặt họ vào vị trí hiện tại, và đó chính là lý do vì sao họ phải che giấu kế hoạch của mình khỏi con mắt của dân chúng. Nếu đồng bào của họ biết được những điều họ thực sự đang làm thì chắc chắn họ sẽ bị tống khứ ra khỏi bộ máy chính phủ và trong một số trường hợp, thậm chí có thể bị xử bắn như những kẻ phản bội.
Và nếu tất cả điều này là ngẫu nhiên thì làm gì có kế hoạch, hợp tác, mục đích, lừa gạt mà chỉ có những lực lượng mù quáng của lịch sử đi theo con đường ít bị kháng cự nhất. Đối với một số người, mô hình đó dễ dàng chấp nhận. Tuy nhiên, có nhiều bằng chứng chống lại điều đó, không chỉ ở những chương trước mà còn xuyên suốt cả cuốn sách này. Trong khi đó, bằng chứng về thuyết âm mưu này trong lịch sử lại chỉ là một trang giấy trắng.
TỔNG KẾT
Phiên bản quốc tế của trò chơi có tên gọi Sự Cứu trợ kinh tế cũng tương tự như phiên bản trong nước, trong đó, mục đích chung là buộc người nộp thuế thanh toán cho các khoản vay vỡ nợ để các ngân hàng vẫn có thể tiếp tục được nhận lãi. Tuy nhiên, sự khác biệt nằm ở chỗ: (1) thay vì biện minh rằng đây là hành động bảo vệ dân chúng Mỹ thì lại chuyển sang thành hành động giải cứu thế giới thoát khỏi sự nghèo đói; và (2) dòng tiền chính chuyển qua IMF/Ngân hàng Thế giới bắt nguồn từ Cục Dự trữ Liên bang. Nói cách khác, các luật chơi căn bản đều giống nhau.
Tuy nhiên, trò chơi này liên quan đến một khía cạnh khác ngoài phạm vi lợi nhuận và âm mưu đơn thuần. Đó là sự phát triển có nhận thức và có chủ ý của IMF/Ngân hàng Thế giới để trở thành ngân hàng trung ương thế giới với quyền phát hành tiền pháp định thế giới. Và đây là bước tiến quan trọng trong kế hoạch lớn hơn nhằm xây dựng một chính phủ thế giới thực sự trong khuôn khổ của Liên Hợp quốc.
Những quốc gia vững mạnh về kinh tế không phải là những ứng viên sẵn sàng trao nộp chủ quyền của mình cho chính phủ thế giới. Vì thế, thông qua “những khoản vay” không bao giờ được hoàn lại, IMF/Ngân hàng Thế giới định hướng một cuộc dịch chuyển của cải với quy mô lớn từ những nước công nghiệp hóa sang những nước kém phát triển. Quá trình tiếp diễn này sẽ làm kiệt quệ nền kinh tế của các quốc gia công nghiệp hóa tới mức những nước này cũng phải cần đến viện trợ và tiếp theo là chấp nhận mất chủ quyền để đổi lấy viện trợ quốc tế.
Mặt khác, những nước kém phát triển tham dự vào Trật tự Thế giới Mới theo một lộ trình hoàn toàn khác. Nhiều nước trong số này chịu sự cai trị của những tên bạo chúa tàn ác - những kẻ chẳng màng đến sự an nguy của dân chúng mà chỉ quan tâm đến việc làm sao để bòn rút thật nhiều tiền thuế từ người dân mà không gây ra bạo loạn. Những khoản vay từ IMF/Ngân hàng Thế giới chủ yếu được dùng để duy trì quyền lực của chính những tên bạo chúa này và các phe cánh của chúng - và đó chính là điều mà IMF/Ngân hàng Thế giới muốn hướng tới. Tuy nhiên, với cách nói hoa mỹ là giúp đỡ người nghèo, mục đích thực sự của sự dịch chuyển của cải được ngụy trang như những khoản vay là để giành quyền kiểm soát toàn diện đối với các nhà lãnh đạo của những nước kém phát triển - những tên bạo chúa không bao giờ từ bỏ sở thích được thưởng thức vị ngọt của nguồn cung tiền vô hạn một khi đã ném thử nó. Rồi họ sẽ hài lòng - đã hài lòng - để trở thành những chiếc bánh răng nhỏ được dát vàng trong một cỗ máy khổng lồ của chính phủ thế giới. Đến lúc này, ý thức hệ tư tưởng cũng chẳng có nghĩa lý gì đối với họ bởi miễn sao cứ luôn có tiền là được. Vì vậy, IMF/Ngân hàng Thế giới thực sự đang mua lại những nước này bằng chính đồng tiền của Hoa Kỳ.
Sự tham gia của Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây trong danh sách các nước nhận viện trợ của IMF/Ngân hàng Thế giới là dấu hiệu về hiệp đấu cuối cùng của trò chơi. Lúc này, khu vực Mỹ La-tinh và châu Phi đã được “mua” về để cùng tham gia vào Trật tự Thế giới Mới, đây chính là giới hạn cuối cùng. Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, Trung Quốc, Nga và khu vực Đông Âu đã trở thành những con nợ lớn nhất và đã chậm thanh toán các khoản nợ của mình. Đây chính là nơi trú ẩn cho hành động tiếp theo.
Chú thích:
[1] Martin, trang 25.
[2] “Nội dung bài phát biểu của Kennedy tại Cuộc đàm phán Tiền tệ Thế giới”, New York Times, ngày 1 tháng 10 năm 1963, trang 16.
[3] Để có bản phân tích sâu hơn về CFR, bao gồm một danh sách thành viên hoàn chỉnh, hãy tham khảo Shadows of Power của James Perloff (Appleton, Wisconsin: Western Islands, 1988).
[4] “Dulles phác thảo kế hoạch hòa bình thế giới”, New York Times, ngày 28 tháng 10 năm 1939.
[5] Giữa hai thời đại: Vai trò của Mỹ trong kỷ nguyên công nghệ (Between Two Ages: America’s Role in the Technetronic Era) của Zbigniew Brzezinski (Westport, Connecticut: Greenwood Press, 1970), trang 300.
[6] “Hệ thống tiền tệ cho tương lai” của Richard N. Cooper,Foreign Affairs, mùa thu năm 1984, trang 166, 177, 184.
[7] “Con đường gian nan hướng đến Trật tự Thế giới” của Richard Gardner, Foreign Affairs, tháng Tư năm 1974, trang 558.
[8] Sự khủng hoảng của nền dân chủ (The Crisis of Democracy) của Michael Crozier, Samuel P. Huntington và Joji Watanuki (New York: New York University Press, 1975), trang 183 - 184.
[9] “Volcker Khẳng Định Nước Mỹ Phải Giảm Mức Sống Xuống”, New York Times, ngày 18 tháng 10 năm 1979, trang 1.
[10] Washington 1993: Cuộc họp thường niên của ủy ban ba bên (Washington 1993: The Annual Meeting of the Trilateral Commission), Trialogue 46 (New York: Trilateral Commission, 1993), trang 77.
[11] Chủ nghĩa khu vực trong một thế giới hội tụ (Regionalism in A Converging World) của Toyoo Gyohten và Charles E. Morrison, (New York: Trilateral Commission, 1992), trang 4, 7 - 9, 11.
[12] “Với NAFTA, Mỹ cuối cùng đã tạo ra một Trật tự Thế giới Mới” của Henry Kissinger, Los Angeles Times, ngày 18 tháng 7 năm 1993, trang M-2, 6.
[13] “Một nửa hoàn cầu ở thế cân bằng” của David Rockefeller,Wall Street Journal, ngày 1 tháng 10 năm 1993, trang A-10.
[14] New York Times, ngày 15 tháng 4 năm 1994, trang A9.
[15] Dũng khí của một đảng viên Đảng Bảo thủ (The Courage of A Conservative) - James G. Watt (New York: Simon and Schuster, 1985), trang 124 - 125.
[16] Đầu hàng ở Panama (Surrender in Panama) của Philip M. Crane (Ottawa, Illinois: Caroline House Books, 1978), trang 64, 68.
[17] Greider, trang 485 - 486.
[18] “Việc phát hành trái phiếu Mỹ sẽ giúp Mê-hi-cô thanh toán các khoản nợ” của Tom Redburn, Los Angeles Times, ngày 30 tháng 12 năm 1987.
[19] “Các khoản lãi biến thành nợ trong nước nhờ xoa dịu được các chứng chỉ nợ nước ngoài”, Insight, ngày 2 tháng 10 năm 1989, trang 34.
[20] Sách đã dẫn, trang 35.
[21] Chernow, trang 644.
[22] “Một kế hoạch khác để xóa bỏ tình trạng hỗn loạn”, Insight, ngày 10 tháng 4 năm 1989, trang 31.
[23] “Những cơ chế có liên quan đến văn hóa, giáo dục, chủ quyền chính trị và quyền lực quân đội đều là biểu trưng trong các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
[24] Bovard, trang 18 - 19.
[25] “Ngân hàng Thế giới Ve vãn Đông Âu” của Jerry Lewis, Wall Street Journal, ngày 30 tháng 8 năm 1984.
[26] “Hố lầy của nước Nga” của Leslie H. Gelb, New York Times, ngày 30 tháng 3 năm 1982, trang L-A17.
Phần 2- KHÓA HỌC CẤP TỐC VỀ TIỀN - Chương 7
Tám chương trong phần này và phần sau đều bàn về tài liệu được tổ chức theo chủ đề này chứ không phải bảng niên đại. Do đó, một số sự kiện sẽ được bàn ngay từ đầu mà không để sau. Hơn nữa, mục đích như vậy có thể khiến người đọc tự hỏi liệu có bất kỳ sự liên hệ nào với Cục Dự trữ Liên bang không. Xin bạn hãy kiên nhẫn vì tầm quan trọng cuối cùng sẽ trở nên rõ ràng bởi mục đích của tác giả chính là tìm hiểu các khái niệm và nguyên lý trước khi đi vào sự kiện. Nếu không có nền tảng này thì lịch sử của Dự trữ Liên bang thật tẻ nhạt. Có nó, câu chuyện sẽ hiện ra như một vở kịch thật lôi cuốn đang ảnh hưởng hết sức sâu sắc tới cuộc sống của chúng ta ngày nay. Vì vậy, chúng ta hãy cùng bắt đầu chuyến phiêu lưu này bằng một vài khám phá về bản chất của tiền.
Chương 7
THỨ KIM LOẠI DÃ MAN
Lịch sử và sự tiến hóa của tiền; sự xuất hiện của vàng như nguồn cung ứng tiền chung; những cố gắng của các chính phủ nhằm lừa bịp dân chúng bằng cách cắt xén hoặc hạ thấp giá trị của đồng tiền vàng; sự thật rằng bất kỳ lượng vàng nào cũng có thể đủ cho cả một hệ thống tiền tệ và rằng “tiền nhiều” không đòi hỏi vàng nhiều.
Có một thuật thần bí huyền diệu xoay quanh bản chất của đồng tiền. Nó thường được xem như vấn đề nằm ngoài tầm hiểu biết của những ai suy nghĩ đơn giản. Các câu hỏi về nguồn gốc của tiền bạc hoặc cơ chế tạo ra tiền bạc đều là những vấn đề hiếm khi được bàn luận công khai, chúng ta chấp nhận những điều đó như những thực tế của cuộc sống - những điều vượt quá tầm kiểm soát của mình. Do đó, trong một quốc gia - vốn được thành lập dựa trên nguyên tắc của chính phủ do dân, vì dân và thừa nhận sự hiểu biết ở mức độ cao các cử tri - bản thân mọi người đã phác thảo ra một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới không chỉ chính phủ mà còn cả cuộc sống cá nhân của họ nữa.
Quan điểm này không phải là ngẫu nhiên hoặc luôn như vậy. Trước đó, đã có thời khi cử tri bình thường - thậm chí không học hành tới nơi tới chốn - cũng được thông báo rất rõ về các vấn đề tiền bạc và trở nên vô cùng lo lắng về sự thực thi của chính phủ nước mình. Trên thực tế - như chúng ta sẽ thấy ở chương sau - những cuộc bầu cử quan trọng dù thắng hay thua đều phụ thuộc vào cách các ứng cử viên đứng về phía vấn đề của ngân hàng trung ương ra sao. Tuy nhiên, để thuyết phục dân chúng theo quyền lợi của những kẻ quan liêu ham thích tiền bạc thì những vấn đề này giờ đây trở nên quá phức tạp đối với những kẻ mới vào nghề. Song, thông qua việc sử dụng biệt ngữ chuyên môn và bằng việc che giấu thực tế đơn giản bên trong mê cung của những thủ tục rườm rà, những vấn đề này đã khiến cho việc hiểu được bản chất của tiền bạc trở nên phai nhạt dần trong ý thức của dân chúng.
TIỀN LÀ GÌ?
Bước đầu tiên trong âm mưu này chính là việc làm rối định nghĩa về tiền. Ví dụ như tờ New York Times số ra ngày 20 tháng 7 năm 1975 có đăng bài viết với tiêu đề “Nguồn cung ứng tiền: Gia tăng sự lộn xộn” bắt đầu bằng câu hỏi: “Ngày nay, tiền là gì?” Còn trong số ra ngày 29 tháng 8 năm 1975, tờ Wall Street Journal bình luận: “Những người phụ nữ và đàn ông liên quan tới bài tập bí truyền này [về việc theo dõi nguồn cung ứng tiền]… cũng không dám chắc chắn chính xác điều gì cấu thành nên nguồn cung ứng tiền.” Và cũng trên tờ này số ra ngày 24 tháng 9 năm 1971, có bài báo viết rằng: “Buổi thuyết trình của những nhà kinh tế học xuất sắc ủng hộ IMF đã không thể nhất trí được tiền là gì hoặc cách các ngân hàng tạo ra nó.”
Thậm chí chính phủ không thể định nghĩa được thế nào là tiền tệ. Vài năm trước, một quý ông tên là A.F. Davis đã gửi qua bưu điện cho Bộ Tài chính một tờ mười đô-la do Dự trữ Liên bang phát hành. Trong bức thư của mình, ông yêu cầu chú ý tới dòng chữ viết trên tờ giấy bạc như để nói rằng nó có thể được dùng thay “tiền hợp pháp” và sau đó yêu cầu phải gửi lại cho ông ta số tiền đó. Vậy là Bộ Tài chính đơn thuần gửi lại hai tờ năm đô-la có in sê-ri khác nhau tương ứng với khoản tiền đã nhận được như lời hứa để trả. Davis liền phúc đáp:
Kính thưa Ngài!
Chúng tôi xác nhận việc nhận hai tờ năm đô-la Mỹ, điều mà chúng tôi diễn giải từ bức thư của ngài rằng chúng được xem như tiền hợp pháp. Có phải chúng ta suy ra từ điều này rằng tiền do Dự trữ Liên bang phát hành không phải là tiền hợp pháp?
Tôi gửi kèm theo đây một trong hai tờ năm đô-la mà Ngài đã gửi cho tôi và xin lưu ý dòng chữ nằm trên tờ đô-la rằng: “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ sẽ thanh toán cho người cầm séc theo nhu cầu bằng tờ năm đô-la”. Do đó, tôi đang yêu cầu tờ năm đô-la.
Một tuần sau, Davis nhận được phản hồi từ M.E. Slindee - Bộ trưởng Tài chính đương quyền lúc này:
Ngài Davis kính mến!
Chúng tôi xác nhận việc nhận lá thư của Ngài ngày 23 tháng Chạp với tờ năm đô-la Mỹ theo nhu cầu thanh toán năm đô-la. Vì thế, Ngài nên nhận thấy rằng cụm từ “tiền hợp pháp” không được định nghĩa theo pháp luật liên bang… Cụm từ “tiền hợp pháp” cũng không còn ý nghĩa đặc biệt như vậy nữa. Nên nhân đây, tôi xin gửi lại Ngài tờ năm đô-la Mỹ mà chúng tôi nhận được qua lá thư Ngài gửi ngày 23 tháng Chạp.[1]
Những cụm từ “… sẽ thanh toán cho người cầm séc theo nhu cầu” và “… có thể được dùng thay tiền hợp pháp” đều đã bị xóa khỏi tiền tệ của chúng ta vào năm 1964.
Có phải tiền tệ thực sự bí hiểm đến mức không thể định nghĩa được? Liệu nó có phải là tiền đồng và tiền giấy có trong túi chúng ta không? Hay nó có phải là những con số trong một tài khoản vãng lai hoặc những xung lực điện tử trong máy vi tính? Nó có bao gồm sự cân đối trong tài khoản tiết kiệm hoặc thẻ tín dụng còn giá trị theo thẻ tính tiền? Nó có bao gồm giá trị của cổ phiếu và trái phiếu, nhà cửa, đất đai hoặc các tài sản cá nhân không? Hoặc có phải tiền chẳng qua chỉ là sức mua không?
Chức năng chính của Cục Dự trữ Liên bang là điều chỉnh nguồn cung ứng tiền. Song, nếu không một ai đủ khả năng định nghĩa được tiền là gì thì làm sao chúng ta có thể có ý kiến về việc Cục Dự trữ Liên bang đang hoạt động như thế nào? Dĩ nhiên, câu trả lời là chúng ta không thể và đó chính xác là cách mà tổ chức lũng đoạn muốn vậy.
Lý do Cục Dự trữ Liên bang trở thành một chủ thể phức tạp bởi vì hầu hết những cuộc tranh cãi đều bắt đầu vu vơ đâu đó giữa lưng chừng. Đến lúc chúng ta bàn về nó thì những định nghĩa đều đã bị xáo trộn, còn những khái niệm cơ bản thì được thừa nhận. Trong những điều kiện như vậy, những rối loạn về trí óc là không thể tránh được. Tuy nhiên, nếu bắt đầu từ đầu và tìm hiểu tuần tự từng khái niệm từ tổng quát tới chi tiết cũng như đồng ý với những định nghĩa đã xem thì chúng ta sẽ kinh ngạc khi nhận thấy rằng các vấn đề thực sự khá đơn giản. Hơn nữa, quá trình này không chỉ không đau buồn mà còn vô cùng thú vị.
Do đó, mục đích của phần này và ba chương tiếp chính là để cung cấp ngay cái được gọi là khóa học cấp tốc về tiền. Nó sẽ không phức tạp bởi thực tế bạn đã biết nhiều về điều phải thực hiện. Tất cả chúng ta sẽ cố gắng tiến hành để xâu chuỗi mọi cái lại với nhau đến mức có được tính liên tục và phù hợp với môn học của mình. Tới khi đọc hết ba chương tiếp theo này, bạn sẽ hiểu được tiền là gì. Xin hứa như vậy.
Vì vậy, chúng ta hãy cùng bắt đầu từ cơ bản. Tiền là gì?
ĐỊNH NGHĨA TẠM THỜI
Từ điển có thể giúp được một ít. Nếu không thể thống nhất được tiền là gì thì các nhà kinh tế học sẽ bị hạn chế một phần do quá nhiều định nghĩa hiện nay khiến cho mọi người thật khó đưa ra khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, theo mục đích phân tích của chúng ta thì nhất thiết sẽ phải lập được một định nghĩa để ít nhất còn có thể biết từ đó có nghĩa gì khi được sử dụng trong tài liệu này. Nên để thống nhất, chúng ta sẽ đưa ra định nghĩa của mình - điều được tổ hợp từ những dấu vết và mẩu tin lấy từ rất nhiều nguồn - theo cơ cấu không phải để phản ánh điều chúng ta nghĩ tiền phải là gì hoặc hỗ trợ cho quan điểm của bất kỳ trường kinh tế cụ thể nào mà đơn giản là để rút ra khái niệm theo bản chất cơ bản nhất của nó cũng như phản ánh thực tế về thế giới ngày nay. Không nhất thiết phải đồng ý hoặc phản đối theo định nghĩa này bởi nó được đưa ra chỉ vì mục đích cung cấp việc hiểu từ ngữ được sử dụng trong những trang này rồi sau đó sẽ trở thành định nghĩa tạm thời của chúng ta.
Tiền là bất cứ thứ gì được chấp nhận như phương tiện trao đổi và có thể được phân ra thành những hình thái sau:
1. Tiền hàng
2. Tiền hóa đơn
3. Tiền pháp định
4. Tiền dự trữ
Việc hiểu được sự khác biệt giữa những hình thái này của tiền thực sự là tất cả những gì chúng ta cần biết để nắm bắt và đưa nhận xét một cách đầy đủ về Cục Dự trữ Liên bang bất chấp giá trị của nó đối với nền kinh tế và đất nước chúng ta. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nghiên cứu một số chi tiết của từng hình thái một.
SỰ TRAO ĐỔI HÀNG HÓA (TRƯỚC KHI CÓ TIỀN)
Dù thế nào thì sự trao đổi hàng hóa cũng xuất hiện trước khi có bất kỳ loại tiền tệ nào và điều quan trọng trước tiên là phải hiểu được mối liên hệ giữa hai điều này. Sự trao đổi hàng hóa được định nghĩa là những thứ được trao đổi trực tiếp để nhận về các sản phẩm có giá trị tương đương. Jones đã đổi chiếc xe Ford đời Model-T vừa sửa lại của mình để lấy một chiếc đàn pi-a-nô cánh hiệu Stainway.[2] Về bản chất, cuộc trao đổi này không phải là tiền bạc vì cả hai món đồ đều được định giá riêng hơn là được giữ như phương tiện trao đổi sử dụng sau này cho một số cái khác. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng cả hai món đồ đều có giá trị nội tại hoặc chúng sẽ không được các bên tham dự khác chấp nhận. Sức lao động cũng có thể được trao đổi như đổi chác khi nó được thừa nhận có giá trị nội tại đối với người vì người khác mà thực hiện lao động. Khái niệm về giá trị nội tại chính là cốt lõi đối với việc hiểu những hình thái khác nhau của tiền bạc được phát triển từ quá trình đổi chác.
TIỀN HÀNG
Trong sự tiến hóa tự nhiên của mọi xã hội luôn có một hoặc hai mặt hàng trở thành phổ biến hơn tất cả những thứ khác được dùng để trao đổi. Sở dĩ như vậy là do chúng có những đặc điểm cụ thể hết sức hữu dụng hoặc hấp dẫn được hầu hết mọi người. Rốt cuộc, chúng được đem ra trao đổi buôn bán không phải cho chính mình mà cho những thứ khác do kho giá trị mà chúng đại diện có thể được trao đổi vào thời điểm cuối cùng. Tới lúc này, chúng liền ngừng ngay việc đổi chác và bắt đầu trở thành tiền thực sự. Theo định nghĩa tạm thời của chúng ta thì chúng chính là phương tiện trao đổi. Và khi trở thành hàng hóa của giá trị nội tại thì phương tiện đó có thể được miêu tả như tiền hàng.
Đối với con người thuở ban sơ, món hàng phổ biến nhất để trở thành tiền hàng là một số loại lương thực như sản vật hay vật nuôi. Bằng chứng còn lại đối với sự thật này chính là cụm từ tiền tài (pecuniary) mang nghĩa thuộc về tiền bạc được bắt nguồn từ cụm từ con bò cái (pecunia) trong tiếng La-tinh.
Tuy nhiên, khi xã hội phát triển vượt quá mức sống nghèo khổ, các hàng hóa khác không phải lương thực bắt đầu trở thành nhu cầu chung. Các đồ trang sức bắt đầu được nghĩ tới khi nguồn cung cấp lương thực trở nên dư dật và vẫn còn dấu tích của một số xã hội từng sử dụng những vỏ sò biển có màu sắc và những viên đá khác lạ như đồ trang sức. Nhưng những thứ này thực sự chẳng bao giờ thách thức nổi việc dùng gia súc, cừu, ngũ cốc hoặc lúa mì bởi tự những sản phẩm chủ yếu này sở hữu giá trị nội tại lớn hơn dẫu cho chúng không được sử dụng như tiền.
NHỮNG KIM LOẠI CÓ VAI TRÒ NHƯ TIỀN
Rốt cuộc, khi con người học được cách luyện quặng thô và rèn thành những công cụ hoặc vũ khí thì bản thân những kim loại đó trở nên có giá trị. Đây chính là buổi đầu của Kỷ nguyên Đồng - thời kỳ sắt, đồng đỏ, thiếc và đồng thiếc được mua bán giữa những người thợ rèn và thương nhân theo những tuyến đường buôn bán cũng như tại những cảng biển quan trọng.
Ban đầu giá trị của những thỏi kim loại được xác định bằng trọng lượng. Nhưng sau đó, chúng được đổ khuôn thành những thỏi có trọng lượng đồng nhất và cuối cùng theo tập quán, được các thương nhân xác định giá trị đơn giản bằng cách đếm số lượng thỏi. Dẫu cho việc mang vác bằng bao là rất cồng kềnh nhưng vẫn đủ nhỏ để được vận chuyển dễ dàng và trên thực tế, dưới dạng này, chúng đã trở thành những đồng tiền kim loại thô sơ nhưng thiết thực.
Lý do cơ bản khiến các kim loại trở nên được sử dụng rộng rãi như tiền hàng là do chúng đáp ứng được tất cả yêu cầu về mua bán tiện lợi. Bên cạnh đó, chúng có thể tồn tại được lâu hơn do mang giá trị nội tại cho những sử dụng khác ngoài tiền, chứ không chỉ có nghĩa như những con bò cái. Nhờ việc nấu chảy và cải cách, chúng có thể được chia ra thành những đơn vị nhỏ hơn và được sử dụng một cách thuận tiện cho những cuộc mua bán các món hàng nhỏ, ví dụ là điều không thể làm được với kim cương. Và bởi không quá dư dả (những số lượng nhỏ lại mang giá trị cao) nên điều này có nghĩa rằng chúng có thể dễ dàng được mang theo nhiều hơn những món hàng chẳng hạn như gỗ.
Tuy nhiên, có lẽ thuộc tính tiền tệ quan trọng nhất của các kim loại là khả năng được cân đong một cách chính xác, điều vô cùng quan trọng cần phải ghi nhớ bởi theo tính năng và hình thái cơ bản của mình, tiền vừa là kho lẫn thước đo của giá trị. Nó trở thành sự tham chiếu cho tất cả thứ khác có thể được so sánh trong nền kinh tế. Do đó, về cốt lõi, tiền tệ được coi là đơn vị có khả năng đo lường và bất biến - tính năng cho thấy các kim loại phù hợp một cách lý tưởng bởi khả năng phân tích chính xác tính nguyên chất lẫn trọng lượng của chúng. Các chuyên gia có thể mặc cả về chất lượng chính xác của đá quý, nhưng việc một thỏi kim loại có nguyên chất 99% hoặc có nặng đủ 100 ounce hay không thì lại ít nhận được sự đánh giá của mọi người. Thế nên, đó chính là lý do khiến cho con người từng chọn các kim loại như kho và thước đo giá trị lý tưởng trên mọi châu lục và trong suốt quá trình lịch sử.
UY THẾ CỦA VÀNG
Dĩ nhiên có một kim loại từng được lựa chọn nhờ phương pháp thử qua hàng thế kỷ so với tất cả kim loại khác. Thậm chí ngày nay, trong một thế giới, nơi tiền bạc không thể định nghĩa nổi thì đến người dân thường theo bản năng còn biết rằng vàng vẫn là tốt nhất trừ phi xuất hiện thứ tốt hơn. Chúng ta sẽ để dành cho các nhà xã hội học bàn cãi về nguyên nhân tại sao vàng lại được chọn như đồng tiền chung. Còn với mục đích của chúng ta, điều quan trọng chỉ cần biết là nó từng được chọn. Tuy nhiên, chúng ta không nên bỏ qua khả năng xảy ra rằng nó là một lựa chọn hoàn hảo. Xét về số lượng, vàng dường như chỉ vừa đủ số lượng để giữ cho giá trị của nó tương đối cao trong hệ thống tiền tệ hữu ích, thậm chí còn không được nhiều như bạc, thứ kim loại còn nhiều hơn bạch kim, ngẫu nhiên trở thành yếu tố quan trọng thứ hai trong cuộc luận bàn về tiền tệ. Những kim loại này đều phù hợp theo mục đích tương đối tốt, song vàng vẫn được xem là sự thỏa hiệp hoàn hảo. Vì thế, nó đã trở thành hàng hóa theo nhu cầu ngày càng lớn về các mục đích khác hơn cả tiền như công nghiệp và đồ trang sức do luôn đảm bảo được giá trị nội tại trong mọi điều kiện. Tất nhiên, sự nguyên chất và trọng lượng của nó có thể được cân đong một cách chính xác.
HỌC THUYẾT SAI LẠC VỀ SỐ LƯỢNG
Người ta thường bàn cãi rằng vàng không thích hợp để trở thành tiền vì bị hạn chế về nguồn cung ứng nhằm thỏa mãn được các nhu cầu của thương mại hiện đại. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ lô-gíc - xét cho cùng, chúng ta phải cần nhiều tiền để giữ cho các bánh xe của nền kinh tế quay được - nhưng theo điều tra thì điều này lại trở thành một trong những ý tưởng ngây ngô nhất có thể tưởng tượng ra.
Trước tiên, người ta ước tính rằng, giờ đây có khoảng 45% vàng được khai thác trên toàn thế giới kể từ khi châu Mỹ được phát hiện ra đều nằm trong các kho dự trữ của chính phủ hoặc ngân hàng.[3] Rõ ràng, có ít nhất trên 30% là đồ nữ trang, trang sức và cả những kho dự trữ cá nhân. Và bất kỳ hàng hóa nào tồn tại chiếm tới 75% tổng sản lượng thế giới kể từ khi Columbus phát hiện ra châu Mỹ hiếm khi được miêu tả như trong nguồn cung ứng thiếu hụt.
Tuy nhiên, thực tế sâu xa hơn là ngay cả nguồn cung ứng cũng không quan trọng. Hãy nhớ rằng chức năng chủ yếu của tiền là đo lường giá trị các món hàng mà nó trao đổi và theo mục đích như vậy, hoàn toàn phù hợp như tiêu chuẩn so sánh hoặc thước đo của giá trị - điều thực sự không khác mấy so với việc chúng ta đo chiều dài của chiếc chăn theo inche, feet, yard hoặc mét. Thậm chí, chúng ta có thể quản lý chúng khá tốt theo dặm nếu dùng hệ thập phân và biểu diễn kết quả theo milimét. Chúng ta cũng có thể dùng vô số thước đo mà chẳng ảnh hưởng gì tới số đo được dùng vì thực tế số đo không hề thay đổi. Chăn của chúng ta chẳng to hơn được chỉ bởi chúng ta vừa tăng số đơn vị đo lường bằng cách khắc thêm các điểm đánh dấu trên những chiếc thước của mình.
Nếu nguồn cung ứng vàng trong sự liên quan tới nguồn cung ứng hàng hóa có sẵn là nhỏ đến nỗi một đồng tiền vàng một ounce trở nên quá giá trị đối những giao dịch nhỏ thì rõ ràng mọi người sẽ sử dụng những đồng tiền nửa ounce hoặc một phần mười ounce. Thế nên, khối lượng vàng trên thế giới không ảnh hưởng tới khả năng phục vụ như một loại tiền tệ, nó chỉ ảnh hưởng tới số lượng được sử dụng để đo bất kỳ giao dịch nào.
Hãy cùng làm rõ điểm này bằng cách tưởng tượng rằng chúng ta đang chơi trò Cờ tỉ phú (Monopoly), trong đó, ban đầu từng người chơi được cung cấp một nguồn cung ứng tiền để chơi nhằm thực hiện giao dịch kinh doanh. Nó không làm mất thời gian trước khi tất cả chúng ta bắt đầu cảm thấy thiếu tiền. Nếu có nhiều tiền hơn, chúng ta thực sự có thể thương lượng một cách khéo léo. Chúng ta hãy giả định xa hơn nữa rằng một ai đó phát hiện ra hội chơi khác của trò Monopoly đang ngồi trong buồng kín và đề xuất rằng tiền nên được bổ sung vào trò chơi đang tiến triển. Nhờ nhất trí chung mà những tờ tiền nhỏ lại được phân phát đồng đều cho tất cả người chơi. Điều gì sẽ xảy ra?
Lúc này, nguồn cung ứng tiền sẽ được tăng gấp đôi. Tất cả chúng ta đều có khoản tiền nhiều gấp đôi lúc trước. Nhưng chúng ta có thấy tốt hơn không? Do không có sự tăng lên tương ứng về số lượng của cải nên mọi người sẽ phải đấu thầu giá của những thứ đang có cho đến khi chúng đắt gấp hai lần. Nói cách khác, quy luật cung - cầu sẽ nhanh chóng đuổi theo một cách chính xác trạng thái cân bằng dù đã tồn tại với nguồn cung ứng tiền bị hạn chế hơn. Khi số lượng tiền tăng lên mà không có sự tăng tương ứng về hàng hóa thì ảnh hưởng chính là sự giảm bớt sức mua của từng đơn vị tiền tệ. Nói cách khác, thực sự chẳng có gì thay đổi ngoại trừ mức giá đưa ra của mọi thứ tăng lên. Nhưng đó chỉ là mức giá đưa ra, mức giá được ấn định dưới dạng đơn vị tiền tệ. Còn sự thật là mức giá thực, dưới dạng mối quan hệ của nó với tất cả mức giá khác, vẫn giữ nguyên giống nhau. Rõ ràng rằng giá trị tương đối của nguồn cung ứng tiền vừa hạ xuống. Dĩ nhiên, điều này là cơ chế cơ bản của lạm phát. Giá cả không lên. Giá trị tiền đi xuống.
Nếu Ông già Nô-en tới thăm mọi người trên Trái đất sau Lễ Giáng sinh và đặt vào những chiếc tất một khoản tiền chính xác bằng khoản tiền thực sự chúng ta có thì chắc chắn rằng nhiều người sẽ vui mừng vì đột nhiên thấy của cải tăng lên. Tuy nhiên, nhờ dịp Năm Mới mà giá cả mọi thứ sẽ tăng gấp đôi nên kết quả cuối cùng về mức sống trên thế giới sẽ chính xác bằng không.[4]
Lý do khiến quá nhiều người tin vào lý lẽ hấp dẫn rằng nền kinh tế cần nguồn cung ứng tiền tệ lớn hơn là họ tập trung vào nhu cầu làm tăng nguồn cung ứng của mình. Nếu họ tạm ngưng để phản ánh về kết quả của việc tăng nguồn cung ứng tổng thể, sự vô lý của kế hoạch này ngay lập tức xuất hiện.
Murray Rothbard, giáo sư kinh tế của trường đại học Nevada tại Las Vegas nói:
Chúng ta đều thấy được sự thật hiển nhiên rằng chẳng có vấn đề gì với nguồn cung ứng tiền. Nguồn nào rồi cũng sẽ tốt như nhau. Thị trường tự do sẽ điều chỉnh đơn giản bằng việc thay đổi sức mua hoặc tính hiệu quả theo đơn vị vàng của nó. Không có bất cứ nhu cầu nào cho bất kỳ sự tăng lên trong nguồn cung ứng tiền được vạch ra, đối với nguồn cung ứng tăng lên để bù lại bất kỳ điều kiện nào hoặc để thực hiện bất kỳ tiêu chuẩn phi tự nhiên nào. Nhiều tiền không hẳn là cấp nhiều vốn hơn, không hiệu quả hơn, không thừa nhận “sự tăng trưởng kinh tế”.[5]
VÀNG ĐẢM BẢO GIÁ CẢ ỔN ĐỊNH
Cục Dự trữ Liên bang khẳng định rằng một trong những mục tiêu cơ bản của nó là bình ổn giá cả. Dĩ nhiên, nó từng thất bại khủng khiếp về điều này. Tuy nhiên, trớ trêu thay, việc duy trì giá cả ổn định là điều dễ nhất trên thế giới. Tất cả chúng ta phải làm là dừng việc chắp nối với nguồn cung ứng tiền và để cho thị trường tự do thực hiện công việc của mình. Giá cả tự động trở nên bình ổn theo hệ thống tiền hàng và điều này đặc biệt đúng dưới chế độ bản vị vàng.
Các nhà kinh tế thích minh chứng các hoạt động của thị trường tự do bằng việc tạo nên những nền kinh tế vi mô và vĩ mô đầy tính giả thuyết mà trong đó, mọi thứ bị giảm xuống chỉ theo một vài yếu tố và một vài người. Vì vậy, trên tinh thần này, chúng ta hãy cùng tạo ra nền kinh tế mang tính giả thuyết được cấu thành chỉ từ hai tầng lớp nhân dân: những người đào vàng và các thợ may. Chúng ta hãy giả sử rằng quy luật cung - cầu được thiết lập dựa trên giá trị của một ounce vàng tương đương với một bộ quần áo vừa vặn và đẹp. Điều đó có nghĩa rằng sức lao động, công cụ, vật liệu và trí óc đòi hỏi để khai thác và tinh luyện một ounce vàng được trao đổi thương mại ngang bằng công sức, công cụ và trí óc để dệt vải và cắt may một bộ quần áo. Cho đến tận bây giờ, số lượng ounce vàng được sản xuất mỗi năm cũng chỉ xấp xỉ ngang bằng số lượng những bộ quần áo may đẹp mỗi năm và giá trị một ounce vàng ngang bằng với một bộ quần áo cắt may vừa vặn và đẹp.

Lúc này, chúng ta hãy cùng giả định rằng: trong cuộc theo đuổi một mức sống tốt hơn, những người đào vàng phải làm việc thêm giờ và sản xuất vàng năm nay nhiều hơn năm trước, hoặc vừa phát hiện thấy một mạch vàng tăng đáng kể nguồn sẵn có mà mất ít thời gian làm thêm. Đến lúc này, mọi thứ không còn cân bằng nữa. Chúng ta có nhiều vàng hơn là có những bộ quần áo. Kết quả của sự mở rộng này về nguồn cung ứng tiền vượt quá cả nguồn cung ứng hàng hóa giống như trong trò chơi Cờ tỉ phú của chúng ta. Giá đưa ra cho những bộ quần áo tăng lên bởi giá trị tương đối của vàng vừa hạ xuống.
Tuy nhiên, quá trình này không dừng ở đó. Khi nhận thấy rằng mức sống không tốt hơn trước bất kể làm thêm giờ và đặc biệt khi thấy những người thợ may đang làm ra lợi nhuận lớn hơn mà không mất thêm công sức thì một số người thợ mỏ sẽ quyết định từ bỏ lựa chọn của mình và quay sang kinh doanh trong lĩnh vực cắt may. Nói cách khác, họ phản ứng theo đúng quy luật cung - cầu trong lao động. Khi điều này xảy ra, sản lượng vàng hàng năm sẽ hạ xuống trong khi sản lượng quần áo tăng lên và trạng thái cân bằng lại được lặp lại một lần nữa, theo đó quần áo và vàng được giao dịch như trước đây. Còn thị trường tự do nếu được các chính trị gia và cơ chế tiền tệ giải phóng thì sẽ luôn duy trì được cơ cấu giá ổn định vì được điều chỉnh tự động bằng yếu tố cơ bản của nỗ lực con người. Nỗ lực con người được đòi hỏi để rút một ounce vàng ra khỏi trái đất sẽ luôn tương đương bằng tổng nỗ lực con người cần có để cung cấp hàng hóa và dịch vụ được trao đổi một cách tự do.
THUỐC LÁ NHƯ MỘT LOẠI TIỀN
Ví dụ hoàn hảo về cách hàng hóa có xu hướng tự điều chỉnh giá trị của chúng đã xuất hiện ở Đức vào cuối chiến tranh Thế giới II. Đồng mác Đức trở nên vô tác dụng, trong khi việc trao đổi hàng hóa lại trở nên phổ biến. Nhưng một trong những món hàng trao đổi đó là thuốc lá thực sự trở thành một thứ tiền hàng và hoạt động tương đối tốt. Một số lượng thuốc lá đã được vận chuyển lậu vào đất nước này - hầu hết đều do những quân nhân người Mỹ mang vào. Trong trường hợp này, số lượng bị giới hạn còn nhu cầu lại cao. Chỉ một điếu thuốc cũng cân nhắc được cả sự thay đổi nhỏ. Một gói hai mươi điếu hay một hộp các-tông hai trăm điếu còn giữ vai trò lớn hơn cả đơn vị tiền tệ. Nếu tỉ lệ trao đổi bắt đầu rớt xuống quá thấp - nói cách khác, nếu số lượng thuốc lá có xu hướng mở rộng theo tốc độ nhanh hơn sự mở rộng của những hàng hóa khác - những người giữ tiền, thường nhiều hơn, sẽ hút thuốc hơn vì tiêu tiền. Nguồn cung ứng sẽ giảm bớt và giá trị sẽ trở lại trạng thái cân bằng khi trước. Điều này không phải là học thuyết, nó thực sự đã xảy ra.[6]
Với vàng như cơ sở tiền tệ, chúng ta mong rằng những cải thiện trong việc chế tạo công nghệ sẽ giảm bớt thực sự chi phí của sản phẩm, dẫn tới không chỉ sự ổn định mà còn giảm xuống về tất cả giá cả. Tuy nhiên, áp lực giảm xuống cũng là sự đền bù thực sự nhờ sự gia tăng về chi phí của những công cụ tinh vi hơn được yêu cầu. Vả lại, những hiệu quả công nghệ đang được áp dụng vào lĩnh vực khai thác mỏ vì vậy, mọi thứ hướng tới sự cân bằng hoàn toàn. Lịch sử từng chỉ ra rằng những thay đổi theo trạng thái cân bằng tự nhiên này là rất nhỏ và chỉ dần xuất hiện sau một thời gian dài. Ví dụ như năm 1913, năm Dự trữ Liên bang được ban hành thành luật, mức lương hàng năm trung bình ở Mỹ là 633 đô-la. Giá trị trao đổi của vàng năm đó là 20,67 đô-la. Điều đó có nghĩa rằng người lao động bình thường thu nhập tương đương 30,6 ounce vàng một năm.
Năm 1990, mức lương hàng năm trung bình tăng lên 20.468 đô-la, tức là tăng 3.233% - mức tăng trung bình 42% mỗi năm cho 77 năm. Nhưng giá trị trao đổi của vàng năm 1990 cũng tăng lên 386,9 đô-la một ounce. Vì vậy, người lao động bình thường thu nhập tương đương 52,9 ounce vàng một năm - tăng 73%, mức tăng chưa đầy 1% một năm trong cùng thời gian như nhau. Rõ ràng rằng, sự tăng lên ngoạn mục về mức lương cũng chẳng mấy ý nghĩa với người dân thường Mỹ. Thực tế là chỉ một sự tăng nhỏ nhưng ổn định về sức mua (khoảng 1% một năm) cũng đạt được kết quả giống như sự cải thiện dần dần trong công nghệ. Điều này và chỉ điều này mới mang đến mức sống được cải thiện và giảm bớt mức giá thực - như được khám phá nhờ giá trị tương đối của vàng.
Trong những lĩnh vực nơi dịch vụ cá nhân là yếu tố chủ chốt và công nghệ ít quan trọng thì sự ổn định của vàng như thước đo giá trị thậm chí còn gây ấn tượng hơn. Tại Khách sạn Savoy ở Luân Đôn, một đồng tiền vàng sẽ vẫn mua được một bữa tối dành cho ba người, chính xác như hồi năm 1913. Còn tại thành Rome cổ kính; chi phí cho việc làm đẹp gồm áo choàng, thắt lưng và một đôi xăng-đan là một ounce vàng, chi phí đó hầu như vẫn chính xác tới tận ngày nay, sau hai nghìn năm, để có được một đồ cắt may bằng tay, thắt lưng cùng một đôi giày. Không có những ngân hàng trung ương hoặc các tổ chức của con người nào khác có thể đạt tới được việc cung cấp kiểu giá cả ổn định như vậy. Và cho đến bây giờ, điều đó hoàn toàn tự động theo chế độ bản vị vàng.
Trong bất kỳ trường hợp nào, trước khi rời khỏi chủ đề về vàng, chúng ta nên biết rằng không có gì bí ẩn về nó cả. Nó đơn thuần là hàng hóa mà vì có giá trị nội tại cao và sở hữu nhiều tiêu chuẩn cụ thể nên được chấp nhận như phương tiện trao đổi xuyên suốt lịch sử. Hít-le đã phát động chiến dịch chống lại vàng như công cụ của những chủ ngân hàng người Do Thái. Nhưng chế độ phát xít đã giao dịch chủ yếu bằng vàng và cung cấp tiền cho cỗ máy chiến tranh của họ bằng vàng. Lê-nin đã khẳng định rằng vàng được sử dụng chỉ để đẩy những người lao động vào cảnh nô lệ và sau cách mạng, được sử dụng để chi trả cho công cuộc xây dựng nhà vệ sinh công cộng. Nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng gạt bỏ vàng như một “kim loại man rợ”. Nhiều người theo Keynes ngày nay chủ yếu đầu tư vào vàng. Và dĩ nhiên, hoàn toàn có thể rằng nếu có thứ nào khác hơn cả vàng thì nó sẽ trở nên tốt hơn như nền tảng của tiền. Thế nhưng hơn hai nghìn năm trôi qua, chỉ có điều đó thôi mà chưa một ai có đủ khả năng tìm ra.
QUY LUẬT TỰ NHIÊN SỐ 1
Sự ổn định tuyệt vời của vàng như thước đo giá trị đơn giản là kết quả về bản chất con người phản ứng lại những ảnh hưởng của cung và cầu. Do đó, quá trình này có thể được giải thích như quy luật tự nhiên về hành vi con người:
BÀI HỌC: Khi vàng (hoặc bạc) được dùng như tiền và khi những ảnh hưởng của cung và cầu không bị sự can thiệp của chính phủ ngăn lại thì lượng kim loại mới bổ sung cho nguồn cung ứng tiền sẽ luôn tương xứng chặt chẽ với việc mở rộng hàng hóa và dịch vụ mà có thể được mua bằng nó. Sự ổn định lâu dài của giá cả là kết quả tất yếu của những ảnh hưởng này. Quá trình này tự động và công bằng. Bất kỳ sự cố gắng nào bởi các chính trị gia nhằm can thiệp sẽ phá hủy lợi ích của tất cả. Vì vậy:
QUY LUẬT: Sự bình ổn giá cả lâu dài là có thể chỉ khi nguồn cung ứng tiền dựa trên nguồn cung ứng vàng (hoặc bạc) mà không có sự can thiệp của chính phủ.
Ngay cả khái niệm về tiền cũng còn đang phát triển chậm chạp trong suy nghĩ của người xưa, vì vậy, nó trở nên hiển nhiên rằng một trong những lợi thế của việc sử dụng vàng hoặc bạc như phương tiện trao đổi là bởi sự hiếm có của nó được so sánh với đồng đỏ hoặc sắt, giá trị cao có thể được đại diện theo kích cỡ nhỏ. Những thỏi nhỏ có thể được mang theo trong túi hoặc được kẹp chặt vào thắt lưng cho dễ giao dịch, và dĩ nhiên, chúng có thể thực sự được giấu đi nhằm giữ an toàn. Sau đó, những người thợ kim hoàn bắt đầu chế tác chúng thành những miếng tròn và đưa ra dấu xác nhận của mình nhằm chứng nhận sự nguyên chất và trọng lượng. Theo cách này, những đồng tiền vàng đầu tiên của thế giới đã bắt đầu xuất hiện.
Người ta đã tin rằng những đồng tiền kim loại quý đầu tiên được đúc bởi những người Lydian ở khu vực Tiểu Á (ngày nay là Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ) khoảng năm 600 trước công nguyên. Thế nhưng, người Trung Quốc đã dùng các khối vàng rất sớm từ năm 2100 trước công nguyên. Và nó vẫn chưa được coi là tiền cho đến khi các vị vua tham gia vào bức tranh mà hệ thống đúc tiền trở thành thực tế. Đó là chỉ khi chính quyền chứng nhận những miếng tròn nhỏ rằng chúng trở nên được chấp nhận rộng rãi và hơn bất kỳ ai khác, người Hy Lạp chính là người mà chúng ta chịu ơn vì sự phát triển này. Groseclose miêu tả kết quả:
Những miếng tròn sáng ngời, lấp lánh được tô điểm bằng những biểu tượng mới lạ kỳ và một loạt hình ảnh nổi bật sinh động đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc về cả người Hy Lạp lẫn sự man rợ. Còn đối với tư tưởng thực tế hơn, sự dư dả của những mẩu kim loại đồng nhất, mỗi miếng theo trọng lượng tiêu chuẩn, được quyền uy của chính quyền chứng nhận, có nghĩa là giải thoát khỏi sự nặng nề của đổi chác cùng những cơ hội mới mẻ và bất ngờ theo mọi hướng…
Tất cả tầng lớp nhân dân đã ngừng chống lại tiền và những người lao động chân chính bằng nghề thủ công hoặc trồng trọt chỉ vì nhu cầu cá nhân và những thứ cần thiết cho ngôi nhà đã nhận thấy việc đi ra chợ là để đổi các sản phẩm lấy những đồng tiền mà họ có thể thu được.[7]
MỞ RỘNG NGUỒN CUNG ỨNG TIỀN BẰNG VIỆC CẮT XÉN TIỀN ĐÚC
Ngay từ ban đầu, khát khao về nguồn cung ứng tiền lớn hơn đã dẫn tới những thực tế phá hỏng nền kinh tế. Những thương nhân vô liêm sỉ đã bắt đầu bào bớt một phần rất nhỏ của từng đồng tiền mà họ nắm giữ - quá trình được biết như việc cắt xén tiền đúc - và sau đó lấy những phần được bào ra đó đúc lại thành những đồng tiền mới. Trước đó rất lâu, ngân khố của nhà vua đã bắt đầu thực hiện điều như vậy với những đồng tiền nhận được theo thuế. Bằng cách này, nguồn cung ứng tiền tăng lên trong khi nguồn vàng vẫn thế. Kết quả chính xác là điều mà ngày nay chúng ta biết luôn xảy ra khi nguồn cung ứng tiền được mở rộng một cách nhân tạo - đó là sự lạm phát. Nếu trước đây một đồng tiền đúc mua được mười hai con cừu thì bây giờ nó chỉ được chấp nhận có mười con. Tổng lượng vàng cần thiết cho mười hai con cừu thực sự chưa bao giờ thay đổi. Chỉ là điều mà mọi người biết rằng một đồng tiền không còn chứa được hơn nữa.
Ngay khi các chính phủ trở nên trâng tráo hơn trong việc làm giảm giá trị tiền tệ của họ, thậm chí mở rộng việc pha loãng hàm lượng vàng hoặc bạc, dân chúng đã thích ứng tương đối tốt đơn giản bằng “việc giảm giá” những đồng tiền mới. Điều này để nói nên rằng họ đã chấp nhận những đồng tiền theo giá trị thực dù thấp hơn cái mà chính phủ định đưa ra. Và điều này luôn được phản ánh theo sự gia tăng chung của giá cả dưới dạng các đồng tiền đó. Giá thực tế dưới hình thức lao động, hàng hóa khác hoặc thậm chí bản thân vàng vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Các chính phủ không thích bị ngăn cản trong những kế hoạch của họ để bóc lột dân chúng của mình. Vì vậy, phải tìm ra được hướng để buộc mọi người chấp nhận những đồng xèng này như đồng tiền thật. Điều này dẫn tới những luật tiền tệ chính thức đầu tiên. Nhờ chiếu chỉ của hoàng gia, “đồng tiền của vương quốc” được công khai hợp pháp cho thanh toán tất cả khoản nợ. Bất kỳ ai từ chối nó theo mệnh giá đều bị phạt tiền, tống giam hoặc trong một số trường hợp, thậm chí bị chết. Kết quả là những đồng tiền tốt đã biến mất khỏi sự lưu thông và chuyển vào các kho dự trữ tư nhân. Rốt cuộc, nếu chính phủ ép buộc chấp nhận sắt vụn theo cùng tỉ lệ trao đổi của vàng thì bạn sẽ không giữ vàng và tiêu sắt vụn chứ? Điều này đã diễn ra ở Mỹ vào thập niên 60 khi sở đúc tiền bắt đầu ban hành những đồng tiền bằng kim loại rẻ để thay thế các đồng một hào, đồng 25 xu và nửa đô-la bằng bạc. Chỉ trong vòng vài tháng, những đồng tiền bạc chỉ còn trong túi những kẻ bảnh bao và những hộp gửi an toàn. Điều như vậy từng được lặp lại trong suốt thời kỳ xưa. Còn trong các nền kinh tế, điều này được gọi là Luật của Gresham: “Tiền xấu nuốt tiền tốt.”
Biện pháp cuối cùng trong trò chơi này về lợi nhuận hợp pháp là để chính phủ ổn định giá đến mức, cho dù mọi người chỉ đang sử dụng sắt vụn như tiền thì cũng không còn phải đền bù nữa vì việc mở rộng nguồn liên tục của nó. Giờ đây, mọi người đã bị mắc vào. Họ đã không thể thoát ra được ngoại trừ trở thành tội phạm, điều mà hầu hết đều chọn thực hiện một cách ngẫu nhiên. Lịch sử của việc mở rộng nhân tạo là lịch sử của sự không hài lòng lớn với chính phủ, tình trạng hỗn độn nhiều và nền kinh tế trong bóng tối có quy mô.
VÀNG LÀ KẺ THÙ CỦA HỆ THỐNG PHÚC LỢI XÃ HỘI
Dần theo thời gian, những kẻ thống trị của các quốc gia trở nên tinh vi hơn theo những học thuyết mà nhờ đó hạ thấp giá trị của tiền tệ - thông qua hệ thống ngân hàng thay thế cho việc cắt xén tiền đúc. Năm 1966, kết quả của quá trình này được Alan Greenspan - người mà vài năm sau sẽ trở thành chủ tịch ủy ban Thống đốc của Dự trữ Liên bang đã tổng kết như sau:
Việc từ bỏ chế độ bản vị vàng đã khiến điều đó có thể xảy ra đối với những thống kê phúc lợi xã hội nhằm sử dụng hệ thống ngân hàng như phương tiện đối với sự bành trướng vô hạn về tín dụng…
Quy luật cung - cầu không còn bị chi phối. Khi nguồn cung ứng tiền tăng tương xứng với nguồn tài sản hữu hình trong nền kinh tế, giá cả rốt cuộc phải tăng lên. Do đó, những khoản thu nhập được các thành viên sản xuất của xã hội tiết kiệm đánh mất giá trị dưới dạng hàng hóa. Cuối cùng, khi những sổ sách kế toán của nền kinh tế được cân đối, ai cũng nhận thấy rằng khoản lỗ về giá trị này thể hiện những hàng hóa được chính phủ mua vì phúc lợi xã hội hoặc những mục đích khác…
Với sự vắng mặt của chế độ bản vị vàng, không có cách nào để bảo vệ những khoản tiết kiệm khỏi sự sung công thông qua lạm phát. Không có kho an toàn nào về giá trị. Nếu có, chính phủ cũng sẽ phải làm cho việc nắm giữ nó là phạm pháp, như đã làm trong trường hợp của vàng… Chính sách tài chính về hệ thống phúc lợi xã hội yêu cầu rằng không còn đường nào cho những người sở hữu của cải bảo vệ được bản thân mình.
Đây là bí mật hèn hạ trong những tràng đả kích các thống kê phúc lợi xã hội chống lại vàng. Việc tiêu dùng số tiền bị thiếu hụt đơn giản là một âm mưu cho sự sung công “ngầm” của cải. Vàng đại diện cho hướng đi của quá trình xảo quyệt này. Nó thể hiện như người bảo vệ quyền sở hữu.[8]
Đáng tiếc, khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, Greenspan đã “mũ ni che tai” trước các vấn đề của vàng. Một khi được ngồi vào ban điều hành nắm giữ những đòn bẩy quyền lực, ông ta đã phụng sự đám chuyên gia thống kê - những kẻ liên tục sung công của cải của mọi người thông qua khoản thuế ngầm lạm phát. Ngay cả sự sáng suốt nhất của con người có thể bị quyền lực và của cải mua chuộc.
TIỀN HÀNG THỰC TRONG LỊCH SỬ
Việc quay trở lại chủ đề liên quan đến vấn đề hạ thấp giá trị tiền tệ trong các thời kỳ xa xưa là để giải thích rằng những thực tế như vậy không phải là phổ cập. Đã có nhiều ví dụ xuyên suốt lịch sử của các đời vua chúa liên quan đến việc hạn chế tạo ra tiền. Hy Lạp cổ, nơi tiền đúc được phát triển đầu tiên là một trong những ví dụ như vậy. Đồng đracma đã trở thành đơn vị tiền tệ chính thức của thế giới văn minh bởi sự phụ thuộc vào hàm lượng vàng của nó. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các thành phố đã trở nên hưng thịnh và lĩnh vực thương mại diễn ra sôi nổi và phong phú. Thậm chí sau khi để mất thành Athens trong Cuộc nội chiến Hy lạp (Peloponnesian War), tiền đúc của nước này vẫn được giữ nguyên trong nhiều thế kỷ như tiêu chuẩn để đo lường tất cả mọi thứ khác.[9]
Tuy nhiên, có lẽ ví dụ hay nhất về một quốc gia có tiền vững chắc chính là Đế chế La Mã. Dựa vào truyền thống tiền vững chắc của Hy lạp, hoàng đế Constantine đã ra lệnh để tạo ra một loại vàng mới gọi là tiền vàng (solidus) và một loại bạc mới gọi là tiền bạc (miliarense). Trọng lượng vàng của tiền vàng sớm trở nên được ấn định bằng 65 hạt ngũ cốc và được đúc theo tiêu chuẩn dành cho tám trăm năm sau. Chất lượng của nó bị phụ thuộc tới mức được chấp nhận thoải mái dưới cái tên đồng tiền vàng của La Mã cổ (bezant) từ Trung Quốc tới Brittany, từ Biển Ban-tíc tới Ê-thi-ô-pi-a.
Các quy định của La Mã liên quan tới tiền hết sức nghiêm ngặt. Trước khi được thừa nhận làm nghề ngân hàng, ứng viên phải có các nhà tài trợ, những người làm chứng cho thanh danh của anh ta rằng sẽ không giũa hoặc bào đồng tiền vàng và đồng tiền bạc cũng như không phát hành đồng tiền giả. Sự vi phạm những nguyên tắc này sẽ bị chặt đứt tay.[10]
Đế chế La Mã đã trở nên thịnh vượng và được coi như trung tâm thương mại thế giới trong tám trăm năm mà không hề rơi vào tình trạng phá sản ngân hàng vì bất kỳ vấn đề gì. Chưa có giai đoạn nào trong suốt thời kỳ này làm giảm giá trị tiền của mình. Heinrich Gelzer nói: “Không phải thế giới cổ xưa hoặc hiện đại có thể đưa ra sự song song hoàn toàn đối với hiện tượng này. Sự ổn định phi thường … đã đảm bảo cho đồng tiền vàng của La Mã cổ như đồng tiền chung. Và theo trọng lượng đầy đủ của mình mà nó đã được tất cả quốc gia láng giềng chấp nhận như phương tiện trao đổi hợp lệ. Nhờ tiền của mình, Đế chế La Mã đã kiểm soát được cả thế giới văn minh và man rợ.”[11]
ĐỒNG TIỀN XẤU TRONG LỊCH SỬ
Kinh nghiệm của Roma tương đối khác, về cơ bản, những kẻ quân phiệt thường ít kiên nhẫn về những chi tiết vụn vặt của việc kiềm chế tiền tệ. Đặc biệt vào thời Đế quốc La Mã sau này, việc giảm giá trị của tiền đúc trở thành chính sách nhà nước có tính toán. Mọi phương án có thể hình dung ra trong việc cướp bóc mọi người đều được vạch sẵn. Bên cạnh các khoản thuế phải đóng, tiền đúc còn bị cắt xén, giảm bớt, pha loãng và làm dẹt. Các nhóm có ân huệ được trao nhượng quyền kinh doanh về cho các nghiệp vụ độc quyền được nhà nước công nhận - nguồn gốc của tập đoàn chúng ta ngày nay. Việc giá cả tăng liên tục liên quan đến vấn đề mở rộng tiền tệ, đầu cơ và sự gian trá trở nên lan tràn.
Tới năm 301 sau công nguyên, binh biến ngày càng lan rộng trong quân đội, những vùng xa xôi hẻo lánh thể hiện sự phản bội, ngân khố trống rỗng, nông nghiệp giảm sút và thương mại hầu như đình trệ. Sau đó, Diocletian đã đưa ra tuyên bố khống chế giá của mình như biện pháp cuối cùng của vị hoàng đế tuyệt vọng, chúng ta cảm thấy ấn tượng bởi những khía cạnh giống nhau đối với những tuyên bố trong thời đại này. Hầu hết sự hỗn loạn này có thể được truy nguyên trực tiếp đến các chính sách của chính phủ. Song, các chính trị gia chỉ thẳng tay kết tội những người khác vì “sự tham lam” và “không quan tâm tới lợi ích chung”. Diocletian đã tuyên bố:
Ai là kẻ làm trái tim chai điếng và bàng quan theo cảm xúc của nhân loại rằng anh ta không thể biết, hay nói đúng hơn là không để ý rằng trong việc buôn bán đồ gốm - những thứ được trao đổi ngoài chợ hoặc giao dịch trong kinh doanh hàng ngày của các thành phố, xu hướng đắt đỏ về giá cả đã lan rộng tới mức rằng sự khao khát lợi nhuận đã bị kiềm chế không phải bởi sự dư dật mà cũng chẳng phải những vụ mùa sung túc… Bởi vì được xem như khao khát điên rồ nằm ngoài sự kiểm soát duy nhất mà không để ý tới nhu cầu của nhiều người,… nó có vẻ tốt cho chúng ta, ngay cả khi nhìn kỹ vào tương lai, nhìn vào chúng ta - những người trở thành tổ tiên của mọi người - rằng sự can thiệp công bằng là để kết thúc các vấn đề không thiên vị.[12]
Theo sau là một bản danh sách chi tiết không thể tin nổi về giá cả được ủy thác cho mọi thứ từ việc phục vụ bia hoặc bó rau cải xoong tới chi phí luật sư hay thỏi vàng. Còn kết quả? Các điều kiện thậm chí trở nên tệ hơn và sắc lệnh hoàng gia đã bị bãi bỏ năm năm sau.
Đế quốc La Mã không bao giờ hồi phục được từ cuộc khủng hoảng. Tới thế kỷ thứ tư, tất cả tiền đúc đều được cân đong đo đếm, trong khi nền kinh tế một lần nữa quay trở lại hình thức trao đổi hàng hóa. Đến thế kỷ thứ bảy, bản thân trọng lượng cũng thường xuyên thay đổi tới mức nó không còn khả năng ảnh hưởng tới sự trao đổi bằng tiền. Vì tất cả mục đích thực tế, tiền trở nên tuyệt chủng và Đế chế La Mã cũng biến mất.
TIỀN HÓA ĐƠN
Khi mọc lên từ những tàn tích của Rome, những nền văn minh đã phục hồi lại khám phá đã từng bị bỏ qua về tiền tệ và sử dụng nó như một lợi thế lớn hơn. Sáng kiến này thực sự là bước tiến phi thường đối với loài người mặc dù có nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết cũng như nhiều thử nghiệm phía trước. Sự phát triển của tiền giấy chính là trường hợp này. Khi tích lũy được nhiều tiền đúc hơn, con người đòi hỏi phải chi tiêu hàng ngày và cần có nơi an toàn để cất giữ chúng. Những người thợ kim hoàn đang nắm giữ trong tay những số lượng lớn kim loại quý trong các cuộc mua bán của mình, sẵn sàng xây những kho dự trữ vững chắc để bảo vệ khoản tiền trong kho đó, vì vậy, điều này đối với họ là hoàn toàn theo lẽ tự nhiên để thu phí đối với những khoảng trống trong kho của mình nhằm cất giữ tiền của khách hàng. Người thợ kim hoàn có thể được ủy quyền để bảo vệ những đồng tiền đó thật tốt vì anh ta cũng đang bảo vệ chính của cải riêng của mình.
Khi tiền bạc được đưa vào kho, thủ quỹ sẽ đưa cho người chủ một tờ giấy biên nhận viết tay cho phép anh ta được rút tiền bất cứ lúc nào. Đầu tiên, cách duy nhất để lấy tiền ra khỏi kho là chủ nhân phải đích thân trình hóa đơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì người ta cũng quen với việc chủ nhân ủy quyền hóa đơn cho bên thứ ba đến xuất trình và rút tiền. Những hóa đơn được ủy quyền này chính là dạng sơ khai của tờ hối phiếu ngày nay.
Công đoạn cuối cùng trong quá trình phát triển này thể hiện qua khâu phát hành, người ta phát hành không chỉ một hóa đơn cho toàn bộ số tiền gửi ngân hàng mà là nhiều hóa đơn có giá trị nhỏ hơn, với tổng số không thay đổi và trên đầu mỗi hóa đơn có in dòng sau: TRẢ CHO NGƯỜI CẦM PHIẾU KHI ĐƯỢC YÊU CẦU. Khi người ta nghiệm ra rằng các loại hóa đơn giấy này được bảo đảm bằng tiền kim loại quý trong cửa hàng kim hoàn vốn sẽ được mang ra đổi lấy các hóa đơn thì việc bắt đầu sử dụng loại hóa đơn giấy này thay cho tiền kim loại trở nên ngày càng phổ biến hơn.
Do đó, tiền hóa đơn xuất hiện. Bản thân tờ giấy không có giá trị nhưng những gì thể hiện trên nó lại quý giá. Miễn là tiền còn trong két như cam kết thì hóa đơn và đồng tiền đảm bảo cho nó có giá trị ngang nhau. Và trong chương sau chúng ta sẽ thấy có rất nhiều ví dụ đáng giá về ứng dụng thực tế của tiền hóa đơn vào giai đoạn đầu phát triển ngành ngân hàng. Khi nó được sử dụng một cách đúng đắn, nền kinh tế nhờ đó mà đi lên. Nhưng nếu người ta xem nó là mánh lới để tạo ra sự gia tăng ảo về nguồn cung ứng tiền thì nền kinh tế cũng theo đó rối loạn và đình trệ.
QUY LUẬT TỰ NHIÊN SỐ 2
Đây không phải cuốn sách giáo khoa về lịch sử tiền tệ nên chúng ta không thể dành chỗ cho “sự xa xỉ” của việc nấn ná ở từng chi tiết hấp dẫn. Mục đích của cuốn sách này là giúp chúng ta nhận ra rằng có thể dự đoán được hành vi của con người trong những tình huống như trên và do đó có thể xây dựng một nguyên lý có độ phổ quát đến nỗi còn được xem là một quy luật tự nhiên. Từ hàng loạt kinh nghiệm trải qua trong giai đoạn sơ khai này, chúng ta có thể rút ra bài học:
BÀI HỌC: Mỗi khi chính phủ ra tay thao túng nguồn cung ứng tiền thì hậu quả bao giờ cũng là nạn lạm phát, bất ổn kinh tế và chính trị dù cho những người nỗ lực chỉ đạo quá trình này có thông minh hay có thiện chí thế nào đi nữa. Trái lại, mỗi khi quyền can thiệp vào chính sách tiền tệ của chính phủ chỉ giới hạn ở việc duy trì trọng lượng và tiêu chuẩn đo lường của kim loại quý thì giá cả ổn định, kinh tế thịnh vượng và chính trị yên bình. Vì vậy:
QUY LUẬT: Quốc gia nào muốn có được một nền kinh tế thịnh vượng và một chế độ chính trị yên bình thì sức mạnh tiền tệ của các chính trị gia cần được hạn chế ở mức duy trì trọng lượng và tiêu chuẩn đo lường của kim loại quý.
Trong các chương tiếp theo, chúng ta sẽ thấy hàng thế kỷ bất ổn tiền tệ theo sau giai đoạn sơ khai trên không hề chứa đựng một dấu hiệu nào cho thấy loài người hiện đại đã bãi bỏ quy luật này.
TỔNG KẾT
Chúng ta cần có kiến thức về bản chất của tiền để hiểu Cục Dự trữ Liên bang. Trái với nhiều người vẫn nghĩ, vấn đề này không huyền bí và cũng không phức tạp. Theo mục đích của bản nghiên cứu này, tiền được định nghĩa là bất kỳ thứ gì được chấp nhận như phương tiện trao đổi. Dựa trên định nghĩa đó, chúng ta có bốn loại tiền: tiền hàng, tiền hóa đơn, tiền pháp định và tiền dự trữ. Kim loại quý là loại tiền hàng đầu tiên xuất hiện trong lịch sử và từ đó, trải nghiệm thực tế đã chứng minh đây là cơ sở đáng tin cậy duy nhất cho một hệ thống tiền tệ trung thực. Với tư cách là cơ sở của tiền, vàng có nhiều loại: vàng thỏi, tiền đúc và hóa đơn giấy được bảo đảm đầy đủ. Con người đã làm lây lan lối suy nghĩ sai lầm rằng tiền quan trọng ở số lượng, hay cụ thể hơn, nhiều tiền bao giờ cũng tốt hơn cả. Điều này dẫn đến hành vi không ngừng thao túng và mở rộng nguồn cung ứng tiền thông qua các biện pháp như thu nhỏ kích thước đồng tiền, giảm hàm lượng kim loại trong đồng tiền và trong những thế kỷ sau này, người ta còn phát hành nhiều hóa đơn giấy được bảo đảm bằng vàng. Trong bất kỳ trường hợp nào, những hành động trên đều dẫn đến thảm họa về kinh tế, chính trị. Cũng có vài trường hợp hiếm hoi mà con người chúng ta không thao túng nguồn cung ứng tiền, ngược lại còn cho phép được tự điều chỉnh theo sản lượng của nguồn cung ứng vàng trong thị trường tự do, kết quả đạt được là sự thịnh vượng và yên bình.
Chú thích:
[1] Được C.V. Myers trích dẫn, Tiền bạc và năng lượng (Money and Energy’. Weathering the Storm) - Darien, Connecticut: Soundview Books, 1980, trang 161, 163. Xem thêm Tiền bạc và hoạt động kinh tế (Money and Economic Activity) do Lawrence S. Ritter hiệu đính (Boston: Houghton Mifflin, 1967), trang 33.
[2] Nói một cách nghiêm túc, mỗi bên nắm giữ giá trị nhận lại nhiều hơn là cho đi. Và như vậy, ông sẽ không tạo ra một cuộc mua bán. Do đó, trong suy nghĩ của những nhà mua bán, các món hàng có giá trị không bằng nhau. Quan điểm này được chia sẻ ngang bằng cho cả hai bên. Tuy nhiên, giải thích ngắn gọn là nó tiện hơn.
[3] Hãy xem Tiền bạc và con người: Nghiên cứu về kinh nghiệm tiền tệ (Money and Man: A survey of Monetary Experience) -Elgin Groseclose tái bản lần thứ tư. (Oklahoma: University of Oklahoma Press, 1976), trang 259.
[4] Tuy nhiên, những người lao ra thị trường trước tiên sẽ có lợi tạm thời từ mức giá cũ. Đến lúc lạm phát, những người tiết kiệm lại bị phạt tiền.
[5] Chính phủ đã làm gì với tiền tệ của chúng ta (What Has Government Done to Our Money?) của Murray Rothbard (Larkspur, Colorado: Pine Tree Press, 1964), trang 13.
[6] Hãy xem Galbraith, trang 250.
[7] Tiền tệ và con người (Money and Man) - Groseclose, trang 13.
[8] “Vàng và Tự do Kinh tế” trong Capitalism: The Unknown Ideal của Alan Greenspan do Ayn Rand hiệu đính (New York: Signet Books, 1967), trang 101.
[9] Ngay cả những người Hy Lạp, dưới thời Solon, đã có một cuộc trải nghiệm ngắn về tiền tệ bị kém chất lượng. Nhưng điều này tồn tại trong thời gian ngắn và không bao giờ lặp lại. Hãy xem Tiền tệ và con người (Money and Man) của Groseclose, trang 14, 20 - 54.
[10] Le livre du prefet ou Tempereur Léon le Sage sur les corporations de Constantinople, bản dịch tiếng Pháp từ nguyên bản Geneva của Jules Nicole, trang 38, được Groseclose trích dẫn, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 52.
[11] Byzantininsche Kulturgeschichte (Tubingen, 1909). trang 78. Cũng được Groseclose trích dẫn, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 54.
[12] Cũng được Groseclose trích dẫn, Tiền tệ và con người (Money and Man), trang 43 - 44.
Chương 8
Vàng của kẻ khờ
Lịch sử tiền giấy không được bảo đảm bằng kim loại quý do chính phủ áp đặt cho dân chúng qua các sắc lệnh; sự nổi lên của hệ thống dự trữ cục bộ của chúng ta ngày nay vốn dựa vào việc phát hành số lượng lớn biên lai bảo đảm bằng vàng nhiều hơn số vàng mà ngân hàng thực có cho việc đảm bảo đó.
Trong phần trước, chúng ta đã chia khái niệm tiền ra làm bốn nhóm như sau: tiền hàng, tiền hóa đơn, tiền pháp định và tiền dự trữ. Và ở chương trước, chúng ta đã nghiên cứu tiền hàng và tiền hóa đơn ở một mức độ chi tiết nhất định. Khi nghiên cứu, chúng ta cũng thiết lập một số nguyên lý về tiền tệ có thể ứng dụng với bất kỳ dạng tiền nào. Bây giờ, chúng ta sẽ đến với hai nhóm còn lại, cả hai đều có hình thức thể hiện là giấy và đều là căn nguyên cho hầu hết tất cả tai họa kinh tế của loài người hiện đại.
TIỀN PHÁP ĐỊNH
Từ điển Di sản Mỹ định nghĩa tiền pháp định là: “vị thế pháp lý được gán cho một loại tiền giấy, không được bảo đảm bằng vàng hay bạc.” Theo định nghĩa trên, tiền pháp định có hai đặc điểm: thứ nhất, nó không đại diện cho bất kỳ thứ gì thuộc giá trị nội tại và thứ hai, nó là một vị thế pháp lý được gán cho một loại tiền giấy. Nói một cách đơn giản, vị thế pháp lý có nghĩa là một đạo luật yêu cầu mọi người phải chấp nhận một loại tiền tệ nào đó trong thương mại. Hai đặc điểm này luôn tồn tại cùng nhau bởi thực ra bản thân tờ tiền không có giá trị và dân chúng sẽ sớm quay lưng với nó để chọn một phương tiện thanh toán đáng tin cậy hơn như tiền đúc từ vàng hay bạc. Do đó, khi phát hành tiền pháp định, chính phủ luôn công nhận nó là một vị thế pháp lý mà kèm theo đó là án phạt nặng hay thậm chí là án tù cho những ai chống lại. Cách duy nhất để các chính phủ dùng loại tiền vô giá trị đó nhằm đổi lấy hàng hóa và dịch vụ hữu hình là không cho công dân của mình lựa chọn nào khác.
Ứng dụng đáng lưu ý đầu tiên của biện pháp này được Marco Polo ghi nhận trong những chuyến hành trình đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ mười ba. Nhà thám hiểm nổi tiếng này đã miêu tả như sau:
Xưởng đúc tiền của Hoàng Đế khi đó nằm trong Kinh thành Cambaluc và cái cách mà nó hoạt động có thể khiến bạn thốt lên rằng vị hoàng đế này hẳn phải có Bí thuật giả kim ở khâu đúc hai mặt và bạn sẽ đúng! …
Họ sử dụng một loại sợi vỏ cây nào đó có màu trắng, nằm giữa lớp gỗ và phần vỏ dày bên ngoài, và từ đây, làm thành một thứ trông giống như tờ giấy, nhưng màu đen. Khi những tấm giấy này đã sẵn sàng sử dụng, họ cắt chúng ra thành từng mảnh nhỏ với kích cỡ khác nhau. Mảnh nhỏ nhất có giá trị tương đương nửa tornesel (đồng tiền bạc của châu Âu thời kỳ Trung Cổ)… Cũng có loại tương đương một Bezant vàng, ba Bezant vàng và cả mười Bezant vàng.
Tất cả những mẩu giấy này được phát hành trong sự long trọng và quyền uy như thể chúng là vàng ròng hay bạc nguyên chất vậy và trên mỗi mảnh giấy, các quan lại có thẩm quyền phải ký tên và đóng dấu lên đó. Còn khi tất cả được chuẩn bị sẵn sàng, vị Thượng thư do Hoàng Đế ngự phong sẽ thoa mực đỏ lên con triện thể hiện đặc quyền của mình và đóng dấu đỏ lên tờ tiền, bằng chứng xác thực tiền này được lưu hành hợp pháp. Bất kỳ ai làm tiền giả đều chịu án tử hình. Và mỗi năm, Hoàng Đế đều cho phát hành một khối lượng tiền mới khổng lồ, điều này không khiến ngài mất gì mà còn phải ngang bằng giá trị của tất cả báu vật trên thế giới.
Với cách làm được nêu trên, Hoàng Đế có thể thanh toán tất cả chi phí và làm cho những mẩu giấy này trở thành tiền tệ trên khắp lãnh thổ của mình… Và đối với ngài, không có một ai dù là quan trọng với mình lại dám kháng lệnh trừ khi muốn bị xử tử. Và quả thật, mọi người sẵn sàng chấp nhận nó.[1]
Có người sẽ cảm thấy kinh ngạc trước uy quyền của Hoàng Đế và sự khúm núm của những kẻ đang bị ảnh hưởng trực tiếp vì đã không dám thách thức cơn thịnh nộ của ngài; nhưng sự thiển cận của chúng ta sẽ nhanh chóng tan biến khi nghĩ đến điều tương tự đang xảy ra với Chứng Nợ Dự Trữ Liên Bang. Nó cũng được tô điểm bằng chữ ký và con dấu; ai làm giả cũng sẽ bị trừng phạt nặng, chính phủ cũng dùng chúng để trang trải chi phí; dân chúng bị ép phải chấp nhận sử dụng; chúng - và dạng tiền séc “vô hình”, thứ có thể được chuyển đổi thành như vậy - sẽ được in ồ ạt và cũng có giá trị tương đương tất cả tài sản trên thế giới này cộng lại. Và người ta cũng không mất gì khi in chúng. Thật sự thì hệ thống tiền tệ ngày nay của chúng ta gần như là một bản sao chính xác từ hệ thống của triều đại các chiến binh cách đây bảy thế kỷ.
KINH NGHIỆM THUỘC ĐỊA
Thật đáng tiếc, tình hình hiện tại không phải là duy nhất trong lịch sử của chúng ta. Trên thực tế, sau Trung Quốc, địa chỉ tiếp theo trên thế giới chấp thuận việc sử dụng tiền pháp định là Mỹ, cụ thể là Cơ Quan Lập Pháp Thuộc Địa Massachusetts (Massachusetts Bay Colony). Sự kiện này được miêu tả “không chỉ là khởi nguồn của tiền pháp định ở Mỹ mà còn ở Vương Quốc Anh và hầu hết trong thế giới Thiên chúa Giáo.”[2]
Năm 1690, Massachusetts phát động một cuộc đột kích quân sự bất ngờ nhằm vào thuộc địa của Pháp ở Quebec. Điều này đã diễn ra trước đó và lần nào cũng vậy, của cải cướp được luôn nhiều hơn tiền của bỏ ra cho cuộc viễn chinh. Tuy nhiên, chiến dịch cướp bóc lần này thất bại thảm hại và đoàn quân trở về tay trắng. Khi những binh sĩ đòi quân lương, Massachusetts nhìn lại ngân quỹ và thấy trống rỗng. Những binh sĩ bất bình có cớ để trở nên ương ngạnh, vì vậy, giới sĩ quan cần tìm ra giải pháp để tăng ngân quỹ. Đánh thêm thuế chắc chắn không được nhiều người đồng thuận, nên họ quyết định in tiền giấy. Để thuyết phục binh sĩ và người dân chấp nhận dạng tiền mới này, chính phủ đưa ra hai lời hứa trịnh trọng: một, chính phủ sẽ đổi tiền vàng hay tiền bạc lấy tiền giấy đó ngay khi thu nhập từ thuế của chính phủ đạt mức hiệu quả yêu cầu và hai, hoàn toàn không phát hành thêm tiền giấy nữa. Hai lời hứa trịnh trọng này nhanh chóng bị phá vỡ chỉ sau vài tháng, chính phủ tuyên bố rằng đợt phát hành ban đầu không đủ để họ chi trả các khoản nợ và một đợt phát hành mới với quy mô lớn gấp sáu lần so với đợt trước được đưa vào lưu thông. Tiền vẫn không được hoàn lại trong suốt gần bốn mươi năm, rất lâu sau khi những người đã hứa hẹn trước dân chúng không còn tại nhiệm.
MỘT KHUÔN MẪU CỔ ĐIỂN
Hầu hết các thuộc địa khác đều nhanh chóng học tập phép màu của việc in tiền và lịch sử sau đó là ví dụ về thuyết nhân quả cổ điển: Chính phủ các nước mở rộng nguồn cung ứng tiền một cách giả tạo qua việc phát hành tiền pháp định. Điều này được thực hiện bởi những luật tiền tệ chính thức nhằm buộc người dân phải chấp nhận. Sau đó, tiền đúc bằng vàng và bạc dần biến mất, thay vào đó, chúng chảy vào các kho dự trữ cá nhân hoặc thương nhân nước ngoài - những người vẫn khăng khăng yêu cầu người mua phải trả tiền hàng bằng loại tiền thực. Nhiều thuộc địa không thừa nhận đồng tiền trước đó của mình bằng cách in ra những tờ bạc mới có giá trị cao hơn tiền cũ nhiều lần. Điều này gây ra bất mãn chế độ và bạo loạn trong dân. Còn cuối mỗi chu kỳ là tình trạng lạm phát lan tràn và hỗn loạn kinh tế.
Năm 1703, Nam Carolina tuyên bố rằng tiền của mình là “một khoản thanh toán tốt và hợp pháp theo luật” và sau đó bổ sung rằng, bất kỳ ai từ chối loại tiền này sẽ “phải đóng một khoản phạt gấp hai lần giá trị in trên tờ tiền đã từ chối”. Đến năm 1716, hình phạt được nâng lên thành “gấp ba lần giá trị.”[3]
XƯỞNG IN TIỀN VÀ NẠN LẠM PHÁT
Benjamin Franklin là người khởi xướng hăng hái nhất cho việc phát hành tiền pháp định trong suốt những năm đương quyền và đã sử dụng ảnh hưởng to lớn của mình để áp đặt ý tưởng này lên công chúng, chúng ta có thể biết đôi chút về tình hình náo loạn lúc bấy giờ bằng việc để ý rằng, vào năm 1736, trong ấn phẩm Pennsylvania Gazette (Tạm dịch: Công báo Pennsylvania) của chính mình, Franklin đã xin lỗi người dân vì một đợt phát hành tiền bất thường và giải thích rằng máy in tiền “cùng với nhà in, đang hoạt động vì lợi ích của nhân dân, khiến nguồn tiền đã trở nên dồi dào hơn.”[4] Rõ ràng, việc in tiền là một công việc quan trọng và tốn thời gian.
Năm 1737, Massachusetts phá giá tiền pháp định của mình tới 66%, theo đó, một đô-la mới đổi được ba đô-la cũ. Lời hứa mà chính phủ đưa ra khi đó là sau năm năm, toàn bộ lượng tiền mới này sẽ được hoàn trả đầy đủ bằng bạc hoặc vàng. Nhưng lời hứa vẫn không được thực hiện.[5]
Đến cuối những năm 1750, Connecticut gánh chịu một tỷ lệ lạm phát tới 800%. Ở Carolina là 900%, Massachusetts là 1.000%, Rhode Island là 2.300%.[6] Theo quy luật tự nhiên, những đợt lạm phát này rồi cũng kết thúc nhưng hậu quả để lại là tình trạng giảm phát và đình trệ với quy mô lớn. Người ta đã nhận ra rằng, thậm chí ở thời kỳ thuộc địa, những đợt bùng nổ và phá sản kinh điển mà thường được các nhà kinh tế học hiện đại đổ lỗi cho một “thị trường tự do buông lỏng” thì thật sự là những biểu lộ trực tiếp của việc mở rộng và thu hẹp tiền pháp định vốn không còn được điều tiết bởi quy luật cung - cầu.[7]
Trong thời gian này, tiền đúc kim loại hoàn toàn biết mất. Chúng nằm ở đâu đó trong các kho dự trữ cá nhân nhưng phần lớn đã được xuất ra nước ngoài, để lại những thuộc địa không còn nhiều lựa chọn ngoài tiền pháp định hoặc đổi trác. Tuy nhiên, các thương nhân nước ngoài lại không thích bất kỳ hình thức nào vừa nêu trên và tình hình thương mại quốc tế dường như chững lại.
TRONG CÁI RỦI CÓ CÁI MAY
Thử nghiệm bằng tiền pháp định là một thảm họa với các thuộc địa và còn là cái gai trong mắt Ngân hàng Anh. Ngân hàng đã sử dụng ảnh hưởng của mình đối với đồng Curon để cấm các thuộc địa tự đúc tiền hay thành lập ngân hàng địa phương. Điều này có nghĩa là nếu thuộc địa muốn sử dụng tiền giấy bởi tính tiện lợi của nó thì buộc phải sử dụng giấy bạc do Ngân hàng Anh phát hành. Không ai có thể đoán trước được chính quyền các thuộc địa lại sáng tạo đến nỗi tự phát hành lấy tiền giấy. Vì vậy, năm 1751, Vương Quốc Anh bắt đầu buộc các thuộc địa phải mua lại toàn bộ tiền tự phát hành và rút chúng ra khỏi lưu thông. Rốt cuộc họ đã thực hiện điều này nhưng ở mức giá thỏa thuận với dân chúng. Trước thời điểm đó, tiền pháp định bị mất giá nặng nề trên thị trường nên chính phủ chỉ phải bỏ ra rất ít tiền để mua lại toàn bộ lượng tiền đã phát hành lúc trước.
Dù gây ra nhiều phẫn nộ ở các thuộc địa nhưng sắc lệnh của Quốc Hội Anh được coi là “trong rủi có may”. Giấy bạc của Ngân hàng Anh chưa bao giờ trở thành đồng tiền chính trong lưu thông. Có thể vì những trải nghiệm tồi tệ gần đây với tiền giấy mà các thuộc địa đã chọn cách mang số đồng tiền vàng và bạc ít ỏi còn lại ra khỏi kho dự trữ và trở về với hệ thống tiền - hàng hóa đích thực. Mới đầu, những người phán xét dự đoán rằng động thái này sẽ báo hiệu sự tàn phá nặng nề hơn cho nền kinh tế thuộc địa. “Không có đủ tiền” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Nhưng thực sự như chúng ta vừa thấy thì đã có đủ và bất kỳ số lượng thế nào cũng vẫn đủ.
THUỐC LÁ TRỞ THÀNH TIỀN
Thực tế, có thời gian mà những hàng hóa khác được chấp nhận như phương tiện trao đổi thứ hai. Những thứ chẳng hạn như móng vuốt của thú rừng, gỗ, gạo và rượu được thay thế cho tiền, nhưng thuốc lá vẫn là thông dụng nhất. Đây là hàng hóa có nhu cầu lớn trong thương mại thuộc địa và nước ngoài. Nó có giá trị nội tại, không thể bị giả mạo, có thể được chia theo hầu hết bất kỳ đơn vị số lượng nào, nguồn cung ứng không bị tăng lên ngoại trừ sự nỗ lực lao động. Nói một cách khác, nó được điều chỉnh bởi quy luật cung - cầu, điều mang lại sự ổn định lớn về giá trị. Theo nhiều cách, nó là một đồng tiền lý tưởng và được chính thức thông qua chẳng hạn như bang Virginia năm 1642 và vài năm sau là bang Maryland, nhưng vẫn không được sử dụng một cách chính thức ở tất cả thuộc địa khác. Vì vậy, sự gần gũi giữa tính đồng nhất của thuốc lá với tiền mà tiền pháp định trước đó ở New Jersey - không phải là bang phát triển thuốc lá - đã được thể hiện bằng bức hình về lá thuốc trên mặt đồng tiền. Nó cũng được khắc dòng chữ: “Tội giả mạo là Chết”. Thuốc lá được sử dụng trước đó ở Mỹ như phương tiện trao đổi thứ hai trong suốt hai trăm năm cho đến khi Hiến pháp mới tuyên bố rằng từ nay trở đi, tiền là đặc quyền duy nhất của chính phủ liên bang.[8]
Tuy nhiên, tiền tệ chủ yếu vào lúc này vẫn là đồng tiền vàng và bạc hay còn được gọi là đồng tiền kim loại (specie). Và kết quả tức thì của việc chuyển thành đơn vị tiền tệ vững chắc là sự bình phục nhanh chóng từ tình trạng đình trệ nền kinh tế lúc trước phải gánh chịu bởi những cuộc bùng nổ và phá sản của tiền pháp định. Thương mại và sản lượng đã tăng đột biến và điều này quay lại thu hút dòng thu của tiền vàng và tiền bạc trên toàn thế giới, thay thế sự thiếu tiền từng được tạo ra bởi sự mất giá trị của tiền giấy. Quy luật cung - cầu hiển nhiên lại hoạt động. Lúc này, Massachusetts đã quay lại với tiền kim loại trong khi Rhode Island vẫn giữ nguyên tiền pháp định. Kết quả là Newport, từng trở thành trung tâm thương mại cho West Indies, để mất giao thương buôn bán của mình rơi vào Boston và trở thành một cảng trống rỗng.[9] Sau khi các thuộc địa quay lại tiền đúc, giá cả nhanh chóng lấy lại được trạng thái cân bằng tự nhiên của mình và giữ nguyên mức đó, thậm chí trong suốt Cuộc Chiến Bảy Năm hay tình trạng phá vỡ thương mại xảy ra ngay trước Cuộc Cách Mạng.[10] Không có ví dụ nào tốt hơn về thực tế rằng, các hệ thống kinh tế trong tình trạng suy kiệt có thể và tiến hành khôi phục nhanh chóng nếu chính phủ không can thiệp vào quá trình hàn gắn tự nhiên.
CHIẾN TRANH ĐEM TIỀN pháp định trở lại
Chiến tranh Độc lập đã đột ngột làm ngưng trệ tất cả điều này. Những cuộc chiến tranh hiếm khi được tài trợ mà không có sẵn ngân khố và thậm chí, chúng không được phép xảy ra nếu không có những khoản tăng thuế. Nếu các chính phủ thu thuế của dân chúng đầy đủ, tương xứng với mâu thuẫn tài chính thì số lượng sẽ lớn hơn nhiều và thậm chí, hầu hết các nhà hỗ trợ hăng hái của nó cũng sẽ mất cả nhiệt huyết. Tuy nhiên, nhờ việc tăng giả tạo nguồn cung ứng tiền tệ mà chi phí thực đã bị ẩn đi. Dĩ nhiên, nó vẫn được thanh toán nhưng là thông qua lạm pháp - một quá trình mà ít người hiểu được.
Cuộc Cách Mạng ở Mỹ không phải ngoại lệ. Nhằm thanh toán hóa đơn cho sự độc lập mà cả Quân Liên minh lẫn các bang riêng biệt đều tham gia vào việc in tiền. Ngay từ khi bắt đầu chiến tranh năm 1775, tổng nguồn cung ứng tiền tệ là 12 triệu đô-la. Đến tháng Sáu năm đó, Quốc hội Lục địa đã phát hành thêm 2 triệu đô-la nữa. Thậm chí trước khi số tiền này được đưa vào lưu thông thì một khoản khác 1 triệu đô-la đã được thông qua. Cuối năm đó, một khoản khác nữa được đưa ra trị giá 3 triệu đô-la. Năm 1776 là 9 triệu đô-la. Năm 1777 là 13 triệu đô-la. Năm 1778 là 64 triệu đô-la. Năm 1779 là 125 triệu đô-la. Và vẫn còn tiếp: Quân đội Lục địa đã phát hành các “chứng chỉ” của riêng mình nhằm giành lấy các nguồn cung ứng với tổng trị giá 200 triệu đô-la. Khoản tổng trị giá 425 triệu đô-la trong năm năm bắt nguồn từ 12 triệu đô-la là mức tăng hơn 350%. Và bên cạnh đó, sự mở rộng của nguồn cung ứng tiền có quy mô này về phía chính quyền trung ương phải được hiểu là các chính quyền đều thực hiện chính xác cùng một việc. Người ta ước tính rằng chỉ trong năm năm từ 1775 đến 1779, tổng nguồn cung ứng tiền đã được mở rộng tới 500%. Trái lại, khoản tiền được tăng lên theo thuế qua giai đoạn năm năm lại không hợp lý vì tổng số chỉ có vài triệu đô-la.
LẠM PHÁT VỚI QUY MÔ LỚN
Tác động hồ hởi đầu tiên của dòng chảy tiền mới này là tình trạng đột nhiên thịnh vượng tương ứng nhưng nhanh chóng theo sau đó là nạn lạm phát như một cơ chế tự phá hủy bắt đầu vận hành. Năm 1775, tiền giấy Lục địa được trao đổi theo một đô-la tiền vàng. Năm 1777, mức này chỉ còn hai mươi tư cent. Tới năm 1779, chỉ bốn năm sau khi phát hành, giá trị chỉ còn chưa đầy một xu. Câu nói “Không đáng một xu” được bắt nguồn trong thời kỳ ảm đạm này. Một đôi giày được bán với giá 5.000 đô-la. Một bộ quần áo trị giá cả triệu đô-la.
Trong năm đó, chính George Washington đã viết “Một chiếc xe bò chở đầy tiền sẽ chỉ vừa đủ mua được một xe bò chất đầy thực phẩm.”[11] Thậm chí Benjamin Franklin đã bắt đầu nhìn thấy ánh sáng. Trong tâm trạng mỉa mai, ông đã viết:
Thứ Tiền tệ này, như chúng ta quản lý nó, là một cỗ máy tuyệt vời. Nó thực hiện Chức vụ của mình khi chúng ta ban hành, trả lương và sắm quần áo cho Quân đội cũng như cung cấp Thức ăn, Đồ uống và Đạn dược. Và khi chúng ta bị buộc phát hành Số lượng quá nhiều thì nó tự hối lộ mình bằng Sự phản kháng.[12]
Khi nói về việc sử dụng số tiền thâm hụt, người ta thường nghe thấy lời phàn nàn rằng chúng ta đang dồn trách nhiệm cho các thế hệ tương lai bằng tờ hóa đơn cho cái đang được hưởng thụ ngày nay. Tại sao không để những thế hệ đó chi trả cho điều cũng mang lại lợi ích cho họ? Đừng để bị thất vọng. Đó chính là khái niệm sai lệch mà các chính trị gia vẫn cổ vũ để vỗ về dân chúng. Như những tay thực dân nhận thức được, khi tiền trở thành pháp định thì bất cứ tòa nhà chính phủ nào, công việc nào hay bất cứ khẩu thần công nào cũng đều được thanh toán hoàn toàn bằng sức lao động và của cải hiện tại. Những thứ này phải được xây dựng hôm nay với sức lao động của hôm nay và những con người thi hành sức lao động đó cũng phải được thanh toán hôm nay. Nó đúng rằng, những khoản thanh toán lãi chuyển bớt phần sang cho các thế hệ tương lai, nhưng chi phí ban đầu được những người hiện tại thanh toán. Nó được thanh toán bằng khoản lỗ về giá trị theo đơn vị tiền tệ và khoản lỗ về sức mua đối với mức lương của mọi người.
LẠM PHÁP LÀ KHOẢN THUẾ NGẦM
Tiền pháp định là phương tiện mà nhờ đó các chính phủ giành được sức mua không cần thuế. Nhưng sức mua đó xuất phát từ đâu? Vì khi tiền pháp định không có giá trị hữu hình để bù lại thì sức mua pháp định của chính phủ có thể chỉ đạt được bằng việc lấy nó từ một nơi nào khác. Trên thực tế, nó “được thu về” từ tất cả chúng ta thông qua sự suy tàn theo sức mua của chúng ta. Vì thế, nó chính xác cũng giống như một khoản thuế, nhưng là một khoản thuế được ẩn đi không nhìn thấy, im lặng hoạt động và ít được hiểu bởi người nộp thuế.
Năm 1786, Thomas Jefferson đã đưa ra sự giải thích rõ ràng về quá trình này khi viết:
Mọi người đã để mất giá trị của cái được ghi trên tờ hóa đơn đã thông qua mà mình cầm trong tay trong suốt thời gian giữ nó. Đây là khoản thuế thực sự dành cho anh ta; theo cách này, những người dân Mỹ thực sự đã đóng góp hàng triệu đô-la đó trong suốt cuộc chiến tranh và bởi một phương thức đánh thuế ngột ngạt nhất vì thất thường nhất.[13]
KIỂM SOÁT GIÁ VÀ LUẬT TIỀN tệ chính thức
Ngay khi giá cả tăng vọt, các thuộc địa đã ban hành các kiểm soát về lương và giá, thứ được coi như còi khóa tự động của ấm đun nước pha trà với mục đích giữ cho nước khỏi trào ra. Khi điều đó thất bại, có một loạt luật tiền tệ chính thức khắc nghiệt được đưa ra. Một luật như vậy thậm chí còn viện dẫn tới bóng ma của sự phản quốc khi nói rằng: “Từ nay về sau, bất kỳ ai đánh mất đạo đức và quan tâm đối với Đất nước mình như từ chối nhận tiền giấy được dùng trong thanh toán… kẻ đó sẽ bị quy kết và đối xử như kẻ thù của Đất nước này và sẽ bị ngăn cấm tham gia tất cả các giao dịch thương mại hoặc trao đổi tình cảm với những người dân của những thuộc địa này.”[14]
Rhode Island không chỉ bị thu tiền phạt nặng vì không chấp nhận tiền giấy mà còn bị xử theo điều thứ hai, như một cá nhân bị tước quyền công dân. Khi tòa án tuyên bố hành động trái pháp luật, cơ quan lập pháp đã thông báo cho các quan tòa trước khi xử án và ngay lập tức đuổi cổ kẻ phạm tội từ trong văn phòng.[15]
HỖN LOẠN KINH TẾ VÀ CUỘC NỔI DẬY
Nếu cảnh tàn phá của chiến tranh là gánh nặng tàn nhẫn đè lên các thuộc địa thì sự tàn phá của tiền pháp định cũng ngang bằng. Sau chiến tranh, nạn lạm phát đã gây ra tình trạng giảm phát vì thực tế đã quay trở lại thị trường. Giá cả rớt xuống chóng mặt - một điều thật tuyệt vời cho những người mua hàng. Nhưng đối với các thương nhân, những người bán hàng hoặc những nông dân từng vay nhiều tiền để kiếm được tài sản nhờ thổi phồng giá lên cao trong thời chiến thì đây đúng là thảm họa. Những mức giá mới thấp hơn đã không đủ để duy trì được những khoản thế chấp lớn, cố định và nhiều gia đình phải làm việc vất vả đã lâm vào cảnh phá sản bởi những khoản tịch thu thế nợ. Vì thế, nhiều người vẫn không hiểu được quá trình lạm phát và không ít người vẫn tiếp tục ủng hộ “phương thuốc tiền giấy”. Một số bang đã tiếp thu sức ép này và các máy in tiền của họ vẫn tiếp tục hoạt động.
Nhà sử học Andrew McLaughlin nhớ lại quang cảnh thường thấy ở Rhode Island vào thời gian này như đã được một khách tham quan người Pháp chứng kiến:
Một khách du lịch người Pháp đã đi qua Newport vào thời gian xảy ra bức tranh ảm đạm của nơi này: những người đàn ông nhàn rỗi đứng khoanh tay ở các góc phố, các căn nhà dần đổ nát, những cửa hàng nghèo nàn chẳng có gì để bán ngoài một vài món đồ thô thiển, … cỏ mọc đầy đường, các cánh cửa sổ được che bằng những miếng vải vụn rách nát, mọi nơi đều đang hiện lên cảnh nghèo khổ, thành quả của tiền giấy và ảnh hưởng của chính quyền tồi. Những thương nhân đóng cửa các cửa hàng của mình còn hơn là nhận tiền giấy, những người nông dân từ các bang láng giềng không còn quan tâm tới việc mang bán sản phẩm của mình.[16]
Sự nhàn rỗi và tình trạng đình trệ kinh tế cũng dẫn tới những cuộc bùng phát về phiến loạn và nổi dậy. Năm 1786, George Washington đã viết thư cho James Warren: “Những bánh xe của chính phủ đã bị mắc kẹt và … chúng tôi đang đi dần vào thung lũng của sự lộn xộn và bóng tối.”[17] Hai năm sau, trong một bức thư gửi cho Henry Knox, ông nói: “Nếu … bất kỳ người nào từng nói với tôi rằng ở đó từng tồn tại một cuộc nổi loạn dữ dội như vậy, tôi đã nghĩ anh ta là một kẻ điên, một đề tài phù hợp cho bệnh viện tâm thần.”[18]
Thật may mắn khi có một kết thúc vui vẻ cho phần này của câu chuyện. Như chúng ta sẽ thấy trong chương sau, khi chính phủ cử đại diện tập hợp lại để soạn thảo Hiến pháp, những ảnh hưởng của tiền pháp định còn quá rõ trong suy nghĩ từng người nên họ đã quyết định chấm dứt nó ngay lập tức và mãi mãi. Tuy nhiên, sau đó, nền cộng hòa mới không chỉ nhanh chóng khôi phục lại mà còn tiếp tục biến nó trở thành sự thèm muốn của thế giới - ít nhất là lúc này - cho đến khi bài học bị quên lãng bởi các thế hệ sau. Nhưng đó lại là việc bắt đầu câu chuyện của chúng ta. Còn giờ đây, chúng ta đang bàn về chủ đề tiền pháp định và kinh nghiệm của những thuộc địa nước Mỹ là ví dụ điển hình của cái luôn xảy ra khi con người không chịu nổi lời báo động của nó.
QUY LUẬT TỰ NHIÊN SỐ 3
Chúng ta hãy tạm dừng ở đây và theo dõi một bài học nữa được rút ra từ nhiều thế kỷ trải nghiệm. Bài học này quá rõ ràng, quá phổ biến và quá lớn xuyên suốt lịch sử mà có thể được giải thích như quy luật tự nhiên về hành vi con người:
BÀI HỌC: Tiền pháp định là tiền giấy không có sự trả chậm bằng kim loại quý còn mọi người bị luật pháp yêu cầu chấp nhận. Nó cho phép các chính trị gia tăng chi tiêu mà không cần tăng thuế. Tiền pháp định là nguyên nhân của lạm pháp còn lượng tiền mà mọi người đánh mất theo sức mua chính xác là lượng tiền được lấy từ họ và chuyển vào chính phủ bởi quá trình này. Vì thế, lạm pháp là khoản thuế ngầm. Khoản thuế này không công bằng nhất vì nó chuyển phần lớn vào những người có khả năng thanh toán ít nhất: những người với mức lương thu nhập nhỏ bé và cố định. Nó cũng ngược đãi sự thịnh vượng bằng cách ăn mòn giá trị tiết kiệm của dân chúng. Điều này tạo nên sự oán giận giữa dân chúng, luôn dẫn tới sự bạo động chính trị và chia rẽ đất nước. Vì vậy:
QUY LUẬT: Một quốc gia phải viện tới việc sử dụng tiền pháp định là tự đày đọa chính mình với sự khó khăn về kinh tế và chia rẽ về chính trị.
TIỀN DỰ TRỮ CỤC BỘ
Bây giờ, chúng ta cùng trở lại hình thái thứ tư và có khả năng cuối cùng của tiền: khái niệm gây tò mò nhất được gọi là tiền dự trữ cục bộ. Và để hiểu được điều này hoạt động ra sao, chúng ta phải quay lại châu Âu và thực tế về những người thợ kim hoàn thời đầu, những người đã cất giữ những đồng tiền kim loại quý của các khách hàng để lấy phí.
Ngoài những người thợ kim hoàn cất giữ những đồng tiền đúc, còn có tầng lớp khác, các thương gia, được gọi là “người cho vay tiền”, những người cho vay những đồng tiền đó. Những người thợ kim hoàn đã lý giải rằng họ, cũng có thể hành động như các thương gia, nhưng lại thực hiện điều đó bằng tiền của người khác. Họ nói rằng, thật tiếc khi thấy tất cả những đồng tiền đúc đó chỉ nằm nhàn rỗi trong hầm của mình. Tại sao không cho vay chúng đi và kiếm lời rồi sau có thể chia chác chỗ đó giữa họ với những người gửi tiền? Hãy để nó hoạt động thay vì chỉ chất đống lại. Họ từng học hỏi từ kinh nghiệm rằng bao giờ cũng thế, rất ít người gửi tới lấy đi số tiền đúc đó cùng một lúc. Thực tế, những lần rút thực hiếm khi vượt quá mười đến mười lăm phần trăm kho dự trữ của họ. Nó có vẻ hoàn toàn an toàn để cho vay tới tám mươi hoặc thậm chí tám mươi lăm phần trăm số tiền đúc của họ. Và vì vậy, những người thủ kho bắt đầu hành động như những người môi giới cho vay thay cho những người đi gửi và khái niệm ngân hàng đã được sinh ra như chúng ta biết ngày nay.
Đó cũng chính là cách mà nhiều cuốn sách lịch sử đã miêu tả, nhưng có dính dáng nhiều hơn, đây chỉ đơn thuần đưa tiền nhàn rỗi ra hoạt động. Quan trọng hơn là việc chia chác thu nhập lãi với những người sở hữu khoản tiền gửi không phải là phần quan trọng của khái niệm ban đầu. Điều đó chỉ trở thành thực tế phổ biến nhiều năm sau này sau khi những người gửi tiền trở nên bị vi phạm trắng trợn và cần được cam đoan lần nữa rằng những khoản vay này theo mức lãi rõ ràng. Và ngay từ đầu, họ thậm chí đã không biết rằng những đồng tiền của mình đang được cho vay hết. Họ suy nghĩ ngây thơ rằng những người thợ kim hoàn đang cho vay tiền riêng của họ.
NHỮNG KHOẢN TIỀN gửi không có sẴn để cho vay
Trong phần thứ hai, chúng ta cần xem xét liệu đồng tiền ở trong kho dự trữ thậm chí có sẵn dành cho vay không - bất chấp dù có hay không những người gửi được nhận lại một phần lợi nhuận. Chúng ta hãy cùng giả sử rằng mình đang chơi trò xì phé tại nhà của Charlie Smith. Mỗi chúng ta đưa 20 đô-la cho Charlie - người thực hiện như chủ ngân hàng và đặt tiền của chúng ta vào hộp giày rồi lần lượt đưa lại cho chúng ta hai mươi thẻ bài xì phé. Giờ cần hiểu rằng, bất cứ khi nào muốn về nhà, chúng ta có thể lấy lại một đô-la cho từng thẻ bài đang có lúc này. Bây giờ, chúng ta cùng giả sử rằng Larry, anh rể của Charlie, xuất hiện và không chơi bài xì phé nhưng lại cần vay một khoản tiền. Sáu người chúng ta vừa đưa ra 20 đô-la một người nên tổng số có 120 đô-la trong hộp giày và vừa trùng khít với số tiền mà Larry cần. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Charlie quyết định cho vay hết khoản tiền “nhàn rỗi” đó. Nó không có sẵn để cho vay.
Cả Charlie lẫn bất cứ người chơi nào đều không có quyền cho mượn những đồng đô-la đó bởi đều đang bị bản giao kèo nắm giữ, vì vậy mới nói tạm dừng thực hiện bản hợp đồng giữa Charlie và những người khách của anh ta. Thậm chí những đồng đô-la đó không còn tồn tại như tiền nữa. Chúng vừa được thay thế - ít nhất theo khái niệm - bằng những thẻ bài pocker. Nếu bất kỳ ai trong chúng ta có bị mủi lòng bởi câu chuyện của Larry tới mức quyết định cho anh ta vay khoản tiền đó thì sẽ phải làm việc đó bằng những đồng đô-la khác hoặc lĩnh tiền mặt qua những thẻ bài của mình để lấy lại những đồng đô-la trong hộp giày. Dĩ nhiên, trong trường hợp đó, chúng ta không thể còn tham gia trò chơi được nữa. Chúng ta không thể sử dụng, cho vay hoặc đem cho khoản tiền gửi và cũng không thể coi các thẻ bài trở thành bất kỳ thứ gì giá trị.
Nếu bạn là thành viên của một tổ chức và ủy nhiệm cho bạn của mình đi bầu chọn trong trường hợp bạn vắng mặt tại cuộc họp thường niên thì sau đó, bạn không thể xuất hiện và lại bỏ thêm lá phiếu của chính mình bên cạnh lá phiếu được ủy quyền kia. Nói một cách khác, trong thời kỳ đầu của ngành ngân hàng, các chứng chỉ được lưu hành như tiền thực tế chính là những ủy quyền đối với những đồng tiền đó. Do vậy, những đồng tiền đó không có sẵn để cho vay. Giá trị tiền tệ của chúng vừa được gán thành những chứng chỉ. Nếu muốn cho vay khoản tiền của mình, trước tiên những người giữ chứng chỉ này nên rút ngay khỏi những chứng chỉ đó. Họ không được quyền giữ những tờ tiền giấy có khả năng tiêu pha đó nữa và cũng không ủy quyền được cho chủ ngân hàng của những tờ giấy đó cho mượn khoản tiền bằng vậy. Mọi người không thể sử dụng, cho vay hoặc đem cho những đồng tiền và cũng không thể coi các chứng chỉ trở thành bất kỳ thứ gì giá trị.
Tất cả điều này chỉ là ý thức chung. Nhưng có một khía cạnh khác đối với vấn đề phải thực hiện bằng tính trung thực trong các hợp đồng kinh doanh. Khi sử dụng những đồng tiền này như cơ sở cho những khoản vay, các chủ ngân hàng đều đang đặt mình vào vị thế không có đủ tiền trong kho dự trữ để thực hiện tốt theo những bản hợp đồng của mình, thời điểm dành cho những người gửi tiền đến lấy tiền mang về nhà. Nói cách khác, những bản hợp đồng mới đã được lập nên với đầy đủ hiểu biết rằng, trong những hoàn cảnh cụ thể, chúng sẽ phải bị phá vỡ. Nhưng các chủ ngân hàng chẳng bao giờ thấy phiền khi giải thích điều đó bởi đại đa số dân chúng đều được làm cho tin rằng, nếu chấp nhận việc đưa những khoản tiền được cho là nhàn rỗi này vào hoạt động thì họ sẽ đang giúp nền kinh tế và kiếm thêm được một chút lời bên cạnh đó. Nó quả là một đề nghị hấp dẫn và ý tưởng được nắm bắt rất nhanh.
HỆ THỐNG DỰ TRỮ CỤC BỘ
Dĩ nhiên, hầu hết những người vay tiền đều muốn tiền giấy chứ không phải những đồng tiền đúc cồng kềnh vì vậy, khi nhận được những khoản vay của mình, họ luôn để lại những đồng tiền đúc đó vào trong kho dự trữ cho an toàn. Những đồng tiền đó sau trở thành những hóa đơn được ra cho những khoản tiền gửi như chúng ta vừa quan sát, thực sự đã được chấp nhận trong thương mại như tiền tệ. Tới lúc này, mọi việc bắt đầu trở nên phức tạp. Những người gửi tiền ban đầu từng được nhận những hóa đơn thay cho tất cả tiền đúc của ngân hàng. Nhưng lúc này, ngân hàng đã phát hành những khoản vay chiếm tới tám mươi lăm phần trăm lượng tiền gửi của mình và những người vay được nhận những hóa đơn cho đúng khoản tiền đó. Những hóa đơn bên cạnh những hóa đơn gốc. Điều đó tạo nên 85% hóa đơn nhiều hơn cả tiền đúc. Do đó, các ngân hàng đã tạo ra 85% tiền nhiều hơn và đưa chúng vào lưu thông qua những người vay của mình. Nói cách khác, bằng việc phát hành những hóa đơn giả, họ đã mở rộng nguồn cung ứng tiền một cách giả tạo. Và lúc này, các chứng chỉ không còn đủ 100% trả chậm bằng vàng. Giờ đây, chúng chỉ được trả chậm còn 54%[19], nhưng vẫn được chấp nhận bởi niềm tin của dân chúng rằng giá trị vẫn ngang như những hóa đơn cũ. Dù thế nào, vàng vẫn đứng sau tất cả và bây giờ lại đại diện chỉ một phần nhỏ mệnh giá của tiền. Vì thế, những hóa đơn này trở thành cái được gọi là tiền dự trữ và quá trình tạo ra chúng được gọi là hệ thống dự trữ cục bộ.
Đáng tiếc là không một sự thâm hụt nào được giải thích bao giờ. Các chủ ngân hàng đã quyết định rằng tốt hơn hết là không bàn cãi thực tại nơi dân chúng có thể nghe thấy. Những yếu tố này trở thành những bí quyết bí truyền trong nghề. Những người gửi chẳng bao giờ được khuyến khích đặt câu hỏi làm thế nào các ngân hàng có thể cho vay hết tiền của mình mà vẫn có sẵn trong tay để trả lại theo yêu cầu ngay lập tức. Thay vào đó, các chủ ngân hàng còn mang dáng vẻ đường bệ đáng được tôn trọng, kiên định và có trách nhiệm giải trình; ăn vận và hành động nghiêm túc dù không lạnh lùng; xây dựng những dinh thự lớn giống như những tòa nhà và thánh đường của chính phủ, tất cả để ủng hộ hình ảnh thất bại của việc có đủ khả năng để nhận trả đúng hẹn những hợp đồng của mình nhằm thanh toán theo nhu cầu.
Đây là những gì mà John Maynard Keynes đã quan sát:
Một chủ ngân hàng “có tiếng”, chao ôi! Không phải là một người thấy trước được nguy hiểm và tránh nó nhưng là một người mà khi bị phá sản, bị phá sản theo cách quy ước và chính thống cùng với những người bạn của mình, đến nỗi không một ai có thể thực sự khiển trách được anh ta. Nó là phần thực sự cần thiết thuộc về công việc kinh doanh của một chủ ngân hàng để duy trì vẻ bề ngoài và để thừa nhận sự đáng tôn trọng thông thường nhiều hơn là có tính người. Những thực tế muôn thủa của sự tử tế này làm cho họ trở thành những người đàn ông lãng mạn nhất và ít thực tế nhất.[20]
TẠO TIỀN TỪ NỢ
Chúng ta hãy cùng lùi lại một chút và phân tích. Ngay từ đầu, các ngân hàng đã hoạt động như những nơi giữ tiền an toàn cho các khách hàng của mình. Khi phát hành những hóa đơn giấy thay cho các đồng tiền, họ đã chuyển tiền hàng thành tiền hóa đơn. Đây là thuận lợi lớn nhưng không làm thay đổi được nguồn cung ứng tiền. Mọi người đã có lựa chọn sử dụng tiền hoặc giấy chứ không thể dùng cả hai. Nếu họ sử dụng tiền thì không bao giờ được dùng hóa đơn. Còn nếu họ dùng hóa đơn thì tiền vẫn được giữ trong kho và không được lưu thông.
Khi từ bỏ thực tế này và bắt đầu phát hành các hóa đơn cho những người vay tiền, các ngân hàng đã trở thành những pháp sư. Một số nói họ tạo ra tiền từ không khí nhưng điều đó là không đúng. Cái họ làm thậm chí còn hơn cả sức tưởng tượng. Họ đã tạo ra tiền từ nợ.
Rõ ràng, vì với mọi người việc chuyển thành nợ dễ hơn đào vàng. Do đó, tiền không còn bị hạn chế bởi những lực lượng tự nhiên về cung và cầu nữa. Và theo quan điểm lịch sử tiến bộ, nó chỉ bị giới hạn bởi trình độ mà các chủ ngân hàng từng có đủ khả năng để đẩy xuống dự trữ vàng cục bộ của những khoản tiền gửi.
Từ góc nhìn này, giờ đây chúng ta có thể quay lại tiền dự trữ và nhận thấy rằng đó thực sự là hình thức chuyển đổi giữa tiền hóa đơn và tiền pháp định. Nó có một số đặc tính của cả loại tiền này. Khi tiền dự trữ trở nên nhỏ hơn thì tiền hóa đơn cũng nhỏ theo tương ứng và tới gần sát tiền pháp định. Cuối cùng khi mức dự trữ bằng không, nó tạo nên sự chuyển tiếp hoàn toàn và trở thành pháp định thuần túy. Hơn nữa, không có ví dụ nào trong lịch sử mà con người từng chấp nhận khái niệm tiền dự trữ lại không ngày càng làm cho mức dự trữ thấp hơn trừ phi, thực tế nó trở thành không.
Không ngân hàng nào có thể đứng vững trong kinh doanh suốt thời gian dài với mức dự trữ bằng không. Cách duy nhất làm cho mọi người chấp nhận tiền tệ vô giá trị như vậy là quyền lực chính phủ. Đó chính là những luật tiền tệ chính thức. Vì vậy, sự chuyển tiếp từ tiền dự trữ cục bộ thành tiền pháp định đòi hỏi sự tham gia của chính phủ thông qua cơ chế được gọi là ngân hàng trung ương. Hầu hết cân đối của sổ sách kế toán ở đây sẽ được dành cho bản nghiên cứu của Âm mưu đó, nhưng trong lúc này, chỉ cần nói rằng tình trạng nhởn nhơ của việc đủ khả năng tạo ra tiền từ công sức của con người lớn tới mức một khi sử dụng một liều thuốc mê như vậy, không có chính trị gia hoặc chủ ngân hàng nào có thể bỏ được thói quen. Như William Sumner quan sát thấy: “Một người có thể hào hứng như leo lên vách núi song đang có ý định dừng lại giữa chừng.”[21]
QUY LUẬT TỰ NHIÊN SỐ 4
Và vì vậy, một lần nữa, chúng ta lại có một bài học về những quy luật tự nhiên này đúc rút từ hàng thế kỷ trải nghiệm của con người. Nó có thể được giải thích như sau:
BÀI HỌC: Tiền dự trữ là tiền giấy mà được trả chậm bằng những kim loại quý dựa trên phần chia của tổng mệnh giá. Nó là tiền lai mang trong mình một phần tiền hóa đơn và một phần tiền pháp định. Nhìn chung, dân chúng không nhận thấy được thực tế này và tin rằng tiền dự trữ có thể được bù lại đầy đủ vào bất cứ lúc nào. Khi sự thật này được khám phá, như từng diễn ra trước đây, liền có những đợt rót tiền ào ạt ra khỏi ngân hàng và chỉ một số người gửi lúc đầu mới có thể được thanh toán. Và từ khi tiền dự trữ thu được lãi nhiều cho các chủ ngân hàng như vàng hoặc bạc từng làm thì sự quyến rũ của nó trở nên lớn hơn nếu được tạo ra càng nhiều càng tốt. Ngay khi điều này diễn ra, tiền dự trữ đại diện cho mức dự trữ ngày càng trở nên nhỏ hơn tới mức cuối cùng giảm xuống bằng không. Vì vậy:
QUY LUẬT: Tiền dự trữ sẽ luôn thoái hóa thành tiền pháp định. Nhưng nó không phải là tiền pháp định trong khi chuyển tiếp.
Như vậy là quá nhiều cho những đặc tính chung và tổng quát. Trong chương sau, chúng ta sẽ thấy những gì lịch sử phải nói về quá trình này. Và đó chính là lịch sử!
TỔNG KẾT
Tiền pháp định là tiền giấy không có sự trả chậm bằng kim loại quý mà mọi người bị luật pháp yêu cầu chấp nhận. Sự xuất hiện được ghi nhận đầu tiên của tiền pháp định là vào thế kỷ thứ mười ba ở Trung Quốc nhưng không sử dụng trên quy mô lớn cho tới khi xuất hiện ở thuộc địa của Mỹ. Sự trải nghiệm thật thảm khốc, dẫn tới lạm pháp, thất nghiệp, mất tài sản và bất ổn chính trị quy mô lớn. Trong suốt quãng thời gian khi Ngân hàng Anh buộc các thuộc địa từ bỏ tiền pháp định của họ thì sự thịnh vượng chung đã nhanh chóng quay trở lại. Cuộc Nội chiến đã đưa tiền pháp định trở lại các thuộc địa hơn cả mong đợi. Tình trạng hỗn loạn kinh tế xảy ra chính là kết quả đã dẫn tới các chính phủ thuộc địa áp đặt các kiểm soát giá cả và những luật tiền tệ chính thức thô bỉ, mà chẳng điều nào mang lại hiệu quả.
Tiền dự trữ được định nghĩa như tiền giấy được trả chậm bằng những kim loại quý từng phần, không phải tất cả, theo giá trị mệnh giá của nó. Nó được giới thiệu ở châu Âu khi những người thợ kim hoàn bắt đầu phát hành các hóa đơn thay vàng mà họ không có, vì thế, chỉ có tiền dự trữ của những hóa đơn được bù lại. Tiền dự trữ luôn thoái hóa thành tiền pháp định thuần túy.
Chú thích:
[1] Bản gốc từ bản hiệu đính của Henry Thule về Cuộc du ngoạn của Marco Polo (Marco Polo’s Travels), được in lại ở W. Vissering; Về tiền tệ Trung Quốc: Tiền xu và tiền giấy (On Chinese Currency: Coin and Paper Money) - Leiden: EJ. Brill, 1877, được Ch’eng-wen Publishing Co., Taiwan in lại năm 1968; cũng được Anthony Sutton trích dẫn, Cuộc chiến vàng (The War on Cold ) - Seal Beach, California: 76 Press, 1977, trang 26 - 28.
[2] Lịch sử kinh tế của người dân Mỹ (Economic History of the American People) của Ernest Ludlow Bogart (New York: Longmans, Green and Co., 1930), trang 172.
[3] Những đạo luật chủ yếu ở Nam California, II. 211, 665, cũng được George Bancroft trích dẫn, Lời cầu xin cho Hiến pháp (A Plea for the Constitution) - Lúc đầu được Harpers xuất bản năm 1886. Được in lại ở Sewanee, Tennessee: Spencer Judd Publishers, 1982, trang 7.
[4] Giấy tờ, tài liệu về Benjamin Franklin (The Papers of Benjamin Franklin) do Leonard W. Labaree hiệu đính (New Haven: Yale University Press, 1960), tập II, trang 159.
[5] Province Laws, II. 826, được Bancroft trích dẫn, trang 14.
[6] Vụ án vàng (The Case for Gold) - Ron Paul và Lewis Lehrman (Washington, D.C: Cato Institute, 1982), trang 22. Xem thêm Cuộc chiến vàng (The War on Gold) của Sutton, trang 44.
[7] Xem “Paper Money in New Jersey, 1668 - 1775” của Donald L. Kemmerer, New Jersey Historical Society, Vụ kiện (Proceedings) 74 (tháng Tư năm 1956): trang 107 - 144, được Paul và Lehrman trích dẫn, Vụ án vàng (The Case for Gold), trang 22.
[8] Galbraith, trang 48 - 50.
[9] Paul và Lehrman, trang 22 - 23.
[10] “Chuẩn tiền tệ thuộc địa của Massachusetts”, của Roger W. Weiss, Economic History Review, số 27, tháng Mười một năm 1974, trang 589.
[11] Tài chính của Hoa Kỳ (The Financial of the United States) được Albert S. Bolles trích dẫn (New York: D. Appleton, 1986, tái bản lần 4), tập I, trang 132.
[12] Bức thư gửi đến Samuel Cooper, ngày 22 tháng 4 năm 1779, được Albert Henry Smyth trích dẫn, hiệu đính, Tư liệu của Benjamin Franklin (The Writings of Benjamin Franklin), (New York: Macmillan, 1906), tập VII, trang 294.
[13] Các quan sát về bài báo được chuẩn bị cho Từ điển (Observations on the Article Etats Unis Prepared for the Encyclopedia), ngày 22 tháng 6 năm 1786, từ Writings của Thomas Jefferson (New York: G.P. Putnam’s Sons, 1894), tập IV, trang 165.
[14] Lịch sử cuộc cách mạng Mỹ (History of American Revolution) của David Ramsay (Luân đôn: Johnson and Stockdale, 1791), tập II, trang 134 -136.
[15] Quốc gia mới (The New Nation) của Merrill Jensen (New York: Vintage Books, 1950), trang 324.
[16] Liên minh và Hiến pháp (The Confederation and the Constitution) -Andrew C. McLaughlin (New York: Collier Books, 1962), trang 107 - 108.
[17] Hiến pháp giải thích (The Constitution Explained) của Harry Atwood (Merrimac, Massachusetts: Destiny Publishers, 1927, tái bản lần 2 năm 1962), trang 3.
[18] Sách đã dẫn, trang 4.
[19] 100 đơn vị vàng được chia thành 185 chứng chỉ bằng 0,54.
[20] Nợ và nguy hiểm: Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (Debt and Danger: The World Financial Crisis) được Lever và Huhne trích dẫn (New York: The Atlantic Monthly, 1986), trang 42.
[21] Lịch sử tiền tệ Mỹ (A History of American Currency) - William Graham Summer (New York: Holt, 1884), trang 214.
Chương 9
Khoa học bí mật
Lịch sử được viết súc tích về hệ thống ngân hàng dự trữ cục bộ; tài liệu chưa bị phá hủy về sự gian lận, bùng nổ, suy thoái và hỗn loạn kinh tế; sự thành lập Ngân hàng Anh, ngân hàng trung ương đầu tiên của thế giới trở thành mô hình cho Cục Dự trữ Liên bang.
Những ngân hàng tiền gửi xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ đầu Hy Lạp, gắn liền với sự phát triển của chính hệ thống đúc tiền. Chúng được biết tới ở Ấn Độ vào thời kỳ A-lếch-xan-đơ Đại đế. Chúng cũng hoạt động ở Ai Cập như một phần quan trọng không thể thiếu của hệ thống kinh tế chung, chúng còn xuất hiện ở Damascus vào năm 1200 và ở Barcelona vào năm 1400. Và bất kể thế nào thì đó cũng được coi là một thành phố độc lập chủ quyền ở Venice, nơi được xem như cái nôi của ngành ngân hàng mà chúng ta biết ngày nay.
NGÂN HÀNG VENICE
Năm 1361, một hành động bất lương trong ngành ngân hàng đã diễn ra tới mức mà Thượng nghị viện Viên đã thông qua luật cấm các chủ ngân hàng tham gia bất cứ mục đích thương mại nào khác, theo đó, sự cám dỗ trong việc sử dụng những nguồn vốn của người gửi tiền cho các hoạt động kinh doanh của bản thân đều bị bãi bỏ. Các ngân hàng cũng được yêu cầu mở các sổ sách kế toán của mình để thanh tra công khai đồng thời giữ cho kho dự trữ tiền của họ luôn sẵn có cho việc rà soát vào tất cả thời gian hợp lý. Năm 1524, một hội đồng các nhà kiểm tra ngân hàng đã được thành lập và hai năm sau, tất cả chủ ngân hàng được yêu cầu thanh toán các khoản nợ với nhau bằng tiền mặt chứ không phải bằng sổ sách.
Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp đề phòng này, ngân hàng của Pisano và Tiepolo - ngân hàng lớn nhất lúc này - vẫn tiếp tục cho vay trong khi nguồn dự trữ có hạn, và năm 1584, ngân hàng này đã bị buộc phải đóng cửa vì không đủ khả năng trả lại tiền cho người gửi. Chính phủ đã chọn ngay những ví dụ đó và ngân hàng nhà nước được thành lập có tên Banco della Piazza del Rialto. Rút kinh nghiệm từ vụ phá sản mới nhất, chính phủ đã cấm ngân hàng mới không được phép đưa ra bất cứ khoản vay nào. Ngân hàng được yêu cầu duy trì hoạt động độc lập từ các khoản phí lưu kho, trao đổi tiền tệ, quản lý các nghiệp vụ chuyển khoản thanh toán giữa các khách hàng và các dịch vụ công chứng.
Công thức đảm bảo sự trung thực của ngành ngân hàng đã được tìm ra. Ngân hàng trở nên thịnh vượng và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại của Viên. Những hóa đơn giấy của ngân hàng được chấp nhận rộng rãi vượt ra khỏi cả lãnh thổ quốc gia và trên thực tế, thay cho việc bị giảm giá trong sự chuyển đổi sang đồng tiền vàng như thực tế thường thấy, chúng thực sự có tầm quan trọng hơn những đồng tiền đó. Đó là bởi có quá nhiều loại tiền đúc được lưu thông và chính sự đa dạng khác nhau về chất lượng trong cùng loại tiền đúc như vậy mà ai cũng phải trở thành chuyên gia định giá giá trị tiền. Còn ngân hàng thực hiện dịch vụ này một cách tự động khi đưa những đồng tiền đúc đó vào trong kho dự trữ. Theo từng loại được định giá mà hóa đơn đưa ra là một sự phản ánh chính xác về giá trị nội tại của nó. Vì thế, dân chúng ngày càng thích giá trị của những tờ hóa đơn hơn là việc có nhiều tiền đúc và tất nhiên sẵn sàng trao đổi nhiều hơn một chút.
Đáng tiếc là, thời gian qua đi cùng với sự phai mờ trong kí ức về những hành động bất lương trong lĩnh vực ngân hàng trước đó, Thượng nghị viện Viên cuối cùng đã ngừng kháng cự sự lôi cuốn của tín dụng. Do kẹt nguồn vốn và không muốn đối mặt với các cử tri bằng việc tăng thuế, các chính trị gia đã quyết định sẽ ủy quyền một ngân hàng mới mà không hạn chế đối với các khoản vay, buộc ngân hàng tạo ra tiền mà họ cần và sau đó đem “cho vay”. Vì thế, năm 1619, Banco del Rialto đã được thành lập và giống bậc tiền bối phá sản của mình, nó nhanh chóng bắt đầu tạo ra tiền từ không khí với mục đích cho chính phủ vay. Mười tám năm sau, Banco della Piazza del Rialto đã bị chuyển thành ngân hàng mới và ngọn lửa nhỏ đầu tiên về ngân hàng có tiếng của lịch sử đã lụi dần và tắt ngấm.
Trong suốt các thế kỷ mười lăm và mười sáu, các ngân hàng mọc lên rất nhiều trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, gần như không có ngoại lệ, các ngân hàng này đều tuân theo thực tế tạo lợi nhuận của việc cho vay tiền - điều không thực sự có sẵn cho khoản vay. Chúng đã tạo ra nguồn trái phiếu dư thừa trong sự tương phản với những khoản dự trữ của mình và kết quả tất yếu là mọi ngân hàng đều phá sản. Điều đó không có nghĩa rằng những người sở hữu và các vị giám đốc đã không thành công. Nó chỉ có nghĩa rằng những người gửi tiền của họ bị mất tất cả hoặc một phần tài sản của mình khi “giao trứng cho ác”.
NGÂN HÀNG AMS-TÉC-ĐAM (Amsterdam)
Ngân hàng Ams-téc-đam được thành lập vào năm 1609 và chúng ta tìm thấy ví dụ thứ hai về những thực tế có căn cứ trong lĩnh vực ngân hàng và kết quả gần giống với những trải nghiệm trước đây của Banco della Piazza del Rialto. Ngân hàng chỉ được chấp nhận các khoản tiền gửi và kiên quyết từ chối đưa ra những khoản vay. Nguồn thu nhập của nó chỉ được lấy từ các khoản phí dịch vụ. Tất cả mọi khoản thanh toán trong và ngoài phạm vi Ams-téc-đam nhanh chóng được thực hiện bằng tiền giấy do ngân hàng phát hành và trên thực tế, loại tiền tệ đó chứa đựng tầm quan trọng hơn so với bản thân tiền đúc. Các thị trưởng và hội đồng thành phố được yêu cầu tuyên thệ hàng năm rằng nguồn dự trữ tiền đúc của ngân hàng còn nguyên. Galbraith nhắc lại cho chúng ta thấy:
Cả một thập kỉ sau khi được thành lập, ngân hàng đã hoạt động một cách có ích với tính chính trực nghiêm túc đặc biệt. Những khoản tiền gửi là tiền gửi và ngay từ đầu, kim loại vẫn được cất giữ cho người sở hữu đến khi anh ta chuyển nó sang cho người khác. Không khoản nào được cho vay. Năm 1672, khi những đội quân của vua Louis XIV tiếp cận Ams-téc-đam, một sự cảnh báo nghiêm trọng đã hiện diện. Các thương gia vây lấy ngân hàng, một số nghi ngờ rằng của cải của họ có thể không còn tồn tại ở đó. Tất cả đều đòi được thanh toán cho số tiền của mình và khi nhận thấy điều đó là thừa khả năng thì họ lại không muốn nữa. Như thường được quan sát trong tương lai, bất kể người ta mong muốn rút tiền khỏi ngân hàng đến mức nào nhưng khi chắc rằng mình có thể lấy được nó thì họ lại không muốn thực hiện nữa.[1]
Tuy nhiên, các nguyên tắc của tính trung thực và sự tự chủ vẫn không tồn tại được. Sức hấp dẫn của khoản lợi nhuận dễ dàng từ việc tạo ra tiền rõ ràng là quá lớn. Vì thế, ngay đầu năm 1657, các cá nhân đã được phép rút vượt số tiền ra khỏi tài khoản của mình, dĩ nhiên điều này có nghĩa rằng, ngân hàng đã tạo ra tiền mới từ khoản nợ của họ. Những năm sau, các khoản vay khổng lồ đã được công ty Dutch East Indies tạo ra. Cuối cùng, vào tháng Giêng năm 1790, dân chúng đã biết hết sự thật và kể từ đó, nhu cầu đòi lại những khoản tiền gửi đã diễn ra đều đặn. Mười tháng sau, ngân hàng đã công bố vỡ nợ và được thành phố ở Ams-téc-đam tiếp quản.
NGÂN HÀNG HAMBURG
Kinh nghiệm thứ ba và cuối cùng về sự trung thực của ngành ngân hàng diễn ra ở Đức với Ngân hàng Hamburg. Hơn hai thế kỉ, ngân hàng đã giữ vững được sự trung thành với nguyên tắc tiền gửi an toàn. Vì ngân hàng được quản lý quá cẩn thận nên khi đánh chiếm ngân hàng vào năm 1813, Napoleon đã tìm thấy 7.506.956 đồng mác bằng bạc được cất giữ để dành trả cho các khoản nợ trị giá 7.489.343 mác. Như vậy, đã có nhiều hơn 17.613 mác so với mức thực sự cần thiết. Hầu hết tài sản tích lũy của ngân hàng mà Napoleon lấy đi đã được chính phủ Pháp khôi phục lại dưới hình thức chứng khoán vài năm sau đó. Không rõ liệu những chứng khoán đó có nhiều giá trị không, thậm chí nếu có thì chúng cũng không bằng được với số bạc đó. Vì sự xâm chiếm của nước ngoài nên tiền tệ của ngân hàng không còn đủ khả năng chuyển đổi hoàn toàn thành tiền đúc như tiền hóa đơn nữa. Lúc này, nó đã trở thành tiền dự trữ và cơ chế tự phá hủy được thiết lập hoạt động. Ngân hàng đã tồn tại thêm năm mươi lăm năm nữa cho tới năm 1871 khi được lệnh phải thanh lý tất cả các khoản nợ của mình.
Đó chính là đoạn kết của câu chuyện về sự trung thực trong lĩnh vực ngân hàng. Từ giờ trở đi, hệ thống dự trữ cục bộ trở thành thực tế chung. Song hệ thống này vẫn có nhiều điều ngoắt ngoéo thú vị trong sự phát triển của mình trước khi sẵn sàng cho một thứ được coi là hết sức tinh vi với tên gọi Cục Dự trữ Liên bang.
NGÀNH NGÂN HÀNG THỜI KỲ ĐẦU Ở ANH
Ở Anh, tiền giấy đầu tiên chính là hóa đơn kho bạc thời Charles II. Đó là tiền pháp định thuần túy và dù được ra sắc lệnh là tiền tệ chính thức, nó vẫn không được sử dụng rộng rãi. Đến năm 1696, nó được thay thế bằng hóa đơn kho bạc. Hóa đơn này được đền bù bằng vàng và chính phủ đã tiến được những bước dài thành công nhằm khẳng định rằng thực sự có đủ số tiền vàng hoặc thỏi vàng thực hiện tốt cho khoản thế chấp. Nói cách khác, nó là tiền hóa đơn thực sự và được chấp nhận rộng rãi như phương tiện trao đổi. Hơn nữa, hóa đơn đã được cân nhắc như những khoản vay ngắn hạn đối với chính phủ và thực sự được thanh toán lãi đối với người giữ hóa đơn.
Năm 1707, không bao lâu sau khi được thành lập, Ngân hàng Anh đã được trao trách nhiệm quản lý thứ tiền tệ này. Tuy nhiên, ngân hàng này đã nhận ra nhiều cơ hội lợi nhuận trong việc lưu thông những chứng nợ ngân hàng của riêng mình - những thứ dưới dạng tiền dự trữ và được sinh ra nhờ thu lãi chứ không phải thanh toán nó. Do đó, các hóa đơn chính phủ dần dần không được sử dụng và thay vào đó là các chứng nợ ngân hàng, nhờ vậy mà đến giữa thế kỷ thứ mười tám, chúng đã trở thành tiền giấy duy nhất của Anh.
Phải hiểu rằng vào thời gian này, Ngân hàng Anh vẫn chưa phát triển đầy đủ như ngân hàng trung ương. Nó từng được phép độc quyền về phát hành các chứng nợ ngân hàng trong phạm vi Luân Đôn và những vùng địa lý quan trọng nhưng vẫn chưa được nhận sắc lệnh thành tiền tệ chính thức. Không một ai bị ép dùng chúng. Chúng chỉ là những hóa đơn kim loại tư nhân thay cho đồng tiền vàng do ngân hàng tư nhân phát hành mà dân chúng có thể chấp nhận, từ chối hoặc bán giảm giá ở mức vui vẻ. Tình trạng tiền tệ chính thức không được hội ý theo tiền ngân hàng cho tới năm 1833.
Trong khi đó, Quốc hội từng công nhận các hiến chương đối với vô số ngân hàng khác như hành động hào hiệp và không có ngoại lệ, sự phát hành tiền dự trữ dẫn tới thất bại sau cùng của các ngân hàng cùng với sự phá sản của những người gửi tiền vào các ngân hàng đó. Shaw nói: “Thảm họa đã liên tiếp tấn công đất nước” vì “sự thờ ơ của chính phủ đối với những chứng nợ bằng giấy cá nhân đơn thuần này.”[2] Tuy nhiên, Ngân hàng Anh được chính phủ ủng hộ đã vượt lên tất cả và dần dần, theo thời gian, được Quốc hội cứu khỏi tình trạng vỡ nợ. Cách thức mà ngân hàng này thoát ra khỏi tình trạng vỡ nợ chính là một câu chuyện hết sức thú vị.
NGÂN HÀNG ANH
Cuối cùng, nước Anh cũng trở nên kiệt sức sau nửa thế kỷ chìm ngập trong cuộc chiến tranh chống quân Pháp và vô số cuộc nội chiến nổ ra chủ yếu chống lại khoản thuế quá cao. Đến khi xảy ra cuộc chiến của Liên Minh Augsberg năm 1693, Vua William đã có yêu cầu nghiêm túc về ngân khố quốc gia mới. Hai mươi năm trước, Vua Charles II đã thẳng thừng từ chối trả khoản nợ hơn một triệu bảng mà ông từng vay của hai mươi thợ kim hoàn, kết quả là khoản tiền tiết kiệm của mười nghìn người gửi đã bốc hơi nhanh chóng. Điều này vẫn còn mới nguyên trong kí ức của mọi người và chẳng cần nói, chính phủ không còn muốn cân nhắc nguy cơ rủi ro cho một vụ đầu tư tốt. Không đủ khả năng tăng các khoản thuế cũng như cho vay, Quốc hội trở nên liều lĩnh để có được cách thu tiền khác. Như Groseclose nói thì mục đích không phải để đưa “cơ chế tiền tệ theo sự kiểm soát thông minh hơn mà để tạo ra phương tiện ngoài những nguồn thuế nặng nề và những khoản vay dân chúng cho những yêu cầu tài chính của một chính phủ túng quẫn”.[3]
Có hai nhóm người nhận thấy được cơ hội duy nhất xuất hiện dành cho nhu cầu này. Nhóm thứ nhất bao gồm các nhà khoa học chính trị trong chính phủ. Nhóm thứ hai gồm các nhà khoa học tiền tệ từ hoạt động kinh doanh ngân hàng mới nổi. Nhà tổ chức và người phát ngôn của nhóm này là William Paterson đến từ Scốt-len. Paterson từng tới Mỹ và trở lại với âm mưu đại quy mô nhằm đạt được bản hiến chương của Anh dành cho công ty thương mại để thực dân hóa Eo biển Panama mà sau này được biết đến như Darien. Do không hề quan tâm tới điều đó nên Paterson đã chuyển sự quan tâm của mình vào mưu đồ - mưu đồ tạo ra tiền để làm lợi cho bản thân.
Cả hai nhóm này cùng xuất hiện và thành lập một liên minh. Mà không, cụm từ này quá mềm mại. Từ điển Di sản Mỹ định nghĩa bè đảng như “Một nhóm bí ẩn của những kẻ bày mưu hoặc những kẻ có sự vận động ngầm”. Không có từ nào khác có thể mô tả quá chính xác như vậy về nhóm này. Với sự bí mật và bí ẩn nhiều như nhau, giống như cuộc họp trên đảo Jekyll, Bè đảng đã gặp nhau tại nhà thờ của Mercer ở Luân Đôn và nghĩ ra bản kế hoạch bảy điểm sẽ được dùng cho những mục đích chung của mình:
1. Chính phủ sẽ công nhận hiến chương cho các nhà khoa học tiền tệ thành lập ngân hàng.
2. Ngân hàng sẽ được độc quyền phát hành tiền giấy ngân hàng và loại tiền đó sẽ được đưa vào lưu thông như tiền giấy của Anh.
3. Ngân hàng sẽ tạo ra tiền từ không khí với chỉ một phần nhỏ trong tổng số tiền của nó được bảo đảm bằng tiền đúc.
4. Các nhà khoa học tiền tệ sau đó sẽ cho chính phủ vay tất cả số tiền cần thiết.
5. Tiền được tạo ra cho những khoản vay của chính phủ sẽ được bảo đảm chủ yếu thông qua các phiếu nợ (IOU) của chính phủ.
6. Mặc dù tiền này được tạo ra từ không khí và không mất phí để tạo ra, nhưng chính phủ sẽ thanh toán “lãi” theo tỉ suất 8%.
7. Các phiếu nợ của chính phủ sẽ được xem xét như “các nguồn dự trữ” trong việc tạo ra khoản tiền vay bổ sung cho thương mại tư nhân. Những khoản vay này cũng sẽ có được mức thu lãi. Do đó, các nhà khoa học tiền tệ sẽ thu hai lần lãi từ không khí.[4]
Thông tư được phân loại để thu hút những người góp tiền cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu của Ngân hàng đã giải thích: “Ngân hàng có được ích lợi của khoản lãi dựa trên tất cả tiền do Ngân hàng tạo ra từ không khí.”[5] Hiến chương ngân hàng đã được ban hành vào năm 1694 và hình hài của một âm mưu lạ lùng đã bắt đầu được hình thành. Đó chính là ngân hàng trung ương đầu tiên của thế giới. Rothbard viết:
Tóm lại, khi không có đủ những cá nhân tiết kiệm sẵn sàng cống nộp tài chính cho khoản thâm hụt, Paterson và nhóm của mình đã sẵn sàng mua các trái phiếu chính phủ một cách hòa nhã, miễn là họ có thể cũng làm như thế với tiền giấy được tạo mới từ không khí với rất nhiều đặc quyền. Đây là thỏa thuận tuyệt vời dành cho Paterson và công ty, còn chính phủ được hưởng lợi từ trò lừa bịp của việc cấp vốn do ngân hàng trông có vẻ hợp pháp thực hiện cho các khoản nợ của chính phủ… Ngay khi Ngân hàng Anh được ban đặc quyền vào năm 1694, bản thân Vua William và nhiều thành viên khác của Quốc hội đã trở thành những cổ đông của nhà máy in tiền mới vừa được họ tạo ra.[6]
KHOA HỌC BÍ MẬT CỦA TIỀN
Cả hai nhóm trong Bè đảng đã được tưởng thưởng hậu hĩnh cho những nỗ lực của mình. Các nhà nghiên cứu chính trị đã từng tìm kiếm được khoảng 500.000 bảng để chu cấp cho cuộc chiến hiện tại. Ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra số tiền gấp đôi khoản tiền đó. Các nhà khoa học tiền tệ đã bắt đầu bằng khoản đầu tư vốn được thế chấp trị giá 1.200.000 bảng. Những cuốn sách giáo khoa kể cho chúng ta rằng khoản tiền đó đã được chính phủ vay với mức lãi suất 8%, nhưng điều luôn bị bỏ qua chính là thực tế rằng, khi khoản vay được đưa ra, chỉ có 720.000 bảng được đầu tư và như thế có nghĩa là Ngân hàng “đã cho vay” nhiều hơn 66% so với những gì nó thực có.[7] Hơn nữa, Ngân hàng được hưởng đặc quyền tạo ra ít nhất một khoản tiền tương đương dưới dạng những khoản vay cho dân chúng. Vì thế, sau khi đem tiền cho chính phủ vay, họ vẫn còn khả năng cho vay tiếp lần hai.
Khoản vay trung thực trị giá 720.000 bảng của ngân hàng với lãi suất 8% sẽ tạo ra 57.600 bảng tiền lãi. Nhưng với khoa học bí mật mới, các ngân hàng đã đủ khả năng thu được mức lãi 8% trên 1.200.000 bảng đưa cho chính phủ cộng với một khoản ước tính 9% trên 720.000 bảng dành cho dân chúng. Như vậy là có thêm 160.800 bảng, nhiều hơn 22% trên khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt thực sự là, trong những hoàn cảnh này, mức lãi suất chẳng có ý nghĩa gì. Khi tiền được tạo ra từ không khí thì mức lãi suất thực sự không phải là 8%, 9% hoặc thậm chí 22% mà là vô cùng.
Theo đạo luật chính thức này của ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới, chúng ta có thể thấy được yêu sách quan trọng tiêu biểu cho tất cả những thứ được thực hiện theo sau. Ngân hàng đã ngụy tạo để đưa ra khoản vay nhưng điều thực sự được thực hiện là nhằm mục đích sản xuất tiền cho nhu cầu tiêu dùng của chính phủ. Nếu chính phủ trực tiếp thực hiện điều này, bản chất pháp định của tiền tệ sẽ ngay lập tức được nhận ra và hầu như sẽ không được chấp nhận theo đầy đủ danh nghĩa trong thanh toán chiến phí. Tuy nhiên, nhờ việc tạo ra tiền thông qua hệ thống ngân hàng mà quá trình này trở nên khó hiểu đối với dân chúng. Những tờ giấy bạc được tạo mới hoàn toàn không thể phân biệt được so với những loại tiền từng được bảo đảm bằng đồng tiền vàng trước đó và dân chúng lại càng không có kinh nghiệm hơn.
Do đó, thực tế về các ngân hàng trung ương - hay chúng ta không được quên rằng Cục Dự trữ Liên Bang chính là âm mưu như vậy - chính là, dưới chiêu bài mua những trái phiếu chính phủ, các ngân hàng này hoạt động như những cỗ máy in tiền ngầm có thể được vận hành bất cứ khi nào các chính trị gia muốn. Đây chính là điều may mắn cho những nhà nghiên cứu chính trị, những người không còn phải phụ thuộc vào các khoản thuế hoặc tín dụng của ngân khố nhằm tăng nguồn tiền. Việc này thậm chí còn dễ dàng hơn cả chuyện in tiền và bởi vì không được dân chúng hiểu lắm nên quá trình này thực sự an toàn về mặt chính trị.
Dĩ nhiên, các nhà nghiên cứu tiền tệ được trả thù lao quá mức cho dịch vụ này. Để che đậy hoạt động của mình, ngân hàng nói rằng họ thu lãi nhưng đây chỉ là sự nhầm lẫn về thuật ngữ bởi vì tổ chức này không cho vay tiền mà tạo ra tiền. Vì thế, sự đền bù của họ nên được gọi là phí nghề nghiệp, tiền hoa hồng, tiền tác quyền hoặc tiền “lại quả”, phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn nhưng không phải là lãi suất.
TỪ LẠM PHÁP TỚI RÚT TIỀN ÀO ẠT RA KHỎI NGÂN HÀNG
Tiền mới do Ngân hàng Anh tạo ra đã trút xuống nền kinh tế như mưa tháng Tư. Những ngân hàng quốc gia nằm ngoài khu vực Luân Đôn cũng được ủy quyền để tạo ra nguồn tiền riêng của mình nhưng phải nắm giữ tỉ lệ phần trăm nhất định theo tiền đúc hoặc chứng chỉ của Ngân hàng Anh trong dự trữ. Do đó, khi những tờ giấy bạc ngân hàng dồi dào này rơi vào tay mình, các chủ ngân hàng nhanh chóng cất ngay vào trong kho dự trữ và sau đó phát hành các chứng chỉ của riêng mình với số lượng thậm chí còn lớn hơn. Như kết quả của ảnh hưởng hình tháp, giá cả đã tăng 100% chỉ trong hai năm. Sau đó, điều không thể tránh được cũng đã diễn ra: đợt rút tiền ào ạt ra khỏi ngân hàng và Ngân hàng Anh đã không thể tạo ra tiền vàng.
Khi không thể thanh toán đúng hạn được những hợp đồng của mình nhằm phân phát tiền vàng hoàn trả cho các hóa đơn thì thực tế là các ngân hàng đã bị phá sản. Chúng nên được chấp nhận rút khỏi hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản để thỏa mãn yêu cầu của chủ nợ, giống như bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác. Trên thực tế, đó là việc thường xảy ra đối với những ngân hàng đã cho vay hết các khoản tiền gửi của mình và tạo ra tiền dự trữ. Hành động này từng được cho phép tiếp tục, có chút ít nghi ngờ rằng mọi người cuối cùng sẽ hiểu được và sẽ không muốn tiến hành kinh doanh với những kiểu ngân hàng đó. Nhờ quá trình tự mò mẫm đầy đau khổ nhưng hiệu quả cao mà nhân loại đã học được việc phân biệt tiền thật từ vàng của kẻ khờ. Còn ngày nay, thế giới sẽ trở nên tốt hơn nhiều vì điều đó.
Dĩ nhiên, điều đó sẽ chẳng bao giờ được phép diễn ra. Bè đảng là liên minh và từng nhóm trong đó đều cam kết bảo vệ lẫn nhau, không phải vì lòng trung thành mà vì lợi ích chung của bản thân. Chúng biết rằng nếu một trong hai cái bị phá hủy thì cái còn lại cũng không thể tồn tại được. Hơn nữa, chẳng có gì ngạc nhiên khi Quốc hội can thiệp nhằm ngăn cản làn sóng rút tiền ào ạt khỏi Ngân hàng Anh. Tháng Năm năm 1696, chỉ hai năm sau khi Ngân hàng được thành lập, luật pháp đã thông qua việc ủy quyền cho Ngân hàng nhằm “trì hoãn việc thanh toán bằng tiền đúc”. Nhờ áp lực của luật pháp, Ngân hàng lúc này đã được miễn thanh toán đúng hẹn hợp đồng của mình trong việc hoàn trả vàng.
MÔ HÌNH BẢO VỆ ĐƯỢC THIẾT LẬP
Nhờ có tiền lệ mà kể từ đó trở đi, điều này đã trở thành sự kiện quyết định trong lịch sử tiền tệ. Ở châu Âu và Mỹ, các ngân hàng luôn hoạt động với giả định rằng các đối tác của chúng trong chính phủ sẽ ra tay hỗ trợ khi ngân hàng gặp vấn đề. Các chính trị gia có thể diễn thuyết về “việc bảo vệ dân chúng”, song thực tế cơ bản lại cho thấy rằng chính phủ cần tiền pháp định do các ngân hàng sản xuất. Do đó, các ngân hàng - ít nhất là những ngân hàng lớn - không được phép phá sản. Chỉ có tổ chức lũng đoạn với sự bảo vệ của chính phủ mới có thể được hưởng sự cách ly như vậy từ những công xưởng của thị trường tự do.
Qua quan sát chung trong thời kỳ hiện đại, chúng ta thấy rằng, những kẻ tội phạm thường được đối xử nhẹ nhàng khi ăn trộm đồ hàng xóm. Nhưng nếu chúng ăn trộm của chính phủ hoặc ngân hàng, các hình phạt lại thực sự nghiêm khắc. Đây đơn thuần chỉ là cuộc thị uy khác của liên minh Bè đảng. Trong con mắt của chính phủ, các ngân hàng là đặc biệt và đó cũng là cách thức hiện diện ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ cùng chí hướng của họ. Để lấy ví dụ, Galbraith kể cho chúng ta nghe:
Năm 1780, khi lãnh chúa George Gordon dẫn đám lính của mình qua Luân Đôn nhằm phản đối các Hành động Cứu tế của Đạo Thiên chúa, Ngân hàng đã trở thành mục tiêu chính. Nó được báo hiệu cho Giới cầm quyền. Ngay lập tức các quận theo Đạo Thiên chúa ở Luân Đôn bị cướp bóc, còn giới chức sắc trì hoãn phản ứng. Khi cuộc bao vây Ngân hàng bắt đầu, mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn. Quân đội liền can thiệp và ngay lúc đó những người lính được cử ngay đến để bảo vệ Ngân hàng cả ban đêm.[8]
NHỮNG CUỘC BÙNG NỔ VÀ PHÁ SẢN NGÀY NAY ĐƯỢC ĐẢM BẢO
Một khi Ngân hàng Anh được bảo vệ hợp pháp do hậu quả của việc chuyển nợ thành tiền, nền kinh tế Anh phải chịu đựng chuyến đi gập ghềnh đến phát nôn của lạm phát, bùng nổ và phá sản. Kết quả tất yếu và tức thì là việc viện trợ những khoản vay quy mô lớn chỉ dành cho bất kỳ âm mưu man rợ nào có thể hình dung được. Tại sao không? Không mất tiền chi phí còn lợi nhuận tiềm năng thì khổng lồ. Vì vậy, Ngân hàng Anh và những ngân hàng quốc gia đã tạo ra nguồn cung ứng tiền của riêng mình theo hình tháp trên đỉnh của nguồn cung ứng Ngân hàng đồng thời bơm nguồn tiền mới ổn định vào nền kinh tế. Những công ty cổ phần lớn được thành lập và được cấp vốn nhờ khoản tiền này. Những kẻ vì mục đích tát cạn biển Hồng Hải để mò vàng đã mất xác bởi dân Ai-cập khi truy đuổi người Do thái. 1.500.000 bảng đã được chuyển thành những dự án mơ hồ và không có kết quả ở Nam Mỹ và Mê-hi-cô.
Kết quả của dòng tiền mới này - lịch sử phải lặp lại nó bao nhiêu lần? - là những gì hơn cả nạn lạm phát. Năm 1810, Hạ nghị viện đã lập ra ủy ban đặc biệt được gọi là Ủy ban Đặc biệt theo Giá Cao của Vàng Thỏi nhằm khám phá vấn đề và tìm ra giải pháp. Phán quyết được đưa ra trong bản báo cáo tài chính là mô hình của sự rõ ràng cho biết giá cả không tiếp tục tăng. Giá trị tiền tệ tiếp tục đi xuống và điều đó diễn ra là bởi sự thật rằng nó đang được tạo ra theo tốc độ nhanh hơn so với việc tạo ra hàng hóa để mua bán. Giải pháp ư? Ủy ban khuyến cáo rằng tiền giấy của Ngân hàng Anh được tạo ra có đủ khả năng chuyển đổi đầy đủ thành đồng tiền vàng, do đó hãm lại nguồn cung ứng của tiền mà nó có thể được tạo ra.
SỰ PHÒNG THỦ CỦA BẢN VỊ VÀNG
Một trong những người đề xuất thẳng thắn nhất về bản vị vàng thực sự là David Ricardo - nhà môi giới chứng khoán gốc Do Thái ở Luân Đôn. Ricardo đã biện luận rằng một tiền tệ lý tưởng “nên bất biến tuyệt đối về giá trị”.[9] Ông thừa nhận rằng, xét về mặt này, các kim loại quý không hoàn hảo bởi chúng dịch chuyển theo sức mua ở cấp độ nhỏ. Ông nói: “Dù thế nào, chúng vẫn là tốt nhất so với cái mà chúng ta đã quen thuộc”.[10]
Phần lớn mọi người trong chính phủ đều đồng ý với sự đánh giá của Ricardo, song, sự thật mang tính lí thuyết đang chống chọi lại một trận thua trông thấy với tính cần thiết của thực tế. Quan điểm của con người về hình thái tốt nhất của tiền tệ chỉ là một nhẽ. Còn chiến tranh với Napoleon lại là nhẽ khác và nó đòi hỏi một nguồn chi ổn định về tài chính. Nước Anh tiếp tục sử dụng cơ chế ngân hàng trung ương để bòn rút ngân khố từ dân chúng.
ĐÌNH TRỆ VÀ CẢI CÁCH
Năm 1815, giá cả lại tăng trở lại lần nữa và sau đó sụt giảm chóng mặt. Đạo luật về Ngũ cốc (Corn Act) được thông qua năm đó nhằm bảo vệ những người nông dân trồng trọt địa phương khỏi việc nhập khẩu giá thấp. Sau đó, khi giá ngũ cốc và lúa mì bắt đầu nhích lên dần, bất chấp thực tế mức lương và giá các mặt hàng khác đang giảm xuống, sự bất bình và tình trạng nổi loạn đã lan rộng. Roy Jastram giải thích: “Đến năm 1816, nước Anh đã rơi vào tình trạng sụt giá sâu. Sự đình trệ về công nghiệp và thương mại nói chung đã diễn ra; các ngành công nghiệp về sắt và than đá bị tê liệt… Những cuộc nổi loạn diễn ra đột ngột từ tháng Năm tới tháng Chạp.”[11]
Năm 1821, sau khi chiến tranh kết thúc và không còn nhu cầu cấp vốn cho các chiến dịch quân đội, áp lực chính trị về bản vị vàng trở nên quá mạnh để kháng cự và Ngân hàng Anh đã trở lại việc chuyển đổi tiền giấy của mình thành đồng tiền vàng. Tuy nhiên, cơ chế ngân hàng trung ương không bị phá bỏ. Nó chỉ bị hạn chế bởi công thức mới liên quan tới tỉ lệ cho phép về các khoản dự trữ. Ngân hàng tiếp tục tạo ra tiền từ không khí vì mục đích cho vay và trong một năm, cây hoa của cuộc bùng nổ hoạt động kinh doanh đã được mọc lên. Sau đó, tháng Mười một năm 1825, hoa đã kết thành trái được định trước. Cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng sự sụp đổ của công ty thuộc quyền sở hữu của Nam tước Peter Cole và sau đó được tiếp nối bởi sự vỡ nợ của sáu mươi ba ngân hàng khác. Sự thịnh vượng bị phá hủy hoàn toàn và nền kinh tế đã bị nhấn chìm vào tình trạng đình trệ.
Khi khủng hoảng tương tự với những đợt vỡ nợ ngân hàng lớn hơn quay trở lại vào năm 1839, Quốc hội đã nỗ lực ngăn chặn vấn đề. Sau hơn năm năm phân tích và bàn cãi, Nam tước Robert Peel đã thành công trong việc phê chuẩn đạo luật cải cách ngành ngân hàng. Việc làm này đã đối mặt với nguyên nhân của những cuộc bùng nổ và phá sản ở Anh: một nguồn cung ứng tiền mềm dẻo. Những gì mà Đạo luật Ngân hàng của Peel năm 1844 cố gắng làm là nhằm hạn chế khoản tiền các ngân hàng có thể tạo ra đối với số tiền xấp xỉ sẽ có vì tiền giấy ngân hàng được bảo đảm bằng vàng hoặc bạc. Đây là sự cố gắng tuyệt vời nhưng cuối cùng đã bị thất bại bởi không đạt được ba tiêu chuẩn sau: (1), đây là sự thỏa hiệp về chính trị và không đủ chặt chẽ, cho phép các ngân hàng tạo ra tiền cho vay từ không khí lên tới 14.000.000 bảng hay nói cách khác, số lượng “dự trữ” được xem như an toàn vào thời điểm này; (2), giới hạn được áp dụng chỉ dành cho tiền giấy do Ngân hàng phát hành. Nó không áp dụng cho tiền séc và điều đó sau này trở thành hình thức trao đổi ưu đãi. Do đó, cái được gọi là cải cách này thậm chí đã không được áp dụng cho khu vực, nơi sự lạm dụng đang diễn ra với số lượng và tần suất kinh hoàng; và (3), khái niệm cơ bản được phép duy trì sự đồng thuận rằng, theo sự suy xét thường tình về chính trị vô cùng tận của mình, con người có thể xác định được nguồn cung ứng tiền tệ nào hiệu quả hơn so với hệ thống khó kiểm soát về vàng hoặc bạc đáp ứng được quy luật cung - cầu.
TRÒ LƯỢN CAO TỐC LẠI TIẾP TỤC
Trong vòng ba năm thực hiện chính sách “cải cách”, nước Anh đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác với các vụ vỡ nợ ngân hàng và thua lỗ. Nhưng khi Ngân hàng Anh sắp bước tới bờ vực phá sản thì lại một lần nữa, chính phủ ra tay can thiệp. Năm 1847, Ngân hàng được miễn giảm những yêu cầu dự trữ chính thức do Đạo luật Peel ban hành. Điều đó chính là tính cơ sở vững chắc của những giới hạn do con người đề ra đối với nguồn cung ứng tiền tệ.
Groseclose tiếp tục câu chuyện:
Mười năm sau, năm 1857, cuộc khủng hoảng khác lại xuất hiện do việc cho vay quá mức và không thận trọng như hậu quả của thái độ quá lạc quan về triển vọng ngoại thương. Ngân hàng đã tự nhận thấy tình huống tương tự như năm 1847 và những biện pháp tương tự đã được đưa ra. Trong trường hợp này, ngân hàng bị buộc sử dụng quyền tăng lợi tức tín dụng của mình [tiền dựa trên khoản nợ] vượt ra khỏi giới hạn mà Đạo luật Hiến chương Ngân hàng đã áp đặt…
Cho đến năm 1866, mức tăng trưởng của ngành ngân hàng với sự thiếu vắng mối quan tâm đầy đủ tới tính thanh khoản và việc sử dụng tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ sự say mê của mọi người trong việc đầu cơ tích trữ… đã dọn đường cho sự suy thoái và rốt cuộc là phá sản của ngân hàng nổi tiếng Overend, Gurney & Co. Đạo luật năm 1844 lại một lần nữa bị hoãn lại…
Năm 1890, Ngân hàng Anh một lần nữa đối mặt với khủng hoảng, lần này lại là kết quả của sự đầu cơ tích trữ quá mức và lan rộng về chứng khoán nước ngoài, cụ thể là chứng khoán Mỹ và Ác-hen-ti-na. Lần này, nó là sự thất bại của Ngân hàng Baring Brothers.[12]
CƠ CHẾ TẢN RA CÁC NƯỚC KHÁC
Có một thực tế không thể tin được về lịch sử rằng, bất chấp những thất bại định kỳ và phổ biến của Ngân hàng Anh trong suốt những năm này, cơ chế ngân hàng trung ương vẫn hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu chính trị và tiền tệ tới mức nó trở thành mô hình cho cả châu Âu. Ngân hàng Phổ trở thành Reichsbank. Napoleon đã thành lập Banque de France. Vài thập kỷ sau, khái niệm này đã trở thành mô hình được Cục Dự trữ Liên bang sùng kính. Ai là người quan tâm nếu âm mưu này bị phá hủy? Đây chính là công cụ hoàn hảo trong việc đạt được nguồn vốn vô hạn dành cho các chính trị gia và lợi nhuận vô cùng đối với các chủ ngân hàng. Và hết thảy, những kẻ ti tiện thanh toán những hóa đơn cho cả hai nhóm chẳng hề hay biết về những gì sẽ được thực hiện cho họ.
Các nhà lãnh đạo của những quốc gia xã hội chủ nghĩa không phải là ngoại lệ. Họ từng là những nhà phê bình thẳng thắn nhất về hệ thống ngân hàng của Các Quốc gia Tây Âu. John Maynard Kenes viết:
Lê-nin từng tuyên bố rằng, cách tốt nhất để phá hủy Hệ thống Tư bản Chủ nghĩa chính là làm cho tiền tệ hư hại. Bằng quá trình gây lạm phát liên tục, các chính phủ có thể sung công một phần quan trọng của cải của dân chúng một cách bí ẩn và tinh vi. Nhờ phương thức này, họ không chỉ sung công mà còn sung công một cách chuyên quyền và trong khi đẩy nhiều người vào cảnh bần cùng thì quá trình này lại khiến cho một số kẻ giàu lên trông thấy… Ngay khi lạm phát dần xuất hiện từ tháng này sang tháng khác và giá trị thực của tiền tệ thay đổi một cách bất thường thì tất cả mối quan hệ cố hữu giữa con nợ và chủ nợ - mối quan hệ được coi là nền tảng của chủ nghĩa tư bản - sẽ trở nên bị rối loạn hoàn toàn và hầu như vô nghĩa, còn quá trình trở nên giàu có đã biến hóa thành trò súc sắc.
Lê-nin đã đúng. Không có sự khôn khéo, chắc chắn không có phương tiện để vượt qua được nền tảng xã hội đang tồn tại nhằm làm hư hại tiền tệ. Quá trình này cổ vũ cho tất cả lực lượng ngầm của luật kinh tế theo hướng phá hủy và thực hiện theo kiểu mà không một ai trong cả triệu người đủ khả năng chẩn đoán được.[15]
TỔNG KẾT
Hoạt động kinh doanh ngân hàng bắt đầu diễn ra ở châu Âu từ thế kỷ thứ mười bốn. Chức năng của nó là định giá, trao đổi và giữ an toàn cho những đồng tiền của người gửi. Ban đầu, các ngân hàng hoàn toàn trung thực và hoạt động một cách hiệu quả khác thường khi xem xét phần lớn những đồng tiền đúc khác nhau mà họ nắm giữ. Các ngân hàng cũng phát hành các hóa đơn giấy thực sự đáng tin cậy, vì vậy, chúng được lưu thông tự do như tiền và không lừa dối bất kỳ ai trong quá trình đó. Nhưng nhu cầu về số lượng lớn tiền bạc cùng nhiều khoản vay đã càng ngày càng tăng lên, và sự cám dỗ sớm khiến cho các chủ ngân hàng theo đuổi những cách thức kinh doanh dễ dãi hơn. Họ bắt đầu đem cho vay hết các mảnh giấy của mình và nói rằng chúng là những hóa đơn dù thực tế là giả tạo. Dân chúng đã không biết được sự thật đó nên đã chấp nhận cả hai hóa đơn như một loại tiền tệ. Từ đó trở đi, các hóa đơn được lưu hành vượt quá số vàng có trong dự trữ và kỷ nguyên của hệ thống dự trữ cục bộ được hình thành. Điều này ngay lập tức dẫn tới nhiều vấn đề kể từ đó đến nay: lạm phát, bùng nổ và phá sản, sự đình trệ các khoản thành toán, vỡ nợ ngân hàng, sự không thừa nhận tiền tệ cùng những cơn bùng phát định kỳ về tình trạng hỗn loạn kinh tế.
Ngân hàng Anh được thành lập năm 1694 nhằm thể chế hóa hệ thống dự trữ cục bộ. Với tư cách là ngân hàng trung ương đầu tiên của thế giới, Ngân hàng Anh đưa ra khái niệm về mối liên minh giữa các chủ ngân hàng và các chính trị gia. Các chính trị gia sẽ nhận khoản tiền có thể tiêu được (do các chủ ngân hàng tạo ra từ không khí) mà không cần phải tăng thuế. Đổi lại, các chủ ngân hàng sẽ nhận tiền hoa hồng theo giao dịch - được gọi một cách lừa bịp là lãi - điều sẽ mãi mãi diễn ra. Vì tất cả điều này dường như được bao trùm bằng những nghi lễ huyền bí của lĩnh vực ngân hàng mà người bình thường không mong chờ hiểu được, thực tế đã không có một sự chống đối nào đối với âm mưu này. Bản thỏa thuận đã chứng minh khả năng lợi nhuận cho những người tham gia tới mức nó nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia khác ở châu Âu và cuối cùng là tới Mỹ.
Chú thích:
[1] Galbraith, trang 16.
[2] Lý thuyết và các nguyên tắc của hệ thống ngân hàng trung ương (Theory and Principles of Central Banking) - W.A. Shaw (Luân đôn & New York: Sir I. Pitman & Sons, Ltd, 1930), trang 32 - 32.
[3] Tiền tệ và Con người (Money and Man) - Groseclose, trang 175.
[4] Để có cái nhìn tổng quan về những thỏa thuận này, xem Bí mật của Hệ thống Ngân hàng (The Mystery of Banking) - Murray Rothbard (New York: Richardson & Snyder, 1983), trang 180. Xem thêm Các ông chủ ngân hàng - The Bankers của Martin Mayer (New York: Weybright & Talley, 1974), trang 24 - 25.
[5] Bi kịch và Hi vọng: Lịch sử Thế giới Ngày nay (Tragedy and Hope: A History of the World in Our Time) được Caroll Quigley trích dẫn (New York: Macmillan, 1996), trang 49. Paterson đã không kiếm lợi gì từ ý tưởng sáng tạo riêng của mình. Ông đã rút khỏi Ngân hàng vì bất đồng chính sách chỉ trong vài tháng sau khi nó thành lập rồi quay trở lại Scotland nơi ông đã bán thành công âm mưu Darien của mình. Những người Scotland tằn tiện đã xúm lại mua cổ phiếu và tranh nhau để có được vùng đất sốt giá. Cổ phiếu trở nên mất giá và hầu hết tất cả 1200 người đi khai hoang đã bị mất cuộc sống của mình.
[6] Bí ẩn (Mystery) của Rothbard, trang 180.
[7] Hãy xem Lịch sử Hệ thống ngân hàng Anh - The Early History of Banking in England - R.D. Richards, Ph.D (New York: Augustus M. Kelley, bản gốc năm 1929, in lại năm 1965), trang 148 - 150.
[8] Galbraith, trang 34.
[9] Công trình nghiên cứu và thư tín của David Ricardo (The Works and Correspondence of David Ricardo: Pamphlets 1815 - 1823) - Piero Sraffa hiệu đính (Cambridge: Cambridge University Press, 1951), tập IV, trang 58.
[10] Sách đã dẫn, trang 62.
[11] Hằng số vàng (The Golden Constant) - Roy W. Jastram (New York: Wiley, 1977), trang 113.
[12] Tiền tệ và con người (Money and Man) của Groseclose, trang 195 -196.
[13] Hậu quả kinh tế của hòa bình (The Economic Consequences of the Peace) của John Maynard Keynes (New York, Harcourt, Brace và Howe, 1919), trang 235.
G. Edward Griffin
Nhật An - Minh Hà - Ngọc Thúy dịch
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...