Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Nguyễn Quang Thiều - Chuyển động và biến ảo

Nguyễn Quang Thiều
Chuyển động và biến ảo

Có thể nói, ngọn lửa nhân văn và niềm hy vọng trong thơ Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ nguội tắt, kể cả những lúc ông như bị rơi vào tuyệt vọng: Đời sống này đôi lúc buồn hơn cái chết. Và một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Nguyễn Quang Thiều biết vượt lên tình thế là bởi ông luôn biết gắn bó với nguồn cội. Nói khác đi, mặc dù tiếp nhận và tiếp biến nhiều trào lưu tư tưởng nghệ thuật hiện đại nhưng Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ đứt rễ với truyền thống. Nơi ấy có một dòng sông vĩnh cửu, có ông bà tổ tiên, bè bạn, có những cánh đồng, những khu vườn chứa đầy bí mật.
Dồi dào năng lượng và giàu tính cách tân, Nguyễn Quang Thiều đã để lại dấu ấn đáng chú ý trong nhiều lĩnh vực: thơ, văn xuôi, hội họa, dịch thuật, tiểu luận, dựng chân dung… Tuy nhiên, cái gốc rễ làm nên tầm vóc và bản sắc nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều chính là thi ca. Không khó để nhận thấy trong các loại hình nghệ thuật mà Nguyễn Quang Thiều từng dấn thân là cái nhìn thi sĩ của ông. Bởi thế, sự “phóng túng hình hài” nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều có ý nghĩa như một hình thức liên văn bản, liên thể loại do ông thiết lập. Trong lần tái bản ‘Sự mất ngủ của lửa”(2015) và gần đây nhất là “Nhật ký người xem đồng hồ” (2023), Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên sự hô ứng thú vị thơ – họa qua các phụ bản tự tay ông vẽ, sắp đặt.
Với Nguyễn Quang Thiều, sự soi chiếu và liên phối các loại hình nghệ thuật chính là cách ông tự làm mới mình và làm mới độc giả. Cũng tại đó, thêm một bí mật trong cơ chế sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều được hé lộ: trộn lẫn và chuyển hóa. Trộn lẫn hư và thực, mê và tỉnh trên cơ sở kéo các chiều không gian, các sự vật hiện tượng lại gần nhau để tạo bùng nổ. Thơ Nguyễn Quang Thiều, trong nhiều trường hợp như là sự bật thốt của cơn mê: Những con cá vàng của đêm/ Vây chạm vào bóng tối/ Vang lên tiếng khánh ngọc/ Và đôi mắt sáng mãi những ngọn đèn mùa thu/ Không tắt…/ Không tắt… (Những con cá vàng). Chuyển hóa khiến cho sự vật vừa là nó vừa là những khả thể được sinh ra từ nó: Con ốc sên cuối cùng đã bò qua bức tường bao quanh vườn cũ mốc/ Cái chóp vỏ cuối cùng đã khuất phía bên kia/ Những tia sáng cuối cùng của những hạt kim cương vụt tắt/ Vệt bò của chúng để lại những dòng sáng đặc lóng lánh/ Nhưng vệt sao đổi ngôi đọng mãi trên trời (Chuyển động).
Ngay cả cái chết, trong hình dung của ông, cũng là một chuyển động. Đó không đơn giản là chuyển động cơ học mà chủ yếu là chuyển động tinh thần: Nhưng đêm đêm đầu chàng lắc lư một quả chuông lớn/ Tiếng nó làm rung những vòm cây và những ngọn đồi (Nhà thơ). Khả năng nắm bắt bí mật đời sống qua những suy tưởng bất tận và trí tưởng tượng phong phú, khoáng đạt chính là điểm tựa để Nguyễn Quang Thiều kiến tạo thi giới của mình. Con mắt thứ ba và cái nhìn suy tưởng đã trở thành nhân tố cơ bản đồng quy và phát xạ trường lực nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều trong các thể loại mà ông đã phiêu lưu. Trong cõi mộng du, nhà thơ để mặc cho các chiều ký ức và những tiếng vọng ngỡ như đã bị lãng quên tự do tràn về, chen lấn, xô đẩy và phát sáng.
Đến nay, hành trình thơ Nguyễn Quang Thiều đã trải qua ba chặng và gắn liền với nó là những bước chuyển hệ hình, từ truyền thống đến hiện đại và hậu hiện đại. Chặng thứ nhất diễn ra trong khoảng những năm 80-90 và khép lại với “Ngôi nhà tuổi 17” (1990). Đây có thể coi là giai đoạn chạm ngõ thi ca của Nguyễn Quang Thiều. Thời điểm ấy, ý thức “lạc nhịp” tuy đã xuất hiện nhưng cá tính và giọng điệu thơ ông còn nhòe lẫn. Chặng thứ hai, với “Sự mất ngủ của lửa” và những năm “hậu mất ngủ” kéo dài suốt thập kỷ 90. Đây là giai đoạn Nguyễn Quang Thiều xác lập được giọng điệu cá nhân từ sự bung phá mãnh liệt của cảm hứng nghệ thuật và tinh thần cách tân táo bạo. Người đọc nhận thấy rất rõ âm vang của một giọng nói đầy say mê, khắc khoải và dữ dội: Ta đi về cửa ngõ của chiều/ Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn/ Ta đi về thuở ta còn sóng sánh/ Và ta chạm lời nguyền vĩ đại/ Man rợ cất lên từ phía tối mặt trời (Mười một khúc cảm).
Mĩ cảm hiện đại và cấu trúc văn bản mới lạ đã khiến cho người đọc những năm 90 bị phân hóa dữ dội khi tiếp nhận Nguyễn Quang Thiều. Nhưng bằng sự dấn thân đầy can đảm, Nguyễn Quang Thiều buộc người đọc phải “mất ngủ” và thay đổi nhận thức/ mĩ cảm để thích ứng với tư duy thơ hiện đại, phi tuyến tính, quen dần với những tiếng khóc, tiếng hú, tiếng chó sủa… vẳng lên từ những cơn mê. Chặng thứ ba gắn liền với hai thập niên đầu thế kỷ XXI, từ “Cây ánh sáng’ đến ‘Nhật ký người xem đồng hồ”. Đây là bước chuyển về phía tư duy nghệ thuật hậu hiện đại với các thủ pháp đồng hiện, chồng ghép, mảnh vỡ, gia tăng khoảng trống, đẩy nhanh tốc độ thông tin và thủ pháp tối giản1.
Tuy nhiên, chuyển động nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều là sự đan cài giữa tiếp nối và bứt phá. Tiếp nối ở chỗ ông có ý thức mở rộng trường suy tưởng và cái nhìn lập thể, các tập thơ sau thường có mặt một số bài đã từng xuất hiện ở các tập thơ trước2. Có thể đó là chủ ý sắp xếp lại để làm nổi bật chủ đề chung của tác phẩm nhưng cũng có thể là cách nhà thơ muốn trình hiện giải phổ thẩm mỹ cá nhân trong những thời điểm khác nhau. Bứt phá ở chỗ nhà thơ luôn nỗ lực “viết lại”, cấu trúc lại: Và một ngày mới lại đến/ Không có một bản mẫu nào/ Chúng ta phải làm ra một bản mẫu/ Để tái chế chính mình (Tái chế). “Viết lại” thực chất là “đập vỡ mình” để làm mới, để bản ngã cá nhân hiện lên một cách chân thực nhất. Nếu hiểu như thế thì với Nguyễn Quang Thiều, đích đến là quan trọng nhưng đường đến còn quan trọng hơn nhiều. Vì đó là hiện thể của chuyển động. Trong chuyển động, mỗi thời khắc là một satna mà con người được chứng nghiệm bằng thân, tâm. Trong cõi vô thường thật giả hỗn độn, câu hỏi về sự thật luôn song hành với tồn nghi và con người rất dễ bị rơi vào “trò chơi của ảo giác”. Xem ra với Nguyễn Quang Thiều, nghệ thuật vừa là sự trình hiện bản ngã cá nhân để “xác lập nền độc lập của mình”, vừa là phương thức suy tư và chất vấn về sự thật và tìm kiếm các giá trị nhân sinh3.
Vì muốn miêu tả thế giới trong tính đa chiều, đặc biệt là tái hiện dương bản đời sống từ cái nhìn âm bản thông qua hệ thống thi ảnh, biểu tượng đẫm chất tượng trưng, siêu thực, Nguyễn Quang Thiều đã kiến tạo hàng loạt cấu trúc đa tầng. Đó là thứ cấu trúc mở, cấu trúc của những giấc mơ. Thứ cấu trúc gắn liền với mĩ học của cái Khác. Chiêu thức và sợi dây tổ chức cấu trúc thơ Nguyễn Quang Thiều giai đoạn này có thể mường tượng qua sự phì đại của những dòng suy tưởng trong Những con cá ướp:
Tôi suy tưởng về đại dương
 
Những chiếc chum sành nửa bóng tối
Những con cá ướp.
 
Đã than thở, đã hát ca, đã xòe vây lộng lẫy
đã hoan hỉ ra đi, dòng trứng phun chảy như nham thạch
những hải lưu nóng ấm và bất tận
 
Giờ bên cạnh những hạt muối chứa đầy ký ức biển
những con cá bất động
Sự suy tưởng của tôi dội vang những đợt sóng
 
Chiếc chum sành lắc lư
những con cá ướp
phun chảy những dòng trứng
nở ra những con cá
trong dòng hải lưu suy tưởng bất tận của tôi
Bắt đầu từ thực tại: cá chết (bị ướp, bất động trong những chum sành) nhà thơ ngược chiều quá khứ, phục sinh ký ức về cuộc sống của cá giữa đại dương (đã than thở, đã hát ca, đã xòe vây lộng lẫy, đã hoan hỉ ra đi). Từ suy tưởng về quá khứ mà mở ra tầng thứ ba với chuỗi suy tưởng về những khả thể mới được tạo sinh: nở ra những con cá, trong dòng hải lưu suy tưởng bất tận của tôi. Cứ thế, những vòng sóng suy tưởng sẽ không ngừng loang rộng. Đó là quá trình là mở ra những “quãng ngược, quãng xuôi” độc đáo trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều. Từ những vang dội nội tâm, thực tại trong thơ không còn là thực tại ban đầu mà đã chuyển hóa thành thực tại tâm linh. Đây là kiểu cấu trúc tương hợp với thể tạng của những nghệ sĩ có sức tưởng tượng lớn, trường cảm xúc mạnh, vốn văn hóa dồi dào và khả năng liên tưởng phong phú. Nó lý giải vì sao Nguyễn Quang Thiều có nhiều thơ dài và nhiều bài thơ văn xuôi có độ mở lớn, hệ thống thi ảnh và vũ điệu ngôn từ chuyển động theo những luồng điện cảm xúc bất ngờ, mãnh liệt.
Nhón chân vào thi giới Nguyễn Quang Thiều người đọc lập tức bị cuốn vào những say mê bất tận: Tràn đến bậc cửa rồi/ Những chiếc lá non mạ bạc/ Đang múc từng thìa trăng/ Những bóng cây say đổ vào nhau/ Dạt theo những lớp trăng …. Tràn qua bậc cửa rồi/ Không thể nào tìm được người quen trong đêm nay/ Tôi bò qua bậc cửa nhà mình/ Con gián xòe cánh bay/ Chuyến vận hành mông lung mang theo ổ trứng/ Vệt chói sáng ghê rợn và kỳ thú/ Càng xa…càng gắt… càng tê liệt (Dưới trăng và một bậc cửa). Tính phức hợp của các chiều cảm giác và sự bung tỏa của trí tưởng tượng đã giúp cho Nguyễn Quang Thiều tái hiện được các trạng thái tế vi khác nhau của đời sống. Khác với thơ ca truyền thống đặt trọng tâm vào thần cú, nhãn tự, vẻ đẹp thơ Nguyễn Quang Thiều chủ yếu bắt nguồn từ cái nhìn mang tính phát hiện. Đó là vẻ đẹp của mảng khối, hình ảnh, đường nét và biểu tượng. Đây là cách miêu tả tuyết của riêng Nguyễn Quang Thiều:
Bản thánh ca từ trời cao vang trên những ngọn đồi,
dọc bờ sông, trên những ngọn cây, bên hàng rào gỗ
trên con đường chạy qua khu vườn, bên những ô cửa sổ
bản thánh ca của tuyết, bấy giờ lúc nửa đêm
(Tuyết lúc nửa đêm)
Cái nhìn về phụ nữ của Nguyễn Quang Thiều cũng rất độc đáo. Đó là sự nhẫn nại, vất vả, khổ nghèo bên những bến sông quê:
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt
Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi
Bàn tay kia bấu vào mây trắng
(Những người đàn bà gánh nước sông)
Không khó để nhận thấy sự khác biệt giữa hệ quy chiếu thẩm mĩ của Nguyễn Quang Thiều so với hệ quy chiếu thẩm mĩ trong thơ truyền thống. Cách tái hiện đời sống của ông đòi hỏi người đọc phải vượt qua lối diễn giải nhân quả và tuyến tính, huy động cùng lúc các kênh cảm giác, các chiều liên tưởng mang tính phức hợp để nhận thấy mối liên hệ hiển ngôn và hàm ngôn. Đây là cách tạo mã của nghệ thuật hiện đại.
Nói Nguyễn Quang Thiều kiến tạo thế giới từ những cơn mộng du, sắm vai “người kể chuyện lúc nửa đêm” từ “những giấc mộng” không có nghĩa là thơ ông tách biệt hiện thực đời sống. Trái lại, khuôn mặt thời chúng ta sống hiện lên khá đậm nét trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Có rất nhiều chi tiết hiện thực xuất hiện trong thơ ông: số phận những lính thời hậu chiến, phụ nữ và trẻ thơ, những vụ xả súng, những cánh rừng bị xẻ thịt, những ngột ngạt phố thị, những cái chết bất ngờ, những chấn thương, bi kịch và những lọc lừa…
Nguyễn Quang Thiều không ngần ngại đem đến cho người đọc nỗi ám ảnh về một sự thật: cái ác đang dồn đuổi, bủa vây con người đến nghẹt thở, sự vô cảm đang làm cho con người trở nên trơ lì, ích kỷ. Nếu ở “Bài ca những con chim đêm”, nhà thơ miêu tả sống động một thế giới hoang tàn bởi trận hồng thủy vì tội lỗi của con người thì đến “Nhật ký người xem đồng hồ”, tác giả mở đầu bằng “Bản tin ngày” ngắn gọn: Viên cảnh sát da trắng/ bắn tám viên đạn vào một thanh niên da đen. Đây là chi tiết không thể lạnh lùng hơn về cái ác đang công khai diễn ra và được biện giải bằng nhiều lý do khác nhau. Nhưng cũng có lúc ông nói về cái ác được che giấu một cách tinh vi. Thực tại suy kiệt nhân tính khiến con người hoang mang, tự hỏi: Hay tôi đã đi lạc/ Từ một thế giới nanh vuốt được công khai/ Đến một thế giới nanh vuốt được che giấu/ Và những cái chết không chảy máu (Hóa mèo). Con người như bị mù lòa giữa trận đồ bát quái do chính mình tạo nên. Không có câu trả lời nào được ném ra khi cái phi lý được mặc nhiên coi là hợp lý: Chúng ta có chết không/ Một người thức giấc hỏi/ Nhưng chẳng có câu trả lời nào/ Ngoài bóng một bác sĩ thần ghi bệnh án (Những con mồi). Tuy nhiên, chủ ý của Nguyễn Quang Thiều không phải là tái hiện thứ hiện thực bề mặt, điều cốt yếu là ông muốn khắc sâu những chấn thương tinh thần nhói buốt bên trong. Bằng linh cảm nghệ thuật nhạy bén, nhà thơ muốn gióng lên một cảnh báo: trong cái thế giới trò diễn và mặt nạ, văn minh nhiều có chỉ là tấm áo hào nhoáng bề ngoài che đậy sự vô cảm bên trong. Trong thế giới ấy, có quá nhiều kẻ bị chai lỳ trước cái đẹp. Đó là những kẻ đã “chết” ngay khi họ đang “sống”.
Điểm nhất quán trong thế giới quan nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều là niềm tin bền bỉ vào Cái Đẹp và nỗ lực đánh thức tình cảm nhân văn của con người. Đó là lý do trong những giấc mộng, nhà thơ biết lắng nghe “sự chuyển động của cái đẹp”, muốn vượt “quyền phép của thời gian” để “uống mê man ánh sáng bầu trời”. Với ông, cuộc sống tuy còn nhiều bi kịch nhưng luôn ẩn chứa màu nhiệm. Những nhiệm màu ấy có khi ở rất xa, như Thiên đường vẫy gọi để con người biết vượt qua Địa ngục và thắp sáng niềm Hy vọng. Nhưng lắm khi, cái đẹp và sự màu nhiệm lại ở rất gần, chỉ là ta đã vô tình lãng quên nó. Hoặc cũng có thể, vì bị ngập chìm trong những bon chen đời sống mà ta đã không nhận thấy. Chỉ một khi đạt tới độ “anh nhi” ta mới chợt nhận ra sự hiện hữu của nó trong cõi mơ hồ. Đây là cách Nguyễn Quang Thiều nhận ra vẻ đẹp lặng lẽ sau những ồn ào:
Đâu đấy, những cánh bướm run rẩy, trong hơi thở tháng Giêng
Một cánh bướm như không có bởi mỏng hơn cả sự mơ hồ
Nhưng đã mở ra, ở đâu đó, một cánh bướm có thật
Không bởi sắc màu rực rỡ mà bởi như hơi nước đang tỏa
 
Chúng ta đổ ra quảng trường, chen lấn và xô đẩy
Một số ai đó gào thét và nhiều lúc đập phá
Và chúng ta quên đi, đâu đấy, trong những lùm cây bé bỏng
đang rộn rã mùa sinh nở côn trùng
Sự kỳ diệu của thế giới không chỉ hiện lên qua những vẻ đẹp kỳ vĩ, hoành tráng mà nhiều khi chìm ẩn trong những đốm nhỏ li ti. Nhưng ai dám bảo trong những thực thể li ti kia lại không có sự kỳ vĩ của riêng nó!
Thơ Nguyễn Quang Thiều luôn có sự tương phản giữa đêm và ngày, bóng tối và ánh sáng. Tuy nhiên, đặt trong ngữ cảnh thơ ông, bóng đêm mang hai chức năng thẩm mĩ chính. Thứ nhất, đó là không gian kích hoạt mộng du và mơ tưởng. Khi bóng đêm phủ xuống cũng là lúc không gian sáng tạo được mở ra. Một vương quốc tự do xuất hiện. Tại đó, nghệ sĩ tìm thấy quyền năng tuyệt đối trong sáng tạo:
Đầu chàng lắc lư, đại ngàn trong giông bão
Lưng chàng uốn lượn, con sông mùa lũ.
Thân thể chàng trong ban mai
như một thác nước khổng lồ
Đổ xuống thế gian thăm thẳm trời cao.
Tất cả hát theo chàng, tất cả múa theo chàng
Tất cả phụ họa cho âm vang giọng chàng,
Chàng chính là vũ khúc diệu kỳ của vũ trụ
Trong Ánh Sáng và Tự Do
(Rút từ bản thảo Trường ca Lò Mổ – Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng)
Trong không gian huyền ảo của đêm, những ký ức mờ nhòe vốn bị che khuất bởi “ngày” sẽ được thức dậy, được phục hiện một cách sống động4. Xuyên qua bóng đêm, tinh lực của nhà thơ nằm ở chỗ anh ta phải phát hiện ra ánh sáng. Đó không phải là ánh sáng vật lý mà là thứ ánh sáng của cái đẹp được nhận biết bằng tuệ nhãn. Và đêm, với tất cả sự bí ẩn, quyến rũ của nó cũng là mảnh đất lý tưởng để những hoan lạc gieo mầm sự sống. Đêm vì thế là tiền thể của ngày, là yếu tố không thể thiếu để tái sinh. Đó là nguyên lý của biến dịch âm dương, của quá trình sinh- hóa, hóa – sinh.
Thứ hai, trong tương quan đối lập với ngày, đêm là biểu tượng nói về cô đơn, giá lạnh. Trong tầng nghĩa này, đêm/ bóng tối khiến con người thấy mình nhỏ bé, mong manh. Đêm nuốt chửng con người và gieo rắc sợ hãi. Đêm đồng lõa và dung túng cho tội lỗi của con người. Vì thế vượt lên bóng tối cũng chính là vượt lên sợ hãi. Nó cần đến lòng can đảm và ý chí của con người. Đây cũng là thứ cảm xúc mà Nguyễn Quang Thiều đã trải nghiệm: “Ôi ban mai, ban mai, người chảy trong máu thịt tôi với toàn bộ sự tinh khiết, rực ấm, sinh sôi, bất tận, huy hoàng và cả thổn thức. Người đã cứu tôi ra khỏi bóng tối của giá lạnh, sợ hãi và cô đơn”5 Ban mai/ ánh sáng và những biến thể của nó đã trở thành một trong những từ khóa quan trọng nhất làm nên mỹ học thi ca Nguyễn Quang Thiều.
Hướng về ánh sáng thực chất là hướng về những giá trị cao đẹp có khả năng thanh tẩy và cứu rỗi. Cảm thức tôn giáo trong thơ Nguyễn Quang Thiều vì thế không đồng nghĩa với việc cầu mong sự độ trì của một Thượng đế siêu hình. Về bản chất, đó là đức tin về cái Cao Cả. Vì hướng tới phạm trù mĩ học này mà Nguyễn Quang Thiều, tuy quyết liệt và táo bạo cách tân nhưng không lựa chọn lối viết giễu nhại (parody) như nhiều cây bút cùng thời. Dám đối mặt với thực tại phi lý, nhận thấy sự thật đời sống sau những “hội giả trang” nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn hằng tin vào sự trường cửu của các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Bởi thế, thơ Nguyễn Quang Thiều xét đến cùng là bài ca ngợi ca vẻ đẹp của con người và sự cao cả của những giá trị tinh thần. Đó là những vẻ đẹp có khả năng chữa lành, giải thoát con người ra khỏi lầm lạc, u mê. Có lẽ Nguyễn Quang Thiều nhìn thấy một phần số phận mình trong số phận một người bạn: Đời khổ Quận không khổ/ Đời nghèo Quận không nghèo/ Bởi giấc mơ của Quận/ Lớn hơn miền khổ đau (Phạm Long Quận luc 4:33’). Sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều cũng chính là sự thăng hoa của những giấc mơ đẹp đẽ vượt lên những cay đắng phận người.
Việc đề cao cái đẹp và sự thánh thiện đã đưa Nguyễn Quang Thiều đến với cảm thức sinh thái vì hướng tới tự nhiên là hướng tới sự thanh tân vĩnh cửu. Cảm thức này đã trở thành một mạch chảy quan trọng trong sáng tác của ông6. “Trốn lo âu về lại cánh đồng” là con đường trở về với những vẻ đẹp ban sơ, nguyên thủy. Cảm thức sinh thái trong thơ Nguyễn Quang Thiều mang nghĩa kép. Trước hết, đó là cảm giác ngột ngạt, bức bối vì đô thị hóa và lối sống thực dụng. Những khối bê tông và văn minh đô thị đã chia tách con người với tự nhiên, tước bỏ những cảm xúc trong trẻo, thuần khiết, giam cầm con người trong nỗi cô đơn phố thị. Đô thị trở thành một mảnh đất dung chứa những mê lú, lầm lẫn và sự vô cảm của con người. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Quang Thiều luôn say mê khi viết về làng quê, luôn nhận thấy mình thuộc về làng quê. Trong nguồn cảm hứng này, tinh thần công dân và tinh thần nghệ sĩ được kết hợp hài hòa để ông cất lên tiếng nói đầy lương tri và trách nhiệm về những vấn đề nóng bỏng nhất của đời sống đương đại. Đặc biệt, ông nhìn thấy vẻ đẹp của những hạt cây- tình yêu:
Khi con mười tám tuổi, mẹ nói:
– Bền vững hơn vàng là kim cương
Khi con năm mươi tuổi, mẹ nói:
– Bền vững hơn kim cương là hạt cây
Dưới tán cây chiều nay hai người im lăng
Những hạt cây xếp bên nhau chuẩn bị khai mùa
Và bầy chim mỏ ngà từ trời xanh đậu xuống
Tán cây vàng
Nhặt họ
Bay đi
(Những hạt cây- Nhật ký người xem đồng hồ)
Đúng như nhiều người nhận xét, ‘Nhật ký người xem đồng hồ” là tập thơ đánh dấu bước chuyển thi pháp quan trọng của Nguyễn Quang Thiều 7. Độ mở thẩm mĩ của tập thơ này không nằm nhiều ở trường độ cảm xúc mà nghiêng về cường độ và sự sắc sảo của tư duy. Đây là tập thơ cho thấy khoảnh khắc giữ vai trò tối quan trọng. Từ khoảnh khắc mà mở ra thế giới. Từ khoảnh khắc mà nhìn thấy chiều sâu bản thể. Từ khoảnh khắc mà thấy rõ chuyển động. Nhưng đó không phải là thứ chuyển động kiểu Xuân Diệu “Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút ấy sang tôi phút này”. Sự chuyển động của Nguyễn Quang Thiều hiện lên từ tương quan của các “mảnh vỡ”, “bên này” và “bên kia”, ở tốc độ thông tin, sự sắc lẹm của cái nhìn và năng lực kiến tạo “khoảng trống”. Mỗi thời khắc là một lát cắt thời gian nhưng tự nó cũng là một lịch sử. Nguyễn Quang Thiều quan niệm: “Mỗi thời khắc chúng ta đang sống chứa đựng vô vàn sự kiện và những câu chuyện. Nhưng mỗi chúng ta lại trú ngụ trong không gian của mình như một lãnh thổ độc lập và tự do, chống lại mọi can thiệp”8. Ý thức bảo lưu sự tồn tại người trong từng khoảnh khắc thể hiện rất rõ qua sự xuất hiện của loại ký hiệu số bên cạnh ký hiệu chữ. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, mỗi khoảnh khắc “tôi” là “tôi” trọn vẹn trong thời điểm ấy. Sự tồn tại của nó là sự tồn tại của một tự trị duy nhất. Đây chính là ý thức về sự lên tiếng của các “tiểu tự sự” trong nhãn quan nghệ thuật hậu hiện đại theo cách Nguyễn Quang Thiều.
Nhưng cũng phải thấy rằng, một số phương diện cách tân trong “Nhật ký người xem đồng hồ” thực ra đã được phôi thai từ trước, rõ nhất là trong “Nhịp điệu châu thổ mới” và “Cây ánh sáng”9. Điều này thêm một lần nữa chứng thực cho sự tiếp nối và đột phá trong tư duy nghệ thuật Nguyễn Quang Thiều. Đó là cái mới trên cơ sở dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, hậu hiện đại, đưa truyền thống vào mô thức nghệ thuật hiện đại, từ đó tạo nên những sinh thể vừa quen vừa lạ. Cũng bởi thế, trong phần Nhật ký, bên cạnh những bài thơ tự do, Nguyễn Quang Thiều có khá nhiều bài theo mô hình thơ truyền thống. Điều này đem đến cảm giác quen. Về thể loại, đó là thơ năm chữ: Bài hát, Người mở cửa buổi sáng, Dậy muộn, Tỉnh giấc ở Nha Trang, Phạm Long Quận lúc 4;33’, Những ô cửa.  Về cấu tứ, Nguyễn Quang Thiều triển khai theo mối quan hệ lặp lại và tăng tiến (Bản hợp đồng, Người mở cửa buổi sáng…). Về tạo nhạc, mở giai điệu trên nền điệp khúc: Mở ô cửa thứ nhất/ Mở ô cửa thứ hai/ Mở ô cửa thứ ba/ Mở thêm một ô cửa/ Và một ô cửa nữa (Những ô cửa), Dưới đám mây mùa xuân/ Dưới đám mây mùa hạ/ Dưới đám mây mùa thu/ Dưới đám mây mùa đông… (Mây ngũ sắc); Trên những ngón tay em/ Trong cánh rừng tóc thẳm/ Trên đỉnh da thịt em…(Bài hát).
Liệu có phải Nguyễn Quang Thiều đã “mỏi chân” sau thời gian phi nước đại với thơ dài và trường ca? Không hẳn. Đó là cách “thiết kế lại” trên cơ sở dung hòa hiện đại với truyền thống như đã nói ở trên. Nhưng là cách dung hòa trên tầm mĩ học mới. Tại đó, cái truyền thống đã được giải cấu trúc để tương thích với yêu cầu của nghệ thuật hiện đại. Ngay cả khi đưa yếu tố libido vào thơ, trong nhiều trường hợp, Nguyễn Quang Thiều vẫn men theo cách biểu đạt “nửa phô mình ra nửa giấu lại mỉm cười”. Ngôn ngữ tính dục trong thơ Nguyễn Quang Thiều không trừu tượng như thơ cổ điển, không trực hiện và dạt dào như thơ lãng mạn nhưng cũng không quá bạo liệt như nhiều cây bút nổi loạn cùng thời. Ông tìm đến lối nói mang tính tượng trưng, lấy khêu gợi (suggérer) làm yếu tính: Em nằm nghiêng trong đêm/ Như con thuyền cô đơn nép mình bên bến cát/ Tôi cởi áo mình ra căng một cánh buồm (Cánh buồm). Có thể nói, ý thức mĩ học về cái đẹp thanh tân/ thuần khiết/tận hiến đã trở thành “phanh hãm” để Nguyễn Quang Thiều biết “nhã hóa” ngôn ngữ thân thể theo cách riêng. Nhã hóa nhưng vẫn đủ sức biểu đạt sự mê đắm:
Trên đỉnh da thịt em
Tiếng Xuân lan ẩm ướt
Tiếng Hạ mở lưng trời
Tiếng Thu chờm trước mặt
Tiếng Đông chìm nâu nâu
Và nơi chạm hoàng hôn
Rung những miền cỏ dại
Chốn ta không nhìn thấy
Bỗng chan hòa Thiên thanh
(Bài hát)
Trong phần Bản tự khai của một số đồ vật, Nguyễn Quang Thiều sử dụng lối viết ngắn. Thậm chí cực ngắn. Với ông, mỗi đồ vật là một thực thể có linh hồn, sự tồn tại của chúng là tồn tại của một lịch sử. Trong tưởng tượng và suy tưởng của mình, ông nghe thấy vang lên tiếng nói của người thợ gốm, âm thanh của sự sống. Nghĩa là các tĩnh vật không bao giờ ngủ yên, bên trong nó là những chuyển động làm thành một đời sống của riêng nó: Nước vẫn chảy trong đó/ Cây vẫn mọc lên/ Lửa không bao giờ tắt/ Giọng nói người thợ gốm/ Chứa đầy khoảng rỗng chiếc bình (Bình gốm); Những chùm lá sống lại/ Mở những bàn tay/ Sông bắt đầu chảy (Ấm pha trà).
Cấu trúc tối giản và ý thức tạo độ căng thẩm mỹ thông qua việc gia tăng độ nén của suy tưởng trong tập thơ này thực chất là nỗ lực tạo nên sự đa dạng trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều: Tôi thơm hộ những người trước mặt (Lư đốt trầm); Gió thổi qua những ô cửa/ Lang thang và vô định (Kèn Acmonica)… Mỗi bài thơ siêu ngắn này hiện lên như sự bừng tỏ của một chớp nghĩ, lóe rạng một cảm nhận, bất chợt một liên tưởng. Đây là hình thức biểu đạt khá mới mẻ trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Từ những chớp lóe và suy tưởng tức thời mà mở ra những khoảng trống ngẫm ngợi, mời gọi quá trình tạo nghĩa từ phía người đọc.
Trong “Nhật ký người xem đồng hồ”, Nguyễn Quang Thiều dành khá nhiều thơ cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Nhưng dường như ở tập thơ này, Nguyễn Quang Thiều hòa lẫn trải nghiệm và chiêm nghiệm, đặc biệt là những bài thơ dành cho Kya. Có lẽ trong cảm nhận của ông, đến với trẻ thơ là được trở về với ấu thơ của chính mình. Nhưng đến với trẻ thơ cũng là đến với tương lai. Bởi thế thời khắc chứng kiến ngày ra đời của trẻ cũng là thời khắc được chạm vào hy vọng, chạm vào tinh khôi, được chứng kiến sự rạng rỡ của Thiên đường:
Khi đôi mắt Kya mở ra
Bầu trời ngập tràn ánh sáng
Khi giọng Kya vang lên
Trong các vòm cây chim hót
Khi bàn tay Kya xòe ra
Những cánh đồng hoa bùng nở
Và khi Kya ngậm bầu vú mẹ
Có những dòng sông ngủ quên trong đất
Giờ thức dậy và tuôn chảy
(Ngày Kya ra đời)
Có thể nói, ngọn lửa nhân văn và niềm hy vọng trong thơ Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ nguội tắt, kể cả những lúc ông như bị rơi vào tuyệt vọng: Đời sống này đôi lúc buồn hơn cái chết. Và một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Nguyễn Quang Thiều biết vượt lên tình thế là bởi ông luôn biết gắn bó với nguồn cội. Nói khác đi, mặc dù tiếp nhận và tiếp biến nhiều trào lưu tư tưởng nghệ thuật hiện đại nhưng Nguyễn Quang Thiều chưa bao giờ đứt rễ với truyền thống. Nơi ấy có một dòng sông vĩnh cửu, có ông bà tổ tiên, bè bạn, có những cánh đồng, những khu vườn chứa đầy bí mật. Tất thảy đã trở thành miền tâm linh sâu thẳm, những mẫu gốc văn hóa bền vững trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Từ những mẫu gốc văn hóa ấy mà Nguyễn Quang Thiều biết hòa vào nhân loại, rồi từ nhân loại mà trở về ngôi nhà xưa trên tầm nhận thức và ý thức mỹ học mới. Đó là thứ mỹ học gắn liền với niềm tin sâu sắc vào cuộc sống và niềm hy vọng về một thế giới ngập tràn tình yêu thương:
Còn một hạt giống là còn lại cánh đồng
Còn một giọt nước là còn dòng sông
Còn một người có đức tin là cả thế gian được cứu rỗi
(Bài ca trong đêm cuối cùng của năm cũ).
Trải qua bốn thập kỷ miệt mài sáng tạo, Nguyễn Quang Thiều đã thành công trong việc tạo dựng một trường thẩm mĩ mới lạ và một giọng điệu nghệ thuật độc đáo. Sự tận hiến, lòng can đảm và tài năng đa dạng đã giúp ông thấu thị một cách rõ nhất con đường mình sẽ đi qua: Vang trong những đêm tối/ Con đường tự do/ Trong tiếng gọi từ tương lai vọng tới/ Một cậu bé tên THIỀU lại được sinh ra.
21/7/2024
Nguyễn Đăng Điệp
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung Người mẹ vốn cao đẹp trong cuộc đời, khởi đầu của sự sống và suối nguồn yêu thương không bao g...