Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

"Phía sau trận chiến" của Vũ Quốc Khánh - Tập sách đậm mùi chiến trận

"Phía sau trận chiến" của Vũ
Quốc Khánh - Tập sách đậm mùi chiến trận

Những cái có được đã trở thành vốn sống, vốn văn chương, tạo đà cho tác giả trong hành trình sáng tác đầy gian truân ở phía trước. Đọc và thấy những thành công của “Phía sau trận chiến”, để biết thêm một đề tài không dễ viết chút nào… 
Gần đây trong sê ri sách viết về chống Mỹ có tập “Phía sau trận chiến” của Vũ Quốc Khánh. Vừa ra đời chưa lâu, tập sách đã có dư luận. Sở dĩ được đọc sớm vì tập sách này tham gia cuộc thi sáng tác về đề tài Chiến tranh Cách mạng. Đã vào cuộc chơi này dĩ nhiên là có cạnh tranh lành mạnh và có dư luận. Tập “Phía sau trận chiến” được coi là một ứng viên có chất lượng.
Tiểu thuyết có hai mảng song cùng như hai bức tranh liên hoàn. Một mảng viết về bản Mẫn với bà mẹ Hón, Lèng và những người khác ở hậu phương miền Bắc, một mảng về đời sống chiến đấu của ba anh lính có tên Hón, Thuận và Phiến ở Trường Sơn. Những ngày đầu họ là lính của Trung đoàn Núi Thành đi trinh sát đánh căn cứ ngoại biên Hiệp Đức, mở đầu cho trận chiến Núi Cấm. Đó là những tháng ngày ác liệt, khó khăn nhưng đầy vinh quang của người lính chiến, đối mặt trực tiếp với kẻ thù. Rồi Hón, Thuận, Phiến được điều về Tỉnh đội Quảng Nam để làm lính gùi thuộc đại đội Hậu cần của tỉnh đội, hòa vào mặt trận Phía sau trận chiến lo cơm ăn, áo mặc, thuốc men cho bộ đội ta đánh giặc.
Ở mặt trận “Phía sau trận chiến” này Hón đã gặp Bẩy Tiền, một nữ đại đội trưởng quả cảm, xốc vác và kiên trung. Bẩy Tiền đã đơn phương yêu Hón do không biết Hón đã có người yêu ở bản Mẫn. Còn Hón luôn dành tình yêu thương cho người mẹ già và Mậu, người con gái anh yêu ở hậu phương miền Bắc. Vì cứu Liên khi bị bọn thám báo bắt cóc cưỡng hiếp mà Hón đã bị cơn lũ ống cuốn đi. May mà khi trôi xuống Hà Tam, vùng đất hạ lưu sông Thu, anh được Miên và bà Hai cứu sống. Nhờ đó mà Hón đã gây dựng được cơ sở cung cấp quân lương cho bộ đội ta ở địa phương này.
Cũng ở đại đội này, Thuận không chịu được cuộc sống gian khổ, đói ăn, vất vả của người lính gùi đã nông nổi bỏ đi. Thuận không phải đào ngũ mà chỉ muốn tìm về đơn vị chiến đấu, một sống một chết với quân thù, khỏi phải suốt ngày, suốt tháng gùi hàng tạ trên lưng. Với nhiều chi tiết giằng xé này đã lột tả được sự gian truân, khổ ải của đời lính gùi ở “Phía sau trận chiến”. Thế nhưng không may, anh đã bị tên thám báo ngụy Hùng Cường bắt, áp giải về giam ở đồn Núi Vũ. Núi Vũ là một đồn lính ngụy tại Hà Tam và là một căn cứ Mỹ kép được trang bị rất mạnh do trung úy Thái Bình chỉ huy, án ngữ phía Bắc Núi Cấm. Trung úy Thái Bình là con trai của bà Hai, một người phụ nữ quê ở Thái Bình theo chồng vào Hà Tam, khai phá vùng đồng bãi sông Thu, sinh cơ lập nghiệp từ trước cách mạng tháng Tám. Thái Bình vì tin chính quyền ngụy nói cha anh bị Cách mạng giết nên căm thù cộng sản, quyết xây dựng đồn Núi Vũ để chặn đà ảnh hưởng của cách mạng từ chiến khu Trà My xuống Hà Tam.
Ở bản Mẫn, Lèng – bạn của Hón trở thành xã đội trưởng. Công việc ở hậu phương bộn bề; nào là lo cấy cầy ruộng đồng, nương bãi; nào là lo thuế má nuôi quân; nào là lo cho con trẻ đến trường, nào là lo trạm xá, thuốc men chữa bệnh cho dân; nào là lo cho các bủ già không nơi nương tựa; gánh vác việc chăm sóc trận địa phòng không; xây dựng lực lượng dân quân du kích; lo khắc phục hậu quả bom Mỹ đánh phá; lo chống chiến tranh tâm lý của địch; nhưng Lèng vẫn cùng Đảng bộ xã gánh vác chu tất. Không những thế Lèng còn phải đối mặt với Nguyên, một cá tính xấu xa, trốn đi bộ đội, mua chuộc, hòng giành giật tình yêu của chị đối với Khang đang ở ngoài mặt trận. Trước những bộn bề gian truân, vất vả không tên, những người ở hậu phương vẫn kiên trung làm tròn nhiệm vụ của người ở “Phía sau trận chiến”.
Còn Thuận bị bắt về đồn Núi Vũ bị hành hạ đã không phản lại đồng đội mà còn đánh lừa được Hùng Cường ngồi trên trực thăng báo cho đồng đội biết được hoàn cảnh, ý chí của mình, nên bị địch đẩy ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, Thuận đã vượt qua bao cơ cực của kẻ thù tàn bạo, từ giam cầm tra tấn trong chuồng cọp đến chiêu bài mỹ nhân kế. Anh kiên quyết không chiêu hồi địch. Cuối cùng, không mua chuộc được anh, địch tống anh vào trại tù T5. Ở đây, Thuận được anh Bằng bí thư chi bộ nhà tù giáo dục, hướng dẫn tham gia tích cực vào việc đào hầm vượt ngục. Từ đó, Thuận được chi bộ nhà tù kết nạp vào Đảng. Do thời gian vượt đường hầm để vượt ngục trong đêm có hạn, Thuận đã nhường suất vượt ngục của mình cho đồng chí. Anh đã bị cai ngục Sầm tra tấn dã man đến tàn tạ, chỉ được tự do khi hiệp định Pari ký kết.
Tại Hà Tam, Hón đã tìm ra mô hình tổng kho thứ hai cho tỉnh đội. Đây là mô hình dự trữ tổng hợp quân lương cho bộ đội ta ngay trong nhân dân. Hón còn cùng Bẩy Tiền lãnh đạo nhân dân và du kích bẻ gẫy hai gọng kìm tấn công có đầy đủ pháo binh, máy bay của bọn cố vấn Mỹ và tên đồn phó Hùng Cường vào ấp Hà Tam. Không những thế Hón còn nhân đà thắng lợi này, sáng tạo ra phương án đánh địch khi anh cùng bà Hai tay không vào sào huyệt Phú Tam uy hiếp, binh vận thành công, khiến căn cứ này bên ngoài là của địch nhưng bên trong lại là của ta, giúp cho việc vận chuyển quân lương lên vùng giải phóng được thông suốt.
Khi sư đoàn Chu Lai của sư trưởng Nguyễn chuẩn bị tổng công kích vào căn cứ Núi Cấm, Hón và Bẩy Tiền được lệnh của tỉnh đội trưởng Sáu Ngạn trong 5 ngày phải vận động nhân dân Hà Tam vượt qua mưa bão ủng hộ, thu gom và vận chuyển 200 tấn gạo làm lương ăn cho sư đoàn chiến đấu. Dù hoàn cảnh cấp bách, Hón vẫn nhanh chóng tìm ra cách vượt qua, khiến sư đoàn trưởng và tỉnh đội trưởng tin tưởng. Xúc động vì đó, tình yêu đơn phương của Bẩy Tiền với Hón trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tại đây, Hón gặp lại người yêu là Mậu khi cô là văn công quân khu ở hậu phương miền Bắc vào phục vụ bộ đội. Cuộc gặp gỡ bất ngờ này khiến Bẩy Tiền choáng váng. Trong lúc trú mưa ở chòi canh nương của đồng bào giữa rừng khi trên đường trở về Hà Tam, Bẩy Tiền đã không kìm được lòng mình, cô quyết liệt xin Hón một lần “yêu” để chấm dứt mối tình đơn phương của Bẩy.
Bẩy Tiền và Hón đã cùng nhân dân Hà Tam gom đủ 200 tấn gạo cho bộ đội đúng kỳ hạn. Để thông đường vận chuyển gạo lên tổng kho sư đoàn họ đã vận động Trung úy đồn trưởng Thái Bình quay súng về với cách mạng. Đến lúc này Thái Bình và Hón mới biết họ là đôi anh em con dì, con già, mà bà Hai chính là dì ruột của Hón. Cuộc binh biến của binh lính đồn Núi Vũ thành công khiến sự chống cự của bọn Mỹ và viên đồn phó Hùng Cường thất bại. Con đường lên tổng kho Sư đoàn Chu Lai được thông suốt, Bẩy Tiền chỉ huy bốn chục xe quân lương lên đường. Chính lúc đó vì cứu Thái Bình khỏi bị Hùng Cường bắn lén mà Hón bị thương nặng. Hùng Cường được y tá Liên băng bó vết thương. Liên căm phẫn khi nhận ra chính y là tên thám báo đã bắt cóc và cưỡng hiếp cô. Hón đã nhắm mắt xuôi tay trong tình thương yêu vô bờ của Bẩy Tiền và nhân dân Hà Tam trước giờ cuộc tấn công của sư đoàn Chu Lai vào căn cứ Núi Cấm.
Khi đất nước thống nhất, bà Hai và Thái Bình gặp lại bủ Hón; Bẩy Tiền cùng con trai Trường Sơn ra bản Mẫn để con dâu gặp mẹ chồng, cháu đích tôn gặp bà nội. Bẩy Tiền đưa hài cốt của Hón được quy tập về nghĩa trang liệt sỹ nơi quê hương anh. Trước bàn thờ tổ tiên, giọt nước mắt già nua của bủ Hón rỏ trên đầu Trường Sơn là hình ảnh đẹp đẽ, xúc động của bà nội với đứa cháu mang vóc dáng của Hón.
Tiểu thuyết là những câu chuyện đan xen khá hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn người đọc. Lợi thế của tiểu thuyết này là ở chỗ tác giả có một giọng văn trữ tình, một vốn chiến trường giầu có, đầy trải nghiệm. Các mảng ở chiến trường hầu hết các nhân vật, các chi tiết anh đều lựa chọn và nâng lên thành chi tiết văn chương từ những ngày tháng có thật của đời mình tại Quảng Nam. Mảng hậu phương cũng được viết từ nỗi nhớ có thật của người lính về xóm làng, về mẹ, về người yêu và những người khác.
Trước đây, Vũ Quốc Khánh đã có nhiều truyện ngắn hay được giải, lại có tiểu thuyết “Seo Sơn” đã được xuất bản với bộn bề sự kiện, nhiều tuyến nhân vật. Giờ Vũ Quốc Khánh có thêm sự ra mắt của tiểu thuyết “Phía sau trận chiến” dài hơi, khắc họa chân thực cuộc chiến đấu thầm lặng của những người lính gùi trên miền đất ác liệt nhất, khiến tác phẩm của anh vừa ra mắt  chưa lâu đã có nhiều độc giả trong và ngoài quân đội tìm đọc. Anh thành thạo trong việc điển hình hóa tính cách nhân vật, biết dựng nên những tình huống điển hình. Văn anh viết không lên gân mà gần gũi đời thường, phản ánh muôn mặt đời thường nhưng không sa đà vào những vụn vặt của đời thường. Các trang viết thể hiện hơi thở đậm mùi chiến tranh cả về ta, cả về địch ở rừng núi Trường Sơn; sự vật vã đấu tranh để vươn lên, vượt qua những gian khổ trong đời lính chiến; giầu lòng nhân ái, vị tha trước sai lầm của đồng đội, độ lượng trước sự phục thiện của đối phương; am hiểu cuộc sống sản xuất, tập quán văn hóa của người dân lao động nói chung và miền núi nói riêng đã giúp Vũ Quốc Khánh chinh phục được thiện cảm của người đọc.
Những cái có được đã trở thành vốn sống, vốn văn chương, tạo đà cho tác giả trong hành trình sáng tác đầy gian truân ở phía trước. Đọc và thấy những thành công của “Phía sau trận chiến”, để biết thêm một đề tài không dễ viết chút nào. Chúng ta hy vọng vào Vũ Quốc Khánh và chờ đợi những sáng tác mới của anh.
25/7/2024
Phạm Hoa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung Người mẹ vốn cao đẹp trong cuộc đời, khởi đầu của sự sống và suối nguồn yêu thương không bao g...