Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Đứa con của sóng

Đứa con của sóng

Tôi đã hình dung về người đàn bà một mình trước biển. Biển đêm. Những cơn sóng gầm gào dữ dội, từng đợt sóng lạnh toát xô vào bờ, hàng dương liễu im rũ dưới ánh trăng non bàng bạc, tuyệt nhiên không một cánh chim nào bay liệng qua.
Trên bờ mọi thứ dường như đều cô lập với biển. Cả dải viền vàng ngoài khơi xa cũng thôi chấp chới, chúng tan hòa vào ánh trăng, mờ dần, mờ dần… cho đến khi không phân biệt được đâu là đèn đâu là ánh sao trời. Người đàn bà ngồi im. Một tay chống sục trong cát, một tay sờ lên bụng mình. Đêm lạnh. Trăng lạnh. Cát lạnh. Nụ cười cũng lạnh… duy chỉ nhịp đập của thai nhi là ấm áp và những giọt nước rớt trên mu bàn tay nóng hổi.
Ngoài khơi xa chắc có lẽ lạnh hơn nhiều. Vĩ thanh của hằng sa số vì sao có làm yên giấc ngủ? hay những tiếng chim Hải Âu có làm êm dịu những trái tim thanh tân vùi sâu trong biển? Có lẽ không! Người đàn bà thầm nghĩ.
Chỉ có những nụ cười hạnh phúc của người ở lại mới xứng đáng với sự hy sinh ấy. Vậy thì hãy cười nhiều lên nữa!
Chị mỉm cười với đứa con đang dần hình thành trong bụng mình. Giọt máu duy nhất của anh để lại trước khi thân thể anh, linh hồn anh hòa tan trong biển. Biển là cha của con đó! Biển sẽ ôm ấp và che chở cho con. Con hãy yêu biển, thương biển, và đừng sợ hãi. Biển đêm thế thôi nhưng ban ngày biển rất đẹp, rất dịu dàng, mặt trời sẽ làm cho mặt biển xanh biêng biếc, Hải Âu sẽ nô đùa dỡn sóng… và con sẽ thấy mình là một phần của biển, một giọt nước long lanh chứa trong biển. Người đàn bà nghĩ miên man…rồi bất giác thốt lên” Ôi Thủy ơi! Con yêu dấu của mẹ, mẹ sẽ gọi tên con như vậy nhé, sau này lớn lên con sẽ cảm nhận tất cả mọi điều bằng chính trái tim của con, sẽ rất khác mẹ, rất khác …nhưng mẹ mong con hãy cười nhiều hơn.
***
Tôi nhìn vào đôi mắt đen tròn của Thủy, đôi mắt như hai vũng buồn sâu thẳm khi nhìn ra ngoài khung cửa sổ đầy nắng. Tôi đã kịp hình dung về mẹ Thủy qua câu chuyện kể gián đoạn của Thủy mỗi ngày đến lớp. Ngay từ đầu không hiểu sao trong số mấy chục bạn sinh viên vừa nhập học, tôi lại chọn ngồi cạnh Thủy. Có lẽ đôi mắt Thủy đã chạm vào tôi một sự liên kết thân thiết, rất khó để diễn đạt bằng lời.
– “Việt Nam học” sao cậu lại chọn ngành học này? Đó là câu hỏi đầu tiên mà tôi và Thủy bắt đầu để làm quen nhau. Thủy cười, nụ cười hiền lành nhưng chất chứa cả một bầu trời tâm sự .
– Vì sao ư? Vì hai chữ “Việt Nam” luôn khiến mình tự hào và xúc động.
– Ồ vậy thì giống tớ rồi! Một lý do nghe rất đơn giản nhưng không hề giản đơn chút nào phải không? Việt Nam, chúng ta đang sống ở đây, nhưng chúng ta luôn luôn muốn được học, được hiểu biết, để rồi thêm yêu quý, thêm tự hào về Tổ Quốc mình. Càng học, càng tìm hiểu chúng ta lại cảm thấy mình thật nhỏ bé, nhỏ như hạt cát giữa bao la sa mạc Quảng Bình vậy, Thủy nhỉ!? Nói rồi, cả hai đứa cùng nhau cười xòa, quả thật lâu rồi chúng tôi mới có được một trận cười vui vẻ và sảng khoái như thế. Chúng tôi trở nên thân nhau từ đó. Hôm, hai đứa đứa đi nhận phiếu thực tập cuối khóa, tôi hỏi Thủy:
– Cậu đăng ký thực tập ở đâu thế? Riêng tớ đã chọn vùng Tây Nguyên rồi, nơi mà những người dân quê Miền Trung di cư vào đây theo lời kêu gọi của Chính phủ- đi xây dựng vùng kinh tế mới. Tớ đã liên hệ được với các Đồn Biên phòng đóng ở biên giới để nhờ sự giúp đỡ của bộ đội khi đi tìm hiểu về các tập tục văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên…sau đó tớ sẽ dành thời gian quay trở lại Đài Truyền hình tỉnh để xâu chuỗi thành một phóng sự ngắn sau chuyến đi.
– Nghe thú vị quá nhỉ, tớ đã bị cậu làm cho hấp dẫn luôn rồi đấy!
– Ừ, thích thì “xách ba lô lên và đi thôi”.Tuổi trẻ mà! Ngày xưa, ba tớ là một phóng viên chiến trường nên “máu xê dịch” của ba được tớ kế thừa một cách trọn vẹn. Hì hì… Tớ sẽ khám phá cho hết các nẻo đường biên giới rồi trở về, cho cậu xem một đoạn ghi chép của ba tớ trong cuốn sổ tay thơ này nhé. Ba tớ nói“ Bản thân cuộc sống đã là văn nghệ. Thông qua người nghệ sỹ điển hình và văn nghệ hóa lên một bước, càng làm cho cuộc sống phong phú và đa dạng biết chừng nào. Cũng vậy đấy, nên chúng ta đã vượt qua mọi mất mát, đau thương để sống một cuộc sống vô cùng ý nghĩa”
– Chữ của ba cậu đẹp nhỉ? Ồ, có cả ảnh nữa! Ông đẹp trai quá, cậu rất giống ba…
– Ừm, tiếc là tớ chỉ được ở bên cạnh ba có 13 năm, ông bây giờ chắc đang “ du ngoạn” ở một nơi nào đó rất xa… nhưng không sao, ba tớ đã sống một cuộc đời thật đáng sống. Và cách ông ấy rơi cũng nhẹ nhàng như một chiếc lá.
– Thương cậu! Dù sao đi chăng nữa được thấy ba và sống bên cạnh ba trong cuộc đời, tuy ngắn ngủi nhưng đó cũng là một niềm an ủi, niềm hạnh phúc lớn lao Diễm à. Thủy xiết chặt bàn tay tôi, mắt đỏ hoe “Đợt thực tập năm cuối này tớ sẽ xin ra đảo”
– Tuyệt quá, nhưng mà cậu dự định sẽ viết đề tài gì ở đó?
– Tớ đi thăm ba tớ.
–  Ôi, ba cậu là lính hải quân à? Tôi reo lên.
Vốn dĩ rất yêu quý những người lính đảo cho nên khi nghe Thủy nói tôi vô cùng háo hức, muốn được biết ngay lập tức những kế hoạch dự định của Thủy khi ra đó.
– Muốn ra đảo không phải dễ đâu, phải có xuất người nhà hoặc những người được cử đi làm nhiệm vụ mới có thể đi được. Cậu đã nghe đến tên đảo Cô Lin – Gạc Ma… chưa?
– Có nghe, đó là những hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm sinh bọn mình, 1988, nghe kể ngoài đó bộ đội ta đánh nhau với Trung Quốc dữ dội lắm. Quân ta hy sinh khá nhiều…
– Ừ, năm đó khi mẹ tớ vừa mang thai tớ được hai tháng tuổi thì nghe tin ba tớ đã hi sinh trên Đảo Gạc Ma cùng với nhiều đồng đội nữa. Tớ đã mồ côi cha từ khi chưa chào đời… Tớ chỉ được nhìn thấy mặt ba qua di ảnh mà thôi.
– Ôi… Thủy! Mình xin lỗi… Tôi thảng thốt ôm lấy bạn. Và cảm nhận được từng nỗi đau bị dồn nén bật rung lên hai bờ vai gầy mảnh, nhô cao.
Diễm biết không, nỗi đau mất con khi đất nước đã hòa bình, khi toàn dân phấn khởi với công cuộc đổi mới đất nước khiến nội bị sốc, tính khí trở nên bất thường. Nội không tin mình đã mất con, nội hoài nghi luôn cả cái bào thai trong bụng cô con dâu vừa mới cưới. Nội trở nên “khó ở”. Bao nỗi đau oan khất cứ thế dằn lên đầu mẹ tớ. Người đàn bà góa bụa chỉ biết lặng thầm trút nỗi than van của mình với biển. Nước mắt biển mặn như mắt mẹ. Biển rộng lớn, bao dung nhưng không chấp chứa được hết những đớn đau, mất mát của mẹ. Sự cô đơn của mẹ. Vành môi mẹ bật máu. Biển đêm ngập dần lên ngực mẹ, quá đầu mẹ. Chỉ còn trăng lạnh. Là cha đã xô mẹ vào bờ. Sau đận ấy, mẹ như trở thành một con người khác. Mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn. Mẹ đã tha thứ cho mình. Tha thứ cho người. Hoàn toàn buông xả, khi đứng trước biển. Mẹ như cây xương rồng trên cát bỏng. Đầy gai góc và nở hoa đẹp miên man. Gái một con trong mòn con mắt. Mẹ cười nhiều hơn khi đứa con gái của mẹ chào đời. Giống ba như đúc. Đồng nghĩa với việc nội tớ luôn tự dằn vặt mình từng đêm, từng đêm dài bất tận. Nội thường xuyên đến bên bàn thờ của ba. Ngôn ngữ rối bời. “Cái thằng ham chơi ham nhởi, răng mi không về ăn khoai mạ nấu. Mùa mưa rồi răng không về lợp lại mái tranh. Trời ơi, con Mai Hoa vợ mi đẹp rứa, trẻ rứa, răng mi cứ bắt hắn chờ mi vò võ, thân đơn gối chiếc rứa…”
Mẹ tớ không trách nội, bởi tận cùng của nỗi đau, mẹ thấu hiểu được nỗi lòng của người mẹ mất con. Nội luôn mang tâm lý sợ hãi bất an khi nghĩ rồi đây tất cả mọi người cũng sẽ rời bỏ nội mà đi…Bây giờ nội tớ cứ nhớ nhớ quên quên, như một đứa trẻ nít lớn tuổi.
Năm lên bốn, tớ vẫn nhớ như in những lần mẹ dắt tớ ra biển. Mẹ bảo: Ba con đang ở ngoài kia, con gọi đi, ba sẽ nghe. Tớ vẫn luôn tin lời mẹ nên cố gọi thật to: Ba ơi, con Thủy của ba đây, ba mau về với con đi, con nhớ ba!
“Ba con sẽ rất hạnh phúc khi thấy mẹ con mình cười vui như thế. Sau này con hãy luôn giữ nụ cười rạng ngời trên môi nhé” Mẹ vẫn thường xuyên nói điều đó với tớ cho đến khi tớ 18 tuổi và trở thành cô sinh viên.
Tôi ngắm nhìn gương mặt Thủy, nét tươi trẻ của tuổi mười tám đôi mươi luôn rạng ngời, nụ cười của Thủy rất đẹp và hiền nhưng không thể che giấu được ánh buồn vươn lên từ đáy mắt. Qua bao nhiêu câu chuyện Thủy kể nhưng có một việc mà khiến tôi luôn tò mò, không hiểu vì sao Thủy luôn chăm chú nhìn ra cột cờ giữa sân trường, ngày nào Thủy cũng ngước nhìn, không hề chán. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới có sức hấp dẫn thôi miên Thủy một cách đờ đẫn, bất động. Mắt Thủy không còn neo đậu ở đó, mà lạc về một nơi rất xa, rồi bất chợt khóe môi Thủy khẽ mỉm cười, một niềm tự hào thoáng lướt qua gương mặt.
– Cậu nói lý do cho tớ biết xem nào?!
– Cậu học lịch sử rồi chắc còn nhớ, vụ việc ngày 14 tháng 3 năm 1988, cuộc xung đột giữa lính đảo ta với đội quân của Trung Quốc trên Đảo Gạc Ma… chính ba tớ là người trước khi hi sinh vẫn giữ chặt lá cờ Tổ Quốc và hô lớn: “Thà hy sinh chứ không chịu để mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ Quốc và truyền thống của quân chủng Hải Quân” Thủy nhắc lại những lời ấy như một tuyên thệ, ánh mắt không còn đẫn đờ, miên dại như trước mà trở nên tinh anh, quyết đoán. “Diễm à, tớ nhất định sẽ viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ”
Tôi há hốc miệng, Thủy đã đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. “Ba cậu là anh hùng Trần Văn Phương” sao? Người đã quấn chặt lá cờ Tổ Quốc quanh mình làm cột mốc sống trên đảo Gạc Ma và bất chấp những viên đạn xối xả bay tới của đội quân Trung Quốc?
– Ừm, không sai, ba tớ là Trung đội trưởng Trần Văn Phương, người lính Hải quân Việt Nam khi đó đã bị một viên đạn của Trung Quốc xiên qua đầu. Và ba đã ra đi mãi mãi cùng với rất nhiều đồng đội khác nữa. Năm ấy, ba cũng trạc tuổi tớ bây giờ, chỉ mới 23…
Giọng Thủy như khô đặc lại, và tôi cảm nhận được những biến chuyển mạnh mẽ đang diễn ra bên trong con người Thủy. Niềm đau đã hóa thành ngọn lửa kiên trung thắp sáng trái tim nhiệt thành ấy.
– Ừm, cậu hãy cứ đi theo tiếng gọi của trái tim mình. Tớ cũng như cậu, đều là những đứa con của lính. Chúng ta hãy mạnh mẽ và kiên cường lên!
Thoáng chốc, đã mười lăm năm trôi qua, tôi đã đi khắp hầu hết các nẻo đường biên giới của Tổ quốc. Mọi người vẫn thường hay đùa tôi rằng “Trác Diễm như là con của lính, đi đâu cũng có Đồn là nhà”. Tôi đã cùng với các chiến sĩ tham gia những cuộc dân vận ở miền núi, giúp đỡ bà con vùng dân tộc thiểu số xóa bỏ đi các hủ tục lạc hậu như : Táng trên cây, hủ tục mẹ chết chôn theo con, người chết phải để ba ngày ba đêm mời thầy Mo về cúng bái, người nhà phải ăn uống nhảy múa thật linh đình rồi mới đem đi chôn cất, các nạn tảo hôn, đi ngủ thăm, cướp vợ… cũng dần dần giải thích cho bà con hiểu rõ những mặt sai trái và hậu quả của nó. Đất rộng người thưa, người miền núi quanh năm đói ăn đói mặc đói chữ…chúng tôi đã cùng nhau thực hiện kế hoạch ba cùng với người dân ” cùng ăn cùng ở cùng làm “. Những nương ngô, thửa lúa phủ xanh các sườn đồi, lợn gà đầy nương, trẻ con được cắp sách đến trường, những thư viện miền núi được dựng lên… sách báo đưa về tận bản.
Tôi luôn xúc động khi đứng ở cột mốc của biên cương, từ điểm cao nhìn xuống núi non trập trùng, những thung lũng mây trắng sà xuống bồng bềnh, thấp thoáng màu xanh áo lính đi tuần, thấp thoáng váy áo của thôn nữ lên nương nom thật thanh bình biết bao. Nhưng có những chuyến đi công tác chứng kiến nhiều đêm lũ quét đổ ập về bất ngờ, mới thấy được cảnh cận kề sinh tử, rồi những cuộc chiến thầm lặng dọc các đường biên… Tôi nhận ra rằng đất nước nào đâu đã thực sự bình yên.
Từ những cuộc thâm nhập trải nghiệm, đi sâu vào thực tế cuộc sống đã giúp cho các bài viết của tôi trở nên sinh động hơn, những cuốn sách về đề tài người lính, về thân phận của những con người… lần lượt ra đời ở Nhà xuất bản Quân đội được sự hỗ trợ từ nguồn kinh phí của Tổng cục chính trị. Tôi và ba tôi dù âm dương cách biệt vẫn cùng nhau song hành. Tôi trở thành nhà văn lúc nào không hay, nối nghiệp viết của ba tôi một cách tự nhiên nhất. Tôi vẫn luôn ấp ủ viết một điều gì đó cho Thủy, nhưng cứ nấn ná ngần ngừ mãi, có lẽ khi những thứ cảm xúc quá đầy, quá miên man, quá nhiều kỷ niệm…sẽ khiến cho mình lặng đi, không sao diễn đạt được. Tôi luôn dõi theo Thủy qua các trang báo, các phóng sự truyền hình, luôn dõi theo những chuyến đi Trường Sa của Thủy, biết rõ việc Thủy đã viết đơn xin gia nhập lính Hải Quân ngay trên chuyến tàu đi ra đảo và sau đó được biên chế vào Lữ đoàn Hải Quân 146- nơi ba Thủy đã từng sống và chiến đấu, biết rõ việc Thủy đã kết hôn với một anh chàng lính hải quân cùng quê nhà và có hai đứa con gái vô cùng xinh xắn đáng yêu và đặt tên con đều là tên của sông nước, Na Vy ( Nghĩa tiếng anh là Hải Quân) và bé Giang. Tôi cũng đã âm thầm chung vui cùng Thủy vào cái ngày Thủy được gắn lên vai quân hàm Đại úy. Cũng đã từng nhiều lần âm thầm rơi nước mắt khi thấy Thủy cùng đồng đội của ba thả những vòng hoa nền đỏ sao vàng và hàng ngàn con chim hạc giấy gửi đến những người lính kiên trung đã nằm lại với biển. Giữa trùng khơi lộng gió, tiếng nhạc Hồn sĩ tử bay lên thênh thang khiến tim tôi thắt lại. Tôi không dám nhìn lên gương mặt đẫm ướt của Thuỷ trên sóng truyền hình…nhưng tôi đã cầu nguyện cho Thủy và đồng đội chuyến đi được bình an…Thế đấy, mười lăm năm không một cuộc gọi, không một lời thăm hỏi bắc cầu nào… nhưng tôi vẫn âm thầm bên Thủy theo cách của riêng tôi.
Từ chuyện của Thủy tôi bắt đầu có những chuyến đi ra đảo nhiều hơn, chủ yếu là những hòn đảo gần bờ, như đảo Hòn La, Đảo Yến, Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cù Lao Chàm…nhưng mơ ước về một chuyến đi đảo Trường Sa vẫn luôn cháy bỏng trong tôi. Và rồi cơ hội đến khi có những chuyến đi đảo dành cho giới văn nghệ sĩ, tôi cũng được ưu ái ghi tên, khỏi phải nói hết sự vui sướng và hạnh phúc khi đó nhưng rồi lại có một nguyên nhân xuất hiện, tôi ngỡ mình đang bị hiệu ứng ” say sóng” trước chuyến đi, mà rồi đâu phải, tôi có thêm em bé thứ hai, chồng tôi khi ấy lại nhận được nhiệm vụ đi sứ của Bộ ngoại giao. Nhiệm kỳ bốn năm ở Malaisia, tôi đành gác lại giấc mơ Trường Sa và chỉ thực hiện những chuyến đi ngắn để phù hợp với tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, tôi đã đi về vùng Quảng Phúc, nơi chung quanh bốn bề cát trắng tinh, trắng như muối, những hàng phi lao im rủ dưới cái nắng của trưa hè, nước sông Gianh vẫn thì thầm thao thiết chảy như nhắc nhớ một cậu chuyện ” Người về cất nước sông Gianh” và rì rầm những chuyến phà đêm trung chuyển quân lính đi vào cây số 0 ngay cửa Động Phong Nha theo tuyến đường Trường Sơn lên đường 9 Nam Lào vào nam… .cứ thế bao nhiêu hồi ức qua sách vở, qua các câu chuyện kể của những nhân chứng sống mà tôi có dịp chuyện trò, nghe kể cứ sống dậy trong tôi một cách mạnh mẽ, tươi rói…
Tôi đi trong miền cát trắng Quảng Bình, mộ của anh hùng Trần Văn Phương, khiêm nhường giản dị nằm ở đó, yên bình trong vòng tay của quê hương. Gió đồng se sắt… ” Cha đã hẹn sao cha không về với mẹ. Để hôn con khi con mới ra đời. Tháng ba về con lại đến thăm cha. Chiều Gạc Ma bốn bề sóng dữ. Ở nơi đó cha có nghe con gọi. Lời con thơ, lời con thơ cha có nghe chăng. Về đi cha, về thôi cha, về cha ơi! Sao cha mãi không về?” Lời bài hát dành cho riêng Thủy cứ dội vào ngực tôi những vết đau cắt cứa. Tôi nhớ đến Thủy, nghĩ về Thủy như giọt nước sông Gianh đang xuôi về biển lớn. Biển bao dung rộng lớn như vòng tay cha, ấp ôm nuôi dưỡng cho ước mơ con thành hiện thực, tiếp gót theo cha trở thành người lính Hải Quân, quyết giữ vững ngọn cờ độc lập và chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.
Mười lăm năm… ừ buồn cười thật đấy nhỉ… mãi mới đến dịp này, khi lang thang trên những nẻo đường biên giới, rồi ra thăm các đơn vị của lính hải đảo để hiểu hơn về đời sống của bộ đội chiến sĩ, tôi mới thổ lộ được hết nỗi lòng mình với Thủy.
“Thủy ạ! Nếu biết chúng ta bây giờ luôn được sống trong vòng tay yêu thương che chở của những người lính thì chắc chắn chúng ta đã cười nhiều hơn trong thuở sinh viên”.
Quảng Bình, 27/12/2023
Trác Diễm
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung Người mẹ vốn cao đẹp trong cuộc đời, khởi đầu của sự sống và suối nguồn yêu thương không bao g...