Thứ Năm, 10 tháng 10, 2024

Đọc bài thơ "Tịnh ngôn" trong tập "Ngụ ngôn mùa đông"

Đọc bài thơ "Tịnh ngôn" 
trong tập "Ngụ ngôn mùa đông"

Thơ của Trần Võ Thành Văn, như trong tập Ngụ ngôn mùa đông, theo đuổi sự biểu đạt tình cảm thuần khiết, hay là biểu đạt cái sống thuần phương diện nội tâm. Theo đuổi này thể hiện rõ, như là chủ ý hay cảm hứng nền, ngay từ bài thơ mở đầu tập thơ; mà ta hãy nhìn vào khổ thơ kết của bài này – xem như một thí dụ theo lối chọn mẫu ngẫu nhiên để thấy (dẫu thực thì, ở tập thơ này, cho điều trên, có thể chọn bất cứ đoạn thơ nào – chúng đều thấm thía cái tinh thần chủ đề ấy.)
đôi sâu nhỏ tịnh ngôn hạt nước
cuối khu vườn chỉ còn giọng nói khẳng khiu
và chiếc bóng của mưa
vừa tuột trôi không hề báo trước
Cái hình ảnh trừu tượng đầy mơ mộng (và gieo một ấn tượng là nó được quan tâm trìu mến) “giọng nói khẳng khiu” đó, là hình ảnh cô đọng lại toàn bộ các thể hiện hình ảnh của mưa- hồi tưởng-suy tưởng trong bài thơ này; nhưng, có lẽ bởi diễn đạt rất dịu nhẹ của nó, cũng như của tất cả các câu-hình ảnh thơ từ đầu đến cuối bài này, mà người ta có thể sẽ bỏ lỡ phương diện tương phản mạnh – hay phải nói là rất mạnh – của một ý hàm ngụ trong toàn bộ chúng: cái ý ẩn trong nhan đề bài thơ và chỉ khai triển-nhắc lại cụ thể ở câu đầu khổ kết, như vừa dẫn, cái ý của hai chữ “tịnh ngôn” vậy.
Hẳn rất nhiều người đã biết về một đặc ngữ cổ xưa: việc “tịnh thân”; cho nên theo đó có thể thấy “tịnh ngôn” như là một đặc ngữ, mà tác giả này dùng cái khuôn của “tịnh thân” đúc ra, kế thừa một sức nặng cực đoan và ám ảnh từ ý nghĩa thuộc cái nguồn tham chiếu – “tịnh thân”- kia. Dĩ nhiên, do đặc thù riêng có của phương tiện thi ca phổ biến, “tịnh ngôn” đã tức khắc thoát khỏi hàm nghĩa gốc gác của “tịnh thân”, mà vẫn được phép giữ lại phần nghĩa bóng bao hàm trong tiếng “tịnh” ở ngữ cảnh gốc – theo cách của một ẩn dụ, nhưng không là ẩn dụ; và cũng do đó, dù muốn hay không, chữ “tịnh” này sẽ vẫn giữ nét sắc thái quyết liệt từ gốc gác kia của nó, khiến nó hàm ngụ nét tương phản mạnh bên trong các trình bày nhẹ nhõm tinh tế của thơ này.
Tương phản đó, do bởi sắc thái quyết đáp rất mạnh ngầm ẩn trong đặc ngữ “tịnh ngôn”, như đã trình bày, gợi một ý về thanh lọc; và sự thanh lọc hay “tịnh” đó, dường rõ ràng, nhằm để có được trình hiện thơ của thuần nội tâm hay cái cảm giác thuần khiết. Đấy là tựa hồ một nỗi thinh lặng toát ra từ toàn bộ khung cảnh, và được nâng lên mức một sự cốt yếu bao trùm hết thảy, xa rộng hơn – mà câu “đôi sâu nhỏ tịnh ngôn hạt nước” diễn đạt ẩn dụ: mưa cũng tắt tiếng, chỉ còn “chiếc bóng của mưa”. Cái đã được “tịnh” đi ở đây – hẳn thế – là trình thức tự sự/trần thuật của thơ nói chung.
Và vậy hãy nhìn vào bài thơ này, từ đầu đến trước đoạn kết đã dẫn ở trên.
Tịnh ngôn
Chợt thèm cơn mưa thổn thức
một sáng chênh vênh sau chuỗi thở dài
mưa lần tóc mơ xanh
mưa nhọc nhằn vỡ ấm
mùa từ kinh thất lạc
và mơ
chợt thèm giọt nước mắt lăn nhanh
bão hòa kỷ niệm
trên bến mưa tình người
không phải màu thủy tinh
làm tháng năm trong suốt một mình
không phải mùa thanh anh biến động
lựa từng sợi nỗi niềm
chải chuốt hoang vu
không gian/ gió tạt và quá nhiều ô cửa mùa đông
gạch nối hoang mang/ chập chùng giá rét
chồi suy tưởng đã từ lâu nở thành thân phận
để sáng nay bông bịp gục đầu
tập khờ dại ký sinh 
khoảnh khắc/ phù điêu và quá nhiều
cánh chim lệch mùa thiên cổ
chúng xẻ đàn cứu chuộc cung tên
chúng trọ trên phế tích những linh hồn tội lỗi
linh hồn là chiếc lông tơ
phóng sinh/ thắc thỏm
Một văn cảnh của những cảm giác thuần: thơ trong bài này cũng như xuyên suốt trong tập này không nương theo các khung phong cách thể truyền thống của Hứng-Tỉ-Phú – mà cốt ở biểu hiện tâm trạng-tại-thời điểm. Năm khổ thơ tự do này đều là bày ra những tâm cảnh. Ý niệm về tâm cảnh có thể nói ngắn gọn: là phản ánh Biểu hiện của những cảm thấy và suy nghĩ. Chẳng hạn, trong tâm cảnh: “một sáng chênh vênh sau chuỗi thở dài”, dễ thấy tất cả những “mưa thổn thức”, “mưa nhọc nhằn”, vân vân cho đến “không phải màu thủy tinh”, “không phải mùa thanh anh biến động” … thảy đều là phản ánh các cảm giác và ý nghĩ, rõ ràng hàm ngụ những sự thể và câu chuyện cụ thể, nhưng chỉ hàm ngụ chúng như một cái nền khuất hẳn dưới cây lá sum suê, chẳng bao giờ cần/được lộ bày. Lối hàm ngụ này có được nhờ vào đặc tính vốn có của những hình ảnh văn chương, như thể tự nhiên đã vậy. Đó hẳn là sự “tịnh ngôn” đối với ngôn ngữ kể của thơ nói chung. Và là sự vươn tới ngôn ngữ của bày tỏ thuần cảm nhận.
Bày tỏ một tâm trạng, một thị kiến, một quyền hay suy nghĩ hay hồi tưởng vân vân, đều là bày tỏ. Theo nghĩa này hầu hết nhà thơ đều bày tỏ; nhưng Biểu hiện thì chủ yếu dùng thế giới như một kho biểu tượng cho tâm trạng mình, nhìn thế giới xung quanh đều như những vật tượng trưng cho mình. Nói khác đi, con người-thơ này đồng nhất với sự Biểu hiện và, theo đó, chuyển các liên kết hữu cơ của mình với thế giới xung quanh, đồng nhất thế giới ấy với sự biểu hiện (không chỉ với tư cách các biểu tượng tượng trưng mà thôi!) những tình trạng cảm xúc và suy nghĩ của mình – tức xem mình như một biểu hiện của thế giới, mà bởi thế, dĩ nhiên, thuần là cảm và nghĩ. Chẳng hạn trong câu thơ ở khổ thứ tư trên đây:
chồi suy tưởng đã từ lâu nở thành thân phận
để sáng nay bông bịp gục đầu
tập khờ dại kí sinh
Từ một cái “chồi” đến sự “nở” đến một bông hoa bìm bịp “gục đầu” đều là chính cái con người-thơ ấy; thế giới này biểu hiện tinh thần của anh ta và anh ta biểu hiện cái tinh thần của thế giới. Nhưng biểu hiện tức là lựa chọn, mà tinh thần thì muốn phải là thuần khiết.
Chính bởi thế mà anh ta e ngại những bằng chứng đó của mình – những bằng chứng về sự thuần khiết của cảm giác, chẳng hạn như thuần khiết của tình yêu. Nỗi ngại hay sợ đó thuộc về cái bản năng xã hội, bởi từ tiềm thức và vô thức tập thể mà biết rằng cái gì thuần khiết đều bị hoặc lạm dụng – tức không còn thuần khiết – hoặc bị chối bỏ. Bởi thế mà có cái cảm giác “khờ dại kí sinh”.
Hai khổ thơ thứ tư và thứ năm đó làm khúc cao trào của bài “Tịnh ngôn” này.
Triết gia G.Lukacs từng chỉ ra trong một tiểu luận phê bình kinh điển của ông rằng “nghĩa đã luôn được gói trong hình ảnh; hào quang của cái nằm bên kia hình ảnh vẫn được phản chiếu trong từng hình ảnh–không thể khác.” Như thế, các hình ảnh thơ này, cũng như hình ảnh văn chương nói chung, không chỉ phát ra nghĩa chính nó mà còn, và chủ yếu là, bằng tổ hợp của chúng, phản ánh cái ý nghĩa hay “hào quang” của cái mà hình ảnh bày tỏ, tức cái tâm cảnh mà thơ ấy trình hiện.
Các tổ hợp hình ảnh trong hai khổ thơ này có thể nói là tỏa ra từ cái tâm cảnh “chồi suy tưởng đã nở thành thân phận”. Hẳn nên thấy rằng, trong một mệnh đề thơ như thế, không chỉ “chồi” là hình ảnh mà “nở” và “thân phận” cũng đều là các hình ảnh; chúng là hình ảnh theo lối phi-thị giác nhưng gợi lên và chỉ tri nhận được thông qua một cái nhìn thuộc nội tâm – nếu không có cái nhìn nội tâm ở đó, những từ ngữ trừu tượng chỉ hầu như là các cái vỏ chữ, không hơn không kém.
Nhà thơ Trần Võ Thành Văn
Bởi thế, người đọc có thể thấy ở hai khổ thơ này sự biểu hiện những xáo trộn rất mạnh của nội tâm: rất ít mô tả cụ thể, rất nhiều và hầu như toàn là các cảm thấy và suy nghĩ, đều liên tục đứt gãy, đối nghịch, “hoang mang” “khờ dại” và “thắc thỏm”, “linh hồn” với “cứu chuộc cung tên” với “tội lỗi” và “phóng sinh” (- hẳn nên lưu ý: đôi từ vựng tôn giáo này cũng, trên thực tế ở đời, khác biệt tới mức gần như đối lập). Các hình ảnh đối lập và cụ thể gắn với “Không gian/gió tạt”, và các hình ảnh nhuốm màu siêu thực gắn với thời gian – “khoảnh khắc/ phù điêu” – gợi lên bố cục tương phản ngay giữa hai khổ thơ với nhau, ngoài các xáo trộn bên trong mỗi khổ. Và đó là thể hiện ý nghĩa của cái cao trào thơ này: con người-thơ hay chất thơ “khờ dại ký sinh” trên mặt đất nhưng nó có kỳ vọng ở một phản biện với dòng liên tục “thiên cổ” – tuy nhiên, là hiện hữu – ở kích thước của thời gian; dẫu cho phản biện này có lẽ cũng rất mỏng manh như một cái “lông tơ” mà thôi, song rất có thể ở đấy có được cái tự do của một sự “phóng sinh”.
Hình ảnh “linh hồn là chiếc lông tơ” dẫn hoàn toàn hợp lẽ, và đẹp tuyệt, đến hình ảnh cô đọng trong khổ thơ kết, như đã dẫn – hình ảnh một “giọng nói khẳng khiu”. Và hẳn không nên bỏ qua câu thơ trước đó: “Đôi sâu nhỏ tịnh ngôn hạt nước”; và ta thấy dường như cả câu chuyện được gói ghém trong cái hình ảnh về “đôi” này; và cũng bởi đã “tịnh ngôn”, câu chuyện đó, cũng như sự kể các câu chuyện nào đó, sẽ lui hẳn qua đường ranh cản lửa của sự vô ngôn vậy.
Đấy cũng là một cách để làm theo sự dạy của cổ nhân: thơ phải tiết chế, kiệm lời.
24/7/2024
Nguyễn Chí Hoan
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung

Chân dung người mẹ qua thơ Nguyễn Ngọc Tung Người mẹ vốn cao đẹp trong cuộc đời, khởi đầu của sự sống và suối nguồn yêu thương không bao g...