Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Cài lại cúc áo

Cài lại cúc áo

Sau vài năm trăn trở với thơ, Hữu Phương chuyển hẳn sang sân văn. Từ đó, những trang viết của ông liên tục được bạn đọc chú ý, đón nhận. Ông nhanh chóng trở thành cây bút văn xuôi kì cựu của miền Trung, viết nhiều, viết sâu, viết chắc về đề tài chiến tranh và người lính.
Với sự xuất hiện của tập truyện ngắn “Ba người trên sân ga”, tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ”, “Súng nổ bến Thiên đường”, “Quay đầu lại là bờ”, có thể thấy, Hữu Phương là nhà văn đủ sức, đủ vốn, đủ tầm, đủ tâm để đi đường dài. Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết “Quay đầu lại là bờ” vừa xuất bản cuối năm 2019, thuyết đoạt giải nhì Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, đã khẳng định sở trường, sự điêu luyện của ông khi nhìn sâu và cắt nghĩa tính tàn bạo của chiến tranh thông qua những số phận bị chấn thương, bi kịch. Sau đây, Vanvn.vn xin giới thiệu truyện ngắn “Cài lại cúc áo” của nhà văn Hữu Phương để bạn đọc thấy được thế mạnh khai thác điểm nhìn bên trong của ông. (HTA)
CÀI LẠI CÚC ÁO
Sao anh lại để yên, không chút phản ứng gì? Và hơn thế, tuồng như còn nhắm mắt lim dim ra chiều đồng tình nữa, mặc cho tôi tay run rẩy mở từng cúc áo ngực? Sao tôi lại lơ ngơ như một con ngố tìm đến đây, tiền sảnh trụ sở một công ty liên doanh nổi tiếng, choáng lộn với những mảng tường ốp đá đen, chữ mạ vàng sang trọng? Mà lại, sao vào phút ấy, anh lại từ phòng làm việc của mình trên tầng, vội vã đẩy cửa bước ra như để đón tôi? Cả cái ông bảo vệ già tóc hoa râm ngoài cổng, bộ đồ xanh rêu nẹp chỉ vàng nghiêm ngắn, cũng gật đầu cho tôi vào, như thể tôi là người quan trọng của công ty? Cái gì đã tạo nên một guồng quay ăn nhịp giữa các bánh răng của một cỗ máy vô hình? Tôi không biết, chỉ đi theo thứ cảm xúc mơ hồ và mạnh mẽ của người đàn bà yêu chồng, nghiện nhịp tim chồng. Đúng hơn, nghiện được đặt tai lên tấm ngực trần vạm vỡ của chồng, thích thú lắng nghe nhịp đập thộn thịch, rối rức, cuống quít nói lời yêu của trái tim trai trẻ chàng lính thủy.
Khi hàng cúc áo ngực anh được mở ra phanh ra, mắt tôi hoa lên, người ngốt ngấy tức thở, suýt khuỵu xuống. Không biết là vì chuyện gì. Một tảng ngực trai tráng quen thuộc, trên đó, di chứng đường mổ phẫu đã thành sẹo nổi, chạy như tia chớp tím đỏ chia đôi tảng ngực? Hay những âm thanh tự lồng ngực ấy phát ra? Đã hơn năm nay tôi khao khát biết mấy, liền nhanh chóng áp tai mình lên đó, lắng nghe tiếng gõ rộn rực, cho đã cơn ghiền. Mắt tôi thốt nhiên lim dim. Đầu óc trở nên mơ màng. Trái tim thổn thức hờn tủi. Tâm hồn chìm đắm trong cơn say hư ảo…
Nhưng một bàn tay phụ nữ ở đâu tức thì thộp cổ, kéo giật phắt ra. Một tiếng nổ sét sáy ngay bên mang tai. Này chị kia! Chị làm cái gì thế? Tôi giật thột quay lại, bắt gặp đôi mắt rực lửa căm hờn, trên một gương mặt phụ nữ trẻ đẹp, trạc tuổi tôi, chưa đến ba mươi. Từ đôi môi son đỏ, tiếng thét tiếp tục rít lên tức tưởi, xé toạc không gian huyễn hoặc. Đây là người đàn ông của tôi! Là chồng tôi! Chị hiểu không? Anh ta là của tôi, từ sáu, bảy năm trời nay. Giờ chúng tôi sắp cư… ưới … ới!.. Híc híc!.. Tiếng thét bỗng thành tiếng hờ yếu mềm. Thiệp mời đã gửi… Tiệc nhà hàng đã đặt…
Sau cơn sấm sét, là mưa. Mưa dầm dề. Vừa úp khuôn mặt ửng hồng vào tấm ngực trần đã được tôi cởi phanh, như thể không ai có quyền chạm vào đó. Nước mắt nước mũi giàn giụa khuôn mặt nhiều son phấn. Chị chàng vừa khóc vừa kể lể một mình. Tôi chôn chân đứng lặng bên cạnh, và đã nghe thủng câu chuyện tình của họ. Một chuyện tình đẹp, trắc trở, ngỡ đã kết thúc vô vọng. Nhưng ông trời thương, người đời thương, đã cho kết cục tuyệt vời. Thật may cho họ. Anh chị yêu nhau khi còn ngồi trên ghế trường đại học. Nhà anh nghèo, nhưng chị chẳng chấp nệ, miễn được hạnh phúc bên anh. Chị bao cho anh tất cả, bao chi phí học hành, bao công việc sau khi anh tốt nghiệp. Cả hai cùng về làm trong tập đoàn nổi tiếng của bố chị. Sau một năm, bố chị đã đặt anh lên ghế trưởng phòng. Họ đang chuẩn bị cho đám cưới, thì đùng một cái, anh đau yếu. Cơn bệnh tự thuở nhỏ bao năm nhờ sức trẻ mà ngủ yên, nay bùng phát. Số phận thử thách tình yêu của họ chăng? Con bệnh diễn ra thường xuyên, kịch phát mỗi ngày, có khi tưởng chết giữa chừng con đau. Bố chị là một đại gia có tiếng, ông chiều cô con gái độc nhất đến cùng. Ý chị là ý trời. Anh được đưa đi hết viện này sang viện khác, kể cả nước ngoài. Nhưng ở đâu các bác sĩ cũng kín đáo lắc đầu, bảo chỉ còn nước chờ đợi…
Sự đợi chờ khủng khiếp! Dài hơn cả thế kỷ. Anh xanh xao gầy mòn từng ngày. Bố chị đã tính bài lùi. Có lần ông rủ rỉ, hay thôi đi con ạ, trời đã không cho, mình níu cũng đứt dây. Chị khóc nấc, bố ơi, đã chờ ba bảy cũng chờ. Lòng con không thể khác…
Thượng đế đã thấu hiểu lòng chị, thấu hiểu tình yêu trời biển của chị, đã xui anh gặp may. Một phép mầu kỳ diệu bất ngờ đến với anh trong vô vọng đợi chờ. Và một ca phẫu thuật cũng dài ngang thế kỷ. Từ cõi chết, anh trở về trai tráng như bây giờ. Với một trái tim người khác trong ngực. Hai gia đình nội ngoại, mừng như cha chết sống lại, tập trung chuẩn bị cho đám cưới của họ…
Người đàn ông không lên tiếng, cũng không có phản ứng gì. Tôi chợt thấy thương anh ta, một tình thương lạ lùng, rất khó cắt nghĩa. Anh vẫn đứng như trời trồng, mắt nhìn ra xa, tựa hồ không biết trước mặt có hai phụ nữ trẻ đẹp đang muốn giành giật mình. Hay anh không biết nên nghiêng về ai, ủng hộ tình yêu của ai? Rất có thể, trái tim anh thuộc người này, lý trí lại thuộc người kia?
Không để anh đứng đấy lâu, cô con gái vị đại gia tỏ rõ quyền sở hữu ngay tức thì, bằng cách kéo anh ta lách nhanh vào giữa hai cánh cửa kính dày trong suốt, lôi tuột anh ta lên tầng hai. Để mặc tôi, trang phụ nữ nhan sắc gái một con trẻ trung, trơ vơ trước tiền sảnh sang trọng của trụ sở tập đoàn họ…
Tôi nghĩ, mọi cái ngẫu nhiên trong cuộc đời, đều có sự sắp đặt nào đó của đấng cao xanh. Nếu không, làm sao giữa đông đúc người xe ở cái ngã tư đường phố còn lạ lẫm, tôi chạm mặt anh, người chồng lương lai? Lúc đó tôi như con gà mẹ, bất lực giữa đàn gà con vừa mọc đuôi tôm lanh chanh lưởi chưởi, là học sinh lớp tôi về thực tập. Hôm ấy là giờ ngoại khóa môn lịch sử địa phương, tôi đưa lớp đến thăm bến đò xưa và tượng người nữ anh hùng đặt ngay công viên cạnh đấy. Khỏi nói, bọn trẻ chao chát như đàn chim ra ràng. Cái ngã tư chưa kịp lắp đèn xanh đỏ, người và xe cộ cứ hồn nhiên chạy, không hay biết có cô trò chúng tôi muốn về trường cho kịp giờ. Tôi chực khóc. Nếu nắm tay vài trẻ đi đầu xin đường, thì cả đàn rồng rắn phía sau ai quản? Nếu tôi đi sau, thì phía trước dồn lại như rắn mất đầu, rúm ró sợ hãi. Nếu tôi đi giữa, đầu và đuôi dồn tụ quanh mình, quẩn lấy chân không sao cất bước…
Trời phán xuống tức thì một vị cứu tinh. Anh ta từ đâu trên bến tàu, nhẹ chân lướt tới. Bộ đồ lính thủy hai màu xanh trắng, cùng hai cánh én tung bay, sà xuống chỗ cô giáo trẻ đang nước mắt rưng rấn. Anh ta nắm tay hai đứa, dẫn lên đi đầu. Hẳn nhiên, tôi là người cuối cùng trong đàn trẻ lau hau ồn ã như ong vỡ tổ ấy. Đoàn tàu rồng rắn lao nhao vào hẳn được sân trường, quay lại chưa kịp nói lời cám ơn, thì anh đã từ xa mỉm cười gật đầu, vội vã vẫy tay.
Giá vẫn bộ đồ lính thủy ấy, đằng này áo trắng kẻ ô quần tím than, anh lạ hoắc. Tôi nghĩ anh nhầm địa chỉ, hay nhầm người. Khi tiếng trống bãi giờ, tôi bước vào văn phòng, đã thấy cô hiệu trưởng tiếp chuyện anh. Thoáng bóng tôi, sếp nữ nói, đấy, cô Lâm đã vào đấy, tôi xin bàn giao…
Anh bật dậy, sốt sáy cười. Tôi lửng khửng. Bốn mắt nhìn nhau, nửa quen nửa lạ. Anh chờ em lâu chưa, có việc gì không anh? Tôi khẽ hỏi, nghĩ anh là phụ huynh một học sinh trong lớp, đang có chuyện cần trình bày. Nhưng anh cười to, đã chờ em từ dạo cô trò vượt ngã tư người xe như nước chảy ấy…
Áa!.. Tôi suýt kêu lên, giấu khuôn mặt bẽn lẽn dư dật cảm xúc bất ngờ. Hai má nóng ran, chín ửng vì thẹn. Và vì sung sướng. Chợt nhớ, hôm chủ nhật  vừa rồi về nhà, bố kể, bác trưởng phòng giáo dục dẫn về thăm nhà hai sĩ quan hải quân, giới thiệu là bạn của con. Bố mẹ giết gà, làm cơm đãi khách. Được vài ly rượu, vị trung tá thuyền trưởng nhỏ nhẻ, thưa, cô giáo nhà ta đã có ai bỏ nhánh nè trước ngõ chưa? Bố cười, nó sinh viên mới ra trường, tối mắt với chuyên môn, đâu đã… Bác trưởng phòng khẽ cười, chăm chỉ chuyên môn là rất quý, nhưng yêu đương xây dựng được nữa, càng quý! Mẹ thỉ thổn, được rứa thì phức đức lắm, bác nạ! Vị thuyền trưởng tiếp lời, thưa hai bác, đây là trung úy Huân, từ dạo gặp cô giáo nhà ta, đã đêm thương ngày nhớ. Như chim trời cá nước, cả hai biệt tin nhau sau khi cô giáo hết thờ gian thực tập ở đó. May có bác trưởng phòng đây chắp nối, biết nơi biết chốn, biết cửa biết nhà, giờ chúng tôi ghé thăm… Bác trưởng phòng cười khà khà, trỏ sang viên sĩ quan trẻ, nói, hai bác xem, trung úy Huân điển trai đây… có làm được con rể nhà ta không?
Thì ra, sếp của anh và sếp lớn của tôi, đã lo toan, đi trước một bước.
Nhưng số phận lại chơi ú tim với tôi lần nữa. Bằng cách sau kỳ nghỉ hè vừa đến nhiệm sở, tôi bất ngờ có quyết định chuyển trường. Vừa chìa tờ quyết định cho tôi, sếp nữ vừa tỏ ra vui vẻ khác thường. Tôi giận, nghĩ, hóa ra bấy lâu sếp nữ không vừa lòng, tìm cách đẩy tôi đi, lại còn cười vui khi tôi không còn ở đây nữa! Tôi nổi quạu, em có chi sai sót đâu, cả chuyên môn lẫn cuộc sống, sao chị nỡ..? Sếp nữ không lấy làm điều, vẫn hơn hớn tươi khuôn mặt khả ái, và vẫn giòn tan điệu cười khoa khoa khoa, nói, em xinh đẹp lại giỏi giang, chị trăm lần muốn giữ, nhưng không được…
Tôi ngùi ngùi lê bước ra đi, lòng nặng trĩu tủi buồn và rối rắm tơ vò. Không biết anh có hay chuyện này không? Cơ chi có cái áo lông ngỗng, để anh theo dấu…
Đó là một ngôi trường ven biển, không xa ngôi trường tôi về thực tập năm kia bao nhiêu. Đám học trò ở đâu cũng như nhau, hồn nhiên những gương mặt ngây thơ, háu háu những đôi mắt đón chào cô giáo mới. Những cô cậu tuổi choai choai da ngăm ngăm nắng gió, kéo tôi vào thế giới mới của chúng. Tôi ngợp mắt với một bên điệp trùng cát vàng chen dương xanh ngút ngát, với bên kia bạt ngàn sóng trắng biển màu ngọc bích bao la. Từ trên một ngọn đồi cát cao, tầm mắt chợt gặp cửa sông đổ ra biển, tạo thành vịnh sâu vòng cung rộng lớn, lừng lững những hạm tàu ngạo nghễ…
Không có tiết lên lớp giờ này, tôi ngồi ở văn phòng buồn nhớ về ngôi trường cũ, chợt hốt lên lao ra sân khi nghe có khách ghé thăm. Ông hiệu trưởng già nhanh chân ra đón, vồ vập như thể khách quen bao năm. Từ ngoài cổng sải chân đi vào, không ai khác, chính là anh. Tôi giật mình xấu hổ, vội cúi mặt lẩn theo hàng cây dọc sân trường. Qua khỏi anh ta, tôi vùng chạy. Nghe tiếng ông hiệu trưởng già vẳng ra, cô Lâm vừa ở đây mà. Ơ kìa!.. Cô ấy bỏ chạy kia kìa!..
Câu ấy càng khiến tôi bỏ chạy nhanh hơn. Thì ra, chuyện tôi chuyển về đây, cũng do sếp của anh và sếp trên cao của tôi sắp đặt. Chắc họ muốn thuận lợi cho người lính thủy. Nhưng tôi thấy mình như con ngốc, từ lâu bị xỏ mũi mà không hay biết…
Tôi cắm cổ chạy như bay giữa những rặng cát, xen giữa rừng dương ra phía biển. Tôi không biết vì sao mình bỏ chạy nữa. Mừng quá chăng? Hờn dỗi chăng? Hay quá hạnh phúc? Cứ nhắm ngọn đồi cát vắng vẻ cao nhất mấy cô trò trèo lên hôm kia mà bươn tới. Băm bổ những bước chân cuống quít cắm vào mái cát phăm phăm. Đố anh đấy! Không ngoái lại, nhưng tôi mơ hồ có tiếng chân đuổi rát theo sau.
Anh chộp được tôi ở lưng chừng dốc. Hai bàn tay nắm chặt hai cổ chân trần con gái của tôi. Tôi quẫy đạp, khiến cát đẩy trượt hai chúng tôi sáp vào nhau. Chiếc váy bị cuốn lên tận đùi, hình như làm anh choáng váng. Tôi liền xô giủi anh ra, lao lên đỉnh đồi. Hổn hển ném vào anh một câu trách yêu, đồ đáng ghét, cứ tự ý làm, chẳng hỏi người ta lấy một lời. Rồi bật khóc hu hu, bố mẹ ơi, người ta đối xử với con gái rượu của bố mẹ thế này đây…
Tôi vẫn ôm mặt khóc, chán chê ê ói, cốt để gây khó cho đối phương. Tôi chờ một cái vuốt tóc, một lời nựng nịu thay xin lỗi. Nhưng khi mở mắt, tôi giật mình. Anh vẫn đứng cận kề, chân quỳ chân chống, khổ sở với hai bàn tay dư thừa. Mặt đực ra. Ngây ngố. Hẳn không hiểu sự thể làm sao. Chạm đôi mắt nhòa lệ của tôi, anh vội đưa mắt nhìn ra biển khơi ngoài kia cầu cứu. Nhưng biển xanh mải mốt lăn những con sóng trắng lên mênh mông không bờ bến. Vẫn hai tay buông thõng, tuồng như anh cũng sắp khóc. Tôi chợt mủi lòng. Mềm lòng. Miệng tự nhiên động đậy, lí nhí rất khẽ, rằng sự thể đã thế này, chủ nhật tới em đưa anh về chơi nhà…
Đồi cát hoang vắng này, đã trở thành nơi hò hẹn của chúng tôi. Tôi mặc sức áp hai má nóng bừng vào tảng ngực trai tráng ấy, đếm nhịp tim thậm thịch nồng nàn của anh. Nhịp tim mạnh mẽ và cuồng nhiệt yêu đương bao nhiêu. Tôi đã nghiện nhịp tim anh, tiếng tim anh, như người đời nghiện á phiện. Mỗi lần tàu cập cảng, là anh bay về với tôi ngay. Chúng tôi ôm nhau lăn trên cát như trẻ con. Và tôi cuống quít mở cúc áo ngực anh, ngốt ngát áp mặt, tận hưởng nhịp đập trái tim bộn bề hạnh phúc. Đêm tân hôn thì khỏi nói, trong căn phòng màu trắng tỏa ánh đèn dịu xanh của chốn địa đàng, tôi uống không biết chán từng ngụm nhịp như trống trận của trái tim anh. Tôi sành dư ba tiếng con tim trai tráng ấy. Tôi rành rẽ âm thanh ấy hơn bất kỳ thứ gì trên đời. Như người nhạc sĩ tài hoa, nhận biết âm thanh như hơi gió của tiếng đàn từ rất xa. Hẳn thế mà sau hơn năm mất hút, giờ tôi mơ hồ nghe tiếng…
Nhưng Huân đã kịp rải lông ngỗng. Ấy là nhịp tim, là tiếng tim của anh khẽ vang đâu đó trong gió xa xôi. Đã bao lần tôi đi theo vết lông ngỗng của anh, lẫn lộn giữa điệp trùng phố xá rộn rật âm thanh. Có khi nghe rõ, có khi không. Nhịp tim như hơi thở, như hơi gió, thoảng mỏng…
Đã mấy lần tôi đến trước cánh cổng bề thế sang trọng, của ngôi nhà chọc trời. Cửa trước kính trắng, tường đen chữ vàng bóng lộn. Tôi ngơ ngớp như con điên, vội quay lui khi thấy bóng mấy bảo vệ bước đến. Tôi chưa chuẩn bị được câu trả lời, khi nếu chẳng may họ hỏi lý do. Và lần sau đó tôi mạnh dạn dấn bước, xưng là đi nộp đơn xin việc làm. Người bảo vệ bị tôi qua mặt, cũng là lúc người đàn ông ấy bước ra, như chờ đón tôi trước tiền sảnh…
Có thể cô con gái cưng ngài tổng giám độc tập đoàn, đã ra lệnh cho cánh bảo vệ, cấm tuyệt đối khi thấy tôi bén mảng đến. Người ta đuổi tôi như đuổi tà, như xua hủi. Tôi đành đứng xa xa, lắng được mất tiếng nhịp tim thốn thắc mơ hồ, trong mỗi sợi gió xanh…
Không thể nhầm được. Trăm lần không! Tiếng thầm thì ấy, chỉ tôi mới nghe được. Tiếng thầm thì có dư âm của thủy triều, nhịp thở lòng đất, và máy hạm tàu mỗi lần anh ra khơi? Nó đã hòa tan trong máu tôi, lặn sâu trong trí tôi, dung dưỡng tâm hồn tôi. Nó sôi lên trong huyết quản người đàn bà say chồng ngất ngư hoang dại, mỗi khi chúng tôi ở bên nhau. Và, chính nó cũng đánh quỵ tôi ngay trên bục giảng, khi nhận tin dữ…
Tôi chạy như ngày trốn anh băng qua bãi phi lao, lao lên đồi cát cao ngày nào. Như con điên, tôi rũ rượi đầu tóc xùm xòa bị gió đánh tung, quẳng chiếc xe máy ngoài cổng. Lao như cơn lốc vào phòng cấp cứu. Nhưng người ta đã kịp đưa anh vào phòng mổ. Tôi rũ xuống như người không xương, trước cánh cửa im lìm. Một người đàn ông phờ phạc, vẻ lo lắng cúi đến nâng tôi dậy. Anh dè dặt hỏi, chị là vợ thượng úy Huân, phải không? Không chờ trả lời, nhìn đôi mắt ngây dại của tôi, anh nói, chính tôi vừa gọi cho chị. Tôi tìm trong danh bạ điện thoại của anh, có từ “Lâm vợ“, thì bấm máy…
Anh ta kể, chiếc taxi chở Huân đi trên đường cái, thì gặp ngã ba có con đường nhỏ vào làng, một thằng bé mải mê với quả bóng nhựa. Bất ngờ, quả bóng tinh nghịch lăn ra giữa đường, nửa chậm nửa nhanh, như thể chờ thằng bé. Bị kích thích, thằng bé đuổi theo trái bóng. Không thể khác, chiếc taxi bẻ ngoặt tay lái tức khắc, tránh cầu thủ nhí ngay trước bánh xe. Đang tốc độ cao, nó lạng sang làn một chiếc xe tải sầm sập lao ngược lại. Tiếng va đập kinh hoàng. Chiếc taxi bẹp rúm. Người ta phá cửa, kéo được Huân ra. Anh ngồi hàng ghế sau, đầu va mạnh vào thành xe…
Tôi đã ngồi suốt buổi bên ngoài phòng mổ, tức thở đợi chờ từng giây. Và ngồi hàng tuần bên anh trong phòng hồi sức sau mổ. Tiếng tim anh, nhịp đập tim anh, thầm thĩ với tôi. Trong căn phòng chỉ có hai người, ngày nào tôi cũng ngồi cạnh anh. Anh nói chuyện với tôi bằng nhịp đập con tim, thứ ngôn ngữ chỉ riêng mình tôi biết. Tôi hiểu anh đang nói gì, và tôi ứa nước mắt thầm thĩ về những lần hẹn hò đồi cát đêm trăng. Tôi không quên nhắc đến con trai, nó đang thắc thỏm chờ anh về…
Vị bác sĩ già khẽ gật đầu ra chiều ưng ý, và động viên tôi không thôi nói chuyện với anh. Tôi đã say mê làm như ông yêu cầu, không biết thời gian trôi đi bao ngày tháng. Vừa nói chuyện với anh, mắt tôi không rời các màn hình trên tường, nơi hiển thị điện não đồ, điện tâm đồ. Nhưng một hôm, vị bác sĩ già vào buồng bệnh, thón thén nói như người có lỗi, con gái ạ, ta xin lỗi, chồng con có dấu hiệu… sắp chết não…
Tôi hực lên đau đớn, thưa bác sĩ, hãy cứu anh ấy, còn nước còn tát. Vị bác sĩ cũng rớm rớm nước mắt, con gái ạ, mưu sự tại nhân thành sự tại thiên! Mai con đưa con trai vào với bố chút, không kịp nữa đâu. Ông nhớm gót định bước ra, chợt quay lại nói rất khẽ, con gái ơi, có ý này ta xin nói thêm, chồng con là một chàng trai rất khỏe, rất yêu con. Và anh ấy muốn tiếp tục có mặt trên đời, để thấy sự trưởng thành của hai mẹ con con…
Là sao, thưa bác sĩ? Tôi cuống quýt hỏi. Có cách cứu được anh ấy phải không, bác sĩ? Bằng giá nào, con cũng xin vâng… Vị bác sĩ khẽ lắc đầu, chừng như tôi đã hiểu sai ý ông. Đứng lặng một lúc, cố tìm cách diễn đạt, đoạn ông rủng rãi nói, cứu sống cả con người không được, nhưng có thể cứu những bộ phận khỏe mạnh… Ông lại ngập ngừng một giây, ngắc ngứ một lúc, coi như bằng cách đó, anh ấy sống mãi với cuộc đời này, sống mãi bên vợ con…
Tôi đưa con trai vào với anh, nó sợ hãi quay người úp mặt vào mẹ. Nó không quen nhìn bố nó bất động dưới tấm ga trắng, mặt trùm máy thở oxy, dây chạc loằng ngoằng. Nó khóc mếu máo khi tôi giải thích, và đưa bàn tay không cử động của anh cho nó cầm. Đấy là phút biệt ly hệ trọng. Bởi tôi đang sắp xin ý kiến anh theo lời vị bác sĩ già.
Hai mẹ con tôi ngồi dịch sát vào anh, tay vẫn cầm tay anh. Thằng bé thôi khóc, nó nhìn chăm chăm vào mắt bố, đợi chờ giây khắc bố mở mắt nhìn nó. Tôi cũng vậy. Tôi chờ cho phút giây gặp gỡ cuối cùng, lặng thầm và lưu luyến, của hai bố con họ đi qua. Không biết thời gian bao lâu. Rất lâu. Mắt thằng bé ngấn nước, nhưng mắt tôi ráo hoảnh. Tôi khẽ khàng thưa với anh, tha thiết và chân thành, về những điều vị bác sĩ già đề nghị. Môi tôi mấp máy, theo những gì trái tim tôi cất lời. Đó là lời người vợ say chồng, ngày âm dương ly biệt.
Lúc sau, lạ thay, tôi thấy hình như tim anh đập giội lên. Tôi nghe tiếng tim anh dặn dò rất rõ. Trên màn hình điện tim đồ cũng như đang dao động mạnh. Đôi môi anh lấp sau phễu nhựa trắng dẫn khí thở, động đậy như khẽ mỉm cười. Và anh dường như cố mở mắt, khẽ gật đầu đồng ý những điều tôi hỏi xin anh…
Mấy hôm sau, vị bác sĩ già điện cho tôi, thông báo là trừ bộ não, còn từ giác mạc đến nội tạng của anh rất tốt, rất khỏe. Rồi mấy tháng sau, ông hồ hởi nói trong điện thoại, chỉ có anh là người duy nhất lúc này, các bộ phận nội tạng đều tương thích với những người anh hiến tặng. Và tài khoản ngân hàng của tôi báo những khoản lớn bất ngờ. Tôi hốt hoảng điện hỏi vị bác sĩ già, ông cho hay là những người được anh hiến tặng, hỗ trợ hai mẹ con con. Tôi giẫy nảy, không, thưa bác sĩ, con không bán thi thể chồng! Và tôi òa khóc như mưa như gió. Chờ tôi khóc nỉ non chán chê trong điện thoại, vị bác sĩ già cất giọng thỉ thổn của người sâu xa hiểu biết. Con hãy bình tĩnh lắng tiếng tim mình, chớ nghe miệng lưỡi người đời. Con dùng nó hoàn thiện cơ ngơi chồng con còn dang dở. Giờ bằng cách đó, anh cũng lo toan chu đáo cho hai mẹ con con…
Gác hai của ngôi nhà hai mẹ con tôi được hoàn thiện, đúng như bản vẽ lúc đầu của anh. Ở đây chưa có nước máy, nhưng anh đã kịp làm giá đặt máy bơm và lắp bình chứa nước trên cao. Tôi chỉ cần đứng trong hiên nhà, ấn tay vào công tắc điện, là nước từ giếng tuôn vào bể chứa. Từ đây, nước theo ống dẫn về các nơi cần đến, cả vòi hoa sen trong buồng tắm…
Những cơn mưa bão quăng quật, tôi nhìn qua lớp kính bị mưa ném dữ dội, thầm nói với anh ở nơi xa, là hai mẹ con được yên hàn, ấm áp. Tôi như vẫn thấy có anh bên cạnh, chỉ là anh đang trong chuyến canh biển dài ngày, ở đâu đó trên đảo Chữ Thập, đảo Vành Khăn, hay đảo Nam Yết…
Đôi khi anh tranh thủ về nhà chốc lát, rồi đi ngay. Hết tiết dạy về nhà, tôi nhận ra anh vừa ở đây, như thuở xưa được đôi ba ngày nghỉ. Tôi thấy cả hơi ấm và dấu vết anh để lại, trên các luống rau tôi trồng theo cách của anh. Đám su hào đang thì ra củ, anh đã vun gốc. Vạt cà chua giao cành quả bói, anh đã làm giàn. Đất còn tươi, nuộc lạt buộc xoắn cũng còn tươi.
Có hôm dậy, tôi ấn công tắc mở nước, máy bơm không hoạt động. Tôi ì ạch kéo nước bằng gàu. Giếng sâu gàu nặng, kéo được gàu nước lên tôi thở hồng hộc. Mồ hôi đầm đìa, lo thắt ruột vì không biết nhờ ai giúp. Nhưng trưa tôi về, đã thấy toòng teng ở công tắc điện, mảnh giấy nhỏ, ghi “Đã nối chỗ dây điện bị hở”. Tôi thử ấn ngón tay, tức thì nước trào vọt lên. Tôi gào lên trong vui sướng, cám ơn anh!..
Quá bất ngờ. Tôi ngạc nhiên đến nhột nhạt cả người, khi biết anh còn đến lớp mẫu giáo thăm con trai. Tôi đến đón thằng bé, thấy nó điệu bộ oai oách trong đôi giày mới. Hỏi, nó bảo có một chú đến thăm con trong giờ ra chơi, tặng con đôi giày này, mẹ thấy đẹp không? Tôi gật đầu, nghĩ ai đó thấy cảnh mẹ góa con côi nên thương tình. Nhưng tuần sau, lại thấy thằng bé đội chiếc mũ lưỡi trai màu xanh mới cứng, mặt hếch lên ra dáng ta đây. Tôi chưa kịp hỏi, nó đã nhanh miệng tí táu, chú ấy thật tốt, lại tặng con chiếc mũ này. Tôi thấy chờn chợn trong người, biết đâu có kẻ làm thân quen mặt, rồi có lúc đánh cắp thằng bé? Tôi dặn con không ra khỏi lớp, không được nghe ai dụ dỗ. Nhưng tuần sau nữa, thằng bé lại được mặc chiếc áo mới. Chiếc áo dệt kim màu xanh rêu có những đường kẽ trắng, kiểu dáng thể thao, thằng bé mặc trông lớn hẳn. Vừa thấy tôi, các cô giáo đã xúm đến cầm tay, cười nói tua toe. Cô khá thân ghé sát tai tôi, nắc nủm nói, rứa mà giấu như mèo giấu cứt, à nha? Rồi rú lên cười khơ khơ. Cô khác nguýt ngoáy đuôi mắt sắc, khiếp, đây biết tỏng, chuẩn men đứt đuôi!..
*
Tôi cuống quýt mở cửa, trong ánh đèn dịu xanh phòng ngủ. Huân đã về, tiếng tim anh gọi tôi rộn rực ngoài hiên. Anh vừa lách vào, tôi tức thì đu người lên cổ anh. Tay tôi líu ríu mở cúc áo anh, áp khuôn mặt nóng rẫy vào tảng ngực trai tráng. Ôi cái nhịp tim thộn thịch, rộn rưỡi. Tôi lại lịm đi như người say á phiện. Huân bế xốc tôi lên, đặt nhẹ tòa thiên nhiên của mình vào tấm ga trắng nệm giường, ngây dại mùi thơm da thịt đàn bà nõn nà. Tôi như cỏ khát ngày hạ gặp mưa. Anh như cá gặp nước…
Ồ không!.. Không phải thế!.. Không phải như vậy!.. Tôi hai tay đẩy phắt anh ra. Huân thường nằm ngả dang tay dang chân, lử lả đôi mắt lim dim, mặc cho tôi trườn lên người, áp đôi má rực rẫy lên tấm ngực trần, ngất ngư tiếng con tim anh thỉ thổn…
Không phải vậy! Tôi bản năng quờ tay đầu giường, bật công tắc điện. Ánh sáng chói lòa. Không phải Huân! Anh lóp ngóp, ngơ ngác. Vết mổ như tia chớp rạch đôi lồng ngực. Tôi bật dậy, cài lại cúc áo. Sực nhớ, hôm nay trên phố rộn rịt với đám cưới con gái vị chủ tịch tập đoàn nọ. Cánh báo chí địa phương được dịp bày tỏ lòng tận tụy, bằng cách post lên mạng ảnh các đoàn khách sang trọng, ảnh tứ thân phụ mẫu đề huề, ảnh đôi uyên ương tay trong tay hạnh phúc…
Người đàn ông đã tỉnh sau cú bị đẩy ngả. Anh lơ mơ nhớ lại, khuya khách khứa đã về hết. Anh bước đến khẽ đẩy cửa buồng, phòng tân hôn trinh trắng phủ màu hồng dịu. Cô dâu đã trút bỏ bộ váy cưới thướt tha quét đất, chỉ khoác bộ đồ ngủ trắng mỏng như voan, khẽ cúi đầu đợi chờ. Cuộc đợi chờ như cả thế kỷ…
Nhưng anh đã đưa ngón tay trỏ đặt lên môi mình. Cô dâu hiểu là anh còn quên cái gì đó ở đâu đó, sẽ quay lại ngay. Còn anh, khép nhanh cửa buồng, lao ra đường cái, vẫy nhanh một chiếc taxi. Anh không lạ con đường này, con đường mấy lần anh lén bỏ việc cơ quan ra đi, trong nỗi thúc giục và chỉ vẽ của con tim…
Anh có vẻ vẫn chần chừ lưỡng lự. Lưu luyến không muốn rời khỏi đây. Nhưng tôi bật dậy, kéo anh đứng lên. Một cách dứt khoát. Và khi mặc lại áo quần cho anh, đưa tay cài những cúc áo ngực, tôi nhận ra bộ com lê chú rể trong ngày cưới. Một bông hoa trắng gắn kim tuyến đính trên túi áo. Tức thì, tôi quát khẽ vào vẻ lừng khừng của anh, không phải ở đây! Không phải căn phòng này! Không phải em! Phòng tân hôn ở trên phố! Và cô dâu đang đợi!..
Tôi mạnh tay kéo anh ra sân, cốt để anh tỉnh lại, không nhầm lẫn ánh sáng dịu dàng phòng ngủ. Tôi sốt ruột. Lo sợ bị đổ bể. Vừa đẩy nhanh chiếc xe máy ra ngõ, vừa giục anh ngồi lên. Anh ngoan ngoãn một cách chậm chạp, như đứa trẻ quen vâng lời mẹ, cố không nhìn mặt tôi.
Ra đến trục đường cái, mặt đường rải nhựa bóng loáng, tôi nớm tay ga. Chiếc xe lao đi trong luồng ánh sáng vừa đủ của đèn xe máy. Tôi không nói gì. Anh cũng im thin thít. Tuồng như anh không thoải mái cho chuyến quay về này, còn tôi lòng như lửa đốt của người đang chữa cháy…
Con đường khuya, chợt lóa một luồng sáng hình loa kèn, hùng hổ từ xa lao tới. Luồng sáng vừa dữ dội, vừa giận hờn, và kẻ cả. Nó chiếm cả mặt đường, sáng quắc như ban ngày. Xộc thẳng vào chiếc xe máy tội nghiệp của tôi. Tôi giảm tay ga, khẽ nép vào mé đường. Nhưng luồng sáng không bỏ qua, không tha cho, quét thằng trực diện vào mặt tôi. Đó là luồng sáng trắng từ hai đèn pha của một chiếc xe con đắt giá, lướt nhẹ êm không phát ra tiếng động…
Chiếc ô tô đứng khựng ngay trước mũi xe tôi, đắc thắng như bắt quả tang. Từ hai phía xe, lao ra hai thanh niên xăm trổ, đứng khoanh tay đợi lệnh. Ghế trên, thò ra một đôi chân trần, cùng với thân hình con gái áo xống phòng ngủ mỏng tang. Tôi kịp hiểu sự thể. Và đưa anh bước lên giữa quầng sáng trắng giao nhau của hai đèn pha ô tô. Người con gái quắc đôi mắt còn đính mi giả, giọng rít lên, không kịp thở.
– Thì ra là… Nãy giờ các người ở đâu? Các người đã làm gì?
Tôi nhếch mép cười mỉa, hả hê chọc tức đối phương.
– Nếu chúng tôi đã làm gì, tôi còn dẫn anh ấy đi nữa sao?
Cô nàng đẩy anh vào ô tô, nhanh và dứt khoát, như đẩy một tên tội phạm. Hai vệ sĩ bặm trợn sấn đến, khoanh đôi tay như chão bện, áp sát hai bên xe tôi, mắt lầm lừ chờ lệnh. Anh thét lên lạc cả giọng;
– Các người, không được động đến cô ấy!
Đáp trả anh là một tiếng cười gằn của cô dâu mót phút động phòng, cùng cái đánh lông nheo trợn trạo, ra lệnh rút lui. Tôi vẫn nghe được tiếng củm cưởi lúng búng từ miệng người con gái ấy, không biết cô ta nói với ai.
– May, đã kịp bí mật gắn chíp điện thoại, khi nhớ ra anh được thay bới trái tim một người đàn ông quá mực yêu vợ…
Và, ngay tắp lự, quầng sáng hình loa kèn khổng lồ, hùng hổ quay ngược lại, hướng vào thành phố…
Chiếc xe lướt đi không một âm thanh, không lời lịch sự.
Tôi đứng trơ một mình trong bóng đêm hoang vắng. Hụt hẫng và nuối tiếc. Sao tôi để mất anh, người đàn ông tha thiết với trái tim Huân trong ngực?
Những ngôi sao trên nền trời sâu thẳm khuya khoắt sà xuống, nhìn tôi cười giễu mỉa. Chợt cũng nhòe đi…
8/1/2022
Hữu Phương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa đất miền Khau SưaXXX

Chúa đất miền Khau Sưa Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử ...