Thứ Tư, 25 tháng 12, 2024

Tản văn của Nguyễn Thế Tường ở Quảng Bình

Tản văn của Nguyễn
Thế Tường ở Quảng Bình

Nhà văn Nguyễn Thế Tường sinh ra và lớn lên ở Lệ Thủy – một vùng quê sông nước hữu tình, địa linh, giàu nhân kiệt. Năm tháng tuổi thơ nơi đây liên tục làm nóng những trang tản văn của ông. Sau này, kể cả lúc ông đi học ở Hà Nội (khoa Ngữ văn), lúc tham gia chiến trường, lúc an trú ở thành phố biển,… hương vị quê hương vẫn ấm nồng, thổn thức. Cái dân dã mà nằng nặng, cái chân chất mà tinh tế của đất và người Lệ Thủy cứ thế lan toả, neo đậu vào câu chữ.
VÀ… GIÓ HEO MAY ĐÃ VỀ
Đêm sâu lắng bình yên. Mặt đất ẩm ướt lúc lúc lại cựa mình như thổn thức. Con chim gì nói mơ ngoài cây duối dại. Con cú mèo lén lút vỗ cánh. Bầu trời sao đột ngột biến đi. Một lớp gió mỏng đang rầm rì tràn tới. Mỏng và xám và se lạnh. Thốt nhiên cây sanh trước cửa bỗng cất lên bản nhạc phức điệu rối rắm, xốn xang như có hàng vạn con chim sẻ đập cánh, thì thào cãi nhau. Tầu lá chuối chao đảo. Lũ côn trùng im thin thít. Cả ánh đồng dưới trăng suông tràn ngập làn không khí se se, mơn man dịu nhẹ.
Gió làm cánh cửa sổ sập lại. Chiều hôm qua người đàn ông từ ruộng về trong cơn giận giữ mệt mỏi, rồi đi về phía túp lều có cô nàng môi hồng mặt phấn ngồi sau quầy rượu. Tối, hắn về, bước chân đi ngang. Một cái thúng để không đúng chỗ bỗng bay lên, vèo ra giữa sân. Con chó mực khép nép cụp đuôi lẩn vào góc nhà. Nhưng, người đàn bà từ góc nhà đã hiện ra, sát khí đằng đằng. Trên trời vang một tiếng sấm. Không mưa. Không gian oi oi. Cuộc tranh chấp quyền lực trị vì căn nhà chỉ khiến cho láng giềng đi ngủ muộn hơn một chút. Người vợ quay mặt vào tường tránh cái hơi phì phì đầy mùi tỏi và chua khẳn mùi rượu phả ra từ cặp môi thâm sì như thịt trâu ươn của “thằng mất dạy”.
Làn gió se lạnh làm người đàn ông tỉnh giấc. Cảm giác đầu tiên là… đói. Sau lại thấy lạnh. Quờ tấm chăn, bỗng chạm phải người đàn bà, gã ngạc nhiên… cười một mình. Ngày mai lại phải đi mua cái phích mới, làm lành với con chó  mực. Bên ngoài có tiếng thì thào nhè nhẹ, trăm nghìn con chim sẻ đập cánh trên ngọn cây sanh. Gã bần thần nhớ lại. Dường như lâu lắm rồi, con mụ “phù thủy” lắm lời tóc sổ tung này là một thiếu nữ da nâu có nốt ruồi bên khóe miệng. Khuất sau thành chiếc ô tô quân sự, cô nàng nói lý nhí điều gì, chìa ra chiếc khăn thêu, quyển sổ và để yên bàn tay trong tay gã. Thế mà sau đó… gã giật mình… cô chờ gã đến hết chiến tranh, cho đến khi chiếc khăn rách quyển sổ nát và cái nốt ruồi cũng chìm mất tang vào giữa nếp nhăn mệt mỏi nơi khóe miệng.
Ừ, ngày mai đi mua cái phích mới, làm lành với con chó mực. Còn bây giờ… gã kéo vai người đàn bà, quơ tấm chăn quàng lên: Và… gió heo may đã về.
NGHÊNH XUÂN
29 Tết. Ba tôi gò lưng kẻ một chữ Nghênh Hán tự. Đây là ngày đầu tiên trong năm cũ của ông được nghỉ việc đồng áng. Bàn tay chai sần thô ráp của một lực điền viết một bộ sước trong mặt chữ Hán: Nghênh. Sước là chợt đi dừng lại. Nghênh là chờ một vật ngoài tới mà ngửa mặt ra đón lấy. Nghênh, Hoan Nghênh, Nghênh Phong là đón gió, Nghênh Xuân! Trong chữ Xuân có chữ Nhật là mặt trời và bộ thảo là cỏ hoa. Nghênh Xuân Tiếp Phúc.
Ba tôi có vẻ đắc ý vì cày ruộng 30 năm vẫn chưa quên chữ thánh hiền lại nhờ vậy mà khỏi tốn năm hào mua tranh chữ ở cửa hàng cung tiêu.
Mạ tôi thì tất bật gói bánh chưng, bánh tét. Gạo nếp ngoài đồng. Đậu xanh trong bãi. Thịt heo hành củ nấu nhân. Lá chuối sứ trong vườn nhà. Quê tôi đồng chiêm hiếm lá dong, chỉ sẵn chuối sứ (chuối hột). Tôi buộc cây dao lỡ vào đầu ngọn sào vọoc lá chuối từ trên ngọn cây rơi xuống. Đâu đó có tiếng heo rên vọng ra từ cuối xóm. Tiếng pháo tép đì đẹt và tiếng… súng. Không phải súng trận. Trẻ con lấy mẩu gỗ ghép thành hình khẩu súng lục, sơn đen bóng, lấy van xe đạp làm ổ đạn nhồi diêm sinh, lấy đinh và dây thun làm cò súng, kim châm hỏa… giương súng bắn như sĩ quan tình báo chánh hiệu. Bếp đã đỏ lửa làm nhân bánh. Nhân bánh rất ngon nhưng trẻ con không được đụng tới. Cả nhà như thể ai cũng cuống lên chuẩn bị tết, ai cũng tất bật nhưng rồi dường như chẳng ai làm được gì cả. Kết cục là Ba tôi cũng viết xong những chữ Nho trên tấm giấy điều khổ rộng. Chị tôi đãi xong gạo đậu, rảy tay đứng nhìn. Tôi đã vọoc được một chồng lá chuối sứ. Các anh tôi quét xong mạng nhện trên trần nhà bèn buông chổi đứng xớ rớ. Mọi người như đang chờ một việc gì đó hệ trọng hơn sắp xảy ra…
Khoảng cuối giờ Thìn (9 giờ sáng), Mạ tôi ngồi lên phản, trước cơ man nào là gạo nếp, đậu xanh, lá chuối, lạt giang… Như một nghệ sĩ Đại dương cầm, Mạ kính cẩn giơ mười ngón tay lên quá đầu, lặng một lúc rồi sẽ sàng cầm lấy “tờ” lá chuối đầu tiên. Người quê tôi gói bánh chưng, bánh đòn (tét) không cần khuôn, chỉ thuần bằng khéo léo của đôi tay. Suốt đời tôi không bao giờ quên chân dung Mạ tôi nhẩn nha làm động tác gói bánh. Lúc ấy Người như biến thành một thực thể khác, hiền dịu, tươi sáng và thánh thiện vô cùng. Mạ tôi không đẹp dù sinh trưởng trong một gia đình quý tộc nông thôn. Bù lại, Ba tôi đẹp trai hơn dẫu đã bỏ bút nghiên theo nghiệp cày bừa. Nhớ những ngày áp tết năm xưa ấy, bây giờ tôi vẫn còn băn khoăn không biết có lần nào Ba tôi lặng ngắm chân dung Mạ tôi khi đang ngồi gói bánh?!
Năm sáu tư, không khí chiến tranh nóng sực. Người ta bắt đầu dùng các cụm từ “Ăn tết thời chiến”, “Cảnh giác cao độ”, “sẵn sàng chiến đấu”. Hạm đội 7 của Mỹ rình rập ngoài khơi. Đâu đó trên không trung vọng tới tiếng máy bay phản lực. Một vài nhà đã làm hầm trú ẩn. Ngõ xóm có giao thông hào. Nhưng hề chi! Khoảng cuối giờ Thìn ngày 29 tháng Chạp là Mạ tôi bắt đầu gói bánh. Mắt người ngời sáng, hiền lương, thánh thiện dõi theo đôi tay cẩn trọng và khéo léo bắt từng nuộc lạt, gấp từng nếp lá… Những lúc ấy, tôi hoàn toàn yên tâm rằng không thể có chiến tranh, không có Hạm đội 7 với máy bay phản lực nào hết. Thế là tôi thoải mái chạy ra sân đình chơi mút mùa tới chiều tối, về nhà đã thấy một bếp lửa lớn và nồi bánh đang sôi. Đêm cuối năm, khắp làng trên xóm dưới đều phập phồng nhịp thở hạnh phúc hay âu lo. Ba trăm sáu mươi lăm ngày dọn lại! Suốt đêm, nước reo sùng sục trên nồi bánh, bếp lửa hồng rực sáng cả gian nhà. Tôi thiếp đi trong mụ mị tiếng reo của nước, lửa và dáng hình Mạ tôi gầy guộc cứ mỗi canh giờ lại trỗi dậy đun thêm củi, tiếp thêm nước.
10h 30 phút 29 tháng chạp. Có chiếc xích lô chở đến nhà tôi một lô bánh chưng bánh tét từ địa chỉ nào đó trong thành phố. Tự tay gã tài xế bê vào bỏ lên bàn nhận tiền công rồi trở ra. Không thấy gì: cả nước, lửa, lá chuối, lạt giang… trong những chiếc bánh đã nguội. Các con tôi đi đàn đúm theo bạn. Ngoài đường, nhiều tiếng xe máy rú ga. Tôi ngồi viết những dòng cuối năm và tự hỏi có thể tìm ở đâu ánh mắt hiền lương ngời sáng của những người như Mạ tôi đang dõi theo từng nuộc lạt, nếp lá. Tôi tìm ở góc phố nào có người viết hộ tôi những chữ Tống Cựu Nghênh Tân có bộ Sước, chữ Nhật và bộ Thảo trên mặt giấy hồng điều rẻ tiền.
Hình như cứ mỗi ngày mỗi tháng, mỗi mùa xuân tới lại có bao nhiêu điều quý lắm đang chìm dần vào cổ tích!?
VŨ KHÚC GIÊNG HAI
Thường sau mùa lụt, khi nước bạc rút hết, lớp phù sa đã se se là mạ tôi bắt đầu gieo hạt. Hạt được bà đựng trong những cái chai từ vụ trước gồm các giống: bí, bầu, mướp, cải, ngò…
Thuở ấy, rừng Trường Sơn chưa bị chặt phá, còn nhiều cây, củi. Người nhà tôi lấy củi làm hàng rào, gieo hạt cải, lấy cây rừng nhỏ làm giàn cho bầu bí leo. Những năm thất bát, người ta trông cây lớn từng ngày. Tháng giêng, tháng hai bầu bí bắt đầu leo giàn. Trên những ngọn bầu có râu, tua túm được một cái que nào trên giàn là níu lấy, quấn chặt vài vòng cho ngọn bầu vươn lên. Thấy ngọn bầu leo vượt mặt giàn là mạ tôi ngắt đi gọi là “hãm đọt”. Vài hôm sau có bốn, năm cái nhánh cùng bật ra, vươn tới. Những cái tua dài, khỏe ở đầu ngọn uốn lại cong cong như ngón tay vũ nữ. Cái ngọn bầu “bươn” theo ngơ ngác như cái đầu con bê con bé xíu. Có một tín ngưỡng nguyên thủy nào còn sót lại mà mỗi lần luộc khoai lang chín mạ tôi lại đặt cả cái rổ khoai đang bốc khói nóng hổi lên giàn bầu, cầu cho cây nhiều quả.
Bí ngô thì khác. Cứ mặt đất mà bò lan, xông pha giữa đám cây cỏ, trổ những cái bông vàng. Những ngọn bí rất khỏe cứ từ mặt đất mà ngẩng lên như đầu rắn, đầu rồng. Chúng tôi lội trong cỏ dại và những dây bí nhằng nhịt, tranh nhau với lũ bướm để ngắt những bông bí đực màu vàng thụ phấn cho hoa cái.
Tháng giêng, tháng hai, mỗi lần nhớ lại thật trong lành nhưng dường như ẩn chứa trong lòng đã có những linh cảm bất trắc… Đầu tháng ba là tới mùa giáp hạt, hết gạo, đói xanh mặt. Lúc này “những bí và bầu cùng lớn xuống” lúc lỉu treo giàn giúp chúng tôi đỡ đói lòng “theo tay mẹ lớn lên”. Mãi tới tháng năm, tháng sáu khi rơm khô đã trải ngập đường, ngập vườn, những dây bí, dây bầu đã tàn, lùng sục trong khu vườn rộng, lẫn giữa cỏ dại và khoai lang bời bời chúng tôi vẫn tìm mót được những quả bí ngô già cuối mùa sót lại. Bí của mình, trong vườn nhà mình mà tìm thấy cũng reo ầm làng nước như bắt được vàng.
Cái vũ điệu giêng hai múa trên mỗi ngọn bí bầu và khoai mướp ở mỗi vùng quê đủ làm ấm lòng bao lứa trai làng trên bước đường vạn dặm. Những gì giêng-hai hiến cho đời không nhiều lắm nhưng ký ức giêng-hai thì thật đẹp, thật mát. Mỗi lần nhớ lại cứ như có một chút gì ngòn ngọt, thanh thanh vừa tan ra ở trên môi.
MAI LÀ NGÀY VÀO LÍNH
– “Sao không nhớ được bạn ơi! Một thời máu lửa hào hùng của bọn ta…”
– “Tao cũng không nhớ lắm, Hồi ấy mới năm hai mà tao đã ba mươi tuổi, dấn thân – thế thôi!”
– “Chúc mừng những chiến sĩ thành cổ còn sống sót…!”
– “OK. Hãy sống tốt đẹp hơn!
– Mày cứ làm như mới nhập ngũ hôm qua vậy!
Đó là nội dung những tin nhắn trả lời của một vài bạn đồng ngũ cùng vào lính một ngày từ cổng trường khoa Ngữ – Văn trường đại học Tổng hợp Hà Nội mùa thu năm 1971 khi tôi hỏi họ có nhớ cảm giác trong đêm trước ngày vào lính cách nay hơn bốn mươi năm.
Chẳng ai quên, kể cả ông “San già” hồi ấy nhập ngũ khi đã hơn ba mươi tuổi. Chúc mừng những chiến sĩ thành cổ! Mừng gì nhỉ? Vì còn sống, để được trở về trường sau “bảy lăm”, tốt nghiệp, ra trường, xin việc, hưởng lương còm, lấy vợ, vật lộn mưu sinh nuôi con ăn học, mỗi ngày chứng kiến thêm những chuyện không giống ai.
Đêm ấy, tôi nghĩ gì!? Mùa thu, bão lũ, đê vỡ nước ngập mênh mang vùng phụ cận thủ đô, dân tình, tài sản quốc gia chìm trong lũ. Sinh viên các tỉnh bơi qua nước lụt về Hà Nội kịp ngày nhập ngũ. Từ miền Trung xa xôi, “yếu giò lo trước”, tôi có mặt tại cư xá Mễ Trì đã vài ba hôm. Không lên lớp nữa, học thêm vài buổi ích gì! Để mang theo mớ kiến thức ngôn ngữ hổ lốn những phụ âm tắc – vô thanh (P.T.K), những nguyên âm tròn môi với chả méo miệng, những “thì, là, mà, à – ơ – nhỉ – nhé” rơi rụng hay mục nát theo mình ở góc rừng Trường Sơn à?! Suất cơm sinh viên, bụng lưng lửng, tôi đi vẩn vơ trong ký túc xá, chán lại về nằm giường (sắt) và nghĩ, mình đi là phải lắm, đến lượt mình rồi, trai thời loạn. Ở nông thôn, các ban tuyển quân đã “vay nóng” tới hai tuổi, gọi cả thanh niên (thiếu niên?) mười sáu tuổi nhập ngũ, vì trận cuối này mà vi phạm cả luật pháp. Mình đã mười chín, hai năm đại học, cầm tay bạn gái đã biết nói những lời có cánh, đọc thơ Puskin, thơ Ximônốp bằng cả tiếng Nga, mình không đi thì ai đi đây?! Cuộc chiến tranh đang vào độ cam go, nhân tài vật lực miền Bắc đã cạn kiệt. Chẳng lẽ rồi tới lúc người ta phải gọi cả trẻ chăn trâu nhập ngũ hay kêu viện trợ người từ mấy ông “tóc vàng” với cả “mắt một m” bên kia! Mai là ngày vào lính, 50-50, xanh cỏ hay đỏ ngực? Thực ra, mình không thích cách so sánh lựa chọn này, chả cần đỏ ngực cũng không muốn xanh cỏ. Nhưng, câu thơ cổ “Xưa nay chinh chiến mấy ai về” thì thằng sinh viên Văn khoa nào cũng thuộc. Thằng Hải Triều quê Ninh Bình, nhỏ thó mà tài hoa giờ này chắc đang chia tay người yêu trên sân thượng. Ngày tựu trường, ông cụ đưa nó lên Hà Nội, ngủ một đêm trên vỉa hè bờ hồ Hoàn Kiếm để sáng mai đến 19 Lê Thánh Tông điểm mặt. Ông thủ thỉ: “Mai mốt học xong mà được ở lại Hà Nội thì tốt con ạ!”. Bây giờ nó nhập ngũ. Cái bộ dạng mảnh như cây sậy, không cao hơn khẩu CKC, vào chiến trường không chết mới là chuyện lạ. Thằng Phạm Hùng Việt con ông cốp sao cũng phải đi nhỉ? Dân quê lên phố như mình hiến thân là một nhẽ, chẳng tiếc lắm. Nó là “con nhà”, bố làm tới hiệu trưởng trường đại học Ngoại Ngữ rỉ tai ban tuyển quân, gì mà họ chả nghe?! Vậy mà, hắn đi, coi bộ cũng thanh thản. Thằng Phúc, dân Nam Định, cao lêu đêu như cây sào, đại liên bắn chéo cánh sẻ tiện đứt đầu là cái chắc. Thằng Hưng, Nga Sơn (Thanh Hóa) trắng nõn như cục bột, đạn xuyên vào chắc ngọt, máu chảy nhiều. Thằng Phùng Huy Thịnh đẹp trai như hoàng tử. Hắn mà chết ở chiến trường chắc nhiều em khóc! Cái thằng Hoàng Nhuận Cầm, người ta gọi nó đi bộ đội làm gì cơ chứ?! Cứ để hắn ở nhà làm thơ, bọn mình mỗi đứa một tay chiến đấu thêm một chút thay phần hắn có lẽ còn lãi hơn đấy!
Lại còn anh San già? Lão là cán bộ xã thi đỗ vào Tổng hợp văn, già cấc mà chẳng tăm được em nào, sắp toi rồi cũng chẳng có mảnh tình nào vắt vai. Chán!
Miên man, miên man! Tôi dỗ ngọt giấc ngủ. Mai vào lính rồi. Vĩnh biệt hết, cả giáo trình sách vở, cả món nợ môn Nga văn chưa trả. Ha! Mình và thằng Triều cũng lãi chút ít, môn Nga văn, sống mà về chắc giáo vụ cũng quên, nhược bằng chết… thì thôi, xù hẳn. Ơ, mà còn bài thi môn lôgic cuối năm hai chưa biết điểm… Mai mốt về cóc thèm học Ngôn Ngữ nữa, khó bỏ mẹ! Rủ thằng Triều nhảy qua lớp Văn học cho nhàn thân. Nhưng nghe các thầy nói học Ngôn Ngữ nhiều cơ hội đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài… Đi nước ngoài, mang về xe đạp Cuốc, quạt Tai voi, không, nếu đi Đức thì mua về xe Điamăng…Thôi không nghĩ nữa, sáng mai tập trung làm lễ ở Thượng Đình, nghe nói có cả thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum cũng dự, oai phết, oai phết! Vào lính chắc được ăn no hơn, rèn luyện, rắn rỏi, đi B (bê) và… hy sinh.
Đó là đêm mồng 5/9/1971. Ngày hôm sau, Trường đại học Tổng Hợp Hà Nội có hơn 350 sinh viên nhập ngũ, cùng tân binh các trường khác phiên chế thành sư đoàn 325. Sau ba tháng huấn luyện bộ binh và chừng hai tháng bổ túc ở các binh chủng vừa vặn chiến dịch Quảng Trị nổ súng ngày 30/3/1972, sư đoàn tham chiến giải phóng gần hết tỉnh Quảng Trị. Nhưng đến tháng năm, khi chiến sự đảo chiều, sư đoàn sinh viên ưu tú lọt thỏm trong thành cổ chịu đựng đủ tám-mươi-mốt ngày đêm Cối xay thịt nặng nề quay. Chừng hai mươi phần trăm các chiến sĩ nằm lại thành cổ và rải rác trên suốt bốn năm trên các nẻo đường chiến tranh vào trận cuối Sài Gòn. Chúng tôi mang đầu máu trở về trường. Và, đúng như giấc mơ đêm trước ngày vào lính, cả tôi và Hải Triều đều được giáo vụ lờ đi món nợ môn Nga văn. Cả hai thằng cùng rủ nhau bỏ Ngôn Ngữ, nhảy sang học Văn. Và, quả rồi cũng đúng như các thầy đã cảnh báo, không thằng nào được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài để thành phó tiến sĩ, mang về xe Điamăng và quạt Tai voi.
Chỉ có một chuyện chưa ai biết, là, sau khi từ chiến trường trở về, mặc dù đã làm ra vẻ nghễnh ngãng nhằm quên đi món nợ Nga Văn bốn năm trước, tôi và Hải Triều vẫn không qua mặt được phòng Giáo vụ. Trong một buổi học, lớp trưởng nhận được công văn từ Văn phòng Khoa. Ông ta chuyển cho tôi. Nội dung công văn gọi hai sinh viên Nguyễn Thế Tường và Phạm Hải Triều ngày nọ giờ kia, đến tại phòng nọ nhà kia, để thi lại môn Nga văn còn nợ từ hồi chưa nhập ngũ…
8/1.2022
Nguyễn Thế Tường
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúa đất miền Khau SưaXXX

Chúa đất miền Khau Sưa Tử Pín giương súng hai nòng, tiến gần khỉ mẹ. Gần như đối diện. Ôi khiếp! Đôi mắt khỉ mẹ đỏ rực. Nhìn thẳng mặt Tử ...