Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Lời gió gọi

Lời gió gọi

Dạo nầy tôi thấy mình hơi lạ, vô tâm và chễnh mãn với mọi thứ quanh mình, ngủ tới 10 giờ sáng như một cô công chúa nhỏ được cưng chìu. Tôi ghét tiếng tích tắc của đồng hồ và tôi đã tháo pin ra. Tôi uống sữa trong tủ lạnh hoặc là một thứ nước giải khát nào đó mỗi khi tôi thức dậy, tôi nốc đến no bụng rồi lười biếng đi đánh răng.
Vừa đánh răng tôi vừa nhìn mình trong tấm kiếng , tóc tôi được quấn vội trong một cái cột tóc, tuy vậy vẫn bù xù đến phát chán, sau đó tôi rửa mặt và cổ, thấy hài lòng vì sự mát mẻ của một đầu ngày không có gì bận rộn.
Sự im lặng không có tiếng người của căn nhà làm tôi thấy khoái trá, tôi nghe tiếng chân mình lê sột soạt trên nền gạch, tôi nghe tiếng hai con chim yến phụng gù nhau trong lồng, phía trái mái hiên, và có lẽ lá mới của cây mai già cạnh bàn thờ ông thiêng cũng đang lách tách chào đời. Vài cái lá non len lén lú ra mới dễ thương làm sao. Và mấy cái nụ hoa lan cũng đang ửng tím dưới sắc vàng của ngày. Mọi thứ gì mới mẻ của tạo hóa kỳ diệu cũng khiến tôi nao lòng , một sự mềm yếu không biết là do đâu.
Sáng nay tôi biết mình đang làm chủ thời gian dù tôi biết ngày vẫn đang trôi đi không có gì cưỡng lại được, dù tiếng đồng hồ không còn tích tắc nhưng mặt trời vẫn đang nghiêng bóng về phía tây, nó cứ nhích dần nhích dần một cách đáng ghét. Và dù tạo hóa thiệt sự là ngon lành đến đâu đi nữa trong cái sự kỳ bí của nó thì trong vô thức tôi vẫn muốn chống lại. Tôi muốn một sự vĩnh hằng của ngưng đọng. Để không thấy mình cứ lập đi lập lại những nhu cầu đáng ghét của hằng ngày, hoặc là những bài tiết không thể kềm chế của cơ thể, và đủ mọi thứ phiền toái khác của cái gọi là đời sống, sao mà nó khủng khiếp thế?
Người đàn ông có đôi mắt màu tro núp dưới đôi chân mày xếch. Mái tóc anh ta rậm và phủ đầy ót, bờ môi bậm lại hơi cong nhưng khi cười chào tôi thì cặp môi banh ra hết cỡ và ngây thơ thiệt tình đến khó mà không gật đầu chào lại. Chúng tôi cùng ngồi trên một chiếc ghế đá trong công viên, ngày có lẽ đã nghiêng về chiều vì tôi thấy nắng đã chếch choáng ngã những cái bóng cây mát rượi về một phía xa xa trên con đường rộng rãi của công viên và cỏ của công viên.
“ở đây thanh bình quá“ anh ta nói.
“không phải ngày nào cũng như ngày nào, ý tôi nói thỉnh thoảng tôi ra đây để thở“ anh ta nói tiếp.
“thỉnh thoảng tôi cũng ra đây” tôi nói, khi ngã ngửa đầu ra phía sau nhìn lên đám lá xanh dờn phía trên cao.
“ ở đây dẫu sao cũng thanh bình quá chị nhỉ” anh ta lim dim đôi mắt có vẽ đang thụ hưởng một chiều an bình .
Dưới chân tôi là một đống lỉnh kỉnh túi xốp đựng lỉnh kỉnh mọi thứ phụ tùng cho đời sống của một con người. Tôi không hiểu sao những thứ đó lại nhiều đến thế. Ông trời tạo ra vạn vật cùng mọi thứ nhu cầu để rồi  hành xác tất cả. Tôi khổ sở nhất là phải mang cái áo vú chật chội nóng bức và đôi giày cao gót khi ra ngoài. Tôi khổ sở khi ra chợ tìm mua thức ăn cho vài ngày trong tuần. Đi dự một tiệc cưới ư? sao lại cứ phải đứng chọn mãi một bộ áo váy, một bộ comple nào đó cho phù hợp với đồ trang sức và tỏ ra không bất lịch sự với chủ nhân khi quá xuề xòa?
Lâu ngày không ra khỏi nhà mà cũng có thể là lâu năm không tiếp xúc với ai, tôi có vẽ lúng túng khi người đàn ông lịch sự nhã nhặn mời tôi cùng vào cái quán nho nhỏ cạnh công viên uống nước. Thời tiết khô ráo và âm ỉ nóng bức dù chiều đã về từ lâu khiến tôi cũng cảm thấy khó từ chối một ly nước cam vắt mà mới nghĩ tới đã thấy thèm. Cũng may con đường đang phủ đầy gió khi tôi đứng lên trao đống túi xốp vào tay người đàn ông lạ lẫm. Ít nhất thì gió của ông trời khó ưa cũng đang thổi mát rượi và làm tôi cao hứng.
Chúng tôi cùng hững hờ khuấy ly nước uống, cùng nhìn những bóng đèn nhỏ xíu xanh đỏ nhấp nháy chạy hờ trên những tàng cây, điều đó làm cho tôi thấy vui mắt . Rồi chúng tôi chia tay, sau khi chúc nhau ngủ ngon. Không quay đầu lại, tôi rồ máy xe chạy thẳng, nhưng lưng tôi cứ nhồn nhột, có lẽ anh ta đang nhìn theo?
Tôi không phải là người khoái mặc mãi màu áo đen góa phụ hay cứ quấn mãi vầng khăn tang trắng trên mái đầu mình, dù thiệt ra thì lòng tôi luôn nặng trĩu một bình tro cốt của quá khứ. Những hoài niệm cứ tìm về như những bóng ma lang thang trong ngôi nhà kín cửa. Tôi thích tắt đèn nằm trong bóng tối để lắng nghe tiếng của đêm sâu thoi thóp trở giấc khắp mọi nơi. Tiếng chân tôi luôn lê lệt xệt xuống bếp tìm cái tủ lạnh lấy nước uống, tiếng tôi thở dài bên gối cũng khiến tôi giật mình trong cái cô tịch của đêm sâu. Người ta nói người hiền chết thì lên thiên đàng chứ không đầu thai, tôi hi vọng anh ấy đang trồng hoa trên thiên đàng, và trong lúc chờ hoa lớn lên và nở, có lẽ anh ấy cũng đang chờ đợi tôi.Tôi hi vọng anh sẽ không đầu thai làm người nữa làm gì, cũng không nên trở lại dương gian trong một hình hài nào khác, như là những bông hoa hay cây cỏ nhỏ nhoi nhất, hay là loài côn trùng dễ thương nhất cũng đừng nên trở lại trần gian nầy. Mỗi khi thắp nhang cho anh tôi thường nhắc anh điều đó.
Khoảng thời gian đầu tiên sau khi anh mất tôi thường đóng cửa phòng và hồi tưởng về những ngày bên nhau. Được ở bên nhau đã là một hạnh phúc, nhưng một quãng thời gian dài quá nhiều khốn đốn khiến cho dục cảm thông thường cũng bị đè nén, khiến cho tôi thường xoãi tay chân ngủ quên với nhiều ác mộng cho một ngày mai đầy âu lo, nhưng anh thì không như tôi, buổi đêm tôi thường có cảm giác anh luôn cố len vào cơ thể tôi cái vật cứng của anh, tràn ngập và đầy yêu thương thường khiến cho tôi  mỉm cười trong giấc ngủ. Và tôi luôn thích thú vì biết ơn anh. Hạnh phúc lứa đôi thường thấm thía vào nửa đêm, khi mà trong đầu không có gì vướng bận, khi mà anh thường âu yếm hôn lên má tôi hoặc kéo tôi sát khít vào lòng khiến cho tôi luôn cảm nhận được từ hơi ấm của anh một sự thương yêu nồng thắm nhất.
Bốn năm trời đã trôi qua nhốt tôi trong một không gian hẹp của căn phòng với sự trầm lặng miên man của thời gian mà tôi đang tìm cách trốn tránh nó. Tôi thấy mặt trời chói chang những buổi tôi dậy trễ. Tôi hài lòng khi chiều dần tắt để đêm về tôi lại được một mình nghĩ tới anh và không phải dính líu gì đến cái sự ăn, mặc, vệ sinh, đi đứng, giao tiếp với xung quanh. Có điều hàng tháng tôi vẫn phải gặp vị bác sĩ tâm thần để sửa chửa lại những cảm xúc bất chợt của mình. Đối với con người nầy tôi thường thấy dễ chịu vì ông ta luôn đồng cảm và luôn mỉm cười trước những lời nhăng cuội của tôi. Tôi thường nói về những ám ảnh của thời cuộc đã lâu, đã làm nên căn bệnh của tôi, hoặc nhiều khi tôi kể những ám ảnh về anh.
Trong đó, tôi nhớ lần cuối cùng, trước khi qua đời vài ngày sau , tôi bắt gặp anh đứng im lìm, thở mệt nhọc, và nhìn mãi lên vòm cây cao rậm mát đầy gió của khoảng sân bệnh viện, tôi nhói lòng khi biết anh đang cố nhìn lên mây trời, đang cố hít vào cái phổi hư hao của anh  mớ không khí đầy oxy, tôi biết anh đang thèm khát nhiều thứ, hối hận nhiều thứ, và chống chọi với nhiều thứ. Hai tay anh run run bấu chặt vào song cửa sổ. Và anh đứng đó, nghiêng ngã như một cái cây còn non trẻ bị ngọn gió đời quất sụm, không gì có thể chống đỡ nữa.
Tuần nào đi siêu thị tôi cũng đi vào khoảng xế để được la cà chọn lựa và khi về tôi ghé vô công viên thì đã chiều. Tôi gặp lại người đàn ông đó và cũng có chuyện trò chút đỉnh. Tôi ngạc nhiên khi nghe lại cái giọng miền trung của anh nơi anh ta. Người nầy nói năng chậm rãi và khi cười thì giống như trẻ con .
"hôm trước chị về tôi cứ nhìn theo mãi”
“hèn chi tôi thấy nhột nhột sau lưng”
“thật à?” anh ta ngạc nhiên và cười to.
“tại sao anh nhìn theo tôi”
“không biết, có lẽ để ghi nhớ”
“nhớ gì?”
“tôi cũng không biết”
Tôi thích gió nơi công viên . Nơi đây chúng thong dong thổi và đuổi nhau. Những tán cây cao vút xanh um cứ đảo qua đảo lại ngó rất vui mắt. Tôi nói với người đàn ông về ý nghĩ nầy và anh ta ngước lên nhìn rồi cười. Tôi nói tôi thích làm gió vì gió là tự do nhất, mát mẻ dịu dàng mà cũng cuồng nộ nhất.
Thỉnh thoảng tôi nhìn kỹ người đàn ông, lắng nghe giọng nói của anh ta, tôi nghe giọng của anh ta chứ không hề nghe anh ta nói gì. Cũng may là người nầy không có gì đáng chán nên tôi cũng có thể trò chuyện loanh quanh về một vài đề tài mà tôi và anh ta cùng thích như âm nhạc và hội họa chẳng hạn. Rồi phân tích một bài hát nào đó hoặc một nhạc sĩ nào đó. Câu chuyện cứ thế mà lan man cho đến lúc đèn đường bật sáng.
Chúng tôi ngồi lút vào sâu trong công viên để tránh cái không khí ô tạp của bên ngoài. Sự lọt thỏm nầy đem lại cho tôi một sự thích thú khác lạ hẳn cái sự đơn độc hàng ngày của tôi ở nhà. Rồi tôi có một ý nghĩ ngông cuồng là muốn nằm ngủ hoài, ngủ ngon trên đùi anh ta, nếu có thể, với tàng lá trên cao đầy bóng tối...
25/6/2011
Âu Thị Phục An
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...