Nguyên Tiêu Mậu Tý, tôi theo anh Nhơn về Huế. Anh có chân
trong Ban tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (VESAK) 2008 ở nước ta, được
giao liên hệ với sư trụ trì chùa Thiên Mụ, làm lễ thỉnh chuông, khởi hành Phật
sự.
Chùa Thiên Mụ
Đông - Xuân năm nay, mưa lạnh chưa từng thấy. Không khí bão
hòa bụi nước, Huế chìm trong một màn sương khói mông lung. Bạn bè cho biết đã
hơn tháng nay, chưa hề có một giọt nắng. Từ sáng đến chiều, ngày nối ngày, cả
thành phố nhuộm một hoàng hôn màu chì. Một thứ ánh sáng không ra ngày, không ra
đêm, hư ảo như ngày địa cực. Cây cối, nhà cửa bồng bềnh, nhẹ tênh, trôi trên
hai bờ mộng mị. Trong không gian ấy, sông Hương dường như cũng trầm mặc hơn,
nhiều suy tư hơn, lờ mờ, lặng lẽ, về nơi cuối trời.
Theo anh Nhơn, chúng tôi lên chùa Thiên Mụ. Đọc xong thư giới
thiệu, sư trụ trì hoan hỉ: “Quý hóa! Quý hóa! Đảng và Nhà nước thiệt lòng đổi mới,
nhà chùa chúng tôi cảm kích vô cùng. Cứ như ri, con dân cũng được rạng mặt, rạng
mày với thế giới”.
Trời lạnh, những giò lan bày trên kỷ nở hết cỡ, tỏa hương đậm
đà. Bên ấm trà thơm, sư cụ cởi mở: “Nghe nói ông Khoa thôi làm ở trung ương, về
thành phố nghỉ, sáng mô cũng đạp xe đi tập thể dục. Chắc khỏe hỉ? Mấy anh có gặp
nói giúp nhà chùa có lời mời lên chơi, uống trà”.
Tôi hỏi: “Nghe nói chùa thỉnh chuông vào sáng chiều, mỗi lần
108 tiếng?”. “Mô Phật. Mỗi lần 30 phút, sáng giữa Dần, tối giữa Tuất. Dứt mỗi
tiếng là một phút. Thỉnh 108 hồi e cả tiếng cũng không xong. Chuông lớn, phải
có sức. Chút rồi ông coi”. Tôi nhẩm, theo can chi, giữa Dần là 3 rưỡi sáng. Thỉnh
30 phút, là 4 giờ, Dần ứng với gà, nghe chuông, gà đua gáy, dân thôn gọi nhau,
nổi lửa nấu cơm, khai mở ngày mới. À ra thế. Đến bây giờ tôi mới hiểu hết ý
trong câu ca:
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương"
Long Thọ Cương là ngọn đồi đối ngạn, ở bờ bên kia. Vậy ra
hàng trăm năm nay, cứ giờ Dần, chuông Thiên Mụ dóng lên, truyền đi trên sóng nước,
lan xa, làm lay động canh gà Long Thọ.
Trong mưa Xuân, du khách trong nước, nước ngoài nườm nượp
thăm chùa, lặng lẽ, thành kính chiêm bái sư ông lên đại điện hành lễ. Lễ xong,
chúng tôi theo tiểu ra lầu chuông.
Đại hồng chung Thiên Mụ được Chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc năm
1710, nặng 3.285 cân, thân làm bài minh khắc lên thân chuông. Chuông Thiên Mụ
là một bảo vật, lớn nhất kinh thành. Dùi gỗ mít, dài hơn thước, khoát hơn gang,
đầu bọc da trâu, treo trên giá.
Tiểu vận cà sa, đảnh lễ, nắm hai dây chuông, vận kình lực,
vung tay áo rộng đưa dùi lên cao. Hai cánh cà sa như ánh chớp vàng, lầu chuông
rực sáng, đại hồng chung gầm lên, rung động không gian, ngân dài… tiếng U! U!
U!… kéo ra, vuốt lên, trầm xuống, lại vuốt lên nghe như tiếng một dây đàn bầu
khổng lồ ngân nga, luyến láy, kéo dài đến hơn một phút trước khi trả thinh
không về trong thinh lặng.
Thỉnh xong chín hồi chấn động không gian, sư cúi đầu đảnh lễ.
Từ lầu chuông nhìn xuống, sân chùa đứng đầy du khách chăm chú dõi theo, quên cả
chụp hình. Trước cổng chùa, những lộc non trên cành bàng xòe búp, khẽ run run
trong tiếng chuông chùa xao động, trong gió xuân lành lạnh đang xôn xao về trên
sóng nước sông Hương...
Ở ta, sông Hương là một không gian Phật giáo nổi tiếng, lâu đời,
chỉ sau linh sơn Yên Tử. Yên Tử không nổi tiếng vì cao, Hương giang không nổi
danh vì sâu, nhưng không ai phủ nhận, Yên Tử - Hương giang là những danh lam bậc
nhất trong toàn cõi sơn hà nước Việt.
Đã từ xưa, ngọn núi kia, dòng sông ấy, ngoài vẻ cẩm tú được
thiên nhiên tạo dựng, Hương giang - Yên Tử còn hàm chứa một giá trị riêng, bất
khả tranh chấp trong đời sống tinh thần của người Việt, những giá trị tâm linh,
thiêng liêng, hằng hữu.
Chắc rằng nhiều thế hệ tăng, ni, Phật tử dày công tìm kiếm,
đã chọn hai nơi này đặng hoằng dương Phật pháp, hay chính thiên địa mang mang
đã tạo lập ra dòng sông ấy, ngọn núi kia dành riêng cho dân tộc này, cho tín đồ
của pháp môn lấy sự hòa hợp tâm thân, hòa hợp cùng thiên nhiên làm lẽ đời - tâm
đạo?
Yên Tử dẫu cao cũng không cao bằng Phanxipăng, Everest. Nhưng
chiều cao trí tuệ, đỉnh cao tâm linh… thì dẫu Everest cũng không thể sánh bằng.
Hương giang không cuồn cuộn như Cửu Long, không mênh mang như
Bạch Đằng, nhưng chiều xuống trăng lên, ngồi bên sông ấy, để lòng lắng lại, thả
hồn phiêu diêu về cõi hư vô trong tiếng chuông chùa, để chiêm nghiệm về lẽ đời
sắc sắc không không thì khó sông nào sâu bằng.
Quả vậy,
“Sơn bất cầu cao hữu tiên tắc danh
Thủy bất cầu thâm, hữu long tắc linh”
Đã có một nhà vua rời bỏ hoàng cung, lên núi tu hành để nơi
thâm sơn ẩn tàng cổ tự, để tiếng mõ cầu kinh vang động núi rừng, để Thiền phái
Trúc Lâm Yên Tử trở thành ngọn sơn đăng sáng mãi trong đời sống tâm linh người
Việt, xuyên suốt chiều dài lịch sử.
Cũng đã có một vị Chúa dừng vó câu bên sông này một chiều nắng
tắt, để từ đấy, trên sóng nước sông Hương, tiếng chuông chùa truyền lan trên đầu
cơn gió làm đu đưa cành trúc la đà. Và dòng sông ấy trở thành dòng sông hoàng
gia uốn khúc bên chân kinh thành hoa lệ.
Theo một số nghiên cứu, Phật giáo là một hiện tượng văn hóa
truyền vào Việt Nam từ thời Hùng Vương, trở thành một phần quan trọng trong tổng
hòa văn hóa Việt. Phật giáo hóa thân vào truyện Chử Đồng Tử, vào Công chúa Tiên
Dung, v.v… cứu nhân, độ thế, rồi bay về trời. Lúc quốc gia lâm nguy, hóa thân
thành Gióng, nhổ tre đằng ngà đánh tan giặc nước. Thắng trận, vỗ ngựa sắt, lên
Sóc Sơn mà thăng… còn biết bao truyền thuyết đẹp khác làm đời sống tinh thần
người Việt thêm giàu có.
Ngay cả cô Tấm phúc hậu, đáng yêu trong cổ tích, mỗi lúc khó
khăn đều có Bụt hiện về. Quan niệm về nhân sinh, về vũ trụ của Nhà Phật, uyên
thâm mà gần gũi, dễ hiểu, dễ theo. Phật trong Ta. Và thăng hoa trong thơ Thiền
Lý - Trần. Ta cũng là Phật.
Trước Phật, tất cả những kẻ nghèo khó, khốn cùng đến vì vua
cao sang đều là chúng sinh, đều chịu kiếp khổ nạn. Chỉ có lòng từ bi, chỉ có
tinh thần hỷ xả, tránh xa cám dỗ, tu tập thiện tâm, đốn ngộ, giúp mình giúp đời,
cư trần lạc đạo, để đạt đến thân tâm an lạc.
Phật giáo, trước khi là một tín ngưỡng đã là một phương pháp
tu tập, thiết thực, gần gũi, có giá trị khoa học cao, cho tất cả mọi người. Vì
lẽ đó, Phật giáo theo sát thời cuộc, luôn cập nhật, đồng hành cùng cuộc sống.
Phật giáo vị tha, không phân biệt, không chấp trước, dễ vào lòng chúng sinh. Vì
thế, Phật giáo luôn hiện đại.
Huế là thành phố nhỏ, tọa lạc hơn 140 ngôi chùa, tính cả tịnh
xá, tịnh thất, niệm phật đường khoảng ngoài 500. Rộng ra cả tỉnh Thừa Thiên -
Huế chưa thể kể hết.
Mới thì như Thiền viện Trúc Lâm. Cổ xưa như Thiên Mụ. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, từ 1553, mô tả: “Chùa ở phía Nam làng Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông, tưởng như gang tấc bên trời vượt hẳn ba ngàn thế giới. Du khách đăng lâm thưởng lãm, bất giác lòng thành phát động, niềm tục sạch không, đáng là một cảnh trí non bồng nước nhược”.
Mới thì như Thiền viện Trúc Lâm. Cổ xưa như Thiên Mụ. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An, từ 1553, mô tả: “Chùa ở phía Nam làng Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông, tưởng như gang tấc bên trời vượt hẳn ba ngàn thế giới. Du khách đăng lâm thưởng lãm, bất giác lòng thành phát động, niềm tục sạch không, đáng là một cảnh trí non bồng nước nhược”.
Ở Huế, 80% là Phật tử. Gia đình Phật tử là những tổ chức thiện
nguyện, góp công góp sức xây dựng một xã hội an lành. Khi đất nước lâm nguy,
người dấn thân không hề run sợ đầu tiên chính là Phật tử. Thượng hoàng Trần
Nhân Tôn lui về núi cũ sau khi dẹp xong Nguyên - Mông. Phật tử từ Huế xuống đường,
tự thiêu, dấy động phong trào, lật đổ chế độ gia đình của một tổng thống thiên
vị. Đất nước hòa bình, giang sơn nhất thống, người cấy lúa, kẻ làm thơ, coi danh
lợi trong đời như mưa bay, như gió thoảng.
Chẳng phải Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ tài danh, một Phật tử
Huế đã ôm đàn nghêu ngao:
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không...
Để - gió - cuốn - đi…”.
NGUYỄN TRỌNG HUẤN
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét