Xứ Huế vốn nổi tiếng bởi những công trình lăng tẩm, đền đài,
cung điện nổi tiếng và là kinh đô xưa của triều đại Nguyễn kéo dài gần hai thế
kỷ. Trải qua thời gian Huế vẫn phần nào giữ được những nét cổ kính và trầm mặc.
Và chính cái vẻ trầm mặc ấy đã tạo cho Huế một dấu ấn riêng rất dễ nhận ra, đó
là dáng vẻ trầm lắng và vô cùng quyến rũ.
Sông Hương như một dải lụa hiền hoà miên man chảy rồi như một
người dẫn đường xuôi dòng nước đưa chúng ta đến miệt vườn Vỹ Dạ với vườn hoa thảm
cỏ xanh mướt, ngược lên Thiên Mụ để thả mình theo tiếng chuông chùa văng vẳng,
rồi đột ngột rẽ vào sông Bạch Yến tới bến Huyền Không để phiêu diêu cùng với
gió mây, với thế giới của hoa thơm trái ngọt và thiền giữa một không gian cổ
kính.
Cầu Tràng Tiền- nét duyên trên dòng Hương giang
Đã biết bao lần đến Huế, lúc vội vã, lúc thong dong, nhẩn nha
nhưng Huế đã để lại trong mỗi chúng ta một tình cảm hết sức đặc biệt tựa như là
một cố nhân vậy. Không sao quên được bởi Huế dịu dàng quá, thậm chí đến cái nắng
cũng dè dặt sợ làm người khác khó chịu, nhưng cũng rất đỗi ngây thơ tinh nghịch
xiên qua vành nón Huế (nay đã là thương hiệu) trêu chọc những cô nữ sinh trường
Quốc Học, Hai Bà Trưng đang tha thướt trong tà áo dài. Còn những ngày mưa Huế lại
khoác trên mình tấm áo choàng cổ kính, đượm buồn dễ gợi cho khách cái cảm giác
nhớ mong...
Không những cảnh đẹp, người hay mà còn nghe nói Huế xưa có
nhiều trò chơi lãng mạn và lịch lãm, rồi có cả những thú vui trần tục như: Thả
thuyền, chơi trăng, ca Huế, ngủ đò, thả thơ. Tinh hoa của những trò chơi ấy nay
vẫn còn và còn được nâng lên tầm cao mới trở thành văn hoá du lịch mà chỉ có ở
Huế.
Gọi là ngủ đò nhưng có ai xuống đò để ngủ bao giờ. Thoạt đầu
người ta xuống đò để nghe ca Huế để thoả mãn cái thú tiêu dao trên sông nước
cùng với gió trăng và nghe chuyện nhân tình thế thái qua mỗi làn điệu ca Huế. Về
sau này cũng có giai đoạn thái quá, ngủ đò có lúc dường như trở thành mua hoa
bán nguyệt nhưng đó là chuyện của ngày xưa bây giờ chỉ là những câu chuyện kể lại
mà thôi.
Thả thơ là canh bạc văn chương vừa có tính sát phạt vừa đậm
chất trí tuệ, tài năng, mưu lược nên được không ít văn nhân sĩ tử đam mê và muốn
thi thố. Để có một cuộc thả thơ người ta phải kết những con đò lại với nhau
thành những chiếc bằng để tổ chức thả thơ. Nhà cái sẽ trải một cái chiếu giữa
thuyền cùng dăm ba ngọn đèn dầu phụng rọi vào và cuộc thả thơ bắt đầu. Cái thú
tham gia của kẻ sĩ là vừa được vận dụng hết những kiến thức thánh hiền đã được
học vừa được chơi vơi bồng bềnh trên sông nước lại được nghe ca Huế réo rắt, du
dương bên tai, hoặc nỉ non cùng với nhã nhạc...
Ca Huế hình thành từ dòng ca nhạc dân gian với ca nhạc cung
đình, nhã nhạc trang trọng uy nghi có thần thái của ca nhạc thính phòng. Ca Huế
thể theo hai dòng lớn là điệu Bắc và điệu Nam với trên 60 tác phẩm thanh nhạc
và khí nhạc. Thú nghe ca Huế tao nhã, đầy sức quyến rũ. Đến đây du khách sẽ được
ngồi trên những con thuyền rồng mà các vua chúa xưa hay ngự, trong khoang thuyền
dàn nhạc rất đa dạng gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tỳ bà, nhị, đàn tam, xênh...
Các nhạc công, ca công còn rất trẻ, nam mặc áo the, quần thụng đầu đội khăn xếp,
nữ vận những chiếc áo dài cổ từ thời võ vương Nguyễn Phúc Khoát giữa thế kỷ 18,
trước mũi thuyền là khoảng không gian rộng để hóng mát, ngắm trăng.
Huế về đêm, sông Hương trở nên huyền hoặc hơn, ánh đèn điện hắt
xuống dòng sông như tráng một lớp ánh bạc, gió mơn man, dìu dịu như xoa nhẹ
lòng du khách, thuyền bồng bềnh trôi giữa dòng chở đầy khách và nhạc công. Các
nhạc công dụng các ngón đàn khá chau chuốt như ngón nhấn, ngón mổ, day, búng,
ngón phi, ngón rãi những khúc ca tiếng nhạc lúc khoan, lúc nhặt làm nên tiết tấu
xao động tận đáy hồn lữ khách. Âm Bắc có âm sắc tươi vui, trang trọng như: phú
lục, cổ bản, lưu thuỷ, khúc lộng gồm phẩm tiết, nguyên tiêu, liên hoàn, hồ quảng,
tây mai, tẩu mã, kim tiền, xuân phong, long hổ, bình bản. Điệu Nam thì réo rắt,
du dương như: Nam ai, Nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Điệu
Nam là sự sáng tạo tuyệt vời có biệt tài khơi gợi nội tâm, âm hưởng của giai điệu
đem lại cho người nghe cái cảm giác bâng khuâng tiếc thương, buồn cảm, nó như sợi
tơ mong manh chạm vào tận đáy lòng du khách, gợi lên nhiều nỗi tương tư...
Trời đã khuya lắm rồi, văng vẳng phía xa tiếng gà gáy sáng
cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ điểm năm canh. Trong khoang thuyền nhạc vẫn réo
rắt, lời ca vẫn nồng nàn, cái giọng Huế ngọt ngào và dễ thương quá, du khách vừa
lâng lâng cùng cung nhã nhạc vùa say đắm trong cái ánh mắt của ca công e lệ kín
đáo nhưng cũng vô cùng nồng ấm thiết tha... khúc tương tư theo yêu cầu của du
khách qua giọng hát của cô gợi buồn da diết, bài quả phụ ảo não sầu thương. Sau
tuần rượu chúc mừng lại có người đề nghị được nghe cô hát khúc lưu thuỷ. Và bằng
một giọng ca thật đắm đuối pha lẫn chút giận hờn trách móc, lời ca lại cất lên
giữa sông Hương trong cảnh đêm tàn.
Không gian như lắng đọng, thời gian như ngừng tụ chỉ có lòng
du khách đang thả hồn cùng tiếng hát mê ly... và chợt nhận ra rằng đằng sau cái
giọng ca ngọt ngào ấy là nội tâm phong phú của người con gái Huế, âm thầm kín
đáo và cũng rất đỗi tinh tế. Xa xa bên kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp
Phước Duyên dát ánh trăng vàng, sóng vỗ in mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi
cùng tiếng đàn réo rắt, du dương.
Theo TCDL
143 năm vương triều Nguyễn (1802-1945)
Triều Nguyễn - triều đại Phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, đã
tồn tại trong suốt hơn 143 năm (1802-1945) với 13 đời vua Nguyễn. Thông thường
các vua Nguyễn sau khi mất, bài vị được đưa vào thờ tại Thế Miếu, có Miếu hiệu ứng
với tên của các đỉnh đồng đúc dưới thời Minh Mạng (1835), trừ các vua bị phế
truất và các vua bị Pháp đày ra khỏi nước.
Lăng vua Minh Mạng
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet
Riêng vua Dục Đức (phế đế) có Miếu hiệu Cung Tôn Huệ Hoàng đế là do con trai là
vua Thành Thái truy phong, nhưng bài vị không được đưa vào thờ tại Thế Miếu.
Các vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân vào năm 1959 đã được Hội Đồng
Nguyễn Phước Tộc làm lễ và đưa bài vị vào thờ tại Thế Miếu.
Nguồn Tư liệu
Sông Hương - Dòng sông tâm linh
Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số,
qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước
từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông,
gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.
Hai bên dòng sông có nhiều làng mạc, đô thị có từ thời xa xưa
tạo nên một nền văn minh Thuận Hóa kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Điều
đặc biệt là dòng sông đã cưu mang và nuôi dưỡng người Huế, vì thế người dân sống
quanh vùng châu thổ xem sông Hương như Mẫu thần, bằng một huyền thoại sinh ra
chùa Thiên Mụ; và sau khi chảy qua địa phận núi Ngọc Trản, nước sông xanh và một
huyền thoại nữa về chén ngọc của nữ thần, ngày nay còn điện Hòn Chén. Dọc theo
đôi bờ sông Hương có nhiều chùa chiền, đền đài miếu vũ, có lẽ thời xa xưa là
nơi cầu nguyện của dân làng vào buổi bình minh, chính vì vậy mà ngày nay dân Huế
có tục phóng sanh đăng. Những gì mà dòng sông Hương mang trong mình là một huyền
bí, là một sự chở che thiêng liêng, là sức sống nhiệm mầu của người dân xứ Huế.
Ảnh: Internet
Thuở nhỏ, lũ bạn tôi rủ nhau đi tắm sông Hương, mọi người
kháo nhau ai bơi qua bên kia bờ thì vượt qua được kì thi tốt nghiệp, không biết
có đúng hay không, cả bọn đua nhau bơi, ai cũng qua đến, kẻ trước người sau, thế
mà cuối cùng cả bọn đều đậu tốt nghiệp. Lớn lên, sau khi thành đạt ở đời, chúng
tôi hẹn nhau ra bờ sông Hương ngắm cảnh uống nước, càng về khuya, sau khi tiếng
máy thuyền tàu đã ngừng hẳn, mặt sông yên lặng, nước lững lờ trôi, mọi người hết
nói chuyện, chúng tôi ngồi lắng nghe dòng sông thì thầm, dòng sông có tiếng nhạc,
tiếng nhạc như tiếng nhạc trời, chỉ khi không gian thật yên tĩnh và tâm hồn người
lắng đọng mới có thể nghe được âm thanh này. Âm thanh tiếng nhạc khác với âm nhạc
bình thường, nghe du dương và lạ, dường như tiếng nhạc được dòng sông chuyển tải
từ trời mang về hạ giới.
Ảnh: Internet
Người Huế có nhiều cách giải thích vì sao dòng sông có tên là
sông Hương, cũng có nhiều sử liệu ghi chép cẩn thận, đi ngược lên thượng nguồn
còn phát hiện loài cỏ Thạch Xương Bồ có hoa thơm hòa vào nước sông, thậm chí có
nhiều huyền thoại về mùi thơm của nước sông. Nhưng có “một huyền thoại vọng về
từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông
xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống
dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho.” Nghe qua có vẻ là huyền
thoại, nhưng nếu chúng ta suy ngẫm kỹ sẽ thấy, đây là một sự thật chứ không phải
là huyền thoại chút nào. Trong Phật giáo việc dùng hương hoa và các thứ dầu
thơm để cúng dường là một việc làm thể hiện sự cung kính và lòng chí thành
trong việc câu nguyện và tích phước. Hơn nữa người Huế có tục tắm sông vào buổi
sáng, hiện nay chỉ còn tại bến Me, còn những bến khác hầu như vì ô nhiễm cho
nên người dân không duy trì được. Người dân từ xa xưa đều làm vậy để dâng lên mẫu
thần và cầu nguyện vào mỗi buổi sáng hừng đông. Điều này chẳng khác mấy việc
người Ấn vào mỗi buổi sáng sớm đến dâng hoa và dầu thơm vào dòng sông Hằng, cầu
nguyện, tắm và tẩy rửa hồng trần lẫn cả tâm linh, cầu mong được giải thoát. Những
ai sau khi chết, được thiêu bên bờ sông và thủy táng trên sông Hằng là một điều
vinh dự, biểu hiện sự siêu thoát. Họ xem dòng sông như một nữ thần (God- ness)
và dòng sông làm chiếc cầu nối giữa trời và cõi dân gian.
Mỗi con sông đều có đặc tính riêng, tùy thuộc vào dòng chảy và tiềm năng của nó, con người có thể dựa vào đó để sinh sống, tưới tiêu, nước uống và giao thông. Xét về mặt hữu ích sông Hương có đầy đủ các tính năng nuôi dưỡng và che chở cho sự sống, cho nên được tôn xưng như một bà mẹ hay Mẫu thần. Ngược lại, có nhiều dòng sông với nguồn nước đục, dòng chảy xiết, có thể gây nên nhiều sự đe dọa cho cư dân sinh sống và xây dựng đô thị ven sông. Chính vì thế mà sông Hương được người dân xứ Huế tôn vinh như một Nữ thần và tục lệ cầu nguyện trên sông chính là nguồn mạch tâm linh cho sự sống. Cho nên sông Hương còn có thể gọi là Linh Giang hay sông Linh.
Mỗi con sông đều có đặc tính riêng, tùy thuộc vào dòng chảy và tiềm năng của nó, con người có thể dựa vào đó để sinh sống, tưới tiêu, nước uống và giao thông. Xét về mặt hữu ích sông Hương có đầy đủ các tính năng nuôi dưỡng và che chở cho sự sống, cho nên được tôn xưng như một bà mẹ hay Mẫu thần. Ngược lại, có nhiều dòng sông với nguồn nước đục, dòng chảy xiết, có thể gây nên nhiều sự đe dọa cho cư dân sinh sống và xây dựng đô thị ven sông. Chính vì thế mà sông Hương được người dân xứ Huế tôn vinh như một Nữ thần và tục lệ cầu nguyện trên sông chính là nguồn mạch tâm linh cho sự sống. Cho nên sông Hương còn có thể gọi là Linh Giang hay sông Linh.
Điều đặc biệt là sông Hương chảy đến đâu, làng mạc và cư dân
chan hòa đến đó. Dòng sông đã mở ra nguồn thiêng của sự sống của người dân và
tâm linh của họ. Sông Hương còn chia sẻ buồn vui với người dân xứ Huế, ôm ấp
như mẹ ôm con. Sông Hương cũng là một bản hùng ca gắn liền với lịch sử oanh liệt
của dân tộc. Qua bao thăng trầm của lịch sử, sông Hương là niềm tin và an ủi của
người dân. “Chiều chiều trước bến Văn Lâu” là giọng hò bi tráng, khi cảnh nước
mất nhà tan, có thể tâm sự và nói chỉ còn sông Hương, như người con cầu nguyện
nữ thần che chở cho người ngược mái lên chiến khu theo phong trào Duy Tân. Cùng
với sứ mệnh của lịch sử, sông Hương đã che chở cho những chiến sĩ cách mạng
bình yên, để rồi khi ra đi, họ còn gọi tên “Hương Giang ơi!” như một lời cảm ơn
đối với một mẫu thần che chở.
Trở lại đầu nguồn, nơi nhập lưu của hai dòng Tả - Hữu Trạch, ở
ngã ba Bằng Lãng, trên ngọn đồi Tứ Tượng, tượng đài mẹ hiền Quán Thế Âm hướng về
dòng sông, trút cam lồ vào dòng sông, với ánh mắt từ bi trìu mến, cứu độ muôn
dân. Nơi đây hội tụ của niềm tin tâm linh của người dân xứ Huế, biểu tượng từ
bi cứu khổ, chỉ cần hướng về dòng sông cầu nguyện, tâm sự vui buồn của thế
gian, nơi đầu dòng Bồ tát lắng nghe, thấu hiểu và chở che. Không ngẫu nhiên mà
người xưa gọi dòng sông Hương là Mẫu thần hay Nữ thần, hoặc người bình thường đời
nay gọi là người phụ nữ dịu hiền... đều thể hiện tính cách ảnh hưởng từ trái
tim dịu dàng và lòng từ bi bất tận của vị Bồ Tát hi sinh cứu đời. Từ ngàn xưa
cho đến ngày nay, người phụ nữ Huế có giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, tính cách dịu
hiền, cử chỉ đoan trang, khiến nhiều người khi đến Huế đều trầm trồ khen ngợi,
cũng đều do ảnh hưởng tính cách của dòng sông Bồ Tát, người mẹ hiền của người
dân.
Không những người dân xứ Huế hằng ngày nghe tiếng chuông trên
đồi Hà Khê, mà những người khắp cả nước đều nghe “tiếng chuông Thiên Mụ” qua
thi ca. Dòng sông Hương dịu dàng mang theo tiếng chuông sớm chiều chảy qua bao
xóm làng và đô thị, nơi đó là niềm tin được chuyển đến, vun bồi và tô đắp văn
hóa và văn minh hướng thiện. Sáng sớm mờ sương, tiếng chuông chùa vang vọng
trong không gian, mang bình yên cho mọi loài; người nông dân với công việc đồng
áng, người lên rừng, người về thành thị với công việc bề bộn đời thường đều bắt
đầu từ tiếng chuông. Có một truyền thuyết cho rằng có một quả chuông rơi xuống
sông Hương trước mặt chùa Thiên Mụ, to như quả chuông hiện còn ở đây, vớt không
lên, đẩy không nổi. Nhưng quả thật chưa ai nhìn thấy quả chuông, hoặc chưa thấy
một khảo cứu nào công bố, nhưng đây có thể là một dụng ý của người xưa, đem sự
bình yên cho người dân sống trên hai bờ sông; ngoài ra còn một ý nghĩa khác, quả
chuông này dùng để đánh cho người ở cõi âm nghe mà chuyên nghiệp quay về nẻo
giác. Âm vang tiếng chuông do dòng sông chuyên chở hằng ngày là tiếng chuông
hòa bình, âm siêu dương thái.
Ở Huế, có một nhà nghiên cứu cổ vật nổi tiếng, ông sưu tầm nhiều đồ cổ được người dân vớt từ dòng sông Hương. Phải nói rằng, dòng sông Hương còn là một kho tàng cổ vật quý giá, đây là một trong những nguồn khảo chứng về văn hóa Việt Nam nói chung và Thuận Hóa nói riêng. Còn hơn thế nữa, trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu còn có nhiều tượng Phật quý, chuông to chuông nhỏ, mõ to mõ nhỏ, chuỗi hột... được vớt dưới lòng sông, đúng là của thiêng trên dòng sông thiêng, một dấu ấn tâm linh hi hữu của dòng sông di sản.
Ở Huế, có một nhà nghiên cứu cổ vật nổi tiếng, ông sưu tầm nhiều đồ cổ được người dân vớt từ dòng sông Hương. Phải nói rằng, dòng sông Hương còn là một kho tàng cổ vật quý giá, đây là một trong những nguồn khảo chứng về văn hóa Việt Nam nói chung và Thuận Hóa nói riêng. Còn hơn thế nữa, trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu còn có nhiều tượng Phật quý, chuông to chuông nhỏ, mõ to mõ nhỏ, chuỗi hột... được vớt dưới lòng sông, đúng là của thiêng trên dòng sông thiêng, một dấu ấn tâm linh hi hữu của dòng sông di sản.
Chúng ta được dòng sông che chở, nhưng chúng ta lại để mất điểm
với di sản quý báu này. Đó là chúng ta tùy tiện khai thác, làm ô nhiễm nước
sông và tiếng ồn của những chiếc thuyền máy làm xáo động vẻ yên tĩnh và dịu
dàng của dòng sông. Muốn lấy lại điểm cho dòng sông, trên đoạn sông từ cầu Bạch
Hổ đến cầu Trường Tiền, không được đánh bắt cá, vì cá trên đoạn sông này được
ưu tiên; thuyền bè qua lại trên đoạn sông phải tắt máy, chỉ được phép chèo bằng
tay hoặc chỉ chạy vào những giờ giấc cố định. Khi thành phố Huế được trả lại với
không gian yên tĩnh, thời gian vắng lặng về khuya, tiếng ồn ào của những chiếc
thuyền máy, phà chở vật liệu khai thác, xe hơi chạy ầm ầm trên phố đã ngừng hẳn,
ngồi trên bờ chúng ta nghe được tiếng dòng sông Hương chảy rì rào cùng tiếng
gió, sông Hương phảng phất mùi thơm trong sương mờ, càng về khuya càng cảm giác
dòng sông đang thở, trở nên có linh hồn, có sự sống, sự sống linh thiêng.
Là người Huế, cho dù đi tha hương họ đều nhớ về sông Hương
như một bà mẹ chở che; khi có dịp đi qua sông Hương, mỗi người đều nhìn ngắm vẻ
đẹp của bà mẹ, vừa cầu nguyện một điều gì đó bình an. Thể hiện rõ nét nhất là
phong tục phóng sanh đăng trên sông Hương vào những đêm rằm hoặc 30 âm lịch và
vào những ngày lễ lớn và lễ hội Phật giáo. Đặc biệt vào ngày lễ Phật Đản, sông
Hương lung linh huyền ảo dưới ánh trăng ngập tràn đèn hoa, hòa cùng với lời câu
kinh và bài ca Đóa Sen Trắng trầm hùng cất lên trong giờ phút bảy đóa sen được
thắp sáng, hàng ngàn hoa đăng thả bềnh bồng theo dòng nước, lâp lánh sánh với
ngàn sao. Sông Hương trở thành dòng sông Hoa, bảy hoa sen tỏa sáng, tạo cho Huế,
cho dòng Hương một chiều sâu tâm linh thiêng liêng, đem lại cho lòng người một
cảm giác bình an, sâu lắng. Dòng sông như rộng hơn, sâu thẳm hơn và mang một vẻ
đẹp vừa lung linh vừa huyền bí.
Mùa Phật Đản thành phố rợp cờ đèn, xe hoa, thuyền hoa, bảy
hoa sen lớn, hàng ngàn hoa đăng trên sông Hương, tạo thành một bức tranh hoa
lung linh, quyện với hoa hương thiên nhiên mà sông Hương mang về, làm cho thành
phố Huế trở nên thơ mộng, dòng sông Hương trở nên thiêng liêng huyền bí. Những
phong tục thắp sáng hoa sen, thuyền hoa, phóng sanh đăng, tụng kinh cầu nguyện...
đây không phải là việc “đến hẹn lại về” mà là một truyền thống văn hóa Huế
xuyên suốt thời gian và không gian, nối thực tại với quá khứ, nối trần gian với
cõi thiêng, nối văn hóa tâm linh hiện tại với quá khứ huy hoàng của dân tộc. Mỗi
lời cầu nguyện và mỗi ngọn đèn hoa là một sự tỏa sáng trong tâm hồn của người
dân xứ Huế hướng về điều thiện, hướng về dòng chảy tâm linh cao quý mong cho nhân
loại hòa bình, trước sự che chở của dòng sông Bồ Tát, dòng sông Mẫu thần, dòng
sông tâm linh.
Lê Mậu Phú
Nguồn: TCSH
Tuyệt tác "tranh vẽ" trên sông Hương
Sông Hương - con sông đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa...
làm đắm say lòng người và biết bao giới văn nghệ sỹ bởi vẻ đẹp thanh bình và
lãng mạn. Không những thế, sông Hương còn là nơi kiếm sống của những người dân
nghèo ven sông...
Dưới đây là những khoảnh khắc ấn tượng mà PV
NetCodo ghi lại vào một buổi chiều yên bình trên dòng sông Hương.
Minh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét