Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Có một lũy tre làng trong ký ức tuổi thơ

Có một lũy tre làng trong ký ức tuổi thơ
Mùa này chắc lá tre quê tôi bắt đầu rụng. Hôm trước đọc báo thấy mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu của Việt Nam được giá. Vui thì vui thật nhưng chẳng biết lũ trẻ quê tôi có còn chỗ để móc mo tre nữa hay không?
Tôi sinh ra ở một vùng trung du xa hút hắt. Tuổi thơ của tôi gắn chặt với miền quê cằn cỗi ấy. Nhưng đến năm tôi lên lớp năm, sau những trận đỏ đen ngút trời, bố mang cả gia đình bỏ đi biệt xứ.
Có những buổi chiều lặng gió, đứng giữa vườn dừa bạt ngàn của vùng Đông Nam Bộ, tôi ngơ ngác xăm soi từng thân cây một mong tìm lại chút thân quen. Cây tre bắc bộ ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Những khi ấy tôi nhớ da diết cơn mưa lá tre ào ào của một vùng mờ mờ trong kí ức. Tất cả chỉ là ảo vọng của một đứa con tha hương sống lay lắt bên kia bờ hoài niệm mà thôi. 
Quê tôi có nhiều loại cây lắm: Cây mít, cây trôi, cây quéo… Mỗi độ bão tràn về, thế nào sáng ra cũng có dăm cây cổ thụ đổ vật xuống, chắn kín đường làng. Tôi hỏi ông tôi: “Ông ơi! Sao chúng lại bị đổ hả ông?”. Ông bảo tôi rằng: “Vì chúng chỉ đứng đơn độc cháu ạ!”. Tôi “À” một tiếng rõ to rồi phóng mắt nhìn ra xa, rặng tre ngoài kia quấn chặt lấy nhau vẫn đứng hiên ngang trong gió. 
Cây tre quê tôi cao vút, được ghép lại bởi hàng chục đốt xanh ngắt mỡ màng nhưng cũng có khi vàng óng ả. Lũ trẻ chúng tôi phân loại từng rặng tre: Búi tre ông Nghi, búi tre ông Đản, tre ngộc, tre hóp… Búi tre ông Nghi gày xơ xác, thấp lè tè nhưng chắc đến đanh lại. Cứ mỗi mùa quả đay đến vụ, quả xoan ương sắp chín hay thậm chí sang cả mùa cơm nguội, trưa nào lũ trẻ chúng tôi cũng rình mò, lén lút đâu đó quanh khóm tre ít ỏi. Chỉ lơ một cái, y rằng một cây cũng bị chặt phéng ngay đem về chia nhau làm súng hóp. Thằng nào chẳng may bị bắt, mặt nó xanh lét đến thảm hại bởi ông Nghi, chủ nhà, đã từng nổi tiếng vì thành tích chặt đứt đuôi con bò nhà thằng Tưởng chỉ vì nó dại dột liếm vài cái lá tre. 
Búi tre ngộc được biết đến nhiều hơn cả. Tôi còn đặt cho nó cái tên tre tây. Vì nghe bà kể bọn tây hồi xưa cũng to như tre ngộc vậy. Muốn nhìn thấy ngọn, tôi phải khum khum hai tay, nheo mắt lại. Trên đó chim kéo về hàng đàn vì chẳng mấy khi có người trèo lên được. Mo tre ngộc to như cái quạt nan, vàng xộm, đem bán cho các nhà đan nón phải đắt gấp hai tre thường. Mỗi độ thu về, nhiều đứa có khi chỉ vì tranh nhau cái mo tre mà  choảng nhau sứt đầu mẻ trán. 
Ông tôi có tài làm mọi thứ bằng tre. Khoảng tháng tư, tháng năm hàng năm, lúc bão bắt đầu tràn về, ông ngả bớt những cây tre rìa búi sắp đổ. Sau đó ông ngâm xuống ao đến vụ cá đầu đông. Vào những ngày giá rét, tôi ngồi xem ông cắt khúc cây tre như cắt khúc một con lươn khổng lồ vừa kéo được dưới ao lên. Chỉ từ vài khúc tre như vậy ông tôi đã biến hoá ra bao nhiêu thứ: Cái rổ, cái giá, cái giần, cái sàng… 
Ông tự làm cho mình một cái điếu cày rất đẹp, châm lửa hút thuốc bằng đóm tự chẻ luôn. Những ngày xẻ thịt cây tre, ông không bao giờ quên đan cho tôi cái bu gà trọi và cái giậm treo lên gác bếp chờ mùa lụt sang năm. Ở một nơi xa lắm, nơi cây tre chỉ có trong từ điển, tôi nhớ quá gốc tre cùng ông trồng những ngày cuối tôi sắp phải ra đi.  
Mùa lá tre về, đâu đâu cũng giăng mắc bao chiếc thuyền cong cong, xoay trong gió. Lá tre rụng ào ào như trút, rụng triền miên. Cây tre trút đi chiếc áo để mùa đông đứng xo ro chịu rét. Nhưng khi ấy bà tôi vào mùa. Vẫn chiếc áo nâu sờn khâu bao lần chỉ bên ngoài và bên trong là chiếc áo cánh gián toả ra mùi trầu hăng hăng quen thuộc. Một tay cầm chổi rễ cùn, tay kia bà kéo lê chiếc bao tải cũ mèm len lỏi khắp các búi tre. 
Bà luồn bàn tay nâu xạm, đầy những đường gân vơ từng chiếc lá. Tôi chạy theo bà, thi thoảng cũng bẻ được vài cành củi rồi lại biến tót ngay để mặc bà nhặt mùa thu mang về. Tôi nhớ nhất cái dáng ngồi đun bếp của bà. Bếp thì nhỏ lại ọp ẹp. Mùa hè khói quyện đặc, cay xè mắt. Thế mà bà vẫn ngồi còng gập trên chiếc ghế con đủn đều đặn từng nắm lá tre dọc theo năm tháng. 
Mùa đông bà dậy từ tinh mơ bắc bếp nhẩn nha luộc cho tôi nồi khoai củ mật. Nhớ ngày ấy, mỗi sáng vùng dậy, tôi không bao giờ chịu mặc quần áo rét ngay mà đánh chiếc quần cộc lao vù qua sân xuống bếp bó gối tựa lưng vào người bà. Ngồi buồn, tôi kiếm cành rào nhỏ phá bĩnh bếp lửa, lúc thì tranh bà đủn lá tre, lúc thì lấy tàn than giết lũ kiến xung quanh. Bà giơ cao cái que bời cháy nham nhở dứ dứ, tôi chạy biến.
Nhớ về tuổi thơ tôi nhớ day dứt nồi khoai củ mật và cái que bời cháy nham nhở ngày nào. Ngày tôi đi, lưng bà còng hẳn rồi. Tay bà thì run run ghê lắm. Ấy thế mà bà băm rau lang nấu cám cho lợn lại chẳng bao giờ bị đứt tay như tôi. Bà bảo tôi: “Nó có cữ rồi”. Tôi gật gật dẫu chẳng biết “cữ” là gì cả. Nhưng bữa cơm bà chan canh khó thực. Nước cứ sóng sánh trực trào ra bên ngoài. Tôi bất ngờ reo lên: “A! Bà chan canh không có cữ nhớ”. Bà bật cười móm mém: “Cha bố anh!”.  
Bao giờ tôi cũng xí phần chan canh cho bà. Thế mà tôi lại phải đi… 
Hôm đó ông bà đưa tiễn chúng tôi ra mãi tận đầu làng. Ông thì yên lặng nhưng bà thỉnh thoảng lại lau mắt bằng chiếc khăn mùi xoa mà lần nào đi chùa về bà cũng gói trong đó không quả chuối thì cái oản cúng cho tôi. Chiếc xe xa dần, xa dần. Tay bà run rẩy trong hơi lạnh. Lá tre đổ ào ào như bão.
Mùa này chắc lá tre quê tôi bắt đầu rụng. Hôm trước đọc báo thấy mặt hàng mây, tre đan xuất khẩu của Việt Nam được giá. Vui thì vui thật nhưng chẳng biết lũ trẻ quê tôi có còn chỗ để móc mo tre nữa hay không?
Cách đây vài tháng tôi bất chợt gặp thằng bạn ấu thơ phiêu dạt vào đây. Nó kể “quê mình giờ lấy đâu còn lá tre”. Ông bà nội tôi thì đã mất cả rồi. Thế mà chẳng hiểu sao tôi vẫn day dứt về một mùa lá tre. Có lẽ tôi phải về thôi. Biết đâu búi tre ông trồng cho tôi chả còn…
 Nguyễn Anh Thế 
Nguồn: Dân Trí
Theo http://quehuongonline.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...