Thênh thang Hà Nội mùa trút lá
Cho đến khi bạn dừng lại trước cột đèn nằm bên cạnh một gốc
me già. Bất chợt, bạn thảng thốt ngẩng đầu lên. Lá me đổ ập xuống. Người thiếu
nữ đưa tay vén hờ tóc còn vương lại vài lá me nhỏ xíu. Thế ra, Hà Nội đã vào một
mùa trút lá…
Sớm mai thức dậy, bạn bỗng thấy bầu trời cao và xanh hơn. Con
đường thường ngày bạn vẫn đi như nhỏ lại một chút bởi gió cứ trêu đùa mơn man
trên cánh tay trần thiếu nữ. Nắng đổ ập xuống những vòm nhỏ hanh hao. Bạn cứ cảm
thấy Hà Nội hôm nay có gì khang khác. Một Hà Nội nhẹ hơn một chút, trầm hơn một
chút và êm dịu hơn một chút.
Nhưng bạn không thể chỉ ra được tường tận cái biến đổi mơ hồ ấy. Cho đến khi bạn
dừng lại trước cột đèn đỏ nằm bên cạnh một gốc me già. Bất chợt, bạn thảng thốt
ngẩng đầu lên. Lá me đổ ập xuống, chầm chậm, chầm chậm. Người thiếu nữ đưa tay
vén hờ tóc còn vương lại vài cánh lá me nhỏ xíu. Thế ra, Hà Nội đã vào một mùa
trút lá…
Bạn hãy dừng xe lại một chút, tạt vào một quán cóc ven đường
và nhấp một ngụm trà không đá. Nhưng hãy nhớ chọn cho mình quán cóc dưới gốc
cây cổ kính. Sẽ chẳng khó cho bạn đâu để tìm một quán nhỏ như thế. Quán leo teo
người. Sau ngụm nước chè đầu tiên, vai bạn đã thênh thênh đôi chiếc lá vàng. Dưới
đáy cốc đã kịp in một chút nắng tràn qua kẽ lá. Và bạn có biết mình vừa uống một
chút thanh khiết của mùa thu!
Bao người Hà Nội phương xa nhớ một mùa sấu trút lá trên con
phố Phan Đình Phùng. Lá trải thảm xao xác bên lề đường. Lá cuốn nhẹ tênh theo một
bánh xe vội vã. Lá đùa vui cùng trận gió sang mùa. Lá đang rơi, cứ thảnh thơi
như trọn một kiếp luân hồi. Bạn sẽ rất nhớ một gốc sấu cụ thể nào đó có bao
nhiêu vết lồi lõm, có những cái rễ sần sùi hay có những con nhện hay làm tổ
trong ấy bởi đó là cây sấu bạn đã trèo cả tuổi thơ. Bạn đã xa Hà Nội. Nhưng chả
bao giờ bạn quên được cái thời khắc này đâu…
Tôi cũng đứng bên con phố Phan Đình Phùng. Bắt gặp một gánh
hàng rong trên đôi vai gày bước vội, chợt thấy lòng buốt nhói. Tạt vào quán ven
đường gọi một cốc sấu đá. Lạnh đến tê người. Cái vị rân rân đầu lưỡi khiến ta
nhớ mẹ, nhớ bà của ta quá. Dáng mẹ ngồi gọt sấu bên bậu cửa. Bàn tay của mẹ
thâm đen nhựa sấu. Tôi cứ tự hỏi quê mình giờ cũng đang trút lá, bà có còn đi
quét lá tre nữa hay không? Thế ra Hà Nội mùa trút lá còn cho ta những thời khắc
gợi lại trong mình chút thênh thang tuổi thơ.
Viết về Hà Nội mùa trút lá, tôi cứ thích dẫn dụ bạn đến những
quán cóc vỉa hè. Không biết có phải đó là nỗi ám ảnh về Hà Nội của tôi không.
Nhưng có lẽ chính những quán cóc ấy đã tự mang trong mình cả thần sắc của Hà Nội.
Có rất nhiều người bạn nói với tôi rằng họ đã rất yêu, rất ước ao một Hà Nội
trong những áng văn. Nhưng họ thất vọng khi đứng trên chính mảnh đất họ từng ước
ao ấy. Tôi chỉ cười mà hỏi mình rằng đã bao giờ họ dám dành ra một chút thời
gian của những toan tính đời thường mà ngồi trong một quán cóc ven đường thảnh
thơi đắm mình trong một Hà Nội mùa trút lá chưa?
Hà Nội có một vẻ đẹp mang nỗi buồn thường trực nhưng buồn hơn
vào những mùa trút lá. Bạn chẳng cần là một thi sĩ nhưng cũng chẳng cầm lòng được
trước một hàng bằng lăng trụi lá, mới hôm nào còn rưng rức tím. Bạn sẽ nhớ lắm
một khoảng trời tây bắc xa xôi bạn đã đi qua khi chợt gặp một cây tếch lẻ loi
trút lá giữa phố phường Hà Nội. Nhớ một cô gái Thái, nhớ một điệu múa xòe, nhớ
một đêm sương. Nỗi nhớ dâng đầy trong kí ức.
Tôi yêu nhất Hà Nội không phải là hương hoa sữa nồng nàn cũng
chẳng phải là mùa hoa sưa quí phái bởi nó xa với kí ức của tôi quá. Tôi yêu nhất
màu lá cơm nguội vàng bên hồ Gươm cổ kính. Bạn có bao giờ quên một tuổi
thơ nhặt quả cơm nguội bắn súng phóc không? Bạn có bao giờ quên cái vị ngòn ngọt,
chan chát của thức quả mùa thu ấy hay không?
Tôi gọi Hà Nội mùa trút lá là “mùa nhớ”. Mỗi chiếc lá vàng
rơi là một nỗi băn khoăn, một nỗi nhớ. Ai cũng có nỗi nhớ riêng của mình. Nhưng
rồi một ngày nào đó, tôi bất chợt gặp bạn ở một nơi xa xứ, hẳn chúng ta sẽ lại
ngồi ôn với nhau kí ức về một Hà Nội mùa trút lá…
Nguyễn
Anh Thế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét