Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Một số thể loại khí nhạc Việt Nam

Một số thể loại khí nhạc Việt Nam

Âm nhạc mới Việt Nam thế kỉ XX đã thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây. Vào những năm 60, ở nước ta bắt đầu hình thành đội ngũ sáng tác khí nhạc chuyên nghiệp ở thể loại nhạc thính phòng và giao hưởng.
       GS.TSKH. Phạm Lê Hòa đã nhận định về khí nhạc trong bài viết Nghệ thuật âm nhạc và con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa như sau: “Ngôn ngữ âm nhạc, nhất là những âm thanh khí nhạc mang trong nó tính trừu tượng cao khi biểu đạt hình tượng nghệ thuật. Điều đó cũng có nghĩa:trong quá trình sáng tạo, nhà soạn nhạc dùng phương tiện biểu đạt là các âm thanh âm nhạc để phản ánh thế giới khách quan và chủ quan thông qua hình tượng nghệ thuật”.[3,tr.1]
Các thể loại của tác phẩm khí nhạc bao gồm: Sonate,Ouverture, tổ khúc, Requiem, giao hưởng, giao hưởng thơ...Chúng luôn giữ vị trí đặc biệt đối với việc xây dựng một nội dung chủ đề phát triển hài hòa, toàn diện. Tác phẩm khí nhạc luôn có khả năng biểu hiện ý nghĩ và tình cảm ngoài tầm cỡ tiếng nói và giọng hát của con người. Nó có thể đề cập đến triết lý cuộc sống, gợi sự phát triển ước mơ, trau dồi sự tưởng tượng...
Âm nhạc giao hưởng - thính phòng có mối liên quan chặt chẽ đến nhau.Tuy nhiên, về mặt quy mô và cách thức biểu diễn có những khác biệt.Tên gọi  “giao hưởng" (symphonie) bắt nguồn từ ngôn ngữ Hy Lạp - có nghĩa là hòa hợp âm hưởng. Sau này "giao hưởng" được dùng để đặt cho các tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng ở các thành phần cấu trúc lớn nhỏ, đa dạng gồm có 4 bộ nhạc cụ chính: Bộ dây (Violon, Alto, Violoncelle, Contrebasse); bộ gỗ (Flute, Hautbois, Clarinette, Basson); bộ đồng (Cor, Trompette, Trombone, Tuba) và bộ gõ. Thể loại âm nhạc này bắt đầu hình thành từ những năm 30 thế kỷ XVIII, khi các khúc dạo đầu (ouverture) trong các vở opera ngày càng phát triển và mang tính độc lập. Từ đó giao hưởng như một thể loại âm nhạc độc lập đã ra đời.  
Giao hưởng bao hàm mọi ý tưởng âm nhạc với mọi khả năng biểu cảm phong phú và đa dạng ở bất kỳ nội dung nào từ chất trữ tình cho đến chất anh hùng ca, từ niềm lạc quan yêu đời cho đến nét bi thương thảm khốc. Đầu tiên, giao hưởng được sáng tác ở hình thức tổ khúc sonate gồm 3 chương theo phong cách trường phái Napoli - Ý. Dần dần, qua quá trình phát triển, trong thành phần của tác phẩm giao hưởng bắt đầu có thêm khúc dạo đầu (của chương I) và Menuette (tính chất vũ khúc cung đình Pháp) đóng vai trò chương cuối của giao hưởng 3 chương.
Sau đó, giao hưởng 4 chương được hình thành, trong đó chương cuối được sáng tác ở hình thức sonate hoặc rondo - sonate. Các chương chậm (chương II hoặc chương III) thường mang nội dung trữ tình biểu hiện sự tương phản với các chương còn lại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đã hình thành nên nhiều tác phẩm giao hưởng ngoài quy luật kinh điển như giao hưởng từ 5 chương trở lên hoặc chỉ có 2 hoặc 1 chương duy nhất ví dụ như giao hưởng thơ (symphonie poème). Ngoài các tác phẩm chỉ dành cho dàn nhạc giao hưởng - thành phần chính, có nhiều tác phẩm giao hưởng còn kết hợp cả với lĩnh xướng và hợp xướng (như giao hưởng số 9 - Hướng tới niềm vuicủa L.V.Beetthoven)… Ngoài ra, thể loại âm nhạc này còn liên kết với các thể loại khác để tạo nên những tác phẩm mang hình tượng nghệ thuật tổng quát như: giao hưởng chiêu hồn, giao hưởng ballet, giao hưởng thanh xướng kịch... Điều quan trọng nhất trong giao hưởng, đó là sự phát triển và mối liên kết các ý tưởng âm nhạc theo logic kết hợp với sự tương phản giữa các chương nhằm tạo nên sự phong phú về hình tượng nghệ thuật và kịch tính âm nhạc sâu sắc.   
       Ảnh:  Chương trình hòa nhạc 
      của L.V.Beetthoven ( Nguồn: st)
Người có công hình thành thể loại giao hưởng là nhạc sĩ người Áo J.Haydn, với hơn 100 bản giao hưởng trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của ông. Có thể nói, nghệ thuật giao hưởng đỉnh cao đã được các nhạc sĩ cổ điển Viên hoàn thiện(J.Haydn, W.A.Mozart, L.V.Betthoven). Các bản giao hưởng E-dur (số 39),g - moll (số 40), C - dur (số 41) của Mozart , Anh hùng ca - số 3, Định mệnh- số 5Đồng quê - số 6 và Hướng tới niềm vuisố 9, L.V. Beethoven đã làm nên những dấu ấn mới, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho loại hình nghệ thuật này. Hơn thế nữa, các sáng tác củaL.V. Beethoven còn làm tiền đề phát triển cho thời kì âm nhạc lãng mạn sau này. Thế kỷ XIX, XX trong sự nghiệp sáng tạo của các thiên tàiF. Schubert,P.I Tchaikovsky, H.Berlioz, F. Liszt, C.Debbussy và D.Shostakovich... Trong dòng nhạc hàn lâm của nước ta, nghệ thuật giao hưởng tuy còn non trẻ nhưng đã cống hiến cho nền âm nhạc của đất nước những tác phẩm đặc sắc như các giao hưởng:Quê hương (Hoàng Việt),Đồng Khởi(Nguyễn Văn Thương), Trăm sông đổ về biển Đông (Trần Ngọc Sương), Rhapsody Việt Nam (Đỗ Hồng Quân)...
Tên gọi “âm nhạc thính phòng” có nguồn gốc từ ngôn ngữ Latinh, mang ý  nghĩa là nhạc để biểu diễn trong phạm vi không gian nhỏ (như phòng hòa nhạc) để phân biệt với nhạc giao hưởng, nhạc sân khấu (ví dụ: opera, oratoria, cantata) dành cho các gian hòa nhạc lớn. Thuật ngữ này được hình thành từ thời Trung cổ nhưng mãi đến cuối thời đại phục hưng mới được khẳng định rõ ý nghĩa mà hiện nay chúng ta vẫn hiểu về nó. Trước kia, âm nhạc thính phòng theo nguyên tắc được trình diễn ở các buổi hòa nhạc trong phạm vi gia đình, chính từ đây đã hình thành nên thành phần các nhạc công của loại hình nghệ thuật này: từ một độc tấu cho đến vài ba nhạc công đủ để biểu diễn trong phạm vi nhỏ và liên kết với nhau thành nhóm nhạc thính phòng. Khi sáng tác cho âm nhạc thính phòng, các nhạc sĩ thường chú trọng chi tiết đến phương thức biểu cảm trong mỗi cấu trúc âm nhạc phù hợp với từng loại nhóm cụ thể.
Giữa thế kỷ XVI, hình thành rõ sự phân biệt giữa nhạc nhà thờ và nhạc thính phòng trong các thể loại nhạc dành cho giọng hát. Một trong những tác phẩm đầu tiên tiêu biểu nhất của "âm nhạc thính phòng" phải kể đến "L'antica musica ridotta alla moderna" của Nicolo Vitrentino (1555). Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, âm nhạc thính phòng bắt đầu phát triển mạnh ở các loại hình âm nhạc dành cho nhạc cụ hay còn gọi là khí nhạc.
Ở những giai đoạn đầu tiên này giữa nhạc cho giọng hát và khí nhạc hầu như không phân biệt về phong các nghệ thuật. Cho đến giữa thế kỷ XVIII, sự phân biệt giữa chúng mới được thể hiện rõ nét, âm nhạc thính phòng luôn đòi hỏi sự sống động và tự do trong ý tưởng âm nhạc hơn âm nhạc nhà thờ.Thể loại cao nhất của âm nhạc thính phòng dành cho khí nhạc thời kỳ này là tổ khúc sonate có nguồn gốc từ tổ khúc. Nửa sau thế kỷ XVIII cùng với tên tuổi các thiên tài J.Haydn, W.A.Mozart, L.V.Beethoven đã hình thành các thể loại âm nhạc thính phòng cổ điển - độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu, ngũ tấu... trong đó ý nghĩa đặc biệt quan trọng là các nhóm dành cho các bộ dây (Violon, Viola,Violoncelle,Contrebass). Chính bởi vì ở các thể loại này hội tụ mọi điều kiện để có thể diễn tả cảm xúc, hình tượng nghệ thuật một cách phong phú nên chúng đã thu hút nhiều nhạc sĩ thiên tài từ cổ điển cho đến hiện đại, ngoài các nhạc sĩ đã kể trên còn có J.Bramhs, A.Dvozak, B.Smetana, E.Grieg, A.P.Borodin, S.V.Rachmaninov (thế kỷ XIX),C.Debussy, M. Ravel, B.Bartok, S.Prokofiev, D. Shostakovich... (thế kỷXX).
     Ảnh: Chương trình hòa nhạc 
     của W.A.MoZart ( Nguồn: st)
Âm nhạc giao hưởng - thính phòng Việt Nam thực sự được hình thành từ thập niên 60và tiếp tục phát triển đến ngày nay.Quá trình này dựa trên mối liên hệ, hỗ trợ với các loại hình khác nhau của âm nhạc mới Việt Nam và nền tảng của dòng âm nhạc dân gian truyền thống. Sự hình thành của âm nhạc thính phòng giao hưởng ở giai đoạn này là sự tiếp thu những khuôn mẫu có sẵn từ âm nhạc phương Tây. Nó cũng là kết tinh giữa nền tảng âm nhạc truyền thống với tinh hoa âm nhạc thế giới. Thể hiện một bước tiến mới của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam qua trình độ của các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, chương trình biểu diễn trong các nhà hát thính phòng - giao hưởng.
Những tác phẩm của Việt Nam phong phú về hình thức, thể loại, ngôn ngữ âm nhạc khá đậm đà bản sắc dân tộc thể hiện được hình tượng đất nước, con người Việt Nam... hai thể loại Requiem và giao hưởng thơ cũng không năm ngoài quy luật đó
Trước hết nói đến Requiem, theo từ điển âm nhạc của trường đại học Havard: Requiem còn được gọi là Requiem Mass (Latin: Missa pro defunctis) hay  Mass của người chết (Latin: Missa defunctorum). Requiem là tên gọi thể loại nhạc nghi lễ của giáo hội công giáo nhằm cầu siêu giúp các linh hồn sớm được giải thoát, thường được diễn ra trong các buổi lễ tại nhà thờ hoặc cũng có thể là trong đám tang.
Tiền thân của Requiem là Messa (hay còn gọi là Requiem Messa).Messa là nói đến thể loại âm nhạc hát hợp xướng dùng trong thánh lễ ở các buổi lễ của nhà thờ Roma.
Về ca từ, ban đầu lời kinh Messa thường dùng tiếng La Tinh, đây được coi là ngôn ngữ thể hiện sự chuẩn mực, trang nghiêm, linh thiêng của các buổi lễ này. Tuy nhiên về sau này cũng có một số nơi khác sử dụng tiếng bản địa để thay thế cho tiếng La tinh trong buổi lễ của các nhà thờ công giáo khác.Về âm nhạc, Messa là một tác phẩm độc lập với lối hát hợp xướng acappela không nhạc đệm hoặc cũng có thể sử dụng dàn nhạc giao hưởng đệm với biên chế đầy đủ các bộ.
Một tác phẩm Messa hoàn chỉnh bao gồm 5 phần đó là: Kyrie, Gloria, Credos, Sanctus and Bernedius, Agnus Dei. Đây là các phần chính không thể thiếu được khi Messa được diễn tấu, ngoài ra tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi buổi lễ có thể bổ sung thêm những phần phụ khác.
Phần đầu tiên - Kyrie, đây là nghi thức thông thường trong việc tổ chức buổi lễ Messa. Lời kinh trong phần này gồm Kyrie elesion, Christe elesion (tạm dịch: lạy chúa xin thương xót và chúa kito xin thương xót. Phần Kyrie thường ngắn gọn, súc tích, có cấu trúc đối xứng, thường sử dụng hình thức ABA hoặc AAABBBCCC, luôn xuất hiện 2 chủ đề tương phản lẫn nhau. Về sau, trong requiem của Mozart cũng dùng “Kyrie” và “Christe” làm lời ca  tương ứng  với đó là hình thức fuga 2 chủ đề được sử dụng trong tác phẩm.
Tiếp đến là Gloria, đây là phần nhạc có nội dung ngợi ca sự thiêng liêng, cao cả của đức chúa trời và chúa Kito. Gloria được viết theo yêu cầu của các nhà thờ nên cấu trúc cũng như ca từ của Gloria luôn có sự thay đổi để phù hợp với từng buổi lễ.
Phần thứ ba là Credo - phần dài nhất của Messa. Lời ca của Credo  mang mục đích tạo nên sự thống nhất giữa các giáo dân khi họ cùng hát vang lên lời cầu nguyện với đức tin chung.
Phần thứ tư là Sanctus và Benedictus, đây là hai loại có liên hệ chặt chẽ với nhau.Trong thánh ca Gregorian, Sanctus cùng Benedictus đều chiếm vị trí quan trọng trong một bản Messian.Lời ca của Sanctus nguyên gốc thường sử dụng tên gọi Gloria ejus để chỉ đức chúa trời. Sau này trong phần Sanctus ở các tác phẩm như: Messian h-moll của J.S. Bach, hợp xướng Martin Luther của Isaiah... thì tên gọi gọi của chúa được thay bằng đại từ “Người”.
Phần cuối cùng là Agnus Dei có nội dung tóm tắt lại một bản Messian. Trong một Requiem messian lời ca có được thay đổi để phù hợp với từng buổi lễ cầu siêu.
Như vậy, thể loại Requiem có nghĩa là lễ cầu siêu, lễ cầu hồn.Theo tiếng la tinh nó lại có nghĩa là “yên nghỉ”. Mỗi Requiem thường diễn ra theo trình tự 5 phần gồm: Kyrie, Gloria, Credo, Sanctus và Benedictus, Agnus Dei. Trong âm nhạc, Requiem được viết theo lối viết lễ nhạc cho thánh đường (Mass) có thể gọi là khúc cầu hồn. Rất nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng như V.A.Mozart, G. Verdi, J. Brahms, H. Berlioz, A. Dvorak...có các requiem được hình thành manh nha từ cái chết. Đó là Mozart soạn theo đơn đặt hàng của một người dấu tên có dụng ý để trình diễn trong dịp kỉ niệm một năm sau ngày mất của ông ta. G.Verdi soạn để đánh dấu ngày giỗ của nhà thơ Ý- Alassandro Manzoni, J. Brahm soạn vì mẹ ông vừa mất... Tới nay có khoảng 2000 bản nhạc Requiem, đa phần được viết trong thời kì Phục hưng. Thường thì những Requiem ở thời kì này viết theo lối hát nhiều bè không có nhạc cụ đệm (A capella). Đến thế kỉ XVIII, các nhạc sĩ đã bổ sung thêm dàn nhạc giao hưởng đệm vào, từ đó thể loại nhạc này đã trở thành một tác phẩm được trình diễn ở các phòng hòa nhạc nhiều hơn ở các thánh đường.
Trong quá trình hình thành và phát triển nghệ thuật giao hưởng hợp xướng ở Việt Nam nói chung, thể loại Requiem đã xuất hiện, dần được hình thành, định hình. Tác phẩm Khúc tưởng niệm của nhạc sĩ Doãn Nho đã đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình phát triển chung đó. [8]
Còn với thể loại giao hưởng thơ, âm nhạc châu Âu thế kỉ XIX đã xuất hiện khuynh hướng liên kết các chương trong giao hưởng thành một chương. Điều này được thể hiện rõ trong một thể loại nhạc có tiêu đề gọi là Thơ giao hưởng. Thể loại gồm tác phẩm viết cho dàn nhạc, có một chương, cấu trúc có tính thống nhất liền mạch, khó có thể diễn tấu tách rời các phần cấu thành của nó.Tiền đề của thể loại này thấy trong các Ouverture của W.A. Mozart,L.V.Beethoven. Sau đó được định hình và trở thành một thể loại hoàn thiện  bởi F. Liszt nhạc sĩ người Hungary với tên gọi Thơ giao hưởng. Tác phẩm giao hưởng thơ đầu tiên do ông sáng tác đánh dấu sự ra đời của thể loại này là Ce qu'on Entend sur la Montagne( Những gì chúng tôi nghe thấy trên núi) (1847 - 1848).
Do sức biểu cảm phong phú, có khả năng thể hiện một cách cô đọng về tâm hồn, cũng như tư tưởng của nhân vật trong tác phẩm nên thể loại giao hưởng thơ ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình. Tiếp sau Liszt, các nhà soạn nhạc Tây Âu và các đại diện của nhiều trường phái dân tộc khác nhau đều lưu ý đến thể loại giao hưởng thơ. Trong số đó có Bedrich Smetana với tác phẩm Richard IIITrang trại của VallenshteinGecon Jarlhay tổ khúc giao hưởng thơ Tổ quốc tôi (gồm 6 phần trong đó mỗi phần là 1 giao hưởng thơ). Bên cạnh đó, Camille Saint - Saens cũng có nhiều tác phẩm nổi bật như Vũ điệu ma quỷTuổi trẻ của Heracle...
Thơ giao hưởng là một thể loại âm nhạc có tiêu đề, cấu trúc một chương, viết cho dàn nhạc.Mặc dù được phát triển liên tục, song mỗi phần của tác phẩm đều mang những nét điển hình của các chương trong một liên khúc sonate hay liên khúc giao hưởng.Đó là phần thứ nhất - nhanh, phần thứ 2 - chậm, trữ tình hoặc giống chương schezo, phần thứ 3- tái hiện.Tuy nhiên, so với liên khúc sonate thông thường, giao hưởng thơ kết thúc cô đọng thể hiện nội tâm mạnh mẽ và có những nét riêng.
Các sáng tác ở thể loại giao hưởng thơ có cấu trúc tự do. Ngoài những nét điển hình của thể loại liên khúc sonate hay liên khúc giao hưởng, tác phẩm còn có thể được viết ở hình thức biến tấu, ba đoạn phức, rondo, rondo sonate...
Đây là một dạng cấu trúc độc đáo bởi nhà soạn nhạc đã khéo léo kết hợp những hình thức âm nhạc khác nhau vào trong cùng một cấu trúc thống nhất của tác phẩm.Bên cạnh việc tạo nên sự phong phú, độc đáo và mới lạ cho thể loại, việc kết hợp này còn góp phần thể hiện, phản ánh sinh động những tình tiết, hình tượng văn học khác nhau. Vì ở thể loại giao hưởng thơ, âm nhạc luôn đi theo nội dung, đề cương của một câu chuyện, hay phác họa tính cách một nhân vật (như trong Don Juan- Richard Strauss), hoặcmangtính chất mô tả như giao hưởng tranh(Biển- C. Debussy, Người học trò của pháp sư- P.Dukas)...
Ở Việt Nam, từ những năm 60 của thế kỉ XX, các nhạc sĩ đã tiếp thu khuôn mẫu của thể loại giao hưởng thơ trong âm nhạc phương Tây để cho ra đời nhiều tác phẩm giao hưởng thơ Việt Nam.Trong đó gửi gắm những tâm tư, tình cảm, những nỗi niềm mang tính thời đại các nhạc sĩ của chúng ta đã có nhiều sáng tạo dựa trên những nền tảng có sẵn của âm nhạc châu âu nhằm tạo nên những nét riêng mang tính dân tộc. Ngoài ra các nhạc sĩ cũng thường quan tâm đến đề tài về lãnh tụ, quê hương đất nước như : Người về đem tới ngày vui (Trọng Bằng), Tưởng nhớ (Vân Đông), Những cánh chim cao nguyên (Nguyễn Tài Tuệ), Dáng đứng Việt Nam (Ca Lê Thuần), Biển cả và quê hương (Hoàng Dương), Đất nước anh hùng (La Thăng), Việt Nam đất nước của niềm tin và hy vọng (Minh Khang), Khát vọng (Nguyễn Thị Nhung), Không đề (Đàm Linh), Ước mơ bản Mường (Mông Lợi Chung), Chân trời bến đợi (Vũ Duy Cương), Không đề (Đức Trịnh), Níu vào mùa thu (Lê Tịnh)...
Cũng có các nhạc sĩ khai thác nhân vật truyền thuyết anh hùng như Thánh Gióng (Doãn Nho)...
      Ảnh: Một buổi biểu diễn của Dàn nhạc 
      giao hưởng Quốc gia Việt Nam ( Nguồn: st)
Cùng với đó đề tài liên quan đến các sự kiện trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc trong thế kỉ XX như: Lửa cách mạng (Trần Ngọc Xương), Thành đồng Tổ quốc (Hoàng Vân), Giải phóng Điện Biên (Hoàng Đạm), Đồng khởi (Nguyễn Văn Thương), Nữ anh hùng miền Nam (Nguyễn Thị Nhung), Đất lửa anh hùng (Hà Sâm), Đường ra tiền tuyến (Nguyễn An), Nam kỳ khởi nghĩa (Lê Khiêm), Nhớ Trường Sơn (Huy Loan), Tháng Tám lịch sử (Doãn Nho)...
Giao hưởng thơ ở Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ trong quá trình phát triển và hình thành âm nhạc bác học ở nước ta. Vận dụng nhiều thủ pháp như hòa thanh, phức điệu, phối khí...của châu Âu, các nhạc sĩ đã không ngừng sáng tạo để chọn lựa đề tài, xây dựng chủ đề âm nhạc, tạo hình tượng âm nhạc cho đến lối tiến hành giai điệu...để phù hợp với lối tư duy, xúc cảm của người Việt Nam. Vì vậy, các tác phẩm giao hưởng thơ của nước ta luôn độc đáo và thấm nhuần tính dân tộc.
Các nhạc sĩ luôn sáng tạo trong việc vận dụng những cấu trúc, hình thức, hòa thanh... các phương thức phát triển tiếp thu từ âm nhạc phương Tây để thể hiện những nội dung hình tượng âm nhạc giàu tính dân tộc .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Minh Châu (2007), Âm nhạc Việt Nam Tác giả tác phẩm (tập III), Viện Âm nhạc, Hà Nội
2. Hồng Đăng, Tân Huyền, Vũ Tự Lân (1997), Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại, Nxb Hội nhạc sĩ, Hà Nội.
3. Phạm Lê Hòa (1/2013), bài viết Nghệ thuật âm nhạc và con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nội san Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Nhung (2001), Âm nhạc thính phòng - giao hưởng Việt Nam, Nxb Âm nhạc.
5. Nguyễn Thị Nhung (2005), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nhạc viện Hà Nội, Hà Nội.
6. Nguyễn Thị Nhung (2006), Âm nhạc Việt Nam Tác giả, tác phẩm  (Tập I), Viện âm nhạc, Hà Nội.
7. Nguyễn Thị Nhung (2006), Phân tích tác phẩm âm nhạc, quyển 2,  Nhạc viện Hà Nội
8. Willi Apel (1969), Từ điển Âm nhạc của Havard (quyển 3), Đại học Havard, USA.
Dương Vũ Bình Minh 
Theo http://www.spnttw.edu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...