Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Lặng nghe hoa sấu rụng

Lặng nghe hoa sấu rụng
Cứ phải bốn năm mới có một tháng nhuận. Năm nay, nhuận rơi vào tháng tư, như là duyên cớ của trời đất để mà dây dưa, kéo dài quãng giao mùa xuân hạ.
Ðã tắt lịm sắc đỏ hoa gạo, như những tàn lửa đóm, rơi rớt trong màn sương mù đã tan loãng ven hồ Tây. Bây giờ, cây gạo đầu đường Quảng Bá, chỉ còn hình bóng lờ mờ trong mắt ai còn lưu luyến. Còn gốc gạo cổ thụ sát chân Tháp Bút, lối vào đền Ngọc Sơn cũng chết từ lâu. Họa may, dáng cây cổ kính còn đổ bóng trong ký ức ai đó...
Mỗi lần một mình lối cũ, bơ vơ, lạc lõng ven hồ, tôi như vẫn thấy thoáng mầu hoa đỏ, sót lại trong mắt dăm người già ngơ ngác. Còn thấy chợt rụng, bông hoa gạo cuối cùng, đỏ rực như hòn than hồng gặp gió trước khi tắt lụi trên nền gạch khô khốc. Nhuận tháng tư kéo dài mùa xà cừ, sấu trút lá vàng ngập đầy vỉa hè, lòng đường. Từng lớp lá dày như trải thảm. Xào xạc bước chân, xao xác tiếng chổi tre, lác đác mấy bóng người gập lưng quét lá khô nén vào bao tải.
Mỗi người sống cả đời với một con phố, một nếp nhà. Mỗi phố lại gắn bó một loài cây. Trông cây lại nhớ tới người thân, người thương. Nhớ đến nao lòng tuổi thơ vô lo, vô nghĩ. Ngày xa xưa ấy, Hà Nội chưa mở mang, nở nang và phổng phao như bây giờ. Cả thành phố nhỏ bé, tưởng chừng có thể gói gọn vào một tà áo dài tha thướt. Thủng thẳng cuốc bộ chưa kịp mỏi chân, đã hết cả 36 phố phường. Chỉ năm xu tàu điện từ phố Yên Phụ đến chợ Mơ, Cầu Giấy, thế là đi hết Thủ đô. Ngày xưa ấy, trẻ con nghỉ hè chỉ quẩn quanh chơi với cây cối, chim chóc, với hồ ao, với sông Hồng. Thuộc từng gốc cây sấu già sóng đôi hai bên đường Phan Ðình Phùng, Ngô Quyền...
Dãy bàng cổ thụ ngả cành, xòa bóng mát phố Tràng Thi, đường Yên Phụ. Mỗi cây mỗi mùa hoa, mỗi mùa quả. Có cây không cho hoa cũng chẳng cho quả, nhưng cho rợp mát trưa hè nắng nôi. Cho người ở gần, người qua đường nương bóng. Cho người đi xa, rời xa, nhớ da diết, ứa nước mắt. Nhớ cái tuổi trèo me, trèo sấu, cây cối trên mỗi con phố thân thuộc như trong vườn nhà. Nhớ nhất là mùa hoa sấu rụng. Lá vàng vừa trút xuống, lá xanh non đã trùm kín. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tán lá đã xanh ngắt tự bao giờ. Rồi sấu ra hoa ngay, chi chít, lấm tấm, rắc đầy trên hè phố. Có những gốc sấu đã mòn dấu chân tuổi học trò, chờ nhau nơi góc phố, vun nhặt đầy vạt áo hoa sấu trắng ngà. Cái vị chua chua, chan chát, đến giờ vẫn còn dư vị nơi đầu lưỡi, trong ký ức. Tuổi thơ thành thị gói gọn trong vạt áo, quả ổi đào, sấu chín, chùm hoa phượng hay cành cơm nguội. Trưa hè thì rủ nhau lên bờ đê đổ dế mèn, nhặt cỏ gà. Thú nhất là trèo me, dính ve. Hơn chục tuổi đầu đã biết quét lá, nhặt củi khô về cho mẹ thổi nấu. Hoặc lên hồ Tây, hồ Trúc Bạch vớt cá, úi tôm sau những trận mưa rào...
Ba tháng hè tưởng như kéo dài mãi. Tuổi thơ chất đầy những kỷ niệm nho nhỏ, nhưng khó quên. Mỗi con phố, gốc cây, vạt cỏ trở nên thân thuộc, gắn bó. Mỗi khi đến hè, nghe tiếng ve râm ran, lặng nghe hoa sấu rụng, chợt ngó vào những quán trò chơi điện tử, những căn hộ khép kín, khóa chặt những đôi mắt trẻ thơ dán chặt mặt vào ti-vi, màn hình vi tính... mà xót xa. Những chồi non, cây non "ươm trồng" trong bốn bức tường, giữa bê tông cốt thép, hít thở không khí và mùi vị như thế nay mai sẽ lớn lên ra sao? Cho hoa, cho trái và những mùa quả ra sao? Con người có khác gì cái cây. Thiếu khí trời, không được tưới mưa dãi nắng, sẽ còi cọc, cằn cỗi cả thân xác lẫn tâm hồn. Lặng nghe hoa sấu rụng, nhớ nhiều...
Thanh Tuyền
Theo http://quehuongonline.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...