Năm 1971, trong một dịp vào Sài Gòn chấm thi tại trường Gia
Long, tôi có dịp quen biết với một cặp vợ chồng người Nam, quê ở Cần Thơ. Vì biết
là người Huế, lại đang dạy học ở vùng giới tuyến Đông Hà-Quảng Trị, nên anh chị
đã dành cho tôi mối cảm tình đặc biệt của người lính văn phòng dành cho người
lính đồn xa. Dù chưa ra Huế lần nào nhưng sự hiểu biết của cặp vợ chồng nầy về
Huế khá sâu sắc và tỉ mỉ như cách nhìn của một nhà khảo cổ nhìn lại thời
xa xưa qua sách vở. Một trong những mong ước của anh chị là một ngày nào đó được
ra thăm Huế.
Tôi mời anh chị mùa Hè năm sau ra Huế ở lại với gia đình tôi
chơi để làm một chuyến du lịch vùng đất có nhiều vui buồn đầy huyền thoại nầy.
Sau hơn một tuần chu du hết các thắng cảnh, lăng tẩm,
chùa chiền, núi rừng, sông biển của Huế, hai ngày trước khi rời
Huế về lại Cần Thơ, anh chồng kéo riêng tôi ra quán cà phê, nhìn trước nhìn sau
để yên chí là không có tai vách mạch rừng rồi mới trầm giọng nói nhỏ vào tai
tôi:
– Mình muốn cậu cho mình biết cái “dzụ” đó.
Tôi nhớn nhác chưa rõ chuyện gì, thì thào hỏi lại:
– Cái “dzụ” gì vậy anh?
Anh trả lời hơi lắp bắp:
– Thì, thì… cái “dzụ”… ngủ đò ấy mà!
– Tôi vỗ đùi cười ngặt nghẽo:
– Chuyện dễ ợt nằm trong lòng bàn tay, muốn lúc nào cũng đuợc
mà anh làm tôi hết hồn.
Anh đỏ mặt nói như phân bua:
– Thì tụi mình là nhà giáo với nhau, mình sợ mang tiếng rồi
thì khó lên lớp lắm. Bởi vậy mình rất tò mò muốn biết “ngủ đò” nó như thế nào,
nhưng lại rất ngại làm phiền cậu.
Vì nể bạn, tôi trả lời hăng tiết vịt cho có vẻ mình là dân lịch
lãm ở quê hương mình, nhưng thật sự trong bụng cũng cảm thấy hơi “ớn lạnh” khi nghĩ tới chuyện ngủ đò.
Hàng ngày tôi vẫn đi qua con đường Hàng Bè, có tên Huỳnh Thúc
Kháng, nhưng ít khi dám ngó thẳng xuống những dãy đò đậu san sát dưới sông. Nhiều
lần đi về khuya qua con đường Hàng Bè nầy, thường khi tôi cố giả câm giả điếc
trước những lần các bà mối lái lôi kéo và mời gọi “Đò cậu !?” trên bến nước Tầm
Dương canh khuya đưa khách nầy. Cái xứ Huế nhỏ bé “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ
đã hay” lại mang nghiệp dĩ làm nhà mô phạm mà được gắn nhãn hiệu “Thầy nớ ngủ
đò” thì sự nghiệp quân sư phụ theo chân đức Khổng Tử sẽ theo đò dọc mà trôi
xuôi về biển.
Sau khi nói cứng với anh bạn ở quán cà phê, tôi bỗng thấy lo
cồn cào ruột gan. Việc đầu tiên là phóng xe một mình xuống Bao Vinh, tìm người
bạn thân lớn tuổi có biệt danh nghe như hiệp khách hành là Phó Biên Thùy để vấn
kế. Anh nổi tiếng một thời ngang dọc trong giới ăn chơi biết trọng nghĩa khinh
tài ở Huế. Nghe hết nỗi lòng thao thức của tôi, lại đến lượt anh cười dòn tan.
Tôi vái thầm là nụ cười dễ dãi của Thùy không phải là nụ cười xã giao thiếu thực
tế chiến trường của tôi. Thùy hỏi một câu quá “hiện đại” làm tôi hơi ngỡ ngàng:
– Rứa bạn cậu muốn ngủ đò mà “ngủ chay” hay “ngủ mặn”?
Tôi đang còn quờ quạng thì Thùy giải thích:
– Ngủ đò chay là thuê đò du lịch trên sông Hương để sinh hoạt
bạn bè, văn nghệ, văn gừng với nhau cho vui. Còn ngủ đò mặn cũng là giong đò
trên sông Hương, nhưng lại sinh họat ong bướm với những nàng Kiều sông Hương.
Tôi hỏi đùa:
– Nếu người ta thích cả “vào chay ra mặn” có được không?
Thùy trả lời thật tình:
– Trường hợp tất cả khách đi đò đều là đàn ông thì chẳng
có chi trở ngại, ai thích mục nào làm mục đó, nhưng nếu có phụ nữ thì bắt
buộc phải ngủ chay.
Tôi liền cậy Thùy làm quân sư trong biến cố ngủ đò tổ chức
cho người bạn. Theo sự cố vấn của Thùy, tôi về nhà và mời cả hai vợ chồng người
bạn ra nói chuyện.
Khi tôi mở lời đề nghị mời cả hai vợ chồng người bạn đi ngủ
đò, anh chồng mặt tái xanh không biết vì sợ hay vì giận. Anh nhìn tôi một cách
nghiêm khắc nửa như hối hận, nửa như trách móc, hỏi bằng một gịọng rất xa lạ và
lạnh lùng:
– Xin lỗi anh, anh cho chúng tôi là hạng người nào…?
Chị vợ mím môi, vòng tay trước ngực, mắt trống không nhìn bất
động vào một cõi xa xăm nào đó để biểu lộ sự thất vọng vì bị xúc phạm.
Tôi hơi lúng túng vì sự hiểu lầm có vẻ quá nghiêm trọng thì
Thùy đã xuề xòa, cái xuề xòa của một tay từng trãi với đời đã làm cho không khí
bớt ngột ngạt. Thùy đã dem hình ảnh những cuộc du thuyền rồng của giới vua quan
và các sứ giả ngoại quốc trên sông Hương ngày xưa làm vũ khí dẫn giải. Lịch sử
ngủ đò trên sông Hương bắt nguồn từ thú chơi tao nhã của hàng mặc khách tao
nhân. Đò chứa dầy trăng và chở đầy hương hoa của thơ và nhạc. Nếu có chăng những
chén rượu nồng và những trao gởi đầu mày cuối mắt thì cũng chỉ là những sương
khói nhẹ nhàng kiểu tài tử giai nhân. Nước sông Hương, do đó, còn được gọi là
nguồn “Tiêu Kim Thủy” - ngàn vàng chuốc môt trận cười. Nhưng rồi mỗi nước non đều
có một “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Chuyện ngủ đò trên sông Sông Hưong cũng
thế, cũng có một thời tuổi trẻ và một thời tuổi già; một thời để yêu và một thời
để chết. Sông Hương đã trút áo hào hoa để sống còn qua những cơn tai biến của lịch
sử, để hòa điệu sống giữa chợ đời đầy cát bụi. Cái thanh và cái thô của Huế bao
giờ cũng có sẵn. Thanh hay thô là do kẻ đi tìm…
Thùy đã mô tả hết cái thanh và cái tục trong chuyện ngủ đò để
thuyết phục cặp vợ chồng bạn tôi vui vẻ chấp nhận lời mời đi “ngủ đò” ngay chiều
hôm đó.
Chiếc đò khách có mui, lòng rộng hơn hai thước cặp bến Thừa
Phủ vào buổi chiều nắng sắp tắt. Thùy đã tế nhị mời thêm hai cặp vợ chồng
yêu thích văn nghệ cùng đi và anh cũng đã khéo léo cho đò cặp vào bến Thừa Phủ
thay vì bến Gia Hội hay Phu Văn Lâu vốn là những điểm nóng của khách “giang hồ
ngủ mặn” để khỏi bị nhòm ngó. Cặp vợ chồng bạn tôi tỏ vẻ căng thẳng và hồi hộp
thấy rõ với những giòng mồ hôi chảy dài trên má. Cả hai e dè bước xuống thuyền
như một sự phó mặc cho số phận an bài.
Đến khi thuyền ra giữa sông như cánh chim bằng đã cỡi mây
vùng vẫy ra ngoài bốn bể thì cái cảm giác “ngủ đò” mới bắt đầu lắng xuống. Giữa
lòng sông chiều nghe sóng vỗ mạn thuyền róc rách với sức đẩy của gió Nồm từ Thuận
An lên tự nhiên cái cảm giác trần tục từ từ nhường lại cho sự thanh khiết và lắng
đọng trong mỗi con người. Thuyền hướng về phía cầu Bạch Hổ. Nhìn phía lái, o
lái đò tóc lộng gió chiều che nghiêng khuôn mặt trông như một người mẩu làm
phông cho cầu Trường Tiền. Một phần nhỏ cầu Trường Tiền còn hoe nắng giống chiếc
lược ngà cài trên mái tóc sông Hương. Cầu Bạch Hổ thô và đen sậm có vẻ như hiện
thân của sự thách đố với nắng gió và thời gian. Bên nầy là Thương Bạc, Phu Văn
Lâu với cột cờ Thành Nội sừng sững không biết uốn cong mình trước những cuồng
phong của lịch sử nên đã mang đầy mình những vết tích tang thương. Bên kia là
bia Quốc Học Đồng Khánh và con đường áo trắng ngây ngất biết bao nhiêu kỷ niệm
học trò đầy tiếng cười và tiếng thút thít dấu giữa khăn mù soa thêu hoa tím của
gặp gỡ và chia xa thời tuổi dại.
Cặp vợ chồng miền Nam ngồi sát vai nhau cho khỏi lạnh. Ngồi cạnh
mũi thuyền, cả hai lặng im, mở to mắt, căng buồng phổi để tận hưởng buổi chiều
trên sông Hương. Tôi thấy Thùy nhìn họ, không nói, nháy mắt mỉm cười. Cặp
vợ chồng nhìn lại với ánh mắt trẻ thơ mà trang trọng, tôi nghe cả hai
cùng mấp máy: “Cám ơn anh!”.
Chiếc đò bềnh bồng nương gió chiều lướt êm trên giòng sông
Hương đang đổi từ màu xanh lam buổi chiều sang màu tím nhạt hoàng hôn và màu
vàng lụa dưới ánh trăng con gái e ấp bên kia sông. Hai bên bờ, nhà cửa chìm khuất
sau những bức tường cây giờ đã đổi sang màu đen thăm thẳm huyền bí. Đọt dừa, đọt
cau và tàng cây cao vút vẽ hoa văn cho nền trời bàng bạc khói sương. Trăng dát
vàng trên sóng nước và kết ngọc cả giòng sông. Khi thuyền đến nhánh sông chia
ba gần chùa Thiên Mụ thì sông nước và làng mạc, ruộng đồng đã tắm ngập cả
trăng. Khói sương, cây lá, lưng sóng và tóc mây đều choáng ngợp ánh trăng vàng
lung linh huyền ảo.
Giữa thanh vắng vô cùng con người bỗng cảm thấy cái tôi của
mình tan loãng để hòa vào cái “đại ngã” của thiên nhiên. Mọi người trong đò
hình như đang quên chiếc đò và giòng sông để nói với nhau thật nhiều trong
thinh lặng cho đến khi người chủ đò từ đằng lái bước tới, nói với khách bằng
ngôn ngữ hiện thực của con người:
- Xin quý khách cho biết là muốn neo đò ở đây hay chèo lên ngã
điện Hòn Chén.
Thùy hỏi ý kiến chung và quyết định hướng đò lên ngã thượng
nguồn sông Hương. Đò chèo quanh như lưu luyến vùng sông nước xanh đen mượt trước
chùa Thiên Mụ như có một chút gì tiếc nuối hương xưa rồi quay mũi hướng về phía
núi Bãng Lãng. Anh bạn người Nam hỏi Thùy:
– Tôi đọc sử nghe nói Chùa Thiên Mụ là do Nguyễn Hoàng – mà
người đương thời gọi là chúa Tiên, cho khởi công xây dựng từ năm 1601 phải
không anh? Được đứng trước một di tích lịch sử gần 4 thế kỷ mà vẫn còn nguyên vẹn
như thế kia, tôi cảm thấy xúc động và ngưỡng phục người xưa vô cùng.
Thùy giải thích thêm:
– Theo tương truyền thì khi xưa, ban đêm có người trông thấy
một bà lão mặc áo đỏ quần xanh ngồi trên gò Hà Khê, tức là vùng đất cao của
chùa Thiên Mụ ngay trước mặt chúng ta đây, nói rằng:”Rồi đây sẽ có một vị chúa
dân tới nơi này để dựng chùa, đặng tụ linh khí và củng cố long mạch”. Nói xong
bà lão biến mất nên dân chúng bèn gọi gò Hà Khê là núi Thiên Mụ. Khi chúa Tiên
đặt chân tới gò Hà Khê thấy cảnh trí hùng vĩ, trước có sông, sau có hồ, xa xa
có núi. Cảm kích trước cảnh non sông cẩm tú, trước khi quyết định dời đô về đất
Thuận Hóa, chúa cho xây một ngôi chùa trên gò Hà Khê lấy tên là Thiên Mụ Tự, đó
là chùa Thiên Mụ ngày nay.
Người chủ đò cho biết nếu chỉ chèo tay mà không dùng động cơ
gắn sẵn trên đò thì ít nhất cũng mất hai giờ nữa mới đến nhánh sông điện Hòn
Chén. Thùy đề nghị là lúc về sẽ dùng đến máy, nhưng vòng lên chỉ nên chèo tay.
Rốt cuộc dư vang của sóng nước sông đêm vẫn nghe vỗ vào mạn thuyền xao xác và
tiếng chèo khua nước vẫn nhè nhẹ chẻ nước để thuyền đi trong đêm trăng. Một người
bạn của Thùy bắt đầu thổi sáo. Tiếng sáo dìu dặt nương theo hòa âm của đất trời
đủ sức lay động lòng người. Những người trong đò bắt đầu ngâm thơ và hát những
bài tình ca hay nhất của mình. Cặp vợ chồng miền Nam cùng hát dân ca điệu lý
con sáo, rồi lý cây bông như thơ của Kim Tuấn:
Em nhớ chàng em hát lý cây bông
Như con sông con nước ròng con nước nổi
Em thương anh và nhớ anh quá đỗi…
Như cây lục bình quấn quít giòng sông…
Anh thương em sao anh “hổng”tới
Để em buồn em hát lý cây bông…
Cô lái đò chừng như cũng hòa vui với điệu hát câu hò ngồ
ngộ nhưng đầy cảm xúc của khách bỗng cất tiếng hò dìu dặt theo nhịp với mái
chèo. Tiêng hát cất lên từ sau lái mang âm vang thanh thoát của người lĩnh xướng:
Ơ hơ…ơ ơ cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
(Chớ) em qua không kịp (mà) tội lắm anh ơi à…ớ… ơ…ờ
Ơ hơ…ơ ơ… (Chơ) thà rằng không biết thì thôi
(Chớ) biết rồi mỗi đứa (ư…à…) ơ hờ…hớ mà… mỗi nơi ớ hơ
a à… cũng
Tiếng hò vút cao, lững lờ rơi dần xuống thấp, rồi im bặt…
Cũng buồn! Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi cũng buồn. Có lẽ nguồn tình cảm miên
man rất lãng mạn kiểu Huế nằm trong tiếng “cũng”. Cái “cũng… buồn” rất e dè
nhưng cũng rất nũng nịu thâm cung của cô gái Huế có nghĩa là níu kéo, là sẽ
tương tư, là hào phóng một cách “tình cho đi ai lấy lại bao giờ”. Tất cả những
người khách có mặt trong đò đều khẩn khoản yêu cầu cô lái đò hò thêm bài nữa nhưng
vẫn hoàn toàn im lặng, cái im lặng bất thường của một tâm hồn sôi nổi thường có
vẻ ghê ghê như cây cối mới theo gió vật vờ bỗng đứng yên giữa vùng tâm
bão. Cô lái chỉ tay về mé sông bên kia với một vùng cây cối thâm u, đen kịt
trong đêm. Giọng cô nói như rì rào với gió: “Điện Hòn Chèn thờ Bà Chúa đó.
Ngài thiêng lắm. Ai hò hay hát giỏi, Ngài ưng ý, ‘bắt lính’ âm binh rồi
thì hết đường chạy chữa, chỉ có nước đem chôn thôi”. Nghe giọng nói nghiêm
trang như con chiên ngoan đạo của cô lái, khách trên đò cũng cảm thấy phảng phất
một chút sương mờ “ớn lạnh” nên chưa ai tiếp tục cuộc chơi “để em buồn em hát
lý cây bông”. Cặp vợ chồng Nam Bộ xích lại gần nhau thêm chút nữa chừng như để
che chở cho nhau mà trốn lính âm binh… Bỗng Phó Biên Thùy cất tiếng cười dòn
tan như cốm bắp An Thuận, tiếng cười không chờ đợi và đúng lúc có mãnh lực an ủi
chúng sinh trên đò như nhà pháp sư trừ ma ếm quỷ. Thùy chỉ tay về phía bờ sông
bên kia, nơi có lùm cây cao nhô lên, nổi bật giữa lằn chân trời cây đen thẩm,
giải thích:
– Đó là Điện Hòn Chén, tên chữ là Ngọc Trản (có nghĩa là chén
ngọc). Đây là đền thờ Nữ thần Thiên Y A Na, vốn là một nữ thần Chàm. Theo Đào
Thái Hanh trong Bulletin des amis du vieux Hué; xuất bản năm 1914 mà thời đi học,
tôi đọc lóm được của Ba tôi thì Thiên Y giáng trần qua bóng dáng của một thiếu
nữ đẹp huyền diệu và vào đời qua một câu chuyện tình thần tiên vương giả. Rồi
cũng như những câu chuyện tình buồn của Huế, nữ thần cũng ra đi trong nước mắt.
Nhưng cái mê hoặc của trần gian đau khổ nầy nó lạ lắm. Nó vẫn còn mãi níu kéo nữ
thần vương vân với cuộc đời để ban bố bao nhiêu là phép lạ cho con người. Vì vậy,
trong niên hiệu đầu, vua Gia Long ban cho nữ thần chức tước “Thần tối cao và ơn
đức vô biên, ban phước lành khắp mọi nơi đầy linh hiển”.
Thế nhưng, khoảng hai năm trước, tôi có dịp tham gia vào đoàn
rước lễ của Thiên Tiên Thánh Giáo Huế, hành hương bằng thuyền trên sông Hương từ
Điện Hòn Chén về Bãi Dâu với đoàn thuyền có đủ cờ quạt, lọng tàn, lễ nghi rực rỡ
đầy màu sắc thì lại được nghe một vị chức sắc cho biết đây là nơi thờ Thánh mẫu
Liễu Hạnh. Nguyên bà là con gái thứ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, giáng trần vào rằm
tháng Tám năm 1557 đời Mạc Phúc nguyên tại Vụ Bản, tên Giáng Tiên. Người tiên
giáng phàm nhưng vẫn không thoát khỏi nợ tình với Trần Đào Lang. Và rồi cũng
như Thánh nữ Thiên Y A Na, Thánh Mẫu Liễu Hạnh được về lại cõi trời năm hai
mươi mốt tuổi, nhưng vẫn yêu cảnh trần gian nên đành xin Ngọc Hoàng trở lại… với
nhiều phép lạ giúp dân lành nên đã trở thành một trong Tứ Bất Tử của dân tộc Việt
Nam: Phù Đổng, Chữ Đồng Tử, Tản Viên Sơn Thánh và Liễu Hạnh. Bà Chúa Liễu Hạnh
đã được sùng kính tôn thờ như một tín ngưỡng dân gian lan rộng khắp nơi, từ Phủ
Giày Nam Định, tới chùa Thiên Minh Lạng Sơn, vào đền Sòng Thanh Hóa, ra Tây Hồ
Thăng Long, vào Sóc Hương Nghệ An… trước khi giáng phàm chỉ đường cho chúa Nguyễn
dựng nghiệp ở Đàng Trong và xây dựng dinh cơ ở Huế. Vua nhà Nguyễn đã sắc phong
cho bà chúa là “Thượng Đẳng Tối Linh Thần”.
Theo nguồn tin dân gian truyền khẩu tại Huế thì bà chúa Điện
Hòn Chén hết sức linh hiển. Đã có rất nhiều người buôn bán xuôi ngược trên sông
Hương đã bị “bắt lính” vì có tài hát hò. Một số khác bị bà chúa “vật chết tươi”
vì có thái độ bất kính khi đò chèo ngang qua Điện Hòn Chén. Năm Tự Đức thứ 15,
nhà vua cảm thương bá tánh vô tội bị chết oan nên đã đích thân lên Điện Hòn
Chén đeo chuỗi hột bồ đề vào cổ bức tượng của bà chúa Liễu Hạnh và khuyên bà
chúa hãy tu hành. Từ đó, bà chúa không còn linh hiển như xưa nữa.
Người kể chuyện im lặng, rồi trầm giọng đọc thơ với một chút
cười buồn:
Mắt nữ thánh cũng sầu xanh soi bóng
Hương Giang ơi! Sao sóng lục vô chừng.
Phó Biên Thùy lại cất cao giọng nói như đọc sớ trên sông:
– Xin van vái bà Chúa, nếu tối nay bà bắt lính, Thùy tôi xin
tình nguyện đi ngay, đừng bắt ai khác tội ngiệp. Thùy nầy vốn ca xướng không
hay nhưng được cái độc thân, vui tính. “Dương binh” được xếp loại hai, nếu vô
“âm binh” xin bà xếp cho loại ba, lọai bốn chi cũng được…!
Hình như lên tinh thần vì vui lây cái tinh thần hài hước của
Thùy hay vì đã có người tình nguyện “chết” thay cho mình nên từ chủ đến
khách trên đò đều lấy lại được cái vui hồn nhiên “giã gạo dưới trăng” tưởng như
đã bị thần linh ném giữa giòng sông.
Cái đẹp của vùng thượng nguồn sông Hương trong đêm là vẻ đẹp
huyền bí của Nghìn Lẻ Một Đêm vì nó mênh mông và êm ả quá, nhưng trong từng giọt
sương, từng mảnh trăng tan trên mặt sóng, từng tiếng vỗ cánh của bầy vạc ăn đêm
và tiếng xao xác của lau lách đều mang ít nhiều huyền thoại của Cố Đô với dư vang của những dấu oai linh hiển hách một thời vang bóng.
Chị bạn người Nam bỗng thở mạnh, hít thật sâu và reo lên như
vừa khám pha ra một điều gì mới lạ:
– Thấy không kìa! Tôi nghe như vừa có một mùi thơm thoang thoảng
trầm hương đâu đây. Tôi đọc sách nghe kể là sông Hương có tên như vậy vì thường
có mùi thơm trên sông…
Có tiếng của anh bạn thổi sáo nói vọng ra từ phía trong mui
đò:
– Tôi đang thưởng thức mùi thơm đó chị ơi, nhưng rất tiếc là
mùi thơm của Seventy Nine và Half and Half trộn lại từ trong chiếc “píp” của
tôi.
Chị bạn tiếc rẻ:
- Vậy thì lời đồn sông Hương có mùi thơm là bịa đặt sao?
Thùy lên tiếng:
– Tôi cũng được nghe mấy cụ xưa kể rằng, xưa kia hai bên bờ
sông Hương có mọc một giống cỏ gọi là “Thạch Xương Bồ”, còn có tên gọi khác là
“Ngoại Xương Bồ” (Acorus Gramineus). Các nhà đông y coi Thạch Xương Bồ có tác dụng
chữa bệnh như vị thuốc trường sinh. Hoa và củ có mùi thơm đặc biệt, về mùa xuân
phấn hoa bay thơm lừng khắp cả mặt sông nên mới có tên là sông Hương.
Chị bạn người Nam lại thắc mắc:
– Anh có bao giờ nghe ai diễn tả lại cái “mùi thơm đặc biệt”
của Thạch Xương Bồ nó thơm nồng, ngọt dịu, đam mê, giống như một mùi hoa nào đó
mà mình đã biết không?
Thùy trả lời hóm hỉnh:
– Chị ạ, tôi lớn từng này tuổi đầu rồi mà vẫn còn độc thân là
vì hương sắc của Thạch Xương Bồ đó chị! Hồi còn sinh viên, tôi ở gần nhà ông thầy
Tàu. Ông thường khoe là trong ba cô con gái của ông, cô út là đại quý tử vì phấn
má có mùi hương Thạch Xương Bồ. Tôi đã bao phen cố làm một chàng Trọng Thủy Việt
Nam để cố “ngửi” mùi Thạch Xương Bồ trên má cô út Mỵ Châu Tàu lai coi thử cái
“đọat hồn hương” đó nó ghê gớm tới mức nào nhưng thất bại, có lẽ vì ông già đã
hiểu quá thâm thúy cái hệ lụy “Nam Quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt nên đã thẳng
tay làm cho chúng tôi xẻ nghé tan đàn.
Có tiếng anh chàng thổi sáo xen vào:
– Các vị nầy răng mà rắc rối dữ rứa? Thì cứ tạm cho mùi hương
Thạch Xương Bồ nó cũng thơm thơm ngọt ngào giống thuốc Seventy- Nine và Half
and Half của tôi đang hút đây nầy thì có chết ai đâu, bảo đảm sẽ không có ai chống
đối hay kiện tụng chi mô mà sợ.
Đò rời vùng Thiên Mụ, xuôi về mạn Kim Long. Một giọng ngâm
thơ nào đó, không hay nhưng đầy cảm xúc, cất lên:
Kim Long có gái mỹ miều,
Trẩm thương, trẩm nhớ, trẩm liều, trẩm đi
Rồi cũng chính ngưòi ngâm bình luận:
– Trời đất! Làm như gái Kim Long toàn là tiên nga giáng thế
không bằng. Xưa vua mê người đẹp, vua liều vua đi là vì bị mấy ông quan lớn gài
bẫy. Những vị quan lớn trong triều phần đông ở miệt Kim Long cho gần cung đình.
Ông nào cũng nuôi mộng con mình lên làm hoàng hậu nên lắm ông quan đã khôn khéo
đóng kịch cho con gái cưng của mình mặc áo lụa hồng, choàng khăn nhiễu tím, giặt
áo trên sông rồi thỉnh hoàng thượng lên nguồn dạo mát. Vua đã ê chề với các cô
cung nữ trong cung quá rụt rè, run rẩy, sợ hãi trước long nhan nên mình cứng
như cây củi. Nay ra ngoại thành nhìn trộm được giai nhân má thắm lưng ong đang
lả lơi để cho gió hôn trên má, nắng cắn trên vai, nước đầm trên yếm… Thế là vua
tương tư. Vua cải trang vi hành đi thăm bá tánh. Vua thêm một lần biết yêu.
Cung đình thêm một hoàng hậu…
Chuyện dân gian kể rằng, vua Thành Thái cải trang làm người
dân thường, lặng lẽ lên Kim Long đi tìm giai nhân mà không gặp vì con gái Kim
Long thường chuyên nghề thủ công ở chỗ im mát nên nõn nà và đẹp nhưng ít khi ra
ngoài. Vua thất vọng ngoắc một chiếc đò trên bến sông Hương để thuê chèo xuôi về
lại hoàng thành. Thuyền cặp bến rước khách, từ trong khoang thuyền, vua nhìn ra
sau lái thấy cô chèo đò đang độ tuổi xuân căng phồng sức sống, với manh áo cũ
vá vai, với môi thắm má hồng và tóc mây vờn bay theo gió. Cô gái uyển chuyển
theo mái chèo với vẻ đẹp tự nhiên làm vua rung động. Vua lại gần hỏi với:
- Nì, o nớ! Rứa chớ có chồng con chi chưa?
Cô gái che miệng cười duyên, đáp vọng lại:
- Tui nghèo nàn xấu xí có ai mà ưa!
Câu nói thủ phận, chơn chất càng làm cho nhà vua cảm thấy cô
gái càng đáng yêu hơn. Vua Thành Thái bước tới giữ tay chèo cô lái lại, bắn
tiếng:
– Tui biết có đám ni khá lắm, để tui làm mối cho o. Chừ tui hỏi
thiệt rứa chớ o có ưng lấy vua không cái đã?
Cô gái vừa thẹn thùa, vừa sợ hãi, nhớn nhác nhìn quanh, thì
thầm nói với người khách lạ:
- Đừng nói bậy mà họ chém đầu chừ!
Nhà vua đặt tay lên cùng mái chèo với cô gái, nói như reo
vui:
- Thiệt mà! O mà nói “ưng” một tiếng là được lấy vua liền!
Trong khi cô gái vẫn thẹn thùng thì có một cụ lớn tuổi cùng
đi trong đò tham gia vào cuộc vui, lên tiếng:
– O nớ! Có mất chi mô mà lo. O cứ nói “ưng” một tiếng thử coi
rồi để tui làm chứng cho.
Cô gái chèo đò Kim Long đánh bạo, nhìn ông khách nói nhanh:
– Ưng.
Vua Thành Thái thú vị dành lấy cán chèo trên tay cô gái:
- Rứa thì ái phi ngồi nghỉ để trẩm chèo đưa về cung nghe.
Sau duyên kỳ ngộ đó, cô lái đò áo vá vai đã trở thành một
vương phi được nhà vua sủng ái. (Theo Bảo Hiển – Chuyện Các Bà Trong Cung Nguyễn)
Ngày vui thường qua mau và cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Đò
trăng của chúng tôi rồi cuối cùng cũng đành phải chia tay với nguồn nước trên của
sông Hương để trở về bến cũ vì đã quá nửa đêm. Tráo về, người lái thuyền đã đưa
khách nhàn du trở lại với thực tại bằng cách gác mái chèo và nổ máy Yanmar F.10
gắn trên đò với tiếng nổ phành phạch rất phàm tục như múa lân đánh trống bể.
Khi đò về đến Phu Văn Lâu, đò không được chạy máy mà phải
chèo trở lại. Thoát khỏi mùi khét, âm thanh và sức đẩy của máy dầu cặn, trăng lại
về trên sông và sóng lại vỗ mơn man vào mạn thuyền. Thuyền tạm dừng lại trước bến
Văn Lâu, anh bạn người Nam hỏi Thùy:
– Đây có tên là “Phú Vân Lâu”, có lẽ bởi vì nơi đây thường có
nhiều mây lắm phải không anh?
Thùy giải thích với nét cười thích thú:
– Hay! Anh đã sáng tạo một ý nghĩa mới cho một tên gọi sai do
thói quen của quần chúng. Thật ra Phu Văn Lâu mới là tên gọi đúng của nơi nầy.
Ngày xưa cái lầu nầy là trung tâm thông tin của triều đình với dân chúng. Những
văn kiện quan trọng của nhà vua và triều đình được niêm yết ở lầu nầy. Phu Văn
Lâu có nghĩa là “lầu phô bày văn kiện” (Phu: phô bày; Văn: Giấy tờ văn kiện;
Lâu: lầu). Anh nhìn kỹ vào đằng trước của lầu nầy sẽ thấy hai tấm bia có khắc
chữ: Khuynh cái – Hạ mã (Nghiêng lọng- Xuống ngựa). Bất cứ ai đi ngang qua đây
đều phải nghiêng lọng đi đầu trần và xuống ngựa đi bộ để tỏ lòng tôn kính nhà
vua. Từ Văn Lâu nhìn ra sông Hương có Nghinh Lương Đình, là nhà hóng mát của
vua. Đó là cái nhà cuối cùng tiếp giáp với bến nước của sông Hương trong khu vực
cột cờ. Đây cũng là nơi thường vang vọng những tiếng hò quốc kêu đau thương sau
ngày vua Duy Tân, nhóm Trần Cao Vân, Thái Phiên, Phan Thanh Tài đứng lên mưu đồ
cuộc khởi nghĩa chống Pháp nhưng thất bại vì nội phản để đến nỗi vua bị đày, tướng
bị xử trảm tại An Hòa:
Trước bến Văn Lâu, ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương
ai cảm, ai nhớ ai trông… Thuyền ai thấp thoáng bên sông, nghe câu mái đẩy chạnh
lòng nước non.
Nghe Thùy giải thích, ý nghĩ của những người trên đò như đang
lãng đãng trôi về thời quá khứ. Chị bạn người Nam chỉ tay về phía cột cờ sừng sững
làm bối cảnh chính cho cả vùng Phu Văn Lâu:
– Cột cờ nầy hình như đã treo cờ vàng ba sọc đỏ từ thời chính
phủ Trần Trọng Kim, rồi cờ đỏ sao vàng của Việt Minh khi Trần Huy Liệu nhận ấn
tín từ tay vua Bảo Đại thoái vị trên lầu Ngọ Môn năm 1945. Không biết lần đầu
tiên lá quốc kỳ được treo lên nơi đây là loại cờ nào và trông giống ra sao?
Mọi cặp mắt lại hướng về Thùy, viên thuyền trưởng kiêm hướng
dẫn viên bất đắc dĩ. Thùy trầm ngâm rồi dè dặt lên tiếng:
– Tôi có một ông đời sơ, nghe đâu là một trong những tác giả
bình dân của bài vè lịch sử nổi tiếng “Thất Thủ Kinh Đô”, có kể lại rằng Cột Cờ
Thành Nội xây cao 80 thước, ngang với đỉnh núi Ngự Bình. Quốc kỳ thời nhà Nguyễn
là cờ ngũ hành, thường được treo trong các dịp Tết, lễ lớn của đất nước và triều
đình, kèm theo các sắc cờ khánh hỷ đuôi nheo.
Đò lại tiếp tục di chuyển về phía cầu Trường Tiền. Một nhịp cầu
đã gãy trong biến cố Mậu Thân nằm thương tích, lạnh lẽo dưới trăng như một vết
chém ngang lưng đối với khách ngã nón trông cầu và trông tội nghiệp như vết sẹo
ân oán vô tình trên khuôn mặt trái xoan nuột nà của cô nữ sinh Đồng Khánh.
Người bạn miền Nam thắc mắc:
– Lúc nãy cô lái đò có hò “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai
nhịp, em qua không kịp tội lắm anh ơi!… ” làm cho người nghe có cảm giác cầu
Trường Tiền dài mù mịt và sông Hương cuồn cuộn sóng dữ. Nhưng thực tế chiếc cầu
đã ngắn mà giòng sông lại hiền hòa thế kia thì tại sao lại “qua không kịp” vậy
kìa?
Người bạn thổi sáo trả lời:
– Muốn hiểu Huế cần phải biết cách “nói lẩy” của mấy o gái Huế.
Ngày trước, sau khi cầu Trường Tiền do Pháp dựng lên, Huế bị chia ra làm hai thế
giới: Phía bên nầy sông Hương là thế giới của người Việt Nam và phía bên kia là
thế giới của Tây. Người bình dân xứ Huế nhìn qua bên kia với những tên xa
lạ như vùng “Xạc-Măng-Rông”(Charfanjon), “Mô-Ranh” (Morin Frères), “Trường
Sài-Nhô” (Chaigneau Ecoles)…Vì vậy khi người tình đã “qua cầu” Trường Tiền rồi
thì kể như đã sang một vùng trời khác với thế giới “tối rượu sâm banh sáng sữa
bò” xa lạ của Tây, Đầm… làm sao cô gái mộc mạc chân chim theo cho kịp được.
Có thể nói mỗi bước chèo khoan của sông Hương đều có man mác
một dòng lịch sử, nên đò đã đến gần khúc sông giữa cầu Gia Hội và Cồn Hến lúc
nào mà khách đi dò vẫn còn miên man trên những nhánh sông của quá khứ.
Theo hướng dẫn của Thùy, thuyền tạm neo bên bờ sông Đào đổ ra
sông Hương, gần cầu Gia Hội. Khi Thùy lên tiếng mời mọi người sẵn sàng “đi ăn”
thì ai cũng nghĩ đến một tiệm ăn nào đó trên bờ. Thùy bước ra phía mũi đò và
đưa tay ngoắc một một chiếc xuồng gần đó, dặn dò to nhỏ với người duy nhất ngồi
trên xuồng. Người lái xuồng quay mũi đi lập tức, Anh bạn người Nam coi chừng đã
đói bụng, nhắc:
– Còn chờ gì nữa, thôi chúng ta đi ăn đi các anh chị.
Thùy cười:
- Chúng ta ăn ngay ở đây chứ khỏi cần đi đâu xa.
Liền đó, ba bốn chiếc xuồng nan đã tiến tới cặp bên đò khách.
Xuồng nan là một loại thuyền câu nhỏ, đan bằng tre, trét kín bằng dầu hắc hay dầu
rái để nước khỏi rỉ vào. Xuồng chỉ cần một người lái với hai tay bơi hai chiếc
chèo nhỏ gọi là chầm. Xuồng di chuyển thoăn thoắt và rất cơ động trên giòng
sông nhỏ chằng chịt thuyền đò. Xuồng tạo thành một mạng lưới thông tin, liên lạc,
mua bán, trao đổi rất nhanh chóng và tiện lợi trong thế giới thuyền chài trên
sông Hương. Mỗi chiếc xuồng được trang bị như một bếp nhỏ và chuyên trách một
món ăn nào đó. Các chủ xuồng, hầu hết là mấy o, mấy thím. Những món ăn đặc thù
của Huế như bún bò, cơm hến, cháo lòng, gà xé phay, bánh bèo, bánh nậm, bánh bột
lọc, bánh ít, bánh cuốn, xôi thịt hon, chè xanh đánh, chè nhãn, chè hột sen,
chè thịt quay… đều có đầy dủ trong những cửa hàng nổi tý hon nầy.
Mở màn, mấy anh ăn gà xé phay uống với rượu nếp; mấy chị
ăn bánh nậm tôm chấy và bánh bèo thịt heo luộc. Một anh bạn thắc mắc sao không
uống bia hay rượu tây mà lại uống rượu nếp thì Thùy nêu ý kiến rằng, ngủ đò
trên sông Hương thì ngon nhất là uống rượu nếp vì rượu nếp “đằm” và “ngấm dai”.
Nếu uống bia mà phải ngồi xếp bàn trên đò thì bụng sẽ “nê” và mắc “đi ngoài”
liên tục. Đò trăng, lại có thêm người đẹp mà phải đứng trên đò làm cái công việc
ngủ uẩn trần ai thì còn chi là hồn thơ của Hương Giang dạ khúc nữa. Nếu uống rượu
mạnh thì sương đêm và gió sông rất dễ làm cho khách chìm đắm và có khi ngủ quên
trong hơi men, nhìn mọi vật lờ đờ sương khói, còn đâu cái cảm giác dìu dặt,
ngây ngây để nằm ngửa nhìn trăng, nằm nghiêng nhớ… bến! Tiếp theo là món ăn tùy
thích của mỗi người và cuối cùng là bún bò Huế. Cái ngon của “những nhà hàng nổi
sông Hương” đến từ hình ảnh chập chờn của những ngọn đèn dầu leo lắt, những bếp
lửa mong manh, những bàn tay buông chầm cầm chèo thoăn thoắt, những món ăn chuẩn
bị cầu kỳ mà nhìn đơn giản, những chén dĩa nhỏ nhắn, đơn sơ và đặc biệt là những
món ăn thơm mùi “tiệm”, nhưng cũng phảng phất mùi khói nhẹ nhàng trên đội
xuồng rần rật đánh thức sông Hương.
Sau bữa ăn, có dấu hiệu bất thường nào đó đã gây nên một
thoáng xôn xao trong đò. Hình như “triệu bất tường” phát xuất từ cặp vợ chồng
người Nam. Cuối cùng hình như không còn đè nén được nữa, anh bạn người Nam bò
sang phía tôi, ghé sát tai tôi thì thầm báo động: “Bả muốn tiểu tiện! Đây có chỗ
nào đi không?”. Tôi ráng nín cười, kéo tay anh bạn ra phía đằng sau lái để hỏi
người chủ đò về phương tiện vệ sinh. Người chủ đò lật đật đem ra một cái lon sữa
Guigoz, nói một cách thật thà:
– Mời mấy “khách quan” ngồi trên đò đi trong lon “gô” ni cũng
đặng.
Anh bạn lật đật tới đằng trước kéo bà xã ra đằng sau để giải
tỏa bầu tâm sự. Tôi và người chủ đò tạm lánh mặt tận đằng sau lái để cặp
vợ chồng tự do chèo chống với nhau, nhưng anh chồng lại băn khoăn tới báo hung
tin:
Người chủ đò bèn đổi chiến thuật:
– Thôi thì bồng bà lên trên mạn đò để đi xuống sông mau hơn.
Anh bạn lại làm theo lời chỉ bảo, nhưng được một lát lại vào
báo cáo:
– Ngồi giữa lộ thiên nó, nó… trống trải quá hà, bả chịu hổng
đi được.
Tôi đã đoán là sự cố coi bộ không êm xuôi vì cái cảnh “Đêm
khuya văng vẳng trống canh dồn, trơ cái hồng nhan với nước non” khó mà chịu nổi
với một người phụ nữ mới lần đầu đi ngủ đò. Tôi ngoắc đại một chiếc xuồng đang
chèo chầm chậm gần đó và thuê chở chị vợ anh bạn vào bờ mới có nhà vệ sinh. Xuồng
cặp sát ngay mạn đò và tôi vào đề ngay không cần uốn lưỡi một lần nào cả:
– Mời chị lên ngay xuồng để vào bờ mới có nhà vệ sinh.
Khi chị bạn đã bước xuống chiếc xuồng nhỏ chòng chành, anh chồng
và tôi định xuống theo nhưng o lái xuồng đã la ơi ới cản lại vì xuồng chở được
tối đa là ba người. Cuối cùng tôi phải đi theo vì quen thuộc địa phương hơn. Xuồng
vừa lướt êm vài chục thước, tôi bỗng nghe một tiếng rên nho nhỏ từ phía chị bạn
miền Nam… và, tiếp theo là tiếng nước chảy róc rách từ trên tấm chỏng tre xuống
lòng xuồng. Cô lái xuồng coi bộ hoảng hốt, nói với tôi bằng một giọng đặc sệt
tiếng Huế vùng quê:
– Nì, eng nớ coi tề. Cấy chi kiêu rỏn rỏn ngụy hung. “Tòng”
miền bị lủng răng hè? (Nè anh kia coi kìa. Cái gì kêu rỏng rỏng lạ lắm.
Xuồng mình bị thủng sao kìa?)
Cũng may là chị bạn hoàn toàn không hiểu cô lái xuồng đang
nói gì. Mặc cho cô lái xuồng phản đối líu lo, tôi làm bộ trượt tay rồi vươn tay
ra khoát mạnh nước lên xuồng cho mọi người cùng ướt. Khi ba người đều bị ướt,
nguyên nhân có thể hơi khác nhau nhưng hậu quả vẫn là ướt, nghĩa là huề cả
làng. Xuồng cặp bờ, chị bạn nói rất nhỏ đủ tôi nghe:
– Thôi khỏi, cảm ơn anh, tôi “xong” rồi…!
Phố đò sông Hương trong những đêm mùa Hè, có trăng thường bắt
đầu ngủ khoảng 3 giờ sáng. Trong những ngày nóng bức nhất của Huế, khí hậu lý
tưởng trên sông Hương là vào lúc nửa đêm về sáng. Giờ đó có một ít sương loãng
giác bạc bầu trời, pha với khói sóng và gió núi bâng quơ sẽ làm cho khách ngủ lộ
thiên trên đò có được cái cảm giác của gió lụa về mơn man trên má, trên tóc,
trên môi. Ngủ trên đò, khách chưa quen với sóng nước lúc đầu sẽ có một cảm giác
ngây ngây, êm đềm như say nắng. Đò neo nột chỗ nhưng vẫn lắc lư dìu dặt và
chòng chành nhẹ nhàng theo con sóng. Âm thanh nước vỗ vào mạn thuyền, vào chân
cầu, vào bờ kia bến nọ lúc hối hả, lúc buông lơi như thì thầm gọi mời giấc ngủ.
Vận tốc ảo do các đò lân cận chèo ngược, về xuôi thường làm cho khách ngủ đò mơ
hồ không biết mình trôi, nước trôi, đò trôi, hay cả thế giới đang trôi bỏ mình ở
lại. Giấc ngủ trên đò thường đến dễ, thoải mái với hơi thở nhẹ và sâu căng phồng
buồng phổi. Nếu có một chút trăn trở, khách sẽ có dịp nằm nhìn trời cao và đen
xanh thăm thẳm trên kia rồi vẽ ra những kỷ niệm, những khuôn mặt khi ẩn khi hiện
với trăng sao lay lắt xa xăm và mờ nhạt. Nếu khách có chút máu văn nghệ vặt thì
rất có thể thơ Hàn Mặc Tử sẽ hiện về hỏi thăm, “Thuyền ai đậu bến sông trăng
đó, có chở trăng về kịp tối nay?”. Hoặc buồn hơn một chút nữa sẽ nhớ thơ Đường
của Trương Kế “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên. Giang phong ngư hỏa đối sầu
miên… Qụa kêu trăng lặn sương đêm. Đèn chài gió sóng cho thêm nỗi sầu…”
Ngủ đò mà ngủ ngon là chưa đạt, vì ngủ ngon là đã gói trọn cả
trái đất này trong tiếng ngáy pho pho, mặc cho gối thắm, má hồng, môi son, mắt
sóng rơi vào… “hư vô”. Ngủ đò là sống từng phút từng giây, từng vi ti của
cảm giác để một mai lỡ “thuyền có về Đại Lược, duyên có ngược Kim Long” thì vẫn
còn một chút gì để nhớ và để…thèm về một khuôn mặt khó quên, một giòng sông
lãng đãng và một xứ Huế trầm lặng nhưng lãng mạn và đa tình không nói hết.
Nằm trên đò, sẽ nghe một ngày tàn của Huế lịm dần với tiếng
rao hàng xa xôi và mất hút của chè đậu xanh đậu ván, của bún bò, của phở. Rồi một
ngày mới của Huế bắt đầu với tiếng chuông Thiên Mụ gióng lên lúc 5 giờ sáng. Huế
trầm lặng qúa nên trong những ngày tốt trời tiếng chuông lan xa đến tận Văn Xá,
Hương Cần, Chợ Nọ, Chợ Dinh. Một ngày mới của khách ngủ đò thường bắt đầu với
ánh mặt trời “dòm mặt”. Khách sẽ mĩm cười với nắng, với Huế và với chính mình
khi chải tóc trong gương: “Ngủ đò, một kỷ niệm khó quên mỗi lần nhớ Huế!”.
Một đêm ngủ đò được coi là “đạt” khi sáng hôm sau khách ngỡ
ngàng với chính mình vì hình như đêm qua mình và giòng sông đã tan loãng hòa
làm một; mình đã coi những giá trị bao năm gìn vàng giữ ngọc thành phù phiếm và
bỗng thấy đò nước sông Hương có một mày vẻ, một linh hồn riêng của nó. Rồi tự
nhiên cảm thương chính mình, thương giòng sông, thương cuộc đời và thương số phận
long đong của khách giang hồ và người kỹ nữ.
Buổi chia tay trên phi trường Phú Bài, anh bạn miền Nam phát
biểu cảm tưởng:
– Chúng tôi thật may mắn vào giờ chót lại được đi ngủ đò.
Chuyến nầy về thăm Huế mà không được đi ngủ đò thì chỉ mới biết Huế có một nửa.
Từ nay tôi có thể lên lớp nói chuyện với học trò về cái thú ngủ đò trên sông
Hương như nói chuyện dong thuyền ngâm thơ trên Hồ Tây, khỏi có băn khoăn hay ngại
ngùng gì cả.
Tôi nheo mắt nói riêng nho nhỏ với anh bạn:
-Thùy hẹn anh sang năm về Huế đi “ngủ mặn” đó nghe.
Chị bạn vẫy tay từ biệt vẫn không quên nhắn lại:
- Cảnh Huế đã đẹp một cách thâm u mà người Huế lại quá thâm trầm.
Cám ơn anh rất nhiều và sẽ nhớ mãi “Tuyệt Anh Hội” trên xuồng “cấp cứu”…
o0o
Năm 1973, một năm sau ngày “Đại Lộ Kinh Hoàng”, tôi theo học
sinh hồi cư trở lại Quảng Trị. Để giúp tuổi trẻ lang thang bụi đời trên vùng đất
hồi cư còn đau ê ẩm với vết thương của chiến tranh nầy, tôi được mời vào Huế
nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức tiền phong đang hoạt động ở
đó trong giới gái giang hồ và trẻ em hè phố, bụi đời. Nhờ vậy mà tôi được cái
“hân hạnh trời đày” là ngủ đò miễn phí, công khai, nhưng lại ngủ đò chay, không
phải trên thuyền rồng say duyên, thuyền tình nghiêng ngửa mà trên thuyền “thái
giám” lặng lờ của trung tâm xã hội Caritas trên sông Hương.
Tất cả ghe thuyền trên sông Hương có khoảng từ hai đến ba
nghìn chiếc. Con số co giãn vì một số đò chợt đến chợt đi tùy mùa và tùy hoàn cảnh.
Từng nhóm đò họp lại với nhau thành một khu vực nào đó gọi là Vạn Đò. Vạn An Hội,
là vạn lớn nhất trong những năm 70, gồm các đò đậu hai bên bờ sông kéo dài từ cầu
Gia Hội cho đến cầu Đông Ba và rải rác tới Cửa Trài. Những cô gái Sông Hương lạc
loài hương phấn hầu hết nằm trong địa bàn của Vạn An Hội. Vạn Tân Bửu, Vạn Trường
Độ, Vạn Lợi Thành kéo dài từ Bến Xe Buýt Chợ Đông Ba lên tới Cầu Mới và lẻ tẻ
đó đây lên tới mạn dưới Kim Long. Các vạn đò trong vùng nầy chủ yếu là làm ăn bằng
phương tiện đánh cá, vận tải hay mua bán đổi chác hơn là rước khách. Ngoài ra
còn có một vạn đò rất cơ động và cũng đã đóng một vai trò rất sôi động trên
sông Hương là Vạn Lanh Canh. Tên “Lanh Canh” xuất phát từ tiếng gõ lanh canh của
các tròng đánh cá nhỏ lúc hành nghề. Nhưng sau nầy hầu hết đã chuyển nghề thành
một mạng lưới phục vụ rất nhộn nhịp khắp nơi trên sông Hương.
Huế là vùng đất của suy tư và tình cảm, nhưng lại không có chỗ
dung thân cho ngày trở về của những đứa con hoang.
Đọc Kiều, ai cũng cảm thương cho cuộc đời luân lạc, truân
chuyên của một nàng Kiều tuyệt thế, tài hoa. Đến Huế, bao nhiêu người đã tiếc
cho một giòng sông Hương hiền hòa mà phải cưu mang những đứa con bất hạnh.
Có một nhà thơ cổ vừa lãng mạn, vừa trào phúng của Huế mà tôi
rất hâm mộ, đó là cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi, nhưng nhiều người lại không thích
hai câu thơ đối của cụ sáng tác đâu vào khoảng năm 1947 mà dân Huế nhiều người
thuộc. Người ta không thích bởi nó quá tàn nhẫn và trần trụi, thiếu mất một
một lớp khói sóng mong nanh của sông Hương và lớp lá me bay che tiếng thở dài
không hợp với phong thái lãng mạn, nhẹ nhàng và trầm tư của Huế. Đó là hai câu:
Núi Ngự không cây chim đậu đất
Sông Hương vắng khách đĩ kêu trời.
Một sớm mùa Xuân trước khi Huyền Trân Công Chúa giã biệt sang
Chiêm Quốc thì Huế vẫn là vùng Ô Châu Lạc Địa và giòng sông Hương vẫn là giòng
sông trinh nguyên của chim bói cá dưới nước, chim sơn ca trên trời giữa hai bờ
lau lách.
Rồi một ngày, Huế trở thành Hoàng Triều Cương Thổ thì chim
chóc lưa thưa vì sợ người săn đuổi, lau sậy không còn đất mọc vì hai bên bờ
sông Hương đã bắt đầu phân chia Kẻ Chài và Kẻ Chợ. Kẻ Chài là tiền thân của những
vạn đò mà hơn 500 sau sẽ thành mạng lưới dân thủy diện trên sông Hương hôm nay.
Một thời, khách ngủ đò trên sông Hương là hàng tao nhân mặc
khách. Những chàng tư mã áo xanh và những vương tôn công tử hào hoa trọng nghĩa
khinh tài. Thuở đó, đò là phương tiện để chở nhạc và thơ, đầy tiếng ca, tiếng
sáo, tiếng đàn, tiếng phách… chưa gợn một chút u tình.
Rồi một thời tan tác đổ. Chiến tranh, phân ly, nghèo đói đã
đưa những kiếp người vào ngõ cụt: “Bán thân nuôi miệng, bán tiếng nuôi
con”. Những đứa con xứ Huế lỡ một lần làm điếm nhục gia phong là kể như
chung thân biệt xứ.
Nếu Huế có quyền chọn lựa những ước mơ thì ước mơ đầu tiên là
đất nước sẽ giàu, những vùng quê thôi nghèo đói, những cô gái sông Hương có được
một cuộc đời, nếu không được “êm đềm trướng rủ màn che” thì cũng đáng sống để
trả sông Hương về lại dáng xưa với tiếng đàn, tiếng phách. Sông Hương khó mà chịu
nỗi những tiếng cười vỡ vụn nhức buốt và những tiếng thở dài áo não đêm đêm
trên những con đò!
Giòng sông Hương cũng như một đời người chia thành nhiều
khúc. Khúc thượng nguồn là tuổi trẻ măng tơ và thanh thoát. Khúc Thiên Mụ Kim
Long là tuổi thành niên đã bắt đầu thấp thoáng ưu tư. Khúc Đông Ba Gia Hội là
tuổi trưởng thành để vật lộn, tranh sống với đời “mười hai bến nước, bến mô
trong thì nhờ, bến mô dơ thì chịu”. Từ đó, sông Hương sẽ rẽ về hai ngã: Ngã Đò
Cồn, Vỹ Dạ mang dáng dấp trầm tư của con nhà quan về vườn qui ẩn. Ngã Bao
Vinh, Ba Sình giống như tuổi sắp già chán cảnh bon chen, nhưng vẫn còn duyên nợ
với cuộc đời, ít ra là cũng “phù thế giáo một vài câu thanh nghị”. Và cuối cuộc
đời, rồi cũng như tất cả những nhánh sông Hương đều trôi về biển.
Ngủ đò trên sông Hương là đang nằm trên giòng đời trôi chảy.
Ngủ chay là tĩnh, ngủ mặn là động; động tĩnh cũng chỉ là hai mặt của một trự tiền.
Nằm ngủ đò trên sông Hương có những lúc không biết đò trôi theo nước hay nước
trôi theo đò. Trôi đi cũng có nghĩa là chảy về. Về đâu? Về lại chính mình. Khi
tâm mình không động thì ngủ chay hay ngủ mặn, đò trôi hay nước trôi có nghĩa gì
vì ta vẫn nằm đó. Nằm im nghe sóng hay nghiêng ngửa với thuyền tình thì vẫn là
ngủ đò trên sông Hương. Khách viếng Huế vẫn thường có một tâm trạng chung là viếng
Cố Đô, nghĩa là chân bước đi dưới những hàng phượng đỏ và nằm trên sóng nước
sông Hương đang trôi chảy về xuôi mà hồn vẫn cứ rưng rưng với dĩ vãng. Khách cứ
nhìn Huế như một thiên đường đã mất nên ngủ đò như một kẻ lạc hồn, ít khi tỉnh
thức để “chộ mình đang ở bến mô”. Ngủ đò như thế là có nợ mà không có duyên với
Huế.
Có một người làm thơ tại Sacramento với những vần thơ lục bát
mượt mà, cổ kính và đẹp kiêu xa như tên gọi một giai nhân thời dựng nước: Thục
Nữ Văn Lang. Tôi đang loay hoay tìm câu kết luận cho bài nầy thì Thục Nữ Văn
Lang vừa tặng bài thơ Khúc Sầu Thiên Cổ. Bài thơ mang âm hưởng buồn cổ độ của
điệu hát Nam Ai, Nam Bình. Tiếng thơ nghe ra cũng là “có nợ” với cố đô rồi đó,
nhưng chưa biết sẽ có duyên hay không:
Tình sầu vọng gởi cố đô
Sông soi cổ tháp- Thuyền lờ lững trôi.
Chiều tàn, mộ khúc à-ơi!
Não lòng lăng tẩm bên đồi nhớ vua.
Bốn ngàn năm của hồn xưa
Hương cau- Đền cũ- Lưa thưa nắng thề.
Ô Châu hề! Thuận Hoá hề!
Hoàng triều Nguyễn Thị đã về bến mô?
Ngàn đời còn đó Nam Ô
Khúc sầu thiên cổ: Điệu hò Nam Ai.
Một đêm trăng nào đó với một con đò nhỏ trên sông Hương, trước
khi ngủ đò, tôi sẽ đọc lại bài thơ nầy để Huế nghe thử có duyên tới mô, Huế hỉ!
Nhưng có lẽ trước khi gởi thơ cho nước, tôi sẽ xin phép tác giả sửa lại một từ
trong câu gần cuối của bài thơ:
Ngàn đời còn đó con đò
Khúc sầu thiên cổ: Điệu hò Nam Ai.
Xin được thay “Nam Ô” bằng “con đò” vì Nam Ô xa quá, cách Huế
cả một cái đèo Hải Vân trùng trùng mây bay sương phủ. Lại nữa, đò Nam Ô là đò
nước mặn “Ngủ đò nước mặn sợ hà ăn… chân”. Có ngủ đò nước ngọt sông Hương mới
biết thương sông Hương. Và, thương những gót son, môi thắm, má hồng… của Huế
đang cố dấu niềm u ẩn tàn phai sau nụ cười vỡ vụn và ánh mắt phong ba vì sông
nước Hương Giang cứ trôi chảy hoài ra biển, quê hương thì biền biệt, răng lại
quên mất nơi mô là chốn cũ quay về.
Trần Kiêm Đoàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét