Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Tập truyện ngắn Tô Hoài

Tập truyện ngắn Tô Hoài
Trên sông Hồng
Có người hỏi tôi sông Hồng với Hà Nội quan hệ như thế nào? Câu hỏi rộng quá, mà tôi chẳng chuyên môn ngành nào về cuộc đời non Sông và thành phố, tôi chỉ có thể có cảm tưởng và kỷ niệm về cái nơi tôi đã được sinh sống. Dưới bến Phà Đen hàng ngày bây giờ vẫn có thững chuyến tàu xuôi các bến xuống Cầu Bo dưới Thái Bình. Ngày trước, vào mùa nước còn có tàu huỷ ngược lên Sơn, lên Tuyên.
Và hôm nay thì ở bến đầu cầu chân cầu Long Biên ngày ngày có tàu du lịch xuôi ngược sông Hồng đến hết địa phận Hà Nội, khách ngồi trong tàu ngắm lên thành phố. Chưa bao giờ có thuyền chơi đêm sông Hồng như đêm sông Châu ngày rước và đêm Việt Trì cũng như đêm sông Hương rước kia và hôm nay.
Tôi đã thường ngược xuôi Sơn Tây, Thái Bình xưa kia và bây giờ có khi ngồi tàu du lịch trên sông Hồng. Sông Hồng và thành Hà Nội thế nào, sông Hồng đã chứng kiến ra đời Thăng Long từ nghìn năm. Sông Hồng hùng vĩ từ giữa lòng châu Á ra biển Đông, sông Hồng không cùng số phận hẩm hiu của sông Thiên Phù đã bị chui vào lòng đất và sông Hồng cũng không bị phai mờ như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu chỉ còn cái tên hoài cổ. Sách viết tên là sông Hồng, là Nhĩ Hà, Hồng Hà đoạn qua Hà Nội nhưng người Hà Nội xưa kia đều gọi nôm là sông Cái. Hầu như khắp mặt đất trên thế gian những trung tâm đất nước có sông lớn chảy qua đều gọi là sông Cái, sông Mẹ, sông Mê Kông, người Lào gọi là sông Mẹ (Mẻ Khoỏng) sông Nin người Ai Cập gọi là sông Mẹ. Tiếng cổ Việt Nam bố là cha, cái là mẹ, con sông Cái thân thiết và thiêng liêng đời đời.
Sông Cái là sông dữ. Màu nước quanh năm rực đỏ, con sông cả đời quằn quại giữa hai bờ. Trăm năm trước, dòng sông nghiêng về bên thành phố. Nước mấp mé ven đê mới có Bến Nứa và phố Hàng Nâu thì ở chân cổng ô Quan Chưởng- củ rừng được bè tải về Kẻ Chợ đổ lên đấy.
Trông cái bãi Giữa chân cầu Long Biên theo năm tháng bốn mùa có thể thấy được nguồn cơn vùng vẫy của con sông.
Thủa nhỏ, tôi học trường tiểu học Yên Phụ, buổi trưa thường lên cầu Long Biên chơi trông xuống bãi ngô xanh xanh ẩn hiện xóm cát, có cái thang tre làm lối lên cầu của người bãi Giữa. Chẳng bao lâu, bãi Giữa lại lặn cả vào làn nước cuồn cuộn đỏ. Và bây giờ cái bãi Giữa lại đương xanh tốt hớn hở bãi ngô và mọc lại đôi ba lều của người các nơi về làm màu khi mùa nước rút. Các xóm đất bãi đã sống trong những hãi hùng và những phẳng lặng ấy, không phải chỉ đến khi chạy lụt nước lên, mà sông Hồng quanh năm nước ngoạm lở đất, mất nhà, mất vườn rau và cây cối, mất người. Bây giờ vẫn khủng khiếp thế.
Thời Hà Nội thuộc Pháp trước 1945, chính quyền Tây không cho làm phố, làm nhà xây dưới bãi. Người làm cu li khuân vác, người ăn mày tụ tập dưới bãi ở nhà lá, lều lá. Có những năm vợ chồng nhà văn Nguyên Hồng về ở phố đã trú ngụ ngoài bãi. Nhà xây dưới bãi bắt đầu khoảng 1947 khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội. Người Pháp chưa hoàn hồn, chưa chắc chân, nhiều việc hành chính bỏ bê còn lo đối phó với kháng chiến, dân hồi cư xuống bãi ở tràn lan chen chúc. Đến bây giờ nửa thế kỷ đã qua thì nhà xây, nhà tầng nổi ra đến tận mép nước.
Đợi cho đến bao giờ trị thuỷ sông Hồng sang giai đoạn hết lụt mới thật là yên tâm, chứ còn thử tưởng tượng như hôm nay, đến kỳ nước lên, nước lúc nào cũng sẵn sàng đánh sóng đẩy cả dãy nhà dãy phố xuống lòng sông. Cái cảnh sụt đất và chạy lụt vẫn diễn ra, là còi báo động đấy chứ đâu. Sông Hồng có vẻ đẹp hùng tráng của con sông dữ. Trên máy bay nhìn xuống bờ bãi và con nước đỏ không có cây cỏ nào có thể mọc sát mép nước trên đất bãi chuyển động. Chẳng như các con sông miền Nam lúc nào cũng lơ thơ cụm lục bình trôi như từ trong lạch vườn ra, không như sông Hương mảnh mai, yểu điệu, cây cỏ la đà quét xuống mặt nước xanh trong êm đềm.
Con sông dữ đượm vẻ nên thơ riêng của sông dữ. Tuy nhiên ngành du lịch và các dịch vụ chưa mấy phát hiện ra vẻ đẹp khác thường ấy của sông Hồng. Chơi trên sông Hồng, tham quan các làng mạc và đình chùa hai bên sông, còn ít ai biết. Tàu ngược rồi tàu xuôi, khách trên tàu người đi chơi giữa sông một quãng - hệt như cái “thuyền rồng” trên Hồ Tây lừ đừ từ bờ ra giữa hồ rồi lừ đừ quay về, thế gọi là tham quan Hồ Tây. Tàu đỗ bờ sông, lên làng gốm Bát Tràng, lên đền Chử Đồng Tử, lối đi ngổn ngang lầy lội chẳng khác đường sau làng ra làm đồng.
Tức nhau tiếng gáy
Làng tôi vào đám.
Ngày trước, tháng ba có hội lệ. Thịt con bò, chia phần bốn giáp. Vài ba năm lại có rước chạ, cắt lượt chạ trên chạ dưới. Nhưng các chạ đều nghèo, không làng nào sắm nổi cỗ kiệu, đám rước chỉ khiêng cái long đình gỗ mộc.
Không phải xưa nay đám thứ đều giống nhau. Cứ như tuổi tôi, từ thủa còn để chỏm tới ngày nay đã thấy bể dâu lắm nỗi. Cái năm kháng chiến, ngôi đình bị phá san phẳng theo lệnh tiêu thổ kháng chiến. Chỉ còn ba cây muỗm cổ thụ và một bờ rào duối đằng hậu cung. Đến khi Tây lại đóng đồn, sợ du kích về ẩn nấp, đã chặt nốt bờ rào duối, thế là cái đình cái sân nhẵn nhụi. Chỉ không biết cái long đình biến đi đâu. Có người đã lội xuống ao làng mò, hay là người ta đã giấu xuống đấy. Người  không thấy.
Hoà bình lập lại, ngôi đình không dựng lại được nữa. Nhưng rồi làng cũng đóng góp xây lên được ba gian lợp ngói. Không có ông từ, nhưng tuần rằm mùng một, cũng có các cụ ra thắp hương. Đến cái năm cải cách ruộng đất, cái đình con con được cất lại ấy cũng bị bỏ hoang, Mấy người hay ra thắp hương cũng bị quy là mê tín dị đoan. May chỉ là “mấy ông lão lạc hậu”  mới kém hiểu biết, mới chậm tiến thế, nên được châm chước chứ nếu còn tuổi trung niên chắc đã bị đem ra đấu ở xóm rồi.
Nhưng bây giờ đã khác, tôi nghe người trong làng ra kể ngôi đình đã được xây lại. Chỉ có cây muỗm cổ thụ thì không thể sống lại được nữa không biết ai có sáng kiến đem về trồng hai cây xà cừ cho chóng có bóng mát.
Làng vào đám năm nay tôi về được trông thấy đình mới. Cũng vẫn trong khuôn khổ ngôi đình ngày trước, nhưng quét vôi vàng và vôi màu đỏ loè loẹt sặc sỡ. Không còn bức tường rêu đằng hậu cung và con nghê sành đắp  nổi trên cột trụ ngoài sân đình ngày trước của một bà con gái làng lấy chồng xa, vợ chồng về làng nộp treo, người rể làng có máu mặt đã cung tiến con nghê. Người ta thường nghĩ theo kỷ niệm, chẳng vui chẳng buồn, thế mà cũng nhớ.
Trong đình lúc ấy rộn rã người đi lại, trống đánh từng hồi. sắp tế thần. Cả loạt hơn chục ông, áo thụng xanh lam, mũ phốc, quần lụa mơ gà hoa chanh, đi hia đế trắng xốp mũi hia bọc nhung đỏ. Thoạt trông lạ mắt, nhưng rồi nhìn dần nhận ra, toàn mặt quen. Nhiềt ông trong làng, cũng có nhưng ông người thiên hạ, lấy vợ làng này hay tậu đất ở đây trạc trên sáu mươi, bảy mươi, cán bộ về hưu. Chà chà, xống áo tế lễ đẹp quá, sang quá. Ngày trước, năm ấy ông ngoại tôi đến tuổi đến phiên được làm chủ tế. Cả cỗ tế hơn hai mươi người chỉ có một ông tôi được mặc áo thụng xanh. Mọi người khác đều áo the, khăn lượt chít như thường ngày có việc đi đâu. Cái áo thụng lam ông tôi mặc cũng là của làng, của công, ai đến lượt làm chủ tế thì được mượn.
Ông chủ tế ra tiếp tôi. Ông ấy trước công tác ở bộ Nông nghiệp về hưu. Mấy người nữa xúm xít ra. Tôi lâu ngày mới về làng, chứ đều là quen biết trước kia, có khi còn có họ và tất cả đều là cán bộ là bộ đội về hưu - có anh ở tỉnh có anh trên ngành ở trung ương. Nói đùa có thể hội ý chi bộ hay tổ đảng ở đám tế được.
Hầu hết các ông này vẫn còn thua tuổi tôi. Như tuổi tôi mà còn ở thời ngày trước, hội hè thế này, bấy giờ đương là trai tráng trong làng. Những cuộc tể lễ như hôm nay mới chỉ được các cụ cắt ra những chân cầm cờ, che tán - gươm vàng, bát bửu thì chưa phải mặt, chưa đến lượt được vác. Ngoài ra thì khiêng long đình, kéo xe trống... Còn các anh hôm nay áo thụng đi hia ra bắt tay chào rồi ngồi chơi với tôi đây lúc ấy cũng chỉ khoảng lên mười, đầu để hoa roi, mũi thò lò, cứ ngó nháo nhác đi xem rước và ngồi chầu hẫu xem tế mà thôi.
Tôi hỏi một người ngồi cạnh:
- Các cậu cũng biết tế à? Giỏi nhỉ.
Mấy người cùng cười.
- Mỗi thời một khác. Mời bác ngồi chơi xem, em vào việc thánh.
Trống đánh nhịp, chủ tế ra đứng giữa chiếu hoa, các ông bồi tế bước lên, kẻ đứng ngồi quỳ chắp tay theo thứ tự. Các ông bồi tế lặng yên, kính cẩn. Ở ngoài, hai lên đứng lấp sau cột, xa hai mép chiếu, các ông bồi tế khác lần lượt xướng tế: Hương... Bái... Tiến tước... Quán tẩy sở... Tiết tửu...
Theo lời xướng, các ông bồi tế trong chiếu lóp ngóp quì xuống đứng lên, có lúc cúi đầu, có lúc hai tay bưng hai chén rượu như ông chủ tế, trịnh trọng bước lên.
Các ông đứng ngoài không mặc áo thụng đi hia mà áo sơ mi quần phăng, dép lê như tôi. Mặt mũi còn non lắm, chỉ được cái tiếng hô to. Và vì không mặc quần áo tế, các ông đứng nép vào cột. Ở ngoài của không trông thấy.
Phần nào, tôi đã đoán ra. Tôi hỏi một người ngồi xem bên cạnh:
- Đám thợ tế là các cậu thuê ở đâu?
Người ấy nói:
- Phải vào gọi tận Mễ Trì, xa lắm. Hẹn trước cả tháng đấy mà cơm rượu, lại phần phò, lại tiền nong tốn kém ghê. Dạo này vùng mình hội hè tế lễ nhiều mà.
Đến trưa, vào ngồi ăn việc làng, tôi nói với chủ tế - cái lão trước làm ở bộ Nông nghiệp:
- Làm gì mà khổ thế. Mà bát nháo cả. Làng mình xưa kia chẳng có tế thì đã sao.
Ông chủ tế mặt rượu đỏ lựng:
- Làng nó có làng mình cũng phải có chứ. Ông mà về làng, ông cũng đóng vai chủ tế thuê tế như tôi.
Tôi cười:
- Một chữ nho bẻ đôi không biết, tớ cũng chẳng biết tên cụ thành hoàng làng ta.
Ông chủ tế xua tay:

- Chẳngcần, chẳng cần!.
Vỉa hè
Xưa nay cắt tóc theo thói quen, đôi ba tháng một lần. Ngồi đâu cũng thế, gốc cây, bờ tường và anh phó cạo, phó húi nào đè đầu tôi ra cũng được.
Lâu nay, cắt tóc cho tôi là một cậu trạc tuổi cháu tôi. Cái hộp thiếc đựng đồ nghề và cả sách vở. Làm việc chỗ gốc me, đóng sẵn cái đinh treo miếng gương. Trò chuyện, nghe lý lịch trích ngang cậu ta tự kể: Quê Thanh Hoá. Cả nhà bảy anh em và bố mẹ anh em đều ra ở Hà Nội. Mỗi người một nghề (không nói nghề gì). Cậu là con lớn nhất. Học năm thứ ba Đại học Giao Thông. Kết luận: “Nhà cháu nghèo lắm. Cháu lo lấy ăn học, lại phải giúp nhà đôi chút”.
Tôi nói:
- Dạo nọ chẳng thấy còn cái chợ cóc ở đây.
- Vẫn đấy, ông ạ. Chỉ có trời mưa mới đuổi được thôi. Còn các ông ấy có đuổi thì cũng là đóng kịch trên sân khấu thôi ạ.
Tôi chẳng hiểu thế nào.
Tôi vừa tới, cậu cười, chào:
- Ông ra cắt tóc.
Lại nói ngay:
- Ông đợi cháu một tý.
- Có khách đâu mà phải đợi?
- Các ông công an sắp đi dẹp vỉa hè. Các ông ấy đi qua thì cháu mời ông ngồi.Hay là ông vội thì ông vào góc tường kia, cháu đứng cắt cho ông ngay.
“Góc tường kia” là chỗ các bợm bia hay ra đứng đái. Tôi nói:
- Tao chẳng vội gì cả.
Vỉa hè chỗ ấy là cái chợ cóc. Thường buổi sáng đứng vài cái xe đạp thồ rau muống, hành hoa, bó mía. Có hôm thấy người ta đem đến treo lên cột đèn con trăn rồi lóc thịt, lại chặt khúc ra bán. Ông công an hỏi, người bán trăn bảo trăn nhà nuôi, “không phải vật quý hiếm”, thế là ông công an cũng mua một khúc xương trăn về ngâm rượu chữa bệnh đau lưng.
Cái chợ chính của quận quản lý thì ở cuối đường. Năm cái cầu chợ mái ngói đỏ, trông khang trang, đẹp mắt. Có chợ to, nhưng các chợ cóc vẫn lởn vởn ở đâu đây. Hôm nay tôi mới được chứng kiến các nhà chức trách dẹp cái chợ cóc. Người ta đều đã biết trước cả. Các chị hàng hoa, hàng rau ôm rau, ôm hoa vào gửi quán bia. Cái xe đạp thồ mía đương giả vờ lững thững đi tôi đương di chứ tôi không đứng bán. Chị bán thịt gà bê cái mẹt vào gửi nhà nào không biết.
Xong đâu đấy rồi một chiếc mô tô có thuyền ba bánh đùng đùng tới có cái loa gọi cẩn thận. Những người hàng rong chẳng còn ai. Bên gốc cây. không biết người nào dùng cái đòn gánh thế là đã bắt được đem về đồn chắc để làm tang vật đã dẹp chợ. Cái xe mô tô ầm ầm qua thế là dẹp chợ cóc xong.
Xe đi khỏi các chị rau, hàng hoa và mẹt thịt gà, cái xe mía ở đâu lại ra tụ tập đứng như lúc nãy. Còn tôi thì ngồi xuống chiếc ghế bên gốc me của cậu cắt tóc vừa vào góc trong bưng ra với cái hộp thiếc đồ nghề.
Tôi hỏi chú bé:
Hôm nào cũng dẹp mà chưa hết chợ cóc à?
- Hết thế nào được ạ. Chợ chính thì quận thu thuế, chợ cóc thì lấy lệ phí, quận hay phường cũng đều cần tiền tiêu, cho nên cứ đóng kịch quanh quanh thế thôi.
Nguồn: Cái áo tế (Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)
Tô Hoài
Theo http://vnthuquan.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh

Nghệ thuật ca dao từ cái nhìn đối sánh Nhà thơ Minh Hiệu là một trong những hội viên khóa đầu của Hội VHNT Việt Nam. Ông cũng là những hội...