Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Thương nhớ đồng quê - Thương nhớ những thân phận người

Thương nhớ đồng quê
Thương nhớ những thân phận người
Chân mộc. Giản dị. Bãng lãng chút lãng du…, Đặng Nhật Minh thương nhớ chốn đồng quê bằng cả tâm trí cùng trái tim của kẻ trong cuộc, nhưng cách xa. Bởi vậy, những gì hiện lên màn ảnh đều như vừa cụ thể, xác thực, gần gũi; lại như vừa bao quát, mông lung, xa vợi… Hình dạng một nông thôn bị xâm nhiễm bởi cơ chế thị trường, được vẽ nên bởi những nét nhấn tao nhã, bằng những gam màu quyết liệt và thâm thúy; trong đó, cuộc sống tẻ lạnh nơi làng quê cùng số phận bất an của người nông dân hiện lên như một dấu hiệu cảnh tỉnh đầy trăn trở. Cảm thông những khó nhọc, thiệt thòi và cả những bất công mà làng quê phải chịu đựng: nào sưu thuế, đóng góp bất thường; nào cảnh vắng bóng đàn ông vì phải đi làm ăn xa; nào học hành tốn kém phải bỏ dở dang; rồi công việc đồng áng, nghĩa vụ quân sự, công việc phụng thờ tổ tiên theo truyền thống… Bộ phim phê phán thâm thúy thái độ hờ hững, vô cảm trước cuộc sống đang còn nhiều trì trệ ở nông thôn. Tuy nhiên, thái độ phản ánh và phê phán hẳn còn gián cách, như một tiếng vọng về từ xa, khiến tác động thức tỉnh không khỏi bị giảm sút cường độ.
Nội dung: Cái làng quê vốn bằng lặng yên ả ấy, giờ chợt xao động đổi thay… từ tâm tư con người đến nhịp sống thường ngày. Duyên, sau những năm tháng vượt biên sống nơi đất khách quê người, nay trở về thăm lại làng xưa với bao nỗi niềm thương nhớ. Còn Ngữ, thì an phận sống tần tảo bên cạnh cậu em, âm thầm chờ chồng đi xa làm ăn. Và Nhâm, chàng trai vừa tới tuổi vào đời, nhạy cảm, lãng mạn, gắn một thời tuổi thơ với đồng quê, đến khi gia nhập quân ngũ, vẫn không sao dứt được mối cảm thương đồng quê da diết… Tất cả họ, ba người, bằng những điểm tựa khác nhau, đều hướng về quê nhà, đều một lòng thương nhớ đồng quê.
Chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, câu chuyện phim giữ mạch phi tự sự; không triển khai trên cơ sở cốt truyện cùng đường dẫn xuyên suốt, mà cấu trúc theo hệ thống sự kiện, dữ liệu về tính cách nhân vật cũng như ý niệm riêng của tác giả. Do đó, ở đây, động lực thúc đẩy chuyện phim phát triển mang yếu tố phi kịch tính, chủ yếu dựa vào yếu tố năng động của sự kiện cùng tính cách, tâm lý của nhân vật. Bức tranh làng quê đa sắc, xen lẫn bao điều trái ngược nhau: vẻ đẹp thuần phác của cảnh quan chung đụng với cảnh sống tàn tạ; tình cảm chân thật, nồng sâu của những tấm lòng ngay thẳng kết đan cùng cảnh tất bật lam lũ; những tia hy vọng xa vời hòa trong nỗi buồn trầm lắng triền miên…Tuồng như mọi thứ ấy trỗi lên quá xao động qua những góc và những cách nhìn khác nhau của ba nhân vật chính - chủ yếu là qua Quyên và Nhâm. Tác giả sử dụng lời độc thoại của nhân vật như một thủ pháp đa năng nhằm xác định không gian, thời gian và diễn đạt hoàn cảnh câu chuyện. Bằng cách đó, tác giả đã tạo ra một giọng điệu diễn dịch riêng, hiện hình một phong cách quảng bá đầy gợi cảm đối với cuộc sống thường ngày ở một làng quê, với những cá thể, những gia đình, những tâm trạng, những hoàn cảnh khác nhau; từ đó khái quát vấn đề rộng lớn của cuộc sống nông thôn, gắn với thời cuộc và thời đại.
Mang những bộ mặt khác nhau, đảm trách những vai trò đồng dạng trong nhiệm vụ diễn thuật cảnh sống nông thôn ngày nay, ba nhân vật chính của bộ phim là những khuôn mặt ta thường thấy, thường gặp, không có gì khác thường; song trong tác phẩm này, tất cả họ đều tiêu biểu trong mỗi thân phận riêng biệt. Tác giả đẩy nhân vật ra sàn diễn một cách nhẹ nhàng, tự nhiên; không chút ồn ào, không lộ ý sắp đặt. Nhân vật được giới thiệu, phản ánh bằng thái độ gián cách, khách quan; tác giả tuồng như không can thiệp, không chủ động mổ xẻ phân tích. Các nhân vật, vì thế, hiển hiện như những hình hài sống động, những thân phận có tên riêng; song ở đây, chân tướng số phận cùng tính cách đặc hữu của họ lại không được phơi bày đủ độ để có thể đạt tới chiều sâu tâm thức. Nhâm, chàng trai 17 tuổi, cái tuổi vừa có thể đặt trọn bàn chân thơ ngây lên ngưỡng cửa cuộc đời, xốc nổi và háo hức nhưng hời hợt non nớt, có những diễn biến tâm sinh lý âm thầm mà sục sôi, nóng bỏng. Còn Ngữ đại diện cho lớp phụ nữ nông thôn chịu thương chịu khó, mộc mạc và mạnh mẽ như dòng thác ngầm bị kìm nén. Và Quyên, hồ hởi như cánh chim tự do, đầy tự tin và chân thành. Sự xuất hiện của cô giữa đồng quê như một ngọn gió xuân khi tiết trời còn giá lạnh. Ba nhân vật, mỗi người một vẻ điển hình, đều cùng nặng lòng và nặng tình với làng quê thân yêu. Qua Quyên có thể nhìn thấy cảnh sống, qua Nhâm có thể hiểu rõ cuộc sống và qua Ngữ có thể cảm nhận mạch ngầm của đời sống đồng quê . Trên bình diện hình thức thể hiện, không thấy nhân vật nào vượt trội, chi phối những nhân vật còn lại, để trở thành trung tâm. Sự “chia phần” gần như đồng đều như vậy trong phân bổ vai trò nhân vật, đã đặt nền móng khiến cấu trúc truyện phim phát triển theo chiều rộng hơn là chiều sâu.
Diễn tiến câu chuyện phim, chủ yếu phát triển theo diễn tiến của mối quan hệ giữa Nhâm với hai người phụ nữ. Với Ngữ, đó là sự nương tựa nhau trong công việc gia đình và đồng áng ; ngoài tình cảm em chồng chị dâu, người xem phảng  phất cảm nhận nét phát thảo nghuệch ngoạc về mối tình cảm linh diệu của sự khác biệt giới tính, qua những bộc lộ tế nhị của Ngữ cũng như  biểu hiện ngộc nghệch của Nhâm trong những lúc lao động gần gũi bên nhau. Ở đây, tác giả đã giữ được thăng bằng, không gây đổ vỡ hoặc thô thiển hóa, khi cố gắng khai thác tâm lý vi nhạy của chàng trai mới lớn cùng trạng thái tâm cảm bức bối của người đàn bà biền biệt xa chồng. Với Quyên, thì đó là tình thân đồng hương, và còn là niềm háo hức hướng tới những khác lạ đầy hấp lực, mà điểm nhấn là hình ảnh Nhâm hôn trộm mảnh áo của Quyên để lại trên bờ khi cô đầm mình trong dòng sông quê. Mối quan hệ tay đôi của bộ ba này, một lần nữa là cốt lõi sinh tạo chất truyện của phim. Nó tạo ra dòng chảy xung đột thân phận, đồng thời phơi bày tâm trạng cố giấu kín giữa mỗi nhân vật. Những mối quan hệ này cũng tạo sinh và phơi bày như thế, cái âm hưởng bay bỗng của sex – một thứ sex vi tế và mỏng manh, chủ yếu chỉ diễn ra trong tâm tưởng của nhân vật, không mang theo hình ảnh cũng không vang lên chút âm thanh nào. Kết cục câu chuyện, ta chứng kiến cảnh Nhâm rời làng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự; cảnh Ngữ quyết đi tìm chồng nhưng rồi lại vẫn xuất hiện trên cánh đồng quen thuộc với công việc quen thuộc, và cảnh Quyên ra tàu, trở về nơi chốn mới của cô. Làng quê thân yêu chợt hằn đậm cảm xúc như một trạm dừng chân bình yên và xa vắng của dòng chảy cuộc đời đầy biến động; và nhịp sống quê như điệp khúc trầm lắng chan chứa bao nỗi nhọc nhằn , mà luôn da diết, vững bền.
Thoại phim giản mộc, gọn ngắn, phù hợp và có tác dụng nâng đỡ hình ảnh nhân vật, góp phần hình thành sắc thái riêng  trong phong cách thể hiện. Song, đoạn người giáo viên đàm thoại với Duyên trong lúc đi đường lại không khớp hợp với phong cách này, khi anh ta cao giọng thao thao giáo huấn, chê trách những bất cập, bất công đối với nông thôn và nông dân. Tác giả có lẽ muốn qua cuộc thoại này, bày tỏ chủ ý của mình, song hiệu quả đã không đạt như mong muốn.
Diễn viên được chọn hoàn toàn phù hợp với tiêu chí miêu thuật. Đặng Nhật Minh chú trọng  khả năng trùng khớp thực chất của vai diễn với nhân vật, chứ không bị lôi cuốn bởi hình thức bên ngoài. Điều này cũng được thấy rõ trong việc lựa chọn diễn viên của ông trong các bộ phim khác. Tạ Ngọc Bảo và Thúy Hường tuy không chuyên, diễn theo kinh nghiệm sống bản thân, cũng đã tái tạo rõ nét những mẫu nhân vật sống động, chân thực. Lê Vân, với kinh nghiệm và khả năng biểu hiện chuyên nghiệp, đã khắc họa chính xác hình ảnh cùng tâm cảnh người phụ nữ lâu ngày tái hợp quê nhà đang trong quá trình biến đổi mau lẹ.
Không gian thuật kể được đóng chốt tại một làng quê. Ở đó, bao trùm bầu không khí trầm lắng và mọi thứ dường như đều chìm vào bên trong, âm ỉ sục sôi… Cảnh tượng này đòi hỏi một phương thức thuật kể đặc thù phù hợp, và tác giả đã thành công khi chọn giải pháp biểu hiện nội tâm làm cơ sở triển khai đường dây câu chuyện, dẫn dắt hành động và tiết tấu; tránh sa vào sức hút của sự kiện, trong đó kịch tính được tạo ra bằng hành động với tiết tấu nhanh.
Với chức năng thông báo, sau đó khơi gợi cảm xúc; hình ảnh của bộ phim đa phần giản dị, cấu thành từ những góc quay chân phương, động tác máy không cầu kỳ; phản ánh khá chân thực cuộc sống thường nhật. Độ dài của hình ảnh khớp hợp với nội dung thoại và lượng thông tin, không sa đà vào việc kích tạo không khí mang tính giải thích. Ánh sáng trong phim chủ yếu đến từ mặt trời tự nhiên. Trong các trường hợp sử dụng ánh sáng nhân tạo, cũng thường dùng độ chiếu sáng cao, khiến hình ảnh rơi vào đơn điệu. Đó cũng là nguyên nhân khiến một số hình ảnh thiếu chiều sâu tâm lý, đánh mất vai trò gợi ý cần thiết - đặc biệt trong những tình huống soi chiếu sâu vào nội tâm nhân vật.
Hiện thực trong Thương nhớ đồng quê được chọn lọc và diễn tả thấu suốt từ bản chất của sự việc, một cách đa chiều, dung dị và tỉ mỉ. Tác giả luôn để chính sự việc - thông qua hệ thống chi tiết liên quan, trực tiếp nói lên tiếng nói của nó; chứ không can thiệp chủ quan, hoặc vo tròn, hoặc cực đoan khẳng định. Nhờ đó, câu chuyện phim được khơi dòng êm ả, thông suốt. Chi tiết đóng vai trò quan trọng khơi gợi ý niệm và cảm xúc đối với chủ đề tác phẩm. Phần lớn chi tiết được sử dụng trong phim không kết thành hệ thống mà vụn rời, như được góp nhặt từ đâu đó trong đời thường rất đỗi chân thực và tự nhiên: chú chim con đón mồi, xâu cá vùng vẫy trong nước, đám trẻ tụ tập trước màn hình tivi đang diễn cảnh thi sắc đẹp, đêm đập lúa trên sân nhà, vụ tai nạn ô tô, buổi diễn rối nước ở đình làng… tất cả những chi tiết, sự việc ấy đều không gắn kết nhau, cũng không có mối quan hệ tạo sinh với nhau. Nhưng được kết nối bằng bàn tay của tác giả phim, chúng trở thành nhân chứng đắt giá phản ánh hiện thực, chứ không dừng lại ở vai trò đơn thuần là nhân tố miêu tả sự vật. Mặt khác, về phương diện cấu trúc, ta thấy đường dây dẫn chuyện thường bị tác giả chặn cắt và đổi hướng đột ngột. Thủ pháp này tạo ra cảm nhận tự nhiên từ đời sống thục và câu chuyện được bỏ ngỏ trong cơ chế mở, miên man tiến triển. Và chính đây là lý do khiến cấu trúc tác phẩm bị thả lỏng, dẫn đến kéo dài không cần thiết ở một số trường đoạn, vì có thể tùy ý kết nối triền miên các chi tiết- sự kiện khác nhau vào đường dây câu chuyện. Nổi bật nhất là hiện tượng dông dài ở các trường đoạn mô tả hai nhân vật Minh và My: từ lúc chúng đi học, đáng yêu như thế nào, đến vụ tai nạn ô tô, một đám ma rình rang, rồi lan man đến cảnh tưởng tượng chúng mặc áo trắng trên thuyền… Ở đây, chợt liên tưởng tới thủ pháp biểu hiện tâm linh quen thuộc đã từng gặt hái thành công, được tác giả sử dụng trong Thị xã trong tầm tay, Bao giờ cho tới tháng Mười; nhưng trong trường hợp này, thành công đã không tới bến. Tương tự, cảnh biểu diễn rối nước cũng kéo dài quá mức, lại không gắn kết được với các nhân vật xem rối, khiến ý đồ giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc không đạt như ý.
Trong nghệ thuật miêu thuật của mình, Đặng Nhật Minh thực sự coi trọng con người thông qua các nhân vật. Mô tả con người, ông đặc biệt chú tâm đến trạng thái nội tâm. Ngay khi hướng vào mô thuật hành động và sự kiện, cũng cốt mổ xẻ, làm nổi bật thế giới nội tâm của nhân vật. Do đó, phim của Đặng Nhật Minh, cho dù đề cập tới lĩnh vực nào của đời sống và con người, đều thể hiện đậm đà một chất giọng tiểu thuyết đặc trưng. Với ông, mọi đối tượng mô tả đều không chung chung mà rất cụ thể -- ở bộ phim này là ba nhân vật “có xương có thịt” rõ ràng, và là luống cày, bờ tre, mái tranh, giọt mưa đêm, tiếng ếch nhái, chiếc áo phụ nữ, tình người và nghĩa quê hương… do vậy, luôn gây được cảm xúc gần gũi và chân thực.
Như tên gọi mượt mà, Thương nhớ đồng quê nhẹ nhàng dẫn người xem bước vào thế giới linh cảm của những êm đềm, dịu ngọt lẫn ái ngại, xót thương…Hiện thực, lãng mạn, cảm thông, phẫn nộ… dường như đó là những chất liệu vô hình không thể thiếu trong quá trình kết tạo nên hình tượng tác phẩm này. Bộ phim khơi gợi sự quan tâm của mọi người đến thân phận người nông dân trong bối cảnh xã hội phát triển có yếu tố thị trường hiện nay. Và tuồng như cũng chỉ ở mức đó - mức phản ánh và khơi gợi, chứ chưa thực sự tạo ra dấu ấn đổi thay mạnh mẽ.
Thương nhớ đồng quê do Hãng phim Hội Điện ảnh VN và Hãng truyền hình Nhật Bản NHK sản xuất năm 1995
 Biên kịch và đạo diễn: Đặng Nhật Minh
Quay phim: Nguyễn Hữu Tuấn
Họa sĩ: Phạm Quốc Trung
Nhạc sĩ: Hoàng Lương
Diễn viên:  Thúy Hường vai Ngữ
Lê Vân vai Quyên
Tạ Ngọc Bảo vai Nhâm
Giải thưởng:
Giải A Hội Điện ảnh VN (năm 1995)
Giải đạo diễn xuất sắc tại LHP VN lần XI (năm 1996)
Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Ba Châu – Nates, Pháp (Năm 1996)
Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Vesoul – Pháp (năm 1997)
Giải Khán giả tại LHP Quốc tế Fribourg- Thụy Sỹ (năm 1996) Giải KODAK tại LHP Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 42 tại New Zealand (năm 1996)
Giải phim Châu Á hay nhất của NETPAC tại LHP Quốc tế Rotterdam– Hà Lan (Năm 1996).
Trần Luân Kim
Nguồn: tinmoi.vn
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Gió dựng thành lũy biên cương

Gió dựng thành lũy biên cương Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/ mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương./ Mải theo ...