Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Tiếng chim hót trong thành phố

Tiếng chim hót trong thành phố 
Thi thoảng trên đường, giữa cái nóng nực, nhấp nhô và chen lấn của dòng người, bất ngờ ta vẫn nghe thấy trong vắt, véo von tiếng hót của các loài chim. Nhưng dường như không phải từ trên tít thinh không, từ vòi vọi trời xanh, từ những hàng cây xanh lá hay "trong bụi mận gai" (*), mà là từ những chiếc lồng treo trong sân hoặc trước hiên nhà... Tiếng chim hót trong những lồng tre (!)
Hà Nội thời đổi mới, phát triển và hội nhập, lúc nào cũng tất bật, hối hả. Ở bất cứ con phố, quận huyện nào cũng như đang quy hoạch, tu sửa, chỉnh trang khiến thành phố như công trường xây dựng khổng lồ đầy khói bụi. Trong bộn bề quy hoạch, việc xây mới, mở rộng đường phố được ưu tiên hàng đầu và điểm nhấn của nó chính là việc trồng mới, chỉnh sửa những hàng cây xanh.
Những hàng cây không chỉ làm dịu mát phố phường, điều hòa khí hậu mà nó như những "khuông nhạc" duyên dáng, thăng giáng, nghiêng ngả theo mùa. Hà Nội là thành phố nhiều cây xanh.
Nhưng có điều lạ hình như ta lại ít thấy bóng dáng những đàn chim về trú ngụ, làm tổ. Không tin, bạn hãy thử đứng dưới những hàng cây nhìn và lắng nghe. Tại sao nhỉ? Do không khí ô nhiễm? Do tiếng ồn động cơ? Do những đường dây điện đen kịt như cạm bẫy? Do không gian sống chật chội?
Vì thế, những người Hà Nội có chút hoài cổ, thích làm bạn với cây, với hoa, đặc biệt với tiếng chim hót thường buồn rầu nuối tiếc. Bởi trong tâm trí họ - cách đây chưa lâu thành phố này còn dịu dàng, thơ mộng lắm. Cùng với vẻ đẹp của hồ nước, của cây xanh, của hoa, của lá, tiếng thánh thót của các loài chim tạo thành những bản nhạc rộn ràng, muôn điệu, mê đắm khiến tâm hồn người bỗng lắng đọng, da diết.
Thôi thì... đành vậy, thời công nghiệp hoá, khó có thể thoả mãn hết niềm đam mê, hãy thử hưởng thụ cái thú chơi tao nhã theo cách riêng  mình.
Này nhé, một ngày cuối tuần nhàn rỗi, ta cùng lũ bạn lang thang đoạn phố cảnh, ngã ba chợ Bưởi - Hoàng Hoa Thám. Gọi là đoạn phố cảnh vì từ dốc Đốc Ngữ đổ về phía chợ Bưởi chỉ dài hơn nghìn mét mà người ta trưng bày rất nhiều thứ: ngoài chim cảnh còn có cá cảnh, cây cảnh, chậu cảnh, đôn cảnh.
Ở đây, không biết từ bao giờ, người ta  rủ nhau bày bán rất nhiều loài chim: chim khuyên, chích chòe, sáo, loan, phượng, sơn ca... Đến nỗi có người đã gọi chợ Bưởi là chợ chim.
Đi qua đoạn này, dù không muốn ta vẫn nghe thấy tiếng chim véo von, da diết bên tai. Tiếng chim hót gợi lên trong lòng người những kỷ niệm của thời thơ trẻ đuổi bướm, bắt chim, cùng nhau lang thang trong những khu vườn mênh mông và hoang vắng, thậm chí quên ăn, quên ngủ để đi theo tiếng hót của lũ chim, và đau xót  khi tình cờ thấy một chú chim bị thương.
Dừng lại bên chú chim khuyên, nhuộm trên mình bộ lông óng mượt mầu vàng. Chú nhảy nhót liên tục mỗi khi tay ta chạm vào lồng. Đôi cánh nhỏ khao khát  bầu trời  rộng mở bay loạn xạ một cách bất lực trong khoảng không chật chội đến mệt nhoài. Chú dừng lại ngơ ngác, uống một chút nước, tợp một chú sâu. “Mua đi em. Con này mới bắt về, hót thì miễn chê” - người bán chim mời mọc. “Nhưng bao nhiêu hả anh?”. “Rẻ thôi mà. Đã chơi chim thì giá cả không thành vấn đề. Miễn là em thích”.
Ta lại “bắt” chuyện với chú chim khác - một chú chích chòe hoa. Mới ngồi xuống bên cạnh, chưa kịp chìa tay làm quen, anh chàng đã ra oai giương cái mỏ đen dài giành thế chủ động, đôi cánh dang rộng, một chúm lông trên lưng nhô cao, khiêu khích, bộ dạng dữ dằn, đầy "cá tính".
Đến một ngày kia, khi trái tim thấy cô đơn, trống trải  sau những bon chen, ham muốn tầm thường, những phù phiếm, ta lại trở về với miền quê yêu dấu. Để quên đi tất cả. Để được thấy mình là cánh chim tha hương bay về tổ ấm. Ta thư thái trong ngôi "nhà quê" đơn sơ, giản dị thuở nào. Ta mắc võng nằm ở vườn cây mà nghe gió, nghe lá, nghe đất thì thầm. Để thấy mình được bao bọc, chở che.
Để nghe thấy lích chích những tiếng chim. Để thấy trên mái nhà, đàn sẻ nâu đang rình mò sân thóc. Và tít trên ngọn cây xoài, lũ chào mào say mổ những quả chín mọng. Gió hè ùa về mát rượi. Lá trong vườn rụng xào xạc. Giật mình, lũ chim bay lên nhơ nhác, hót véo von. Tiếng hót của chim sâu như tiếng nô đùa con trẻ. Tiếng chào mào như tiếng vỡ giọng của chàng trai mới lớn. Tiếng chim sẻ như tiếng của cô nàng ngoa ngoắt hay giận dữ, đành hanh...
Ta xòe tay, nắng xiên qua ngàn lá đậu hững hờ. Ô, có chú chim đậu trên bàn tay. Không phải, đấy là bóng chim trong nắng vô tình bay qua... Khu vườn thanh vắng, trong tiếng chim quấn quýt thân thương, thảng hoặc "nghe" thấy mùi của hương cỏ non ngai ngái, mùi tanh tanh của bùn, mùi nồng của gốc rạ cháy dở...
Có cái gì đó như đánh thức ta. Đúng rồi, tiếng chiếp chiếp của con chim non gọi mẹ đòi ăn. Nhớ mẹ, thỉnh thoảng chúng thò cái mỏ sữa ra ngoài hích hích vào lá. Giờ này, chắc mẹ chúng đang về. Ngày xưa bé ta cũng thế, bạn cũng thế. Hình như tất cả sinh linh trên thế gian này đều thế.
Để rồi sương mai, ta trở về thành phố đối diện với thực tại. Với nóng, với bụi, với hầm hập, khô hanh. Với cả những khát khao, lo toan cùng kỳ vọng. Ta  lại trò chuyện với chú chim  trước hiên nhà. Dẫu biết tiếng hót sẽ kém hay, kém ngọt ngào quyến rũ. Nhưng trong thời đại số hóa này, khi mà thời gian và không gian đều trở nên chật chội, thì chỉ tiếng "chim lồng" cũng thấy lòng như vợi đi nỗi muộn sầu...Vậy mà vẫn mong thành phố, những người có chức trách và mỗi con người Hà Nội làm sao để không bao giờ còn phải nghe tiếng chim hót "trong những chiếc lồng tre". Để trả những thanh âm trong vắt, véo von tuyệt vời ấy về với thiên nhiên, cỏ cây, với đất trời Hà Nội.
Nguồn: Vietnamnet.com.vn
Theo http://www.epu.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...