Tác giả Nguyễn Thành Tâm, bút danh Đại Ngàn hiện là kỹ
sư trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Là cô giáo dạy chuyên toán. Tưởng chừng những
con số, định luật, định nghĩa, thuật toán… đòi hỏi sự chính xác tỉ mỉ đến khô
khan, còn tìm đâu cảm xúc dành cho thi ca được nữa. Thế nhưng, thật bất ngờ khi
tôi gặp chị trong buổi kết nạp hội viên mới tại CLB thơ Tràng An. Nhận tác phẩm
“Tràn trong nỗi nhớ” do Nxb Hội Nhà văn phát hành tháng 9 – 2016 của tác giả Đại
Ngàn. Gần 100 trang gồm 50 bài thơ nhiều thể loại như: Lục bát, ngũ ngôn, thơ tự
do… viết về quê hương, đất nước, bạn bè, người thân và mảng tình trong thơ chị.
Đọc qua mỗi trang viết, tôi thấy Đại Ngàn là người chân thành, đa cảm. Nỗi nhớ
da diết, yêu thương tràn lên từng trang thơ của chị. Phải là người đắm đuối với
quê hương nhiều lắm thì trong tác phẩm của chị những hình ảnh quê mới trở đi trở
lại để cho người thơ day dứt trải lòng tâm sự như thế.
Tác giả Nguyễn Thành Tâm (Đại Ngàn)
Đọc thơ của Thành Tâm tôi có ấn tượng với những dòng Lục bát
quen thuộc, chân mộc, gần gũi với cuộc sống thường nhật. Chị cũng chịu khó tìm
tòi mà thổi hồn cho mỗi tác phẩm. Nỗi nhớ thật giản dị thấm đẫm từng trang sách
tuổi thơ. Tác giả Nguyễn Thành Tâm viết: “…Khát chiều một thoáng khói quê/ Lần
theo ví dặm con về mẹ ơi/ Nếp vàng chuốt óng sân phơi/ Cho con lăn lóc giữa trời
nhớ thương…..” (Nhớ quê)
Đi đến đâu hình bóng quê nhà vẫn gắn cùng kỷ niệm của chị:
“…Con qua muôn nẻo núi sông/ Thắt lòng một thoáng hương đồng gió quê”. Hay một
hình ảnh rất đẹp tràn qua nỗi nhớ trong bài “Cánh cò tuổi thơ”: Cánh cò úp mặt
trên đồng/ Để tìm hương cỏ ngày không có người…”. Đọc những câu thơ giản dị ấy
thấy nỗi niềm canh cánh tìm về kỷ niệm tuổi thơ mà nuối tiếc. Cánh cò úp mặt
trên đồng hình ảnh gần gũi với làng quê Việt Nam. Nay nhiều vùng cánh cò úp mặt
ấy không còn nữa. “…Để tìm hương cỏ ngày không có người”. Nhớ cả đến những
bóng cỏ trên đồng nhưng cò chỉ dám tìm về khi trên đồng không thấy bóng người.
Mấy câu thơ như lời cảnh tỉnh, một thông điệp về sự hủy hoại, tàn phá thiên
nhiên và trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay.
Con đò hình ảnh quen thuộc ở mỗi làng quê bên những dòng sông
nay là những chiếc cầu bê-tông. Bóng đò chỉ còn là hoài niệm cũng được Thành
Tâm đưa vào tâm trạng thơ của mình: “…Phù sa lạc bến đỏ buồn/ Bến chờ ở phía
thượng nguồn gió mưa/ Bao giờ cho đến ngày xưa/ Đò đi dầu dãi nắng mưa lại về….”
Những nuối tiếc trong thơ Đại Ngàn đọc lên cũng thấy xao xuyến
nao lòng. Men theo bài hát Quê hương của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch. Thơ Đỗ Trung
Quân, lời bài hát như nói hộ nỗi niềm nhớ nhung trắc ẩn của những người con xa
xứ. “Quê hương là con đò nhỏ/ Êm đềm khua nước bên sông… Quê hương nếu ai không
nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người….”. Thơ Thành Tâm dịu dàng êm ả những cảnh đẹp
của quê hương đất nước người thơ đã hòa mình cùng thiên nhiên để quyến rũ bạn đọc
như ở Thác Cam Ly chị viết: “Cam Ly sương quyện mây ngàn/ Thác reo cùng gió
cung đàn ai ngân/ Bước chân lạc chốn phong trần/ Thực hư, ảo mộng/ quên phần thế
gian…”.
Nỗi nhớ tràn lên những trang viết từ hình ảnh của người cha vất
vả nhọc nhằn, lam lũ bên cạnh người mẹ hiền tần tảo, thương yêu như những lời tự
sự giãi bày nỗi lòng của tác giả với bậc sinh thành đã luôn dõi theo suốt hành
trình cuộc đời và nuôi lớn cả cho hồn thơ của chị. Những câu thơ mộc mạc như
ngô lúa trên quê hương Vĩnh Lộc viết về cha như hiểu được nỗi nhọc nhằn của người:
“… Con xin lội lại đồng sâu/ Để mong nh́n lại bạc màu áo cha….. / Cha đi lúa
chín trên đồng/ Trĩu cong mình lúa cha không gặt rồi/ Chiều xô bóng ngả lưng đồi/
Cha ơi, có thấy con ngồi lặng im…” ngồi lặng im để hoài niệm mường tượng lại
chiếc áo bạc màu, những hình ảnh quen thuộc lam lũ vất vả một thời để Nhớ cha.
Hay tình cảm của đứa con thấp thỏm nơi xa lo những ngày Mẹ ốm:
“…Chiều đi giữa chốn không quê
Mà như thấy mẹ triền đê thuở nào…
Đường chiều se lạnh nhớ mong
Thơ là nỗi lòng không sai người thơ cứ thả hồn về quá khứ như
những kỷ vật được lưu giữ không thể phai nhạt. Bạn quê, người quê cả những mối
tình trong sáng tuổi chập chững vào đời cũng được chị thổ lộ như những dòng lưu
bút tự HỎI LÒNG mình: “… Bỗng dưng dạ thấy ngẩn ngơ/ Con tim loạn nhịp vần thơ
rối chiều…/ Giật mình nỗi nhớ không tên/ Hỏi lòng có thấy tình bên sóng cồn?..”
hay: “Vầng trăng ai sẻ làm đôi”/ Cỏ may đan kín chỗ ngồi ngày xưa…../ Tìm trong
tứ phía gió lùa/ Xót xa mong tiếng chiều xưa vọng về…” trong bài Lời hẹn xưa.
Giữa nhịp sống hối hả của kinh tế thị trường lo toan cùng cuộc
mưu sinh. Yêu thương không chỉ có hoa thơm và trái ngọt. Đôi khi vị đắng đót của
tình yêu như những thử thách khắc nghiệt cho những ai đủ kiên nhẫn, vị tha giữ
được ngọn lửa ấm mãi trong ngôi nhà hạnh phúc của mình.
Những câu thơ nhẹ nhàng như dòng tự sự: “…Trong cơn say có gọi
mềm nỗi nhớ?/ Có biết em lặng im giữa ngàn bão tố/ Con đường nào lá đổ dấu chân
xưa/ Ai đón, ai đưa cơn mưa nghẹn lối….”.
Ta ngược lối cuộc trốn tìm mê mải/ Có nỗi đau nào khờ dại thế
không anh..”.
Cuộc hành trình dâu bể của cuộc đời. Có lúc chông chênh về miền
ký ức phải vật lộn đấu tranh với bản ngã con người trỗi dậy trước bao cám dỗ đời
thường. Tâm tình tác giả gửi gắm qua những câu thơ Nguyễn Thành Tâm, ghìm nén nỗi
niềm cứ mỗi khi kỷ niệm xưa trỗi dậy: “Muốn nói lời yêu người ấy tỏ/ Mà đành
câm nín nỗi buồn dai…/… /Định nói lời yêu mà cách trở/ Thôi đành giã biệt lệ
tràn cay…”.
Quê hương trong Đại Ngàn: “… Là nỗi nhớ lặng thầm/ Giữa phồn
hoa Hà Thành ngày tết/ Là cái rét xé đôi về ngày xưa da diết/ Bưng bát cơm nhớ
bát mạch, mẹ chẳng no lòng… ”
Những dòng tâm sự của Thành Tâm như cuộc hành trình trong thơ
chị: “Trang thơ mỏng cũng hao gầy/ Ru về ảo vọng những ngày không nhau”.
HAY:
“…Câu thơ rát ruột ru mình/ Nồng trong cơi ảo đêm tình tội
đêm..”
Được biết tác giả chuẩn bị cho ra mắt tập thơ mới. Chắc chắn
nỗi nhớ sẽ làm giàu thêm cảm xúc tiếp tục tràn lên từng trang viết của Thành
Tâm.
Tập thơ Tràn trong nỗi nhớ này là bước khởi đầu gian nan vất
vả của sự đam mê, cho những chặng đường thơ phía trước. Những tập tiếp theo chắc
chắn chị có thêm kinh nghiệm để tiết chế và dồn nén cảm xúc lên từng con chữ,
chắt lọc hơn để tránh được những câu độn, chữ thừa. Biết rằng điều này không dễ
dàng đối với mỗi người cầm bút nhưng tôi tin chị sẽ làm được, bởi sự tìm tòi
luôn thường trực trong hồn thơ của chị.
Hy vọng tác phẩm Tràn trong nỗi nhớ của Đại Ngàn sớm đến được
với nhiều người yêu thơ. Cùng chắp cánh cho thơ bay xa hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét