Hồn quê và mẹ ta xưa
(Vài cảm nhận khi đọc HỒN QUÊ của Đặng Xuân Xuyến)
Hồn Quê
Ta về gặp lại hồn quê
Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa
Một đời sướng thiếu khổ thừa
Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau
Heo may trở dạ mùa sau
Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi
Chắt chiu ủ ấm nụ cười
Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”
Tháng Mười, tháng Bảy, tháng Ba
Mẹ gom gió lạnh mưa sa bão dồn
Đổ vào sẫm đỏ hoàng hôn
Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha
Ta về gặp lại hồn ta
Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời...
Hà Nội, sáng 6 tháng 3.2018
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Mới qua tết Nguyên Tiêu chưa được 5 ngày, nỗi nhớ
thương quê hương trong tôi, một kẻ xa quê gần trọn kiếp người, vẫn man mác
một màu buồn suốt từ đêm Trừ tịch đến giờ đang còn chưa dứt thì
lại đọc được bài thơ Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến khiến màu buồn
nhớ đó càng thêm đậm sắc.
Nhìn tên bài thơ trong tôi bỗng bật lên một câu hỏi: Hồn
quê là gì?
Người ta thường hay nói về hồn người và gần như mặc
định tin rằng mỗi một người đều có một cái hồn, đó là cái tinh anh của
con người mà cái chết không bao giờ hủy diệt nổi: “Thác là thể phách còn
là tinh anh”.
Thì quê hương cũng thế. Mỗi một làng quê đều có một
hồn quê, đó là cái tinh anh của làng quê ấy, của xứ sở ấy, của riêng
vùng đất ấy mà người dân làng ấy dù ai đi đâu ở đâu có đến cả trăm nơi ở khác,
dẫu có đẹp hơn quê mình vẫn thấy nhớ thương da diết về cái hồn quê ấy. Và, cũng
như tinh anh của con người, cái hồn quê ấy không gì huỷ diệt được.
Hồn quê, ấy có thể là một cây hoa gạo bên bến sông, là một
con đường làng đất đỏ, một ngôi đình làng, một mái chùa làng, một cánh cổng
làng, một lễ hội làng… Nó cũng có thể là những tập tục tốt đẹp của
người dân làng quê ấy, là những nét lịch sử hào hùng hay truyền
thống văn hoá đặc sắc hoặc sự tích các nhân vật kỳ tài của vùng đất
ấy… Hồn quê giản dị gần gũi vậy thôi nhưng nó luôn sống trong lòng người
dân làng từ đời này sang đời khác.
Nhưng đọc Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến, ta lại
không thấy một câu chữ nào nói về những nét tinh anh của quê nhà như thế
mặc dù quê hương của nhà thơ là làng Đá, một làng quê chỉ cách Hà Nội
non sáu chục cây số nhưng đến nay vẫn giữ được trong mình những nét cổ kính
của một làng quê Việt Nam với những cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng
và những ngôi nhà cổ…Và, còn hơn thế, ở làng quê của nhà thơ còn có ngôi chùa
Đá nổi danh từ thời nhà Lý với sự tích truyền tụng về cô thôn nữ đẹp người
đẹp nết của làng được hoàng cung tuyển chọn làm thiếp yêu cho vua. Vào ngày cô
dời làng lên xa giá về cung, bỗng xuất hiện đám mây ngũ sắc, hình dáng tựa con
rồng xanh, như đang ngồi che chở cho cô, theo cô về triều. Dân làng cho đó là
điềm lành nên hoan hỷ lắm, liền lấy điềm đó đổi tên làng thành làng Đỗ Xá…
Mà đọc Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến, ta chỉ
thấy hiện lên hình ảnh một bà mẹ quê, nói đúng ra là hình ảnh người
mẹ của nhà thơ. Bài thơ có 3 khổ rưỡi, 14 câu lục bát thì 12 câu đã được
dành trọn nói về bà mẹ ấy.
Hai câu thơ mở đầu:
Ta về gặp lại hồn quê
Mẹ ta xưa quẩy nắng về hong mưa
Một lời kể thật cảm động. Mẹ ta xưa là người đã không quản ngại
khó khăn, góp công góp sức sức làm cho cuộc sống, cho quê hương có được phần
tươi đẹp. Hai hình ảnh quẩy nắng, hong mưa giản dị và dễ hiểu mà rất sinh động,
có thể nói hay không kém gì hình ảnh “múc ánh trăng vàng” trong câu ca dao
đã làm say lòng người không biết bao nhiêu thế hệ
Sau hai câu phác họa nhanh về mẹ ta xưa đầy xúc cảm ấy,
nhà thơ thả hồn mình vào nỗi nhớ về một đời mà mẹ đã sống:
Một đời sướng thiếu khổ thừa
Mẹ đan hạnh phúc vặn vừa nỗi đau
Mẹ ta xưa, cũng như trăm nghìn bà mẹ quê nghèo khổ ở
nông thôn Việt Nam trước đây, “một đời sướng thiếu khổ thừa” nên không dám
ước mơ nhiều điều vui sướng mà chỉ mong phải khổ thế nào thì sẽ cố gắng
kiếm tìm cho được vừa đủ những sợi tơ hạnh phúc để đan vá, để che đậy cho vừa
vặn kín nỗi đau khổ đó.
Một trong những ước vọng hạnh phúc rất đơn sơ của mẹ
là gia đình luôn được xum họp quây quần, vui vẻ êm đềm bên nhau dưới
mái nhà tranh ở quê nhà. Nhưng cuộc đời đâu có cho mẹ được như thế. Vì
cuộc sống, một số người thân yêu ruột thịt của mẹ đã phải xa quê
khiến mẹ lại thêm vất vả, lại phải chắt chiu nhiều thứ để sẻ chia cho những
“Người ở xa” ấy:
Heo may trở dạ mùa sau
Mẹ se gió lạnh khỏi nhàu nắng tươi
Chắt chiu ủ ấm nụ cười
Mẹ nhen lửa giữ cho “Người ở xa”
3 hình ảnh đầy ắp trong 4 câu thơ: bàn tay mẹ se gió lạnh
để nắng tươi khỏi bị nhàu úa/ Mẹ chăm chút, nâng niu từng li từng tí những gì
coi là quý như một nụ cười cũng cần phải ủ ấm/ Mẹ nhen nhóm ngọn lửa để không
bị tắt, nguội lạnh. Tất cả, mẹ đều để dành cho người ở xa.
Có thể nói, ba hình ảnh ấy là ba nét khắc rất tinh xảo và rất
đẹp đã tạo nên một bức tranh tinh tế và chân thật về mẹ ta xưa làm bật lên
hồn cốt tấm lòng giàu tình thương và đức hy sinh cao cả của mẹ.
Khổ thơ thứ ba là những màu sắc tô điểm thêm cho hoàn chỉnh
bức tranh ấy về mẹ:
Tháng Mười, tháng Bảy, tháng Ba
Mẹ gom gió lạnh mưa sa bão dồn
Đổ vào sẫm đỏ hoàng hôn
Mẹ ru ta nặng trĩu hồn quê Cha
Bất kể thời gian nào, đầu năm, giữa năm hay cuối năm, tháng
này sang tháng khác, mẹ đã không quản gió lạnh mưa sa, bão dồn nhặt
nhạnh góp gom những gì có ích để nuôi nấng các con về cả thể chất lẫn tâm hồn.
Những hình ảnh tráng lệ như gió lạnh mưa sa bão dôn cùng màu sắc sẫm đỏ
hoàng hôn đặt liên tiếp dồn dập bên nhau kết hợp với các từ mạnh như gom, đổ
vào đã diễn đạt đầy cảm xúc hình ảnh người phụ nữ một đời chịu thương chịu
khó, một đời lo toan vất vả vì gia đình và con cái. Nhưng cho dù gian khổ đến
mấy, lòng mẹ bao la vẫn luôn dịu hiền trong lời ru con “nặng trĩu hồn quê Cha”.
Toàn cảnh bức tranh về mẹ ta xưa trong Hồn Quê của
Đặng Xuân Xuyến dễ gợi người đọc nhớ tới hình ảnh sâu đậm trong tâm trí của
người dân việt Nam nhất là ở nông thôn: “Con cò lặn lội bờ sông”. Một phận người
tần tảo, vất vả sớm khuya.
Hai câu kết:
Ta về gặp lại hồn ta
Mẹ ta thì đã đi xa cuối trời...
Vậy là bà mẹ của nhà thơ mất đã lâu rồi. Nhưng người
đọc hiểu rằng: Thể phách của mẹ có thể đã tan biến hết còn cái tinh anh, cái hồn
của mẹ được kể bằng tất cả những hình ảnh, những tích chuyện ở trên thì không
hề bị hủy diệt mà vẫn luôn luôn sống trong lòng đứa con và vẫn đang sống cùng
cái tinh anh, cái hồn của quê. Vì thế, mỗi lần về quê, gặp lại hồn quê thì con
thấy ngay mẹ xưa hiện lên trong đó. Vâng: Trong Hồn Quê ta có cả Hồn
Mẹ ta đó.
Có thể nói, đấy không chỉ là một hàm ý sâu sắc mà còn là một
phát hiện tâm linh mới mẻ trong bài thơ của Đặng Xuân Xuyến.
Ai mà chẳng có quê, có nơi chốn mình sinh ra. Ai mà chẳng có
mẹ, người mang nặng đẻ đau ra mình. Bởi vậy, cái hồn quê trong đó có cả hồn mẹ
mình không có gì là thánh thần kỳ bí mà chỉ là những nét đẹp bình dị gần gũi
nhưng vô cùng thiêng liêng cao cả mà bất kỳ người dân nào của quê hương, người
con nào của mẹ đều hằng gìn giữ trong lòng. Mất linh hồn là mất hết.
Hồn quê là thế. Giản dị thế thôi. Nhưng thật tiếc, không
thấy mấy văn chương viết về Hồn quê. Có lẽ, hai tiếng Hồn quê trong câu Kiều
nức danh của cụ Nguyễn Du muôn đời vẫn sẽ là hai tiếng được nhiều người nhắc tới:
Đoái trông muốn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
Bài thơ Hồn Quê của Đặng Xuân Xuyến chưa hẳn đã là
hay với nhiều bạn đọc nhưng rất đáng đọc và đáng khích lệ. Bởi vì trong Hồn
Quê của Đặng Xuân Xuyến sáng lung linh hồn mẹ ta xưa của nhà thơ.
Sài Gòn 7/3/2018
Nguyễn Bàng
Theo http://vanchuongviet.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét