Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Hoa và thi nhân

Hoa và thi nhân
Người phương Đông quan niệm rằng cỏ cây hoa lá gắn liền với tình tự dân tộc, trong đó hoa là tinh túy của đất trời, là biểu tượng của cái đẹp, của tình yêu và hy vọng. Hoa là nguồn cảm hứng vô tận của thi nhân. Do đó, không một nhà thơ nào mà không có những bài thơ viết về hoa.
Sự giàu có của các loài hoa, sắc hoa và hương hoa đã làm cho cuộc sống con người phong phú hơn, đẹp đẽ hơn. Cách đây hơn 2.000 năm, nhà thơ Khuất Nguyên (Trung Quốc) đã dùng rất nhiều câu thơ để tả các loài hoa thơm cỏ lạ trong tác phẩm Ly Tao bất hủ của mình nhằm ca ngợi những vẻ đẹp thanh cao, thuần khiết của các loài hoa đồng thời nói lên cái chí của mình. Có thể nói, ông là một trong những nhà thơ đã tỏ ra uyên bác về các loài hoa.
Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã nhắc đến từ hoa cả trăm lần. Truyện Kiều là một thế giới đầy hoa, hoa làm tăng thêm vẻ quý phái và nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ: gót sen, nét hoa, trướng hoa, thềm hoa, kiệu hoa, sân mai, sân đào… Hoa vừa là biểu tượng của tình yêu, hạnh phúc nhưng cũng vừa ám chỉ cho sự đau khổ, bất hạnh. Tác giả đã khéo chọn những loài hoa vừa dung dị, vừa cao sang để ví với tình yêu trai gái và thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.
Lúc mới yêu nhau thì “sớm mận tối đào”, “sen ngó đào tơ” và khi “ngọc nát hoa tàn” thì mới xót thương cho hoa:
- Tiếc thay một đóa trà mi,
Con ong đã tỏ đường đi lối về.
Hoặc:
- Biết thân đến chốn lạc loài
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
Trong thơ của Nguyễn Trãi cũng đã có nhiều bài nói đến hoa, đặc biệt là hoa đào, hoa cúc, hoa mai. Nhà thơ dùng hoa để tô điểm cho làng quê, cho quê hương đất nước:
- Đua chen thu cúc xuân đào,
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông.
Nguyễn Đình Chiểu tuy mù lòa nhưng vẫn cảm nhận được cái mùi hương quen thuộc của một loài hoa Tết:
- Hữu tình thay ngọn gió đông,
Cành mai nở nhụy lá tòng reo vang.
Có thể nói Xuân Diệu là một nhà thơ lịch lãm nhứt trong thú chơi hoa và hiểu hoa hơn ai hết. Ở đời có mấy ai nghĩ đến phận “bèo giạt hoa trôi”, có mấy ai “Ra đường nhặt cánh hoa rơi. Hai tay ôm lấy cũ người mới ta”. Vậy mà ông lại xót thương cho những cánh hoa tàn: “Đời ong nguyện chết giữa hoa tàn”.
Khi hoa rụng thì ông lại buồn tê tái:
- Thôi thôi nhé! Hoa đã sầu dưới đất
Cười trên cành sao được nữa em.
Con người ngoài việc yêu hoa, ngắm hoa còn dùng hoa để tặng, để cài lên mái tóc, lên áo nhằm làm tăng thêm sự gợi cảm và thể hiện tấm lòng sắt son, chung thủy.
Có ai yêu cái đẹp bằng con người Việt Nam?
Mặc dù sống trong cảnh bị tù đày nhưng Bác Hồ vẫn tìm thấy được nguồn vui và nguồn cảm hứng:
- Mặc dù bị trói chân tay
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng.
(Nhật ký trong tù)
Bộ đội Trường Sơn trên đường hành quân gian lao ngàn khổ nhưng vẫn “hoa trên đầu súng” hoặc “tiếng hát át tiếng bom”. Chị Võ Thị Sáu, người con gái quang vinh vùng đất đỏ trước khi bước lên máy chém còn ngắt một cành hoa giắt lên mái tóc… Cách nay không lâu, tại buổi lễ khai mạc 100 năm du lịch Sapa, Ban tổ chức đã cử những cô gái trẻ đẹp mang 100 bó hoa rừng, sản phẩm của quê hương Lào Cai để tặng cho các đại biểu. Tất cả những hành động kể trên thật là văn hóa, thật trí tuệ và đáng trân trọng.
Hoa đã đi vào cuộc sống đời thường. Nhà thơ Lưu Trọng Lư cho rằng không có lời nào đẹp bằng tiếng nói của hoa. Ở đâu có hoa là ở đó có tấm lòng thơm thảo. Đúng vậy, nếu thiếu hoa vườn thơ sẽ nghèo đi. Hoa đã gắn bó với con người, hoa nâng cao hồn người:
- Hoa chi thơm lạ thơm lùng,
Thơm cây, thơm rễ người trồng cũng thơm.
(Ca dao)
Anh bộ đội Cụ Hồ khi về giải phóng Cao-Bắc-Lạng thì “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”, khi mở chiến dịch Tây Bắc thì “Hoa Ban nở trắng núi đồi” và sau khi chiến thắng Điện Biên thì “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam. Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.
Hoa còn là tín hiệu của niềm vui, của lòng tin tất thắng. Một lần thấy hoa mai nở rực bên bờ suối, Bác vui mừng báo tin:
- Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai.
(Ngẩng đầu mặt trời đỏ/ Bên suối một nhành mai - Tố Hữu dịch)
Và trong những ngày bị giam cầm, Bác lại gởi gắm cho hoa một sứ mạng cao cả hơn:
- Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình.
Tình yêu của con người đối với hoa thật vô bờ bến. Cao Bá Quát tuy cả một đời chỉ thích có hoa mai “nhứt sinh đê thủ bái mai hoa” nhưng lại không thể không yêu hoa sen “Nếu là hoa thì hãy là hoa sen” vì mai và sen là những loài hoa cốt cách, thanh cao và thuần khiết. Mạc Đỉnh Chi đã làm bài “Ngọc tĩnh liên hoa phú” để ví mình với hoa sen, một loài hoa tượng trưng cho tâm hồn Việt Nam.
Hoa là tinh anh của đất trời, hoa vừa làm đẹp cho đời vừa biểu hiện một triết lý sống. Thi sĩ dùng hoa để ẩn dụ, để phản ánh tính chất bao la của trời đất. Đã là hoa thơm thì ở đâu cũng thơm. Hoa không phân biệt mảnh đất giàu nghèo.
- Hoa thơm trồng dựa hàng rào,
Gió Nam, gió Bắc gió nào cũng thơm.
(Ca dao)
Nhìn hoa, cái xấu sẽ tan đi, cái đẹp sẽ xuất hiện. Do vậy, thơ ca thường mượn hoa để tỏ tình, để bày tỏ những cung bậc của tình yêu. Mỗi loài hoa đều có ngôn ngữ riêng, một thứ ngôn ngữ biểu cảm vô cùng tinh tế, đủ sức lay động lòng người, giúp con người xích lại gần hơn. Hoa có thể nói hộ cho tình yêu mà đôi khi ngôn ngữ đời thường không sao nói hết được. Hoa còn là sứ giả của tình yêu, của thiện chí và hòa bình.
Có khi nhà thơ mượn hoa như một cái cớ để bày tỏ tình yêu, một thứ tình hết sức hồn nhiên, đôn hậu và trong sáng:
- Em là con gái Tháp Mười,
Vai mang khẩu súng miệng cười bông sen.
(Ca dao mới)
- Tiện đây mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(Ca dao)
Một nhà văn Trung Quốc đã nói: “Người mà không mê một thứ gì là người đáng ghét, còn người mê hoa là người đáng yêu nhất”. Chúng ta không đến nỗi phải mê hoa nhưng không ai là không thích hoa, vì hoa lá cỏ cây đã đi vào tâm hồn con người bằng mọi nẻo đường: tình yêu, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ. Hoa đã trở thành máu thịt, là một phần đời sống tâm hồn của thi nhân. Ai đi đến đâu, dù cho danh phận thế nào, hoàn cảnh ra sao cũng không thể quên được những câu thơ, câu ca dao thắm đượm ân tình, dệt toàn bằng những loài hoa dung dị, dễ thương, dễ nhớ:
- Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
- Trông đầm gì bằng sen
Lá xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng.
Ôi! Nói làm sao cho hết vẻ đẹp của hoa.
Hoài Phương
Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 483
Theo http://tuanbaovannghetphcm.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...