Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

Nguyễn Bính: Một hồn quê quen mà lạ

Nguyễn Bính: Một hồn quê quen mà lạ
Trong lịch sử phát triển của thơ ca, mạch thơ về đồng quê xuất hiện rất sớm từ trong thơ ca thời kỳ cổ Hy Lạp. Mỗi khi con người có mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên và khi đồng quê là nguồn nôi dưỡng đời sống và tâm hồn nhiều thế hệ thì thơ viết về làng quê có vị trí quan trọng. Những nhà thơ lớn như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà... đều có thơ hay viết về làng quê. Phong trào Thơ mới cũng không đi ngoài quan hệ ấy.
Trong dòng thơ quê, ta bắt gặp rất nhiều gương mặt quen thuộc: Tế Hanh (Quê hương), Huy Cận (Tràng Giang), Hàn Mặc Tử (Đây thôn Vĩ Dạ và Lời quê) và những bài thơ của Bàng Bá Lân, Anh Thơ... Không ít thi sĩ viết về làng quê bằng những đường nét rất trìu mến nhưng thắm đượm tình quê, hồn quê hơn cả vẫn là thơ Nguyễn Bính. Chỉ có Nguyễn Bính mới là người đã thâu tóm vào mình tất cả cái hồn quê đầy sắc màu ấy. Nguyễn Bính thường bộc lộ tâm tình của mình gắn liền với cây cỏ chốn thôn quê: cây chanh, cây bưởi, cây cam, cây chè... Điệu hồn quê cất lên từ cá nhân Nguyễn Bính cũng chính là điệu tâm hồn chung của dân quê từ bao đời nay. Hoài Thanh - Hoài Chân chỉ rõ: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta” (1).
Nếu Xuân Diệu được coi là mới nhất, Hàn Mặc Tử lạ nhất thì Nguyễn Bính là quen nhất. Người luôn ở bên cạnh chúng ta, sống trong lòng chúng ta. Những vần thơ dung dị, đằm thắm, ngọt ngào, đậm sắc hồn dân tộc của ông có sức sống lâu bền, cứ thấm sâu vào tâm hồn người đọc. Người ta nhớ đến thơ Nguyễn Bính là nhớ đến những giàn trầu, hàng cau, giậu mồng tơi, cây đa, bến nước, con thuyền; nhớ đến cái khắc khoải da diết trong lòng kẻ tha hương, trong lòng người xa xứ. Không ai là không một lần rung động khi lắng nghe tấm lòng nhà thơ và khúc nhạc hồn quê bao đời như ẩn chứa trong những vần thơ đậm đà tình quê ấy.
Không gian làng quê trong thơ Nguyễn Bính mang vẻ đẹp ngàn đời của nông thôn Việt Nam, gần gũi với mọi tâm hồn, mọi thời đại. Không gian làng quê ấy mang đậm phong vị ca dao, được xây dựng từ những chất liệu quen thuộc, dân dã của chốn thôn quê: những dòng sông với cô lái đò, mảnh vườn ao bèo, giàn đậu ván, dậu mồng tơi với cô hàng xóm, hoa cải vàng, tơ trắng bướm vàng, là mùa xuân với những đêm hội chèo, những mối tình trai gái. Những chất liệu đơn sơ, mộc mạc này đã góp phần tạo nên bức tranh thơ với nét vẽ trong sáng, chân thực:
Nhà tôi có một vườn dâu
Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần
Hoa đỗ ván nở mùa xuân
Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm
(Nhà tôi)
Không gian làng quê ấy được gợi lên từ những hình ảnh chân thực và gợi cảm nhất. Đó là hình ảnh làng quê yên ả thanh bình, thấp thoáng sau lũy tre xanh, được bao bọc bởi những dải đê. Con đê là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm của người dân, là nơi đưa tiễn người đi xa, đón người trở về, là nơi hò hẹn luyến ái của trai gái quê. Gắn với con đê, bờ tre xanh, con đường làng là xóm thôn, nhà cửa, vườn tược, ruộng đồng, bến nước, con đò... Những hình ảnh ấy vốn xưa cũ, gần gũi trong tâm thức của con người truyền thống. Nhà thơ đã lấy ngay những chi tiết, hình ảnh có thực của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ để tạo ra không gian chung của làng quê ở mọi thời, nhất là làng quê xứ Bắc. Trong thơ, ta bắt gặp rất nhiều tên xóm, tên làng vốn đã có trong dân gian: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông” (Tương tư), “Thôn Vân có biếc có hồng”, “Lối đỏ như son tới xóm Dừa”, “Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ” (Mưa xuân), “Quan trạng đi bốn lọng vàng/ Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm” (Quan trạng)... Những thôn Đoài, thôn Đông, làng Đặng, xóm Tây, xóm Bắc là những tên làng, tên xóm thân thương, gắn bó với người dân làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Người làng quê quen quần tụ bên nhau trên một địa bàn cư trú cơ bản là làng xóm, bởi vậy những tên làng, tên xóm được Nguyễn Bính sử dụng trực tiếp và cụ thể đã gợi lên dáng vẻ cổ kính quen thuộc của làng quê có từ ngàn đời.
Không gian làng quê là không gian lưu động theo bước đường tha hương của nhà thơ. Tuy nhiên, không gian nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính cơ bản là không gian làng quê mang đậm phong vị ca dao. Để tạo nên không gian làng quê ấy, Nguyễn Bính đã sử dụng những phương tiện ngôn ngữ biểu đạt không gian rất đa dạng, trước hết là hệ thống danh từ biểu đạt không gian quê với 1.677 lần xuất hiện chiếm khoảng 87% tổng số danh từ biểu đạt không gian. Hầu hết, các danh từ chỉ không gian đều gợi lên những hình ảnh, sự vật gần gũi, quen thuộc gắn bó với đời sống sinh hoạt cũng như đời sống tinh thần của người dân quê. Đó là thôn, làng, ngõ, xóm, dòng sông, con đò, trăng, sao, trầu cau, hoa bướm, tằm tơ, khung cửi, là áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen, vườn dâu, ao bèo, giàn đỗ ván, là đình, chùa, lễ hội..., những hình ảnh rất đỗi quen thuộc đã trở thành biểu tượng, thành nỗi ám ảnh thường trực về làng quê.
Thơ Nguyễn Bính chan chứa tâm tư, tình cảm, những nghĩ suy và khát vọng của những con người chân lấm tay bùn sau lũy tre làng. Cái hồn trong thơ ông sao mà dung dị, chất phác. Tiếng thơ của Nguyễn Bính cất lên, người đọc đã thấy ngay cái hồn của làng quê, ruộng đồng: “Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông/ Một người chín nhớ mười mong một người/ Gió mưa là bệnh của giời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng” (Tương tư). Tình quê của thơ Nguyễn Bính là một tình cảm đẹp hướng về cái đẹp, cái thiện, khao khát được trở về cội nguồn. Cái tình quê cũng được nhà thơ gởi gắm qua cuộc sống sinh họat đời thường. Đó là tâm trạng của người mẹ nghèo tiễn con gái về nhà chồng, là nỗi e thẹn và ngây thơ của cô thôn nữ hay nỗi lo sợ ghen bóng ghen gió của chàng trai làng khi người yêu đi tỉnh về: “Van em, em hãy giữ yên quê mùa...” (Chân quê). Nguyễn Bính đã thổi vào sự vật cái hồn quê của mình. Chính cái tôi thôn dân ấy đã hóa thân vào những nhân vật trữ tình, những cánh bướm, những đóa hoa: “Cái ngày cô chưa có chồng/ Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa.../Từ ngày cô đi lấy chồng/ Gớm sao có một quãng đồng mà xa” (Qua nhà).
Cái đẹp trong thơ Nguyễn Bính nghiêng về cái đẹp truyền thống. Hình ảnh thơ ông đậm đà chất dân dã, hương đồng gió nội. Tràn ngập trong thơ ông là cánh bướm trắng, giàn trầu cay, con thuyền ở bến sông, các cô gái quê với yếm thắm, má hồng... Một bài thơ có lẽ không ai có thể quên khi đọc thơ Nguyễn Bính: Chân quê. Trong Chân quê, một bài thơ có ý nghĩa như một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính, ông đã viết: “Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”... Và rất tự nhiên, chân quê đã trở thành một định hướng xuyên suốt trong thơ Nguyễn Bính, chi phối mạnh mẽ sự lựa chọn vật liệu, chất liệu cũng như cách thức kiến tạo thế giới nghệ thuật riêng của ông. Ám ảnh ở Chân quê là hình ảnh chàng trai thôn quê đang đứng trước bi kịch: muốn níu giữ vẻ đẹp chân quê mà không giữ được. Chàng ý thức được điều đó khi khẳng định: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Hai từ ít nhiều không định lượng được nỗi mất mát, mai một của vẻ đẹp chân quê nhưng ta vẫn thấy rõ nỗi thất vọng đau khổ của chàng trai. Chàng không muốn nói ra hương đồng gió nội đã bay đi nhiều mà phải nén lời, nói tránh, nói giảm đi bay đi ít nhiều bởi cách ăn mặc của người con gái đã thay đổi hẳn: “Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!”. Và quan trọng hơn là sự thay đổi về tinh thần, đằng sau hai chữ rộn ràng là cả nỗi lòng đang háo hức phấn khởi của người con gái. Những câu hỏi liên tiếp “Nào đâu cái yếm lụa sồi/ Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?/ Nào đâu cái áo tứ thân?/ Cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen?” không chỉ là sự trách móc mà là cả sự ngỡ ngàng, nuối tiếc, thất vọng, đau khổ của chàng trai trước sự thay đổi của người yêu.
Sự xuất hiện của khăn nhung, quần lĩnh, áo tứ thân đã lấn át, phủ định yếm lụa sồi, dây lưng đũi mà chàng không làm gì được. Nỗi đau nén lại để rồi chàng thốt ra những lời khuyên nhủ, bóng gió, lời khẩn cầu mềm mỏng, tha thiết yêu thương: “Nói ra sợ mất lòng em/ Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa/ Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh/ Hoa chanh nở giữa vườn chanh/ Thầy u mình với chúng mình chân quê”...
Kiểu tình yêu chân quê của Nguyễn Bính thường gắn liền với mơ ước về cưới xin, hôn nhân. Chu Văn Sơn nhận xét, trong thơ Nguyễn Bính, con người “chưa gì đã tính chuyện trăm năm, cứ thích trói buộc nhau vào những chuyện trăm năm với những cau trầu” (2). Điều này cho thấy điểm khác biệt cơ bản trong quan niệm về tình yêu của Nguyễn Bính so với các nhà Thơ mới khác như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương... Với Xuân Diệu, tình yêu trần thế gắn liền với sự hưởng thụ, cả tâm hồn lẫn xác thân. Với Vũ Hoàng Chương, hôn nhân và sự gắn bó thân xác chỉ là một sự đánh mất mình. Nhưng với Nguyễn Bính, hôn nhân là một kết thúc đầy ý nghĩa của tình yêu. Gắn liền với mơ ước về hôn nhân là những biểu tượng quen thuộc trong tâm thức người Việt: cau và trầu. Để diễn tả sự khăng khít của những đôi lứa yêu nhau, Nguyễn Bính cũng sử dụng nhiều cặp hình ảnh như hoa - bướm, thuyền - bến, thôn Đoài - thôn Đông... Nhưng cau và trầu không chỉ là những hình ảnh chỉ sự khăng khít, gắn bó; cặp hình ảnh - biểu tượng này còn là một khát vọng vừa rất dân gian, vừa rất hiện đại, khát vọng ngàn đời của con người về một cái kết thúc đẹp đẽ, trọn vẹn trong tình yêu lứa đôi.
Biểu tượng cau - trầu càng bộc lộ sức ám gợi đặc biệt của nó qua Tương tư. Tương tư là nhớ nhau, trai gái phải lòng nhau mà nhớ nhau. Bài thơ được tổ chức theo cấu trúc nỗi nhớ ấy. “Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”- đấy là tự thú của một kẻ si tình. Nhưng khốn nỗi, kẻ si tình nhà quê ấy lại quá nhút nhát. Thế nên, xuất hiện đầu tiên không phải là nỗi nhớ của con người mà là nỗi nhớ của thôn Đoài - thôn Đông. Thế mà thôn Đoài và thôn Đông gần trong tấc gang ấy lại dường như bị đẩy xa tới nghìn trùng và giữa cái khoảng cách ấy là “chín nhớ mười mong”, là “ngày qua ngày lại qua ngày”, là “chẳng đường sang”, là “tình xa xôi”... Vì nhút nhát quá nên phải mượn thôn Đoài, thôn Đông để gợi chuyện, để ướm lời. Cho nên cái chủ động ấy cũng chỉ là tương tư, là đơn phương nhớ nhung.
Cho nên dù cho “Tương tư thức mấy đêm rồi”, có lẽ cũng sẽ chẳng “ai người biết cho”! Tất cả niềm hy vọng của chàng trai quê mùa ấy tập trung trong bài thơ ướm hỏi này: “Nhà em có một giàn trầu/ Nhà anh có một hàng cau liên phòng/ Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông/ Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”. Chính cau và trầu sẽ hóa giải cái khoảng cách giữa thôn Đoài và thôn Đông, hóa giải cái khoảng cách giữa anh và em, đem lại cho căn bệnh tương tư một kết thúc trọn vẹn, “có hậu” nhất. Đỗ Lai Thúy khẳng định: “Đồng nhất tương tư với tình yêu, hay coi tương tư là thuộc tính bản chất nhất của tình yêu là đặc điểm khu biệt của thơ tình Nguyễn Bính: tha thiết, thuần nhị, kín đáo...” (3).
Ý thức tạo dựng bức tranh tình quê như một cách vượt thoát thực tại. Trong sự đối lập giữa quê và tỉnh, chắc chắn thôn quê sẽ là sự lựa chọn nương gửi tâm hồn tất yếu của cái tôi chân quê Nguyễn Bính. Nhà thơ từ bỏ làng quê để rồi khắc khoải nhớ quê tìm vào đô thị để mang mối sầu đô thị, tìm kiếm công danh chỉ gặp dở dang, theo đuổi tình duyên chỉ gặp lỡ làng. Nguyễn Bính điển hình cho cái lỡ dở của thời đại ấy. Ông mang đầy đủ tấn bi kịch của thời đại với một tâm trạng bất đắc chí, mênh mông dằng dặc. Nhà thơ đã dùng cả một trường từ vựng làm chất liệu diễn tả động thái với điệu buồn đậm và nặng: đó là những hình ảnh khái niệm gợi sự chia lìa, nỗi cô đơn, mặc cảm lỡ dở. Lớp từ này đã giúp thi sĩ diễn tả sâu sắc thấm thía tâm tình của người dân quê, cũng như cái tôi trữ tình của mình. Nó cũng góp phần tạo nên giọng điệu thở than rất đặc trưng trong thơ Nguyễn Bính.
Việc sử dụng các lối nói trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày với những phiền tạp của cuộc sống người dân quê trong thơ Nguyễn Bính khá sinh động. Trước hết là lối nói có xu hướng khẩu ngữ hóa. Việc chêm cài các từ thuộc những lời cửa miệng của thôn dân vào lời thơ cùng với việc tổ chức câu thơ theo cấu trúc ngữ đoạn của khẩu ngữ đã làm cho ngôn ngữ thơ Nguyễn Bính mang đậm chất của điệu nói dân gian. Ta thường gặp những câu như: “Chết nhỉ! Đêm nay ngủ với chồng/ Trời ơi! Gió lạnh! Gớm mùa đông” (Giọt nến hồng), “Nín đi! Mặc áo ra chào họ/ Rõ quý con tôi! Các chị trông!” (Người mẹ)... Rồi từ những từ ngữ đưa đẩy và các cách diễn đạt mộc mạc mà người dân quê ưa dùng như: chả, thế mà, bữa ấy, thế là, thế rồi, mà thôi, thế thôi, ừ thôi, gớm, kẻo, cạn tiệt, chán vạn, chán mớ đời, nói xằng, nói chằng, khốn thay... được lặp lại rất nhiều mà vẫn không làm mất đi tình ý của bài thơ. Với ý thức dùng từ giản dị mộc mạc, nhà thơ đã đưa vào trong thơ mình vốn từ khẩu ngữ bộc lộ cách phát âm đại phương của người dân quê vùng đồng bằng Bắc Bộ: trồng - giồng, trầu không - giầu không, dây - giây, trăng - giăng, dọng - giọng, dâu - giâu... Lớp từ này đưa vào thơ với tần số cao làm cho thơ Nguyễn Bính gần với lời nói thường, mang màu sắc tâm tình kể lể, đậm hơi thơ điệu nói.
Nếu đặc tính nổi bật nhất của văn học lãng mạn là sự thoát ly thực tại, hiểu theo nghĩa rộng và tích cực của nó, thì Nguyễn Bính đã thoát ly theo cách của ông, là trở về với đời sống thôn quê mộc mạc và bản chất nhà quê cố hữu của mình. Đấy là một ứng xử thẩm mỹ của nhà thơ trước hiện thực. Và đấy cũng là một hướng lựa chọn sáng tạo. Điều khiến Nguyễn Bính khác với nhiều nhà Thơ mới, chính là cái hơi thở của hồn quê xưa cũ trong thơ ông nhưng lí do khiến thơ ông không lẫn vào với muôn vàn ca dao tục ngữ, chính bởi vì ông là một nhà Thơ mới. Sự lệch pha với cả truyền thống lẫn thời đại ấy mới làm nên một Nguyễn Bính. Cái tôi của Nguyễn Bính là cái tôi nội cảm, cái tôi đồng vọng của bao thời đại, bao cảnh ngộ, bao lớp người. Nguyễn Bính đã lột tả hồn quê, tình quê một cách hết sức thiết tha, cảm động. Tình quê trong thơ Nguyễn Bính là tình cảm hướng về cái đẹp, cái thiện, khát vọng được trở về với cội nguồn, hồn cốt thiêng liêng của đời sống dân tộc. Tình quê trong thơ Nguyễn Bính là kết quả của một cái nhìn lí tưởng hóa, lãng mạn hóa, nó là một vẻ đẹp gợi nhiều hoài niệm và ám ảnh. Nguyễn Bính đã tạo cho mình một hướng đi riêng, một phong cách riêng độc đáo đậm chất trữ tình dân gian. Thơ của Nguyễn Bính trở về với cội nguồn dân tộc, mang đậm hồn quê, một hồn quê quen mà lạ.
1. Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ mới Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.146.
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 2000, tr.344.
3. Đỗ Lai Thúy, Mắt thơ, Nxb VHTT, Hà Nội, 2000, tr.109.
Đặng Thị Ngọc Phượng
Nguồn: T/c Văn hóa Nghệ thuật, số 11/2007, tr 82
Theo http://www.vusta.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...