Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Đôi mắt người Sơn Tây

Đôi mắt người Sơn Tây
Buổi chiều có một người sống trôi nổi dưới những cánh rừng tràm, gian khổ cơ cực với muỗi vắt sinh lầy, đã trở về nói với tôi về huyền thoại của một con kinh, biên giới giữa hai xứ sở Miên Việt. Tôi mời y một điếu thuốc và một ly cà phê đen. Tôi hỏi về những ngày y ở ngoài Bắc, lặn lội trường chinh vượt Trường Sơn với những đoàn xâm nhập, chống chọi cùng bệnh tật, và bom đạn để rồi cuối cùng dừng quân bên kia bờ kinh Vĩnh Tế. Y vừa thả khói, vừa kể. Và một câu nói cuối cùng của y đã làm tôi thật sự xúc động:
– Anh có biết kinh Vĩnh Biệt không?
Tôi lắc đầu chịu thua. Y thêm:
– Kinh Vĩnh Tế đấy.
Tôi hỏi:
– Tại sao gọi là kinh Vĩnh Biệt?
– Bởi vì, mỗi lần chúng tôi vượt qua con kinh này, chúng tôi đều nghĩ ngay đến cái tiếng buồn não nùng kia. Chúng tôi thấy rằng đó là lúc chúng tôi phải vĩnh biệt tất cả. Vĩnh biệt gia đình thân yêu, vĩnh biệt quê hương, vĩnh biệt những ngày thanh xuân…
Tôi đã lặng yên để nghe những lời thành thật của người lính Bắc. Đây là lần đầu tiên, tôi được nghe về một câu chuyện bi thảm dành riêng cho con kinh mà Thoại Ngọc Hầu đã đào cách đây gần hai thế kỷ. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy rằng vùng đất mà tôi đã trải qua, luân lạc, không phải một vùng đất quen thuộc. Nó cũng không phải là một nơi trầm lặng, không gợi cảm, cũng như làm phong phú thêm cuộc sống nội tâm của con người. Tôi đã tìm ra một điều là dưới từng vuông đất này, đều có cả một huyền thoại, ở từng con kinh, con rạch, từng bờ ruộng, bờ vườn đều có những chuyện não nùng. Ngày xưa vùng đất mới này, là cả một lịch sử kỳ diệu, được tạo dựng bởi năng lực con người. Nhưng bây giờ, cũng có những câu chuyện buồn bã thay thế vào đó. Chẳng hạn, từ một cái tên Vĩnh Tế, hôm nay, cũng có những người thay vào bằng tiếng Vĩnh Biệt.
Đối với người trẻ tuổi gốc Hà Nội này, tâm trạng y là một biển bùi ngùi. Còn tôi, tôi cũng buồn không kém. Tôi đứng dậy, và ra ngoài sân. Tuy xung quanh tôi là nhà cửa, dinh thự bao bọc san sát và những ánh đèn đầu tiên của thành phố báo hiệu một đêm bình an, nhưng rõ ràng trong đầu tôi, lại rực rỡ hiện lên một con kinh màu nước phù sa vàng đục, chảy ngang qua cánh đồng bao la, dưới ánh mặt trời chiều vàng vọt. Con kinh ấy như một giới hạn não nùng chảy vào tâm hồn tôi. Bằng một chuyện tình xa xôi. Bằng một kỷ niệm không bao giờ phai nhạt được. Tuy hai bờ cách xa nhau mười mấy thước nhưng rõ ràng, khoảng cách đã quá diệu vợi, ngăn cách trùng trùng. Và từ câu lạc bộ tiếng hát của Thái Thanh vẳng lại bài Đôi Mắt Người Sơn Tây. Tự dưng ma quỷ bắt đôi chân tôi bước lại quán, con tim tôi như nhòa lệ. Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây. Buồn viễn xứ khôn khuây… Trên bầu trời sẩm nhạt, in những cánh chim én. Những cánh chim én của mùa xuân ấy đang lượn vờn như một điệu luân vũ. Thì ra mùa xuân đã lại trở về. Thì ra kỷ niệm đã như những cánh én kia, xa vắng một năm, bỗng một chiều đột nhiên trở lại…
Trước ngày ngưng bắn, tôi là kẻ thường vượt qua giòng kinh Vĩnh Tế nhiều nhất. Bởi nghề tôi bấy giờ là phóng viên chiến trường, đặc biệt về chiến trường ngoại địa. Hơn nữa, tôi coi vùng này là một vùng đất cần phải khám phá, học hỏi, giúp cho cuộc sống tôi rất nhiều trong hoài bão mà tôi từ lâu ấp ủ: là viết văn. Tôi sẽ là một chứng nhân của một Đông Dương bất hạnh. Tôi sẽ mở rộng tầm mắt, chữ nghĩa, vượt ra ngoài cái thế giới nhỏ hẹp rêu phong của cuộc sống thường nhật. Tôi muốn tìm xem ở bên kia bờ kinh Vĩnh Tế, chiến tranh là gì, đau khổ là gì, bom đạn là gì, chủ nghĩa là gì. Cho dù, những thứ ấy như một bài học quen thuộc mà mỗi ngày tôi đã gặp phải, đã chứng kiến. Cho dù, tôi hiểu rằng trên mặt địa cầu này, chiến tranh quả là một chuyện thường tình, như một biến chuyển của lịch sử. Ấy vậy, bằng cõi lòng tham vọng vô bờ, tôi vẫn lên đường. Tay xách máy ảnh. Túi đựng cuốn sổ tay, và cây bút. Thế là tôi khởi hành. Khởi hành trong bất cứ thời gian không gian nào. Từ trực thăng, hay trong thiết vận xa hay theo một đoàn quân tiếp ứng lội bộ, tôi vượt qua biên giới. Nói là biên giới, nhưng thật ra, nó chỉ là con kinh nhỏ hẹp, như trăm ngàn con kinh ở miền đất tôi về mà thôi. Nó không phải hung vĩ, bí mật và phân định rõ ràng như rặng Trường Sơn, hay một ranh giới thiên nhiên nào khác. Và cũng vì lý do đó, khi xuống chiếc đò đưa qua bờ, lòng tôi cũng chẳng hề rung động là bao nhiêu. Ngoại cảnh như một bức tranh thường tình. Vẫn là đồng lúa xanh rì, vẫn là những khóm thốt nốt trơ trọi in bóng bên bờ ruộng. Vẫn một mặt trời rực rỡ giữa một từng không chói chang.
Nhưng rõ ràng, càng đi sâu vào nội địa xứ người, tôi lại càng gặp biết bao nhiêu câu chuyện đáng để ghi nhớ. Từ pháo tháp của một thiết vận xa, giữa một cánh đồng tháng chạp trong mùa nước lớn, tôi đã bấm máy ảnh lia lịa. Mỗi hình ảnh qua đi là một biểu tượng đẹp não nùng. Từ ngôi chùa mái ngói cong vút màu đỏ thắm ẩn hiện giữa những kẽ lá của hàng thốt nốt. Từ những sóc dưới chân núi đồi, như bao phủ bởi một bầu không khí của thần linh tôn giáo. Từ những ngôi chùa đầy ngập người tản cư… Đó là những hình ảnh mà tôi đã gặp phải trong toàn cõi Đông Dương. Chúng cũng xảy ra ở Lào, Việt Nam. Và chúng đã làm cho một kẻ bàng quan nhất cũng phải đặt câu hỏi: Chiến tranh và tôn giáo. Cái nào là sức mạnh? Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề đã đặt ra quá lớn lao. Tôi còn phải học, học thật nhiều. Với tôi, tôi không phải là một kẻ tham dự. Mà là một chứng nhân.
Vào một ngày đầu tháng chạp, tôi mang đồ nghề theo chân một đoàn thiết vận xa về giải tỏa áp lực địch tại T., một thành phố nằm trên con đường số 1 nối từ  Neak Loeung đến Thủ đô Nam Vang. Buổi tối có mưa sùi sụt, đám quân dừng đêm tại một đồng không mông quạnh và mênh mông nước, để sáng sớm tinh sương hôm sau mới tiến chiếm mục tiêu. Ngồi trên pháo tháp lạnh lẽo, bên cạnh người bạn mới quen, tôi kể lại những ngày ở thành phố, những buổi chiều của Bonard, Mai Hương và bạn thì kể lại những ngày dài ở xứ lạ quê người. Trời tối như mực, đến nỗi cảnh vật cách xa chừng 4, 5 thước, mắt người cũng chẳng nhận ra nổi. Thỉnh thoảng vài trái sáng được bắn lên từ bên kia rặng núi, soi cả một thinh không trong giây phút, rồi tắt lịm.
Người bạn bỗng nói:
– Có bao giờ anh nghĩ rằng ở giữa vùng đất này lại có một người con gái như trong một bài thơ của Quang Dũng?
– Có phải là Đôi Mắt Người Sơn Tây?
– Vâng.
Rồi bạn vừa đốt thuốc vừa kéo cao cổ áo lạnh. Cơn mưa đã dứt, nhưng khí lạnh lại bốc tỏa đầy trời. Bạn lại giục tôi:
– Trước khi kể câu chuyện, mời anh uống một chút rượu cho ấm. Rượu mang từ quê nhà đấy…
Tôi nghe lời bạn. Hớp rượu nồng nàn cả châu thân, như những giọt hạnh phúc nho nhỏ của một đêm trên vùng binh lửa. Tuy nhiên, thú thật tôi đã bỏ quên những nỗi bất trắc, hiểm nguy ra ngoài. Với tôi, đêm như một cơn mộng, và một tình nhân. Tôi chẳng còn để ý đến những tràng súng nhỏ thỉnh thoảng cắt xé cả một lòng tĩnh mịch. Tôi cũng chẳng còn quan tâm đến những tin tức đang giục giã trong máy siêu tần số bên cạnh. Và lời bạn nồng nàn:
– Rồi ngày mai, tôi sẽ đưa anh đến một quán nghèo giữa quận K. Anh sẽ gặp một thiếu phụ trẻ. Hy vọng anh sẽ có nguồn cảm hứng để viết.
– Người thiếu phụ ấy có liên quan gì đến anh?
Người bạn lắc đầu:
– Không. Nhưng liên quan đến tất cả chúng ta. Nhất là anh?
– Tại sao vậy?
Người bạn thiết giáp cười thật bí mật:
– Anh là phóng viên, chắc anh đoán được.
– Bạn nói hơi quá. Phóng viên chỉ là một chứng nhân. Tôi đến để ghi nhận, khám phá. Tôi không phải là thầy tướng số.
– Ừ, xin lỗi. Nhưng, với một tâm hồn dễ xúc cảm của một nhà văn, chắc anh đã đoán được.
Tôi cười:
– Thôi tôi xin chịu thua. Anh kể tiếp về người thiếu phụ Miên đó đi.
– Không phải là người Miên, mà là người VN.
– …?
Bạn vất mẩu thuốc xuống ruộng nước, rồi tiếp tục hớp khẽ từng hớp rượu đắng. Đêm nặng và đầy sương. Một trái sáng lại bắn lên từ hướng Bắc. Giọng bạn ấm:
– Bởi thế tôi mới gọi là đôi mắt người Sơn Tây. Vâng, tôi không ngờ, hai mươi năm về sau, cũng có đôi mắt của  một người Sơn Tây để mình bồi hồi nhớ lại mấy câu thơ tuyệt vời: Em ở thành Sơn chạy giặc về, Tôi từ chinh chiến cũng ra đi hay Đôi mắt người Sơn Tây, U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây… Buồn viễn xứ khôn khuây… Anh biết không, nàng chính là một người Việt. Một người Việt một trăm phần trăm. Khi đơn vị tôi đến quận K., bọn tôi nhào xuống chợ tìm mua một vài vật dụng cần thiết. Riêng tôi, tình cờ tìm đến một ngôi quán nhỏ bên đường. Và người bán hàng quả làm cho tôi ngạc nhiên hết sức. Da nàng trắng muốt, gương mặt thùy mị, tuy nỗi cam khổ đã thấy rõ ở những ngón tay, quần áo của nàng. Rõ ràng là một cánh hoa lạ. Trong khi dân tộc nàng, màu da vàng mặt, thì màu da của nàng lại trắng nuột… Tuy nhiên, thú thật với anh, điều này chẳng làm tôi để ý đến bao nhiêu.
Giọng nói của người bạn sũng buồn:
– Vâng. Thú thật tôi đã coi nàng như tất cả những phụ nữ Miên khác. Bởi cách ăn mặc, giọng nói của nàng. Bởi cung cách của nàng. Tôi đã bập bẹ vài tiếng Miên học lóm được, để diễn tả vài điều cần nói. Nhưng về sau, tôi bỗng nhiên nghe được một tiếng mẹ đẻ Thưa Ông. Điều mà tôi sửng sốt là giọng nói ấy là một thứ giọng Bắc. Một giọng Bắc chính cống. Rất dịu dàng. Rất dễ thương, nhất là người ấy là người con gái Bắc thì quả là một điều phi thường. Nhất là quê hương tôi là đất Bắc…
– Nàng nói gì không?
– Nàng hỏi quê nhà mình dạo này ra sao? Bên mình hòa bình chưa? Nàng nhớ nhà quá. Còn tôi, tôi hỏi nàng gốc người ở đâu, tại sao lưu lạc ở mãi vùng đất này.
– Nàng bảo sao?
– Nàng nói nàng sinh tại Sơn Tây. Rồi nàng tấm tức khóc. Sau đó, có chồng nàng đến. Nàng chắc sợ một điều gì đó, nên đã giả vờ vui, rồi nói tiếng Miên huyên thuyên. Tôi muốn hỏi thêm, nhưng lệnh lại ban xuống là đơn vị phải di chuyển gấp. Thành ra tôi chẳng biết gì thêm về nguồn gốc và lịch sử một người thiếu phụ đáng ghi nhớ kia…
– Quả chuyện của anh như một bài thơ.
– Phải. Như một bài thơ của Quang Dũng.
Ngừng một lát, rồi người bạn nói tiếp:
– Ngày trước thú thật, khi đọc bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, tôi xúc động vì sự xuất thần của nhà thơ. Về câu chuyện tình tuyệt vời mà nhà thơ của chúng ta đã sáng tạo, về những nét gợi cảm của từng chữ nghĩa, cũng như cách gieo vần…
– Hơn nữa là cốt cách tiểu tư sản dấn thân của chàng trai Hà Nội…
– Vâng. Khi chúng ta đọc bài Màu Tím Hoa Sim hay Đôi Mắt Người Sơn Tây, chúng ta chỉ biết rung cảm cùng những nhân vật, khung cảnh, thời gian trong thơ. Nhưng bây giờ, thật sự tôi đã thấy rõ thật thấm thía một câu chuyện tình lồng trong bài thơ kháng chiến. Bởi hai ba mươi năm sau, lại có một người con gái Sơn Tây hiện đến với tôi. Anh nhớ những câu thơ này không: Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây. Rõ ràng từ khi gặp nàng, mỗi khi đọc lên những câu thơ đó, là lòng tôi lại vương lên một mối sầu. Chỉ có cái giọng nói dễ thương thốt lên trong giây phút. Chỉ có tiếng nói Thưa Ông. Chỉ có màu da trắng mượt lạc loài giữa một giống người lạ là có cả một câu chuyện lớn. Anh là nhà văn. Dĩ nhiên tâm hồn anh nhạy cảm hơn tôi. Dĩ nhiên, anh đang đi tìm đề tài. Tôi sẽ mang anh lại vào sáng mai. Đó là cả một đề tài lớn. Tôi tin vậy. Người bạn vất mẩu thuốc cháy dở. Một trái sáng lại òa vỡ, và mắt bạn trở nên lung linh xa vời. Anh lại nói:
– Anh nên nhớ là tôi cũng thường xuyên theo dõi sách báo văn nghệ. Có một điều làm tôi ngạc nhiên là sự vay mượn câu chuyện, tình tiết của người ta nhiều quá. Từ chuyện tình đến chuyện chiến tranh. Tôi xin lấy ví dụ là các nhân vật trong Love Story, hay Roméo et Juliette, hay các tác phẩm của Remarque lại được thổi phồng, thi đua khai thác. Tôi thấy nước mình, hoàn cảnh của bọn mình, có hằng ngàn câu chuyện cảm động quyến rũ, tình tiết và thơ mộng hơn thế nữa.
– Tôi ghi nhận ý của anh.
Và tôi cười:
– Nội cái câu chuyện Đôi mắt người Sơn Tây của anh quả là một câu chuyện tình tuyệt vời rồi còn gì.
– Anh là nhà văn, tôi xin nhường tất cả cho anh đó. Còn tôi, lưu lạc mãi sống cùng cái chết từng giây từng phút thì giờ đâu…
Vào sáng ngày mai, cả đơn vị lại lên đường. Tôi đi theo thiết vận xa của người bạn, mà cõi lòng nôn nao vô cớ. Không phải tôi sợ những quả đạn, pháo bất ngờ từ ngọn núi rơi xuống, hay một trận phục kích nào đó bất ngờ xảy ra. Những điều này chắc không bao giờ xảy ra. Bởi đơn vị tôi đi theo là một đơn vị thiện chiến. Họ đã chiến đấu giỏi và đã từng tham gia nhiều trận đánh khủng khiếp hơn thế nữa. Với lại, đoàn thiết vận xa đang ở giữa một đồng nước mông mênh khó lòng địch nhắm trúng mục tiêu. Nhưng tôi phải thú thật rằng, tôi đang bị hình ảnh người con gái chưa gặp gỡ, chưa quen biết kia đã đớp hồn tôi thật sự rồi. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao nữa. Hay vì giòng máu văn nghệ của tôi. Hay vì tôi đã thấy được một đề tài đẹp và thơ mộng trong chuyện vượt biên này. Hay vì hình ảnh bài thơ tuyệt vời mà tôi đã ưa thích ngay từ khi cầm sách đến trường trung học. Chưa chi mà trí não tôi đã vẽ vời bao nhiêu tình tiết, xây dựng nên những nhân vật, mà dĩ nhiên nàng thiếu phụ lưu lạc kia là nhân vật chính, và cả tôi nữa. Tôi phải làm gì đây. Lòng tôi chợt bị khích động. Tôi nghe dòng máu của mình cuộn chảy. Trời đất vẫn quen thuộc khi chúng tôi đi qua. Những người Miên thấy chúng tôi chắp tay cung kính như phong tục của một dân tộc ngoan đạo Phật. Những ngôi chùa mái cong vút lên mây ẩn hiện đằng sau những khóm dừa, khóm thốt nốt. Những ngôi nhà sàn trong sóc, còn thở khói. Đám con nít nhìn đoàn quân cười thơ ngây. Trong gió, chừng như nghe mùi đất, mùi rơm và cả mùi ngây ngây của luống cầy mới vỡ. Có những cánh én bay rợp xuống mặt nước, rồi vút lên cao. Có những cánh én đuổi theo sau những chiếc vận xa, giỡn đùa cùng những ống nước mới vỡ. Bầu trời thật xanh, như mùa xuân. Có ai đã nhắc đến mùa xuân rồi. Gần đến Tết rồi. Anh em ơi. Giọng nói mang vào lòng những đứa con của chiến trường một niềm nhớ nhung tràn ngập. Riêng tôi, tôi mải đuổi theo những cánh bướm để mua vui. Tôi đã mỉm cười với chúng, với trò chơi nghịch ngợm của một loài chim của mùa xuân. Đối với tôi, loài chim ấy hình như đã có một sự liên hệ mật thiết. Chúng theo tôi như một niềm ân sủng. Chúng từ một cõi nào đó, ngoài thềm lục địa, trở về vui vầy cùng loài người rồi lại ra đi. Như một ngày gần cuối năm này. Chúng hết lượn vờn trên cao rồi sà xuống thấp, sát xuống những bọt sóng. Chúng vô tư, tinh nghịch, chẳng hề biết trên thềm lục địa này có những tai ương bất hạnh triền miên.
Và đúng như lời của người bạn, buổi trưa cả đơn vị dừng quân tại ngay trung tâm quận K. Người bạn đã nháy tôi và cả hai tìm đến ngôi quán bên đường. Và tôi đã gặp người thiếu phụ trẻ ấy. Tôi xúc động, trước màu da trắng mượt, đôi mắt to và linh động, cùng sóng mũi dọc dừa của nàng. Nàng quả là một bông hoa lạ và lẻ loi ở quận lỵ. Tuy mái tóc của nàng rối, chiếc sà rông đã bạc màu, vá víu, những ngón tay, bàn chân của nàng đã in dấu lầm than, nhưng người ta vẫn tìm ở người thiếu phụ này một vẻ đẹp nổi bật, vượt lên giữa một tập thể dân quê nghèo nàn và khổ cực này. Quả bạn đã nói đúng. Đó là một người con gái Sơn Tây. Nhất là ở đôi mắt kia, đã chứa cả một bầu trời u uẩn. Khi đôi mắt ấy nhìn lên, tuồng như người ta thấy bâng khuâng. Và tôi chỉ biết ngồi yên, đôi mắt hớp hồn. Tự dưng tôi cảm thấy thương nàng quá. Chỗ của nàng không phải là chỗ này. Chỗ của nàng là chỗ khác. Ở bên kia biên giới có đồng loại. Có tiếng mẹ đẻ. Có ao nhà, vườn rau. Và hơn nữa, với vẻ thanh tú của nàng, chắc gì nàng không được một người chồng khá giả, danh vọng? Tôi muốn nói lên một lời Việt cùng nàng. Nhưng cuối cùng tôi chẳng dám. Tôi nhìn chiếc sà rông màu vàng thẫm kia, thấy nhói ở tim.
Nắng đã lớn, tươi thắm cả khu quận. Người bạn chợt giới thiệu bằng tiếng Việt:
– Đây là người bạn của tôi.
Tôi cúi đầu chào làm quen. Người thiếu phụ cũng cúi đầu đáp lễ. Tôi nhận ra đôi vai của nàng mềm quá. Người bạn lại nói tiếp:
– Hôm qua, cô kể cho tôi nghe nửa chừng. Tại sao thế?
Để đáp lại câu hỏi của người bạn, nàng chỉ nói:
Các ông không hiểu hoàn cảnh của em đâu.
Tôi nói:
– Cô có thể cho tôi được biết không?
Đôi mắt của thiếu phụ chợt hoe đỏ. Nàng nói giọng sũng lệ.
– Thấy các ông, em bỗng nhiên nhớ đến quê nhà quá. Đã mười mấy năm xa cách, em chưa được về. Thưa ông, từ đây qua bên ấy, có xa không?
Câu hỏi của người thiếu phụ đã làm tôi quá chừng xúc động. Thì ra, ở cánh hoa lạc loài này có cả một tâm sự u uất. Tình hoài hương của nàng đang trở về mãnh liệt. Người bạn đưa mắt nhìn tôi như cùng trao một ý nghĩ. Rồi anh đáp:
– Quê mình chỉ cách nơi này non 15 cây số, dùng đường bộ mất khoảng nửa giờ là đến.
– Thế sao? Em không hề biết.
– Chứ cô không bao giờ nghe nói đến quê nhà sao?
– Dạ không.
Rồi nàng lại hỏi:
– Không biết giờ này bên ấy nóng hay lạnh, trời có thường mưa không?
– Bên nhà, trời đã bắt đầu có những cơn rét cuối năm. Có nơi mai bắt đầu nở hoa. Người ta đang sửa soạn ăn Tết rồi.
–  Thế ư? Gần đến Tết rồi ư?
Đôi mắt người thiếu phụ sậm buồn. Nàng nói như không:
– Không ngờ, em lại làm kẻ mất quê hương. Các ông biết hoàn cảnh của em đau đớn lắm…
Nàng lại tấm tức. Tôi chỉ đợi nàng có bấy nhiêu. Và tôi tìm cách khơi mào câu chuyện:
– Cô có thể kể ra được không?
Nàng gạt nước mắt kể. Giọng nói của người con gái Sơn Tây mang theo những kỷ niệm đau thương. Từ một quê hương xa lắc xa lơ ngoài Bắc, với những cơn gió rét đầu mùa, với những nàng con gái có tiếng là xinh đẹp. Từ những ngày đầu tiên theo cha mẹ di cư vào Nam, quanh quẩn dưới rừng lá cao su, chưa bao giờ nghĩ đến một ngày rời xa cái thế giới bé nhỏ mà những người mộ phu đồn điền hầu như đã gửi trọn đời mình. Ở đâu? Nàng đã quên địa danh. Nhưng nàng kể đến ông chủ đồn điền người phương xa, mỗi ngày lái xe khắp cả đồn điền để trông coi đám phu cạo mủ, khiêng tải những thùng nhựa trắng đến nhà máy. Ở đâu? Nàng chỉ nhớ lại những tiếng chuông buổi sáng chủ nhật, từ gác chuông ngôi nhà thờ bằng ván tạp với ông linh mục già, hàm râu trắng mượt, đội chiếc beret đen, lúc nào cũng cười, và cho bánh lũ trẻ trong đồn điền. Ở đâu? Nàng lắc đầu. Nhưng nàng kể về những cảnh cơ hàn của những dân phu, gồm đủ hạng người: gồm Thượng, Miên và Việt. Và chúng tôi liền đoán ra đó là Lộc Ninh cũng nên.
Rồi tai họa bỗng nhiên bủa xuống như một trận bão kinh hoàng. Trận chiến từ đâu lại, chọn ngay đồn điền của nàng, ròng rã cả một tuần lễ. Nhắc đến đây, đôi mắt nàng tuồng như đầy ngập cả một bầu trời sầu thảm. Nàng bật run đôi vai, hai dòng lệ tuôn trào rồi lăn trên hai gò má. Tuy buổi trưa nắng lửa, hàng cây bên đường bất động và thinh không chói lọi, đất đai bốc khói, nhưng tôi nghe tuồng như có một cơn gió lạ chợt thổi qua, rồi một đám mây buồn bã như đậu lại trong hồn người, như một phiến băng giá. Buổi trưa hôm nay, trong một quán lá xứ người, vừa xảy ra một câu chuyện u uẩn. Buổi trưa hôm nay, tại một vùng đất xa lạ đang sôi sục vì khói lửa chiến tranh, có một người thiếu phụ trẻ Sơn Tây gặp lại những người lính đồng hương, để cùng nhau kể lại những ngày tháng trong thời kỳ binh lửa. Đầu nhà bên kia đường, có giàn hoa giấy vàng tươi thắm dưới ánh nắng rực rỡ. Nhưng ở bên này có một nụ hoa tội nghiệp đáng thương.
– … Sau đó…
Sau đó… Nàng vừa vuốt tóc thằng con mấy tháng của nàng, vừa kể. Sau đó, cả gia đình nàng thất lạc một người một ngả. Riêng nàng, có một gia đình người Miên cứu thoát và mang về đất Miên. Khi ấy, nàng chừng 12, 13 tuổi là cùng.
– Cho đến lúc này, em cũng chẳng biết số phận của cha mẹ em ra sao nữa…
Nàng mếu máo trong tiếng khóc. Có ai vừa đâm mũi dao vào lồng ngực tôi. Tôi nói cùng nàng:
–  Cô có thể cho tôi biết về tên tuổi bố mẹ. Khi trở lại quê nhà, tôi sẽ cố thăm dò giúp giùm cô.
Nàng nghe lời. Tôi lấy sổ ghi tên tuổi. Rồi tôi nói thêm:
– May ra. Khi trở lại nơi này, tôi sẽ mang theo tin mừng.
– Dạ. Em cảm ơn quý ông. Các ông làm em cảm động quá.
Trên trời, bỗng hiện ra những cánh én. Cánh én báo hiệu một mùa xuân sắp sửa về. Tôi thốt lên vu vơ:
– Tết cũng sắp sửa lại về.
– Vâng. Nhưng đời em chẳng có bao giờ biết đến Tết cả. Nhớ đến ngày xưa, đêm giao thừa, cả nhà quây quần bên nồi bánh tét. Bây giờ điều ấy đã không bao giờ có nữa.
Người thiếu phụ chỉ nói bấy nhiêu. Còn hai đứa chúng tôi chỉ biết đốt thuốc thương cảm nỗi niềm tâm sự của một cánh hoa đồng hương. Giữa lúc ấy, lệnh lên đường lại giục giã. Người bạn chỉ tôi và nói cùng nàng:
– Hy vọng anh bạn của tôi sẽ đem lại tin vui cùng chị.
Còn tôi, bấy giờ, một ý nghĩ táo bạo chợt nổi dậy. Tôi nói:
– Hay là chị hãy trốn về quê nhà. Chúng tôi sẽ giúp đỡ chị.
Người thiếu phụ lắc đầu:
– Em cũng mong có ngày về thăm quê hương. Nhưng còn con cái. Bỏ đi tội nghiệp chúng quá. Em không nỡ…
Tiếng còi tập họp lại vang rền ngoài đường. Chúng tôi bịn rịn từ biệt. Đôi mắt người Sơn Tây hoe đỏ nhìn theo chúng tôi. Đôi mắt tội nghiệp làm sao. Hồn bài thơ xưa chợt bay về, và tôi thấy lại những câu thơ não nùng: Đôi mắt người Sơn Tây. U uẩn chiều lưu lạc. Buồn viễn xứ khôn khuây. Buồn viễn xứ khôn khuây… Tôi quay lại nhìn nàng như muốn uống trọn cả hình ảnh một loài hoa lưu lạc một lần cuối cùng. Tôi muốn ghi nhớ mãi giọng nói dịu dàng dễ thương của một quê hương xa vời nào đó. Tôi muốn mang theo vĩnh viễn gương mặt hao gầy, những sợi tóc mây, chiếc mũi thanh tú, và nhất là đôi mắt. Và lòng tôi thầm nhủ: Hãy về bên nhà, hãy cố gắng tìm ra tung tích bố mẹ nàng. Để trong ngày trở lại, tôi là kẻ mang theo một tin mừng. Đó là cách duy nhất để giúp đỡ một người đàn bà bất hạnh. Đó cũng là một bổn phận thiêng liêng nữa.
Điều ấy chắc chắn tôi sẽ thực hiện được. Bởi vì tôi là một phóng viên. Chỉ cần nhắn tin trên vài tờ báo, hay đọc trên đài phát thanh. Sau đó, tôi sẽ xin phép đi làm phóng sự ngoại biên và sẽ tìm lại nơi chốn cũ. Tôi cũng tự bảo lòng, là sẽ mang tặng nàng một món quà Tết của quê hương. Chẳng hạn một đòn bánh Tết, bánh chưng, hay một thẩu dưa món, một gói mứt.
Ừ, tại sao tôi lại bận tâm đến nàng nhiều quá. Hay ở nàng tôi đã bắt gặp những niềm rung cảm, những xúc động chân thành như trong bài thơ kia. Tôi chính là người lính chiến lưu lạc và nàng là một người con gái trôi nổi tha phương.
Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ có dịp trở lại chốn cũ ấy nữa. Hiệp định ngưng bắn đã không cho phép tôi vượt qua dòng Vĩnh Tế ấy nữa. Món quà xuân cho người thiếu phụ xa xăm kia đã trở thành một món quà nước mắt. Và tin mừng kia cũng chẳng có bao giờ được bay đến ngôi quán bên đường trong quận lỵ K. nữa. Thỉnh thoảng, tôi lại được về bên này kinh Vĩnh Tế biên giới Miên Việt. Mà mỗi lần về như thế, tôi đều đứng lặng, mắt dõi về bên kia bờ kinh, trên cánh đồng bao la xanh màu mạ, trên những rặng thốt nốt, rặng núi thẫm trong mây, mà vẽ vời nên một hình bóng cũ. Ở đấy, có người thiếu phụ trẻ cùng màu da, cùng tiếng nói của tôi đang trải qua những ngày tháng mỏi mòn bất hạnh. Ở đấy, có một đôi mắt, mà tôi gọi là Đôi mắt người Sơn Tây, như một thiên tình sử não nùng. Tôi tưởng tượng ra, đôi mắt ấy đang đăm đăm nhìn về hướng quê nhà, mà chờ đợi một tin mừng, một món quà của quê hương, để cuối cùng phải hoài công trông đợi.
Còn riêng tôi, đứng trên bờ kinh, tôi cứ ngỡ đứng trên một điểm cuối cùng. Tôi sẽ không bao giờ được nhìn lại cánh hoa tuyệt vời kia nữa.
Trần Hoài Thư

Nguồn: Trích truyện thời chiến
Theo https://tranthinguyetmai.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...