Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Thăm lâu đài cổ ở Đức

Thăm lâu đài cổ ở Đức 
Trong tiếng Đức có hai từ schloss và burg, tương ứng với hai từ cung điện và lâu đài trong tiếng Việt. Điều thú vị là có những schloss ở trong burg, và có những burg không chỉ là lâu đài, mà còn là một pháo đài bất khả xâm phạm. Bởi lẽ trước khi thống nhất thì nước Đức từng bị chia cắt thành nhiều lãnh địa. Mỗi lãnh địa do một dòng họ sở hữu và cai trị. Người đứng đầu lãnh địa đã bỏ ra nhiều tiền của và công sức để xây dựng những lâu đài nguy nga, những pháo đài kiên cố hay những cung điện lộng lẫy để phục vụ đời sống vương giả của mình. Ngày nay, đó là những chứng tích lịch sử cất giữ huyền thoại của quá khứ, vừa là những kiệt tác kiến trúc hấp dẫn du khách đến tham quan và khám phá.
Tôi đã có cơ hội viếng thăm những lâu đài cổ ở Đức bằng xe hơi cùng hai người bạn. Từ Berlin, chúng tôi đi thăm cung điện Sanssouci ở bang Brandenburg, ghé thăm pháo đài Bernburg ở bang Saxonny-Anhalt, ăn tối và lưu lại một đêm trong tòa pháo đài cổ kính này. Sáng hôm sau tiếp tục đi thăm lâu đài Wartburg ở bang Thuringia.
Cung điện Sanssouci.
Vườn nho trước cung điện Sanssouci.
Sanssouci là cung điện mùa hè của Friedrich Đại Đế (1712 - 1786) ở Potsdam, một công trình kết hợp giữa trường phái kiến trúc Baroque của Ý với trường phái hoa viên của Pháp. “Sans souci”, tiếng Pháp nghĩa là “không âu lo”, vì Friedrich Đại Đế muốn biến nơi này trở thành “chốn thanh thản của tâm hồn” lúc ông tại vị và là “nơi yên nghỉ vĩnh hằng” sau khi ông qua đời. Friedrich Đại Đế đã gợi ý phác thảo để kiến trúc sư Georg Knobelsdorff thiết kế cung điện Sanssouci, tâm điểm là tòa lâu đài tráng lệ theo trường phái Baroque, với những hàng cột Corinthian và kiểu trang trí nội thất Rococo xa hoa và lãng mạn. Nơi đây còn có một công viên với đủ kỳ hoa dị thảo và những tượng đài Baroque hiện hữu khắp nơi. Tất cả tạo nên một khung cảnh thanh bình và thư nhàn, khiến bao phiền muộn trong lòng người, nếu có, thì đều tan biến đi cả.
Tượng Venus trước cung điện Sanssouci.
Cổng vào cung điện Sanssouci.
Tượng nam thần trong hoa viên 
phía trước cung điện Sanssouci.
Sau một buổi sáng thăm thú Sanssouci, chúng tôi đến thăm pháo đài cổ Bernburg nằm gần cửa sông Wipper. Pháo đài được xây dựng vào năm 961, án ngữ trên một tuyến thương mại đường thủy quan trọng của nước Đức và châu Âu đương thời. Do vị trí đắc địa này nên các công tước cai trị xứ Anhalt-Bernburg đã đầu tư tiền của và nhân lực kiến thiết và duy trì một pháo đài kiên cố nhằm kiểm soát tuyến thương mại này trong gần 8 thế kỷ. Ngày nay, pháo đài Bernburg trở thành một bảo tàng lịch sử, nơi trưng bày sưu tập khoáng sản của vùng Saxony-Anhalt, các sưu tập huy chương, những hiện vật phản ánh lịch sử cư trú và hoạt động thương mại của cư dân Anhalt-Bernburg cổ xưa, cùng những tác phẩm nghệ thuật đương đại của Bernburg.
Pháo đài Bernburg.
Toàn cảnh bên trong pháo đài Bernburg.
Ngay trong khuôn viên của tòa lâu đài này có nhà hàng lộ thiên chuyên phục vụ những món đặc sản của vùng Anhalt-Bernburg và những phòng trọ đặc biệt ở trong lòng pháo đài cổ để những du khách như chúng tôi có cơ hội trải nghiệm một đêm đáng nhớ trong hành trình khám phá những lâu đài cổ của nước Đức.
Nhà hàng lộ thiên bên trong pháo đài Bernburg.
Sáng hôm sau chúng tôi rời Bernburg đi thăm lâu đài Wartburg ở bang Thuringia, một trong mười tòa lâu đài cổ đẹp nhất nước Đức. Tọa lạc trên một vách đá cheo leo cao 410 mét, Wartburg được Bá tước Ludwig der Springer cho xây dựng vào năm 1067. Đây là thời kỳ mà các sử gia Đức gọi là “Ludowinger”, tức là thời kỳ dòng họ Ludwig thống trị toàn bộ vùng Thuringia ở miền trung nước Đức.
Toàn cảnh lâu đài Wartburg.
Lối vào lâu đài Wartburg.
Kiến trúc quan trọng nhất của lâu đài Wartburg là cung điện bằng đá, được đánh giá là “kiệt tác của nghệ thuật kiến trúc hậu La Mã”, với 200 cây cột chạm trổ rất tinh xảo, tượng trưng cho sự sung túc và quyền lực của đế chế Phổ. Một kiến trúc đáng chú ý khác là Nhà nguyện, nơi có những bức bích họa khổng lồ miêu tả 6 tông đồ của Chúa Jesus, cùng với những hàng cột, những chiếc chậu thánh tẩy và cây thánh giá có hình Chúa Jesus… đều là những hiện vật nguyên gốc, mang đậm dấu ấn của trường phái Romance.
Những khẩu thần công trước cửa lâu đài Wartburg.
Thư phòng của các lãnh chúa Ludwig trong lâu đài Wartburg.
Wartburg là nơi mà Martin Luther (1483-1546), nhà thần học người Đức và là tu sĩ dòng Augustine, đã rao giảng luận thuyết của mình về cải cách tôn giáo. Ông cho rằng con người chỉ có thể được cứu rỗi bởi sự ăn năn thật sự và bởi đức tin tiếp nhận Chúa Jesus là Đấng Cứu thế, mà không cần đến vai trò trung gian của Giáo hội. Tư tưởng này là ý thức hệ soi dẫn cuộc Cải cách tôn giáo và làm thay đổi lịch sử văn minh phương Tây, nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ Giáo hội Công giáo La Mã. Martin Luther bị Giáo hoàng rút phép thông công và bị hoàng đế Karl V của đế quốc La Mã đặt ra ngoài vòng pháp luật. Để trốn tránh sự tầm nã của Giáo hội và của hoàng đế Karl V, Martin Luther phải ẩn dật ở Wartburg trong suốt 10 tháng. Tại đây, ông đã dịch Kinh Tân ước từ tiếng gốc Hy Lạp sang tiếng Đức và đã viết 14 luận văn về thần học và cải cách tôn giáo. Vì thế mà sau này Wartburg được cộng đồng tín đồ Tin Lành toàn cầu suy tôn là một trong số các thánh địa quan trọng của họ.
Thánh đường trên tầng 3 của lâu đài Wartburg.
Trường lang bằng gỗ nối thư phòng của lãnh chúa 
Thuringia với căn phòng của Martin Luther.
Wartburg cũng là nơi mà hơn 500 sinh viên của 11 trường đại học ở Đức đã tụ họp vào ngày 18-10-1817 để kỷ niệm 300 năm Ngày của phong trào cải cách ở châu Âu và kỷ niệm lần thứ 4 chiến thắng vẻ vang của người Đức trước đạo quân hùng mạnh của Napoléon ở Leipzig vào năm 1813. Chính tại nơi này, những sinh viên Đức đã phát lời kêu gọi thống nhất nước Đức và xác lập các quyền dân chủ cơ bản trong một đế chế toàn trị. Trong sự kiện này, một lá cờ với ba màu đen - đỏ - vàng của hội sinh viên thành phố Jina được kéo lên ngay giữa hẽm núi. Ba sắc màu của lá cờ này chính là màu quốc kỳ của nước Đức sau này.
Căn phòng Hiệp sĩ ở lâu đài Wartburg.
Những hàng cột kiểu Gothique ở lâu đài Wartburg.
Vậy là chỉ trong hai ngày, tôi đã có cơ hội khám phá lịch sử, kiến trúc, tôn giáo và chính trị nước Đức, trong một hành trình khám phá những lâu đài cổ. Thật không gì thú vị bằng.
Trần Đức Anh Sơn
Theo http://www.baotanglichsu.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...