Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Trong khoang tàu chật

Trong khoang tàu chật
Truyện ngắn Trong Khoang Tàu Chật gói gọn trong không gian của khoang tàu, trong thời gian  các hành khách đồng hành. Họ tâm sự, đối thoại, chia sẻ và dần bộc rõ tính cách của mình. Đó là thế giới của cuộc sống thực. Nó không còn là khoảng không của khoang tàu nữa, mà là khoảng không của… hạnh phúc, nỗi đau của từng số phận.
Văn Chương Việt rất hân hạnh  giới thiệu với bạn đọc.
Khoang tàu hẹp càng chật chội hơn bởi ngổn ngang hành lý của khách đường dài. Mải, họ mới thu xếp tạm ổn cho đống hành lý. Phần lớn được đẩy vào gầm giường, số còn lại xếp dưới cái bàn ăn nhỏ. Chỉ một số thứ dễ vỡ, được để trên gác cao ở tầng hai. Thoáng qua, có thể thấy đây là khoang của mấy gia đình: gồm gia đình người đàn ông tuổi trung niên và cô vợ trẻ ít nói, nằm ở tầng hai và tầng ba bên phải. Một đôi vợ chồng trẻ, cùng bé trai chừng 8 tháng tuổi; họ nằm ở giường tầng một và tầng hai bên trái. Rồi hai vợ chồng người đàn ông mang kính cận và thiếu phụ mang bầu, cùng cô con gái chừng 5 tuổi dễ thương, nằm ở tầng một bên phải và tầng ba bên trái.
Người đàn ông trung niên sau khi loay hoay với đống đồ đạc lỉnh kỉnh, mồ hôi nhễ nhại, đã ngước lên mỉm cười với người vợ trẻ ở giường tầng ba. Họ khẽ gật đầu cho nhau, trong một cái nhìn ý tứ, như muốn nói: Xong xuôi rồi, giờ chỉ còn nhìn về phía trước. Cô vợ trẻ trạc ngoài hai mươi tuổi, ăn mặc đúng điệu, tóc xù mì vàng sậm, khẩu trang vẫn bịt kín. Cô rất kiệm lời, chỉ lẳng lặng làm theo chỉ dẫn của chồng, vẻ mặt cam chịu và thuần phác, đưa mắt nhìn người chồng thô tháp vạm vỡ một cách âu yếm và biết ơn.
Đôi vợ chồng trẻ bấn bíu với chuyến đi. Có lẽ lần đầu tiên họ đối mặt với cuộc sống gia đình không suôn sẻ. Họ như mang theo mọi thứ mà mình có, từ giường xếp, chăn gối, cho đến cái nôi trẻ em... Mọi thứ đều đã cũ.
Người đàn bà mang bầu ngồi nép một góc, dành chỗ cho chồng sắp xếp đồ đạc. Anh chồng đeo kính cận khá dày, động tác có phần chậm chạp. Chị có vẻ tự tin, khi mình lớn tuổi hơn những người đàn bà trong khoang. Hơn thế, chồng chị còn là giáo viên cấp hai, một trí thức hẳn hoi.
Sau khi tạm yên với số hành lý lỉnh kỉnh, người đàn ông trẻ và người đàn ông mang kính cận ra khỏi phòng, hít thở không khí ngoài hành lang. Chỉ còn người đàn ông trung niên nằm nghỉ trên giường. Chợt nhiên ông ta đánh mắt một lượt xung quanh, rồi dừng lại ở hai mẹ con người thiếu phụ mang bầu. Người mẹ có gương mặt phúc hậu, chu toàn. Hầu như chị không rời mắt khỏi con gái. Cô bé chừng 5 tuổi, xinh xắn và hiếu động. Đôi mắt đen láy mở to, muốn khám phá tất cả xung quanh.
Không hiểu sao, người đàn ông chợt nhíu mày, bất ngờ hất hàm hỏi: Mấy tuổi rồi, không ở nhà đi học lại đi đâu đấy? Du lịch hả? Hay thăm ông bà?
Con bé đưa mắt nhìn mẹ, ra chiều muốn hỏi, con có nên trả lời câu hỏi trống không với trẻ em của người đàn ông này không? Người mẹ trẻ lưỡng lự một giây rồi quay người, ngước nhìn người đàn ông trung niên: À, ý bác là hỏi con bé bao nhiêu tuổi phải không? Chip ơi, con tự trả lời bác đi! Cô bé nhanh nhảu, dạ cháu 5 tuổi rồi ạ! Thế có em chưa? Người đàn ông tiếp lời. Cô bé xoa tay vào cái bụng bầu của mẹ: Cháu có em gái. Nhưng em gái cháu chưa có tuổi. Hừm! Lại con gái à? Sao lắm con gái thế, như nhà bác cả 3 đứa đều là con gái. Nói xong, ông ngước lên nhìn người vợ trẻ, nói, con gái như chó cái ỉa vườn,  chán lắm. Bảo mẹ cố đẻ thêm thằng chống gậy vào!  
Vừa lúc đoàn tàu rung giật vì hãm phanh chuẩn bị vào ga mới, người mẹ vội vàng chuyển sự chú ý của cô bé bằng cách chỉ xuống sân ga giới thiệu những gian hàng đặc sản vùng miền. Chưa đầy một phút, cô bé kéo áo mẹ hỏi với vẻ mặt rất băn khoăn: Mẹ ơi, sao bác kia lại bảo là con gái như chó cái ỉa vườn, chán lắm? Con thấy con gái rất là dễ thương, rất là vui, rất là tuyệt vời đấy chứ! Người mẹ kín đáo gật đầu, mẹ cũng nghĩ thế. Tại bác ấy nghĩ là có con trai mới oách. Vì bác ấy thích có con trai hơn. Cô bé phụng phịu, nhưng như thế thì sẽ rất tội nghiệp các con gái của bác ấy, mẹ nhỉ!
Ôi, vẻ như người mẹ cũng không nghĩ được đến đấy. Dù cho âm thanh ồn ào, đoàn tàu lại xình xịch chuyển bánh, người mẹ cúi thấp xuống để có thể nhìn sâu vào mắt con và hỏi nhỏ: Con có muốn nói cho bác ấy suy nghĩ của con không? Và rất nhanh, cô bé ngước mắt lên khoang giường tầng hai: Bác ơi, nhưng con gái cũng rất đáng yêu và không hề chán tí nào ạ! Người đàn ông không nói gì, dường như chưa bắt được vào mạch câu chuyện. Cô bé vẫn chưa buông tha ý nghĩ của mình, nói, bác nên yêu thương các con gái của bác vì trẻ con là để yêu thương, không phải là để chán ạ!
Ôi giời! Thị Nở lắm thì có được cái tích sự gì đâu! Vẫn phải có một thằng chống gậy cháu ơi!!! Lần này thì người đàn ông đã  kịp đáp lại, có phần cáu kỉnh.
Bà mẹ bế thốc con gái lên giường, không phải vì sợ tàu lắc, mà có lẽ vì  chẳng muốn để cho con gái nghe thêm bất kỳ từ gì nữa. Chị hiểu rằng, với lối tư duy cổ lỗ đã ăn sâu bám rễ vào đầu óc người đàn ông ấy, có một em bé như Chip chứ cả trăm em có phân bua chắc cũng chẳng thay đổi được gì. Hoặc giả, chị ta sợ người đàn ông trung niên kia nổi khùng, Chip bị vạ lây. Nhìn kiểu người và cách ăn nói của ông ta, hẳn rất vũ phu.
Người đàn ông kính cận nãy giờ dán mắt vào cái ipad, bỗng đi nhanh vào phòng, nắm tay kéo cô bé rời khoang. Anh ta nói nhỏ với vợ: anh đưa con ra ngoài cho thoáng. Có lẽ nãy giờ, anh ta không bỏ sót từ nào của cuộc đối thoại không cân lứa tuổi và sự hiểu biết.
            Ở giường bên, người đàn bà còn quá trẻ, đang chuẩn bị cho con ăn. Chị ta ốm tong teo, đôi tay gầy trắng xanh lôi trong đống lỉnh kỉnh ra nào bột, nào bát thìa lách cách. Cô gọi ông chồng ngoài hành lang vào, bảo anh đến chỗ bình nước sôi cuối toa lấy ít nước để pha bột. Và đơn giản, ông bố mặt còn non choẹt như trẻ vị thành niên, ngoan ngoãn làm theo như một cái máy. Chỉ một nhoáy anh đã mang bát nước về, mặt tươi hớn, như thể đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vợ giao. Mà không biết có cần phải tráng bát thìa trước không, nước đã sôi hay chưa.
Người mẹ trẻ cầm hộp bột đã cạn gần hết, dốc vào bát nước, khuấy thìa quấy quá rồi đặt đứa bé nằm ngửa lên hai đùi. Dường như bị đói đã lâu, đứa bé há miệng như sáo, hớp theo phản xạ. Người mẹ đút lấy đút để, không ngưng tay. Nhoáng cái bát bột đã xong. Giường bên, bà mẹ bầu sửng sốt với cách chăm con của bà mẹ trẻ, kêu khẽ: Em ơi, em cho bé ăn nhanh thế không tốt đâu, dễ bị sặc, hoặc lồng ruột lắm đó, em ạ!
Người mẹ trẻ chỉ cười khì, coi việc đó như không: Nó quen thế rồi, nhỏ nhưng láu lắm cơ! Rồi chị hạ giọng, tụi em đang trên đường đưa con về gửi ông bà ngoại. Nghe xa xôi mơ hồ như chuyện của ai, như chuyện của trăm ngàn người là một! Tụi em là công nhân khu công nghiệp. Vào Nam khi độc thân, gặp, yêu rồi cưới. Có người khỏi cưới luôn, tốn kém! Đẻ con ra gửi về ông bà nuôi giùm. Chứ tiền trọ, tiền gửi con, tiền sữa, tiền gạo cơm, cá khô, trứng vịt… cộng lại luôn nhiều hơn tiền lương, thì biết làm sao được? Thương con đến mấy, cũng đành chịu…
Đứa bé đang ăn, và chưa nói được, nhưng dự cảm điều gì đó từ giọng kể của mẹ, nó phun phì phì ra ngoài.Bắn hồ trúng vào người đối diện. Nó khóc gắt, tay ôm bấu lấy mẹ, tức tưởi. Bà mẹ bầu tự lấy khăn lau, nói, trẻ con mà, bình thường thôi không sao hết. Nhưng người mẹ trẻ vẫn đánh đen đét vào mông thằng bé như sự trừng phạt. Nó càng khóc dữ dằn hơn. Tiếng khóc ngằn ngặt, như thể biết trước cuộc sống của những đứa trẻ ra đời trong các khu công nghiệp, rồi sẽ rất hẩm hiu. Lúc đó, có cái gì như sự phẫn uất và bất lực, chất chứa trong lòng người đàn bà trẻ. Nước mắt chị trào ra trên gương mặt giận dữ. Người bố trẻ đứng cạnh lúng túng và bối rối, không biết nên làm gì lúc này. An ủi vợ, hay nựng con? Cả hai đều có vẻ quá sức với anh ta. Bởi chính anh cũng đang cần một cái gì để tựa đỡ, trước những vô vọng của cuộc đời.
Những người còn lại trong khoang tàu chật, chứng kiến cảnh đó, muốn can ngăn người mẹ trẻ đang hành hạ thằng bé. Người đàn bà đang mang bầu đứng bật dậy, giằng lấy thằng bé trên tay, dỗ dành mẹ nó: Tội con mà em! Nó đã biết gì đâu!
 Người mẹ trẻ tu tu, khóc còn hơn đứa con trai nhỏ. Chị ơi, em sẽ nhớ con lắm...
Ông bố trẻ bối rối hết lấy khăn lau mặt cho con lại đưa khăn cho vợ, rồi như phân bua: Cực chẳng đã chứ bà ngoại cũng yếu lắm, đau ốm liên miên, không biết có kham nổi không! Tụi em không được bên nội chấp nhận, thành thử, không dám nhờ vả kêu ca gì cả, tự làm tự chịu. Từ ngày sinh con, vợ em khóc suốt, cứ thế này chả biết tương lai ra sao...
Bấy giờ, người đàn ông trung niên từ trên giường tầng hai nhìn xuống, ánh mắt đắm đuối thằng bé, đầy khát khao, đầy ganh tỵ: Ông trời sao lại cho kẻ nghèo rớt kia thằng bé, mà kẻ có tiền như ông, lại chỉ rặt con gái một bề?
 Tiếng tàu vẫn xình xịch, xình xịch lướt qua đồng hoang. Cố át những âm thanh nhiều cung bậc trong khoang tàu chật. Ngoài cửa sổ con tàu, vội vã mùa đi nối tiếp. Mới màu xanh của cây trái đó, giờ là hoang tàn, cỏ cháy. Nắng chói lóa không gian. Hai bên, tràm hoa vàng cằn cỗi nở hoa, đơn lẻ, buồn bã, không ai buồn ngắm.
Tàu đến một ga xép miền Trung. Đám hàng rong bỗng nhộn nhịp ồn ã hẳn lên. “Bắp luộc không, ai bắp luộc không?” “Ai dừa tươi không, 25 ngàn một quả”... Người đàn ông trung niên nãy giờ trùm mền, nằm ấm ức bởi sự ăn ở không cân của ông trời, giờ nhỏm dậy. Ê, dừa! Hai mươi ngàn quả, bán không? Ông nói, có phần kẻ cả. Dạ không có lời mô chú! Chú lấy, con hớt vỏ chích ống hút luôn nha? Ôi dào, chả biết ống hút ấy lấy đồ cũ rửa lại bán không chừng... Không đâu chú, con mua mới cả, chú uống giùm con trái đi chú! Thôi hớt vỏ đại đi, hai trái. Thèm vào cái ống hút ấy, đủ thứ vi khuẩn không chừng!
Thằng bé nhanh miệng nhanh tay, dạ, tùy chú ạ. Thoắt cái đưa trái dừa lên khoảng hở cửa sổ toa tàu. Người đàn ông thò hai tay rắn chắc qua cửa sổ, cầm lấy hai trái dừa, thả lại tờ năm mươi ngàn. Tàu chuyển bánh, ga lẻ mà. Ông loay hoay đưa trái dừa vào trong, nhưng không thể, khoảng hở cửa sổ quá hẹp. Mọi người xúm lại cố giúp nhưng đành chịu. Có ai đó nói, giá như có ống hút thì vẫn uống được, nhưng giờ kiếm đâu ra...
Gương mặt người đàn ông từ trắng bợt chuyển sang đỏ gay, ông mím miệng liệng hai trái dừa ra, hất hất đứng dậy phủi tay, bỏ ra khỏi khoang tàu. Mặt hằm hằm bực bội, lôi từ túi xách chai rượu, lầm bầm chưa gì đã gặp xui xẻo!.. Thôi bỏ đi anh à, có bao nhiêu đâu. Người vợ trẻ ở giường tầng ba, nhoài người ra thỏ thẻ. Đoạn cô nàng thả người, leo xuống tầng một.
Mọi người như bừng tỉnh. Giờ mới nghe cô gái trẻ đi cùng khoang dè dặt lên tiếng. Nếu mái tóc không uốn xoăn quá mức (chắc do thợ hơi quá tay) và vàng rộm, thì hẳn là một cô gái khả ái. Cô cởi bỏ khẩu trang, đường nét trên gương mặt thanh tú nhẹ nhàng, trắng trẻo. Một thân hình cân đối, gợi cảm. Mọi cái trên con người cô nàng đều được chú ý chăm tỉa cẩn thận.
Hình như cảm nhận được điều gì đó từ bà mẹ bầu, lại không có người đàn ông trung niên bên cạnh, nên cô có vẻ tự tin hơn. Vả chăng, cùng phụ nữ với nhau, họ dễ thổ lộ tâm tình.
Với giọng nói nhẹ nhàng êm tai, cô kể người đàn ông đó là chồng, ảnh làm nghề thầu khoán. Cả hai mới bí mật về quê ra mắt bố mẹ anh ấy và bố mẹ nhà em. Còn vợ con ảnh ở thành phố, không biết đâu. Em gặp ảnh cũng trong hoàn cảnh mà mọi người thường lên án. Cái nghề mua vui cho đàn ông, vừa bon chen kiếm đồng tiền vừa chịu sự quản lý của bảo kê, nhục lắm chị. Em đang chán, gặp ảnh đi thư giãn sau chầu nhậu bị bạn bè khích bác nhà chỉ rặt vịt giời. Vài lần tâm sự riết cũng thành thân. Em  thì muốn ra khỏi nơi đó, mà ra rồi thì biết đi đâu làm gì mà sống, ảnh thì muốn có con trai nối dõi. Chai rượu ảnh lấy trong túi xách là rượu ngâm mười sáu cặp cá ngựa đó chị... Thôi thì, cái số em nó thế. Ba má em rầu lắm chị ơi, ai đời đi bí mật làm lẽ cái người tuổi bằng cha chú?
Thấy những người phụ nữ xung quanh há miệng ngồi nghe, cô nàng dốc tiếp bầu tâm sự. Mà ảnh rứa chơ cũng chiều em lắm... Giờ lần đầu em thấy ảnh xử cộc vậy đó... Sau này lỡ em không đẻ được con trai cho ảnh, thì không biết sao nữa chị ơi, tuổi trẻ chưa là gì, giờ xế chiều dễ đâu mà có..? Nghe giọng con gái miền Tây kể chuyện, thấy ai cũng mủi lòng, cũng muốn sẻ chia nỗi niềm sâu kín. Nhưng không biết nói sao, ai cũng có hoàn cảnh éo le riêng. Không khí như chùng lắng xuống. Khoang tàu như đưa võng...
Chợt mắt cô nàng rơm rớm, chỉ người mẹ trẻ, nói, chị đây còn có bà ngoại để đưa con về, chứ em chắc không dám. Mà cũng biết đâu, lỡ vợ ảnh mà biết ảnh lo lắng nuôi em, thì em cũng chẳng còn chỗ dung thân...
Cô nàng lại nhìn sang chị mang bầu mà xuýt xoa sự ngưỡng mộ. Nhìn chị thật hạnh phúc. Chị sung sướng thật. Như em, không gặp ảnh thì cũng nằm mơ mới có người đàn ông tử tế riêng của mình. Em toàn vuốt ve yêu chiều không biết bao nhiêu đàn ông, nhưng ngược lại thì...
Người chồng mang kính cận của chị có bầu, từ hành lang dẫn cô con gái vào, bảo nhỏ với vợ, em trông con, anh đi vệ sinh chút. Anh ta bước nhanh về cuối toa, mở cửa buồng vệ sinh, và cài cửa thật chặt. Nhưng thay vì đi vệ sinh, anh ta móc máy điện thoại ra. Trên màn hình, một dòng tin nhắn hiện lên, chấp chới: "Em trễ kinh rồi anh ạ!". Người đàn ông suýt nữa sụp xuống, mắt kính mờ đi. Không biết vì vui sướng, hay sợ hãi. Anh ta định gọi cho người phụ nữ bên kia, nhưng tiếng ầm ào nghiêng ngửa của con tàu, khiến anh thôi ý định đó. Một dòng tin được chuyển đi: "Em đã thử que chắc chắn chưa?" "Rồi, hai vạch rất đậm!" Một lúc, người đàn ông lại nhắn: "Em đoán... con trai hay con gái?" "Nỡm ạ, mới có mươi ngày, siêu âm đâu đã biết giới tính?"
Người đàn ông tâm trạng rối bời, chưa biết nên nói sao, màn hình điện thoại lại rung lên tin nhắn: "Giờ mình tính sao anh?" Người đàn ông bối rối, đành đưa quả bóng về phía người đàn bà. "Theo em thì nên thế nào?" "Anh chuyển cho em mấy triệu, em bay vào Sài Gòn gặp chồng  một hôm, là xong!" Người đàn ông rụt rè, gửi tiếp tin nhắn: "Nhưng... lỡ em vào mà chồng ốm đau, hoặc đi công tác vắng?" "Thì em đi hút! Chỉ sợ... cái thai là đứa con trai..." Người đàn ông chợt sực tỉnh, nhắn vội cái tin: "Không có cách nào khác, hả em?" "Cùng đường, mình bỏ hết, rồi cưới nhau, anh dám không?"
Người đàn ông kính cận thất thần ra khỏi buồng vệ sinh, ngơ ngác như người mất hồn. Đôi chân như bước không vững. Anh ta lấy lại tư thế, đi vào khoang, miệng khẽ nở nụ cười khô héo, nắm tay cô con gái dẫn ra hành lang.
Trong khoang, người mẹ trẻ ốm tong teo đã qua cơn sụt sùi, cũng lấy lại trạng thái sau phút mủi lòng, đánh mắt một lượt từ đầu đến chân cô gái tóc vàng, tưng tửng: Cam có giá của cam, ổi có giá của ổi, gì đâu mà than! Rồi nháy đôi lông nheo sang bà mẹ bầu, như kiểu đừng nghe cave kể chuyện... Cô gái tóc vàng im bặt, sượng sùng đưa mắt nhìn ra cửa sổ toa tàu. Ngoài kia, một màu xanh trùng điệp trải ra ngút ngát tầm mắt. Nhìn xa không biết lúa hay cỏ.
Tàu dừng ở một ga (cũng nhỏ) của miền Trung. Bố con Chip quay lại khoang, lục túi xách muốn lấy tiền xuống ga mua cái gì đó. Mặt ông bố tươi tỉnh, như chưa có chuyện gì xảy ra. Hẳn anh ta đã qua cú sốc kín đáo, hay đã cao tay giấu đi cảm xúc của mình! Hai cha con họ dắt díu nhau xuống ga.
Bà mẹ trẻ chưa hết chua ngoa, đánh mắt nhanh sang bà mẹ mang bầu: “Chuyện mình chắc gì đã tốt, lại thương vay khóc mướn người khác!”. May, tiếng huyên náo của những người rao bán hàng vặt giúp chị không nghe được lời dễ tổn thương!.
Con tàu lại chuyển bánh, sầm sập lao về phía trước. Mang theo những tổ ấm gia đình nhỏ nhoi, như những tổ chim mong manh trong gió bão...
Đồng Hới, tháng giêng 2017
Nguyễn Thị Lê Na
Theo http://vanchuongviet.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...