Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Như cánh hoa rơi

Như cánh hoa rơi
Miên gấp chồng giáo án lại, ra về thì bên ngoài trời cũng vừa tối. Mưa dầm khiến đêm ở thung lũng dài ra còn ngày thì ngắn lại. Đi được nửa đường, Miên sững sờ. Con suối nhỏ mọi lần cô xắn quần lội qua hôm nay bỗng dềnh lên cuộn những dòng nước xoáy, chỉ nhìn thôi cũng sởn cả da gà. Ngày chưa lên đây, Miên đã từng nghe ai đó nói đến những cơn mưa rừng, nhưng rồi lại quên béng đi mất. Loay hoay mãi, cuối cùng Miên cũng chẳng biết làm gì, bất lực đứng nhìn dòng nước hung hãn. Xung quanh bốn bề im ắng, bóng tối trùm lên những ngọn cây tạo nên những hình thù kỳ dị ma quái. Tiếng con nai lạc bầy tác lên những âm thanh não nề chua xót. Miên cảm giác rờn rợn, nước mắt lã chã lăn dài trên má. Thế là mình mắc kẹt ở đây rồi - Miên nghĩ - lúc này mà liều mạng bơi qua chắc sẽ bị nước cuốn mất xác, mà quay lại thì... Miên rùng mình nghĩ đến những con thú dữ, ma rừng. Đâu đó lập loè ánh ma trơi trong bóng đêm hun hút... Cô ngồi bệt xuống đất, nghĩ đến mẹ, đến Phong... rồi khóc nấc lên trong tuyệt vọng. “Cô giáo ơi, nước xoáy thế ni...”. Giật mình vì giọng nói quen quen cất lên nhè nhẹ phía sau, Miên quay lại bắt gặp đôi mắt to tròn lấp lánh: “Mây, sao em lại ở đây? Chẳng phải em về rồi à?” “Miềng về rồi, chợt nhớ cô giáo hôm ni về muộn...”. “Thế em sang đây bằng cách nào?”. “Cô giáo đi với miềng”. Miên như một cái lò xo bật dậy theo sau bước chân thoăn thoắt của Mây. Xuôi dọc theo con suối một quãng khá xa, ở đấy có một đoạn gồ lên như bãi tràn lô nhô những mỏm đá. Miên trật trượi bước theo Mây, đôi bàn chân tưa tướp máu. Sang được bờ bên kia, cô gần như đứt hơi, ngồi bệt xuống vệ cỏ. Mây quờ quạng tìm quanh, hái một nắm lá gì đó đưa lên miệng nhai rồi rịt vào hai bàn chân của Miên. “Sẽ cầm máu và đỡ đau ngay thôi”. Mây dìu Miên đi một đoạn, gặp con đường mòn: “Đến đây là cô tự về được rồi!” Miên chưa kịp gật đầu, Mây đã mất hút vào bóng tối.
Sau lần đó, một thứ gì như định mệnh gắn chặt hai người với nhau. Mây hay đến chỗ Miên hơn. Lần nào cô cũng mang cho Miên một thứ, lúc thì bó củi khô, có khi lại mớ rau tập tàng, túi sắn. Một lần Mây mang đến một cái gói to tròn cỡ bằng cái liễn: “Em mang cho cô cái ni!” Lần đầu tiên Miên nghe Mây xưng em. Từ em được thốt ra từ miệng Mây nghe cứ ngòn ngọt, là lạ thế nào! Miên sờ tay vào cái gói được ém cẩn thận bằng lá chuối rừng, thấy nóng: “Gì thế Mây?” “Cô mở ra đi!”. “Ôi, thơm quá, nhưng mà cái gì mới được chứ, trông cứ là lạ...”. “Bồi đấy cô ạ!” “Bồi à? Nó làm bằng gì thế? Ăn được không?” “Cô ăn đi, rồi khi nào em nói cho cô cách làm…”
Miên lật đật ra sau lấy bát đũa. “Ôi! Cô giáo ơi, không cần những thứ đó, bốc tay như ri ăn mới ngon!”. Miên nhìn Mây rồi bốc một miếng đưa lên miệng, thưởng thức hương thơm ngầy ngậy, thấy xam xáp đầu lưỡi, nhai một lúc lại thấy vị ngọt bùi: “Ngon quá nhỉ!” . “Hôi lên... là hôi lên... Trời mưa nước chảy quanh hồi. Anh không lấy vợ ai đâm bồi anh ăn... Cô đã nghe câu ấy khi mô chưa?” “Mây hát hay quá nhỉ, thế mà lâu nay cô không biết”. “Không phải hát mô cô ạ, hò thuốc đó. Ở quê cô người ta không hò như rứa à?” “Không, ở quê cô chỉ có hò giã gạo trong những đêm trăng hay lễ hội, rồi hò mái nhì mái đẩy khi chèo đò trên sông...” Rứa thì hay quá hè, khi mô cô cho em về quê cô chơi với. À, cô này, pọ em là người Kinh đó, cô không nhận ra à?”. “Ừ! Cô cũng hơi ngờ ngợ... Thế sau này Mây có muốn một anh người Kinh lên đây ở không? Cô làm mối cho...” “Không mô, em còn phải đi học nữa mà, để sau này làm cô giáo của bản, như cô ấy...” Mây cúi mặt thẹn thùng. “Cô đùa thế thôi, chứ Mây phải học làm cô giáo đã chứ...” Cứ thế, Mây nói nhiều chuyện về em, về các bạn và cũng hỏi Miên đủ thứ trên đời. Miên gặp ở Mây một mối đồng cảm mà không tài nào cắt nghĩa được. Hai người gần gũi và thân thiết nhau cứ như hai chị em gái, không phải, như một đôi bạn thân, cũng không, thật khó gọi thành tên. Chỉ biết đó là thứ tình cảm đặc biệt mà Miên chưa từng cảm nhận bao giờ.
Thế rồi, Mây được tuyển về học ở Trường Dân tộc nội trú của tỉnh. Miên đã khóc vì nhớ. Nhớ đôi mắt sáng nắng, nhớ màu vàng cháy của mái tóc, nhớ cả nước da màu mật ong của Mây.
Lá thư đầu tiên Mây kể cho Miên nghe những bỡ ngỡ ban đầu của em khi tiếp xúc với cuộc sống ở thị thành. Mây nói không thích phố xá ồn ào, chỉ thích sự tĩnh lặng mênh mông của núi rừng. Mây vẫn nhớ và nhắc Miên đóng cửa sớm trước khi trời tối và ngây thơ hồn nhiên kể cho Miên nghe những gì đang diễn ra quanh em. “... Cô ơi, lúc chiều bọn em rủ nhau đi chơi, một nơi có cái tên nghe cứ là lạ: Suối đá. Cô đã lên đó lần nào chưa? Dòng suối trong vắt đến độ nhìn thấy tận đáy những hòn cuội to nhỏ trắng phau. Em soi được cả gương mặt mình vào đấy nữa. Ơ, mà sao ở đây cũng có hoa sim như quê em cô nhỉ? Một vùng bạt ngàn hoa sim, những cánh hoa màu tím mong manh trong nắng chiều, thấy cứ tồi tội thế nào, em thương nó quá! A, em kể cô nghe một chuyện, nhưng cô đừng nói với ai nhé: Lúc bọn bạn sắp về, em tiếc nuối đứng nhìn mê mẩn rừng hoa và nhớ đến cô thì có tiếng nhè nhẹ sau lưng: “Sao mơ màng thế cô bé, hoa sim đẹp lắm phải không?” Giật mình quay lại thấy một người con trai đang cầm một nắm hoa sim: “Cho anh được làm quen với em!”. Em ngượng quá, ù té chạy, mặc anh ta với nắm hoa trên tay. Buồn cười cô nhỉ! Con trai thành phố họ dạn ghê...”
“Nếu em lên biên giới, em sẽ gặp bạt ngàn hoa, hoa sim giữa đồi nắng gió tím như ai chờ mong...” Phong đã hát một cách say mê trong đêm giao lưu văn nghệ bài hát mà Miên rất thích. Rồi đến những buổi picnic dã ngoại ở đồi sim cạnh dòng Suối đá (lại là Suối đá?! Vả, suối nào chẳng có đá). Những cánh hoa sim đầy ngẫu nhiên nhưng đẹp như một giấc mơ đã trói buộc Miên với Phong bằng màu tím nao nao ấy. Cũng một nắm hoa sim trên tay Phong đến làm quen với Miên vào một buổi chiều đầy nắng. Một lần Miên giận Phong, bởi Phong ham hố quá, cuồng nhiệt quá mà Miên thì không muốn trở thành trái cây chín trước mùa. Miên bảo như thế là Phong đã không thật lòng, không còn yêu Miên nữa. Phong thề thốt bảo rằng: “Hoa sim đến mùa còn nở thì Phong mãi còn yêu Miên...” Mới hôm qua, lúc Miên tiễn Phong ra bến xe, đến chỗ con suối nhỏ, Phong ngắt một cành hoa sim bảo Miên hãy cất giữ nó, cất giữ tình yêu của anh. Bao giờ cũng thế, Phong cứ nồng nàn và ấm áp như lửa mùa đông.
“... Cô biết không, dạo này em bận lắm, vì phải tập văn nghệ chào mừng ngày 20/11. Hướng dẫn cho bọn em là một người có giọng rất hay. Cô biết “anh chàng ca sĩ” ấy là ai không? Chính là người con trai đến làm quen em trên đồi sim hôm ấy. Con trai ở bản chẳng có ai đẹp và dễ mến như anh ấy đâu cô ạ. Bọn bạn cũng nghịch lắm. Có lần chúng nói: “Mây ơi, mày xinh thế, hèn gì anh ta suốt ngày cứ lẽo đẽo đi theo, mày bắt mất hồn anh ta rồi...” Mà em có thả bùa cho anh ta bao giờ đâu. Lúc nãy, cả phòng bọn em được anh ta chiêu đãi bao nhiêu là sữa chua và trái cây đấy...”
Miên như vui lây với sự hồn nhiên của Mây mà quên đi nỗi cô đơn buồn tẻ trong ngôi nhà lọt thỏm giữa vùng đồi núi hiu hắt. Vui hơn là hôm nay Miên nhận một lúc hai lá thư của Phong, đầy ắp thương yêu, nhớ nhung và khổ sở vì sống những ngày xa cách chờ đợi ngày Miên hết hạn nghĩa vụ trở về. Miên nhớ có lần Phong nói úp mở về một hành vi khuất lấp để được ở lại thành phố. Với cương vị là trưởng phòng của một cơ quan có tiếng, ba Miên đủ điều kiện làm được điều đó. Nhưng khi Miên mới rụt rè đề nghị thì ba nhất quyết không đồng ý. Cũng dễ hiểu thôi, người như ba không thể làm được dù có ở cương vị cao hơn nữa. Thế là Miên lên dạy ở tận huyện miền núi xa lơ xa lắc này. Ngôi trường khuất sau một ngọn đồi, bao bọc bốn bề là những lèn đá dựng đứng, ngày thì nóng như thiêu đốt mà đêm xuống thì lạnh cóng. Trên đường đi thỉnh thoảng vẫn còn dấu chân thú dữ. Từ đây muốn ra thị trấn phải mất cả nửa buổi. Học sinh hầu hết là con em các tộc người Sách, Khùa, Mày, Rục và một số con em của bà con lên đây làm kinh tế mới. Sau mỗi buổi lên lớp, Miên cứ bị ám ảnh mãi những gương mặt rám đen vì nắng, những mái tóc rối vàng hoe, những đôi mắt to tròn vẻ như ngây ngô dưới đôi mày rậm. Nhưng Miên biết ẩn trong đó là những tâm hồn ngây thơ trong như nước suối của một vùng hoang sơ.
Mây nổi lên trong đám học sinh nữ bởi nước da bánh mật, mái tóc hoe vàng và đôi mắt to tròn sáng nắng dưới đôi mày cong đen nhánh, khoé miệng như búp hoa rừng lúc nào cũng sẵn sàng nở bung nụ cười tươi. Miên ngây ra trước vẻ đẹp man sơ ấy và bật cười với ý nghĩ thoáng qua rằng, nếu bông hoa rừng này mà hiện hữu ở phố thị thì không ít anh chàng phải điêu đứng!
Bẵng đi một thời gian khá lâu, Miên không nhận được thư. Tan lớp, Miên ghé vào nhà Mây. “Mệ Ché ơi, cho con xin ít củi khô!” Có tiếng vọng lên sau hồi: “Miên à! Để mai mệ mang xuống cho, đêm xuống đi đường nguy hiểm.” Rồi mệ lên sàn lấy đưa cho Miên một bức ảnh: “Mây mới gởi lên, răng mệ lo lo Miên à!” Miên nhìn bức ảnh, Mây đang cười rạng rỡ giữa mặt biển xanh ngắt, bồng bềnh trên tấm phao bảy màu sặc sỡ... Con bé này, mải vui phố thị mà quên cô giáo rồi đây! Ý nghĩ thoáng qua khiến trong Miên nhoi nhói buồn. Cô tha thẩn về nhà, đập vào mắt Miên là bức thư gài ở cửa. Thư Mây. “... Cô ơi, chiều nay cả nhóm em được anh ấy rủ đi tắm. Biển thích thật cô nhỉ. Cả một vùng trời nước bao la. Bọn em thả mình trên những tấm phao mặc sóng đẩy vào bờ rồi lại cuốn ra xa. Nó khác với con suối kể cả khi lũ về cô nhỉ. Lần đầu tiên, em biết thế nào là xây lâu đài trên cát, hì hụi mãi mới vốc được cát ướt tạo dựng toà tháp, thế mà chưa xong đã bị sóng cuốn đi... Anh ấy nói chưa bao giờ gặp một người giống như em, lại còn ví em trong veo như giọt nước biển mới lạ chứ...” “Ôi, sao lại thế nhỉ!” Miên thảng thốt kêu lên. Miên nhớ...
Buổi chiều, nắng nhạt dần, biển dịu dàng vuốt ve bờ cát trắng. Phong nói lời yêu và Miên lâng lâng cảm giác hạnh phúc, lòng tràn ngập những ước mơ về một tình yêu kỳ diệu. Cát mềm và mát, lạo xạo dưới hai tấm lưng trần. Phong vốc cát đầy tay thả trôi nhè nhẹ xuống vồng ngực căng tròn của Miên, bảo một ngày nào đó chúng sẽ biến thành những hạt kim cương. Miên nghĩ, Phong đẹp trai và lãng mạn như thế, còn mình thì... Bọn bạn bảo mình không đẹp, chỉ có duyên thôi. Liệu Phong có nhận ra cái duyên của mình mà yêu không nhỉ? Nói ra điều đó, Phong cốc nhẹ vào trán Miên: “Cô bé ngốc của tôi, tôi yêu em bởi em dịu dàng và trong veo như giọt nước biển”. Khuôn ngực vạm vỡ của Phong kề bên, hơi thở gấp gáp thoảng trong gió. Phong hay cùng Miên ngắm biển mỗi chiều. Những lần như thế, Miên ngả đầu lên vai anh nhìn hoàng hôn buông xuống, im nghe, đếm những con sóng vỗ bờ mà cảm nhận thuỷ triều đang lên, thấy mình thật nhỏ bé và hạnh phúc vì được che chở.
“... Suốt đêm em không tài nào chợp mắt được, có một chuyện làm em sợ. Lúc đi chơi cùng anh ấy về, một cơn mưa rào ập xuống. Chúng em nép vào một mái hiên bên đường, thế mà vẫn ướt hết. Em đứng co ro vì lạnh, anh ấy bất ngờ ôm chầm lấy em, nói rằng đã yêu em ngay từ lần đầu gặp nhau trên đồi sim ấy. Em cố vùng vẫy nhưng vòng tay anh ấy cứ siết chặt. Em chẳng còn biết gì khi làn môi nóng bỏng của anh ấy chạm vào em. Lạ thật, em cứ như con chim non lạc giữa rừng bị mưa làm ướt bộ lông mượt mà không thể vỗ cánh bay lên trời được nữa. Đó có phải là tình yêu không cô nhỉ? Em sợ đến chết mất thôi. Cô ơi, đã có người con trai nào như thế với cô chưa? Cảm giác lúc ấy của cô thế nào, có giống như em bây giờ không? Em yêu và sợ anh ấy.
Giấc ngủ đến chập chờn. Trong mơ, hiện lên gương mặt anh với nụ cười rạng rỡ. Mỗi khi cười, cả khuôn mặt, ánh mắt anh bừng sáng. Và cái khoảnh khắc đó khiến em không còn ấm ức hờn giận nữa. Cô ơi, sao chưa bao giờ cô kể cho em nghe về người ấy của cô. Hẳn là tuyệt vời lắm, như thế mới được cô giáo của em yêu chứ...”
Chao ơi, cái con bé này, có người yêu rồi mới đi hỏi người ấy của Miên. Mỉm cười, Miên tưởng tượng ra cảnh Mây đang lâng lâng vì hạnh phúc, đang bơi trong nụ cười lung linh của người yêu. Ngày ấy, Miên cũng đã từng như thế. Phong của Miên ít cười nhưng khi anh cười thì rất tuyệt, gương mặt anh bừng sáng lan toả những niềm hạnh phúc rất đỗi dịu dàng. Có lần, Miên đã nghĩ rằng dù sau này cuộc sống vất vả đến đâu, phải làm gì đi chăng nữa thì Miên cũng cố để được nhìn thấy nụ cười của anh hiện hữu. Bên anh, Miên có cảm giác được yên ổn. Nhưng rồi sau một vài lần Miên đưa Phong về ra mắt mẹ, mẹ lặng buồn dõi mắt xa xăm: “Con nhất quyết gắn bó với Phong ư?” “Dạ, sao hả mẹ?” “Cũng không có gì, nhưng mẹ linh cảm hình như ở Phong có điều gì đó... Cậu ấy khéo quá, tròn quá... Mà thôi, chắc tại mẹ già rồi...” Miên không để ý lắm đến lời mẹ. Cứ mặc kệ. Nếu đem hai con người so sánh với nhau thì Miên nhạy cảm và nội tâm, còn Phong, phóng khoáng và mạnh mẽ. Miên tin như thế sẽ tạo được một vòng tròn hạnh phúc. Mềm và ấm như một cái tổ.
Thư Mây đến khi năm học sắp kết thúc, Miên đang chuẩn bị cho những ngày hè xả hơi và thoải mái. Bọn bạn bảo: “Này, mày có tình cảm đồng tính với con bé hoang dã ấy à? Chứ mật độ thư từ thế này bọn tao nghi lắm!”. “Bọn bây lộn xộn quá!”. Miên cười chống chế. Thư Mây nói như khẩn khoản: “Trên ấy chắc nghỉ hè rồi, em không được nghỉ vì phải học thêm một lớp ngoại khoá. Anh ấy bảo: học chẳng bao giờ thừa mà cô. Bao giờ thì cô về, em mong được gặp cô lắm. Khi đó em sẽ giới thiệu anh ấy với cô, em tin cô sẽ có cảm tình và không phản đối em...”
“Cô Miên có điện tín này!”. Miên cầm bức điện lướt nhanh: “Chiều mai, 3 giờ, cô đón em ở bến xe nhé. Mây” Lạ thật. Sao lại là điện của Mây nhỉ? Miên cầm lá thư lật lại, rõ ràng là Mây bảo mình về mau kia mà! Con bé này, muốn làm mình bất ngờ đây. Miên tặc lưỡi.
Bến xe chiều thưa thớt người. Một bãi cỏ vàng xác xơ và cằn cỗi vì bị bánh xe lăn nát. Quang cảnh buồn khiến người chờ đợi càng thêm sốt ruột. Miên hết đứng lại ngồi, bụng nôn nao cảm giác khó tả. Cuối cùng thì chiếc xe cũng chầm chậm quành vào bến. Miên nhớn nhác tìm. Kia rồi. Mây ơi! Mây bước xuống xe đi về phía Miên. Trông em có vẻ gầy và xanh, mỏng manh như một áng mây chiều. Gương mặt lộ vẻ ưu tư, đôi mắt như lo âu hốt hoảng. Mây đi về một phía, chân bước nhẹ như sợ làm đau ngọn cỏ. Lâu mới cất tiếng hỏi Miên: “Cô đợi em lâu chưa?”. Hai người im lặng đi bên nhau. Miên linh cảm có điều gì đang xảy ra. Đến con suối nhỏ Miên bảo Mây ngồi lại nghỉ: “Em rửa mặt đi cho tỉnh, ngồi trên xe cả ngày chắc mệt lắm!” Mây xắn quần lội xuống suối, dòng nước mát làm Mây có vẻ tươi tỉnh hơn. Làn nước trong vắt soi rõ những hòn cuội xếp chồng lên nhau, óng ánh như những viên ngọc trai mẹ Phong thường đeo một chuỗi ở cổ. Mây với tay ngắt một nhánh hoa màu vàng cháy, những cánh hoa mềm rũ trong lòng bàn tay Mây.
“Hoa gì mà thơm thế?”. “Cô không biết à? Hoa giành giành đó!” . “Giành giành... hình như cô đã nghe ở đâu rồi nhỉ? Nhưng sao lại mọc bên suối?” “Mệ em kể, “ngày xưa, có hai người yêu nhau say đắm, nhưng cô gái không được nhà trai chấp nhận vì là người miền ngược, còn người con trai ở miền xuôi. Họ bảo hai phong tục tập quán khác nhau sẽ rất khó hoà hợp. Cô gái buồn phiền không biết tâm sự cùng ai, ngày mô cũng ra suối soi mình trong làn nước trong vắt kể lể sự tình. Lâu, cô gái kiệt sức rồi chết, hoá thành cây hoa giành giành này cô ạ. Người ta nói hoa giành giành có ma. Nhưng suy cho cùng, có cây hoa mô mọc bên suối mà không có ma, cô nhỉ!” “Ừ, Mây kể làm cô thấy rờn rợn. Thôi , ta về đi em, chiều rồi!” “Nước mát ri mà... còn sớm mà cô...” Mây nói và ngước mắt nhìn về phía mặt trời đang khuất dần sau mỏm núi. Trong khoảnh khắc, Miên nhìn thấy đường gân xanh ở cổ Mây đập phập phồng gấp gáp. Đường gân ấy, Miên nhìn thấy ở đâu rồi nhỉ? Miên cố lục lọi trong ký ức... À, đó là ngày thím Miên có thai bé Nhím... Hèn gì... Miên hoảng hốt cầm lấy cổ tay Mây: “Mây, em có thai phải không?” Không kịp phản ứng, Mây cúi đầu ánh mắt lảng tránh: “Răng cô biết?” Từ đôi mắt mệt mỏi của Mây ứa ra, ngân ngấn hai giọt nước: “Làm răng chừ hở cô?” Trân trối nhìn, Miên từ từ buông lỏng tay Mây bao giờ chẳng biết.
Hai người ngồi xuống một tảng đá, Miên vòng tay qua ôm ngang người Mây: “Lâu chưa em, nói cô nghe đi?” “Cũng mấy tháng rồi!” Cứ thế, im lặng. Những giọt nước mắt nóng hổi cùng lăn trên hai gương mặt thiếu nữ còn rất trẻ. Mây lấy ra một chồng thư, những lá thư của Miên mà suốt thời gian qua Miên đã gửi cho Mây với tất cả niềm yêu thương và tin tưởng. Một tấm ảnh bung ra, rơi xuống, lập lờ trôi theo dòng nước trong vắt. Miên nhặt lên. “Anh nớ đó! Bọn em chụp chung với nhau hôm đi tắm biển...” Như có một tiếng nổ khô khốc bật ra từ đâu đó. Vầng mây đen kéo đến che khuất ánh tà dương. Đồi núi chao đảo. Dòng suối ngừng trôi. Miên không nhìn thấy gì nữa... Miên không nhìn thấy nụ cười rạng rỡ vì hạnh phúc của người con gái, không còn nhìn thấy những ngọn sóng tung trắng xoá lên hai người, không còn nhìn thấy khuôn ngực vạm vỡ của người đàn ông Miên từng ngả đầu vào đó... “Cô ơi, răng mặt cô lại tái xanh rứa? Chết, cô bị trúng gió rồi...” Miên lịm dần trong ánh mắt hoảng hốt, đổ ập vào đôi tay vừa kịp đưa ra của Mây như một thân cây bị đốn ngã.
Miên tỉnh dậy, không gian im ắng quá. Qua ô cửa sổ, bóng đêm bao trùm tất cả, cô vặn to ngọn đèn dầu, lờ mờ nhớ lại những gì xảy ra lúc chiều. Miên quờ tay chạm phải một vật âm ấm. Mây đang ngủ gục bên cạnh. Cô kéo chăn ủ ấm cho Mây, gương mặt trẻ thơ và trong trẻo. Miên có cảm giác đau thắt ở ngực. Lẽ nào tất cả đang là sự thật. Miên không thể tin. Nhưng mà, đã quá rõ ràng trong bức ảnh kia. Mây đang cười rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh màu sáng nắng. Phong đứng quàng tay ôm lấy vòng eo Mây đưa khuôn ngực vạm vỡ cho Mây làm điểm tựa... Từ trong sâu thẳm, Miên chỉ bật ra được hai tiếng “Phong ơi” rồi cứ thế mặc cho hai hàng nước mắt rơi lã chã. Tất cả ngoài sức tưởng tượng của Miên. Đồi hoa sim vẫn nở, tím bảng lảng trong chiều, những hạt cát rồi cũng có thể trở thành kim cương, nhưng ký ức của Miên về Phong đã tan như sóng biển, vụn ra như kính vỡ. Miên ngồi thu lu một góc, đầu như muốn vỡ tung ra bởi ngàn vạn nhát búa va đập. Đờ đẫn cả người. Xa xa vẳng lại tiếng gà eo óc gáy. Bình minh đang dần phủ lên nền đêm đen màu vàng nắng.
Miên nhận thư mẹ, toàn những lời như van lơn: “Miên ơi, sao chưa về hở con, hè rồi, mọi người ai cũng mong con từng ngày... Mẹ sợ chốn ấy rừng thiêng nước độc, mà con gái có thì, cơ hội không phải lúc nào cũng có....” Miên khóc. Mẹ bao giờ cũng thế. Miên nhớ lại những lời mẹ nói về Phong. Mùa hè ấy, Miên ở lại bên Mây chờ ngày đứa bé ra đời.
Mây giờ chậm chạp với cái bụng cao vượt mặt. Miên cố tìm mãi, đâu rồi những bước chân sáo, đâu rồi khoé miệng rất tươi, đâu rồi ánh mắt lấp lánh? Có còn chăng chỉ là trong ký ức. Ai đó nói rằng, kỳ lạ thay đàn bà, họ có thể quên ngay công việc được giao, quên ngay cả những điều được học suốt từ thời tấm bé để nhớ đến mòn mỏi xác xơ một câu lừa dối ngọt ngào. Thế là hết. Mây ơi, em đã ném trọn mình vào cuộc chơi mà chỉ nhận lại nỗi đau không ai chia sớt được.
Miên đến, chững lại khi mắt chạm vào cái lều ở góc vườn, trông chẳng khác mấy cái chuồng trâu ở quê ngoại Miên. Nó được lợp bằng một lớp cỏ tranh, xung quanh bao bọc bằng lá chuối khô, chỉ chừa một cửa đủ cho một người chui vào. Phía trong tranh tối tranh sáng kê một cái chõng, những thanh nứa đan cài vào nhau phủ lên một lớp lá. Mây se sẽ nằm lên đó. Miên xót xa như cái ngày nhìn thấy tận mắt thằng cu Đất gần nhà ngoại ném con mèo hen đang còn sống xuống ao làng. Cảm giác sống mũi cay cay. Hoá ra ở đâu và có vẻ như lúc nào phong tục tập quán cũng khắt khe với người đàn bà. Họ luôn là người đầu tiên phải chịu những thiệt thòi mất mát, lại là người cuối cùng được chia phần hạnh phúc. Mây ơi, giá mà cô có thể làm được điều gì? Hình ảnh Mây cúi đầu chui vào cái lều lá tranh tối tranh sáng cứ hiển hiện, ám ảnh Miên trên suốt đường về. Miên thấy mình như bị hụt hơi.
“Cô Miên có điện tín này, sướng nhé!” Anh bưu tá nháy mắt tinh nghịch. “Anh được nghỉ 4 ngày. Đón anh ở bến xe lúc 3 giờ chiều nay. Phong”. Mọi vật quay cuồng dưới chân, Miên chóng mặt đưa tay ôm lấy ngực. Miên phải vui hay buồn? Giờ đây, Phong đâu còn là của Miên nữa. Miên đã cố lãng quên. Tình yêu ấy như một vầng trăng xưa cũ, lửng lơ chao đảo trong tâm hồn nhức nhối của Miên. Ngồi vào bàn, Miên hý hoáy viết: “Em bận, không thể ra đón anh được. Anh xuống xe hỏi đường vào bản Sách, đến con suối nhỏ, lùi lại 100m hỏi nhà pọ Minh, mệ Ché...”. Miên gấp tờ giấy làm tư quày quả chạy sang chỗ Hoa cầu khẩn: “Mày đưa cho Phong cái này, giúp tao với!...”, rồi tất tưởi chạy về gói ghém đồ dùng vào chiếc va ly nhỏ, chuẩn bị kịp chuyến xe khách về thành phố sớm nhất.
Nguyễn Thị Lê Na
Theo http://vanchuongviet.org/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...